Kinh Tăng Nhất A-Hàm
Việt dịch: Hòa
thượng Thích Thanh Từ Viện Nghiên cứu Phật học
Việt Nam XXXIV. Phẩm Đẳng kiến1. Tôi nghe như vầy: Một thời Tôn giả Xá-lợi-phất ở thành Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc, cùng với chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người. Bấy giờ Tỳ-kheo đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cùng hỏi thăm nhau rồi ngồi một bên. Lúc ấy, nhiều Tỳ-kheo bạch Tôn giả rằng: - Tỳ-kheo giới thành tựu nên suy nghĩ những pháp gì? Tôn giả Xá-lợi-phất đáp: - Tỳ-kheo giới thành tựu nên tư duy năm thạnh ấm, vô thường là khổ não, là nhiều đau đớn, lo sợ; cũng nên tư duy khổ, không, vô ngã. Thế nào là năm? Nghĩa là sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm, thức ấm. Bấy giờ, Tỳ-kheo giới thành tựu suy nghĩ năm thạnh ấm này liền thành đạo Tu-đà-hoàn. Tỳ-kheo bạch Tôn giả: - Tỳ-kheo Tu-đà-hoàn nên tư duy những pháp gì? Tôn giả đáp: - Tỳ-kheo Tu-đà-hoàn cũng nên tư duy năm thạnh ấm này là khổ, là não, là nhiều đau đớn, lo sợ; cũng nên tư duy khổ, không, vô ngã. Chư Hiền nên biết, Tỳ-kheo Tu-đà-hoàn nếu tư duy năm thạnh ấm này sẽ liền thành tựu quả Tư-đà-hàm. Các Tỳ-kheo hỏi: - Tỳ-kheo Tư-đà-hàm nên tư duy những pháp gì? Tôn giả đáp: - Tỳ-kheo Tư-đà-hàm cũng nên tư duy năm thạnh ấm này là khổ, là não, là nhiều đau đớn, lo sợ. Cũng nên tư duy khổ, không, vô ngã. Lúc ấy Tỳ-kheo Tư-đà-hàm ngay lúc tư duy năm thạnh ấm liền thành tựu quả A-na-hàm. Các Tỳ-kheo hỏi: - Tỳ-kheo A-na-hàm nên tư duy những pháp gì? Tôn giả đáp: - Tỳ-kheo A-na-hàm cũng nên tư duy năm thạnh ấm này là khổ, là não, là đau đớn, lo sợ. (Cũng nên tư duy khổ, không, vô ngã). Tỳ-kheo A-na-hàm lúc tư duy năm thạnh ấm liền thành A-la-hán. Các Tỳ-kheo hỏi: - Tỳ-kheo A-la-hán nên suy nghĩ những pháp gì? Tôn giả đáp: - Các Thầy có gì hỏi hơn nữa không? Tỳ-kheo A-la-hán việc làm đã xong, không còn tạo hạnh, tâm hữu lậu được giải thoát, chẳng còn hướng trong biển sanh tử năm đường; không còn thọ hậu hữu, còn tạo tác gì nữa? Thế nên, chư Hiền! Tỳ-kheo trì giới, Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm nên tư duy năm thạnh ấm. Như thế các Tỳ-kheo nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nói xong, vui vẻ vâng làm. * 2. Tôi nghe như vầy: Một thời Phật ở trong vườn Lộc Uyển (chư tiên đọa xứ) nước Ba-la-nạt. Bấy giờ Như Lai thành đạo chưa được bao lâu, người đời gọi Ngài là Ðại Sa-môn. Khi đó vua Ba-tư-nặc mới nối ngôi vua. Vua Ba-tư-nặc liền nghĩ rằng: "Nay ta mới nối ngôi vua, trước hết nên cưới con gái dòng họ Thích. Nếu được cho cưới, thật vừa lòng ta. Nếu không bằng lòng, ta sẽ dùng áp lực đến bức bách". Lúc ấy vua Ba-tư-nặc bảo một vị quan: - Hãy đi đến nhà dòng họ Thích ở Ca-tỳ-la-vệ đem tên tuổi ta báo cho họ Thích rằng: "Vua Ba-tư-nặc vấn an sức khỏe chí ý vô lượng". Rồi hãy bảo họ Thích đó rằng ta muốn cưới con gái họ Thích. Nếu gả cho ta, ta sẽ ghi mãi ơn đức; nếu không thuận ta sẽ đem lực lượng đến áp bức. Ðại thần vâng lệnh vua, đến nước Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ dòng họ Thích ở Ca-tỳ-la-vệ có năm trăm người nhóm chung một chỗ. Ðại thần liền đến chỗ năm trăm vị họ Thích; đem tên tuổi vua Ba-tư-nặc bảo họ Thích kia rằng: - Vua Ba-tư-nặc ân cần hỏi thăm sức khỏe mong được chí ý vô lượng. Vua muốn cưới con gái họ Thích, nếu gả cho thật là đại hạnh, nếu không gả, vua sẽ dùng sức ép bức." Các vị họ Thích nghe lời này xong, hết sức sân hận: "Chúng ta là dòng dõi lớn, duyên cớ gì lại cùng tên hèn mọn kết thân". Trong chúng hoặc có người nói nên cho, hoặc có người nói không nên cho. Bấy giờ trong nhóm họ Thích có người tên Ma-ha-nam bảo mọi người rằng: - Chư Hiền chớ sân giận. Vì sao thế? Vua Ba-tư-nặc là người bạo ác. Nếu đương cự thì vua Ba-tư-nặc đến sẽ đánh bại nước ta. Nay ta sẽ đến cùng Ba-tư-nặc tương kiến, bàn về sự tình này. Trong nhà Ma-ha-nam có một tỳ nữ, sanh được một con gái diện mạo đoan chánh, hiếm có trên đời. Ma-ha-nam sai tắm rửa cô gái này, cho mặc áo đẹp, ngồi trên xe vũ bảo, đưa đến cho vua Ba-tư-nặc, lại tâu với vua rằng: - Ðây là con gái của tôi, có thể cùng ngài thành thân. Vua Ba-tư-nặc được cô gái này hết sức vui mừng, liền lập cô làm đệ nhất phu nhân. Chưa được vài ngày, cô mang thai, lại trải qua tám, chín tháng sanh ra một cậu bé đoan chánh vô song, thế gian hiếm có. Vua Ba-tư-nặc liền tụ tập các thầy tướng để đặt tên tự cho thái tử này. Các thầy tướng nghe vua nói xong, liền tâu vua rằng: - Ðại vương nên biết, lúc cầu phu nhân, các người họ Thích tranh luận với nhau, có người nói "nên cho", người nói "không nên cho", khiến đây đó lưu ly. Nay nên đặt tên gọi là Lưu Ly Tỳ-lưu-lặc. Thầy tướng đặt hiệu xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Vua Ba-tư-nặc yêu thương thái tử Lưu Ly này, chưa từng rời mắt. Khi thái tử Lưu Ly vừa tám tuổi, vua bảo thái tử rằng: - Nay con đã lớn, nên đến Ca-tỳ-la-vệ học bắn cung. Khi đó, vua Ba-tư-nặc cấp cho Thái tử những người hầu, khiến cỡi voi lớn đến nhà Ma-ha-nam dòng họ Thích, bảo Ma-ha-nam rằng: - Vua Ba-tư-nặc sai con đến đây học các xạ thuật. Cúi mong ông bà, dạy dỗ mọi sự. Ma-ha-nam bảo: - Muốn học thuật thì khéo nên tập tành. Thích Ma-ha-nam tụ họp năm trăm trẻ con khiến cùng học xạ thuật. Thái tử Lưu Ly cùng học xạ thuật với năm trăm trẻ. Bấy giờ trong thành Ca-tỳ-la-vệ mới dựng một giảng đường. Trời và nhân dân, Ma và Thiên ma trụ trong giảng đường này. Những người họ Thích nói với nhau: - Nay giảng đường hoàn thành chưa lâu, vẽ vời chưa xong, không khác thiên cung. Chúng ta trước hết nên thỉnh Như Lai và Tỳ-kheo Tăng vào đây để cúng dường, khiến chúng ta được phước vô cùng. Khi ấy, họ Thích ở trên giảng đường trải các thứ tọa cụ, treo tràng phang bảo cái; dầu thơm rưới trên đất, đốt các danh hương; lại chứa nước tốt, đốt sáng các đèn. Bấy giờ thái tử Lưu Ly dẫn năm trăm đứa trẻ đến giảng đường, rồi leo ngay lên tòa sư tử. Những người họ Thích trông thấy hết sức giận dữ, bèn xông tới lôi cánh tay thái tử, kéo ra ngoài cửa, xúm nhau mắng nhiếc: - Ðây là đứa con nô tỳ, chư Thiên và mọi người chưa có ai dám vào đây, mà đứa con nô tỳ này dám vào đây ngồi. Rồi họ lại xô thái tử Lưu Ly ngã xuống đất. Thái tử Lưu Ly chỗi dậy, than một tiếng dài rồi ngó lại phía sau. Lúc ấy có người con của Phạm Chí tên là Hiếu Khổ. Thái tử Lưu Ly bảo Hiếu Khổ rằng: - Họ Thích hủy nhục ta đến thế này. Sau này nếu ta nối ngôi vua, ông nên nhắc ta chuyện này. Hiếu Khổ, người con Phạm Chí đáp: - Xin vâng lời dạy của thái tử. Từ đó, mỗi ngày người