BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Tiểu Bộ - Khuddhaka Nikaya

Tập III - Trưởng Lão Ni Kệ

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt


 

Phẩm I

-ooOoo-

Tập Một Kệ


(I) Bài Kệ Này Do Một Trưởng Lão Ni Không Biết Tên Nói Lên (Therì. 123)

1. Hãy ngủ trong an lạc
Hỡi nàng thân đẫy đà,
Ðắp phủ trong tấm y,
Chính mình tự làm lấy,
Lòng tham, nàng lắng dịu,
Như ghè khô trong lò!

Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh trong một gia đình ở Vesàli (Tỳ-xá-ly). Vì thân hình đẫy đà, nàng được gọi là nàng đẫy đà. Nàng trở thành người vợ trung thành của một người quý tộc. Khi bậc Ðạo Sư đến Vesàli, nàng tin tưởng giáo pháp của đức Phật và trở thành một nữ cư sĩ. Khi nàng nghe Trưởng lão Ni Mahàpajàpati thuyết pháp, nàng muốn xuất gia và thưa với chồng ý nguyện của nàng. Người chồng không cho, nên nàng tiếp tục làm tròn bổn phận của nàng, suy tư đến những lời dạy dịu dàng của giáo pháp và chú tâm đến thiền quán. Rồi một ngày kia, trong khi đang ở trong bếp và nấu món ăn, một ngọn lửa mạnh bừng cháy và thiêu tất cả món ăn với những tiếng cháy xèo xèo, nàng lấy đó làm đề tài để thiền quán về tánh vô thường của sự vật, và chứng được quả Bất Lai. Rồi nàng không đeo các đồ trang sức nữa. Người chồng hỏi duyên cớ, nàng trả lời nàng không thể sống trong gia đình được nữa. Người chồng đưa nàng đến Trưởng lão Ni Mahàpajàpàti Gotami, và bằng lòng để nàng xuất gia. Mahàpajàpàti làm lễ xuất gia cho nàng và đưa nàng đến yết kiến đức Phật. Bậc Ðạo Sư giải thích về đề tài thiền quán của nàng và nói lên bài kệ này.

Khi nàng chứng quả A-la-hán, nàng lập lại bài kệ này và bài kệ trở thành bài kệ của nàng.

 

(II) Muttà (Therì. 123)

(Bài kệ này Thế Tôn thường nói lên để khích lệ Muttà khi nàng còn đang học tập).

2. Hỡi này, giải thoát Ni
Hãy giải thoát các ách,
Như mặt trăng thoát khỏi,
Miệng hàm của Ràhu,
Với tâm tư giải thoát,
Khỏi nợ nần trói buộc,
Hãy thọ hưởng món ăn,
Do khất thực đem lại
.

Ðây là bài kệ của giới học nữ Muttà. Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh làm con gái của một Bà-la-môn, có danh vọng ỏ Sàvatthi. Ðến năm hai mươi tuổi, các điều kiện chín muồi, nàng xuất gia dưới sự hướng dẫn của Mahàpajàpati Gotami, và học tập thiền quán. Một hôm, sau khi khất thực, sau khi làm các phận sự đối với các Trưởng lão Ni xong, nàng tìm một chỗ thanh vắng để ngồi thiền, tập trung tư tưởng vào nội tâm. Rồi bậc Ðạo Sư, ngồi trong hương phòng ở tinh xá phóng ra hào quang, xuất hiện trước mặt nàng và nói lên bài kệ trên. Còn nàng, vững tin với lời giáo giới ấy, không bao lâu chứng được quả A-la-hán và khi chứng quả nói lên lại bài kệ này. Sau khi tu hành thành đạt, được đề nghị lên những hàng giáo phẩm, nàng vẫn đọc bài kệ này, khi sắp sửa mệnh chung.

 

(III) Punnà (Therì. 123)

Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh làm con một gia đình trưởng giả ở Sàvatthi và tên là Punnà. Khi nàng đến hai mươi tuổi và nghiệp duyên thành thục, nàng nghe Mahàpajàpati thuyết pháp và xuất gia. Khi trở thành một giới học nữ, nàng bắt đầu thiền quán, và bậc Ðạo Sư từ nơi hương phòng của Ngài phóng hào quang và nói lên bài kệ này:

3. Hỡi này, thành Mãn ni,
Hãy tràn đầy Chánh pháp,
Như mặt trăng tròn đầy,
Trong ngày rằm trăng tròn,
Hãy tràn đầy trí tuệ,
Phá tan khối si ám
.

Sau khi nghe bài kệ này, thiền quán được tăng trưởng và nàng chứng quả A-la-hán. Bài kệ này nói lên lòng phấn khởi và xác chứng chánh trí của nàng.

 

(IV) Tissà (Therì. 123)

Bài kệ sau này là của Tissà, một giới học nữ trải qua nhiều đức Phật, nàng tích lũy các công đức, và trong đời đức Phật hiện tại, nàng được tái sanh ở Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) trong gia đình quý tộc Thích-ca, được tuyển vào nội cung của vị Bồ-tát. Nàng cùng với Mahàpajàpati xuất gia và tu tập thiền quán. Bậc Ðạo Sư hiện ra trước nàng và nói lên bài kệ:

4. Tissà hãy học tập,
Học trong những học pháp,
Chớ để cho các ách,
Vượt khỏi chi phối nàng.
Hãy sống không liên hệ,
Mọi ách không trói buộc,
Sống giữa thế giới này,
Không có các lậu hoặc.

