BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
Họ đã
nghĩ như thế
Giác Nguyên dịch Việt
[17] Ðại đức AmaroHãy tìm một lý tưởng sốngTiểu sử: Ðại đức Amaro (Jeremy Horner) sinh năm 1955 tại Kent, Anh Quốc. Từng theo học Tâm lý học và sinh lý học ở các trường đại học Bedford rồi đại học Luân Ðôn. Ðời sống tinh thần của đại đức được bắt đầu định hướng từ khi đọc qua các tác phẩm của Rudolph Steiner. Sau khi tốt nghiệp đại học, nhờ một người bạn giúp cho một việc làm trên máy bay tải hàng từ Anh sang Mã Lai, đại đức coi như đã có dịp du lịch ở Châu Á. Theo lời mời của một số người quen trên các chuyến bay, đại đức đã đến viếng miền Ðông Bắc Thái Lan. Lần đó, trong khi tìm một chỗ trọ để ở lại vài đêm trước khi tiếp tục bay sang Nhật Bản, đại đức đã được nghe kể về chùa Nanachat cùng các vị sư người da trắng ở đây. Sau khi viếng thăm chùa, đại đức đã quyết định ở lại làm giới tử trong bốn tháng rồi tu sa di (năm 1978). Năm sau, đại đức thọ cụ túc giới với Ngài Ajahn Chah. Tu xong, đại đức ở lại Thái Lan trong hai năm, rồi sau đó trở về Anh Quốc, trước là để gặp gia đình và sau đó là phụ giúp Ngài Sumedho xây dựng chùa Chithurst. Trong những ngày tháng có mặt tại Luân Ðôn, đại đức rất muốn có dịp đến gặp người cô ruột của mình mà mình chưa hề thấy mặt, đó là cô I.B. Horner. Cô là một học giả, dịch giả kinh Pàli lừng danh đồng thời cũng là chủ tịch hội Nghiên Cứu Tam Tạng Pàli Luân Ðôn (Pàli Text Society). Nhưng thật đáng buồn là cô Horner đã qua đời trước khi hai cô cháu gặp gỡ nhau. Năm 1983, Ngài Sumedho đề nghị đại đức Amaro đến lưu trú và hoằng pháp tại chùa Harnham Vihàra và đại đức đã đồng ý. Ðại đức Amaro có viết một quyển hồi ký kể lại cuộc bộ hành Ðầu Ðà tám trăm ba mươi dặm của mình ở miền Bắc Thái Lan. Quyển sách được thực hiện từ năm 1984. Bài viết sau đây là một thời pháp của đại đức Amaro cho các Phật tử cư sĩ tại Trung Tâm Phật Giáo Amaravati (Anh Quốc) năm 1986. Hãy Tìm Một Lý Tưởng Sống. Việc chúng ta cùng góp mặt trong thiền khóa này có một ý nghĩa rất lớn mà trước hết tôi muốn nói về cái đạo tình pháp hữu, pháp lữ. Chúng ta đang có mặt chung nhau trên cùng một hành trình, mặc dù xét trên hình thức, giữa chúng ta vẫn có những khác biệt quá rõ ràng: tôi đang nhìn thấy trước mặt tôi các ông và các bà, các cô với các cậu, chênh lệch nhau trên nhiều thứ nhưng tất cả đều hướng về một đích đến. Mục đích đó chúng ta mỗi người tự biết lấy và có thể gọi tên nó ra sao cũng được. Ðiều quan trọng là chúng ta cùng hiểu rằng từng người ở đây đang nhắm tới một đời sống nội tâm thật sự có ý nghĩa. Và như quí vị cũng đã hiểu rằng mọi công phu tu tập của chúng ta chỉ có một ý nghĩa duy nhất là nhắm để thực hiện một nếp sống trí tuệ. Chúng ta không thể nhắm mắt mù quáng buông mình vào từng hình thức tôn giáo với một lý tưởng mơ hồ viễn vông, mà thay vào đó, với trí tuệ của một người Phật tử chín chắn, chúng ta phải biết phơi mở tất cả những gì vẫn bị đóng kín đối với chính mình và vạn vật chung quanh từ bấy lâu nay. Chúng ta phải xót xa để cùng nhìn nhận với