BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Ðường vào nội tâm
Thích nữ Trí Hải


16. CẢI HÓA NANDA

Ðôi khi vì mục đích giáo hóa, đức Thế tôn cũng sử dụng thần thông, như trường hợp cải hóa Nanda, người em cùng cha khác mẹ với ngàì.

Lúc còn tại gia, Nanda có người vợ mới cưới rất xinh đẹp thuộc dòng Sakya. Một hôm Phật về thăm và khi ngài từ giã, do mãnh lực từ tâm nơi ngài, Nanda đã đỡ lấy cái bát của ngài và định theo tiễn chân một đoạn. Nào ngờ, họ tới cổng tinh xá lúc nào không hay. Lúc ấy chư tăng đang tọa thiền trong vườn cây khả ái, bầu khí thanh tịnh trang nghiêm gây chấn động sâu xa trong tâm Nanda. Ông cao hứng xin Phật cạo tóc tu luôn. Phật hứa khả.

Sau một thời gian, ông đâm ra thẫn thờ, buồn bã, không thích tọa thiền, khất thực nữa. Người ông càng ngày càng bơ phờ hốc hác, râu tóc mọc dài, ông sống như một kẻ xa lạ giữa chúng tăng. Bằng hữu hỏi thăm, ông thú thực: "Ðời sống phạm hạnh không làm cho tôi hoan hỉ. Tôi muốn hoàn tục." Các tỳ kheo đến bạch Phật, ngài bèn cho gọi Nanda đến hỏi:

- Nanda, có phải ngươi không thích sống đời phạm hạnh nữa?

- Dạ phải, bạch Thế tôn.

- Tại sao thế, Nanda?

- Bạch Thế tôn, con có người vợ xinh đẹp mới cưới. Khi con ôm y bát theo hầu Thế tôn, nàng đang đứng tựa cửa, tóc mới chải nửa đầu, âu yếm nhìn con mà bảo: "Quý tử hãy mau về." Bạch Thế tôn, con không thể nào quên được hình đáng và giọng nói của nàng lúc ấy.

Ðức Phật cầm lấy tay Nanda. Bỗng nhiên, tôn giả thấy mình đi theo Phật, từ từ thăng hư không, càng lúc càng nhanh hơn cả phi cơ phản lực. Ngang một khu rừng bốc cháy, Nanda trông thấy những con khỉ bị cháy đuôi, mặt mày nhăn nhó trông rất buồn cười. Nanda cùng Phật đến cung trời Ðế thích. Tại đấy, trong những khu vườn khoái lạc, có vô số thiên nữ tuyệt đẹp đang hái hoa kết thành chuỗi mà đeo cho vị vua trời, trông thật là một cảnh dập dìu tài tử. Nanda đang ngây ngất trước vẻ mỹ miều của các nàng tiên, thì đức Thế tôn đã dắt tay ông trở về trần thế, đến vườn Cấp cô độc. Thế tôn hỏi:

- Nanda, ngươi thấy sao? Các thiên nữ trên cung trời so với người con gái ngươi tưởng nhớ, ai đẹp hơn ai?

- Bạch Thế tôn, so với những thiên nữ kia, thì nàng con gái dòng Sakya trong nước này chỉ như con khỉ cháy đuôi mà con đã thấy.

- Vậy, Nanda, hãy hoan hỉ ở lại tu tập, ta sẽ đền bù cho ngươi năm trăm thiên nữ.

Nanda phấn khởi thưa:

- Bạch Thế tôn, nếu Thế tôn hứa cho con năm trăm thiên nữ, thì con rất hoan hỉ ở lại.

Các tỳ kheo khi biết Nanda vì muốn thọ hưởng khoái lạc cõi trời mà tu tập, bèn chế riễu tôn giả là kẻ làm mướn, kẻ buôn bán. Họ dần dần lánh xa tôn giả. Nanda cảm thấy tủi nhục, bèn xin Phật rút vào rừng sâu độc cư thiền tịnh. Trải qua một mùa an cư, tôn giả chứng quả A La Hán. Sau khi chứng quả, tôn giả trở về bạch Phật:

- Bạch Thế tôn, con xin giải tỏa cho Thế tôn lời hứa đền bù năm trăm thiên nữ.

- Lành thay Nanda, nay ngươi đã chứng quả, nhờ vậy ta được giải thoát khỏi lời hứa đền bù thiên nữ cho ngươi. Chư thiên cũng đã báo trước cho ta việc này.

