BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Tiểu Bộ Kinh - Tập VII

Chuyện Tiền Thân Đức Phật (IV)

Giáo sư Trần Phương Lan dịch Việt


Chương XII
Phẩm MườI Hai Bài Kệ


464. Chuyện Tiểu Vương Điểu Kùnala (Tiền thân Culla - Kanàla)

Chuyện này sẽ được kể trong Tiền thân Kunàla, số 536, tập VII.

-ooOoo-

465. Chuyện Sàla, Cổ Thụ Cát Tường (Tiền thân Bhadda-Sàla)

Ngài là ai đứng giữa không gian..,

Chuyện này bậc Ðạo sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc thực hành thiện sự đối với họ hàng quyến thuộc của mình.

Tại Xá-vệ, trong nhà ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc) bao giờ cũng đầy đủ thực phẩm cho năm trăm vị Tỷ-kheo và tại nhà bà Visàkhà (Tỳ-xá-khư) hay cung vua Kosala cũng vậy. Nhưng trong cung vua, dù thực phẩm đầy đủ mỹ vị cao lương, vẫn không ai tỏ ra thân thiết với Tăng chúng. Do đó Tăng chúng không bao giờ ăn uống tại cung vua mà chỉ đem thực phẩm ra về dùng tại nhà ông Cấp Cô Ðộc hay bà Visàkhà hay một thân hữu nào đó.

Một ngày kia, vua bảo:

- Một tặng vật vừa được mang lại, hãy đem đến cho các Tỷ-kheo.

Rồi ngài bảo đưa nó đến trai đường, song họ tâu rằng không có Tăng chúng trong trai đường. Vua hỏi:

- Thế Tăng chúng đi đâu rồi?

Họ đáp:

- Tăng chúng đang ngồi ăn uống tại nhà các thân hữu.

Vì thế, sau khi dùng điểm tâm xong, vua liền đến yết kiến bậc Ðạo sư, và hỏi:

- Bạch Thế Tôn, loại thực phẩm nào là tối thắng?

Ngài đáp:

- Thưa Ðại vương, thực phẩm của bằng hữu là tối thắng, ngay cả món cháo thiu được thân hữu đem cho cũng trở thành ngon ngọt.

- Như vậy, bạch Thế Tôn, Tăng chúng tìm được tình bằng hữu ở những người nào?

- Thưa Ðại vương, với các thân tộc của họ hay các dòng họ Thích-ca (Sakya).

Sau đó vua suy nghĩ giá như ngài chọn một thiếu nữ dòng Thích - ca làm chánh hậu, rồi Tăng chúng sẽ là thân hữu của vua, cũng như đối với thân tộc của Tăng chúng vậy.

Vì thế ngài đứng dậy trở về cung và gửi thông điệp đến thành Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) với mục đích này: "Hãy dâng cho trẫm một cô gái của quý quốc để làm cung phi, vì trẫm mong ước được kết thân với dòng họ của quí quốc".

Khi nhận được thông điệp này, cả dòng họ Thích-ca tập họp lại và thảo luận kỹ lưỡng:

- Chúng ta hiện sống trong một vùng thuộc quyền của vua Kosala, nếu ta từ chối việc gả con gái, ngài sẽ nổi giận, còn nếu ta đem dâng con, thì phong tục dòng họ của ta sẽ bị phá vỡ, vậy ta phải làm gì đây?

Lúc ấy vương tử Mahànàma bảo:

- Xin đừng bận tâm việc này. Ta có một đứa con gái tên là Vàsabhakhattiyà. Mẹ nó là một nô tỳ, tên là Nàgamundà, nay nó chừng mười sáu tuổi, dung sắc mỹ lệ khác thường và tướng mạo tốt lành, lại thuộc dòng dõi quý tộc (Sát-đế-ly) về bên phía họ cha. Chúng ta sẽ đem gả nàng như một cô gái chính thống quý tộc.

Dòng họ Thích-ca chấp thuận, và cho mời các sứ giả vào, bảo rằng dòng họ này sẵn sàng gả con gái trong gia tộc, nên các sứ giả có thể mang nàng về nước ngay. Song các sứ giả suy nghĩ: "Các vị Thích-tử này vô cùng kiêu mạn về vấn đề dòng họ. Giả sử như các ngài gả một cô gái không thuộc dòng họ của các ngài và cứ bảo là đúng thế thì sao? Chúng ta sẽ không nhận nàng nào trừ ra người cùng ngồi ăn chung với các ngài". Vì thế các sứ thần đáp:

- Ðược rồi, chúng thần sẽ nhận nàng. Song chúng thần sẽ chỉ nhận một nàng cũng ngồi dùng bữa với các ngài thôi.

Dòng họ Thích - ca sắp đặt một chốn ở cho các sứ thần, rồi băn khoăn không biết phải làm gì. Mahànàmà bảo:

- Bây giờ đừng bận tâm gì chuyện ấy nữa. Ta sẽ tìm cách. Vào giờ ta dùng bữa ăn, hãy đem Vàsabhakhattiayà, được phục sức thật lộng lẫy đến đây, rồi ngay khi ta đã ăn một miếng hãy đem đến một lá thư và nói: "Tâu chúa công, có vị vua kia gởi thông điệp đến chúa công, xin chúa công nghe thông điệp ngay bây giờ".

Hội chúng đồng ý và khi ông đang dùng bữa, họ phục sức và trang điểm cho cô gái kia. Mahànàmà bảo:

- Hãy đưa ái nữ ta vào và cho con ta cùng dùng bữa với ta.

- Xin chúa công đợi một lát - họ thưa - nàng đang được trang điểm thật tề chỉnh.

Và chẳng mấy chốc họ đưa nàng vào. Nàng mong đợi được dùng cơm với vua cha, nên đặt tay vào cùng một đĩa thức ăn với cha nàng. Mahànàmà đã lấy xong một miếng và đã đưa vào mồm; ông vừa đưa tay ra lấy miếng khác thì họ đem vào một bức thư và nói:

- Tâu chúa công, có vị vua kia gởi thông điệp đến cho chúa công, xin chúa công hạ cố nghe thông điệp ấy ngay bây giờ.

Mahànàmà bảo:

- Này con yêu quý, con cứ dùng cơm đi nhé.

Rồi tay phải ông vẫn để trong đĩa, tay trái vừa cầm lá thư vừa nhìn vào đó. Trong khi ông xem bức thông điệp kia, cô gái vẫn tiếp tục ăn cơm. Khi nàng đã ăn xong, ông rửa tay và súc miệng. Các sứ thần tin chắc chắn nàng là con gái vị vương tử này, vì họ không đoán ra điều bí ẩn.

Do vậy Mahànàmà tiễn đưa con gái ra đi vô cùng trọng thể. Các sứ thần đem ngay về Xá-vệ và bảo nàng này là con gái chính thức của vương tử Mahànàmà. Vua rất hoan hỷ, ra lệnh cả kinh thành trang hoàng thật đẹp rồi đặt nàng ngồi lên một đám châu báu và cử hành lễ quán đảnh phong làm chánh hậu. Nàng được vua rất mực sủng ái.

Chẳng bao lâu hoàng hậu có thai, nên vua ra lệnh chăm sóc nàng thật chu đáo, và sau mười tháng nàng hạ sinh một hoàng nam, có màu da hoàng đồng. Và ngày đặt tên hài nhi, vua gửi chiếu thư đến tổ mẫu của ngài hỏi:

- Vàsabhakhattiyà đã sinh ra một hoàng nam, nàng là công chúa dòng họ Thích - ca, vậy sẽ đặt tên hài nhi là gì?

Lúc bấy giờ viên cận thần mang chiếu thư ấy hơi lãng tai, song lão cũng đi trình lại với bà tổ mẫu của vua. Khi bà nghe chuyện ấy, bà bảo:

- Ngay như khi Vàsabha chưa từng sinh ra một hoàng nam, nàng cũng đã là một người tuyệt thế, và nay nàng sẽ là ái hậu của vua.

Lão điếc này không nghe rõ tiếng "ái hậu" (Vallabhà) cho đúng, mà cứ tưởng bà bảo là "Vidùdabha", nên lão về yết kiến vua, tâu với ngài rằng phải đặt tên hoàng tử là Vidùdabha. Vua tưởng đây hẳn là tên của một gia tộc cổ sơ nào đó, nên đặt tên con là Vidùdabha.

Sau đó, hoàng tử ấy lớn lên được nuôi nấng đúng như cung cách của một hoàng tử. Khi hoàng tử lên bảy tuổi, thường quan sát các vương tử kia nhân được quà voi ngựa và nhiều đồ chơi khác ra sao từ các gia tộc bên họ mẹ, cậu bảo mẹ:

- Thưa mẹ, các trẻ kia đều được quà từ bên mẹ của chúng, song không ai gửi cho con quà gì cả. Vậy mẹ có phải là con côi không?

Lúc ấy nàng đáp:

- Này con, các tổ phụ của con là các vua dòng họ Thích-ca, song các ngài ở xa lắm, vì thế chẳng gởi gì cho con cả.

Một lần nữa, lúc được mười sáu tuổi, cậu hỏi:

- Thưa mẹ, con muốn đi thăm gia tộc của tổ phụ.

Nàng bảo:

- Thôi con đừng nói đến chuyện ấy nữa, con sẽ làm gì khi đến đó?

Song dù nàng thoái thác, cậu cứ năn nỉ xin nàng mãi, cuối cùng mẹ cậu bảo:

- Thôi được, con cứ đi.

Vì vậy cậu xin vua cha chấp thuận và lên đường cùng một đám tùy tùng. Vàsabha gởi thư về nhà trước khi cậu đến với ý định này:

- Con đang sống hạnh phúc ở đây, xin các Tôn giả đừng nói cho hoàng tử biết chuyện bí mật kia.