Và nàng nghe bài kệ này, được tăng trưởng thiền quán và chứng quả A-la-hán. Sau đó nàng thường đọc lên bài kệ này.

 

(V) Một Tissà Khác (Therì. 123)

5. Tissà, hãy cột tâm
Tập trung trên các pháp,
Chớ để từng sát-na
Uổng phí vượt khỏi nàng!
Những sát-na đã qua
Họ sầu muộn, đau khổ,
Khi họ bị rơi vào
Trong cảnh giới địa ngục.

 

(VI) Dhìra (Therì. 124)

6. Dhìra, hãy cảm xúc,
Những cảm chứng đoạn diệt,
Tịnh chỉ các vọng tưởng,
Là chân chánh an lạc,
Hãy thuận hướng Niết-bàn,
Ách an ổn, vô thường
.

 

(VII) Một Dhìra Khác (Therì. 124)

7. Dhìra, hãy kiên trì,
Nắm giữ các thiện pháp,
Hỡi này Tỷ-kheo-ni,
Các căn được tu tập,
Hãy mang cái thân này,
Là cái thân cuối cùng,
Sau khi đã chiến thắng,
Ác ma nữ quân lực,
Sau khi đã chiến thắng,
Ác ma với quân lực.

 

(VIII) Mittà (Therì. 124)

8. Hỡi này Mittà bạn!
Với lòng tin xuất gia,
Hãy tu tập rèn luyện,
Hân hoan trong bạn lành,
Hãy tu tập rèn luyện,
Trong các pháp hiếu thiện,
Cố gắng đạt cho được,
An ổn khỏi ách nạn
.

 

(IX) Bhadhà (Therì. 124)

9. Hỡi Bhàdha hiền thiện,
Với lòng tin xuất gia,
Hãy sống vui hoan hỷ,
Trong các pháp hiền thiện,
Hãy tu tập rèn luyện,
Trong các pháp chí thiện,
Cố gắng đạt cho được,
An ổn khỏi ách nạn.

 

(X) Upasanà (Therì. 124)

10. Hỡi Upasanà
Hãy vượt dòng nước mạnh,
Dòng nước khó vượt qua,
Bị thần chết chi phối,
Hãy mang cái thân này,
Là cái thân cuối cùng,
Sau khi đã chiến thắng,
Ác ma với quân lực.

Sáu Tỷ-kheo-ni này, câu chuyện giống như Tissà (VI) trừ Dhirà, được gọi là một Dhirà khác. Nàng không được bài kệ nào đọc cho nàng, nhưng nàng cảm thấy dao động khi được nghe lời Phật dạy. Dựa trên những lời này nàng tinh tấn thiền nhất quán, và khi nàng chứng được quả A-la-hán, nàng nói lên sự sung sướng của nàng. Các Tỷ-kheo-ni khác cũng có thái độ tương tự.

 

(XI) Muttà (Therì. 123)

Nhờ tích lũy các thiện nghiệp dưới thời các đức Phật khác, Muttà được sinh ở Kosalà, con gái của một Bà-la-môn nghèo tên là Oghàtaka. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng phải làm vợ một người Bà-la-môn còm, nhưng nàng thưa với chồng rằng nàng không thể sống trong gia đình và được chồng bằng lòng cho nàng xuất gia. Trong khi thiền quán, tâm tư vẫn chạy theo các đối tượng ở ngoài. Do vậy, nàng kiên trì tự chế ngự và đọc lên bài kệ của nàng. Nàng tinh tấn thiền quán cho đến khi nàng chứng được quả A-la-hán. Rồi hân hoan nàng lập lại bài kệ:

11. Lành thay giải thoát Ni,
Ta thật khéo giải thoát,
Giải thoát ra khỏi được,
Ba vật còm và cong,
Thoát cối xay, cái chày,
Thoát ông chồng lưng còm,
Hỡi này giải thoát Ni!
Ta thoát được sống chết,
Những gì dẫn tái sanh,
Ðược nhổ lên tận gốc
.

 

(XII) Dhammadinnà (Therì. 124)

Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh trong một gia đình ở Ràjagaha (Vương Xá) và trở thành vợ của Visàkha, một người có địa vị trong xã hội. Một ngày kia, chồng nàng đi nghe đức Phật thuyết pháp, chứng được quả Bất lai. Khi Visàkha về, Dhammadinnà đưa tay ra đỡ chồng lên gác, nhưng người chồng không nắm tay và không nói với nàng trong bữa ăn chiều. Nàng hỏi chồng duyên cớ, người chồng nói không phải vì lỗi gì của nàng, nhưng nay vì đã hiểu được Chánh pháp nên không còn những cử chỉ như trước nữa. Người chồng trả quyền tự do cho nàng, một là ở lại gia đình người chồng, hai là lấy tiền bạc rồi về lại gia đình cha mẹ, nhưng nàng không chịu, và xin được xuất gia.Visàkha đưa nàng đến các Tỷ-kheo-ni trong một chiếc kiệu vàng. Ðược cho phép xuất gia, nàng xin sống nhập thất, không muốn sống chung đụng ồn ào và đi đến một tinh xá ở làng. Tại đấy, nhờ những thiện nghiệp quá khứ, nàng chế ngự thân, miệng, ý, chứng được quả A-la-hán, với Tứ vô ngại giải: Nghĩa vô ngại giải, pháp vô ngại giải, từ vô ngại giải, biện tài vô ngại giải. Rồi nàng đi về Ràjagaha (Vương Xá), với các Tỷ-kheo-ni. Visàkha chồng cũ của nàng đến hỏi pháp, nàng như đã được diễn tả trong kinh Tiểu Vedalla (M.i. 299), nàng trả lời rất rõ ràng đúng đắn các câu hỏi của Visàkha và được đức Phật tán thán. Nàng trở thành thuyết pháp đệ nhất trong hàng các Tỷ-kheo-ni. Chính trong khi nàng ở lại một tinh xá ở làng và nàng nói lên bài kệ này:

