BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Tám Sự Tích Phật Lực
Tỳ khưu Hộ Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu)


PHẦN PHỤ LỤC

QUẢ CỦA NGHIỆP (KAMMAPHALA)

-ooOoo-

Nghiệp có hai loại: thiện nghiệp và bất thiện nghiệp.

Thiện nghiệp thì cho quả tốt: thân an lạc, tâm an lạc, bất thiện nghiệp thì cho quả xấu: khổ thân, khổ tâm.

Ðối với Ðức Bồ Tát Siddhattha đã tạo đầy đủ thiện nghiệp: ba mươi pháp hạnh ba la mật, nên cho quả tốt là chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác. Và những tiền kiếp của Ðức Phật khi còn là phàm nhân cũng đã tạo nhiều bất thiện nghiệp nên cũng cho quả xấu, chịu khổ trong cõi địa ngục, súc sanh... cho đến khi đã chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác cũng không tránh khỏi quả của bất thiện nghiệp đã tạo ở tiền kiếp.

Trong bộ Chú giải Apàdàna, Ðức Phật đã thuyết dạy những quả của bất thiện nghiệp mà Ngài phải thọ lãnh kiếp hiện tại này:

- Ðức Bồ Tát phải hành khổ hạnh suốt 6 năm.

- Ðức Phật bị nàng kỹ nữ Cincàmanavikà vu khống.

- Cái chết của nàng kỹ nữ Sundarì đổ tội cho Ngài.

- Cái chết của nàng kỹ nữ Sundarì làm cho Ðức Phật cùng chư Tỳ khưu Tăng chịu tiếng xấu bị mắng chửi.

- Tỳ khưu Devadatta xô đá xuống có ý để hại Ngài, nhưng không hại được, chỉ bị một mảnh đá vở ra đụng phải đầu ngón chân của Ngài bị bầm máu.

- Thái y Jivaka dùng dao mổ chỗ máu bầm của Ngài.

- Voi Nàlàgiri chạy đến để sát hại Ngài.

- Ngài thường bị bệnh đau đầu.

- Ngài thường bị bệnh đau lưng.

- Ngài bị bệnh đại tiểu tiện ra máu....

Ðó là những quả bất thiện nghiệp mà tiền kiếp của Ngài đã tạo, đến kiếp hiện tại này, bất thiện nghiệp ấy còn dư sót, nên Ngài phải chịu quả xấu.

Trong tập "Tám Sự Tích Phật Lực" này, chỉ trích dịch những bất thiện nghiệp nào có liên quan cho quả xấu mà Ðức Phật đã thọ lãnh.

Nguyên nhân đầu tiên Tỳ khưu Devadatta kết oan trái với Ðức Phật.

Tỳ khưu Devadatta kết oan trái với Ðức Phật không chỉ ở trong kiếp hiện tại, mà đã từng có oan trái nhiều kiếp trong quá khứ, ở bất cứ địa vị nào, dầu là cha với con... sự oan trái lúc nào cũng phát sanh từ phía Devadatta để làm khổ Ðức Bồ Tát. Sự oan trái ấy bắt nguồn đầu tiên từ câu chuyện tiền thân "Hai người buôn bán nữ trang" (Bộ Chú giải Jàtaka, câu chuyện Serivavànija-jàtaka) , tóm lược như sau:

Thuở quá khứ, Ðức Bồ Tát, tiền kiếp của Ðức Phật, là nhà lái buôn lương thiện, và tiền thân của Devadatta cũng là nhà lái buôn nhưng có tánh tham lam và gian ác. Có một gia đình trước kia là phú hộ, nhưng sau tất cả tài sản khánh kiệt, chỉ còn cái mâm bằng vàng ròng đóng đầy bụi. Thừa kế gia đình ấy chỉ còn một bà ngoại già và đứa cháu gái, họ không hề biết gì về giá trị của chiếc mâm vàng ấy.

Một hôm, có người buôn nữ trang từ xa đến, đi ngang nhà, cô cháu gái thấy liền năn nỉ xin bà ngoại mua cho mình một món nữ trang.