nhau rằng đã có đến hàng triệu xác người đẫm máu ngã xuống cho những tên gọi khác nhau về cái gọi là cứu cánh giải thoát của các tôn giáo: Thiên đàng, Sự hợp nhất với Phạm Thiên, Thiên Giới của Thánh Allah, Níp Bàn... Ta có thể nói rằng hễ loài người còn tồn tại trên mặt đất này thì vẫn còn tiếp tục tồn tại những biểu tượng mang ý nghĩa hoài vọng về một cứu cánh bình yên vĩnh hằng và trọn vẹn nào đó. Rồi cũng từ đây, nhân loại lại tiếp tục tự biến mình thành những con thiêu thân lao vào ngọn lửa chói ngời của những biểu tượng đó. Như vậy nếu chúng ta có thể vượt thoát được khỏi những ám ảnh của biểu tượng, chấm dứt thái độ trẻ con đối với các hấp lực của ngôn từ và thanh thản bước đi trên con đường tự tu tự chứng, tôi tin rằng chúng ta rồi sẽ đạt đến mục đích mà mình vẫn mong mỏi. Một mục đích không cần tới những tên gọi... Các Tôn giáo đã hứa hẹn cho người ta quá nhiều cứu cánh. Nhân loại đã thực sự bối rối trước trăm ngàn thứ tín ngưỡng: Thiên Chúa Giáo, Ấn Giáo, Do Thái Giáo... Ðiều đó gần như đã là một tại nạn không chỉ riêng cho một dân tộc Á Châu hay Tây Phương nào hết. Chính niềm tin dại khờ của mỗi người đã làm cho trí tuệ nhân loại bị tật nguyền, nhận thức của chúng ta bị lệch lạc nghiêm trọng. Chúng ta cứ bị kiểu dáng của chiếc bình ám ảnh mà quên đi bản chất thật sự của phần nước đựng chứa trong đó. Dầu có nằm ở đâu, nước vẫn không thay đổi thuộc tính, nhưng điều đau xót là chính những chiếc bình hay cái lọ chứa nó đã khiến người ta hiểu lầm rằng nước hình tròn, hình vuông, hình bầu dục... Như vậy, điều vô cùng quan trọng là chúng ta phải tự biết quyết định con đường tu tập của mình một cách hợp lý. Ðức Phật đã rất cẩn thận khi nói pháp bởi đa số chúng sinh đều có khuynh hướng lệch lạc. Tư tưởng của chúng ta luôn loạn động và thường có thói quen đi tìm cái gì đó để nắm bắt, bất kể đó là những thứ có nguy cơ giới hạn bản thân. Chúng ta thích rong ruổi phiêu bồng, thích làm những cuộc khám phá mang tính thời thượng, thích nói chuyện ngoài lề để khỏi phải nhọc sức và cũng để tự vuốt ve cái hiểu biết nông cạn của mình. Ðức Phật nói pháp với ý nghĩa là kêu gọi chúng ta lên đường, thực hiện một cuộc dấn thân thật sự mãnh liệt chứ không phải cung cấp cho ta những đề tài nói chuyện và nghĩ ngợi. Nói ra mà buồn, đã bao năm qua rồi các giáo thuyết trên thế giới xem ra chỉ có thể đem lại cho nhân loại một số lượng lớn về những ý niệm Siêu Hình và Triết Lý, những hình thức nghi lễ rườm rà và vô nghĩa về chuyện ăn uống, hôn lễ, ma chay. Rồi bên cạnh đó, có khá hơn một chút thì cũng chỉ hướng dẫn ta cách Nói Chuyện, Mạn Ðàm đôi chút về cái gọi là đời sống nội tâm cùng các sinh phong nông cạn nào đó. Thật ra chúng ta vẫn có thể phá vỡ các biểu tượng hoặc khéo tận dụng chúng để tìm ra những chân lý đơn giản nhất, nhưng chúng ta đâu có chịu làm vậy, chúng ta đã tự nguyện qui hàng và thờ phụng chúng. Người ta đã tìm tòi để cố sức khám phá ra mọi sự để rồi giờ cuối thì các biểu tượng, những kết quả của công cuộc khám phá nông nổi lại thành ra tất cả những gì là cứu