con Phạm Chí kia tâu Thái tử ba lần: - Hãy nhớ mối nhục họ Thích. Rồi nói kệ: Tất cả đều sẽ tận, Ðến khi vua Ba-tư-nặc theo tuổi thọ qua đời, thái tử Lưu Ly được lập làm vua. Phạm chí Hiếu Khổ đến chỗ vua nói rằng: - Vua hãy nhớ xưa bị họ Thích hủy nhục. Vua Lưu Ly đáp: - Lành thay! Lành thay! Khéo nhớ việc cũ. Khi ấy vua Lưu Ly liền nổi cơn giận dữ bảo quần thần: - Nay chúa tể của nhân dân là ai? Quần thầu tâu: - Ngày nay do Ðại vương thống lãnh. Vua Lưu Ly bảo: - Các Ông mau sửa soạn xe, tụ tập bốn bộ binh. Ta muốn chinh phục họ Thích. Chư thần đáp: - Xin vâng, Ðại vương. Quần thần nhận lệnh vua liền chiêu tập bốn binh chủng. Vua Lưu Ly dẫn bốn bộ binh đến nước Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ rất đông Tỳ-kheo nghe vua Lưu Ly chinh phạt họ Thích, liền đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên, đem nhân duyên này kể lại đầy đủ cho Thế Tôn. Thế Tôn nghe xong liền đến cản vua Lưu Ly. Ngài đến một cây khô không có cành lá ngồi kiết-già. Vua Lưu Ly từ xa thấy Thế Tôn ngồi dưới gốc cây, liền xuống xe đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên. Bấy giờ vua Lưu Ly bạch Thế Tôn rằng: - Có những cây tốt, cành lá sum sê như loại ni-câu-lưu v.v... Sao Ngài lại ngồi dưới cây khô này? Thế Tôn đáp: - Bóng mát của thân tộc hơn hẳn người ngoài. Vua Lưu Ly liền nghĩ: - Hôm nay Thế Tôn cố vì thân tộc. Vậy hôm nay ta nên trở về nước, chẳng nên chinh phạt Ca-tỳ-la-vệ. Vua Lưu Ly liền cáo từ lui về. Khi ấy Phạm chí Hiếu Khổ lại tâu vua: - Hãy nhớ xưa bị họ Thích làm nhục. Vua Lưu Ly nghe lời này xong lại nổi sân giận. - Các Ngươi mau sửa soạn xe cộ, tập họp bốn bộ binh. Ta muốn chinh phạt Ca-tỳ-la-vệ. Quần thần lập tức chiêu tập bốn bộ binh ra khỏi thành Xá-vệ đến Ca-tỳ-la-vệ chinh phạt họ Thích. Khi ấy rất đông Tỳ-kheo nghe được đến bạch Thế Tôn. - Nay Lưu Ly hưng binh đi tấn công họ Thích. Bấy giờ Thế Tôn nghe lời này xong liền dùng thần túc đến bên đường ngồi dưới một gốc cây. Vua Lưu Ly xa thấy Thế Tôn ngồi dưới gốc cây liền xuống xe đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên. Bấy giờ vua Lưu Ly bạch Thế Tôn: - Lại có những cây tốt sao Ngài không đến ngồi mà hôm nay Thế Tôn cớ gì lại ngồi dưới cây khô này? Thế Tôn đáp: - Bóng mát của thân tộc hơn người ngoài. Khi ấy Thế Tôn liền nói kệ: Bóng mát của thân tộc Vua Lưu Ly lại nghĩ: - Ngày nay Thế Tôn phát xuất từ dòng họ Thích. Ta không nên chinh phạt, nên cùng quay về nước. Vua Lưu Ly liền trở về thành Xá-vệ, Phạm chí Hiếu Khổ lại bảo vua rằng: - Vua nên nhớ cái nhục họ Thích ngày xưa. Vua Lưu Ly nghe xong, lại chiêu tập bốn bộ binh kéo ra khỏi thành Xá-vệ đến Ca-tỳ-la-vệ. Khi ấy. Ðại Mục-kiền-liên nghe vua Lưu Ly chinh phạt họ Thích, liền đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên. Bấy giờ Ðại Mục-kiền-liên bạch Thế Tôn: - Hôm nay vua Lưu Ly triệu tập bốn bộ binh đi công phạt dòng họ Thích. Nay con đủ sức khiến cho vua Lưu Ly và bốn bộ binh, ném họ sang thế giới phương khác. Thế Tôn bảo: - Thầy há có thể đem túc duyên của họ Thích ném sang phương khác sao? Tôn giả Mục-liên bạch Phật: - Thật không thể đem túc duyên đặt vào thế giới phương khác. Thế Tôn bảo Mục-liền: - Thầy về chỗ ngồi đi. Mục-liên lại bạch Phật: - Nay con có thể dời thành Ca-tỳ-la-vệ này để lên hư không. Thế Tôn bảo: - Nay Thầy có thể dời túc duyên của họ Thích để trong hư không chăng? Mục-liên đáp: - Thưa không, Thế Tôn. Phật bảo Mục-liên: - Nay Thầy hãy về chỗ mình. Bấy giờ Tôn giả Mục-liên lại bạch Phật: - Cúi mong Thế Tôn cho phép con lấy lồng sắt thưa, chụp lên thành Ca-tỳ-la-vệ. Thế Tôn bảo: - Thế nào Mục-liên? Có thể lấy lồng sắt thưa chụp lên túc duyên chăng? Mục-liên đáp: - Thưa không, Thế Tôn. Phật bảo Mục-liên: - Nay Thầy trở về chỗ đi. Hôm nay họ Thích túc duyên đã chín, nay sẽ thọ báo. Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ: Muốn hư không làm đất, Lúc ấy vua Lưu Ly đến Ca-tỳ-la-vệ. Các người họ Thích nghe "vua Lưu Ly đem bốn bộ binh đến công phạt chúng ta". Họ tụ tập bốn bộ chúng trong một do-tuần đến ngăn vua Lưu Ly. Khi ấy, các người họ Thích trong một do-tuần từ xa bắn vua Lưu Ly; hoặc bắn vào tai mà không thương tổn đến tai; hoặc bắn vào búi tóc, không làm tổn thương đầu; hoặc bắn cung gãy, hoặc bắn dây cung không hại đến người; hoặc bắn áo giáp không thương tổn người; hoặc bắn sàng tòa không hại người; hoặc bắn bánh xe hư, không thương tổn người; hoặc làm hư cờ xí không hại người. Khi ấy vua Lưu Ly thấy việc này rồi sợ hãi bảo quần thần: - Các Ngươi xem tên này từ đâu tới? Quần thần đáp: - Các người họ Thích này cách đây một do-tuần bắn tên đến. Vua Lưu Ly bảo: - Họ dù phát tâm muốn hại ta, phải cho họ chết hết mới nên trở về Xá-vệ. Bấy giờ Phạm chí Hiếu Khổ đến trước tâu vua rằng: - Ðại vương chớ sợ! Những người họ Thích này đều trì giới, côn trùng còn chẳng hại huống là hại người. Nay ta nên tiến đến trước ắt có thể phá được họ Thích. Vua Lưu Ly dần dần tiến lên hướng đến họ Thích. Những người họ Thích lại vào trong thành. Vua Lưu Ly ở ngoài thành bảo họ rằng: - Các Ông mau mở cửa thành! Nếu không, ta sẽ giết hết các Ông. Bấy giờ thành Ca-tỳ-la-vệ có đứa trẻ họ Thích, tuổi mới mười lăm tên là Xà-ma; nghe vua Lưu Ly nay ở ngoài cửa liền mặc giáp cầm gậy, đến trên thành một mình đánh nhau với vua Lưu Ly. Khi ấy đứa bé Xà-ma giết hại nhiều binh lính, họ chạy tán loạn, nói: - Ðây là người nào? Là trời hay là quỷ thần? Xa trông giống như đứa bé! Lúc ấy vua Lưu Ly liền sợ hãi, vào tránh trong một hố đất. Họ Thích nghe binh lính vua Lưu Ly bị hại. Khi ấy, họ Thích liền gọi đứa bé Xà-ma mà bảo rằng: - Người tuổi nhỏ cớ sao làm nhục môn hộ của chúng ta? Há chẳng biết họ Thích tu hành pháp lành sao? Chúng ta còn chẳng thể hại côn trùng huống là mạng người sao? Chúng ta có thể phá tan quân lính này, một người chống muôn người, nhưng chúng ta lại nghĩ rằng: "Như thế giết hại chúng sanh không thể tính kể". Thế Tôn cũng nói: "Phàm người giết mạng người, chết sẽ vào địa ngục. Nếu sanh trong loài Người thọ mạng rất ngắn". Ngươi mau đi đi, không được ở đây nữa. Khi ấy, đứa bé Xà-ma liền đi ra khỏi nước, không vào Ca-tỳ-la-vệ nữa. Vua Lưu Ly lại đến giữa cửa bảo người ấy rằng: - Mau mở cửa thành chẳng nên chần chờ. Khi ấy, những người họ Thích bảo nhau rằng: - Nên mở hay không mở? Bấy giờ tệ ma Ba-tuần ở trong họ Thích, biến thành một người họ Thích bảo họ Thích: - Các Ông nên mở cửa thành, chớ cũng chịu khốn hôm nay. Họ Thích liền cho mở cửa thành. Khi ấy vua Lưu Ly liền bảo quần thần: - Nay nhân dân họ Thích rất nhiều, chẳng phải đao kiếm có thể hại hết được. Nên đem chôn chân trong đất, rồi sau cho voi dữ đạp chết. Bấy giờ quần thần vâng lệnh vua; liền dùng voi đạp chết những người ấy. Vua Lưu Ly ra lệnh quần thần: - Các Ông mau chọn năm trăm đàn bà đẹp đẽ họ Thích. Quần thần vâng lệnh vua, liền chọn năm trăm cô gái đoan chính đem đến chỗ vua. Khi ấy, Thích Ma-ha-nam đến chỗ vua Lưu Ly rồi bảo rằng: - Hãy theo ý nguyện của tôi! Vua Lưu Ly nói: - Muốn nguyện những gì? Ma-ha-nam bảo: - Nay tôi lặn xuống đáy nước, tùy theo sự mau hay chậm của tôi, cho những người họ Thích được chạy trốn. Nếu tôi ra khỏi mặt nước, thì tùy ý giết. Vua Lưu Ly nói: - Việc này rất hay. Thích Ma-ha-nam liền nhảy xuống nước, lấy tóc cột vào gốc cây mà chết. Khi ấy, những người họ Thích trong thành Ca-tỳ-la-vệ, từ cửa Ðông ra lại đi vào cửa Nam; hoặc từ cửa Nam ra lại vào cửa Bắc; hoặc từ cửa Tây ra lại vào cửa Bắc. Bấy giờ vua Lưu Ly bảo quần thần rằng: - Tổ phụ Ma-ha-nam cớ sao ẩn trong nước đến giờ chưa ra? Các quần thần nghe lệnh vua, nhảy xuống nước đem Ma-ha-nam đã chết lên. Vua Lưu Ly thấy Ma-ha-nam đã chết rồi, mới sanh lòng hối hận: - Nay ông của ta đã chết vì yêu thân tộc. Ta trước chẳng biết nên để ông chết. Nếu biết thế, trọn chẳng đến chinh phạt họ Thích. Khi ấy vua Lưu Ly giết chín ngàn chín trăm chín mươi vạn người, máu chảy thành sông quanh thành Ca-tỳ-la-vệ, rồi đến vườn Ni-câu-lưu. Bấy giờ vua Lưu Ly bảo năm trăm cô gái họ Thích rằng: - Các vị cẩn thận chớ có sầu lo. Ta là chồng các vị, các vị là vợ ta, phải nên tiếp đãi nhau. Khi ấy, vua Lưu Ly bèn vươn tay bắt một cô, muốn đùa cợt. Cô gái hỏi: - Ðại vương muốn làm gì? Vua đáp: - Muốn cùng cô giao tình. Cô gái đáp vua: - Nay ta cớ sao phải cùng con của đầy tớ gái thông giao? Vua Lưu Ly hết sức giận dữ, ra lệnh cho quần thần: - Mau đem cô gái này chặt tay chân rồi đẩy xuống hầm sâu. Quần thần tuân lệnh vua chặt tay chân cô gái, ném cô xuống hầm. Năm trăm cô gái đều mắng nhiếc vua: - Ai mà đem thân này cùng con của đầy tớ gái thông giao? Vua giận dữ đem hết năm trăm cô chặt tay chân và xô xuống hầm sâu. Lúc ấy vua Lưu Ly đã tàn hại hết Ca-tỳ-la-vệ rồi, liền trở về thành Xá-vệ. Bấy giờ Thái tử Kỳ-đà ở trong thâm cung cùng các kỹ nữ vui chơi. Vua Lưu Ly nghe tiếng đàn hát liền hỏi: - Ðây là âm thanh gì mà vang đến đây? Quần thần đáp vua rằng: - Ðây là Vương tử Kỳ-đà ở trong thâm cung, xướng kỹ nhạc để vui chơi. Vua Lưu Ly liền sai người hầu: - Ông quay voi này lại chỗ Vương tử Kỳ-đà. Người giữ cửa từ xa trông thấy vua đến liền tâu rằng: - Vua hãy thong thả, Vương tử Kỳ-đà đang ở trong cung, vui ngũ dục, xin chớ quấy nhiễu. Vua Lưu Ly liền rút kiếm giết người giữ cửa. Vương tử Kỳ-đà nghe vua Lưu Ly đứng ở ngoài cửa, chẳng từ giã kỹ nữ, đi ra ngoài cùng vua tương kiến. - Kính chào Ðại vương! Nên vào nghỉ một chút! Vua Lưu Ly bảo: - Há Ông không biết ta cùng họ Thích đánh nhau sao? Kỳ-đà đáp: - Có nghe. Vua Lưu Ly nói: - Sao nay Ông cùng kỹ nữ đùa giỡn không chịu giúp ta? Vương tử Kỳ-đà đáp: - Ta chẳng kham giết hại mạng chúng sanh. Vua Lưu Ly hết sức giận dữ, rút gươm chém chết Vương tử Kỳ-đà. Vương tử Kỳ-đà chết rồi sanh lên cõi trời Ba mươi ba vui chơi cùng năm trăm thiên nữ. Bấy giờ Thế Tôn dùng thiên nhãn xem Vương tử Kỳ-đà đã chết sanh cõi trời Ba mươi ba, liền nói kệ: Hưởng phúc trong Trời, Người, Bấy giờ năm trăm cô gái họ Thích, tự quay về kêu xưng tên hiệu Như Lai: - Như Lai ra đời cũng từ đây, xuất gia học đạo mà sau thành Phật, thế mà ngày nay Phật trọn chẳng thấy nhớ nghĩ chúng con gặp khổ não này, chịu đau đớn độc hại này. Thế Tôn cớ sao không thấy nhớ? Bấy giờ Thế Tôn dùng thiên nhãn thông suốt nghe các cô họ Thích kêu oán với Phật. Thế Tôn liền bảo các Tỳ-kheo: - Các Thầy lại hết đây, cùng xem Ca-tỳ-la-vệ và cùng xem những người thân mạng chung. Các Tỳ-kheo đáp: - Xin vâng! Thế Tôn. Bấy giờ Thế Tôn dẫn các Tỳ-kheo ra khỏi thành Xá-vệ đến Ca-tỳ-la-vệ. Năm trăm cô gái họ Thích từ xa thấy Thế Tôn cùng các Tỳ-kheo đến, thấy rồi đều hổ thẹn. Khi ấy, Thích-đề-hoàn-nhân và Tỳ-sa-môn Thiên vương đứng quạt sau Thế Tôn. Thế Tôn quay lại bảo Thích-đề-hoàn nhân: - Những cô gái họ Thích này đều hổ thẹn. Thích-đề-hoàn nhân đáp: - Ðúng vậy, Thế Tôn! Thích-đề-hoàn nhân liền lấy y Trời trùm lên thân thể năm trăm cô gái này. Bấy giờ Thế Tôn bảo Tỳ-sa-môn Thiên vương: - Các cô gái này đói khát lâu ngày, nên làm cách gì ban bố! Tỳ-sa-môn Thiên vương bạch Phật: - Xin vâng, Thế Tôn! Rồi Tỳ-sa-môn Thiên vương liền bày biện các thức ăn tự nhiên của Trời cho các cô gái họ Thích đều được no đủ. Bấy giờ Thế Tôn dần dần thuyết pháp vi diệu cho các cô. Nghĩa là: - Các pháp rồi sẽ ly tán, hội ngộ rồi sẽ biệt ly. Các Cô nên biết, năm thạnh ấm này đều sẽ chịu các đau khổ, phiền não này, đọa trong năm đường. Phàm thọ thân năm thạnh ấm này, ắt sẽ chịu hành báo này; đã có hành báo liền có thọ thai, đã có thọ thai lại sẽ chịu quả báo khổ vui. Nếu không có năm thạnh ấm thì liền chẳng thọ thân nữa. Nếu không thọ thân thì không có sanh. Vì không sanh thì không già, vì không già thì không có bệnh, đã không có bệnh thì không có chết, đã không có chết thì không có khổ não vì hội họp biệt ly. Thế nên các Cô nên nhớ sự biến đổi thành bại của năm ấm này. Sở dĩ như thế, vì biết năm ấm thì biết năm dục, đã biết năm dục thì biết pháp ái, đã biết pháp ái thì biết pháp nhiễm trước. Biết các việc này rồi thì không tái sanh nữa, đã không tái sanh thì không sanh, lão, bệnh, tử. Bấy giờ Thế Tôn dần dần thuyết pháp này cho các cô gái họ Thích. Luận là thí luận, giới luận, luận sanh thiên; dục là tưởng bất tịnh, xuất yếu là vui. Bấy giờ Thế Tôn quán xét các cô gái này tâm ý đã khai mở, những pháp như Thế Tôn thường thuyết: Khổ, Tập, Diệt, Ðạo, Thế Tôn đều thuyết hết cho họ. Bấy giờ các cô gái, những trần cấu đã sạch, được pháp nhãn thanh tịnh, mỗi người ở chỗ mình mà mạng chung, đều sanh lên trời. Khi ấy Thế Tôn đến cửa Ðông, thấy khói lửa dậy trời liền nói kệ: Tất cả hành vô thường, Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: - Tất cả các Thầy hãy đến vườn Ni-câu-lưu mà ngồi. Khi ấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: - Ðây là vườn Ni-câu-lưu. Ngày xưa Ta ở đây rộng thuyết giáo pháp cho các Tỳ-kheo mà ngày nay trống rỗng chẳng có nhân dân! Ngày xưa mấy ngàn vạn chúng ở đây đắc đạo, được pháp nhãn thanh tịnh. Từ đây về sau, Như Lai chẳng còn đến đây nữa! Thế Tôn thuyết pháp cho các Tỳ-kheo rồi, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi đến Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: - Nay vua Lưu Ly và quân lính này chẳng còn ở đời bao lâu nữa. Sau bảy ngày sẽ bị tiêu diệt. Bấy giờ vua Lưu Ly nghe Thế Tôn thọ ký rằng vua Lưu Ly và quân lính sau bảy ngày sẽ bị tiêu diệt thì hoảng sợ bảo quần thần rằng: - Nay Như Lai đã huyền ký rằng vua Lưu Ly chẳng còn ở đời lâu, sau bảy ngày sẽ cùng quân lính chết hết. Các Ông xem bên ngoài không có trộm giặc, nước, lửa, tai biến đến xâm phạm đất nước chăng? Vì cớ sao? Chư Phật Như Lai không có hai lời, lời nói trọn không đổi khác. Bấy giờ Phạm chí Hiếu Khổ tâu vua: - Vua chớ sợ hãi. Nay bên ngoài không có giặc cướp đáng sợ, cũng không nước, lửa tai biến. Hôm nay Ðại vương hãy mau vui chơi. Vua Lưu Ly nói: - Phạm Chí nên biết, chư Phật Thế Tôn nói không có khác. Vua Lưu Ly sai người đếm ngày, đến đầu ngày thứ bảy, Ðại vương mừng rỡ không thể tự kềm, đem các quân binh cùng các thể nữ đến bên bờ sông A-chi-la vui chơi rồi nghỉ ở đó. Nửa đêm, có mây bất ngờ kéo đến, gió to mưa lớn rất mau. Vua Lưu Ly và quân lính bị nước cuốn hết, tất cả đều tự tiêu diệt, thân hoại mạng chung sanh vào trong địa ngục A-tỳ. Lại có lửa Trời đốt cung điện trong thành. Bấy giờ Thế Tôn dùng thiên nhãn xem thấy vua Lưu Ly và bốn bộ chúng bị nước cuốn, đều mệnh chung vào trong địa ngục. Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ: Tạo ác thật quá sức, Bấy giờ nhiều Tỳ-kheo trong chúng bạch Thế Tôn: - Nay vua Lưu Ly và bốn bộ binh đã chết rồi sanh về đâu? Thế Tôn bảo: - Nay vua Lưu Ly vào trong địa ngục A tỳ. Các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn: - Những họ Thích này ngày xưa tạo nhân duyên gì mà nay bị vua Lưu Ly hại? Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: - Ngày xưa trong thành La-duyệt này, có một làng đánh cá. Khi ấy đời hết sức đói nghèo, người phải ăn rễ cây, một đấu vàng đổi một đấu gạo. Trong làng đó có một ao tắm lớn lại rất nhiều cá. Nhân dân trong thành La-duyệt đều đến ao bắt cá ăn. Ngay lúc đó, dưới nước có hai thứ cá: một tên Câu tỏa; hai tên Lưỡng thiệt (hai lưỡi). Khi đó, hai cá bảo nhau: "Chúng ta đối với những người này, trước tiên không có lỗi lầm. Ta là vật thuộc thủy tánh, không ở đất bằng. Nhân dân này đều đến ăn nuốt chúng ta. Ðời trước nếu có chút ít phước đức gì sẽ dùng báo oán". Bấy giờ trong làng có một đứa bé vừa tám tuổi, không đánh cá cũng không hại mạng chúng. Nhưng lúc những con cá kia chết ở trên bờ, đứa bé ấy thấy xong hết sức hoan hỷ. Tỳ-kheo nên biết! Các Thầy chớ xem rằng nhân dân trong thành La-duyệt bấy giờ là người nào khác, nay họ chính là những người họ Thích vậy. Con cá Câu tỏa bấy giờ, nay là vua Lưu Ly. Con cá Lưỡng thiệt bấy giờ, nay là Phạm chí Hiếu Khổ. Ðứa bé thấy cá trên bờ mà cười lúc đó, nay chính là Ta. Dòng họ Thích lúc ấy ngồi ăn cá. Do nhân duyên này trong vô số kiếp vào trong địa ngục, nay chịu sự trả thù này. Ta lúc ấy ngồi thấy mà cười, nay bị đau đầu như đá đè, ví như lấy đầu đội núi Tu-di. Vì sao như thế? Vì Như Lai không thọ thân nữa, đã xả bỏ các hành, qua hết các nguy nan. Ðó là, này các Tỳ-kheo! Do nhân duyên này, nay chịu quả báo này. Các Tỳ-kheo nên giữ gìn hành động của thân, miệng, ý; nên nhớ cung kính thừa sự người Phạm hạnh. Như thế, các Tỳ-kheo! Nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm. * 3. Tôi nghe như vầy: Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: - Nên biết Thiên tử khi sắp mạng chung có năm điềm chưa từng có ứng hiện ở trước. Thế nào là năm? Hoa héo, y phục cáu bẩn, thân thể hôi hám, chẳng ưa địa vị của mình, Thiên nữ tinh tán. Ðó là Thiên tử lúc sắp mạng chung có năm điềm ứng này. Bấy giờ Thiên tử hết sức sầu lo, đấm ngực kêu gào. Khi ấy các Thiên tử đến chỗ Thiên tử này, bảo Thiên tử này: - Nay Ông tương lai có thể sanh chỗ lành, đã sanh chỗ lành, chóng được lợi lành, đã được lợi lành nên nhớ an xử thiện nghiệp. Khi đó, các vị Trời dạy dỗ Thiên tử ấy như thế. Một Tỳ-kheo bạch Thế Tôn: - Trời Ba mươi ba, thế nào là được sanh cõi lành? Thế nào là chóng được lợi lành? Thế nào là an xử nghiệp lành? Thế Tôn bảo: - Nhân gian đối với Trời là cõi lành, được cõi lành. Ðược lợi lành là sanh nhà chánh kiến, tùng sự bậc thiện tri thức, ở trong pháp Như Lai được tín căn. Ðó gọi là chóng được lợi lành. Thế nào gọi là an xử nghiệp lành? Là ở trong pháp Như Lai được tín căn, cạo bỏ râu tóc, do lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo. Kia đã học đạo, giới tánh đầy đủ, các căn đầy đủ, ăn uống biết đủ, hằng nhớ kinh hành đắc Tam minh. Ðó gọi là an xử nghiệp lành. Thế Tôn liền nói kệ này: Người là cõi lành Trời, Tỳ-kheo nên biết, Trời Ba mươi ba dính mắc vào ngũ dục. Họ cho nhân gian là cõi lành, ở pháp Như Lai được xuất gia, làm lợi lành mà được tam đạt. Vì sao thế? Phật Thế Tôn đều xuất hiện ở nhân gian chẳng phải do Trời mà được. Thế nên Tỳ-kheo! Ở đây mạng chung sẽ sanh lên Trời. Bấy giờ Tỳ-kheo kia bạch Thế Tôn rằng: - Thế nào là Tỳ-kheo sẽ sanh cõi lành? Thế Tôn bảo: - Niết-bàn là cõi lành của Tỳ-kheo. Nay Tỳ-kheo các Thầy nên cầu phương tiện được đến Niết-bàn. Như thế, Tỳ-kheo nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm. * 4. Tôi nghe như vầy: Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: - Sa-môn xuất gia có năm pháp hủy nhục. Thế nào là năm? Ðầu tóc dài, móng tay dài, y phục bẩn thỉu, chẳng biết thời nghi, nói năng nhiều. Vì sao thế? Tỳ-kheo có nhiều luận thuyết lại có năm việc. Thế nào là năm? Người chẳng tin lời, chẳng nhận lời dạy, người chẳng ưa gặp, nói láo, cãi lộn kia đây. Ðó là người nói năng nhiều có năm việc này. Tỳ-kheo nên từ bỏ năm điều này. Chớ có tưởng tà. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm. * 5. Tôi nghe như vầy: Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn cùng ở với năm trăm vị Tỳ-kheo. Khi đó vua Tần-bà-sa-la ra lệnh cho quần thần: - Mau sửa soạn kiệu xe để ta đến thành Xá-vệ thăm viếng đức Thế Tôn. Quần thần vâng lời vua, sửa soạn kiệu xe, đến trước vua tâu rằng: - Sửa soạn đã xong, xin vua biết phải thời. Bấy giờ vua Tần-bà-sa-la lên kiệu xe ra khỏi thành La-duyệt đến thành Xá-vệ, dần đến Tinh xá Kỳ Hoàn, muốn vào tinh xá. Phàm pháp quán đảnh của vua có năm uy dung, vua đều bỏ xuống một bên, đi đến trước Thế Tôn đảnh lễ rồi lui về một bên. Khi ấy, Thế Tôn dần dần thuyết pháp vi diệu cho vua. Vua nghe pháp xong, bạch đức Thế Tôn: - Cúi mong Như Lai hãy nhập hạ tại thành La-duyệt, con sẽ cung cấp y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men. Bấy giờ Thế Tôn im lặng, nhận lời thỉnh của vua Tần-bà-sa-la. Vua thấy Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh rồi, liền đứng lên lạy, đi nhiễu ba vòng rồi lui đi; trở về thành La-duyệt, vào cung. Khi ấy, vua Tần-bà-sa-la ở chỗ vắng vẻ chợt nghĩ: "Ta cũng đủ sức cúng dường Như Lai và Tỳ-kheo Tăng cho đến trọn đời về y phục, thức ăn uống, giường nằm và thuốc men, nhưng cũng nên lân mẫn người hạ liệt". Lúc ấy vua Tần-bà-sa-la tìm quần thần bảo: - Hôm qua ta sanh niệm này: "Ta có thể suốt đời cúng dường Như Lai và Tỳ-kheo Tăng y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men. Cũng lại nên thương xót người thấp kém". Các Ông nên đốc suất nhau lần lượt dâng thức ăn cho Như Lai và chư Hiền, sẽ được hưởng phước lâu dài vô cùng. Khi ấy, vua nước Ma-kiệt liền ở ngay trước cửa cung lập một giảng đường lớn, lại bày biện vật dụng đựng thức ăn. Bấy giờ, Thế Tôn ra khỏi nước Xá-vệ dẫn năm trăm chúng Tỳ-kheo du hóa trong nhân gian lần lần đến vườn trúc Ca-lan-đà thành La-duyệt. Vua Tần-bà-sa-la nghe Thế Tôn đến vườn trúc Ca-lan-đà liền lên kiệu xe đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên. Vua Tần-bà-sa-la bạch Thế Tôn: - Con ở chỗ nhàn vắng liền sanh niệm này: "Như ta hôm nay có thể cúng dường y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men". Rồi nhớ đến người thấp kém, con liền bảo quần thần: "Các Ngươi mỗi người nên sắm sửa thức ăn uống, lần lượt cúng dường thức ăn lên Phật". Bạch Thế Tôn, thế nào? Như thế nên hay không nên? Thế Tôn bảo: - Lành thay! Lành thay! Ðại vương có nhiều lợi ích. Vì Trời, Người mà làm ruộng phước. Vua Tần-bà-sa-la bạch Thế Tôn rằng: - Cúi mong Thế Tôn ngày mai vào cung thọ thực. Lúc ấy, vua Tần-bà-sa-la đã thấy Thế Tôn im lặng nhận lời mời. Vua liền đứng dậy cúi lạy lui đi. Bấy giờ, Thế Tôn sáng sớm ngày mai đắp y ôm bát vào thành, đến cung vua, mỗi người theo thứ tự mà ngồi. Khi ấy vua cung cấp món ăn trăm vị, tự tay châm chước, hoan hỉ chẳng loạn. Khi ấy vua Tần-bà-sa-la thấy Thế Tôn ăn xong, cất dẹp bình bát, lấy một ghế thấp đến trước Như Lai ngồi. Bấy giờ Thế Tôn dần dần thuyết pháp vi diệu cho vua, khiến phát tâm hoan hỉ. Thế Tôn thuyết pháp vi diệu cho vua và các đại thần. Luận, nghĩa là thí luận, giới luận, luận sanh thiên; dục là tưởng bất thịnh; dâm là uế ác; xuất yếu là vui. Lúc ấy, Thế Tôn biết chúng sanh kia tâm ý đã khai mở, không còn hồ nghi pháp mà chư Phật Thế Tôn thường thuyết là Khổ, Tập, Diệt, Ðạo, Thế Tôn đều thuyết hết cho họ. Ngay tại chỗ ngồi, hơn sáu mươi người, các trần cấu sạch, được pháp nhãn thanh tịnh. Sáu mươi đại thần và năm trăm thiên nhân, các trần cấu sạch, được pháp nhãn thanh tịnh. Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ tụng cho vua Tần-bà-sa-la và nhân dân: Tế tự, lửa hơn hết, Thế Tôn nói kệ này rồi, liền từ chỗ ngồi đứng lên mà đi. Khi đó nhân dân trong thành La-duyệt, tùy sự quý tiện và theo nhà nhiều ít, cúng dường thức ăn đến Phật và Tỳ-kheo Tăng. Bấy giờ, Phật ở vườn Trúc Ca-la-đà, nhân dân trong nước không ai không cúng dường. Các Phạm chí trong thành La-duyệt đến lượt cúng thức ăn. Lúc đó, các Phạm chí ấy tụ họp một chỗ, bàn luận với nhau: - Chúng ta mỗi người bỏ ra ba lượng tiền vàng để cúng thức ăn. Bấy giờ, trong thành La-duyệt có một Phạm Chí tên là Kê Ðầu, hết sức nghèo khó, chỉ tự đủ sống, không có tiền vàng để nộp, liền bị các Phạm chí trục xuất ra khỏi chúng. Khi ấy, Phạm chí Kê Ðầu trở về nhà bảo vợ: - Nay Bà nên biết, các Phạm chí đã xua đuổi ta, không cho ở trong chúng. Vì sao? Do ta không có tiền vàng. Người vợ bảo: - Hãy trở vào thành, theo người mượn nợ, ắt sẽ được. Lại bảo chủ nợ: "Bảy ngày sau sẽ trả nợ, nếu không trả được, tôi và vợ sẽ làm tôi tớ". Phạm Chí theo lời vợ liền vào trong thành, đi khắp nơi hỏi mượn trọn chẳng thể được, trở về bảo vợ: - Ở chỗ ta cầu hỏi chẳng được, làm sao bây giờ? Người vợ bảo: - Phía Ðông thành La-duyệt có đại Trưởng giả tên Bất-xà-mật-đa-la nhiều tiền của, có thể đến ông ta mà mượn nợ, bảo rằng: "Hãy bằng lòng cho ba lạng tiền vàng, sau bảy ngày sẽ đem trả lại. Nếu không trả được, tôi và vợ tôi sẽ làm tôi tớ". Phạm chí nghe theo lời vợ đến Bất-xà-mật-đa-la để mượn tiền vàng, bảo rằng: "Chẳng quá bảy ngày sẽ đem hoàn lại; nếu không hoàn lại, tôi và vợ sẽ đem thân làm tôi tớ". Bất-xà-mật-đa-la liền cho tiền vàng. Phạm chí Kê Ðầu liền đem tiền vàng này về nói với vợ: - Ðã được tiền vàng, phải nên làm gì? Người vợ bảo: - Nên đem tiền này nộp trong chúng. Phạm Chí cầm tiền vàng đến chúng nộp. Các Phạm chí bảo Phạm chí này rằng: - Chúng ta đã biện đủ rồi. Hãy đem tiền vàng này trở về đi, chẳng cần đứng trong chúng này. Phạm chí liền trở về nhà, đem chuyện này nói với vợ. Người vợ bảo: - Hai chúng ta cùng đến chỗ Thế Tôn tự trình bày ý mọn. Bấy giờ Phạm chí đem vợ đến chỗ Thế Tôn cùng thăm hỏi nhau rồi ngồi một bên. Người vợ cũng lễ chân Phật và ngồi một bên. Khi ấy Phạm chí đem chuyện này bạch đủ với Thế Tôn. Thế Tôn bảo Phạm chí: - Như nay Ông nên vì Như Lai và Tỳ-kheo Tăng bày biện thức ăn uống. Phạm chí quay lại nhìn sững vợ. Người vợ đáp: - Chỉ theo lời Phật dạy, chớ có nghi nan. Phạm chí liền từ chỗ ngồi đứng lên đến trước bạch Phật: - Cúi mong Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo hãy nhận lời mời của con. Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh của Phạm chí. Bấy giờ Thích-đề-hoàn-nhân vòng tay đứng hầu sau Thế Tôn. Thế Tôn quay lại bảo Thích-đề-hoàn-nhân. - Ông hãy giúp Phạm chí này cùng biện thức ăn. Thích-đề-hoàn-nhân bạch Phật: - Xin vâng, Thế Tôn! Bấy giờ Tỳ-sa-môn Thiên vương cách Phật chẳng xa, dẫn các chúng quỷ thần đông không tính kể, từ xa quạt Thế Tôn. Thích-đề-hoàn-nhân bảo Tỳ-sa-môn Thiên vương rằng: - Ông cũng nên giúp Phạm chí này bày biện các thức ăn. Tỳ-sa-môn đáp: - Rất tốt Thiên vương! Rồi Tỳ-sa-môn Thiên vương đến trước Phật cúi lạy, nhiễu Phật ba vòng, tự ẩn hình và biến thành hình người, lãnh năm trăm quỷ thần cùng biện thức ăn. Tỳ-sa-môn Thiên vương cùng dạy các quỷ thần: - Các Ông mau đến rừng Chiên-đàn, lấy Chiên-đàn bỏ vào bếp sắt. Có năm trăm quỷ thần ở trong đó làm thức ăn. Khi ấy, Thích-đề-hoàn-nhân bảo Thiên tử Tự Tại: - Hôm nay Tỳ-sa-môn đã làm bếp sắt cho Phật và Tỳ-kheo Tăng dùng cơm. Nay Ông hãy hóa làm giảng đường để Phật và Tỳ-kheo Tăng dùng cơm trong đó. Thiên tử Tự Tại đáp: - Việc này rất đẹp. Khi ấy Thiên tử Tự Tại nghe lời Thích-đề-hoàn-nhân, hóa ra một giảng đường bảy báu, cách thành La-duyệt không xa. Bảy báu là vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, mã não, xích châu, xà cừ. Lại hóa làm bốn bậc cấp vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly. Trên bậc thềm vàng hóa làm cây bạc, trên bậc thềm bạc hóa làm cây vàng, rễ vàng, cọng vàng, cành vàng, lá vàng. Nếu ở trên bậc vàng, hóa làm lá bạc, cành bạc. Trên bậc thủy tinh hóa làm cây lưu ly; cũng đủ thứ loại không thể tính kể. Lại lấy đủ thứ báu chất trong đó. Lại lấy bảy báu trùm lên trên, chung quanh bốn mặt treo các linh vàng tốt. Các linh đó đều phát ra tám thứ âm thanh. Lại hóa làm sàng tòa tốt trải các nệm tốt, treo cờ kết tủa, lọng dù, hiếm có ở đời. Bấy giờ dùng Ngưu-đầu-chiên-đàn đốt lửa nấu thức ăn. Quanh thành La-duyệt mười hai do-tuần mùi hương xông lên đầy khắp. Vua nước Ma-kiệt bảo các quần thần: - Ta từ lúc sanh trưởng trong thâm cung chưa hề nghe mùi hương này. Bên thành La-duyệt do đâu nghe mùi hương thơm này? Quần thần tâu vua: - Ðây là trong nhà bếp của Phạm chí Kê Ðầu. Mà hương Chiên-Ðàn của Trời là điềm lành ứng hiện. Vua Tần-bà-sa-la dạy các quần thần: - Mau sửa soạn xe kiệu, ta muốn đến chỗ Thế Tôn hỏi thăm duyên này. Các quần thần đáp vua: - Xin vâng, Ðại vương! (Vua Tần-bà-sa-la liền đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy đứng một bên). Bấy giờ Quốc vương thấy trong nhà bếp sắt này có năm trăm người làm thức ăn, thấy rồi liền bảo: - Ðây là ai làm thức ăn uống? Các quỷ thần dùng hình người đáp: - Phạm chí Kê Ðầu thỉnh Phật và Tỳ-kheo Tăng cúng dường. Quốc Vương lại thấy ở xa có giảng đường cao rộng, liền hỏi người hầu: - Ðây là ai tạo giảng đường mà xưa chưa có, ai tạo ra? Quần thần đáp: - Chẳng biết duyên này. Khi ấy vua Tần-bà-sa-la nghĩ rằng: "Nay ta đến chỗ Thế Tôn hỏi nghĩa này, vì Phật Thế Tôn không nghĩa gì chẳng biết, không việc gì chẳng thấy". Bấy giờ vua Tần-bà-sa-la nước Ma-kiệt đến chỗ Thế Tôn cúi lạy rồi ngồi một bên. Vua Tần-bà-sa-la bạch Phật: - Ngày xưa chẳng thấy giảng đường cao rộng này, mà hôm nay lại thấy. Ngày xưa chẳng thấy nhà bếp sắt này, hôm nay lại thấy. Dùng vật gì và do ai biến ra? Thế Tôn bảo: - Ðại Vương nên biết! Ðây là Tỳ-sa-môn Thiên vương tạo nhà bếp, Thiên tử Tự Tại tạo giảng đường này. Vua nước Ma-kiệt ở trên chỗ ngồi, buồn khóc lẫn lộn, chẳng thể nín được. Thế Tôn bảo: - Ðại vương! Cớ sao buồn khóc đến thế? Vua Tần-bà-sa-la bạch Phật: - Chẳng dám buồn khóc, chỉ nghĩ đến nhân dân đời sau chẳng gặp được bậc Thánh ra đời. Người đời sau bỏn xẻn, đắm trước tài vật chẳng có oai đức, còn chẳng nghe được tên của báu vật kỳ lạ này, huống nữa là thấy sao? Nay nhờ ơn Như Lai mà có sự biến hóa lạ lùng này xuất hiện ở đời. Thế nên con buồn khóc. Thế Tôn bảo: - Ðời tương lai, Quốc vương và nhân dân thực chẳng thấy sự biến hóa này. Bấy giờ Thế Tôn thuyết pháp cho Quốc vương, khiến phát tâm hoan hỉ. Vua nghe pháp rồi liền từ chỗ ngồi đứng lên đi. Tỳ-sa-môn Thiên vương ngay ngày ấy bảo Phạm chí Kê Ðầu: - Ông đưa tay phải ra. Kê Ðầu liền xòe tay phải. Tỳ-sa-môn Thiên vương trao cho thoi vàng rồi bảo: - Ông đem thoi vàng này ném xuống đất! Phạm chí liền ném xuống đất bèn thành trăm ngàn lượng vàng. Thiên vương Tỳ-sa-môn bảo: - Ông đem thoi vàng này vào trong thành mua các thứ thức ăn uống đem đến đây. Phạm chí vâng lời Thiên vương liền đem vàng này vào thành mua các thức ăn uống đem đến nhà bếp. Khi ấy Tỳ-sa-môn Thiên vương tắm rửa cho Phạm chí, cho mặc các thứ y phục, tay cầm lư hương dạy bạch Phật. - Giờ đã đến, nay đã đúng giờ. Mong Thế Tôn chiếu cố. Khi ấy Phạm chí vâng lời tay bưng lư hương mà bạch: - Ðã đến giờ, cúi mong chiếu cố. Thế Tôn biết đã đến giờ, đắp y, ôm bát dẫn các chúng Tỳ-kheo đi đến giảng đường, tuần tự ngồi. Và chúng Tỳ-kheo-ni cũng tuần tự ngồi. Phạm chí Kê Ðầu thấy thức ăn rất nhiều mà chúng Tăng lại ít, đi đến trước bạch Thế Tôn: - Hôm nay thức ăn uống rất là phong phú mà Tỳ-kheo Tăng ít, chẳng rõ phải thế nào? Thế Tôn bảo: - Phạm chí! Nay Ông tay cầm lò hương lên trên đài cao hướng về Ðông, Tây, Nam, Bắc rồi nói rằng: 'Các đệ tử của Phật Thích-ca-văn được sáu thần thông, lậu tận A-la-hán, tập họp hết ở giảng đường này'. Phạm chí bạch: - Xin vâng, Thế Tôn! Phạm chí theo lời Phật dạy liền lên trên lầu, thỉnh các bậc A-la-hán lậu tận. Khi ấy, phương Ðông có hai vạn một ngàn A-la-hán, từ phương Ðông đến giảng đường này; phương Nam hai vạn một ngàn; phương Tây hai vạn một ngàn; phương Bắc hai vạn một ngàn A-la-hán tụ tập tại giảng đường này. Bấy giờ, trên giảng đường có tám vạn bốn ngàn A-la-hán tụ tập một chỗ. Vua Tần-bà-sa-la đem quần thần đến cho Thế Tôn cúi lạy và lễ các Tỳ-kheo Tăng. Khi ấy, Phạm chí Kê Ðầu thấy Tỳ-kheo Tăng rồi, vui mừng hớn hở không thể kềm nổi, lấy đồ vật đựng thức ăn cúng dường cơm Phật và Tỳ-kheo Tăng, tự tay châm chước không nề mỏi mệt, nhưng vẫn còn thừa thức ăn. Phạm chí Kê Ðầu đến trước bạch đức Thế Tôn: - Nay cúng dường Phật và Tỳ-kheo Tăng mà vẫn còn dư thức ăn. Thế Tôn bảo: - Nay Ông nên thỉnh Phật và Tỳ-kheo Tăng cúng dường bảy ngày. Phạm chí đáp: - Xin vâng, Cù-đàm! Khi ấy Phạm chi Kê Ðầu đến trước quỳ thẳng bạch Thế Tôn: - Nay con xin thỉnh Phật và Tỳ-kheo Tăng để cúng dường bảy ngày; con sẽ cung cấp y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men. Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh. Khi ấy, trong đại chúng có Tỳ-kheo-ni tên Xá-cưu-lợi. Tỳ-kheo-ni bạch Phật: - Nay con trong lòng sanh niệm, có đệ tử của Phật Thích-ca-văn, lậu tận A-la-hán nào không tụ tập ở đây chăng? Và dùng thiên nhãn xem phương Ðông, phương Tây, phương Nam, phương Bắc thay đều xem xét hết, không ai mà không đến, thảy đều vân tập cả. Nay đại hội này thuần là La-hán chân nhân vân tập. Thế Tôn bảo: - Ðúng thế! Xá-cưu-lợi. Ðúng như lời Ngươi. Ðại hội này toàn là chân nhân Ðông, Tây, Nam Bắc đều tụ tập. Bấy giờ Thế Tôn đem nhân duyên này bảo các Tỳ-kheo: - Các Thầy có thấy trong hàng Tỳ-kheo-ni, người có thiên nhãn đệ nhất là Tỳ-kheo-ni Xá-cưu-lợi chăng? Phạm chí Kê Ðầu trong bảy ngày cúng dường, thánh chúng y phục, thức ăn uống, giường nằm và thuốc men; lại dùng hoa hương rải trên Như Lai. Khi ấy, hoa này ở trên không hóa thành đài giao lộ bảy báu. Phạm chí thấy đài giao lộ xong, vui mừng nhảy nhót không thể tự kềm, đến trước bạch Phật: - Cúi mong Thế Tôn cho phép con nhập đạo làm Sa-môn. Bấy giờ Phạm chí Kê Ðầu liền được hành đạo, các căn tịch tĩnh, tự tu chí mình, trừ bỏ thùy miên; nếu mắt thấy sắc cũng không khởi tưởng niệm; nhãn căn cũng không có ác tưởng rong ruỗi các niệm, mà biết phòng hộ nhãn căn; nếu tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi biết vị, thân biết xúc chạm, chẳng khởi tưởng xúc chạm; ý biết pháp cũng thế. Lúc ấy Phạm chí liền diệt được năm kiết sử che đậy tâm người, khiến người không trí tuệ, cũng không có ý sát hại, mà tịnh tâm mình, không giết, không nghĩ giết, không bảo người giết, tay không cầm dao gậy, khởi lòng nhân từ với tất cả chúng sanh; trừ bỏ tâm không cho mà lấy, chẳng khởi tâm trộm mà tịnh tâm mình, thường có tâm bố thí, đối với tất cả chúng sanh cũng khiến không trộm cắp; mình không dâm dật, cũng lại dạy người khiến không dâm dật, hàng tu Phạm hạnh, thanh tịnh không tỳ vết, ở trong phạm hạnh mà tịnh tâm mình; cũng không nói hư vọng, cũng không dạy người khiến vọng ngữ; hằng nghĩ chí thành, không có dối trá cuống hoặc người đời, nơi ấy tịnh tâm mình; lại không hai lưỡi, cũng không dạy người khiến hai lưỡi; nếu nghe lời ở đây, không truyền chỗ khác; nếu nghe lời chỗ khác, không truyền đến đây, ở đây tịnh ý mình. Ðối với sự ăn uống, vị ấy biết đủ, không đắm mùi vị chẳng để ý vẻ tươi tốt, không cần mập trắng, chỉ muốn giữ thân thể được toàn mạng; muốn trừ cảm thọ cũ, khiến cái mới chẳng sanh; đắc đạo tu hành, ở mãi đất vô vi. Ví như nam nữ dùng cao sáp bôi lên vết thương (mụn nhọt), chỉ muốn trừ cho lành. Ðây cũng như thế. Sở dĩ đối với thức ăn, vị ấy biết đủ là muốn khiến cho sự cảm thọ cũ được trừ lành, cái mới chẳng sanh; hoặc lại khi ấy thấu hiểu, hành đạo không mất thời tiết, chẳng mất hành Ba mươi bảy đạo phẩm; hoặc ngồi hoặc đi trừ khử thùy miên cái; hoặc lúc đầu hôm, hoặc ngồi hoặc đi, trừ khử thùy miên cái, hoặc giữa đêm nằm hông phải sát đất, hai chân chồng lên nhau, cột ý ở chỗ sáng suốt. Vị ấy lại lúc cuối đêm hoặc ngồi, hoặc kinh hành mà tịnh ý mình. Khi đó ăn uống, vị ấy biết đủ, kinh hành không mất thời tiết, trừ khử dục tưởng bất tịnh, không có các hạnh ác mà nhập Sơ thiền, có giác có quán dừng niệm nương sự hoan lạc mà vào Nhị thiền; không có lạc, xả niệm thanh tịnh, tự biết thân có lạc, chỗ chư Hiền cầu, xả niệm thanh tịnh vào Tam thiền. Vị ấy khổ vui đã diệt, không còn sầu lo, không khổ không vui, xả niệm thanh tịnh vào Tứ thiền. Vị ấy dùng tâm tam-muội, thanh tịnh không tỳ vết, cũng được không chỗ sợ, lại được tam muội tự nhớ việc vô số đời; vị ấy liền nhớ việc quá khứ hoặc một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, ngàn đời, vạn đời, mấy ngàn vạn đời, kiếp thành, kiếp hoại, kiếp thành hoại: 'Ta từng sanh ở chỗ kia, họ gì tên gì, ăn thức ăn như thế, chịu khổ vui như thế, thọ mạng dài ngắn, chết đây sanh kia, chết kia sanh đây', nhân duyên gốc ngọn đều rõ biết hết. Vị ấy lại dùng tâm tam muội, thanh tịnh không tỳ vết, được không sợ, xem thấy chúng sanh, người sanh, người chết; lại dùng thiên nhãn xem chúng sanh người sanh, người chết, nẻo lành nẻo dữ, sắc lành, sắc ác, hoặc đẹp, hoặc xấu, đi theo loại nào, thảy đều biết hết. Hoặc có chúng sanh thân, miệng, ý, làm ác, phỉ báng Hiền Thánh tạo gốc nghiệp tà, thân hoại mạng chung sanh trong địa ngục. Hoặc lại có chúng sanh thân, miệng, ý làm lành, không hủy báng Hiền Thánh, thân hoại mạng chung sanh chỗ lành lên Trời. Lại dùng thiên nhãn thanh tịnh xem chúng sanh hoặc đẹp, hoặc xấu, nẻo lành, nẻo dữ, sắc lành, sắc ác thảy đều biết cả, được không sợ. Lại tâm bố thí dứt hết các lậu. Lại quán khổ này, như thật mà biết. Ðây là Khổ, đây là Khổ tập, Khổ diệt, Khổ xuất yếu, như thật mà biết. Vị ấy quán như thế rồi, tâm dục lậu, tâm hữu lậu, tâm vô minh lậu được giải thoát. Ðã được giải thoát liền được trí giải thoát, sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sanh nữa, như thật mà biết. Bấy giờ Phạm chí Kê Ðầu liền thành A-la-hán. Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm. * 6. Tôi nghe như vầy: Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: - Thế gian có năm việc tuyệt chẳng thể được. Thế nào là năm? Vật đáng mất muốn cho không mất, điều này chẳng thể được; pháp diệt tận muốn cho không tận, điều này chẳng thể được; phàm pháp già muốn cho không già, điều này chẳng thể được; phàm pháp bệnh muốn cho không bệnh, điều này chẳng thể được. Ðó là, này Tỳ-kheo! Có năm việc này tuyệt chẳng thể được. Nếu Như Lai ra đời hay không ra đời, thế giới này hằng trụ như cũ, mà không hư hại có tiếng mất diệt, sanh, lão, bệnh tử; hoặc sanh, hoặc chết đều trở về gốc. Ðó là, này Tỳ-kheo! Có năm việc khó được này. Hãy cầu phương tiện tu hành năm căn. Thế nào là năm? Nghĩa là tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, và tuệ căn. Ðó là Tỳ-kheo hành năm căn này rồi liền thành Tu-đà-hoàn, hướng Tư-đà-hàm, chuyển tiến thành Tư-đà-hàm, chuyển tiến diệt năm kiết sử thành A-na-hàm, ở đó nhập Niết-bàn, không trở lại đời này nữa, chuyển tiến hữu lậu tận thành vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, tự thân chứng được và tự du hóa, không còn thọ thai nữa, như thật mà biết. Nên tìm phương tiện trừ năm việc trước, tu hành năm căn. Như thế, Tỳ-kheo, nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm. * 7. Tôi nghe như vầy: Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: - Nay có năm người chẳng thể trị liệu. Thế nào là năm? Người xiểm nịnh, không thể trị liệu; người gian tà, không thể trị liệu; người nói ác không thể trị liệu; người tật đố không thể trị liệu; người phản bội không thể trị liệu. Ðó là này Tỳ-kheo! Có năm người này chẳng thể trị liệu. Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ này: Người gian tà ác khẩu, Thế nên, các Tỳ-kheo! Thường nên học chính ý từ bỏ tật đố, tu hành oai nghi, nói ra đúng pháp. Nên biết đền ơn, nghĩ đến công nuôi dưỡng, ơn nhỏ còn chẳng quên, huống nữa là ơn lớn. Chớ ôm lòng xan tham, lại cũng chẳng nên tự khoe mình, chẳng chê bai người khác. Như thế, Tỳ-kheo, nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm. * 8. Tôi nghe như vầy: Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: - Ngày xưa Thích-đề-hoàn-nhân bảo Trời Ba mươi ba: 'Nếu lúc chư Hiền cùng A-tu-la chiến đấu, nếu A-tu-la chẳng bằng, chư Thiên thắng được, các Ông hãy bắt A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la trói năm vòng mang đến đây!' Lúc đó A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la lại bảo các A-tu-la: - 'Các Khanh hôm nay cùng chư Thiên chiến đấu, nếu thắng được hãy trói Thích-đề-hoàn-nhân đưa đến đây!' Tỳ-kheo nên biết! Bấy giờ hai bên đánh nhau, chư Thiên thắng, A-tu-la thua, Trời Ba mươi ba bắt A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la trói lại đem đến chỗ Thích-đề-hoàn-nhân, đặt