12. Trong ai, lòng ước muốn,
Ðạt được quả vô sanh,
Ðược sanh khởi tỏa rộng,
Ðầy tràn cả tâm ý,
Tâm không bị trói buộc,
Trong các dục chi phối,
Vị ấy được tên gọi
Là bậc vào dòng trên
.

 

(XIII) Visàkhà (Therì. 124)

Câu chuyện của Visàkhà cũng giống như câu chuyện của Dhìra. Sau khi chứng quả A-la-hán, nàng suy tư trên lạc giải thoát và nói lên chánh trí nàng đã chứng được, để khuyến khích đồng bạn tu hành.

13. Hãy làm, hãy thực hành
Ðúng theo lời Phật dạy.
Và sau khi làm xong,
Không có lòng ăn năn,
Hãy gấp rửa chân sạch,
Và ngồi xuống một bên
.

 

(XIV) Sumànà (Therì. 124)

Câu chuyện của nàng giống như chuyện của Tissà phóng hào quang, đức Phật hiện ra ngồi trước mặt nàng và nói lên bài kệ này:

14. Sau khi thấy các giới,
Với cái nhìn đau khổ,
Chớ có đi trở lại,
Vào con đường tái sanh,
Hãy từ bỏ, xả ly
Lòng dục trong sanh hữu,
Sống đời sống hành trì,
Ta mát lạnh tịch tịnh
.

 

(XV) Uttarà (Therì. 125)

Câu chuyện của Uttarà cũng giống như câu chuyện của Tissà (IV). Và khi nàng chứng quả A-la-hán, nàng nói lên bài kệ này:

15. Ta đã chế ngự được,
Thân miệng và tâm tư,
Ta chinh phục khát ái,
Cho đến tận gốc rễ,
Ta sống được mát lạnh,
Trong tịch tịnh, an lặng.

 

(XVI) Sumànà Xuất Gia Khi Tuổi Già (Therì. 125)

Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Sàvatthi làm chị của vua Kosala. Sau khi nghe đức Phật thuyết pháp, bắt đầu với bốn chữ: 'Có bốn loại trẻ tuổi không nên khinh thường...' (S. I, 68), nàng khởi lên lòng tin, thọ tam quy và ngũ giới.Vì mắc hầu hạ bà ngoại, nàng không xuất gia được. Sau khi bà ngoại mất, nàng cùng đi với vua tới tịnh xá, đem theo nhiều màn, nhiều vải cúng dường giáo hội. Nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, nàng chứng được quả Bất hoàn và xin được xuất gia và Thế Tôn thấy được sự trưởng thành trong trí tuệ của nàng nên nói lên bài kệ này:

16. Hỡi này, lão Ni kia,
Hãy an lạc nằm nghỉ,
Ðắp phủ trong tấm y,
Chính tự mình làm lấy,
Lòng tham người an tịnh,
Người mát lạnh tịch tịnh.

Khi đức Phật nói xong, nàng chứng được quả A-la-hán, với thấu triệt pháp, thấu triệt nghĩa. Trong sự sung sướng nội tâm, nàng lập lại những câu kệ này và chúng trở thành lời tuyên bố chánh trí của nàng. Rồi nàng được xuất gia ngay.

 

(XVII) Dhammà (Therì. 125)

Sau khi chất chứa công đức trong nhiều đời, nàng được sanh trong một gia đình quyền quý dưới thời đức Phật hiện tại. Sau khi lấy chồng, nàng được cảm hóa theo đạo Phật, xin xuất gia nhưng người chồng không bằng lòng. Nàng chờ cho khi chồng mất, mới xuất gia. Một hôm, sau khi khất thực, trên con đường về tinh xá, nàng mất thăng bằng bị ngã. Dùng sự kiện ấy để thiền quán, nàng chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Trong sự vui sướng, nàng nói lên bài kệ;

17. Sau khi khất thực xong,
Yếu sức, chống trên gậy,
Với chân tay run rẩy,
Ta ngã trên mặt đất,
Thấy nguy hiểm của thân,
Tâm ta được giải thoát
.

 

(XVIII) Sanjhà (Therì. 125)

Ðời nàng giống như đời của Tỷ-kheo-ni Dhìra, nhưng bài kệ của nàng như sau:

18. Bỏ gia đình, xuất gia,
Ta từ bỏ con cái,
Từ bỏ gia súc quý,
Từ bỏ tham và sân,
Còn đối với vô minh,
Ta sống hạnh viễn ly,
Sau khi chinh phục được,
Tận gốc cả tham ái,
Ta được sống mát lạnh,
Tịch tịnh và an lặng.

