BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times
font
Tiểu Bộ Kinh - Tập V
Chuyện Tiền Thân Đức Phật (II)
Hòa thượng Thích Minh Châu và Giáo sư Trần Phương Lan dịch Việt
PHẨM SANTAHAVA 161. CHUYỆN ẨN SĨ INDASAMÀNAGOTTA (Tiền thân Indasamànagotta) Chớ giao du thân mật..., Câu chuyện này, khi trú tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một người tánh tình khó bảo. Hoàn cảnh câu chuyện sẽ được nói đến trong tiền thân Gijjha (Số 427) Chương IX. Bậc Ðạo Sư nói với Tỷ-kheo ấy: - Thuở trước, ông là một người khó bảo, vì không nghe lời các bậc hiền trí, nên đã bị con voi điên chà đạp đến chết. Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ. * Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài từ bỏ đời sống gia đình, xuất gia làm vị ẩn sĩ, sống tại dãy núi Tuyết. Lúc bấy giờ, trong các vị ẩn sĩ có một vị tu khổ hạnh tên là Indasamànagotta là người khó bảo, không nghe lời khuyên răn. Người này có nuôi một voi con. Bồ-tát nghe nói vậy cho gọi vị ấy đến và hỏi: - Có đúng sự thật chăng, con có nuôi một voi con? - Thưa Sư trưởng, con có nuôi một voi con đã mất mẹ. Bồ-tát bảo: - Loài voi khi lớn lên thường giết hại người nuôi dưỡng. Vậy chớ nên nuôi dưỡng con voi ấy. - Không có nó, con không thể sống được, thưa Sư trưởng. - Vậy con sẽ thấy rõ. Con voi được nuôi dưỡng, sau một thời gian, nó lớn lên rất nhanh. Một thời, các ẩn sĩ ấy đi lấy rễ và hái trái cây v.v... trong rừng và ở tại đấy vài ngày. Khi gió nam bắt đầu thổi, con voi trở thành điên cuồng, có ý định: "Ta sẽ phá hoại chòi lá, đập vỡ ghè nước quăng bỏ chiếc ghế nằm, xé nát giường nằm và giết người tu khổ hạnh này và ra đi!" Vì vậy, nó núp vào trong một lùm cây và đứng nhìn theo dõi con đường họ về. Sau khi lấy các đồ ăn cho con voi, Indasamana đi về trước tất cả mọi người, thấy con voi, tưởng rằng mọi việc vẫn như cũ nên đi đến gần con voi. Con voi từ lùm cây chạy vụt ra, lấy vòi quấn vị ẩn sĩ, quật ngã xuống đất, lấy chân đạp lên đầu, chấm dứt mạng sống của vị ấy, rồi rống lên và chạy vào rừng. Các ẩn sĩ còn lại báo tin nầy lên cho Sư trưởng. Bồ-tát nói: - Không nên làm thân với kẻ ác. Rồi Bồ-tát đọc hai bài kệ: Chớ giao du thân mật Nếu ngươi thấy người nào Như vậy, Bồ-tát khuyến giáo chúng ẩn sĩ: - Chớ trái lời khuyến giáo, nên sống theo lời khéo dạy: Rồi Bồ-tát làm tang lễ của Indasamàna. Sau đó Bồ-tát tu tập Tứ vô lượng tâm và được sanh lên thế giới Phạm thiên. * Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân: - Lúc bấy giờ, Indasamànagotta là Tỷ-kheo khó bảo này, còn Sư trưởng chúng ẩn sĩ là Ta vậy. -ooOoo- 162. CHUYỆN MỐI THÂN GIAO (Tiền thân Santhava) Không gì độc hại hơn..., Câu chuyện này, khi trú tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về việc tế lễ lửa thần. Câu chuyện này giống như câu chuyện trước đã kể trong Tiền thân Naguttha (số 144). Các Tỷ-kheo thấy các vị tế lễ lửa thần liền hỏi Thế Tôn: - Bạch Thế Tôn, các vị bện tóc hành trì nhiều loại tà khổ hạnh. Việc ấy có lợi ích gì? Bậc Ðạo Sư đáp: - Này các Tỷ-kheo, việc ấy không có lợi ích gì. Các bậc hiền trí thuở xưa tưởng rằng có lợi ích trong sự tế lễ lửa thần nên đã tế lễ lửa thần trong một thời gian dài. Sau khi thấy được việc ấy không lợi ích, liền đổ nước dập tắt lửa, và lấy những cành cây dập cho tan lửa rồi quay lưng lại không nhìn lui nữa. Sau khi nói vậy, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ. * Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Lúc Bồ-tát được mười sáu tuổi, cha mẹ lấy ngọn lửa khi Bồ-tát mới sanh nói với Bồ-tát: - Này con thân, con muốn cầm lấy ngọn lửa đản sanh này, đi vào rừng và nuôi dưỡng ngọn lửa ấy; hay là học ba tập Vệ-đà, xây dựng gia sản và sống đời gia đình? Bồ-tát nói: - Con không thích đời sống gia đình. Con sẽ nuôi dưỡng ngọn lửa