Song dòng họ Thích-ca khi hay tin Vidùdabha đến, liền cho các vương tử trẻ tuổi đi về vùng quê. Họ bảo nhau:

- Ta không thể đón tiếp thằng bé này trịnh trọng được.

Khi hoàng tử đến Ca-tỳ-la-vệ, dòng họ Thích-ca tập họp trong nhà nghỉ của vua. Vị hoàng tử đến gần nhà nghỉ ngồi đợi. Rồi bọn kia bảo cậu:

- Ðây là ngoại tổ của con, đây là quốc cửu - họ vừa chỉ rõ từng vị.

Cậu đi đảnh lễ từng người nọ đến người kia, song mặc dù cậu đã cúi đầu chào toàn gia tộc đến mỏi cả lưng, chẳng ai chịu hạ cố chào lại cậu cả, vì thế cậu hỏi:

- Sao lại chẳng có ai trong gia tộc chào lại con cả thế này?

Gia tộc Thích-ca đáp:

- Này con, các tiểu vương tử đi về quê cả rồi.

Sau đó cả gia tộc thết đãi cậu rất trọng thể.

Sau vài ngày ở lại, hoàng tử trở về nhà cùng cả đoàn tùy tùng. Vừa lúc ấy một nô tỳ chùi chiếc ghế mà cậu đã dùng trong nhà nghỉ ấy với nước sữa, vừa nói nhục mạ:

- Ðây là ghế ngồi của con trai nàng Vàsabhakhattiyà, nữ tỳ ấy mà.

Một người hầu bỏ quên cây giáo đang đi tìm, nghe thoáng lời lăng mạ hoàng tử Vidùdabha. Gã hỏi:

- Như thế nghĩa là gì?

được kể cho biết là Vàsabha đã do một nữ tỳ sinh ra với vương tử Mahànàmà, dòng Thích-ca. Gã liền kể chuyện này cho quân lính nghe. Thế là tiếng huyên náo vang lên, cả đám đều la lớn:

- Vàsabha là con gái của một nô tỳ, chúng bảo thế đấy!

Vị vương tử này nghe chuyện ấy: "Ðược rồi" - cậu nghĩ thầm: "Mặc chúng cứ đổ sữa trên ghế ta ngồi để rửa nó đi. Khi ta lên ngôi, ta sẽ rửa chỗ ngồi bằng máu trong tim chúng".

Khi cậu trở về Xá-vệ, quần thần kể mọi chuyện với vua. Vua nổi cơn thịnh nộ với dòng họ Thích-ca vì đã đưa con gái của một nô tỳ về làm hoàng hậu của ngài, ngài truất hết các khoản tiền đã cấp phát cho Vàsabha và con trai nàng, chỉ còn những thứ vừa đủ với hạng gia nô mà thôi.

Vài ngày sau, bậc Ðạo sư đến cung vua, và ngồi xuống tọa sàng. Vua đến gần Ngài đảnh lễ và nói:

- Bạch Thế Tôn, trẫm nghe rằng thân tộc của Ngài đưa con gái của một nô tỳ về cho trẫm làm hoàng hậu. Trẫm đã truất hết phần trợ cấp của chúng, và chỉ cho chúng những thứ dành cho nô tỳ mà thôi.

Bậc Ðạo sư đáp:

- Tâu đại vương, dòng họ Thích-ca đã làm việc trái đạo! Nếu họ dâng con gái, đáng lẽ ra họ phải dâng một công chúa thuộc dòng huyết thống của họ kia. Song, thưa đại vương, Ta nói điều này, Vàsabha là con gái của vị vương tử, và trong cung điện của một vị vua quý tộc Sát-đế-ly, nàng đã nhận lễ quán đảnh; còn Vidùdabha cũng là vương tử của một vị vua quý tộc Sát-đế-ly. Các bậc trí nhân ngày xưa đã bảo: Dòng họ mẹ nào có quan trọng, dòng họ cha mới là chuẩn mực. Với một người vợ nghèo khó, một người lượm củi, họ đã đưa lên địa vị chánh hậu, và vị vương tử do bà ấy sinh ra được nắm vương quyền tại Ba-la-nại, rộng mười hai dặm đã trở thành vua Kattha-Vàhana, hiệu là Tiều phu.

Do đó, Ngài kể cho vua nghe chuyện tiền thân Katthahàri (số 7 - Chuyện Nàng lượm củi).

Khi vua nghe bài thuyết giáo này, lòng rất hoan hỷ nhủ thầm: "Dòng họ cha là tiêu chuẩn đo lường một con người". Rồi vua lại ban những gì phù hợp cho hai mẹ con nàng như trước.

Lúc bấy giờ viên đại tướng quân của vua, là một người có tên gọi Bandhula. Vợ ông ta là Mallikà không sinh sản gì, nên ông sai đưa nàng đến tận Kusinàra, bảo nàng trở về với gia đình nàng. Nàng nói:

- Ta sẽ đi khi nào ta đã kính bái bậc Ðạo sư.

Nàng đi đến Kỳ Viên vái chào đức Như Lai rồi đứng đợi một bên. Ngài hỏi:

- Bà đi đâu bây giờ?

Nàng đáp:

- Bạch Thế Tôn, chồng của con bảo đưa con về nhà.

Bậc Ðạo sư hỏi:

- Vì cớ gì?

- Bạch Thế Tôn, vì con không sinh sản, con không có con trai.

Ngài đáp:

- Nếu chỉ có vậy, thì chẳng có lý do gì bà phải đi cả. Hãy về lại.

Nàng rất hoan hỷ kính chào bậc Ðạo sư rồi trở về nhà. Chồng nàng hỏi tại sao nàng lại trở về, nàng đáp:

- Ðấng Thập Lực bảo đưa thiếp trở lại, thưa phu quân!

Vị đại tướng nói:

- Thế thì đấng Thập Lực ắt hẳn đã thấy rõ lý do tốt lành rồi.

Chẳng bao lâu đó nàng thụ thai. Khi nàng bắt đầu những cơn thèm ăn của người mang thai, nàng bảo cho ông biết. Ông hỏi:

- Thế nàng muốn gì?

Nàng đáp:

- Thưa phu quân, thiếp muốn đi tắm và uống nước hồ ở thành Vesàli (Tỳ-xá-ly), nơi mà các hoàng gia thường lấy nước để làm lễ quán đảnh phong vương.

Vị đại tướng hứa sẽ cố gắng chìu ý. Cầm lấy cây cung của ông mạnh bằng cả ngàn cây cung khác, ông đưa bà vợ lên xe rời thành Xá-vệ và lái xe đến Tỳ-xá-ly.

Lúc bấy giờ gần cổng thành có một người của bộ tộc Licchavi tên là Mahàli đã từng được học cùng một vị sư phụ với đại tướng Bandhula của vua Kosala. Người này mù, vẫn thường khuyên các người Licchavi về những thế sự cũng như thánh sự. Khi nghe tiếng xe chạy lóc cóc trên ngưỡng cửa, ông nói:

- Ðây là tiếng xe của đại tướng Bandhula! Ngày hôm nay các người Licchavi có mối lo sợ.

Bên hồ có một đội quân canh gác nghiêm ngặt, bên trong lẫn bên ngoài, ở trên lại có lưới sắt, không một con chim nào tìm chỗ lọt vào được. Song vị đại tướng, vừa xuống xe đã tung thanh kiếm ra khiến quân canh bỏ chạy và ông liền xông qua lưới sắt, vào trong hồ cho bà vợ tắm và uống nước, rồi sau khi chính ông cũng tắm xong, ông đưa Mallikà lên xe, rời thành và trở về bằng đường lối đã đến. Quân canh đi thưa chuyện với các người Licchavi. Lúc ấy các vương tử của bộ tộc Lichavi nổi giận, năm trăm vị leo lên năm trăm cổ xe, đi bắt tướng quân Bandhula. Họ báo tin ấy cho Mahàli, ông bảo:

- Ðừng đi, vì kẻ kia sẽ giết hết các ngài đấy.

Song họ bảo:

- Không, chúng ta muốn đi.

- Vậy khi nào các ngài đến một nơi mà bánh xe lún xuống tận trục thì phải trở về. Nếu các ngài không trở về lúc ấy các ngài hãy trở về nơi mà các ngài nghe tiếng sấm sét. Nếu các ngài không trở về lúc ấy thì các ngài hãy trở về nơi mà các ngài thấy một cái lỗ ở phía trước các xe. Ðừng đi xa nữa.

Song các người ấy không trở lại theo lời ông mà cứ đi tới mãi. Mallikà nhìn thấy họ và bảo:

- Thưa phu quân, có các cỗ xe xuất hiện kìa.

- Vậy hãy nói cho ta biết - ông bảo - khi nào tất cả bọn chúng trông giống như một cỗ xe mà thôi.

Khi tất cả bọn chúng đứng thành một hàng giống như một chiếc xe, nàng bảo:

- Thưa phu quân, thiếp thấy chúng giống như thể cái đầu của một cỗ xe mà thôi.

- Vậy hãy cầm lấy dây cương.

Vị tướng quân bảo và trao dây cương vào tay bà. Ông đứng dậy trên cỗ xe và giương chiếc cung ra. Bánh xe kia lún vào đất đến tận trục xe. Bộ tộc Licchavi đến tận nơi, thấy thế nhưng không trở lui về. Vị tướng quân kia tiến lên một đoạn nữa và bật dây cung lên liền phát ra một tiếng ầm như sấm dậy. Nhưng đám kia vẫn chưa trở lui về mà cứ đuổi theo nữa. Bandhula đứng trên xe và bắn tên ra, mũi tên làm vỡ đầu cả năm trăm cỗ xe và xuyên qua cả năm trăm vương tử ở nơi có buộc dây đai rồi chôn vùi xuống đất. Các vị này không biết họ đã bị thương nên cứ tiếp tục đuổi theo nữa và la lớn:

- Dừng lại! Này, dừng lại!