cánh, mục đích. Người ta đã quên đi một vấn đề sinh tử là thực ra mình chỉ đang có mặt trên chặng đường đầu tiên của cuộc hành trình. Nói gọn lại, ngay từ bây giờ, chúng ta phải biết bỏ đi cái thái độ sùng thượng thơ ngây đối với những biểu tượng để không tiếp tục theo đuổi chúng nữa và tự vạch ra cho mình một con đường đúng đắn nhất. Ðể hạn chế tối đa những gì không thật sự cần thiết, Ðức Phật luôn có một cách nói pháp cực kỳ đơn giản. Giáo lý của Ngài từ đó đã thành ra những lời dạy không thể thêm bớt gì được nữa. Lần đó, cùng với chư tăng đệ tử đi ngang qua một cánh rừng, Ðức Phật đã nhặt lấy một nắm lá rồi hỏi các vị tỳ kheo chung quanh: - Theo các người thì nắm lá trong tay ta với toàn bộ số lá cây còn lại trong khu rừng này phần nào nhiều hơn? - Bạch Thế Tôn nắm lá trong tay Ngài thật quá ít, số lá còn lại trong rừng thì phải nói là vô lượng. Nghe câu trả lời như vậy, Ðức Phật nói tiếp: - Cũng giống như vậy, này các tỳ kheo, những gì ta hiểu biết cũng có thể tạm đem so sánh với tất cả lá cây trong khu rừng này, những gì ta thuyết giảng cho các người thì cũng ít ỏi như số lá trên tay ta. Chư Phật luôn thông suốt một cách tận tường về mọi qui luật sinh hóa, tuần hoàn của tất cả vũ trụ, thế nhưng lời dạy của các Ngài chỉ đơn giản nhắm vào con đường giải thoát. Ðức Phật cũng y cứ trên nguyên tắc này mà hạn chế tối đa những nhắc nhở về các vấn đề siêu hình. Ðọc kỹ kinh sách, ta sẽ thấy Ðức Phật đã cố tránh không đả động đến vấn đề đó. Ngài luôn im lặng trước những câu hỏi đại loại như: Thế nào là khởi nguyên tuyệt đối của các hiện hữu? Ðiều gì sẽ xảy đến cho vị A La Hán sau khi vị này viên tịch?... Sở dĩ Ðức Phật có thái độ như vậy là vì ít nhất hai lý do: Trước hết, đó là những câu hỏi không thật sự quan trọng, câu trả lời về chúng không thể dẫn đến giải thoát, và lý do thứ hai là Ðức Phật muốn tránh cho người hỏi những ngộ nhận về các vấn đề mà thật ra họ không thể hiểu được. Có lần một người kia đã yêu cầu Ðức Phật diễn tả cho nghe về trạng thái của Níp Bàn. Ðức Phật trả lời bằng một câu hỏi ngược lại: - Nếu thổi tắt một ngọn lửa rồi hỏi ngươi rằng ngọn lửa đã đi về phương hướng nào, thì người sẽ trả lời ra sao? Nghe hỏi vậy, người kia phản ứng thật nhanh: - Thưa Ngài, đó là một câu hỏi thiếu thông minh. Bởi vì đối với ngọn lửa đã tắt thì các phương hướng đâu còn là vấn đề nữa. - Ðúng vậy, câu hỏi của ngươi cũng là một câu hỏi tương tự câu hỏi ngớ ngẩn khi nãy. Bất cứ câu trả lời nào của Ta cho ngươi về vấn đề này chỉ làm cho ngươi thêm bối rối ngộ nhận thôi. Tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, Ðức Phật chỉ dạy cho người khác những gì thật sự có ý nghĩa đối với lý tưởng nhận thức chân lý giải thoát. Nhưng khi phải nói về Níp Bàn, Ðức Phật thường dùng những hình dung từ đơn giản nhất: Ðó là một trạng thái hết sức kỳ diệu, sâu kín mà an lành, ly duyên khởi, không nhân tác tạo. Ðó quả là những hình dung từ tuyệt vời được sử dụng một cách cẩn thận qua trình độ lập ngôn thượng thừa của vị Chánh Ðẳng Chánh Giác, chỉ dừng lại một cách chính xác trong ý nghĩa gợi ý cho một lời giải thích ở mức đúng, đủ và cần thiết mà không hề để lại cho người nghe chút gì đó để họ có thể dưỡng nuôi cái ý tưởng ôm ấp, chấp thủ về cứu cánh Níp Bàn. Lời giải thích đó của Ðức Phật rõ ràng là không xác định Níp bàn là cái gì đó cho người ta lý tưởng hóa nó bằng một ý niệm vĩnh hằng nhưng cũng thông qua đó, Ðức Phật đã kín đáo giải thích Níp Bàn là một giá trị thực tại mà người ta có thể khám phá và nhận thức. Ðiểm tinh yếu của tất cả pháp môn thiền định, trong điều kiện sinh tồn của nhân loại chúng ta, là học được cách gởi cái nhìn của mình qua bờ kia của thế giới cảm giác, học được cách sống vượt thoát mọi khái niệm máy móc. Ðể thực hiện được công phu này thì chúng ta phải biết nâng cao tầm nhìn của mình lên khỏi thế giới ảo tưởng để thấy mọi sự trong đời sống chỉ là những phiêu vật trôi ngang tư tưởng bản thân. Thay vì nhìn thấy một người đang bước đi, ta hãy thử đơn giản xem đó là một ảo ảnh đang đi qua dòng ý thức của mình. Ngay trước mắt chúng ta bây giờ là quang cảnh một ngọn đồi của thiền viện Amaravati. Ðó là một hình ảnh mà ta có thể ghi nhận được. Rồi âm thanh của tôi trong thời giảng này, từng cảm giác đang xảy đến trong tư thế ngồi của quí vị... Chúng ta hãy lần lượt xem chúng như là những dòng nước đang trôi đi qua tư tưởng của mình. Vừa rồi, Ngài Sumedho vừa thực hiện một chuyến công tác Phật sự đường dài qua nhiều quốc gia và Ngài có ghé tới đây để viếng thăm Amaravati. Trước lúc chia tay với tôi, Ngài có nói rằng mình đã quyết định không đi thêm bất cứ nơi nào trên thế giới nữa, mà ngược lại sẽ để cho toàn bộ thế giới trôi qua trong nội tâm mình. Ngài còn nói với tôi một câu khác cũng hết sức sâu sắc: "Sự dừng chân đôi khi có nhiều thú vị lắm, nó đem lại cho ta một sự an lành không tả nổi. Mình có đi đến bao nhiêu chỗ, gặp gỡ bao nhiêu người, thực hiện bao nhiêu công việc nhưng phải nói rằng đối với một người chỉ biết tìm tới những trời xa xứ lạ, cái cảm giác của sự xê dịch thật ra là cả một sự trống vắng. Mình có mặt ở mọi nơi nhưng thật ra mình đã tự vắng mặt đối với chính mình. Nếu ta khéo sống, thì mỗi nơi chốn đều là một thế giới tĩnh lặng hết sức tuyệt vời". Nếu chúng ta đưa được đời sống của mình lên khỏi giới hạn của trình độ thuần cảm giác để không còn nhìn thấy vạn vật là những đơn thể bất biến, chúng ta sẽ nhận rõ được thái độ đón nhận trần cảnh của mình bấy lâu nay chỉ là những ảo giác kiến chấp và từ đó ta sống trong sự tỉnh thức thật sự về mọi hiện hữu - của bản thân và tất cả ngoại giới. Ðây chính là con đường dẫn tới cứu cánh giải thoát, tự do, một con đường vượt lên trên cả đôi bờ sinh tử. Hồi tháng giêng năm nay (1986) có một người đàn bà mắc phải chứng ung thư và đang ở vào thời kỳ cuối cùng, bà đến Amaravati này với hy vọng được chết tại đây như một nữ tu chính thức. Lúc đó trung tâm Amaravati này cũng đang tổ chức một thiền khóa và phải nói rằng chúng tôi đã nhờ người đàn bà đó mà có cơ hội thật tốt để triển khai án xứ về cái chết. Vào một buổi chiều trong khi đang đi kinh hành, tôi