BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Trích giảng Tiểu Bộ Kinh
Nguyên Tâm Trần Phương Lan
Tiểu Bộ Kinh - Chuyện Tiền Thân Chuyện
Lộc Vương hoan hỷ "Bà la môn, Ngài có vào ngự uyển..." Bậc Đạo Sư kể chuyện này tại Kỳ Viên về một Tỳ kheo phụng dưỡng mẹ mình. Ngài hỏi vị Tỳ kheo: -Có thật là ông phụng dưỡng người thế tục? -Thưa vâng, bạch Thế tôn. -Họ là ai? -Bạch Thế tôn, đó là cha mẹ con. -Lành thay, lành thay! Này Tỳ kheo, ông duy trì giới luật của các trí nhân ngày xưa, vì chư vị ấy ngay khi được sinh làm súc vật cũng hi sinh tính mạng vì cha mẹ. Và Ngài kể một câu chuyện quá khứ. * Ngày xưa, lúc vua nước Kosala ngự trị dân chúng tại Saketa (tức là Oudh), Bồ tát được sinh làm con nai. Khi lớn lên, Ngài có tên là Nandiyamiga (Hỉ Lộc) với tính tình và đức hạnh ưu thắng, Ngài phụng dưỡng song thân mình. Bấy giờ, vua Kosala có ý thích săn bắn, hàng ngày đi vào rừng cùng một đoàn tuỳ tùng đông đảo, vì thế dân chúng không thể làm nghề canh tác và thương mãi của họ được. Họ tụ tập nhau bàn luận: -Này chư vị, đức vua của chúng ta đang huỷ hoại nghề nghiệp của chúng ta, đời sống gia đình ta đang tàn tạ, nên chăng là chúng ta phải rào lâm viên Anjanavana lại, làm một cổng lớn, đào một hồ nước và gieo cỏ mọc lên, rồi vào rừng cầm gậy trong tay, đập vào các bụi rậm, như thế đuổi được bầy nai ra và đưa chúng vào lâm viên ở như bầy bò trong chuồng? Sau đó chúng ta đóng cổng lại, trình đức vua việc ấy và đi làm công việc của chúng ta? Đó là cách ta phải làm. Họ bảo nhau. Và họ đồng ý chuẩn bị lâm viên sẵn sàng, rồi vào rừng vào một khoảng rộng, mỗi bề một dặm. Lúc ấy Nandiya đã đem cha mẹ vào một bụi cây nhỏ và nằm xuống đất. Dân chúng cầm khiêng mộc, vũ khí bao vây bụi rậm kề sát nhau, một vài người bước vào tìm. Nai Nandiya thấy họ liền nghĩ: "Thật tốt là ta sẽ hi sinh tính mạng hôm nay để cứu cha mẹ". Như thế, nai đứng dậy cha mẹ và nói: -Thưa cha mẹ, đám người này sẽ trông thấy cả ba chúng ta nếu họ vào trong bụi, cha mẹ chỉ có thể sống sót được bằng cách duy nhất, và mạng sống cha mẹ là tối thượng: con sẽ hi sinh tính mạng của con vì cha mẹ, bằng cách đứng bên bờ bụi cây và chạy ra ngay khi họ đập vào bụi, sau đó họ sẽ nghĩ rằng chỉ có mộy con nai nhỏ trong bụi cây nhỏ này thôi, và sẽ không bước vào trong. Vậy cha mẹ hãy cố hết sức thận trọng". Thế là nai xin được phép đứng lên sẵn sàng chạy ra. Ngay khi bụi cây bị đám người đứng bên bờ đập mạnh và la hét, nai vụt chạy ra nên bọn họ nghĩ rằng chỉ có một con nai trong ấy và không bước vào trong. Nandiya cùng đi với đám nai kia, được đám người ấy xua vào trong lâm viên, rồi họ dóng cổng lại và trình lên đức vua xong xuôi, họ trở về nhà. Từ đấy, bao giờ vua cũng tự mình đi bắn nai và tự vua mang nai về hoặc truyền người đi tìm nó và mang về. Bầy nai chuẩn bị chờ đến phiên mình, con nào đến phiên phải đứng sang một bên, rồi họ mang