BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
HẠNH PHÚC AN LÀNH - 2
HIẾU NGHĨA
Tỳ khưu Hộ Pháp Dhammarakkhita
Phần 2 Tích Con Kên Kên Chúa Thời quá khứ, Ðức Bồ Tát tiền thân của Ðức Phật Gotama, sanh làm con kên kên chúa phụng dưỡng cha mẹ già đui mù ở động kên kên. Hàng ngày, kên kên chúa tìm thịt tha về phụng dưỡng cha mẹ (Bộ Jàtaka Sattakanipàta, chuyện Màtupasakagijjha-jàtaka). Một hôm, người thợ săn tên Nilìya đặt bẫy trong nghĩa địa gần thành Bàrànasì, Ðức Bồ Tát đi tìm thịt trong nghĩa địa chẳng may bị mắc bẫy, Ngài không hề nghĩ đến mình, mà nằm nghĩ đến cha mẹ già đui mù than vãn rằng: "Song thân già đui mù của ta sẽ ra sao? Song thân không biết ta đã bị mắc bẫy, rồi song thân không có nơi nương nhờ, không có vật thực, rồi song thân ta sẽ chết khô trong động mà thôi!". Người thợ săn lắng nghe con kên kên than khóc bèn hỏi rằng: -- Này kên kên, người than khóc gì vậy, ta chưa từng thấy, chưa từng nghe loài chim lại nói được tiếng người như vậy? Kên kên chúa đáp rằng: -- Này người thợ săn, tôi có phận sự lo phụng dưỡng cha mẹ già đui mù ở trong động, bây giờ tôi đã bị mắc bẫy của người rồi, cha mẹ của tôi sẽ ra sao? Người thợ săn hỏi: -- Này kên kên, người đời thường nói rằng: loài kên kên có khả năng nhìn xa cả 100 do tuần (1 do tuần - yojana - khoảng 20 cây số.). Vậy tại sao ngươi đến gần rập lưới, hoặc gần bẫy mà không hay biết? Ðức Bồ Tát giải đáp rằng: -- Này người thợ săn, bởi vì chúng sinh đến luùc mạng chung, đến thời tai hoạ, khi ấy, dầu đến gần rập lưới hoặc bẫy cũng chẳng hay biết. Lắng nghe lời giải đáp của Ðức Bồ Tát, người thợ săn vô cùng hoan hỉ, nghĩ rằng: con kên kên chúa này thật đáng kính phục, khi mắc bẫy không hề nghĩ đến mình, mà chỉ khóc than thương cha mẹ già đui mù không ai phụng dưỡng. Người thợ săn vô cùng cảm động, hai tay nhẹ nhàng cẩn thận tháo gỡ bẫy thả Ðức Bồ Tát ra với tâm bi cứu khổ, bèn nói với Ðức Bồ Tát rằng: -- Này kên kên chúa, tôi xin thả người ra rồi người bay trở về lo phụng dưỡng cha mẹ già đui mù, cầu chúc người được thân tâm an lạc, đoàn tụ với cha mẹ thân quyến. Do phước lo phụng dưỡng cha mẹ già, nên Ðức Bồ Tát kên kên chúa được thoát nạn chết, Ngài vô cùng hoan hỉ và cầu chúc người thợ săn rằng: -- Này người thợ săn, cũng như vậy, cầu chúc ngươi được hạnh phúc an lạc cùng với cha mẹ, thân bằng quyến thuộc của người. Còn tôi, xin từ giả trở về lo phụng dưỡng cha mẹ già đui mù của tôi. Con kên kên chúa tha thịt đem về phụng dưỡng cha mẹ như trước. Tích Chim vẹt Thời quá khứ, miền Ðông Bắc xứ Magadha, có rất nhiều con vẹt sống trong khu rừng lớn gần núi. Thời ấy, Ðức Bồ Tát tiền thân của Ðức Phật Gotama sanh làm chim vẹt chúa1 rất xinh đẹp, thường tha đồ ăn từ rừng núi Himavanta đem về phụng dưỡng cha mẹ (Bộ Jàtaka Pakinnakanipàta, chuyện Sàlikedarajàtaka). Trong làng Sàlindiya, có Bà la môn dòng Kosiya gieo trồng lúa Sàli trên một thửa ruộng lớn cả 100 mẫu, có cho người trông nom canh gác giữ gìn đám lúa ấy. Chim vẹt chúa cùng với bầy chim rất đông bay đáp xuống ruộng ăn lúa Sàli, mà người trông nom canh gác không thể nào ngăn cấm được; bầy chim vẹt ăn no đủ bay về, riêng có một con chim vẹt chúa không những ăn no đủ rồi, mà còn tha lúa Sàli bay về nữa. Người trông nom canh gác ruộng