trong rừng để được sanh lên Phạm thiên giới. Bồ-tát lấy ngọn lửa đản sanh, đảnh lễ mẹ cha, rồi đi vào rừng, sống trong một chòi lá và nuôi dưỡng ngọn lửa thần. Một hôm đi đến chỗ mời ăn, Bồ- tát nhận được bơ chín và cháo sữa, bèn đem cháo sữa về, đốt lửa lên và nghĩ: "Ta sẽ đổ cháo sữa với bơ chín để cúng dường lửa thần". Bồ-tát đổ cháo sữa trên ngọn lửa, nhưng vì đổ quá nhiều dầu trên lửa, ngọn lửa bừng cháy lớn lên và thiêu luôn chòi lá. Vị Bà-la-môn hoảng sợ chạy trốn, đứng ngoài xa và nói: - Không nên thân giao với những kẻ ác. Nay chòi lá mà ta dựng lên một cách mệt nhọc đã bị ngọn lửa này đốt cháy. Và Bồ-tát đọc bài kệ đầu: Không gì độc hại hơn Rồi Bồ-tát nói thêm: - Ta không còn gì liên hệ với ngươi nữa, này bạn giả dối kia! Nói vậy xong, Bồ-tát lấy nước dập tắt ngọn lửa, và cành cây dập tan ngọn lửa, rồi đi sâu vào trong núi Tuyết. Tại đó ngài thấy một con hươu cái liếm mặt con sư tử, con cọp và con báo. Ðiều ấy khiến Bồ-tát nghĩ rằng không gì tốt hơn là thân giao với những bạn chân thật, rồi Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai: Không gì tốt lành hơn Nói vậy xong, Bồ-tát đi sâu vào trong núi Tuyết, sống đời xuất gia của vị ẩn sĩ, chứng được các Thắng trí và các Thiền chứng, đến khi mạng chung, ngài sanh lên Phạm thiên giới. * Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân: - Lúc bấy giờ, vị tu khổ hạnh là Ta vậy. -ooOoo- 163. CHUYỆN VUA SUSÌMA (Tiền thân Susìma) Hơn trăm voi toàn đen..., Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về sự bố thí tùy theo ý muốn. Tại Xá-vệ, đôi khi một gia đình cúng dường cho chúng Tỷ-kheo do đức Phật lãnh đạo; đôi khi họ bố thí cho các ngoại đạo, đôi khi nhiều người hội họp thành một tổ chức, chung nhau bố thí; đôi khi cùng chung một con đường, đôi khi toàn thể dân ở thành quyên góp tùy nguyện rồi bố thí. Trong trường hợp này, toàn dân trong thành quyên góp tùy nguyện, nhưng khi sắp đặt tất cả vật dụng để bố thí, họ chia thành hai phe. Một số người muốn bố thí tất cả vật dụng cho các ngoại đạo. Một số người muốn bố thí cho chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị lãnh đạo. Vì vậy có sự cãi vã, đệ tử các ngoại đạo binh vực các ngoại đạo, đệ tử đức Phật binh vực chúng Tỷ-kheo. Khi quyết định lấy số đông, thì những người nói "Chúng tôi bố thí cho chúng Tăng với đức Phật là vị lãnh đạo" chiếm đông hơn nên được chấp nhận. Ðệ tử các ngoại đạo không thể ngăn chận các sự bố thí cúng dường đức Phật. Các người thị dân mời chúng Tăng với đức Phật là vị lãnh đạo. Họ tổ chức bố thí lớn trong bảy ngày, và đến ngày thứ bảy, họ cúng dường tất cả các vật dụng. Bậc Ðạo Sư nói lời tùy hỷ công đức. Rồi Ngài chỉ dạy cho đại chúng về các quả tu chứng. Tại tinh xá Kỳ Viên vào buổi chiều, các Tỷ-kheo hội họp tại Chánh pháp đường, và nói lên câu chuyện này: - Thưa các Hiền giả, đệ tử các ngoại đạo cố gắng ngăn chận sự cúng dường đức Phật, nhưng họ không thể ngăn chận. Tất cả vật dụng bố thí ấy đều được đặt dưới gót chân của đức Phật. Ôi, vĩ đại thay là sức mạnh của đức Phật! Bậc Ðạo Sư đến và hỏi: - Này các Tỷ-kheo, các ông họp tại đây và đang bàn vấn đề gì? Khi được trả lời vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói: - Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay ngoại đạo mới cố gắng ngăn chận sự bố thí cho Ta. Thuở xưa, họ đã cố gắng như vậy rồi. Nhưng các vật dụng bố thí trong tất cả trường hợp rồi cũng được đặt dưới gót chân của Ta. Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ. * Thuở xưa, có một thời vua Susìma trị vì ở Ba-la-nại. Lúc bấy giờ Bồ-tát nhập mẫu thai một nữ Bà-la-môn là vợ của vị cố vấn tế tự cho vua. Khi Bồ-tát lên mười sáu tuổi, người cha mệnh chung. Khi còn sống, người cha là vị chủ trì hội lễ voi. Tất cả những đồ trang bị, trang sức cho các con voi đi dự hội đều thuộc sở hữu người cha. Nhờ vậy, sau ngày hội lễ voi, người cha thâu hoạch được mười triệu đồng tiền vàng. Lúc bấy giờ, hội lễ voi đã đến. Các Bà-la-môn đi yết kiến vua và thưa: - Tâu Ðại Vương, lễ voi năm nay đã đến. Chúng ta cần phải chuẩn bị tổ chức lễ cho thật tốt. Nay con trai của vị Bà-la-môn cố vấn tế lễ còn quá trẻ, lại không biết ba tập Vệ-đà và không biết tượng kinh (những vấn đề kiến thức liên hệ đến voi). Hãy để cho chúng thần tổ chức hội lễ voi. Vua chấp thuận việc này. Các Bà-la-môn nghĩ:"Chúng ta không cho người con của vị cố vấn tế tự tổ chức hội lễ voi, chính chúng ta đứng ra tổ chức. Chúng ta sẽ thâu nhiều tiền". Họ hoan hỷ đi ra. Còn bốn ngày nữa sẽ đến ngày lễ hội. Mẹ Bồ-tát được tin, suy nghĩ: "Suốt bảy đời truyền thống này sẽ chấm dứt ở gia đình chúng ta; và tài sản sẽ bị tổn giảm". Vì vậy, bà mẹ buồn sầu muộn và gào khóc. Bồ-tát hỏi: - Vì sao mẹ khóc? Và khi nghe rõ lý do, Bồ-tát nói: - Thưa mẹ, khi nào họ tổ chức lễ hội voi. Bà mẹ nói: - Này con thân, con không biết ba tập Vệ-đà lại không biết tượng kinh, làm sao con có thể tổ chức hội lễ được? - Thưa mẹ, khi nào họ tổ chức hội lễ voi? - Này con thân, còn bốn ngày nữa. - Thưa mẹ, các Sư trưởng thuộc lòng ba tập Vệ-đà và tượng kinh sống ở đâu? - Này con thân, Sư trưởng có tiếng nhiều phương, đang sống ở Takkasilà tại nước Gandhara, cách xa khoảng hai ngàn dặm. - Thưa mẹ, con sẽ không để huỷ hoại truyền thống của gia đình chúng ta. Trong một ngày, con sẽ đi đến Takkasilà; trong một đêm, con sẽ học xong ba tập Vệ-đà và tượng kinh. Ngày sau, con sẽ trở về và đến ngày thứ tư, con sẽ tổ chức hội lễ voi, mẹ chớ khóc nữa! Với những lời này, Bồ-tát an ủi mẹ. Sau khi ăn xong, sáng sớm hôm sau Bồ-tát ra đi một mình. Chỉ trong một ngày đi đến Takkasilà, Bồ-tát đảnh lễ vị sư trưởng hỏi Bồ-tát: - Này con thân, con từ đâu đến? - Thưa Sư trưởng, con từ Ba-la-nại đến. - Vì mục đích gì? - Vì mục đích học ba tập Vệ-đà và tượng kinh từ Sư trưởng. - Lành thay, này con thân, ta sẽ dạy cho con. Bồ-tát thưa: - Thưa Sư trưởng, con có công việc khẩn cấp. Bồ-tát báo cho Sư trưởng biết mọi sự việc và thưa: - Trong một ngày, con đã đi 2000 dặm đến đây. Hãy cho con cơ hội học một đêm nay. Ðến ngày thứ ba, sẽ là ngày lễ hội voi rồi. Con sẽ học tất cả qua một bài thôi. Sau khi thưa vậy, Bồ-tát được Sư trưởng bằng lòng, liền rửa đôi chân Sư trưởng, rồi đặt 1000 đồng tiền vàng, đảnh lễ Sư trưởng, và ngồi xuống một bên. Bồ-tát chăm chú học thuộc lòng cho đến lúc rạng đông, đã xong ba tập Vệ-đà và tượng kinh, rồi hỏi: - Thưa Sư trưởng, có gì khác nữa không? Khi được trả lời: - Này con thân, không có gì khác, tất cả đã xong. Bồ-tát muốn sửa cách dạy của Sư trưởng, liền nói: - Thưa Sư trưởng, trong quyển sách này, câu kệ ấy đến quá trễ, câu này đọc sai, từ nay về sau thầy phải dạy đệ tử như thế này. Sau khi sửa sai xong, Bồ-tát ăn thật sớm, đảnh lễ bậc Sư trưởng, và trong một ngày đi về Ba-la-nại, đảnh lễ bà mẹ. Bà mẹ hỏi: - Này con thân, con đã xong học nghề chưa? Bồ-tát thưa: - Con đã học xong. Và Bồ-tát làm cho bà mẹ vui lòng. Ngày hôm sau, ngày hội lễ voi được sửa soạn. Khoảng 100 con voi được đem ra sắp hàng, mọi thứ trang sức bằng vàng, cờ xí cũng bằng vàng, tất cả được bao phủ với một lưới bằng vàng mịn. Cả sân chầu ở cung điện vua cũng được trang hoàng tuyệt đẹp. Các Bà-la-môn nghĩ: "Chúng ta sẽ cử hành lễ voi, tất cả đều được trang sức tốt đẹp". Vua Susìma trang sức rất lộng lẫy rực rỡ ngự đến và truyền cho đem theo các vật dụng làm lễ. Còn Bồ-tát trang sức như một hoàng tử với hội chúng của mình vây quanh, đi đến vua và thưa: - Tâu Ðại Vương, có đúng sự thật chăng Ngài chấm dứt truyền thống của gia đình chúng thần và cho các Bà-la-môn khác tổ chức hội lễ voi, và cho họ các thứ trang sức trang bị của voi? Rồi Bồ-tát đọc bài kệ đầu: Hơn 100 voi toàn đen Hỡi vua Su-si-ma, Vua Susìma nghe lời Bồ-tát, liền thốt lên bài kệ thứ hai: Hơn 100 voi vàng đen Rồi Bồ-tát thưa với vua: - Thưa Ðại vương, nếu Ðại vương nhớ đến truyền thống của chúng thần, vì sao Ngài bỏ thần một bên và giao cho người khác tổ chức hội lễ voi? - Này khanh thân, ta được báo cáo khanh không biết ba tập Vệ-đà và tượng kinh, nên ta cho các Bà-la-môn khác tổ chức lễ hội voi. - Vậy tâu Ðại vương, nếu một vị nào giữa các Bà-la-môn ấy có thể đọc lên một phần của ba tập Vệ-đà và tượng kinh với thần, xin hãy đứng lên. Trong toàn cõi Diêm-phù-đề không một ai khác trừ thần ra có thể biết ba tập Vệ-đà và tượng kinh để tổ chức hội lễ voi. Như vậy Bồ-tát rống lên tiếng rống con sư tử đáp lời vua! Không một Bà-la-môn nào có thể đứng dậy để địch lại Bồ-tát. Sau khi đòi lại truyền thống gia đình của mình, Bồ-tát liền tổ chức hội lễ voi, rồi mang theo nhiều tài sản và đi về trú xứ của mình. * Khi bậc Ðạo Sư kể pháp thoại này xong, Ngài thuyết giảng các Sự thật. Sau bài thuyết giảng, một số Tỷ-kheo đắc quả Dự lưu, một số đắc quả Nhất Lai, một số đắc quả Bất Lai, một số đắc quả A-la-hán. Và Ngài nhận diện Tiền thân: - Lúc bấy giờ bà mẹ là Mahàmàyà, người cha là Tịnh phạn vương (Suddhodana), người cha là Ànanda, vị Sư trưởng có danh tiếng khắp nơi là Xá-lợi-phất (Sàriputta), và thanh niên Bà-la-môn là Ta vậy. -ooOoo- 164. CHUYỆN CHIM DIỀU HÂU (Tiền thân Gijjha) Diều hâu thấy xác chết..., Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo nuôi dưỡng mẹ. Hoàn cảnh câu chuyện sẽ được kể trong Tiền thân Sàma (số 532). Bậc Ðạo Sư hỏi Tỷ-kheo ấy: - Này Tỷ-kheo, có phải ông nuôi dưỡng một nữ gia chủ? - Thưa vâng, bạch Thế Tôn. - Họ có liên hệ gì với ông? Bậc Ðạo Sư hỏi tiếp. - Bạch Thế Tôn, đó là mẹ con. Bậc Ðạo Sư nói: - Lành thay, lành thay! Chớ tức giận Tỷ-kheo này. Các bậc hiền trí thuở xưa đã hầu hạ giúp đỡ ngay cả những người không phải bà con của mình, chỉ vì muốn làm công đức. Còn người này giúp đỡ mẹ cha mình. Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ. * Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con diều hâu ở núi Linh Thứu, nuôi dưỡng mẹ và cha. Một hôm có cơn gió thổi mạnh và mưa lớn. Các con diều hâu không thể chịu đựng gió và mưa, liền bay đến Ba-la-nại. Khi đến gần bức thành, chúng liền đậu trên bức thành, run lên vì lạnh. Lúc bấy giờ, vị triệu phú Ba-la-nại từ thành đi ra, đi đến sông tắm, thấy các con diều hâu khốn khổ này liền dụ chúng lại một chỗ không mưa, cho đốt lửa, sai người đi đến bãi tha ma của bò, đem thịt bò về, cho chúng ăn và đặt người bảo vệ chúng. Khi mưa gió chấm dứt, thân thể các con diều hâu lành mạnh, chúng liền bay về núi. Tại đấy, chúng hội họp lại và bàn tính như sau: - Chúng ta được người triệu phú Ba-la-nại giúp đỡ. Chúng ta phải trả ơn người đã giúp đỡ chúng ta. Do vậy bắt đầu từ nay, nếu có ai lượm được tấm vải hay đồ trang sức gì, hãy bay đến Ba-la-nại và thả rơi trong sân nhà triệu phú. Từ đó trở đi, nếu các con diều hâu thấy người ta phơi vải hay đồ trang sức giữa nắng, chúng liền chờ đợi một phút lơ đãng, rồi nhanh như cắt, chụp lấy đồ vật như chụp miếng thịt và bay đến thả rơi trong sân nhà người triệu phú Ba-la-nại. Khi người triệu phú biết được là đồ vật do các con diều hâu mang lại, ông cất giữ chúng tại một chỗ. Mọi người trình vua là các con diều hâu đang đánh cắp đồ vật trong thành phố. Vua ra lệnh: - Hãy bắt cho được một con diều hâu, ta bảo chúng mang trả lại tất cả. Vì vậy khắp nơi, dân chúng đặt bẫy sập và lưới, rồi con diều hâu nuôi dưỡng mẹ bị mắc vào bẫy. Bắt được con diều hâu, dân chúng đưa nó đến trình vua. Người triệu phú Ba-la-nại đang đi đến hầu vua, thấy các người ấy bắt được con diều hâu, liền đi theo