Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

TÌM HIỂU
PHƯỚC BỐ THÍ

Dhammarakkhita Bhikkhu
(Tỳ khưu Hộ Pháp)


Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)

Phước Bố Thí cho Quả Kiếp Hiện Tại

Tích Người Nghèo Khó

Tích người nghèo khó Mahāduggata [Bộ Chú giải Dhammapadaṭṭhakathā, tích Paṇṇitasāmaṇera-vatthu] tóm lược như sau:

Vào thời kỳ Ðức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, Ðức Phật cùng với 20 ngàn bậc Thánh A-ra-hán ngự đến thành Bārāṇasī. Một hôm, sau khi độ vật thực xong, Ðức Phật thuyết pháp dạy rằng:

Này chư cận sự nam – nữ, trong đời này:

- Có số người tự mình làm phước bố thí, mà không động viên khuyến khích người khác cùng làm phước bố thí, người ấy sanh nơi nào cũng có được nhiều của cải đầy đủ, nhưng không có bạn bè, thuộc hạ thân thiết.

- Có số người động viên khuyến khích người khác làm phước bố thí, còn mình thì không chịu đem của cải làm phước bố thí, người ấy sanh nơi nào cũng có nhiều bạn bè, thuộc hạ thân thiết, nhưng không có nhiều của cải.

- Có số người tự mình không làm phước bố thí, cũng không động viên khuyến khích người khác làm phước bố thí, người ấy sanh nơi nào cũng không có của cải, nghèo khổ và cũng không có bạn bè, thuộc hạ thân thiết.

- Có số người tự mình làm phước bố thí, lại còn động viên khuyến khích người khác cũng làm phước bố thí, người ấy sanh nơi nào cũng có được của cải đầy đủ, giàu sang phú quý và còn có nhiều bạn bè, thuộc hạ thân thiết, sống an lạc hạnh phúc....

Một người cận sự nam có trí tuệ ngồi nghe pháp, suy tư rằng: "ta muốn có được nhiều của cải và được nhiều bạn bè, thuộc hạ thân thiết".

Người ấy đảnh lễ Ðức Phật bạch rằng:

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, ngày mai con kính thỉnh Ðức Thế Tôn cùng tất cả 20.000 chư Ðại Ðức Tăng, để làm phước bố thí vật thực.

Ðức Phật làm thinh nhận lời, ông trở về đi thông báo cho toàn thể dân chúng trong thành biết rằng ngày mai ông sẽ làm phước bố thí đến Ðức Phật cùng tất cả 20.000 chư Ðại Ðức Tăng, ai có khả năng làm phước bố thí đến bao nhiêu vị, xin ghi danh. Có gia đình đăng ký 10 vị, 20 vị, 100 vị... v.v....

Khi gặp cậu Mahāduggata là người nghèo khó nhất trong thành, ông động viên khuyến khích rằng:

Này cậu Mahāduggata, ngày mai, tôi có thỉnh Ðức Phật cùng 20.000 Ðại Ðức Tăng để làm phước bố thí, cậu có khả năng làm phước bố thí được bao nhiêu vị?

Thưa ông, gia đình con nghèo khó, vợ chồng con đi làm thuê, làm được ngày nào ăn ngày ấy còn không đủ nữa, thì lấy gì mà làm phước bố thí thưa ông?

- Này cậu Mahāduggata, trong thành này, những người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, có quyền cao chức trọng... là do nhờ quả của phước thiện bố thí. Còn gia đình cậu, ngày qua ngày làm thuê mà không đủ ăn, đó là do không làm phước bố thí, cậu có hiểu biết rõ như vậy không?

- Thưa ông, con hiểu rồi, xin ông cho gia đình con một vị Ðại Ðức Tăng, để cho gia đình con làm phước bố thí ngày mai.

Ông cận sự nam hoan hỉ chấp thuận cho gia đình cậu Mahāduggata thỉnh một vị Ðại Ðức Tăng, để làm phước bố thí vào ngày mai, nhưng ông quên ghi vào danh sách, tiếp tục đi động viên khuyến khích người khác nhận đủ 20.000 vị Ðại Ðức Tăng.

Sau khi được ông cận sự nam cho lãnh một vị Ðại Ðức để làm phước bố thí vào ngày mai, cậu Mahāduggata vô cùng hoan hỉ, trở về báo tin cho người vợ hay biết, người vợ cũng vô cùng hoan hỉ, bàn tính nhau làm thuê kiếm gạo, đồ ăn về để ngày mai làm phước bố thí đến một vị Ðại Ðức.

Mahāduggata đi tìm việc làm, ông phú hộ nhìn thấy cậu gọi lại thuê chẻ đống củi, để ngày mai nấu đồ ăn dâng cúng đến chư Ðại Ðức Tăng, cậu vô cùng hoan hỉ, lấy búa chẻ một lát là xong ngay, ông phú hộ ngạc nhiên hỏi:

- Này Mahāduggata, sao hôm nay cậu làm việc siêng năng và nhanh nhẹn đến thế?

- Thưa ông, ngày mai gia đình con có làm phước bố thí đến một vị Ðại Ðức, nên con cảm thấy hoan hỉ, sung sướng làm việc không biết mệt.

Ông phú hộ ca tụng cậu, làm một việc khó làm. Ông trả công cho 4 ô gạo sāli (loại gạo ngon).

Về phần vợ của cậu đi giúp việc nhà bếp cho bà phú hộ, cô rất hân hoan làm công việc nhà bếp sạch sẽ gọn gàng, nhanh nhẹn, làm cho bà phú hộ hài lòng lại vừa ngạc nhiên hỏi.

- Này con, sao hôm nay con có vẻ vui sướng, làm việc giỏi quá vậy?

- Thưa bà, ngày mai gia đình con có làm phước bố thí đến một vị Ðại Ðức, nên con cảm thấy sung sướng làm việc để được những món gia vị làm đồ ăn ngày mai.

Nghe nói vậy, bà phú hộ ca tụng làm một việc khó làm! Bà trả công bằng bơ, dầu, đồ dùng....

Vợ chồng Mahāduggata vô cùng hoan hỉ được gạo ngon, dầu bơ, đồ dùng để làm phước bố thí vào hôm sau.