nó đi khi nó bị bắn chết. Nandiya cứ uống nước trong hồ và ăn cỏ, nhưng chưa đến phiên mình. Nhiều ngày sau, cha mẹ ngài mong muốn được gặp con, liền nghĩ: "Con ta Nandiya là lộc vương, mạnh khỏe như voi và hoàn toàn tráng kiện. Nếu còn sống chắc chắn nó sẽ nhảy rào về thăm chúng ta rồi". Vì thế hai vị đứng bên vệ đường, vừa thấy một Bà la môn liền hỏi bằng giọng người: -Thưa Tôn giả, Ngài đi đâu thế? -Đi Sàketa. Vị ấy đáp. Nghe vậy, hai vị muốn nhắn đôi lời cho con bèn ngâm vần kệ đầu:
Vị Bà la môn bảo: -Được lắm! Và nhận lời. Ngày hôm sau, vị ấy đi đến Sàketa, vào vườn ngự uyển hỏi lớn: -Nai nào là Nandiya? Nai chúa đến gần vị ấy, bảo: -Ta đây. Vị Bà la môn nói lại lời nhắn kia, Nandiya nghe vậy đáp: -Này Bà la môn, ta có thể ra đi. chắc chắn ta có thể nhảy rào trốn đi. Song ta thọ hưởng thức ăn nước uống của đức vua và việc ấy đối với ta như một món nợ. Ngoài ra, ta đã sống lâu nay với bầy nai này, thật không hợp lí nếu ta đi mà không làm lợi ích cho đức vua và bầy nai nữa, hoặc không chứng tỏ sức mạnh của ta. Vậy khi nào đến phiên ta, ta sẽ làm lợ ích cho cả người lẫn vật, rồi an vui trở về. Để giải thích điều này ngài ngâm hai vần kệ:
Vị Bà la môn nghe lời này bèn bỏ đi. Sau đó, vào ngày đến lượt nai chúa, vua cùng đoàn tuỳ tùng đông đảo vào vườn ngự uyển. Bồ tát đứng sang một bên. Vua bảo: -Ta sẽ bắn nai này. Và vua lắp một mũi tên nhọn vào dây cung. Bồ tát chẳng bỏ chạy như các con nai khác khi sợ chết, mà lòng đầy can đảm và lấy từ ái làm kim chỉ nam. Ngài đứng yên phô bày bộ xương sườn thật cường tráng. Do động lực của từ tâm, vua không thể thả mũi tên ra. Bồ tát bảo: -Tâu đại vương, tại sao đại vương không bắn? Xin hãy bắn đi. -Này lộc vương, trẫm không thể bắn được. -Tâu đại vương, thế thì xin hãy xem các công đức của vị giữ giới hạnh. Sau đó vua hoan hỉ với lời bồ tát, liền thả cung xuống và bảo: -Khúc gỗ vô tri giác này không biết đức độ của ngươi, chứ trẫm là người có tri giác lẽ nào alị không hiểu? hãy tha thứ cho trẫm, nay trẫm cho ngươi được bình an. -Tâu đại vương, ngài cho ta được bình an, song còn cả đàn nai trong ngự viên này thì sao? -Trẫm cũng sẽ cho chúng bình an nữa. Như vậy, sau khi tạo được bình an cho tất cả bầy nai trong lâm viên, chim muông trên trời và bầy cá dưới nước, theo cách được miêu tả trong tiền thân Nigrodhamiga (số12), Bồ tát làm cho vua an trú vào ngũ giới và bảo: -Tâu đại vương, tốt lành thay cho một đức vua cai trị quốc độ bằng cách từ bỏ mọi ác đạo, không xâm phạm "Thập vương pháp" (mười đức tính của vi vua) và hành động chân chánh:
Cùng với những lời này, ngài nêu rõ mọi đức tính của vị vua hiền qua hình thức một bài kệ. Sau vài ngày ở lại cùng nhà vua, ngài ra lệnh truyền một chiếc trống bằng vàng đi khắp kinh thành, công bố lời hứa bình an cho mọi loài. Sau đó ngài bảo: -Xin đại vương hãy cẩn trọng phòng hộ. Rồi ngài ra về thăm cha mẹ.