họ vì sợ họ làm nó bị thương. Vua hỏi con diều hâu: - Có phải các ngươi ăn cắp, mang đi vải và đồ vật khác trong thành phố? - Thưa vâng, tâu Ðại vương. - Các ngươi cho ai những vật ấy? - Chúng tôi cho vị triệu phú Ba-la-nại. - Vì nguyên nhân gì? - Vì vị ấy cho chúng tôi mạng sống. Chúng tôi phải trả ơn người đã làm ơn cho mình, nên chúng tôi đem cho vị ấy. Rồi vua nói: - Này diều hâu, nghe nói đứng xa một trăm dặm, các con diều hâu có thể thấy xác chết, vậy sao ngươi không thấy bẫy sập được bày ra? Nói xong vua đọc bài kệ đầu: Diều hâu thấy xác chết Con diều hâu nghe hỏi vậy, liền thốt lên bài kệ thứ hai: Chúng sanh gặp tai họa, Nghe con diều hâu đáp lại, vua hỏi vị triệu phú: Có thật chăng, này nhà đại triệu phú, các con diều hâu mang thả vào nhà ông các thứ vải và đồ vật? - Thưa Ðại vương, sự thật là vậy. - Những đồ vật ấy nay ở đâu? - Thưa Ðại vương, tất cả đã được tôi góp lại một chỗ. Những ai là chủ của chúng, tôi sẽ trả lại, nhưng xin ngài hãy thả con diều hâu này. Sau khi can thiệp để thả con diều hâu, nhà đại triệu phú trả lại tất cả đồ vật cho chủ của chúng. * Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư liền thuyết giảng các Sư Thật. Sau bài giảng, vị Tỷ-kheo nuôi dưỡng mẹ đã đắc quả Dự lưu. Và Ngài nhận diện Tiền thân: - Lúc bấy giờ vua là Ànanda, nhà triệu phú là Xá-lợi-phất, còn con diều hâu nuôi dưỡng mẹ là Ta vậy. -ooOoo- 165. CHUYỆN CON CHUỘT RỪNG (Tiền thân Nakula) Này vật sanh bào thai..., Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về hai viên chức cãi lộn nhau. Hoàn cảnh câu chuyện này giống như câu chuyện đã kể trong Tiền thân Uraga (Số 154). Ở đây, bậc Ðạo Sư nói: - Này các Tỷ-kheo, hai viên chức cao cấp này không phải nay mới được Ta làm cho hòa hợp. Thuở trước, Ta cũng đã làm cho họ hòa hợp rồi. Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ. * Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình Bà-la-môn, tạo một ngôi làng nhỏ ở Kàsi. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát đi học tất cả tài nghệ ở Takkasilà. Rồi ngài từ bỏ gia đình, xuất gia làm vị ẩn sĩ, đạt được các Thắng trí và các Thiền chứng. Ngài sống ở vùng Tuyết Sơn bằng rễ cây và trái cây hái được trong rừng. Tại cuối đường kinh hành của Bồ-tát, một con chuột rừng hay ăn rắn trú ở trong một ổ mối. Gần hang đó trong một hốc cây, có con rắn trú ẩn. Cả hai con chuột hoang và con rắn luôn luôn cãi lộn nhau. Bồ-tát khuyên dạy chúng về nguy hại của sự cãi lộn và những lợi ích của lòng từ bi: - Chớ cãi lộn, nên sống hòa hợp với nhau. Khi con rắn đi ra ngoài, con chuột hoang thò đầu ra miệng hang lỗ mối ở cuối đường kinh hành, mở miệng thở ra thở vô và nằm ngủ. Bồ-tát thấy con chuột hoang nằm ngủ như vậy bèn hỏi: - Vì sao ngươi lại sợ hãi? Và Bồ-tát đọc bài kệ đầu: Này vật sanh bào thai, Nghe Bồ-tát nói, con chuột hoang trả lời: - Thưa Tôn giả, chớ khinh thường kẻ dịch, phải luôn cảnh giác và đề phòng nó. Nói vậy xong, con chuột hoang đọc bài kệ thứ hai: Chớ khinh thường kẻ thù, Bồ-tát nói: - Chớ sợ, Ta đã khuyên nhủ con rắn không hại ngươi. Bắt đầu từ nay, ngươi chớ nghi ngờ nó. Sau khi khuyên răn như vậy, Bồ-tát chuyên tu tập từ, bi, hỷ, xả và hướng đến Phạm thiên giới. Và khi hai con vật kia mạng chung, chúng cũng đi theo nghiệp của mình. * Sai khi kể pháp thoại này, Bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân: - Thời ấy con rắn và con chuột hoang là hai viên chức cao cấp này, còn vị tu khổ hạnh là Ta vậy. -ooOoo- 166. CHUYỆN BÀ-LA-MÔN UPASÀLHA (Tiền thân Upasàlha) Có đến mười bốn ngàn..., Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Bà-la-môn quá khó tánh đối với nghĩa trang. Vị này giàu có tài sản, nhưng theo tà kiến, tuy sống gần tịnh xá, vẫn không có cảm tình với chư Phật. Nhưng người con trai là bậc Hiền