(Thuật theo Kinh Phật tự thuyết - Bản dịch của Hòa thượng Minh Châu)

-ooOoo-

 

17. VUA ĂN THỊT NGƯỜI

Thuở ấy Bồ tát ra đời tại kinh đô xứ Kuru, làm thái tử với tên Sutasoma. Khi thái tử đã đến tuổi trưởng thành, vua cha cho đi du học. Cùng du học với thái tử, có hàng trăm đông cung thái tử của các tiểu quốc khác thuộc xứ Ấn độ, trong đó có bạn thân nhất là thái tử con vua xứ Ba la nại. Chẳng bao lâu thái tử Sutasoma đã tỏ ra bậc xuất chúng, thầy bạn đều kính nể. Các vị hoàng tử khác bỏ thầy, xin thọ giáo cùng thái tử Sutasoma. Khi tất cả thái tử đã thành tài trở về nối ngôi vua, họ đều suy tôn Sutasoma là bậc quốc sư của họ và hứa sẽ vâng theo tất cả những lời giáo huấn của thái tử ấy. Sutasoma tổ chức một tiệc chia tay trước khi mọi người trở về bổn quốc lãnh đạo quốc dân. Trong tiệc ấy, thái tử khuyên các vì vua tương lai hãy giữ ngũ giới, tuân hành lễ bố tát mỗi nửa tháng, và cai trị với đức công bình bác ái, đặt quyền lợi toàn thể lên trên quyền lợi và sở thích bản thân. Sau khi mọi người làm lễ long trọng tuyên hứa, thái tử cùng họ chia tay để về bổn quốc. Từ đấy, khi các vua có vấn đề khó giải đều gởi thư đến hỏi ý kiến của thái tử. Thỉnh thoảng kèm theo thư là những gói quà biểu hiện lòng thương mến của họ đối với Sutasoma.

Nhưng có một vị vua, người bạn đầu tiên của thái tử tại khóa huấn luyện ngày trước, bây giờ đâm ra lêu lổng. Không bữa ăn nào của ông mà không có thịt, và mặc dù ông cũng tuân theo lời dạy của thái tử Sutasoma giữ kỳ bố tát mỗi nửa tháng và ăn chay vào ngày rằm mồng một, vua này không thể quên thịt đến nỗi người nấu bếp của ông phải làm sẵn con gà con nai gì đó để khi 12 giờ đêm điểm qua ngày mồng hai hoặc mười sáu mỗi tháng, là phải dọn ra cho vua ăn ngay. Một hôm phần thịt để dành bị chó trong cung tha mất, tên đầu bếp gần đến giờ phát giác đã mất thịt, hoằng hốt bối rối y bèn nẩy ra một ý kiến, và vội chạy ra chỗ giam tử tù sắp hành quyết, y xẻo một miếng thịt đùi của một tử tội đem vào, cắt thái, bỏ gia vị nấu đem dâng vua. Khi 12 giờ đã điểm, Vua ngồi vào bàn tiệc, xung quanh có nhiều cận thần túc trực. Vua cầm miếng thịt đùi người lên ăn. Vừa bỏ vào miệng, vua bỗng nghe một chấn động rung chuyển tất cả thớ thần kinh trong người, đảo lộn cả cơ thể nhà vua. Tại sao vậy? Tại vì trước đây trong tiền kiếp vừa qua, vua là một quỷ Dạ xoa đã ăn bộn thịt người, cho nên bây giờ vua thấy khoái cảm tận tủy sống.

Nhưng vua nghĩ nếu im lặng ăn thì có lẽ tên đầu bếp sẽ không chịu nói đây là thịt con gì, như vậy làm sao vua biết được? Bởi vậy vua giả vờ nôn ọe ra một miếng. Tên đầu bếp đứng bên biến sắc, nhưng vội trấn tỉnh lại và tâu: "Tâu bệ hạ, bệ hạ cứ ăn đi, không sao đâu ạ ". Vua cho mọi cận thần lui về nghỉ, rồi bảo tên đầu bếp: "Ta biết là không sao đâu. Nhưng thịt con gì vậy?" - Tâu bệ hạ cũng như thịt mọi ngày. - Nhưng, ta nghe có mùi khác. - Tâu bệ hạ, có lẽ hôm nay thần nấu ngon hơn. - Nhà ngươi bỏ cùng một thứ gia vị như mọi ngày chứ? Tên đầu bếp yên lặng lúng túng. Vua giặc: - Nói thật đi, không thì nhà ngươi sẽ chết. Tên đầu bếp đành nói thật, sau khi khẩn khoản xin vua tha mạng sống. Nhưng lạ thay , khi nghe xong nhà vua bảo: - Ðừng nói cho ai biết. Từ nay, cho ngươi ăn phần thịt của ta, và hãy nấu thịt người cho ta ăn. - Tâu bệ hạ... việc ấy ... kẻ hạ thần thấy thật là khó khăn. - Ðừng sợ,không khó chi cả. - Làm sao kẻ hạ thần có thể kiếm ra thịt người mãi được? - Há chẳng phải trong ngục thất luôn luôn có tù nhân hay sao? Tên đầu bếp làm theo lệnh ấy.

Khi hết cả tù nhân để lấy thịt, y lại tâu vua. Vua bảo: - Ngươi hãy ném một bao tiền vàng ra ngoài đường, rồi chực ai lượm thì bắt khép tội trộm, phải tử hình. Tên đầu bếp làm theo. Dần dần dân chúng không còn ai dám nhìn đến bạc vàng hay bất cứ gì rơi giữa đường nữa. Tên đầu bếp không kiếm được kẻ trộm để giết, y tâu vua. Vua bảo: - Nửa đêm, vào giờ giới nghiêm, người ta tấp nập đi về nhà. Ngươi hãy núp ở một xó nào đó, đánh gục một người mà lấy thịt. Từ hôm ấy, ngày nào cũng có thây người chết nằm sóng soài khi chỗ này, lúc chỗ khác. Dân chúng kêu than, kẻ mất cha người mất mẹ, anh em, chị em. Toàn dân sống trong hãi hùng khiếp sợ, bảo nhau: "Chắc hẳn có con sư tử hay con cọp gì đó đã ăn thịt những nạn nhân".

