BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


KINH PHÁP CÚ
(DHAMMAPADA)

Tâm Minh NGÔ TẰNG GIAO chuyển dịch thơ

* DIỆU PHƯƠNG xuất bản, Hoa Kỳ, 2003 *


MỤC LỤC

 

Phẩm

Số Kệ
[01] I
II
III
IV
V
VI
VII
VIII
IX
X
Song Song
Không Buông Lung
Tâm
Hoa
Người Ngu
Người Trí
A La Hán
Ngàn
Ác
Dao Gậy
1 - 20
21 - 32
33 - 43
44 - 59
60 - 75
76 - 89
90 - 99
100 - 115
116 - 128
129 - 145
[02] XI
XII
XIII
XIV
XV
XVI
XVII
XVIII
XIX
XX
Già
Chính Mình
Thế Gian
Đức Phật
An Lạc
Yêu Thích
Phẫn Nộ
Dơ Bẩn
Trọng Pháp
Con Đường
146 - 156
157 - 166
167 - 178
179 - 196
197 - 208
209 - 220
221 - 234
235 - 255
256 - 272
273 - 289
[03] XXI
XXII
XXIII
XXIV
XXV
XXVI
Tạp Lục
Địa Ngục
Voi
Ái Dục
Tỳ Kheo
Bà La Môn
290 - 305
306 - 319
320 - 333
334 - 359
360 - 382
383 - 423

-ooOoo-

THÀNH KÍNH TRI ÂN:

* Thày THÍCH TỪ MÃN (VN)
* Thày THÍCH CHƠN THIỆN (VN)
* Chùa LINH SƠN, Đà Lạt (VN)
* Chùa LINH PHONG, Đà Lạt (VN)

đã đưa dịch giả vào ĐẠO và THƠ

-ooOoo-

LỜI NÓI ĐẦU

"Kinh Pháp Cú" là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh trong Kinh Tạng Pali. Đây là một quyển kinh Phật giáo rất phổ thông và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng quan trọng trên thế giới. Nhiều tác giả coi bộ kinh này như là Thánh Thư của đạo Phật.

"Pháp" có nghĩa là đạo lý, chân lý, giáo lý. "Cú" là lời nói, câu kệ. "Pháp Cú" là những câu nói về chánh pháp, những lời dạy của đức Phật nên "Kinh Pháp Cú" còn được gọi là "Kinh Lời Vàng" hoặc "Lời Phật Dạy".

Kinh Pháp Cú là một tập hợp những câu dạy ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa của đức Phật Thích Ca trong ba trăm trường hợp giáo hóa khác nhau. Những câu này do chính đức Phật khi còn tại thế nói ra trong suốt 45 năm thuyết pháp của Ngài. Các câu này về sau được các vị đại đệ tử của đức Phật sắp xếp thành 423 bài "kệ", chia ra làm 26 "phẩm" và tụng đọc trong Đại Hội Kết Tập Kinh Điển lần đầu tiên sau khi đức Phật nhập diệt.

Kinh Pháp Cú tóm thâu tinh hoa giáo lý của đức Phật. Đọc những bài kệ trong kinh này người đọc cảm thấy như chính mình được trực tiếp nghe lời Phật dạy từ hơn 2500 năm trước vọng lại. Mỗi bài kệ có thể xem là chứa đựng một cách súc tích và trung thành nhất những lời dạy, những giáo lý căn bản nguyên thủy của đức Phật.

Mỗi phẩm trong Kinh Pháp Cú đặt trọng tâm vào một đề tài chính. Mỗi bài kệ trong từng phẩm đều chứa đựng một nội dung tu học rất sâu sắc và phong phú. Nhiều bài đơn giản và dễ hiểu nhưng nhiều bài không thể nào chỉ đọc một lần mà hiểu ngay hết được. Cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần, đọc thêm các tích truyện đi kèm và tra cứu thêm các bản chú giải.

Người đọc nếu sẵn nhiệt tâm hướng về đạo pháp nên nghiền ngẫm và thường xuyên suy niệm về những lời vàng ngọc chứa đựng trong kinh rồi đem ra thực hành, áp dụng vào cuộc sống hàng ngày của mình. Chắc chắn người đọc có thể thâu hoạch được một niềm vui về tinh thần vượt lên cao hơn tất cả những thứ hạnh phúc khác trên thế gian, sẽ gặt hái được nhiều lợi ích cho chính bản thân mình ngay trong hiện tại cũng như trong tương lai. Lời kinh khơi nguồn cảm hứng cao đẹp và mở ra một lối đi đầy hương hoa, tạo ra một sức mạnh diệu kỳ giúp cho người đọc có một niềm tin vững chắc hơn trên con đường tu học để tiến đến bến bờ giác ngộ và nhờ đó mà được giải thoát.