đã bất chợt thấm thía một cách tận tường về cái chết rằng nếu như người ta vẫn xem đời sống của mình là một chuỗi dài ghép nối của những ảo tưởng, với một nội tâm luôn tỉnh thức, thì có lẽ cái chết, hay nói cụ thể hơn là giây phút lìa đời, sẽ không làm cho nội tâm của người ta bị tan nát, đổ vỡ, suy sụp, kiệt quệ. Chiếc hình hài này chỉ là một đối tượng ảo ảnh của tâm thức, nếu trong giây phút hấp hối mà người ta vẫn tiếp tục tỉnh thức để nhìn ngắm nó thì chắc chắn người ta sẽ có đủ can đảm đồng hóa cái thân sống với một xác chết. Bởi thật ra cái nào cũng là đối tượng của ý thức. Là những người Phật tử, chúng ta không cần thiết phải đi tìm cái cho nội tâm mình nắm bắt, không cần thiết nó sẽ đi về đâu, thuộc về ai... Ðó là những vấn đề hoàn toàn vô nghĩa. Thực hiện trọn vẹn đời sống với một nội tâm như vậy coi như ta đã đứng bên ngoài vấn đề sinh tử, sống một cách hiểu biết và là một con người giác ngộ. Chúng ta hãy nhìn ngắm một dòng tư tưởng xảy đến trong nội tâm mình từ lúc nó xuất hiện, tồn tại rồi qua đi. Chịu khó một chút, ta sẽ thấy rằng cái sống và sự chết của tấm thân này tuy vẫn được xem là một sự kiện quan trọng nhưng thật ra, về cơ bản thì không có sự khác biệt nào với tình trạng xuất hiện rồi biến mất của một dòng tư tưởng. Như vậy, ý nghĩa của mọi công phu thiền định là phát triển sự hiểu biết về từng bước đến rồi đi, có rồi không của vạn sự vạn vật. Cái việc nhìn ngắm vòng tuần hoàn đó kỳ diệu lắm, cái nhìn của ta càng thuần thục thì sự tồn tại của từng thứ càng trở nên sống động và thú vị hơn nhiều. Ta sẽ tìm thấy được niềm hứng thú ngay trong chính bản thân chúng, trong sự sinh diệt không ngừng của mọi sự kiện. Và sự cảm nghiệm này chỉ có riêng người thực chứng mới thấm thía được. Chúng ta lúc này tự nhiên không cần thiết phải tìm câu trả lời cho những câu hỏi: "Tôi từ đâu đến và sẽ đi về đâu?" Thân phận của chúng ta đã quá rõ ràng và chúng ta lúc này chỉ còn có mỗi một việc duy nhất là nhận biết mọi sự xuất hiện rồi biến mất ra sao. Tự đào luyện mình bằng nếp sống hiểu biết như vậy, sự hiểu biết về cội nguồn và điểm chấm dứt của mọi thứ, lòng sợ hãi từ sự vô minh sẽ được giải quyết, cái chết chỉ đáng sợ khi ta thiếu hiểu biết tức bị ám ảnh bởi vô minh, mà người càng hiểu biết thì càng hạn chế vô minh, càng can đảm trước cái chết. Khi ta đã có được một khả năng nhận thức chín chắn thì không có gì có thể khiến ta sợ hãi, kể cả cái chết, nhưng ta cũng phải biết thêm rằng thế nào là sự hoán chuyển sâu sắc đến mức những sợ hãi được thế chỗ bằng sự bình tâm chứ? Vấn đề thật đơn giản, khi ta hiểu được mọi sự trước sau đều chỉ xảy ra trong ý thức của chính mình, ta đánh giá nó ra sao thì ta cảm nhận nó như vậy, kể cả sự sợ hãi cũng thế. Khi ta thấy đó là điều đáng sợ thì vấn đề sẽ bắt đầu nghiêm trọng hơn. Ngược lại, khi ta đọc được từng dòng tư tưởng của mình với những gì xảy ra qua đó thì mọi sự cố lập tức trở nên đơn giản. Con đường dẫn đến thái độ sống điềm tĩnh này luôn đòi hỏi ở chúng ta thái độ vô phân biệt trước mọi sự bằng cách chào đón