Nhưng khi khám xét những tử thi, họ nhận ra rằng trên mỗi tử thi đều có vết dao xẻo thịt để lại vết thương mở rộng. Họ kinh ngạc kêu lên: "Quái lạ! Chắc chắn phải có người ăn thịt người!" Mọi người đổ xô đến cung vua khiếu nại: - Tâu bệ hạ, trong thành có một kẻ cướp ăn thịt người. Xin bệ hạ hãy cho bắt tên giặïc ấy. - Làm sao ta biết nó là ai được? Chẳng lẽ ta phải đích thân tuần hành quanh phố thị hay sao?"

Dân chúng bảo nhau: - "Nhà vua không lưu ý gì đến việc nước việc dân. Ta hãy tới quan tể tướng". Họ đi tới quan tể tướng yêu cầu ngài phải bắt cho được tên cướp. Quan trả lời: "Hãy chờ bảy ngày, ta sẽ giao thủ phạm cho các ngươi". Quan cho dân chúng giải tán, rồi triệu tập các sĩ quan dưới quyền lại bảo: - Hỡi các sĩ quan, trong thành phố có một tên cướp ăn thịt người. Các ông phải phục kích nhiều chỗ để bắt tên ấy.

Các sĩ quan tuân lệnh, và từ đấy họ bao vây toàn thành phố. Khi ấy tên đầu bếp đang núp trong một lỗ tường của một ngôi nhà. Y giết một phụ nữ và bắt đầu bỏ những miếng thịt tươi của bà ta vào đầy giỏ. Các sĩ quan túm bắt y, trói tay y lại và la lên " Ðây rồi, đã bắt được tên cướp ăn thịt người rồi". Ðám đông vây quanh họ. Tên đầu bếp bị đánh đập túi bụi, bị cột giỏ thịt người lủng lẳng vào cổ và mang đến trước vị tể tướng. Khi thấy y, vị tể tướng nghĩ: "Có thể nào tên nầy lại ăn thịt nguời, hay y chỉ trộn chung thịt khác để bán? Hay y giết người dưới một mệnh lệnh của một người khác?" Ông cho mở trói và hỏi cung tên đầu bếp. Y khai thật. Do đó, quan tể tướng sai trói y thật chặt lại như cũ và cùng mọi người đi thẳng tới cung vua.

Suốt ngày hôm dó nhà vua nhịn đói chờ đợi tên đầu bếp. Càng về chiều vua càng sốt ruột. Bỗng nghe huyên náo ngoài cổng thành, nhìn ra vua thấy tên đầu bếp yêu quí đang bị trói lôi xềnh xệch, trên cổ đeo lủng lẳng giỏ thịt người. Biết mọi việc đã bại lộ, nhưng vua thu hết can đảm leo lên ngai vàng như thường lệ để thiết triều, quan tể tướng đến gần và khởi sự chất vấn nhà vua:- Tâu bệ hạ, phải chăng tên đầu bếp này được lệnh bệ hạ sai ra đường rình giết người để lấy thịt về cho bệ hạ? - Phải đấy, ta ra lệnh cho nó đấy. Thế thì tại sao ngươi phạt nó, khi nó chỉ làm theo lệnh của ta? Nghe vậy vị tể tướng nghĩ thầm: "Thì ra chính miệng nhà vua đã thú tội rồi đấy. Ồ, thật kinh khủng. Không ngờ lâu nay vua vẫn ăn thịt người! Ta phải làm cho vua chấm dứt việc ấy!" Rồi quan bảo vua: - Tâu bệ hạ, đừng làm thế nữa, bệ hạ không nên ăn thịt người. -Này tể tướng, ông nói gì đấy? Ta không thể bỏ việc ấy được nữa. - Tâu bệ hạ, nếu bệ hạ không bỏ việc ấy thì bệ hạ sẽ tiêu ma cả vương nghiệp, cả bản thân bệ hạ. - Dù vương nghiệp ta có tiêu tan, ta cũng đành. Ta không bỏ được." Khi ấy quan tể tướng muốn cho vua sáng mắt, bèn kể một câu chuyện:

