BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
Phật giáo Nam tông Việt Nam: Cái nhìn từ bên ngoài
Thích Huệ Giáo
Phật giáo Nam tông Việt Nam (PGNTVN) hiện
nay có hai hệ chính: hệ phái của người Khmer ở các tỉnh phía Nam của
đất nước và Phật giáo Nam tông
(PGNT) trong cộng đồng người Việt. So với
Phật giáo Bắc tông thì số lượng chùa chiền (tinh xá), tự viện, Tăng
sĩ còn rất khiêm tốn. PGNTVN bắt nguồn từ Campuchia ở thập niên
1930, do một bác sĩ chuyên ngành thú y thế danh Lê Văn
Giảng làm việc và sinh sống xuất gia tu học tại Campuchia, sau
đó khi về nước đã trở thành một vị
sư (Hòa thượng Hộ Tông) theo truyền thống Nam tông và truyền bá rộng rãi
PGNT. Có thể xem ngài là người đặt nền móng
ban đầu cho PGNTVN hiện hữu và phát triển
đến nay, bên cạnh sự nỗ lực của một
số Tăng sĩ, cư sĩ Nam tông Việt Nam. Cho đến hôm nay PGNTVN đã gần tròn 70 tuổi, phát triển cùng với khối Phật giáo các hệ phái thống nhất thành một Giáo hội hòa hợp trong hoạt động Phật sự. Về tư tưởng - học thuật: PGNTVN vẫn một lòng chung thủy với truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, gắn bó vào đời sống của mình, đời sống thực tiễn xã hội, cũng như trong thiền môn. Tại Việt Nam, PGNT thiên về tu tập thiền quán, soạn dịch kinh điển, hướng dẫn Phật tử đi thẳng vào nội dung lời dạy của Đức Phật được kết tập trong Kinh tạng Pàli. Tuy nhiên, so với các nước theo truyền thống Phật giáo Nam tông khác như: Thái Lan, Lào, Campuchia, Sri Lanka và Myanmar, Tăng sĩ PGNTVN có cơ hội tiếp cận với nhiều hệ thống giáo lý Phật giáo khác nhau. Thực tế, nền giáo dục Phật giáo nước nhà từ thấp đến cao, mọi tu sĩ Phật giáo được học cả những tư tưởng của hai trường phái chính Phật giáo. Từ đó, có thể nói rằng tu sĩ PGNTVN có cái nhìn tư tưởng của Phật Đà toàn diện hơn so với các nước Phật giáo Nam tông khác, mặc dù nền giáo dục của họ về chất và lượng có trội hơn chúng ta. Qua thực tế cho thấy, họ xác nhận vẫn bị rơi vào lổ hổng là phần lớn tu sĩ của các nước ấy bị hạn chế kiến thức đối với các hệ tư tưởng Phật giáo Phát triển, một nửa trái tim học thuật của Phật giáo. Đây là một trong những điểm đặc thù mà chúng ta có thể so sánh về PGNT giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, trong châu lục. Về thực tiễn sinh hoạt: Trên cơ sở tư tưởng tiếp thu nhiều nền giáo lý khác nhau, sự hành trì của PGNTVN đã có những nét khác biệt, có cái nhìn thông thoáng và dễ dàng hòa nhập với các hệ phái khác hơn, không câu nệ vào giới tướng, hình thức như Phật giáo Nam tông ở các nước khác. Đây là điểm đặc thù thứ hai mà chúng ta có thể thấy được, xuất phát từ nền tảng văn hóa, truyền thống, phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam. Mặc dù có truyền thống ứng phó khác nhau giữa các hệ phái, nhưng một mặt nào đó PGNTVN muốn phát triển thì phải phương tiện để hòa nhập là điểm tất yếu, chúng ta thấy rất rõ điều đó qua sinh hoạt của chư Tăng PGNTVN hiện nay. Vai trò hiện tại: Từ khi PGNT có mặt tại Việt Nam, chúng ta đã thấy rằng ngay từ đầu có một sự hòa hợp sinh hoạt, ranh giới khác biệt trong ngôi nhà chung Phật giáo giữa Nam và Bắc tông là không đáng kể. Mối quan hệ giữa chư Tăng, cư sĩ cả hai phái đã thể hiện tinh thần lục hòa đồng trụ một cách nhuần nhuyễn, nói lên một sự nhất trí và dễ dàng hưởng ứng lời kêu gọi thống nhất PGVN ngay từ ngày đầu thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trải qua hơn 20 năm, chúng ta đã thấy rõ, đây là một điểm mạnh mà tất cả những người con Phật cần phải phát huy. Cung cách biểu lộ sinh hoạt của PGNT từ nội dung đến hình thức có khác, tuy nhiên vai trò là một Tăng sĩ Phật giáo Việt Nam được xem là bất biến, không gì thay đổi, hy vọng PGNTVN càng phát huy hơn nữa để hòa nhập trong xu hướng phát triển Phật giáo trong thời đại mới cùng với xu hướng phát triển chung của đất nước. Từ những điểm trên, chúng ta có thể giới thiệu cho PGNT các nước bạn hiểu biết thêm về một nền PGNTVN đã hòa nhập vào ngôi nhà chung PGVN, vào dân tộc như nước với sữa. Mặt khác, chư Tăng Nam tông Việt Nam thấy được những điểm mạnh và những mặt hạn chế của mình để làm sao vừa không đánh mất đi lập trường của hệ phái mình, vừa có sự hòa nhập hơn nữa, hầu đóng góp cho Phật giáo Việt Nam ngày càng vững mạnh, vừa cống hiến đầy hương thơm cho dân tộc Việt. Thể hiện được những đặc trưng PGNT đang có trong thế giới Phật giáo tuy không đồng nhưng hòa. Điều này đã phần nào được thể hiện qua 70 năm tồn tại với thời gian trong dòng lịch sử Phật nước nhà, một chặng đường lịch sử xây dựng và phát triển của PGNTVN./. Trích: Nguyệt san Giác Ngộ, số 88, 07-2003 -ooOoo- |