Bà ngoại già âu yếm bảo cháu: "Này cháu yêu quý, ngoại không tiếc gì cho cháu cưng đâu. Hiềm một nỗi gia đình mình hiện nay nghèo quá, cơm áo không đủ dùng, thì lấy đâu có tiền bạc mà mua nữ trang cho cháu. Chỉ còn cái mâm cũ kỹ kia để ngoại hỏi người lái buôn xem thử có đổi được món nữ trang nhỏ nào cho cháu không".

Bà liền gọi người lái buôn vào, đưa cái mâm cũ kỹ cho y xem. Sau khi săm soi kỹ, với con mắt nhà nghề, người lái buôn biết rõ là cái mâm bằng vàng ròng quý giá, mà hai bà cháu không hề biết được giá trị của nó. Tánh vốn tham lam và gian ác, y tự nghĩ "ta phải chiếm đoạt cái mâm vàng này, mà chỉ cần đổi một món nữ trang nho nhỏ không đáng giá". Nghĩ xong, y giả vờ bực dọc ném cái mâm xuống đất rồi nói:

- Cái mâm cũ kỹ này chẳng có giá trị gì cả, lấy đâu để đổi lấy một món nữ trang? Nó chưa đáng giá 12 xu rưỡi!

Nói xong, người lái buôn tham lam và gian ác kia liền bỏ đi nơi khác.

Ngày hôm sau, người lái buôn lương thiện (Ðức Bồ Tát) đi ngang nhà, cô cháu gái khóc lóc năn nỉ đòi mua. Vì rất thương yêu và muốn vừa lòng cháu, bà gọi người lái buôn vào nhà, lại đem cái mâm cũ kỹ kia đưa cho người lái buôn này xem. Lần này, thì bà kể lể về hoàn cảnh khốn khổ của mình cho người lái buôn nghe, với hy vọng đổi được món nữ trang nhỏ nào đó cho cháu.

Nhà lái buôn lương thiện cầm cái mâm, lau chùi lớp bụi, phát hiện ra cái mâm này không chỉ là một cái mâm bằng vàng ròng tinh chất quý giá, mà còn chạm trổ những phù điêu, hoa văn tinh tế, công phu, thật là một nghệ thuật tuyệt vời.

Ðức Bồ Tát hai tay nâng niu cái mâm và từ tốn thưa rằng:

- Thưa mẹ, cái mâm này không những bằng vàng ròng tinh chất, mà còn là một cổ vật quý giá, ít nhất khoảng trên 100 ngàn Kahàpana (đồng tiền vàng Ấn Ðộ thời xưa). Tất cả giá trị nữ trang và tiền bạc của con mang theo bên người chưa bằng được một phần trăm, thì con đâu dám đụng đến cổ vật vô giá ấy.

Bà ngoại già vô cùng cảm kích trước tấm lòng chân thật của người lái buôn lương thiện, chân thành nói:

- Này con, chính tấm lòng chân thật của con quý hơn cả cổ vật này. Hôm trước có người lái buôn nữ trang như con đã chê cái mâm này. Y nói cái mâm này chưa đáng giá 12 xu rưỡi. Khi đi, y còn ném cái mâm xuống đất và thốt lên lời hằn học nữa. Nếu quả thật, nó bằng vàng quý giá như con nói, thì đó chính là quả phước của con. Vậy, con hãy lấy đi rồi cho cháu một món nữ trang nào cũng được, con đừng ái ngại.

Sau nhiều lần từ chối không được, Ðức Bồ Tát đành trao lại tất cả số nữ trang và trọn số tiền của mình, tổng cộng giá trị khoảng một ngàn (1000) đồng tiền vàng cho hai bà cháu, chỉ xin lại tám đồng để chi phí dọc đường.

Ðức Bồ Tát vừa đem cái mâm vàng đi thì người lái buôn tham lam gian ác trở lại tìm bà cụ, y bảo:

- Này bà già, hãy đem cái mâm cũ kỹ kia ra đây, tôi sẽ làm bố thí cho cháu bà một món nữ trang nho nhỏ!

Bà cụ nhìn thấy y, con người gian giảo đáng khinh bỉ, bà bảo:

- Này anh kia, cái mâm vàng của tôi đáng giá 100 ngàn đồng, sao trước đây ông chê chưa đáng giá 12 xu rưỡi? Tôi đã bán cho một người lái buôn nữ trang lương thiện, ông ấy đã trao cho tôi trọn số tiền 500 đồng của mình và tất cả số nữ trang còn lại. Tôi đã trao cái mâm vàng cho người ấy mang đi rồi.