Sáng sớm hôm sau, người vợ thưa với chồng, sáng nay anh đi kiếm một ít rau về nấu một bát canh, Mahāduggata đi ra khỏi nhà, vừa đi vừa ca hát, đi ngang bến ghe chài; đêm hôm trước, người dân chài bắt được nhiều cá vừa cập bến, nghe tiếng ca hát của Mahāduggata bèn gọi:

- Này Mahāduggata cậu đi đâu đó? Sao hôm nay vui sướng quá vậy? Hãy xuống đây giúp tôi đem cá bán, rồi tôi sẽ cho ít con cá.

- Này bạn, hôm nay gia đình tôi có làm phước bố thí đến một vị Ðại Ðức, tôi vui sướng đi tìm rau về nấu canh, may quá, có được cá lại càng tốt.

Mahāduggata hăng hái đem cá bán, hôm ấy dân chúng trong thành mua cá làm đồ ăn để làm phước bố thí cúng dường đến chư Ðại Ðức Tăng, nên phần cá bán không còn con nào cả. Cậu nóng lòng muốn về nhà cho kịp làm phước bố thí, bèn hỏi người chủ thuyền:

- Này bạn, phần cá của tôi đâu?

- Bạn đừng lo, tôi còn một phần cá đặc biệt cất dưới ghe, để tôi lấy cho bạn.

Người chủ đem cho Mahāduggata 4 con cá hồi (Rohitamaccha). Cậu vội vàng đem về nhà.

Canh chót đêm ấy, Ðức Thế Tôn nhập đại bi định, khi xả định quán xét chúng sinh nào có duyên lành nên tế độ; Ðức Phật nhìn thấy Mahāduggata là người có đức tin trong sạch, nhận lãnh một vị Ðại Ðức để làm phước bố thí, nhưng người cận sự nam quên ghi vào danh sách, đến khi Mahāduggata gặp người cận sự nam xin nhận lãnh vị Ðại Ðức thỉnh về nhà, thì không còn một vị Ðại Ðức nào cả. Vậy chính Như Lai sẽ tế độ Mahāduggata mà thôi.

Vua trời Sakka cảm thấy chỗ ngồi phát nóng, quán xét thấy rõ hôm nay Mahāduggata sẽ làm phước bố thí cúng dường Ðức Phật, nên hiện xuống giúp đỡ y để tạo phước thiện. Vua trời Sakka biến hóa thành một người đầu bếp tài giỏi đến xin giúp việc cho Mahāduggata không lấy tiền công, chỉ bỏ công làm phước thiện mà thôi. Mahāduggata đồng ý chấp thuận, xin mời vào nhà lo giúp việc nấu ăn, vua trời Sakka nấu cơm, các món ăn đều bỏ đồ gia vị cõi trời, hương trời, đức vua Sakka bảo rằng:

- Này bạn, công việc nấu nướng để tôi lo, bạn đi thỉnh vị Ðại Ðức về nhà cho kịp giờ.

Mahāduggata đi đến tìm người cận sự nam xin thỉnh một vị Ðại Ðức, mà ông đã động viên khuyến khích. Khi đến gặp ông, hởi ôi! Ông đã quên, nên không còn một vị Ðại Ðức nào cả, y thất vọng buồn tủi ôm mặt khóc; mọi người nhìn thấy y đáng thương và trách người cận sự nam ấy, người cận sự nam ấy an ủi y và hướng dẫn y rằng: còn Ðức Phật ở trong cốc chưa mở cửa. Ðức vua, các quan, phú hộ đang trông chờ Ðức Phật mở cửa để thỉnh bát của Ngài. Chư Phật thường tế độ những người nghèo khó, vậy nhà ngươi hãy vào xin Ðức Phật tế độ.

Nghe nói vậy, đôi mắt của Mahāduggata sáng lên, niềm hy vọng phát sanh, y dũng cảm đến trước cửa cốc, đảnh lễ, đầu va chạm vào cửa, bạch rằng:

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, trong thành này người nghèo khó hơn con không có, kính xin Ngài có lòng đại bi tế độ con, bạch Ngài.

Ðức Phật mở cửa trao bình bát trên tay y. Y được bình bát của Ðức Phật mừng hơn được ngai vàng của Ðức Chuyển luân thánh vương. Ðức vua, các quan, phú hộ xin lại bình bát trên tay y hứa sẽ ban cho y nhiều tiền của, nhưng y không màng đến.

Y kính thỉnh Ðức Phật về đến nhà, Ðức vua trời Sakka hóa thành người đầu bếp đã làm xong vật thực ngon lành, trải chỗ ngồi cao quý, thỉnh Ðức Phật vào nhà.

Khi Ðức Phật bước vào, thì căn nhà cao hẳn lên, nên Ngài không phải cúi khom người xuống, Ngài ngự trên chỗ ngồi đã trải sẵn. Còn Ðức vua trời là người đầu bếp đã làm xong những món vật thực, liền bảo Mahāduggata đem những món vật thực dâng cúng đến Ðức Phật. Mùi thơm của các món vật thực toả khắp cả kinh thành Bārāṇasī. Trong khi đó, Ðức vua cùng các quan, phú hộ đi theo sau Ðức Phật đến nhà của Mahāduggata để biết xem y làm phước bố thí cúng dường Ðức Phật bằng những món vật thực gì, khi đến nơi ngửi được mùi thơm của những món vật thực, mà trong đời chưa từng ngửi bao giờ. Ðức vua trời Sakka đảnh lễ Ðức Phật.

Ðộ vật thực xong, Ðức Phật thuyết pháp tế độ gia đình Mahāduggata, rồi Ngài ngự trở về chùa, Mahāduggata ôm bát theo sau tiễn đưa Ðức Phật.

Ðức vua trời Sakka hoan hỉ phước thiện bố thí xong, cũng trở về cung Tam thập tam thiên.

Khi Mahāduggata trở về đứng trước cửa, nhìn thấy từ hư không mưa rơi 7 thứ báu vật xuống đầy nhà, người vợ dắt tay đứa con ra khỏi nhà, trong nhà đầy cả 7 thứ báu vật không còn chỗ nào trống.