tất cả những gì mà mình cảm nhận được. Nhưng các vị cũng thấy đó, đối với những niềm vui, những hạnh phúc thì chuyện này rất dễ thực hiện. Còn đối với những cái khó chịu, đau khổ thì vấn đề xem ra không dễ dàng tí nào. Rồi chúng ta còn phải đối diện với chính mình nữa: Chúng ta phải đón chào tất cả những phiền não từ lòng kiêu ngạo, ham muốn cho đến sự thất vọng... Phải nói đây là một công phu hết sức khó khăn. Tôi nhớ có lần, trong một cuộc trao đổi với Ngài Sumedho về pháp môn Từ Tâm, tôi đã thú nhận là mình gần như đã bất lực trước những đối tượng nông nổi, phiền phức. Ðại đức Sumedho đã trả lời cho tôi: - Sư nói đúng, nhưng sư thử kiểm tra lại xem những khái niệm và âm thanh về các từ ngữ "nông nổi, ngu xuẩn, trẻ con, phiền phức" có làm cho sư được dễ chịu như khái niệm và âm thanh của danh từ Mettà hay không? Chúng có giúp sư đón nhận đời sống một cách hết mình hay không? Chúng có giúp sư nhận diện được từng cảm nghiệm của mình hay không? Tôi vẫn dùng những câu tự vấn này để tu tập Từ Tâm. Sư hãy thử đi, hãy thử đón nhận tất cả một cách chân thành và trân trọng. Kể từ khi áp dụng lời khuyên của đại đức Sumedho, tôi mới nhận ra rằng từ trước tới giờ mình đã phải mất mát quá nhiều thời gian để giải quyết những vấn đề nội tâm. Chỉ riêng những phiền não ồn ào như ham muốn, sợ hãi hay bất mãn thôi, tôi cũng đã phải vật lộn hết sức vất vả. Còn các cảm giác tinh vi nhỏ nhiệm khác thì gần như tôi không còn đủ sức đá động đến. Vậy mà từ khi có bài học mới, bài học về thái độ chào đón tất cả những phiền lụy, thì tự nội tâm tôi như có thêm một nguồn sinh lực thật kỳ lạ đến mức cứ làm tôi phải ngạc nhiên. Tôi đã nhận ra được rất nhiều những vấn đề quan trọng trong cuộc đời mình, những lý tưởng và hoài vọng của quá khứ cùng hướng đi cho tương lai. Tất cả chỉ là từng dòng chảy phù du... Cũng với kinh nghiệm đó, tôi đã để ý thấy được rằng cứ mỗi lần tôi có thái độ đối kháng, trốn chạy, phủ nhận bất cứ một thứ gì thì cái đó lập tức biến thành một nỗi ám ảnh cho tôi. Từ một thứ bản chất hết sức bình thường nhưng khi đi qua sự đánh giá của nội tâm tôi thì cái gì cũng có vẻ là nguy hiểm đủ để uy hiếp và nhiễu động tôi cả và bây giờ thì tôi mới hiểu rằng đó là sự hoàn thành của một kiến chấp về cái Tôi, Của Tôi. Thế rồi từ bài học "đón chào mọi thứ" tôi đã thấy rõ rằng với thái độ tiếp nhận thực tại như vậy, không có gì để làm tôi phải sợ hãi nữa. Bởi đơn giản là tôi đã hiểu được mọi sự không thuộc về một Bản Ngã nào, cũng không đi từ một bản ngã nào hết. Tứ đó , mọi cái từ ý thức nhận biết cho đến bản chất của mọi sự được ý thức nhận biết- đều được ghi nhận trong một tinh thần giải thoát. Ðến mức này, thì cái hình thù của chiếc lọ đựng nước đã không còn quan trọng nữa, chính lượng nước được chứa trong đó mới là vấn đề. Ta đã hiểu được nước là cái gì thì dầu chiếc bình kia có hình dáng ra sao, ta cũng không thơ ngây nhìn vào nó để bảo nước là tròn hay vuông nữa. Chúng ta hãy học cách bỏ đi những hình thức, những khái niệm khuôn sáo để chỉ giữ lại trong tâm hồn mình cái gì là