lúa trình với ông chủ, ông Bà la môn bảo rằng: -- Nếu như vậy, ngươi hãy đặt bẫy rập chờ chim vẹt chúa đáp xuống, bắt sống nó đem về đây cho ta. Người trông nom canh gác tuân theo lệnh ông chủ, bắt sống được chim vẹt chúa đem trình đến ông chủ. Vừa nhìn thấy con chim vẹt chúa, ông Bà la môn phát sanh tâm thương yêu quý mến vô cùng. Ông đặt Ðức Bồ Tát đậu trên đầu gối rồi bảo rằng: -- Này chim vẹt, nhà ngươi ăn lúa Sàli của ta no nê rồi, còn tha đem về, nhà ngươi có bồ lúa phải không? Hay nhà ngươi muốn gây oan trái với ta? Nghe câu hỏi, Ðức Bồ Tát chim vẹt chúa ôn tồn đáp bằng bài kệ rằng: -- Thưa ông Ko-si-ya kính mến! Nghe câu giải đáp với ý nghĩa sâu sắc, ông Bà la môn không hiểu, nên hỏi lại Ðức Bồ Tát rằng: -- Ngươi trả món nợ cũ đến cho ai? Ðức Bồ Tát chim vẹt chúa giải thích rằng: -- Thưa ông Ko-si-ya kính mến! Lắng nghe lời giải thích, ông Bà la môn có đức tin trong sạch nơi Ðức Bồ Tát và vô cùng hoan hỉ cho phép rằng: -- Kể từ nay về sau, nhà ngươi cùng bà con thân quyến của ngươi được an toàn sanh mạng, được phép tự do ăn lúa Sàli trên toàn đám ruộng của ta. Ðám ruộng lúa Sàli của ông Bà la môn cả 100 mẫu, Ðức Bồ Tát biết tri túc, chỉ xin phép ăn lúa Sàli trên khoảng 8 mẫu ruộng, phần còn lại thuộc về của ông Bà la môn, sẽ không đụng chạm đến. Ðức Bồ Tát trước khi từ giả, có lời khuyên ông Bà la môn rằng: -- Này ông Bà la môn, xin ông chớ nên dễ duôi, cố gắng tinh tấn tạo nhiều phước thiện. Ðức Bồ Tát chim vẹt chúa tha lúa về nuôi dưỡng cha mẹ, con cái và những con chim già yếu bệnh hoạn. Ông Bà la môn sai người cắm cọc khoanh vùng khoảng 8 mẫu, bảo người trông nom canh gác rằng: -- Ngươi chớ nên ngăn cấm loài chim ăn lúa Sàli và tha đem về trong vùng lúa này. Từ đó về sau, bầy chim được phép ăn lúa Sàli, trong phạm vi khoảng 8 mẫu ấy và được phép tha lúa đem về nuôi dưỡng cha mẹ, con cái và những con chim già yếu. Tích Voi Chúa Thời quá khứ, Ðức Bồ Tát tiền thân của Ðức Phật Gotama sanh làm bạch tươïng chúa, có đàn tùy tùng gồm có 84.000 thớt voi. Voi Bồ Tát nuôi dưỡng mẹ già đui mù trong khu rừng núi Himavanta. Về sau, Bồ Tát bạch tượng chúa từ bỏ đàn voi, dẫn voi mẹ đến chân núi tên Candïorana, để voi mẹ trong động gần hồ sen. Hàng ngày, Bồ Tát bạch tượng đem đồ ăn về phụng dưỡng voi mẹ. Khi ấy, một người thợ săn dân thành Bàrànasì bị lạc đường trong rừng sâu suốt 7 ngày, không biết đường trở về, đi lạc đến chỗ ở của bạch tượng chúa. Bồ Tát bạch tượng chúa chở y ngồi trên lưng của mình với tâm bi, đem y ra khỏi rừng đến địa phận của loài người, thả y xuống, rồi trở về chỗ ở của mình. Người thợ săn vô ơn kia đi thẳng đến kinh thành xin vào yết kiến Ðức Vua rồi tâu rằng: -- Tâu bệ hạ, kẻ tiện dân đi săn trong rừng có thaáy một bạch tượng chúa xứng đáng làm phương tiện của hoàng thượng. Trong triều đình, bạch tượng của Ðức Vua đã qua đời, chưa tìm ra bạch tượng khác, khi nghe người thợ săn tâu, Ðức Vua rất hoan hỉ, truyền lệnh cho người nài voi đi cùng với người thợ săn vào rừng bắt Bồ Tát bạch tượng chúa đem về nhốt trong chuồng voi. Chính Ðức Vua đến ban cho những nắm cỏ ngon lành đến Bồ Tát bạch tượng chúa. Bồ Tát bạch tượng chúa nghĩ rằng: "Không thấy voi mẹ, ta không chịu ăn". Ðức Vua truyền rằng: -- Này bạch tượng chúa, xin dùng