Bandhula dừng xe lại, bảo:

- Các người chết cả rồi! Ta không đánh với người chết đâu!

Họ bảo:

- Sao, chúng ta thế này mà chết à?

Bandhula bảo:

- Hãy mở dây đai của người đầu tiên ra.

Bọn kia mở dây đai người ấy, ngay lúc mở dây ra, người kia liền ngã xuống chết luôn. Lúc ấy vị tướng quân bảo cả bọn:

- Các người đều bị như vậy cả, hãy về nhà đi, sắp đặt mọi việc gì cần sắp đặt, dặn dò vợ con gia tộc, rồi hãy cởi giáp bào ra.

Họ làm theo như vậy, xong đâu đó, cả bọn đều trút hơi thở cuối cùng.

Về sau, tướng Bandhula đưa Millikà về Xá-vệ. Bà sinh ra những cặp song nam liên tiếp mười sáu lần, chúng đều lớn lên dũng mãnh anh hùng, thành đạt trọn vẹn trong mọi việc. Mỗi người lại có cả ngàn quân tùy tùng và khi chúng theo cha vào chầu vua, riêng phần chúng đã đứng chật cả sân chầu.

Một ngày kia, một số người thua kiện vì bị vu cáo, thấy Bandhula đi đến, liền lên tiếng kêu than vang dậy, và bảo cho ông biết các quan tòa đã hỗ trợ một chuyện vu cáo. Vì thế Bandhula vào triều, xử lại vụ án rồi cho phần mỗi người như cũ. Ðám đông hò reo tán thưởng. Vua hỏi việc gì và khi nghe vậy, ngài rất hoan hỷ. Ngài chuyển các quan tòa kia đi xa, giao cho Bandhula trọng trách xử án, từ đó ông xử rất công minh. Sau đó các quan tòa kia trở nên nghèo khó, ví họ không còn nhận hối lộ nữa, nên họ phỉ báng Bandhula đến tận tai vua, kết tội vị tướng quân này muốn nhắm chiếm ngai vàng; vua nghe lời họ, không sao tránh khỏi hoài nghi. Song vua suy nghĩ đắn đo: "Nếu lão ấy bị chết tại đây thì ta sẽ bị trách cứ".

Ngài liền ra lệnh cho một số người cướp phá các vùng thị trấn ở biên địa, rồi mời Bandhula đến và bảo:

- Biên thùy đang gặp khói lửa, khanh hãy cùng các công tử đi bắt bọn cướp kia.

Vua cũng đưa đi một số chiến sĩ dũng cảm, tài ba, rồi căn dặn họ giết cả vị tướng quân cùng ba mươi hai công tử kia, cắt lấy đầu đem về.

Khi ông lên đường, bọn cướp đánh thuê ấy biết tin đại tướng đến, liền bỏ chạy. Vị tướng quân định cư lập nghiệp cho dân khu vực ấy rồi dẹp yên thành phố xong lên đường về. Sau đó khi ông đến gần kinh đô, các tùy tướng kia lại cắt đầu ông cùng các công tử.

Ngày hôm ấy Mallikà mời hai vị Ðại đệ tử cùng với năm trăm vị Tỷ-kheo. Từ sáng sớm đã có thư đưa vào cho bà báo tin chồng bà và các công tử đã mất đầu. Khi nghe vậy bà không nói với ai một lời, bà nhét thư vào áo, và lo dọn bữa cơm mời chúng Tỷ-kheo. Khi các gia nhân của bà đã cúng dường cho các Tỷ-kheo xong, lại mang vào một chén đựng bơ tươi, vô ý làm vỡ cái chén ấy ngay trước Tăng chúng. Lúc ấy vị tướng quân Chánh pháp (Sàriputta) bảo:

- Chén bát được làm ra để đánh vỡ, xin bà đừng buồn phiền việc ấy.

Vị phu nhân đưa lá thư từ trong nếp áo ra đáp:

- Ðây đệ tử được bức thư báo tin phu quân và ba mươi hai con trai của đệ tử đã bị cắt đầu. Nếu đệ tử không buồn phiền việc ấy, có lẽ nào lại buồn phiền khi cái chén bị đánh vỡ?

Vị Tướng quân Chánh pháp bấy giờ bắt đầu nói:

- Không được thấy, không được biết là đời người dưới đây...v.v...(Kinh tập, Kinh Mũi tên, kệ 574).

Rồi từ chỗ đứng dậy, ngài thuyết pháp và ra về.

Phu nhân liền triệu tập ba mươi hai nàng dâu lại bảo:

- Phu quân của các con mặc dù vô tội, đã thọ lãnh nghiệp quả đời trước. Các con đừng sầu bi, cũng đừng tạo ác nghiệp nặng hơn tội của vua.

Phu nhân khuyên nhủ như vậy. Bọn thám tử mật của vua nghe lời này, trình với vua rằng họ chẳng oán hận. Sau đó, vua ân hận đi đến nhà phu nhân cầu xin Mallikà và các con dâu của bà tha thứ và ban một điều ước. Bà đáp:

- Xin nhận.

Bà cử hành tang lễ xong, tắm rửa rồi đến yết kiến vua. Bà nói:

- Tâu Chúa thượng, Chúa thượng đã ban cho thần thiếp một ân huệ. Thần thiếp xin điều gì ngoài chuyện này: đó là xin Thánh thượng cho phép thần thiếp cùng ba mươi hai con dâu trở về nhà cha mẹ của mình.

Vua chấp thuận. Bà liền đưa mỗi nàng dâu về nhà cũ, xong chính bà cũng về nhà cha mẹ mình ở thành Kusinàra. Rồi vua phong chức đại tướng cho một vị Dìgha-Kàràyana, con trai của một bà chị đại tướng Bandhula. Song vị này đi đâu cũng vạch tội vua và bảo:

- Vua đã giết cậu ta.

Mãi lâu sau vụ giết hại vị tướng quân vô tội Bandhula ấy, vua cứ bị hối hận giày vò nên tâm hồn không còn thanh thản, ngài không cảm thấy hứng thú khi được làm vua nữa. Thời ấy, bậc Ðạo Sư ở gần một thị trấn của dòng họ Thích-ca tên là Ulumpa. Vua đến đó đóng trại không xa hoa viên ấy, và cùng vài cận thần đi đến tinh xá để đảnh lễ bậc Ðạo Sư. Vua đem trao năm biểu tượng của vương quyền cho Kàràyana, rồi một mình đi vào Hương phòng. Mọi việc tiếp theo được mô tả như trong Kinh Dhammacetiya (Pháp Trang nghiêm, Trung bộ, số 89).

Khi vua bước vào Hương phòng của đức Phật, Kàràyana cầm lấy năm biểu tượng của vương quyền ấy và tôn Vidùdabha lên làm vua, chỉ để lại đó cho vua cũ một con ngựa và một nữ tỳ, rồi đi đến Xá-vệ.

Sau buổi đàm thoại vui vẻ với bậc Ðạo Sư, vua trở về chẳng thấy binh sĩ đâu cả, ngài hỏi người nữ tỳ, và biết được mọi việc đã xảy ra. Rồi ngài đi đến kinh thành Vương Xá, quyết định đem theo người cháu trai cùng ngài đi bắt sống Vidùdabha. Khi vua đến kinh thành thì trời đã tối, cổng thành đã đóng, nên ngài nằm nghỉ trong một túp lều, bị đuối sức vì dãi dầu sương gió, ngài băng hà tại đó.

Khi đêm vừa sáng dần, cô nữ tỳ bắt đầu gào khóc:

- Trời ơi! Ðại vương Kosala đã vô phương cứu chữa rồi!

Có người nghe tiếng kêu than liền đưa tin đến vua xứ ấy (tức Ajàtasattu). Vua này liền cử hành tang lễ cho cậu mình rất trọng thể.

Sau khi vua Vidùdabha an vị trên ngai vàng, nhớ lại mối thù xưa của mình và quyết định đi sát hại tất cả dòng họ Thích-ca. Với mục đích trên, vua lên đường cùng với đám đông binh sĩ. Sáng tinh sương hôm ấy, bậc Ðạo Sư nhìn xuống cõi trần, thấy việc tàn sát kia đang hăm dọa thân tộc Ngài, Ngài nghĩ thầm: "Ta phải cứu độ thân tộc ta".

Vào buổi sáng, Ngài ra đi khất thực, và sau khi dùng bữa xong trở về an nghỉ với dáng nằm như sư tử trong Hương phòng của Ngài. Vào buổi chiều, sau khi đã bay qua không gian đến một nơi gần Ca-tỳ-la-vệ, ngồi dưới một gốc cây đổ bóng thưa thớt; gần đó, một cây đa khổng lồ rợp bóng sừng sững trên biên thùy vương quốc của vua Vidùdabha. Khi thấy bậc Ðạo Sư, vua Vidùdabha đến gần đảnh lễ Ngài và nói:

- Bạch Thế Tôn, tại sao Thế Tôn lại ngồi dưới gốc cây thưa thớt như vậy trong bầu trời nóng nực này?

Ngài đáp:

- Thưa Ðại vương, cứ để mặc Ta. Bóng cây của thân tộc Ta khiến cho Ta mát mẻ.

Vua suy nghĩ: "Chắc hẳn bậc Ðạo Sư đến đây để che chở cho thân tộc Ngài".

Vì thế vua đảnh lễ bậc Ðạo Sư rồi lại trở về Xá-vệ. Còn bậc Ðạo Sư đứng dậy đi đến Kỳ Viên. Lần thứ hai vua nhớ lại mối hận thù của mình đối với dòng họ Thích-ca, lần thứ hai vua lên đường, cũng thấy bậc Ðạo Sư ngồi đúng chỗ cũ, nên vua lại ra về.