Y nghĩ rằng: "đó là quả báu của phước thiện bố thí của chúng ta ngày hôm nay". Mahāduggata liền đến hầu Ðức vua tâu rằng:

- Tâu Ðức vua, nhà của tiện dân đầy cả thất báu, xin bệ hạ đem 1.000 chiếc xe đến nhà tiện dân chở tất cả thất báu ấy về cung điện.

Ðức vua truyền quân lính trong triều đình đem 1.000 chiếc xe chở tất cả 7 thứ báu vật đem về chất thành đống trước sân rồng. Ðức vua truyền hỏi:

- Trong thành này, người nào có của cải nhiều như thế này không?

Tất cả - Tâu Hoàng thượng, không một người nào có nhiều của báu như thế cả. đều tâu.

Do đó, Ðức vua tấn phong Mahāduggata địa vị đại phú hộ, rồi truyền rằng: tất cả của cải này là quả báu phước thiện bố thí của nhà ngươi, vậy nhà ngươi hãy nhận lấy.

Ðức vua cấp đất đai, xây cất những căn nhà lớn, cấp nhiều gia nhân. Khi xây cất nhà xong, phú hộ Mahāduggata thỉnh Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng làm phước đại bố thí suốt 7 ngày và từ đó về sau y thường bố thí, giữ giới, tạo mọi thiện pháp cho đến hết tuổi thọ, do năng lực mọi phước thiện ấy cho quả tái sanh lên cõi trời dục giới hưởng mọi sự an lạc.

Ðến thời kỳ Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu thân của Mahāduggata, do năng lực phước thiện ấy cho quả tái sanh vào lòng con gái của gia đình phú hộ, là người hộ độ Ngài Ðại Ðức Sāriputta, khi sanh ra đời đặt tên là "Paṇṇita".

Lớn lên 7 tuổi, cậu bé Paṇṇita xin mẹ cha cho phép xuất gia trở thành Sa di Paṇṇita với Ngài Ðại Ðức Sāriputta là thầy tế độ.

Cha mẹ của Ngài đến chùa làm phước thiện bố thí vật thực đặc biệt có món cá hồi (Rohitamaccha) đến Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng, suốt 7 ngày. Qua đến ngày thứ 8, Sa di Paṇṇita tiến hành thiền tuệ chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Ðạo – Nhập Lưu Thánh Quả cho đến A-ra-hán Thánh Ðạo – A-ra-hán Thánh Quả cùng với Tứ tuệ phân tích, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, hoàn thành xong phận sự của Sa môn.

Ngài Ðại Ðức Sāriputta đi khất thực độ xong, còn đem một phần vật thực, trong đó có món cá hồi về cho Sa di Paṇṇita, theo nguyện vọng của Sa di, người đệ tử có sắc thân bé nhỏ, song tâm là bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.

Làm phước bố thí đến Ðức Phật với đức tin trong sạch, hoan hỉ trong phước thiện, quả báu của phước thiện bố thí ấy không chỉ ngay trong kiếp hiện tại giàu sang phú quý, những kiếp vị lai đầy đủ của cải thế gian, mà còn kiếp chót cũng có đầy đủ 9 pháp siêu tam giới đó là: 4 Thánh Ðạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn nữa.

Tích Gia Ðình Ông Puṇṇa

Trong thời kỳ Ðức Phật Gotama của chúng ta, có gia đình ông Puṇṇa [Chú giải Dhammapada, trong tích Uttarāupāsikā] nghèo khó, làm ruộng thuê của ông phú hộ Sumana, toàn thể mọi người trong gia đình đều có đức tin trong sạch nơi Tam bảo.

Một hôm, buổi sáng ông đi cày ruộng; cũng vào buổi sáng ấy, Ngài Ðại Ðức Sāriputta xả diệt thọ tưởng định (suốt 7 ngày đêm qua), đi khất thực để tế độ gia đình ông Puṇṇa, nên Ngài đi thẳng về hướng ông Puṇṇa đang cày ruộng. Ông Puṇṇa nhìn thấy Ngài Ðại Ðức Sāriputta liền bỏ cày đến hầu đảnh lễ Ngài, dâng cúng cây tăm xỉa răng và nước dùng, nước uống. Ngài Ðại Ðức Sāriputta thọ nhận xong, đi theo đường hướng về nhà ông Puṇṇa, gặp vợ ông Puṇṇa đang đem cơm cho chồng. Bà đảnh lễ Ngài Ðại Ðức Sāriputta xong, bạch rằng:

- Kính bạch Ngài Ðại Ðức, kính xin Ngài từ bi thọ nhận phần vật thực, phận nghèo khó của gia đình chúng con.

Ngài Ðại Ðức Sāriputta từ bi tế độ thọ nhận tất cả phần vật thực, bà vô cùng hoan hỉ phát nguyện:

- Do nhờ phước thiện bố thí này của chúng con, cầu mong cho gia đình chúng con được một phần pháp mà Ngài đã chứng đắc.

Ngài Ðại Ðức Sāriputta phúc chúc rằng:

- Mong cho gia đình các con được toại nguyện.

Bà vô cùng hoan hỉ đi trở về nhà nấu lại phần cơm khác đem cho chồng, vội vàng mang cơm ra đồng ruộng với tâm hoan hỉ phước thiện bố thí đến Ngài Ðại Ðức Sāriputta làm cho thân tâm của bà nhẹ nhàng, nhu nhuyến không sao dấu được.

Còn phần ông Puṇṇa trễ giờ đói bụng, thả bò đi ăn cỏ, ông lên bờ ngồi dưới bóng mát cây chờ đợi vợ, dầu đói bụng nhưng tâm vẫn hoan hỉ, niệm tưởng lại việc làm phước thiện bố thí tăm xỉa răng và nước đến Ngài Ðại Ðức Sāriputta. Ông nhìn thấy từ xa, vợ mình đi đến trễ hơn mọi ngày, nhưng bà có vẻ khác thường, chắc chắn bà đang hoan hỉ một điều gì đó. Bà vừa đến nơi liền thưa với chồng rằng:

- Hôm nay, xin anh hoan hỉ thật nhiều! Sáng nay, em đem cơm cho anh, giữa đường gặp Ngài Ðại Ðức Sāriputta đang đi khất thực, em phát sanh đức tin trong sạch, đem phần cơm của anh để bát cúng dường đến Ngài Ðại Ðức Sāriputta, Ngài không chê vật thực nghèo khó của chúng mình. Ngài Ðại Ðức có tâm từ bi tế độ thọ nhận tất cả vật thực phần của anh; xin anh nên hoan hỉ phần phước thiện bố thí này!

