BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
Một số đặc điểm trong sinh hoạt của Phật giáo Nam tông
Tỳ kheo Thiện Minh
Kinh điển
Nguồn kinh điển của Phật giáo Nam tông có lịch sử truyền thừa rất lâu đời trong lịch sử kết tập kinh điển Phật giáo. Nguồn tài liệu này được các vị Thánh tăng tổ chức kết tập từng thời kỳ khác nhau. Có tất cả 6 kỳ kết tập kinh văn, ba kỳ tổ chức ở Ấn Độ, một kỳ tổ chức ở Sri Lanka, hai kỳ tổ chức ở Myanmar. Kỳ kết tập lần thứ sáu ở Myanmar với kết quả là kinh điển được viết lên giấy trắng mực đen vào năm 1956, trong kỳ này có đại diện phái đoàn Phật giáo Nam tông Việt Nam tham dự. Điểm đáng lưu ý là kỳ này vẫn còn 6 vị Thánh tăng thuộc lòng Tam tạng, đó là 45 cuốn chánh tạng và 92 cuốn chú giải. Toàn bộ kỳ kết tập kinh văn này đuợc viết bằng tiếng Pàli và tiếng Myanmar. Và từ nền tảng căn bản kinh điển này, Phật giáo Nam tông truyền bá đến quốc gia nào cũng dịch từ 45 quyển chánh tạng và 92 quyển chú giải ra tiếng bản xứ của mình để y cứ tu hành. Tại Việt Nam, tạng kinh đã được Hòa thượng Thích Minh Châu phiên dịch, Luận tạng do Hòa thượng Tịnh Sự phiên dịch và Luật tạng do Hòa thượng Hộ Tông, Hòa thượng Bửu Chơn, Hòa thượng Giới Nghiêm và TT.Giác Giới phiên dịch, tuy nhiên phần chú giải các công trình đó vẫn còn khuyết và hiện nay nhiều vị giáo phẩm đang nghiên cứu để chuyển ngữ. Nếu toàn bộ Tam tạng và chú giải Pali dịch sang tiếng Việt sẽ giúp ích cho Tăng Ni một kho tàng giáo lý phong phú để nghiên cứu và ứng dụng. An cư và Dâng y Truyền thống An cư của Phật giáo Nam tông thường là an cư tại chỗ, chưa từng thấy an cư tập trung như Phật giáo Bắc tông, chắc có lẽ số lượng Tăng sĩ hiện quá ít. Tuy nhiên năm nay (2003) ở thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai đã tổ chức quy tụ chư Tăng tại một số địa điểm để học tập và thảo luận những chuyên đề căn bản nhằm giúp chư Tăng hiểu biết đường hướng hoạt của Giáo hội và Nhà nước. Trong khóa học, Ban Tổ chức có mời các vị giáo phẩm từ Trung ương Giáo hội và Ban Tôn giáo của Chính phủ đến giảng dạy và nói chuyện. Thời gian an cư là từ 16 tháng 6 âm lịch đến 15 tháng 9 âm lịch. Sau khi mãn mùa An cư kiết hạ, theo giới luật, chư Tăng có một tháng để tổ chức dâng y, từ 16 tháng 9 đến 15 tháng 10 âm lịch. Thường ở Việt Nam mỗi chùa cử hành lễ Dâng y một ngày cố định trong một tháng, luân phiên nhau từ chùa này đến chùa nọ, nên không khí mùa lễ hội tràn ngập tinh thần hoan hỷ của chư Tăng và Phật tử. Một chùa có một thí chủ dâng y hoặc là thí chủ tập thể. Ẩm thực Chư Tăng Nam tông chỉ dùng ngọ (dùng ngày một buổi, không ăn sau 12 giờ trưa), thường sáng ăn cháo, trưa dùng ngọ (bữa cơm chính trong ngày). Điểm chú ý trong truyền thống Phật giáo Nam tông là chư Tăng không ăn chay thuần túy như Phật giáo Bắc tông, mà đuợc phép dùng mặn theo luật Tam tịnh nhục. Nghĩa là thực phẩm mặn phải hợp thời, không thấy, không nghi và không nghe (thấy) sinh vật bị giết vì mình. Luật Tam tịnh nhục được ghi chép trong Luật tạng Nam tông. Đa số những quốc gia tu theo truyền thống Nam tông cũng thực hành luật Tam tịnh nhục này. Tam y và nhất bát Tam y nhất bát là hình thức truyền thừa từ thời Đức Phật đến ngày nay. Phật giáo Nam tông các nước đều gìn giữ truyền thống này một cách nghiêm túc và nhất quán. Tam y là y Tăng già lê, y nội và y vai trái, bình bát là dụng cụ để chư Tăng trì bình khất thực mỗi ngày, thậm chí chư Tăng sử dụng bình bát để độ ngọ. Đức Phật cũng từng ví con chim sống được nhờ cái mỏ, bậc xuất gia sống được nhờ bình bát. Tài sản của bậc xuất gia bên ngoài có tam y và bình bát, bên trong có Giới Định Tuệ. Trong chùa chư Tăng mặc y hở vai phải, đi ra ngoài mặc kín mình. Y Tăng già lê thường sử dụng trong những đại lễ như lễ xuất gia, lễ Dâng y v.v... Điểm chú ý là y phục truyền thống Nam tông khác biệt với Bắc tông, sự khác biệt này chắc có lẽ khi Phật giáo du nhập vào Trung Hoa. Kiến trúc và tôn thờ Kiến trúc Phật giáo Nam tông cho đến tận ngày nay vẫn còn chưa nhất quán, mỗi chùa mỗi vẻ, hình như vẫn chịu ảnh hưởng nặng hình thức kiến trúc của Thái Lan, Myanmar và Campuchia. Điều đó không có nghĩa là không có tính dân tộc. Các chùa (tinh xá) Thích Ca Phật đài, Phước Hải, Bửu Long, Bửu Thắng, Kỳ Viên, Pháp Quang vẫn có đường nét kiến trúc khá độc đáo, tính dân tộc hòa quyện trong đường nét kiến trúc đó. Nói cụ thể, Thích Ca Phật đài, tuợng Phật lộ thiên là một Đức Phật rất Việt Nam, có thể nói đó là một biểu tuợng rất tuyệt vời trong giới Phật giáo Việt Nam. Cổng tam quan và bảo tháp, tuy bề thế thì không lớn như công trình khác, nhưng thời điểm xây dựng thì quả là một công trình đáng ghi nhận và mang tính dân tộc đậm đà. Điểm lôi cuốn chúng ta là tính dân tộc đã thể hiện trong những những công trình kiến trúc ấy. Cách tôn thờ trong các chùa, tinh xá theo truyền thống Nam tông, thường ở chánh điện chỉ tôn trí Đức Phật Thích Ca trong nhiều tư thế ngồi, đứng, nằm và đi bát. Nguời Phật tử Nam tông chỉ tôn thờ duy nhất Phật Thích Ca trong nhà. Phật giáo Nam tông là một trong 9 hệ phái trong ngôi nhà GHPGVN Phật giáo Nam tông thành lập Giáo hội Tăng già Nguyên thuỷ vào năm1957, hoạt động rất tích cực trong vòng 24 năm, đến năm 1981 trở thành một thành viên trong GHPGVN và tồn tại cho đến ngày nay. Sự hiện diện của Phật giáo Nam tông Việt Nam là một sự góp phần không nhỏ vào việc xây dựng diện mạo Phật giáo VN thế kỷ XX Trích: Nguyệt san Giác Ngộ, số 88, 07-2003 -ooOoo- |