Đây là những vần thi kệ phát sinh từ Tối Thắng Trí của đức Phật. * Khi chấm dứt pháp thoại, bậc Đạo Sư tuyên thuyết các thánh đế và nhận diện tiền thân. Lúc kết thúc các thánh đế, vị Tỳ kheo phụng dưỡng cha mẹ đã được an trú vào sơ quả(Dự lưu). Thời ấy, song thân là phụ vương và mẫu hậu trong hoàng gia, vị Bà la môn là Sàriputta (Xá lợi phất), vua là Ànanda(A nan) và ta chính là Lộc vương ấy. -ooOoo- Nhận xét: Lòng hiếu thảo đối với cha mẹ là một trong những đề tài chính của bộ Jàtaka được đức Phật đề cao qua nhiều chuyện quá khứ lẫn hiện tại. Thông thường, một Tỳ kheo xuất gia từ giã gia đình không còn những hệ luỵ của thế gian để vị ấy có thể chuyên tâm tu tập con đường giải thoát giác ngộ. Tuy nhiên, nếu vị ấy còn cha mẹ già không nơi nương tựa, thì vị ấy cũng có thể phụng dưỡng cha mẹ mình mà không bị đức Phật khiển trách như nhiều người lầm tưởng và đem rình ngài câu chuyện ấy. Trái lại, khi nghe thuật lại việc một Tỳ kheo còn phụng dưỡng cha mẹ già, Ngài còn tán thán hiếu hạnh ấy cùng khuyên can các vị đồng phạm hạnh của vị ấy chớ nên bất mãn, và sau đó, Ngài kể những chuyện quá khứ chứng minh hiếu hạnh là một trong những đức tính tốt đẹp nhất của các loài hữu tình có trí tuệ, và ngay khi còn ở kiếp xúc sinh, Bồ tát cũng đã từng nêu tấm gương cao cả sáng ngời để cảm hoá mọi loài, đặc biệt là loài người. Lòng hiếu thảo quả thật là đặc tính của những chúng sinh có trí tuệ, vì thế rất hiếm thấy ở loài vật thông thường chỉ có bản năng thương yêu con của chúng mà thôi. Tuy nhiên, Bồ tát tiền thân đưc Phật với hạnh nguyện đại bi cứu độ muôn loài chúng sinh, đã thể hiện đặc tính ấy qua nhiều hình thức tái sinh khác nhau, điển hình là hình thức nai chúa Hoan Hỉ trong tiền thân này. Với bản tính và danh xưng đều là hoan hỉ, Bồ tát sẵn sàng hi sinh thân mạng để cứu cha mẹ và muôn loài theo khả năng kì diệu của mình. Khi nghe vua muốn bắn nai để ăn thịt, Bồ tát tìm cách đánh lừa thợ săn để cha mẹ được thoát nạn, còn ngài vẫn an vui đợi ngày bị hành hình chứ không bỏ trốn. Dù nai chúa có đủ tài trí và sức mạnh để thoát khỏi vòng vây trong ngự uyển, ngài vẫn ở lại đó để đợi dịp trả ân vua đã cho mình ăn uống trong một thời gian, đồng thời có thể dùng tâm từ giáo hoá vua và cứu cả bầy nai. Do động lực từ tâm của Bồ tát đối với muôn loài, Ngài tỏ ra vô cùng can đảm trước mũi tên của vua đang sẵn sàng lao tới, vua không thể nào bắn nai như đã dự định. Trái lại, vua cảm thấy ân hận vì ác tâm của mình đối với thú vật lâu nay, nên đã ra lệnh tha chết cho muôn loài ở trong quốc độ mình. Sau đó vua được Bồ tát an trú vào ngũ giới, từ bỏ ác đạo, và vua được Ngài dạy Thập vương pháp để trị nước đúng tư cách của bậc minh quân suốt đời làm thiện sự để đem alị an lạc cho dân chúng tái sinh cõi lành đời sau. Và câu chuyện kết thúc với sự trở về an toàn của Bồ tát bên cạnh cha mẹ mình trong niềm hoan hỉ của mọi loài. (Trích Nguyệt san Giác Ngộ số 60, 03-2001) -ooOoo- |
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 24-09-2002