[^]


Phẩm Hai

-ooOoo-

Tập Hai Kệ


(XIX) Abhirùpa Nandà (Therì. 125)

Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Kapilavatthu, con gái vợ chính của vua Khemaka, dòng họ Thích-ca (Sakya), tên là Nandà. Vì nàng rất đẹp nên được tên là Abhirùpa Nandà (Nandà đẹp). Ngày nàng lựa Carabhùta làm chồng, thời Carabhùta mệnh chung và cha mẹ cưỡng bức nàng xuất gia. Sau khi đã xuất gia, nàng vẫn tự kiêu với sắc đẹp của nàng, và sợ bậc Ðạo Sư quở trách, nàng lẫn tránh Ngài. Thế Tôn biết được hạnh nàng đã thuần thục nên bảo Mahàpajàpati quy tụ mọi Tỷ-kheo-ni lại để Ngài dạy bảo, nàng nhờ người khác đi thế. Ðức Phật không chấp nhận nên nàng phải đến dự. Ðức Phật hóa sanh một nữ nhân rất đẹp, nhưng dần dần bị già nua, yếu hèn và nàng bị xúc động mạnh. Rồi đức Phật nói với nàng những bài kệ như sau:

19. Này Nandà, hãy nhìn,
Tấm thân chỗ quy tụ,
Nhiều bệnh hoạn, bất tịnh,
Ðầy hôi hám thối nát,
Tâm nàng hãy tu tập,
Quán tri tánh bất tịnh,
Ðạt cho được nhất tâm,
Tâm tư khéo thiền định
.

20. Hãy tu tập vô tướng,
Hãy bỏ mạn tùy miên,
Do thắng tri được mạn,
Nàng sẽ sống an tịnh
.

Khi Thế Tôn nói xong, nàng chứng quả A-la-hán. Nói lại cho nàng những bài kệ này, nàng xem các bài kệ là lời tuyên bố chánh trí của nàng.

 

(XX) Jentì (hay Jentà) (Therì. 125)

Câu chuyện về đời sống quá khứ, về hiện tại của nàng giống như câu chuyện của Nandà đẹp. Nhưng nàng sanh ở Vesàli, tại một gia đình hoàng tộc Licchavi. Nàng chứng quả A-la-hán khi nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp. Và khi suy nghĩ đến sự biến đổi, trên tự thân, nàng sung sướng nói lên bài kệ này:

21. Chính Bảy giác chi này
Là đường đạt Niết-bàn,
Tất cả, ta tu tập,
Như lời đức Phật dạy.

22. Ta thấy được Thế Tôn,
Ðây thân tụ cuối cùng
Vòng sanh tử đoạn tận,
Nay không còn tái sanh.

 

(XXI) Mẹ Của Sumangala (Therì. 126)

Trong đời đức Phật hiện tại, nàng được sanh vào một gia đình nghèo và được gả lấy một người đan mây làm chồng. Nàng sanh được một người con trai tên Sumangala, sau trở thành bậc Trưởng lão và chứng quả A-la-hán. Nàng không được biết tên và được gọi là một Trưởng lão Ni không có tên hay mẹ của Sumangala. Nàng trở thành một Tỷ-kheo-ni và một hôm nghĩ đến sự đau khổ khi còn là cư sĩ, nàng cảm thấy xúc động và với thiền quán phát triển, nàng chứng quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ, nàng nói lên bài kệ như sau:

23. Hỡi thiện giải thoát Ni,
Lành thay khéo giải thoát,
Ta được khéo giải thoát,
Khỏi cái chày giã gạo,
Ta không còn xấu hổ,
Với ông chồng đan dù,
Với soong chảo nấu ăn,
Với nghèo đói tồi tàn.

24. Chặt đứt được tham sân,
Ta sống không tham sân,
Ta đi đến gốc cây,
Ôi, an lạc ta thiền
.

 

(XXII) Addhakasi (Therì. 126)

Trong đời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở xứ Kàsi con của một công dân giàu có và có danh tiếng. Nhưng vì ảnh hưởng của khẩu nghiệp của đời trước nàng trở thành một kỹ nữ. Về sau nàng xuất gia và được làm lễ xuất gia với một vị đại diện đặc biệt được ghi trong tập Cùla vagga (Tiểu phẩm)

Nàng muốn đi đến Sàvatthi để được xuất gia nhưng bị dân làng ăn chơi ở Benerees chận đường không cho nàng đi. Nàng cho người đến hỏi ý kiến Thế Tôn và Thế Tôn cho phép nàng được xuất gia với một vị đại diện đặc biệt. Rồi nàng nhứt tâm quán tưởng và không bao lâu chứng quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Rồi nàng nói lên bài kệ như sau:

25. Tiền lạc thú của ta,
Không thua thuế Kàsi,
Sau khi so sánh giá,
Thôn trưởng định giá vậy.

26. Nay ta lại nhàm chán,
Chính sắc đẹp của ta,
Ta chán ngấy sắc ấy,
Ta không còn luyến tiếc.
Ta chớ có liên tục,
Chạy theo vòng luân hồi,
Ba minh ta chứng được,
Thành tựu lời Phật dạy
.