cỏ ngon này. Ðức Bồ Tát không đón nhận bèn tâu rằng: -- Tâu Ðại Vương, tiện thú này có bổn phận nuôi dưỡng voi mẹ già đui mù, voi mẹ của tiện thú nếu không có tiện thú nuôi dưỡng, thì không thể sống được. Tiện thú không có voi mẹ, thì không cần một thứ gì trên đời này cả. Hôm nay đã là ngày thứ 7 voi mẹ của tiện thú không có một món ăn nào, voi mẹ của tiện thú sẽ ra sao? Lắng nghe bạch tượng chúa tâu, Ðức Vua vô cùng cảm kích trước tấm lòng hiếu thảo của bạch tượng chúa, truyền lệnh rằng: -- Này các ngươi, hãy thả bạch tượng chúa này trở về rừng ngay bây giờ. Ðức Vua truyền rằng: -- Xin bạch tượng chúa trở về an toàn được sum họp đoàn tụ với voi mẹ già thân yêu và cùng tất cả thân quyến. Bồ Tát bạch tượng chúa được giải thoát khỏi xiềng xích đôi chân, rồi thuyết pháp tế độ Ðức Vua, dạy Ðức Vua thực hành 10 pháp vương của Ðức Vua, trị vì đất nước bằng thiện pháp để đem lại sự an lành thịnh vượng trong nước cùng thần dân thiên hạ.... Bạch tượng khuyên Ðức Vua rằng: -- Chớ nên dễ duôi, nên cố gắng tinh tấn trong mọi thiện pháp. Bồ Tát bạch tượng chúa được mọi người cúng dường, đi ra khỏi kinh thành Bàrànasì về gặp lại voi mẹ ngay trong ngày hôm ấy. Ðức Vua có đức tin trong sạch nơi ân đức của bạch tượng chúa, truyền lệnh làm nhà gần hồ sen để cho bạch tượng chúa và voi mẹ ở, và hàng ngày cho người cung cấp đồ ăn cúng dường đến Bồ Tát bạch tươïng và voi mẹ. Về sau, khi voi mẹ của Ðức Bồ Tát qua đời, Ðức Vua truyền lệnh làm lễ hoả táng thi thể xong mới hồi cung. Ðức Vua truyền lệnh cho xây cất chỗ ở cho 500 vị đạo sĩ ở triền núi rừng ấy, hàng ngày Ðức Vua hộ độ 4 thứ vật dụng đến chư vị đạo sĩ. Khi Bồ Tát bạch tượng chúa qua đời, Ðức Vua làm lễ hoả táng xong, cho tạo một tượng bằng đá giống như Bồ Tát bạch tượng chúa làm kỷ niệm, để tỏ lòng biết ơn Ðức Bồ Tát; và để dân chúng toàn cõi Nam thiện bộ châu đến thăm viếng nhớ ơn Ðức Bồ Tát. Những người con có hiếu nghĩa, biết công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, và biết đền ơn, biết lo phụng dưỡng cha mẹ dầu là loài người hoặc loài thú, do phước thiện ấy, trong kiếp hiện tại, những người con ấy được an lành hạnh phúc; tránh khỏi mọi tai hoạ một cách phi thường, chư bậc Thiện trí đều tán dương ca tụng. Sau khi chết, kiếp vị lai, do phước thiện phụng dưỡng cha mẹ ấy, cho quả được tái sanh cõi thiện giới, đó là tái sanh làm người cao quý trong cõi người, hoặc tái sanh làm chư thiên cao quý ở cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc trên cõi trời ấy. Ngược lại, người con nào bất hiếu, không biết ơn và không đền đáp công ơn sinh thành của cha mẹ, không biết lo phụng dưỡng cha mẹ già yếu, bệnh hoạn ốm đau, trong kiếp hiện tại người con ấy thường gặp điều bất hạnh, đau khổ, thường bị tai hoạ, chư bậc Thiện trí chê trách. Sau khi chết, kiếp vị lai, do ác nghiệp ấy cho quả tái sanh bị sa vào 1 trong 4 cõi ác giới..., đó là cõi địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh chịu khổ do ác nghiệp của mình đã tạo. Cho nên, người con phải nên làm tròn bổn phận phụng dưỡng cha mẹ, người con ấy không những được sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc trong kiếp hiện tại, mà còn được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài trong kiếp vị lai.
