KINH PHÁP CÚ Thiện Nhựt [02]
-ooOoo- VI.- Phẩm Hiền-Trí. (60).- Tích chuyện Trưởng-lão Giả- đa.Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Trưởng-lão Giả-đa, trước vốn là một người Bà-la-môn nghèo-khó. Thuở ấy, có một người Bà-la-môn nghèo-khó tên là Giả-đa, đến sống ở một tu-viện, làm công-việc tạp-dịch trong chùa và được các tỳ-kheo nuôi cơm, cung-cấp cho những nhu-cầu cần-thiết trong đời sống hằng ngày. Giả-đa rất mong-muốn được gia-nhập Tăng-đoàn, nhưng chẳng được các vị Tỳ-kheo khuyến-khích. Sáng sớm hôm ấy, Đức Phật trong cơn Thiền-định, quán-sát khắp pháp-giới, thấy Giả-đa có đủ cơ-duyên để chứng-đắc quả-vị A-la-hán. Ngài liền đi đến tu-viện, gặp Giả-đa, và được Giả-đa trình rằng lòng mình mong-muốn được xuất-gia thọ-giới Tỳ-kheo, nhưng các tu-sĩ trong chùa chẳng ai hoan-nghinh việc ấy cả. Đức Phật nhận thấy lòng thành của Giả-đa, mới cho tập-họp chư Tăng lại và hỏi rằng: ‘Này các vị tỳ-kheo, trong số các vị ở đây, có ai còn nhớ một hành-động thiện mà Giả-đa đã làm cho mình không?" Tôn-giả Xá-lợi-phất liên thưa rằng: ‘Con còn nhớ Giả-đa có lần đã nhường cho con một muỗng cơm." Đức Phật bảo: "Nếu quả thật như vậy, tại sao ông chẳng giúp-đỡ người thí-chủ của ông là Giả-đa được giải-thoát khỏi mọi khổ-đau của cuộc đời?" Tôn-giả hiểu ý Phật, mới thâu-nhận Giả-đa làm đệ-tử, chỉ dạy cho Chánh-pháp và đường-lối tu-hành để được thoát khổ. Chẳng bao lâu, Giả-đa tinh-tấn tu-hành, vâng theo lời giáo-huấn của Tôn-giả Xá-lợi-phất, và chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán. Vào một dịp khác, Đức Phật đến viếng tu-viện, các tỳ-kheo trình Phật sự-việc Giả-đa biết nghe theo lời hướng-dẫn của Tôn-giả Xá-lợi-phất mà chuyên-cần, tinh-tấn tu-hành. Đức Phật khuyên mọi người nên noi gương tốt của Giả-đa, biết nghe lời thầy dạy, khi bị quở-phạt chẳng nên oán-trách thầy. Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây: Gặp ai vạch lỗi mình, rồi chỉ-dạy, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa CHỮ: - Giả-đa: tên thật của Trưởng-lão, tiếng Pali là Ràdha. - Bà-la-môn: giai-cấp tu-sĩ trong xã-hội Ấn-độ. Có bốn giai-cấp: (1) Bà-la-môn, (2) Sát-đế-lợi (vua, quan), (3) Phệ-xá (buôn-bán), (4) Thủ-đà-la (nông-dân, thợ-thuyền). - Công-việc tạp-dịch = công-việc lặt-vặt. - Nhu-cầu = các điều cần-dùng. - Pháp-giới: thế-giới, tất cả sự-vật trên hoàn-cầu. Tiếng thường là thế-giới; tiếng chuyên-môn Phật-học là pháp-giới. Pháp = tất cả sự-vật. - Hoan-nghinh: Hoan =vui, hoan-hỉ; Nghinh = đón. Hoan-nghinh là vui lòng tiếp-nhận. - Xá-lợi-phất: tên thật của Tôn-giả, tiếng Pali là Sariputta ( =con bà Sari). Tôn-giả là đại-đệ-tử của Đức Phật, nổi tiếng là đệ-nhứt Trí-huệ. Tôn-giả thường được Đức Phật mời lên ngồi chung, để thuyết-pháp. Hiện còn ngôi tháp thờ Tôn-giả, tại làng Na-lan-đà, Ấn-độ. - Được giải-thoát mọi khổ-đau của cuộc đời: Ý Phật muốn bảo, chỉ cho cách tu-hành để được giải-thoát. - Thí-chủ: Thí = hiến-tặng, cho; Chủ = người chủ; Thí-chủ, hay Thí-giả, là người đem của-cải ra bố-thí. Còn gọi là đàn-việt. - Đệ-tử = học-trò. - Chánh-pháp = đường-lối tu-hành đúng-đắn. - Giáo-huấn = dạy-dỗ, huấn-luyện. - Hiền-Trí: hiền-lành và có Trí-huệ. Còn gọi là Thiện-tri-thức. - Kết-hợp = làm bạn, sống gần bên. - Tệ = xấu, ác. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện thuật lại việc Trưởng-lão Giả-đa, một người Bà-la-môn giúp việc trong chùa, nhờ sự can-thiệp của Đức Phật mà được Tôn-giả Xá-lợi-phất thâu-nhận làm đệ-tử, rồi nghe theo lời dạy của thầy, tinh-tấn tu-hành, đắc được quả-vị A-la-hán. Ý-nghĩa quan-trọng của Tích chuiyện là nếu gặp được bực hiền-trí chỉ-dạy cho mình, thì nên cố-gắng tuân theo, chẳng nên bất-mãn khi bị quở-trách vì lỗi-lầm. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 076: Thử phân-tách bài Kệ: - Gặp ai vạch lỗi mình, rồi chỉ-dạy: khi bị ai chỉ-trích mình, chớ nên nóng-giận vì tự-ái; trái lại hãy bình-tỉnh nghe lời người chỉ-dạy, để sửa đổi lại theo con đường phải. - Đó là người hiền-trí, phải noi theo: người vạch lỗi mình rồi chỉ-dạy cho mình là muốn cho mình trở nên người tốt, vì thế mình nên nghe theo lời người ấy chỉ-dạy. Người như thế là bực hiền-trí: hiền, vì muốn cho mình được tốt hơn lên; trí, vì người nhận thấy rõ lỗi của mình và chỉ cho mình cách sửa lại. - Như theo kẻ dẫn đường tìm kho-báu: Kho-báu ở đây có nghĩa là điều quí-báu, tức là con đường chơn-thiện, đưa ta tới nơi giác-ngộ và giải-thoát, như trường-hợp của Trưởng-lão Giả-đa, theo lời dạy của Tôn-giả Xá-lợi-phất, để tu-tập chứng được quả-vị cao-quí là quả A-la-hán, vĩnh-viễn thoát mọi khổ-đau của cuộc đời. - Được kết-hợp với người hiền như thế, Lợi lớn cho mình, chẳng tệ hơn: đây là lợi-lạc to lớn được sống gần bên người hiền-trí, nhờ đó mà ta trở nên người chơn-thiện, chẳng có tệ-hại chút nào cả. HỌC TẬP: - Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ: chẳng nên tự-ái sằng, mỗi khi nghe ai chỉ-trích và chỉ-dạy cho mình. Người ấy là người ơn của mình. (61).- Tích chuyện hai vị tỳ-kheo Ất-sa và Phú-na. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến hai vị tỳ-kheo tên là Ất-sa và Phú-na vi-phạm giới-luật. Thuở ấy, ở làng Kỳ-tà, nước Xá-vệ, tại một tu-viện nọ, có hai vị tỳ-kheo tên là Ất-sa và Phú-na, cùng với năm trăm đồ-đệ, sống về nghề trồng-trọt rau-cải và cây ăn trái. Vì chẳng theo hạnh khất-sĩ nên các vị tu-sĩ nầy đã vi-phạm giới-luật. Bấy giờ, Đức Phật nghe tin đó, mới sai hai vị đại-đệ-tử là Tôn-giả Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên đi đến làng Kỳ-tà, và ra lịnh cho các tỳ-kheo chẳng được sanh-sống về nghề trồng-trọt nữa. Đức Phật căn-dặn: "Nếu họ chẳng vâng lời, các ông đừng ngần-ngại chi mà đuổi họ ra khỏi chùa, vì hành-động vi-phạm giới-luật của họ gây tai-hại lớn, làm giảm mất lòng tin-tưởng của dân-chúng vào đạo-pháp." Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây: Hãy nghe ông ấy rầy la, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa CHỮ: - Ất-sa: tên thật vị tỳ-kheo nầy, tiếng Pali là Assaji - Phú-na: tên thật vị tỳ-kheo nầy, tiếng Pali là Punabhasuka. - Kỳ-tà: tên thật làng nầy, tiếng Pali là Kìtàgiri. - Vi-phạm giới-luật: làm trái với điều răn-cấm. - Hạnh khất-sĩ: Hạnh = hanh-kiểm, lối sống; Khất =đi xin ăn; Sĩ = người; tu-sĩ. Đức Phật đặt ra hạnh khất-sĩ để buộc chư tăng-ni chẳng được có nghề sanh lợi, phải cúi mình xuống đi xin ăn, để diệt lòng kiêu-mạn, và có dịp gặp-gỡ dân-chúng cúng-dường để chỉ-dạy Đạo cho họ. - Giới-luật: các điều răn-cấm trong Đạo, cốt để ngăn-ngừa tội-ác. - Đường tà: Tà = cong-queo, xiêng-xéo; Đường tà là đường tội-lỗi B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện nêu lên sự vi-phạm giới-luật của hai vị tỳ-kheo: có nghề sanh lợi và chẳng theo hạnh khất-sĩ. Tại sao lại cấm tu-sĩ có nghề sanh lợi? Vì khi sanh lợi, ta thường mong muốn có nhiều lợi, đó là lòng tham, cần phải diệt bỏ. Tại sao phải theo hạnh khất-sĩ? Hạnh nầy diệt lòng kiêu-mạn, vì phải dẹp lòng tự-ái xuống để đi xin ăn mà sống. Hạnh nầy tạo nên cơ-hội gặp-gỡ giữa người tu-sĩ và dân-chúng, để có thể chỉ-dạy đường tu cho họ. Ý-nghĩa quan-trọng của Tích chuyện: người tu-hành mà vi-phạm giới-luật sẽ làm giảm lòng tin của dân-chúng vào Đạo-pháp. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 077: Bài Kệ nói về sự chỉ-dạy nghiêm-khắc, rầy la, của bực hiền-trí. Bực hiền-trí thấy lỗi-lầm của con-em, cần phải quở-trách để chúng đừng tái-phạm, lại nên chỉ cho chúng con đường phải mà theo. Trước lời thẳng-thắn quở-trách, người biết điều thì sẽ thầm cám ơn bực đã chỉ-dạy mình; còn kẻ hung-dữ, trái lại thì oán-ghét, xem như gặp kẻ thù. Đó là lẽ thường-tình ở đời, người tu-hành chớ nên bắt-chước làm theo kẻ dữ. HỌC TẬP: 1.- Học thuộc lòng bài Kệ nầy, cùng với bài Kệ trước, để ghi nhớ, chớ có tự-ái sằng, mỗi khi bị quở, nên tỏ lòng biết ơn người chỉ-dạy mình 2.- Biết rằng, lời phải thường trái tai, khó nghe, nhưng đối với những người mình có trách-nhiệm dìu-dắt, chớ nên sợ mếch lòng mà chẳng quở-trách. Một lỗi nhỏ bỏ qua, sẽ khiến con-em xem thường mà phạm lỗi nặng hơn. (62).- Tích chuyện Tỳ-kheo Xà-nặc. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị Tỳ-kheo tên Xà-nặc, vốn là người giữ ngựa cho Thái-tử Tất-đạt-ta. Xà-nặc là người giữ ngựa, theo hầu Thái-tử Tất-đạt-ta khi Thái-tử lià bỏ cung vàng điện ngọc, vượt qua cửa Đông thành Ca-tỳ-la-vệ, cởi ngựa vào rừng, trên đường đi tìm Chơn-lý và Đạo-pháp. Đến khi Thái-tử thành Đạo, chứng ngôi Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, thì Xà-nặc trở thành một vị tỳ-kheo. Tỳ-kheo Xà-nặc thường tự-hào rằng mình là người duy-nhứt thân-cận bên Phật ngay tự buổi đầu, nên ganh-tị với điạ-vị ngày nay của các Tôn-giả Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên, trong Tăng-đoàn. Ông ta thường ba-hoa với mọi người: "Khi Thái-tử vượt thành vào rừng đi tu, ta là người luôn luôn ở bên cạnh; bấy giờ nào đã có Xá-lợi-phất, hay Mục-kiền-liên đâu; cớ sao nay họ lại vênh-vang xưng với chư Tăng, họ là đại-đệ-tử của Đức Phật?" Đức Phật nghe thấy, nhiều lần gọi Xà-nặc đến bên cạnh, khuyên răn: "Ông nên thay đổi thái-độ ngay, chớ có lời vô-lễ với hai vị tỳ-kheo đức-hạnh đó. Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên là những người bạn tốt của chư Tăng, ông nên thân-cận và cung-kính họ." Xà-nặc lẵng-lặng nghe lời Phật nói, nhưng lòng vẫn chẳng chịu tuân theo. Bấy giờ, Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Chớ kết bạn đường với
phường ngu-ác, Mặc dầu nhiều lần được Đức Phật khuyên-can, chỉ-dạy, Xà-nặc vẫn giữ thái-độ ngoan-cố, thường có lời hỗn-hào đối với hai vị đại-đệ-tử. Đức Phật biết Xà-nặc là người khó-trị, nên lúc Ngài sắp nhập Niết-bàn, gọi Tôn-giả A-nan đến bên cạnh, trối rằng: "Đối với Xà-nặc ngoan-cố, nên áp-dụng hình-phạt nặng-nề nhứt là cô-lập hắn, đừng cho tỳ-kheo nào giao-du với hắn nữa." Nhưng đến khi Đức Phật nhập-diệt, Xà-nặc đau-buồn thái-quá, nhiều lần ngất-xỉu, hối-hận chẳng biết vâng lời Đức Phật lúc Ngài còn tại thế-gian. Xà-nặc mới đến xin sám-hối tội-lỗi với hai vị Tôn-giả Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên. Từ đó, Xà-nặc tinh-tấn tu-hành, chẳng bao lâu đắc quả-vị A-la-hán. TÌM HIỂU: A.- Nghĩa CHỮ: - Xà-nặc: tên thật người giữ ngựa nầy, tiếng Pali là Channa. - Thái-tử Tất-đạt-ta: Thái-tử = con trai lớn của Vua, sẽ được nối ngôi; Tất-đạt-ta: tên thật của Thái-tử, tiếng Pali là Siddhattha, con vua Tịnh-phạn (Suddhodana). Theo Kinh sách, Thái-tử sau khi đi viếng bốn cửa thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu), thấy cảnh bịnh, già, chết và gặp một vị tu-sĩ, mới quyết-định bỏ cung vàng điện ngọc đi tu. Sau sáu năm khổ-hạnh, chọn con đường Trung-đạo, tu-sĩ Tất-đạt-ta ngồi thiền bốn mươi chín ngày đêm dưới cội Bồ-đề, chứng-đắc chánh-quả mà thành Phật, hiệu là Thích-ca mâu-ni (Sakya Muni). - Ngôi Chánh-đẳng Chánh-giác: quả-vị Phật, tức là thành Phật. - Thân-cận: Thân = thân-thích; Cận = gần. Thân-cận là ở gần bên cạnh luôn. - Ganh-tị = cà-nanh, ghen-ghét. - Tăng-đoàn = đoàn-thể các vị Tỳ-kheo. - Ba-hoa = nói lời phách-lối, om lên chẳng dứt. - Vênh-vang = thái-độ phách-lối, kiêu-căng trong lời nói và cử-chỉ. - Đại-đệ-tử = học-trò lớn, đồ-đệ cao-cấp, giỏi. - Bạn đường = người cùng đi chung một đường với mình. Ở đây là những người đồng-tu với nhau. - Phường ngu-ác = bọn người dốt-nát, dữ-dằn. - Giao-du, Giao-thiệp: chơi-bời với nhau, thân-thích với nhau. - Bọn tà = bọn ác-tà, bọn xấu dữ, làm điều quấy. - Cao-đức = có đức-hạnh cao-quí; người hiền-lành và có trí-huệ. - Ngoan-cố = cứng đầu, chẳng chịu nghe theo lời phải. - Nhập Niết-bàn: rời bỏ xác thân, vào cảnh tịch-diệt. Nghĩa thông-thường là chết đi. Còn gọi là nhập-diệt. (Nhập = vào; diệt = chết mất.) - Tôn-giả A-nan = tên thật của tôn-giả, tiếng Pali là Ànanda, tôn-giả là người thị-giả ( =hầu-cận) của Đức Phật Thích-ca. - Hình-phạt nặng-nề nhứt: địch chữ Brahmadanda, tiếng Pali. Danda có nghĩa là hình-phạt. Brahma, ở đây,nghĩa là cao nhứt, nặng nhứt. - Cô-lập: Cô = cô-độc, một mình, trơ-trọi; Lập = đứng. Cô-lập một người là chẳng cho ai gần với người ấy cả. Tiếng bình-dân gọi là tẩy chay. - Sám-hối = ăn-năn, xin thú-tội và hứa từ nay sẽ chẳng tái-phạm. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện kể lại sự-việc Xà-nặc ỷ mình là người theo Phật từ buổi đầu mà tỏ ra phách-lối với mọi người và vô-lễ với hai vị đại-đệ-tử của Đức Phật. Xà-nặc lại còn ngoan-cố, chẳng biết theo lời khuyên của Phật. Chỉ sau khi Phật nhập-diệt rồi, Xà-nặc mới hối-hận, sám-hối tội-lỗi với hai vị Tôn-giả và chuyên-cần tu-hành mới chứng được quả-vị A-la-hán. Ý-nghĩa quan-trọng của Tích chuyện là phải biết nghe theo lời của người có đức-hạnh, thân-cận bên họ, mới có lợi cho đường tu. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 078: Ý-nghĩa của bài Kệ rất rõ-ràng: nên chọn bạn mà kết-thân, xa người ngu-ác, gần người hiền-lương, có đức-hạnh. HỌC TẬP: 1.- Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ để đọc lên cho con-em nghe, mỗi khi muốn khuyên chúng nên xa-lánh bạn-bè chẳng tốt. 2.- Tập bỏ tánh ỷ-lại: ỷ-lại là dựa thế của người khác mà tự coi mình cao hơn; đó là lòng kiêu-căng sái chỗ, cần dẹp bỏ. Xin đề-nghị: - đừng tự-hào về giai-cấp, địa-vị, tiền-của của mình: giá-trị con người chính ở nơi đức-hạnh, chớ đâu phải ở nhà cao, xe đẹp, có con "làm lớn"! Càng tỏ ra nhũn-nhặn, mới càng quí. - lạy sám-hối trước tượng Phật: lạy là một hình-thức dẹp bỏ lòng kiêu-căng bên trong của mình, khi mình cúi đầu sát đất. (63).- Tích chuyện Trưởng-lão Kha-phi-na. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Trưởng-lạo Kha-phi-na, vốn là vị Vua ở Cúc-khư, xúất-gia cùng với các vị đại-thần của mình. Thuở ấy, vua Kha-phi-na cùng với các vị đại-thần, đi du-ngoạn trong vườn thượng-uyển. Ngài gặp được một nhóm thương-gia từ nước Xá-vệ đến, thuật chuyện có Đức Phật cùng Tăng-đoàn đang tu-hành ở chùa Kỳ-viên. Vua Kha-phi-na liền cùng với các vị đại-thần lên đường đến gặp Đức Phật. Bấy giờ, sau cơn Thiền định buổi sáng, Đức Phật quán-thấy đã đến cơ-duyên độ cho vua Kha-phi-na và các vị đại-thần được thành chánh-quả, mới rời chùa Kỳ-viên, đi đến nửa đường để gặp Vua. Đức Phật cùng chư Tăng đi đến ngồi chờ, dưới cội cây Bồ-đề bên đường, gần bờ sông Càn-đà. Khi Vua Kha-phi-na và quần-thần đi đến, từ xa đã trông-thấy hào-quang rực-rỡ của Đức Phật rạng-chiếu lên. Họ đến đảnh-lễ dưới chơn Phật và được Đức Phật giảng pháp cho nghe. Sau thời pháp, tất cả đều chứng được sơ-quả Tu-đà-huờn. Vua và các quan đồng qùi xuống, thỉnh-cầu Đức Phật cho xuất-gia và thọ-giới tỳ-kheo. Đức Phật vui-vẻ liền nói: "Thiện Lai! Tỳ-kheo!", chấp-nhận tất cả vào Tăng-đoàn. Vua cùng quần-thần liền theo chơn Đức Phật trở về tịnh-xá Kỳ-viên. Lúc bấy giờ, Hoàng-hậu An-nỡ-gia hay tin Vua đã rời kinh-thành đi đến Xá-vệ, bà liền mời các phu-nhơn các vị đại-thần, tập-hợp nhau, lên đường đi tìm Vua. Khi họ đến chùa Kỳ-viên, Đức Phật đang giảng-pháp cho Vua và các quan nghe, nhưng với sức thần-thông của Đức Phật, Hoàng-hậu và các vị phu-nhơn chẳng trông thấy Vua và các quan đang ngồi đó. Hoàng-hậu qùi tâu với Đức Phật ý-định đi tìm chồng. Đức Phật bảo hãy chờ một chút, sau thời kinh, sẽ gặp. Khi Phật chấm dứt bài giảng, các vị phu-nhơn nhìn lên, trông thấy các ông chồng của họ đang trong lớp áo tỳ-kheo, họ liền qùi xin Đức Phật cho họ được gia-nhập hàng-ngũ tu-hành. Đức Phật chấp-thuận cho họ được vào nữ-tu-viện của các Tỳ-kheo-ni ở Xá-vệ. Trong thời gian cư-trú tại chùa Kỳ-viên, tỳ-kheo Kha-phi-na ngày đêm thường thốt lên lời nói nầy: ‘Ôi! Hạnh-phước biết bao!" Chư Tăng nghe thấy như thế, mới đến thưa trình cùng Đức Phật. Phật bảo: ‘Tỳ-kheo Kha-phi-na đang thấm-nhuần trong Chánh-pháp, cảm thấy một nguồn sung-sướng vô-biên nơi tâm-khảm, cho nên mới thốt lên lời tán-thán cõi an-lạc Niết-bàn tịch-diệt." Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Người thấm-nhuần Chánh-pháp, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa CHỮ: - Kha-phi-na: tên thật của vị Vua nầy, tiếng Pali là Mahàkappina. - Cúc-khư: tên nước nầy, tiếng Pali là Kukkutavatì. - An-nỡ-gia: tên thật của Hoàng-hậu, tiếng Pali là Anojà. - Càn-đà: tên con sông nầy, tiếng Pali là Candabhaga. - Du-ngoạn: Du = đi chơi đó đây: Ngoạn = ngắm xem. Đi đạo. - Thượng-uyển = vườn hoa của Vua. - Thương-gia = người sống về nghề buôn-bán. - Độ = cứu-độ = giúp-đỡ. Tiếng Hán-Việt Độ có nghĩa là đưa qua sông; ở đây, chữ độ có nghĩa là giúp-đỡ, chỉ-dạy giáo-pháp cho người khác, để họ tu-hành, vượt qua được các sự mê-lầm, thoát khổ. - Chánh-quả: Chánh = chơn-chánh, đứng-đắn; Quả = kết-quả, quả-vị. Chánh-quả là đạt được kết-quả chánh-đáng, tốt, của sự tu-hành. - Hào-quang: ánh-sáng rực-rỡ toả ra từ các bực tu-hành đắc quả. - Đảnh-lễ: cúi đầu làm lễ tỏ lòng tôn-kính. - Sơ-quả: Sơ = sơ-đẳng, bước đầu, thứ-nhứt; Quả = quả-vị. Sơ-quả là quả-vị đầu-tiên, thấp nhứt trong bốn quả-vị của hàng Thanh-văn. Bốn quả-vị nầy chia ra: bực Hiền có Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm; bực Thánh là A-la-hán. Đến quả A-la-hán, chứng được cảnh Vô-sanh của cõi Niết-bàn. (Vô-sanh = chẳng còn bị tái-sanh trong cảnh Luân-hồi nữa). - Xuất-gia: Xuất = ra khỏi; Gia = nhà. Xuất-gia là rời nhà, lià-bỏ đời sống thế-tục, vào chùa tu-hành. Trái với xuất-gia là tại-gia, còn ở nhà, sống đời người thường mà tu-hành theo đạo Phật. - Thọ giới Tỳ-kheo: làm lễ xin theo đúng 250 điều răn-cấm của vị Tỳ-kheo. Còn gọi là thọ Cụ-túc-giới. Về phiá Tỳ-kheo-ni, có 348 giới. - Thiện Lai! Tỳ-kheo!: dịch tiếng Pali là "Ehi Bhikkhù!"; Thiện = lành; Lai = đến. Đây là lời Đức Phật nói khi hoan-nghinh người mới gia-nhập Tăng-đoàn. - Phu-nhơn = người vợ của các bực giàu-sang, quyền-thế. - Đại-thần: Đại = lớn; Thần = ở đây là quan. Đại-thần là Quan lớn. - Sức thần-thông: quyền-năng đặc-biệt có hiệu-lực khác thường; như có thể bay bổng, đi trên mặt nước, v.v. - Tỳ-kheo-ni: phụ-nữ thọ giới Cụ-túc (348 điều), tu-hành sống trong nữ-tu-viện ( = chuà dành riêng cho các sư-nữ.) - Thấm-nhuần: Thấm = thấm vào; Nhuần = nhuần-nhã. Thấm-nhuần Chánh-pháp là hiểu rõ rành-rẽ lời dạy của Đức Phật ghi trong Kinh-kệ. - Vô-biên: Vô =chẳng có; Biên = bờ bến; biên-giới. Vô-biên là to lớn, rộng-rãi đến chẳng có bờ bến nào cả. - Tâm-khảm = sâu trong lòng. - Tán-thán = khen-ngợi. - An-lạc = yên-vui. - Niết-bàn = cõi an-vui, thường còn, chẳng còn tái-sanh nữa, sống mãi trong cảnh tịch-diệt ( = yên-lặng, vắng-vẻ). Tiếng Pali là Nirvana, có nghĩa là ra khỏi rừng u-tối của các phiền-não. Niết-bàn chẳng phải là nơi chốn nào trong không-gian, chính là tâm-trạng yên-vui của người khỏi bị tái-sanh nữa. - Hoan-lạc = vui-sướng. - An-nhiên = yên-ổn, tự-do, tự-tại, chẳng bị ràng-buộc. - Thoả-thích = vui thích, thích-chí. - Bực Thánh truyền: do bực Thánh chỉ dạy, trao-truyền lại. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện mang ý-nghĩa quan-trọng sau đây: hạnh xả-ly, lià-bỏ chốn giàu-sang để chọn con đường tu-hành giác-ngộ và giải-thoát. Noi theo gương của Thái-tử Tất-đạt-ta, vua Kha-phi-na, Hoàng-hậu A-nở-gia, các quan đại-thần cùng các vị phu-nhơn đã từ-khước sự sung-sướng vật-chất của cuộc đời quyền-quí, xuất-gia tu-hành, nhằm vào mục-tiêu chứng-đắc Niết-bàn an-lạc và tịch-diệt vì đó mới là hạnh-phước chơn-thật và bền-vững. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 079: Bài Kệ nói lên sự sung-sướng về tinh-thần của người thấm-nhuần Chánh-pháp: tâm thanh-tịnh, an-nhiên, lòng luôn hoan-lạc. Người như thế được gọi là người hiền-trí, biết thoả-thích trong sự thông-hiểu Chánh-pháp và ứng-dụng Chánh-pháp vào cuộc đời tu-hành của mình. HỌC TẬP: Học thuộc lòng bài Kệ, nên thường đọc lên, mỗi khi cảm thấy thiếu hăng-hái trong việc tụng-kinh, niệm Phật hằng ngày. (64).- Tích chuyện Sa-di Phan-di-ta. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến vị Sa-di tên là Phan-di-ta. Thuở ấy ở nước Xá-vệ có một cậu bé bảy tuổi, tên là Phan-di-ta, con của một người rất giàu-có, được thâu-nhận làm Sa-di và theo học với Tôn-giả Xá-lợi-phất. Một buổi sáng, cậu Phan mang bình bát, theo chơn Thầy đi khất-thực. Dọc đường, cậu thấy các nông-phu đang đào mương dẫn nước vào tưới ruộng. Cậu liền bạch với Tôn-giả: "Bạch Thầy, nước kia chẳng có ý-thức, có thể nào ta khiến cho nước phải chảy đúng theo chiều-hướng mình muốn không?" Tôn-giả đáp: ‘Ừ, được chớ!" Cả hai lại tiếp-tục lên đường. Một lát, cậu bé nhìn vào khu xóm, thấy các thợ làm cung tên, đang hơ lửa khúc tre để uốn thẳng làm các mũi tên. Đi được một đỗi đường nữa, Phan-di-ta nhìn thấy một người thợ mộc bào, đẽo một tấm ván để làm bánh xe. Phan-di-ta mới ngẫm-nghĩ trong lòng: "Nếu nước kia là vật vô-tri mà có thể chảy xuôi theo chiều-hướng mình muốn, nếu cành tre vô-tri cong kia có thể uốn lại cho thẳng, nếu tấm ván vô-tri có thể đem đẽo thành bánh xe, tại sao ta đây có tâm tri-giác, lại chẳng thể điều-phục được tâm mình mà thực-hành Thiền Minh-sát?" Nghĩ đến đấy, Phan-di-ta liền xin phép Thầy cho quay về tịnh-xá, rồi vào phòng riêng, ngồi xuống trong tư-thế toạ-thiền. Phan tập-trung tư-tưởng, quán-chiếu thân bất-tịnh, lòng rất nhiệt-thành, chẳng hề xao-lãng. Bấy giờ, Vua Trời Đế-thích và chư Thiên thấy nỗ-lực phi-thường của Phan, nên đến giữ-gìn chung quanh tịnh-xá thật yên-tịnh. Trước giờ ngọ-trai, Sa-di Phan-di-ta chứng đắc được đạo-quả thứ ba là A-na-hàm. Lúc ấy, Tôn-giả Xá-lợi-phất vừa đi khất-thực về đến tịnh-xá, định đem cơm vào cho Phan-di-ta. Tại chùa Kỳ-viên, Đức Phật dùng thiên-nhãn thấy Sa-di Phan-di-ta sắp chứng được quả-vị thứ tư là A-la-hán, Ngài liền đi đến tịnh-xá, hỏi chuyện Tôn-giả, mục-đích là ngăn Tôn-giả, đừng vào phòng ngay, để cho Phan-di-ta tiếp-tục hành-thiền. Trong khi Tôn-giả Xá-lợi-phất đang bận hầu chuyện với Đức Phật, Sa-di Phan-di-ta chứng-đắc được ngôi-vị A-la-hán, chỉ có tám ngày sau khi được thâu-nhận vào tu trong chùa. Thuật lại chuyện Sa-di Phan-di-ta đắc quả-vị, Đức Phật bảo chư Tỳ-kheo rằng: "Khi một tu-sĩ nhiệt-tâm hành-thiền đúng theo Chánh-pháp, thì ngay cả Vua Trời Đế-Thích cũng đến ủng-hộ." Rồi Đức Phật nói lên bài kệ sau đây: Người làm ruộng đào
mương dẫn nước, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa CHỮ: - Phan-di-ta: tên thật của vị Sa-di nầy tiếng Pali là Pandita - Sa-di: người trẻ tuổi vào chùa tập-sự tu-hành, chưa thọ-giới Tỳ-kheo. Tiếng Pali là Sàmanera. - Đào mương: đào đất thành một rảnh nhỏ cho nước chảy vào. - Có ý-thức: Ý = ý-tưởng; Thức = biết. Có ý-thức là đang làm gì, nói gì, nghĩ gì, trong lòng biết rõ việc mình làm, nói hay nghĩ. Trái lại với có ý-thức là sự vô-ý, chẳng để-ý đến. Ở đây, nói nước chẳng có ý-thức là muốn nói nước là vật vô-tri, chẳng biết gì. Trong Phật-học, các sự-vật vô-tri được gọi là vật vô-tình, chẳng có tình-cảm; trái với vật hữu-tình, có tình-cảm, biết đau-đớn, biết nghĩ-suy như con người hay loài thú. - Vô-tri: Vô = chẳng có; Tri = biết. - Tri-giác = Tri = biết; Giác = hiểu rõ. - Thiền Minh-sát: Thiền = phép tu về Trí-huệ, giữ tâm trong sự yên-tịnh; thường dịch là tĩnh-lự (tĩnh =yên-tịnh; lự =suy-nghĩ); Minh = sáng; Sát = quan-sát, xem xét kỹ, nhìn vào trong tâm mình. Phép Thiền Minh-sát, tiếng Pali là Vipassana, theo dõi từng biến-chuyển một của tâm. - Điều-phục: Điều = điều-khiển; Phục = chế-phục. Điều-phục tâm là nắm quyền chủ-động, chẳng để tâm chạy buông-lung theo cảnh bên ngoài, cũng chẳng cho các vọng-tưởng nổi lên trì-kéo tâm bên trong. - Toạ-thiền: Toạ = ngồi. Toạ-thiền là ngồi thiền trong tư-thế kiết-già hay bán-già. Ngồi kiết-già, hai bàn chơn tréo lên hai đùi; bán-già thì một bàn chơn gát lên đùi, bàn chơn kia để dưới đùi. - Tập-trung tư-tưởng = giữ cho tư-tưởng chú-ý vào một đề-tài duy-nhứt, chẳng được nghĩ-ngợi lang-bang nữa. - Quán-chiếu thân bất-tịnh: Quán-chiếu = suy-nghĩ sâu-xa trong cơn Thiền; Thân bất-tịnh: Thân =thân-thể; Bất-tịnh = chẳng sạch. Quán thân bất-tịnh là đề-tài thứ nhứt của Pháp Tứ-niệm-xứ, theo đó người thiền-giả nhìn xem bên trong thân có 32 chỗ dơ-dáy, do đó sanh ra nhàm-chán thân-thể, chẳng tríu-mến nữa. - Ngọ-trai: Ngọ = 12 giờ trưa; Trai = ăn chay. Ngọ-trai là bữa ăn trưa của các nhà tu-hành. - A-na-hàm: quả-vị thứ ba trong hàng Thanh-văn ( = các đệ-tử sống gần Phật, nghe Kinh mà tu-tập), tiếng Pali là Anàgàmi, còn dịch là Bất-Lai, nghĩa là chẳng sanh trở lại cõi người nữa, được sanh lên Trời. - Thiên-nhãn: Thiên = trời; Nhãn = mắt. Có thiên-nhãn chẳng phải có thêm một cặp mắt nào khác, đó là khả-năng của người tu-hành cao, có định-lực mạnh, nhìn xuyên qua được các vật bị ngăn che, và vật ở xa. - Ủng-hộ = giúp đỡ. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện kể lại sự thành-công tốt-đẹp của một vị Sa-di trẻ tuổi, tinh-tấn hành Thiền Minh-sát, chứng đắc được quả-vị A-la-hán. Nhờ đâu Sa-di Phan-di-ta thành-công? Trước nhờ sự quan-sát sự-việc bên ngoài: đào mương dẫn nước, uốn thẳng cành tre, đẽo ván thành bánh xe, rồi hướng vào bên trong tâm mình, tìm cách điều-phục tâm. Sau nhờ nỗ-lực hành Thiền, chẳng để tâm xao-lãng, mới chứng được quả-vị. Tại sao nhiều người tu Thiền mà chẳng có kết-quả? Sự thất-bại phần lớn do tâm xao-lãng, chẳng chuyên-chú vào đề-tài quán-chiếu. Tại sao tâm hay xao-lãng? Vì ngày thường thiếu sự giữ-gìn giới luật cho nghiêm. Khi giữ giới thật thanh-tịnh, định-lực sẽ sanh ra, nhờ đó mà phát-triển được trí-huệ: Giới đưa đến Định, Định đưa đến Huệ, đúng như theo ba môn học vô-lậu (vô-lậu = chẳng còn bị lậu-hoặc hay phiền-não khuấy rối) là Giới, Định và Huệ. (2) Ý-nghĩa bài Kệ số 080: Bài Kệ nhắc lại đoạn đường Sa-di Phan-di-ta trrải qua thật ngắn để chứng-đắc quả-vị A-la-hán: quán-sát sự-vật bên ngoài, quán-chiếu Tâm bên trong, nỗ-lực hành Thiền, chẳng hề xao-lãng. Chẳng phải ai ai cũng đắc được quả-vị như Phan-di-ta, nhưng tấm gương của Phan-di-ta nhắc-nhở ta trong việc ngồi Thiền hằng ngày, để phát-triển Trí-huệ. HỌC TẬP: - Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ rằng, các vật vô-tri còn uốn-nắn được, huống chi Tâm tri-giác, sao chẳng điều-phục được. (65).- Tích chuyện Trưởng-lão Phát-di-gia. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến vị Trưởng-lão Phát-di-gia. Thuở ấy, có Trưởng-lão Phát-di-gia tu-hành rất tinh-tấn, chứng được quả-vị A-la-hán. Trưởng-lão người thấp-lùn, thường bị các tỳ-kheo trẻ tuổi gán cho biệt-hiệu là Lakundaka, có nghĩa là người lùn-tịt. Tâm-tánh Trưởng-lão rất hiền-hoà; mỗi khi bị trêu-chọc, Trưởng-lão chẳng hề tức-giận, ngay cả khi các người trẻ tuổi theo véo tai, bóp mũi hay vò đầu. Trưởng-lão chẳng hề cau-có, mà vẫn giữ vẻ mặt bình-thản, khi có kẻ trêu-chọc hay có lời thiếu lễ-độ với mình. Khi Đức Phật nghe nói đến sự nhẫn-nhục, hiền-hoà của Trưởng-lão Phát-di-gia, Ngài bảo rằng chư Tăng rằng: "Đối với một bực A-la-hán, chẳng bao giờ mất sự bình-tỉnh trong lòng, chẳng hề có ý-định nói nặng lời, chẳng hề có ác-ý với ai cả. Vị ấy cũng như tảng đá kiên-cố, đâu bị bão-tố lay-động được. Vị ấy lúc nào cũng điềm-nhiên khi bị mắng-mỏ, bị trêu-chọc, cũng như khi được khen-tặng." Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây: Như tảng đá thật kiên-cố, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa CHỮ: - Phát-di-gia: tên thật của Trưởng-lão, tiếng Pali là Bhaddiya. - Lakundaka: tiếng Pali, đọc là La-cun-đa-ca, có nghĩa là lùn-tịt. - Biệt-hiệu: Biệt = riêng-biệt; Hiệu = tên. Biệt-hiệu là tên riêng do người khác gán cho mình, hay mình tự-đặt lấy. - Bình-thản = thản-nhiên, dửng-dưng chẳng giận, tâm yên. - Nhẫn-nhục = nhịn-nhục, chẳng oán-giận, chịu nhịn. - Ác-ý: trong bụng nghĩ việc ác xãy ra cho kẻ khác. - Kiên-cố = thật vững-chắc. - Bão-tố = cơn gió mạnh làm đổ gãy cây cối, sập nhà cửa. - Điềm-nhiên = bình-tỉnh, tâm chẳng xao-động, vẻ mặt yên-ổn. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện rất gian-dị, thuật lại tánh-tình hiền-hoà của một vị tỳ-kheo tu-hành đắc quả-vị A-la-hán. Mặc dầu bị trêu-chọc về thân-thể thấp-lùn của mình, vị tỳ-kheo chẳng hề nóng-giận, có ác-ý hay có lời lẽ nặng-nề đối với ai. Đức Phật khen ngợi đức-tánh trầm-tỉnh nầy và so-sánh Tâm của Trưởng-lão với tảng đá kiên-cố trước cơn bão-tố. (2) Ý-Nghĩa của Bài Kệ số 081: Hai câu đầu của bài Kệ so-sánh tâm của bực hiền-trí luôn-luôn điềm-nhiên chẳng bị xao-động, với một tảng đá thật kiên-cố, dầu bão to gió lớn cũng chẳng làm lung-lay được. Hai câu chót nói đến tâm điềm-nhiên, bình-thản của bực hiền-trí, khi được khen-ngợi, cũng như khi bị mắng-mỏ. Được khen, thì khó giữ được sự vui-mừng, làm cho tâm xao-động. Bị chê càng khó giữ được sự điềm-nhiên, vì tự-ái bị xúc-phạm, dễ nổi nóng, hay buông lời nói nặng. Ý-nghĩa quan-trọng của bài Kệ là khuyên ta phải giữ tâm bình-thản. HỌC TẬP: 1.- Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ để cố-gắng tập sao cho tâm mình được quân-bình, chẳng quá vui khi được khen, chẳng quá giận khi bị chê. 2.- Thử tập giữ tâm bình-thản trước tám hoàn-cảnh nầy: khi được khen, khi bị chê, khi bị nói xấu, khi được nịnh-bợ, khi gặp vui, khi gặp khổ, khi có lợi, khi bị thiệt-hại. Tám hoàn-cảnh đó, trong Kinh-sách gọi là tám ngọn gió, thổi mạnh đến khiến cho lòng người bị chao-động. 3.- Đề-nghị: khi được khen nồng-nhiệt, chỉ nên cúi đầu cảm-ơn người khen, và trong bụng đừng tỏ ra quá thích-chí mà sanh kiêu-căng. (66).- Tích chuyện tín-nữ Kha-nhã. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến một người tín-nữ tên là Kha-nhã. Cô Kha-nhã là con gái của một vị nữ-cư-sĩ rất mộ đạo Phật, được mẹ gả chồng sang làng bên. Thỉnh-thoảng, cô Kha-nhã trở về quê thăm mẹ, cùng với mẹ sửa-soạn thực-phẩm dưng-cúng chư Tăng đi khất-thực hằng ngày. Chồng cô Kha-nhã sai người đến nhà vợ, nhắn tin bảo cô Kha-nhã phải trở lại nhà chồng. Mẹ cô bảo cô ở nán lại một hôm để giúp bà làm mứt ngọt cúng-dường các vị tỳ-kheo. Hai mẹ con làm nhiều kẹo mứt ngon-ngọt, định để dành một mớ cho Kha-nã đem về cho chồng; nhưng sáng sớm hôm đó, hai mẹ con thấy có đông-đảo tỳ-kheo đến trước cửa nhà, nên đem ra hiến hết cả. Bà mẹ bảo cô Kha-nhã, thôi con hãy ở nán thêm một ngày nữa, đem về chút ít kẹo cho chồng con. Nhưng ngày hôm sau, nghe nói ở nhà bà Kha có nhiều bánh mứt ngon-ngọt, số tỳ-kheo đến khất-thực lại gia-tăng lên, khiến cho bao nhiêu kẹo mứt đều được đem ra hiến-tặng cả. Bà mẹ lại lưu cô Kha-nhã ở thêm một ngày nữa. Bấy giờ, người chồng sai người đến thúc-dục cô Kha-nhã phải trở về nhà chồng ngay. Đó là một bức tối-hậu-thơ, nếu mai chẳng về, thì chồng cô sẽ cưới vợ khác. Bà mẹ tưởng đó là lời doạ suông của một người chồng nhớ vợ quá, nên mới giữ con gái lại thêm một ngày nữa, làm bánh mứt dâng cúng chư Tăng. Nào dè, người chồng cô Kha-nhã làm thiệt, cưới một người vợ mới. Khi cô Kha-nhã hay tin đó, mới buồn rầu, ở lại luôn nhà mẹ, trong lòng lại sanh ra oán-ghét chư Tăng, nói lời vô-lễ, cho rằng vì chư Tăng đến khất-thực, mà cô bị chồng bỏ. Tiếng đồn vang xa, chư Tăng chẳng đến nhà mẹ cô Kha-nhã khất-thực nữa. Đức Phật hay biết câu chuyện đó, mới cùng một số tỳ-kheo đi đến trước cửa nhà mẹ của cô Kha-nhã. Bà cụ cung-thỉnh Đức Phật vào nhà, dâng-cúng thực-phẩm. Sau khi thọ-thực xong, Đức Phật cho mời cô Kha-nhã ra và hỏi: "Này tín-nữ, chẳng hay khi đến đây khất-thực, các tỳ-kheo chỉ nhận những gì hiến-tặng cho họ, hay họ đã lấy những gì chẳng được hiến-tặng cho họ?"Cô Kha-nhã bạch Phật rằng: "Bạch Thế-tôn! Chư Tăng chẳng có ai nhận quá phần dưng-cúng cho mình cả. Trước đây, vì bị chồng con bỏ con, con đau-buồn có lời thất-lễ với chư Tăng, nay con thành-tâm thú-tội, kính mong Thế-tôn tha lỗi cho con." Đức Phật vui-vẻ chấp-nhận lời sám-hối của cô Kha-nhã, và giảng một bài pháp về hạnh bố-thí. Cô Kha-nhã nghe xong, liền chứng được quả-vị Tu-đà-huờn. Trên đường trở về tịnh-xá Kỳ-viên, Đức Phật gặp vua Ba-tư-nặc, xứ Câu-tát-la. Nghe Đức Phật thuật lại thái-độ thiếu-lễ-độ trước đây của cô Kha-nhã đối với chư Tăng, nhà Vua hỏi Phật có giảng-giải Chánh-pháp cho cô ta nghe chăng. Đức Phật đáp: "Như-Lai đã giảng pháp cho Kha-nhã nghe và khiến cho cô ta sẽ được giàu-sang vào kiếp tới." Vua Ba-tư-nặc lại nói: "Bạch Thế-tôn, con có cách làm cho Kha-nhã được giàu-có ngay trong hiện đời." Rồi đó nhà vua sai sứ-giả mời cô Kha-nhã đến hoàng-cung, nhận làm con nuôi. Giữa triều-đình, nhà vua nói: ‘Này chư Khanh, có ai đủ khả-năng làm cho con gái nuôi ta là Kha-nhã đây được đầy-đủ tiện-nghi, sung-sướng, thì được phép đưa về nhà." Một vị đại-thần liền đứng ra xin nhận. Cô Kha-nhã được cha nuôi ban cho nhiều tiền-của và bảo cứ tuỳ-nghi mà bố-thí. Mỗi ngày, cô Kha-nhã mở hội bố-thí ở bốn cửa thành, phát chẩn cho dân nghèo. Khi nghe dân-chúng nói đến tấm lòng bố-thí rộng-rãi của cô Kha-nhã, Đức Phật bảo các tỳ-kheo rằng: "Trước kia, tâm-trí của Kha-nhã bị mê-mờ và vẩn-đục, sau khi nghe được Chánh-pháp, đã trở nên trong-sáng và an-tịnh." Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây: Như hồ sâu đầy nước TÌM HIỂU: A.- Nghĩa CHỮ: - Kha-nhã: tên thật của người tín-nữ nầy, tiếng Pali là Kàna. - Tín-nữ: Tín =tin-tưởng; Nữ = phụ-nữ. Tín-nữ là người phụ-nữ tin-tưởng vào đạo Phật, thường dâng-cúng lễ-vật cho chư Tăng. - Nữ-cư-sĩ = người đàn-bà theo đạo Phật, tu-hành tại nhà. - Mộ đạo = rất tôn-sùng Đạo. - Ở nán = ở thêm một vài ngày nữa, khoan đi về. - Lưu = lưu giữ thêm, chưa cho về. - Thúc-dục = hối-thúc. - Bức tối-hậu-thơ: bức thơ chót; tối-hậu = sau cùng, chót hết. Hai nước chống đối nhau, một nước gởi tối-hậu-thơ cho nước kia, ra điều-kiện, nếu chẳng theo thì sẽ có chiến-tranh, đánh nhau ngay. - Doạ suông = hăm-doạ bằng lời mà chẳng làm. - Cung-thỉnh: Cung = cung-kính; Thỉnh = mời. - Thọ-thực: Thọ = nhận; Thực = ăn. Thọ-thực là tiếng nhà chùa, có nghĩa là ăn cơm. - Sám-hối = tỏ lòng hối-tiếc vì lỡ làm quấy, nay xin ăn-năn và hứa chẳng tái-phạm nữa. - Hạnh bố-thí: Hạnh = hành-động, việc làm; Bố = cùng khắp; Thí = cho, tặng. Hạnh bố-thí là công-tác đem tiền-của, công-sức, hay lời nói ra giúp-đỡ người khác. Bố-thí đứng đầu trong sáu hạnh Ba-la-mật của Bồ-tát-đạo (bố-thí, trì giới, nhẫn-nhục, tinh-tấn, thiền-định và bát-nhã). - Tu-đà-huờn = quả-vị thứ nhứt, còn gọi là Nhập-Lưu ( = bước vào dòng Thánh) hay Thất-Lai ( = chỉ còn tái-sanh bảy lần nữa thôi, rồi chứng Niết-bàn). Tiếng Pali là Sotàpatti. - Ba-tư-nặc = vị vua rất tôn-sùng đạo Phật, tiếng Pali là Pasenadi. - Câu-tát-la: tên nước nầy, tiếng Pali là Kosala. - Sứ-giả = người mang tin đến cho ai. - Hiện-đời = ngay trong đời hiện-tại nầy. - Hoàng-cung = cung-điện của nhà Vua. - Triều-đình = nơi Vua và các quan hội-họp. - Chư Khanh: Chư = nhiều, số đông; Khanh = các vị quan lớn, đây là tiếng vua gọi các quan (còn vua tự-xưng là Trẫm) - Đại-thần = quan lớn. - Tuỳ-nghi: tuỳ theo sự tiện-lợi của mình, tùy ý thích. - Phát chẩn = phân-phát tiền bạc, áo quần, thực-phẩm cho người nghèo khổ. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện mang các ý-nghĩa sau đây: 1) Cô Kha-nhã, vì bị chồng bỏ, sanh ra oán-ghét chư Tăng; đây là một lỗi-lầm lớn của cô, thiếu suy-nghĩ cho rằng vì bận lo cúng-dường chư Tăng mà bị chồng bỏ. Đức Phật gọi sự thiếu suy-nghĩ chín-chắn nầy là sự mê-mờ và vẩn-đục của tâm-trí ( = bị dơ, có nhiều cặn). 2) Bố-thí ngày nay đem lại phước-đức về sau sẽ được giàu-sang, đúng theo Luật Nhơn-quả: hễ làm điều lành thì được việc tốt. Đó là lời của Đức Phật khi Ngài nói, khi giảng hạnh bố-thí cho cô Kha-nhã nghe: " ... khiến cho cô ta sẽ được giàu-sang vào kiếp tới." Nhưng Vua Ba-tư-nặc lại còn có khả-năng làm cho cô được giàu-sang ngay trong đời nầy bằng cách nhận cô làm con nuôi. Như thế, vì bận cúng-dường, chẳng kịp về nhà mà bị chồng bỏ, cô Kha-nhã lại được hưởng phước-báu của hạnh bố-thí ngay trong đời nầy: được làm công-chúa! 3) Ý-nghĩa quan-trọng của Tích chuyện là lời nói sau cùng của Đức Phật: nhờ nghe giảng pháp về hạnh bố-thí mà tâm-trí của cô Kha-nhã hết mê-mờ, vẩn-đục (vì trước đã oán-ghét chư Tăng), mà trở nên trong-sáng và an-tịnh (hăng-hái thi-hành hạnh bố-thí, phát chẩn.) (2) Ý-nghĩa của Bài Kệ số 082: Bài Kệ ví tâm-trạng của người hiền-trí như mặt nước hồ trong suốt và phẳng-lặng, nhờ nghe Phật-pháp mà trở nên thanh-tịnh. Trong công-việc tu-hành để được giác-ngộ và giải-thoát, việc quan-trọng là biết giữ-gìn tâm-ý sao cho được trong-sáng. Muốn được như thế, phải năng nghe giảng Pháp, theo đó mà tu-tập. Tu là tu tâm. HỌC TẬP: - Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ để thường đến chùa nghe giảng pháp. Đi chùa chẳng phải chỉ được phước về đời sau, mà ngay trong đời nầy, sau khi nghe giảng-pháp, lòng mình được thanh-thản, nhẹ-nhàng, đó cũng là một phước-báu lớn, rất thiết-thực cho cuộc sống hằng ngày. (67).- Tích chuyện về mùa an-cư ở Vệ-lan-già. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến mùa an-cư ở Vệ-lan-già. Thuở ấy, có một người Bà-la-môn ở làng Vệ-lan-già thỉnh Đức Phật và chư Tăng đến làng ông ta, để qua mùa an-cư kiết-hạ. Khi Đức Phật và chư Tăng đến làng, thì vị Bà-la-môn chẳng thể cung-ứng nhu-cầu thực-phẩm cho Tăng-đoàn nổi, vì lúc ấy làng Vệ-lan-già đang bị nạn đói-kém. Bấy giờ, Đức Phật cùng các tỳ-kheo hằng ngày phải dùng lúa mã-mạch, do các người buôn ngựa cúng-dường. Mặc dầu vậy, chư Tăng chẳng thấy buồn lòng, vẫn tinh-tấn tu-tập. Đến cuối mùa mưa, Đức Phật từ-giả vị Bà-la-môn, để cùng chư Tăng trở về tịnh-xá Kỳ-viên. Nơi đây dân-chúng rất vui mừng tiếp-đón Đức Phật và dâng-cúng thực-phẩm thượng hảo-hạng. Có một nhóm người nghèo-khó ở làng Vệ-lan-già, đến sống nhờ bên chư Tăng trong thời-gian bị nạn đói, đến khi chư Tăng về chùa Kỳ-viên, họ cũng đi theo. Nơi đây, họ được ăn uống đầy-đủ, nên cả ngày, ăn no xong, họ lại lăn ra ngủ, tỉnh-dậy ca hát, nhảy múa tưng-bừng. Vào một buổi chiều, Đức Phật đến viếng chư Tăng, các tỳ-kheo trình Phật việc ồn-ào do nhóm người ấy gây ra. Đức Phật bảo: "Các người ấy, trong thời-gian ở Vệ-lan-già, đã tỏ ra đàng-hoàng, cam chịu cực-khổ với các tỳ-kheo, nay họ được ăn uống sung-sướng nên lộ vẻ vui-mừng thái-quá. Tuy nhiên, đối với tỳ-kheo dầu nay được thoả-mãn mọi nhu-cầu, cũng nên giữ thái-độ bình-thản như lúc còn sống khổ-cực ở Vệ-lan-già vậy. Người hiền-trí, khác với kẻ còn ngu-mê, dầu trong hoàn-cảnh nào, cũng giữ tâm thản-nhiên, chẳng buồn thái-quá, cũng chẳng vui ồn-ào". Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Người hiền dứt hết điều