Ngày xưa, trong biển lớn có một con cá khổng lồ sinh sống, tên nó là Kình ngư. Tất cả cá trong biển đều thần phục Kình ngư, tôn Kình ngư làm ngư vương, vua các loài cá. Mỗi sáng chiều đều có từng bầy cá đông đúc đến vấn an Ngư vương. Ngư vương lâu nay vẫn ăn rong biển để mà sống, một thứ rong khổng lồ mọc dưới đáy biển từng khối lớn bằng cả cụm rừng. Một hôm Ngư vương ăn nhằm một con cá mắc trong cây rong. Nghe mùi vị ngon đặc biệt, Ngư vương lấy ra khỏi miệng xem là cái gì, thì ra là một miếng cá. Ngư vương nghĩ, "Thế mà lâu nay ta thật ngu ngốc quá đi thôi. Ta chưa từng ăn thứ này bao giờ. Từ nay, mỗi sáng chiều khi bầy cá tới thăm ta, ta sẽ ăn bớt một vài chú cá, ăn một cách thầm lặng kín đáo nhu mì, vì nếu ta ăn chúng một cách lộ liễu, ồn ào, thì không còn chú nào dám bén mảng tới đây mà thăm viếng nữa". Bởi thế Ngư vương nằm dài coi bộ rất hiền lành vô hại mỗi khi bầy cá tới thăm, nhưng chờ lúc chúng kéo nhau ra về, có con nào bơi chấm lẽo đẽo sau cùng thì Ngư vương thộp ngay để ăn thịt. Khi bầy cá phát giác quân số bị giảm thiểu lần lần, thì bắt đầu một cuộc điều tra xem mối nguy từ đâu tới. Một hiền sĩ trong bọn cá bỗng lưu ý đến Ngư vương: "Ta phải dò chừng tên quỷ quyệt ấy . Khả nghi lắm". Thế rồi khi bầy cá đến vấn an Ngư vương, hiền sĩ núp sau mang tai Ngư vương để quan sát. Quả nhiên y bắt gặp Ngư vương thộp những chú cá chấm sau cùng. Vị hiền sĩ bèn thông báo cho bầy cá khiến ai nấy đều kinh hoằng bỏ chạy. Từ đấy không ai tới gần Ngư vương nữa. Nhưng Ngư vương thì vì ăn quen bén mùi nên không thiết gì đến rong rêu nữa. Ðêm ngày y chỉ mơ tưởng đến những chú cá béo ngấy ngon lành. Y gầy hẳn người vì đói bụng.

"Quái! chúng đã chết tiệc cả rồi hay sao? Ði đâu mất, những con cá ngon ấy?" Ngư vương đói quá thờ thẩn như kẻ mất hồn. Y không thấy bóng đáng một chú cá nhỏ nào suốt mấy hôm liền. Y lội đi tìm, và gặp một ngọn núi lớn. Y thầm nghĩ : "có lẽ bọn cá sợ ta nên núp sau cái núi này. Ta phải bao vây để bắt chúng ". Thế rồi y quấn tròn người bao quanh chân núi. (Thân hình y rất lớn, dài cả mấy cây số ngàn). Trong cơn giận giữ y bắt gặp cái đuôi của y, mà y ngỡ là một con cá, và dản giọng: "Gan lì nhỉ! Ngươi ở đây mấy hôm rày, mà cố tránh mặt ta!" Và lấy hết sức bình sinh, y cắn nó một cái cho đứt đôi. Rắc! Xương sống Ngư vương đứt đoạn, máu tuôn đỏ cả một vùng biển, Ngư vương cảm thấy đau đớn tấn tủy sống. Ðánh hơi được mùi tanh của máu, đàn cá tụ lại mỗi lúc một đông, và bắt đầu rỉa thịt Ngư vương cho đến khi Ngư vương chỉ còn là một đống xương lớn như núi.

Kể xong chuyện, quan tể tướng khuyên vua bỏ tập quán ăn thịt người để khỏi chịu số phận như Ngư vương nọ. Nhưng vua vẫn không nghe, lại dẫn chứng một câu chuyện khác để chứng minh sự thèm khát nếu không được thỏa mãn sẽ làm cho con người chết đi được. Ðó là câu chuyện cậu con ông trưởng giả Sujàta ở Ba la nại ngày xưa, vì thèm ăn một quả táo hồng mà không được, nên cậu tuyệt thực bảy ngày rồi chết.

Quan tể tướng tâu: - Tâu bệ hạ, nếu bệ hạ không bỏ ăn thịt người, dần dần bệ hạ sẽ bị gia đình bỏ rơi và mất luôn cả sự quang vinh của vương vị. Tâu bệ hạ, ngày xưa cũng xứ Ba la nại này, có một gia đình Bà la môn tuân giữ năm giới cấm rất chặt chẽ. Gia đình có một cậu con trai độc nhất, thông minh ngoan ngoãn, được cha mẹ yêu thương như ngọc quí. Cậu thường đi chơi với một toán bạn đồng lứa, bọn này ăn thịt uống rượu đ? không kiêng cữ gì. Một ngày kia chúng lập mưu làm cho cậu phải nếm qua mùi rượu thịt. Chúng làm một bữa tiệc, mời cậu nhưng cậu từ chối, bảo rằng cậu không uống rượu. Chúng bảo không sao, sẽ có sữa tươi dành riêng cho cậu. Cậu bằng lòng. Bọn kia bỏ rượu mạnh vào trong lá sen để trong hồ, và khi tiệc bắt đầu, chúng đem sữa tới cho cậu.