Ông Puṇṇa vừa lắng nghe từng tiếng, từng câu làm cho ông phát sanh thiện tâm hỉ lạc đến cực độ; nên không thể theo dõi liên tục tron vẹn lời nói của vợ ông. Sực tỉnh lại, ông muốn biết chắc chắn chính mình nghe đúng sự thật là như vậy không, nên ông bảo với vợ rằng:

- Này em, em hãy nói lại cho anh nghe một lần nữa!

Bà vợ thưa lại rõ ràng một lần nữa, lần này ông nghe rõ biết chắc chắn đúng sự thật như vậy rồi, ông vô cùng hoan hỉ phước thiện bố thí của vợ, đã đem phần cơm của mình cúng dường đến Ngài Ðại Ðức Sāriputta, đồng thời ông cũng nói cho vợ biết, cũng chính sáng hôm ấy, ông đã làm phước thiện bố thí cúng dường cây tăm xỉa răng và nước đến Ngài Ðại Ðức Sāriputta; nghe xong, bà cũng vô cùng hoan hỉ việc phước thiện bố thí của chồng.

Hai vợ chồng cùng nhau hoan hỉ việc phước thí cúng dường đến Ngài Ðại Ðức Sāriputta, ông dùng cơm xong nằm niệm tưởng việc phước thiện bố thí hôm nay, mới thiu thiu giấc ngủ, ông bừng tỉnh lại, ngồi nhìn thấy phần đất cày ruộng hồi sáng đã hóa thành những thỏi vàng y (vàng ròng) làm cho ông hoa cả mắt; và vợ của ông cũng như ông vậy. Ông lấy lại bình tỉnh đi xuống ruộng, lấy lên một thỏi, đúng thật là thỏi vàng ròng, đem khoe và nói với vợ rằng:

- Này em, vợ chồng chúng ta đã làm phước thiện bố thí cúng dường đến Ngài Ðại Ðức Sāriputta, do phước thiện bố thí ấy, liền cho quả báu đến vợ chồng chúng ta ngày hôm nay, chúng ta không thể nào dấu một số vàng lớn như thế này được!

Ông Puṇṇa lấy một số thỏi vàng bỏ vào khay, đem trình lên Ðức vua và tâu rằng:

- Tâu Ðức vua, sáng nay tiện dân đi cày ruộng, tất cả đất cày hóa thành những thỏi vàng ròng, kính xin Ðức vua truyền lệnh cho binh lính đem xe đến chở về cất trong kho báu của Ðức vua.

- Nhà người là ai? – Ðức vua hỏi.

- Tâu Ðức vua, tiện dân là Puṇṇa, một nông dân nghèo khó làm thuê. – Puṇṇa tâu.

- Sáng nay, nhà ngươi đã làm việc gì đặc biệt vậy?

- Tâu Ðức vua, tiện dân làm phước cúng dường cây tăm xỉa răng và nước dùng, nước uống đến Ngài Ðại Ðức Sāriputta; còn phần vợ tiện dân làm phước cúng dường phần cơm của tiện dân đến Ngài Ðại Ðức.

Ðức vua phán rằng:

- Này Puṇṇa, vợ chồng ngươi đã làm phước thiện bố thí cúng dường trong sạch đến cho Ngài Ðại Ðức Sāriputta, cho nên, quả báu phát sanh ngay trong ngày hôm nay. Vậy, ngươi muốn Trẫm làm gì?

- Tâu Ðức vua, tiện dân xin Ðức vua truyền lệnh đem ngàn chiếc xe đến thửa ruộng kia để khuân tất cả số vàng ấy về cung điện. – Puṇṇa tâu.

Ðức vua truyền lệnh đem hàng ngàn chiếc xe đến chở vàng ròng, nhóm lính trong triều nói rằng: "Vàng của Ðức vua!", tức thì những thỏi vàng được lấy lên, hóa trở lại thành đất như cũ. Chúng về triều tâu lên Ðức vua sự việc xảy ra như vậy. Ðức vua sáng suốt bèn phán rằng:

- Các ngươi nghĩ như thế nào, khi lấy những thỏi vàng ấy?

- Tâu Hoàng Thượng, chúng thần nghĩ và nói rằng: "Vàng của Ðức vua!".

- Số vàng ròng kia không phải của Trẫm. Các người nên trở lại nghĩ và nói rằng: "Vàng của ông bà Puṇṇa!" rồi khuân số vàng ấy về đây. – Ðức vua phán.

Họ vâng lệnh Ðức vua ra đi. Thật đúng vậy, lần này họ khuân toàn bộ số vàng ấy đem về, chất giữa sân rồng thành một đống vàng cao 80 hắc tay.

Ðức vua cho truyền dân chúng trong thành hội họp tại sân rồng, bèn hỏi rằng:

- Trong kinh thành này, người nào khác có số vàng lớn như thế này không?

- Tâu Hoàng Thượng, không có người nào khác cả! – Toàn thể dân chúng trong thành tâu.

- Trẫm nên tấn phong ông Puṇṇa như thế nào mới xứng đáng?

- Xin Hoàng thượng tấn phong ông Puṇṇa địa vị đại phú hộ.

Ðức vua phán rằng:

- Này Puṇṇa, từ nay ngươi là đại phú hộ, có tên Bahudhanaseṭṭhi: phú hộ nhiều của cải.

Sau khi trở thành đại phú hộ Puṇṇa, gia đình ông càng có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng, có Ðức Phật chủ trì suốt 7 ngày, đến ngày thứ 7 Ðức Phật thuyết pháp tế độ gia đình ông Puṇṇa, toàn gia đình ông đại phú hộ Puṇṇa, hai vợ chồng và đứa con gái tên Uttarā đều chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu.