 

(XXIII) Città (Therì. 126)

Nàng được sanh vào một gia đình ưu tú ở Ràjagaha (Vương Xá), khi đến tuổi trưởng thành, nàng nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp ở cửa thành Ràjagaha, trở thành một tín nữ và được Mahàpajàpati cho xuất gia. Sau khi nàng về già, trong khi leo núi Linh Thứu, với thiền quán được phát triển, nàng chứng quả A-la-hán. Suy nghĩ đến kết quả này, nàng nói lên bài kệ:

27. Dầu ta có mỏi mệt,
Bệnh hoạn quá yếu đuối,
Dựa trên gậy ta đi,
Ta leo lên đỉnh núi.

28. Với đại y vắt ngang,
Với bình bát lộn ngược,
Ta dựa mình tảng đá,
Phá tan khối si ám
.

 

(XXIV) Mettikà (Therì. 126)

Nàng được sanh làm con một gia đình quyền quý Bà-la-môn ở Ràjagaha. Ðời nàng cũng giống như đời của Città chỉ khác là nàng leo một ngọn núi khác, đối diện với núi Linh Thứu. Suy tư trên quả chứng của mình, nàng nói lên bài kệ:

29. Dầu ta có đau đớn,
Sức yếu, tuổi trẻ qua,
Dựa trên gậy, ta đi,
Ta leo lên đỉnh núi.

30. Với đại y vắt ngang,
Với bình bát lộn ngược,
Ta ngồi trên tảng đá,
Tâm ta được giải thoát.
Ba minh chứng đạt được,
Thành tựu lời Phật dạy.

 

(XXV) Mittà (Therì. 127)

Nàng được sinh ra trong gia đình công chúa Sakya (Thích-ca) ở Kapilavatthu, từ bỏ gia đình xuất gia cùng với Mahàpajàpati, rồi sau những năm tháng tu hành cần mẫn, nàng chứng được quả A-la-hán nghĩ đến thành quả của mình, nàng vui vẻ nói lên những bài kệ này:

31. Ngày mười bốn, ngày rằm,
Ngày mồng tám giữa tháng,
Ngày thần túc nguyệt phần,
Ta thọ trì tám giới.

32. Ta gìn giữ trai giới,
Khiến chư Thiên hoan hỷ,
Mỗi ngày ăn một bữa,
Cạo đầu đắp đại y,
Ta đâu muốn thiên giới,
Ta nhiếp phục tâm khổ.

 

(XXVI) Mẹ Của Abhayà (Therì. 127)

Trong đời đức Phật hiện tại, nàng được sanh là một hoa khôi ở Ujjenì, tên là Badumavati. Vua Bimbisàra Magadha nghe tiếng và muốn gặp nàng. Với sự giúp đỡ của vị giáo sĩ của vua, vua được gặp nàng và nàng có thai với vua. Vua bảo khi nào nó lớn thì đưa vào cung. Nàng sinh được một đứa con trai, đặt tên là Abhaya (Vô Úy). Khi được bảy tuổi, nàng gửi con trai đến vua Bimbisàra và vua thương yêu nó và nuôi dưỡng nó với các người con khác của vua. Sau này đứa trẻ lớn lên tin theo đạo Phật, xuất gia, như đã được tường trình trong Trưởng lão Tăng Kệ. Về sau, mẹ của Abhaya nghe Abhaya thuyết pháp, cũng xin xuất gia và sau một thời gian tu hành, chứng được quả A-la-hán, với pháp tín thọ, với nghĩa tín thọ. Nàng nhớ lại những câu kệ do con nàng giảng cho nàng và thêm vào những bài kệ của chính nàng:

33. Hỡi thân mẫu thân yêu!
Từ bàn chân trở lên,
Từ đầu tóc trở xuống,
Hãy quán sát thân này,
Thân này thật bất tịnh,
Thật hôi hám thối tha.

34. Ta an trú như vậy,
Mọi tham dục nhổ sạch,
Nhiệt não được đoạn trừ,
Ta mát lạnh, tịch tịnh
.

 

(XXVII) Abhaya (Therì. 127)

Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Ujenni, tại một gia đình quyền quý và trở thành bạn thân với mẹ của Abhaya. Khi nghe mẹ của Abhaya xuất gia, Abhaya vì thương mẹ của nàng nên cùng xuất gia theo. Cùng ở tại Ràjagaha (Vương Xá), một hôm nàng đi đến một khu vườn để quán bất tịnh. Bậc Ðạo Sư tại hương phòng, Ngài hiện cho nàng thấy đối tượng nàng muốn thiền quán. Thấy hình ảnh ấy, nàng hốt hoảng. Bậc Ðạo Sư phóng hào quang hiện ra như ngồi trước mặt nàng và nói lên bài kệ:

36. Hỡi này vô úy Ni!
Thân này thật mỏng manh,
Chính ở đây phàm phu,
Ưa thích, thường tham đắm.
Ta sẽ bỏ thân này,
Tỉnh giác và chánh niệm
Chú tâm không phóng dật,
Ta gắng thoát pháp khổ,
Ái diệt, ta chứng đạt,
Thành tựu lời Phật dạy.

Khi bậc Ðạo Sư nói xong, nàng chứng quả A-la-hán, hoan hỷ, nàng hướng các bài kệ về nội tâm như là những bài kệ nói lên cho mình.