Rồi một đứa la lên: Bồi, đem cho ta nước mật ngâm hoa sen. Thứ rượu cất trong lá sen được đem tới, chúng chia nhau nhấm nháp. Cậu con ông trưởng giả tưởng là mật hoa, cũng uống một ít. Khi cậu vừa nếm thì đã chếnh choáng, bọn kia đem thịt mời cậu ăn luôn. Rượu được rót thêm cho cậu, cậu vừa nhậu thịt vừa nói: "Thế mà lâu nay tôi không biết. Dè đâu rượu có mùi vị ngọt ngào như vậy! Ðem thêm cho tôi". Sau khi ăn uống no say trở về nhà, cậu nằm mê man run rẩy. Cha cậu khám phá cậu đã uống rượu, chờ khi cậu tỉnh, ông nói: - Con đi, con đã hành động rất sai quấy. Là con cháu của một gia đình Bà la môn giáo, con không khi nào được uống rượu cả. Hãy từ bỏ việc ấy đi. Cha bảo sao, thưa cha? - Con không được uống rượu nữa. - Ồ thưa cha, suốt đời con chưa được nếm mùi vị ngọt nào như thế. Người cha lập lại lời cấm đoán. Cậu con bảo: -Con không thể bỏ rượu được. -Vậy thì đây là lời cuối cùng của cha: Một là con chừa rượu, hai là cha phải từ con và đuổi con ra khỏi lãnh thỗ của cha. - Dù có phải bị cha từ bỏ, con cũng không thể nào bỏ rượu. - Thế thì, vì con đã bỏ cha, cha cũng phải bỏ con.

Người Bà la môn đưa con ra tòa truất quyền thừa kế và đuổi cậu đi khỏi khu làng dưới quyền cai quản của ông. Cậu trai ấy về sau đi lang thang xin ăn dọc đường, và cuối cùng, tựa lưng vào một bức tường hoang phế mà chết."

Quan tể tướng kể chuyện trên, cốt dể thức tỉnh nhà vua, và nói: - Tâu bệ hạ, nếu bệ hạ không chịu nghe lời hạ thần bỏ ăn thịt người, thì dân chúng sẽ xua đuổi bệ hạ ra khỏi vương quốc. Nhà vua một mực không nghe lời vị tể tướng. Vua lại kể một tỉ dụ chứng minh rằng người ta có thể chết vì dục vọng không được thỏa mãn. Trưởng giả Sujàta đã nói trên kia, một hôm đi vào rừng tìm 500 vị tu khổ hạnh để nghe pháp, bỗng thấy vào giữa đêm có trời Ðế thích xuống rừng cùng với đông đảo tùy tùng ở cõi trời. Ánh sáng từ thân thể họ thoát ra một luồng êm dịu rực rỡ. Sujàta từ trong chiếc lều cỏ nhìn ra thấy có nhiều thiên nữ đi theo Ðế thích, và vừa thấy các thiên nữ ông ta say đắm ngẩn ngơ.

Sau khi Ðế thích nghe thuyết pháp xong lại trở về trời, thì trưởng giả Sujàta đi đến hỏi dò các vị sa môn: "Hồi hôm, có người nào đến nghe pháp với các ngài thế?" Ðó là trời Ðế thích! - " Và những người nào vây quanh ông ta vậy?" - " Ðó là những thiên nữ." Trưởng giả Sujàta chào các Sa môn để ra về, và từ đó ở nhà ông ta không ngớt kêu la như kẻ điên: "Cho tôi một thiên nữ". Người xung quanh tưởng ông loạn trí, đi xin xăm bói quẻ. Nhưng ông vẫn không ngớt la: "Cho tôi một thiên nữ". Người ta đưa tới ông một bà vợ và các nàng hầu, ông đều xua đuổi: "Không phải, đấy là quỷ cái. Ta bảo thiên nữ kia mà". Rồi ông nhịn ăn mà chết.

Vị tể tướng nghe vậy nhủ thầm: "Nhà vua này thật là si độn đam mê. Ta phải làm cho ông mở mắt". Và tể tướng nói: - Có một bầy ngỗng trời cũng vì ăn thịt đồng loại mà phải bị tiêu diệt. Ngày xưa, trong một hang động giữa núi, có chín mươi ngàn con ngỗng trời trú ẩn. Trong bốn tháng mùa mưa chúng không bay đi đâu được, vì nước sẽ thấm vào cánh, ướt cả mình mẩy làm thân thể chúng nặng nề không thể bay xa và sẽ rơi xuống biển. Do đó chúng ở lại trong động, nhưng khi sắp đến mùa mưa, chúng lo bay đi lượm lúa từ một cánh đồng lân cận để tích trữ ăn qua mùa. Vừa khi chúng trở về động thì có một con nhện khổng lồ, lớn bằng cả một chiếc phản lực cơ tối tân nhất, đến án ngữ ngay cửa động và bác nhện khởi sự giăng tơ, mỗi tháng bác giăng ra một mạng lưới to bự choán cả lối ra vào. Mỗi sợi tơ bác nhả ra to bằng cả sợi dây neo tàu ngoài biển. Ðàn ngỗng trời ở trong động bắt đầu lo lắng khi lương thực vơi dần. Chúng chọn ra những thanh niên khỏe mạnh, cho ăn gấp đôi khẩu phần đồng bạn, để xông pha họa may phá được vài nuột tơ nhện để cả bọn chui ra ngoài tìm lương thực.