Nghe nói vậy, người lái buôn tham lam và gian ác cảm thấy vô cùng tiếc rẻ gào lên:

- Ôi! Ta đã thất bại quá lớn rồi! Tên lái buôn kia đã cướp cái mâm bằng vàng đáng giá 100 ngàn đồng của ta rồi!

Gào thét đến khô hơi tắt tiếng, tâm uất hận đến cực độ, tên lái buôn nằm lăn xuống đất ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, như người điên, y xả bỏ quần áo, đồ nữ trang vung vãi, với đầu bù tóc rối, y chạy đuổi theo Ðức Bồ Tát. Lúc ấy, Ngài đã qua quá nửa dòng sông, vẫn nghe văng vẳng tiếng gào thét của y: "Hãy trở lại! Hãy trở lại!". Ngài bảo người lái đò chèo thẳng qua bên kia sông.

Bên bờ sông này, quá thất vọng và tiếc của, quá uất hận, cơn nóng giận cực độ làm cho người lái buôn máu trào ra miệng, lăn ra chết ngay tại chỗ. Trước khi tắt thở, với tâm sân hận y thốt ra lời nguyền độc địa kết oan trái với Ðức Bồ Tát: "Ta sẽ kết oan trái với ngươi dù bất cứ ở địa vị nào".

Bởi vậy, trong suốt khoảng thời gian tử sanh luân hồi, hễ mỗi khi hai người gặp lại nhau, ở hoàn cảnh nào, địa vị nào hậu kiếp của người lái buôn tham lam gian ác kia cũng tìm cách giết hại hoặc làm khổ Ðức Bồ Tát; dầu ở địa vị làm cha, Ðức Bồ Tát làm con, thì người cha ấy cũng tìm đủ lý do để giết hại Ðức Bồ Tát. Thậm chí cho đến kiếp cuối cùng, hậu kiếp của người lái buôn nữ trang lương thiện là Thái tử Siddhattha, đã chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác và hậu kiếp của người lái buôn tánh tham lam gian ác kia là Hoàng tử Devadatta dòng Sakya (thân quyến của Thái tử Siddhattha) xuất gia trở thành Tỳ khưu Devadatta, đệ tử của Ðức Phật, y tìm đủ mọi mưu mô thâm độc để giết hại Ðức Phật. Nhưng do oai lực của Ðức Phật, do đó không có một ai trên thế gian có khả năng giết hại được, chỉ có thể làm cho kim thân của Ðức Phật bầm máu mà thôi.

Nguyên nhân từ bất thiện nghiệp quá khứ nào khiến Tỳ khưu Devadatta lăn đá làm bầm bàn chân của Ðức Phật?

Cũng theo bộ Chú giải Apàdàna, phần Buddha-pàdàna.

Trong tiền kiếp của Ðức Phật có một người em trai cùng cha khác mẹ, khi cha mẹ qua đời, để lại cho hai anh em kế thừa một gia sản lớn. Vì si mê nghe theo lời xúi dục của bọn gia nhân ác tâm, Ðức Bồ Tát đã giết hại đứa em của mình bằng cách xô xuống núi lăn đá đè chết để chiếm đoạt toàn bộ tài sản.

Ðức Bồ Tát sau khi chết, do ác nghiệp ấy cho quả tái sanh vào cảnh địa ngục chịu khổ suốt nhiều ngàn năm, đến khi mãn nghiệp ở địa ngục, mỗi khi được tái sanh làm người, phải chịu quả yểu thọ.

Ðến kiếp hiện tại này, tuy Ngài đã chứng đắc thành Bậc Chánh Ðẳng Giác rồi, do năng lực của bất thiện nghiệp ấy còn dư sót, khiến Tỳ khưu Devadatta cố ý lăn đá đè chết Ngài, nhưng nhờ Ngài đã trở thành Ðức Phật, nên không một ai có thể sát hại được, chỉ bị một mảnh đá vỡ văng đụng đầu ngón chân cái của Ngài làm bầm máu mà thôi.

Nguyên nhân từ bất thiện nghiệp quá khứ nào khiến nàng Cincàmànavikà vu khống Ðức Phật?