Ba Hạng Con Trong kinh Puttasutta (Itivuttaka, kinh Puttasutta), Ðức Phật dạy: -- "Này chư Tỳ khưu, có 3 hạng con trong đời này: 1- Atijàtaputta: con hơn cha mẹ. Thế nào gọi là atijàtaputta: con hơn cha mẹ? --"Này chư Tỳ khưu, cha mẹ ở trong đời này là người không có quy y, nương nhờ nơi Ðức Phật, nơi Ðức Pháp, nơi Ðức Tăng; không tránh xa sự sát sanh, sự trộm cắp, sự tà daâm, sự nói dối, sự uống rượu và các chất say là nhân sanh dễ duôi. Cha mẹ là người không có đức tin nơi Tam bảo, không có tam quy, không có ngũ giới, thường tạo mọi ác pháp. Còn người con của cha mẹ ấy là người đã có quy y, nương nhờ nơi Ðức Phật, nơi Ðức Pháp, nơi Ðức Tăng; thường tránh xa sự sát sanh, sự trộm cắp, sự tà dâm, sự nói dối, sự uống rượu và các chất say là nhân sanh deã duôi. Người con là người có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, có tam quy, có ngũ giới trong sạch, thường tạo mọi thiện pháp. Này chư Tỳ khưu, như vậy gọi là atijàta-putta: con hơn cha mẹ." Thế nào gọi là anujàtaputta: con như cha mẹ? --"Này chư Tỳ khưu, cha mẹ ở trong đời này là người đã có quy y, nương nhờ nơi Ðức Phật, nơi Ðức Pháp, nơi Ðức Tăng; tránh xa sự sát sanh, sự trộm cắp, sự tà dâm, sự nói dối, sự uống rượu và các chất say là nhân sanh dễ duôi. Cha mẹ là người có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, có tam quy, có ngũ giới trong sạch, thường tạo mọi thiện pháp. Còn người con của cha mẹ ấy cũng là người đã có quy y, nương nhờ nơi Ðức Phật, nơi Ðức Pháp, nơi Ðức Tăng; thường tránh xa sự sát sanh, sự trộm cắp, sự tà dâm, sự nói dối, sự uống rượu và các chất say là nhân sanh dễ duôi. Người con là người có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, có tam quy, có ngũ giới trong sạch, thường tạo mọi thiện pháp. Này chư Tỳ khưu, như vậy gọi là anujàta-putta: con như cha mẹ." Thế nào gọi là avajàtaputta: con kém cha mẹ? --"Này chư Tỳ khưu, cha mẹ ở trong đời này là người đã có quy y, nương nhờ nơi Ðức Phật, nơi Ðức Pháp, nơi Ðức Tăng; tránh xa sự sát sanh, sự trộm cắp, sự tà dâm, sự nói dối, sự uống rượu và các chất say là nhân sanh dễ duôi. Cha mẹ là người có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, có tam quy, có ngũ giới trong sạch, thường tạo mọi thiện pháp. Còn người con của cha mẹ ấy là người không có quy y, nương nhờ nơi Ðức Phật, nơi Ðức Pháp, nơi Ðức Tăng; không tránh xa sự sát sanh, sự trộm cắp, sự tà dâm, sự nói dối, sự uống rượu và các chất say là nhân sanh dễ duôi. Người con là người không có đức tin nơi Tam bảo, không có tam quy, không có ngũ giới trong sạch, thường tạo mọi ác pháp. Này chư Tỳ khưu, như vậy gọi là avajàta-putta: con kém cha mẹ." Bài kinh trên đề cập đến 3 hạng người con so với cha mẹ, đó là sự so sánh căn cứ theo thiện pháp, ác pháp. Tục ngữ có câu: "Con hơn cha là nhà có phúc". Theo quan niệm Phật giáo: "con hơn cha mẹ..." như: -- Cha mẹ là người không có giới, không có định, không có tuệ, thường tạo mọi tội lỗi, mọi ác pháp; còn con là người có giới đức trong sạch, thường tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ, thường tạo mọi phước thiện, mọi thiện pháp. Như vậy mới gọi "Con hơn cha mẹ là nhà có phúc". -- Cha mẹ là người có giới đức trong sạch, tiến hành thiền định chứng đắc thiền bậc thập, tiến hành thiền tuệ chứng đắc Thánh Ðạo - Thánh Quả bậc thấp; còn con là người cũng có giới đức trong sạch, thường tiến hành thiền định chứng đắc thiền bậc cao, tiến hành thiền tuệ chứng đắc Thánh Ðạo - Thánh Quả bậc cao. Như vậy mới gọi "Con hơn cha mẹ là nhà có phúc". Phật giáo quan niệm giá trị con người không căn cứ vào sự giàu hoặc nghèo, trình độ học vấn, công danh cao, sự nghiệp lớn, có chức có quyền v.v..., mà chỉ căn cứ vào thiện pháp, ác pháp mà thôi. Cho nên, dầu