 

(XXVIII) Sàmà (Therì. 127)

Do làm các thiện sự trong các đời trước, trong đời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Kosambi, trong một gia đình có danh vọng. Khi Samàvati, bạn thân của nàng chết, vì quá đau khổ, nàng xuất gia. Nhưng vì không nhiếp phục được đau khổ đối với bạn của nàng, nàng không nắm được con đường Thánh đạo. Một thời, khi ngồi nghe Tôn giả Ananda thuyết pháp, nàng chứng được Pháp nhãn và bảy ngày sau nàng chứng quả A-la-hán, với pháp tín thọ, với nghĩa tín thọ.

Suy tư đến quả chứng của mình, nàng nói lên những bài kệ này:

37. Bốn lần và năm lần,
Ta ra khỏi tinh xá,
Nhưng tâm không an tịnh,
Không nhiếp phục được tâm.

38. Nhưng đến đêm mồng tám,
Ái được ta nhổ sạch
Chú tâm không phóng dật,
Ta gắng thoát pháp khổ,
Ái diệt, ta chứng đạt,
Thành tựu lời Phật dạy
.


Phẩm Ba

-ooOoo-

Tập Ba Kệ


(XXIX) Một Sàmà Khác (Therì. 127)

Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh trong một gia đình quý tộc ở Kosambi, nàng cũng trở thành người bạn của Sàmàvati, khi Sàmàvati chết đi, vì quá đau khổ, nàng xuất gia. Trong hai mươi lăm năm nàng không nhiếp phục được tâm nàng, cho đến khi trở về già, nàng nghe được một bài thuyết pháp, tu tập thiền quán, chứng quả A-la-hán với nghĩa tín thọ, pháp tín thọ. Suy tư đến quả chứng này, nàng nói lên bài kệ:

39. Ðã được hăm lăm năm,
Từ khi ta xuất gia.

40. Ta không thắng tri tâm,
Không được tâm thăng bằng,
Tâm không được an tịnh,
Không nhiếp phục được tâm
Do vậy ta dao động,
Nhớ đến lời Phật dạy.

41. Chú tâm không phóng dật
Ta gắng thoát pháp khổ,
Ái diệt, ta chứng đạt,
Thành tựu lời Phật dạy
Hôm nay đêm mồng bảy,
Khái ái được khô cạn.

 

(XXX) Uttama (Therì. 128)

Sau nhiều đời làm việc lành, nàng được sanh trong nhà một triệu phú ở Sàvatthi, trong thời đức Phật hiện tại. Khi nàng lớn tuổi, nàng nghe Patàcàrà thuyết pháp và xin xuất gia. Nhưng nàng chưa chứng được quả vị thiền quán. Patàcàrà biết được tâm trạng của nàng, nên thuyết giảng cho nàng và nhờ vậy nàng chứng quả A-la-hán với nghĩa tín thọ, pháp tín thọ. Suy tư trên quả chứng, nàng nói lên sự sung sướng của nàng.

42. Bốn lần và năm lần,
Ta ra khỏi tinh xá.
Nhưng tâm không an tịnh,
Không nhiếp phục được tâm.

43. Ta đến Tỷ-kheo -ni,
Với ta đồng tín nữ,
Nàng thuyết pháp cho ta,
Với uẩn, xứ và giới.

44. Nghe xong pháp nàng thuyết,
Như nàng đã dạy ta,
Bảy ngày ngồi kiết-già,
Ta thọ hưởng hỷ lạc,
Mồng tám ta duỗi chân,
Phá tan khối si ám
.

Bài kệ trở thành lời tuyên bố về chánh trí của nàng.

 

(XXXI) Một Uttarà Khác

Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh vào gia đình Bà-la-môn có danh tiếng ở Kosala. Ðến tuổi trưởng thành khi đang đi ở làng quê, nàng nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, nàng xuất gia, chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Suy tư trên quả chứng, nàng nói lên bài kệ:

45. Bảy pháp giác chi này,
Con đường đạt Niết-bàn,
Tất cả ta tu tập,
Như lời đức Phật dạy.

46. Do quán không vô tướng
Ta đạt quả mong muốn,
Ta thành con gái Phật,
Sanh ra từ miệng Ngài,
Luôn luôn ta hoan hỷ.

47. Trong an lạc Niết-bàn,
Mọi dục được đoạn diệt,
Dục trời và dục người,
Vòng sanh hữu đoạn tận,
Nay không còn tái sanh.

 

(XXXII) Dantikà

Trong đời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Sàvatthi trong gia đình vị giáo sĩ nhà vua. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng trở thành tín nữ ở Jetavana (Kỳ Viên) và về sau xuất gia, dưới sự chỉ đạo của Mahàpajàpati. Một thời khi đang ở Ràjagaha (Vương Xá), nàng leo lên núi Linh Thứu; và sau buổi ăn, khi đang còn ngồi nghỉ, nàng thấy một người nài điều khiển một con voi; và nhờ vậy nàng chứng quả A-la-hán; với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Về sau, vô cùng hân hoan với quả chứng của mình, nàng nói lên bài kệ như sau:

48. Ra khỏi ngôi tinh xá,
Ðể nghỉ trưa ban ngày,
Trên đỉnh núi Linh Thứu,
Ta thấy một con voi,
Dầm nước xong đi lên,
Trên bờ một con sông.

49. Một người cầm cái móc,
Yêu cầu đưa chân lên,
Con voi duỗi chân ra,
Và người leo lên voi.

50. Thấy kẻ chưa nhiếp phục,
Ði đến được nhiếp phục,
Ta thấy nó vâng chịu,
Theo quyền lực của người.
Như vậy, ta định tâm,
Ði vào trong rừng ấy
.