Theo bộ Chú giải Apàdàna, phần Buddha-pàdàna dạy:

Trong thời quá khứ, có một Ðức Phật xuất hiện trên thế gian, Ngài có một vị Thánh Thanh Văn đệ tử tên là Nanda, vị Thánh Tăng có giới đức hoàn toàn trong sạch. Thế mà tiền kiếp của Ðức Phật đã vu khống cho bậc Thánh Tăng ấy phạm giới hành dâm.

Ðức Bồ Tát sau khi chết kiếp ấy, do khẩu ác nghiệp này cho quả tái sanh vào địa ngục chịu khổ suốt 10 ngàn năm. Ðến khi mãn nghiệp, mỗi khi được tái sanh làm người, dầu ở địa vị nào Ðức Bồ Tát cũng thường bị vu khống, bị mắng nhiếc về tội hành dâm như vậy.

Ðến kiếp cuối cùng, ở địa vị Ðức Chánh Ðẳng Giác, khẩu ác nghiệp còn dư sót khiến cho nàng Cincàmànavikà vu khống Ngài đã hành dâm với nàng có thai.

Nguyên nhân từ bất thiện nghiệp quá khứ nào, mảnh đá vỡ văng đụng đầu ngón chân của Ðức Phật?

Cũng trong bộ Chú giải Apàdàna, phần Buddha-pàdàna, tóm tắt câu chuyện tiền kiếp như sau:

Trong quá khứ xa xưa, tiền kiếp của Ðức Phật sanh làm một cậu bé tinh nghịch, rắn mắt. Một hôm, cậu đang đùa với bọn trẻ trên đường, nhìn thấy Ðức Phật Ðộc Giác đang đi trì bình khất thực. Cậu bé phát sanh ác tâm, nghĩ rằng: "Tên Sa môn đầu trọc này từ đâu đến đây?" rồi cậu cúi xuống, lấy mảnh đá ném đụng chân của Ngài, làm trầy da chảy máu.

Cậu bé sau khi chết, do bất thiện nghiệp này cho quả tái sanh vào địa ngục chịu khổ nhiều ngàn năm, đến khi mãn nghiệp ở địa ngục, mỗi khi được tái sanh làm người cũng thường chịu quả khổ do bởi ác nghiệp ấy.

Ðến kiếp hiện tại này, tuy Ngài đã trở thành Ðức Phật, do năng lực ác nghiệp ấy còn dư sót nên Ngài vẫn bị mảnh đá vỡ văng đụng đầu ngón chân của Ngài làm cho bầm máu, và cũng do năng lực ấy, khiến Tỳ khưu Devadatta sai nhóm xạ tiễn đi bắn Ngài.

Nguyên nhân từ bất thiện nghiệp quá khứ nào khiến cho thái y Jivaka dùng dao mổ chỗ máu bầm ở bàn chân của Ðức Phật?

Cũng trong bộ Chú giải Apàdàna, phần Buddha-pàdàna dạy:

Trong quá khứ xa xưa, tiền thân của Ðức Phật là một vị vua cai trị một nước nhỏ ở biên địa. Ðức vua có tính ham chơi và thường hay thân cận với bọn nịnh thần hung ác. Một hôm, bỗng dưng vua phát cơn điên cuồng, loạn trí xã bỏ áo mão, đi chân đất vào thành dùng gươm giết chết nhiều người vô tội. Ðức vua sau khi chết, do ác nghiệp đâm chém ấy cho quả tái sanh vào điạ ngục, khi mãn nghiệp ở đó, mỗi khi tái sanh lại làm người phải chịu khổ đâm chém.

Ðến kiếp hiện tại, tuy Ngài đã chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác, nhưng do năng lực ác nghiệp ấy còn dư sót, nên Ngài phải bị thái y Jivaka dùng dao mổ xẻ chỗ máu bầm ở chân của Ngài.

Nguyên nhân từ bất thiện nghiệp quá khứ nào khiến voi Nàlàgiri định xông đến chà Ðức Phật?