Vợ chồng ông Puṇṇa làm phước thiện bố thí cúng dường đến Ngài Ðại Ðức Sāriputta vừa xả diệt thọ tưởng định, do năng lực phước thiện bố thí trong sạch và hội đủ nhân duyên ấy, liền cho quả báu trong ngày hôm ấy, trở thành đại phú hộ nhiều của cải thế gian và đặc biệt hơn nữa, toàn gia đình chứng đắc pháp siêu tam giới đó là Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả trở thành bậc Thánh Nhập Lưu.

Những trường hợp như trên, có không ít trong Phật giáo.

Phước bố thí cho quả hiện tại

Làm phước thiện bố thí có quả báu ngay trong kiếp sống hiện tại trong vòng 7 ngày, cần phải hội đủ 4 nhân duyên như sau:

1- Bậc thọ thí phải là bậc Thánh Bất Lai hoặc bậc Thánh A-ra-hán (vatthusampadā).

2- Vật bố thí phát sanh hoàn toàn hợp pháp và trong sạch (paccayasampadā).

3- Người bố thí có đầy đủ 3 thời tác ý thiện tâm trong sạch hoan hỉ: trước khi làm phước thiện bố thí, đang khi làm phước thiện bố thí và sau khi đã làm phước thiện bố thí xong (cetanāsampadā).

4- Bậc Thánh Bất Lai hoặc bậc Thánh A-ra-hán vừa mới xả diệt thọ tưởng định, đi khất thực (guṇātire-kasampadā).

Do năng lực hội đầy đủ 4 nhân duyên này, chắc chắn sẽ được quả báu của phước thiện bố thí ấy trong vòng 7 ngày.

Năng Lực Của Tác Ý Bố Thí

Chánh cung hoàng hậu Pañcapāpi [Bộ Jātaka, trong tích Kuṇālajātaka] trong tích tiền thân của Ðức Phật, truyện Kuṇālajātaka được tóm lược như sau:

Chánh cung hoàng hậu có tên Pañcapāpi, bởi vì trên thân hình của bà có 5 bộ phận xấu xí đáng ghê sợ, đó là: tay, chân, miệng, mắt, mũi.

Bà Pañcapāpi là chánh cung hoàng hậu của hai Ðức vua: Ðức vua Baka xứ Bārāṇasī và Ðức vua Bāvarika. Bà làm cho cả hai Ðức vua sủng ái đến cực độ, mà bỏ bê việc triều chính. Truyện ghi lại rằng:

Thời quá khứ, trong xóm nhà gần cửa thành Bārāṇasī, một gia đình nghèo có cô gái tên Pañcapāpi, bởi vì thân hình cô có 5 bộ phận xấu xí đáng ghê sợ. Ban đêm bọn trẻ trong xóm thường thích cô chơi trò chạy đuổi bắt nhau, đứa nào được cô bắt ôm lấy, cảm thấy sung sướng lắm. Một đêm, Ðức vua Baka trị vì kinh thành Bārāṇasī giả dạng dân thường ngự đi quan sát trong thành, đến xóm nhà gặp bọn trẻ đang chơi trò đuổi bắt nhau; cô không biết, bắt nhầm phải Ðức vua, Ðức vua cảm thấy đê mê cả người, như xúc chạm phải thân hình của thiên nữ. Ðức vua đưa tay sờ vào thân hình cô, cảm giác sướng mê mẫn cả người, Ðức vua phát sanh tâm tham ái trong xúc trần của nàng. Ðức vua truyền rằng:

- Nhà cô ở đâu? Có chồng hay chưa?

- Nhà thiếp ở gần cửa thành, thiếp chưa có chồng. – Cô gái thưa.

Ðức vua truyền rằng:

- Ta sẽ là người chồng của cô; cô hãy về nhà xin phép cha mẹ cô.

Cô Pañcapāpi đi về nhà xin phép cha mẹ rằng:

- Thưa cha mẹ, có một người đàn ông muốn lấy con làm vợ.

Cha mẹ cô nghĩ rằng: người đàn ông ấy chắc không phải là người nghèo khổ, nên bảo rằng:

- Người đàn ông ấy muốn lấy con làm vợ, thì phước cho con lắm rồi.

Cô Pañcapāpi báo tin mừng cho người đàn ông biết rằng:

- Cha mẹ thiếp đã đồng ý chấp thuận.

Ðức vua Baka ngự đến nhà ở với nàng gần rạng đông mới trở về cung điện. Từ đó về sau hằng đêm, Ðức vua Baka giả dạng dân thường, đến sống chung với nàng Pañcapāpi, mà không hề đoái tưởng đến hoàng hậu, cung phi mỹ nữ khác trong triều.

Một hôm, người cha của cô Pañcapāpi bị lâm bệnh xuất huyết, thầy thuốc bảo bệnh này chỉ có dùng món thuốc bằng cơm nấu sữa tươi cùng với bơ lỏng, mật ong, đường thốt nốt gọi là "cơm sữa Pāyāsa"; mới chữa khỏi được. Gia đình nghèo khổ như cha mẹ cô làm sao có được món aên thượng hạng ấy, nên bà mẹ than thở với cô Pañcapāpi rằng: căn bệnh hiểm nghèo của cha con chỉ có cơm nấu bằng sữa tươi mới trị khỏi được; vậy chồng của con có thể tìm được món cơm sữa pāyāsa ấy hay không?

- Thưa mẹ, chồng con trông bộ nghèo lắm thì phải? Nhưng con sẽ thử hỏi chồng con xem, xin mẹ đừng lo lắng quá!

Nàng Pañcapāpi có vẻ nóng lòng chờ đợi Ðức vua, khi Ðức vua ngự đến biết cô đang khổ tâm, nên truyền dạy rằng:

- Này em, em đang khổ tâm việc gì vậy?

Nàng thổ lộ nỗi buồn rầu đau khổ về căn bệnh hiểm nghèo của cha mình, phải cần đến món cơm nấu bằng sữa tươi "pāyāsa" mới có thể chữa trị khỏi bệnh được.

Nghe vậy, Ðức vua truyền rằng:

- Này em, những người giàu sang phú quý mới có được món ăn đó, còn chúng ta làm sao có được!