ngoài trung môn, tự quán sát trói đủ năm vòng. Bấy giờ vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la liền nghĩ rằng: 'Chư Thiên này có pháp chính đáng, còn A-tu-la hành phi pháp. Nay ta chẳng ưa làm A-tu-la'. Ngay đó vua liền ở trong cung các vị Trời. Khi đó, A-tu-la vương sanh niệm này: 'Pháp chư Thiên chánh đáng, A-tu-la phi pháp. Tôi muốn trụ nơi đây'. Nghĩ như vậy rồi, vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la liền biết thân mình chẳng còn bị trói, vui thú ngũ dục. Nếu vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la sanh niệm này: 'Chư Thiên phi pháp, pháp A-tu-la chánh đáng. Ta không cần Trời Ba mươi ba này, muốn trở về cung A-tu-la', thì khi ấy thân vua A-tu-la liền bị trói năm vòng, ngũ dục vui thú tự nhiên tiêu diệt. Tỳ-kheo nên biết, sự trói buộc mau chóng không gì hơn việc này. Bị ma trói buộc cũng mau hơn thế. Nếu khởi kiết sử, thì liền bị ma trói buộc; động thì ma trói buộc, không động thì không bị ma trói buộc. Thế nên, các Tỳ-kheo, nên cầu phương tiện khiến tâm chẳng bị trói. Hãy ưa chỗ nhàn vắng. Sở dĩ như thế là vì các kiết sử này là cảnh giới ma. Nếu các Tỳ-kheo ở trong cảnh giới ma, thì trọn không thể giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết; chẳng thoát sầu, lo, khổ, não. Nay Ta nói về mé khổ này. Nếu lại có Tỳ-kheo tâm không di động, chẳng dính mắc các kiết sử, thì liền thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, sầu, lo, khổ, não. Nay Ta thuyết mé khổ này. Thế nên, các Tỳ-kheo! Nên học như vầy: không có kiết sử thì vượt ra khỏi cảnh giới ma. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm. * 9. Tôi nghe như vầy: Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Tôn giả A-nan đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy đứng một bên, rồi ngài A-nan bạch Thế Tôn rằng: - Phàm nói là tận, gọi là pháp gì nói là tận? Thế Tôn bảo: - A-nan! Sắc vô vi nhơn nơi duyên mà có tên này. Vô dục, vô vi gọi là pháp diệt tận. Kia tận gọi là diệt tận. Thọ, tưởng, hành thức vô vi, vô tác đều là pháp môn diệt, vô dục vô ô nhiễm, kia diệt tận nên gọi là diệt tận. A-nan nên biết! Năm thạnh ấm này vô dục, vô tác là pháp môn diệt, kia diệt tận gọi là diệt tận. Năm thạnh ấm này trọn đã diệt tận, lại không còn sanh nữa, nên gọi là diệt tận. Bấy giờ Tôn giả A-nan nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm. * 10. Tôi nghe như vầy: Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Phạm chí Sanh Lậu đến chỗ Thế Tôn cúi lạy rồi ngồi một bên. Khi ấy, Phạm chí Sanh Lậu bạch Thế Tôn: - Thế nào Cù-đàm? Có nhân duyên gì? Có hạnh xưa nào khiến cho nhân dân này có tận, có diệt, có giảm bớt? Xưa là thành quách, ngày nay đã tan hoại; xưa có nhân dân, ngày nay hoang vắng? Thế Tôn bảo: - Phạm chí nên biết! Do nhân dân này hành phi pháp, nên khiến xưa có thành quách, ngày nay tiêu diệt, xưa có nhân dân ngày nay hoang vắng, đều do nhân dân xan tham, kiết phược, quen hành ái dục mà gây nên, khiến gió mưa không đúng thời, mưa đã không đúng thời, trồng trọt rễ không tăng trưởng. Trong đó, nhân dân chết đầy đường. Phạm chí nên biết, do nhân duyên này, khiến nước bị hủy hoại, dân không đông đúc. Lại nữa, Phạm chí, nhân dân hành phi pháp, khiến có sấm, chớp, sét giật tự nhiên ứng hiện; trời giáng mưa đá, hư hoại mầm sống. bấy giờ nhân dân chết chóc không đếm nổi. Lại nữa, Phạm chí, nhân dân hành phi pháp, cạnh tranh lẫn nhau, hoặc lấy tay đấm, thêm gạch đá ném nhau, mỗi người đều tán mạng. Lại nữa, Phạm chí, nhân dân kia đã cạnh tranh nhau chẳng yên ở; quốc chủ không an, mỗi bên hưng binh công phạt lẫn nhau, đến nỗi đại chúng chết không kể, hoặc bị chết bởi do đao, hoặc chết bởi giáo, tên. Như thế, Phạm chí! Do nhân duyên này, khiến dân giảm thiểu, chẳng đông đúc nữa. Lại nữa, nhân dân hành phi pháp, nên khiến thần kỳ không giúp đỡ cho được tiện lợi, hoặc gặp nguy khốn, tật bệnh, liệt giường, người lành bệnh ít, người bệnh dịch chết nhiều. Ðó là, này Phạm chí! Do nhân duyên này khiến dân giảm thiếu không được đông đúc. Bấy giờ Phạm chí Sanh Lậu bạch Thế Tôn: - Cù-đàm! Ngài nói thật thích thay! Nói nghĩa giảm thiếu của người xưa. Thật như lời Như Lai dạy, xưa có thành quách, hôm nay tiêu diệt; xưa có nhân dân, hôm nay hoang vắng. Sở dĩ như thế, và có phi pháp, liền sanh keo kiệt, tật đố; đã sanh keo kiệt, tật đố, liền sanh nghiệp tà; đã sanh nghiệp tà nên khiến trời mưa không đúng thời, ngũ cốc chẳng chín, nhân dân chẳng mạnh, nên khiến phi pháp lưu hành, trời giáng tai biến làm hư hoại mầm mống. Ðó là do nhân dân hành phi pháp, dính mắc tham lam, keo kiệt, tật đố. Khi đó, Quốc vương chẳng yên, mỗi bên hưng binh, công phạt lẫn nhau, người chết rất nhiều, nên khiến quốc độ hoang sơ, nhân dân ly tán. Hôm nay, Thế Tôn nói rất lành, thích thay! Do phi pháp đưa đến tai họa này; cho đến bị người khác bắt, đoạn đứt mạng sống. Do phi pháp nên liền sanh tâm trộm, đã sanh tâm trộm, sau bị vua giết; đã sanh tà niệm thì phi nhân được tiện lợi. Do nhân duyên này liền bị mạng chung, nhân dân giảm bớt, nên khiến không có thành quách để ở. Cù-đàm! Hôm nay Ngài nói đã quá nhiều. Ví như người gù được thẳng, người mù được mắt, trong tối được sáng. Ngài làm mắt cho nguòi không có mắt. Nay Sa-môn Cù-đàm dùng vô số phương tiện thuyết pháp. Nay tôi lại xin quy y Phật, Pháp, Tăng, mong được làm Ưu-bà-tắc, suốt đời không dám sát sanh nữa. Sa-môn Cù-đàm, nếu thấy tôi cỡi voi, cỡi ngựa, cũng xin nhận sự cung kính của tôi. Sở dĩ như thế, bởi vì tôi vua Ba-tư-nặc, vua Tần-bà-sa-la, vua Ưu Ðiền, vua Ác Sanh, vua Ưu-đà-diện nhận phước của hạm (Bà-la-môn). Tôi sợ thất đức. Nếu tôi vạch bày vai phải, cúi mong Thế Tôn nhận tôi lễ bái. Nếu tôi đang đi bộ, gặp Cù-đàm đến, tôi sẽ bỏ giày, cúi mong Thế Tôn nhận tôi lễ bái. Bấy giờ Thế Tôn nghiêm trang chấp nhận. Phạm chí Sanh Lậu hoan hỉ vui mừng, chẳng thể kềm được, tiến đến trước Phật bạch: - Nay con quy y Sa-môn Cù-đàm một lần nữa. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc. Bấy giờ Thế Tôn dần dần thuyết pháp cho ông, khiến phát tâm hoan hỉ. Phạm chí nghe pháp xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy lui đi. Bấy giờ Phạm chí Sanh Lậu nghe Phật dạy xong, hoan hỉ vâng làm. -ooOoo- Ðầu trang | Mục lục | 1.1 | 1.2 | 1.3 | 1.4 | 1.5 | 1.6 | 2.1 | 2.2 | 2.3 | 2.4 | 2.5 | 2.6 | 3.1 | 3.2 | 3.3 | 3.4 | 3.5 | 3.6 |
Chân thành cám ơn đạo hữu HDC
đã giúp bố trí đánh máy vi tính và đạo hữu NQ đã giúp dò soát
(Bình Anson, 02-2004)
[Trở về
trang Thư Mục]
last updated: 20-02-2004