Cũng trong bộ chú giải Apàdàna, phần Buddha-pàdàna dạy:

Trong quá khứ xa xưa, tiền thân của Ðức Phật làm nghề giữ voi. Một hôm, lúc đang cỡi voi vào thành, trông thấy một Ðức Phật Ðộc Giác đang đi trì bình khất thực, y phát sanh ác tâm nghĩ: "Sa môn đầu trọc này từ đâu đến?" rồi lấy búa khiến voi xông đến để làm hại Ngài. Người giữ voi sau khi chết, do ác nghiệp ấy cho quả tái sanh vào ác đạo chịu khổ nhiều ngàn năm, đến kiếp hiện tại này, dầu đã trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác, do năng lực của ác nghiệp ấy còn dư sót, khiến Tỳ khưu Devadatta, âm mưu dùng voi Nàlàgiri uống rượu say chạy xông đến để hại Ngài.

Trên đây sơ lược một số bất thiện nghiệp trong những tiền kiếp của Ðức Phật. Mặc dầu, bất thiện nghiệp ấy đã cho quả khổ suốt nhiều ngàn năm, nhiều kiếp thế mà đến kiếp cuối cùng Ngài đã trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác, năng lực của ác nghiệp ấy vẫn còn có thể cho quả. Ðến khi Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn, khi ấy tất cả bất thiện nghiệp cũng như mọi thiện nghiệp đều trở thành vô hiệu nghiệp, vì không còn tái sanh kiếp sau, chấm dứt sự tử sanh luân hồi trong tam giới.

Theo quan niệm Phật giáo, tất cả quả tốt: quả thân an lạc, tâm an lạc đều phát sanh từ thiện nghiệp; và ngược lại, tất cả quả xấu: quả khổ thân, khổ tâm đều phát sanh từ bất thiện nghiệp. Nhưng tất cả mọi bất thiện nghiệp và mọi thiện nghiệp không nhất thiết đều phải cho quả. Nghiệp nào cho quả, nghiệp ấy phải hội đủ nhân duyên, nếu thiếu nhân duyên, nghiệp không thể cho quả được. Cho nên, có những bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, không còn tái sanh kiếp sau, chấm dứt tử sanh luân hồi trong tam giới, thì tất cả thiện, ác nghiệp đã tạo đều trở thành vô hiệu nghiệp.


JAYAMAN GALAGÀTHÀ

1)* Bàhum sahassamabhinimmitasàvudhantam
Girimekhalam uditaghoram sasenamàram,
Dànàdidhammàvidhinà jitavà Munindo
Tam tejasà bhavatu me (te) jayamangalaggam.

2)* Màratirekamabhiyujjhita sabbarattim,
Ghoram panàlavaka makkhamathaddhayakkham,
Khantì sudantavidhinà jitavà Munindo,
Tam tejasà bhavatu me (te) jayamangalaggam.

3)* Nàlàgirim gajavaram atimattabhùtam,
Dàvaggicakkamasaniva sudàrunantam
Mettambusekavidhinà jitavà munindo,
Tam tejasà bhavatu me (te) jayamangalaggam.

4)* Ukkhittakhaggamabhihatthasudàrunantam.
Dhàvam tiyojanapathangulimàlavantam
Iddhibhisaíkhatamano jitavà Munindo,
Tam tejasà bhavatu me (te) jayamangalaggam.

5)* Katvàna katthamudaram iva gabbhaniyam,
Cincàya dutthuvacanam janakàyamajjhe,
Santena somavidhinà jitvà Munindo,
Tam tejasà bhavatu me (te) jayamangalaggam.

6)* Saccam vihàya atisaccakavàdaketum
Vàdàbhiropitamanam ati andhabhùtam
Pannàpadìpajalito jitavà Munindo,
Tam tejasà bhavatu me (te) jayamangalaggam.

7)* Nandopananda bhujagam vividham mahiddhim,
Puttena therabhujagena dhunàpayanto.
Iddhùpadesavidhinà jitavà Munindo,
Tam tejasà bhavatu me (te) jayamangalaggam.

8)* Duggàhaditthibhujagena sudatthahattham,
Brahmam sutam jutimahiddhim Bakàbhidhànam.
Nànàgadena vidhinà jitavà Munindo,
Tam tejasà bhavatu me (te) jayamangalaggam.

** Etàpi Buddhajayamangala atthagàthà,
Yo vàcano dinadine sarate mantadì.
Hitvànanekavividhàni cupaddavàni,
Mokkham sukham adhigameyya naro sapanno.