cha mẹ là người dân thường, ít học; song là người có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, đã quy y nương nhờ nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, có giới đức, hoan hỉ trong mọi thiện pháp như bố thí, giữ gìn giới trong sạch, thường tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ v.v.... Còn con là người có học vị tiến sĩ, có quyền cao chức trọng; song là người không có đưùc tin nơi Tam bảo, không có giới, thường tạo mọi tội lỗi, lại còn làm những việc xấu xa, vi phạm luật pháp, phải bị lãnh án tù v.v... làm cha mẹ mang tiếng xấu, gia đình dòng họ phải hổ thẹn với mọi người. Như vậy không thể gọi "Con hơn cha là nhà có phúc". Trong vòng tử sanh luân hồi của mỗi chúng sinh tưø vô thuỷ cho đến kiếp hiện tại, mỗi chúng sinh tích luỹ thiện nghiệp hoặc ác nghiệp khác nhau, cho nên quả của nghiệp cũng khác nhau. Cha mẹ (loài người) là nơi nương nhờ để thiện nghiệp cho quả tái sanh trở thành người con của cha mẹ. Do đó, có những người con xét về đức hạnh, về thiện pháp hơn cha mẹ, hoặc như cha mẹ hoặc kém cha mẹ. Ví dụ: Ðức Bồ Tát thái tử Siddhattha khi sanh ra có 32 tướng tốt của bậc Thiện trí và 80 vẽ đẹp, mà trong dòng họ Sakya không có một ai sánh được, đó là do quả của thiện nghiệp mà Ðức Bồ Tát đã tạo nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ (không phải do mẫu hậu và phụ vương của Ngài).
Công Ơn Cha mẹ Không Dễ Ðền Ðáp Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ đối với các con lớn lao vô lượng vô biên. Cho nên, bổn phận làm con không thể nào đền đáp một cách xứng đáng công ơn ấy bằng thân, khẩu, ý của mình và phụng dưỡng với tất cả những gì có trong thế gian này. Trong Tăng Chi bộ kinh (Anguttaranikàya, phần Dukanipàta), Ðức Phật dạy rằng: -- "Này chư Tỳ khưu, Như Lai dạy rằng: sự đền đáp công ơn của hai Người trong đời này không phải dễ. Hai người ấy là thân mẫu và thân phụ. Này chư Tỳ khưu, người con nâng mẹ lên đặt bên vai phải, nâng cha lên đặt bên vai trái; phụng dưỡng cha mẹ bằng vật thực ăn uống ngon lành, vật thoa, vật thơm, xoa bóp thân mình cho bớt mỏi mệt, kéo tay chân cho giãn gân cốt... taém rửa (nước ấm khi trời lạnh, nước mát khi trời nóng)..., và để cha mẹ tiểu tiện, đại tiện trên đôi vai của người con; dầu người con có tuổi thọ 100 năm, việc phụng dưỡng cha mẹ của người con như vậy, cũng không đền đáp được công ơn của cha mẹ; thì không thể gọi là người con biết ơn và đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Này chư Tỳ khưu, một cách khác, người con suy tôn cha lên ngôi Ðức Chuyển luân thánh vương, suy tôn mẹ lên ngôi chánh cung hoàng hậu, có đầy đủ bảy thứ báu vật trong đời này; dầu việc làm của người con như vậy, cũng không thể gọi là người con biết ơn và đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Ðiều ấy tại sao? Bởi vì, nhờ có cha mẹ người con mới nhìn thấy đời này, nhờ cha mẹ nuôi dưỡng người con mới lớn khôn trưởng thành; do đó, công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ lớn lao, vô lượng, vô biên, không sao kể xiết." Vậy, có cách nào để người con đền đáp được công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ một cách xứng đáng hay không? Ðức Phật dạy: "Người con nào, - Thấy cha mẹ không có đức tin, giúp cho cha mẹ có đức tin trọn đủ (saddhàsampadà). -- Thấy cha mẹ không có giới, giúp cho cha mẹ có giới trọn đủ (sìlasampadà). - Thấy cha mẹ có tánh keo kiệt bỏn xẻn, không muốn bố thí, giúp cho cha mẹ hoan hỉ trong việc bố thí trọn đủ (càgasampadà). - Thấy cha mẹ không có trí tuệ, giúp cho cha mẹ có trí tuệ trọn đủ (pannàsampadà). Này chư Tỳ khưu, người con nào làm được như vậy, mới được gọi là người con biết ơn và đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ một cách xứng đáng."