Lần thứ tư vua ra đi, và bậc Ðạo Sư, khi xem xét kỹ những nghiệp quả quá khứ của dòng họ Thích-ca, nhận thấy rằng không thể nào tránh được hậu quả của ác nghiệp kia trong việc họ đã thả thuốc độc xuống dòng sông, nên Ngài không đi đến đó lần thứ tư nữa. Lúc ấy vua Vidùdabha giết hết dòng họ Thích-ca, bắt đầu bằng những hài nhi còn bú, lấy máu trong tim chúng và rửa cái ghế ngồi, rồi ra về.

Vào ngày mà bậc Ðạo Sư ra đi lần thứ ba đã trở về, sau khi du hành khất thực, và đã dùng bữa xong, Ngài đang nằm nghỉ trong Hương phòng, Tăng chúng từ mọi nơi tụ tập trong Chánh pháp đường. Khi ngồi lại với nhau, Tăng chúng bắt đầu nói đến công hạnh của bậc Ðạo Sư:

- Này các Hiền gỉa, bậc Ðạo Sư chỉ cần xuất hiện và khiến cho vua lui về, là giải quyết cho thân tộc Ngài khỏi nỗi sợ chết. bậc Ðạo Sư thật là một người bạn lành, hay cứu giúp gia tộc.

Bậc Ðạo Sư đi vào, hỏi Tăng chúng đang nói chuyện gì trong khi ngồi tại đó. Tăng chúng thưa lại với Ngài. Sau đó, Ngài bảo:

- Này các Tỷ-kheo. không phải chỉ bây giờ Như Lai mới hành động vì lợi ích của các người thân tộc, mà ngày xưa Như Lai cũng đã làm như thế.

Cùng với lời này, Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì Ba la nại, và thực hành Thập vương pháp (Mười đức tính của vua hiền), ngài nghĩ thầm: "Khắp cõi Diêm-phù-đề này, vua chúa đều sống trong các cung điện có nhiều cột trụ chống đỡ. Vậy một cung điện được nhiều cột trụ chống đỡ chẳng kỳ diệu gì, song nếu ta xây một cung điện chỉ có một trụ chống đỡ thì sao?...Lúc ấy ta sẽ thành vị đế vương bậc nhất giữa các vị vua!" Do vậy ngài triệu tập các nhà kiến trúc lại, bảo họ xây cất cho ngài một cung điện nguy nga chỉ dựng trên một cột trụ thôi. Họ thưa:

- Xin tuân lệnh.

Rồi họ đi sâu vào rừng. Tại đó, họ ngắm nghía nhiều cây thẳng tắp, cao lớn xứng đáng làm cây cột trụ duy nhất của một cung điện sang trọng như thế. Họ bảo nhau:

- Ðây có đủ các cây loại này, song đường sá gồ ghề, ta chẳng bao giờ chở chúng theo được, vậy ta phải thỉnh ý đức vua về chuyện đó.

Khi họ tâu như vậy, vua đáp:

- Hãy dùng cái móc hay neo mà kéo chúng về, thế càng nhanh nữa.

Song họ thưa:

- Chẳng cái móc nào làm được việc này cả.

Vua phán:

- Vậy thì hãy tìm một cây trong thượng uyển của trẫm.

Các nhà xây dựng đi vào vườn ngự, tại đó họ nhìn thấy một cây Sàla dáng vương giả cao quý, thẳng tắp, cành là sum suê, vẫn được dân làng, thị trấn tôn sùng, ngay cả hoàng tộc cũng thường đến chiêm bái, và dâng lễ vật. Họ liền tâu lại với vua. Ngài phán:

- Trong vườn ngự của trẫm kia, các khanh đã tìm ra cho trẫm một cây đại thọ. Tốt lắm! Vậy hãy đi đẵn nó xuống ngay.

Họ đáp:

- Xin tuân lệnh.

Họ đến khu vườn ngự, đôi tay cầm đầy các tràng hoa thơm và các hương liệu khác, sau đó treo lên cây một tràng hoa năm chùm, cuộn quanh thân cây một sợi dây thừng, buộc vào đó một bó hoa thơm, rồi vừa thắp hương đèn, vừa chiêm bái vừa khấn rõ:

- Từ nay đến bảy ngày nữa, chúng tôi sẽ đẵn cây xuống theo lệnh vua truyền. Cầu xin các Thần cư ngụ trên cây này hãy đi nơi khác, và đó không phải lỗi chúng tôi.

Vị thần sống trên cây nghe nói vậy, nghĩ thầm:

"Những người xây dựng này quyết đốn cây xuống và phá hoại chỗ cư ngụ của ta. Nay đời ta chỉ kéo dài bao lâu còn nơi cư trú này, có các thân quyến thuộc của ta cư trú thật đông, cũng sẽ bị phá hủy. Sự hủy hoại thân ta không quan trọng bằng sự tiêu giết đám con cháu ta. Vậy ta phải bảo vệ sinh mạng chúng."

Thế là vào lúc nửa đêm, với trang phục huy hoàng, uy nghi, vị Thần cây bước vào cung thất lộng lẫy của vua, chiếu ánh sáng rực rỡ khắp phòng và đứng khóc cạnh chiếc gối của vua. Ngài rất kinh hãi khi thấy vị thần, liền thốt lên vần kệ đầu:

1. Ngài là ai, đứng giữa không gian,
M
ình khoác xiêm y tựa thánh thần,
Sao nỗi kinh hoàng kia phát khởi,
Mắt ngài sao đẫm lệ tuôn tràn?

Nghe vậy, vị chúa tể Thần cây ngâm hai vần kệ:

2. Ở trong quốc độ, hỡi quân vương,
Người biết danh cây:
Ðại Cát Tường,
Ðã sáu mươi ngàn năm vẫn đứng,
To
àn dân đều cúng bái ta luôn.

3. D
ù chúng dựng xây lắm thị thành,
Lâu đài vương xá, các cung đình,
Tuy nhiên, chúng chẳng hề phiền nhiễu,
Cũng chẳng gây tai hại thần linh,
Vì chúng tôn sùng ta đến thế,
Xin ng
ài, Chúa thượng cũng tôn vinh!

Tiếp theo, vua ngâm hai vần kệ khác:

4. Song một thân cây vĩ đại này,
Trẫm chưa hề thấy tự xưa nay,
Chu vi đẹp cả chiều cao nữa,
H
ùng mạnh, một cây vững chắc thay.

5. Trẫm muốn xây nên mỹ lệ cung,
Chỉ cần độc nhất trụ làm chân,
Trẫm muốn đặt ngài vào chỗ đó,
Ðời ngài không ngắn ngủi đâu Thần.

Nghe vậy, vị Thần chúa ngâm hai vần kệ:

6. Vì ngài mong muốn đẵn cây thần
Xin h
ãy chặt ta nhỏ mỗi phần,
Và xẻ thân này từng mảnh một,
Hoặc đừng gì cả, tấu Anh quân.

7. Hãy chặt trước tiên lấy đỉnh đầu,
Kế l
à phần giữa, gốc về sau,
Nếu ngài đốn được ta như thế,
Cái chết chẳng c
òn tạo khổ sầu.

Sau đó, vua lại ngâm hai vần kệ:

8. Trước hết chân tay, kế mũi tai,
Khi người lâm nạn chửa tàn hơi,
Cuối cùng thủ cấp này rơi xuống,
Cái chết này đau đớn rụng rời.

9. Cát Tường cổ thụ! Chúa sơn lâm!
Lạc thú g
ì ngài cảm thấy chăng?
Sao, lý do g
ì ngài ước muốn
Thân cây được xẻ nhỏ từng phần?

Ðại thọ Cát tường liền đáp lời qua hai vần kệ:

10. Vì lý do nào cao cả thay,
Cớ sao ta muốn xẻ thân này,
Phân ra từng mảnh, tâu Hoàng thượng,
Xin lắng nghe lời ta nói đây.

11. Quanh ta phồn thịnh đám thân bằng,
Sinh trưởng nhờ nơi trú vẹn to
àn,
Nếu ta ngã mạnh, đè tan chúng,
Nỗi đớn đau kia sẽ ngập tràn.

Vua nghe vậy xong, lòng đầy hoan hỷ: "Vị thần này thật cao cả thay, ngài không muốn quyến thuộc mình phải mất nơi trú ẩn do việc ngài mất chốn cư ngụ của riêng ngài. Thế là ngài hành động vì lợi ích của thân tộc mình."

Và vua ngâm kệ cuối cùng:

12. Cát tường cổ thụ, Chúa rừng xanh!
Tư tưởng ngài cao cả thật tình,
Ngài muốn giúp thân bằng quyến thuộc,
Vậy trẫm cho ngài thoát hãi kinh!

Vị Thần chúa, sau khi thuyết giáo vua xong, liền ra đi. Còn vua an trú vào lời khuyên nhủ của ngài, bố thí và làm nhiều thiện sự khác cho đến khi vua mạng chung, đi lên cộng trú với các hội chúng ở cõi Trời.

*

Sau khi chấm duat Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư bảo:

- Này các Tỷ-kheo, như thế là Như Lai vẫn hành động vì lợi ích của thân bằng quyến thuộc mình.

Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:

- Vào thời ấy Ànanda là vua kia, các đệ tử của đức Phật là các thần trú thân trong các cây con của cây Sàla, và Ta chính là Cổ thụ Cát tường, vị Thần chúa.

-ooOoo-

466. Chuyện Thương Nhân Trên Biển Cả (Tiền thân Samudda - Vànijà)

Người thì gieo hạt, kẻ đi cày...,

Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong khi trú tại Kỳ Viên về Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa) khi ông bị đọa xuống địa ngục, kéo theo năm trăm gia đình bị đọa luôn.