Sự Thật mà thôi. Bằng một thái độ sống đón nhận trọn vẹn như vậy, coi như chúng ta đang từng phút hiện hữu trong sự hiểu biết và tỉnh thức về những gì đang xảy đến với nội tâm mình. Tinh thần Sống đó đã được thể hiện qua những bức ảnh Phật mà chúng ta vẫn thường được nhìn thấy: Ngài tĩnh tọa dưới gốc cây Bồ Ðề với hào quang tỏa sáng khắp châu thân với một phong thái hết sức tĩnh lặng và thấu suốt. Rồi bên cạnh Ngài, ta lại còn thấy thêm những hình ảnh đáng sợ khác như các binh tướng có hình thù kỳ quái, thuộc hạ của Ác ma. Chắc chắn chúng ta cũng biết rằng đó là bức tranh vẽ lại câu chuyện Phật cảm thắng ma trước khi Bồ Tát Sĩ Ðạt Ta trở thành vị Chánh Ðẳng Chánh Giác. Bức tranh đó ngoài ý nghĩa lịch sử, còn có thêm ý nghĩa khác sâu sắc hơn nhiều, mà chỉ cần nhìn kỹ lại bức tranh ta cũng sẽ thấy ngay: Những bông hoa, châu báu, những thứ vũ khí bén nhọn cùng trăm ngàn yêu quái từ trên trời cùng lúc xuất hiện quanh Ngài, tất cả được tượng trưng cho những thử thách và cám dỗ của nội tâm người hành giả đang trên đường tìm đạo. Tất cả chỉ là ảo ảnh, không có gì để bám víu hoặc sợ hãi và nói vậy có nghĩa là chúng ta cũng đừng để bất cứ ảo ảnh nào làm chi phối nội tâm mình. Vậy thì trong mắt chúng ta bây giờ tất cả mọi thực tại dù có hiển hiện trong bất cứ hình thức nào, tình trạng nào cũng chỉ đều là những biểu tượng. Ðối với một người tu học chín chắn, ý nghĩa tinh thần về một Ðức Phật còn quan trọng hơn cả hình ảnh của Ðức Phật Cồ Ðàm lịch sử, ý nghĩa của giáo pháp còn quan trong hơn tất cả kinh điển văn tự. Ðức Phật trong lòng chúng ta lúc này là tất cả những gì Tỉnh Thức, Hiểu Biết và Ánh Sáng. Bởi nói một cách rốt ráo thì đó chính là tất cả những gì đã xây dựng nên một Ðức Phật và ngay trong đêm thành đạo, Bồ Tát Sĩ Ðạt Ta đã bằng vào những giá trị này để lột xác. Chúng ta có thể nói rằng Ma vương không chỉ có một lực lượng binh tướng cụ thể và nhất định cũng như không chỉ quấy nhiễu một số nhân vật đặc biệt nào đó, mà Ma vương trong ý nghĩa rộng rãi nhất của kinh điển thì bao gồm luôn tất cả những tạp niệm, những cảm giác không cần thiết, hy vọng và sợ hãi, đau khổ và hạnh phúc, những gì ta đang nếm trải cùng tất cả những hoài ức và hoài vọng. Ðối với Ðức Phật, Ma vương là ngai vàng của dòng Thích Tộc, các mỹ nữ rồi cả những giọt nước mắt của người cha già Tịnh Phạn... Còn đối với chúng ta, những người đệ tử của Ngài đang trên đường hướng tới cứu cánh giải thoát thì Ma vương có thể là tất cả những bận rộn thường nhật trong đời sống: Từ chuyện đưa con đến trường, việc hạ mình chiều lòng ông chủ, việc vệ sinh cá nhân rồi trăm ngàn thứ bận rộn khác nữa. Như đã nói tất cả chỉ là những ảo ảnh đi qua trong tâm hồn của chúng ta, nếu chúng ta biết sống tỉnh thức thì sẽ không có một ảo ảnh nào trong số đó có thể nhiễu động chúng ta và đổi lại, ta sẽ có được một nội tâm yên bình, hiểu biết, khoáng đạt và trong sáng mà chính Ðức Phật đã thể nghiệm. Tuy nói là vậy, chúng ta cũng phải nhận rằng mình đã phải mất quá nhiều thời gian cho những cuộc rong chơi của ý thức. Chúng