Giải thích 4 pháp Sampadà 1- Saddhà-sampadà: đức tin trọn đủ.
1- Có đức tin trọn đủ như thế nào? Người Phật tử có đức tin trong sạch nơi 9 Ân Ðức Phật, 6 Ân Ðức Pháp, 9 Ân Ðức Tăng; tin nghiệp và quả của nghiệp trọn đủ. Có đức tin trong sạch trọn đủ, nơi 9 Ân Ðức Phật rằng: Ðức Thế Tôn, - là bậc Arahán xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường của chư thiên, phạm thiên, nhân loại. - là bậc tự mình chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế chứng đắc 4 Thánh Ðạo - 4 Thánh Quả đầu tiên trên toàn thế giới chúng sinh, trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác. - là bậc có trọn đủ Tam minh, Bát minh và 15 Ðức hạnh cao thượng. - là bậc Thánh Thiện giáo huấn sự thật chân lý đem lại sự lợi ích thật sự cho chúng sinh. - là bậc Thông Suốt chúng sinh thế giới, cõi thế giới, pháp hành thế giới. - là bậc Vô Thượng Giáo Hoá chúng sinh. - là bậc Thiên Nhơn Sư. - là Ðức Phật tự mình chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, rồi giáo huấn chúng sinh có duyên lành cũng chứng ngộ như Ngài. - là bậc Cao Thượng nhất trong toàn thế giới chúng sinh, do Ngài tự mình chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác. Và có đức tin trong sạch trọn đủ 6 Ân Ðức Pháp của Ðức Phật, 9 Ân Ðức Tăng, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Ðức Phật; và có đức tin trong sạch nơi nghiệp và quả của nghiệp. Tin rằng: "Nghiệp là của riêng mình.... Nghiệp thiện cho quả an lạc; nghiệp ác cho quả khổ". 2- Có giới trong sạch và trọn đủ như thế nào? Người Phật tử là bậc Xuất gia hoặc hàng tại gia cư sĩ, là người có giới hạnh trong sạch và trọn đủ theo phẩm hạnh của mình. - Người cận sự Nam - Nữ có ngũ giới; bát giới... trong sạch và trọn đủ. - Bậc Sa di có 10 Sa di giới, 10 pháp hoại, 10 pháp hành phạt, 75 điều học, 14 pháp hành.... - Bậc Tỳ khưu có 227 giới, 14 pháp hành, giới kể đầy đủ có 91.805.036.000 điều giới. 3- Sự bố thí trọn đủ như thế nào? Người Phật tử có tâm từ, tâm bi tế độ, hoan hỉ trong sự bố thí tùy theo khả năng của mình, có tác ý thiện tâm trong sạch hoan hỉ trước khi bố thí; hoan hỉ đang khi bố thí; hoan hỉ sau khi đã bố thí xong. Người Phật tử không nên có tâm bỏn xẻn keo kiệt trong của cải và sự hiểu biết của mình, có ít thì bố thí ít, có nhiều thì bố thí nhiều tùy theo khả năng, tùy theo người thọ thí. Người thí chủ nên có sự suy tư đúng đắn rằng: được làm phước thiện bố thí là một cơ hội tốt cho mình. Vì của cải, tiền bạc không phải là phước thiện (là quả của phước thiện) thuộc về của chung cho mọi người, nếu ta không biết sử dụng đem làm phước bố thí, thì của cải ấy qua thời gian cũng bị hư mất, không tồn tại lâu dài được; nếu ta biết sử dụng của cải ấy đem bố thí, thì của cải ấy là nhân sanh phước thiện, chắc chắn thuộc của riêng mình, sẽ cho quả báu an lạc nhiều kiếp, có tính bền vững lâu dài. Hơn nữa, cơ hội làm phước thiện bố thí chỉ có con người ở cõi Nam thiện bộ châu (trái đất chúng ta đang sống) này mà thôi; các chúng sinh ở cõi khác khó hoặc không có cơ hội thuận lợi làm phước thiện bố thí. Vì vậy, chúng ta chớ nên bỏ lỡ cơ hội bố thí ấy. 4- Có trí tuệ trọn đủ như thế nào? Người Phật tử nên có trí tuệ hợp trong mọi thiện pháp. Khi bố thí, thí chủ nên có đại thiện tâm hợp với trí tuệ đang khi bố