Bấy giờ, lúc hai Ðại đệ tử là Sàriputta (Xá-lợi-phất) và Moggallàna (Mục-kiền-liên) đưa các Tỷ-kheo đã theo vị ấy trở về cùng mình, Ðề-bà-đạt-đa không thể nào chịu đựng khổ đau, nên đã khạc ra máu và sắp từ giã cõi đời, ông tự nhủ: "Trong chín tháng ròng ta đã nghĩ xấu về đức Như Lai, song trong tâm của đức Như Lai không hề có một ác ý đối với ta, trong tám mươi vị trưởng lão cũng không ai làm gì hại ta, bởi chính vì những hành động của ta mà ta thành kẻ bơ vơ lạc lõng, ta đã bị bậc Ðạo Sư từ bỏ rồi, các Trưởng lão, Tôn giả La-hầu trưởng tộc, cùng tất cả hoàng tộc dòng họ Thích-Ca, nên ta muốn đến gặp bậc Ðạo Sư và hòa giải với Ngài. "Vì thế ra hiệu cho các đệ tử, ông bảo họ mang ông trên chiếc cáng, rồi du hành suốt ngày đêm đến kinh thành xứ Kosala.

Trưởng lão Ànanda thưa với bậc Ðạo Sư:

- Họ bảo rằng Ðề-bà-đạt-đa đang đi đến làm hòa với đức Thế Tôn.

- Này Ànanda, Ðề-bà-đạt-đa không được gặp ta đâu.

Khi ông đã đến thành Xá-vệ, Tôn giả lại thưa trình với bậc Ðạo Sư, và đức Thế Tôn cũng trả lời như trước. Khi ông đến cổng Kỳ Viên và tiến về hồ Kỳ Viên, tội ác đã đến tột đỉnh; một cơn sốt nổi lên trong người khiến ông muốn tắm và uống nước, vì thế ông ra lệnh cho họ đưa mình ra khỏi cái cáng để có thể uống nước. Khi ông vừa bước xuống và đứng trên mặt đất thì, trước khi ông có thể giải khát cho mình, quả đất rộng há miệng ra, một ngọn lửa phát xuất từ địa ngục tận cùng Avìci (A-tỳ hay Vô gián) bao phủ lấy ông. Trong lúc biết các ác nghiệp của mình đã lên đến cực điểm, cùng nhớ lại các công đức của Như Lai, ông ngâm vần kệ này:

Nắm xương này đem đến Tối thượng Nhân,
Bậc To
àn tri, đây trăm tướng tốt lành,
Bậc điều ngự tâm người, hơn Thiên chủ,
Tâm trí ta bay về Ngài Giác Ngộ.

Song chính ngay trong hành động tìm nơi an trú này mà ông bị đọa vào ngục A-tỳ và có năm trăm gia đình của các đồ đệ ông, những gia đình đã theo ông phỉ báng đấng Thập Lực (Dasabala) gièm pha ngài, nên cũng tái sinh vào ngục A-tỳ. Như thế ông xuống địa ngục A-tỳ, kéo theo mình cả năm trăm gia đình.

Vì vậy một ngày kia, Tăng chúng nói chuyện trong Chánh pháp đường:

- Này Hiền hữu Tỷ-kheo, Ðề-bà-đạt-đa ác độc vì tham lợi dưỡng đã vô cớ khởi lên lòng sân hận với bậc Chánh Ðẳng Giác và không biết đến nỗi kinh hoàng trong tương lai, nên cùng với năm trăm gia đình đọa xuống địa ngục. Bậc Ðạo Sư bước vào hỏi Tăng chúng đang nói chuyện gì. Hội chúng liền thưa lại Ngài. Ngài bảo:

- Này cácTỷ-kheo, Ðề-bà-đạt-đa vì ham lợi dưỡng và danh vọng nên không nhìn thấy những mối kinh hoàng trong tương lai, và ngày xưa cũng như bây giờ, vì không nhìn thấy những nỗi khủng khiếp trong tương lai mà kẻ ấy cùng các đệ tử tham muốn lạc thú hiện tại, nên phải chịu hoàn toàn hủy diệt.

Nói vậy xong, Ngài kể cho Tăng chúng nghe một chuyện quá khứ.

*

Một thời, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba la nại, gần thành Ba la nại có một thị trấn lớn của các người thợ mộc, gồm một ngàn gia đình, những thợ mộc từ thị trấn này thường tự xưng là họ đóng giường, ghế, nhà cửa và thường sau khi nhận tiền trước của dân chúng, lại tỏ ra không có năng lực để làm gì được cả. Dân chúng thường trách mắng bất cứ người thợ mộc nào tình cờ họ gặp mặt và gây trở ngại cho bọn họ. Vì thế bọn người mắc nợ này gặp phiền nhiễu đến độ không thể nào sống yên ở đấy được nữa. Bọn họ bảo nhau:

- Chúng ta hãy đi ra xứ khác và kiếm một nơi nào đó ẩn thân.

Thế là họ vào rừng, đẵn cây, làm thuyền lớn phóng xuống sông đẩy thuyền ra khỏi thị trấn khoảng chừng ba phần tư dặm, thì kéo thuyền vào bờ. Sau đó vào nửa đêm, họ trở về thị trấn tìm gia đình mình đưa lên thuyền rồi xuôi dòng tiến ra biển cả. Họ gặp thuận buồm xuôi gió cho đến khi cập vào một hòn đảo nằm giữa đại dương.

Lúc bấy giờ trên đảo ấy đã mọc lên nhiều loại cây rừng có trái như lúa gạo, cây mía, chuối, xoài, mận, mít, dừa và đủ các loại khác nữa. Trước bọn ấy đã có một người bị đắm tàu và chiếm lấy đảo này. Sống tại đó, ăn lúa gạo và thưởng thức cây mía cùng các loại cây khác, nhờ thế gã trở thành lực lưỡng cường tráng, gã sống trần truồng, râu tóc dài ra. Bọn thợ mộc suy nghĩ: "Nếu đảo có loài quỷ ở thì bọn ta chắc phải chết hết; vì vậy ta muốn thám hiểm xem sao."

Sau đó bảy thanh niên dạn dĩ lực lưỡng, trang bị năm thứ vũ khí, rời thuyền đi thám hiểm đảo này.

Ngay lúc ấy người sống sót trên đảo vừa ăn sáng xong, uống nước mía và trong lúc sảng khoái nằm dựa lưng trên một nơi xinh tươi, mát mẻ dưới bóng cây trên bãi cát lấp lánh như một cái đãi bạc, gã suy nghĩ: "Những người sống ở cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ) không thể có được niềm hạnh phúc này, những người cày cấy kia, còn hòn đảo này đối với ta tuyệt hơn cả cõi Diêm-phù-đề nữa." Gã liền vui mừng trong niềm cực lạc ấy.

*

Bậc Ðạo Sư ngâm vần kệ đầu để giải thích người sống trên hoang đảo này ca hát vì niềm hoan lạc như thế nào:

1. Người thì gieo hạt, kẻ đi cày,
Sống với mồ hôi ở cuối mày,
Chúng chẳng hưởng vùng ta được sống,
Hơn xa Ấn
Ðộ chính nơi này!

*

Những người đi thám thính hòn đảo bắt gặp tiếng hát của gã, bảo nhau:

- Hình như ta nghe tiếng người, ta hãy đến làm quen với người đó.

Theo tiếng hát họ đi đến gặp người kia, nhưng vẻ bề ngoài của gã làm họ kinh hãi. Họ kêu lên:

- Có phải quỷ đó chăng?

Rồi họ tra mũi tên vào cây cung. Khi người kia thấy họ, gã sợ bắn bị thương nên la to:

- Ta không phải quỷ đâu, ta là người đấy, các ông ơi, xin tha mạng cho ta.

- Sao? - Họ bảo - Người ta lại trần truồng và không có gì bảo vệ như người ư?

Họ hỏi đi hỏi lại mãi, cũng chỉ nhận được câu trả lời ấy, rằng gã là con người. Cuối cùng họ đến gần gã và mọi người trò chuyện vui vẻ với nhau, những kẻ mới đến hỏi gã làm sao đến đó được. Gã kể cho họ nghe sự thật về việc này. Gã bảo:

- Do thiện nghiệp của các bạn mà các bạn đã đến đây, đảo này là phần thưởng của các bạn. Ðây là đảo tuyệt hảo. Ở đây các bạn không cần làm việc với đôi tay để sinh sống, gạo mía và các loại cây khác ở đây có vô tận, tất cả đều mọc hoang. Các bạn sống ở đây không còn lo ngại gì nữa.

Họ hỏi:

- Có gì khác cản trở cuộc sống của ta ở đây chăng?

- Không sợ gì cả trừ một điều: đảo này có loài quỷ dữ, lũ quỷ này sẽ nổi giận khi thấy phân thải ra từ cơ thể các bạn; vậy khi bạn muốn đại tiện, hãy đào lỗ trong cát chôn đi. Ðó là mối nguy hiểm duy nhất, ngoài ra không còn gì nữa, chỉ nhớ luôn luôn cẩn thận điều này.

Sau đó họ lên cư ngụ trên đảo này. Song giữa đám một ngàn gia đình này, có hai người cai thợ, mỗi người dẫn đầu năm trăm gia đình trong đó, một kẻ ngu si tham ăn món thượng hạng, người kia khôn ngoan và không thích chiếm phần ưu thắng trong mọi sự đời.

Theo thời gian họ tiếp tục sống tại đó, tất cả đều thành lực lưỡng cường tráng. Sau đó bọn họ suy nghĩ: "Lâu nay chúng ta không vui chơi gì cả, ta muốn làm một ít rượu mạnh với nước mía". Vì thế họ làm rượu mạnh, và say sưa, ca hát, nhảy múa, vui đùa. Sau đó họ vô ý đi đại tiện bừa bãi khắp nơi mà không chôn dấu đi, nên họ đã làm cho hòn đảo hôi hám thật ghê tởm. Các thần linh tức giận vì bọn người này làm nơi giải trí vui chơi thành ô uế.