Khi thực phẩm sắp cạn, một con ngỗng trời đề nghị: "Muốn sống sót ta phải ăn trứng ngỗng". Ban đầu chúng ăn trứng, dần dần ăn luôn cả ngỗng con và cuối cùng ngỗng già. Khi mùa mưa chấm dứt, bác nhện đã giăng ra bốn mạng lưới dày chắc chắn. Ðàn ngỗng vì ăn thịt đồng loại nên yếu sức dần, không phá được mạng nhện. Hết con này tới con khác húc đầu vào mạng lưới rồi mắc cạn ở đấy, bị nhện chúa hút máu tất cả. Bởi thế, tâu bệ hạ, không nên ăn thịt đồng loại.

Tể tướng còn muốn khuyên can vua thêm nữa, nhưng quần chúng đứng lên la ó: - Thưa tể tướng, ngài định làm gì bây giờ? Nếu vua không bỏ ăn thịt người, hãy trục xuất nhà vua ra khỏi đô thành chúng ta. Nhà vua nghe thế bắt đầu hoằng sợ. Tể tướng tâu: - Tâu bệ hạ, bệ hạ có bằng lòng từ bỏ thịt người chăng? - Không thể được. Quan tể tướng ra lệnh cho tất cả hoàng gia ăn mặc trang sức lộng lẫy đứng đông đủ trước mặt nhà vua rồi nói: - Tâu bệ hạ, bệ hạ hãy nhìn toàn thể hoàng thân quốc thích của bệ hạ, những vị cố vấn và đình thần đông đủ đang ở trước bệ hạ đây. Có thể nào bệ hạ bỏ họ được sao? Bệ hạ chỉ cần từ bỏ ăn thịt người, thì tất cả chúng tôi đây đều theo về với bệ hạ. Nhà vua nói: - Tất cả đây đối với ta đều không quí bằng thịt người. Không có gì quý hơn thịt người. - Vậy thì, tâu bệ hạ, xin bệ hạ hãy rời khỏi nơi đây, ra khỏi cung điện, khỏi vưong quốc này. - Tể tướng ta không cần cung điện, vương quốc. Ta sẵn sàng ra đi, nhưng tể tướng hãy cho ta một đặc ân cuối cùng: ấy là cho ta đem theo cây bửu kiếm và tên đầu bếp.

Ðình thần đồng ý cho nhà vua đem theo gươm báu, một cái chảo để nấu thịt ngư?i, một cái giỏ và một tên đầu bếp. Và họ trục xuất nhà vua ra khỏi cung thành ngay hôm ấy. Nhà vua đi vào một khu rừng và tạm trú dưới một gốc cây. Ngày ngày vua ra chực giữa đường rừng, giết người đem xác về cho tên đầu bếp nấu và cả hai thầy trò cùng ăn. Mỗi khi thấy bóng người vua la lên: "Ta đây tên cướp ăn thịt người!" Thế là họ hoằng sợ té xỉu , vua đến giết rồi xách về bất cứ người nào trong bọn, nếu đi đông. Một hôm vua không gặp được người nào trong rừng, và khi vua xách kiếm về tay không, tên bếp hỏi: - Sao rồi đấy, tâu bệ hạ! Thịt đâu? - Ồ, ta sẽ kiếm ra thịt. Tên đầu bếp hoằng sợ, nghĩ: "Thôi, chết rồi. Ta tới số rồi". Rồi y bắt nồi nước lên lửa. Kẻ ăn thịt người chém y một lát đứt đôi và bắt đầu tự nấu lấy thức ăn từ đó.

Tin đồn lan khắp Ấn độ về một tên cướp ăn thịt người đi rừng. Một người bà la môn giàu có đưa 500 cỗ xe sắp đi qua rừng nghe thế bèn thuê một đoàn hộ tống đông đảo để bảo vệ đoàn xe. Riêng ông ngồi trên cỗ xe đi sau cùng.

Kẻ ăn thịt người ngồi trên cây cao quan sát. Khi thấy toàn là hàng hoá y lấy làm tức giận. Rồi đoàn người tiến đến. Y bỗng chú ý tới người bà la môn ngồi trên xe sau cùng, miệng y bắt đầu rỏ nước bọt vì thèm thịt ông ta. Rồi y nhẩy xổ tới , la lên: "Ta đây, tên cướp ăn thịt người". Cả đoàn bỏ chạy, và y xách người bà la môn đi vào rừng. Trong đám người được người bà la môn mướn bảo vệ, có một người la lên "Các bạn! Chúng ta đã nhận tiền, hãy làm bổn phận đi". Y bắt đầu hò la đuổi theo tên ăn thịt người. Một thanh niên khỏe mạnh đuổi kịp, nhà vua ngoái lui bắt gặp bèn nhẩy qua một tảng đá để đến ẩn dưới một cây cau rừng. Vua vấp ngã, chân chảy máu đầm đìa. Ðoàn người đuổi kịp, vua thả người bà la môn để lo thoát thân. Khi người bà la môn thoát nạn, cả bọn không buồn chú ý tới kẻ ăn thịt người nữa, tiếp tục ra đi.