 

(XXXIII) Ubirì

Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình khá giả quyền quí. Nàng rất đẹp và sanh được người con gái rất đẹp, đặt tên là Jivà. Vua thấy đứa con gái rất lấy làm hài lòng và đưa nàng lên làm hoàng hậu. Nhưng rồi đứa con gái Jivà bị chết, và bà mẹ ngày nào cũng đi đến nghĩa địa để than khóc. Một hôm nàng đi đến yết kiến bậc Ðạo Sư, nhưng rồi nàng đi ra bên sông Aciravàti và đứng than khóc. Bậc Ðạo Sư thấy vậy liền đến với nàng và hỏi:

- Tại sao nàng khóc?

Nàng đáp:

- Bạch Thế Tôn, con khóc đứa con gái của con.

Thế Tôn nói:

- Tại nghĩa địa này có đến tám vạn bốn ngàn con gái của nàng bị thiêu. Vậy nàng khóc than cho ai!.

Rồi chỉ cho nàng thấy chỗ đất các người bị chết, Thế Tôn nói lên bài kệ:

51. Hỡi nàng Ubirì,
Nàng khóc trong rừng sâu,
Khóc than ôi Jivà,
Con gái thân của tôi,
Hãy tự mình hồi tỉnh,
Hỡi này Ubirì!
Trong bãi đốt thân này
Tất cả tám vạn tư,
Người đồng tên Jivà
Nàng khóc Jivà nào?

Nàng suy tư với trí tuệ, trên pháp bậc Ðạo Sư dạy. Nhờ thiền quán tác động, nhưng lời dạy tốt đẹp của bậc Ðạo Sư, và với tự mình đạt được những điều kiện cần thiết nàng chứng được quả cao nhất, cho đến quả A-la-hán, và trình bày quả vị tối thượng nàng đạt được, nàng nói lên nửa bài kệ sau:

52. Mũi tên khó nhìn thấy,
Ðâm dính nơi tâm ta,
Chắc chắn đã được Ngài,
Nhổ lên khỏi tâm ta,
Sầu muộn vì con gái,
Ðã được chấm dứt hẳn.

53. Nay mũi tên được nhổ,
Mọi ham muốn lắng dịu,
Ta đi đến quy y
Bậc Mâu-ni ẩn sĩ,
Quy y Ba ngôi báu
Phật, Pháp và chúng Tăng
.

 

(XXXIV) Sukkà (Therì. 129)

Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh vào một gia đình quyền quí ở Ràjagaha (Vương Xá) và được đặt tên là Sukkà (Sáng Suốt). Khi đến tuổi trưởng thành, nàng phát tâm tin Phật ở trong gia đình của nàng và trở thành một tín nữ. Về sau nàng được nghe Dhammadinnà thuyết pháp và quá cảm xúc bởi bài thuyết pháp, nàng xuất gia với Dhammadinnà. Sau khi tu thiền quán, nàng chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ.

Ðược năm trăm Tỷ-kheo-ni đoanh vây, nàng trở thành một vị thuyết pháp giỏi. Một ngày kia, sau khi đi vào Vương Xá khất thực, ăn xong, toàn thể Ni chúng trở về tinh xá của Tỷ-kheo-ni. Tại đấy Sukkà thuyết pháp cho toàn thể Ni chúng, thuyết hay cho đến nỗi các Tỷ-kheo-ni như cảm thấy được nhận từ nàng, những đường mật ngọt ngào, thấm nhuần với nước bất tử. Tất cả đều ngồi nghe, hoàn toàn im lặng nhiệt tâm tín thành. Rồi một vị thần cây, đứng ở cuối sân nghe pháp, quá xúc động bởi lời thuyết giảng, nên đi ra khỏi Vương Xá, vừa đi vừa tán thán hạnh thuyết pháp tuyệt diệu của nàng và nói như sau:

54. Hỡi này người Vương Xá,
Các người đã làm gì?
Giống như người nằm mê,
Bị say vì uống mật!
Các người không hầu hạ,
Sukkà thuyết lời Phật.

55. Chúng tôi nghĩ bậc trí,
Uống được nước cam lồ,
Dòng nước thật thuần tinh,
Không gì chướng ngại nổi
Chẳng khác kẻ đi đường,
Ðón nhận nước trời mưa.

Khi nghe thần cây nói vậy, dân chúng rất lấy làm phấn khởi và đi đến chăm chú nghe nàng thuyết pháp. Sau một thời gian, vào cuối cuộc đời khi nàng đang sửa soạn để từ giã cuộc đời. Nàng muốn nói lên pháp môn nàng dạy đưa đến giải thoát như thế nào, nàng tuyên bố như sau về chánh trí của nàng.

56. Hỡi này nàng Sukkà!
Người con của ánh sáng!
Ðược ly tham định tĩnh,
Nhờ ánh sáng Chánh pháp,
Hãy mang thân cuối cùng,
Sau khi thấy ma quân
.