Các thần bàn tính kỹ lưỡng:

- Chúng ta sẽ dâng nước biển trên đảo để rửa sạch đảo này chăng? Nay là nửa tháng tối trời, cuộc hội họp của ta phải đình hoãn lại. Ðược rồi, vào ngày thứ mười lăm kể từ nay, vào ngày đầu tiên trăng tròn, vào giờ trăng mọc, chúng ta sẽ dâng nước biển lên và tận diệt chúng

Như vậy các thần đã định ngày. Lúc này một vị Thần công chính trong đám ấy suy nghĩ: "Ta không muốn các người này chết trước mắt ta." Vì thế do lòng từ mẫn, vào lúc bọn người đang ngồi trước cửa trò chuyện vui vẻ, sau buổi cơm chiều, vị này làm cho toàn hòn đảo sáng lòa, với phục sức đầy vẻ huy hoàng, đứng trên không hướng về phía Bắc và nói với bọn họ như vầy:

- Này các thợ mộc, các thần linh nổi cơn thịnh nộ vì các ông. Ðừng sống ở đây nữa, vì trong nửa tháng kể từ nay các thần sẽ dâng nước biển lên giết hết các ông đó. Vậy phải trốn khỏi nơi này.

Rồi Ngài ngâm vần kệ thứ hai:

2. Trong hai tuần nữa thấy tròn trăng,
Từ biển n
ày dâng ngọn sóng thần
Tràn ngập đảo to này: Hãy vội
Di cư để khỏi hại người dân.

Cùng với lời khuyên này vị ấy trở về nơi ở của mình. Khi vị ấy đi rồi, một vị thần bạn là một hung Thần, suy nghĩ: "Có lẽ dân chúng sẽ theo lời vị ấy khuyên mà trốn hết, còn ta muốn cản trở việc chúng đi, để làm cho chúng phải tiêu diệt hoàn toàn." Vì vậy vị Thần này trang điểm thật huy hoàng, tỏa ra một luồng ánh sáng lớn, bao trùm khắp hòn đảo ấy, và đến gần đại chúng, đứng trên không hướng về Nam, trong khi ông hỏi:

- Có một vị thần vừa đến đây chăng?

Họ đáp:

- Thưa có.

- Vị ấy nói gì với ông?

Họ đáp:

- Tâu Thần chúa biển cả, những việc như vầy như vầy.

Lúc ấy vị Thần bảo:

- Vị Thần này không muốn các ông sống ở đây, nên đã nói thế trong cơn thịnh nộ. Vậy đừng đi nơi khác, mà cứ ở lại đây.

Cùng với những lời này, vị Thần ngâm hai vần kệ:

3. Theo nhiều dấu hiệu đã nêu rằng
Dân chúng nghe tin đợt sóng thần
Sẽ chẳng hề tr
àn lên đảo lớn,
Vui l
ên đừng sợ, chớ đau buồn.

4. Các ông gặp chốn rộng nơi đây,
Các thức uống ăn lại đủ thay,
Ta thấy chẳng g
ì nguy, cứ hưởng
Ðến đời sau, lạc thú như vầy.

Sau khi nói vậy qua hai vần kệ để làm nhẹ nỗi lo âu của dân chúng, Thần này ra đi. Khi ông đi rồi, người thợ mộc ngu si cất cao giọng lên, và không để ý đến lời nói của vị Thần công chính, gã kêu lên:

- Xin quý ngài nghe theo ta.

Gã nói với mọi người thợ mộc bằng cách ngâm vần kệ thứ năm:

5. Từ hướng Nam, Thần ấy hét vang,
Chúng ta nghe: "Vạn sự bình an",
Từ Thần này nói là thật,
Sợ hãi, hay không phải hoảng hồn,
Vị Bắc thần kia nào có biết,
Vui lên đừng sợ, chớ lo buồn!

Khi nghe gã nói, năm trăm người thợ mộc tham hưởng lợi lạc muốn nghe theo lời khuyên của gã ngu si đó. Song lúc ấy người thợ mộc khôn ngoan không chịu nghe theo gã, và vẫn nói với đám thợ mộc, vừa ngâm bốn vần kệ:

6. Khi nói ngược nhau, nhị hải Thần,
Một kêu sợ hãi, một an toàn,
Nghe lời ta dặn, e giây lát
Tất cả người đây chết cả đoàn.

7. Ta cùng xây một đại thương thuyền,
Thuyền lớn, h
ành trang cất hết lên,
Nếu vị Nam thần này nói thật,
Thần kia nói nhảm nhí quàng xiêng;

8. Khi cần, thuyền sẽ ích cho ta,
Ta chẳng rời ngay đảo ấy mà,
Song nếu Bắc thần kia nói đúng,
Thần Nam chỉ nói chuyện đi
ên rồ,
Ta cùng lúc ấy lên thuyền cả,
Nơi có bình an, sẽ vội qua,

9. Ðừng xem ưu, liệt, chuyện vừa nghe,
Ai để lọt tai cả mọi phe,
Xét kỹ, rồi theo phần chính giữa,
Bến b
ình an nhất, kéo neo về
.

Sau đó người ấy lại nói:

- Này bây giờ, chúng ta hãy nghe theo lời cả hai vị Thần ấy. Ta hãy đóng thuyền, rồi nếu lời của vị thần thứ nhất là đúng sự thật, ta sẽ leo lên thuyền và ra đi; và nếu lời vị thần thứ hai đúng thì ta sẽ cất thuyền chỗ khác và ở lại đây.

Khi người ấy nói vậy xong, người thợ mộc ngu si bảo:

- Anh cứ đi mà xem con cá sấu nằm trong chén trà! Anh thật quá ư chậm trí! Vị Thần thứ nhất nói như vậy vì tức giận chúng ta, còn vị thứ hai nói vì thương yêu chúng ta. Nếu ta rời hòn đảo tuyệt hảo này, thì ta sẽ đi đâu nữa? Song nếu anh cần phải đi thì cứ đi mà đóng thuyền, bọn ta không cần thuyền, bọn ta ở đây!

Người thợ mộc khôn ngoan cùng những người theo phe mình, đóng một con thuyền, đặt mọi hành trang lên thuyền, rồi cả bọn đứng vào thuyền. Sau đó vào ngày trăng tròn, đúng lúc trăng mọc, từ đại dương dâng lên một ngọn sóng bao phủ khắp hòn đảo đến tận đầu gối, khi người khôn ngoan ấy thấy đợt sóng dâng lên thì vội thả thuyền ra. Bọn người theo phe người thợ ngu si gồm năm trăm gia đình, cứ ngồi bảo nhau:

- Một ngọn sóng đã dâng lên trên đảo. Nhưng nó sẽ không cao hơn đâu.

Sau đó sóng biển dâng cao lên thắt lưng, rồi cao bằng đầu người, cao tận ngọn cây dừa, rồi bảy cây dừa, rồi phủ lên khắp hòn đảo. Con người nhiều mưu trí ấy, biết đủ phương cách, không than lam các tài vật, nên đã ra đi an toàn; còn người thợ ngu si tham của cải, không thấy nỗi kinh hoàng trong tương lai nên đã bị tiêu hủy cùng năm trăm gia đình nọ.

*

Và ba vần kệ nữa đầy tính cách giáo hóa, để làm sáng tỏ vấn đề trên, là kệ phát xuất từ Trí tuệ Tối thắng:

10. Do nghiệp làm, như giữa đại dương,
N
ên người trí hiểu điều sâu kín,
Chẳng phạm ng
ày sau lỗi cỏn con.

11. Kẻ ngu, khờ dại nuốt tham lam,
Chẳng hiểu tương lai hiểm họa tràn,
Chìm ngập trước nhu cầu hiện tại,
Như người tận số giữa trùng dương.

12. Hãy làm xong việc trước khi cần,
Ðừng để túng cùng phải khổ thân,
Ai đúng thời làm điều thiết yếu,
Chẳng hề lâm cảnh ngộ đau buồn.

*

Khi bậc Ðạo Sư đã chấm dứt Pháp thoại này, Ngài bảo:

- Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu tiên, mà cả ngày xưa nữa, Ðề-bà-đạt-đa đã bị mắc vào bẫy dục lạc hiện tại mà không nhìn thấy tương lai, nên đã gặp hủy diệt cùng đồng bọn của kẻ ấy.

Nói xong, Ngài nhận diện Tiền thân:

- Thời bấy giờ, Ðề-bà-đạt-đa là người thợ mộc ngu si, Kokàlika là vị ác Thần đứng ở phương Nam, Sàriputta (Xá-lợi-phất) là vị Thần đứng ở phương Bắc và ta chính là người thợ mộc có trí khôn ngoan kia

-ooOoo-

467. Chuyện Dục Tham (Tiền thân Kàma)

Người nào mong ước việc trong lòng...,

Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú ngụ tại Kỳ Viên về một Bà-la-môn trú ở Xá-vệ, lúc ấy đang đốn cây bên bờ sông Aciravatì để trồng trọt cày cấy. Bậc Ðạo Sư nhìn thấy rõ nghiệp duyên của vị này (về khả năng tu tập) khi Ngài đến Xá-vệ để khất thực, Ngài liền bước ra khỏi con đường đang đi để nói chuyện ân cần với ông. Ngài hỏi:

- Này Bà-la-môn, ông đang làm gì đó?

Người ấy đáp:

- Thưa Sa-môn Gotama, tôi đang đốn cây ở một khoảng trống để trồng trọt.

Ngài bảo:

-Tốt lành thay, này Bà-la-môn, ông tiếp tục công việc đi.

Cứ nhu vậy bậc Ðạo Sư đi đến nói chuyện với ông khi các thân cây đốn xong lại được mang đi nơi khác, và người kia dọn sạch mẫu đất của mình, và Ngài lại đến vào lúc cày cấy, hoặc lúc đào những hố vuông nhỏ để lấy nước. Bấy giờ vào ngày gieo hạt, vị Bà-la-môn hỏi:

- Thưa Tôn giả Gotama, hôm nay là ngày Lễ hạ điền (Lễ Cày bừa) của tôi. Khi bắp chín, tôi sẽ cúng dường nhiều cho Tăng chúng được đức Phật cầm dầu.