Ðức vua nghĩ rằng: hằng đêm, ta không thể đi lại như thế này mãi được, có thể nguy hiểm đến tánh mạng. Tốt hơn, ta nên tìm cách đưa nàng Pañcapāpi vào cung mà không để cho ai chê trách rằng: "Ðức vua của chúng ta sống chung với người đàn bà xấu xí như nữ dạ xoa". Muốn vậy, ta nên để toàn thể dân chúng trong thành, các quan quân trong triều đụng chạm đến bàn tay kỳ diệu của nàng, có sự cảm giác sướng mê mẫn cả người trước, may ra, ta mới mong khỏi bị chê trách.

Ðức vua truyền an ủi rằng:

- Này em, đừng lo lắng khổ tâm! Anh sẽ cố gắng tìm cho được món cơm sữa "pāyāsa" cho cha em.

Ðức vua ở với nàng đến gần rạng đông mới ngự trở về cung. Sáng hôm ấy, Ðức vua truyền lệnh nấu cơm sữa pāyāsa chia làm hai gói, một gói để vào hộp Cuḷāmānī (hộp ngọc quý Manī) niêm phong kỹ, còn một gói để ngoài. Ban đêm, Ðức vua ngự đem đến nhà nàng Pañcapāpi, căn dặn nàng rằng:

- Này em, anh là người nghèo, có được món cơm sữa pāyāsa này khó khăn lắm, em thưa với cha em rằng: hôm nay, dùng gói cơm này, còn gói cơm trong hộp để dành ngày mai, nghe em!

Cô Pañcapāpi làm đúng theo lời của Ðức vua truyền, cha của cô dùng một gói cơm sữa pāyāsa là món ăn có nhiều chất bổ dưỡng cao, nên cảm thấy thân tâm được an lạc ngay. Ông dùng gói cơm không hết, phần còn lại, mẹ cô và cô cùng nhau thưởng thức. Còn một gói cơm sữa pāyāsa để trong hộp Cuḷāmānī để dành cho ngày hôm sau.

Sáng hôm ấy, khi trở về cung, Ðức vua truyền lệnh quan hầu đem hộp Cuḷāmānī ra dâng, không tìm thấy, vị quan hầu tâu Ðức vua rằng:

- Tâu hoàng thượng, hạ thần không tìm thấy hộp Cuḷāmānī đâu cả.

Ðức vua truyền lệnh lục soát trong cung và các nhà giàu, nghèo trong thành.

Theo lệnh truyền của Ðức vua, quân lính đi lục soát khắp mọi nơi, cuối cùng tìm thấy hộp Cuḷāmānī trong nhà nghèo, cha mẹ của cô Pañcapāpi. Quân lính trong triều bắt tội cha mẹ cô, cho họ là những kẻ đã trộm hộp Cuḷāmānī của Ðức vua.

Cha mẹ cô một mực chối không phải là kẻ trộm, cái hộp Cuḷāmānī ấy do người con rể đem đến. Khi tra hỏi người con rể ở đâu, ông bà không biết, chỉ có người con gái biết mà thôi.

Cha cô hỏi:

- Chồng con ở đâu, con có biết không?

- Thưa cha, con không biết chồng con ở đâu. – Cô Pañcapāpi thưa.

Người cha than rằng:

- Nếu như vậy, chắc cha sẽ bị tội tử hình.

Cô Pañcapāpi thưa với quân lính triều đình rằng:

- Chồng của tiện thiếp đến lúc ban đêm, đi về lúc gần rạng đông, nên tiện thiếp không biết hình dáng như thế nào, nhưng chắc chắn khi xúc chạm bàn tay thì biết ngay.

Quân lính triều đình trở về tâu lên Ðức vua Baka theo lời khai của cô Pañcapāpi, Ðức vua giả bộ không hay biết truyền lệnh rằng:

- Nếu như vậy, hãy bắt người con gái ấy đem về sân rồng, để ngồi trong phòng có màn che kín, khoét một lỗ, vừa chìa bàn tay vào để cho cô xúc chạm; và truyền lệnh tập trung toàn thể những người đàn ông trong kinh thành đến cho cô xúc chạm bàn tay, để cô phát giác ra kẻ trộm.

Theo lệnh của Ðức vua, quân lính triều đình đến nhà cô Pañcapāpi, nhìn thấy cô có thân hình xấu xí đáng ghê tởm, như quỷ, ai ai cũng đều không muốn đụng vào người cô. Khi đưa cô về sân rồng, ngồi trong phòng có màn che kín, có một lỗ nhỏ vừa chìa bàn tay vào. Tập trung toàn thể những người đàn ông trong thành, sắp thành hàng tuần tự đi ngang qua chỗ cô ngồi, chìa tay vào lỗ nhỏ để cho cô xúc chạm; bất cứ người đàn ông nào, được cô xúc chạm bàn tay của mình rồi, đều có cảm giác sướng mê mẫn cả người, ai ai cũng đều gật gù tấm tắc khen: "Tuyệt vời! Tuyệt vời!" chưa từng xúc chạm một người nào như thế này, cô ta như là một thiên nữ, mới có được xúc trần tuyệt vời đến vậy! Nếu được rước cô về nhà, dầu phải bỏ ra bao nhieâu của cải vàng bạc cũng không tiếc. Cho nên, người nào được cô xúc chạm rồi không muốn rời, đến nỗi lính phải kéo đi. Toàn thể những người đàn ông trong kinh thành hết rồi, mà cô chưa phát giác ra được kẻ trộm, đến lượt các quân lính, các quan trong triều, cho đến đức phó vương được cô xúc chạm bàn tay của mình cũng đều có cảm giác sướng mê mẫn cả người, làm cho mê hồn; cô vẫn chưa phát giác ra được kẻ trộm. Cuối cùng Ðức vua Baka phán rằng:

- Bây giờ đến phiên Trẫm.

Ðức vua ngự qua chìa bàn tay vào; cô vừa xúc chạm bàn tay của Ðức vua liền la lớn lên rằng:

- Phát giác được kẻ trộm rồi!

Khi ấy, Ðức vua truyền hỏi các quan rằng:

- Khi nàng xúc chạm bàn tay của các khanh, các khanh có cảm giác thế nào?