 

(XXXV) Sielà

Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh làm công chúa con vua nước Alavì, tên là Sielà. Nàng cũng được biết với tên là Alavika (người nước Alavì). Khi đến tuổi trưởng thành, bậc Ðạo Sư cảm hóa được vua cha, làm lễ xuất gia cho vua và cùng đi đến Alavì. Sielà chưa lập gia đình, cùng đi với phụ vương nghe thuyết pháp và trở thành một tín nữ. Về sau nàng xuất gia, chuyên tu thiền quán và cuối cùng nhờ thiện duyên tốt đẹp, nhờ trí tuệ được triển khai, nàng nhiếp phục được thân hành, khẩu hành, ý hành và chứng được quả A-la-hán.

Về sau trở thành một Trưởng lão Ni, nàng ở Sàvatthi. Một hôm, nàng đi ra khỏi Sàvatthi để nghỉ ban ngày tại Andhavana và ngồi dưới một gốc cây. Ác ma muốn phá sự an tịnh độc cư của nàng, dưới hình thức là một người lạ mặt, đến với nàng và nói như sau:

57. Nàng sẽ không thoát khỏi,
Thoát ly khỏi đời này,
Như vậy hạnh viễn ly,
Nàng dùng để làm gì?
Hãy thọ hưởng dục lạc,
Chớ bứt rứt về sau
.

Rồi nàng suy nghĩ: 'Ðây là Ác ma muốn ngăn chận ta không được hưởng Niết-bàn. Nó không biết ta đã chứng quả A-la-hán. Vậy nay ta hãy làm cho nó mở mắt và nàng nói lên bài kệ':

58. Các dục giống gươm giáo,
Chém nát các uẩn ta,
Những dục mà ngươi gọi,
Là lạc thú cuộc đời.

59. Ngày nay dục lạc ấy,
Với ta không hấp dẫn,
Ở tất cả mọi nơi,
Hỷ lạc được đoạn tận,
Khối tối tăm mù ám,
Ðã bị làm tan nát,
Hỡi này kẻ Ác ma,
Ngươi hãy biết như vậy,
Ngươi chính là Ác ma
Ngươi đã bị bại trận.

 

(XXXVI) Somà (Therì. 129)

Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sinh ra là con gái vị giáo sĩ của vua Bimbisàra. (Bình Sa Vương) và được đặt tên là Somà. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng trở thành một tín nữ, và về sau nàng xuất gia và nhờ triển khai thiền quán, nàng chứng được quả A-la-hán với nghĩa tín thọ, pháp tín thọ.

Ở tại Sàvatthi, một ngày kia nàng đi vào rừng Andhavana để nghỉ ban ngày và ngồi dưới một gốc cây. Ác ma đến và muốn phá sự an tịnh cô độc của nàng tàng hình không cho nàng thấy và nói lên như sau:

60. Ðịa vị khó chứng đạt,
Chỉ thánh nhân chứng đạt,
Trí nữ nhân hai ngón,
Sao hy vọng chứng đạt.

Rồi nàng cự lại Ác ma:

61-62. Nữ tánh chướng ngại gì,
Khi tâm khéo thiền định,
Khi trí tuệ triển khai,
Chánh quán pháp vi diệu,
Ở tất cả mọi nơi,
Hỷ lạc được đoạn tận,
Khối tối tăm mù mịt,
Ðã bị làm tan nát.
Hỡi này kẻ Ác ma,
Ngươi hãy biết như vậy,
Ngươi chính là Ác ma,
Ngươi đã bị bại trận
.


Phẩm Bốn

-ooOoo-

Tập Bốn Kệ


(XXXVII) Bhaddà Thuộc Dòng Họ Kapllà. (Therì. 130)

Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh vào một gia đình Bà-la-môn dòng họ KosiyaSàgala. Ðược sống trong giàu sang, nàng được gả làm vợ một nhà quý tộc tên là Pippali ở làng Mahàtittha. Khi người chồng xuất gia, nàng giao lại tài sản cho các người bà con để nàng được xuất gia. Nàng sống năm năm tại Titthiyàràma, sau đó nàng được Mahàpajàpati cho thọ đại giới, nhờ triển khai thiền quán, nàng chứng được quả A-la-hán. Sau nàng trở thành một vị có biệt tài về các đời quá khứ nhờ hạnh nguyện trong đời quá khứ. Nàng được đức Phật xem là người biệt tài đệ nhất về đời sống quá khứ, khi bậc Ðạo Sư ở Jetavana (Kỳ Viên) ngồi phân loại các Tỷ-kheo-ni. Một ngày kia nàng nói lên những bài kệ, nói đến những kinh nghiệm quá khứ và tán thán hạnh của Trưởng lão Kassapa:

63. Con được thừa tự Phật,
Ca-diếp khéo thiền định.
Biết được đời quá khứ,
Thấy cõi trời đọa xứ.

64. ẩn sĩ đoạt diệt sanh,
Thắng trí được thành tựu
Cùng với Ba minh này,
Là Phạm chí Ba minh.

65. Cũng vậy nàng Bhaddà
Người xứ Kapila,
Nàng là bậc Ba minh,
Ðã đoạn được sự chết,
Mang thân này cuối cùng,
Sau khi thắng ma quân.

66. Thấy nguy hại ở đời,
Hai chúng tôi xuất gia.
Chúng tôi được chế ngự,
Ðoạn tận các lậu hoặc,
Cảm xúc thành mát lạnh,
Ðược tịch tịnh giải thoát
.


[Phẩm trước][Mục lục][Phẩm kế][ ^ ]


[Trở về trang Thư Mục]

Revised: 08-07-2003