Nhà vua lết đến dưới cây cau rừng, khẩn nguyện: Hỡi vị thần cây, nếu bà làm cho vết thương nơi chân tôi lành lại trong bảy ngày, thì tôi sẽ tắm cho thân cây của bà bằng máu cắt từ cổ họng của 101 ông hoàng của xứ Ấn độ, và sẽ treo lòng ruột của họ khắp trên cây của bà và cúng cho bà bữa tiệc thịt người bảy món". Nhà vua nằm liệt dưới cây bảy ngày không ăn uống gì cả. Thân thể nhà vua gầy da bọc xương, nhưng vết thương đã khô ráo lành lặn. Nhà vua nghĩ rằng đây là nhờ thần cây cứu chữa, nên sau khi đi đứng được và ăn thịt người trở lại cho lại sức, vua nghĩ: "Vị thần cây này đã giúp ta. Ta phải thực hiện lời hứa". Vua bèn xách kiếm ra đi để tìm 101 ông vua của Ấn độ đem về tế thần. Trên đường, vua gặp một con quỷ Dạ xoa nhận ra nhà vua vì đời trước vua cũng là một quỷ Dạ xoa đã làm bạn với nó, cùng đi bắt người để ăn thịt. Khi tên quỷ nhắc lại, nhà vua nhớ ngay và tay bắt mặt mừng ra chiều tương đắc. Khi tên quỷ hỏi nhà vua kiếp này làm gì, vua kể cho y nghe đầu đuôi câu chuyện, từ khi vua nếm được thịt người cho đến khi vua bị trục xuất và bây giờ đang đi kiếm 101 ông vua để tế thần cây. Vua nhờ Dạ xoa giúp một tay trên đường đi bắt những ông vua ấy. Dạ xoa từ chối: - Tôi bận quá. Nhưng tôi có thể giúp anh một câu phù chú để sử dụng. Hãy học thuộc lòng phù chú của tôi, nó sẽ đem lại cho anh sức mạnh, đi rất nhanh và thêm uy lực. Nhà vua nhận lời và học câu phù chú, nhờ đó vua đi nhanh như gió và thêm sức mạnh như thần. Trong vòng bảy ngày vua bắt xong được cả 100 ông vua khắp lãnh thổ Ấn, trên đường họ đi săn và đi du ngoạn. Vua xách ngược đầu tất cả vua kia về rừng. Chỉ có Sutasoma khỏi bị bắt còn bao nhiêu đều bị treo lên cây để tế thần.

Vua nghĩ: "Sutasoma là bạn và thầy cũ của ta. Hãy chừa y lại. Không nên để xứ Ấn độ mất hết người lãnh đạo". Nghĩ vậy rồi, nhà vua bắt đầu nhúm lửa và ngồi xuống mài một cái chỉa ba, chuẩn bị làm thịt 100 ông vua đang bị treo ngược trên cây để tế thần cây. Vị nữ thần của cây ấy thấy thế nghĩ thầm, "hắn định tế lễ cho ta, nhưng đâu phải nhờ ta mà hắn lành vết thương? Bây giờ, hắn sắp gây cuộc lưu huyết lớn. Phải làm sao bây giờ? Ta không thể ngăn hắn được". Bởi thế thần cây đi đến Tứ thiên vương để nhờ can thiệp làm sao cho vua ngừng việc giết chóc mê tín kia. Tứ thiên vương cũng đành chịu. Thần cây lại đi đến trời Ðế thích. Ðế thích nói: - Tôi cũng không ngăn y được. Nhưng tôi sẽ cho bà biết ai có thể làm việc ấy. - Ai? - Từ cõi trời thứ 33 trở xuống, không ai làm được, nhưng có một người ở vương quốc Kuru là vương tử Sutasoma có thể làm cho y thuần lại và cứu mạng tất cả vua kia. Người ấy sẽ cứu y khỏi tội ăn thịt người và đem hạnh phúc cho toàn xứ Ấn. Nếu bà muốn cứu 100 vị vua kia, thì hãy bảo kẻ ăn thịt người rằng, bà muốn đem Sutasoma đến cho bà trước đã, rồi hãy dâng lễ tế.

