[BuddhaSasana]

[Unicode Fonts]


       
bodhgaya.jpg (28362 bytes)

Ðường về xứ Phật

Minh Châu, Thiện Châu, Huyền Vi và Pàsadika


Lời Giới Thiệu

Năm 1961, hai Thầy Huyền Vi và Thiện Châu đến Nalanda, và năm 1962 chúng tôi cùng nhau tổ chức đi chiêm bái các Phật tích Ấn Ðộ.

Chúng tôi đi với hai mục đích chính: Thay mặt toàn thể Phật tử Việt Nam chiêm bái các Phật tích và viết một quyển ký sự để giới thiệu các Phật tích cho Phật Tử Việt Nam được biết.

Ði đến Phật tích quan trọng nào, chúng tôi cũng thay mặt toàn thể Phật tử Việt Nam đảnh lễ cúng dường và cầu chúc Phật gia hộ cho Phật tử Việt Nam và dân chúng Việt Nam sớm được thanh bình an lạc. Ði đến đâu, chúng tôi cũng giới thiệu Phật tử Việt Nam, Phật giáo Việt Nam bằng những cuộc nói chuyện, diễn giảng và tặng ảnh các ngôi chùa chính Việt Nam như Thiên Mụ, Xá Lợi, Ấn Quang v.v...

Quyển "Ðường về xứ Phật" ra đời là để thực hiện mục đích thứ hai, giới thiệu các Phật tích cho Phật tử Việt Nam và dân chúng Việt Nam. Chúng tôi đã đi thăm các Phật tích sau đây: Vương-xá, với núi Linh Thứu, động Kỳ-xà-quật, Trúc-Lâm tịnh xá, Bồ đề đạo tràng chỗ Ðức Phật đã thuyết pháp lần đầu tiên, Song lâm với pho tượng đức Phật nhập Niết Bàn khổng lồ, Lâm-Tỳ-ni ngôi vườn lịch sử đánh dấu nơi đức Phật đản sinh. Xá-vệ chỗ đức Phật ở lâu nhất và thuyết những kinh rất quan trọng, Sanchi với những tháp đồ sộ và cổ kính nhất, Ajanta, Ellora, những hang động Phật giáo có những bích họa được cả thế giới kính phục, động Elephanta và Kanheri, động sau này là động xưa nhất, chỗ tu hành thanh tịnh của chư Tăng. Từ Kanheri chúng tôi về lại Cực Phật học Nalanda nơi mà có thời hơn 10.000 tăng sĩ dự học, một Ðại học đường Phật giáo đã đào tạo ra Ngài Huyền Trang người Trung Hoa, và Ngài Ðại Thặng người Việt Nam. Chúng tôi cũng không quên nói đến Tân Phật học viện Nalanda chỗ chúng tôi ở, nghiên cứu và dạy đạo Phật.

Mỗi Phật tích nào, chúng tôi cũng tả tỉ mỉ các di tích quan trọng, ghi chép một vài nhận xét, cảm tưởng cá nhân, nhắc lại những tích truyện quan trọng nhất trong khi Phật tại thế, tìm hiểu lịch sử Thánh tích ấy và dịch những bài ký sự của hai Ngài Pháp Hiển và Huyền Trang, để mỗi chương tả mỗi Thánh tích được linh động hơn, chúng tôi cho in rất nhiều ảnh chụp tại chỗ, và những nhiếp ảnh viên cũng không ai xa lạ hơn là những tác giả của tập ký sự này. Và như vậy độc giả sẽ có cảm tưởng và cảm giác chính tự mình đích thân chiêm bái và viếng thăm các Phật tích ấy.

Cùng đi với chúng tôi có vị sư người Ðức tên là Pàsadika, một vị sư có rất nhiều cảm tình với Phật tử Việt Nam và rất ưa thích nghe chúng tôi tụng kinh tiếng Việt Nam tại các Thánh tích. Vị này không những cùng với chúng tôi chia ngọt sẻ bùi trong cuộc chiêm bái có tính cách lịch sử này mà còn cộng tác với chúng tôi trong việc trước tác tập ký sự này nữa. Vì vậy đặc điểm của tập "Ðường về xứ Phât" là một mục đích là để các Phật tử Phật và tai nghe mắt thấy những Phật tích lịch sử này.

Tiếp theo lời giới thiệu, chúng tôi xin mời toàn thể Phật tử Việt Nam và những người bạn của Phật tử Việt Nam cùng với chúng tôi đi chiêm bái các Phật tích.

Sài gòn, ngày 22-7-1964
Thích Minh Châu
Phó Viện trưởng.
Viện Cao Ðẳng Phật học Sài gòn.


[Mục lục] [Chương kế]

(Chân thành cám ơn anh HDC đã có thiện tâm giúp tổ chức đánh máy vi tính -- Bình Anson, 12/99)


[Main Index]

Last updated: 29-12-1999

Web master: binh_anson@yahoo.com
binh_anson@hotmail.com