Nhiều học giả quốc tế chuyên về tôn giáo và thần học đã từng nói đại ý rằng: "Kinh điển của Phật Giáo thật quả là nhiều, nhưng nếu giả dụ một ngày nào đó tất cả các kinh điển này bị thất lạc hay bị thiêu hủy đi hết mà chỉ còn lưu giữ lại được một cuốn Kinh Pháp Cú này thôi thì chúng ta cũng tạm coi như có đủ những gì cần thiết để noi theo giáo lý của đức Phật".

Trong Kinh Pháp Cú người đọc sẽ thấy những lời dạy về triết lý và luân lý cho cả hai giới xuất gia và tại gia. Những lời dạy cho hàng xuất gia tất nhiên không bao hàm hàng tại gia, nhưng những lời dạy cho hàng tại gia đương nhiên có thể áp dụng cho cả hàng xuất gia. Do đó dù ở cương vị nào người đọc cuốn kinh này cũng thu nhập được nhiều lợi ích thanh cao. Hơn nữa những người muốn đi tìm chân lý, dầu theo tín ngưỡng nào chăng nữa, đều có thể thấy hứng thú và bổ ích khi đọc cuốn Kinh Pháp Cú này, vì nói chung kinh điển Phật giáo thường chỉ nêu ra chân lý cho toàn thể nhân loại chứ không mang tính chất giáo điều.

Đức Phật đã từng tuyên bố rõ ràng rằng Ngài chỉ là người dẫn đường chỉ nẻo chứ Ngài không thể "cứu rỗi" hay tu thay cho ai được cả, và con người phải tự mình tu để giải thoát cho chính mình. Ước mong sao những lời dạy của đức Phật trong tập Kinh Pháp Cú sẽ là ngọn đuốc rực rỡ soi sáng dẫn đường, là ngón tay chỉ hướng cho mọi hành động, ngôn ngữ, tâm tư của người đọc và do đó đem lại an lạc và hạnh phúc. Tự mình nghe theo lời Phật dạy mà tu sửa, rồi tự mình sẽ giác ngộ và sự giác ngộ đó sẽ giúp cho mình được giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử đầy khổ đau.

Khi soạn thảo cuốn Kinh Pháp Cú chuyển dịch thành thể thơ "lục bát" này người dịch đã tham khảo một số tài liệu quý báu về Kinh Pháp Cú viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Các tác phẩm tiếng Anh đa số được dịch trực tiếp từ nguyên bản tiếng Pali. Các tác phẩm tiếng Việt thì được dịch từ nguyên bản Pali hay được dịch theo bản chữ Hán hoặc tiếng Anh.

Muốn cho đại đa số quần chúng khi đọc kinh này cảm thấy dễ hiểu, người chuyển dịch thơ đã cố gắng xử dụng chữ Việt với những ngôn từ bình dị, tránh dùng nhiều chữ Hán và những danh từ triết học hoặc đạo học cao siêu. Đôi khi một vài lời giải thích cũng đã được chuyển thành thơ và thêm vào trong bài. Để hoàn thành tác phẩm người dịch trong khi sắp xếp ngôn từ và tứ thơ đôi khi đã phải thêm bớt một vài chữ, hoán chuyển một vài câu trong cùng một bài, nhưng vẫn cố gắng chuyên chở đầy đủ ý nghĩa trong các lời dạy của đức Phật.

Mong rằng những vần thơ "lục bát", một thể loại thơ đầy tình tự dân tộc, sẽ để lại trong tâm tư người đọc cũng như người nghe những tình cảm nhẹ nhàng thanh thoát vì thơ đầy nhạc tính và vang lên những âm điệu thân thương như những lời ru nơi quê mẹ. Ngôn ngữ có bình dị mới dễ hiểu. Thêm vần thêm điệu mới dễ đọc, dễ nghe. Từ đó mới dễ nhớ, dễ thuộc. Có nhớ, có thuộc mới dễ áp dụng những lời vàng ngọc Phật dạy vào cuộc sống hàng ngày.

Tại các nước theo Phật giáo Nam Tông, các Sa Di phải học thuộc lòng Kinh Pháp Cú này. Riêng tại Việt Nam ta, kinh này không được xếp vào danh sách các kinh để tụng niệm hàng ngày nên kinh ít được biết đến.

