BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
Những Nhà Sư Phật giáo Nguyên thủy truyền
giáo đầu tiên
ở Sài gòn - Gia định
Tỳ kheo Thiện Minh
Những người Việt Nam
đầu tiên phát động phong trào nghiên cứu Phật giáo Nguyên thủy có thể
nói là cụ Nguyễn Văn Hiểu, Văn Công Hương và Bác sĩ Lê Văn Giảng. Các
người này là những nhà nho, có học thức thời bấy giờ, vì tuổi đời chồng
chất và ngán ngẩm thế sự nên tìm đến sự êm dịu , thanh tịnh và mát mẻ
của tâm hồn bằng con đường sách vỡ. Chính quyển sách "La Sagesse de
Boudha" của người Đức viết bằng tiếng pháp về Phật giáo đã làm chuyển
hóa những tâm hồn vĩ đại đó. Thế rồi ba tâm hồn này tự hứa hẹn nhiệm vụ
cho nhau để mở đạo pháp Nguyên Thủy tại Việt Nam, nhiệm vụ đó là:
Trách nhiệm đã có, ngày chia tay đầy cảm động, trời đất dường như cũng đồng cảm với ba con người vĩ đại này. Ai cũng có trách nhiệm với công việc của mình nên không bao lâu hoài bão và tâm nguyện của các vị này thành tựu. Từ ngày chia tay bác sĩ Lê Văn Giảng trở về Nam Vang tầm sư học đạo ,sôi mài kinh sử. Với chút vốn liếng hiểu biết về đạo pháp, bác sĩ chia sẻ cho những người bạn của mình. Nào có ngờ đâu, Phật pháp nhiệm mầu nên những người bạn của bác sĩ hoan hỷ đến mức độ bỏ tất cả trần duyên cuộc sống xuất gia theo Phật giáo Nguyên thủy. Người đầu tiên tu theo Phật giáo nguyên thủy là Hòa thượng Thiện Luật, thế danh Ngô Bảo Hộ, sinh năm 1898 tại Sa Đéc, xuất gia Sa di năm 1934 và xuất gia Tỳ kheo năm 1937. Người thứ hai là Hòa thượng Huệ Nghiêm, thế danh Hồ văn Viên, sanh tại Sa Đéc, xuất gia năm 1938. Người thứ ba là hòa thượng Bửu Chơn, thế danh Phạm văn Tông sinh 1914 tại Hội An, Sa Đéc, xuất gia ngày 19 tháng 7 năm 1940. Người thứ tư, Hòa thượng Hộ Tông, thế danh Lê văn Giảng sinh 1893 quận 7, Phnom- Penh, xuất gia ngày 15 tháng 10 năm1940. Tuy nhiên trước đó cũng có một số nhà sư xuất gia tu theo Phật giáo Nguyên Thủy nhưng những vị này là người việt gốc Khơme ở sáu tỉnh miền Tây nam bộ. Cố nhiên những vị này cũng có công rất lớn trong giai đoạn đầu của Phật giáo Nguyên thủy, đó là sư Miên, sư Sanh, sư Thạnh (trụ trì Chùa Sùng Phước) và sư Bảy Tiệm. Song song với những nhà sư đó là nhóm Phật tử Việt kiều ở Campuchia, họ cũng là những người phát huy phong trào nghiên cứu đạo Phật nguyên thủy và truyền bá chánh pháp. Thầy Tám Học là người Phật tử có công rất lớn chuyển đổi ngôi chùa Sùng Phước ở Nam Vang thành ngôi chùa của Phật giáo Nguyên Thủy đầu tiên. Chính địa điểm này là trung tâm đầu tiên để nhóm cư sĩ Phật tử hội họp bàn thảo về đạo pháp. Ban dịch thuật lần đầu được thành lập tại đây để dịch những kinh sách cần thiết giúp ích Phật tử việt Nam hiểu về đạo Phật Nguyên thủy. Nhóm dịch thuật này do Cư sĩ Lê Văn Giảng (nay là Hòa Thượng Hộ Tông ) làm trưởng ban. Trong số này có Thầy Sáu Hoa, thầy Ba Diên và thầy Ba Lý là những nhà dịch