tham-luyến; TÌM HIỂU: A.- Nghĩa CHỮ: - An-cư kiết-hạ: Theo giới-luật nhà Phật, vào muà mưa chư Tăng quay về Tînh-xá, chẳng ra ngoài khất-thực, vì sợ đạp chết côn-trùng. Ở yên trong tịnh-xá, gọi là an-cư, qua hết mùa hè, gọi là kiết-hạ. Trong thời-gian nầy, nhờ các thiện-nam, tín-nữ đem vật-thực đến tịnh-xá cúng-dường, chư Tăng-ni chuyên lo tu-hành cho tinh-tấn. - Vệ-lan-già: tên thật làng nầy, tiếng Pali là Veranjà. - Cung-ứng = cung-cấp đầy-đủ. - Nhu-cầu thực-phẩm: Nhu-cầu = sự cần-dùng; Thực-phẩm = đồ ăn - Lúa mã-mạch = một loại lúa dùng để cho ngựa ăn.( mã = ngựa) - Thượng hảo-hạng: Thượng = cao, trên; Hảo = tốt; Hạng = thứ. Thượng-hảo-hạng là tốt vào bực nhứt. -Thái-quá = quá mức. - Bình-thản, Điềm-nhiên, Thản-nhiên: trong lòng an-ổn, chẳng quá vui mà cũng chẳng quá buồn, trầm-tĩnh, an-nhiên. - Tham-luyến: ham-mê quá độ, chẳng dứt bỏ ra được. - Ái-dục: Ái = thương; Dục = muốn. Ái-dục là tình-cảm xấu, chẳng giống với tình thương thông-thường, vì ái-dục khiến ta tham-đắm, mê-say, chẳng dứt bỏ được. Chính ái-dục (tiếng Pali là tanha) đẩy con người trôi lăn mãi trong cảnh khổ sanh-tử của Luân-hồi. Đó là nguyên-nhơn gây ra đau-khổ, Chơn-lý thứ hai, Tập-đế, trong Tứ-Diệu-đế được Đức Phật chỉ dạy trong Kinh Chuyển Pháp-Luân. - Thánh-nhơn: Thánh = bực đã giác-ngộ và giải-thoát, chẳng còn tái-sanh trong vòng Luân-hồi nữa. Trái nghĩa với chữ phàm-phu. - Sầu = buồn-rầu. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Xin Lưu-ý: Trong quyển Phật-Học Từ-Điển của Đoàn-Trung-Còn, nơi chữ Mã-mạch, có thuật lại chuyện Đức Phật phải ăn luá-ngựa trong muà an-cư kiết-hạ, cũng giống như Tích chuyện được nói ở đây. Theo quyển Từ-điển, vua A-kỳ-đạt thỉnh Phật vào thành trong ba tháng hè, nhưng vì mải-mê theo các thú-vui, nhà Vua lại quên mất việc cúng-dường Tăng-đoàn, khiến cho Đức Phật và các tỳ-kheo phải chịu cực-khổ. Trong Tích chuyện ở đây, chỉ vì dân làng Vệ-lan-già bi nạn đói-kém mà vị Bà-la-môn đã chẳng cung-ứng nổi thực-phẩm cho Tăng-đoàn trong mùa an-cư. Ý-nghĩa của Tích chuyện muốn nói lên là sự vui lòng cam chịu khổ-sở và tinh-tấn tu-hành của chư vị Tỳ-kheo trong mùa an-cư. Còn một ý-nghĩa quan-trọng nữa là lời dạy của Đức Phật: "Phải giữ tâm luôn luôn an-tịnh, bình-thản, trước mọi hoàn-cảnh; khi gặp thuận-duyên, chớ quá vui-mừng; khi gặp nghịch-cảnh, chớ quá ưu-sầu." Thực-hành đúng lời Phật dạy, người tu-hành biết gìn-giữ tâm-ý, chẳng để ngoại-cảnh chi-phối lòng mình; nhờ đó mà dễ có được định-tâm khi hành Thiền, để phát-triển Trí-huệ. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 083: Bài Kệ dạy ta hai điều: - dứt bỏ sự tham-luyến, ái-dục . Tại sao phải dứt bỏ? Vì chính sự tham-ái, hay ái-dục là nguyên-nhơn gây khổ-đau cho cuộc đời. - giữ tâm điềm-nhiên: Giữ như thế nào? Khi vui, chẳng bồng-bột; khi buồn, chẳng quá ưu-sầu. Giữ cách nào? Tập kềm-chế lòng mình, bỏ tánh vọng-động, tập tánh ít nói. HỌC TẬP: 1.- Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ để giữ-gìn tâm-ý thanh-tịnh. 2.- Thử đề-nghị vài thái-độ khi gặp việc buồn: - Việc buồn đã xãy ra cho mình rồi, bây giờ có buồn thêm nữa cũng chẳng làm cho việc ấy chẳng xãy ra được. Tưởng nên ngồi yên lại, xét xem có thể làm điều gì để sửa đổi được hoàn-cảnh chăng; nếu không, thì nên vui lòng chấp-nhận, xem đó như là hậu-quả chẳng may do nghiệp cũ của mình trước đây gây ra, vậy thôi. - Muốn mau quên nỗi buồn, cần kiếm việc khác làm cho khuây lãng; đừng nhắc đi nhắc lại trong lòng việc chẳng may đã xãy ra. Nên nhắc nhở trong lòng hai câu chót của bài Kệ số 083: Điềm-nhiên, người trí tâm an, (68).- Tích chuyện Trưởng-lão Đàm-mi-kha.Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến Trưởng-lão Đàm-mi-kha. Thuở ấy, vợ chồng ông Đàm-mi-kha sống tại nước Xá-vệ. Một hôm, ông bảo vợ rằng ông muốn xuất-gia đi tu. Vợ ông đang có thai, xin ông hãy chờ cho bà sanh con xong rồi hãy đi. Sau khi vợ sanh xong, ông Đàm nhắc lại ý-định muốn trở thành một vị tỳ-kheo. Người vợ lại năn-nỉ, con hãy còn quá nhỏ, xin ráng đợi thêm một thời-gian chờ cho con biết đi rồi hãy vào chùa. Bấy giờ, ông Đàm nghĩ rằng: "Ta đâu cần được vợ cho phép rồi mới đi tu. Ta hãy cứ tự lo lấy việc giải-thoát cho chính mình." Rồi với quyết-tâm vững-chắc rời bỏ cuộc sống thế-tục, ông Đàm xin gia-nhập Tăng-đoàn. Sau đó, tỳ-kheo Đàm-mi-kha đến xin Đức Phật chỉ-dạy cho một đề-tài thiền-quán, rồi với nhiệt-tâm, ông Đàm hành thiền ngày đêm, chẳng bao lâu, chứng được quả-vị A-la-hán. Mười mấy năm sau, Trưởng-lão Đàm-mi-kha trở lại nhà cũ với mục-đích là chỉ dạy Chánh-pháp cho vợ con. Người con nghe hiểu được, mới cùng cha vào chùa xin làm tỳ-kheo. Chẳng bao lâu, người con tinh-tấn tu-hành, cũng chứng được quả A-la-hán. Người vợ ở nhà một mình, thường nghĩ: "Chồng ta, con ta nay đã đi tu hết rồi, ta còn ở lại nhà làm chi, sao ta chẳng đi tu luôn?" Nghĩ xong, bà đến nữ-tu-viện, xin xuất-gia làm tỳ-kheo-ni. Rồi theo với thời-gian, bà cũng chứng-đắc quả A-la-hán. Trong một kỳ hội-họp chư Tăng, có vị tỳ-kheo trình Đức Phật việc Trưởng-lão Đàm-mi-kha cùng vợ con đồng đi tu, chứng được quả-vị, Đức Phật mới nói rằng: "Nầy các tỳ-kheo! Một người hiền-trí chẳng vì sự giàu-sang, danh-vọng cho mình hay cho kẻ khác mà làm quấy. Người hiền-trí biết chọn con đường giác-ngộ và giải-thoát cho chính mình, để ra khỏi cảnh sanh-tử của Luân-hồi, bằng cách tu-tập chuyên-cần theo Chánh-pháp." Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Chẳng vì mình, chẳng vì người khác TÌM HIỂU: A.- Nghĩa CHỮ: - Đàm-mi-kha: tên thật của vị Trưởng-lão tiếng Pali là Dhammika. - Thế-tục: đời sống trong xã-hội, có gia-đình con cái. - Đề-tài thiền-quán: một đầu-đề dùng để suy-nghĩ trong khi ngồi Thiền; thí-dụ như quán tấm thân bất-tịnh, suy-nghĩ về các chỗ dơ-bẩn trong thân mà sanh ra nhàm-chán thân, chẳng chạy theo các thú-vui vật-chất nữa. - Quả-vị A-la-hán: đây là quả-vị Thánh, thứ tư, cao nhứt. Người chứng A-la-hán chẳng còn phải tái-sanh trong cõi Luân-hồi, sống trong cảnh an-vui của Niết-bàn. Tiếng Pali, quả A-la-hán là Arahat. - Hiền-trí: bực hiền-lành và có trí-huệ, thông-hiểu Chánh-pháp. - Luân-hồi: Luân = bánh xe; Hồi = trở lại. Theo giáo-lý nhà Phật, chúng-sanh sau khi chết đi, phải tái-sanh lại, rồi lại chết đi nữa, cứ như thế mãi mà phải chịu cảnh khổ trong cuộc sống. Tiếng Pali là Samsàra. - Thích ngai vàng trong nước: Ngai vàng là ngôi vua. Chẳng thích làm vua. - Hành-vi bạo-ngược: việc làm tàn-ác, đánh giết người để giành lấy chỗ giàu-sang, quyền-thế. - Phương-tiện chẳng ngay: những cách bất-chánh để đoạt điều mình muốn, như gian-tham, lừa-đảo, giết-hại, v.v. - Giới-đức cao = tánh-tình, hạnh-kiểm tốt, biết theo giới-luật. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện rất giản-dị, kể lại việc một người quyết-tâm lià bỏ đời sống ràng-buộc của thế-tục, đi tu chứng quả A-la-hán; sau đó trở về chỉ dạy Chánh-pháp cho vợ con, khiến cho cả gia-đình đều được giải-thoát. Trong Tích chuyện, có câu: "Ta đâu cần được vợ cho phép rồi mới đi tu.", có thể gây sự hiểu-lầm trong những người còn sống đời sống thế-tục. Thông-thường có người vì làm ăn thất-bại, chán đời, bỏ gia-đình đi tu tìm nguồn an-ủi. Đó chẳng phải là trường-hợp của Trưởng Đàm-mi-kha; vị nầy dứt-khoát cắt bỏ mọi sự luyến-ái về gia-đình, đi tu tìm sự giải-thoát cho đời mình, sau đó trở về chỉ-dạy lại cho vợ con. Còn những người trốn nợ đời đi tu thì khác, bỏ phế gia-đình cho vợ con. Ta nên thu-xếp việc nhà cho xong, trước khi vào chùa học Đạo. Theo giới-luật của Phật, con cái muốn đi tu, phải được sự ưng-thuận của mẹ cha; chẳng thấy có điều luật nào trong giáo-lý buộc chồng hay vợ phải được sự ưng-thuận trước của người hôn-phối ( = vợ hay chồng), rồi mới đi tu. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 084: Bài Kệ hơi dài, xin phân-tách ra hai phần: (1) bảy câu đầu nói về những việc sai-lầm mà người hiền-trí biết tránh được; (2) hai câu chót nói về đức-tánh của bực hiền-trí. - Chẳng vì mình hay vì kẻ khác mà làm quấy: đây muốn nói đến các sự tranh-giành trong cuộc sống, để lấy lợi cho mình và gia-đình mình - Chẳng thích được con khôn, giàu-sang, quyền-thế: đây muốn nói đến hạnh khước-từ: lià bỏ hạnh-phúc gia-đình, lià bỏ danh-lợi. - Chẳng mong thành-công bằng phương-tiện bất-chánh: đây muốn nói về Chánh-mạng, mưu-sanh bằng phương-tiện chơn-chánh. - Đức-tánh quan-trọng nhứt của bực hiền-trí: giữ giới thật nghiêm. HỌC TẬP: 1.- Học thuộc lòng bài Kệ; ghi nhớ các điều cần tránh để giữ giới. 2.- Mỗi khi sắp đến chùa, nên thu-xếp việc nhà cho xong trước đó vài hôm, để khỏi bận-tâm. Đừng hẹn để làm xong việc nầy, việc kia, rồi mới đi chùa. Công-việc nhà bề-bộn, bao giờ làm cho xong hết được! (69).- Tích chuyện những người nghe giảng-pháp. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến nhóm người thức khuya nghe giảng-pháp. Thuở ấy, tại một làng trong nước Xá-vệ, có một nhóm dân-chúng thỉnh chư Tăng đến cúng-dường thực-phẩm, xong họ thỉnh-cầu chư Tăng tổ-chức một buổi thuyết-pháp về đêm. Đêm ấy, dân làng đến tham-dự rất đông. Vào nửa đêm, một số người mỏi-mệt, bỏ ra về. Một số khác ngồi nán lại, nhưng càng về khuya, họ ngủ gục tại chỗ, chẳng theo dõi được bài giảng. Chỉ một số rất ít người chăm-chú nghe đến hết thời pháp. Sáng sớm hôm ấy, khi chư Tăng đến đảnh-lễ Đức Phật, có vị tỳ-kheo trình Phật quang-cảnh dân-chúng nghe pháp đêm qua, Đức Phật nói: "Đa-số thường-dân còn bị ràng-buộc vào cuộc sống ở thế-gian, chỉ có một số rất ít người vượt đến bờ giác của cảnh-giới Niết-bàn." Rồi Đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây: Một ít người, trong đám
đông nhơn-loại, Nhưng những người thực-hành theo Chánh-pháp, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa CHỮ: - Thời pháp = thời-gian đang nói chuyện về giáo-lý. - Đảnh-lễ = cúi đầu làm lễ lạy chào. - Vượt đến bờ giác: Bờ giác = sự giác-ngộ, tức là hiểu rõ lẽ sống chết ở đời, biết tu-tập theo đường ngay nẻo phải. Trong kinh sách, thường ví những người chẳng biết Chánh-pháp, chẳng chịu tu-hành, là những người còn đứng ở bờ bên nầy, chưa giác-ngộ, còn bị dòng sông mê-lầm ngăn-cách; còn những người thông-hiểu Chánh-pháp, biết thực-hành theo là, người giác-ngộ, vượt đến bờ giác-ngộ bên kia. Trong kinh sách Hán-Việt, gọi bờ bên nầy là thử ngạn (thử = nầy; ngạn =bờ), còn bờ bên kia là bỉ-ngạn; vượt đến bờ giác là đáo bỉ ngạn (đáo = đến; bỉ = kia). - Cảnh-giới Niết-bàn: xin nhắc lại, cảnh-giới Niết-bàn chẳng phải là một chỗ trong không-gian, đó là tâm-trạng của người dứt hết phiền-não, sống an-nhiên, tự-tại. Tiếng Pali là Nirvana = ra khỏi rừng u-tối. - Nhơn-loại = loài người. - Tất-tả = lăng-xăng lo-lắng, khổ-sở. - Tuyên-giảng = giảng thật rõ-ràng, dễ hiểu cho mọi người nghe. - Cõi Tử-sanh: Tử = chết; sanh = sanh ra đời. Cõi tử-sanh là cõi sanh ra để rồi lại chết đi rồi tái-sanh nữa, sống ở đời sướng ít khổ nhiều nầy. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa Tích chuyện: Tích chuyện chỉ nhắc lại trong trường-hợp nào Đức Phật nói lên hai bài Kệ số 085 và 086. (2) Ý-nghã các bài Kệ số 085 và 086: Hai bài kệ cùng nhận-xét về hoàn-cảnh của nhơn-loại, còn đang chìm-đắm trong sự mê-lầm, nên bị trôi-lăn mãi trong vòng tử-sanh, sanh-tử của Luân-Hồi. Chỉ một số ít thông-hiểu Chánh-pháp mới vượt đến bờ giác, thoát khỏi vòng tử-sanh lận-đận. Câu chót của bài Kệ thứ nhì nói, thoát khỏi cõi tử-sanh rất khó vượt. Tại sao rất khó vượt qua? Vì phải có đủ Phước và Huệ mới vượt qua được. Tu Phước, làm việc thiện để tiêu-trừ các tội-ác cũ đã lỡ làm; Tu Huệ để có Trí biết lià-bỏ các sự phiền-não, ràng-buộc của Luân-hồi. HỌC TẬP: - Học thuộc lòng hai bài Kệ, và cố gắng tập sống đúng Chánh-Pháp, theo đường-lối Phước-Huệ song tu, mới mong sớm đến bờ giác. (70).- Tích chuyện các Tỳ-kheo sau mùa an-cư. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến các vị tỳ-kheo sau mùa an-cư đến đảnh-lễ Đức Phật. Thuở ấy có năm trăm vị tỳ-kheo sau mùa an-cư kiết-hạ ở nước Câu-tát-la, đi đến tịnh-xá Kỳ-viên, đảnh-lễ Đức Phật. Trong dịp nầy, Đức Phật có nói lên ba bài Kệ sau đây: Người hiền-trí lià nhà khát-ái, Tìm thoả-thích trong hạnh khước-từ Người đã thấm-nhuần
Thất-giác-chi, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa CHỮ: - Muà an-cư kiết-hạ: xin nhắc lại, theo giáo-lý của nhà Phật, vào mùa mưa, các vị tỳ-kheo chẳng ra ngoài để khất-thực, vì sợ đạp chết côn-trùng, ở lại tịnh-xá tu-tập.An-cư = ở yên; kiết-hạ = qua mùa hè. - Câu-tát-la: tên nước nầy tiếng Pali là Kosala. - Nhà khát-ái: ý muốn nói đến sự thèm-khát, ham-muốn. - Ác-pháp = việc làm ác, tội-lỗi. - Thiện-đạo: Thiện = lành; đạo = đường. - Hạnh khước-từ: Hạnh = hành-động; Khước-từ = từ-bỏ, chẳng luyến-tiếc; thí-dụ như đang giàu-có, bỏ tài-sản lại đi tu để giải-thoát. - Thọ-hưởng: Thọ = nhận. Tại sao lại Rất khó cho phàm-phu biết thọ-hưởng sự thoả-thích trong hạnh khước-từ. Vì phàm-phu thích thọ-hưởng về vật-chất, chẳng muốn khước-từ sự sung-sướng nhứt-thời để tìm nguồn vui lâu-dài là được giải-thoát. - Dục-lạc: Dục = ham-muốn; Lạc = vui. Chữ nầy chỉ vào các thú-vui vật-chất, thấp-kém của cuộc đời, so với nguồn vui cao-thượng được giải-thoát vĩnh-viễn khỏi cõi Luân-hồi. - Nhiễm-ô: Nhiễm = lây, dính dơ; Ô = đen-tối, dơ-dáy, bẩn-thỉu. - Thanh-lọc = làm cho trong sạch, tinh-khiết hơn. - Thất-giác-chi: Thất = bảy; Giác = biết rõ; Chi = nhánh, cành. Thất-giác-chi (Pali: Bojjhangà) là bảy yếu-tố của sự giác-ngộ: (1)niệm (Sati), (2) trạch-pháp (lựa chọn pháp-tu, Pali: Dhamma-vicaya), (3) tinh-tấn (Viriya), (4) hỷ (vui, Pali: Piti), (5) khinh-an (nhẹ-nhàng, than-thản, Pali: Passadi), (6)định (samàdhi), (7) xả (buông-bỏ, Pali: Upekkha). - Viễn-ly: Viễn = xa; ly = lià-bỏ. Hạnh viễn-ly là hạnh khước-từ, lià bỏ, chẳng quyến-luyến, chẳng tham-ái. - Đạo-quả Vô-sanh: Đạo = con đường tu-tập (Pali =Magga); Quả = kết-quả chứng được (Pali = Phala); Vô-sanh = chẳng bị tái-sanh nữa trong cõi Luân-hồi; Chứng được Đạo-quả Vô-sanh là chứng được Niết-bàn. - Hữu-dư Niết-bàn: Hữu = có; Dư = dư-y, tức là tấm thân hiện có., còn chịu quả-báo. Chứng Hữu-dư Niết-bàn là hiện còn sống nhưng đã diệt-tận hết tất cả các phiền-não và lậu-hoặc. Khi lià thân-xác nầy, sẽ chứng Vô-dư Niết-bàn, chẳng còn tái-sanh nữa, như ngọn đèn hết dầu. B.- Nghĩa Ý: (1)Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyên chỉ kể lại trong trường-hợp nào (sau muà an-cư), Đức Phật đã nói lên ba bài Kệ số 087, 088 và 089 để chỉ-dạy chư Tăng. (2) Ý-nghĩa của ba bài Kệ số 087, 088 và 089: - Nơi bài Kệ số 087 Đức Phật dạy ta phải lià nhà khát-ái, tức là lià-bỏ các thú-vui về thể-xác, mà chọn mục-tiêu là chứng-đắc Niết-bàn. Nói cách khác, ta đừng tríu-mến sự sung-sướng tạm-bợ về vật-chất, tránh các lỗi-lầm của ác-pháp, theo con đường thiện-đạo làm lành, để sớm dứt sạch các phiền-não, lậu-hoặc, chứng được tâm thanh-tịnh, sống an-vui. - Nơi bài Kệ số 088, Đức Phật dạy ta về hạnh khước-từ, nghĩa là từ bỏ danh-lợi vật-chất, chẳng quyến-luyến vào của-cải, gia-đình, điạ-vị, v.v. để chuyên-tâm tu-hành. Đức Phật nói, phàm-phu rất khó biết hưởng các lợi-lạc của hạnh khước-từ. Tại sao vậy? Vì phàm-phu ham các thú-vui vật-chất, bảo bỏ đi mà tu-hành, thì chẳng chịu. Có biết đâu rằng, càng chạy theo thú-vui vật-chất, càng bị thêm phiền-não. Hễ mình bớt tham, bớt giận, bớt si-mê, thì lòng mình được nhẹ-nhàng thanh-thản, đó là nguồn vui cao-cả, mà ít người biết hưởng. - Nơi bài Kệ số 089, Đức Phật dạy về Thất-giác-chi, là bảy yếu-tố của sự giác-ngộ. Nhờ có chánh-niệm (niệm), giữ-gìn tâm-ý mà sáng-suốt biết chọn đúng con đường (trạch-pháp) phù-hợp với mình mà tu-tập. Trong khi tu-tập chuyên-cần (tinh-tấn), ta sẽ được nguồn vui thấy tâm mình trở nên vui-vẻ, nhẹ-nhàng (hỷ và khinh-an), nhờ đó mà sớm đắc được định-tâm (đînh), dẫn đến Trí-huệ sáng-suốt. Dầu đã được định và huệ rồi, vẫn tiếp-tục tu-hành, chẳng sanh ra kiêu-căng vì được đạo-quả, đó là hạnh xả, còn gọi là hạnh viễn-ly, giữ tâm bình-thản, chẳng quá vui, cũng chẳng quá buồn. Đó là ngưỡng-cửa của Niết-bàn tại thế-gian. HỌC TẬP: 1.- Học thuộc lòng cả ba bài Kệ, đó là đường-lối tu-hành để chứng-đắc Niết-bàn, ngay trong hiện-đời. 2.- Ba bài kệ nầy rất cao, Đức Phật chỉ dạy cho các tỳ-kheo; nhưng người Phật-tử tại-gia, dầu chẳng thi-hành được hết, cũng có thể nhớ các điểm nầy: (1) phải dẹp lòng khát-ái, biết từ-khước các thú-vui vật-chất nhỏ-mọn; (2) áp-dụng hai điều quan-trọng của Thất-giác-chi: chọn đúng con đường tu (trạch-pháp) và chuyên-cần (tinh-tấn)tu theo con đường ấy. -ooOoo- VII.- Phẩm A-la-hán. (71).- Tích chuyện về y-sĩ Kỳ-bà hỏi Đức Phật.Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại tịnh-xá trong Vườn Xoài của vị Y-sĩ Kỳ-bà, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến một câu hỏi của y-sĩ Kỳ-bà. Thuở ấy, Đề-bà-đạt-đa muốn ám-sát Đức Phật, lăn một tảng đá lớn từ trên đỉnh núi Linh-thứu xuống, khi Đức Phật đi ngang qua. Tảng đá va mạnh vào một mép đá nhô lên bên sườn núi, một mảnh vụn văng ra trúng vào ngón chơn cái của Phật, khiến Ngài bị thương. Đức Phật liền được đưa đến tịnh-xá trong vườn xoài của y-sĩ Kỳ-bà. Nơi đây, vị y-sĩ nổi tiếng nầy thoa thuốc và băng-bó vết thương cho Đức Phật. Sau đó, ý-sĩ phải lên đường đến chữa bịnh cho một bịnh-nhơn khác trong thành, và hẹn chiều sẽ về thay băng cho Đức Phật. Chiều hôm ấy, khi y-sĩ Kỳ-bà quay về để thăm Đức Phật, thì rủi thay, bốn cửa thành đều đóng cả. Y-sĩ rất lo-lắng, vì nếu chẳng thay băng kịp thời, thì vết thương sẽ gây nhức-nhối, thân-thể sẽ phát-nhiệt và Đức Phật có thể bị đau-đớn và khổ-sở. Vào lúc ấy, nơi tịnh-xá, Đức Phật gọi Tôn-giả A-nan đến gỡ băng cho Ngài và thấy vết thương đã hoàn-toàn lành hẳn. Sáng sớm hôm sau, khi y-sĩ Kỳ-bà về đến nơi, ông liền đến gần bên Đức Phật và thưa hỏi: "Bạch Thế-tôn, đêm qua con về chẳng kịp để thay băng cho Thế-tôn, chẳng hay Thế-tôn có bị nhức-nhối, đau-đớn chăng?" Đức Phật đáp: "Nầy ông Kỳ-bà, kể từ ngày Như-Lai đắc quả-vị Vô-thượng Bồ-đề, Như-Lai chẳng hề cảm thấy có sự nhức-nhối, đau-đớn, lo-lắng chi cả." Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây: Với người đi trọn đường
sống-chết, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa CHỮ: - Y-sĩ Kỳ-bà: tên vị thầy thuốc nổi-tiếng nầy, tiếng Pali là Jìvaka. - Vườn Xoài: đây là một vườn xoài rất đẹp ở ngoài thành Vương-xá, được y-sĩ Kỳ-bà dưng-cúng cho Tăng-đoàn để cất tịnh-xá. - Đề-bà-đạt-đa: tên thật bằng tiếng Pali là Devadatta. Đề-bà-đạt-đa dòng họ Thích-ca, anh ruột của Tôn-giả A-nan, gia-nhập Tăng-đoàn, ganh-tị với Đức Phật, ba lần ám-sát Phật, sau bị đất nứt hút vào điạ-ngục. - Ám-sát: Ám = mờ-ám, lén-lút; Sát = giết. Ám-sát là giết lén. - Phát-nhiệt: Nhiệt = nóng-bức trong người. - Quả-vị Vô-thượng Bồ-đề: ngôi-vị Phật. - Đi trọn đường sống-chết: Ở đây, ý muốn nói, người đã trải qua cảnh sanh-tử, tử-sanh của Luân-hồi, nay chứng được quả Vô-sanh, chẳng còn phải tái-sanh nữa. - Gông-cùm, xiềng-xích: Gông = tấm gỗ nặng đeo ở cổ người tù; Cùm = còng sắt khoá chơn của tù; Xiềng-xích = dây sắt trói buộc chơn tay. Ở đây, gông, cùm, xiềng, xích chỉ những điều ràng-buộc khổ-sở, tức là các mối phiền-não, lậu-hoặc làm cho ta đau-khổ trong cuộc sống. - Não-nhiệt: Não = phiền-não, sự đau-buồn; Nhiệt = nóng-bức. Ở đây chữ não-nhiệt có nghĩa là các mối phiền-muộn trong lòng. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện kể lại Đức Phật bị Đề-bà-đạt-đa lăn đá để ám-sát, nhưng chỉ bị thương ở ngón chơn. Ngài được y-sĩ Kỳ-bà săn-sóc, nhưng Ngài chẳng hề bị nhức-nhối, đau-đớn chi cả. Ý-nghĩa của Tích chuyện: đắc quả-vị Phật thì chẳng còn phiền-não. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 090: Bài kệ mô-tả cảnh sống an-nhiên, tự-tại của một bực A-la-hán vì đã tận-diệt xong các sự ràng-buộc của phiền-não, lậu-hoặc. HỌC TẬP: - Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ mục-tiêu tu-tập là tiêu-diệt phiền-não, để được sống trong cảnh an-nhiên, tự-tại. (72).- Tích chuyện Tôn-giả Đại Ca-diếp ở lại Trúc-lâm.Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Tînh-xá Trúc-lâm, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến việc Tôn-giả Đại Ca-diếp lưu lại tịnh-xá nầy. Thuở ấy, vào mùa an-cư kiết-hạ, Đức Phật cùng chư Tăng đang ở tại Vương-xá-thành. Còn mười lăm hôm nữa thì xuất-hạ, Đức Phật dặn bảo chư Tăng chuẩn-bị hành-trang để lên đường. Bấy giờ, tăng-chúng rộn-rịp, kẻ giặt-gỵa áo-quần, người may vá cà-sa. Một số tỳ-kheo nhìn thấy Tôn-giả Đại Ca-diếp đem phơi các bộ áo mới đẹp-đẽ, mới nghĩ: "Tôn-giả Đại Ca-diếp được dân thành Vương-xá quí-phục lắm, nên dâng-cúng những bộ y rất đẹp. Chẳng lẽ Tôn-giả lại rời bỏ họ ra đi, thế nào Ngài cũng ở nán lại đây." Đến hôm trước ngày khởi-hành, Đức Phật lại nghĩ, hiện ở đây, dân-chúng còn cần được giúp-đỡ về mặt giáo-lý, như chỉ-dạy thêm cho các Sa-di hay cho các thiện-nam, tín-nữ đến tịnh-xá cúng-dường. Do đó, Đức Phật liền chỉ-định Tôn-giả Đại Ca-diếp cùng với một số tỳ-kheo vừa gia-nhập Tăng-đoàn, nên lưu lại Tịnh-xá Trúc-lâm thêm một thời-gian nữa. Đến hôm khởi-hành, chẳng thấy Tôn-giả Đại Ca-diếp tháp-tùng Đức Phật, mấy vị tỳ-kheo kia liền nói: "Đúng rồi, ta đã đoán chẳng sai! Tôn-giả Đại Ca-diếp lưu-luyến các tín-đồ ở đây, nên chẳng chịu rời đi." Đức Phật nghe thấy mới bảo họ rằng: "Các ông đừng nghĩ xấu cho Đại Ca-diếp. Chính Như-Lai đã yêu-cầu Đại Ca-diếp ở lại tịnh-xá Trúc-lâm để chỉ-dạy giáo-lý thêm cho dân-chúng, chớ nào phải vì luyến-lưu nơi nầy mà Đại Ca-diếp chẳng rời đi được." Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Người chuyên-cần tỉnh-giác trong chánh-niệm, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa CHỮ: - Trúc-lâm: Trúc = tre, hay trúc; Lâm = rừng. Vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara) nước Ma-kiệt-đà (Magadha) dâng cúng lên Đức Phật ngôi vườn trúc rất đẹp, để xây cất Tịnh-xá Trúc-lâm (Veluvana), gần thành Vương-xá (Ràjagaha). - An-cư kiết-hạ: An-cư là ở yên; Kiết-hạ là trải qua mùa hè. Xin nhắc lại: vào mùa hè, chư Tăng quay về Tịnh-xá tu-tập, chẳng đi khất-thực bên ngoài, để tránh đạp chết côn-trùng. Dự một kỳ an-cư, thì thêm một tuổi đạo. - Xuất-hạ: Xuất = đi ra. Hạ = mùa hè. Xuất-hạ ở đây có nghĩa là chấm-dứt thời kỳ an-cư kiết-hạ. - Đại Ca-diếp: tiếng Pali là Mahàkassapa, tôn-giả là đại-đệ-tử của Đức Phật, tu theo hạnh đầu-đà, cầm đầu Tăng-đoàn khi Đức Phật mất. -Hành-trang = đồ-vật mang theo.Hành = đi.Trang = trang-bị, hành-lý - Cà-sa: tiếng Phạn là Kasaya, áo màu vàng hay nâu của tu-sĩ. - Y = y-phục, quần-áo. Tiếng nhà chùa, đắp y là mặc áo cà-sa vào. - Sa-di: tiếng Pali Samanera, người mới vào chùa tập-sự tu-hành, chưa thọ-giới Tỳ-kheo. - Tháp-tùng = đi theo. - Lưu-luyến: mê-thích, chẳng rời bỏ được. - Tín-đồ: Tín = tin-tưởng; Đồ = đồ-đệ, học-trò. Tín-đồ là kẻ tin Đạo. - Tỉnh-giác trong chánh-niệm là làm gi, nói gì, nghĩ gì, cũng biết mình đang làm, đang nói, đang nghĩ đến việc đó, chẳng xao-lãng. - Trú chơn = nghỉ chơn; ở đây có nghĩa là nhà cửa để ở. - Nhà phiền-não: ý muốn nói, rời đời sống thế-tục để đi tu. - Ái-nhiễm: Ái = thương-yêu, tríu-mến; Nhiễm: dính, lây. Chữ ái-nhiễm ở đây có nghĩa như tham-ái, khát-ái, ái-dục, khiến ta say-đắm, dứt bỏ ra chẳng được; vì thế mà phải chiu mãi cảnh khổ của Luân-hồi. - Ngỗng trời: tiếng Hán-Việt là thiên-nga, ngỗng lông màu trắng. - Rày đây mai đó: nay ở đây mai ở chỗ kia, chẳng quyến-luyến chỗ ở nào cả. - Độc-thân: sống một mình, chẳng có gia-đình riêng. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện kể lại một số Tỳ-kheo thấy Tôn-giả Đại Ca-diếp lưu lại tịnh-xá Trúc-lâm, sau khi Đức Phật và Tăng-đoàn rời đi, cho rằng Tôn-giả lưu-luyến nơi nầy. Đức Phật quở các vị Tỳ-kheo đó đã nghĩ quấy về Tôn-giả. Đức Phật bảo, Ca-diếp ở nán lại Trúc-lâm là do lời yêu-cầu của Phật, để dạy-dỗ dân-chúng về giáo-lý, chớ Tôn-giả đã dứt-bỏ sự tham-luyến rồi, đâu còn tríu-mến nơi nầy hơn nơi khác. Ý-nghĩa quan-trọng của Tích chuyện là dạy ta đừng tham-luyến. (2) Ý nghĩa của bài Kệ số 091: Ý-nghĩa của bài Kệ dạy ta về hạnh xả-bỏ, còn gọi là hạnh khước-từ, hay hạnh viễn-ly. Theo hạnh nầy thì chẳng tham-đắm, mê-luyến, hay tríu-mến vào điều nào cả. Tại sao phải lià-bỏ, đừng tham-đắm? Vì sự tríu-mến có tánh-cách ràng-buộc, khiến ta mất sự tự-do. Chỉ vì quyến-luyến vào cuộc sống sướng ít khổ nhiều nầy, mà con người phải tái-sanh lại mãi trong vòng Luân-hồi, chẳng được giải-thoát. Như đã biết, Xả là một trong bốn Tâm vô-lượng, khiến ta xem mọi sự-vật đều bình-đẳng như nhau (vì bản-tánh muôn vật vốn rỗng-rang), chẳng quá mến vật nầy, chẳng quá ghét việc kia; giữ được tâm xả, là có được tâm quân-bình, thanh-thản. Trong bốn Tâm vô-lượng Từ, Bi, Hỉ, Xả, tâm Xả là khó tu-tập nhứt, nhưng nhờ nó mà ta dứt bỏ được sự ràng-buộc HỌC TẬP: 1.- Học thuộc lòng bài Kệ, đặc biệt nên ghi nhớ câu "Chẳng tìm thoả-thích nơi chỗ trú chơn", để chẳng tríu-mến mọi sự-vật trên cõi đời "tạm trú chơn" nầy. 2.- Thử tập một vài điều nhỏ trong hạnh Xả-ly: - Đến "cử" cà-phê, đang bận làm việc gì, nên làm cho xong đàng-hoàng, rồi hãy uống. - Đến nhà lạ ngủ, thiếu cái gối ôm quen thuộc, đừng thao-thức nhớ mà chẳng ngủ được. Thử ngủ thiếu gối một đêm xem sao. - Con dao cưng bị mẻ, đừng quát-tháo vang lên, dao nào cũng là dao, sao lại chẳng tạm dùng đỡ dao khác cho tiện. (73).- Tích chuyện Trưởng-lão Lã-tha-sĩ. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Trưởng-lão Lã-tha-sĩ về vấn-đề ăn uống. Thuở ấy có Trưởng-lão Lã-tha-sĩ khi đi khất-thực trong làng, thường ngừng lại để dùng bữa. Sau đó, Trưởng-lão lại lên đường tiếp-tục đi khất-thực nữa, để có thêm thực-phẩm. Khi về đến tu-viện, Trưởng-lão đem cơm ra phơi khô và tích-trữ lại. Mấy ngày hôm sau, Trưởng-lão cứ lấy cơm khô ra pha nước vào, hâm nóng lại mà dùng, khỏi phải đi khất-thực, để dành trọn thời-giờ ngồi Thiền. Có vài vị Tỳ-kheo thấy thế, cho rằng Trưởng-lão đã vi-phạm giới-luật, tích-trữ vật-phẩm, mới trình với Đức Phật. Đức Phật liền ra lịnh cấm không cho tỳ-kheo để dành thực-phẩm đã xin được, sau bữa ngọ-trai. Nhưng Đức Phật chẳng khiển-trách Trưởng-lão Lã-tha-sĩ, vì việc Trưởng-lão phơi cơm để dành ăn hôm sau xãy ra trước khi có lịnh cấm. Vả lại, Trưởng-lão sở dĩ tích-trữ cơm trước đây, chẳng phải vì lòng tham-lam về thức-ăn, mà chỉ vì muốn có dư thời-giờ để ngồi thiền lâu hơn. Bấy giờ, Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Những ai chẳng tích-trữ, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa CHỮ: - Lã-tha-sĩ: tên thật của Trưởng-lão, tiếng Pali là Belatthasìsa. - Khất-thực: Khất = đi ăn xin; Thực = ăn. Khất-thực là đi xin ăn. - Tích-trữ: chứa lại để dành về sau. - Ngọ-trai: Ngọ = giữa trưa, mười hai giờ trưa; Trai = bữa ăn chay. - Khiển-trách: rầy-la, trách-phạt và dạy-dỗ. - Niệm-thực: Niệm = đọc thầm hay đọc ra tiếng; Thực = ăn. Theo giới-luật, trong bữa ăn, tu-sĩ phải niệm-thực, nghĩa là, khởi lên trong tâm những ý-tưởng thiện-lành liên-quan về việc ăn-uống, như sau đây: Theo Bắc-tông, khi ăn ba muỗng cơm đầu, phải niệm Tam-đề: (1) nguyện bỏ điều ác, (2) nguyện làm điều lành, (3) nguyện giữ tâm-ý trong-sạch, cứu-độ chúng-sanh. Và suốt bữa ăn, trong tâm phải nghĩ đến Ngũ-quán: (1) nhớ ơn thí-chủ đã hiến-tặng bữa ăn, (2) xét xem mình có xứng-đáng được lãnh ăn vật-thực cúng-dường chăng, (3) phải ngăn lòng tham ăn, (4) quán-tưởng thức ăn như vị thuốc để trị bịnh đói của mình, (5) dùng các thức ăn nầy chỉ để thêm sức-khoẻ mà tu-tập cho chóng thành Đạo. Theo Nam-tông, niệm-thực có nghĩa là trong khi ăn, phải có ba sự liễu-tri (Parinnàs =hiểu-biết thật rõ-ràng) về vật-thực: (1) biết rõ bản-chất của món đang ăn (nataparinnà ); (2) biết rõ tánh-cách vật-chất thấp-kém của thức ăn (tìranaparinnà); (3) biết rõ chẳng ham-thích trong việc ăn uống (pahànaparinnà). - Giải-thoát Niết-bàn: Giải = tháo mở ra; Thoát = ra khỏi; Niết-bàn = chữ Phạn là Nirvana, tiếng Pali là Nibbana, có nghĩa là ra khỏi rừng u-tối của các phiền-não, khổ-sở. - Không = tiếng Phạn là Sunyata, có nghĩa là trống-không, rỗng-rang, chẳng chứa-đựng gì. Đừng tưởng-lầm Không là chẳng có, trái lại, Không có nghĩa là Có, có mà rỗng-rang. Đây là một ý-niệm rất khó giải-thích trong giáo-lý Phật-học. - Vô-tướng: Vô = chẳng có; Tướng = hình-tướng. Vô-tướng là chẳng có hình-dạng, màu-sắc, mùi-vị, v.v. để dùng giác-quan mà nhận ra được, nhưng dùng trí thì biết được. - Đối-tượng: Đối = ở trước mặt; Tượng = hình-thể. Chữ đối-tượng ở đây có nghĩa là những gì mình đang nghĩ đến trong tâm, những gì tâm mình đang quán-thấy. - Hướng họ đi khó vẽ: vì đã chứng-đắc Niết-bàn, chẳng tái-sanh nữa, nên chẳng thể biết được họ "đi" về đâu (ở cõi tịch-diệt, vắng-vẻ). B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện kể lại việc Trưởng-lão Lã-tha-sĩ để dành cơm, đem phơi khô, để khỏi đi khất-thực hằng ngày, dùng thời-giờ dư ra để ngồi Thiền, tu-tập cho tinh-tấn. Đức Phật sau đó có ra lịnh cấm chẳng được tích-trữ thực-phẩm, vì chẳng muốn cho tỳ-kheo có lòng tham-lam về ăn-uống. Ý-nghĩa của Tích-chuyện là chẳng nên tham-đắm về thực-phẩm, chẳng nên tích-trữ đồ-vật, để dẹp lòng tham-ái còn sót lại. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 092: Bài Kệ nầy dạy ta ba điều: 1) Chẳng nên tích-trữ: Theo giới-luật của Tỳ-kheo, mỗi người chỉ có được ba bộ quần-áo, một cái bát, và một vài vật-dụng cần-thiết khác cùng thuốc men. Tại sao vậy? Đây là hạnh-nguyện giữ sự bần-cùng, chẳng tham-đắm của-cải, bởi vì tiền-bạc, tài-sản là sợi dây ràng-buộc con người vào đời sống thế-tục, khiến ta cứ trôi-lăn mãi trong vòng sanh-tử của Luân-hồi. 2) Biết niệm-thực khi ăn: Đây là giới-luật phải thi-hành trước khi dùng bữa. Cho dầu là Bắc-tông, hay Nam-tông, người tu-sĩ trong khi ăn phải niệm trong tâm rằng việc ăn-uống chỉ cần-thiết để mình có đủ sức-khoẻ hầu tinh-tấn tu-hành. Thức-ăn được coi như một vị thuốc, thuốc để trị bịnh đói nơi ta, chớ chẳng phải để cho khoái khẩu-vị! 3) Tu-tập Thiền-định nhắm vào mục-tiêu Niết-Bàn: đây là lời dạy cho các vị tu-hành nhằm chứng-đắc sự giác-ngộ và giải-thoát; mục-tiêu rất cao cho người Phật-tử tại-gia. Dầu sao, bước khởi đầu cho cả hai hạng xuất-gia và tại-gia, đều là sự dứt bỏ chẳng tham-luyến đến thực-phẩm, chẳng tích-trữ của cải. Nhờ sự dứt-bỏ nầy mà lòng tham-ái lần lần bị dẹp đi, mở đường cho sự giải-thoát sau nầy. HỌC TẬP: 1.- Ghi các điều NIÊM-THƯC trước khi ăn và nhớ nên xem thức-ăn chỉ như vị thuốc trị bịnh đói hàng ngày mà thôi. 2.- Xin đề-nghị nhìn lại dưới gầm giường, trong nhà xe, các vật bị trữ lại lâu ngày, nên vứt đi. "Bỏ thì thương, mà vương thì tội!" (74).- Tích chuyện Trưởng-lão A-na-luật. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến Trưởng-lão A-na-luật. Thuở ấy, Trưởng-lão A-na-luật vì chiếc áo-cà-sa đã cũ, rách nhiều chỗ, muốn tìm vải may một bộ áo lành để mặc. Trưởng-lão định đến các đống rác, nhặt các mảnh vải vụn, đem về ráp may áo. Lúc bấy giờ, thiên-nữ Gia-li-ni trên cung Trời, nhìn thấy người chồng cũ của mình trong tiền-kiếp là Trưởng-lão A-na-luật, đang bới các đống rác tìm vải vụn, mới lấy ba khúc vải quí trên cõi Trời đem dấu bên dưới. Trưởng-lão nhìn thấy, lấy đem về tịnh-xá. Hôm sau, Đức Phật cùng chúng Tăng đến viếng Trưởng-lão A-na-luật và giúp Trưởng-lão may cắt áo. Khi ấy, thiên-nữ Gia-li-ni hoá hình thành một thiếu-phụ, đi vào làng, kêu gọi dân-chúng trong vùng, mang thực-phẩm tươi-tốt đến cúng-dường Đức Phật. Số thực-phẩm dâng-cúng rất nhiều, chư Tăng dùng chẳng hết. Bấy giờ, có một số tỳ-kheo nghĩ rằng, Trưởng-lão A-na-luật muốn khoe-khoang mình có nhiều đồ-chúng, đã bảo họ dâng-cúng nhiều phẩm-vật lên Đức Phật và chúng Tăng như thế, cho nên mới thừa-thãi. Đoán biết tâm-trạng của họ đang nghĩ lầm về Trưởng-lão A-na-luật, Đức Phật nói: "Nầy chư Tỳ-kheo, chớ nên nghĩ lầm về thái-độ của A-na-luật. Tấm vải quí nầy, cùng thực-phẩm cúng-dường kia, là do vị thiên-nữ Gia-li-ni trên cung Trời dâng-cúng. Đối với bực A-la-hán đã giải-thoát như A-na-luật, trong lòng chẳng bao giờ có sự lo nghĩ đến các sự ăn, mặc cả." Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Người tận-diệt lậu-hoặc, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa CHỮ: - A-na-luật: tên thật của Trưởng-lão, tiếng Pali là Anuruddha; thường được phiên-âm theo giọng đọc Hán-Việt là A-nâu-lâu-đà. - Cà-sa: áo màu vàng, khoác bên ngoài, của tu-sĩ Phật-giáo; tiếng Pali là kàsàva. Còn gọi là phước-điền-y ( = áo ruộng phước.) - Thiên-nữ: Thiên =Trời;Nữ =phụ-nữ, đàn-bà. Thiên-nữ là người phụ-nữ trên cõi Trời. - Tiền-kiếp:Tiền =trước;Kiếp =đời sống. Tiền-kiếp là đời kiếp trước. - Đồ-chúng: Đồ =tín-đồ, đệ-tử, người theo học Đạo; Chúng =số đông. Đồ-chúng là những người đệ-tử theo học Đạo. - Tận-diệt: Tận =hết cả; Diệt = làm cho tiêu mất. Tận diệt là dẹp hết. - Lậu-hoặc: Lậu = rỉ chảy ra, như máu, mủ; Hoặc = điều sai-lầm. Chữ Lậu-hoặc được dùng để dịch chữ àsavas tiếng Pali, chỉ vào các phiền-não như tham, sân, si, thường bộc-lộ ra các hành-động xấu-ác, xem như chất dơ-dáy từ trong người rỉ chảy ra. - Lấy Giải-thoát Niết-bàn - vốn Không và Vô-tướng- Để riêng làm đối-tượng: Ba câu kệ nầy đã được tìm hiểu trong bài trước, trang 245. Xin nhắc lại vắn-tắt: Giải-thoát = hết bị ràng-buộc; Niết-bàn = tâm-trạng người đã diệt xong các phiền-não; Không =rỗng-rang, chẳng chứa đựng gì; Vô-tướng = chẳng có hình-thể; Đối-tượng = điều đang nghĩ trong tâm. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện thuật lại việc Trưởng-lão A-na-luật đi lượm vải vụn về ráp may áo cà-sa. Nhơn việc nầy, Đức Phật dạy, các bực A-la-hán chẳng hề lo nghĩ đến việc ăn và mặc, để chuyên tâm tu-hành. (2)Ý-nghĩa của bài Kệ số 093: giống bài Kệ số 092. HỌC TẬP: - Học thuộc lòng hai bài Kệ số 092 và 093, để ghi nhớ, đừng quá chú-trọng đến việc ăn thật ngon, mặc thật đẹp, để lo tu-hành. (75).- Tích chuyện Trưởng-lão Ca-chiên-diên. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại tịnh-xá Đông-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Trưởng-lão Đại Ca-chiên-diên. Vào cuối thời-kỳ an-cư kiết-hạ, nhằm đêm trăng tròn, vua Trời Đế-thích cùng chư Thiên đến đảnh-lễ Đức Phật tại tịnh-xá Đông-viên, do bà nữ-cư-sĩ Vi-sa-kha xây cất và cúng-dường cho Tăng-ni-đoàn. Bấy giờ, vây quanh Đức Phật có đông-đủ các vị đại-đệ-tử và chư tăng, ni. Chỉ còn thiếu Trưởng-lão Ca-chiên-diên đang bận việc ở xứ A-văng-ti chưa về kịp; một chỗ ngồi trang-trọng được chừa trống, để chờ Trưởng-lão. Sau khi dâng hoa và lễ Phật xong, vua Trời Đế-thích nhìn thấy chỗ trống, mới hỏi, để dành cho ai ngồi. Khi nghe đáp, chỗ ấy dành cho Trưởng-lão Ca-chiên-diên, Vua Đế-thích mới phát lòng ngưỡng-mộ, mong được dâng hoa cúng-dường Trưởng-lão Ca-chiên-diên. Ngay vào lúc ấy, Trưởng-lão về đến nơi và được chư Thiên chào đón, dâng hoa và đảnh lễ. Đa-số chư Tăng đều kính-mến Trưởng-lão Ca-chiên-diên, chỉ có một số ít lại cho rằng vua Trời Đế-thích đã tỏ ra thiên-vị vì ngưỡng-mộ Trưởng-lão hơn các vị tỳ-kheo khác. Đức Phật bảo: "Một người đã khéo điều-phục các căn thì được cả Trời và Người cùng kính-mến." Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Bực A-la-hán điều-phục các
căn, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa CHỮ: - Ca-chiên-diên: tên thật Trưởng-lão, tiếng Pali là Mahakaccàyana, thường được phiên-âm, đọc theo tiếng Hán-Việt là Đại Ca-chiên-diên. - An-cư kiết-hạ: Vào mùa hè, chư Tăng ở lại tịnh-xá tu, chẳng đi khất-thực. An-cư là ở yên; kiết-hạ là qua mùa hè. - Vua Trời Đế-thích: vua cõi Trời Đao-lợi, tên tiếng Pali là Sakka. - Đông-viên: ngôi tịnh-xá do bà Vi-sa-kha xây cất để cúng-dường Tăng-ni-đoàn, nằm phiá Đông chùa Kỳ-viên; tiếng Pali là Pubbàràma. - Vi-sa-kha: bà tín-nữ nổi tiếng thời Đức Phật, tiếng Pali là Visakha - A-văng-ti: tên điạ-danh nầy tiếng Pali là Avanti. - Trang-trọng = cao-quí. -Ngưỡng-mộ: Ngưỡng = kính-ngưỡng; Mộ = ái-mộ; kính mến. - Thiên-vị: Thiên = nghiêng về một bên; Vị =vị-trí, chỗ. Thiên-vị là chẳng công-bình, ưa người nầy hơn người khác. - Điều-phục: Điều = điều-khiển; Phục = phục-tùng.Điều-phục các căn nghĩa là biết làm chủ các giác-quan, chẳng chạy theo cảnh bên ngoài. - Ngựa thuần: ngựa đã được luyện-tập thuần-thục, dễ khiến, dễ cỡi - Ngã-mạn = kiêu-căng, phách lối. - Lậu-hoặc = các lỗi-lầm, phiền-não để lộ ra hành-động xấu. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Khi thấy Vua Trời Đế-thích riêng tỏ lòng ngưỡng-mộ Trưởng-lão Ca-chiên-diên, một số tỳ-kheo cho đó là hành-vi thiên-vị, Đức Phật dạy rằng, một bực A-la-hán như Trưởng-lão, đã điều-phục được các giác-quan, dẹp xong lòng ngã-mạn, thì đáng được chư Thiên kính mộ. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 094: Ý-nghĩa bài Kệ nêu ra bốn đức-tánh của bực A-la-hán: 1) Điều-phục các căn; chẳng chạy theo cảnh-vật bên ngoài; 2) Ngã-mạn đã trừ: dẹp bỏ sự kiêu-căng, chẳng xem mình hơn kẻ khác; có lòng nhũn-nhặn. 3- Lậu-hoặc cũng dứt: các món phiền-não tham, sân, si đã được tận-diệt. 4) Người vững-chắc: ý muốn nói, tâm đã an-định, hết xao-động. HỌC TẬP: - Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ bốn đức-tánh của bực La-hán. Đối với người tu tại-gia, có thể bắt đầu tập bỏ bớt hai điều lậu-hoặc nầy: diệt tham bằng bố-thí; diệt sân bằng nhẫn-nhục, chẳng tranh hơn thua. (76).- Tích chuyện Trưởng-lão Xá-lợi-phất bị vu-cáo. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến việc Trưởng-lão Xá-lợi-phất bị vu-cáo. Thuở ấy, vào cuối mùa an-cư, Trưởng-lão Xá-lợi-phất sắp-sửa lên đường đi xa, cùng với một số tỳ-kheo. Có một tăng-nhơn trẻ tuổi vì bị Trưởng-lão nghiêm-khắc chỉ-dạy lỗi-lầm, nên sanh lòng oán-giận, đến thưa trình với Đức Phật rằng, mình bị Trưởng-lão Xá-lợi-phất mắng-nhiếc và đánh-đập. Đức Phật cho mời Trưởng-lão đến để hỏi sự thật ra sao. Trưởng-lão Xá-lợi-phất thưa: "Bạch Thế-tôn, có thể nào một tỳ-kheo thường quán-niệm thân-tâm, trước khi lên đường đi xa lại chẳng sám-hối lỗi-lầm của mình với người bạn đồng-tu? Con đây cũng như đất kia, chẳng thấy thoả-thich khi được hoa đẹp cắm lên, cũng chẳng thấy buồn-phiền khi bị phân hay rác-rưới vung-vãi lên. Con cũng như tấm thảm để chà chơn, như người ăn-mày, như con trâu đã gãy sừng. Con lại cảm thấy nhàm-chán, chẳng hề kuyến-ái đến tấm thân bất-tịnh nầy." Khi nghe Trưởng-lão thốt lên những lời như thế, vị tăng-nhơn trẻ tuổi cảm thấy hổ-thẹn quá đỗi, bật lên khóc và xin thú tội đã nói dối vu-oan cho Trưởng-lão. Đức Phật khuyên Trưởng-lão nên vì lòng từ-bi mà chấp-nhận lời sám-hối của vị tăng-nhơn, kẻo y bị trừng-phạt nặng-nề. Trưởng-lão Xá-lợi-phất chẳng những chấp-nhận lời sám-hối của vị tăng-nhơn mà còn xin lỗi lại với vị nầy, nếu trước đây Trưởng-lão có làm điều chi xúc-phạm đến. Lúc bấy giờ, chư Tăng thấy thái-độ đáng kính của Trưởng-lão nên hết lời khen ngợi. Đức Phật nói: "Nầy chư tỳ-kheo, Xá-lợi-phất chẳng còn chút sân-hận và ác-ý trong tâm nữa. Cũng như đất kia, Xá-lợi-phất rất nhẫn-nhục; cũng như trụ đồng kia, Xá-lợi-phất rất vững-chắc; cũng như nước hồ kia lắng sạch bùn-sình, tâm Xá-lợi-phất luôn luôn thanh-tịnh." Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Trơ như đất, tâm không
hiềm-hận; TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Xá-lợi-phất: vị đại-đệ-tử của Phật, nổi tiếng là thông-minh bực nhứt. Tên tiếng Pali là Sariputta, nghĩa là con trai của bà Sari ( = bà Thu.) - Vu-cáo: Vu = bịa đặt ra để gán tội cho ai; Cáo = mách, mét.Vu-cáo là dùng lời nói dối-trá đổ tội oan cho kẻ khác. -Bạch Thế-tôn: Bạch = tiếng thưa trình với bực trưởng-thượng; Thế = thế-gian; Tôn = tôn-kính. Thế-tôn là bực được cả thế-gian tôn-kính. Khi đệ-tử thưa với Đức Phật, thì nói Bạch Thế-tôn. Phật tự-xưng là Như-Lai - Quán-niệm thân-tâm: Quán-niệm =suy-nghĩ sâu-xa. Theo phép Quán Tứ niệm-xứ, hành-giả luôn nhớ nghĩ đến bốn điều: (1)thân bất-tịnh ( =bên trong thân chứa nhiều chất dơ), (2)thọ thị khổ ( =các cảm-thọ gây ra đau-khổ), (3)tâm vô-thường ( =tâm hay thay đổi luôn), (4) pháp vô-ngã (muôn vật đều rỗng-rang, vô-ngã). Nhờ phép quán nầy, ta chẳng bấu-víu vào thú vui vật-chất của cuộc đời sướng ít khổ nhiều nầy, mà lo tu-hành. - Sám-hối = ngỏ lời xin lỗi, ăn-năn, và hứa chừa từ rày về sau. - Đồng-tu = người bạn cùng tu-hành với mình. - Vung-vãi = vứt bừa-bãi lên rất dơ-dáy. - Bất-tịnh: Bất =chẳng; Tịnh = sạch-sẽ. Thân bất-tịnh, ở đây, chỉ vào bên trong thân chứa nhiều chất dơ, thân chẳng đáng quá quí-trọng. - Từ-bi: Từ = thương người và đem vui cho người;Bi = thương người và cứu khổ cho người. Từ-bi, ở đây, nghĩa là vì lòng thương mà tha tội. - Sân-hận: Sân =giận; Hận = hờn. Sân, giận thì nổi nóng la quát một lúc rồi nguôi; còn hận, hờn, tuy chẳng la lối, nhưng trong lòng giữ sự phiền-trách lâu ngày hơn. - Hiềm-hận: cũng hờn-giận, nhưng dai-dẳng hơn. - Nhẫn-nhục = nhịn nhục, cam chịu nhịn mà chẳng buồn tức hay oán - Trơ = trơ-trơ, chẳng có phản-ứng gì. - Nhục Vinh: Nhục =bị nói nặng, làm mất danh-dự, bị chạm tự-ái; Vinh = vinh-quang, được khen-ngợi, đề-cao. - La-hán, A-la-hán: tiếng Pali là arahant, quả-vị Thánh, người đã diệt xong các phiền-não, chứng được vô-sanh, chẳng còn tái-sanh trong cõi Luân-hồi nữa, sống an-nhiên trong cảnh tịch-diệt. - Luân-hồi: Luân = bánh xe; Hồi = trở lại. Theo giáo-lý nhà Phật, chúng-sanh sanh ra, lớn lên hưởng sướng thì ít mà chịu khổ thì nhiều, chết đi phải sanh trở lại nữa, tùy theo nghiệp; sự tái-sanh đó gọi là cảnh Luân-hồi. Tu-hành đến cấp La-hán, mới hết bị nghiệp ràng-buộc. - Lận-đận = gian-nan, khốn-khó, khổ-sở, ba chìm bảy nổi. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện đề-cao thái-độ của Trưởng-lão Xá-lợi-phất: chẳng tìm cách tự bào-chữa mình khi bị vu-oan, chẳng oán-giận người vu-cáo mình. Thái-độ nầy rất khó cho ta tập-luyện được, vì thường-nhơn hay phản-ứng, ăn miếng trả miếng. Trong sáu pháp Ba-la-mật của Bồ-tát-đạo: bố-thí, trì-giới, nhẫn-nhục, tinh-tấn, thiền-định và Bát-nhã, hạnh nhẫn-nhục là hạnh khó tập-luyện nhứt, vì phải biết quên cái Ta. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 095: Bài Kệ dạy ta giữ tâm cho thật an-tịnh: - Tâm an: phải trơ như đất, vững như trụ-đồng. Trơ như đất, có nghĩa là khi bị sỉ-nhục, chẳng dùng lời thô-ác chống đối lại, giữ sự im-lặng mà trong lòng chẳng giận. Vững như trụ đồng, có nghĩa là khi được khen chẳng nở mũi khoe-khoang; khi bị chê-trách chẳng xụ mặt giận-dữ. - Tâm tịnh: Tịnh là trong sạch. Tâm thanh-tịnh chẳng chứa giữ các ý xấu-ác, chỉ nghĩ tốt cho người, chỉ nghĩ nhũn-nhặn cho mình. HỌC TẬP: 1.- Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ phải giữ tâm an-tịnh. 2.- Thử đề-nghị tập giữ tâm thản-nhiên: - khi được khen, chỉ cám ơn người khen và mỉm cười. - khi bị chê, cũng cám ơn và nhỏ-nhẹ hứa sửa đổi. (77).- Tích chuyện vị Sa-di ở Cô-sâm-bi. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến một vị Sa-di nhỏ tuổi ở xứ Cô-sâm-bi. Thuở ấy ở Cô-sâm-bi có một cậu bé con lên bảy tuổi được nhận vào làm Sa-di, dưới sự chỉ-dạy của Trưởng-lão Thi-sa. Trước khi làm lễ thế-phát cho cậu, Trưởng-lão dạy cho cậu một đề-tài thiền-quán. Trong khi được cạo đầu, cậu bé suy-tư về đề-tài quán-chiếu thật là chăm-chú, khiến cho đến khi các sợi tóc cuối cùng vừa được hớt xong, thì cậu bé đã chứng được quả-vị A-la-hán. Sau đó ít lâu, Trưởng-lão Thi-sa dẫn cậu bé lên đường đi đến Xá-vệ để đảnh-lễ Đức Phật. Dọc đường, cả hai nghỉ đêm trong một ngôi chùa nhỏ trong làng. Đêm ấy, Trưởng-lão lên giường nằm ngủ, còn cậu bé lại ngồi thiền suốt cả đêm bên cạnh giường của Sư-phụ. Trời mờ mờ sáng, Trưởng-lão chỗi dậy, định đánh thức cậu Sa-di, mới dùng cán quạt lá-kè khỏ vào đầu để gọi dậy. Rủi thay, cán quạt lại đánh mạnh nhằm vào mắt cậu Sa-di. Cậu lấy tay che mắt, nhổm dậy, đi lo nấu nước nóng cho Sư-phụ rửa mặt. Khi bưng nước ấm dâng lên cho Thầy, cậu cầm thau nước có một tay, còn một tay thì che mắt. Sư-phụ quở, sao lại vô-lễ dùng có một tay? Cậu vội bỏ tay bụm mắt ra cầm lấy thau nước, bấy giờ Trưởng-lão mới nhận ra là mình đã đánh trúng mắt học-trò và làm hỏng hết một con mắt. Trưởng-lão vội-vàng xin lỗi, nhưng cậu Sa-di thưa: "Bạch Thầy, đó chẳng phải là lỗi của Thầy, mà chính là vì nghiệp cũ của con, nay con phải chịu chột mắt." Đến khi đảnh-lễ Đức Phật, Trưởng-lão bạch Phật rằng, cậu Sa-di nầy là một bực cao-quí nhứt mà Trưởng-lão chưa từng gặp. Khi nghe kể chuyện lại, Đức Phật mới bảo rằng: ‘Nầy chư tỳ-kheo, một vị A-la-hán chẳng hề sanh lòng tức-giận đối với một ai, bao giờ cũng điều-phục các căn và luôn luôn tỏ ra thanh-thản và hoàn-toàn trầm-tĩnh." Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Tâm trầm-tĩnh, ý lời trầm-tĩnh, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Sa-di: người mới vào chùa tập-sự tu-hành, chưa thọ-giới tỳ-kheo. Tiếng Pali là Sàmanera. - Cô-sâm-bi: tên xứ nầy tiếng Pali là Kosambi. - Thi-sa: tên của Trưởng-lão tiếng Pali là Tissa. - Thế-phát: Thế = cắt, hớt (tóc); Phát = tóc. Làm lễ thế-phát là cạo trọc đầu đi tu. - Đề-tài thiền-quán: Đề-tài là một đầu-đề, một đề-mục; Thiền-quán là để tâm suy-nghĩ thật sâu-xa về vấn-đề gì, chẳng hề xao-lãng. - Quả-vị A-la-hán: quả-vị Thánh, cao nhứt trong bốn quả-vị của hàng Thanh-văn( = các đệ-tử sống gần bên Phật, nghe kinh và tu-tập theo) - Ngồi Thiền: ngồi yên trong tư-thế kiết-già( =tréo hai chơn lên hai đùi), chăm-chú suy-tư về một đề-tài, chẳng lo ra. Còn gọi là toạ-thiền. - Sư-phụ: Sư =thầy dạy; Phụ = cha. Sư-phụ là thầy dạy. Ở chùa, các vị tu-hành thường gọi thầy hay sư-cô dạy đạo cho mình là Sư-phụ. - Lá-kè: lá cây kè, giống như lá dừa nước. - Vô-lễ = vô phép, thiếu lễ-độ. - Hỏng = hư. Làm hỏng mắt là làm hư con mắt. - Nghiệp cũ: các hành-động của kiếp trước, nay sanh ra quả-báo. - Chột mắt: bị hư hết một con mắt. - Trầm-tĩnh: Trầm = chìm, lắng xuống; Tĩnh = yên-tịnh. - Thanh-thản: nói về tâm-hồn của người cảm thấy nhẹ-nhàng, chẳng lo-lắng, chẳng phiền-muộn. - Chánh-biến-tri: Chánh =chơn-chánh, đúng-đắn; Biến = cùng khắp tất cả, mọi việc; Tri =biết rõ. Chữ Chánh-biến-tri dùng để dịch danh-từ tiếng Phạn là Samyak-sambuddha, biết rõ được tất cả, đại-giác-ngộ. - Quân-bình: Quân = đều nhau; Bình = ngang nhau, bằng nhau.Sống quân-bình có nghĩa là cuộc sống bình-thản, yên-ổn, chẳng náo-động, có tâm-hồn êm-ả, chẳng xao-xuyến. - An-tịnh: An = yên-ổn; Tịnh = vắng-lặng. Chữ an-tịnh ở đây nói về tâm; tâm an-tịnh là tâm vừa trong-sạch, vừa yên-ổn, vắng-lặng, có nghĩa là lòng chẳng có ý ác, chẳng lo-sợ, chẳng phiền-muộn, luôn nhẹ-nhàng. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện mang hai ý-nghĩa 1) Vị Sa-di chuyên-tâm quán-chiếu trong khi làm lễ thế-phát đã chứng-đắc được quả-vị cao-quí A-la-hán. Chẳng phải ai làm theo như thế mà cũng chứng-đắc được; đây là trường-hợp hết sức đặc-biệt; vì phải tu nhiều đời kiếp, còn chưa chứng được quả-vị A-la-hán như thế. 2) Khi bị đánh hư một mắt, vị Sa-di chẳng thốt lên lời than-vãn kêu đau: đây là ý-chí hết sức mạnh-mẽ đè-nén được cơn đau khủng-khiếp. Đến khi Thầy ngõ lời xin lỗi vì lỡ tay, vị Sa-di lại cho rằng chính vì nghiệp cũ của mình mà bị chột mắt chớ chẳng phải do lỗi vô-ý của Thầy gây ra. Thái-độ chẳng oán-hờn nầy rất đáng ta nễ-phục. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 096: Bài Kệ nêu lên đức-tánh của vị A-la-hán: Tâm an-tịnh; Trí giải-thoát. Thế nào là tâm an-tịnh? Ở đây, có ba phương-diện: (1) tâm trầm-tĩnh; (2) ý trầm-tĩnh, (3) lời trầm-tĩnh, cả ba phương-diện nói đến sự trầm-tĩnh, nghĩa là luôn luôn hiền-từ, dịu-dàng, từ-tốn, thanh-thản. Thế nào là Trí giải-thoát? Ở đây, bài Kệ nói đến Chánh-biến-tri, đó sự hiểu-biết thông-suốt được tất cả mọi sự-việc; đấy là Trí-huệ của Đức Phật. Người Phật-tử còn chưa được chánh-biến-tri, cho nên cố gắng học-tập Kinh-điển, thực-hành lời dạy của Đức Phật, dẹp bỏ các tà-kiến, sẽ đi đến gần chỗ Trí-huệ được giải-thoát. HỌC TẬP: 1.- Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ phải luôn tập tâm trầm-tĩnh 2.- Đề-nghị một thái-độ trầm-tĩnh: bị đứt tay chảy máu nhiều, đừng khóc lóc, chớ cuống lên, hãy lo băng-bó trong yên lặng. (78).-Tích chuyện về một lời nói của Đại-Đức Xá-lợi-phất.Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập về ý-nghĩa của một lời nói của Trưởng-lão Xá-lợi-phất. Thuở ấy có ba mươi vị tỳ-kheo từ một làng nọ đi đến tịnh-xá Kỳ-viên để đảnh-lễ Đức Phật. Đức Phật quán-thấy trong số đó sẽ có người sắp chứng-đắc được quả-vị A-la-hán, mới cho mời Trưởng-lão Xá-lợi-phất đến và hỏi rằng: "Nầy Xá-lợi-phất, ông có nghĩ rằng khi quán-chiếu thâm-sâu về các căn, hành-giả có thể chứng-đắc được Niết-bàn chăng?" Trưởng-lão Xá-lợi-phất bạch Phật: "Bạch Thế-tôn, về vấn-đề chứng-đắc được Niết-bàn nhờ quán-chiếu thâm-sâu về các căn, chẳng phải vì con đây đã nghe lời dạy của Thế-tôn, rồi tin-tưởng nơi Thế-tôn mà con tin theo đó; chỉ có những kẻ còn chưa tự mình chứng-đắc mới đi tin lời của người khác nói mà thôi." Nghe nói thế, một số tỳ-kheo hiểu-lầm và cho rằng Trưởng-lão chưa dứt sạch các tà-kiến và thiếu niềm tin nơi Đức Phật. Đoán biết tâm-trạng nghi-ngờ nầy của các tỳ-kheo kia, Đức Phật liền giải-thích thêm: ‘Này các tỳ-kheo, lời nói của Xá-lợi-phất chỉ có nghĩa giản-dị như thế nầy: Xá-lợi-phất có tin rằng, nhờ quán-chiếu thâm-sâu các căn, hành-giả sẽ chứng-đắc Niết-bàn; nhưng Xá-lợi-phất chỉ tin như thế, sau khi chính mình đã thực-sự chứng-đắc Niết-bàn, chớ chẳng phải chỉ tin vì nhẹ dạ nghe theo lời dạy của kẻ khác. Xá-lợi-phất luôn luôn tin-tưởng vào Phật, tin-tưởng vào các hậu-quả của các hành-động thiện và bất-thiện." Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Người chẳng dễ tin vì nhẹ dạ, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Đại-đức: Đại = lớn; Đức = đức-hạnh. Đại-đức là tiếng nhà chùa gọi các vị Tỳ-kheo; được trên ba mươi tuổi đạo thì gọi là Thượng-Toạ (thượng = trên; toạ = chỗ ngồi.), trên bốn mươi tuổi đạo là Hoà-thượng. - Quả-vị A-la-hán, Xá-lợi-phất, Niết-bàn: xin xem lại bài trước. - Quán-chiếu thâm-sâu: suy-nghĩ thật sâu-xa, chẳng xao-lãng. - Các căn: Căn =gốc, nơi phát-sanh. Chữ các căn trong Phật-học chỉ vào năm giác-quan: mắt, tai, mũi, lưỡi và da; nhưng trong Phật-học có sáu căn, thêm ý-căn trong tâm. - Tà-kiến: Tà =xiêng-xéo, sai lầm; Kiến = ý-kiến. Tà-kiến là ý sai-lầm. - Nhẹ dạ = nghe ai nói cũng liền tin theo, chẳng suy-xét cặn-kẽ. - Hậu-quả: Hậu = sau;Quả = kết-quả. Hậu-quả của một hành-động là những gì xảy ra do hành-động đó gây nên. Hậu-quả =/ = nguyên-nhơn. - Thiện và Bất-thiện: Thiện =lành; Bất-thiện = chẳng lành. - Thông-đạt = hiểu rõ thật tường-tận. - Pháp vô-vi: các sự-việc chẳng bị điều-kiện-hoá, chẳng bị biến-đổi, luôn-luôn thường-còn, được gọi là pháp vô-vi, thí-dụ như Chơn-lý, Hư-không là các pháp vô-vi. Niết-bàn cũng thế. - Hệ-lụy: Hệ = liên-hệ, dính mắc vào; Lụy = bó-buộc. - Tái-sanh: Tái = một lần nữa; sanh = sanh ra. Tái-sanh là sau khi chết đi ở cõi đời nầy lại sanh ra một đời khác, theo luật Luân-hồi. - Duyên = cơ-duyên, những gì khiến cho một sự-việc xảy ra. - Nhơn-Quả: nguyên-nhơn và hậu-quả. - Tham-ái = sự tham-muốn thái-quá. Chính vì tham-ái (tiếng Pali là Tanha) mà con người phải tái-sanh mãi trong cõi Luân-hồi. - Vô-thượng: Vô = chẳng có; Thượng = trên. Vô-thượng là bực mà trên đó chẳng còn ai hơn nữa. - Thánh-nhơn: Thánh = theo giáo-lý nhà Phật, bực đã dứt được tái-sanh trong vòng Luân-hồi. Tu-hành đến bực A-la-hán là chứng bực Thánh; còn ba quả-vị kia: Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, vì còn tái-sanh, nên được gọi là bực Hiền. Đó là bốn quả-vị, ba hiền, một thánh của hàng Thanh-văn B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện kể lại việc hiểu-lầm về một lời nói của Trưởng-lão Xá-lợi-phất: "Chẳng phải vì con nghe lời dạy của Thế-tôn mà con tin theo..." rồi cho rằng Trưởng-lão thiếu lòng tin-tưởng nơi Đức Phật. Đâu phải vậy! Ý Trưởng-lão muốn nói, chỉ tin vào Phật, sau khi đem lời dạy của Phật ra thi-hành thấy đúng và có lợi-ích. Nếu ta vừa nghe xong, đã tin ngay, đó có thể là vì nhẹ dạ mà tin, niềm tin đó còn lỏng-lẻo; chỉ khi nào ta thực-hành theo lời dạy, thấy rõ kết-quả mong-muốn, bấy giờ niềm tin mới vững-chắc. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 097: Xin phân-tách các đức-tánh của Thánh-nhơn, nêu trong bài Kệ: 1) Người chẳng dễ tin vì nhẹ dạ: đây là lòng tin-tưởng thật vững-chắc vào Tam-Bảo: Phật, Pháp và Tăng. 2) Thông-đạt pháp vô-vi Niết-bàn: chẳng những hiểu rõ rành-rẽ về các pháp vô-vi ( = thường-hằng, chẳng bị điều-kiện-hoá, chẳng bị thay đổi) mà còn thực-hành, chứng-đắc về Niết-bàn ( = tâm-trạng người đã dứt hết các phiền-não, chẳng còn phải tái-sanh nữa.) 3) Cắt mọi hệ-luỵ gây tái-sanh: có nghĩa là dứt được mọi ràng-buộc trong cảnh Luân-hồi; nói cách khác, khiến cho sạch được nghiệp, chẳng còn tạo nhơn ác để phải tái-sanh lại nữa. 4) Diệt mọi duyên tạo nên nhơn-quả: tức là bỏ dứt việc làm ác tạo nên ác-báo sau nầy, chỉ chuyên hành thiện để mong được giải-thoát. 5) Bao tham-ái cũng đều bỏ cả: dứt mọi tham-luyến vào cuộc sống sướng ít khổ nhiều nầy, chỉ chuyên-tâm tu để được giải-thoát. Nhắm mục-tiêu Niết-Bàn, mà chẳng mong-cầu sớm đắc Niêt-bàn, vì còn mong-cầu là còn tham-ái. HỌC TẬP: 1.- Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ về lòng tin vững-chắc vào Phật-pháp, sau khi đã biết thực-hành theo giáo-pháp. 2.- Đề-nghị bỏ thái-độ nghe đồn ở đâu có chùa linh-thiêng, có thầy đắc-đạo, liền vội chạy đi theo. Đừng chê ngay, xét cho kỹ mới tin. (79).- Tích chuyện Trưởng-lão Lê-va-ta. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Trưởng-lão Lê-va-ta, tu ẩn-cư trong rừng keo. Thuở ấy gia-đình của Trưởng-lão Xá-lợi-phất có nhiều người đi xuất-gia, trong nhà chỉ còn một cậu trai nhỏ bảy tuổi. Cha mẹ lo-lắng rồi đây chẳng còn ai ở bên cạnh lúc tuổi già, nên đã sớm nhờ mối-lái tìm vợ cho cậu Lê-va-ta, theo phong-tục tảo-hôn ở Ấn-độ. Đến ngày đám cưới của mình, cậu Lê bỗng gặp một bà cụ già, hơn trăm tuổi; nhìn thấy cụ già lụm-cụm, cậu liền nghĩ đến cảnh khổ của con người trong kiếp sống, rồi đây ai cũng phải trải qua sự suy-nhược của tuổi già. Nghĩ đến đấy, cậu liền bỏ buổi lễ, trốn đi, chạy vào ngụ trong một tu-viện. Bấy giờ, các vị tỳ-kheo trong tu-viện, trước đây có được lời dặn của Trưởng-lão Xá-lợi-phất, hễ em của Ngài muốn đi tu, thì cứ nhận ngay cho làm Sa-di. Sau lễ thế-phát, các tỳ-kheo liền thông-báo cho Trưởng-lão Xá-lợi-phất hay tin rằng Lê-va-ta đã xuất-gia. Sa-di Lê-va-ta được các tỳ-kheo chỉ-dạy cho một đề-tài thiền-quán, liền xin phép lên đường vào khu rừng cây keo, cách tu-viện hơn ba mươi do-tuần để tu-hành ẩn-cư. Chẳng bao lâu, chứng đươc quả-vị A-la-hán. Sau mùa an-cư kiết-hạ, Trưởng lão Xá-lợi-phất xin phép Đức Phật để vào khu rừng keo thăm em. Đức Phật bảo, Ngài và chúng Tăng sẽ cùng đi để viếng nơi cư-ngụ của Sa-di Lê-va-ta. Đường đi đến rừng keo khá xa, quanh-co, gồ-ghề, lại vắng người, nhưng chư Thiên đã dựng lên ở mỗi do-tuần một trạm nghỉ chơn, có đầy-đủ thức-ăn vật-uống để cúng dường Đức Phật và chúng Tăng. Khi hay tin Tăng-đoàn sắp đến, Sa-di Lê-va-ta nỗ-lực dựng thêm lều để tiếp-đón. Và trong thời gian lưu lại tại rừng keo, mọi người đều được đủ tiện-nghi. Khi trở về, Đức Phật và chúng Tăng ghé qua tu-viện Đông-viên ở phiá đông thành Xá-vệ. Bà Vi-sa-kha ra nghinh-đón, dâng-cúng thực-phẩm lên Đức Phật. Sau buổi ngọ-trai, bà Vi-sa-kha thưa hỏi Đức Phật về nơi cư-trú trong rừng keo của Sa-di Lê-va-ta như thế nào, Đức Phật liền đáp bằng bài Kệ, như sau đây: Dù tại trong làng mạc, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Lê-va-ta: tên của Trưởng-lão, tiếng Pali là Revata. - Rừng keo = rừng nầy có nhiều cây keo (tên cây nầy là Acacia) - Ẩn-cư: Ẩn = ẩn-núp, ở chỗ kín-đáo; Cư = ở, cư-ngụ. Tu ẩn-cư là ở nơi vắng-vẻ, một mình, để chuyên-tâm tu-hành. - Xuất-gia: Xuất = ra khỏi; Gia = nhà. Xuất-gia là rời nhà đi tu. - Mối-lái = người ở giữa, giúp cho hai người lạ, tính xong công-việc. Trong đám cưới, ta thường gọi người mối-lái là ông mai, bà mai. - Tảo-hôn: Tảo = quá sớm; hôn =cưới vợ. Theo tục tảo-hôn, cha me lo cưới vợ cho con trai còn nhỏ tuổi. Tục nầy ở Việt-nam xưa kia cũng có. - Suy-nhược: Suy = suy-sụp; Nhược = yếu-ớt. Trong bốn cảnh Khổ, được nói trong giáo-lý nhà Phật: sanh, lão, bịnh, tử thì lão ( =già)chỉ vào sự suy-nhược. Chẳng có ai tránh khỏi sự suy-nhược khi về già cả. - Thế-phát: Thế = cắt (tóc); Phát = tóc. Lễ thế-phát là lễ cạo trọc đầu để thọ-giới Sa-di ( =người mới vào chùa tập-sự tu-hành, chưa thọ giới tỳ-kheo. Sa-di, tiếng Pali là Sàmanera.) - Đề-tài thiền-quán: xin nhắc lại, đó là một đầu-đề để suy-nghĩ sâu-xa khi ngồi Thiền. - Do-tuần: dài khoảng một dặm (km, cây số), tiếng Pali là yojana. - Quả-vị A-la-hán, An-cư kiết-hạ: xin xem lại nghĩa ở hai bài trước. - Chư Thiên = các vị Trời. - Tu-viện Đông-viên = tu-viện nầy, tiếng Pali là Pubbàràma, do bà cư-sĩ Vi-sa-kha xây cất, nằm về phiá Đông của chùa Kỳ-viên. - Toạ-lạc: Toạ = ngồi; Lạc = chỗ tụ-hội. Ở đây, toạ-lạc = ở, cư-trú. - Khả-ái = đáng yêu. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện mang hai ý-nghĩa: 1) Bỏ trốn vào ngày đám cưới: đây là trường-hợp rất đặc-biệt của một cậu bé bảy tuổi rời cuộc sống trong gia-đình để đi tu. Tích chuyện thuật lại vì cậu Lê trông-thấy cảnh già-suy nơi bà lão lụm-cụm hơn trăm tuổi mà quyết-định xuất-gia, tìm đường giải-thoát khỏi cảnh Khổ của sanh-già-bịnh-chết. Quyết-định xuất-gia nầy xảy ra vào ngày đám cưới rất kịp thời vì ngăn chặn được sự tạo thêm các mối ràng-buộc về vợ con sau nầy. Ta có thể thắc-mắc tại sao một cậu bé mới bảy tuổi mà có được một quyết-định quan-trọng như thế; nhưng xét lại, trong nhà cậu, các anh chị em đều đã xuất-gia, đó cũng là một nguyên-nhơn đã thúc-đẩy cậu noi theo con đường mà anh chị đã chọn. Nếu ta tin vào tiền-kiếp, có lẽ trong các đời trước, cậu đã tu-hành nhiều, nên kiếp nầy mới sớm cắt-đứt được mọi luyến-ái trong gia-đình mà đi xuất-gia. 2) Vùng đất lành khả-ái nơi vị A-la-hán ẩn-tu: Tích chuyện thuật lại Đức Phật đến Rừng Keo thăm-viếng nơi Sa-di Lê-va-ta ở, với mục-đích đề-cao cảnh-trí ẩn-tu thanh-tịnh. Tại sao nơi có vị A-la-hán ở lại là vùng đất khả-ái, đáng yêu? Đó là một nơi vắng-vẻ, xa hẳn chốn xôn-xao, đua chen của đời sống xã-hội ồn-ào. Đó là một nơi mà đức-hạnh cao-cả của người tu-hành có thể làm biến-đổi được phong-tục của những người sống chung-quanh, bằng lối sống giản-dị, an-nhiên, tự-tại. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 098: Trong bài Kệ nầy, Đức Phật bảo, bất cứ nơi nào có vị A-la-hán đang tu-hành, dầu ngay trong làng-mạc, hay ở chốn vắng-vẻ, nhờ đức-hạnh cao-cả và sáng-chói của bực Thánh, đã trở thành một vùng đất an-lành, khả-ái. Tại sao? Lý-do vừa được nêu lên ở mục 2, bên trên. HỌC TẬP: 1.- Học thuộc lòng bài Kệ, để biết mến nơi tu-hành thanh-vắng. 2.- Để giải-trí vào dịp cuối tuần, xin đề-nghị đưa gia-đình đi viếng thăm một ngôi chùa trên núi. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến việc một tỳ-kheo bị một người đàn-bà quyến-rũ. Thuở ấy có một vị tỳ-kheo, sau khi được Đức Phật chỉ-dạy cho một đề-tài thiền-quán, liền đến một khu vườn để thực-tập toạ Thiền. Bấy giờ, có một người đàn-bà đi ngang qua trông-thấy trang-mạo tuấn-tú của vị tu-sĩ mới sanh lòng quyến-luyến, và đến bên cạnh tìm cách dụ-dỗ. Vị tỳ-kheo vừa sợ-hãi, vừa cảm thấy toàn thân được một sự thoả-thích lâng-lâng tràn-ngập. Từ nơi hương-phòng ở chùa Kỳ-viên, Đức Phật quán-thấy cảnh-tượng ấy, ngại cho vị tỳ-kheo sa-ngã, Ngài dùng thần-thông, chiếu hào-quang đến khu vườn và bảo vị Tỳ-kheo rằng: ‘Nầy Tỳ-kheo, bọn phàm-phu thường hay chạy theo các dục-lạc về thể-chất; đây chẳng phải là nơi thuận-tiện cho việc toạ-thiền. Nên chọn nơi vắng-vẻ trong rừng sâu, vì phàm-phu chẳng tìm thấy thoả-thích ở các nơi ấy." Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Rừng-rú đầy thích-thú, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Tỳ-kheo: tiếng Pali là Bhikkhu, phiên-âm là bí-sô, dịch nghĩa là khất-sĩ, là tu-sĩ theo Phật-giáo, giữ giới khất-thực ( =đi xin ăn). - Quyến-rũ = theo rủ-rê khiến cho người phải ngã theo điều xấu. - Đề-tài thiền-quán: xin nhắc lại, một đầu-đề hay là đề-mục để suy-nghĩ thật sâu-xa, tâm chẳng xao-động, trong khi ngồi Thiền. - Toạ Thiền = ngồi Thiền. - Trang-mạo = hình-dung, dung-nhan, gương mặt, dáng-vóc. - Tuấn-tú: đẹp trai, hiên-ngang, khôi-ngô. - Hương-phòng = căn phòng có hương thơm, nơi dành riêng cho Đức Phật; tiếng Pali là Gandhakuti. - Quán-thấy: trong cơn Thiền-định, thấy được nơi tâm. - Thần-thông = phép-lực cao-cường như có thể bay trên không. - Hào-quang = ánh-sáng chói lọi và rực-rỡ. - Phàm-phu: Phàm =tầm-thường; phu = người. Phàm-phu là người thường, chưa tu; trái nghĩa với bực Thánh-hiền. - Dục-lạc: Dục =ham-muốn; lạc =thú vui. Chữ dục-lạc thường trỏ vào các thú-vui thể-chất, thoả-mãn các giác-quan, nên thấp-kém. - Dục-vọng = ham-muốn, giống nghĩa với chữ dục-lạc. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện kể việc một tỳ-kheo ngồi Thiền trong vườn bị một người đàn-bà đi ngang qua quyến-rũ; nhưng nhờ Đức Phật chỉ dạy nên chọn nơi rừng sâu vắng-vẻ, mới khỏi bị sa-ngã. Ý-nghĩa của Tích chuyện là khi ngồi Thiền, ta phải chọn một nơi thích-hợp, vắng-vẻ, mới có thể chuyên-tâm tu-hành. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 099: Bài Kệ rất giản-dị, chẳng chữ nào khó cả, đề-cao cảnh thanh-vắng của rừng-rú, dễ cho việc tu-hành tinh-tấn. Người thường chẳng thích nơi rừng-rú vì họ còn ham-mê các thú-vui nhục-dục, rộn-ràng; còn người đã dứt bỏ mọi dục-vọng (tức là bực A-la-hán), dẹp bỏ mọi ham-muốn, thì thấy thoả-thích khi sống trong cảnh núi rừng xa vắng. HỌC TẬP: 1.- Học thuộc lòng bài Kệ, để biết mến chuộng cảnh núi rừng. 2.- Thử đề-nghị một cách nghỉ hè: tham-dự một khoá tu Thiền tại vùng núi rừng. Đây là một lối thay đổi không-khí rất thoải-mái, đi du-lịch rất thích-thú, chẳng phải chỉ để ngoạn cảnh núi non hùng-vĩ, mà còn có dịp ngồi dưới gốc cây khô, trên tảng đá mòn, tĩnh-tâm xét lại lòng mình. -ooOoo- VIII.- Phẩm NGÀN. (81).- Tích chuyện người đao-phủ Tam-bá-đà.Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến việc người đao-phủ-thủ tên là Tam-bá-đà. Thuở ấy, có người đao-phủ-thủ, tên là Tam-bá-đà, chuyên nghề chặt đầu các tội-phạm đã bị nhà Vua xử tử-hình. Tam làm nghề đao-phủ trong năm mươi lăm năm, vừa nghĩ việc về hưu. Sáng hôm ấy, anh ta vừa nấu xong một nồi cháo, định xuống sông tắm rửa rồi sẽ ăn sáng. Bấy giờ, Trưởng-lão Xá-lợi-phất vừa xuất cơn diệt-tận-định, là cõi thiền-định cao nhứt, lên đường đi khất-thực. Khi sắp bước vào nhà, Tam nhìn thấy Trưởng-lão Xá-lợi-phất đang cầm bình bát đứng trước cửa, chờ được bố-thí. Tam nghĩ trong lòng, mấy chục năm qua, ta theo nghề chặt đầu tội-nhơn, chẳng có dịp làm được một việc thiện nào, nay chính là lúc nên đem cả nồi cháo ra cúng-dường cho vị Trưởng-lão nầy để tạo phước. Nghĩ xong, anh ta thỉnh Trưởng-lão vào nhà và bưng cháo ra dâng-cúng. Sau khi thọ-thực, Trưởng-lão Xá-lợi-phất liền đem Chánh-pháp ra giảng-dạy cho Tam-bá-đà nghe, nhưng lúc ấy Tam chẳng thể nào chú- tâm nghe hiểu được, vì trong lòng cứ mãi nhớ cả đời đao-phủ-thủ của mình chỉ chuyên đi giết người. Đoán biết tâm-trạng đó, Trưởng-lão Xá-lợi-phất mới khéo-léo hỏi rằng: "Trong mấy mươi năm qua, ông giết người vì theo lịnh của Vua hay vì chính anh thích giết?" Tam liền đáp, vì theo lịnh Vua mà giết. Trưởng-lão bảo:"Như thế, nếu chẳng có ác-ý giết người, thì đâu có tội sát-sanh." Nghe nói thế, lòng của Tam-bá-đà trở nên thanh-thản mới chăm-chú nghe giảng và thông-hiểu được Chánh-pháp. Bấy giờ, anh chứng được tuệ thuận-thứ của Tu-đà-huờn-đạo. Khi Trưởng-lão chấm-dứt thời pháp, Tam theo tiễn đưa Ngài một quảng đường; khi trở về, rũi thay, Tam-bá-đà bị một con bò điên húc chết. Chiều hôm ấy, khi hay tin Tam-bá-đa đã chết, các vị tỳ-kheo mới thưa trình Đức Phật và hỏi Ngài, chẳng biết Tam-bá-đà nay được tái-sanh về đâu. Đức Phật bảo, mặc dầu Tam-bá-đa suốt đời có phạm tội giết người theo lịnh Vua, nhưng trước khi chết, đã thông-hiểu được Chánh-pháp, chứng-đắc được tuệ thuận-thứ, nên nay được tái-sanh lên cõi Trời Đâu-suất. Các vị tỳ-kheo tỏ vẻ ngạc-nhiên khi thấy Tam-bá-đa chỉ nghe Chánh-pháp được tuyên-giảng có một lần mà đắc được đạo-quả và sanh lên Trời, Đức Phật liền bảo, chẳng phải thuộc làu muôn kinh ngàn kệ trong Chánh-pháp là điều quan-trọng, mà chỉ cần hiểu rõ một câu thật có ý-nghĩa trong Chánh-pháp là được hưởng phước-lạc cao. Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Dầu có nói ngàn lời vô-dụng, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Đao-phủ-thủ: Đao = cây dao lớn để chém; Phủ = cái búa lớn; Thủ = tay; Đao-phủ-thủ là người chém đầu các tội-nhơn bị xử tử-hình. - Tam-bá-đà: tên kẻ đao-phủ-thủ nầy tiếng Pali là Tambadàthika. - Tử-hình: Tử = chết; Hình = hình-phạt. Tử-hình là phải tội chết. - Về hưu: thôi việc về nghĩ, sau một thời-gian làm nhiều năm. - Diệt-tận-định = cơn đại-định cao nhứt trong tám cõi Thiền và Định, trong đó hành-giả đã chấm dứt được tất cả các cảm-thọ và tri-giác. Danh-từ Pali là Jhàna samàpatti. - Tội-nhơn: Tội =lỗi lớn; Nhơn =người. Tội-nhơn là kẻ phạm tội nặng - Sát-sanh: Sát = giết; Sanh = sanh-mạng, mạng sống. - Thanh-thản = nhẹ-nhàng, chẳng còn lo-âu, sợ-hãi nữa. - Tuệ thuận-thứ: Tuệ =trí-huệ, tâm-trí; Thuận = theo đúng chiều-hướng; Thứ = thứ lớp trước sau. Theo Thiền Minh-sát (Vipassanà), đây là giai-đoạn định-tâm khiến cho sự nhận-thức của hành-giả về Danh-Sắc (Nàmarùpa) diễn-tiến theo đúng chiều-hướng của Đạo (Magga). -Tu-đà-huờn-đạo: còn gọi là Tu-đà-huờn-hướng (Sotàpatti Magga), theo đó hành-giả đã theo đúng con đường đưa đến quả-vị Tu-đà-huờn. - Húc = bị con bò điên đâm đầu vào và đạp lên. - Tái-sanh: Tái = một lần nữa; Sanh = sanh ra. Theo thuyết Luân-hồi, chúng-sanh sau cõi đời nầy, chết đi tuỳ theo nghiệp mà sanh trở lại nữa. - Đâu-suất: cõi Trời cao hơn cõi Trời Tứ-thiên-vương và cõi trời Đao-lợi. Tiếng Pali là Tusita. - Tuyên-giảng: Tuyên = nói lên cho mọi người biết; Giảng = nói rõ. - Thuộc làu = nhớ và đọc lại vanh-vách. - Phước-lạc: Phước =hạnh-phước; Lạc = vui. Phước-lạc là điều vui. - Vô-dụng: Vô =chẳng; Dụng =dùng. Vô-dụng là chẳng dùng được vào việc gì có ích-lợi cả. - Đạo-quả Niết-bàn: Đạo là con đường tu-tập (Magga).Quả là quả-vị, sự tu đã thành-công (Phala). Đạo-quả Niết-bàn là đường-lối tu-tập để chứng Niết-bàn (Niết-bàn = tâm-trạng của người đã dứt sạch các phiền-não, chẳng còn bị tái-sanh nữa.) B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện thuật lại một người chuyên hành-hình tội-nhơn, nhờ nghe hiểu được một câu trong Chánh-pháp mà được tái-sanh lên cõi trời Đâu-suất. Ý-nghĩa quan-trọng của Tích chuyện gồm có bốn đìểm chánh: 1) Phương-tiện khéo-léo của Trưởng-lão Xá-lợi-phất dùng câu hỏi để khiến cho người nghe bớt lo-lắng mà chú-tâm vào việc nghe giảng pháp: Trưởng-lão biết ông Tam đang lo-sợ vì tội suốt đời đã giết chết nhiều người, nên chẳng thể chú-tâm nghe pháp, mới dùng câu hỏi khiến cho ông Tam nhận-thức rằng, mình chẳng có ác-ý gây tội sát-sanh, để lòng được thanh-thản mà nghe pháp. 2) Đây chỉ là một phương-tiện khéo thôi, chớ ông Tam vẫn có tội sát-sanh. Tại sao? Vì tuy chẳng có ác-ý sát-sanh, nhưng hành-động của nghề đao-phủ là giết người; tội nầy do vì ông đã chẳng biết chọn đúng được một nghề sanh-sống chẳng làm hại mạng chúng-sanh. Chọn nghề đúng-đắn để mưu-sanh, trong Bát Chánh-Đạo, gọi là Chánh-mạng. Theo đúng Chánh-mạng, ta chẳng chọn các nghề như đánh cá, săn-bắn, chế-tạo khí-giới, bán rượu mạnh; dĩ nhiên, nghề đao-phủ cũng là nghề chẳng chánh-đáng. 3) Tại sao biết ông Tam vẫn có tội mà Trưởng-lão lại đưa ra câu hỏi khiến cho ông Tam tưởng-lầm là mình vô-tội? - Đó là vì Trưởng-lão muốn cho lòng ông Tam bớt lo-lắng, để có thể chú-tâm vào lời giảng, và nhờ hiểu rõ lời giảng nên mới có đủ phước-duyên để chứng đạo-quả Tu-đà-huờn, thoát được cảnh ác, mà sanh lên cõi Trời. Đấy là phương-tiện khéo giúp người tạo thêm duyên lành để tránh được ác-báo. Điều nầy giúp ta vững tin rằng, một người tuy mắc phải tội-lỗi, nếu biết sớm quay về con đường phải của Chánh-pháp, tạo được phước lành, thì ác-báo sẽ chẳng có đủ cơ-duyên để khởi lên được. 4) Chẳng phải cần thông-thuộc tất cả Kinh-điển, chỉ cần hiểu-biết thật rõ một câu có ý-nghĩa trong Chánh-pháp là có thể được hưởng phước-lạc cao. Phước-lạc đó, đối với ông đao-phủ-thủ Tam-bá-đà là khỏi phải sa vào cõi điạ-ngục vì tội đồng-loã sát-sanh, mà lại được sanh lên cảnh Trời Đâu-suất, hưởng phước thanh-nhàn. Ứng-dụng điểm nầy, khi học-tập về Kinh-kệ, ta chớ nên tham-lam học cho nhiều bài, chỉ cần hiểu rõ một bài, một câu, có ý-nghĩa liên-quan đến sự giác-ngộ và giải-thoát, đủ để tu-tập sao cho tâm được thanh-tịnh và bình-an. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 100: Bài Kệ nầy rất quan-trọng, dạy ta khi học-tập Kinh-kệ, chớ nên tham-lam thâu góp cho thật nhiều, mà phải biết nghe hiểu một lời thật có ý-nghĩa, khiến cho tâm được bình-yên. Khi nào tâm bình-yên? Khi nhờ nghe Chánh-pháp mà lòng ta trở nên trong-sạch, thanh-thản, thấy rõ con đường tu-tâm để giải-thoát khỏi các phiền-não. HỌC TẬP: 1.- Học thuộc lòng bài Kệ nầy, để ghi nhớ, khi học-tập Kinh-kệ, chẳng phải cầu lấy số nhiều, mà phải biết hiểu rõ câu nào, lời nào giúp cho tâm được thanh-tịnh, bình-an. 2.- Một bài kệ tóm-tắt được cả Chánh-pháp: - Chớ làm điều ác, (82).- Tích chuyện về Bá-hi-gia. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến việc người lái buôn Bá-hi-gia. Thuở ấy có một nhóm thương-gia ngồi thuyền vượt biển đi buôn xa. Chẳng may, thuyền bị bão-tố lớn đánh chìm, các thương-gia bị chết đuối, chỉ trừ một người sống-sót, tên là Bá-hi-gia. Nhờ ôm được mợt khúc gỗ, Bá trôi dạt vào bờ, tấp vào hải-cảng Sử-pha-kha. Mình trần truồng, Bá lấy miếng ván che thân, lượm được một cái bát, mới đến chỗ có người qua lại, để ăn xin. Nhiều khách bộ-hành thương-tình đem cơm cháo đến bố-thí, có kẻ lại đem quần-áo cho để che thân, nhưng Bá từ-chối, vì sợ nếu ăn mặc theo người thường, sẽ ít được người bố-thí. Lại có nhiều người trông thấy cảnh Bá che thân bằng tấm ván, tưởng đâu đó là bực tu-hành khổ-hạnh, đã chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán. Tiếng đồn vang xa, rồi chính Bá cũng tưởng đâu mình là một bực A-la-hán thật, cứ tiếp-tục sống trong tà-kiến như thế. Cho đến một đêm kia, Bá-hi-gia đang ngủ, bị một người đánh thức dậy. Người ấy là một bực chơn-tu vốn là bạn thân với Bá-hi-gia trong một tiền-kiếp. Người bạn nói: ‘Nầy anh Bá-hi-gia, anh đâu phải là người đã chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán, sao anh lại dám nhận như thế?" Bá-hi-gia thật-tình thưa: "Tôi cũng biết tôi có tội lớn, chẳng có tu-hành chi mà chứng-đắc được. Anh có biết trên thế-gian nầy ai là người đã chứng được ngôi-vị A-la-hán không?" Người bạn đáp: ‘Tôi có biết. Cách đây hơn trăm dặm đường, tại chùa Kỳ-viên, có tu-sĩ Cồ-đàm chứng-đắc được quả-vị A-la-hán, là bực đã hoàn-toàn giác-ngộ và giải-thoát." Bá-hi-gia mừng-rỡ nói: "Tôi phải đến đây để xin Ngài chỉ-dạy." Liền đó, Bá-hi-gia nhờ người bạn chỉ đường, lặn-lội cả đêm ngày để đến chùa Kỳ-viên. Vào sáng sớm hôm ấy, Đức Phật cùng chư Tăng đang đi khất-thực. Bá-hi-gia quần-áo rách-rưới, chân cẳng bị trầy sướt, qùi bên đàng và thưa với Đức Phật: "Bạch Ngài, con lặn-lội đường xa đến đây, mong Ngài đem Chánh-pháp ra chỉ dạy cho con." Đức Phật đáp, nay còn chưa phải thời, vì đang đi khất-thực, hãy để đến khi khác. Nhưng Bá-hi-gia cố nài-nỉ thưa rằng, đời người quá ngắn-ngủi, chẳng biết rồi đây có bị tai-nạn gì mất mạng sống đi chăng, xin Đức Phật thương-tình mà chỉ dạy ngay cho. Đức Phật quán-thấy đã đủ cơ-duyên cho Bá-hi-gia chứng đắc đạo-quả, nên Ngài liền dừng lại bên đường, giảng vắn-tắt cho Bá-hi-gia nghe: "Nầy thiện-nam-tử, khi mắt nhìn một vật, chỉ nên thấy có vật; khi tai nghe tiếng, chỉ để-ý đến tiếng; khi mũi ngửi, chỉ biết đến mùi hương; khi lưỡi nếm, chỉ nhận ra vị; khi có sự đụng-chạm, chỉ cảm-nhận được cảm-giác; khi nghĩ đến một việc, chỉ ý-thức đến việc ấy mà thôi." Khi chăm-chú nghe xong lời Đức Phật giảng, tâm-trí của Bá-hi-gia liền khai-ngộ và chứng-đắc ngay quả-vị A-la-hán. Bá-hi-gia liền thỉnh-cầu Đức Phật cho gia-nhập Tăng-đoàn. Đức Phật bảo Bá-hi-gia hãy đi lấy áo cà-sa, bình-bát và các thứ cần-dùng của một tỳ-kheo đem đến. Bá-hi-gia vâng lời; trên đường đi, rủi thay lại bị một con bò điên húc vào và ngả ra chết trên đống rác. Sau khi thọ-trai xong, các tỳ-kheo phát-giác thi-thể của Bá-hi-gia, vào trình Đức Phật. Đức Phật bảo làm lễ hoả-táng cho Bá-hi-gia và lấy tro xương đem thờ nơi tháp. Trở về chùa Kỳ-viên, Đức Phật bảo chúng Tăng rằng, sau khi nghe Phật giảng mấy câu về Chánh-pháp, Bá-hi-gia đã thấu-hiểu nhanh-chóng, đắc được đạo và quả A-la-hán, nên nay nhập vào cảnh-giới Niết-bàn. Trước sự ngạc-nhiên của các tỳ-kheo thấy Bá-hi-gia chỉ nghe có mấy câu trong Chánh-pháp mà chứng-đắc được quả-vị Niết-bàn, Đức Phật mới bảo: "Một bài pháp đem lại lợi-ích cho người, đâu cần phải dài-dòng." Rồi Đức Phật mới thốt lên bài Kệ sau đây: Dầu có đọc một ngàn
câu Kệ TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Bá-hi-gia: tên người nầy tiếng Pali là Bàhiyadàruciriya. - Sử-pha-kha: tên hải-cảng nầy tiếng Pali là Suppàraka. - Hải-cảng: Hải =biển; Cảng =cửa biển. Hải-cảng là cửa sông đổ ra biển, nơi tu-tập ghe thuyền buôn-bán. - Khổ-hạnh: Khổ = khổ-sở; Hạnh = hạnh-kiểm, lối sống. Tu-hành Khổ-hạnh là tu theo lối ép-xác, chịu cực-khổ thái-quá. - Đạo và Quả A-la-hán: Đạo = con đường, đường-lối tu-hành (Magga); Quả =quả-vị, sự tu đã thành-công (Phala).A-la-hán = quả-vị Thánh, cao nhứt trong hàng Thanh-văn(Sravaka), đã diệt được hết các lậu-hoặc, phiền-não, chẳng còn tái-sanh trong cảnh Luân-hồi nữa. - Tà-kiến: Tà =xiêng-xéo, sai-lầm; Kiến =ý-kiến. Tà-kiến là ý-kiến sai-lầm. - Chơn-tu: Chơn = chơn-lý, đúng sự-thật. Bực chơn-tu là bực tu-hành có đức-hạnh cao. - Tiền-kiếp = xin nhắc lại, đó là đời, kiếp trước, xưa hơn đời nầy. - Cồ-đàm: họ của Đức Phật Thích-ca; tiếng Pali là Gautama. - Hoàn-toán giác-ngộ và giải-thoát = tức là thành Phật. Giác-ngộ là thông-hiểu tất cả mọi sự-việc, đúng theo Chơn-lý; Giải-thoát là thoát khỏi mọi phiền-não, lậu-hoặc, chẳng còn bị tái-sanh trong cõi Luân-hồi nữa. - Chưa phải thời = chưa phải lúc thuận-tiện. - Quán-thấy: nhìn thấy rõ trong tâm. - Cơ-duyên: Cơ = cơ-hội; Duyên = duyên-cớ. Chữ cơ-duyên hàm ý nghĩa là cơ-hội may-mắn đang đến. - Thiện-nam-tử: Thiện = lành; Nam = đàn-ông; Tử =người, con, đệ-tử. Chữ Thiện-nam-tử trong Phật-học, dùng để chỉ đến các người đàn-ông có lòng tin-tưởng vào Đạo Phật, biết làm lành, lánh dữ. Về phiá phụ-nữ, gọi là Thiện-nữ-nhơn. - Ý-thức: Ý = ý-tưởng; Thức = biết rõ. Có ý-thức về việc gì có nghĩa là biết mình đang nghĩ-ngợi và hiểu-biết về điều ấy. Nhưng nếu biết mà chẳng để-ý, thì chẳng gọi là có ý-thức được. - Khai-ngộ: Khai = mở ra; Ngộ = hiểu rõ. Trước còn chưa hiểu, nay nhờ nghe và suy-nghĩ mà hiểu, mà biết, đó gọi là khai-ngộ. - Xin gia-nhập Tăng-đoàn = xin vào làm tỳ-kheo để tu-hành. - Cà-sa = xin nhắc lại: áo vàng khoác bên ngoài của Tỳ-kheo. - Bình-bát = cái bình giống như cái nồi nhỏ, để đựng cơm khi đi khất-thực; bằng sành, bằng gỗ hay bằng đồng. - Hoả-táng: Hoả =lửa; táng =đám ma. Hoả-táng là lễ thiêu-đốt xác người chết. - Tháp = ngôi mộ xây nhọn lên cao, thờ tro, xá-lợi các bực tu-hành. - Chẳng liên-hệ đạo-quả Niết-bàn: ý muốn nói, dầu có nhiều lời chẳng dính-dấp chi đến việc tu-hành để được giác-ngộ và giải-thoát, để chứng được cảnh an-vui, vắng-lặng của Niết-bàn. - Tâm bình-an = tâm yên-ổn. Ở đây, có nghĩa là tâm của bực A-la-hán, đã diệt xong các phiền-não mà trở nên thanh-tịnh, quân-bình; và đang sống tự-tại trong cảnh-giới Niết-bàn, chẳng còn phải tái-sanh khổ-sở nữa mà trở nên an-nhiên. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện thuật lại việc một người biết ăn-năn lỗi-lầm gạt kẻ khác là mình đã chứng-đắc quả-vị A-la-hán, đến xin Đức Phật chỉ-dạy cách tu-hành để được giác-ngộ và giải-thoát. Với một bài pháp ngắn, Đức Phật dạy cách điều-phục các căn: khi thấy, nghe, ngữi, nếm, sờ, nghĩ, chẳng để cho tâm bị cảnh-vật bên ngoài và ý-tưởng bên trong trì-níu, lôi-cuốn. Đó là pháp khiến tâm an-tịnh, để bước vào ngưỡng cửa Niết-Bàn. Đấy là ý-nghĩa quan-trọng của Tích chuyện. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 101: Cũng như bài Kệ số 100, bài Kệ nầy dạy ta phải biết nghe và hiểu Chánh-pháp, thế nào để ứng-dụng tu tâm. Chẳng phải học thuộc lòng muôn kinh ngàn kệ mà được giác-ngộ và giải-thoát. Hiểu rõ một câu và chí-thành áp-dụng, mới đem lại ích-lợi thiết-thực cho đường tu. (3) Một thắc-mắc cần được giải nghi: Trong hai Tích chuyện vừa qua, cả hai người, Tam-bá-đa và Bá-hi-gia, vừa nghe và hiểu xong Chánh-pháp, khi ra về lại bị một con bò điên húc chết. Thắc-mắc: họ nghe pháp rồi bị chết như thế thì có lợi-ích chi đâu? Đừng nghĩ lầm như thế! Cả hai người vừa chứng được đạo-quả, hai cái chết đột-ngột đến chỉ là dịp cuối cùng cho họ trả xong được nghiệp-báo đã qua, nếu không họ còn phải kéo dài cuộc sống khổ, trước khi sanh lên Trời, hay được nhập Niết-bàn. HỌC-TẬP: - Đọc kỹ lại lời dạy của Đức Phật về cách điều-phục các căn. (83).- Tích chuyện Ni-cô Khuôn- đà-la.Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Ni-cô Khuôn-đà-la. Thuở ấy ở thành Vương-xá, có một người thiếu-nữ con của một gia-đình thật giàu-có, tên là Khuôn-đà-la. Một hôm, cô Khuôn đi ra ngoài đường, thấy lính giải một tên trộm đi hành-hình. Lòng cô cảm thấy thương-mến người phạm tội đó, nên xin tiền cha-mẹ để chuộc tội cho kẻ trộm, và sau đó, cô lại ưng lấy người ấy làm chồng. Tên kẻ trộm chẳng yêu thương gì người vợ đã cứu mình, chỉ thích tài-sản của cô mà thôi. Ít lâu sau, hắn bảo vợ cùng hắn lên núi, để làm lễ tạ-ơn thần-thánh đã cứu mạng y. Cô Khuôn theo chồng leo lên đỉnh núi. Bấy giờ, tên trộm mới bảo thật là sắp giết cô, để lột lấy hết nữ-trang. Cô Khuôn năn-nỉ chồng, cứ lấy vòng-vàng mà tha cho mạng sống. Nhưng tên gian-ác chẳng thuận. Cô nghĩ, nếu chẳng thanh-toán kẻ bất-lương nầy, thì mạng mình khó sống. Cô liền nói: " Chỉ trong giây lát nữa là vợ chồng ta phải lìa nhau, xin anh cho phép em đi nhiễu quanh anh ba vòng, để tỏ lòng kính-yêu anh, trước khi em chết." Người chồng đồng-ý. Cô Khuôn chẫm-rãi bước quanh chồng, rồi thừa dịp chàng ta sơ-ý, vụt xô chồng xuống núi. Sau đó, cô Khuôn cảm thấy hết muốn trở về nhà nữa, liền cổi hết nữ-trang treo lên cành cây. Cô xuống núi, đi lang-thang, lại gặp một nhóm nữ-du-sĩ khất-thực ngoại-đạo, cô liền xin theo họ làm đệ-tử. Họ dạy cho cô Khuôn cả ngàn câu ngụy-biện, để tranh-luận với các tu-sĩ. Vốn là người thông-minh, cô Khuôn chẳng bao lâu trở thành một nhà biện-thuyết có tài thuyết-phục người; cô liền đi khắp đó đây, vun lên một mô đất, lấy một cành cây cắm vào, rồi ngồi đấy để thách-thức mọi người đến đối-đáp với cô. Chẳng ai thắng được cô cả, cho đến một hôm Tôn-giả Xá-lợi-phất đi khất-thực ngang qua đó. Tôn-giả nhận sự thách-thức, giải-đáp tường-tận các câu hỏi bí-hiểm của cô Khuôn. Đến phiên Tôn-giả hỏi lại có một câu: "Vậy chớ, một là gì? ‘’, cô Khuôn chẳng đáp được, mới xin Tôn-giả chỉ-dạy cho. Tôn-giả bảo, muốn học câu đáp, trước phải xuất-gia làm tỳ-kheo-ni. Cô Khuôn liền xin Tôn-giả nhận mình làm đệ-tử. Chẳng bao lâu, ni-cô Khuôn-đà-la chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán. Bấy giờ, chư Tăng bàn-luận về trường-hợp Ni-cô Khuôn-đà-la đã thắng được người chồng gian-ác và nhờ nghe có một câu trong Chánh-pháp mà đắc được đạo-quả A-la-hán, mới thưa hỏi nguyên-do cùng Đức Phật. Đức Phật liền đáp lại bằng hai bài Kệ như sau: Dầu đọc tụng một trăm bài
kệ Chiến-thắng ngàn ngàn người nơi quân-trận TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Ni-cô = nữ tu-sĩ Phật-giáo; tiếng Pali là Bhikkhuni, phiên-âm là Tỳ-kheo-ni. Bên nam-giới là Tỳ-kheo (Bhikkhu, còn gọi là Bí-sô, Tỳ-khưu). - Khuôn-đà-la: tên vị ni-cô tiếng Pali là Kundalakesi. - Vương-xá: tên địa-danh nầy tiếng Pali là Ràjagaha. - Hành-hình: Hành = thi-hành; Hình = hình-phạt. Đem đi hành-hình ở đây, có nghĩa là đem giết chết. - Thanh-toán: Thanh = làm cho xong việc; Toán = tính-toán. Chữ Thanh-toán ở đây, có nghĩa là làm cho tiêu mất, tức là giết chết. - Bất-lương: Bất = chẳng; Lương = lương-thiện, ngay thẳng. Bất-lương là gian-tà, xấu-ác, làm việc quấy. - Đi nhiễu = bước đi chầm-chậm chung-quanh một người để tỏ lòng kính-ngưỡng. - Du-sĩ khất-thực ngoại-đạo: Du-sĩ = người chẳng chỗ ở nhứt-định; Khất-thực = đi ăn xin; Ngoại-đạo: Ngoại = ngoài. Các du-sĩ nầy tu theo lối khổ-hạnh, đi khất-thực, nhưng chống đối với Phât-giáo, vì thế nên được gọi là ngoại-đạo. Vào Thời Đức Phật, tại Ấn-độ có sáu phái ngoại-đạo. - Đệ-tử: Đệ = em, Tử =con. Đệ-tử là học-trò học Đạo. - Ngụy-biện: Ngụy =giả-dối, chẳng chơn-thật; Biện = biện-luận, bàn-cãi. Ngụy-biện là dùng lời nói khéo đem chuyện dối-trá nói thành như sự thật để gạt-gẫm kẻ khác nhẹ dạ tin theo. - Biện-thuyết: Biện = biện-luận; bàn-cãi; Thuyết = nói. Nhà biện-thuyết nói khéo đưọc nhiều người tin theo, còn gọi là hùng-biện. - Bí-hiểm:Bí =bí-mật; Hiểm = hiểm-hóc. Bí-hiểm là câu nói khó hiểu. - Một là gì?: Nguyên-văn tiếng Pali là Ekam nàma kim?. Ba tiếng nầy chẳng có chữ nào nào khó, nhưng tìm ra được sự-việc gì chỉ có một là điều rất khó. Thiện-Nhựt chẳng thấy trong Kinh giải-thích, nên đoán mò rằng, "Một" đó là Phật-tánh, cái khả-năng có sẵn của mọi người để hiểu-biết và tu-hành thành Phật. Thiện-Nhựt xin người đọc hãy dè-dặt. - Ngàn ngàn = ngàn lần một ngàn, tức là một triệu. - Quân-trận = nơi chiến-trường, chỗ đánh giặc. B.- Nghĩa Ý: (1)Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện thuật lại việc một cô gái cứu một kẻ trộm khỏi chết, lấy y làm chồng rồi sau đó, vì mạng sống của mình lại giết chết y. Như thế, ta tự hỏi, cô có tội sát-sanh không; nếu có, sao lại chẳng bị quả-báo? Tích chuyện chỉ nói, sau khi làm tỳ-kheo-ni, cô chứng được quả A-la-hán. Theo đây mà suy-đoán, cô Khuôn nhờ biết theo Chánh-pháp tu-hành khiến cho ác-báo chẳng đủ cơ-duyên để nảy sanh được. Vậy, ý-nghĩa của Tích chuyện là: hễ ăn-năn việc cũ, tinh-tấn tu-hành, thì tránh được ác-báo. (2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 102 vá 103: Ý-nghĩa của bài Kệ số 102 giống hai bài Kệ trước, số 100 và 101. Ý-nghĩa của bài Kệ số 103 là: thắng nhiều người nơi chiến-trường chưa vẻ-vang bằng mình thắng được mình. Tại sao? Thắng nhiều người nơi chiến-trường chỉ cần nỗ-lực trong một lúc đánh nhau mà thôi; còn muốn mình tự-thắng mình, phải nỗ-lực dài lâu hơn; vả lại kẻ thù nơi mình chính là các tật xấu, rất khó mà tận-diệt cho xong hết, vì mình hay binh mình. HỌC TẬP: - Học kỹ bài Kệ số 103, để ghi nhớ phải thắng tật xấu của mình. (84).- Tích chuyện về Phạm-chí Anh-tha-bút. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến thanh-niên Anh-tha-bút. Thuở ấy có một chàng thanh-niên Bà-la-môn tên là Anh-tha-bút đến yết-kiến Đức Phật và thưa rằng: "Bạch Ngài, có phải là Ngài chỉ biết rõ những hành-động nào đem lại lợi-ích cho ta và Ngài chẳng rõ được các hành-động nào có hại cho ta chăng?" Đức Phật đáp, Ngài hiểu rõ cả các hành-động nào chẳng những chẳng đem lợi-ích cho ta mà còn có hại đến thân nữa. Rồi Đức Phật bảo: "Có sáu hành-động khiến cho tài-sản phải sớm tiêu-tan. Đó là: (1) thức dậy trễ, mặt trời đã lên cao; (2) thuờng lười-biếng; (3) bạo-ác; (4) uống rượu mạnh hay dùng các chất say; (5) đi lang-thang vơ-vẩn ngoài đường vào đêm khuya; (6) tà-dâm. Kế đó, Đức Phật lại hỏi chàng thanh-niên đang làm nghề gì để sanh-sống. Anh ta đáp, sống về nghề cờ-bạc. Đức Phật lại hỏi tiếp: "Có được khá không?". "Thưa có khi thắng, có khi thua." Đức Phật bảo: "Đánh thắng các con bạc sao cho bằng tự-mình khắc-phục được tất cả các lậu-hoặc trong tâm mình." Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Thắng được mình, quả
thật, vẻ-vang, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Bà-la-môn: giai-cấp tu-sĩ. Ở Ấn-độ xưa, có bốn giai-cấp: (1)Bà-la-môn; (2)Sát-đế-lợi (vua quan); (3)Phệ-xá (buôn-bán); (4) Thủ-đà-la (nông-phu, công-nhơn). Còn hàng Chiên-đà-la thì làm nghề hạ-tiện. - Anh-tha-bút: tên người nầy tiếng Pali là Anathapucchaka. - Yết-kiến = đến gặp người đáng tôn-kính. - Bạo-ác: Bạo = tàn-bạo; Ác = xấu, có hại cho kẻ khác. - Tà-dâm: Tà = gian-tà; Dâm = dâm-đãng. Tà-dâm là đã có gia-đình rồi mà còn lấy vợ hay chồng của kẻ khác. - Con bạc = người chơi bài, đánh bạc. - Khắc-phục = chống-cự và thắng được. Ở đây, Khắc-phục nghĩa là tự mình thắng được các tật xấu nơi mình, để trở lại người tốt như xưa. - Lậu-hoặc: Xin nhắc lại, đó là các phiền-não từ bên trong lộ ra hành-động bên ngoài. - Nhạc-thần: chúng-sanh cõi Trời chuyên lo về âm-nhạc, tiếng Pali là Gandhabba, thường được phiên-âm trong kinh là Càn-thát-bà. - Phạm-thiên = cõi Trời thuộc Sắc-giới, về cảnh Sơ-thiền. - Ma-vương = Vua các loài thiên-ma, thường hiện ra khuấy-rối, cám-dỗ người tu-hành. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện rất giản-dị, chàng thanh-niên Bà-la-môn được nghe Phật giảng năm tật xấu có hại cho mình, để tránh. Khi nghe chàng ta nói sống về nghề cờ-bạc, có khi thắng, có khi thua, Đức Phật dạy thêm, người mà thắng được các tật xấu nơi mình, mới là chiến-thắng vẻ-vang. (2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 104 và 105: Hai bài Kệ nhắc lại ý-nghĩa của Tích chuyện: tự thắng mình mới vẻ-vang hơn thắng kẻ khác. Tự-thắng là tự-thắng điều chi? Tự thắng được các phiền-não, lậu-hoặc, khiến cho tâm được bình-an và thanh-tịnh. Tại sao Trời, Nhạc-thần và Ma-vương chẳng thắng nổi người từng biết khắc-phục mình? Trời có thể giáng họa, ban phước, nhưng với người tâm đã thanh-tịnh, vui hay buồn chẳng hề làm tâm xao-xuyến. Nhạc-thần quyến-rũ, Ma-vương cám-dỗ, nhưng với người tâm đã thanh-tịnh thì sự quyến-rũ cùng việc cám-dỗ chẳng thể nào làm cho tâm lay-chuyển được. HỌC TẬP: - Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ: nên tranh-đấu với chính mình chống lại thói hư tật xấu của mình, hơn là ganh-đua với kẻ khác. (85).- Tích chuyện người cậu của Tôn-giả Xá-lợi-phất. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại tịnh-xá Trúc-viên, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến cậu của Tôn-giả Xá-lợi-phất, là người theo phái ngoại-đạo. Cậu của Tôn-giả Xá-lợi-phất là người Bà-la-môn, tin theo phái ngoại-đạo loã-thể Ni-kiền-tử. Một hôm, Tôn-giả hỏi cậu: "Từ trước đến giờ, cậu có làm một việc phước-đức nào không?" Người cậu trả lời là có, hàng tháng thường cúng-dường cho các tu-sĩ phái loã-thể, số tiền nay lên đến cả ngàn, hi-vọng rằng trong kiếp tới sẽ được sanh về cõi Trời Phạm-thiên. Tôn-giả bảo các tu-sĩ ngoại-đạo loã-thể đó đã gieo niềm hi-vọng sai-lầm cho cậu, vì chính họ cũng chẳng biết rõ con đường lên đến cõi Phạm-thiên. Tôn-giả mời cậu đi đến gặp Đức Phật, để nghe giảng-dạy về Chánh-pháp, nhờ đó mà sẽ được sanh lên cõi Phạm-thiên. Đức Phật bảo người cậu của Tôn-giả Xá-lợi-phất: "Nầy Bà-la-môn, cúng-dường một tô cơm cho tỳ-kheo đi khất-thực còn đem lại nhiều phước-đức hơn là dâng cả ngàn tiền cho bọn loã-thể." Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà cậu của Tôn-giả Xá-lợi-phất chứng được quả-vị Tu-đà-huờn: Dầu thường cúng-tế ngàn vàng, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Tịnh-xá Trúc-viên: Vua Tàn-bà-sa-la (Bimbisara), nước Ma-kiệt-đà (Magadha) xây cất tịnh-xá trong vườn Trúc, để cúng-dường Đức Phật. Tên tịnh-xá bằng tiếng Pali là Veluvana. - Vương-xá: thủ-đô nước Ma-kiệt-đà; tiêqng Pali là Ràjagaha. - Ngoại-đạo: Ngoại = ngoài; Ngoại-đạo là muốn nói đến những giáo-phái khác hơn Đạo Phật. Vào thời Đức Phật có sáu môn-phái tu-sĩ chống-đối với Đức Phật, gọi là lục sư ngoại-đạo (lục = sáu; sư = thầy.) - Loã-thể: Loã = loã-lồ, trần-truồng; Thể = thân-thể. Loã-thể là chẳng mặc quần-áo, chí đóng khố che phiá dưới. - Ni-kiền-tử: phiên-âm tiếng Pali là Nigantha, nhóm tu-sĩ loã-thể tu khổ-hạnh. Nhóm nầy vẫn còn tồn-tại ở Ấn-độ ngày nay. - Phạm-thiên: cõi Trời Sắc-giới, thuôc cảnh Sơ-thiền. - Tu-đà-huờn: quả-vị thứ nhứt (còn gọi là sơ-quả) trong hàng Thanh-văn ( =các đệ-tử sống gần bên Phật, nghe giảng kinh mà tu-tập). Tiếng Pali là Sotàpatti, có nghĩa là được gia-nhập vào dòng nước Thánh, nên được dịch là Nhập-Lưu (nhập = vào; lưu = dòng nước), còn gọi là Thất Lai (thất = bảy; lai = đến, trở lại), nghĩa là chỉ còn phải tái-sanh bảy lần nữa trong cõi Luân-hồi, rồi sẽ chứng được quả Thánh. - Thánh-nhơn: Thánh = bực Thánh, trái với phàm-phu; Nhơn = người. Ba quả-vị đầu-tiên: Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm và A-na-hàm, vì còn phải tái-sanh nên gọi là bực Hiền; đến quả-vị thứ tư, cao nhứt, là A-la-hán, chứng được vô-sanh ( = hết bị tái-sanh nữa), nên được gọi là bực Thánh. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện thuật lại việc người cậu của Tôn-giả Xá-lợi-phất lầm tưởng hễ cúng-dường cho phái loã-thể là được tái-sanh lên cõi Trời Phạm-thiên. Được nghe Đức Phật giảng Chánh-pháp, khuyên nên bố-thí cho các tỳ-kheo là những người tu-hành chơn-chánh sẽ được phước nhiều hơn,người cậu chứng được quả-vị Tu-đà-huờn, gia-nhập vào dòng Thánh. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 106: Bài Kệ khuyên ta nên cúng-dường các bực tu-hành chơn-chánh, đừng nhẹ dạ tin theo lời của bọn ngoại-đạo. HỌC TẬP: - Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ để biết cúng-dường đúng cách, đúng chỗ. (86).- Tích chuyện người cháu của Tôn-giả Xá-lợi-phất. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Tịnh-xá Trúc-lâm, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến người cháu của Tôn-giả Xá-lợi-phất, theo đạo thờ lửa. Một hôm, Tôn-giả Xá-lợi-phất hỏi người cháu vốn thuộc giai-cấp Bà-la-môn, rằng: "Từ trước đến giờ, cháu có làm được một việc phước-đức nào không?" Người cháu đáp, mỗi tháng anh ta đều giết một con dê để cúng-tế thần lửa, với niềm tin là mình sẽ được tái-sanh lên cõi Trời Phạm-thiên. Tôn-giả liền giải-thích cho cháu nghe, các vị thầy thờ thần-lửa của cháu đã gạt cháu, vì chính họ cũng chẳng biết đường-lối nào để lên đến cõi Phạm-thiên. Được dẫn đến yết-kiến Đức Phật, người cháu của Tôn-giả Xá-lợi-phất được nghe Đức Phật giảng về Chánh-pháp, chỉ rõ đường-lối tu-hành để được sanh lên Trời. Đức Phật bảo: ‘Nầy thanh-niên Bà-la-môn, tỏ lòng kính-mộ một vị tỳ-kheo tu-hành chơn-chánh còn đem cho ta nhiều phước-đức hơn là giết dê để tế thần lửa cả trăm năm." Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà chàng thanh-niên kia chứng được quả-vị Tu-đà-huờn: Dầu thường đốt lửa rừng