thí. Cũng như vậy, hành giả nên có đại thiện tâm hợp với trí tuệ khi giữ giới, khi tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ. Thật ra, trí tuệ để cho trọn đủ là trí tuệ thiền tuệ trong tam giới thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp; thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế. Trí tuệ gọi là trọn đủ chính là trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới, đó là 4 Thánh Ðạo tuệ, đồng sanh trong 4 Thánh Ðạo tâm và 4 Thánh Quả tuệ đồng sanh trong 4 Thánh Quả tâm, có Niết Bàn làm đối tượng. Hành giả trở thành bậc Thánh nhân. Ðó là 4 pháp thực hành sẽ đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài cho cả kiếp hiện tại, lẫn nhiều kiếp vị lai. Tại sao người con giúp cho cha mẹ có được 4 pháp: đức tin trọn đủ, giới trọn đủ, bố thí trọn đủ, trí tuệ trọn đủ gọi là người con đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ một cách xứng đáng? Bởi vì, người con phụng dưỡng cha mẹ tất cả các thứ vật dụng trong đời, chỉ giúp cho thân thể của cha mẹ được an lạc trong kiếp hiện tại mà thôi; còn 4 pháp trọn đủ kia không những giúp cha mẹ, chắc chắn thân tâm được an lạc trong kiếp hiện tại, mà còn hưởng mọi sự an lạc trong nhiều kiếp vị lai; và còn hơn thế nữa, giúp cho cha mẹ tạo mọi thiện pháp, bồi bổ pháp hạnh Ba-la-mật để mong chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh nhân, chắc chắn sẽ đạt đến sự giải thoát hoàn toàn mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài. Do đó, người con giúp cho cha mẹ trọn đủ 4 pháp ấy gọi là người con biết ơn và đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ một cách xứng đáng. Cho nên, diễm phúc cho những người con nào còn có cha có mẹ, những người con ấy có cơ hội tốt giúp cho cha mẹ có được trọn đủ 4 pháp ấy. Nếu trường hợp người con không có khả năng giúp cho cha mẹ có được trọn đủ 4 pháp ấy, người con nên hướng dẫn, dẫn dắt cha mẹ đến gặp vị Ðại Ðức bậc Trưởng lão thuyết pháp giảng dạy cho cha mẹ hiểu rõ 4 pháp ấy đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai nữa; để cho cha mẹ phát sanh đức tin trong sạch, mới cố gắng thực hành theo 4 pháp ấy cho được trọn đủ. Nếu người con nào không còn cha, hoặc không còn mẹ, hoặc không còn cả cha lẫn mẹ; đối với người con ấy chỉ còn cách làm trọn những điều hy vọng của cha mẹ. Trong kinh Puttasutta (Bộ Anguttaranikàya, phần Pancakanipàta, kinh Puttasutta), Ðức Phật dạy: Cha mẹ cầu mong có con trong gia đình với hy vọng nơi con rằng: 1- Người con mà chúng ta nuôi dưỡng, về sau, khi chúng ta già yếu, người con sẽ phụng dưỡng lại chúng ta. 2- Người con sẽ giúp lo công việc của chúng ta. 3- Người con sẽ nối dòng dõi của tổ tiên. 4- Người con sẽ thừa hưởng của cải sự nghiệp của chúng ta. 5- Khi chúng ta qua đời, các con làm phước thiện hồi hướng đến chúng ta. Ðó là năm điều hy vọng của cha mẹ, mà người con có bổn phận làm tròn những điều hy vọng của cha mẹ, cho được thành tựu như ý, làm toại nguyện của cha mẹ, dầu cha mẹ còn sống hay khi đã qua đời. Tóm lại, mỗi người chúng ta hiện hữu trên cõi đời này là do nhờ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Mỗi người phân tích có hai phần: thân và tâm nương nhờ lẫn nhau, không thể tách rời nhau được, nếu khi tâm tách rời khỏi thân, thì thân