Xin trân trọng giới thiệu đến các độc giả một cuốn sách mà chúng tôi thiết nghĩ là vừa lý thú và vừa hữu ích. Mong rằng tác phẩm này sẽ góp được một phần nhỏ bé và khiêm tốn trong việc truyền bá Phật pháp.

DIỆU PHƯƠNG
Virginia - USA
(Mùa Phật Đản, tháng 4 năm 2003)

-ooOoo-

TÀI LIỆU THAM KHẢO

I. TIẾNG ANH:

(1) THE DHAMMAPADA,
Narada Thera,
Reprinted by The Corporate Body Of The Buddha Educational Foundation (Taiwan), 1993.

(2) THE DHAMMAPADA,
Juan Mascaró,
Penguin Classics, 1973.

(3) THE DHAMMAPADA, The Sayings of The Buddha,
John Ross Carter and Mahinda Palihawadana
Oxford World's Classics, 2000.

(4) DHAMMAPADA, a Translation
Thanissaro Bhikkhu
Dhamma Dana Publications, 1999.

(5) THE DHAMMAPADA, the Path of Truth
Ananda Maitreya
Parallax Press, 1995

(6) THE DHAMMAPADA, An Anthology Of Buddhist Verses
John Richards
Pembrokeshire, United Kingdom,1993

(7) DHAMMAPADA, The Sayings of The Buddha
Thomas Byrom
Shambhala Boston & London, 1993.

II. TIẾNG VIỆT:

(1) KINH PHÁP CÚ
Thích Trí Đức
Sài Gòn, 1959.

(2) LỜI PHẬT DẠY,
Thích Thiện Siêu
Hoc Viện Phật Giáo Việt Nam, Huế, 2000.

(3) KINH LỜI VÀNG
Thích Minh Châu
Viện Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1969.

(4) KINH PHÁP CÚ
Thích Minh Châu
Viện Nghiên Cứu Phật Học VN, TP. HCM, 1996.

(5) TRÍCH TỤNG PHÁP CÚ NAM TÔNG
Thích Trí Quang
NXB Tôn Giáo, VN, 2001

(6) KINH PHÁP CÚ
Phạm Kim Khánh
(dịch The Dhammapada của Narada Thera)
Chùa Đức Viên, CA, USA, 1988.

(7) THI KỆ PHÁP CÚ KINH
Tịnh Minh
(dịch The Dhammapada của Narada Thera)
Trường Cao Cấp Phật Học TP. HCM, 1995.

(8) LỜI PHẬT DẠY
Đinh Sĩ Trang (Australia)
Văn Nghệ, CA, USA, 2001.

(9) KINH LỜI VÀNG
Giới Đức (Minh Đức - Triều Tâm Ảnh)
(thi hóa Dhammapada)
Huyền Không, Huế, 1995.

(10) SUỐI NGUỒN VI DIỆU
Phạm Thiên Thư
(thi hóa tư tưởng Pháp Cú Kinh)
Chùa Khánh Anh (Pháp), 1993.

(11) TÌM HIỂU VÀ HỌC TẬP KINH PHÁP CÚ
Thiện Nhựt (Canada), 2002.

(12) TÍCH TRUYỆN PHÁP CÚ
Viên Chiếu (NXB TP. HCM), 2000.

-ooOoo-

VÀI HÀNG VỀ NGƯỜI DỊCH:

* Tên thật: NGÔ TẰNG GIAO
* Bút hiệu: TÂM MINH
* Sinh tại Hà Nội. Trưởng thành tại Sài Gòn. Lập nghiệp tại Đà Lạt.
* Quy y tại chùa Linh Sơn, Đà Lạt, Pháp danh Tâm Minh.
* Gia nhập Luật Sư Đoàn Sài Gòn (1962) và Ban Giảng Huấn Viện Đại Học Đà Lạt (1966).
* Tạm cư tại Virginia, Hoa Kỳ vào mùa Lễ Tạ Ơn 1989 cùng vợ và ba con.

-ooOoo-

Sách biếu, không bán.
Dịch giả không giữ bản quyền.
Hoan nghênh tái bản ấn tống
hoặc phổ biến dưới bất kỳ hình thức nào khác.

ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC :

Tâm Minh NGÔ TẰNG GIAO
45481 Caboose Terrace
Sterling - VA 20166 - USA

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | Phần 01 | Phần 02 | Phần 03

Các bản kinh Pháp Cú khác

Chân thành cám ơn cư sĩ Tâm Minh Ngô Tằng Giao đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 05-2003)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 16-05-2003