trí, có trí tuệ. Khi vị Bà-la-môn về già, ông nói với con trai. - Chớ thiêu đốt ta tại nghĩa trang nào của kẻ hạ tiện. Hãy thiêu đốt ta tại chỗ nào thật sự không có uế nhiễm. - Thưa cha thân, con không biết chỗ nào thích hợp để thiêu đốt cha. Lành thay, nếu cha dắt con đến một chỗ và nói: Hãy thiêu đốt tại chỗ này. Vị Bà-la-môn nói: - Lành thay, này con thân. Người triệu phú dắt con đi ra khỏi thành, leo lên chóp núi Linh Thứu và nói: - Này con thân, đây không phải là nơi thiêu đốt người hạ tiện, hãy thiêu đốt ta ở đây. Nói xong ông ta bắt đầu đi xuống núi với con. Trong ngày ấy buổi sáng, Bậc Ðạo Sư nhìn xem những bà con nào đủ căn duyên giác ngộ và thấy cha con người ấy có căn duyên chứng quả Dự Lưu. Ngài đi theo con đường của họ, đến chân núi và ngồi chờ họ từ chóp núi xuống. Hai cha con đi xuống nhìn thấy bậc Ðạo Sư. Ngài mở lời chào đón và hỏi: - Này các Bà-la-môn, các ông từ đâu về? Người thanh niên kể lại sự việc và nói: - Bạch Thế Tôn, cha tôi chỉ khoảng giữa ba ngọn núi này. Bậc Ðạo Sư nói: - Này cậu trai, không phải chỉ nay cha cậu mới khó tánh, khắt khe đi tìm nghĩa trang, không phải chỉ nay cha cậu mời chỉ: Hãy thiêu đốt ta tại chỗ này. Thuở trước, cha cậu cũng chỉ chính chỗ này. Và theo lời yêu cầu của cậu trai, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ. * Thuở xưa tại Vương Xá này có một vị Bà-la-môn tên là Upasàlhaka. Người này có một con trai. Lúc bấy giờ, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn ở nước Ma-kiệt-đà, học đầy đủ các tài nghệ rồi xuất gia làm vị ẩn sĩ, chứng được các Thắng trí và Thiền chứng, thích thú trong thiền định. Sau khi sống lâu ngày trong khu vực núi Tuyết, vì vấn đề muối và các gia vị, Bồ-tát đến sống trong một chòi lá ở Linh Thứu. Lúc bấy giờ, Bà-la-môn ấy nói với con trai đi tìm nghĩa trang đúng như cách thức đã nói ở trên. Người con trai yêu cầu: - Cha hãy chỉ cho con địa điểm thích hợp. Người cha chỉ chính chỗ này, rồi cùng con đi xuống núi, thấy Bồ-tát và đi đến gần ngài. Bồ-tát hỏi như cách thức đã kể ở trên. Sau khi nghe người con trai trả lời, Bồ-tát nói: - Hãy đi! Chúng ta sẽ biết chỗ cha cậu chỉ là uế nhiễm hay không uế nhiễm. Bồ-tát bảo họ trèo lên chóp núi. Cậu thanh niên nói: - Ðây là địa điểm không bị uế nhiễm giữa ba ngọn núi. Bồ-tát đáp: - Này cậu trai, chính tại địa điểm này, đã có vô lượng người được thiêu đốt. Cha cậu sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Vương xá này, với tên là Upasàlhaka, chính giữa ngọn núi này, đã được thiêu đốt mười ngàn lần. Trên toàn thế giới, không có một chỗ nào không phải là chỗ thiêu xác, không có một chỗ nào không tràn đầy những đầu lâu. Sau khi chỉ rõ, phân tích sự việc này với trí biết các đời trước, Bồ-tát đọc hai bài kệ này: Có mười bốn ngàn người Chỗ nào có chân lý, Nói xong, Bồ-tát thuyết pháp cho hai cha con, khiến họ tu tập Từ, Bi, Hỷ, Xả, và khi chết được sanh lên cõi trời Phạm thiên. * Khi bậc Ðạo Sư kể pháp thoại này xong, Ngài thuyết giảng các Sự thật. Sau bài giảng các Sự thật, hai cha con ấy đắc quả Dự lưu. Và ngài nhận diện Tiền thân: - Cha con thời ấy là cha con hiện tại, còn vị tu khổ hạnh là Ta vậy. -ooOoo- 167. CHUYỆN TRƯỞNG LÃO SAMIDDHI (Tiền thân Samiddhi) Tỷ-kheo đi khất thực..., Câu chuyện này khi trú ở Vương Xá, tại vườn Tapodàràma, bậc Ðạo Sư kể về Trưởng lão Samiddhi. Một hôm, Tôn giả Samiddhi trọn đêm tinh cần, tụ tập. Khi trời rạng đông, Tôn giả tắm xong, quấn nội y, cầm thượng y trên tay, đứng phơi cho khô, thân mình có sắc màu vàng chói giống như một tượng vàng được tạc tuyệt đẹp vì thế có tên gọi Samiddhi (thân hình tuyệt đẹp) Thấy thân sắc tuyệt đẹp của Tôn giả, một thần nữ sanh tâm say đắm, nói như sau với Trưởng lão: - Này Tỷ-kheo, chàng còn trẻ với tuổi niên thiếu, tóc đen nhánh, với tuổi thanh