hoang, TÌM HIỂU và HỌC-TẬP: Trong bài nầy, Tích chuyện và Kệ cũng giống với bài trước, xin xem các chữ khó và ý-nghĩa ở bài trước. Xin nói thêm về việc thờ thần-lửa, ở Ấn-độ, phái ngoại-đạo nầy đốt lửa cháy suốt ngày đêm để thờ. (87).- Tích chuyện người bạn của Tôn-giả Xá-lợi-phất. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Tịnh-xá Trúc-viên, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến một người bạn của Tôn-giả Xá-lợi-phất, là người hay cúng-tế và bố-thí. Một hôm, Tôn-giả Xá-lợi-phất gặp một người bạn, vốn thuộc giai-cấp Bà-la-môn, mới hỏi rằng: "Nầy bạn, từ trước tới nay, bạn có làm được một việc phước-đức nào không?" Người bạn đáp có, thường giết thú-vật để cúng-tế và mở hội bố-thí rộng-rãi, với hi-vọng được sanh lên cõi Trời, theo như lời dạy của các vị thầy của mình. Tôn-giả Xá-lợi-phất bảo, đó là các thầy của anh đã cho anh một ảo-vọng sanh Thiên, chớ chính họ cũng còn chưa biết đúng được theo con đường nào mà lên đến cõi Trời. Tôn-giả liền mời bạn đến yết-kiến Đức Phật để nghe giảng Chánh-pháp, Ngài sẽ chỉ cho đường-lối tu-hành để được sanh lên cõi Trời. Đức Phật bảo người bạn của Tôn-giả Xá-lợi-phất: "Nầy ông Bà-la-môn, kính-lễ bực Thánh, dầu chỉ trong giây lát cũng đem lại công-đức nhiều hơn là suốt năm giết thú-vật để tế-thần mà cầu phước." Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà người bạn của Tôn-giả Xá-lợi-phất chứng được quả-vị Tu-đà-huờn: Trên thế-gian, bất luận tế-vật nào TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Bố-thí: xin nhắc lại: Bố =rộng-rãi, cùng khắp; Thí = cho. Bố-thí là hiến-tặng tiền-của, công-sức, lời an-ủi đến cho người khác đang thiếu. -Ảo-vọng: Ảo = giả, chẳng có thật; Vọng =hi-vọng, mong-mỏi. Ảo-vọng là sự hi-vọng hão-huyền, chẳng thể thực-hiện được. - Sanh Thiên = sanh lên cõi Trời, được hưởng phước sung-sướng. - Bực Thánh = bực tu-hành đã chứng quả-vị A-la-hán, chẳng còn phải tái-sanh nữa. Trái với phàm-phu, chưa tu. Tiếng Pali là Ariya. B.- Nghĩa Ý: Về Tích chuyện và bài Kệ, ở đây, cũng giống ý-nghĩa ở hai bài trước, xin xem lại. Nhơn đây, xin có vài ý-kiến về sự CÚNG-TẾ và BỐ-THÍ: 1.- Cúng-tế là tỏ lòng kính-mến đến các bực vô-hình. Thành-tâm tưởng-niệm trong khi cúng mới quí, quí hơn các lễ-vật dưng-cúng. 2.- Cúng-tế để cầu phước, xét cho kỹ, nào có khác gì "lo-lót"các thần-linh. Giết thú-vật cúng-tế cho các tà-thần gây thêm tội-ác (sát sanh), phước đâu chẳng thấy, trước mắt chỉ thấy sự đau-đớn thú-vật bị hy-sanh. 3.- Trong các lễ giỗ, đám cưới, đám ma, chẳng nên quay heo, giết gà-vịt để cúng. Theo các sách luận, người được cúng chẳng những chẳng có được lợi-ích gì, lại còn phải chịu chia-xẻ tội sát-sanh. Nếu cần có thức ăn mặn để đãi khách trong bữa tiệc, sao lại chẳng đi mua? Dùng thịt mà mình chẳng thấy, chẳng nghe, chẳng biết người ta vì mình mà giết thú-vật, thịt đó gọi là tịnh-nhục, được phép ăn, theo gìới-luật Nguyên-thủy. 4.- Bố-thí là hạnh thứ nhứt của Bồ-tát-đạo: hạnh nầy giúp người thí-giả diệt được lòng bỏn-xẻn (rít-róng), giúp người thọ-thí qua được cơn túng-thiếu, khổ-sở. Nếu được thi-hành một cách rốt-ráo, sự bố-thí trở nên bố-thí Ba-la-mật, nghĩa là hạnh-tu khiến ta đến được bờ bên kia là bờ giác-ngộ và giải-thoát. 5.- Khi bố-thí, cần tránh sự khoe-khoang, chẳng vì cầu danh khen mà bố-thí. Gởi tiền, đồ-vật để tặng các hội từ-thiện là hành-vi bố-thí tốt. 6.- Tuy chẳng nên phân-biệt người nhận khi mình cho, nhưng cần tránh trường-hợp dung-dưỡng sự lười-biếng của những hạng người lấy việc ăn-xin, khêu gợi lòng trắc-ẩn của kẻ khác, mà làm nghề sanh-sống. 7.- Đến chùa làm công-quả cũng là một hình-thức cúng-dường, bố-thí. Nhưng đến giờ giảng kinh, phải chịu khó lên nghe, chớ ở miết sau nhà bếp, ngại nghe chẳng hiểu. Nếu chẳng hiểu, sao lại chẳng hỏi Thầy? HỌC TẬP: - Xin đọc lại Mục B: vài ý-nghĩ về Cúng-tế và Bố-thí, và bàn-luận thêm với bạn-đạo: các thái-độ sai-lầm bấy lâu nay về Cúng-tế và Bố-thí. (88).- Tích chuyện về cậu bé Trường-Thọ. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại một tu-viện ở làng Đích-hạ-lan, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến cậu-bé tên là Trường-Thọ. Thuở ấy có hai người ẩn-sĩ tu-hành khổ-hạnh trong bốn mươi tám năm. Sau đó, một người quay về đời sống xã-hội, lập gia-đình và sanh được một đứa con trai. Một hôm, hai vợ chồng bồng con đến thăm người bạn đạo cũ. Vị nầy ngõ lời chào: "Chúc anh chị được sống lâu!", nhưng vị ấy nhìn đứa bé mà chẳng nói lời chúc-tụng nào cả. Hai vợ chồng ngạc-nhiên, hỏi. Đáp, cháu nó vô-phước quá, chỉ còn sống thêm được bảy ngày nữa mà thôi. Người chồng liền xin bạn cứu mạng cho con. Đáp, ta chẳng đủ pháp-lực làm việc đó. Gần nơi đây, có Đức Phật Cồ-đàm đang ở trong tu-viện kia, mới đủ sức cứu nó được. Cha mẹ đứa bé liền bồng con đến yết-kiến Đức Phật và xin Ngài cứu-mạng cho nó. Đức Phật dạy, về nhà cất một ngôi miễu nhỏ bên cạnh cửa ngõ, đặt con nằm trên chõng, và mời các thầy tỳ-kheo đến tụng kinh Tiêu-tai cho nó. Cha mẹ đem con về, làm y theo lời dặn. Đến ngày thứ bảy, Đức Phật cùng chư Tăng đến bên ngôi miễu, thăm đứa bé. Bấy giờ, tên ác-quỉ định bắt đứa bé, thấy Đức Phật, chư Tăng cùng chư Thiên đứng bao quanh, chẳng dám bén mảng tới, đứng đằng xa chờ đợi. Cả đêm ấy, chư Tăng tiếp-tục tụng kinh đến sáng. Sáng hôm sau, cha mẹ đứa bé bồng con đến tu-viện tạ-ơn Đức Phật. Ngài chúc lành cho nó: "Nguyện con được trường-thọ!" Người cha thưa hỏi Đức Phật, con mình sẽ sống được bao lâu. Đức Phật đáp, nó sẽ sống đến một trăm hai mươi tuổi. Cha mẹ nó mừng lắm, và từ đó gọi tên nó là Trường-Thọ. Khi cậu bé lớn lên, chăm lo tu-hành, hướng-dẫn một số bạn-bè đến chùa Kỳ-viên đảnh-lễ Đức Phật. Bấy giờ, có vài vị tỳ-kheo năm xưa biết mặt cậu, nhận ra, mới đến thưa cùng Đức Phật: "Bạch Thế-tôn, làm người sống ở đời, có cách nào để được sống trường-thọ không?" Đức Phật đáp: ‘Biết kính-lễ bực trưởng-thượng và bực cao-đức, con người chẳng những được sống dài lâu, mà còn được hưởng giàu-sang, sắc-đẹp và hạnh-phước.’ Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Kính-nễ, tôn-vinh bực trưởng-thượng, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Trường-Thọ: Trường =dài lâu; Thọ = tuổi. Trường-thọ là sống dai. Tên cậu bằng tiếng Pali là àyuvaddhanakumàra. - Đích-hạ-lan: tên làng nầy tiếng Pali là Dighalanghika. - Ẩn-sĩ: Ẩn =dấu mình kín-đáo, sống xa người; Sĩ = người, tu-sĩ. - Cồ-đàm = họ của Đức Phật Thích-ca, tiếng Pali là Gautama. - Pháp-lực: Pháp = phép-lực, tài-sức; Lực = sức. Pháp-lực là sức mạnh tinh-thần của người tu-hành cao. - Miễu = cái am, cốc nhỏ để thờ-cúng. - Tiêu-tai: Tiêu = tiêu mất đi; Tai = tai-nạn. Chữ Tiêu-tai nầy, có nghĩa là cầu an, được tạm dùng để dịch nghĩa chữ Pali là Paritta. - Trưởng-thượng: Trưởng = lớn;Thượng =trên. Người lớn tuổi. - Tôn-vinh: Tôn = tôn-kính; Vinh = vinh-dự, khen ngợi. - Tăng-trưởng: Tăng = thêm lên; Trưởng = lớn. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện kể lại việc Đức Phật cứu mạng sống cho một đứa bé. Ý-nghĩa của Tích chuyện nằm trong lời Đức Phật dạy, phải biết tôn-kính bực trưởng-thượng và bực tu-hành có đức-hạnh. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 109: Bài Kệ kể ra bốn lợi-ích của sự tôn-kính bực trưởng-thượng: (1) có sức-khoẻ, (2) có sắc đẹp, (3) hạnh-phước, (4) sống lâu. Nhưng ta chẳng đợi được bốn điều ấy mới kính người già-cả, ta kính chỉ vì các cụ lớn tuổi. HỌC TẬP: - Dạy trẻ học thuộc bài Kệ, để tập chúng biết chào kính các cụ già. (89).- Tích chuyện Sa-di Sầm-khí-ca. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến vị Sa-di Sầm-khí-ca. Thuở ấy, có ba mươi vị tỳ-kheo được Đức Phật dạy cho mỗi người một đề-tài thiền-quán, đi đến một làng nọ cách chùa Kỳ-viên hơn trăm do-tuần, để tu-tập. Lại có một đảng cướp hung-ác đang lập sào-huyệt trong khu rừng già gần ngôi làng. Sáng hôm ấy, chúng đánh vào làng, cướp của và đòi bắt theo một người đem vào rừng giết lấy máu để tế-thần. Thấy dân làng sợ-hãi, chư Tăng mới đứng ra nhận việc hy-sanh để bọn cướp bắt đi. Từ vị lớn tuổi nhứt đến các vị còn trẻ, ai cũng tình-nguyện chịu bị cướp bắt. Bấy giờ, trong số có một cậu Sa-di bảy tuổi, đệ-tử của Tôn-giả Xá-lợi-phất, đứng lên thưa rằng: "Bạch các Tôn-giả, khi ra đi, thầy của đệ-tử đã đoán biết việc nầy, nên cho con tháp-tùng cùng quí vị và dặn con thay quí-vị mà đi vào rừng với các vị "anh-hùng" nầy." Các tỳ-kheo nghe thế, ngậm-ngùi mà tiễn-đưa cậu Sa-di đi vào cõi chết. Đến bìa rừng, bọn cướp dẫn Sa-di Sầm-khí-ca đến một mô đất, bắt ngồi xuống, chờ tên đầu-đảng ra tay. Sầm ngồi theo thế kiết-già, tâm-trí đang vào cơn đại-định. Chúa đảng vung gươm ra chém. Lạ thay lưỡi gươm chẳng chạm được vào đầu vị Sa-di trẻ mà lại bật ngược ra ngoài. Tướng cướp ngạc-nhiên, vuốt lại lưỡi gươm, vung mạnh lên chém xuống. Lần nầy, lưỡi gươm cong oằn lại cuốn ngược vào đến cán. Tướng cướp hoảng-hốt, biết đang gặp phải một bực tu-hành đã đắc đạo-quả Thánh. Y liền qùi xuống, xin sám-hối; trong khi đó, cả đảng cướp cũng răm-rắp làm theo. Vừa xuất cơn đại-định, vị A-la-hán Sầm-khí-ca chấp-nhận lời sám-hối. Cả bọn liền xin cải tà qui chánh, và được dẫn trở về làng. Khi thấy Sầm đi đầu, theo sau các tướng cướp, các vị tỳ-kheo trong làng mừng mừng tủi-tủi. Rồi tất cả cùng lên đường về chùa Kỳ-viên. Đức Phật bảo các vị tỳ-kheo vừa gia-nhập Tăng-đoàn: "Nầy chư tỳ-kheo, nếu các ông tiếp-tục cướp của, giết người, đời sống của các ông thật là vô-ích, dầu có kéo dài đến trăm năm. Thà chỉ sống một ngày đức-hạnh, còn hơn sống trăm năm trong tội-lỗi" Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây: Nếu phải sống trăm năm
trong phóng-dật, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Sa-di: người tập-sự tu-hành, chưa thọ-giới tỳ-kheo (Sàmanera.) - Sầm-khí-ca: tên vị Sa-di nầy, tiếng Pali là Samkicca. - Đề-tài thiền-quán: xin nhắc lại, đó là một đầu-đề để suy-nghĩ sâu-xa trong khi ngồi Thiền nhập đînh. - Do-tuần: xin nhắc lại, đó là đơn-vị đo đường dài, khoảng một dặm (hơn một cây-số, km), tiếng Pali là yojana. -Sào-huyệt: Sào = ổ chim, chỗ ở; huyệt = hang, hầm-hố. Sào-huyệt có nghĩa là nơi xa-vắng, ẩn-kín bọn cướp dùng làm chỗ trú-đóng. - Tháp-tùng = đi theo. - Kiết-già = thế ngồi của người tu Thiền, hai bàn chơn tréo lên đùi. - Đại-định: Đại =lớn; Định = yên, chẳng xao-động. Đại-định là tâm-trạng vắng-lặng, an-ổn của người ngồi thiền, chẳng bị cảnh bên ngoài lôi-cuốn, chẳng bị ý bên trong trì-níu. - Quả Thánh = quả-vị của bực Thánh-nhơn; ở đây, muốn nói đến bực đã tu đắc quả A-la-hán. Bực Thánh, trong Phật-học, là bực đã diệt được các phiền-não, chẳng còn phải tái-sanh trong Luân-hồi. - Sám-hối: Sám = tiếng Phạn là samma, nghĩa là ăn-năn; Hối = tiếng Hán, nghĩa tiếc-rẻ. Sám-hối là xin thú tội, gồm có hai việc: (1)nhận rõ tội-lỗi của mình đã làm; (2)hứa từ rày sẽ chừa, chẳng tái-phạm nữa. - Cải tà qui chánh: Cải =sửa lại; Tà = sái-quấy; Qui = quay trở về; Chánh =ngay thẳng. Cải tà qui chánh là ăn-năn bỏ việc lỗi-lầm cũ mà quay về theo con đường chơn-chánh. - Phóng-dật = buông trôi theo tội-lỗi, chẳng biết tự kềm-chế. Đồng nghĩa với: buông trôi, lười biếng, buông-lung, phóng-đãng. - Thiền-định: đường-lối tu-hành thanh-lọc tâm-ý, giữ tâm yên-ổn. Thiền, chữ Pali là Jhàna, phiên-âm là thiền-na. Có bốn cảnh Thiền, từ Sơ-thiền đến tứ-thiền, và bốn định. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện thuật lại sự hy-sinh của một cậu bé ngồi chịu chết đã cảm-hoá được bọn cướp phải cải tà qui chánh. Việc đã xảy ra vào thời xa xưa, ngày nay những người có tinh-thần khoa-học khó tin theo; nhưng đứng về lý mà xét, chẳng phải là hoang-đường: trước cảnh một đứa bé ngây-thơ, ngồi im-lìm chịu chết, tên cướp kia đã quá cảm-động, run tay nên chẳng thể vung gươm chém đúng được, là việc rất có thể xảy ra. Huống chi, còn có sức mạnh tâm-linh và luồng tư-tưởng từ-bi phát ra từ người nhập-định, đã ảnh-hưởng mạnh-mẽ đến tinh-thần của các tướng cướp. Nhưng ý-nghĩa của Tích chuyện, chẳng phải là để kể lại chuyện nhiệm-mầu, mà muốn nói đến sự xúc-động của kẻ gian-ác đã biết rời bỏ con đường tội-lỗi mà theo con đường chánh-đạo. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 110: Bài Kệ ngắn nầy so-sánh sự hơn kém giữa hai lối sống: buông trôi theo năm tháng trong tội-lỗi và biết tinh-tấn tu-hành dù chỉ trong một ngày. Sự hơn-kém rất là rõ-rệt: người phóng-dật năm nầy tháng nọ làm nô-lệ cho các tật xấu, sống cuộc đời vô-ý-nghĩa; còn người tinh-tấn tu-hành, tự chiến-thắng mình dầu trong giây lát, khiến cho cuộc sống mới có ý-nghĩa. Ý-nghĩa quan-trọng của bài Kệ là phải tìm thấy được nghĩa-lý của cuộc sống::sống chẳng phải là buông trôi theo ngày tháng, mà sống để tìm đường giác-ngộ và giải-thoát. HỌC TẬP: 1.- Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ mỗi khi viện cớ nầy hay cớ nọ mà xao lãng việc đi chùa, tụng kinh hay ngồi Thiền. 2.- Nếu biết thích mỗi buổi sáng ngồi nhâm-nhi ly cà-phê, đọc báo để xem tin-tức khắp hoàn-cầu, tại sao lại chẳng biết thích dành vài phút ngồi yên-lặng, tĩnh-tâm, để mình sống với lòng mình? (90).- Tích chuyện Tôn-giả Khuôn- đà-na.Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Tôn-giả Khuôn-đà-na. Thuở ấy có tỳ-kheo Khuôn-đà-na, sau khi được Đức Phật chỉ-dạy cho một đề-tài thiền-quán, mới đi vào khu rừng già, tu-tập thiền-định và chẳng bao lâu chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán. Bấy giờ, Tôn-giả Khuôn-đà-na quay về chùa Kỳ-viên để đảnh-lễ Đức Phật. Trên đường về, trời tối, Tôn-giả mỏi-mệt, mới ngồi nghỉ trên một tảng đá, và tâm-trí liền đi vào thiền-định. Vào lúc ấy có một đảng cướp vừa đánh phá một làng bên cạnh, vào khu rừng tạm nghỉ. Chúng đem các bao đựng đồ-vật cướp được, máng lên đầu, lên vai của vị tỳ-kheo, tưởng đó là một gốc cây khô-trụi. Sáng ra, nhìn thấy Tôn-giả còn đang trong cơn đại-định, chúng lại tưởng đó một hung-thần hiện lên đến bắt chúng. Chúng sợ-hãi, bỏ chạy. Vừa xuất cơn đại-định, Tôn-giả Khuôn-đà-na gọi họ lại, bảo cho biết mình là người tu-hành, chẳng làm hại ai cả. Tôn-giả lại giảng cho họ nghe về Chánh-pháp mình đang tu-tập. Bọn cướp cảm-phục, liền bỏ nghề hung-ác, xin được theo Tôn-giả đi tu. Bấy giờ, cả đoàn lên đường, hướng về chùa Kỳ-viên tiến bước. Nơi chùa Kỳ-viên, sau khi được nghe Tôn-giả Khuôn-đà-na thưa trình lại sự-việc vừa qua trong rừng, Đức Phật khen ngợi các vị tỳ-kheo mới, biết cải-tà qui-chánh. Ngài nói: "Nầy các tỳ-kheo, sống trăm năm trong sự mê-mờ và hành-động điên-cuồng, bạo-ác như trước kia, là sống vô-dụng. Nay các vị đã thấy được Chơn-lý, biết được Chánh-pháp, trở nên người hiền-trí, sống một ngày như thế mới là đáng sống." Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Sống trăm năm si-mê,
không tự-chế, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Tôn-giả: Tôn =tôn-trọng; Giả = người. Tôn-giả là người đáng kính - Khuôn-đà-na: tên thật của Tôn-giả tiếng Pali là Kondanna. - Đề-tài Thiền-quán: xin nhắc lại, đó là một đầu-đề để suy-nghĩ thật sâu-xa trong khi ngồi Thiền. - Đại-định: xin nhắc lại, đó là tâm-trạng của người ngồi Thiền chẳng còn bị cảnh-vật bên ngoài lôi-cuốn, bên trong tập-trung tư-tưởng vào đề-tài Thiền-quán. - Xuất cơn đại-định: Xuất = ra khỏi. Xuất-định = chấm dứt việc ngồi Thiền. - Cải-tà qui-chánh: xin nhắc lại, đó là bỏ điều dữ theo việc lành. - Mê-mờ: ngu-tối, si-mê. - Hiền-trí: Hiền = hiền-từ; Trí = trí-huệ. - Tự-chế: Tự = chính mình; Chế = chế-phục. Tự-chế là tự mình kềm-chế lấy mình, nghĩa là biết bỏ thói xấu của mình mà tập tánh tốt. - Hành Thiền: Hành =làm, tu-hành. Hành-Thiền là tu-tập Thiền-định. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Cũng giống như bài trước về Sa-di Sầm-khí-ca. Xin xem lại. (2) Ý-nghĩa bài Kệ số 111: Bài Kệ nầy ý-nghĩa cũng giống bài Kệ số 110, tuy có thay đổi vài chữ; thay vì dùng chữ phóng-dật, ở đây nói đến si-mê và không tự-chế. Chẳng biết tự mình kềm-chế mình, đó là phóng-dật. Tại sao phóng-dật, chẳng tự-chế lại là si-mê? Vì chẳng biết suy-xét, cứ bị các tật xấu cám-dỗ mà chẳng biết khuất-phục chúng, để theo con đường giác-ngộ và giải-thoát. Tại sao hành Thiền đem đến Trí-huệ cho ta? Thật ra, hành Thiền chẳng đem đến Trí-huệ. Trong khi hành Thiền, biết nghĩ-suy thâm-sâu, thì Trí-huệ đã có sẵn nơi ta mới khỏi bị mê-mờ, và được phát-triển thêm lên. HỌC TẬP: - Học thuộc lòng hai bài Kệ số 110 và 112, để cố gắng học-tập ngồi Thiền, cho tâm được an-tịnh và Trí-huệ phát-triển. (91).- Tích chuyện Trưởng-lão Xà-nô. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến Trưởng-lão Xà-nô. Thuở ấy, có một vị tỳ-kheo nỗ-lực tu-tập ngày đêm chẳng ngừng nghỉ, cảm thấy chán-nản với cuộc sống trong tu-viện. Vị ấy lại chẳng muốn trở về đời sống thế-tục, vì ngại thẹn với bạn-bè cũ. Vì thế, vị ấy nghĩ chỉ có cách tốt nhứt là quyên-sinh. Vị ấy thò ngón tay vào một cái hủ có nhốt một con rắn độc. Nhưng rắn chẳng cắn, vì ở tiền-kiếp, rắn đã làm nô-lệ cho vị ấy. Bấy giờ, trong số chư Tăng có người biết chuyện đó, mới kể lại cho mọi người hay. Và kể từ ấy, mọi người gọi vị tỳ-kheo đó là Xà-nô, người chủ của con rắn nô-lệ. Ít lâu sau, tỳ-kheo Xà-nô lại muốn tự-tử nữa. Ông tìm đến một chỗ vắng người, lấy con dao cạo thật bén, định cắt yết-hầu của mình. Nhưng khi lưỡi dao chạm vào cổ, vị tỳ-kheo nhớ lại cuộc đời đức-hạnh của mình, suy-nghĩ sâu-xa về con đường tu-hành đã đi qua, bỗng nhiên trong tâm khởi lên một niềm phỉ-lạc, khiến toàn thân cảm thấy tràn ngập một niềm vui-sướng vô-biên. Sau cơn phỉ-lạc, tâm-trí liền nhập vào đại-định và chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán. Khi quay trở lại chùa, chư Tăng thấy tay tỳ-kheo Xà-nô còn cầm con dao cạo, mới hỏi đi đâu về. Tỳ-kheo Xà-nô đáp: "Tôi vừa có ý-định dùng dao để cắt đứt cuống họng tôi, nhưng với lưỡi dao Trí-Huệ, tôi đã cắt đứt được tất cả mọi phiền-não, lậu-hoặc trong tâm tôi." Chư Tăng còn chưa tin lời nói đó, mới đến thưa trình cùng Đức Phật, rằng: "Bạch Thế-tôn, tỳ-kheo Xà-nô bảo mình chứng được quả-vị A-la-hán ngay trong lúc đưa con dao lên sắp cắt cổ mình, như thế có đúng với Sự-thật chăng?" Đức Phật đáp: ‘Nầy chư Tăng, với một người đã nỗ-lực ngày đêm, tinh-tấn tu Thiền-định, quả-vị A-la-hán có thể chứng-đắc được ngay trong phút-giây. Cả khi đang đi kinh-hành, giở một chơn lên để bước tới, chơn chưa đụng đất, đã chứng ngay được đạo-quả A-la-hán." Rồi Đức Phật mới thốt lên bài kệ sau đây: Sống trăm năm buông-lung và
thụ-động, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Xà-nô: Xà = con rắn; Nô =nô-lệ, tôi-tớ ở đời với chủ, sanh-mạng và tự-do thuộc về chủ. Chữ Xà-nô ở đây, dùng để dịch nghĩa tên của vị tỳ-kheo bằng tiếng Pali là Sappadàsa: Sappa là con rắn; Dàsa là nô-lệ. - Đời sống thế-tục = đời sống của người thường, chưa tu, có gia-đình, bận-bịu việc làm ăn. - Quyên-sinh: tự-tử. Quyên = bỏ đi; Sinh = sanh-mạng, mạng sống. - Yết-hầu = nơi cổ họng. - Niềm phỉ-lạc: Phỉ = vui vì đã thoả-mãn, được vừa lòng; Phỉ, tiếng Pali là Pìti. Lạc cũng là vui, thú vui tinh-thần, dứt được mọi khổ-não; Lạc, tiếng Pali là Sukha, trái ngược với Khổ là Dukkha. Tâm-trạng phỉ, lạc thường chứng được khi tu đến cấp sơ-thiền và nhị-thiền. - Đại-định: xin nhắc lại, đây là tâm-trạng của thiền-giả đã hoàn-toàn vắng-lặng, cảnh bên ngoài chẳng lôi-cuốn được, ý-tưởng bên trong chẳng trì-níu nổi, lòng đắm trong cõi tịch-diệt, yên-vắng. - Đạo-quả A-la-hán: Xin nhắc lại: Đạo là con đường, đường-lối tu-hành đưa đến quả-vị, tiếng Pali là Magga; Quả là kết-quả của việc tu-hành đã thành-công; tiếng Pali là Phala. Chứng Đạo-Quả là đã biết rõ và đã thi-hành theo đúng con đường đưa đến sự tu-hành thành-công. A-la-hán là bực Thánh, đã dứt hết các phiền-não trong tâm, chẳng còn phải tái-sanh nữa; tiếng Pali là Arahant. Quả-vị A-la-hán là quả-vị thứ tư cao nhứt trong hàng các đệ-tử sống gần bên Phật, nghe Phật giảng kinh mà tu-tập, các đệ-tử nầy được gọi là hàng Thanh-văn (Thanh =tiếng nói; Văn = nghe), tiếng Phạn là Sravaka. - Lưỡi dao Trí-huệ: đây là lời nói thí-dụ, ví Trí-Huệ có sức bén như con dao, dùng để cắt bỏ, diệt-trừ được tất cả các phiền-não, si-mê. - Lậu-hoặc: Xin nhắc lại: Lậu = rỉ chảy ra; Hoặc = sự sai-lầm. Lậu-hoặc là các phiền-não, như tham, sân, si, bộc-lộ ra với hành-động xấu-ác. - Kinh-hành: Kinh = kinh, kệ; Hành = đi. Sau khi ngồi thiền, để chơn cẳng thoải-mái hơn, ta đi kinh-hành, bước chầm-chậm, lòng vắng-lặng, vừa niệm thầm, hay niệm ra tiếng, lời kinh hay danh-hiệu Phật. - Buông-lung = thả trôi, chẳng kềm-chế; nói cách khác là lười-biếng - Thụ-động: Thụ =nhận-chịu; Động = hành-động. Người thụ-động là người lười, chẳng ham hoạt-động, như kẻ "chết chưa chôn". - Tinh-tấn = nỗ-lực, cố gắng mãi lên cho có sự tấn-bộ. - Hành Thiền = tĩnh-tâm và tu-tập Thiền. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Trước khi nói đến Ý-nghĩa của Tích chuyện, xin được bàn qua vài chi-tiết có vẻ khó-tin được trong Tích chuyện: 1) Thò tay vào cho rắn độc cắn mà chẳng bị rắn cắn: chuyện khó tin thật, nhưng ý của người kết-tập Kinh nầy chẳng phải muốn ta tin việc đó, mà phải nên suy-nghĩ thêm rằng, bên trong tâm ta có ba món độc lớn là tham, sân, si, cũng như con rắn độc, luôn luôn sai-khiến ta làm những hành-động xấu-ác. 2) Đưa lưỡi dao cạo lên cắt cổ mà chẳng chết: chuyện khó tin thật, nhưng ý của người kết-tập Kinh nầy chẳng phải muốn ta tin vào việc ấy, mà phải nên suy-nghĩ thêm rằng, Trí-huệ có sẵn trong tâm ta, nếu được tu-tập thiền-định, sẽ trở nên bén nhạy, giúp ta cắt đứt bỏ được các phiền-não, các món độc lớn, vậy Trí-huệ còn bén hơn lưỡi dao cạo nữa. 3) Điểm khá quan-trọng cần bàn-luận thêm cho rõ là: ý-định tự-tử của vị tỳ-kheo. Tại sao vị ấy lại muốn tự-tử? Vì vị ấy chán hết muốn sống cuộc đời đau-khổ. Khi quán-niệm thân bất-tịnh, nhận thấy thân-thể nầy chứa đầy chất dơ-bẩn, sanh ra chán-ghét, hết muốn sống: đây là tu thiền-quán Tứ-niệm-xứ chẳng đúng cách. Phật dạy quán thân bất-tịnh chỉ là để cho ta đừng quá tríu-mến thân, phải nghĩ đến việc giải-thoát thân-tâm khỏi cảnh tái-sanh đau-khổ, chớ chẳng phải là để bỏ trốn khỏi thân nầy. Ta phải nhớ lời Phật đã dạy: Được sanh ra làm người rất khó, rất quí; phải dùng thân-tâm nầy tu-học cho đến khi được giác-ngộ và giải-thoát hoàn-toàn. Sau khi đã vẹt bỏ các sự hiểu-lầm có thể có, về Tích chuyện, ta hãy tìm hiểu về Ý-nghĩa của Tích chuyện nầy: Vì quá nỗ-lực ngày đêm chẳng ngừng-nghỉ, một vị tỳ-kheo sanh ra chán sống, muốn tự-tử. Nhưng khi nghĩ sâu-xa lại khoảng đời đức-hạnh vừa qua của mình, cùng con đường tu-hành chơn-chánh đã theo, vị ấy cảm thấy một niềm phỉ-lạc, rồi nhập định, chứng được quả-vị A-la-hán. Ý-nghĩa của Tích chuyện nằm gọn trong lời Phật dạy chư Tăng: "Nầy chư Tăng, với một người đã nỗ-lực ngày đêm, tinh-tấn tu Thiền-định, quả-vị A-la-hàn có thể chứng-đắc được ngay trong phút-giây. Cả khi đi kinh-hành, giở một chơn để bước tới, chơn chưa đụng đất, đã chứng ngay được đạo-quả A-la-hán." Ta nên suy-nghĩ sâu-xa về lời dạy của Đức Phật, đừng quá nôn-nóng muốn chứng được quả-vị, mà phải nên bền-chí nỗ-lực, ngày tu-hành thành-công sẽ đến trong đời nầy, hay trong đời sau, có chi đâu mà phải quá vội-vàng mong-mỏi. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 112: Cũng như hai bài Kệ trước, số 110 và 111, bài Kệ nầy khuyên ta chớ nên lười-biếng, buông-lung, mà phải tinh-tấn tu-hành, ngồi Thiền, để cho Trí-huệ khỏi bị che-mờ và phát-triển lên, hầu cắt đứt được mọi phiền-não, lậu-hoặc trong tâm. HỌC TẬP: 1.- Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ mỗi khi thiếu sự hăng-hái trong việc tu-hành, thường viện lý-do quá bận-rộn mà bỏ qua một ngày chẳng đọc Kinh, lễ Phật. 2.- Để dễ tự khép mình vào kỷ-luật tu-hành, nên đặt ra cho mình một thời-khoá trong ngày để tụng-niệm hay ngồi Thiền. Chẳng cần phải có dư thời-giờ một hai tiếng, chỉ cần độ mười lăm phút mà lòng mình thanh-thản, tâm-trí chú vào lời Kinh, câu Kệ là đủ. Xin đề-nghị chọn vào buổi sáng, sau khi rửa mặt đánh răng xong; hoặc buổi tối, trước khi lên giường đi ngủ. Điều quan-trọng là mỗi ngày phải tập, đừng có ngày tập, ngày bỏ qua. Nhứt là, trong khi tập, phải thành-tâm, đừng làm lấy lệ, chớ đọc-tụng một cách máy-móc theo kiểu trả nợ quỷ-thần cho xong! (92).- Tích chuyện Nữ-Trưởng-lão Phả-tha-ca. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến Nữ-Trưởng-lão Phả-tha-ca. Thuở ấy, cô Phả-tha-ca là người có nhan-sắc đẹp, con nhà giàu-có lớn, ở nước Xá-vệ. Cô lại thương-yêu một người hầu-cận trong nhà, trốn cha-mẹ, theo chàng trai, sống cuộc đời nghèo-khó. Chẳng bao lâu, cô mang thai, mới về nhà cha-mẹ để sanh-nở. Người chồng rượt theo, định bắt lại, nhưng cô chuyển bụng và sanh ngay bên bụi cây một đứa con trai. Sống với chồng con một thời-gian sau, cô lại mang thai và cũng đòi về nhà cha-mẹ, để mẹ con được chăm-sóc. Người chồng dẫn đứa con trai đi theo, để bắt vợ về, nhưng lại một lần nữa, cô Phả đau bụng nặng, sắp giở dạ. Anh chồng bước vào trong một lùm cây rậm, tìm chỗ cho vợ nằm đẻ. Chẳng may, anh bị rắn độc cắn chết. Chờ lâu chẳng thấy chồng trở lại, sau khi sanh con, cô Phả đi tìm, thấy xác chồng nằm bất-động bên bụi cây, cô khóc-lóc, rồi tay bồng, tay dắt, ba mẹ con cô thất-thểu lên đường về quê ngoại. Lúc bấy giờ, trời đổ mưa tầm-tã, nước sông A-xi-ra dâng cao lên, tràn ngập cả hai bên bờ. Cô Phả chẳng thể nào cùng một lúc bồng cả hai con lội qua sông, mới để đứa lớn đứng chờ ở bờ bên nầy, ẵm đứa nhỏ bơi qua sông, rồi đặt nó bên mô đất cao, định quay lại rước đứa kia. Cô vừa ra đến giữa dòng nước, bỗng đâu một con chim ó to lớn bay đến thấy đứa bé sơ-sanh tưởng là một miếng thịt ngon, xớt thằng nhỏ, bay đi. Cô Phả trông thấy hò hét lên đuổi chim, nào ngờ thằng con trai lớn ở bờ bên kia, tưởng là mẹ gọi, bước lại gần mé, bị nước-lũ cuốn trôi theo dòng. Trong khoảnh-khắc, cô Phả đã mất chồng và cả hai con, ngồi khóc than thảm-thiết bên bờ sông. Bấy giờ, có người bộ-hành từ thành Xá-vệ đi tới, cô Phả hỏi thăm tin tức cha-mẹ, tính về quê cũ nương thân. Người bộ-hành cho biết, cách đây mấy hôm, một trận cuồng-phong đã tàn-phá nhiều nhà cửa dân-chúng ở Xá-vệ, và cả gia-đình, cha-mẹ, anh em của cô Phả đều bị chôn-vùi dưới đống gạch vụn. Nghe đến đó, lòng cô Phả quá đau-đớn, phát điên lên, xé áo quần, loạng-choạng bước đi, dưới cơn mưa to, miệng hét: "Chồng đâu, con đâu, cha mẹ anh em tôi đâu?! Vừa đi vừa than-khóc, cô Phả lang-thang khắp các nẻo đường, duyên may lại đi hướng về chùa Kỳ-viên, bấy giờ Đức Phật đang giảng pháp. Từ trong đại-sảnh-đường, Đức Phật đã quán-thấy cảnh khổ của cô Phả. Khi người giữ cửa chẳng cho cô vào chùa, Đức Phật bảo cứ mời cô vào để Đức Phật an-ủi. Bước vào trong ấm-áp, cô Phả tỉnh lại, cảm thấy hổ-thẹn vì chẳng có mảnh áo che thân. Một vị tỳ-kheo thương tình cổi áo ra khoác lên người cô. Đức Phật hỏi sự-tình, cô Phả thuật lại chỉ trong một ngày mà mình đã mất cả chồng lẫn hai con, cha mẹ và anh em cùng chết cả, Đức Phật mới bảo: "Nầy tín-nữ Phả-tha-ca, nước mắt cô đã khóc các cái chết của cha, của mẹ, của chồng, của con, của anh chị em, qua các kiếp sống Luân-hồi, so ra còn nhiều hơn nước ở bốn biển nữa." Rồi Đức Phật liền giảng Kinh Tương-Ưng Vô-thỉ vạch rõ vô-lượng kiếp sống đã qua, khiến cho cô Phả-tha-ca cảm thấy được nhiều an-ủi. Ngài kết-thúc thời pháp: "Chớ quá đau-đớn nhớ mãi đến những người đã qua đời, mà hiện nay, cần phải thanh-lọc tâm-thần cho trong-sạch, nỗ-lực tu-tập để chứng-đắc Niết-bàn, sống vĩnh-viễn an-vui trong cõi tịch-diệt." Sau thời pháp, cô Phả chứng được sơ-quả Tu-đà-huờn, và xin đi tu. Tỳ-kheo-ni Phả-tha-ca tu-hành rất tinh-tấn. Một hôm, bà đến bên bờ suối, múc nước rửa chơn, xối lên cẳng ba lần, bùn sình theo nước trôi đi, lòng bà trở nên nhẹ-nhàng, nghĩ đến ba cảnh: sanh, già, chết của đời người. Trong cơn đại-định, tâm bà quán-thấy Đức Phật đang thốt lên: "Nầy tỳ-kheo-ni Phả-tha-ca, tâm con đang đi đúng đường và nhận thấy rõ tánh-cách vô-thường, vô-ngã và bất-toại-nguyện của thân-tâm ngũ uẩn. Ai đã thấu-đạt được thân-tâm ngũ-uẩn với ba đặc-tánh như thế, dầu chỉ sống được một ngày, vẫn còn hơn kẻ sống trăm năm mà mê-mờ về thân-tâm ngũ uẩn." Sau đó, bà Phả chứng-đắc được quả-vị A-la-hán. Bấy giờ tại Kỳ-viên-tự, Đức Phật thốt lên bài Kệ như sau: Sống trăm năm mê-mờ
thân ngũ-uẩn TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Nữ Trưởng-lão: Nữ =phụ-nữ, đàn-bà;Trưởng =lớn; Lão =già. Chữ Nữ-trưởng-lão được dùng ở đây để dịch nghĩa chử Pali là Theri, nữ-tu-sĩ Phật-giáo đã dứt hết phiền-não, lậu-hoặc, chứng được A-la-hán. Bên Tăng, gọi là Thera, Trưởng-lão. - Phả-tha-ca: tên vị Nữ-trưởng-lão nầy, tiếng Pali là Patàcàrà. - Hầu-cận: Hầu =hầu-hạ, theo giúp việc; Cận =gần bên. Người hầu-cận là người ở làm công, theo hầu người chủ trong nhà. - Mang thai: có con trong bụng. - Chuyển bụng: nói về người đàn-bà có thai sắp sanh con ra. - Giở dạ: Dạ = bụng dạ. Giở dạ là sắp đẻ con ra, chuyển bụng. - Bất-động: Bất =chẳng; Động = lay-động. Bất-động là nằm trơ, chẳng lay-động, tức là đã chết rồi nên chẳng nhúc-nhích. - Thất-thểu = dáng đi buồn-khổ, đầy vẻ thất-vọng, chán-chường. - Sông A-xi-ra: tên con sông nầy tiếng Pali là Aciravatì. - Sơ-sanh: Sơ = vừa mới đó; Sanh = đẻ ra; Sơ-sanh = vừa mới đẻ ra - Nước-lũ = nước lụt, nước dâng lên cao, ngập tràn khắp cả. - Khoảnh-khắc = trong một lúc ngắn. - Bộ-hành = người đi bộ. - Cuồng-phong: Cuồng =điên-cuồng; Phong =gió. Cuồng-phong là cơn gió lớn, bão-tố, thổi mạnh làm sập nhà cửa. - Loạng-choạng = bước đi chập-choạng, vừa bước vừa té. - Đại-sảnh-đường: Đại = lớn; Sảnh = phòng; Đường = nhà. Căn đại-sảnh-đường là căn phòng khách, lớn nhứt trong nhà. - Quán-thấy: xin nhắc lại, quán-thấy là nhìn thấy trong tâm; người tu Thiền cao, nhìn thấy, bằng tâm, các việc ở xa được. - Tín-nữ: Tín = tin-tưởng; Nữ = phụ-nữ. Chữ Tín-nữ trong Phật-học dùng để chỉ người đàn-bà có lòng tin-tưởng vào Đạo Phật. Bên nam-phái thì gọi là Thiện-nam (thiện = lành). - Các Kiếp sống Luân-hồi: các đời sống đã qua, sanh ra rồi lại chết đi, sanh ra nữa, liên-tiếp chẳng biết bao nhiêu đời. Luân-hồi: Luân là bánh xe, cứ quay mãi; Hồi là trở lại; Luân-hồi là cứ phải sống chết, sống chết mãi mãi, chẳng ngưng. - Kinh Tương-Ưng Vô-thỉ: Kinh Anamatagga Samyutta trong Trung-Bộ-Kinh thuộc Kinh-Tạng (Suttanta Nikàya). Tương-Ưng là có liên-hệ với nhau; các bài Kinh cùng nói về một đề-tài; Vô-thỉ: Vô =chẳng; Thỉ = Thủy = chỗ bắt đầu. Trong Phật-học, nói về thời-gian, kinh-sách bảo là vô-thỉ, vô-chung, có nghĩa là về thời-gian, ta chẳng biết lúc nào là lúc khởi đầu, cũng chẳng thể biết lúc nào là lúc chấm-dứt. Chung = lúc tận-cùng. - Vô-lượng: Vô =chẳng; Lượng =tính đếm. Vô-lượng là nhiều, tính đếm chẳng xuể. - Niết-Bàn: xin nhắc lại: Niết-Bàn có nghĩa là ra khỏi rừng u-tối, tức là diệt hết các phiền-não, mê-mờ, và chứng được cảnh vô-sanh, chẳng còn phải tái-sanh trong cảnh Luân-hồi nữa. Tiếng Pali là Nibbàna. Đây chẳng phải là một nơi chốn nào trong không-gian, mà là tâm-trạng của người đã dứt hết lậu-hoặc, mê-lầm, sống an-nhiên, tự-tại và vắng-lặng. - Vĩnh-viễn:Vĩnh = lâu-bền; Viễn = xa. Vĩnh-viễn = mãi mãi. - Tịch-diệt:Tịch = yên-lặng; Diệt = tiêu mất hết. Tịch-diệt =vắng-lặng - Sơ-quả: Sơ =mới bắt đầu, thấp nhứt; Quả = kết-quả. Sơ-quả tức là quả-vị đầu-tiên, thấp nhứt; đó là quả Tu-đà-huờn, còn gọi là Nhập-Lưu. - Đại-định: Đại = lớn; Định =an-định. Đại-định là tâm-trạng người tu-thiền đã vắng-lặng, bên ngoài cảnh-vật chẳng ảnh-hưởng đến, bên trong các ý-tưởng chẳng trì-níu, đang suy-tư thâm-sâu. - Đang đi đúng con đường: Con Đường ở đây chính là Đạo, tiếng Pali là Magga, sẽ dẫn đến Quả, tu-hành thành-công, tiếng Pali là Phala. - Vô-thường: Vô =chẳng; Thường = thường-hằng, chẳng biến-đổi, chẳng hư-hoại. Vô-thường là bị biến-đổi, bị hư-hoại, có đó rồi mất đó. - Vô-ngã: Vô = chẳng; Ngã = ta. Vô-ngã là chẳng có ai làm chủ, để gọi đó là Ngã, là Ta cả; chẳng có đặc-tánh gì riêng-biệt, vốn rỗng-rang. - Bất-toại-nguyện: Bất = chẳng; Toại = vừa ý, vừa lòng; Nguyện = mong-ước. Bất-toại-nguyện là còn thiếu-sót, chẳng làm ta vừa lòng được. - Ngũ-uẩn: Ngũ = năm; uẩn = còn gọi là ấm, có nghĩa là tập-họp chung lại, và che-mờ. Phật-học dùng chữ Ngũ uẩn để chỉ năm thành-phần tạo nên thân-tâm con người: (1)sắc-uẩn = tấm thân vật-chất; (2)thọ-uẩn = các cảm-gíác; (3) tưởng-uẩn = các tư-tưởng; (4)hành-uẩn = các hành-động; (5) thức-uẩn = các sự hiểu-biết. Bốn uẩn sau hợp lại thành tâm. - Sanh-diệt = Sanh = sanh ra, sanh-sống; Diệt = tiêu mất, chết đi. - Thăng-trầm: Thăng = lên cao; Trầm = chìm lắng xuống. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện rất dài; phần đầu kể lại trong trường-hợp nào cô Phả đã mất chồng con, cha mẹ và anh em; phần sau là những lời an-ủi và chỉ dạy của Đức Phật. Xin hãy lướt qua phần đầu và xét kỹ thêm về phần sau. Phật an-ủi bà Phả bằng cách giảng Kinh Tương-Ưng Vô-Thỉ. Ta chẳng có trong tay bản Kinh nầy, nhưng ý-kinh được nói rõ: "Nước mắt khóc các cái chết của vợ-chồng, con cái, cha mẹ anh em, trong các kiếp sống Luân-hồi còn nhiều hơn nước ở bốn biển". Cho nên, người ta thường nói, đời là biển khổ. Biết sống trong cảnh Luân-hồi là đang ở trong biển khổ, vậy, muốn tìm cách ra khỏi, phải biết tu-tập để chứng-đắc được Niết-bàn. Mà bước đầu tu-tập chính là phải thanh-lọc thân-tâm. Thanh-lọc thân-tâm bằng cách nào? Bà Phả được Phật dạy rằng: "Tâm con đang đi đúng đường, nhận thấy rõ tánh-cách vô-thường, vô-ngã và bất-toại-nguyện của thân-tâm ngũ-uẩn". Bản kinh Tứ-niệm-xứ dạy ta cách quán-chiếu thân-tâm ngũ-uẩn là vô-thường, vô-ngã, và bất-toại-nguyện: (1)thân bất-tịnh, (2)thọ thị khổ, (3)tâm vô-thường, (và 4)pháp vô-ngã. Tóm lại, ý-nghĩa của Tích chuyện khuyên ta phải năng quán-chiếu thân-tâm năm uẩn nầy, thanh-lọc tâm-ý, để tiêu-diệt các phiền-não. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 113: Bài Kệ nhấn-mạnh tánh-cách vô-thường của thân-tâm năm uẩn. Giản-dị mà nói, thân nầy, nay tuy còn khoẻ, còn đẹp, nhưng với thời-gian, sẽ già, sẽ yếu, sẽ còm-cõi; vậy chớ quá bấu-víu vào thân, mà phải quán thấy các chỗ dơ-bẩn bên trong thân để biết nhàm-chán các thú vui vật-chất. Tâm-trí nầy nay tuy còn minh-mẫn, nhưng với số tuổi càng cao, sẽ có ngày già-lẫn, lú-lộn; vậy ngay bây giờ, phải biết học-tập Kinh-kệ, kẻo đến lúc tuổi già, mau quên và chậm hiểu. HỌC TẬP: - Học kỹ bài Kệ, để ghi nhớ tánh-cách vô-thường của thân-tâm. (93).- Tích chuyện Nữ-Trưởng-lão Kỷ-sa-cơ. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Nữ-trưởng-lão Kỷ-sa-cơ. Thuở ấy có cô Kỷ-sa-cơ là con gái của một nhà hào-phú ở nước Xá-vệ, chồng cô cũng là người giàu-có. Hai vợ chồng có được một đứa con trai kháu-khỉnh. Rủi thay, đứa bé vừa biết đi lẫm-đẫm thì bị bịnh nặng rồi chết. Cô Kỷ-sa-cơ khóc than thảm-thiết, bồng con lên đi khắp các nẻo đường, gặp ai cũng hỏi thuốc cứu mạng sống cho con. Nhiều người khuyên cô, kẻ đã chết rồi thì có thuốc nào đâu để cải-tử huờn-sanh được. Nhưng cô vì quá đau buồn chẳng chịu rời xác con ra. Vừa may, cô gặp được một cụ già hiền-lành và mộ-đạo, mách cho cô, nên đến gặp Đức Phật, Ngài sẽ có thuốc chữa cho cô. Tại chùa Kỳ-viên, Đức Phật bảo cô Kỷ-sa-cơ, hãy tìm đến nhà nào chẳng có người chết để xin một ít hột cải đem về đây, Ngài sẽ chỉ thuốc cho. Bồng xác con trên tay, cô Kỷ đi từ đầu làng tới cuối làng, đến nhà nào cũng hỏi và ai cũng đáp, ở nhà trước đây đã có người chết rồi. Cuối cùng, cô chán-nản, quay lại chùa, đặt con bên lề đường, vào yết-kiến Đức Phật. Ngài bảo: "Nầy Kỷ-sa-cơ, cái chết đến với mọi nhà, chẳng phải chỉ riêng có một mình cô mới khóc cái chết của con mình. Như cô đã thấy, cái chết đến với mọi chúng-sanh chẳng chừa ai, ngay cả trong lúc mà mọi ước-mong về cuộc đời còn chưa thoả-mãn hết." Bình-tâm nghe Đức Phật nói, cô Kỷ-sa-cơ bỗng ngộ được lẽ vô-thường, vô-ngã và bất-toại-nguyện của thân-tâm năm uẩn nầy, và chứng-đắc được sơ-quả Tu-đà-huờn. Sau khi thiêu xác con xong, cô Kỷ trở lại chùa, xin làm Tỳ-kheo-ni. Một hôm, cô đang đốt lửa thắp đèn, nhìn ngọn lửa loé lên rồi phụt tắt, cô liền suy-nghĩ sâu-xa đến mạng-sống con người lại cũng như thế, khởi lên rồi chấm-dứt đột-ngột như ngọn lửa kia. Rồi tâm cô đi vào thiền-định, quán-thấy Đức Phật nói với cô: " Con đang đi đúng đường, hãy tiếp-tục quán-chiếu cho thật thâm-sâu về lẽ vô-thường của kiếp nhơn-sanh mà lo tu-tập để chứng-đắc cõi vô-sanh của Niết-bàn." Ít lâu sau, tỳ-kheo-ni Kỷ-sa-cơ tinh-tấn tập thiền-định và chứng được đạo-quả A-la-hán. Bấy giờ, Đức Phật mới thốt lên bài Kệ sau đây: Sống trăm năm mê-mờ
cảnh Bất-diệt, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Các chữ: Nữ-trưởng-lão, Vô-thường, Vô-ngã, Bất-toại-nguyện, thân-tâm năm uẩn, sơ-quả Tu-đà-huờn, Niết-bàn, A-la-hán, xin xem lại lời giải-nghĩa ở bài trước. - Kỷ-sa-cơ: tên vị tỳ-kheo-ni nầy tiếng Pali là Kisàgotami. - Hào-phú: Hào = có thế-lực; Phú = giàu. Hào-phú là giàu-có lớn. - Kháu-khỉnh = khoẻ-mạnh và dễ thương. - Đi lẫm-đẫm: mới biết đi, đi còn chưa vững. - Cải-tử huờn-sanh: Cải =sửa; Tử = chết; Huờn = hoàn, trả lại; Sanh =sống. Cải-tử huờn-sanh là làm cho kẻ chết sống lại. - Mộ-đạo: Mộ = sùng-mộ, tin-tưởng nhiều. - Yết-kiến: đến gặp người trưởng-thượng. - Chúng-sanh: Chúng = số đông; sanh =sống. Trong Phật-học, chữ chúng-sanh dùng để chỉ tất cả các sanh-vật có mạng sống. - Bình-tâm: Bình = bằng-phẳng, chẳng xao-động; Tâm = lòng. Bình-tâm là lòng đã yên-ổn, chẳng xao-động nữa. - Tỳ-kheo-ni: tiếng Pali là Bhikkhuni, nữ tu-sĩ đạo Phật, thường được gọi tắt là ni-cô. - Ngộ được = hiểu được thật thấu-đáo, rành-rẽ. - Vô-sanh: Vô = chẳng; Sanh = sống. Lẽ Vô-sanh có nghĩa là chẳng còn phải tái-sanh nữa trong cảnh Luân-hồi. Đừng hiểu-lầm Vô-sanh là chẳng còn sống nữa; trái lại, chứng được vô-sanh thì chẳng bao giờ phải chết, vì có sanh ra đâu mà lại phải chết. Chứng vô-sanh có nghĩa là nhập vào cảnh Niết-bàn, sống an-nhiên, tự-tại, trong cảnh vắng-lặng. - Bất-diệt: Bất = chẳng; Diệt = tiêu-diệt, mất đi. Cảnh Bất-diệt nói ở đây là cảnh-giới Niết-bàn; vì chẳng còn tái-sanh nữa, nên chẳng thể bị tiêu-diệt đi. Thế thì sống bằng gì? Bằng Phật-tánh, cái khả-năng tu-tập để thành Phật. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện thuật lại việc một người mẹ bồng xác con chết, đi tìm thuốc để cứu sống con lại. Khi gặp Đức Phật, Ngài giảng cho hiểu, sự chết chẳng chừa một ai, phải biết tu-hành để chứng-đắc Niết-bàn, khỏi bị tái-sanh nữa thì sống mãi trong cảnh tịch-diệt. Ý-nghĩa quan-trọng của Tích chuyện là dạy ta phải có thái-độ đứng-đắn trước cái chết: ai rồi cũng phải chết, vì chẳng ai giữ mãi được tấm thân thể-xác nầy còn hoài được. Chết là gì? Đó là sự sống đã rời khỏi thân. Rời đi đâu? Rời để đi tìm một tấm thân mới, rồi về sau lại phải chết nữa, cứ thế mà luân-chuyển mãi chẳng ngừng trong cõi Luân-hồi. Muốn chẳng bị chết, chỉ có cách là làm sao khỏi phải sanh lại. Phật dạy, muốn khỏi phải tái-sanh, thì phải tu-hành diệt-trừ hết các phiền-não để chứng được cảnh Vô-sanh của Niết-bàn. Chừng nào chứng được Niết-bàn, thì ta còn chưa biết chắc; điều ta biết chắc là trong tâm ta hiện còn nhiều phiền-não, một trong số đó là sự ham sống và sợ chết . Người nào biết chẳng ham sống và sợ chết là người có thái-độ thản-nhiên trước cái chết. Sợ, đau-buồn, thương-tiếc, nào có đem sự sống trở lại đâu! Nếu đã chắc, sau cuộc đời khổ nhiều, sướng ít nầy, một cuộc sống an-nhiên, tự-tại vẫn còn có thể có được, thì sao lại đi sợ chết? Phần sau của Tích chuyện thuật lại việc ni-cô nhơn khi thắp đèn, nhìn ngọn lửa loé lên rồi phụt tắt, nghĩ đến mạng sống con người cũng lại như thế, nhờ đó mà quán-tưởng đến lẽ vô-thường, chẳng bền-vững của thân-tâm năm uẩn. Đó cũng giống như Tích chuyện ở bài trước, ni-cô Phả-thi-ca nhìn dòng nước cuốn mà nghĩ đến cảnh sanh, già, chết của đời người. Ý-nghĩa quan-trọng nầy của Tích-chuyện nhắc nhở ta phải năng tập quán-chiếu về lẽ vô-thường, vô-ngã và bất-toại-nguyện của năm uẩn. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 114: Trong bài Kệ có hai danh-từ Bất-diệt và Vô-sanh, mới đọc tưởng như đối chọi nhau, thật-sự lại cùng một nghĩa, đó là cảnh-giới Niết-bàn. HỌC TẬP: - Học kỹ cả hai bài Kệ số 113 và 114, ghi nhớ đừng quá sợ chết. (94).- Tích chuyện Nữ-Trưởng-lão Bá-hư-phù. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị nữ-trưởng-lão Bá-hư-phù. Thuở ấy, ở nước Xá-vệ có một cặp vợ chồng giàu-có, sanh đặng bảy người con trai và bảy người con gái. Sau khi đã dựng vợ gả chồng cho các con, người cha từ-trần. Bà mẹ sống một mình trong dinh-cơ rộng lớn. Các người con khuyên mẹ nên đem chia gia-tài cho các con để có đủ thời-giờ an-hưởng tuổi già. Sau một thời-gian ngần-ngại, bà cụ mới chia hết gia-tài cho các con, chẳng giữ lại chi cho mình. Từ ấy, cứ mỗi tháng, bà đến ở nhà một người con, tháng sau đến nhà đứa kế, luân-chuyển như thế mãi. Cho đến khi, các con dâu và các chàng rể nói ra nói vào, bà buồn lòng, thấy sự kính-trọng của con cái đối với bà chẳng còn nể-nang như xưa nữa. Chán tình đời đen bạc, bà vào chùa xin đi tu. Nghĩ mình đã lớn tuổi mới bước vào đường tu, bà Bá-hư-phù cố-gắng tu-tập ngày đêm, tuân theo giới-luật, học-hỏi kinh-kệ, chẳng bao lâu bà đã thấm nhuần Chánh-pháp. Một đêm, ngồi Thiền, bà quán-thấy trong tâm có Đức Phật hiện đến và dạy rằng: ‘Nầy tỳ-kheo-ni, kẻ nào dầu sống đến trăm năm mà chẳng hiểu-biết đến Chánh-pháp do Như-Lai giảng-dạy, thì cũng chẳng bằng một người, thà chỉ sống một ngày, mà hiểu thật thấu-đáo con đường giác-ngộ và giải-thoát của Như-Lai." Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ như sau: Sống trăm năm chưa rành