Các quan thành thật tâu đúng theo ý nghĩ và cảm giác của mình. Ðức vua phán rằng:

- Trẫm cố ý muốn bày ra mưu kế này, là muốn rước nàng về cung, nhưng còn e ngại chưa dám, vì nghĩ rằng: khi các khanh không biết sự xúc trần tuyệt vời của nàng, sẽ chê trách Trẫm. Vì vậy, Trẫm muốn các khanh đều biết, bây giờ các khanh nghĩ thế nào? Nàng xứng đáng thuộc về ai?

Các quan đồng tâu rằng:

- Nàng xứng đáng thuộc về Thánh Thượng, sống trong cung điện.

Ðức vua Baka xứ Bārāṇasī tấn phong nàng Pañcapāpi lên ngôi chánh cung hoàng hậu của Ðức vua, và ban thưởng cho cha mẹ của nàng địa vị cao quý và nhiều của cải.

Từ đó, ngày đêm, Ðức vua say mê đắm đuối sủng ái chánh cung hoàng hậu Pañcapāpi, cho đến nỗi không còn biết đến các hoàng hậu, cung phi mỹ nữ khác, thậm chí bỏ bê cả việc triều chính.

Một hôm, hoàng hậu Pañcapāpi nằm mộng thấy hiện tượng, mình trở thành chánh cung hoàng hậu của hai Ðức vua, hoàng hậu tâu giấc mộng này lên Ðức vua Baka. Ðức vua truyền lệnh gọi vị quân sư đoán mộng vào chầu, Ðức vua truyền hỏi rằng:

- Này quân sư, giấc mộng của hoàng hậu như vậy, điều gì sẽ xảy ra cho Trẫm và ngai vàng của Trẫm?

Vốn không muốn chánh cung hoàng hậu làm mê hoặc Ðức vua, bỏ bê việc triều chính, vị quân sư căn cứ vào giấc mộng, đoán mộng theo ý thiên vị của mình:

- Tâu bệ hạ, hoàng hậu mộng thấy ngồi trên cổ bạch tượng, đó là hiện tượng báo trước bệ hạ sẽ gặp hoạ, có thể sẽ băng hà. Và mộng thấy ngồi trên cổ bạch tượng sờ mặt trăng chơi, đó là hiện tượng báo trước, xui kẻ thù đến với bệ hạ.

Ðức vua truyền hỏi rằng:

- Nếu như vậy nên xử cách nào?

- Tâu bệ hạ, không nên xử tội chánh cung hoàng hậu, mà nên đày bà xuống thuyền, cho thả trôi theo dòng nước.

Ðức vua Baka đưa chánh cung hoàng hậu Pañcapāpi xuống thuyền cùng với vật thực và các đồ trang sức quý giá, đến lúc ban đêm thả trôi theo dòng nước. Thuyền của chánh cung hoàng hậu Pañcapāpi trôi đến ranh giới đất nước của Ðức vua Bāvarika, gặp lúc Ðức vua xứ ấy đang chơi thuyền trên sông cùng với vị quan thừa tướng. Nhìn thấy chiếc thuyền trôi đến vị thừa tướng liền nói lên rằng: "chiếc thuyền ấy của thần", và Ðức vua Bāvarika phán rằng: "vật trong thuyền của Trẫm". Chiếc thuyền đến gần, Ðức vua nhìn thấy nàng Pañcapāpi truyền hỏi rằng:

- Nàng tên gì? Sao thân hình giống như con quỷ vậy?

Nàng Pañcapāpi cười duyên tâu rằng:

- Thiếp là Pañcapāpi chánh cung hoàng hậu của Ðức vua Baka, và tâu trình mọi việc xảy ra cho Ðức vua biết.

Nàng Pañcapāpi có tiếng tăm vang lừng khắp cõi Nam thiện bộ châu, Ðức vua Bāvarika nắm tay nàng bước khỏi thuyền, vừa xúc chạm đến bàn tay kỳ diệu của nàng, Ðức vua có cảm giác sướng mê mẫn cả người, liền phát sanh tham ái trong xúc trần của nàng; Ðức vua rước nàng về cung điện và tấn phong nàng lên ngôi chánh cung hoàng hậu, Ðức vua ngày đêm sủng ái chỉ một mình hoàng hậu, không còn nghĩ đến hoàng hậu, các cung phi mỹ nữ khác.

Ðức vua Baka xứ Bārāṇasī nghe tin Ðức vua Bāvarika rước hoàng hậu Pañcapāpi về tấn phong lên ngôi chánh cung hoàng hậu, nghĩ rằng: ta sẽ không chịu để cho Ðức vua Bāvarika tấn phong chánh cung hoàng hậu của ta ở ngôi chánh cung hoàng hậu của Người. Ðức vua Baka kéo quân đến nghỉ bên sông, gởi tối hậu thư rằng:

- Ðức vua Bāvarika hãy giao trả chánh cung hoàng hậu Pañcapāpi lại cho ta; nếu không, 2 nước sẽ xảy ra chiến tranh với nhau.

Ðức vua Bāvarika đáp lại rằng:

- Thà ta chịu chiến tranh, chứ không chịu giao trả chánh cung hoàng hậu Pañcapāpi.

Hai nước chuẩn bị gây chiến với nhau để tranh giành chánh cung hoàng hậu Pañcapāpi, thì hai nhóm quan của hai Ðức vua gặp thảo luận với nhau rằng:

- Hai nước láng giềng chúng ta gây chiến với nhau, giết chết nhau vì nguyên nhân tranh giành nhau một người đàn bà, đó là điều không hợp lý. Như vậy, chúng ta nên tìm một giải pháp ôn hoà để ổn thoả hai bên.

Xét thấy rằng, nàng Pañcapāpi đã từng là chánh cung hoàng hậu của Ðức vua Baka; vì tình nghĩa phu thê gắn bó, vậy nàng nên thuộc về Ðức vua Baka. Và nàng Pañcapāpi được Ðức vua Bāvarika rước từ dưới thuyền ở giữa dòng sông về đã tấn phong chánh cung hoàng hậu, vậy nàng cũng nên thuộc về Ðức vua Bāvarika.

Như vậy, nàng Pañcapāpi đương nhiên là chánh cung hoàng hậu của hai Ðức vua.