Bậc Ðạo Sư nhận lời cúng dường của ông và ra đi. Một ngày khác Ngài lại đến và thấy người Bà-la-môn đang ngắm đám bắp ấy. Ngài hỏi:

- Này Bà-la-môn, ông đang làm gì đó?

- Thưa Tôn giả Gotama, tôi đang ngắm đám bắp.

- Này Bà-la-môn, tốt lắm!

Bậc Ðạo Sư nói rồi đi thẳng.

Lúc ấy Bà-la-môn suy nghĩ: "Tôn Giả Gotama vẫn thường đi qua đường này lắm thay! Chắc chắn Ngài cần thực phẩm. Ðược ta sẽ cúng dường thức ăn cho Ngài."

Vào ngày ý tưởng này xuất hiện trong trí ông, khi về nhà, ông cũng thấy bậc Ðạo Sư đến nữa. Từ đó trong lòng vị Bà-la-môn khởi lên một niềm tín thành kỳ diệu.

Dần dần, bắp đã chín, vị Bà-la-môn quyết định ngày mai sẽ gặt. Nhưng khi ông ngủ trên giường thì ở khoảng đất trên sông Aciravatì, mưa trút xuống như chĩnh đổ: lũ lụt kéo đến mang theo cả mùa màng ra biển, vì thế không còn sót một cây nào. Khi cơn lũ đã rút, vị Bà-la-môn thấy hoa màu bị tàn phá, nên không còn sức mà đứng nữa, tay ông cứ ôm ngực vì quá đau khổ, ông vừa khóc vừa về nhà, nằm xuống kêu than. Buổi sáng bậc Ðạo Sư đã thấy vị Bà-la-môn này tràn ngập khổ đau, Ngài suy nghĩ: "Ta sẽ là nơi nương tựa của người Bà-la-môn."

Thế là hôm sau, khi đã đi khất thực quanh Xá-vệ rồi, Ngài trở về từ nơi thọ dụng thức ăn, bảo các Tỷ-kheo lui về tinh xá rồi chính Ngài cùng một tiểu thị giả đi với Ngài đến nhà ông. Khi vị Bà-la-môn nghe Ngài đến, thì lòng hoan hỷ, nghĩ thầm: "Chắc hẳn vị hiền hữu của ta đến để nói chuyện thân mật." Ông mời Ngài ngồi; bậc Ðạo Sư bước vào ngồi trên một tọa sàng đã định sẵn và hỏi:

- Này Bà-la-môn, tại sao ông nản lòng? Việc gì xảy ra khiến ông bất mãn?

- Thưa Sa-môn Gotama, từ lúc tôi đến đây trên bờ sông Aciravati, Ngài cũng đã biết tôi làm gì rồi. Tôi đã đi đây đó, và hứa cúng dường Ngài khi hoa màu chín, nay cơn lụt đã cuốn trôi hết mọi hoa lợi ra biển, chẳng còn lại gì cả. Bắp ngô bị thiêu hủy cả đến trăm cỗ xe, vì thế tôi đang sầu khổ lắm đây.

- Này, của mất mát có thể trở lại nhờ than khóc không?

- Thua Sa-môn Gotama, nó không trở lại được.

- Nếu vậy tại sao sầu khổ? Sự giàu sang của người đời hay thóc lúa, khi còn đó thì chúng có mặt, và khi mất rồi thì thôi. Chẳng có vật hữu hình nào không chịu hoạt diện, thôi ông đừng sầu muộn vì nó nữa.

An ủi ông như thế xong, Ngài nhắc lại Kinh Tham dục (Kinh Tập IV, kệ 766) vì thích hợp với hoàn cảnh này. Khi Ngài kết thúc bài Kinh Tham dục ấy, vị Bà-la-môn buồn khổ đã được an trú vào Sơ quả Dự lưu. Sau khi làm tan biến nỗi buồn của ông, bậc Ðạo Sư đứng dậy từ chỗ ngồi và trở về tinh xá. Cả thị trấn đều nghe tin bậc Ðạo Sư đã đi tìm Bà-la-môn đang bị đau đớn hành hạ như thế nào rồi an ủi ông và an trú ông vào quả Dự Lưu ra sao. Tăng chúng nói đến việc ấy tại Chánh pháp đường:

- Này các Hiền giả, đấng Thập Lực đã kết bạn với một vị Bà-la-môn, ngày càng thân thiết, đã tạo cơ hội thuyết Pháp cho ông, đang lúc ông gặp cơn đau khổ xé nát cõi lòng. Ngài an ủi cho vơi niềm đau khổ rối an trú ông vào quả Dự Lưu.

Bậc Ðạo Sư bước vào, và hỏi:

- Náy các Tỷ-kheo, các ông đang nói chuyện gì khi ngồi lại đây?

Tăng chúng thưa lại với Ngài. Ngài đáp:

- Ðây không phải là lần đầu tiên, này các Tỷ-kheo, mà ta chữa lành nỗi đau buồn của kẻ ấy, song ngày xưa, đã lâu lắm, Ta cũng làm như vậy.

Và cùng với những lời này. Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Một thời, vua Brahmadatta trị vì ở Ba la nại có hai vương tử. Ngài phong chức phó vương cho thái tử, còn vị thứ hai làm đại tướng quân. Sau đó khi vua Brahmadatta băng hà, triều thần phải phong vương cho thái tử bằng nghi lễ quán đảnh. Song chàng bảo:

- Ta chẳng màng giang sơn quốc độ, hãy để vương đệ ta trị nước.

Ðại chúng van xin cầu khẩn thái tử, song chàng chẳng muốn chuyện đó, nên vị vương đệ được quán đảnh phong vương. Thái tử cũng không màng ngôi vị phó vương hay chức tước gì cả, khi triều thần xin chàng ở lại, sinh sống trên mảnh đất trù phú này, chàng đáp:

- Không, ta không làm gì được trong kinh thành này cả.

Rồi chàng ra đi, rời khỏi Ba la nại, chàng đến vùng biên địa và sống với một gia đình thương gia giàu có, làm việc bằng đôi tay của mình. Những người này sau một thời gian biết được chàng là thái tử, nên không để cho chàng làm việc nữa, họ hầu hạ chàng như thể một vương tử phải được cung phụng vậy.

Bấy giờ, sau một thời gian, triều thần đến làng đó để vẽ họa đồ đồng ruộng. Lúc ấy người lái buôn nói với vương tử.

- Tâu Ðiện hạ, vì công lao chúng thần phụng dưỡng ngài, mong ngài gửi về vương đệ của ngài một bức thư để xin dùm cho chúng thần được miễn giảm thuế chăng?

Chàng đồng ý làm việc ấy và viết như sau: "Ta đang sống với một gia đình thương nhân nọ, ta xin vương đệ vì ta mà miễn thuế cho họ."

Vua chấp thuận, và làm y theo như vậy. Từ đó dân làng và dân cả vùng ấy đến gặp chàng bảo:

- Hãy xin cho chúng thần được miễn thuế, rồi chúng thần sẽ đóng thuế cho ngài. Chàng làm thỉnh nguyện thư cho họ, và xin cho họ miễn thuế. Sau đó dân chúng trả thuế cho chàng. Lúc ấy, lợi tức và danh tiếng chàng rất lớn, cùng với lợi danh này, lòng tham của chàng cũng khởi lên, vì thế dần dần chàng đòi cả thị trấn, chàng đòi chức phó vương cũ và vương đệ chàng cứ ban cho chàng tất cả. Lúc ấy lòng tham của chàng cứ tăng trưởng, chàng không hài lòng với chức vị phó vương, và quyết định chiếm lại ngai vàng. Nhắm mục đích ấy, chàng lên đường cùng với một đám người, đóng tại ngoại ô kinh thành và gửi thư vào vương đệ chàng:

- Hãy trao quốc độ cho ta, không thì giao chiến!

Vị vương đệ suy nghĩ: "Ngày trước kẻ ngu si này đã từ chối ngai vàng, địa vị phó vương và tất cả; nay lại bảo: Muốn đánh chiếm lại. Nếu ta giết anh ta trong chiến trận thì đó là điều ô nhục cho ta, vậy ta cần gì làm vua nữa?" Vì thế chàng gửi chiếu chỉ:

-Tiểu đệ không muốn gây binh đao, xin vương huynh cứ lấy ngai vàng.

Vương huynh chấp thuận việc ấy và phong vương đệ làm phó vương.

Từ đó chàng cai trị vương quốc. Nhưng chàng tham lam như vậy, nên một vương quốc chưa làm chàng thỏa mãn mà chàng muốn hai vương quốc, rồi ba, tuy thế, vẫn thấy lòng tham vô tận.

Thời bấy giờ, Sakka (Ðế Thích) Thiên chủ nhìn ra ngoài. Ngài suy nghĩ: "Ai là người chăm lo phụng dưỡng cha mẹ đây? Ai là người bố thí và làm điều thiện đây? Ai là người bị tham dục chi phối." Ngài suy nghĩ: "Kẻ ngu si này không hài lòng trị vì ở Ba la nại. Ðược, ta sẽ dạy cho y một bài học."

Vì vậy ngài giả dạng một thanh niên Bà-la-môn, đứng ở cửa cung rồi đưa tin rằng có một thanh niên lanh lợi đang đứng ở cửa. Chàng được phép vào chầu, liền tung hô chúc tụng vạn tuế vua xong xuôi, vua hỏi:

- Tại sao công tử đến đây?

Chàng đáp:

- Tâu Ðại vương, tiểu sinh có chuyện cần tâu với Ðại vương, song tiểu sinh muốn được giữ cẩn mật.