xuân đầy nhựa sống, đẹp mắt, khả ái như vậy, sao chàng không hưởng thụ các dục, vì mục đích gì lại xuất gia? Hãy hưởng thụ các dục lạc trước, rồi sau sẽ xuất gia và hành Sa-môn pháp. Trưởng lão nói với thần nữ ấy: - Này thần nữ, đến một tuổi nào đó, ta sẽ chết. Ta không biết thời nào ta sẽ chết. Thời ấy đối với ta bị che kín. Do vậy, trong tuổi trẻ, ta hành trì Sa-môn pháp để chấm dứt đau khổ. Thần nữ không cám dỗ được Trưởng lão liền biến mất tại chỗ. Trưởng lão đi đến bậc Ðạo Sư, và thuật lại câu chuyện. Bậc Ðạo Sư nói: - Này Samiddihi, không phải chỉ nay ông bị thần nữ luyến ái. Thuở trước, các thần nữ cũng luyến ái các vị xuất gia rồi. Sau đó, theo lời yêu cầu của vị trưởng lão, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ. * Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn tại một làng ở Kàsi. Khi đến tuổi trưởng thành, và đạt thành công trong tất cả tài nghệ, Bồ-tát xuất gia làm vị ẩn sĩ, đạt được các Thắng trí và các Thiền chứng, rồi sống gần một hồ thiên nhiên trong khu vực Tuyết sơn. Bồ-tát suốt đêm tinh tấn tu tập. Ðến rạng đông, sau khi tắm xong, Bồ-tát quấn tấm y làm bằng vỏ cây, còn tấm y kia cầm tay, và đứng phơi thân cho khô. Rồi một thần nữ nhìn thân thể tuyệt đẹp của Bồ-tát, tâm tư say đắm, sanh luyến ái Bồ-tát và đọc bài kệ đầu: Tỷ-kheo đi khuất thực, Bồ-tát nghe lời nói của thần nữ, liền nêu lên chí nguyện của mình, qua bài kệ thứ hai: Thời chết, ta không biết, Thần nữ nghe lời Bồ-tát nói liền biến mất tại chỗ. * Sau khi kể pháp thoại này bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân: - Lúc bấy giờ, thần nữ ấy là thần nữ này, còn Ta là vị tu khổ hạnh. -ooOoo- 168. CHUYỆN CHIM DIỀU HÂU (Tiền thân Sakunagghi) Diều hâu với sức mạnh..., Câu chuyện này, khi ở Kỳ viên,bậc Ðạo Sư kể về ý nghĩa bài kinh Khuyên dạy loài chim của Ngài (Sakunovàda) Một hôm, bậc Ðạo Sư gọi các Tỷ-kheo: - Này các Tỷ-kheo, khi các ông đi khất thực, mỗi người hãy giữ đúng địa hạt của mình. Rồi Ngài đọc bài kinh ấy từ Ðại phẩm phù hợp với trừng hợp này và nói thêm: - Thuở xưa, các loài bàng sanh từ bỏ địa hạt nhà của mình, đi tìm ăn không phải chỗ, và rơi vào tay kẻ thù. Rồi nhờ trí tuệ và phương tiện thiện xảo của mình, chúng thoát khỏi tay của kẻ thù. Nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ. * Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Bà-la-môn, Bồ-tát sanh làm chim cun cút sống tìm mồi tại những mô đất do cày bừa để lại. Một hôm, chim cun cút ấy từ bỏ khu vực tìm mồi quen thuộc của mình để đi nơi khác, và nó đi đến biên địa ngôi rừng. Thấy chim cun cút đang đi tìm mồi, tại chỗ ấy, một con diều hâu nhanh như cắt bay sà xuống chụp lấy cun cút và tha đi. Khi bị bắt, chim cun cút than: - Ta thật đại bất hạnh! Ta thật là ít phước! Ta đã đi tìm mồi không phải chỗ, vào địa hạt của loài khác. Nếu nay ta đi tìm mồi trong khu vực tìm mồi của ông cha ta, trong địa hạt nhà của mình, thì con diều hâu này không đối địch với ta được, khi có đánh nhau. Nghe vậy, diều hâu hỏi: - Này chim cút nhỏ bé kia, chỗ nào là chỗ tìm mồi trong địa hạt nhà của ngươi, nơi mà ông cha ngươi đã tìm mồi? - Tại chỗ này, chỗ những mô đất do cày bừa để lại. Rồi con diều hâu nới lỏng sức mạnh của mình và nói: - Hãy đi, chim cun cút bé nhỏ kia, dù đi đến đấy, ngươi cũng không thoát khỏi ta đâu. Con chim cun cút bay đến đấy, đậu lên một mô đất lớn và gọi: - Này diều hâu, ta cám ơn ngươi, nay ngươi hãy đến đây! Con diều hâu tập trung sức mạnh của mình, vận dụng cả hai cánh lại, mau lẹ sà xuống chụp lấy con chim cút. Con chim cút biết: " Con diều hâu này vồ bắt ta với tất cả sức mạnh", liền xoay lại tránh qua phía những mô đất ấy. Chim diều hâu không thể trì hãm sức lực, đập mạnh cánh vào đấy, liền vỡ tim, lòi mắt và chết toi mạng. Sau khi trình bày câu chuyện