Pháp vô-thượng, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Bá-hư-phù: tên vị tỳ-kheo-ni nầy tiếng Pali là Bahuputtikà, có nghĩa là bà mẹ có đông con cái. - Từ-trần: Từ =giả-từ, lìa; Trần = trần-thế, cõi đời nầy. Từ-trần = chết - Dinh-cơ = nhà cửa rộng-lớn, có thật nhiều của-cải. - Luân-chuyển = lần-lượt thay đổi theo thứ-tự. - Nói ra nói vào = tìm cách nói xấu ai. Bị ai nói ra nói vào là bị dèm - Tình đời đen-bạc = ý nói, tình đời chẳng tốt. - Chánh-pháp: Chánh = chơn-chánh, đúng-đắn; Pháp = pháp-tu. Chánh-pháp là đường-lối tu-hành Đức Phật dạy trong Kinh-kệ. - Như-Lai: Như = như thế; Lai = đến. Như-Lai là lời tự-xưng của Đức Phật, đệ-tử gọi Phật bằng Thế-tôn. Như-Lai, tiếng Pali là Tathàgata. - Vô-thượng: Vô = chẳng; Thượng =trên. Vô-thượng là cao nhứt, trên đó chẳng còn gì cao hơn nữa. - Tối-tôn: Tối = hết sức; Tôn = tôn-kính. Tối-tôn là đáng kính nhứt. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện rất giản-dị, kể lại việc một bà cụ chia hết gia-tài cho đàn con đông-đảo; về sau, thấy các con chẳng thuơng-kính mình nữa, mới đi tu. Bà chí tâm học đạo, tu-tập ngay đêm, nên tâm trở nên thanh-tịnh, quán-thấy Phật đến khuyến-khích. Ý-nghĩa của Tích chuyện: "Thà sống một ngày mà biết được Chánh-pháp, còn hơn sống trăm năm chẳng hiểu biết đường tu." Tại sao vậy? Vì người thông-hiểu Chánh-pháp, biết được và thi-hành theo con đường giác-ngộ và giải-thoát, tất phải hơn người mãi sống trong mê-mờ, trọn kiếp trôi-lăn trong biển khổ của Luân-hồi sanh-tử. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 115: Bài Kệ khen người biết đến Chánh-pháp, và chê người chẳng biết tu-hành. Tại sao phải tu-hành? Tu-hành để sửa đổi tâm-tánh hiện nay cho hiền-lương khiến tâm được thanh-tịnh, nhẹ-nhàng, sống trong an-vui và tự-tại. Tu-hành để sau này được giải-thoát khỏi cảnh sanh-tử của Luân-hồi, khỏi phải trôi lăn kiếp nầy qua kiếp khác, trong cuộc sống sướng ít, khổ nhiều nầy. Tu cách nào cho đúng? Phải theo đúng Chánh-pháp, được Đức Phật giảng-dạy trong Kinh-kệ. HỌC TẬP: - Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ việc học-hỏi Kinh-kệ mỗi ngày. -ooOoo- IX.- Phẩm Ác. (95).- Tích chuyện vợ chồng ông Cù-lê-kha. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến việc vợ chồng ông Cù-lê-kha. Thuở ấy, có một đôi vợ-chồng người Bà-la-môn, tên là Cù-lê-kha, nhà nghèo, chỉ có một chiếc áo choàng bên ngoài mà thôi. Mỗi khi chồng ra đi, thì vợ phải ở lại nhà, vì chẳng có áo mặc. Họ rất mộ đạo, ban ngày, vợ mặc áo đến chùa Kỳ-viên, nghe Phật giảng-pháp; đến đêm, tới phiên người chồng mặc áo, đi nghe giảng đạo. Một đêm kia, vào lúc đầu hôm, người chồng mãi chăm-chú nghe Đức Phật thuyết-pháp, trong lòng cảm thấy một niềm vui-sướng vô-biên, định cổi áo ra dâng-cúng lên Đức Phật. Nhưng nghĩ đến vợ ở nhà, mai chẳng có áo đi ra ngoài, nên thôi. Đến nửa đêm, nghe tiếp, anh muốn dưng áo, nhưng suy-nghĩ một chốc, lại thôi. Đến hừng sáng, ý-định dâng-cúng bỗng trở nên mạnh-mẽ, anh cổi áo ra, đem đặt dưới chơn Phật, thốt lên ba lần: "Ta đã thắng!" Bấy giờ trong hàng thính-chúng, có đức vua Ba-tư-nặc nghe thấy, mới sai viên quan hầu-cận, đến điều-tra sự-việc ra sao. Sau khi biết người kia đã đem chiếc áo độc-nhứt của vợ-chồng mình ra cúng-dường lên Đức Phật, đức Vua hết sức khen ngợi việc làm rất khó làm kia, nên sai quân mang một tấm vải tốt đến thưởng cho anh ta. Người chồng liền đem tấm vải đặt dưới chơn Phật. Vua thấy thế, liền bảo thưởng thêm cho người ấy hai tấm vải mới. Anh ta lại cũng dâng-cúng Đức Phật luôn. Đức Vua lại thưởng bốn tấm nữa, cứ mỗi lần tăng số tấm vải lên gấp đôi. Cho đến lúc được thưởng ba mươi hai tấm, anh ta mới giữ lại hai tấm, còn ba mươi tấm kia đều cúng-dường lên Đức Phật. Sáng ngày, đức Vua sai quan về hoàng-cung chọn hai tấm gấm thật đẹp, ban cho người chồng. Sau khi nhận hai bức gấm, người ấy về nhà may hai chiếc lọng, một đem dâng tại hương-phòng của Đức Phật, còn một treo trước cửa nhà mình, để chờ đón chư Tăng khất-thực đi ngang qua. Lần sau, khi nhà vua vào chùa Kỳ-viên, thấy chiếc lọng, biết là do tấm gấm của mình ban cho anh nhà nghèo kia, mới tỏ lòng khâm-phục và ra lịnh ban thưởng cho anh thật là nồng-hậu. Số tặng-phẩm gồm có bảy thứ, mỗi thứ bốn món: bốn con voi, bốn con ngựa, bốn người nô-lệ gái, bốn người nô-lệ trai, bốn cậu trai nhỏ để sai-vặt, tiền thuế của bốn xã và bốn ngàn đồng tiền mặt. Bấy giờ, chư Tăng nghe thấy sự việc ấy, mới đến thưa trình cùng Đức Phật: "Bạch Thế-tôn, vì cớ chi mà một hành-động thiện của người Bà-la-môn kia lại trỗ quả tốt ngay như thế?" Đức Phật bảo: "Nầy chư Tăng, nếu người Bà-la-môn dâng-cúng chiếc áo vào đầu hôm, thì sẽ được thưởng mười sáu chiếc; nếu dưng vào nửa đêm, sẽ được thưởng tám chiếc. Vì dưng vào lúc hừng sáng, nên chỉ được thưởng có hai chiếc. Thế cho nên, chư tỳ-kheo, khi phát tâm bố-thí, ta nên hăng-hái thi-hành ngay, nếu còn so-đo, ngại-ngùng rồi mới bố-thí, thì quả-báo tốt sẽ đến chậm hơn và thưa-thớt hơn. Mỗi khi gặp việc thiện đáng làm mà lại chần-chờ, thì dễ bỏ lỡ cơ-hội, vì tâm-ý thường thích quay theo việc chẳng lành." Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Gấp gấp làm việc lành, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Cù-lê-kha: tên người Bà-la-môn nầy, tiếng Pali là Cùlekasàtaka. - Thính-chúng: Thính = nghe; Chúng = số đông. Thính-chúng là những người đang ngồi nghe. - Ba-tư-nặc: tên vua nước Câu-tát-la ( =Kosala), người rất tôn-sùng đạo Phật. Tên tiếng Pali là Pasenadi. - Hầu-cận: Hầu = hầu-hạ; Cận = gần bên. - Điều-tra = tìm biết sự thật ra sao. - Độc-nhứt = chỉ có một mà thôi. - Hoàng-cung: Hoàng = hoàng-đế, vua; cung = cung-điện; đền-đài; Hoàng-cung là đền-đài chỗ vua ở. - Lọng = giống như một cây dù lớn, phiá trên tròn, rộng vành, để che mát, trông rất trang-nghiêm. - Hương-phòng: Hương = mùi thơm. Hương-phòng là căn phòng có hương thơm, dành riêng cho Đức Phật. Tiếng Pali là Gandhakuti. - Tặng-phẩm: Tặng = ban-tặng, biếu; Phẩm = phẩm-vật. Ở đây, vua Ba-tư-nặc đã theo tục-lệ xưa, tặng bảy thứ, mỗi thứ bốn món; tiếng Pali là sabbacatukka (sabba = mỗi thứ; catukka = bốn món.) - Trỗ quả: ý muốn nói, vì hành-vi thiện trước làm nguyên-nhơn, nên sau sanh ra kết-quả tốt, ví như trước có bông, sau nở ra trái cây vậy. - Lần-khần: lừng-khừng, chần-chờ, chẳng chịu làm ngay. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện kể lại việc một người nghèo-khổ đã dâng-cúng Đức Phật chiếc áo duy-nhứt của hai vợ-chồng. Làm được việc khó làm nầy, ông Cù-lê-kha được nhà Vua thưởng cho rất trọng-hậu. Nhơn việc nầy, Đức Phật dạy, khi gặp việc thiện, ta phải làm ngay, nếu chần-chờ sẽ mất cơ-hôi, vì tâm-trí ta thường hay nghĩ đến việc chẳng lành. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 116: Bài Kệ thúc-dục ta phải mau mau: (1) làm ngay việc thiện; và (2) tránh ngay việc ác. Tại sao ta phải mau làm ngay việc thiện? Vì nếu chần-chờ, chẳng những lỡ mất cơ-hội để làm, mà ngay trong bụng ta cũng hay so-đo, tính-toán, rồi bỏ qua luôn. Tại sao phải gấp gấp tránh ngay việc ác? Vì nếu ta chẳng sớm tránh, việc ác sẽ theo cám-dỗ, rồi sớm muộn chi ta cũng bị sa-ngã. HỌC TẬP: - Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ: gặp việc thiện nên làm liền; thấy việc ác cám-dỗ, nên tránh xa ngay. (96).- Tích chuyện Tỳ-kheo Sĩ-gia-sa. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến việc tỳ-kheo Sĩ-gia-sa. Thuở ấy, có vị tỳ-kheo tên là Sĩ-gia-sa thường hay thủ-dâm. Thói xấu đó đến tai Đức Phật. Ngài quở-trách vị tỳ-kheo rất nặng-nề, dạy rằng tật xấu thủ-dâm sẽ dẫn người tu-sĩ rời xa khỏi con đường chứng được Đạo và Quả. Đức Phật liền đặt ra điều giới-luật nghiêm-cấm tất cả các hành-vi có liên-quan đến dục-tình. Đức Phật bảo, người vi-phạm giới-luật nầy chẳng những sẽ bị trục-xuất ra khỏi Tăng-đoàn trong đời nầy, mà còn bị sa vào nẻo ác trong đời tới nữa. Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây: Trót lỡ làm việc ác, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Sĩ-gia-sa: tên vị tỳ-kheo nầy, tiếng Pali là Seyyasaka. - Thủ-dâm: Thủ = bàn tay; Dâm = dâm-dục; Thủ-dâm là dùng tay sờ vào bộ-phận sinh-dục để kích-thích dục-tình. - Đạo, Quả: Đạo = con đường tu-hành, cách-thức tu-tập; tiếng Pali là Magga. Quả = kết-quả, sự thành-công của việc tu-hành, chứng-đắc được quả-vị; tiếng Pali là Phala. - Giới-luật = những điều răn-cấm trong đạo Phật, để ngăn-ngừa hành-giả phạm tội-ác. Đối với người tu tại-gia, có ngũ-giới: (1) cấm sát-sanh; (2) cấm trộm-cướp; (3) cấm tà-dâm, (4) cấm nói dối, (5) cấm rượu. - Nghiêm-cấm = ngăn-cấm nghiêm-ngặt. - Hành-vi: Hành = Vi = làm. Đồng nghĩa với hành-động, việc làm. - Trục-xuất = đuổi ra khỏi. - Dục-tình: Dục =ham muốn, ham-muốn về xác-thịt; Tình = tình-cảm. Dục-tình là lòng ham-muốn thoả-mãn việc giao-hợp giữa trai gái. - Tăng-đoàn: đoàn-thể gồm bốn, năm vị tỳ-kheo tu chung tại một nơi. Ở đây, chữ Tăng-đoàn có nghĩa là Giáo-hội. Tiếng Pali là Sangha, phiên-âm là Tăng-già. - Sa vào = rơi vào, phải đầu-thai vào. - Nẻo ác: có ba nẻo ác: (1) địa-ngục, (2) ngạ-quỉ, (3) súc-sanh. Chúng-sanh khi tái-sanh sẽ sanh vào một trong sáu nẻo, thường được gọi là Lục đạo Luân-hồi; có ba đường lành và ba nẻo ác. Ba đường lành: (1) cõi người; (2) cõi thần (còn gọi là A-tu-la, tiếng Pali là Asura), (3) cõi Trời B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện thuật lại việc một tỳ-kheo có thói xấu hay thủ-dâm. Đức Phật quở-trách vị ấy, dạy rằng việc dâm-dục trong hàng ngũ người tu-hành là một việc tệ, khiến cho người tu-hành phải xa rời Đạo-quả. Ngài đặt ra giới-luật nghiêm cấm các hành-động liên-quan đến tình-dục. Theo giới-luật của tỳ-kheo, người tu-sĩ phải sống độc-thân, xa lánh hẳn dục-tình, để giải-thoát khỏi các ràng-buộc về thể-xác. Theo giới-luật của người tu tại-gia, đạo Phật cấm việc tà-dâm (tà =xiêng-xéo, xấu-ác), đã có vợ, chồng rồi mà còn dính-líu tình-dục, lang-chạ với người khác. Tại sao lại ngăn-cấm việc dâm-dục? Vì dâm-dục là một tình-cảm nặng tính-chất về thể-xác khiến cho tâm mất sự trong-sạch, xa rời con đường tu-hành chơn-chánh. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 117: Bài Kệ khuyên ta, nếu đã lỡ làm việc ác, đừng nên tái-diễn lại nhiều lần. Tại sao? Vì sự lập lại nhiều lần một hành-vi tệ-ác gây thành nghiệp xấu, khiến cho ta phải chịu khổ-sở, chẳng những ngay trong đời nầy, mà cả đến các đời sau nữa. Vậy, mỗi khi biết mình làm quấy, phải thành-tâm sám-hối, tự hứa từ rày sẽ chừa đi. HỌC TẬP: - Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ các buổi lễ sám-hối vào đầu tháng và giữa tháng. (97).- Tích chuyện Thiên-nữ Lã-giai. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị Thiên-nữ tên là Lã-giai. Thuở ấy, tại động Cây Tiêu, Tôn-giả Đại Ca-diếp nhập đại-định trong bảy ngày. Sau khi xuất-định, Tôn-giả sửa-soạn đi khất-thực. Tôn-giả nhìn quanh núi, thấy tại một túp lều dưới chơn núi có người đang rang bắp. Tôn-giả muốn cho người ấy được dịp may cúng-dường một bực tu-hành vừa xuất cơn đại-định, nên xuống núi, đến trước cửa lều, cầm bình-bát chờ được bố-thí. Người phụ-nữ đang rang bắp, liền đem hết số bắp đã rang, trút vào bát của Tôn-giả. Sau khi cúng-dường xong, người ấy đi vòng quanh gốc cây để trở vào lều, chẳng may bị một con rắn độc cắn chết. Nhờ công-đức cúng-dường, người phụ-nữ được tái-sanh lên cõi Trời Đao-lợi và được gọi tên là Lã-giai. Thiên-nữ Lã-giai biết mình sở dĩ được sanh thiên là nhờ nơi ơn-đức của Tôn-giả Đại Ca-diếp. Thiên-nữ muốn báo đáp ơn sâu đó và cũng muốn được hưởng phước ở cõi Trời lâu-dài, nên mỗi sáng đến quét dọn, gánh nước đổ đầy lu và làm các việc lặt-vặt nơi Tôn-giả trú-ngụ. Mấy hôm đầu, Tôn-giả chẳng biết ai đã đến dọn-dẹp, cứ tưởng là các vị Sa-di trẻ tuổi đến giúp. Về sau, Tôn-giả biết được sự-tình, mới ngăn lại, và nói: "Nầy thiên-nữ, bà chớ nên đến đây nữa, vì sợ kẻ ngoài chẳng hiểu rồi đàm-tiếu." Thiên-nữ Lã-giai thấy Tôn-giả chẳng cho phép mình tạo thêm phước-đức, mới khóc-lóc, bảo rằng: ‘Ngài đành lòng nào làm tiêu-tán phước-báu của con!" Bấy giờ, tại hương-phòng, chùa Kỳ-viên, Đức Phật quán-thấy cảnh-tượng đó, mới đến bảo vị Thiên-nữ: "Nầy Lã-giai, con chớ buồn lòng, Ca-diếp vì bổn-phận người tu-hành nói với con như thế. Người làm việc thiện, nên tiếp-tục làm hoài, thì phước-báu sẽ gia-tăng." Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó thiên-nữ chứng được quả Tu-đà-huờn: Làm được một việc hay, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Thiên-nữ: Thiên =Trời; Nữ =con gái. Chúng sanh cõi Trời có Thiên-nam, đàn-ông, Thiên-nữ. đàn-bà, cô gái, và Thiên-đế, vua Trời. - Lã-giai: tên thiên-nữ nầy, tiếng Pali là Làjadevadhità (Làja = bắp rang; deva = chư Thiên; dhità =con gái của.) - Động Cây Tiêu: động đá nầy gần núi Linh-thứu, tiếng Pali là Pippali, cây tiêu. - Đại Ca-diếp: tên Tôn-giả bằng tiếng Pali là Mahàkassapa. - Đại-định: cơn thiền-định thật thâm sâu. - Xuất-định = chấm-dứt cơn thiền-định. - Cõi Trời Đao-lợi: cõi Trời nầy thuộc về Dục-giới, các thiên-chúng lòng còn ham-muốn (dục = ham-muốn.) Tiếng Pali là Tàvatimsa. - Sanh Thiên = được sanh lên cõi Trời. - Sa-di: người mới tập-sự tu-hành ở chùa, chưa thọ-giới Tỳ-kheo. Tiếng Pali là Sàmanera. - Đàm-tiếu: Đàm = nói chuyện, phê-bình, đàm-luận; Tiếu = cười. Chữ đàm-tiếu có nghĩa là phê-bình, chê-cười. - Hương-phòng: Xin nhắc lại, đây là căn phòng có hương thơm, dành riêng cho Đức Phật; tiếng Pali là Gandhakutì. - Tích-thiện: Tích = chứa, tích-luỹ; Thiện = điều lành. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện rất giản-dị: nhờ cúng-dường cho Tôn-giả Đại-Ca-diếp mà một người phụ-nữ được sanh lên cõi Trời. Ý-nghĩa của Tích-chuyện là lời dạy của Phật: nên tiếp-tục làm việc thiện, để tăng thêm phước-báu. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 118: Bài Kệ nầy dạy ta cố gắng sức làm nhiều việc thiện, càng nhiều càng quí; càng tích-thiện, càng được hạnh-phước. HỌC TẬP: - Học kỹ hai bài kệ số 117 và 118, để ghi nhớ chăm làm việc lành. (98).- Tích chuyện Trưởng-giả Cấp-cô- độc.Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị Trưởng-giả tên Cấp-Cô-độc. Trưởng-giả Cấp-cô-độc là người đã mua khu vườn của Thái-tử Kỳ-đà, nước Xá-vệ, xây cất chùa Kỳ-viên để cúng-dường lên Đức Phật và chư Tăng. Nhà rất giàu-có, Trưởng-giả thường bố-thí rộng-rãi, nuôi-dưỡng kẻ mồ-côi, cô-đơn, nên dân-chúng gọi ông là Trưởng-giả Cấp-cô-độc. Trưởng-giả là người rất mộ-đạo, mỗi buổi sáng dâng cơm cúng-dường lên chư Tăng, buổi trưa mang thuốc men, vật-dụng đến chùa, và buổi chiều đem hương-hoa và trái cây đến lễ Phật. Trưởng-lão chăm nghe lời Phật dạy, nên đã chứng được quả-vị Tu-đà-huờn. Vì chẳng hề lưu-tâm đến việc làm giàu thêm, nên chẳng bao lâu tài-sản của Trưởng lần lần hao-hụt, và trở nên túng-thiếu. Vị thần giữ cửa nhà của Trưởng-giả, một hôm nói với Trưởng-giả rằng: ‘Nầy Trưởng-giả, tôi là người giữ cửa nhà của ông. Bấy lâu nay, tôi thấy ông chỉ lo việc cúng-dường cho Sa-môn Cồ-đàm mà chẳng liệu-lý đến gia-sản của mình, cho nên ngày nay ông phải sa-sút. Ông nên thôi, đừng cúng-dường, bố-thí nữa, mà hãy chăm lo việc nhà, tôi sẽ giúp ông trở lại cảnh giàu-sang sung-túc như ngày xưa." Nghe lời nói ích-kỷ đó, Trưởng-giả Cấp-cô-độc chẳng bằng lòng, và ra lịnh đuổi vị thần đi khỏi cửa. Vị thần giữ cửa kia chẳng dám cãi lời của một bực Tu-đà-huờn, đành phải ra đi bơ-vơ. Vị ấy lên đến cung Trời Đao-lợi, gặp được vua Trời Đế-thích, thuật lại việc mình bị đuổi ra khỏi nhà Trưỏng-giả Cấp-cô-độc. Vua Trời Đế-Thích mách cho cách trở về xin lỗi vị Trưởng-giả: "Hiện nay, có vài người thương-gia còn mắc nợ Trưởng-giả một số tiền là mười tám ngàn lượng vàng chưa trả, tổ-tiên của Trưởng-giả có chôn dấu trong vườn mười tám ngàn lượng vàng, chẳng ai biết chỗ; vậy nhà-ngươi dùng sức thần-thông của mình đi thâu góp số của-cải đó, đem về để trong phòng kín của Trưởng-giả, và ngỏ lời xin lỗi, thì Trưởng-giả sẽ tha tội cho." Vị thần-linh làm theo lời chỉ-dạy. Khi nghe vị thần-linh kể lại sự-tình, Trưởng-giả chấp-nhận lời sám-hối và cùng với vị ấy đến yết-kiến Đức Phật. Đức Phật bảo: "Có thể quả-báo của việc lành, hay việc ác sẽ chậm đến; nhưng hậu-quả của việc thiện, hay việc dữ chắc-chắn sẽ theo thời-gian mà xảy ra, chẳng hề sai." Rồi Đức Phật nói lên hai bài Kệ sau đây: Làm ác mà gặp việc lành, Làm lành gặp việc chẳng may, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Trưởng-giả: Trưởng = lớn; Giả = người. Chữ Trưởng-giả có nghĩa là bực giàu-có, được mọi người kính-nể. - Cấp-cô-độc: Cấp = cung-cấp, cho; Cô-độc = chỉ có một mình, nghèo-khó. Vì Trưởng-giả cứu-giúp người cô-đơn nghèo-khó, nên được gọi là Trường-giả Cấp-cô-độc. Tên thật bằng tiếng Pali là Anathapindika. - Lưu-tâm = để-ý đến, lo-lắng đến. -Sa-môn Cồ-đàm: Sa-môn, gốc chữ Phạn Samana, có nghĩa là tu-sĩ; Cồ-đàm: họ của Đức Phật Thích-ca, tiếng Phạn là Gautama. - Liệu-lý: lo-liệu đến công-việc. - Gia-sản: Gia = nhà; Sản = tài-sản, tiền-của. - Sa-sút = trở nên nghèo-túng hơn trước. -Sung-túc = đầy-đủ, có dư tiền-bạc. - Ích-kỷ: Ích = có ích cho; Kỷ = mình, ta. Người ích-kỷ chỉ biết làm lợi cho mình, chẳng chịu giúp-đỡ ai cả. - Đế-Thích: tên vị vua cõi Trời Đao-lợi, tên tiếng Pali là Sakka. - Sám-hối: Sám, gốc chữ Phạn samma, là ăn-năn tội-lỗi; Hối, gốc chữ Hán, nghĩa là tiếc-rẻ lỗi đã lỡ làm. Khi sám-hối, trong lòng phải biết (1)nhận lỗi cũ của mình và (2)hứa xin chừa từ rày về sau, chẳng tái-phạm. - Sức thần-thông = tài-lực khác thường, như bay cao, biến-hoá, v.v. - Quả-báo: kết-quả về sau của một việc đã làm từ trước. Quả-báo tốt được gọi là phước-báu; quả-báo xấu gọi là ác-báo. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện kể lại công-đức của Trưởng-giả Cấp-cô-độc đã dưng-cúng Tînh-xá Kỳ-viên cho Tăng-đoàn và thường cứu-giúp người mồ-côi nghèo khổ. Công-đức bố-thí nầy về sau đem lại nhiều của báu cho Trưởng-giả. Chuyện kể lại lời nói của vị thần-linh giữ cửa, khuyên Trưởng-giả đừng bố-thí nữa. Đây là lời khuyên ích-kỷ, cho nên Trưởng-giả chẳng nghe theo, mới đuổi vị ấy ra khỏi nhà. Ý-nghĩa quan-trọng trong Tích chuyện là lời dạy của Đức Phật về Luật Nhơn-quả: hành-động nào, xấu hay tốt, cũng đem lại hậu-quả về sau, chỉ có chậm hay mau mà thôi. Sớm muộn chi, hễ làm ác, sẽ chịu ác-báo, hễ làm lành, sẽ được hưởng phước-báu, chẳng hề sai khác được. (2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 119 và 120: Bài Kệ số 119 nói về ác-báo; bài Kệ số 120 nói về phước-báu. Vì còn chờ đủ cơ-duyên, hậu-quả của hành-động mới xảy ra về sau. Lý-do mau, chậm được nói rõ: phải chờ đủ thời-gian. Vì chẳng thấy được hậu-quả tức-thời, cho nên nhiều người lầm mà chẳng tin ở Luật Nhơn-Quả. (3)Các hình-thức bố-thí: Nhơn Tích chuyện nói về bố-thí, xin xét qua các hinh-thức của công-đức nầy, vốn là hạnh thứ nhứt của Bồ-tát-đạo: (1) Tài-thí: hiến-tặng tiền-của, đồ-vật hay ra công giúp đỡ; (2) Pháp-thí: chỉ-dạy cho kẻ khác biết điều lành mà theo, điều dữ mà tránh, biết cách tu mười điều thiện; hoặc giảng-pháp, in kinh; (3) Vô-úy-thí: Vô-úy là chẳng sợ-hãi. Khi gặp người đang lo-lắng, sợ-hãi, dùng lời đứng-đắn khuyên-nhũ, an-ủi cho họ được yên lòng. Vị Đại-Bồ-tát Quán-thế-âm thường được gọi là vị vô-úy-thí-giả, vì Ngài nghe lời cầu-khẩn của các người lâm nạn mà cứu-khổ cho. HỌC TẬP: - Học kỹ hai bài Kệ, ghi nhớ và dùng hai bài ấy để khuyên dạy con. (99).- Tích chuyện một vị tỳ-kheo cẩu-thả. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một vị tỳ-kheo tánh hay cẩu-thả Thuở ấy, tại Kỳ-viên-tự có một vị tỳ-kheo tánh hay cẩu-thả, ít chịu giữ-gìn kỹ-lưỡng các đồ dùng trong chùa. Như khi, nhắc ghế ra ngồi ngoài hành-lang, vị ấy chẳng mang ghế trở vào, cứ để ghế đấy phơi mưa, phơi nắng. Nhiều vị tỳ-kheo khác thấy thế mới quở-trách; nhưng vị tỳ-kheo lại chẳng nghe lời, bảo rằng: "Tôi nào có ý-định phá hư cái ghế đâu; vả lại, nào đã có chút ít tổn-hại gì?" Mặc dầu được khuyên dạy nhiều lần, vị tỳ-kheo ấy vẫn thói nào tật nấy. Việc đến tai Đức Phật. Ngài cho gọi vị tỳ-kheo đến, dạy rằng: "Nầy tỳ-kheo, ông nên sửa ngay thái-độ lại; một lỗi-lầm dầu nhỏ, nếu được lập-lại nhiều lần theo thói quen, tích-chứa lại sẽ trở thành một tội to." Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Đừng xem nhẹ phạm điều ác nhỏ, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Tỳ-kheo: phiên-âm tiếng Phạn Bhikkhu, còn gọi là tỳ-khưu, nghĩa là tu-sĩ Phật-giáo theo giới-luật đi khất-thực ( =xin ăn). - Cẩu-thả: thường được nói trại ra là ẩu-tả; nghĩa là chẳng cẩn-thận - Kỳ-viên-tự = chùa Kỳ-viên; Tự = chùa. - Li-ti = nhỏ xíu. - Ác-đạo = đường ác. Có ba ác-đạo: (1) điạ-ngục, (2)ngạ-quỉ ( =quỉ-đói); (3) súc-sanh ( = thú-vật). B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện rất giản-dị, thuật lại việc một tỳ-kheo có tánh cẩu-thả, cho rằng một lỗi nhỏ chẳng có hại chi. Đức Phật quở và dạy rằng: Một lỗi dầu nhỏ, nếu lập lại nhiều lần theo thói quen, tích chứa lại thì thành một tội lớn. Ý-nghĩa quan-trọng của Tích chuyện là đừng thấy lỗi nhỏ mà làm, vì đó là mình quá dễ-dãi đối với mình, rồi về sau, sẽ dễ vướng vào tội nặng; cần phải thận-trọng kềm-chế lòng mình, chớ cẩu-thả! (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 121: Bài Kệ có ba phần: 1) Hai câu đầu dạy ta đừng quá dễ-dãi với mình, tự bào-chữa mỗi khi phạm một lỗi nhỏ. 2) Hai câu giữa nêu lên hình-ảnh rất sống-động của sự chất-chứa lỗi-lầm lâu ngày trong tâm, cũng như cái bình hứng từng giọt nước, lâu rồi cũng đầy. 3) Hai câu chót cho ta thấy hậu-quả tai-hại của người mê-lầm phạm nhiều tội tích-luỹ năm nầy qua tháng nọ, phải sống trong ác-đạo. Ý-nghĩa quan-trọng của bài Kệ: phải cẩn-thận giữ-gìn tâm-ý, chớ dễ-dãi với mình mà phạm tội, dầu đó là một lỗi nhỏ. HỌC TẬP: 1.- Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ: có biết năng tránh điều lỗi nhỏ, thì khi gặp điều lỗi lớn mới biết sợ mà tránh đi. 2.- Xin đề-nghị vài điều để tập tánh cẩn-thận trong lời nói, hành-động và tư-tưởng: - trước khi nói, nên dừng lại một giây, suy-nghĩ xem lời sắp nói có hại cho ai chăng, có đúng sự-thật chăng, - trước khi làm điều gì, nên suy-xét kỹ đến hậu-quả của hành-động; giả-dụ như ai làm điều đó cho mình, mình có buồn không. - đừng bao giờ nghĩ trong đầu: nó ác quá, giá mà tao có súng, tao bắn cho nó chết ngay. Ý-nghĩ giết người dầu chỉ là ý-nghĩ suông, cũng đã là tội-lỗi rồi. (100).- Tích chuyện ông nhà giàu Bình-lập. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến ông nhà giàu tên là Bình-lập. Thuở ấy, có một người ở nước Xá-vệ, một hôm nghe Đức Phật giảng về pháp bố-thí, rất xúc-động và quyết-tâm thực-hành lời dạy của Ngài. Anh ta cung-thỉnh Đức Phật và tất cả các vị tỳ-kheo ở chuà Kỳ-viên, ngày mai đến nhà anh để anh dưng cơm cúng-dường. Anh lại theo lời chỉ-dạy của Phật, đi khắp làng, mời thêm các thiện-nam, tín-nữ cùng tham-gia vào công-đức cúng-dường đó. Mỗi người, tùy theo khả-năng của mình, cùng đóng góp vào công-cuộc bố-thí. Khi đến nhà một vị giàu-có lớn trong vùng, tên là Bình-lập, người ấy nói lên mục-đích cúng-dường vào ngày mai, và mời ông Bình-lập tham-gia. Ông Bình-lập nghe nói, trong lòng ngẫm-nghĩ: "Cái anh nầy sao lại bầy đặt như thế, tại sao chẳng tùy sức mình mà mời một số ít tỳ-kheo cũng đủ, lại đèo-bồng đi thỉnh tất cả chư Tăng, rồi chạy lăng-xăng đi kêu-gọi kẻ khác giúp-đỡ cho mình. Để ta thí cho hắn chỉ một bát cơm nhỏ thôi, cho bỏ ghét." Người đứng ra tổ-chức việc cúng-dường cũng vui lòng nhận bát cơm, cám ơn và để bát cơm riêng ra một bên. Ông Bình-lập nhìn thấy, ngạc-nhiên, lại ngẫm-nghĩ: "A! Anh ta để riêng bát cơm của mình, có lẽ để rồi sẽ đem ra bêu-riếu ta là kẻ rít-róng." Ông Bình-lập liền sai đầy-tớ theo dõi xem người ấy hành-động ra sao. Người đầy-tớ rình thấy người tổ-chức đem bát cơm, sớt ra từ phần nhỏ, để mỗi phần vào các tô đựng cà-ry và các thức ăn khác. Khi người đầy-tớ về thuật lại sự sắp-đặt như thế, ông Bình-lập chẳng hiểu ý làm sao. Hôm sau, ông ta cũng đến dự cuộc cúng-dường, mang theo một con dao nhọn, định bụng, nếu bị người tổ-chức mà nói xấu mình rít-róng, sẽ đâm chết anh ta. Đến giờ ngọ trai, chủ nhà qùi bạch Đức Phật: "Bạch Thế-tôn, buổi cúng-dường nầy là do sự đóng-góp của tất cả thiện-nam, tín-nữ, chẳng kể kẻ ít người nhiều, nhưng đều do lòng mộ-đạo nhiệt-thành và hảo-tâm chia-xẻ của mọi người. Ngưỡng mong công-đức cúng-dường mang đến phước-báu đồng-đều cho tất cả những ai đã đóng-góp." Nghe lời nói đó, ông Bình-lập cảm thấy mình trước đây đã nghĩ quấy đối với người tổ-chức, nên đến bên cạnh, ngỏ lời xin sám-hối. Khi Đức Phật nghe được lý-do tại sao ông Bình-lập xin lỗi, Ngài dạy rằng: "Nầy các thiện-nam, tín-nữ, một việc thiện, dầu nhỏ mấy đi nữa, nếu được làm nhiều lần, tích chứa lại cũng thành công-đức lớn" Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Đừng xem nhẹ bỏ qua điều thiện nhỏ, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Bình-lập: tên thật ông nhà giàu nầy tiềng Pali là Bilàlapàdaka. - Bố-thí: xin nhắc lại: Bố =rộng lớn, cùng khắp, chẳng sót; Thí = cho. Bố-thí là hạnh tu thứ nhứt của Bồ-tát-đạo (gồm có sáu pháp Ba-la-mật: bố-thí, trì-giới, nhẫn-nhục, tinh-tấn, thiền-định và Bát-nhã.) - Cúng-dường: xin nhắc lại: do đọc trại chữ Hán-Việt cung-dưỡng, nghĩa là cung-cấp để nuôi-dưỡng. Cúng-dường là dâng-hiến đồ-vật cho các tu-sĩ. - Cung-thỉnh: Cung =cung-kính; Thỉnh = mời. -Thiện-nam,tín-nữ: Thiện = lành; Nam = đàn-ông; Tín = tin-tưởng; Nữ = đàn-bà. Chữ Thiện-nam, tín-nữ trỏ vào các người tin-tưởng đạo Phật. -Đèo-bồng = bầy-đặt thêm cho rắc-rối, để tỏ mình hơn người khác. - Bêu-riếu: nói xấu ai để mọi người biết mà chê theo. - Rít-róng = hà-tiện lắm, kẹo lắm, bỏn-xẻn. - Ngọ-trai: Ngọ =mười hai giờ trưa; Trai = bữa cơm chay. Theo giới-luật Phật-giáo Nguyên-thủy, tỳ-kheo chỉ ăn mỗi ngày một bữa, vào buổi trưa mà thôi. - Hiền-trí: Hiền = hiền-lành; Trí = có trí-huệ. - Thiện-đạo = đường lành. Có ba thiện-đạo: (1)cõi người; (2) cõi thần, hay A-tu-la ( =Asura, tiếng Pali), (3) cõi Trời. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện thuật lại việc cúng-dường chư Tăng, thường thấy ngày nay: nhiều người chung sức nhau lại để thực-hiện việc bố-thí. Đây là một công-đức tạo phước đáng quí. Ý-nghĩa của Tích chuyện, cũng giống như bài trước, là ở lời Phật dạy: "Đừng bỏ qua điều thiện nhỏ mà chẳng làm." Thường làm điều thiện nhỏ, dễ làm hơn, sẽ tập được tánh-tốt có thói quen biết chia-xẻ cùng người khác. Thái-độ của ông Bình-lập, nhận biết lỗi của mình mà xin sám-hối, rất đáng khen. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 122: Hai bài Kệ số 121 và 122 giống nhau ở sự tích-chứa lâu ngày của các hành-vi đã làm: hễ làm được điều thiện nhỏ nhiều lần, thì phước-đức cũng gia-tăng lên theo. Nên nhớ: đừng bỏ qua một cơ-hội nhỏ để làm lành; và cũng đừng xem nhẹ mà phạm điều lỗi nhỏ. Ý-nghĩa sâu-xa của hai bài Kệ là nói đến thói quen làm lành, hay làm ác; thói quen đó gây thành Nghiệp, rồi tuỳ theo nghiệp tốt hay xấu, mà con người sẽ được sung-sướng hay khổ-sở. HỌC TẬP: 1.- Học thuộc lòng hai bài Kệ, để ghi nhớ: tập thói quen làm lành, lánh dữ, dầu trong mọi việc nhỏ-nhặt. 2.- Xin đề-nghị vài điều giúp ta tập cho trẻ con có thói quen làm việc thiện: - dẫn trẻ đi chơi, thấy có người ăn xin nghèo khó, móc tiền đưa cho trẻ, bảo mang đến tặng người ăn xin. - bảo trẻ chọn các đồ-chơi cũ, lau chùi lại cho sạch, đem hiến-tặng các cơ-quan từ-thiện. - dẫn trẻ đi chùa, đến giờ ăn, bưng dọn tiếp thức ăn; ăn xong giúp dọn-dẹp và lau rửa chén bát: đó là góp sức nhỏ mọn của mình vào việc thiện. (101).- Tích chuyện thương-gia Đại Đà-na.Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị thương-gia tên Đại-Đà-na. Thuở ấy tại nước Xá-vệ có một vị thương-gia giàu-có lớn, tên là Đại-Đà-na, thường hay đi buôn xa. Ông đang chuẩn-bị một chuyến buôn lớn, đem theo nhiều xe bò chở hàng-hoá quí-giá, nghe tin có một đoàn tỳ-kheo sắp lên đường, theo chung một lộ-trình. Đại-Đà-na liền đến chùa, mời chư Tăng tháp-tùng với mình, nguyện cung-cấp lương-thực trong thời-gian du-hành. Chư tăng đồng-ý và hẹn ngày cùng khởi-hành. Hành-trình sắp xuyên qua một khu rừng già, cây-cối um-tùm, vốn là sào-huyệt của một bọn cướp độc-ác giết người, giựt của. Đại-Đà-na dừng lại tại một ngôi làng gần ven rừng. Dân-chúng đến báo tin, bọn cướp đang chuẩn-bị phục-kích trong rừng, chờ đoàn khách-thương đến sẽ ra tay. Vì lo đến sự an-ninh của chư Tăng, Đại-Đà-na dừng lại, tạm-trú trong làng, và khuyên chư Tăng nên quay trở lại để tránh mối hiểm nguy. Khi về đến chùa Kỳ-viên, chúng Tăng đến lễ Phật và thuật lại chuyến đi dở-dang cùng sự nguy-hiểm của cuộc du-hành, Đức Phật nhơn đó mới dạy rằng: "Nầy chư tỳ-kheo, thương-gia Đại-Đà-na thấy được mối hiểm-nguy nên tránh khỏi. Cùng thế ấy, người muốn sống lâu, chẳng đến gần nơi có thuốc độc; bực hiền-trí thông-hiểu ba cõi dục-giới, sắc-giới và vô-sắc-giới có đầy cạm-bẫy gian-nan, nên tránh xa các tội-ác." Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Như khách thương ít người
đồng-bọn, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Đại-Đà-na: tên vị thương-gia nầy, tiếng Pali là Mahàdhana. - Thương-gia: Thương =buôn-bán; Gia = nhà; Thương-gia là người chuyên lo việc buôn-bán. - Lộ-trình: Lộ =đường đi; Trình = đi qua. Lộ-trình = đường vượt qua. - Tháp-tùng = đi chung với ai. - Du-hành: Du =du-lịch, đi chơi; Hành = đi. Du-hành là chuyến đi. - Khởi-hành: Khởi = bắt đầu. Khởi-hành là bắt đầu đi. - Hành-trình: Trình = đi qua. Hành-trình, lộ-trình là đường đi qua. - Sào-huyệt: Sào = ổ; Huyệt = hang.Sào-huyệt là chỗ ở kín-đáo của bọn cướp. - Phục-kích: Phục = nằm núp chờ; Kích = chống đánh. Phục-kích là núp chờ để đánh lén. - Dở-dang = chẳng thành được, bỏ dở nửa chừng. - Ba cõi: ba cảnh sống trên thế-gian, gồm có:1) cõi Dục-giới (tiếng Pali là Kàmabhava) có mười-một cảnh thuộc về các ham-muốn thể-xác; (2) cõi Sắc-giới (tiếng Pali là Rùpabhava) có mười-sáu cảnh còn hình-chất thuộc Trời Phạm-thiên thấp; (3) cõi Vô-sắc-giới (tiếng Pali là Arùpabhava) có bốn cảnh chẳng còn hình-sắc thuộc Trời Phạm-thiên cao. - Đồng-bọn = chung một bọn, chung một đoàn. - Cõi trần: Cõi = nơi sanh-sống; Trần = bụi-bặm. Cõi trần là cõi ta đang sống; coi như bụi-bặm chẳng đáng quí, vì nhỏ, ngắn và đầy khổ-sở. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Nhơn câu chuyện người thương-gia biết tránh chọn đường đi nguy-hiểm, Đức Phật dạy, ở đời phải biết tránh tội-ác, cũng nguy-hiểm như thuốc-độc, như bọn cướp vậy. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 123: Ý-nghĩa bài Kệ được nói trong Tích chuyện là phải tránh xa tội-ác. HỌC TẬP: - Học kỹ bài Kệ, ghi nhớ: cần tránh xa tội-ác, xem tội-ác như bọn cướp đoạt công-đức của mình, như thuốc độc giết chết đời sống tu-hành. (102).- Tích chuyện vợ chồng người thợ s ăn Khúc-cư.Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Tịnh-xá Trúc-lâm, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến vợ chồng con cái người thợ săn tên là Khúc-cư. Thuở ấy, ở thành Vương-xá có một thiếu-nữ, con nhà giàu-có, tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã chứng được quả-vị Tu-đà-huờn. Một hôm cô ra chợ, gặp người thợ-săn tên là Khúc-cư, đem da thú đi bán. Cô phải lòng người thợ-săn và ưng lấy người ấy. Hai vợ chồng sanh được bảy người con trai, và theo năm tháng, cũng lập gia-đình có vợ con. Mùa hè năm ấy, Khúc-cư đi vào rừng, đặt bẫy săn thú. Sáng sớm hôm đó, Đức Phật trong cơn thiền-định, quán-sát khắp pháp-giới, thấy đã đủ cơ-duyên cho gia-đình của Khúc-cư chứng được quả-vị Tu-đà-huờn. Sau đó, Ngài lên đường đi vào rừng, dẫm dấu chơn lên gần chỗ đặt bẫy, rồi ngồi xuống bên gốc cây trong bụi rậm. Gần trưa, Khúc-cư đi thăm bẫy, thấy dấu chơn người đi, đến nơi chẳng thấy có thú nào mắc bẫy cả. Khúc-cư nghĩ, có lẽ ai đó đã bắt thú thả đi rồi, mới dò theo bước chơn, nom thấy Đức Phật đang ngồi trong lùm cây. Y nổi giận, định giương cung lên bắn, nhưng thấy Đức Phật ngồi yên, nên tay chơn của ý bủn-rủn, khiến cho mũi tên rớt xuống đất, rồi đứng bất động như bị Trời trồng. Các người con trai theo cha đi săn, nom theo dấu, nhìn thấy cha đang ủ-rủ trước một người lạ, tưởng đâu đó là kẻ thù của cha mình, định chạy đến đánh để cứu cha. Vừa lúc đó, vợ của Khúc-cư và bảy người dâu, mang cơm cho chồng cũng đến nơi. Bà Khúc-cư trông thấy các con sắp hành-hung, vội la lên: "Đừng có hỗn-láo với Cha lành của ta!" Nghe nói thế, Khúc-cư tưởng đó là cha-vợ của mình, còn bảy người con tưởng đó là ông ngoại của mình, nên trong lòng họ dẹp bỏ sự tức-giận mà khởi lên niềm yêu-thương. Bà Khúc-cư liền bảo: ‘Buông cung tên xuống hết, mau cúi đầu đảnh-lễ Đức Từ-phụ!" Mọi người cùng làm theo, bấy giờ Đức Phật nhận thấy thành-tâm của họ, mới vì họ mà giảng một bài pháp. Mọi người chăm-chú nghe xong, chứng được quả-vị Tu-đà-huờn. Khi trở về đến tịnh-xá Trúc-lâm, Đức Phật thuật lại cho Tôn-giả A-nan cùng chúng tăng nghe việc Ngài vừa hoá-độ cho gia-đình Khúc-cư ở trong rừng. Có một vị tỳ-kheo qùi xuống bạch Phật: "Bạch Thế-tôn, bà Khúc-cư trước đã chứng sơ-quả, nay có tội sát-sanh chăng, khi bà sửa-soạn cung, tên, lưới, bẫy giúp chồng đi săn thú?" Đức Phật dạy rằng, một vị Tu-đà-huờn chẳng hề giết-hại sanh-mạng. Bà Khúc-cư sửa-soạn cung tên cho chồng là tuân theo lịnh chồng mà làm, bà chẳng hề có ý-định sát-sanh, nên chẳng phạm tội. Đó cũng như một người có bàn tay chẳng bị trầy-trụa, nếu có cầm đến thuốc độc, cũng chẳng bị hại đến tánh-mạng của mình." Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Bàn tay lành-lặn, chẳng trầy, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Khúc-cư: tên người thợ săn nầy, tiếng Pali là Kukkutamitta. - Trúc-lâm: Trúc =cây trúc, cây tre; Lâm = rừng. Trúc-lâm là rừng tre trong vườn thượng-uyển của vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara). Vua xứ Ma-kiệt-đà (Magadha) nầy dưng-cúng khu vườn để xây tịnh-xá cho Đức Phật ngụ. Tên tịnh-xá Truc-lâm bằng tiếng Pali là Veluvana. - Vương-xá: thủ-đô nước Ma-kiệt-đà, tên Pali là thành Ràjagaha. - Tu-đà-huờn: quả-vị đầu-tiên của hàng Thanh-văn là những người đệ-tử sống gần bên Phật, nghe giảng kinh, tu theo Tứ-diệu-đế mà đắc-đạo. Quả Tu-đà-huờn, tiếng Pali là Sotàpatti, dịch là Nhập-Lưu, nghĩa là được bước vào giòng nước Thánh, còn được gọi là Thất-Lai, nghĩa là chỉ còn tái-sanh lại bảy lần nữa, thì chứng được Niết-bàn. Bực Tu-đà-huờn đã dứt bỏ được (1)thân-kiến, nghĩa là còn chấp lấy thân-tâm nầy là Ta, (2)nghi-hoặc, nghĩa là thiếu sự tin-tưởng vững-chắc vào Đạo-pháp; (3)giới-cấm-thủ, nghĩa là còn tin theo các sự cúng-tế thần-linh tà-đạo. - Phải lòng = tin theo và thương-yêu, muốn nên vợ-chồng. - Pháp-giới: danh-từ chuyên-môn Phật-học có nghĩa là thế-giới. - Cơ-duyên: Cơ = cơ-hội; Duyên =duyên-cớ. Cơ-duyên là dịp. - Bất-động: Bất = chẳng; Động = cử-động; Bất-động là đứng yên, chẳng nhúc-nhích được. - Hành-hung: Hành = làm; Hung = dữ. Hành-hung là làm dữ. - Đảnh-lễ = cúi đầu lễ lạy. - Từ-phụ = Cha lành: tiếng để chỉ vào Đức Phật, trọng như Cha. - Hoá-độ: Hoá = cải-hoá, sửa lại cho đúng; Độ = nghĩa gốc của chữ Hán-Việt độ là đưa qua sông; ở đây là giúp-đỡ cho. Chữ Hoá-độ trong Phật-học có nghĩa là chỉ dạy đạo-pháp cho ai, để người ấy biết cách mà tu-hành và trở nên người hiền-trí. -Sơ-quả: Sơ = ban-sơ, buổi đầu; Quả = quả-vị, kết-quả của sự tu-hành thành-công. Sơ-quả, ở đây, chỉ vào quả-vị thứ nhứt là Tu-đà-huờn. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện thuật lại gia-đình người thợ-săn được Đức Phật hoá-độ và chứng được quả-vị Tu-đà-huờn. Tại sao họ được hoá-độ? Vì Đức Phật nhận thấy thành-tâm của họ, bỏ sự sân-hận mà khởi lòng mến đạo. Trong phần thứ nhì của Tích chuyện, vị Tỳ-kheo hỏi, sửa-soạn cung tên giúp chồng đi săn, có bị tội sát-sanh không. Đức Phật bảo, phạm tội sát-sanh là khi nào có ý-định sát-hại trong tâm. Ý trong tâm là điều quan-trọng, tạo thành nghiệp; vì thế ta phải luôn giữ tâm cho trong-sạch. Đức Phật còn dạy, với người theo thiện-đạo dẫu gặp điều dữ cũng chẳng hề chi, giống như bàn tay lành-lặn dẫu có cầm thuốc độc cũng chẳng nguy-hiểm. Ta nên cẩn-thận hiểu lời dạy nầy, biết đức-hạnh của mình có vững-chắc chưa mà dám gần kẻ dữ. Thôi thì, có gặp thuốc độc là nên tránh xa ngay, như lời Đức Phật đã dạy trong bài trước, an-toàn hơn! (2)Ý-nghĩa của bài Kệ số 124: Ý-nghĩa bài Kệ nầy dành cho các bực có đức-hạnh vững-vàng, dấn thân vào sống cùng bọn dữ-ác, để cải-hoá họ. Điều khó là phải giữ cho mình đừng bị nhiễm vào thói xấu của kẻ dữ ở gần bên, giữ thật cẩn-thận, như giữ tay chẳng cho trầy-trụa mới dám cầm thuốc độc mà chẳng bị hại. HỌC TẬP: - Học kỹ bài Kệ, để giữ tâm-ý mình khi phải sống gần kẻ dữ. (103).- Tích chuyện người thợ s ăn Cổ-kha.Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Tịnh-xá Trúc-lâm, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến người thợ săn Cổ-kha. Thuở ấy ở nước Ma-kiệt-đà, có người thợ săn tên là Cổ-kha, buổi sáng sớm, dẫn đàn chó dữ đi vào rừng. Dọc đường, anh gặp một vị tỳ-kheo đang đi khất-thực. Anh cho đó là điềm xui-xẻo, có lẽ bữa nay chẳng săn được gì. Quả thật, hôm ấy anh chẳng bắt được thú rừng, bực-bội quay về, lại gặp vị tỳ-kheo ban sáng. Anh ta lẩm-bẩm, chỉ tại cái anh nầy mà mình về tay không. Vừa nghĩ, anh vừa xua đàn chó đến cắn vị tỳ-kheo cho bỏ ghét. Vị tỳ-kheo hoảng-hốt, vội leo lên thân cây bên lề đường để tránh chó. Dưới nầy, anh thợ-săn lại ác, lấy cây chĩa, thọt vào chơn vị tỳ-kheo. Đau quá, vị tỳ-kheo đánh rơi cả áo cà-sa, lại trúng ngay đầu anh thợ săn, trùm kín anh ta. Đàn chó vồ lại cắn xé, tưởng đó là người trên cây té xuống. Vị tỳ-kheo thấy tội-nghiệp, bẻ một cành cây, quơ xuống đuổi chó đi. Bấy giờ, bầy chó mới biết chúng đã cắn lầm đến chủ, liền bỏ chạy vào rừng. Xuống đến đất, vị tỳ-kheo đến bên người thợ săn để giúp đỡ, nhưng y đã bị chó dữ cắn chết mất rồi. Về đến tịnh-xá, vị tỳ-kheo đến bên Phật xin sám-hối tội-lỗi, vô-tình gây nên cái chết cho người thợ săn. Đức Phật bảo: "Nầy tỳ-kheo, hãy an-tâm, con chẳng phạm tội chi cả, giới-đức của con chẳng bị tì-vết gì. Kẻ săn bắn kia đã có dã-tâm muốn hại con là người vô-tội, thì phải chịu lấy hậu-quả nghiêm-khắc đó." Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Kẻ nào xâm-phạm người vô-tội, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa chữ: - Cổ-kha: tên người thợ săn nầy, tiếng Pali là Koka. - Các chữ: Trúc-lâm, Vương-xá, Ma-kiệt-đà, xin xem lại nghĩa ở bài trước, trang 322. - Cà-sa: phiên-âm tiếng Phạn Kasaya, áo màu vàng choàng bên ngoài của tu-sĩ Phật-giáo. - Tịnh-xá: Tînh = yên-tịnh, thanh-tịnh; Xá = nhà. Tịnh-xá là nơi cư-ngụ của người tu-hành, như chùa, tu-viện, am, cốc. - Giới-đức: đức-hạnh giữ đúng các điều răn-cấm trong Đạo. - Tì-vết: chỗ dơ, chỗ bị trầy-trụa. Ở đây, tì-vết có nghĩa là tội-lỗi. - Dã-tâm = bụng dạ xấu-ác. - Hậu-quả: Hậu = sau; Quả = kết-quả; Hậu-quả là kết-quả về sau của việc đã làm từ trước. - Lậu-hoặc: Lậu = rỉ chảy; Hoặc = lỗi-lầm. Chữ lậu-hoặc trong Phật-học dùng để chỉ các lỗi-lầm, phiền-não, từ trong tâm biểu lộ ( = rỉ chảy ra) ra bằng hành-động hay lời nói. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện thuật lại việc một người thợ săn vô-cớ xua chó cắn vị tỳ-kheo; nhưng vị tỳ-kheo chẳng bị hại gì vì leo kịp lên cây, còn kẻ ác kia lại bị chính đàn chó dữ của mình cắn chết. Ý-nghĩa quan-trọng của Tích chuyện là: hễ gieo việc ác thì phải chịu hậu-quả khốn-khổ về sau. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 125: Ý-nghĩa quan-trọng của bài Kệ: gây việc ác đến người vô-tội thì người gieo sẽ hứng chịu hậu-quả khốn-khổ về sau. Đó cũng như kẻ tung bụi ngược gió, bụi thổi ngược trở lại làm hại mắt mình. Trong bài kệ có câu: ...phạm người vô-tội, trắng-trong, lậu-hoặc dẹp xong, có nghĩa là người nầy đã chứng được quả-vị A-la-hán, vì đã dứt trừ tất cả phiền-não bên trong và tâm trở nên trắng-trong. HỌC TẬP: - Học kỹ bài kệ, ghi nhớ để tự răn mình, đừng hại kẻ vô-tội. (104).- Tích chuyện viên hồng-ngọc. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến viên hồng-ngọc và Trưởng-lão Thi-sa. Thuở ấy ở nước Xá-vệ, có một người thợ kim-hoàn mỗi ngày cùng vợ hay dâng-cúng thực-phẩm cho một vị Trưởng-lão tên là Thi-sa đến khất-thực. Một hôm, vào buổi sáng, vị Trưởng-lão bước vào sân, chờ được bố-thí, thì có một sứ-giả của vua Ba-tư-nặc đem đến một viên hồng-ngọc để người thợ kim-hoàn mài-dũa. Lúc ấy, người thợ từ trong bếp bước ra, tay còn dính máu, nhận viên ngọc để trên bàn, rồi quay trở vào trong để rửa tay. Có con ngỗng nuôi trong sân, nhìn thấy viên ngọc bị dính máu, tưởng là món ăn, bước lại ngoạm và nuốt vào cổ. Khi người thợ kim-hoàn trở ra, nhìn trên bàn chẳng thấy viên hồng-ngọc, mới hỏi vợ và con có ai lấy không. Không tìm thấy, người thợ mới nghi là vị Trưởng-lão đã lấy trộm viên ngọc, nhưng vị Trưởng-lão lắc đầu, bảo mình chẳng lấy. Mối nghi-ngờ nơi người thợ càng lúc càng gia-tăng, anh ta bực-tức, quên cả lễ-phép, sấn lại bên vị tu-hành, quát to: ‘Ông chẳng lấy viên ngọc, thì ai vào đây; nếu chẳng đưa ra, đừng trách ta tàn-ác."Miệng nói, tay nắm cổ vị Trưởng-lão đè xuống, dùng hèo đập mạnh. Máu đổ, người ngã, nhưng vị tu-sĩ già vẫn im-lìm. Người vợ ra can-ngăn cũng chẳng được. Bấy giờ, con ngỗng còn đứng gần đó, thấy có máu chảy quanh cổ vị Trưởng-lão, mới chạy đến, đưa mỏ vào hút uống. Đang cơn tức-giận, người thợ lấy chơn đá mạnh con ngỗng văng đi trúng vào vách tường, chết tốt. Vị trưởng-lão ngẩng đầu lên, hỏi: "Con ngỗng có thật đã chết rồi hay không?"Người thợ: "Cả ông nữa cũng sẽ chết như nó vậy, nếu chẳng chịu trả viên ngọc lại cho ta." Trưởng-lão từ-tốn bảo: ‘Nầy thí-chủ, chính con ngỗng đã nuốt viên ngọc!" Nghe thế, người thợ liền xách con ngỗng vào bếp, lấy dao mổ bụng, quả thật viên ngọc đang nằm trong dạ-dày con ngỗng. Bấy giờ, anh ta quá ăn-năn, đến đỡ vị Trưởng-lão ngồi trên ghế. Vợ anh băng-bó, còn anh qùi xuống xin sám-hối. Trưởng-lão Thi-sa phều-phào nói: "Thí-chủ nên đứng dậy. Việc xảy ra là do lỗi của bần-đạo, khi đi khất-thực thì chẳng nên bước vào trong nhà, mà phải đứng chờ ngoài cổng." Nói xong, Ngài thở hơi cuối cùng. Chiều hôm ấy, các vị tỳ-kheo đến thưa trình Đức Phật việc đáng tiếc xảy ra buổi sáng và hỏi: "Bạch Thế-tôn, chẳng biết các nhơn-vật nơi tiệm kim-hoàn sẽ thác-sanh về đâu?" Đức Phật bảo: "Nầy chư Tăng, con ngỗng được thác-sanh vào làm con trai của người thợ kim-hoàn; người chồng sẽ sa vào điạ-ngục, người vợ được sanh lên cõi Trời làm thiên-nữ. Còn Trưởng-lão Thi-Sa, đã chứng-đắc quả-vị A-la-hán lúc còn sống, nên nay chứng-nhập vào Vô-dư Niết-bàn." Rồi đó, Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Người thường từ bụng mẹ sanh ra. TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Hồng-ngọc: Hồng =màu hồng; Ngọc = viên đá quí. Hồng-ngọc là viên đá quí màu hồng, chói sáng. - Kim-hoàn: Kim =vàng; Hoàn =chiếc vòng. Hiệu Kim-hoàn là tiệm làm và bán đồ nữ-trang. - Thi-Sa: tên vị Trưởng-lão, tiếng Pali là Tissa. - Sứ-giả = người mang tin đến cho kẻ khác. - Ba-tư-nặc: tên vua xứ Câu-tát-la (Kosala), tiếng Pali là Pasedani. - Hèo = cây gậy cứng nặng, dùng để đánh-đập. - Từ-tốn = nói chẫm rãi và dịu-dàng. - Thí-chủ: Thí =bố-thí; Chủ =chủ, chủ nhà. Thí-chủ là người bố-thí, còn gọi là Thí-giả. Trái lại, người nhận của bố-thí là thọ-giả. - Dạ-dày = bộ-phận trong bụng để chứa đồ ăn ăn vào; thường gọi lầm là bao-tử. - Sám-hối: xin nhắc lại: ăn-năn, hối-tiếc và hứa chẳng tái-phạm . - Bần-đạo: Bần =nghèo; Đạo =đạo-sĩ; Bần-đạo là tiếng tự-xưng của các tu-sĩ; cũng như bần-tăng. - Thác-sanh: tái-sanh; sanh trở lại. -Thiên-nữ: Thiên = Trời; Nữ =phụ-nữ. Thiên-nữ là cô gái, đàn-bà trên cõi Trời. Đàn-ông là Thiên-nam. Còn Thiên-đế là vua cõi Trời. - Vô-dư Niết-bàn: Theo giáo-lý Nguyên-thuỷ, người chứng được quả-vị A-la-hán lúc còn sống sống trong cảnh Hữu-dư Niết-bàn, Hữu = có; Dư = dư-y, tức là tấm thân còn chịu nốt những nghiệp-báo còn sót lại. Khi chết đi, rời thân-xác nầy, sống vĩnh-viễn trong cảnh tịch-diệt gọi là Vô-dư Niết-bàn, chẳng phải tái-sanh trong sáu đường Luân-hồi nữa. - Thiên-đàng: ở đây có nghĩa là sanh lên các cõi Trời. - Vô-nhiễm: Vô = chẳng; Nhiễm = dính dơ. Vô-nhiễm ở đây có nghĩa là chẳng còn bị các lậu-hoặc, phiền-não làm bợn nhơ tâm của mình. Nói cách khác, bực Vô-nhiễm là người đã hoàn-toàn giải-thoát. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện rất lâm-ly, thuật lại đức nhẫn-nhục của một vị Trưởng-lão, thà im-lặng chịu bị đánh-đập hơn là nói lên sư-thật có thể làm chết con ngỗng. Ý-nghĩa quan-trọng của Tích chuyện là nêu gương anh-dũng của đức nhẫn-nhục. Trong phần sau của Tích chuyện, Đức Phật nói cho các tỳ-kheo biết nơi tái-sanh của các nhơn-vật tại tiệm kim-hoàn, đó là Ngài muốn cho các tỳ-kheo thấy rõ Luật Nhơn-quả: con ngỗng bị đá chết, sanh trở lại làm con người thợ kim-hoàn, để đòi nợ; người thợ phạm đến sanh-mạng của Trưởng-lão bị rơi vào điạ-ngục Vô-gián ( = bị hình-phạt chẳng ngừng-nghỉ); người vợ biết làm việc thiện, can-ngăn để cứu vị Trưởng-lão, nên được sanh lên Trời hưởng sung-sướng. Vị Trưởng-lão vì đã chứng quả-vị A-la-hán, chẳng còn bị tái-sanh, thì sống và chết ở cõi đời nầy, chẳng có chi khác-biệt mà phải sợ chết, tham sống. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 126: Bài Kệ số 126 phân-biệt các cõi: (1) cõi người, sanh ra từ bụng mẹ; (2) cõi điạ-ngục, trừng-trị kẻ dữ; (3) cõi Trời, dành cho người hiền-lương; (4) cõi Niết-Bàn, dành cho bực Vô-nhiễm, đã hoàn-toàn giải-thoát. (105).- Tích chuyện về ba nhóm Tỳ-kheo. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến ba câu hỏi của ba nhóm tỳ-kheo Thuở ấy, có ba nhóm tỳ-kheo khác nhau từ xa đến đảnh-lễ Đức Phật. Dọc đường, mỗi nhóm gặp phải một chuyện lạ, như sau: 1.- Nhóm thứ nhứt: Trên đường đi hướng về Kỳ-viên-tự, nhóm Tỳ-kheo nầy dừng chơn lại tại một ngôi làng, để khất-thực. Trong khi dân-chúng nấu cơm, sửa-soạn thức ăn, thì có một căn nhà bốc cháy lên dữ-dội. Tàn lửa bay lên cao; bỗng đâu một con quạ đen bay ngang qua, trúng lửa bị thiêu cháy rớt xuống chết. Các vị Tỳ-kheo chẳng biết duyên-cớ nào mà con quạ lại bị rủi-ro như thế, định khi đến gặp Phật sẽ hỏi. 2.- Nhóm thứ hai: Nhóm nầy dùng thuyền vượt biển để đi đến chùa Kỳ-viên. Giữa đường, thuyền bỗng dừng lại, chẳng di-động được. Các thủy-thủ trên thuyền dùng thẻ xâm để khấn xem ai là người trên thuyền nầy đã khiến cho thuyền bị nạn. Ba lần xin xâm đều nhằm vào người vợ của vị thuyền-trưởng. Ông nầy nói: "Nếu thần-linh đã bảo rõ như thế, thì phải quăng người đàn-bà nầy xuống biển, thì thuyền mới đi được." Nói xong, ông ra lịnh bắt trói người vợ, đeo vào cổ một viên đá nặng, rồi xô xuống biển. Các vị Tỳ-kheo chẳng rõ duyên-cớ nào mà người đàn-bà phải chịu số-phận hẩm-hiu như thế, định khi đến gặp Phật sẽ hỏi. 3.- Nhóm thứ ba: Nhóm Tỳ-kheo nầy đi đường bộ, gặp đêm tối, tìm chỗ tạm trú. Họ được chỉ một động-đá bên sườn núi. Bảy vị bước vào trong, bỗng đâu một hòn đá lớn lăn xuống, chận bít chỗ ra vào. Cả bọn hì-hục ngày đêm để đẩy hòn đá. Mãi đến ngày thứ bẩy, hòn đá mới xê-dịch, đủ để cho bảy vị bên trong thoát ra ngoài. Các vị Tỳ-kheo chẳng biết duyên-cớ gì đã khiến cho bảy vị thiếu may-mắn kia bị nhốt trong hang động, đói khát suốt bảy ngày. Họ định khi đến gặp Phật sẽ hỏi. Một thời-gian sau, cả ba nhóm Tỳ-kheo đồng đến một lượt tại chùa Kỳ-viên. Sau khi đảnh-lễ Đức Phật, mỗi người trong mỗi nhóm thuật lại chuyện lạ xảy ra cho nhóm mình, và thỉnh-cầu Đức Phật giải-thích rõ duyên-do của mỗi việc. Đức Phật lần-lượt giải-đáp như sau: 1.- Nhóm thứ nhứt: ‘Nầy các Tỳ-kheo, trong một kiếp xa xưa, có một người nông-phu nuôi một con bò. Bò rất lười-biếng, cả ngày gâm cỏ xong thì nằm ngủ. Chủ bò tìm đủ cách để bắt nó đi làm, nhưng bò rất ngoan-cố chẳng chịu cất bước. Chủ bò giận quá, mới lấy dây rơm cột cổ bò lại và nổi lửa lên đốt. Bò chết. Vì hành-động tàn-ác đó, chủ bò phải sa vào địa-ngục; đến khi mãn hạn ở địa-ngục, được sanh vào hàng súc-sanh và phải chịu chết cháy trong bảy đời liên-tiếp." 2.- Nhóm thứ hai: "Nầy các Tỳ-kheo, trong một kiếp xa xưa, có một người đàn-bà nuôi một con chó, đi đâu cũng dẫn nó theo. Một hôm bà đi ra chợ, bị một bọn thanh-niên chê chọc con chó, bà mắc-cỡ quá, mới tính giết con chó đi. Bà lấy dây buộc một cái chậu đầy cát, đeo vào cổ chó và trấn nước nó. Chó bị chết chìm. Vì hành-vi tàn-ác đó, người đàn-bà phải sa vào địa-ngục; đến khi mãn hạn khỏi địa-ngục, phải chịu cảnh chết chìm trong nhiều kiếp tái-sanh." 3.- Nhóm thứ ba: ‘Nầy các Tỳ-kheo, trong một kiếp xa xưa, có bảy người chăn bò thấy một con kỳ-đà đang bò vào một cái hang dưới một mô đất cao. Tinh-nghịch, họ lấy các nhánh cây khô chận bít cả bảy ngách của hang, khiến cho con kỳ-đà bị nhốt chẳng ra được. Sau đó, mấy kẻ chăn bò bỏ đi, quên bẳng việc con thú bị nhốt. Đến khi họ nhớ lại, tới giở các nhánh cây ra, thì con kỳ-đà mới thoát ra được, sau bảy ngày nhịn đói. Vì hành-vi ác-độc đó, bảy kẻ chăn bò đó trong mười bốn kiếp tái-sanh, sẽ bị giam-nhốt trong hang và chịu đói khát bảy ngày." Bấy giờ có một vị Tỳ-kheo thốt lên rằng: ‘Bạch Thế-tôn, con thấy chẳng có cách nào trốn thoát được ác-báo cả, cho dầu có bay trên trời cao, hay lặn xuống biển cả, hoặc chui vào hang đá, hễ gây nhơn xấu là phải chịu quả xấu." Đức Phật bảo: "Đúng như thế, trên thế-gian nầy, chẳng có nơi nào mà tránh khỏi ác-báo của hành-vi bất-thiện cả." Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây: Dầu bay vút trên trời cao, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Di-động: Di = di-chuyển; Động = động-đậy. - Thuỷ-thủ: Thuỷ = nước; Thủ = bàn tay; Thủy-thủ = người làm công trên tàu-bè. - Xin xâm = tục-lệ dùng các thẻ tre, khấn vái, lắc ống cho thẻ rớt ra, theo đó mà suy-đoán ý-định của vị thần-linh. Có vẻ dị-đoan. - Thuyền-trưởng: Thuyền =tàu-bè; Trưởng = lớn. Thuyền-trưởng là vị chỉ-huy một chiếc tàu. - Hẩm-hiu = thiếu may-mắn, bị khốn-khổ. - Duyên-cớ = Duyên-do = lý-do tại sao, vì cớ gì . - Ngoan-cố = cứng đầu, chẳng chịu nghe lời dạy. - Súc-sanh = thú-vật, chẳng có trí thông-minh. - Trấn nước = nhận chìm xuống nước cho chết ngộp. - Kỳ-đà = loài bò-sát thân to, thường sống cả trên bờ và dưới nước - Ác-báo: Ác = tàn-ác, dữ-dằn; Báo = báo đền, báo thù. Ác-báo là hậu-quả xấu-ác xảy ra sau, do một hành-động ác trước đã gây ra. - Nhơn, Quả: Nhơn = nguyên-nhơn, cớ; Quả = kết-quả, hậu-quả. - Bất-thiện: Bất = chẳng; Thiện = lành. Bất-thiện là ác, chẳng lành. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Bài nầy có đến ba Tích chuyện, nhưng cùng chỉ đến hậu-quả của việc làm ác khi trước. Đó là ác-báo thế nào cũng xảy ra cho người đã làm việc bất-thiện, dầu trốn đi đâu cũng chẳng khỏi. (2) Ý-nghĩa cvủa bài Kệ số 127: Bay lên trên không-trung, lặn dưới biển-cả, chui rút vào hang đá, cứ tưởng đâu là nơi trốn-tránh được an-toàn, nhưng ý-nghĩa của bài Kệ dạy, chẳng có nơi nào thoát khỏi ác-báo của việc bất-thiện cả. HỌC TẬP: 1.- Học thuộc lòng bài Kệ và ghi nhớ Tích chuyện, để khuyên-răn trẻ-con chớ có hành-hạ, gây đau-đớn cho thú-vật. 2.- Khuyến-khích con-cái giúp-đỡ các Hội Bảo-vệ Súc-vật. (106).- Tích chuyện vương-tử Thiện-giác . Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Cây Sung, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vương-tử Thiện-giác. Thuở ấy, vương-tử Thiện-giác vốn dòng họ Thích-ca, là cha của Đề-bà-đạt-đa và công-chúa Da-du-đà-la, vợ của Thái-tử Tất-đạt-ta. Vương-tử Thiện-giác mang niềm hiềm-hận đối với Đức Phật Thích-ca, vì hai lý-do. Thứ nhứt là trước kia, Thái-tử Tất-đạt-ta đi tu, bỏ công-chúa Da-du-đà-la ở lại một mình, khiến công-chúa phải sống trong cô-đơn. Thứ hai là về sau, vì hay binh con là Đề-bà-đạt-đa, khi vị nầy gia-nhập Tăng-đoàn, đã có thái-độ thù-nghịch với Đức Phật. Một hôm, khi biết được Đức Phật và chư Tăng đi khất-thực trong thành Ca-tỳ-la-vệ, vương-tử Thiện-giác cùng bọn người hầu-cận ngồi uống rượu thật say, chận đường Đức Phật đi ngang qua. Khi Đức Phật cùng chúng Tăng đến nơi, vương-tử chẳng chịu dời tránh đi, bảo rằng: "Sa-môn Cồ-đàm nhỏ tuổi hơn ta, sao ta lại phải nhường đường cho ông ấy." Đức Phật mới quay đi sang đường khác. Vương-tử Thiện-giác liền cho người rình theo Đức Phật, xem Ngài có nói gì về ông ta không. Đi một đỗi đường, Đức Phật nói với thị-giả A-nan rằng: "Nầy A-nan, trong bảy ngày nữa, vương-tử Thiện-giác sẽ chết vì bị đất nứt hút xuống, ngay tại nấc thang bước vào thềm cung-điện." Người kia nghe được liền thuật lại cho vương-tử Thiện-giác. Ông ta cười bảo: ‘Ta sẽ có cách làm cho lời tiên-đoán của Sa-môn Cồ-đàm trở nên sai-bét!" Vương tử ra lịnh cho bọn thợ hồ cạy hết các bực thang trước thềm, làm một lối đi khác, và dặn người túc-trực ở đó để nhắc Vương-tử nếu quên mà đi ngang qua chỗ cũ. Bảy ngày hôm sau, vương-tử Thiện-giác đang dùng bữa, bỗng đâu con ngựa quí của ông nổi chứng, chạy lồng-lộn vào. Vương-tử đứng lên chận ngựa lại, lôi kéo nhau, đến bên chỗ thềm cũ, rồi đất nứt ra, hút cả vừa ngựa vừa người, lọt xuống hang sâu chẳng thấy đáy. Tin Vương-tử bị đất hút được các tỳ-kheo thưa trình lại với Phật. Đức Phật nói: "Nầy các tỳ-kheo, dầu bay cao trên trời, bơi ra khơi ngoài biển cả, hay chui rút vào hang đá, chẳng có nơi nào trên thế-gian nầy mà con người trốn khỏi tay của Thần Chết." Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Dầu bay vút trên trời cao, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Vương-tử: Vương =vua; tử = con; Vương-tử là người dòng vua. - Thiện-giác: tên thật vị vương-tử tiếng Pali là Suppabuddha. - Chùa Cây Sung: tên ngôi chùa nầy tiếng Pali là Nigrodhàràma; Nigrodhà là loại cây to lớn, có trái nhỏ, tròn, trong có hột như hột mè, mùi-vị thơm, ngọt, tựa như trái sung ở nước Việt ta. - Đề-bà-đạt-đa:tên thật bằng tiếng Pali là Devadatta, vị tỳ-kheo đã ba lần mưu-sát Đức Phật. - Da-du-đà-la: tên thật công-chúa tiếng Pali là Yasodharà, rất đẹp và hiền, vợ của Thái-tử Tất-đạt-ta (Siddhattha) trước khi đi tu thành Phật. - Tất-đạt-ta: tên của Đức Phật Thích-ca, khi ngài còn là Thái-tử, con vua Tînh-phạn (Suddhodana), chưa đi tu. Tiếng Pali là Siddhattha. - Ca-tỳ-la-vệ: tên thủ-đô của nước Xá-vệ, nơi Thái-tử Tất-đạt-ta sống khi chưa đi tu. Tiếng Pali là Kapilavatthu. - Hiềm-hận = mối giận-hờn ghi sâu trong lòng. - Cô-đơn = sống một mình. - Sa-môn = tu-sĩ Phật-giáo, tiếng Pali là Samana. - Cồ-đàm = họ của Đức Phật Thích-ca, tiếng Pali là Gotama. - Một đỗi đường: một khoảng đường đã đi qua. - Tiên-đoán: Tiên =trước; Đoán = nói về chuyện chưa xảy ra. Lời tiên-đoán là lời đoán trước sự việc sẽ xảy ra. - Túc-trực = ở mãi tại một chỗ để canh-chừng. - Nổi chứng = bỗng trở nên hung-hăng, khó trị. - Thần Chết: sự chết-chóc. Người ta thường lầm-tưởng là khi sắp chết, con người bị một vị thần-linh đến bắt dẫn linh-hồn đi. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện kể lại cái chết của Vương-tử Thiện-giác, tuy được Đức Phật báo trước, nhưng cũng chẳng thế nào tránh khỏi được. Chuyện kể việc đất nứt ra, hút sâu vào lòng đất, ngày nay ta khó tin, vì đất nứt chỉ xảy ra trong các cuộc động-đất. Nhưng rất có thể, vì chạy theo con ngựa điên, bị lôi đến bực thềm, lọt xuống hố đào sẵn còn cây gỗ đá ngổn ngang, bị thương nặng mà chết. Ý-nghĩa của Tích chuyện là chẳng ai tìm được cách nào mà khỏi chết cả, hễ đã sanh ra có thân-thể, thì sẽ có ngày thân-thể ấy bị huỷ-diệt mà chết, chẳng cách nào trốn tránh được. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 128: Bài Kệ nầy giống với bài Kệ trước, số 127, giống ở chỗ chẳng có nơi trú-ẩn an-toàn nào cả, và khác với bài Kệ trước, là trước thì trốn chạy ác-báo, còn sau thì cố tránh cho khỏi chết. Cả hai bài đều nói lên sự bất-khả-kháng ( =chẳng chống-cự nổi được) đối với ác-báo, và đối với cái chết. Đây là sự-thật muôn đời mà người học Đạo phải thấu rõ và phải có thái-độ đứng-đắn đứng trước các việc xấu-ác, cũng như trước sự chết. Gặp việc xấu-ác, cần phải tránh xa, đó là con đường để thoát khỏi ác-báo về sau. Đã sanh ra làm người, mang tấm thân tứ-đại nầy, có sanh thì có diệt, con người muốn tránh được cái chết trong cõi Luân-hồi, chỉ có cách là gắng công tu-tập để chứng được cảnh Vô-sanh, chẳng còn bị sanh-tử, tử-sanh ràng buộc nữa, để khỏi bị tái-sanh thì sao lại bị chết nữa được. HỌC TẬP: 1.- Học thuộc lòng cả hai bài Kệ, để ghi nhớ: con người chẳng thể trốn-tránh khỏi ác-báo nếu đã gây ra tội-lỗi, và cũng chẳng có ai là khỏi phải chết cả. 2.- Đừng nghe theo lời mê-tín chạy đi tìm thuốc "trường-sanh" để sống mãi chẳng già. Đó là lời dối-gạt, chớ nên tin theo, đã mất tiền, lại còn đem chất độc vào mình hại thân. -ooOoo- X.- Phẩm Hình-phạt. (107).- Tích chuyện hai nhóm Tỳ-kheo đánh nhau.Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến vụ đánh-lộn giữa hai nhóm Tỳ-kheo. Thuở ấy có một nhóm Tỳ-kheo mười bảy vị đang lo tu-bổ và quét dọn sạch-sẽ một khu nhà bỏ trống trong chùa Kỳ-viên để làm nơi cư-ngụ. Lại có một nhóm Tỳ-kheo khác, gồm có sáu vị, thấy thế, mới đến chiếm lấy, bảo rằng: "Chúng tôi cao tuổi đạo hơn các bạn, các bạn phải nhường chỗ nầy lại cho chúng tôi ở." Mười bảy vị kia chẳng nhịn, sanh ra tranh-cãi nhau, rồi lại dùng võ-lực đánh nhau với sáu vị kia. Bấy giờ, việc ẩu-đả đó đến tai Đức Phật. Ngài quở trách cả hai nhóm Tỳ-kheo và đặt ra giới-luật nghiêm-cấm tỳ-kheo chẳng được đánh nhau. Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Ai cũng sợ run trước gậy-gộc, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Tu-bổ = sửa chữa lại cho đầy-đủ, cho tốt hơn. - Cư-ngụ: Cư = cư-trú, ở; Ngụ =trú-ngụ, ở. Cư-ngụ = đến sống ở đó - Tuổi đạo: cứ tham-dự một kỳ an-cư kiết-hạ là thêm một tuổi đạo. - Võ-lực = sức mạnh về tay chơn. Dùng võ-lực là đánh nhau. - Ẩu-đả: Ẩu =đánh-đập; Đả =đánh. Ẩu-đả là đánh nhau, đánh lộn. - Giới-luật = điều luật răn cấm. - Gậy-gộc = hèo, gậy, dùng để đánh nhau. - Hãi-hùng = sợ-hãi, lo-lắng. - Tử-vong: Tử =chết; Vong = mất. Cuộc tử-vong là sự chết-chóc. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện thuật lại vụ ẩu-đả giữa hai nhóm Tỳ-kheo, một nhóm ỷ mình cao tuổi đạo, đến giành chỗ của một nhóm khác. Hai bên cãi và đánh nhau, bị Đức Phật quở. Giới-luật cấm đánh nhau giữa các Tỳ-kheo, được Đức Phật đặt ra là ý-nghĩa của Tích chuyện, khuyên ta chớ tranh-cãi và đừng dùng võ-lực để giải-quyết mọi sự bất-hoà. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 129: Thử phân-tách từng câu của bài Kệ: - Câu 1: Ai cũng sợ run trước gậy-gộc: tâm-lý con người sợ bị đánh-đập đau đớn thân-thể. Găy-gộc là một loại vũ-khí bằng cây cứng. - Câu 2: Ai cũng hãi-hùng cuộc tử-vong: ai cũng sợ chết cả. - Câu 3: Xét lòng mình, biết lòng người khác: mình mà sợ thì phải biết kẻ khác cũng sợ như mình. Ta chẳng muốn, có ai lại muốn đâu? - Câu 4: Đừng giết và cũng đừng bảo giết: lời khuyên nầy mới thật là đầy-đủ: chẳng giết, chưa đủ; phải chẳng giết và đừng sai bảo kẻ khác giết, thì mới đầy-đủ được. Sai người giết, tội còn nặng hơn là giết. Ý-nghĩa quan-trọng của bài Kệ nói lên tinh-thần hiếu-hoà, vô-tác-hại trong Phật-giáo: thà mình chịu nhẫn-nhục hơn là dùng võ-lực gây ra ẩu-đả, khiến cho cả hai phe đều bị thiệt-hại cả. HỌC TẬP: 1.- Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ khi giữ giới thứ nhứt của người tu tại-gia: chẳng sát-sanh. Dùng ý-nghĩa bài Kệ để giảng-giải cho trẻ, tập cho chúng biết tinh-thần bất-bạo-động trong Phật-giáo. 2.- Thử tập nhịn: nhịn ai, chẳng phải là vì sợ thua, mà chính là thắng được lòng mình muốn báo thù. Thắng được lòng mình, chẳng hờn-giận, chẳng cau-có, đó là chiến-thắng vẻ-vang nhứt mà chỉ một mình mình biết và cảm thấy niềm vui nhẹ-nhàng ở nội-tâm mình. Đừng ngại, hễ nhịn rồi sẽ bị lấn-hiếp tới: hãy cảnh-cáo cho kẻ kia biết rằng, mình đang nhịn, chớ chẳng phải mình đang sợ đâu. (108).- Tích chuyện một nhóm Tỳ-kheo hay doạ-nạt. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một nhóm Tỳ-kheo thường hay doạ-nạt. Thuở ấy, có một nhóm Tỳ-kheo gồm sáu vị, tranh-cãi và ẩu-đả với một nhóm tỳ-kheo khác gồm mười bảy vị, nhơn việc giành nhau khu nhà trống trong chùa Kỳ-viên. Sau khi Đức Phật quở trách và cấm các Tỳ-kheo, chẳng được đánh lộn với nhau, cả hai nhóm vẫn chưa hoà-thuận. Họ lại tranh-cãi nhau dữ-dội. Nhóm Tỳ-kheo cao tuổi hạ lại cung tay doạ-nạt nhóm Tỳ-kheo kia. Sự-việc đến tai Đức Phật. Một lần nữa, Đức Phật quở các vị Tỳ-kheo đã thiếu tinh-thần hoà-giải, chẳng biết đem đức-tánh bất-bạo-động ra cư-xử cùng nhau. Đức Phật liền ra điều giới-luật cấm tất cả tỳ-kheo, chẳng được cung tay ra doạ-nạt ai. Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Ai cũng sợ run trước gậy-gộc, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Doạ-nạt: hăm-he khiến cho người khác sợ-hãi. - Hoà-giải: Hoà = hoà-thuận, bình-yên; Giải = cởi-mở. Hoà-thuận là vui-vẻ cùng nhau, chẳng hờn-giận nhau, chẳng cãi nhau. - Bất-bạo-động: Bất = chẳng; Bạo = hung-bạo, tàn-ác; Động = hành-động. Tinh-thần Bất-bạo-động là tánh tốt chẳng dùng võ-lực, theo đường-lối hiền-hoà mà giải-quyết việc tranh-chấp. - Sống-còn: tiếng Hán-Việt là Sanh-tồn; trái nghĩa với chữ Tử-vong. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện nầy liên-quan đến Tích chuyện số (107) ở bài trước. Hai nhóm tỳ-kheo tranh-chấp, dành chỗ ở, trước dùng võ-lực để giải-quyết, bị Đức Phật quở-trách. Sau họ chẳng dùng võ-lực nữa mà lại cung tay ra doạ-nạt nhau. Đức Phật khuyên dạy họ phải có tinh-thần hiếu-hoà và dùng tánh bất-bạo-động mà đối-xử cùng nhau. Chẳng đánh nhau, mà lại cung tay doạ đánh, thì cũng như đánh nhau: đánh nhau bằng lời doạ-nạt, đó là ý-nghĩa của Tích chuyện. (2) Ý-nghĩa bài Kệ số 130: Bài Kệ nầy giống bài Kệ trước về ý-nghĩa cũng như về lời văn; chỉ khác nhau ở câu thứ nhì về cách hành-văn: - Ở bài trước: Ai cũng hãi-hùng cuộc tử-vong, - Ở bài sau: Ai cũng mến thương cuộc sống-còn, Cả hai câu đều hàm ý-nghĩa: Ai cũng muốn được sống bình-yên. Ý-nghĩa bài Kệ nầy cũng giống bài Kệ trước: đừng dùng võ-lực để đối-xử với nhau; phải biết áp-dụng tinh-thần bất-bạo-động của Phật-giáo trong cuộc sống chung ở xã-hội. HỌC TẬP: 1.- Học thuộc lòng cả hai bài Kệ số 129 và 130: để khi gặp dịp, biết nêu cao tinh-thần bất-bạo-động của Phật-giáo. 2.- Giải-thích cho trẻ-con trong nhà biết: giơ dao lên doạ chém còn nặng tội hơn là lỡ tay chém phải kẻ khác. Tại sao? Ý-định giết-hại nẩy sanh trong đầu là mầm của nghiệp ác. Lại nữa, doạ-nạt gây ra sợ-hãi cũng tai-hại như thật-sự làm hành-vi ác, đó là một cách đánh nhau bằng lời nói, đánh nhau bằng đòn tâm-lý. 3.- Răn-dạy trẻ-con như sau: lỡ tay làm ai chảy máu, chỉ cần xin lỗi; mà giơ dao lên doạ chém, thì bị đòn ba roi. Nhắc-nhở chúng rằng: Một cái giá dao bằng ba cái chém! (giá dao = giơ dao lên để doạ.) (109).- Tích chuyện lũ trẻ đập rắn.Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến lũ trẻ-con đập một con rắn. Vào một buổi sáng, Đức Phật đang cùng chư Tăng đi khất-thực trong thành Xá-vệ, dọc đường, Ngài gặp một lũ thiếu-niên cầm roi, gậy hò hét, đánh-đập một con rắn bên lề đường. Ngài dừng lại, hỏi tại sao chúng lại đập rắn như thế. Chúng trả lời, vì sợ bị rắn cắn, nên phải đập rắn cho chết đi. Đức Phật bảo: "Nếu chúng cháu sợ bị đau-đớn, sao các cháu lại làm đau-khổ cho kẻ khác? Nếu nay các cháu làm hại đến kẻ khác, thì trong kiếp sau, các cháu chẳng có được hạnh-phước đâu." Rồi quay lại các vị Tỳ-kheo, Đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây: Ai muốn cầu cho mình được
hạnh-phước, Ai muốn cầu cho mình được
hạnh-phước, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Khất-thực: Xin nhắc lại: Khất = xin; Thực =ăn. Đức Phật đặt ra giới khất-thực, buộc các vị Tỳ-kheo phải đi xin ăn, chớ chẳng được có nghề riêng sanh-sống, vì Ngài muốn Tỳ-kheo phải hạ mình xuống, dẹp bỏ lòng tự-ái, để có dịp gặp dân-chúng chỉ-dạy giáo-pháp cho họ. - Xá-vệ = một nước ở miền Bắc Ấn-độ, quê-hương của Đức Phật Thích-ca. Tiếng Pali là nước Sàvatthi. - Thiếu-niên: Thiếu = còn trẻ; Niên = năm, tuổi. Thiếu-niên là người còn trẻ, tuổi từ 10 đến 19 tuổi. Sau tuổi thiếu-niên, là tuổi thanh-niên. - Kiếp sau = đời sau. Theo thuyết Luân-hồi của nhà Phật, sau khi chết đi khỏi cõi đời nầy, chúng-sanh lại tái-sanh trong đời kế-tiếp. - Hạnh-phước = sự may-mắn, sung-sướng, yên-vui trong dời sống. - Tước-đoạt = cướp giựt. - Gậy-gộc = khúc cây cứng, to, dùng để đánh-đập. - An-lạc: An = yên; Lạc = vui. An-lạc là yên vui, sung-sướng. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện rất giản-dị: vì sợ bị rắn cắn, lũ trẻ đập rắn chết. Đức Phật trông thấy con rắn bị hành-hạ, khổ-sở đến chết, mới ngăn lũ trẻ, và dạy chúng, đừng vì muốn mình khỏi bị hại mà lại đi hại kẻ khác. Có thể có người cho rằng, con rắn độc, nếu mình chẳng giết nó, nó sẽ hại mình. Mới nghe thì có lý; nhưng suy-nghĩ lại: đâu phải tự-nhiên vô cớ mà rắn cắn mình. Tại nình đạp nó, đi gần bên nó, nó mới cắn. Lời dạy của Đức Phật đặt trên căn-bản công-bằng: mình chẳng muốn mình bị hại, thì đừng hại ai. Lời dạy của Đức Phật còn đặt trên căn-bản từ-bi: thương-yêu tất cả mọi chúng-sanh, chẳng phân-biệt kẻ hiền, người dữ, bạn hay thù. Thái-độ đứng-đắn đối với các người dữ-ác và các độc-vật, là ta nên tránh xa, để khỏi bị hại, đồng thời cảnh-cáo người khác đừng gần. (2) Ý-nghĩa của hai bài kệ số 131 và 132: Cả hai bài Kệ nói về Luật Nhơn-Quả: đời nầy hại người, ác-báo sẽ đến vào đời kế; nay chẳng hại người, sau sẽ được yên-vui. Tước-đoạt hạnh-phước của người là làm sao? Trong bài kệ nói dùng gậy-gộc, đó là nói đến dùng võ-lực để hành-hạ kẻ khác. Nhưng đoạt hạnh-phước còn có nhiều cách xấu-ác khác, dùng mưu-gian, lường-gạt, dụ-dỗ, v.v. cần phải tránh xa, vì đó là tạo nên ác-nghiệp. Hạnh-phước to lớn nhứt là gì? Đó là hạnh-phước được sống-còn trong an-vui. Vì lẽ đó, giới thứ nhứt: cấm sát-sanh là để tôn-trọng sanh-mạng, đồng thời tôn-trọng hạnh-phước to lớn nhứt của chúng-sanh. HỌC TẬP: - Học kỹ hai bài Kệ, để ghi nhớ và dạy trẻ chớ bứt cánh bướm, chớ đuổi bắt chuồn-chuồn, chớ bắn chim, chớ câu cá, v.v... (110).- Tích chuyện Trưởng-lão Khuôn- đà-na.Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Trưởng-lão Khuôn-đà-na. Thuở ấy, có vị Tỳ-kheo tên là Khuôn-đà-na, kể từ khi gia-nhập Tăng-đoàn, đi đâu cũng bị một hình-bóng mờ-mờ của môt người đàn-bà theo bên cạnh. Hình-bóng đó, các người chung quanh đều nhìn thấy, nhưng riêng vị Tỳ-kheo ấy lại chẳng nom ra, nên chẳng biết mình bị một người đàn-bà đeo theo mãi. Khi đi khất-thực, các người tín-chủ thường dâng-cúng hai phần ăn, bảo một phần dành cho Tỳ-kheo Khuôn-đà-na, còn phần kia dành cho người đàn-bà. Tiếng đồn có vị Tỳ-kheo dắt đàn-bà đi theo bên cạnh, lan rộng ra. Một người tâu lên vua Ba-tư-nặc việc đó, và xin vua hãy đuổi người Tỳ-kheo thiếu đức-hạnh đó ra khỏi nước. Vua Ba-tư-nặc dẫn quân đến bao vây tịnh-xá nơi Tỳ-kheo Khuôn-đà-nà trú-ngụ. Nghe tiếng quân-lính ồn-ào, Tỳ-kheo Khuôn bước ra đứng trước cửa. Hình-bóng người đàn-bà hiện lên bên cạnh. Biết có vua đến, Tỳ-kheo Khuôn-đà-na liền thỉnh vua vào phòng. Khi Vua vào, hình-bóng người đàn-bà lại biến mất. Vua hỏi: "Người đàn-bà đi đâu rồi?" Vị Tỳ-kheo chẳng hiểu, hỏi lại: "Tâu đại-vương, người đàn-bà nào?" Nhà vua ngẫm-nghĩ một lát, mới bảo Tỳ-kheo Khuôn-đà-na hãy bước ra khỏi phòng xem sao. Khi vị Tỳ-kheo ra khỏi được vài bước, bóng người đàn-bà lại hiện lên, đi theo sau. Nhưng đến khi vị Tỳ-kheo trở lại vào phòng, thì hình-bóng ấy lại biến mất. Nhà vua kết-luận, hình-bóng người đàn-bà đó chỉ là ảo-ảnh, và Tỳ-kheo Khuôn-đà-na chẳng phải là người thiếu đức-hạnh mê nữ-sắc, nên mới mời ông đến hoàng-cung mỗi ngày để được cúng-dường thực-phẩm. Các vị tỳ-kheo đồng-tu rất ngạc-nhiên trước quyết-định của nhà vua, mới bảo: ‘Nầy Tỳ-kheo Khuôn-đà-na, ông là người chẳng có giới-hạnh, đi đâu cũng dắt người đàn-bà theo bên cạnh. Nay nhà vua lại mời ông đến hoàng-cung để cúng-dường, ông sẽ bị đoạ xuống địa-ngục, không sai!" Nghe nói thế, Tỳ-kheo Khuôn-đà-na tức giận quát: ‘Chính ông mới sa vào địa-ngục, chính các ông mới dẫn người đàn-bà theo sau mãi bên mình!" Rồi sau đó hai bên cãi-vã om lên. Chuyện đến tai Đức Phật. Ngài cho gọi Tỳ-kheo Khuôn-đà-na đến và hỏi rằng: "Nầy Tỳ-kheo Khuôn-đà-na, ông có chính mắt thấy các vị tỳ-kheo kia dắt đàn-bà theo sau bên mình không?" Tỳ-kheo Khuôn-đà-na bạch: "Bạch Thế-tôn, con chẳng thấy người đàn-bà nào theo sau các vị Tỳ-kheo cả." Đức Phật lại bảo: "Ông chẳng thấy có người đàn-bà đi theo họ, cũng như họ đã thấy hình-bóng một người đàn-bà đi theo ông vậy. Ông có biết tại sao ông bị bóng người đàn-bà theo đuổi ông mãi vậy không? Đó là vì trong một kiếp trước, ông sanh lên cõi Trời, thấy có hai vị Tỳ-kheo khắn-khít với nhau, ông ghen tức, mới hoá hình làm thân người nữ, đeo theo một người, để phá rối họ. Vì hành-động xấu-xa đó, nên kiếp nầy, ông phải chịu quả-báo, bị bóng một người đàn-bà theo đuổi mãi. Kể từ rày, ông chớ nên cãi-cọ với các vị tỳ-kheo đồng-tu nữa, mà phải biết ngậm miệng im lặng như chiếc chuông bể chẳng tiếng ngân. Bằng cách ấy, ông tu-tập tinh-tấn, sẽ chứng được cảnh an-lạc của Niết-bàn." Rồi đó, Đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây: Nói lời thô-lỗ cộc-cằn, Nếu biết giữ mồm trong yên-lặng, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Khuôn-đà-na: tên vị tỳ-kheo nầy tiếng Pali là Kondadhàna. - Gia-nhập: Gia = tham-gia, dự vào; Nhập = đi vào. Gia-nhập Tăng-đoàn là được nhận vào làm Tỳ-kheo trong chùa. - Khất-thực = xin nhắc lại: đi xin ăn (Khất =xin; thực = ăn). - Tín-chủ: Tín =tin-tưởng; Chủ = người chủ. Tín-chủ là người tin-tưởng theo đạo, hay bố-thí nên còn được gọi là thí-chủ, thí-giả. - Ba-tư-nặc: tên đức Vua xứ Câu-tát-la (Kosala), rất sùng-mộ đạo Phật. Tên tiếng Pali là Pasenadi. - Ảo-ảnh: Ảo =giả, thấy như có thật, mà chẳng thật có; Ảnh = hình-bóng. Ảo-ảnh là hình bóng giả, như nhìn qua khung kiếng ở cửa sổ thấy có bóng mình trên kiếng; bóng ấy là ảo-ảnh. - Mê nữ-sắc: Nữ =phụ-nữ, đàn-bà cô gái; Sắc =sắc đẹp. - Hoàng-cung: Hoàng = hoàng-đế, vua; Cung = cung-điện. Hoàng-cung là đền-đài nơi vua ở. - Giới-hạnh: Giới = điều răn-cấm trong đạo Phật; Hạnh = hạnh-kiểm, thái-độ, hành-động, cách cư-xử. Người có giới-hạnh tốt biết giữ điều răn. - Quả-báo = Quả =kết-quả, hậu-quả; Báo = báo đền, báo-thù. Vì trước đã có hành-động xấu làm nguyên-nhơn, nên nay phải chịu quả-báo xấu, đó là Luật Nhơn-quả báo-ứng về sau. - Xí-xô = ồn-ào, om-sòm. - Niết-bàn: xin nhắc lại vắn-tắt: đó là tâm-trạng người đã dứt bỏ hết các phiền-não, sống an-nhiên, tự-tại trong niềm an-lạc. - Hiềm-hận: Hiềm =thù-hiềm; Hận = sân-hận, giận-hờn. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Trước khi tìm hiểu ý-nghĩa của Tích chuyện, xin bàn qua về điểm: Tích chuyện có thật không, hay mơ-hồ, huyền-hoặc, chẳng đáng tin? Theo lý mà xét, Tích chuyện mang vẻ huyễn-hoặc, mơ-hồ, khó tin, vì ngày nay ta chẳng thấy có ai bị một bóng-hình nào theo đuổi như trong trường-hợp của vị Tỳ-kheo Khuôn-đà-na. Nhưng nếu ta suy-nghĩ lại: việc kết-tập các Tích chuyện do người sau viết lại khi Đức Phật đã nhập Niết-bàn, có thể thêm ít nhiều chi-tiết vào, khiến câu chuyện mang vẻ huyền-bí, huyễn-hoặc, thì ta nên bỏ qua phần cốt chuyện, và chỉ chú-tâm vào lời dạy của Đức Phật ghi ở phần cuối. Lời dạy đó: đừng cãi-vã nhau, phải tập im-lặng và tinh-tấn tu-hành để sớm chứng được cảnh Niết-bàn an-lạc. Rất có thể, vì Tỳ-kheo Khuôn-đà-na có một dĩ-vãng xấu, nay tuy đi tu, vẫn còn bị dĩ-vãng xấu đó theo ám-ảnh mãi và những người khác khi thấy ông, họ nhớ đến dĩ-vãng đó, tựa như bóng ảo-ảnh bám theo ông vậy. Thiện-Nhựt có biết một chuyện thật, hơi giống việc nầy. Trong xóm có anh Hai L. ghiền rượu, thường lén bắt chó của người ta, đem giết đi để ăn thịt. Hai L. đi đâu là mấy con chó trong xóm sủa vang lên. Dân chúng biết, bảo nhau rằng Hai L. bị mấy hồn oan của chó bị giết theo bám, cho nên đi đâu lũ chó trong xóm nghe thấy mới sủa vang lên như thế. Thiện-Nhựt bấy giờ còn nhỏ, tin theo; đến khi lớn lên, nghĩ lại, tại Hai L. hay đi bắt chó ăn thịt, nên lũ chó đánh hơi Hai L. là sủa vang để báo-động cho nhau. Cái tật bắt chó ăn thịt để nhậu-nhẹt của Hai L. đến loài chó cũng biết, huống là các người xung-quanh. So với việc ảo-ảnh người đàn-bà bám theo Tỳ-kheo Khuôn, chắc cũng chẳng khác bao nhiêu. Như đã thưa trước, ý-nghĩa của Tích chuyện là lời dạy của Đức Phật: đừng cãi-vã nhau, hãy tập im-lặng, giữ khẩu-nghiệp cho trong sạch và tinh-tấn tu-hành để sớm chứng được cảnh an-vui Niết-bàn. (2) Ý-nghĩa hai bài Kệ số 133 và 134: Cả hai bài khuyên ta nên giữ-gìn khẩu-nghiệp cho trong-sạch. Giữ cách nào? Trước, đừng cãi-vã với ai. Sau, tập giữ im-lặng, đừng lắm lời, nhiều chuyện. Tập im-lặng cách nào? Thường ta nghe nói có người tu tịnh-khẩu, nghĩa là suốt ngày chẳng nói lời nào. Đây là việc khó, có miệng thì phải nói, nín làm sao được. Nhưng khi mình tịnh-khẩu, việc quan-trọng chẳng phải chỉ là câm cái miệng lại như chuông bể chẳng tiếng ngân, mà còn là: Trong tâm chẳng mang niềm hiềm-hận nữa. Nghe ai nói nặng, nín chẳng trả lời lại, tốt lắm! Nhưng nếu chẳng trả lời, mà trong bụng hờn-giận, ghi đó, để "khi tao hết tu tịnh-khẩu, tao sẽ cho nó một bài học". A! Nếu trong bụng còn sân-hận, thì tịnh-khẩu có ích-lợi gì, chẳng qua là dồn-nén đó, rồi khi gặp dịp bật ra, còn dữ-tợn hơn gấp bội. HỌC TẬP: 1.- Học thuộc lòng hai bài Kệ, ghi nhớ và để dạy trẻ biết nín nhịn. 2.- Giảng cho trẻ biết: hai người chưởi-bới nhau, cũng như cả hai đang lấy lọ-nghẹ bôi vào mặt nhau, một lát cả hai mặt đen thui, xấu lắm! (111).- Tích chuyện các bà thọ Bát-quan-trai. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Đông-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến các bà tín-nữ thọ Bát-quan-trai. Chùa Đông-viên nằm về phía Đông chùa Kỳ-viên, do bà ưu-bà-di Vi-sa-kha xây cất và dâng-hiến cho Ni-đoàn. Dạo ấy, có hàng trăm vị phụ-nữ trong vùng đến chùa Đông-viên, để thọ Bát-quan-trai-giới. Khi buổi lễ xả giới đã xong, bà Vi-sa-kha đến hỏi các người giới-tử lý-do vì sao họ tới đây để thọ Bát-quan. Những người già-cả đáp, họ mong-muốn được hưởng hạnh-phước sanh lên cõi Trời trong kiếp tới. Các bà trung-niên bảo, họ đến chùa thọ Bát là để khỏi phải sống cả ngày với các người vợ bé của chồng ở nhà. Còn các cô thiếu-nữ thì đáp, họ mong-mỏi sau nầy được gặp một người chồng tốt, xứng-đáng, để có hạnh-phước trong gia-đình. Sau đó, bà Vi-sa-kha đưa các nữ-giới-tử đến yết-kiến Đức Phật ở đại-sảnh-đường. Bà bạch Phật các lời ước-nguyện của các hạng giới-tử. Đức Phật liền giảng-dạy như sau: "Này tín-nữ Vi-sa-kha, Sanh, Già, Chết là những điều tất-yếu mà mọi chúng-sanh phải trải qua. Hễ đã sanh ra, thì sẽ lớn lên, già-yếu rồi chết đi, tái-sanh lại theo vòng lẩn-quẩn. Phải biết cách tu-tập để khỏi phải trôi lăn mãi trong sáu cõi của Luân-hồi." Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Người chăn bò tay
cầm cây gậy, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Bát-quan trai-giới: Bát =tám; Quan =đóng lại; Trai = (ăn) chay; Giới = điều răn-cấm. Lễ Bát-quan-trai-giới được Phật đặt ra để cho các người tu tại-gia, vì bận-bịu gia-đình, nghề-nghiệp, đến chùa tu trong 24 tiếng đồng-hồ, tuân theo tám điều giới-luật. Theo giáo-lý, ai thọ Bát-quan mà lòng trong-sạch, giữ gìn giới-luật thật thanh-tịnh, thì khỏi phải sa vào địa-ngục. Tám điều cấm trong lễ Bát-quan: (1) cấm sát-sanh, (2) cấm trộm-cắp, (3) cấm tà-dâm, (4) cấm nói dối, (5) cấm uống rượu, (6) chẳng ăn phi-thời (ăn sái giờ-giấc), (7)chẳng trang-điểm, nằm giường cao, (8) chẳng xem hát-xướng. Lễ Bát-quan, tiếng Pali là Uposatha Sila. - Chuà Đông-viên: ngôi chùa nầy được bà Vi-sa-kha xây cất về phiá Đông chùa Kỳ-viên, dưng-cúng cho Ni-đoàn. Tên Pali là Pubbàràma. - Ưu-bà-di: phiên-âm tiếng Phạn Upàsikà, nữ-cư-sĩ tu tại-gia của Đạo Phật. Tín-đồ của Đức Phật gồm có Tứ Bộ-chúng: (1)Tỳ-kheo (Bhikkhu) nam tu-sĩ xuất-gia; (2) Tỳ-kheo-ni (Bhikkhuni), nữ-tu-sĩ xuất-gia, (3) Ưu-bà-tắc (Upàsaka) nam cư-sĩ tu tại-gia, còn gọi là cận-sự-nam và (4) Ưu-bà-di, còn gọi là cận-sự-nữ. - Ni-đoàn: Ni = tỳ-kheo-ni, nữ tu-sĩ xuất-gia.Ni-đoàn là đoàn-thể các vị ni-cô, từ bốn người trở lên, tu trong chùa. - Xả giới: Xả =chấm-dứt; bỏ; Giới =giới-luật, điều răn-cấm trong Đạo. Lễ xả-giới là buổi lễ tổ-chức sau 24 tiếng đã thọ Bát-quan-trai. Khi mới bắt đầu tu, thì làm lễ thọ-giới, theo đó, thầy truyền-giới đọc các giới lên; sau mỗi giới, người thọ-giới qùi nói: ‘Nguyện vâng theo." Tuy gọi là xả-giới, nhưng người cư-sĩ vẫn tiếp-tục tuân theo các giới-luật, sau buổi lễ thọ Bát, trong cuộc sống hằng ngày ở nhà. - Giới-tử: Giới = giới-luật, điều răn cấm trong Đạo; Tử = người, con. Giới-tử là người thọ giới; ở đây, chỉ các người tham-dự lễ Bát-quan. - Trung-niên: Trung =trung-bình, vừa vừa; Niên =năm, tuổi. Bực trung-niên vào khoảng bốn, năm mươi tuổi; thường gọi là tuổi xồn-xồn. - Đại-sảnh-đường: Đại = lớn; Sảnh = phòng; Đường = nhà. Đại-sảnh-đường là căn phòng lớn trong nhà, tức là phòng khách. - Tất-yếu: Tất =bắt-buộc phải có; Yếu = trọng-yếu, quan-trọng. Điều tất-yếu là điều quan-trọng bắt buộc phải có, chẳng tránh được. - Tái-sanh: Tái = trở lại, một lần nữa; Sanh = đẻ ra. Tái-sanh là sanh trở lại một lần nữa ở cõi đời nầy, sau khi đã chết. Đó là thuyết Luân-hồi của Đạo Phật. (Luân = bánh xe quay; Hồi = trở lại; tiếng Pali là samsàra.) - Sáu cõi: còn gọi là Lục đạo: (1) địa-ngục, (2) ngạ-quỉ, (3) súc-sanh, (4) người, (5) thần (hay A-tu-la) và (6) Trời. Ba cõi trước là cõi dữ-ác - Tử-sanh: Tử = chết; Sanh = sống. Cõi tử-sanh là cõi sống đi chết lại của cảnh Luân-Hồi. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện mang hai ý-nghĩa: (1)) Khuyên ta nên tham-dự một ngày thọ Bát-quan-trai-giới: đây là một lối tu dành cho những người còn bận-bịu việc gia-đình, được gia-nhập hàng ngũ xuất-gia trong 24 tiếng đồng-hồ. Đức Phật hứa rằng người thọ Bát biết giữ giới thanh-tịnh, lòng chí-thành trong-sạch, sẽ chẳng bao giờ sa vào địa-ngục. Lợi-ích thiết-thực nhứt cho người thọ Bát là gát hẳn các mối lo-âu hằng ngày, sống hoàn-toàn trong sự tĩnh-tâm. (2)) Tu phước còn thua Tu Huệ để giải-thoát: Khi nghe bà Vi-sa-kha trình-bày ước-nguyện của các giới-tử, Đức Phật cho đó là tu-phước để tạo phước-báu đời nầy hay đời sau. Đức Phật dạy, phải tu-tập để thoát khỏi vòng lẩn-quẩn của Luân-hồi, đó là đường-tu giải-thoát. Giải-thoát khỏi những gì? Giải-thoát khỏi các phiền-não trong tâm. Bằng cách nào? Mở-mang Trí-huệ để cắt đứt các phiền-não, bằng cách học-tập Kinh-kệ. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 135: Bài Kệ so-sánh Cảnh Già-Chết của con người với kẻ chăn bò dùng gậy lùa hết đàn bò ra bãi cỏ. Kẻ ấy lùa hết cả đàn bò, chẳng sót một con, cũng như Thần Chết chẳng chừa một ai sống-sót cả. Đó là định-luật rắn-chắc của kiếp nhơn-sanh. Muốn thoát khỏi, chỉ có một cách là phải tu-tập để được giải-thoát. Giải-thoát bằng Trí-huệ, vì thế phải chăm tu Huệ. HỌC TẬP: 1.- Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ Tu-Huệ quí hơn Tu-Phước. 2.- Đi chùa, làm công-quả, bố-thí cúng-dường là những công-tác đáng quí, nhưng đó là việc tu phước, còn chưa đủ. Phải lên Chánh-điện nghe Thầy giảng kinh, để biết cách tu-tập diệt-trừ phiền-não mới là đường-tu giải-thoát. 3.- Hùn tiền in kinh, ấn-tống kinh tạo nhiều phước-báu đáng quí. Nhưng ngồi chăm-chỉ nghe kinh, thưa hỏi để hiểu rõ kinh, cũng đáng quí, vì mở mang được Trí-huệ, trên đường-tu giải-thoát. (112).- Tích chuyện con tr ăn.Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến chuyện một con trăn. Thuở ấy, Tôn-giả Mục-kiền-liên cùng với Trưởng-lão Lạc-kha-na, vừa đi xuống lưng-chừng núi Linh-Thứu, bỗng Tôn-giả thấy một con trăn và lặng-lẽ mỉm cười một mình. Khi về đến chùa Kỳ-viên, trước mặt Đức Phật, Tôn-giả mới nói với Trưởng-lão Lạc-kha-na rằng, trong khi đi đường Tôn-giả đã gặp một con trăn lớn, dưới thân-hình một loài ngạ-quỉ, mình-mẫy bị lửa hừng thiêu-đốt. Đức Phật liền bảo, chính Ngài trước đây, sau khi thành Đạo, cũng nom thấy một con trăn ngạ-quỉ, mình-mẫy bị đốt cháy như thế, nhưng Ngài chẳng nói với ai, vì ngại người ta chẳng tin. Đến nay có Mục-kiền-liên thấy được con ngạ-quỉ đó, Đức Phật mới kể lại sự-tích của con trăn, như sau: Vào thời Đức Phật Ca-diếp, có một tên trộm rất ác-tâm. Y đã bảy lần đốt nhà của một người trưởng-giả giàu-có. Còn chưa vừa lòng, hắn lại đốt luôn Hương-phòng mà trưởng-giả đã dâng-hiến lên Đức Phật Ca-diếp, khi Ngài đang đi khất-thực. Vì tội-ác to-lớn đó, tên trộm bị sa vào địa-ngục nhiều đời kiếp. Đến khi mãn hạn trong địa-ngục, lại phải đầu-thai làm ngạ-quỉ, dưới thân hình một con trăn to lớn, mình luôn luôn bị ngọn lửa đốt cháy lần lần từ đầu đến đuôi, rồi từ đuôi đến đầu, chẳng ngưng-nghỉ. Đức Phật kết-luận: "Kẻ ngu-mê làm việc dữ mà chẳng ý-thức được hậu-quả xấu, nhưng kẻ ấy chẳng bao giờ thoát khỏi ác-báo cả." Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Người ngu hành-động
lỗi-lầm, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Tôn-giả: Tôn = tôn-trọng; Giả = người. Tôn-giả là bực đáng tôn-trọng. - Mục-kiền-liên: Đại-Mục-kiền-liên = vị đại-đệ-tử của Đức Phật Thích-ca, giỏi nhứt về thần-thông. Tên bằng tiếng Pali là Mahà Moggallàna, giáo-lý Bắc-tông gọi là Đại Mục-kiền-liên. - Lạc-kha-na: tên vị Trưởng-lão nầy, tiếng Pali là Lakkhana. - Con trăn: một loài giống như con rắn thật to, mình dài, gặp thú khác thì quấn chặt cho gảy xương, rồi hả miệng nuốt trộng. - Ngạ-quỉ: một loài chúng-sanh trong ba đường dữ, thân hình rất ốm-o, đầu và bụng to mà cổ thì nhỏ, luôn luôn bị đói khát, nên thường được gọi là quỉ đói; tiếng Pali là Peta. - Đức Phật Ca-diếp: Đức Phật Ca-diếp giáng trần trước Đức Phật Thích-ca, vị Phật thứ sáu của Hiền-kiếp, tiếng Pali là Kassapa Buddha. - Ác-tâm: Ác =hung-ác; Tâm = lòng. Kẻ có ác-tâm là kẻ có bụng-dạ hung-dữ, tàn-ác. - Trưởng-giả: Trưởng = lớn; Giả = người. Trong Phật-học, chữ Trưởng-giả là người giàu-có, đạo-đức cao, được mọi người kính-phục. - Hương-phòng: Hương = mùi thơm; Phòng = căn phòng. Chữ Hương-phòng dùng để chỉ căn phòng riêng của Đức Phật ở. Tiếng Pali là Gandhakuti. - Khất-thực: xin nhắc lại: Khất =xin; Thực = ăn. Theo giới luật của khát-sĩ của Đức Phật, tỳ-kheo chẳng được có nghề-nghiệp riêng để sanh-sống, mà phải đi xin ăn. Đó là vì Đức Phật muốn các tỳ-kheo phải dẹp lòng tự-ái, hạ mình xuống đi khất-thực; lại cũng có dịp cho các tỳ-kheo gặp-gỡ dân-chúng, để chỉ-dạy cho họ giáo-pháp mà tu-tập theo. - Điạ-ngục: Địa = đất; Ngục = khám, trại giam. Theo sự tin-tưởng trong Phật-học, người nay làm ác, khi chết đi, sa vào địa-ngục tối-tăm, chịu hình-phạt khổ-sở chẳng ngừng. Địa-ngục là một trong ba cõi dữ. - Đầu-thai: nhập vào thai mẹ để được sanh ra trong cõi đời, theo thuyết Luân-hồi (Luân = bánh xe quay; hồi = trở lại; sanh ra chết đi rồi sanh lại nữa.) - Ý-thức: Ý =ý-tưởng trong đầu; Thức = biết. Có ý-thức về một việc gì, có nghĩa là, việc đang xảy ra, mình thấy và để-ý trong tâm về việc đó. Nhưng để-ý suông chưa đủ gọi là có ý-thức, phải hiểu rõ về việc đó, vào lúc đó, mới gọi là có ý-thức về việc đó. Ở đây, người ngu chưa ý-thức việc mình làm sai, có nghĩa là người ngu ấy đang làm một việc lỗi-lầm, mà chẳng biết đó là lỗi, lại chẳng biết về sau sẽ bị hậu-quả xấu nữa. -Ác-nghiệp: Ác =xấu-ác, dữ-ác; Nghiệp: nghiệp-báo, tức là những hành-động cũ đã làm, tạo nên điều-kiện cho cuộc sống ngày nay. Ác-nghiệp sẽ gây nên những điều chẳng may khiến đời ta phải khổ-sở. - Dày-vò: chà-đạp, đè-nén, áp-bức, tóm lại là làm cho khổ-sở. - Áo-não = buồn-bã, than-khóc u-sầu. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện thuật lại việc Tôn-giả Mục-kiền-liên trông thấy một con trăn quỉ-đói, Ngài mỉm cười chẳng nói gì. Đến khi thuật lại cho Trưởng-lão Lạc-kha-na biết việc ấy, trước mặt Phật, thì được Đức Phật kể lại tiền-kiếp của con quỉ-đói. Trong kiếp trước, hắn là tên trộm độc-ác đốt nhà người, đốt cả Hương-phòng của Phật Ca-diếp, nên khi chết bị sa địa-ngục; mãn hạn ở địa-ngục, phải tái sanh làm con trăn, mình-mẫy bị lửa hồng thiêu-đốt chẳng ngừng. Nhơn việc nầy, Đức Phật bảo, người ngu-mê chẳng ý-thức được việc ác mình làm, nên phải chịu khổ-sở vì quả-báo Ý-nghĩa của Tích chuyện: trước khi làm một việc gì, phải suy-nghĩ chín-chắn, xét hậu-quả về sau, rồi mới thi-hành. Chẳng có ai làm ác mà tránh khỏi được ác-báo cả. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 136: Ý-nghĩa của bài Kệ rất rõ-ràng: hễ làm ác là tạo ác-nghiệp, rồi sẽ bị ác-báo rồi khổ-sở cả đời. Xin đặc-biệt lưu-ý hai câu chót: Ác-nghiệp do chính mình tạo nên trước, nay nó dày-vò mình phải chịu khổ-sở như đang bị lửa thiêu-đốt. HỌC TẬP: - Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ, mình tạo nên nghiệp-báo cho chính mình; nay sung-sướng hay khổ-sở, là do hành-động của đời trước. (113).- Tích chuyện Tôn-giả Đại Mục-kiền-liên.Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến cái chết của Tôn-giả Đại Mục-kiền-liên. Thuở ấy có bọn ngoại-đạo loã-thể Ni-kiền-tử muốn dành ảnh-hưởng với Đức Phật, nên dự-định ám-sát Tôn-giả Đại Mục-kiền-liên là vị đại-đệ-tử của Đức Phật. Chúng thuê bọn cướp giết người, rình-rập Tôn-giả đang ở làng Khả-la gần thành Vương-xá. Đến đêm chúng bao vây tịnh-xá nơí Tôn-giả trú-ngụ. Hay tin, Tôn-giả bỏ trốn, thoát được. Chúng lại tìm cách hại lần thứ hai, cũng thất-bại. Đến lần thứ ba, Tôn-giả quán-thấy trong tiền-kiếp mình, có làm một việc ác, nên nay phải chịu nốt quả-báo còn sót lại. Thế nên, Tôn-giả chẳng trốn-tránh nữa, nên bị bọn cướp bắt, đánh-đập tàn-nhẫn, lăn ra bất-tỉnh. Bọn cướp tưởng Tôn-giả đã chết, bỏ đi. Nhưng nhờ sức thần-thông nhập-định, Tôn-giả hồi-tỉnh lại và đi đến chùa Kỳ-viên bạch Phật rằng, Tôn-giả sẽ nhập Niết-bàn nay mai. Đức Phật bảo Tôn-giả nên hội-họp chúng Tăng lại và tuyên-dạy một bài pháp cuối cùng. Tôn-giả vâng lời, và sau thời-pháp, Tôn-giả qùi xuống lễ Phật bảy lạy, sau đó Tôn-giả nhập Bát-Đại-Niết-Bàn. Tin Tôn-giả Mục-kiền-liên bị bọn cướp sát-hại đến tai vua A-xà-thế, Ngài liền ra lịnh truy-lùng, bắt được cả bọn đem thiêu sống. Nhưng các vị Tỳ-kheo tiếc thương Tôn-giả Mục-kiền-liên, mới đến bạch Phật, thưa hỏi tại sao một vị tu-sĩ giới-đức cao-dầy như Tôn-giả Đại Mục-kiền-liên mà phải chết thê-thảm như thế. Đức Phật bảo: "Trong một tiền-kiếp, Mục-kiền-liên có phạm tội giết cha-mẹ, nên kiếp nầy, trước khi nhập Niết-bàn, phải trả nốt quả-báo xấu đó. Số là, kiếp xưa, cha mẹ Mục-kiền-liên đều mù-loà, sống nhờ con phụng-dưỡng. Mục-kiền-liên thờ-phụng cha-mẹ rất là hiếu-thảo. Đến khi có vợ, Mục-kiền-liên, nghe lời nói ra nói vào của vợ, mới dẫn cha-mẹ vào rừng, đánh chết, và dàn cảnh làm như hai cụ già bị bọn cướp giết chết. Vì tội-ác đó, Mục-kiền-liên phải sa vào địa-ngục A-tỳ trong nhiều đời; đến nay vào đời cuối cùng còn phải chết vào tay bọn cướp, để đền tội-ác." Đức Phật kết-luận: "Hễ ai làm ác hại đến người vô-tội, thì chắc chắn sẽ bị quả-báo khổ-sở nhiều đời." Rồi Đức Phật mới nói các bài Kệ sau đây: Dùng đao-trượng đập