thuật rất có tầm cỡ, Thầy Ba Lý dịch nhiều bài kinh trong quyển Nhật tụng bằng lối văn vần bất hủ như tiểu sử Phật Thích Ca, kinh Phật Nhập Níp bàn, kinh Vô Thường Khổ Não, Vô Ngã. Và cũng chính nhóm dịch thuật này thành lập tạp chí Ánh Sáng Phật pháp đầu tiên để phổ giáo lý cho người Việt Nam. Nhờ hoạt động Phật pháp tốt nên đã gây tiếng vang rất xa, chẳng bao lâu nhiều nhà trí thức đến cộng tác và hỗ trợ cho công việc truyền bá Phật pháp về Việt Nam. Trong số những người đến tham gia có ông Sáu Tông sau này xuất gia trở thành Hòa Thượng Bửu Chơn, một vị cao tăng đóng góp rất nhiều công trình cho Phật giáo Nguyên Thủy tại Việt Nam trong giai đoạn đầu. Về phía cụ Nguyễn Văn Hiểu thì cố công tìm đất xây chùa, ông tìm một khu đất khá lý tưởng và rất thích hợp cho những vị Sa môn chân tu thiền định, đó là chùa Bửu Quang ngày nay. Còn nỗi hoan hỷ nào hơn khi hoài bão và lý tưởng của mình đã thành tựu. Lại nữa hiện nay có nhiều người Việt Nam đã tu theo Phật giáo Nguyên Thủy, nên ông lập tức viết thư gởi cho người bạn của mình là bác sĩ Lê Văn Giảng tức Hòa Thượng Hộ Tông nên nghĩ đến việc truyền đạo về Việt Nam. Hòa Thượng lúc này bận việc khảo cứu kinh điển và dịch quyển kinh Nhật Tụng để người Việt tụng niệm công phu tối và sáng. Hòa Thượng bàn lại chuyện này với Hòa Thượng Thiện Luật và được sự động viên của Phật tử Việt Kiều ở Nam Vang nên Hòa Thượng Thiện Luật về Việt Nam tiếp nhận chùa Bửu Quang đầu tiên. Lần đầu tiên ở Việt Nam có một vị danh tăng tướng mạo trang nghiêm y bát chỉnh tề đi vào xóm khất thực mỗi buổi sáng ở ngoại ô thành phố. Cử chỉ và việc làm đó quá lạ đối với dân Việt Nam, nên óc tò mò của họ, mỗi buổi chiều dân chúng kéo nhau vào chùa Bửu Quang vấn đạo Hòa Thượng Thiện Luật. Nhờ vậy không bao lâu có được một số Phật tử nồng cốt biết cung kính chư Tăng, biết bố thí và tham thiền. Sở dĩ Hòa Thượng thành công bước đầu như vậy phần lớn cũng nhờ cụ Nguyễn Văn Hiểu và một số bạn bè của cụ. Thế rồi hình ảnh đẹp đó không tồn tại được bao lâu rồi Hòa Thượng phải trở về lại Nam Vang. Cuối cùng chùa Bửu Quang lúc này do cư sĩ tạm thời quản lý. Mặc dù tâm đạo của họ còn non nhưng niềm tin và sự tin tiến của họ vững chãi. Bận rộn nhiều công việc ở trần thế nhưng ngày nào họ cũng đến tụng kinh lạy Phật và tham thiền như ông Hiểu, ông Hương... Khi cư sĩ Lê Văn Giảng xuất gia thì lúc bấy giờ cơ duyên về việc hoằng pháp ở Việt Nam đã chính muồi. Chùa chiền thì cụ Nguyễn Văn Hiểu đã xây dựng, chư Tăng lúc bấy giờ đã xuất gia hơn năm vị, kinh sách dịch khá nhiều. Theo lời mời của cụ Nguyễn Văn Hiểu, phái đoàn chư tăng gồm có Hòa Thượng Thiện Luật , Hòa Thượng Huệ Nghiêm và Hòa Thượng Hộ Tông lên đường sang Việt Nam khai sáng Phật pháp. Ngôi chùa các ngài dừng chân là chùa Bửu Quang (Ratana) . Ngôi chùa này là ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo Nguyên thủy sau ngôi chùa Sùng Phước ở Nam Vang. Truyền thống chư Tăng Nam tông mỗi sáng các ngài điều đi hóa duyên khất thực để cho Phật tử gieo duyên lành trong chánh pháp. Hình thức khất thực rất đặc biệt vừa giới thiệu Phật tử hình ảnh cao đẹp của chư Phật trong quá khứ, vừa nêu cao nếp sống dung dị của chư Tăng và gần gũi với đồng bào Phật tử. Buổi sáng khất thực còn buổi chiều thuyết pháp giảng đạo dạy thiền cho Phật tử, nhất là nhóm Phật tử của cụ Nguyễn Văn Hiểu. Nhóm Phật tử này tuy ít nhưng là thành phần trí thức, do đó họ rất dễ dàng hấp thụ đạo pháp. Nhờ đạo phong, tài đức và lối thuyết giảng của các ngài cộng thêm sự truyền đạt lại của nhóm trí thức đạo pháp cho những người bạn và thân bằng quyết thuộc. Thế là chẳng bao lâu số Phật tử đến quy y theo Phật giáo Nguyên thủy rất đông như Gia đình bà Cả và ông Xã Hứa, ông Cả Ngưu ở Phú Nhuận, ông Hương Giáo Thêm (về sau, xuất gia và là trụ trì chùa Giác Quang ), ông Cựu Thông Phán, Phạm Côn Lợi, ông Hương, Quyến, Núi, Cầm và ông Nhân... Càng ngày số tín đồ đông đảo nên mỗi buổi chiều là các ngài luân phiên nhau thuyết giảng Phật pháp và mở lớp dạy giáo lý cũng như hướng dẫn Phật tử pháp môn thiền. Không khí mỗi ngày ở tổ đình Bửu Quang lại thêm sinh động. Lúc này Hòa Thượng Bửu Chơn thì đang trong giai đoạn tu thiền ở rừng trên Nam Vang, cho nên vào mùa hạ thì cụ Nguyễn Văn Hiểu thỉnh Hòa Thượng xuống dạy thiền và giảng đạo cho Phật tử. Sau đó Hòa Thượng Huệ Nghiêm hóa duyên ở Phú Nhuận và thuận duyên nên ngài được Phật tử hỗ trợ xây một trung tâm thiền định nhỏ để tự tu và hướng dẫn Phật tử tu thiền. Đây là trung tâm thiền định đầu tiên (nay không còn nữa), nhờ có trung tâm thiền định nên Phật tử rất thích đến đây hành đạo để cho tâm tư thanh thản. Về phía cư sĩ, ông Dương Văn Thêm nhờ hấp thụ Phật pháp do phái đoàn truyền đạo đầu tiên ở chùa Bửu Quang nên ông cảm thấy tuổi đời chồng chất và ngán ngẩm thế sự và rồi ông quyết định cất cốc tu tại gia ở Bình Đông. Chẳng bao lâu duyên lành hội đủ, ông xuất gia ở Nam Vang và về cốc ở Bình Đông tiếp tục tu hành. Cốc của ngài ở Bình Đông sau này trở thành chùa Giác Quang là một trung tâm truyền bá Phật pháp rất mạnh trong giai đoạn đầu. Tại đây nhiều Phật tử đã quy y trở thành cận sự nam và cận sự nữ hộ trì Phật giáo Nguyên thủy, có rất nhiều vị tăng tài xuất gia tại ngôi chùa này và phụ các ngài trong công cuộc xây dựng ngôi nhà Phật giáo Nguyên thủy. Thế cho nên phái đoàn truyền giáo do Hòa Thượng Hộ Tông làm trưởng đoàn du nhập Phật giáo Nguyên thủy vào Việt Nam năm 1939 là một thành tựu lớn. Mặc dù lúc đó người ta chỉ thấy có một vài nhà sư áo vàng mỗi buổi sáng khất thực trên đường phố, ấy vậy mà ngày nay nó đã trở thành một tổ chức hệ thống của Phật giáo Nam Tông được nhà nước công nhận.
(Tuần báo Giác Ngộ, số 132, 7 tháng Tám, 2002) |
last updated: 02-02-2004