quá khứ này, bậc Ðạo Sư nói thêm: - Như vậy này các Tỷ-kheo, các loài bàng sanh, khi đi tìm mồi không phải chỗ, đã rơi vào tay kẻ thù. Nhưng khi chúng đi tìm mồi trong địa hạt của mình, chúng đánh bại được kẻ thù. Do vậy, các ông chớ có đi không đúng chỗ, và đến địa hạt của người khác. Khi ta rời địa hạt của mình, Ác-ma sẽ đợi cơ hội, Ác-ma sẽ được thuận duyên. Này các Tỷ-kheo, chỗ nào là không đúng chỗ của Tỷ-kheo, là địa hạt của người khác? Ðó chính là năm dục lạc. Thế nào là năm? Sắc do mắt nhận thức... Này các Tỷ-kheo, đấy không phải là chỗ của Tỷ-kheo, là địa hạt của người khác. Nói vậy xong, đấng Chánh Giác đọc bài kệ đầu: Diều hâu với sức mạnh Khi diều hâu chết, chim cút mới đi ra và tuyên bố: - Ta đã thấy được lưng kẻ thù. Rồi đứng trên quả tim của con diều hâu, nó nói lên lời hứng qua bài kệ thứ hai: Ta biết phương tiện hay, * Bậc Ðạo Sư kể pháp thoại này xong, liền thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, nhiều Tỷ-kheo được an trú vào các Ðạo và Quả. Và Ngài nhận diện Tiền thân: - Lúc bấy giờ, con diều hâu là Ðề-bà-đạt-đa, còn chim cút là Ta vậy. -ooOoo- 169. CHUYỆN ÐẠO SƯ ARAKA (Tiền thân Araka) Ai chính với Từ tâm..., Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về kinh Từ bi. Một thời, bậc Ðạo Sư nói như sau với các Tỷ-kheo: - Này các Tỷ-kheo, Từ tâm giải thoát được thực hành, được tu tập, được làm sung mãn, được làm như cỗ xe, được làm thành căn cứ địa, được thực hiện, được khéo nỗ lực, thì được mười một lợi ích. Thế nào là mười một? Ngủ an lạc, thức dậy an lạc, không thấy ác mộng, loài người kính yêu, chư Thiên bảo hộ, lửa, thuốc độc hay gươm không đến gần, tâm mau chóng được thiền định, sắc mặt tịnh tín, không hôn ám khi mệnh chung, trí tuệ minh mẫn, sanh lên Phạm thiên giới. Này các Tỷ-kheo, Từ tâm giải thoát được thực hành sẽ được mười một lợi ích này. Tán thán Từ tâm giải thoát đem lại mười một lợi ích này, Ngài còn dạy thêm: - Một Tỷ-kheo cần phải tu tập Từ bi đối với tất cả chúng sanh, dù được bảo làm hay không, cũng phải hướng lòng từ, lòng bi đối với mọi loài. Như vậy đối với tất cả chúng sanh, dù được bảo làm hay không, một Tỷ-kheo cũng phải được tu tập từ tâm, bi tâm, hỷ tâm, xả tâm. Ðó là bốn Vô lượng tâm. Làm như vậy, khi thân hoại mạng chung vị ấy sẽ sanh lên Phạm thiên giới dù không đạt Ðạo hay Quả. Các bậc thiền trí thời xưa tu tập Từ tâm trong bảy năm, đã an trú ở Phạm thiên giới trong suốt bảy thành kiếp hoại kiếp. Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ. * Thuở xưa, trong một đời, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài từ bỏ các dục, xuất gia làm vị ẩn sĩ, chứng được Bốn Vô lượng tâm và trở thành bậc Ðạo Sư tên là Araka. Bồ-tát sinh sống trong khu vực núi Tuyết với một hội chúng lớn và Bồ-tát khuyên dạy giáo hội chúng ẩn sĩ: - Người xuất gia phải tu tập Từ tâm, phải tu tập bi tâm, hỷ tâm, xả tâm. Từ tâm chứng được nhờ chú tâm trên đối tượng sửa soạn đưa vị ấy đến Phạm thiên giới. Ðể nêu rõ những lợi ích của Từ tâm, Bồ-tát đọc các bài kệ: Ai chính với Từ tâm Như vậy, Bồ-tát nói lên những lợi ích tu tập Từ tâm cho các đệ tử. Rồi không từ bỏ thiền định, ngài sanh lên Phạm thiên, và trong suốt bảy thành kiếp, hoại kiếp, ngài không trở lại thế giới này. * Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân: - Lúc bấy giờ, hội chúng ẩn sĩ là hội chúng đức Phật, và Ðạo Sư Araka là Ta vậy. -ooOoo- 170. CHUYỆN CON KỲ NHÔNG (Tiền thân Kakantaka) Người này không cúi đầu ..., Câu chuyện Tiền thân Kakantaka sẽ được trình bày trong Tiền thân Mahà Ummagga, số 538. -ooOoo- Đầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 |
Chân thành cám ơn anh HDC đã có thiện tâm giúp tổ chức đánh máy vi tính (B. Anson, 08/2002).
[Mục lục Tiểu Bộ][Thư Mục Tổng Quát]
last updated: 01-03-2004