tơi-bời, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Đại Mục-kiền-liên: tên Tôn-giả tiếng Pali là Mahà Moggallàna. - Loã-thể: Loã = loã-lồ, chẳng có mảnh vải che thân; Thể = thân-thể. Nhóm tu-sĩ ngọai-đạo nầy chủ-trương loã-thể, di xin ăn, người cầm đầu tên là Ni-kiền-tử ( =Nigantha). - Ám-sát = Ám =mờ-ám, lén-lút; Sát = giết. Ám-sát là rình giết lén. - Làng Khả-la = tên làng nầy bằng tiếng Pali là Kàlalkà. - Vương-xá: thủ-đô nước Ma-kiệt-đà (Magadha), trước được vua Tần-bìm-sa-la (Bimbisara) cai-trị, sau bị con cướp ngôi, là vua A-xà-thế (Ajàtasattu), cả bai vị vua đều tôn-sùng đạo Phật. - Quán-thấy: xin nhắc lại: khi ngồi nhập-định, trong tâm thấy rõ sự việc cũ, hay việc tương-lai, đó là quán-thấy trong tâm thanh-tịnh. - Thần-thông = sức lực mạnh-mẽ của người đang cơn thiền-định thâm-sâu. Có thể bay lên trời, lặn xuống nước, v.v. -Hồi-tỉnh = Hồi = trở lại; Tình = tỉnh-táo. Tỉnh lại sau khi chết giấc. - Nhập Niết-bàn: đi vào cảnh tịch-diệt, chẳng tái-sanh nữa. - Truy-lùng: tìm kiếm cho ra kẻ thủ-phạm. - Tiền-kiếp: Xin nhắc lại: trong một đời sống trước đời nầy. - Nói ra nói vào: cứ nói mãi để người nghe phải chịu nghe theo lời mình. Thưiờng nói ra nói vào về ai là nói xấu kẻ đó. - Điạ-ngục A-tỳ: đây là cõi âm, u-tối, trừng-phạt kẻ có tội. Địa-ngục nầy có tên là A-tỳ (tiếng Pali là Avìci), chịu hình-phạt chẳng ngưng. - Đao-trượng = Đao = dao to; Trượng = gậy-gộc để đánh-đập. - Người vô-hại: nghĩa ở đây là, người chẳng làm hại ai, người hiền - Quả-ác = ác-báo; chuyện chẳng may xảy về sau làm khổ-sở. - Lận-đận vua quan = mắc vòng tù-tội. - Trọng-tội = Trọng = nặng-nề; Trọng-tội là tội nặng-nề. - Hoả-tai = hoả = lửa; tai = tai-nạn; Hoả-tai là bị nạn lửa cháy. - Hình-hài = thân-thể. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích-chuyện: Tích chuyện kể lại việc Tôn-giả Mục-kiền-kiên chịu nốt quả-báo đời trước, vì đã giết chết cha-nẹ, nên nay phải bị đập chết, trước khi nhập Niết-bàn. Ý-nghĩa của tích-chuyện là lời dạy của Phật, chẳng ai thoát khỏi quả-báo đã gây ra, dầu đó là người đã tu-hành đạo-đức cao. (2) Ý-nghĩa của các bài Kệ từ số 137 đến số 140: Các bài Kệ kể lại mười quả-báo của người đã đánh-đập, giết hại kẻ vô-tội: khi còn sống phải chịu hiều tai-nạn; đến khi chết phải sa vào địa-ngục. Ý-nghĩa của các bài Kệ khuyên ta nên tránh các tội-ác, nhứt là đừng hà-hiếp kẻ vô-tội, yếu-đuối chẳng đủ sừc để chống-đỡ. HỌC TẬP: 1.- Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ để khuyên-răn những ai sắp làm tội-ác. Đừng thấy kẻ hiền-lành dễ ăn-hiếp mà lấn-áp, ác-báo sẽ xảy ra, chẳng chóng thì chầy, khó thoát được. 2.- Đề-nghị thực-tập lòng Từ-Bi, để dễ tránh sự độc-ác: - Bị muỗi cắn, lấy quạt quạt cho nó bay đi, đừng đập chết. - Đừng dùng thuốc sát trùng giết sâu bọ ngoài vườn rau. (114).- Tích chuyện Tỳ-kheo Bá-hộ-Th ăng.Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề cập đến vị Tỳ-kheo tên là Bá-hộ-Thăng. Thuở ấy, có một người rất là giàu-có ở nước Xá-vệ. Sau khi vợ mất, ông quyết-định di tu. Trước khi gia-nhập hàng ngũ Tỳ-kheo, ông xây cất một tịnh-xá khang-trang, có phòng riêng cho mình, có gian nhà chứa các đồ cần-dùng, song, chảo nồi, niêu. Mỗi khi ông muốn ăn thức gì các đầy-tớ của ông theo hầu nấu-nướng. Cuộc đời tu-hành của ông ta quá đầy đủ tiện-nghi, nên bạn đồng-tu mới đặt tên cho ông là Bá-hộ-Thăng. Một hôm có một vị Tỳ-kheo mời Bá-hộ-Thăng đến yết-kiến Đức Phật. Vị ấy trình Đức Phật rằng, mặc dầu đã đi tu, ông Thăng vẫn sống cuộc đời quá sung-túc, đem theo nhiều đồ-đạc bên mình. Đức Phật bảo Tỳ-kheo Bá-hộ-Thăng: "Nầy Tỳ-kheo, đã bao lần, ta khuyên các Tỳ-kheo phải sống một cuộc đời đạm-bạc, cớ sao ông lại mang theo nhiều tài-sản vậy?" Nghe Đức Phật quở, Tỳ-kheo Thăng phật-ý, nói xẵng: "Bạch Thế-tôn, Ngài muốn con sống đạm-bạc, con xin vâng" Vừa nói, ông ta liền cổi áo cà-sa choàng bên ngoài ra, chỉ mặc chiếc áo cánh. Đức Phật ôn-tồn bảo: ‘Này Bá-hộ-Thăng, trong kiếp trước ông tuy nghèo khó và chưa đi tu, nhưng lúc nào cũng giữ được tâm tàm biết hỗ-thẹn khi làm việc quấy, và tâm quí, biết lo-sợ tội-lỗi, sao nay đã là Tỳ-kheo rồi, ông lại cổi hai tâm-sở đó mà vứt xuống đất như thế?" Nghe Đức Phật trách như thế, Tỳ-kheo Thăng hối-ngộ, lòng biết-thẹn và lo-sợ tội-lỗi lại nổi kên trong tâm, ông liền quì xuống xin sám-hối. Đức Phật dạy: "Cởi bỏ áo cà-sa ra cũng chẳng làm cho Tỳ-kheo biết sống đạm-bạc, mà cần phải cởi bỏ dứt khoát sự nghi-hoặc trong lòng kia." Rồi Đức Phật mới nói lên bài kệ sau đây: Đâu phải vì thân loã-thể đi rong; TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Bá-hộ-Thăng: tên vị Tỳ-kheo nầy tiếng Pali là Bahubhandika. - Khang-trang = đẹp-dẽ, đầy-đủ tiện-nghi. - Sung-túc = đầy-đủ, dư-dả. - Đạm-bạc: lạt-lẽo, đơn-sơ, chẳng cầu-kỳ. - Phật-ý: chẳng bằng lòng. - Nói xẵng: nói lời cau-có, có vẻ hờn-giận bên trong. - Cà-sa = chữ Phạn Kasaya, áo màu vàng, tu-sĩ khoác bên ngoài. - Tâm-tàm: đây là tâm-sở ( =một cõi lòng) biết hỗ-thẹn khi mình sắp làm điều quấy. - Tâm quí: đây là tâm-sở biết lo-sợ tội-lỗi, nhờ đó mà tránh được. - Hối-ngộ = biết mình đang có lỗi và muốn sửa lại. - Sám-hối: xin lỗi và hứa chừa chẳng tái-phạm nữa. - Nghi-hoặc = nghi ngờ, chưa vững tin. - Loã-thể, bện-tóc, ngồi xổm: đây là những phái ngoại-đạo tu khổ-hạnh, mong rửa sạch tội-lỗi để được sanh lên cõi Trời Phạm-thiên. Ngày nay ở Ấn-độ, cũng còn các phái tu nầy. - Thanh-lọc: Thanh = trong; lọc = lượt cho sạch. Thanh-lọc tâm-hồn là dứt bỏ tư-tưởng xấu và nuôi dưỡng tư-tưởng tốt. - Hoài-nghi = nghi-hoặc, nghi-nhờ, chưa vững tin - Nhiếp-phục = làm chủ được, dẹp bỏ được. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện kể lại việc Tỳ-kheo Bá-hộ-Thăng còn chưa dứt khoát rời bỏ của cải để đi tu. Đức Phật dạy, đi tu phải sống đạm-bạc, trong tâm phải biết hỗ-thẹn khi làm điều quấy và biết lo-sợ khi phạm tội-lỗi. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 141: Bốn câu đầu của bài Kệ chỉ rõ bốn cách tu khổ-hạnh, ép-xác chẳng đưa đến sự thanh-lọc thân-tâm. Muốn thanh-lọc thân-tâm, để được tái sanh lên cõi Trời, thì cần dứt bỏ sự hoài-nghi và tu theo Thập-thiện. HỌC TẬP: - Học kỹ bài Kệ, để ghi nhớ, chớ chạy theo ngoại-đạo, tà-giáo. (115).- Tích chuyện vị đại-thần San-tạ-tị.Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị đại-thần tên là San-tạ-tị. Thuở ấy, vị đại-thần San-tạ-tị vâng lịnh vua Ba-tư-nặc, dẫn quân đi đánh dẹp một bọn phiến-loạn. Đắc thắng trở về, đại-thần San-tạ-tị được Vua trọng thưởng vàng-bạc rất nhiều và tặng thêm một người vũ-nữ tuyệt đẹp. Trong bảy ngày đêm, vị đại-thần hưởng các lạc-thú vật-chất, tiệc-tùng tưng-bừng, có cô vũ-nữ giúp vui. Quan tỏ ra rất bằng lòng, và yêu-mến cô ấy lắm. Sáng hôm sau, quan ra bờ sông để tắm rửa, gặp Đức Phật đang cùng chúng Tăng đi khất-thực. Quan San-tạ-tị gật đầu chào qua loa, rồi bước xuống dòng sông. Đức Phật mỉm cười. Ngài A-nan thấy vậy mới hỏi lý-do. Phật đáp: ‘’Chiều tối nay, vị đại-thần đó sẽ đến chùa, ta sẽ giảng pháp cho nghe, rồi chứng-đắc đạo-quả A-la-hán xong, liền nhập Niết-bàn." Quan San-tạ-tị cùng đoàn tùy-tùng tắm xong, lên bờ bầy tiệc rượu, ca hát, đến chiều trở về dinh. Tiệc vui lại tiếp-tục, cô vũ-nữ trang-phục lộng-lẫy ra nhảy múa làm cho quang-cảnh thêm náo-nhiệt. Bỗng đâu, giữa tiếng nhạc réo-rắt, cô vũ-nũ ngã lăn ra bất-tỉnh, sùi bọt mép, rồi chết luôn. Đó là vì mấy ngày qua, cô cố nhịn ăn, để thân-hình được mảnh-khảnh cho đẹp, nên nay kiệt-sức mà chết. Quan San-tạ-tị rất đau buồn, sực nhớ buổi sáng gặp Đức Phật, muốn đến chùa để tìm nguồn an-ủi. Cả đoàn lên đường. Đến nơi, quan qùi xuống thưa với Đức Phật: "Bạch Thế-tôn, xin Ngài giúp con qua khỏi cơn đau-khổ nầy, chỉ cho con làm cách nào để tâm con đuợc an-ổn." Đức Phật dạy: "Nầy quan đại-thần, nước mắt ông khóc người vũ-nữ trải qua bao kiếp Luân-hồi còn nhiều hơn nước biển ở các đại-dương. Nay ông muốn được an-tâm, hãy biết rằng, trong quá-khứ ông đã từng bấu-víu vào sự thèm-khát, hãy cởi bỏ nó đi. Trong tương-lai, đừng bao giờ để sự thèm-khát đến với ông nữa. Và ngay trong hiện-tại, cũng đừng bám chặt vào sự khao-khát nào, sự mê-đắm nào, tâm ông sẽ được an-nhiên và sớm chứng-đắc được cảnh-giới Niết-bàn." Nghe giảng xong, Quan San-tạ-tị liền chứng đuợc quả A-la-hán, nhận thấy đời sống ở trần-thế của mình cũng sắp chấm-dứt mới xin phép Đức Phật được nhập Niết-bàn. Đức Phật im lặng nhận lời. Quan San-tạ-tị ngồi theo thế kiết-già dưới gốc cây, quán-tưởng về hoả-đại, nhập vào diệt-tận-định, rồi chứng-đắc cảnh-giới Niết-bàn. Bấy giờ, thân-thể bốc cháy, tro xương bay lên cao, rớt xuống trên tấm vải trắng do các Tỳ-kheo theo lịnh Đức Phật trải phiá dưới để hứng hài-cốt. Sau đó, các tỳ-kheo mới thưa hỏi Đức Phật: ‘Bạch Thế-tôn, vị đại-thần nhập Niết-bàn trong trang-phục lộng-lẫy như thế, vậy Ngài là một sa-môn hay một bà-la-môn?" Đức Phật đáp: "Nầy chư Tăng, có thể gọi cả hai, sa-môn hay bà-la-môn cũng được." Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Một người ăn-mặc tuy diêm-dúa, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Đại-thần: quan lớn. - San-tạ-tị: tên vị đại-thần nầy tiếng Pali là Santati. - Ba-tư-nặc: tên vua xứ Câu-tát-la (Kosala), rất sùng đạo Phật, tiếng Pali là Pasenadi. - Phiến-loạn: giặc-giả nổi lên trong xứ chống lại nhà cầm quyền. - Đắc-thắng: thắng trận, dẹp yên được giặc. - Vũ-nữ: Vũ =múa; Nữ = cô gái. Vũ-nữ là cô gái múa hát khéo-léo. - Lạc-thú: Lạc = vui; Thú = thích-thú; Lạc-thú là trò vui ham-thích. - Chào qua loa = chào cho có lệ, chẳng có ý tôn-trọng. - Tuỳ-tùng: Tuỳ =đi theo, nghe lịnh; Tùng = theo hầu. Đoàn tuỳ-tùng là những người đi theo để hầu-hạ, sai khiến. - Trang-phục lộmg-lẫy = áo quần thật đẹp-đẽ. - Mảnh-khảnh = mảnh-mai, thon đẹp. - Kiệt-sức: Kiệt = kiệt-quệ, mất hết cả sức-lực. - Kiếp Luân-hồi = nhiều đời sống kế tiếp nhau chẳng dứt. - Đại-dương = biển to. Nước Việt ta nằm ven bờ Thái-bình-dương. - Quá-khứ: Quá =đã qua; Khứ = đi. Quá-khứ hay dĩ-vãng là thời-gian đã qua rồi. - Tương-lai: Tương =gần đến; Lai = đến. Tương-lai hay vị-lai là thời-gian sẽ đến sau. - Cảnh-giới Niết-bàn: Xin nhắc lại, đây là tâm-trạng người đã dứt hết các phiền-não, chẳng còn tái-sanh lại trong Luân-hồi, sống an-nhiên, tự-tại, trong cảnh tịch-diệt. - A-la-hán: quả-vị cao nhứt trong hàng Thanh-văn ( = các đệ-tử sống gần bên Phật, nghe kinh Tứ-Diệu-đế tu-tập), dứt hết phiền-não, chứng-đắc cảnh vô-sanh ( = chẳng tái-sanh nữa) của Niết-bàn. Tiếng Pali là Arahant. - Kiết-già: thế ngồi Thiền, hai bàn chơn gát lên hai đùi, lưng thẳng. - Quán-tưởng: ngồi suy-nghĩ sâu-xa về một đề-tài, trong tâm lặng-lẽ, chẳng bị vọng-tưởng trì-níu, cảnh-vật bên ngoài chẳng lôi-cuốn. - Hoả-đại: Hoả = lửa; Đại = lớn; ở đây chữ Đại chỉ vào bốn nguyên-tố: đất, nước, gió và lưả. - Diệt-tận-định: tâm-trạng người ngồi Thiền, vượt qua bốn cảnh Thiền, bốn cảnh định, đến cảnh diệt-tận-định, dứt được mọi cảm-xúc, mọi tri-giác. (Diệt-tận = tiêu mất hết.) - Hài-cốt: Hài = thân-thể, hình-hài; Cốt = xương-cốt. Hài-cốt là xương-thịt còn sót lại sau khi chết. - Sa-môn = tu-sĩ Phật-giáo; tiếng Pali là Samana. - Bà-la-môn = giai-cấp tu-sĩ ở Ấn-độ; tiếng Pali là Brahmana. - Diêm-dúa = đẹp sặc-sỡ, loè-lẹt. - Trầm-tĩnh: Trầm = trầm-lặng, chìm lặng; Tĩnh =yên-tĩnh. - Dục-vọng = Dục = ham-muốn; Vọng = trông-mong. Dục-vọng là lòng ham-muốn, thèm-khát. - Tiêu-trừ = dẹp hết, bỏ hết. - Phạm-hạnh: Phạm = khuôn phép; Hạnh = hạnh-kiểm, hành-động. Phạm-hạnh là tánh-tình tốt đáng làm khuôn-mẫu cho kẻ khác. - Các căn rèn-dũa: biết giữ-gìn các giác-quan, chẳng bị cảnh vật bên ngoài lôi-cuốn. - Đao-trượng khước từ: chẳng dùng dao, gậy đánh chém ai. - Phạm-chí: cùng một nghĩa với chữ Bà-la-môn. - Khất-sĩ: Khất =đi xin ăn; Sĩ = người. Khất-sĩ là vị tỳ-kheo đi xin ăn để nuôi sống, chẳng có nghề riêng. Tiếng Pali là Bhikkhu, tỳ-kheo. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện thuật lại việc một vị đại-thần hưởng đầy-đủ thú-vui vật-chất, vì quá yêu người vũ-nữ trẻ đẹp phải chết bất-ngờ, nên đến gặp Đức Phật tìm nguồn an-ủi. Đức Phật dạy, muốn tâm được an-ổn, phải dẹp bỏ lòng thèm-khát bấu-víu vào các dục-lạc, trong dĩ-vãng, tương-lai và hiện-tại. Nghe giảng xong, chứng được quả A-la-hán, ông giữ nguyên y-phục trang-trọng của một vị đại-thần, ngồi kiết-già và nhập Niết-bàn. Tích chuyện mang hai ý-nghĩa: (1) khi trong tâm đã thanh-tịnh, dứt bỏ mọi phiền-não, diệt được lòng khát-ái thì chứng được cảnh-giới Niết-bàn; (2) hình-dáng bên ngoài, y-phục diêm-dúa chẳng ngăn trở chi đến việc giữ tâm trầm-tĩnh, điều-phục các căn. Về điểm thứ hai nầy, bài Kệ sẽ giải-thích rõ thêm. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 142: Ý-nghĩa bài Kệ: hình-dáng bên ngoài chẳng quan-trọng bằng tâm bên trong, về phương-diện giải-thoát. Thử phân-tách từng câu của bài Kệ: - Một người ăn mặc tuy diêm-dúa: đây là hình-dáng bên ngoài. - Nhưng trầm-tĩnh, dục-vọng tiêu-trừ: tâm bên trong hoàn-toàn thanh-tịnh, trầm-tĩnh, dứt được dục-vọng, phiền-não. - Trong phạm-hạnh, các căn rèn-dũa: giới-hạnh thật trong-sạch, các căn ( =giác-quan) được điều-phục, chẳng bị cảnh ngoài lôi-cuốn nữa. - Chẳng hại ai, đao-trượng khước-từ: có tâm Từ-bi, thương người, chẳng hề làm hại chúng-sanh. - Đấy quả thật là bực Phạm-chí, bực Sa-môn, bực Khất-sĩ: xứng-đáng là bực đã hoàn-toàn giác-ngộ và giải-thoát, nên chứng-đắc Niết-bàn HỌC TẬP: - Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ: tu là tu Tâm, y-phục, hình dáng bên ngoài là điều thứ-yếu, chớ quan-tâm đến chi cho lắm. (116).- Tích chuyện Trưởng-lão Phí-lộ-thi. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Trưởng-lão Phí-lộ-thi. Thuở ấy, Tôn-giả A-nan trong một buổi đi khất-thực, gặp một chàng thanh-niên áo-quần rách rưới, tay cầm cái chén đi ăn xin, trông rất thảm-thương. Tôn-giả động lòng thương-hại, mới nhận cho làm Sa-di trong chùa. Sa-di Phí-lộ-thi liền dấu quần-áo và cái chén trong bụi râm bên lề đường, theo thầy về chùa tu-hành. Một thời-gian sau, tuy được ăn-uống đầy-đủ, học-tập kinh-kệ, nhưng anh vẫn nhớ đến cuộc đời phóng-khoáng bên ngoài, mới trở lại bụi cây, nhìn đóng quần-áo cũ. Anh thầm nghĩ: "Sao mình lại muốn trở lại cuộc đời lang-thang, thật là hỗ-thẹn biết bao!" Rồi anh quay lại chùa. Lại một thời-gian nữa, anh muốn sống lại khoảng đời xưa, đến bên gốc cây, nhìn đống quần-áo và cái chén mẻ, anh lại tự-trách mình, sao chẳng tiếp-tục tu-hành theo con đường giải-thoát. Lại trở về chùa lần nữa. Đi đi lại lại mấy lần như thế, khiến cho các vị đồng-tu lấy làm lạ, mới hỏi đi đâu vậy. Anh đáp: "Tôi đến thăm người thầy cũ của tôi." (Ý anh muốn nói đến đống quần-áo cũ và cái chén mẻ.) Bẵng đi một thời-gian lâu, chẳng thấy anh trở lại gốc cây nữa, các vị tỳ-kheo mới hỏi, sao bây giờ chẳng đến thăm thầy cũ như trước. Anh đáp: "Bây giờ mỗi khi tôi nhớ đến quần-áo cũ và cái chén mẻ, lòng tôi quán-chiếu đến cảnh vô-thường, vô-ngã, và khổ-đau của cuộc sống lang-thang, nên tôi chẳng còn thấy cần đến gặp chúng lại nữa. Tôi nay đã chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán rồi." Các Tỳ-kheo cho rằng Phí-lộ-thi chẳng nói đúng Sự-thật, mới cùng Phí-lộ-thi đi đến trình với Đức Phật. Đức Phật bảo: "Phí-lộ-thi đã nói đúng Sự-thật. Trước đây, Phí còn cần đến nhìn các vật cũ để quán-chiếu, nay đã biết tự mình phân-biệt được đường ngay với nẻo tà, thông-đạt được lẽ vô-thường, vô-ngã và đau-khổ của sự-vật, nên chứng được quả-vị A-la-hán. Vì thế, nên Phí chẳng còn giữ mối liên-hệ nào với "vị thầy cũ" của y nữa. Rồi đó Đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây: Thế-gian hiếm thấy được
người Như ngựa hay, ngọn roi vừa chạm, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Phí-lộ-thi: tên thật vị Trưởng-lão tiếng Pali là Pilotikatissa. - A-nan: vị thị-giả ( =người theo hầu bên cạnh) của Phật, vốn là em họ của Phật, một vị đại-đệ-tử, nổi tiếng là đa-văn (nghe nhớ nhiều, hiểu rộng); trong các kinh Đại-thừa, mở đầu có câu: "Tôi nghe như vầy:", đó là lời Ngài A-nan thuật lại. Tên tiếng Pali là Ànanda. - Sa-di: người mới được nhận vào chùa tập-sự tu-hành, chưa thọ giới Tỳ-kheo. Tiếng Pali là Sàmanera. - Phóng-khoáng = rộng-rãi, tự-do, chẳng gì ngăn-cấm. - Quán-chiếu: suy-nghĩ sâu-xa, lòng chẳng lo ra, chẳng bị cảnh-vật bên ngoài lôi-cuốn, trong khi ngồi Thiền. - Vô-thường: Vô = chẳng; Thường = thường-hằng, còn hoài. Lẽ vô-thường là một chơn-lý quan-trọng trong Phật-học, theo đó mọi vật có hình-tướng đều bị biến-đổi rồi cùng với thời-gian mà bị tiêu-diệt. Đời sống con người cũng vô-thường. - Vô-ngã: Vô = chẳng; Ngã = ta, tôi. Vô-ngã là một chơn-lý quan-trọng trong Phật-học, theo đó muôn sự-vật đều chẳng có cái ngã làm chủ, bổn-thể vốn rỗng-rang, gặp duyên thì thành, hết duyên thì tan-rả. Chính thân-tâm của ta đây cũng là vô-ngã. - Đau-khổ: đây là chơn-lý thứ nhứt trong Tứ-Diệu-đế. Sanh ra là khổ, Già là khổ, bịnh là khổ, chết là khổ. Đời sống hiện tại nầy khổ nhiều mà sướng ít, vì thế phải tu-tập để theo con đường giải-thoát dứt khoát mọi khổ-đau. - Quả-vị: Quả =kết-quả, thành-quả; Vị = ngôi-vị. -Đạo-quả: Đạo = con đường; đường-lối tu-tập; Quả = kết-quả việc tu-hành thành-công. Tiếng Pali Magga =đạo; Phala =quả. - A-la-hán: Xin nhắc lại, đây là đạo-quả cao nhứt trong hàng Thanh-văn. Bực A-la-hán dứt hết các phiền-não, chứng được vô-sanh (chẳng còn bị tái-sanh trong cảnh Luân-hồi nữa), sống an-nhiên, tự-tại, trong cảnh tịch-diệt. Tiếng Pali là Arahant. - Thông-đạt = hiểu thật rõ-ràng, thi-hành theo đúng. - Nhiệt-tâm = Nhiệt =nóng; tâm = lòng. Nhiệt-tâm là tấm lòng nồng-nhiệt, chơn-thành, hăng-hái. - Dũng-cảm: can-đảm, gan-dạ. - Giới-đức = sự tuân-hành đúng-đắn các điều răn-cấm trong Đạo. - Hành-thiền: Hành = làm; Thiền = đường-lối tu-hành khiến tâm được yên-tĩnh, hoặc ngồi, hoặc đi, trong các tư-thế, tâm lúc nào cũng an-nhiên, chẳng xao-động. - Trạch pháp: Trạch = chọn lựa; Pháp = pháp-tu, pháp-môn. Trạch-pháp là sự lựa chọn lối tu phù-hợp với căn-cơ của mình. - Minh-hạnh-túc: Minh = sáng, hiểu rõ; Hạnh = đức-hạnh; Túc = đầy-đủ. Trong Phật-học, chữ Minh-hạnh-túc là hiệu thứ tư trong mười hiệu của Đức Phật; Minh là tam minh: (1) túc-mạng-minh, biết rõ đời sống mọi người trong quá-khứ, hiện-tại và tương-lai; (2)thiên-nhãn-minh, nhìn thấy xa các vật bị ngăn che;(3)lậu-tận-minh, dứt hết các lậu-hoặc ( =phiền-não) Hạnh chỉ về các thiện-nghiệp, các điều lành đã làm qua. Vậy, Minh-hạnh-túc có nghĩa là đầy-đủ trí-huệ và phước-báu ( = Phước-Trí vẹn toàn ). - Chánh-niệm: Chánh =chơn-chánh, đứng-đắn; Niệm = ý-nghĩ trong tâm. Có chánh-niệm là đang làm gì, nói gì, nghĩ gì, thì trong lúc làm, nói, nghĩ, biết rõ mình đang làm, đang nói, đang nghĩ những gì. Nói cách khác, chánh-niệm theo dõi thật sát mọi biến-chuyển của tâm. - Đoạn-trừ: Đoạn = cắt bỏ; trừ = dẹp trừ đi. - Vô-biên: Vô = chẳng; Biên = bờ, mé. Vô-biên là vô-giới-hạn, minh-mông chẳng cùng-tận. B.- Nghĩa Ý: (1)Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện thuật lại việc một vị Sa-di, nhơn quán-chiếu các đồ-vật cũ khi chưa vào Đạo mà thông-đạt được lẽ vô-thường, vô-ngã và khổ-đau, nhờ đó mà chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán. Pháp-tu đó gọi là pháp-tu gì? Đó là pháp quán Tứ-niệm-xứ:(1) thân bất-tịnh, thân-thể bề ngoài xem đẹp-đẽ mà bên trong chứa nhiều chất dơ-bẩn; nhờ quán-thấy như thế mà chẳng tríu-mến vào thân; (2) thọ thị khổ, các cảm-thọ gây ra đau-khổ, dầu cho có sướng đôi chút, rồi sau đó cũng sanh đau-khổ; do đó mà chẳng chạy theo các thú-vui dục-lạc tạm-bợ; (3) tâm vô-thường, tâm luôn luôn xao-động, biến-chuyển mãi; do đó biết giữ-gìn tâm-ý cho thanh-tịnh; (4) pháp vô-ngã, chữ pháp ở đây chỉ vào muôn sự-vật; tất cả mọi sự-vật đều do duyên mà hợp-thành, hết duyên thì tan-rả, chẳng có ngã, chẳng có chủ; do đó chẳng bám-víu vào bất cứ sự-vật nào, dứt bỏ được thì giải-thoát. - Biết pháp Tứ-niệm-xứ là một lẽ, còn thực-hành theo đúng như thế, lại là một lẽ khác. Người tu-hành sở dĩ thành-công là do chuyên-cần quán-chiếu và ứng-dụng vào đời sống hằng ngày. (2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 143 và 144: Bài Kệ số 143 rất rõ-ràng, dạy ta phải biết thẹn với lòng, chẳng cần đợi người rầy la, mỗi khi sắp làm điều quấy. Bài Kệ số 144 là bài Kệ quan-trọng: chỉ cho ta con đường tu-hành để thành-công viên-mãn. Con đường ấy tóm tắt lại như sau: (1) trạch-pháp, trước phải biết chọn đúng con đường hợp với sức mình; (2) có niềm tin vững-chắc về pháp-tu đã chọn; (3) chuyên-cần tu-tập, nhứt là quán-chiếu, thiền-định để thanh-lọc thân-tâm cho thanh-tịnh; (4) phát-triển trí-huệ và tạo nhiều phước báu (minh-hạnh-túc ); (5) trong mọi thời, phải giữ đúng chánh-niệm, nghĩa là tâm phải giữ-gìn tâm, theo dõi mọi biến-chuyển trong tâm. - Để cho dễ nhớ, cần tập một điều thôi: giữ chánh-niệm sáng tỏ trong tâm; từ đó suy ra các điểm khác. HỌC TẬP: 1.- Học kỹ bài Kệ số 144, ghi nhớ các điểm chánh về đường-lối tu. 2.- Xin đọc kỹ Phần Tìm Hiểu lại, có nhiều điểm giáo-lý quan-trọng (117).- Tích chuyện vị Sa-di Sử-kha. (Tích chuyện nầy giống với Tích chuyện số (64) về Sa-di Phan-di-ta) Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị Sa-di tên là Sử-kha. Sử-kha vừa lên bảy tuổi đã được Tôn-giả Xá -lợi-phất nhận cho làm Sa-di. Vào ngày thứ tám sau khi nhập đạo, Sử-kha mang bát theo thầy đi khất-thực. Trên đường đi vào làng, thầy trò gặp một nhóm nông-phu đang đào mương dẫn nước vào ruộng. Đi một đỗi đường, họ thấy nhiều người đang ngồi vót thẳng khúc tre để làm tên bắn. Một chặp sau, họ đi ngang qua xưởng làm xe, thấy các thợ đang đẽo gỗ làm vòng xe. Sử-kha mới hỏi thầy: "Bạch Thầy, nước kia, tre đó với gỗ đây đều là vật vô-tình, bất-động, người ta có thể nào khiến cho chúng phải làm theo ý muốn của mình hay trở nên những món đồ theo ý mình muốn chăng?" Tôn-giả Xá-lợi-phất đáp: "Được chớ!" Nghe thế, Sa-di Sử-kha ngẫm-nghĩ trong lòng, vật vô-tri còn có thể uốn-nắn theo ý mình được, thì tại sao ta chẳng thể bắt buộc và kềm-chế tâm mình để lắng lòng và giữ ý mà tu-tập thiền-định được hay sao? Nghĩ thế xong, Sa-di Sử-kha liền xin phép Thầy quay trở về tịnh-xá. Về đến nơi, Sử-kha bước vào phòng riêng, khép cửa và bắt đầu thực-tập thiền-định trong khung-cảnh tịch-mịch, vắng-vẻ. Bấy giờ vua Trời Đế-Thích và chư Thiên hiện xuống canh giữ phiá ngoài tịnh-xá cho thật yên-tịnh. Với nỗ-lực hành-thiền vượt bực, ngay trong chiều hôm ấy, tám ngày làm Sa-di, Sử-kha đã chứng-đắc được quả-vị A-la-hán. Tin Sa-di Sử-kha đắc quả-vị được các vị Tỳ-kheo đến trình cùng Đức Phật. Ngài bảo: "Nầy chư Tỳ-kheo, khi một người nỗ-lực thực-tập theo Chánh-pháp, thì chư Thiên đều đến ủng-hộ. Ta đây cũng cầm-giữ Xá-lợi-phất lại ở ngoài cửa, để khỏi làm phiền-rộn đến Sử-kha trong cơn thiền-định." Rồi Đức Phật mới nói lên bài kệ sau đây: Người làm ruộng đào
mương dẫn nước, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Sa-di: Xin nhắc lại: người mới vào chùa tập-sự tu-hành, chưa thọ giới tỳ-kheo; tiếng Pali là Sàmanera. - Sử-kha: tên thật vị Sa-di nầy, tiếng Pali là Sukha. - Nhập-đạo = vừa mới vào chùa đi tu. - Vô-tình: Vô = chẳng; Tình = tình-cảm. Trong Phật-học, phân-biệt hai loại: (1) hữu-tình, các sanh-vật có tình-cảm, hiểu-biết; (2) vô-tình, các vật-thể bất-động, chẳng có tình-cảm lại vô-tri (chẳng có sự hiểu-biết). - Bất-động: Bất = chẳng; Động = cử-động, động-đậy. - Thiền-định: Thiền =lối tu-tập giúp tâm trở nên thanh-tịnh; Định = tâm-trạng của người mà lòng đã an-ổn, dừng ý-nghĩ lại, chẳng lo ra. - Tịnh-xá: Tịnh = yên-tịnh; Xá = nhà. Tịnh-xá là căn nhà yên-tịnh để tu-hành, còn gọi là am, cốc, thất. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Cũng như Tích chuyện số (64) về Phan-di-ta, Sa-di Sử-kha được chư Thiên và cả Đức Phật hộ-trợ trong lúc hành-thiền, nên chứng được quả A-la-hán. Đây là trường-hợp hết sức đặc-biệt, một người còn nhỏ tuổi, vừa mới nhập đạo, mà chứng được quả-vị cao. Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tâm có sự hiểu-biết dễ điều-khiển, uốn-nắn hơn là vật vô-tình, vô-tri như nước, như tre, như gỗ; chỉ cần nỗ-lực kềm-chế tâm chẳng cho nó chạy lang-thang nữa là có thể bước vào định. Vấn-đề khó cho người tập-luyện là phải giữ tâm định trong một thời-gian, muốn thế phải siêng-năng tu-tập hằng ngày mới có chút kinh-nghiệm. (2)Ý-nghĩa của bài Kệ số 145: Xin xem lại ý-nghĩa của bài Kệ số 80, trang 221. Cũng như Phan-di-ta, Sa-di Sử-kha bắt đầu quán-sát sự-vật bên ngoài: đào mương dẫn nước, chuốt vót tên cho thẳng, uốn ngay tấm ván, rồi quay vào bên trong quán-chiếu mọi biến-chuyển của Tâm, liền giữ Tâm an-tịnh mà đắc định. HỌC TẬP: - Đã thuộc bài Kệ số 80, thì bài Kệ số 145 cũng dễ nhớ: chỉ cần đổi hai chữ hiền-trí (câu 4) ra thành hai chữ đức-hạnh mà thôi. -ooOoo- XI.- Phẩm Già (118).- Tích chuyện về các bạn đạo của bà Vi-sa-kha.Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến các bạn đạo của bà Vi-sa-kha. Bà Vi-sa-kha là một ưu-bà-di rất nổi tiếng vào thời Đức Phật Thích-ca. Nhà giàu-có lớn, bà xây cất chùa Đông-viên để cúng-dường cho Ni-đoàn. Bà rất được dân-chúng tín-phục, nên có nhiều gia-đình trong vùng cho vợ con đi theo bà, làm bạn đạo với bà, để noi gương đức-hạnh của bà. Vào một dịp lễ lớn kéo dài cả tuần, các bà bạn đạo, nhơn lúc vắng bà Vi-sa-kha, lấy rượu còn dư lại của các ông chồng, đem ra cùng nhau uống say-sưa. Đến khi tỉnh lại, họ xin bà Vi-sa-kha dẫn họ tới chùa Kỳ-viên để đảnh-lễ Phật và nghe giảng-pháp. Lúc ra đi, họ dấu nhiều chai rượu nhỏ trong áo, lén lút uống dọc đường, xong rồi quẳng chai đi. Tới cổng chùa, họ đã say mèm, múa chơn múa tay, miệng hát nhảm-nhí. Bà Vi-sa-kha mới thỉnh-cầu Đức Phật giảng-dạy Chánh-pháp cho họ nghe. Đức Phật nhìn thấy quang-cảnh như thế, biết bọn đàn-bà đang bị Ma men khuấy rối. Ngài dùng sức thần-thông tắt hết đèn đuốc trong phòng. Một cảnh tối om, dầy-dặt bao trùm lên tất cả. Bọn đàn-bà ngơ-ngác, tỉnh cả rượu. Bấy giờ, Đức Phật mới phóng một đạo hào-quang sáng chói rọi lên khắp nơi. Sau khi họ đã tỉnh-táo lại, qùi xuống đảnh-lễ, Đức Phật mới bảo họ: "Nầy các tín-nữ, các bà chẳng nên uống nhiều rượu đến nổi say-sưa rồi lại vào chùa trong tư-cách thật đáng hổ-thẹn như thế. Các bà đã bị Ma men làm cho mất trí, múa hát, cười-cợt, hò-hét om-sòm như bọn người điên. Hãy mau thức-tỉnh lại." Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Cười sao được, sướng vui
sao được, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Vi-sa-kha: tên thật của bà bằng tiếng Pali là Visakha. - Ưu-bà-di: đàn-bà tu tại-gia, đến chùa làm công-quả và học Đạo. Đức Phật có bốn hạng đệ-tử, gọi là Tứ bộ-chúng: (1)Ty-kheo (Bhikkhu); (2)Tỳ-kheo-ni (Bhikkhuni); đó là hai hạng xuất-gia; (3) Ưu-bà-tắc hay là cận-sự-nam (Upàsaka); (4) Ưu-bà-di hay là cận-sự-nữ (Upàsikà), hai hạng sau là cư-sĩ tu tại-gia. - Chùa Đông-viên: chùa nầy nằm về phiá Đông chùa Kỳ-viên, do bà Vi-sa-kha xây cất; tên tiếng Pali là Pubbàràma. - Ni-đoàn: Ni = tỳ-kheo-ni, nữ tu-sĩ Phật-giáo. Ni-đoàn là đoàn-thể các vị nữ-tu-sĩ. - Ma men = chất men rượu uống vào làm mất trí như bị Ma phá. - Sức thần-thông: sức mạnh phi-thường do nơi đạo-lực cao. - Hào-quang = ánh-sáng rực-rỡ toả ra từ bực tu-hành đạo-lực cao. -Tín-nữ:Tín = tin-tưởng; Nữ = đàn-bà. Còn đàn-ông, gọi là thiện-nam - Lửa hồng: nghĩa bóng là sự say-đắm, tham-mê. - Ánh ngọn đèn: nghĩa bóng là ánh-sáng của Trí-huệ. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện thuật lại việc các người đàn-bà uống rượu say-sưa, bị Đức Phật quở-trách. Giới thứ năm của những người tu tại-gia là cấm uống rượu, vì khi say thì trí thông-minh bị mờ-ám, làm nhiều điều sằng bậy. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 146: Thử phân-tách từng câu bài Kệ: - Hai câu đầu: Chẳng vui cười được ở thế-gian, vì đang bị lửa hồng thiêu-đốt. Lửa gì? Lửa tham-mê, say-đắm, thúc-đẩy con người sa vào tội-lỗi, rồi phải chịu đau-khổ mãi trong kiếp Luân-hồi. - Câu 3: Màn đêm tối đen, nghĩa bóng là sự si-mê, ngu-tối. - Câu 4: Ánh ngọn đèn đây là ánh-sáng của Trí-huệ. HỌC TẬP: 1- Học kỹ bài Kệ, ghi nhớ Tích chuyện, để giữ giới cấm uống rượu. 2.- Trong các tiệc vui, nên dùng nước trái cây thay cho rượu. (119).- Tích chuyện nàng Sĩ-mã. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến nàng dâm-nữ tên là Sĩ-mã. Thuở ấy ở thành Vương-xá có một người dâm-nữ tên là Sĩ-mã, nhan-sắc rất đẹp-đẽ, thường dâng-cúng thực-phẩm cho tám vị tỳ-kheo đi khất-thực. Một vị tỳ-kheo khen sắc đẹp của nàng Sĩ-mã và thực-phẩm nàng hiến-tặng rất thơm ngon. Một vị tỳ-kheo trẻ tuổi nghe thấy, mới tháp-tùng với bạn đồng-tu, ghé qua nhà nàng Sĩ-mã. Hôm ấy, nàng Sĩ-mã bị bịnh, nhưng cũng gượng đau ra dâng thực-phẩm cúng-dường. Vị tỳ-kheo trẻ tuổi nhìn nàng dâm-nữ, nghĩ trong lòng, tuy nàng đang bị bịnh nhưng vẻ đẹp vẫn rất sắc-sảo, rồi trong tâm khởi lên yêu-mến nàng. Tối hôm ấy, trở cơn đau nặng, nàng Sĩ-mã chết. Vua Tần-bà-sa-la hay tin đó, đến thưa trình cùng Đức Phật, rằng người em gái của vị y-sĩ Kỳ-bà, tên là Sĩ-mã đã qua đời. Đức Phật dạy, hãy mang thi-thể nàng Sĩ-mã ra nghĩa-địa, khoan mai-táng, và trong vài ba ngày, cho người canh-chừng thú rừng hay chim kên-kên đến ăn thịt. Nhà vua tuân theo lời Phật dặn. Đến ngày thứ tư, Đức Phật cùng chư Tăng, Vua quan và dân-chúng ra nghĩa-địa. Vị tỳ-kheo trẻ tuổi cũng đi theo, nhưng vẫn chưa biết tin nàng Sĩ-mã đã chết. Đến nghĩa-địa, Đức Phật tới gần thi-thể nàng Sĩ-mã, mọi người đứng vòng quanh. Đức Phật bảo nhà Vua sai một người lính to tiếng xướng lên rằng, ai muốn được ở cùng nàng Sĩ-mã trong một đêm thì hãy trả một ngàn quan tiền. Mọi người nhìn thi-thể tái-nhợt, nằm sóng-sượt đó, chẳng ai đáp. Đức Phật lại bảo người lính xướng lên, ai muốn được ở với nàng Sĩ-mã một đêm thì chỉ trả năm trăm, một trăm, một chục, rồi một quan thôi. Chẳng ai trả lời cả. Vị tỳ-kheo trẻ tuổi kia cũng im-lặng. Bấy giờ Đức Phật mới nói: ‘Nầy chư Tăng! Hãy nhìn nàng Sĩ-mã. Trước kia, khi còn sống, muốn gần nàng một đêm, phải trả đến ngàn tiền, nay nàng nằm đó, chẳng ai muốn cả, dầu chẳng phải tốn kém gì. Thân-thể con người, ai cũng vậy, suy-yếu, già-lão rồi tàn-tạ như thế." Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Hãy nhìn thân, bề ngoài xinh-xắn, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Sĩ-mã: tên nàng dâm-nữ nầy bằng tiếng Pali là Sirimà. - Vương-xá = thủ-đô Ràjagaha của xứ Ma-kiệt-đà ( =Magadha). - Dâm-nữ: người phụ-nữ bán sắc đẹp cho đàn-ông mua vui. - Tần-bà-sa-la: tên vị vua nước Ma-kiệt-đà, rất tôn-sùng đạo Phật; tiếng Pali là Bimbisara. - Kỳ-bà: tên vị y-sĩ nổi tiếng thời Đức Phật, có trị vết thương cho Đức Phật khi Ngài bị Đề-bà-đạt-đa lăn đá. Tên tiếng Pali là Jìvaka. - Thi-thể = thân-xác người chết. - Nghĩa-địa = nơi chôn-cất người chết. - Mai-táng = chôn người chết. - Xướng = nói thật to tiếng cho mọi người nghe được. - Hằng-thường = thường-hằng, còn hoài hoài. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện thuật lại việc một nàng dâm-nữ nhan-sắc đẹp-đẽ khi còn sống được mọi người yêu-chuộng, đến khi chết đi, chẳng ai muốn gần thi-thể của nàng. Đức Phật nhơn đó giảng về phép quán thân bất-tịnh, để dứt bỏ sự tríu-mến về tấm thân vật-chất, và phép quán thi-thể người chết để suy ra lẽ vô-thường của mọi sự-vật. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 147: Ý-nghĩa của bài Kệ dạy ta chẳng nên quá tríu-mến tấm thân vật-chất và đừng mê-đắm các thú-vui xác-thịt. HỌC TẬP: - Học kỹ bài Kệ, ghi nhớ: muốn dẹp bỏ lòng dâm-dục, cần phải quán thân bất-tịnh ( = chẳng sạch, vì bên trong chứa các chất dơ-bẩn). (120).- Tích chuyện Tỳ-kheo-ni Úc-ta-ra. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị Tỳ-kheo-ni Úc-ta-ra. Thuở ấy có vị tỳ-kheo-ni tên là Úc-ta-ra, đã trên trăm tuổi, mỗi ngày vẫn ôm bình bát đi khất-thực. Một hôm, bà gặp một vị tỳ-kheo đi khất-thực về, chẳng được chi cả, bà liền hiến cả phần ăn của mình cho vị ấy. Hôm đó, bà phải nhịn đói. Luôn cả hai hôm, bà cũng gặp vị tỳ-kheo đó và cũng hiến hết phần ăn của mình. Đến hôm thứ tư, bà đang đi khất-thực, bỗng gặp Đức Phật đang đi trên đường, bà vội nép vào lề, qùi đảnh-lễ Đức Phật. Chẳng may, vì kiệt-sức, bà dẫm lên vạt áo cà-sa của mình và ngã lăn xuống. Đức Phật đỡ dậy, thấy đầu cổ bà bị thương, chảy máu. Băng bó xong, Đức Phật nói: "Nầy tỳ-kheo-ni, thân-thể của bà đã quá già-yếu, đi đứng chẳng còn được vững-vàng nữa, chẳng bao lâu sẽ tàn-tạ." Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà Tỳ-kheo-ni Úc-ta-ra chứng được quả-vị Tu-đà-huờn: Thân nầy bị tuổi già tàn-tạ, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Tỳ-kheo-ni: nữ tu-sĩ Phật-giáo, tiếng Pali là Bhikkhuni. - Úc-ta-ra: tên vị tỳ-kheo-ni nầy, tiếng Pali là Uttarà. - Bình bát: cái nồi nhỏ bằng sành, bằng gỗ hay bằng đồng, các vị tỳ-kheo dùng để đựng thức ăn khi đi khất-thực. - Kiệt-sức = mất hết cả sức-lực, yếu-ớt lắm. - Cà-sa: áo màu vàng, choàng bên ngoài của tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni; tiếng Pali là Kasaya. - Quả-vị: Quả =kết-quả, thành-quả, việc tu đã thành-công; Vị = ngôi-vị. Quả-vị là cấp-bực trong hàng các tu-sĩ chứng-đắc . - Tu-đà-huờn: Xin nhắc lại, đây là quả-vị đầu-tiên của hàng Thanh-văn, còn gọi là Nhập-Lưu hay Thất-Lai. Tiếng Pali là Sotàpatti. - Mong-manh = yếu-ớt, dễ bị đau, dễ bị hư. B.- Nghĩa Ý: (1)Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện mang hai ý-nghĩa: 1) Việc vị tỳ-kheo trút hết thực-phẩm trong bát của bà tỳ-kheo-ni Úc-ta-ra là một hành-vi thiếu suy-xét, ích-kỷ, chẳng nghĩ đến hoàn-cảnh của kẻ khác. Sau vụ nầy, Đức Phật đặt ra điều giới-luật: "Nếu một tỳ-kheo thọ-dụng thức ăn, hoặc cứng hoặc mềm, đã tự tay mình nhận thức ăn ấy từ một tỳ-kheo-ni, chẳng có liên-hệ với mình, đã đi khất-thực được, vị tỳ-kheo ấy phải nhận lỗi và thưa với một tỳ-kheo khác rằng: "Thưa đạo-hữu, tôi vừa phạm một lỗi đáng trách và phải nhận tội. Tôi thú-nhận đã vi-phạm vào giới-luật Pàtidesanìya." (Pàtidesanìya = tội-lỗi cần được thú-nhận và xin sám-hối.) 2) Bà tỳ-kheo-ni Úc-ta-ra nghe lời dạy và bài Kệ của Đức Phật xong, chứng được quả-vị Tu-đà-huờn, là nhờ hiểu thấu được lẽ vô-thường của muôn pháp. Nói cách khác, bà nhận ra tấm-thân thể-chất nầy bị biến-đổi, chẳng giữ được nguyên-vẹn sức-khoẻ, theo tuổi già mà mang lấy bịnh-tật và tàn-tạ theo thời-gian. Thông-đạt được lẽ vô-thường, người tu-hành chẳng còn quá tríu-mến về phần vật-chất, mới quyết-tâm theo con đường giải-thoát khỏi cảnh sanh, già, bịnh, chết trong cõi Luân-hồi. (2) Ý-nghĩa bài Kệ số 148: Ý-nghĩa bài Kệ nầy cũng giống bài Kệ trước, số 147. Cả hai bài dạy ta phải ý-thức được lẽ vô-thường của tấm-thân thể-chất, bị sự già-lão làm suy-yếu, bị bịnh-tật hành-hạ, rồi sẽ tan-rả khi mạng hết. Vì thế, hiện còn sức-khoẻ, phải cố-gắng tu-tập để được giải-thoát khỏi cảnh khổ Luân-hồi HỌC TẬP: - Học kỹ hai bài Kệ, ghi nhớ lẽ vô-thường của đời sống con người. (121).- Tích chuyện các tỳ-kheo tự-phụ. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến các vị tỳ-kheo tự-phụ. Thuở ấy, có một nhóm tỳ-kheo đến thưa-thỉnh Đức Phật và được chỉ-dạy cho mỗi người một đề-tài thiền-quán. Họ liền rời chùa đi vào rừng ẩn-tu trong một thời-gian. Nhờ sự cố-gắng tinh-cần, họ tập-trung được tư-tưởng và sớm nhập vào cơn thiền-định. Đắc được định-lực, họ tưởng rằng đã diệt xong được mọi ham-muốn về nhục-dục và chứng được quả-vị A-la-hán. Thật ra, họ đã tự đánh-giá quá cao và trở nên tự-phụ. Họ liền quay về chùa Kỳ-viên, để trình lên Đức Phật việc họ tưởng họ đã chứng quả. Khi họ về đến cổng chùa, Đức Phật nom thấy, bảo Tôn-giả A-nan rằng: "Các tỳ-kheo kia sắp vào chùa, nếu họ đến gặp ta ngay thì chẳng được lợi-ích chi nhiều cho họ. Nên bảo họ đi ra quán-sát ngoài nghĩa-địa xong, trở về sẽ gặp ta." Tôn-giả A-nan chuyển lại lời căn-dặn của Đức Phật. Các vị tỳ-kheo nghe lời, chẳng vào chùa ngay và cùng nhau đi hướng về nghĩa-trang. Đến nơi, họ nhìn thấy chỗ nầy có nhiều thi-thể sình-chướng, mùi hôi thối bốc lên; chỗ kia, nhiều khúc xương còn dính thịt bầy-nhầy; xa xa nhiều mảnh xương trắng-hếu nằm lăn-lóc. Trong lòng họ mới khởi lên sự nhàm-chán tấm-thân vật-chất đang bị tan-rả, hôi-thối kia, và suy-nghĩ sâu-xa về lẽ vô-thường của cuộc sống. Khi họ quay về chùa, Đức Phật hỏi: "Nầy các tỳ-kheo, nhìn thấy các khúc xương trắng ngổn-ngang trong nghĩa-địa, các ông còn giữ sự ham-muốn về nhục-dục, bám-víu vào tấm-thân vật-chất nữa hay không?" Rồi đó, Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà các vị tỳ-kheo tự-phụ kia được giác-ngộ và chứng-đắc quả-vị A-la-hán: Khúc xương màu trắng bồ-câu, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Tự-phụ = tự xem mình cao hơn kẻ khác, tự đánh-giá mình quá cao; hợm mình. -Đề-tài Thiền-quán: Xin nhắc lại: đề-tài thiền-quán là một vấn-đề đem ra quán-tưởng sâu-xa khi ngồi Thiền. Đề-tài có thể là: quán thân bất-tịnh, quán-tưởng về Đức Phật A-di-đà, v.v. nhờ đó mà đắc định. - Ẩn-tu: tu-hành nơi xa vắng người. - Tập-trung tư-tưởng = giữ sao cho tâm chú-ý vào một đề-tài duy-nhứt, chẳng xao-lãng, chẳng lo ra, chẳng nghĩ lang-bang. - Định, định-lực = trong khi ngồi Thiền, tư-tưởng dừng lại, tâm vắng-lặng, an-ổn, nhẹ-nhàng. - Nhục-dục: Nhục = thịt; Dục = ham-muốn; Nhục-dục là ham-muốn về thể-xác. - A-la-hán: Xin nhắc lại: đây là quả-vị cao nhứt trong hàng Thanh-văn. Bực A-la-hán dứt sạch các phiền-não, lậu-hoặc, chứng được vô-sanh nghĩa là chẳng phải tái-sanh trong vòng lẩn-quẩn khổ-đau của Luân-hồi. Tiếng Pali là Arahant. - Nghĩa-địa, Nghĩa-trang: nơi chôn-cất người chết. Ngày xưa, ở Ấn-độ, xác người chết hoặc được thiêu, hoặc để bỏ ngoài thi-lâm (thi = thi-thể; lâm = rừng; khu rừng để các xác chết chưa chôn.) - Thi-thể = thể-xác người chết, thây-ma. - Vô-thường: Xin nhắc lại: Vô = chẳng; Thường = thường-hằng, còn hoài-hoài. Lẽ vô-thường là Chơn-lý, theo đó mọi sự-vật có hình-tướng phải chịu sự biến-đổi rồi suy-tàn để đi đến sự tiêu-diệt. - Giác-ngộ: Giác = biết rõ; Ngộ = hiểu thấu. Người giác-ngộ là người đã hiểu thấu rõ lẽ sống-chết, biết rõ con đường thoát khỏi mọi khổ-đau của vòng lẩn-quẩn Luân-hồi. Thông-thường chữ giác dùng để dịch chữ Bồ-đề, hay chữ Phật. Đức Phật là bực đại-giác. - Khúc xương màu trắng bồ-câu = khúc xương khô, màu trắng, giống như màu lông chim bồ-câu. - Trái bầu mùa thu bị vứt: vào mùa thu, bầu chín rụng xuống đất, chẳng ai thèm hái lượm để ăn. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện mang hai ý-nghĩa: 1) Các vị tỳ-kheo lầm tưởng mình đã chứng quả, vô-tình mắc tội tăng-thượng-mạn, (tăng = thêm; thượng = cao; mạn = chữ Phạn là mano, có nghĩa là ngạo-mạn, làm phách, kiêu-căng). Ngày xưa, khi Đức Phật còn tại thế, các tăng-ni đắc quả, còn cần được Phật chứng-minh cho, mới biết chắc là mình đắc quả. Trong Tích chuyện, các vị tỳ-kheo chỉ đắc được định-lực, nhưng các phiền-não, lậu-hoặc vẫn còn, nên chưa chứng quả A-la-hán. Trong việc tu-hành, đừng mong được đắc quả; nếu còn mong-muốn là còn tham-mê, đó cũng là một điều phiền-não chưa sạch. 2) Đức Phật bảo các vị tỳ-kheo ra nghĩa-địa quán-sát các xác chết, đó là dạy phép cửu-tưởng-quán (cửu = chín; tưởng = tư-tưởng; quán = suy-nghĩ sâu-xa.) Theo phép quán nầy, hành-giả quán-sát chín giai-đoạn tan-rả của thân người chết: (1) xác sình lên; (2) xác bị dòi, bọ ăn; (3) xác chỉ còn bộ-xương dính chút ít thịt; (4) bộ-xương còn dính chút ít máu; (5)các đốt xương còn dính với nhau; (6) các khúc xương đã rời nhau ra; (7) chỉ còn một đống xương trắng-hếu; (8)chỉ còn một mớ xương khô; (9)chỉ còn vài khúc xương đã mục. Phép quán cửu-tưởng có hiệu-quả khiến cho hành-giả nhận rõ các giai-đoạn tan-hoại của tấm thân vật-chất, mà sanh ra nhàm-chán các thú-vui nhục-dục tạm-bợ, chẳng chấp thân nầy là thường-còn, suy ra được lẽ vô-thường của cuộc sống. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 149: Thử phân-tách từng câu bài Kệ: 1) Câu 1: Khúc xương màu trắng bồ-câu: đây là giai-đoạn (7) của cửu-tưởng-quán, thân-thể tan-rả chỉ còn một đống xương trắng-hếu; 2) Câu 2: Tựa như trái bầu mùa thu bị vứt: đây là giai-đoạn (3) của cửu-tưởng-quán, thân-thể rã-rời, như trái bầu thúi rụng xuống đất; 3) Câu 3: Thích-thú chi...: sự nhàm-chán thân-thể vật-chất. HỌC TẬP: - Học kỹ bài Kệ, để ghi nhớ: thân nầy chẳng mấy chốc rồi cũng tan-hoại, theo lẽ vô-thường, và gắng công tu-tập để thoát vòng sanh-tử. (122).- Tích chuyện công-chúa Gia-nhã-ba. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến công-chúa Gia-nhã-ba. Thuở ấy, có một vị công-chúa tên là Gia-nhã-ba, nhan-sắc rất đẹp-đẽ, vốn là con của người dì của Đức Phật Thích-ca. Công-chúa kết-hôn với hoàng-tử Nan-đà, nhưng vào ngày làm lễ cưới, hoàng-tử lại theo Đức Phật vào chùa đi tu. Chính bà mẹ của công-chúa cũng quy-y Đức Phật và trở thành một vị tỳ-kheo-ni. Trong cảnh cô-đơn, công-chúa nghĩ: "Mẹ ta, chồng ta đều đi tu cả. Thôi, ta cũng đi tu theo luôn!." Công-chúa liền vào chùa, xin xuất-gia và trở thành một tỳ-kheo-ni, chẳng phải vì lòng tin nhiệt-thành nơi ngôi Tam-Bảo, mà vì muốn bắt chước theo mẹ và chồng, chọn con đường tu-hành, cho mình bớt lẻ-loi. Tỳ-kheo-ni Gia-nhã-ba được nghe các bạn đồng-tu bảo Đức Phật thường giảng-dạy rằng thân-tâm ngũ-uẩn nầy là vô-thường, vô-ngã và bất-toại-nguyện. Vì còn chưa hiểu thấu rõ-ràng nghĩa-lý của tánh-cách vô-thường, vô-ngã và bất-toại-nguyện của thân-tâm ngũ-uẩn, bà tưởng lầm rằng Đức Phật chẳng khen ngợi chi đến sắc-đẹp lộng-lẫy của bà, nên bà thường tránh các dịp được gặp Đức Phật. Nhưng các vị đồng-tu lúc nào cũng tán-thán Đức Phật, nên bà mới quyết-định đi theo họ đến chùa Kỳ-viên để đảnh-lễ. Khi Đức Phật trông thấy công-chúa Gia-nhã-ba đến chùa, Ngài nghĩ rằng: "Đạp gai thì phải lấy gai mà lể. Tỳ-kheo-ni Gia-nhã-ba quá hãnh-diện và quá tríu-mến đến thân-sắc của mình, phải làm sao cho công-chúa thấy rõ sắc-đẹp chóng tàn-phai để dẹp bỏ sự hãnh-diện và lòng tham-luyến vào nhan-sắc lộng-lẫy của mình ." Khi các tỳ-kheo-ni đảnh-lễ, Đức Phật dùng sức thần-thông của Ngài, tạo hình-ảnh một thiếu-nữ tuổi chừng mười sáu, rất đẹp-đẽ, mỹ-miều, đang cầm quạt, phe-phẩy quạt sau lưng Đức Phật, mà chỉ riêng có Gia-nhã-ba mới nhìn thấy được mà thôi. Gia-nhã-ba ngẩng đầu lên nhìn, thấy cô thiếu-nữ nhan-sắc đẹp tuyệt-trần, so với nhan-sắc của nàng còn hơn gấp bội. Gia-nhã tiếp-tục nhìn mãi, bỗng cô thiếu-nữ từ-từ trở thành một người thiếu-phụ ba mươi tuổi, vẻ đẹp có phần sút-giảm đi. Nhìn hồi lâu, bóng người thiếu-phụ hoá thành một người đàn-bà trung-niên, tóc đã hoa râm, trên làn da mặt đã bắt đầu có vết nhăn. Bấy giờ, trong lòng Gia-nhã-ba mới nghĩ ra được sự chóng tàn-phai của sắc-đẹp, cùng sự suy-yếu, già-lão từ-từ đến với tấm thân vật chất. Vào lúc ấy, bóng người đàn-bà ngồi sau lưng Đức Phật đã biến thành một cụ già, run-rẩy mệt-nhọc cầm cây quạt, tay quạt hết muốn nổi. Sau cùng, cụ già đó lại lăn đùng ra chết. Mắt Gia-nhã-ba lại trông thấy thân-thể cụ già sình lên, dòi, bọ nhung-nhúc. Lòng nàng nghĩ, thân-thể của ta rồi đây sẽ cũng lại như thế, chẳng cách nào tránh khỏi sự chết-chóc được. Đức Phật đoán biết sự đổi thay tâm-trạng của Gia-nhã-ba, liền thâu phép thần-thông lại, và Ngài mới bắt đầu giảng bài pháp về tánh-cách vô-thường, vô-ngã và bất-toại-nguyện của thân-tâm ngũ-uẩn. Gia-nhã-ba lắng nghe và nhờ đó mà chứng-đắc được quả-vị Tu-đà-huờn. Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Thành-trì thân nầy dựng bằng xương, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Công-chúa: con gái của Vua. - Gia-nhã-ba: tên công chúa nầy tiếng Pali là Janapadakalyànì. - Hoàng-tử: con trai của Vua. - Quy-y: Quy =quay về; Y = nương-tựa. Quy-y là lòng thề-nguyện quay về nương-tựa nơi Đức Phật và tin làm theo lời dạy của Ngài. - Tỳ-kheo-ni: nữ tu-sĩ Phật-giáo; tiếng Pali là Bhikkhuni. - Cô-đơn = lẻ-loi, ở một mình chẳng có người bầu-bạn. - Xuất-gia: Xuất = ra khỏi; Gia = nhà. Chữ Xuất-gia trong Phật-học có nghĩa là rời bỏ nếp sống ở gia-đình, vào chùa đi tu. - Tam-Bảo: Tam = ba; Bảo = ngôi báu, điều quí-báu. Ba ngôi Tam-Bảo là Phật-bảo ( = Đức Phật), Pháp-Bảo ( = lời dạy của Đức Phật, kinh, kệ) và Tăng-Bảo ( =người xuất-gia tu-hành theo đường-lối của Đức Phật.) - Thân-tâm ngũ-uẩn: Ngũ = năm; uẩn = sự tập-hợp có tánh-cách che-mờ. Ngũ uẩn gồm có: (1)sắc-uẩn, tấm thân vật-chất; (2)thọ-uẩn, các tình-cảm như vui, buồn; (3)tưởng-uẩn, các ý-tưởng trong lòng; (4) hành-uẩn, các hành-động, các biến-chuyển trong tâm; (5)thức-uẩn, các sự hiểu-biết trong tâm. Bốn uẩn sau thuộc về tâm; còn sắc-uẩn thuộc về thân. - Vô-thường = Xin nhắc lại: vô-thường là chẳng bền-vững, hay biến-đổi, rồi bị hủy-diệt. - Vô-ngã: Vô =chẳng; Ngã = ta, tôi. Vô-ngã là chẳng có chủ, không có thực-thể thường-còn, rỗng-rang, do sự tập-hợp mà có, hễ hết duyên thì rời nhau ra mà bị diệt đi. - Bất-toại-nguyện: Bất =chẳng; toại =vừa ý; nguyện = mong-muốn. Bất-toại-nguyện là chẳng làm vừa lòng ta được, tức là gây ra khổ-đau. - Tán-thán = khen-ngợi bực cao-quí. - Đạp gai phải lấy gai mà lể: thành-ngữ nầy có nghĩa đen là, khi đạp gai nhọn, phải dùng kim nhọn mà lể (lể = cạy bật mũi gai ra). Ta thường nói: lấy độc trị độc. Ở đây, theo nghĩa bóng, vì Gia-nhã-ba quá mê-luyến sắc-đẹp, nên Đức Phật mới dùng sắc-đẹp chóng tàn-phai của cô thiếu-nữ để giúp Gia-nhã-ba bỏ được sự hãnh-diện về thân-sắc mình. -Tríu-mến: quá yêu-chuộng, quá mê-thích và bấu-víu vào việc gì. - Hãnh-diện = tự-cao, tự cho mình là hơn hết. - Thần-thông = sức định-lực mạnh-mẽ của bực tu-hành cao, có thể làm các việc khác thường, như bay cao, biến-hoá, v.v. - Mỹ-miều: rất đẹp và hiền-từ. - Tuyệt-trần = vào hạng nhứt ở trần-gian. - Trung-niên: Trung = trung-bình, ở giữa; Niên = tuổi, năm; Tuổi trung-niên vào khoảng bốn, năm mươi. - Tóc hoa râm: trên mái tóc đã có nhiều sợi màu bạc trắng. - Nhung-nhúc =nhiều lắm, bò ngổn-ngang. -Tâm-trạng: Tâm =lòng; Trạng = tình-trạng; Tâm-trạng là cõi lòng đang vui, buồn, giận, ghét, v.v. sự thay-đổi về ý-nghĩ ở trong lòng. - Tu-đà-huờn: Xin nhắc lại: đây là quả-vị thứ nhứt trong hàng Thanh-văn, còn gọi là Nhập-Lưu hay Thất-Lai. Người chứng quả Tu-đà-huờn dẹp bỏ được sự cố-chấp vào thân (thân-kiến), sự nghi-ngờ (hoài-nghi ) và sự tin theo các nghi-thức cúng-tế của tà-giáo (giới-cấm-thủ.) - Thành-trì thân nầy: xem thân-thể vật-chất nầy bền-vững như thành-trì, như chẳng thể bị phá-huỷ được vậy. - Ngã-mạn = kiêu-căng, phách-lối, quá tự-cao, quá hãnh-diện. - Lừa-đảo: dối-gạt, gạt-gẫm. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện thuật lại việc nhờ đâu mà công-chúa Gia-nhã-ba, người rất hãnh-diện về thân-sắc của mình, đã dẹp bỏ thân-kiến ra được khỏi tâm mà chứng-đắc quả-vị Tu-đà-huờn. Công-chúa đã chấp thân-tâm làm ngã, xem đó như bền-vững mãi với thời-gian, nay được Phật cho thấy, trước mắt, một thiếu-nữ trẻ đẹp, từ từ trở thành già-yếu rồi lăn ra chết; nhờ đó mà tâm-trí của công-chúa hiểu thấu lẽ vô-thường, vô-ngã và bất-toại-nguyện của thân-tâm năm uẩn. Ý-nghĩa quan-trọng của Tích chuyện là một khi đã hiểu rõ được lẽ vô-thường, vô-ngã và bất-toại-nguyện của thân-tâm, ta chẳng còn chấp chặt thân-thể nầy thường-còn mãi-mãi, thân ấy chẳng phải là ta; mà ta chính là phần tinh-thần có sự hiểu-biết, hằng còn, gọi là chơn-ngã ( = cái Ta thật-sự), hay là pháp-thân ( = tấm thân vô-hình, chẳng bị hư-hoại), còn được gọi là Phật-tánh ( = khả-năng giác-ngộ và giải-thoát như Đức Phật.) Tâm bỏ được việc xem thân-thể nầy là của Ta, là Ta, và nhận ra được Phật-tánh có sẵn nơi mình, còn mãi, tuy nay bị che-mờ vì sự si-mê, đó là tâm đã giác-ngộ, chỉ cần tu-tập theo đúng đường-lối của Phật dạy là vượt qua đến được bờ giải-thoát, chẳng còn phải khổ-đau, bất-toại-nguyện, trong cảnh sống Luân-hồi nữa. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 150: - Hai câu đầu: đừng xem tấm thân nầy bền-vững như thành-trì, vì nó được đắp lên bằng xương, thịt và máu, rất dễ bị tan-rả. - Hai câu sau: nằm bên trong thân vật-chất nầy, có sẵn sự già-yếu, sự chết-chóc rồi. Vì thế chẳng nên quá hãnh-diện về thân-sắc mà sanh ra ngã-mạn, và lừa-dối kẻ khác bằng sự trau-chuốt thân-hình bề ngoài. HỌC TẬP: - Học kỹ bài Kệ, ghi nhớ lẽ vô-thường và đừng chấp vào thân-kiến. (123).- Tích chuyện Hoàng-hậu Mạt-lợi. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến bà hoàng-hậu Mạt-lợi. Hoàng-hậu Mạt-lợi là vợ Vua Ba-tư-nặc, xứ Câu-tát-la; cả hai vị rất tôn-sùng Đức Phật, thường đến nghe Đức Phật giảng-pháp. Hoàng-hậu có nuôi một con chó đực, cưng chiều như con. Một hôm, hoàng-hậu vào phòng tắm rửa mặt, con chó chạy theo. Khi Hoàng-hậu đến bên bồn nước, mắt nhìn qua khung cửa sổ, chó liền nhảy chồm lên, liếm liếm vào váy của bà. Thấy nhột-nhột có cảm-giác thích-thú, hoàng-hậu để yên cho chó liếm. Nào ngờ, bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc ngồi phía ngoài, nhìn thấy được cảnh ấy. Khi Hoàng-hậu trở ra, đức Vua giận-dữ nói: "Bà là người xấu-xa, bỉ-ổi, để cho con chó đực liếm váy bà." Hoàng-hậu giựt mình, liền nghĩ ra cách đối-đáp: "Tâu Hoàng-thượng, Ngài có nhìn lầm chăng? Căn phòng tắm nầy lạ-thường lắm. Kẻ nào vào phòng mà nhìn qua cửa sổ, ai ở bên ngoài nhìn vào phòng thấy rõ có cả hai người đấy. Nếu Hoàng-thượng chẳng tin, xin cứ bước vào, xem sao." Nhà Vua liền bước vào phòng tắm. Khi trở ra, Hoàng-hậu làm ra vẽ ngạc-nhiên, bảo: "—! Sao Hoàng-thượng lại dắt con dê-cái vào phòng, kỳ-cục quá vậy!" Nhà vua nhẹ dạ dễ tin, cứ tưởng đó là sự thật. Kể từ hôm nói dối nhà Vua như thế, Hoàng-hậu rất ăn-năn tội-lỗi. Chẳng bao lâu, Hoàng-hậu bị bịnh, rồi mất, tâm-thần vẫn còn ân-hận việc đã dối vua, quên hết tất cả các công-đức bố-thí cúng-dường đã cùng nhà vua thi-hành lúc còn sống, Vì thế, bà bị sa vào điạ-ngục. Sau khi chôn-cất Hoàng-hậu xong, đức Vua đến yết-kiến Đức Phật, định thưa hỏi, chẳng biết Hoàng-hậu Mạt-lợi tái-sanh về cõi nào. Đức Phật chẳng muốn làm vua buồn lòng, nên hỏi sang chuyện khác, khiến nhà Vua quên mất ý-định tìm biết nơi thác-sanh của Hoàng-hậu. Bảy ngày sau đó, Hoàng-hậu Mạt-lợi mãn hạn ở điạ-ngục, được thác-sanh lên cõi Trơì Đâu-suất, nhờ ở công-đức bố-thí, cúng-dường khi còn sống. Vào ngày hôm ấy, Đức Phật cùng chư Tăng đi đến hoàng-cung để khất-thực. Sau buổi ngọ-trai, nhà Vua sực nhớ đến câu hỏi dự-định hỏi Đức Phật khi trước, mới bạch với Phật. Đức Phật liền nói: "Hiện nay, Hoàng-hậu Mạt-lợi được tái-sanh trên cung Trời Đâu-suất." Nhà Vua rất vui mừng bạch cùng Đức Phật: "Bạch Thế-tôn, đệ-tử rất vui lòng khi được biết Hoàng-hậu sanh lên cõi Trời. Khi còn sống, Hoàng-hậu rất siêng-năng bố-thí và trông mong có dịp cung-thỉnh Đức Phật cùng chư Tăng đến hoàng-cung để cúng-dường. Nay Hoàng-hậu đã mất rồi, đệ-tử chẳng biết ngày ngày làm gì đây nữa." Đức Phật liền bảo: "Nhà vua chớ qua ưu-phiền, luyến-tiếc đến Hoàng-hậu. Nầy, Hoàng-thượng hãy nhìn chiếc long-xa kia, khi xưa Vua Cha đã trang-hoàng lộng-lẫy để lại cho Hoàng-thượng, nay nó đã cũ-kỹ, bỏ nằm yên trong góc phòng. Muôn sự-vật, kể cả tấm thân con người, đều theo lẽ vô-thường mà biến-đổi rồi bị hủy-diệt. Chỉ có Chánh-pháp mới chẳng bị sự già-lão làm cằn-cỗi!" Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Xe lộng-lẫy của Vua rồi cũng cũ, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Hoàng-hậu = vợ chánh của Vua. - Mạt-lợi: tên thật của Hoàng-hậu, tiếng Pali là Mallikà. - Vua Ba-tư-nặc xứ Câu-tát-la: tên vị vua rất tôn-sùng đạo Phật nầy, tiếng Pali là Pasenadi, nước Kosala. - Váy: quần của phụ-nữ, dài quá gối, chỉ có một ống. - Bỉ-ổi = thô-xấu, đáng chê-khinh. - Tâu Hoàng-thượng = lời nói cung-kính trình lên đức Vua. - Ân-hận = ăn-năn, hối-tiếc. - Thác-sanh = khi chết đi được sanh lại cõi khác. - Trời Đâu-suất: cõi Trời cao nhứt của Dục-giới, nơi có Đức Di-Lặc giảng-pháp; tiếng Pali là Tusita. - Hoàng-cung = cung-điện nhà Vua, nơi Vua ở. - Ngọ-trai: Ngọ = 12 giờ trưa; Trai = bữa ăn chay. - Bạch = thưa trình khi nói với bực tu-hành cao-quí. - Long-xa: Long = con rồng; Xa = chiếc xe. Xe của vua ngự được gọi là long-xa. - Vô-thường = Xin nhắc lại: vô-thường là chẳng thường-còn, hay biến-đổi, suy-tàn rồi bị huỷ-diệt. - Cằn-cỗi = già-cả, khô-héo, mất hết sanh-lực đi. - Còm-cõi = quá già-nua, lưng còng, da nhăn, gầy-yếu. - Chánh-pháp = lời dạy của Đức Phật về đường-tu để được giác-ngộ và giải-thoát. - Thiện-nhơn, Chí-thiện: Thiện = lành; Nhơn = người; Chí = đến, hết sức, thật cao. Bực Chí-thiện là người hết sức lành; ý muốn nói bực Thánh. - Nhắn-nhủ: nhắc-nhở, thường chỉ-dạy cho. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện mang hai ý-nghĩa: 1) Vì nói dối, hoàng-hậu Mạt-lợi mặc dầu có công-đức bố-thí, cũng vẫn bị sa địa-ngục. Giới thứ tư của người tu tại-gia là cấm nói dối. 2) Lẽ vô-thường ( = chẳng thường-còn, bị biến-đổi và hủy-diệt) ứng vào các sự-vật có hình-tướng, như chiếc xe của vua, lâu rồi cũng bị cũ và hư. Nhưng với Chánh-pháp, lời giảng-dạy của Đức Phật lúc nào cũng đúng và ở đâu cũng đúng, nên thoát ra ngoài lẽ vô-thường. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 151: Cũng như các bài Kệ trước, từ số 147, bài Kệ nầy dạy ta về lẽ vô-thường, lấy chiếc long-xa ra làm thí-dụ. Xe vua lộng-lẫy rồi cũng cũ, mà thân người ngồi trên xe ấy, với thời-gian, cũng sẽ già-nua, còm-cõi. Chỉ có Chánh-pháp, được các bực Thánh-nhơn tuyên-dạy rõ mới chẳng bị lẽ vô-thường chi-phối. HỌC TẬP: 1.- Học kỹ bài Kệ, ghi nhớ mọi sự-vật có hình-tướng đều bị lẽ vô-thường chi-phối cả; chớ nên quá luyến-tiếc khi tài-sản của mình bị hư-tán. 2.- Nói dối thường là bịa chuyện khác ra để tránh tội; nhưng còn có một hình-thức nói dối nữa là im-lặng, dấu tội mình chẳng dám nói ra. (124).- Tích chuyện tỳ-kheo Lã-lưu. Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị tỳ-kheo tên là Lã-lưu. Thuở ấy, có vị tỳ-kheo tên là Lã-lưu, ít trí thông-minh, tánh lại hay lơ-đãng. Vị ấy vụng-về, ít khi biết nói những lời cho hợp thời, hợp cảnh. Gặp việc vui, vị ấy lại đem chuyện buồn ra nói; còn khi gặp dịp đau-buồn, vị ấy lại nhắc đến chuyện tức-cười. Nhiều bạn đồng-tu đã nhắc-nhở cho tỳ-kheo Lã-lưu nên tế-nhị, nói cho đúng lúc, hợp tình, nhưng chứng nào tật nấy, Lã-lưu chẳng mở-mang thêm trí-huệ chút nào cả. Sự-việc đến tai Đức Phật, Ngài bảo: "Người kém trí như tỳ-kheo Lã-lưu, chẳng có kiến-thức chi, cũng giống như con bò, thân-thể có to-lớn thêm theo năm tháng, mà trí-óc vẫn tối-mò." Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây: Già đời người ít học, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Lã-lưu: tên vị tỳ-kheo nầy, tiếng Pali là Làludàyì. - Lơ-đãng = ít có sự chú-ý, thiếu sự chú-tâm, hay vô-ý. - Tế-nhị: Tế = nhỏ-nhắn, xinh-xắn;Nhị = bóng mượt. Chữ tế-nhị dùng ở đây theo nghĩa là khéo-léo, suy-nghĩ kỹ-lưỡng trước khi nói hay làm. Người tế-nhị chẳng bật cười khi thấy có người trợt té. - Kiến-thức: Kiến = thấy; Thức = hiểu-biết. Kiến-thức là sự hiểu-biết do học-tập mà có được. - Trí-huệ: trí thông-minh. Trong Phật-học, chữ Trí-huệ có nghĩa đặc-biệt, chỉ trí thông-minh sáng-suốt đã giác-ngộ được Chơn-lý, dùng để dịch chữ Bát-nhã (Pali:Prajna), Trí vượt qua bờ giác-ngộ và giải-thoát. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện rất đơn-sơ kể lại việc một vị tỳ-kheo tánh hay lơ-đãng, lại ít học nên trí-huệ chẳng mở-mang. Đức Phật ví người kém trí như con bò, thân-thể có to-lớn thêm, nhưng tâm-trí vẫn si-mê, u-tối. Ý-nghĩa của Tích chuyện khuyên ta, trong sự tu-hành, phải biết học-tập mở-mang kiến-thức, phát-triển trí-huệ, để được giác-ngộ và giải-thoát. Vấn-đề đặt ra là làm thế nào để có được Trí-huệ? Xin thử xét qua các điểm quan-trọng về vấn-đề Trí-huệ trong Đạo Phật. 1.- Đạo Phật lấy Từ-bi và Trí-huệ làm tôn-chỉ: điều nầy có nghĩa là người tu-hành phải luôn luôn: (a) thương-yêu và giúp-đỡ mọi chúng-sanh; (b) mở-mang tâm-trí để biết chọn điều lành, bỏ điều ác và giữ-gìn tư-tưởng cho trong-sạch, hướng về con đường giác-ngộ và giải-thoát. 2.- Trí-Huệ trong Đạo Phật khác với Trí thông-minh ngoài đời: người đời cho mình là khôn khi khéo biết làm lợi cho mình, cho gia-đình mình, đó là thế-trí, cái Trí của người đời chưa tu-hành. Trong đạo Phật, Trí-huệ chẳng những khéo-léo biết làm lợi mình mà lợi cả cho người ngoài, và nhứt là thấy được con đường giải-thoát mọi khổ-đau của cuộc đời. Vì lẽ nầy, Trí-huệ còn được gọi là Bát-nhã Ba-la-mật (tiếng Pali: Prajna Paramita) giúp ta vượt qua bờ bên kia, nghĩa là bờ giác-ngộ và giải-thoát, chẳng còn phải bị tái-sanh trong cõi Luân-hồi khổ-đau nữa. 3.- Tam-Học Giới-Định-Huệ giúp ta phát-triển Trí-huệ: Con đường phát-triển Trí-huệ là con đường Tam-Học, gồm có ba điều: (1)Giới, giữ-gìn thật châu-đáo các điều giới-cấm; đây là kỷ-luật tự-giác, tự mình kiểm-soát lấy mình; (2) Định, giữ-gìn các giác-quan chẳng để cảnh bên ngoài lôi-cuốn và nhứt là bên trong, tâm chẳng chạy lang-bang, chẳng lo ra, luôn luôn biết chú-tâm và dẹp bỏ các ý-nghĩ sai-lầm; (3)Huệ, sáng-suốt nhận-định điều lành để theo, việc ác để tránh, hiểu thấu-đáo thân-phận con người và bổn-thể rỗng-rang của muôn sự-vật, biết và làm theo con đường giác-ngộ và giải-thoát. Tuy phân ra ba việc Giới, Định, Huệ, nhưng khi thực-hành, phải làm cùng một lúc cả ba việc, chẳng sót việc nào. Tại sao? Vì biết giữ giới, theo đúng kỷ-luật tự-giác, tâm-trí sẽ dừng lại, chẳng chạy lung-tung, nhờ đó mà được Định; có được định-lực, thì Trí-huệ mới phát-triển lên. Ngược lại, nhờ có Trí-huệ, tâm-trí được an-định biết khép mình vào kỷ-luật, do đó việc giữ giới sẽ dễ-dàng và châu-đáo hơn. 4.- Muốn phát-triển Trí-Huệ nhanh-chóng, cần theo đúng đường-lối Văn-Huệ, Tư-Huệ và Tu-Huệ, gọi tắt là Văn, Tư, Tu. Thế nào là Văn, Tư, Tu? (a) Văn là nghe. Nghe gì? Nghe và hiểu rõ về Kinh, Kệ bằng cách theo dõi các buổi giảng-pháp ở chùa, hay đọc sách dạy về giáo-lý; (b) Tư là suy-nghĩ; suy-nghĩ thật sâu-xa và tìm cách áp-dụng vào đời sống những lời dạy của Đức Phật nói trong Kinh-Kệ; (c) Tu là sửa đổi. Sửa đổi cái chi? Sửa đổi tánh-tình cho có đức-hạnh, biết suy-nghĩ cho chín-chắn, chẳng lo ra, chẳng nghĩ lang-bang. Áp-dụng đường-lối Văn, Tư, Tu là mỗi tuần phải đi chùa nghe giảng-pháp; nghe xong, phải hiểu rõ lời Phật dạy, suy-nghĩ cho kỹ, hễ còn chút nghi-ngờ chưa thấu, phải thưa hỏi lại ngay; và ghi nhớ thật đầy-đủ áp-dụng vào đời sống tu-hành của mình những điều đã học-hỏi được. Điều quan-trọng trong pháp Văn, Tư, Tu là phải biết quay về bên trong tâm mình, xét xem điều mình nghe, mình đã hiểu rõ chưa, đã suy-nghĩ sâu-xa về điều mình vừa mới hiểu thêm chưa, và chính mình đã áp-dụng điều mình vừa nghe chưa. Có quay về với lòng mình như thế, thì pháp Văn, Tư, Tu mới có hiệu-quả thiết-thực cho đời sống tu-hành của mình. 5.- Chẳng cần có nhiều kiến-thức, thà biết ít mà biết chắc: học cho nhiều, biết cho lắm, mà chưa sắp-xếp cho có thứ-tự, thì thành ra rối Trí, có hại cho việc phát-triển Trí-huệ. Vì thế, nên chọn một pháp-môn duy-nhứt và chỉ nên nghe, học, suy-nghĩ, và thực-hành cho kỹ pháp-môn ấy. (2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 152: Bài Kệ chẳng có chữ nào khó hiểu; nhưng ý-nghĩa rất sâu-xa, dạy ta phải biết phát-triển Trí-huệ, để được giác-ngộ và giải-thoát, theo đúng điều thứ hai trong Tôn-chỉ của Đạo Phật: Từ-bi và Trí-huệ. Tu theo đạo Phật chẳng phải là chờ Phật độ cho mình thành Phật, mà là phải học hỏi lời Phật dạy, hiểu và thi-hành theo, để tự-mình tu-tập hầu đời nầy hay vào các đời sau mình được giải-thoát như Đức Phật. HỌC TẬP: - Học kỹ bài Kệ, đọc cho con-cái nghe khi chúng làm biếng học. (125).- Tích chuyện Đức Phật thành Đạo.Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp theo lời thỉnh-cầu của Tôn-giả A-nan, có đề-cập đến sự-tích Thành-Đạo của Đức Phật Thích-ca. Thái-tử Tất-đạt-ta, họ Cồ-đàm, là con của Vua Tịnh-phạn và Hoàng-hậu Ma-gia, trị-vì tại thành Ca-tỳ-la-vệ. Đến năm hai mươi chín tuổi, Thái-tử rời cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con khôn, xuất-gia đi tu thành một người ẩn-sĩ khổ-hạnh, dạo khắp châu-thổ sông Hằng, tìm thầy học Đạo. Các vị thầy đều dạy Thiền, nhưng giáo-lý của họ chẳng làm thoả-mãn lòng tìm kiếm Chơn-lý của Thái-tử Tất-đạt-ta, nên Ngài quyết-tâm theo con đường riêng của mình. Ngài sống khổ-hạnh trong sáu năm nơi rừng sâu, ép mình theo một kỷ-luật khắc-khổ. Cho đến khi bị ngất xỉu và được thôn-nữ Thiện-Sanh dâng bát sữa, Ngài tĩnh-ngộ, bỏ lối tu khắc-khổ, chọn con đường Trung-Đạo, lánh xa hai cực-đoan: lợi-dưỡng và khổ-hạnh. Con đường Trung-Đạo chính là Bát-Chánh-đạo gồm có: Chánh-kiến, Chánh-tư-duy, Chánh-ngữ, Chánh-nghiệp, Chánh-mạng, Chánh tinh-tấn, Chánh niệm và Chánh-định, đưa đến cảnh-giới an-lạc, vắng-lặng của Niết-Bàn. Sau bốn mươi chín ngày đêm ngồi nhập-định dưới cội cây Bồ-đề, bên bờ sông Ni-liên-thiền, thái-tử Tất-đạt-ta chứng-đắc được quả-vị Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, vào năm ba mươi lăm tuổi. Vào khoảng canh đầu đêm ấy, Thái-tử chứng được Túc-mạng-minh biết rõ được vô-số kiếp đã qua. Đến canh giữa, Ngài chứng được Thiên-nhãn-minh, thấy rõ nguyên-nhơn khiến cho chúng-sanh phải tái-sanh ở cõi nầy, cõi nọ. Vào khoảng canh cuối cùng của đêm, Ngài chứng được Lậu-tận-minh, dứt mọi lậu-hoặc, giải-thoát được cảnh sanh-tử của Luân-hồi với Lý-thuyết Thập-Nhị Nhơn-Duyên theo hai chiều lưu-chuyển và hoàn-diệt. Đến khi bình-minh ló dạng, Thái-tử Tất-đạt-ta chứng được bốn Chơn-lý nhiệm-mầu là Tứ Diệu-Đế. Với Trí-huệ hoàn-toàn sáng-suốt Ngài chiếu-soi bốn Chơn-lý: Khổ-đế, Tập-đế, Diệt-đế và Đạo-đế, thấy rõ bổn-thể của mỗi Chơn-lý, sự cần-thiết phải thực-hiện về mỗi Chơn-lý và sự hoàn-tất việc thực-hiện về mỗi Chơn-lý; do đó, Ngài chứng-đắc được Trí-huệ đại-giác của Phật-đà, trở thành Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Chỉ sau khi bốn Chơn-lý Nhiệm-mầu hiện lên thật rõ-ràng, trong-suốt nơi tâm thanh-tịnh của Ngài, với ba lần chuyển và mười hai hành-tướng, Ngài mới tuyên-bố lên cho tất cả ở cõi Người, cõi Trời và cõi Phạm-thiên biết rằng Ngài đã chứng-đắc được quả-vị Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. Liền sau khi đã giác-ngộ và giải-thoát hoàn-toàn, Ngài thốt lên bài Chứng-đạo-ca, diễn thành ra hai bài Kệ sau đây: Lang-thang qua bao kiếp Luân-hồi, Ô kià! Anh thợ làm nhà! TÌM HIỂU: Xin Lưu-Ý: Tích chuyện Thành-Đạo của Phật Thích-Ca vừa được đọc qua vốn được kết-tập dựa theo Kinh Chuyển Pháp-Luân. Kinh nầy được Đức Phật, sau khi chứng-đắc quả-vị Phật, tuyên-giảng cho năm anh em ông Kiều-trần-như nghe, tại vườn Lộc-uyển, thành Ba-la-nại. Vì ý Kinh rất thâm-sâu và Tích chuyện lại dùng nhiều danh-từ chuyên-môn khó hiểu, Thiện-Nhựt mạn phép viết lại hai đoạn chót của Tích chuyện theo lời-lẽ thông-thường, trước khi bắt đầu việc TÌM HIỂU: " ... Sau bốn mươi chín ngày đêm ngồi thiền dưới cội cây Bồ-đề, Thái-tử Tất-đạt-ta chứng được quả-vị Phật. Vào đêm cuối, Ngài lần-lượt chứng được Túc-mạng-minh, nhớ được các kiếp sống đã qua, Thiên-nhãn-minh, nhìn thấy chúng-sanh phải tái-sanh mãi trong cảnh Luân-hồi và Lậu-tận-minh, dứt-khoát dẹp tan mọi lậu-hoặc nơi thân-tâm mình. . Khi bình-minh vừa ló dạng, Ngài chứng-đắc được bốn Chơn-lý Nhiệm-mầu là Khổ-đế, Tập-đế, Diệt-đế, và Đạo-đế. Tâm-trí thanh-tịnh của Ngài lần-lượt chiếu-soi từng Chơn-lý, thấy rõ thế nào là Khổ ( = Khổ-đế) cần được hiểu rõ; nguyên-nhơn đã gây ra Khổ ( = Tập-đế) cần được đoạn-tận; đến sự tận-diệt của Khổ ( = Diệt-đế), cần được chứng-ngộ và con đường đi đến sự tận-diệt Khổ ( = Đạo-đế), cần được tu-tập. Về mỗi Chơn-lý, tâm-trí thanh-tịnh của Ngài lần-lượt chuyển-động qua ba giai-đoạn gọi là ba lần chuyển: (1)thấy rõ, (2) đang hiểu và (3) đã thông-đạt chẳng còn chút nghi-ngờ; ba lần chuyển-động như thế cho bốn Chơn-lý thành ra là mười hai hành-tướng. Bấy giờ, biết chắc mình đã chứng được Trí-Huệ Bát-nhã Ba-la-mật, Ngài mới tuyên bố cùng mọi chúng-sanh trong ba cõi, rằng Ngài đã đạt được ngôi-vị Phật. Sau đó, Ngài thốt lên bài Chứng-đạo-ca, tức là hai bài Kệ số 153 và 154. A.- Nghĩa Chữ: - Sự-tích Thành-Đạo: những sự-việc có thật đã xãy ra khi Thái-tử Tất-đạt-ta hoàn-thành việc tu-tập để chứng-đắc ngôi-vị Phật. - Thái-tử: con trai lớn của Vua, sẽ nối ngôi Vua. - Tất-đạt-ta: tên của Đức Phật Thích-ca, khi chưa xuất-gia; tiếng Pali là Siddhattha. - Cồ-đàm: họ của thái-tử Tất-đạt-ta; tiếng Pali là Gotama. - Tịnh-phạn = tên Vua cha của Thái-tử Tất-đạt-ta, tiếng Pali là Suddhodana. - Ma-gia: tên của Hoàng-hậu, mẹ của Thái-tử Tất-đạt-ta, tiếng Pali là Màyà. - Ca-tỳ-la-vệ: thủ-đô nước Xá-vệ, quê-hương của Thái-tử, nay thuộc phần đất của vương-quốc Nepal; tiếng Pali là Kapilavatthu. - Vợ đẹp con khôn: Vợ của Thái-tử Tất-đạt-ta là công-chúa Gia-du-đà-la ( Yasodharà); con của Thái-tử là La-hầu-la (Rahula). - Châu-thổ: Châu = cồn, bãi cát đất; Thổ = đất. Châu-thổ là khu-vực hai bên dọc theo dòng sông. - sông Hằng: một con sông lớn ở Ấn-độ, tiếng Pali là Gangà. - Chơn-lý = Sự-Thật. Ở đây, ý muốn nói đến Sự-Thật thoát được mọi khổ-đau trong thân-phận của mọi chúng-sanh. - Khổ-hạnh = Khổ = khắc-khổ; Hạnh = hạnh-kiểm; hành-động. Khổ-hạnh là cuộc sống khắc-khổ, thiếu-thốn; tương-truyền rằng khi tu khổ-hạnh, thái-tử Tất-đạt-ta chỉ ăn mỗi ngày có mấy hột mè, thân-thể gầy-yếu, chỉ còn da bọc xương. - Thiện-Sanh: dịch nghĩa tên của nàng thôn-nữ, tiếng Pali là Sujàtà - Tĩnh-ngộ: thức-tỉnh, nhận biết mình đã lầm. - Trung-Đạo: Trung = ở giữa; Đạo = con đường. Trung-Đạo là con đường ở giữa, tránh xa cả hai nẻo khắc-khổ và hưởng-thọ. Trung-Đạo, tiếng Pali là Majjhinapatipadà. - Cực-đoan: Cực = rất, cùng-cực, quá-mức; đoan = đầu cùng; mức cuối; Cực-đoan là chỗ quá mức; ở đây nói về lối sống, có hai cực-đoan: một đầu chỉ lo hưởng thọ vật-chất đầy-đủ, phủ-phê, gọi là lợi-dưỡng; còn một đầu nhịn ăn, chịu đói lạnh, ép-xác, gọi là khổ-hạnh. - Lợi-dưỡng = hưởng lợi thật đầy-đủ về vật-chất. - Chánh-kiến = ý-kiến đứng-đắn, chơn chánh. - Chánh tư-duy = suy-nghĩ đứng-đắn, chơn-chánh. - Chánh ngữ = lời nói đứng-đắn, chơn-chánh - Chánh nghiệp = việc làm, hành-động, sự-nghiệp đứng-đắn, chơn-chánh. - Chánh-mạng = nghề-nghiệp sanh-sống đứng-đắn, chơn-chánh. - Chánh-tịnh-tấn = nỗ-lực, cố-gắng đứng-đắn, chơn-chánh. - Chánh-niệm = ý-nghĩ, tư-tưởng trong tâm đứng-đắn, chơn-chánh - Chánh-định = tâm-ý dừng lại, chẳng nghĩ ngợi lang-bang, giữ trong sự lặng-lẽ đứng-đắn, chơn-chánh. - An-lạc: An = yên; Lạc = vui; cảnh an-lạc là cảnh yên-vui, sướng. - Niết-Bàn: tâm-trạng của người đã dứt bỏ hết mọi phiền-não, chẳng còn tái-sanh nữa. Theo tiếng Phạn Nirvana, có nghĩa là ra khỏi rừng u-tối, tức là thoát khỏi mọi phiền-não, mê-lầm, ngu-tối. - Nhập-định: Nhập = vào; Định = ở yên. Nhập-định là ngồi Thiền, tâm-trí vắng-lặng, yên-ổn, ý-tưởng dừng lại, chẳng xao-lãng. - Bồ-đề: chữ Phạn là Bodhi, nghĩa là giác-ngộ, hiểu rõ lẽ sống chết của chúng-sanh. Nguyên là cây Pippala, thân cao trên 10 thước, cành to, lá hình trái-tim, hột to có thể kết thành chuỗi, Thái-tử Tất-đạt-ta ngồi Thiền 49 ngày đêm dưới gốc cây nầy, thành Phật, nên gọi là cây Bồ-đề. - Sông Ni-liên-thiền: sông khá rộng ở Ấn-độ, tên tiếng Pali là Neranjarà. - Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác: Vô-thượng = cao nhứt, chẳng có gì cao hơn; Chánh-đẳng = ở vào hàng cao-quí, chơn-chánh nhứt; Chánh-giác = giác-ngộ chơn-chánh nhứt. Quả-vị Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác dịch nghĩa chữ Phạn Anouttara Samyas Sambôdhi, còn gọi là Vô-thượng Bồ-đề, hay nói gọn hơn nữa là thành Phật. - Canh đầu, canh giữa, canh cuối: ở Ấn-độ, ban đêm chia ra ba canh; khác với Việt-nam, đêm có năm canh, mỗi canh hai giờ. - Túc-mạng-minh: Túc = ngày xưa; Mạng = đời, kiếp sống; Minh = biết rõ. Túc-mạng-minh là khả-năng nhớ được các đời sống đã qua; tiếng Pali là Pubbenivàsànussati nàna. - Thiên-nhãn-minh: Thiên = Trời; Nhãn = con mắt; Minh = biết rõ. Thiên-nhãn-minh là khả-năng nhìn thấy được các sự-vật bị ngăn-che; tiếng Pali là Dibbacakkhu nàna. - Lậu-tận-minh: Lậu = lậu-hoặc, các phiền-não từ bên trong rỉ chảy lộ ra thành hành-động xấu-ác; Tận = dứt hết; Minh = biết rõ. Chứng được Lậu-tận-minh thì dứt hết các phiền-não bên trong mà trở nên giải-thoát. - Thuyết Thập-nhị Nhơn-Duyên: Thuyết = lý-thuyết; Thập-nhị = mười hai; Nhơn-duyên = nguyên-cớ. Thuyết nầy được dịch là thuyết Mười hai Nhơn-duyên, tiếng Pali là Paticcasamuppàda. Thuyết nầy có hai chiều; (a) chiều lưu-chuyển là (1)Vô-minh( = sự ngu-tối) duyên Hành ( =hành-nghiệp, hành-động); (2)Hành duyên Thức ( = sự hiểu-biết); (3) Thức duyên Danh-sắc ( =tên hay tâm và vật); (4) Danh-sắc duyên Lục-nhập ( = sáu giác-quan); (5) Lục-nhập duyên Xúc ( = sự va-chạm); (6) Xúc duyên Thọ ( = cảm-giác); (7) Thọ duyên Ái ( = yêu thích); (8) Ái duyên Thủ ( = chấp chặt giữ lấy); (9) Thủ duyên Hữu ( = đời sống); (10) Hữu duyên Sanh ( =sự sanh-đẻ ra, tái-sanh); (11) Sanh duyên Tử ( = chết); (12) Tử duyên Vô-minh. Theo chiều lưu-chuyển nầy, thì cứ mãi mãi sanh-tử, tử-sanh trong vòng Luân-hồi (Chữ duyên dùng ở đây có nghĩa là: do đó mà sanh ra) (b) chiều hoàn-diệt là: (1) Hết-vô-minh thì dứt Hành; (2) Hành dứt thì Thức dứt; (3) Thức dứt thì Danh-sắc dứt; (4)Danh-sắc dứt thì Lục-nhập dứt; (5) Lục-nhập dứt thì Xúc dứt; (6)Xúc dứt thì Thọ dứt; (7) Thọ dứt thì Ái dứt; (8) Ái dứt thì Thủ dứt; (9)Thủ dứt thì Hữu dứt; (10) Hữu dứt thì Sanh dứt; (11)Sanh dứt thì Tử dứt. Theo chiều hoàn-diệt nầy thì ra khỏi được vòng sanh-tử, tử-sanh của Luân-hồi, đắc quả-vi Duyên-giác. - Lưu-chuyển: Lưu =chảy; Chuyển = chuyển-động. Chiều Lưu-chuyển của Thuyết 12 Nhơn-duyên cho thấy rõ tại sao chúng-sanh phải trôi lăn mãi trong cõi đau-khổ của Luân-hồi. Tiếng Pali gọi chiều lưu-chuyển là Anuloma. Về chữ duyên dùng trong chiều lưu-chuyển, như nói "Vô-minh duyên Hành", có nghĩa là gây nên, tạo ra cơ-hội cho việc sau xãy đến; tức là: "Vì đã có Vô-minh, nên Hành mới sanh ra, mới có theo." - Hoàn-diệt: Hoàn = trở lại; Diệt = tiêu mất. Theo chiều hoàn-diệt thì phá vỡ được vòng lẩn-quẩn sanh-tử, tử-sanh của Luân-hồi. Hễ phá-vỡ được một nguyên-nhơn trong mười hai nhơn-duyên, là vòng tròn lẩn-quẩn bị đứt, nhờ đó mà giải-thoát được khỏi Luân-hồi. Tiếng Pali gọi chiều Hoàn-diệt là Patiloma. - Tứ-Diệu-Đế: Tứ = bốn; Diệu = nhiệm-mầu; Đế = Chơn-lý. - Khổ-đế = Chơn-lý về sự đau-khổ của thân-phận chúng-sanh trong cõi Luân-hồi. Phật-học Bắc-tông phân-biệt tám sự Khổ, được gọi là Bát-Khổ: (1) Sanh là Khổ; (2)Lão, già là Khổ;(3)Bịnh, đau-ốm là Khổ; (4)Tử, chết là Khổ; (5)Ái biệt-ly, thương nhau phải xa nhau là Khổ; (6)Oán tăng hội, ghét nhau mà phải gần nhau là Khổ; (7)Cầu bất đắc, mong-cầu mà chẳng được là Khổ; (8)ngũ-ấm xí thạnh, thân năm uẩn phát-triển quá mạnh và thiếu thăng-bằng, là Khổ. Tiếng Pali gọi Khổ-đế là Dukkha Ariya Sacca. - Tập-đế = Chơn-lý về nguyên-nhơn của Khổ, tức là sự tham-ái; còn gọi là khát-ái, ái-dục. Tiếng Pali gọi Tập-đế là Samudaya Ariya Sacca - Diệt-đế = Chơn-lý về sự tiêu-diệt mọi Khổ-đau, tức là chứng-đắc được cảnh an-lạc của Niết-Bàn. Tiếng Pali gọi Diệt-đế là Nirodha Ariya Sacca. - Đạo-đế = Chơn-lý về con đường đưa đến sự giác-ngộ và giải-thoát, tức là Bát-Chánh-Đạo, hay Bát-Thánh-Đạo, hay con đường Trung-Đạo. Con đường nầy có tám ngành, được kể ra trong Tích chuyện. Tiếng Pali gọi Đạo-đế là Magga Ariya Sacca. - Đại-giác: Đại = lớn; Giác = biết rõ. Đại-giác là hoàn-toàn giác-ngộ. - Phật-đà: phiên-âm chữ Phạn Buddha, có nghĩa là Đại-giác. - Mâu-ni: phiên âm chữ Phạn Mouni, có nghĩa là bực nhơn-từ, đức-hạnh và tịch-tĩnh. Trong Phật-hiệu Thích-ca Mâu-ni, chữ Thích-ca là dòng họ, chữ Mâu-ni là tiếng tôn-xưng Ngài là bực nhơn-từ, tịch-tĩnh. - Ba lần chuyển: ba lần tâm chuyển-động; đó là: (1)biết đang thấy, (2)biết đang hiểu, (3)biết đã hiểu chẳng còn nghi-ngờ. - Mười hai hành-tướng: Hành-tướng =hình-tướng chuyển-động của Tâm. Mười hai hành-tướng đó là ba lần chuyển cho mỗi Chơn-lý, nhơn lên cho bốn Chơn-lý, thành ra mười hai hành-tướng của Tâm. - Chứng-đạo-ca: Chứng = chứng-đắc, biết chắc đã được; Đạo = đường-lối tu-hành; Ca = bài thơ, bài Kệ, bài hát. Các bực tu-hành khi được đắc-đạo, thường thốt ra lời cảm-xúc nói lên sự chứng-đạo của mình. - Ngôi nhà nầy = nghĩa bóng, ngôi nhà ở đây là thân-tâm. - Tái-sanh = sanh trở lại cõi đời sướng ít khổ nhiều nầy. - Cây đòn-tay = xà ngang, khúc gỗ lớn nằm ngang trên sườn nhà. - Rui, mè, kèo = những khúc gỗ để dựng lên nóc nhà. - Ái-tham: Ái =yêu, thích; Tham = ham quá. - Dục-vọng: Dục = ham-muốn; Vọng = vọng-cầu. - Tiêu-vong = tiêu mất đi hết cả. (Vong = mất.) - Kết-tập = dựa theo lời Phật giảng mà ghi nhớ lại và chép lại thành Kinh, sách, cho người sau đọc. - Kinh Chuyển Pháp-Luân: Chuyển = quay, chuyển-động; Pháp = pháp-tu; Luân = bánh xe; Chuyển Pháp-Luân là quay bánh xe Pháp, tức là đem Chánh-pháp ra giảng-dạy. Kinh nầy là bài pháp đầu-tiên của Đức Phật Thích-ca, ngay sau khi Thành-Đạo. - Kiều-trần-như: tên của vị tu-sĩ tu khổ-hạnh, vốn là bạn đồng-tu với Thái-tử Tất-đạt-ta. Sau khi nghe Kinh Chuyển Pháp-Luân, ông Kiều trần-như đắc quả A-la-hán. Tèn tiếng Pali là Annatàkondanna. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện kể lại sự-tích có thật của việc thành Đạo của Đức Phật Thích-ca, vì thế rất quan-trọng cho người Phật-tử, để có đầy-đủ lòng tin vào Đức Phật. Tích chuyện mang nhiều ý-nghĩa quan-trọng sau đây: 1) Sự-tích của Đức Phật Thích-ca là việc có thật: còn rất nhiều chứng-tích chứng thật lịch-sử của Đức Phật ở Ấn-độ, ở Nepal, như các trụ-đá của vua A-dục, tháp Đại-giác, Bồ-đề đạo-tràng, núi Linh-thứu, vuờn Lâm-tỳ-ni, thành Ca-tỳ-la-vệ, v.v. Người Phật-tử biết vị giáo-chủ của mình, trước cũng là người như mình, chớ chẳng phải Thần-thánh chi, chính nhờ tu-tập mà Ngài mới thành Phật. 2) Sự tu-hành khổ-hạnh sáu năm của Thái-tử Tất-đạt-ta chẳng phải là vô-ích, mặc dù về sau con đường Trung-Đạo khuyên nên tránh đi. Tại sao? Vì sự khổ-hạnh luyện cho ta biết tuân theo một kỷ-luật chặt-chẽ để tu-hành; tu mà chẳng theo một kỷ-luật, vui thì tu, chán thì thôi, làm sao mà thành-công được. Ngày nay, ta có tránh là tránh ép-xác, vì có hại cho sức khoẻ; nhưng phải biết khép mình vào kỷ-luật tu-tập hằng ngày. 3) Thời-gian dài nhập-định bốn mươi chín ngày đêm có vẻ khó tin được, vì còn các nhu-cầu về thể-xác như ăn-uống, tiểu-tiện. Nhưng khoa-học đã chứng-minh, khi thân-tâm hoàn-toàn trong tư-thế tĩnh-lặng, các bộ máy tiêu-hoá, bài-tiết bên trong đều chạy chậm lại. Ý-nghĩa quan-trọng cho người Phật-tử là khi ngồi Thiền, phải bền gan chịu đựng sự tê chơn, mỏi lưng, v.v. mới có thể điều-phục được tâm-ý trong một thời-gian lâu mà nhập-định. 4) Một điểm quan-trọng nhứt về Bốn Chơn-Lý Nhiệm-mầu: Khổ, Tập, Diệt, Đạo: khi quán-chiếu rõ-ràng và trước khi tuyên-bố đã đắc-đạo, tâm-trí của Đức Phật trải qua ba lần chuyển và mười hai hành-tướng. Điều đó có nghĩa là gì? Mười hai hành-tướng là mười hai lần chuyển-động của Tâm. Chuyển-động như thế nào? Mỗi lần quán-chiếu một Chơn-lý, Tâm ghi-nhận: (1)quán-thấy được Chơn-lý, thấy được bổn-thể của nó; (2)soi-thấu được sự cần-thiết cần phải thực-hành về Chơn-lý đó, tức là đang hiểu rõ về Chơn-lý đó; (3)chiếu-nhận đã hoàn-tất việc thực-hiện Chơn-lý đó, tức là đã hiểu rõ và thi-hành xong về Chơn-lý đó, chẳng còn chút nghi-ngờ nào cả. Riêng khi ghi-nhận lần thứ nhì, soi-thấu sự cần-thiết cần phải thực-hành về Chơn-lý đó, thì mỗi Chơn-lý mỗi khác: - về Khổ-đế, cần phải liễu-tri, nghĩa là biết thật rõ-ràng; - về Tập-đế, cần phải đoạn-tận, nghĩa là phải tiêu-diệt cho hết nguyên-nhơn gây ra đau-khổ là sự tham-ái. - về Diệt-đế, cần phải chứng-ngộ, nghĩa là phải tu-hành thế nào để đắc cho được cảnh-giới Niết-Bàn an-lạc; - về Đạo-đế, cần phải tu-tập, nghĩa là phải áp-dụng vào đời sống tu-hành, cả tám ngành của Bát-Chánh-Đạo. Trong mỗi lần Tâm chuyển-động, khi quán-chiếu Tứ-Diệu-Đế, Thái-tử Tất-đạt-ta đều ghi-nhận rõ-ràng mỗi hành-tướng; như thế, tâm-trí Ngài hoàn-toàn theo dõi và kiểm-soát được chính tâm của Ngài; đó chính là tâm chiếu lấy tâm, trong sự thanh-tịnh hoàn-toàn. Đây là bài học vô-cùng quí-giá cho những người hành Thiền, nhập Định. (2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 153 và 154: Hai bài Kệ nầy quan-trọng vào bực nhứt, người Phật-tử cần học thật kỹ. Các nhà văn trên thế-giới xem đấy như là một trong các bài thơ tuyệt-tác của nhơn-loại. Thiện-Nhựt rất lo-ngại chẳng biết khi chuyển-dịch sang tiếng Việt, có còn giữ được ý-vị của bài Kệ nguyên-tác hay chăng. Cả hai bài Kệ, đúng ra chỉ là một bài, bài Chứng-Đạo-ca của Đức Phật Thích-ca, nói lên sự cảm-xúc vô-cùng vui-sướng khi đã hoàn-toàn giác-ngộ và giải-thoát. Giác-ngộ được gì? Giác-ngộ được rằng thể-xác nầy gây đau-khổ qua bao kiếp sống Luân-hồi, và do chính nguyên-nhơn Ái-tham đã khiến ta phải mang lấy thể-xác đó. Giải-thoát khỏi được những gì? Giải-thoát khỏi mọi phiền-não từ bên trong thân nầy gây ra, vì kể từ đây chẳng còn phải tái-sanh để mang thân ấy nữa. Tóm lại, sự vui-mừng đó, là do chứng được cõi vô-sanh của Niết-bàn an-lạc. Thử phân-tách từng câu: - "Lang-thang qua bao kiếp Luân-hồi": Tại sao phải lang-thang? Vì ở mỗi đời sống bị khổ-đau chồng-chất, chẳng biết hướng để thoát khổ. - "Ta cố tìm nhưng rồi chưa gặp": Tại sao tìm chẳng gặp? Vì tâm-trí còn bị vô-minh ( = sự ngu-tối) che-lấp nên tìm chẳng thấy được. - "Kẻ xây dựng lên ngôi nhà nầy": Ngôi nhà nào? Đó là tấm-thân mà ta mang lấy để che-chở cho ta. Kẻ xây-dựng nhà nầy là ai? Đó là sự Ái-tham, lý-do khiến ta phải mang lấy tấm-thân nầy hết đời nầy sang đời khác. Nói khác đi, kẻ xây-dựng nên ngôi nhà nầy, chính là sự Ái-tham từ bên trong thân-tâm nầy, đã khiến ta tái-sanh mãi để mang lấy thân-xác. - "Cứ mãi tái-sanh, khổ-sở thay!": Tại sao mãi tái-sanh? Vì quá tham-luyến vào thân-xác, quá ham sống sợ chết, nên phải tái-sanh để có thân-xác mà sống. Tại sao lại khổ-sở thay? Vì cuộc sống trong cảnh Luân-hồi sướng ít, khổ nhiều, như đã xét qua về Bát-Khổ. - "Ô kià! Anh thợ làm nhà!": đây là lời vui-mừng vì đã tìm thấy ra điều mình đang tìm kiếm suốt nhiều đời kiếp qua mà chưa gặp được. Anh thợ làm nhà nào đó? Đó là kẻ khiến ta có được căn nhà nầy, tức là có tấm-thân nầy; kẻ ấy chính là sự Ái-tham, sự quyến-luyến, tríu-mến bám vào thân thể-xác để được sống, dầu là sống mãi trong sự đau-khổ. - "Nay ta bắt gặp, khó mà xây thêm": Nhờ đâu mà bắt gặp được? Chính nhờ ở Trí-huệ sáng-suốt khám-phá ra "anh thợ ấy" chẳng ở đâu xa, mà chính ngay bên trong ta, chính là sự Ái-tham của ta. Đã ở bên trong ta, do ta tự-tạo nên, thì sự ái-tham cũng sẽ bị chính ta diệt bỏ đi, bởi thế cho nên "anh thợ làm nhà =Ái-tham" đó mới "khó mà xây thêm" Xây thêm làm sao được, vì ta chẳng còn ham-muốn căn nhà của anh nữa. Nói khác đi, kể từ nay, ta chẳng còn muốn tái-sanh nữa. - "Cây đòn-tay bên thềm gẫy đổ": Cây đòn-tay nào? Trên sườn nhà, cây đòn-tay chống-đỡ cả ngôi nhà, nghĩa bóng ở đây, chính là sự vô-minh ( =ngu-tối); vì vô-minh mà phải bị tái-sanh; nay hết-vô-minh thì cũng như cây đòn-tay bị gẫy-đổ, làm gì mà dựng được căn nhà? Nói khác đi, ta nay đã được Trí-huệ, thì vô-minh bị vẹt tan, hết vì ngu-muội mà tham-ái nữa, hết vì mê-lầm mà quá tríu-mến vào thân-xác nầy nữa. - "Rui, mè, kèo, cột bỏ ngổn-ngang": các vật-liệu xây-cất bị bỏ ngổn-ngang chẳng được dùng nữa, thì làm sao mà cất nhà mới nổi? Nghĩa bóng của rui, mè, kèo, cột, ở đây là các lậu-hoặc, phiền-não như tham, sân, si, mạn, nghi, v.v. - "Ta nay chứng-đắc Niết-Bàn": "Chứng-đắc Niết-bàn" theo nghĩa dễ hiểu là gì? Đó là kể từ nay, ta chẳng phải còn tái-sanh nữa, chứng được cõi vô-sanh, sống mãi mãi với pháp-thân ( = tấm thân đạo-lý, vô-hình-tướng, chẳng sanh mà chẳng diệt, hằng-còn) trong cảnh an-lạc và tịch-diệt. - "Ái-tham, dục-vọng hoàn-toàn tiêu-vong": Khi ái-tham và dục-vọng đã mất bặt luôn khỏi tâm thì hành-giả đã đắc được tâm thanh-tịnh và chứng-đắc quả-vị A-la-hán, hoàn-toàn giác-ngộ và giải-thoát. HỌC TẬP: 1.- Đọc thật kỹ Tích chuyện, ghi nhớ các điểm chánh, vì đó là Lịch-sử của Đức Phật. Muốn xứng đáng là Phật-tử, phải biết rõ lịch-sử của đấng Từ-phụ. 2.- Học thuộc lòng hai bài Kệ, vì đây là bài Chứng-Đạo-ca của Đức Phật Thích-ca; nghĩa-lý thâm-sâu giúp ta vững tin nơi Phật-đạo và tinh-tấn tu-hành theo Chánh-pháp. 3.- Tích chuyện và hai bài Kệ là bản tóm-tắt sơ-lược tất cả giáo-lý nhà Phật. Thiện-Nhựt rất tiếc mình chẳng đủ sức để TÌM HIỂU gọn-gàng và dễ đọc hơn như đã làm. Xin người đọc còn chỗ nào chưa rõ, nên đến thưa hỏi thêm các bực xuất-gia cùng các thiện-tri-thức. (126).- Tích chuyện con ông Đại-Đà-na.Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại rừng Mi-già, gần thành Ba-la-nại, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến người con trai của ông Đại-Đà-na. Thuở ấy, ở thành Ba-la-nại có một người giàu-có tên là Đại-Đà-na. Ông có người con trai lúc còn nhỏ chẳng chịu học-hành gì, đến khi trưởng-thành, cưới được một người vợ, con gái của một người cũng rất giàu-có. Người vợ cũng giống chồng, chẳng có sự giáo-dục khi còn trẻ. Khi cha mẹ hai bên qua đời, vợ chồng người ấy được thừa-hưởng gia-tài to-lớn của bên chồng và bên vợ. Cả hai người đều là người dốt-nát, chẳng biết giữ-gìn của-cải, chẳng hiểu cách làm-lụng để của-cải được sanh lợi thêm, cả ngày họ chỉ biết ăn ngon mặc đẹp, uống rượu, đánh bạc, vui đùa mà thôi. Chẳng bao lâu, tài-sản của họ lần lần tiêu-tán, họ trở nên thiếu-thốn. Bấy giờ họ bán cả đất cát, ruộng vườn để trả nợ, và sau cùng phải bán luôn ngôi nhà đang ở cùng các bàn ghế, rồi lang-thang nơi đầu đường xó chợ đi ăn xin, sống nhờ vào sự bố-thí của kẻ khác. Một hôm, Đức Phật nhìn thấy con trai ông Đại-Đà-na, ăn mặc rách-rưới, thân-thể gầy-yếu, già-nua, đang đứng dựa lưng vào vách tường chùa, chờ các vị Sa-di đem các thức ăn còn thừa ra cho mà ăn. Đức Phật mỉm cười; lúc ấy Tôn-giả A-nan đứng bên cạnh mới thưa hỏi tại sao Phật lại cười. Đức Phật bảo: "Nầy A-nan, hãy nhìn con trai ông Đại-Đà-na đang đứng dựa tường kia. Con nhà giàu-có, anh ta lúc thiếu-thời chẳng học-hành chi cả, sống một cuộc đời thật là vô-dụng. Nếu vào buổi đầu của cuộc đời, anh ta biết bảo-tồn tài-sản của mình, anh sẽ trở thành một nhà cự-phú. Hay nếu biết xuất-gia, thọ-giới Tỳ-kheo, thì nay anh có thể đắc được quả-vị A-la-hán và vợ anh, nếu biết tu-hành cũng có thể chứng được quả-vị A-na-hàm. Nếu vợ chồng anh, vào tuổi trung-niên, biết làm-lụng để của-cải sanh lợi, thì nay cả hai cũng khá-giả. Hay nếu họ đi tu vào thời đã đứng tuổi,thì nay chồng cũng chứng được quả A-na-hàm, vợ được quả Tư-đà-hàm. Nếu hai người ấy vào lúc tuổi đã xế chiều, biết giữ-gìn tiền-của, thì nay hai vợ chồng già cũng có đủ ăn. Hay nếu về già, họ đi tu, thì nay chồng cũng đắc được quả Tư-đà-hàm, vợ cũng chứng quả Tu-đà-huờn. Tuy nhiên, vì cả trong ba giai-đoạn thời-gian của đời sống, họ đã chẳng biết làm điều lợi-ích nào, cho nên họ đã mất hết cả tài-sản, bỏ qua những cơ-hội quí để chứng-đắc được các Đạo và Quả." Rồi Đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây: Lúc thiếu-thời, chẳng sống
đời Phạm-hạnh, Lúc thiếu-thời, chẳng sống
đời Phạm-hạnh, TÌM HIỂU: A.- Nghĩa Chữ: - Đại-Đà-na: tên vị nhà giàu nầy, tiếng Pali là Mahàdhana. - Ba-la-nại: tên thành-phố lớn của Ấn-độ; tiếng Pali là Varanasì. - Thừa-hưởng = nhận lãnh để hưởng-dụng. - Sa-di = Xin nhắc lại: người mới vào chùa tập-sự tu-hành, chưa thọ-giới Tỳ-kheo; tiếng Pali là Samanera. - A-nan: tên vị thị-giả của đức Phật Thích-ca; tiếng Pali là Ànanda - Thiếu-thời: Thiếu =còn trẻ, nhỏ tuổi; Thời = thời-gian. Thiếu-thời là vào khoảng còn trẻ, chưa đến hai mươi tuổi. - Vô-dụng: Vô = chẳng; Dụng = dùng được. Vô-dụng là chẳng có ích-lợi gì, chẳng dùng được vào việc gì. - Bảo-tồn: Bảo = bảo-vệ, giữ-gìn; Tồn = còn. Bảo-tồn là giữ-gìn cho còn nguyên-vẹn. - Cự-phú: Cự = to lớn; Phú = giàu-có. Cự-phú là giàu-có lớn. - Trung-niên: Trung = giữa; Niên = tuổi. Tuổi trung-niên vào khoảng bốn, năm mươi tuổi; còn gọi là đứng tuổi. - Tuổi đã xế chiều: đến tuổi già, như mặt trời về chiều sắp lặn. - Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán: Bốn quả-vị, từ thấp đến cao, của hàng Thanh-văn( =các đệ-tử sống gần bên Phật, nghe kinh mà tu-tập).(1) Tu-đà-huờn còn gọi là Nhập-Lưu ( = bước vào dòng nước Thánh) hay là Thất-Lai ( = còn tái-sanh bảy lần nữa); tiếng Pali là Sotàpatti. (2) Tư-đà-hàm còn gọi Nhứt-Lai, chỉ còn tái-sanh một lần nữa thôi; tiếng Pali là Sakadàgàmì. (3)A-na-hàm còn gọi là Bất-Lai, chẳng sanh lại cõi người nữa, chỉ sanh lên Trời, tiếp-tục tu; tiếng Pali là Anàgàmì. (4)A-la-hán, chứng được vô-sanh, hoàn-toàn giác-ngộ và giải-thoát; tiếng Pali là Arahant. - Đạo và Quả: Đạo = con đường, đường-lối tu-hành dẫn đến sự chứng-đắc; tiếng Pali là Magga. Quả = quả-vị, ngôi-vị, kết-quả thành-công trong việc tu-hành được sự chứng-đắc; tiếng Pali là Phala. - Phạm-hạnh: Phạm =Phạm-ma,Pali là Brahma, Bà-la-môn; Hạnh = hạnh-kiểm, đức-hạnh. Sống đời Phạm-hạnh là tu theo đường-lối của đạo Bà-la-môn, cắt-đứt sự dâm-dục, khi chết sẽ sanh lên cõi Trời Phạm-Thiên. - Cò hương = một loài chim cò, chơn cao, mỏ dài, nhưng ốm-gầ-y. - Dĩ-vãng: thời-gian đã qua; trái với tương-lai là việc sẽ đến. B.- Nghĩa Ý: (1) Ý-nghĩa của Tích chuyện: Tích chuyện rất giản-dị, thuật lại một người nhà giàu, lúc nhỏ chẳng chịu học-hành, lớn lên chẳng có nghề làm việc mưu-sanh, nên về già phải nghèo-khổ, đi ăn xin. Ý-nghĩa của Tích chuyện là lời Phật dạy: lúc nhỏ chẳng học-hành, chẳng có nghề, thì về già sẽ nghèo-khó. Trong suốt cuộc đời nếu bỏ qua các dịp quí-báu để tu-hành, thì chẳng chứng-đắc được đạo-quả nào cả. (2)Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 155 và 156: Hai bài Kệ rất giống nhau về ý-nghĩa: lúc còn nhỏ mà chẳng sống cuộc đời đức-hạnh, chẳng có nghề-nghiệp mưu-sanh, thì về già sẽ nghèo-khổ. Bài Kệ trước ví người già nghèo khó như con cò hương gầy-ốm chẳng tìm thấy cá, tôm ở bên hồ. Bài Kệ sau ví người già nghèo khó như cây cung gẫy nằm dài, bị bỏ xó, nhớ tiếc thời xưa. HỌC TẬP: 1.- Học thuộc hai bài Kệ, ghi nhớ, dùng để nhắc-nhở con-cái phải chăm-chỉ học-hành khi còn trong tuổi thanh-niên. 2.- Nếu có quyết-tâm tu-hành, nên sắp-xếp công-việc và thời-giờ để tu-học. Các khó-khăn trong việc tu-học, phần lớn do chính bên trong mình mà ra: tánh hẹn lần, để khi rỗi-rảnh sẽ tu, đó là chẳng bao giờ tu được cả. Nên nhớ, còn đủ sức-khoẻ cường-tráng là có đủ cơ-duyên để học Đạo; đến khi tuổi già, bịnh-hoạn liên-miên, khó mà tu-tập được. -ooOoo- |
Chân thành cám ơn đạo hữu
Thiện Nhựt đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 10-2007)
[Trở về
trang Thư Mục]
last updated: 25-10-2007