Nhờ thần lực của Ðế Thích Thiên chủ, ngay lúc ấy mọi người rút lui cả. Sau đó chàng thanh niên nói:

- Tâu Ðại vương, tiểu sinh biết ba kinh thành trù phú, đông dân, quân đội, chiến mã đều hùng cường, tiểu sinh nhờ quyền lực của mình sẽ làm chủ ba kinh thành ấy, và sẽ dâng tặng Ðại vương. Song Ðại vương không được trì hoãn mà phải đi liền lập tức.

Vua đầy lòng tham nên đồng ý ngay.

Song vì thần lực của Ðế Thích ngăn cản, nên vua không hỏi: "Thế công tử là ai, từ đâu đến? Công tử sẽ nhận lại cái gì?" Ðế Thích Thiên chủ nói vậy xong, trở về cõi Trời Ba mươi ba.

Sau đó vua triệu quần thần lại, và bảo họ:

- Một thanh niên vừa đến đây, hứa sẽ lấy và dâng cho trẫm thống trị ba vương quốc! Các khanh hãy đi tìm kẻ ấy. Ra lệnh đánh trống khắp kinh thành, triệu tập quân sĩ, không được trì hoãn, vì trẫm sắp chiếm ba vương quốc kia đấy.

Quần thần đáp:

- Tâu Ðại vương, thế Ðại vương có tiếp đãi thanh niên ấy, hoặc hỏi xem chàng ở đâu chăng?

-Không, không, trẫm không tiếp đãi chàng, cũng không hỏi chàng ở đâu cả, vậy cứ đi tìm chàng!

Quần thần đi tìm, song không thể tìm ra chàng khắp kinh thành này. Nghe vậy, vua buồn bực:

- Quyền cai trị ba kinh thành đã mất rồi.

Vua lại suy nghĩ liên miên: "Ta bị tước mất vinh quang tột bậc, chắc chắn thanh niên ấy bỏ đi, bực tức ta lắm vì chẳng ban cho chàng tiền lộ phí, cũng chẳng cấp nơi cư trú."

Sau đó trong cơ thể vua nóng như thiêu đốt, trong khi cơ thể nóng bừng như vậy thì ruột vua mắc bệnh kiết lỵ ra máu; thức ăn đưa vào lại chảy ra hết, các y sĩ không thể nào chữa trị được, nên vua kiệt sức. Bệnh trạng vua được đồn đãi khắp kinh thành.

Lúc ấy, Bồ-tát từ Takkasilà đã trở về nhà cha mẹ ở Ba la nại, sau khi đã tinh thông mọi ngành học thuật. Ngài được tin về vua, liền đi đến cung môn, với ý định chữa bệnh vua nên gửi vào một tờ sớ tâu rằng có một thanh niên đang sẵn sàng trị bệnh cho đức vua. Vua phán:

- Các đại danh y lừng lẫy khắp gần xa còn chưa chữa nổi căn bệnh của trẫm, chứ một thanh niên làm gì được? Thôi trả tiền lộ phí cho gã rồi bảo gã ra về.

Thanh niên ấy đáp:

- Ta không cần chi phí chữa bệnh, song ta sẽ chữa lành vua, ngài chỉ cần trả tiền cho ta món thuốc chữa bệnh mà thôi.

Khi vua nghe vậy, liền chấp thuận cho chàng vào. Chàng thanh niên kính lễ vua:

- Tâu Ðại vương, chớ sợ gì! Chàng bảo - thần sẽ trị lành bệnh Ðại vương, song xin Ðại vương nói cho thần nghe nguyên cớ căn bệnh của Ngài.

Vua nổi thịnh nộ đáp:

- Ngươi hỏi thế để làm gì chứ? Cứ làm món thuốc chữa trị đi.

Chàng bảo:

- Tâu Ðại vương, đây là phương cách của y sĩ, trước tiên phải biết vì sao sinh bệnh tật, sau đó mới làm thuốc chữa cho thích hợp.

Vua phán bảo:

- Thôi được rồi, chú bé.

Và vua bắt đầu kể nguồn gốc căn bệnh, từ lúc thanh niên hứa hẹn rằng chàng ta sẽ giành lấy và dâng lên vua quyền thống trị ba kinh thành.

- Như vậy, này bé con, căn bệnh sinh ra từ lòng tham, chú có giỏi thì chữa đi.

Chàng đáp:

- Sao, tâu Ðại vương, có chiếm được các kinh thành ấy nhờ buồn phiền chăng?

- Không đâu, bé con.

- Nếu vậy thì tại sao Ðại vương lại buồn phiền? Mọi vật dù vô tri hay có tri giác, đều phải hủy diệt, bỏ lại tất cả, ngay cả thân xác của mình. Dù cho Ðại vương có cai trị cả bốn kinh thành đi nữa. Ðại vương cũng không thể cùng một lúc ăn bốn mâm cơm, ngủ bốn tọa sàng, mặc bốn bộ y phục. Ðại vương không nên làm nô lệ cho tham dục, vì khi tham dục tăng trưởng thì ta không thể thoát được bốn cảnh khổ.

Sau khi đã khuyến giáo như vậy xong, bậc Ðại Sĩ thuyết pháp qua các vần kệ sau:

1. Người nào mong muốn việc trong lòng,
Khi ước nguyện kia được vẹn toàn,
Chắc chắn tâm tràn đầy hỷ lạc,
V
ì nay đã đạt được cầu mong.

2. Người n
ào ước vọng việc trong lòng,
Khi ước vọng kia được vẹn tròn,
Ước vọng tràn vào tâm trí mãi,
Như đang cơn khát gặp oi nồng.

3. Trong loại b
ò trâu có mọc sừng,
Sừng kia càng lớn, cứ to dần,
Cũng như tâm địa người vô trí
Chẳng biết chút g
ì, chẳng biệt phân,
Trong lúc người kia càng lớn tuổi,
Thì niềm khát vọng cứ gia tăng.

4.
Ðem hết lúa ngô ở cõi đời,
B
ò trâu, nô lệ, ngựa, cho người,
Vẫn chưa đầy đủ, này nên biết,
Và giữ đường công chính mãi thôi.

5. Một vua chinh phục cả phàm trần,
Trần thế trải mình tận đại dương,
Ở phía b
ên này chưa thỏa mãn,
Vật ngoài khơi vẫn thấy thèm thuồng.

6. Dục tham ấp ủ ở trong tim,
Tri túc chẳng hề phát khởi lên,
Người tránh dục tham tìm đúng thuốc,
Người n
ào tri túc, trí như nguyền.

7. Tối ưu là trí tuệ đầy tràn,
Tham dục không hề đốt cháy tan,
Chẳng có bao giờ người trí tuệ
Lại l
àm nô lệ của lòng tham.

8. Thiểu dục, phá tan mọi dục tham,
Chẳng ham chiếm đoạt cả trăm phần,
Người kia cũng giống như l
òng biển,
Chẳng bị đốt thiêu bởi dục tầm,
Như thợ giày luôn bào guốc, dép,
Hợp làn da bọc ở bàn chân.

9. Cứ mỗi dục tham đuợc bỏ đi,
Một niềm hạnh phúc đến liền khi,
Người n
ào muốn hưởng tròn an lạc,
Phải bỏ mọi tham dục tức thì.

Nhưng trong khi Bồ-tát ngâm các vần kệ này, tâm ngài chuyên chú vào chiếc lọng trắng của vua, nên khởi lên nỗi hỷ lạc của thiền định đạt được qua ánh sáng trắng (một pháp thiền Kasina). Riêng phần vua được bình phục khỏe khoắn, liền hoan hỷ đứng lên từ chỗ ngồi, và nói với ngài:

- Trong khi các y sĩ kia không thể chữa lành trẫm, thì một thanh niên hiền trí làm cho trẫm khỏe mạnh nhờ phương thuốc trí tuệ.

Rồi vua ngâm vần kệ thứ mười:

10. Tám khúc chàng ngâm đáng tám ngàn,
Ngàn vàng mỗi khúc, Ðại La-môn,
Xin chàng nhận số vàng, vì lẽ
Lời nói chàng nay thật dịu dàng.

Nghe vậy bậc Ðạo Sư ngâm vần kệ thứ mười một:

11. Dù có ngàn, muôn, triệu, triệu lần
Ngàn vàng, ta cũng chẳng mơ màng,
Như lời kệ cuối vừa ngâm ấy,
Tham dục tâm ta đã lụi tàn.

Vua càng hân hoan hơn nữa, liền ngâm vần kệ cuối cùng để tán thán bậc Ðại Sĩ:

12. Quả thiếu sinh này thiện trí nhân,
Am tường mọi kiến thức trần gian,
Dục tham kia chính là sinh mẫu
Của khổ đau, chàng mới vạch trần.

Bồ-tát lại bảo:

- Tâu Ðại vương, ngài phải biết tinh cần và bước vào chánh đạo.

Thuyết giáo cho vua xong, ngài bay qua không gian đến Tuyết Sơn, và sống suốt đời làm một ẩn sĩ tu hành. Ngài chuyên chú hành trì Tứ Vô lượng tâm và được sinh lên cõi Phạm thiên.

*

Khi Pháp thoại này chấm dứt, bậc Ðạo Sư bảo:

- Này các Tỷ-kheo, ngày xưa cũng như bây giờ, Ta đã làm Bà-la-môn này lành bệnh.

Nói xong, Ngài nhận diện Tiền thân:

- Vào thời ấy, Bà-la-môn này là vị vua kia và Ta chính là chàng thanh niên hiền trí.

-ooOoo-

Đầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12

Chân thành cám ơn anh HDC đã có thiện tâm giúp tổ chức đánh máy vi tính (B. Anson, 02-2004).


[Mục lục Tiểu Bộ][Thư Mục Tổng Quát]

last updated: 10-03-2004