Hai nhóm quan, mỗi nhóm về tâu Ðức vua của mình, hai Ðức vua đều hài lòng đồng ý với cách dàn xếp ấy. Hai nước cùng nhau xây cất một lâu đài ngay biên giới của 2 nước, làm nơi trú quán của chánh cung hoàng hậu Pañcapāpi. Nàng Pañcapāpi trở thành chánh cung hoàng hậu của hai Ðức vua: Ðức vua Baka và Ðức vua Bāvarika. Mỗi Ðức vua ngự đến sống chung với chánh cung hoàng hậu Pañcapāpi 7 ngày, qua 7 ngày đến phiên Ðức vua khác, cứ như vậy thay phiên nhau.

Do quả của nghiệp nào mà trên thân hình của cô Pañcapāpi có 5 bộ phận xấu xí, đáng ghê tởm? Và do quả của nghiệp nào, trên thân thể của cô có xúc trần tuyệt vời, hễ ai xúc chạm đến thân hình của cô đều có cảm giác sướng mê mẫn cả người, phát sanh tâm tham ái trong xúc trần của cô? Do quả của nghiệp nào, cô trở thành chánh cung hoàng hậu của 2 Ðức vua 2 nước?

Tất cả quả của nghiệp chắc chắn đều do từ nghiệp. Có khi do nghiệp hiện tại, có khi do nghiệp quá khứ.

Trường hợp nàng Pañcapāpi là do nghiệp ở quá khứ tiền kiếp của cô.

Trong truyện tiền thân Kuṇālajātaka, có đoạn nói về tiền kiếp của nàng Pañcapāpi tóm lược như sau:

Tiền kiếp của nàng Pañcapāpi là cô gái của một gia đình nghèo, làm nghề nhồi đất sét trát vách nhà.

Một hôm, có Ðức Phật Ðộc Giác nghĩ rằng: tìm đất sét nhuyễn ở đâu đem về trát vách cho kín để ở? Ta nên vào trong kinh thành Bārāṇasī vậy.

Nghĩ xong, Ngài mặc y mang bát ngự vào trong thành, đứng trước nhà cô gái đang nhồi đất sét. Nhìn thấy Ðức Phật Ðộc Giác, cô gái phát sanh tâm sân, thốt lên lời khiếm nhã rằng:

- Mattakaṃpi bhikkhati: đất sét nhuyễn cũng đi xin!

Mặc dầu cô nói như vậy, Ðức Phật Ðộc Giác vẫn đứng tự nhiên, không hề tỏ vẻ bực dọc gì cả. Thấy vậy, cô liền thay đổi thái độ, phát sanh đức tin trong sạch nơi Ðức Phật Ðộc Giác, bèn bạch rằng:

Kính bạch Sa môn, Ngài muốn được đất sét nhuyễn, xin Ngài đợi một lát.

Nói xong, cô nhồi đất sét thật nhuyễn, cung kính đặt một cục đất sét lớn và nhuyeãn vào trong bát của Ngài, Ngài hoan hỉ đem về trát lên vách làm cho kín chỗ ở của Ngài.

Sau khi làm phước thiện bố thí đất sét đến Ðức Phật Ðộc Giác, về sau cô từ trần, do năng lực phước thiện bố thí ấy cho quả tái sanh đầu thai vào gia đình nghèo nàn gần cửa thành Bārāṇasī, đúng mười tháng, chào đời một bé gái trên thân hình có 5 bộ phận xấu xí: tay, chân, miệng, mắt và mũi, do đó, đặt tên cô Pañcapāpi: cô gái có 5 bộ phận xấu xí.

Do phước thiện bố thí đất sét, đó là thiện nghiệp cho quả tái sanh làm người, kiếp cô Pañcapāpi.

Trước khi bố thí, nhìn thấy Ðức Phật Ðộc Giác, cô phát sanh tâm sân, tâm không cung kính, khẩu nói lời bất kính với Ðức Phật Ðộc Giác, đó là ác nghiệp cho quả sau khi đã tái sanh đầu thai là người nữ, trên thân hình có 5 bộ phận xấu xí.

Khi phát sanh thiện tâm trong sạch nơi Ðức Phật Ðộc Giác, cô nhồi đất sét thật nhuyễn, cung kính dâng đến Ðức Phật Ðộc Giác; phước thiện bố thí đất sét thật nhuyễn, đó là thiện nghiệp cho quả đặc biệt xúc trần tuyệt vời trên thân thể của cô; cho nên, bất cứ ai xúc chạm vào thân hình của cô, cũng có cảm giác sướng mê mẫn cả người dường như xúc chạm thân hình của thiên nữ.

Phước thiện bố thí đất sét đến Ðức Phật Ðộc Giác là bậc đầy đủ hoàn toàn giới đức trong sạch, nên được phước thiện vô lượng, cho quả, khiến cô trở thành chánh cung hoàng hậu của 2 Ðức vua 2 nước; cô được một ngôi vị cao quý, và hưởng được mọi sự an lạc, đó là do thiện nghiệp bố thí đất sét của cô.

Nghiệp thế nào thì quả thế ấy, thiện nghiệp cho quả tốt, an lạc; còn ác nghiệp cho quả xấu, khổ não.

Nghiệp đó là thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp (ác nghiệp), chúng ta có quyền chủ động chọn lựa theo ý của mình.

Quả của nghiệp: quả tốt, quả an lạc đó là quả của thiện nghiệp; quả xấu, quả khổ não đó là quả của ác nghiệp. Quả của nghiệp, chúng ta hoàn toàn bị động, không thể chọn lựa theo ý muốn của mình; phải nên biết chấp nhận quả tốt, quả an lạc, hoặc quả xấu, quả khổ não, bởi vì đó là quả của nghiệp mà do chính mình đã tạo.

Vậy, muốn có được quả tốt, quả an lạc, thì nên biết chọn lựa tạo mọi thiện nghiệp; và không muốn quả xấu, quả khổ não, thì nên biết tránh xa, hoặc không tạo ác nghiệp.

Ðó là lẽ công minh của nghiệp và quả của nghiệp. Ngoài ra, không có một ai có quyền năng thưởng hoặc phạt mình được. Nếu có thì chính là nghiệp mà thôi.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04.a | 04.b | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Hộ Pháp đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 06-2003).

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 01-07-2003