trở thành tử thi. 1- Phần thân: thuộc về sắc pháp đó là sắc tứ đại: chất đất, chất nước, chất lửa, chất gió là phần sắc pháp chính; còn phần sắc pháp phụ thuộc có 24 sắc pháp khác đồng hiện hữu trong thân này. Phần sắc tứ đại này là của cha mẹ cho con, song người con có thân hình xinh đẹp, xấu xí, đầy tật nguyền v.v... như thế nào, đó là do quả của thiện nghiệp, ác nghiệp của người con, không liên quan đến cha mẹ. 2- Phần tâm: thuộc về danh pháp là của riêng người con. Do đó, có người con thuộc hạng người có đủ tam nhân (vô tham, vô sân, vô si); có người con thuộc hạng người có nhị nhân (vô tham và vô sân); cũng có người con thuộc hạng người vô nhân (không có một nhân nào trong ba nhân). Người con có trí tuệ hiểu biết, hay không có trí tuệ hiểu biết; có thân hình xinh đẹp hay xấu xí; giàu có hay nghèo khổ, bệnh nhiều hay ít bệnh v.v... đó là do quả của nghiệp, do người con đã tạo từ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ và kiếp hiện tại, không liên quan đến cha mẹ. Thật ra, người cha mẹ nào cũng muốn cho con mình xinh đẹp tốt lành, có trí tuệ sáng suốt v.v.... Nhưng do quả nghiệp của người con tái sanh trong lòng mẹ, khi sanh ra đời là đứa con đui mù, câm điếc, tật nguyền... nào đó, thì cha mẹ vẫn có một tấm lòng thương yêu con, nuôi dưỡng con cho đến khi trưởng thành, với tâm từ, tâm bi vô lượng của cha mẹ. Cho nên, người con phải biết ơn cha mẹ và biết đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục cho cha mẹ, không những các thứ vật dụng cần thiết hàng ngày như: vật thực, y phục, chỗ ở, thuốc trị bệnh và các phương tiện khác, để giúp cho cuộc sống của cha mẹ được thân tâm an lạc trong kiếp hiện tại; mà còn phải biết giúp cho cha mẹ có đức tin trọn đủ, có giới trọn đủ, có sự bố thí trọn đủ, có trí tuệ trọn đủ; để cho cha mẹ thật sự thân tâm thường an lạc cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai. Người con nào làm được như vậy, người con ấy được gọi là phụng dưỡng, đền đáp một cách xứng đáng với công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Ðức Phật dạy cha mẹ cũng có 5 bổn phận đối với các con như sau: - Cha mẹ phải biết ngăn cấm các con làm mọi việc tội ác. - Cha mẹ khuyên dạy các con tạo mọi điều phước thiện. - Cha mẹ lo nuôi dưỡng các con nên người, cho con học hành có trình độ văn hoá, có nghề nghiệp lương thiện và thành thạo. - Cha mẹ lo làm lễ thành hôn (cưới vợ, gả chồng) cho các con, khi chúng đến tuổi trưởng thành. - Cha mẹ cho của cải tài sản đến các con, xét thấy đúng lúc hợp thời. Cha mẹ nên làm tròn bổn phận đối với các con. * * * Bần sư biên soạn tập sách nhỏ này làm món quà pháp thí kính dâng đến cha mẹ và những bậc ân nhân từ kiếp hiện tại cho đến vô lượng kiếp trong quá khứ, xin cha mẹ và các bậc ân nhân hoan hỉ phần pháp thí này để thoát khỏi mọi cảnh khổ, được an lạc lâu dài; đồng thời cũng là món quà pháp thân tặng những người con hiếu nghĩa, biết ơn và biết cách đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ một cách xứng đáng. "Màtàpitu upatthànam Này người con hiếu nghĩa! Núi Rừng Viên Không -ooOoo- Xin xem thêm: Hạnh Phúc An Lành, tập 1 |
Chân thành cám ơn Tỳ kheo Hộ Pháp đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 10-2002).
[Trở
về trang Thư Mục]
updated:
01-10-2002