Dịch nghĩa:

Bài Kệ An Lành Thù Thắng

1) Ðức Bồ Tát toàn thắng, Ác Ma Thiên,
Hóa ngàn cánh tay đều cầm vũ khí,
Cỡi voi trời Gi-ri-me-kha-la,
Cùng vô số thiên ma binh, ma tướng,
Tiếng hét la vang dậy cả không gian,
Nhờ ba mươi pháp hạnh ba la mật:
Bố thí, giữ giới, xuất gia, trí tuệ....
Ác Ma Thiên bị thảm bại hoàn toàn.
Nhờ Phật lực toàn thắng Ác Ma Thiên,
Mong cho con được hạnh phúc cao thượng.

2) Ðức Phật cảm thắng dạ xoa Àlavaka,
Là dạ xoa tự cao và tàn nhẫn,
Hung bạo, dũng mãnh hơn Ác Ma Thiên,
Hoá phép tấn công Ðức Phật trọn đêm,
Ðức Phật cảm thắng nhờ pháp nhẫn nại,
Do nhờ Phật lực tế độ dạ xoa,
Mong cho con được hạnh phúc cao thượng.

3) Ðức Phật cảm thắng voi Nàlàgiri,
Là voi dữ trong cơn say điên cuồng,
Hung ác như lửa rừng, như sấm sét,
Nhờ pháp rải tâm từ làm mát dịu,
Ðức Phật đã tế độ được voi ấy,
Do nhờ Phật lực cảm thắng voi dữ,
Mong cho con được hạnh phúc cao thượng.

4) Ðức Phật cảm hóa Angulimàla,
Là kẻ cướp sát nhân rất hung ác,
Cắt ngón tay người làm vòng đeo cổ,
Là kẻ tàn nhẫn và rất tinh nhuệ,
Cầm gươm đuổi theo cố giết Ðức Phật,
Suốt ba do tuần mà vẫn không kịp,
Nhờ Ðức Phật ứng hoá phép thần thông,
Tế độ được An-gu-li-mà-la,
Do nhờ Phật lực cảm hóa kẻ ác,
Mong cho con được hạnh phúc cao thượng.

5) Ðức Phật thắng nàng kỹ nữ Cin-cà,
Nàng dùng gỗ đẽo tròn mang vào bụng,
Giả như người đàn bà mang thai thật,
Rồi vu khống Ðức Phật giữa tứ chúng,
Nhờ pháp an tịnh, Ðức Phật thắng nàng,
Do nhờ Phật lực thắng nàng Cin-cà,
Mong cho con được hạnh phúc cao thượng.

6) Ðức Phật cảm thắng ngoại đạo Saccaka,
Kẽ si mê tối tăm như người mù,
Tự cho mình có trí tuệ hơn cả,
Dùng lý lẽ mình đè bẹp người khác,
Dương danh sự thật không phải là thật,
Phủ nhận sự thật chân lý mọi người.
Ðức Phật đã cảm thắng Sac-ca-ka,
Nhờ trí tuệ như ngọn đèn chiếu sáng.
Do Phật lực cảm thắng Sac-ca-ka,
Mong cho con được hạnh phúc cao thượng.

7) Rồng chúa Nan-do-pa-nan-da,
Là Rồng tà kiến có nhiều thần thông
Ðức Phật dạy trưởng tử Moggallàna,
Dùng phép thần thông hoá thành Rồng lớn,
Phun khói để thu phục Rồng chúa ấy,
Do nhờ Phật lực thu phục Rồng chúa,
Mong cho con được hạnh phúc cao thượng.

8) Phạm thiên Ba-ka có đại thần lực
Và hào quang nổi danh khắp mọi cõi,
Có thường kiến chấp thủ quá mê lầm,
Như bị rắn độc cắn phải ở tay,
Nhờ trí tuệ, như linh dược giải độc,
Ðức Phật đã cảm thắng Phạm thiên ấy
Do nhờ Phật lực tế độ Phạm thiên,
Mong cho con được hạnh phúc cao thượng.

Bậc Thiện trí hằng ngày thường tụng đọc,
Tám bài kệ "Hạnh phúc thù thắng" này,
Tán dương sự cảm thắng của Ðức Phật,
Thì tránh khỏi vô số điều tai hại.
Ðược thành tựu mọi hạnh phúc an lạc,
Tạo duyên Niết Bàn, giải thoát khổ sanh
.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Hộ Pháp đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 03-2002)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 05-04-2002