ta khó mà thực hiện điều mình hiểu là cần thiết. Ðó chính là thái độ phản ứng mang tính tập quán của chúng ta đối với cuộc đời: Chạy đuổi theo sau để mong nắm bắt được những gì đang vuột khỏi tầm tay mình. Tôi nhớ hồi còn bé, tôi thường rất thích cái trò chơi giẫm bóng. Trong những lúc đó tôi cố gắng nhảy vào ngay giữa cái bóng của mình, nhưng quý vị cũng hiểu đó, làm sao tôi có thể thực hiện được cái ý muốn phi lý này của mình bởi lúc nào đôi chân của tôi cũng đặt ngay phía dưới chân của cái bóng cả. Cứ thể dù thất bại tôi vẫn cố hy vọng để rồi lại thất vọng. Bởi dù ở đâu và lúc nào, có ai làm được điều đó đâu chúng ta thử nghĩ lại xem, đời sống của người lớn chúng ta cũng đâu có khác gì cái trò chơi ngớ ngẩn đó của con nít. Chúng ta theo đuổi, tìm kiếm đủ mọi thứ tiền tài, danh vọng để rồi chúng ta chẳng bao giờ thực sự nắm bắt được bất cứ cái gì hết. Vạn vật và vạn sự luôn vô thường nên về hình thức cho dầu chúng ta có thành đạt được điều mình muốn thì cái ta muốn và cái ta đạt được là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Trong đời sống, chúng ta thường có hai thái độ mưu cầu hạnh phúc và trốn chạy đau khổ. Câu chuyện nhỏ trên đây về trò chơi của tuổi thơ tôi cũng giống như trường hợp ta đi tìm một thứ hạnh phúc thật sự qua những tiền tài danh vọng. Càng đuổi bắt nó ta càng dễ thất vọng và nếu có được một chút gì đó toại nguyện thì đó vẫn chưa phải là cái chúng ta thật sự đi tìm. Còn đối với đau khổ, thái độ đối kháng hoặc trốn chạy cũng chẳng khác gì ý muốn vượt khỏi cái bóng của chính mình: Ta có chạy đến đâu và bằng tốc độ nào thì cái bóng cũng vẫn ở ngay dưới đôi chân của ta. Ðau khổ là một mặt trái của đồng tiền cuộc đời, ta không thể dại khờ chối bỏ nó bằng phương cách đối kháng và trốn chạy trong mù quáng. Qua ví dụ về cái bóng, tôi muốn nhấn mạnh đến hai vấn đề quan trọng của đời sống và trong cả cuộc tu của chúng ta: Chúng ta không thể tìm được cái hạnh phúc thật sự cũng như đứa bé không thể tự do đặt chân lên bất cứ chỗ nào trên cái bóng của mình và chúng ta cũng không thể nào trốn chạy được cái đau khổ vốn là bản chất của đời sống bản thân như người ta không thể nào chạy khỏi được cái bóng của mình. Vấn đề thứ hai, hạnh phúc và đau khổ chỉ là những cái bóng nên việc chúng ta theo đuổi hay trốn chạy chúng cũng chẳng khác gì trò chơi của trẻ con hoặc người mất trí. Kết quả của hai thái độ đó chỉ là hoài công và thất vọng. Nhờ hiểu được mọi thứ chỉ là những cái bóng nên tất cả những ham muốn và sợ hãi trong chúng ta coi như được đình chỉ. Ðây chính là cứu cánh giải thoát thật sự. Và đến đây thì chúng ta cũng đã có thể nhận ra rằng từng phút tu tập đúng đắn chúng ta luôn nhận được từng giây phút giải thoát. Hành trình và đích đến ở đây coi như gắn liền nhau bởi rõ ràng là ở đâu có sự tu tập đúng đắn thì ở đó có sự hiểu biết và tỉnh thức mà tỉnh thức và hiểu biết lại là chính lý tưởng của cuộc tu./. -ooOoo- |
Chân thành cám ơn Tỳ kheo Giác Ðẳng đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 04-2001)
last updated: 01-10-2003