Vị thần nghe lời, nhanh như chớp, cải trang thành một nhà tu khổ hạnh đi đến kẻ ăn thịt người. Ðang mài chỉa ba, nghe tiếng động nhà vua ngẩng lên, nghĩ thầm: "Lẽ nào có kẻ lại thoát được?" Nhưng trên cây, một trăm ông vua vẫn chúc ngược đầu, bất động. Kẻ ăn thịt người ngoái lại thấy nhà khổ hạnh thì mừng rỡ nghĩ: "A, tên này chắc cũng là tay hiệp sĩ dòng Sát đế lợi, cũng ngang vua. Ta có thể bắt y cho đủ số 101 ông vua để tế thần." Nghĩ xong nhà vua đứng lên cầm kiếm đuổi theo nhà khổ hạnh. Nhưng chạy cả mấy cây số mà vẫn đuổi chưa kịp, mồ hôi bắt đầu lấm tấm trên người vua, chảy xuống hai chân. Vua nghĩ: "Ta đã từng đuổi bắt dễ dàng cả voi, ngựa, xe chạy hết tốc lực, mà sao hôm nay mặc dù ta đã chạy kiệt sức vẫn không kịp cái nhà tu hành này vẫn đi một cách khoai thai. Thế là nghĩa lý gì?" Vua lại nhớ ra rằng, những nhà khổ hạnh thường làm theo ý muốn kẻ khác, vậy hãy bảo ông ta đứng lại, rồi mình sẽ bắt ổng. Nghĩ thế nhà vua la lên: - Dừng lại, thưa ngài - Ta đang dừng đây. Ngươi cũng hãy dừng đi thôi. - Ơ kìa, nhà tu dù chết cũng không nói dối, mà sao ngài nói dối vậy? Vị thần dưới dạng nhà tu khổ hạnh đáp: - Ta đã đứng vững trong chánh đạo. Còn ngươi do ác nghiệp nên sẽ mãi mãi di chuyển trong các nẻo luân hồi. Hỡi nhà vua hãy đem lại Sutasoma,vị thái tử nổi danh ấy cho ta. Bằng lễ hiện cúng ấy ngươi sẽ được hạnh phúc ở cõi trời. Nói xong, nhà khổ hạnh hiện nguyên hình là vị thần cây trong hào quang chói lọi. Kẻ ăn thịt người thấy thế hỏi, ngài là ai. Khi biết rồi vua vui mừng vô hạn, bảo: -Tấu lạy thần linh, xin ngài đừng bận tâm, hãy vào lại trong cây của ngài đi. Nữ thần vào lại trong cây trước mắt nhà vua.

Mặt trời vừa lặn và trăng cũng vừa lên trong rừng. Vốn thông thiên văn, vua ngẩng nhìn sao và biết rằng ngày mai là ngày lễ, thế nào Sutasoma cũng đi tắm ở sông Hằng, ta sẽ nhân dịp ấy mà bắt y. Theo dự tính, ngày hôm sau kẻ ăn thịt người đi đến sông Hằng. Vương tử Sutasoma cũng vừa đến đấy với đoàn hộ tống đầy nghi vệ. Vương tử sắp sửa thay đồ tắm để xuống sông thì gặp ngay một người Bà la môn đi tới, tay cầm một túi da thếp vàng. Người Bà la môn muốn gặp vương tử: Thưa vương tử nghe đồn ngài là một bậc đức hạnh, tôi tìm đến để bán cho ngài một báu bất mà có lẽ ngài sẽ vô cùng trân trọng. - Cái gì đấy, thưa ngài? - Thưa vương tử, đây là một bài kệ vô giá của Phật Ca Diếp. Mỗi đoạn đáng giá tượng trưng một trăm đồng tiền vàng. - Thưa ngài, tốt lắm. Nhưng tôi phải đi tắm đã. Ðây là ngày lễ thánh tẩy của tôi. Khi trở về tôi sẽ nghe ngài đọc. Xin ngài vui lòng đợi tôi.

Rồi vương tử ra lệnh cho một người tùy tùng đưa người Bà la môn đến nhà một người đồng giai cấp để nghỉ ngơi đợi vương tử. Xong xuôi vương tử xuống tắm. Suốt thời gian ấy, kẻ ăn thịt người núp dưới một ao sen để đợi dịp bắt vương tử. Khi vương tử vừa tắm xong, tùy tùng mang đến bộ lễ phục cho vương tử mặc, và đủ thứ trang sức quý giá nặng nề, thêm cả nước hoa dầu thơm rưới đầu và thoa trên mình. Kẻ ăn thịt người nghĩ, chờ cho vương tử mặc xong bộ lễ phục và đeo các trang sức vào thì sẽ nặng nề thêm, chi bằng bắt ngay ông ta khi còn mặc áo tắm. Thế là kẻ ăn thịt người xông ra, la lớn: "Ta đây, kẻ cướp ăn thịt người!" Tất cả voi ngựa và đoàn tùy tùng của thái tử nghe tiếng hét đều té xỉu. Kẻ ăn thịt người tóm lấy vương tử, nhà vua ăn thịt người không xách ngược đầu như các nhà vua kia mà lại vác vương tử lên vai chạy. Nhờ quỷ lực của bùa chú quỷ cho, vua chạy như bay, không ai đuổi kịp. Bỗng nghe những giọt nước mắt luồng xuống vai và tay chân, nhà vua ăn thịt người cất tiếng hỏi: - Hiền giả, một bậc tri thức lỗi lạc, mà cũng sợ chết sao? Tại sao ngài khóc? Có phải nhớ vợ con nhớ cha nhớ mẹ chăng Hay tiệc cung điện vườn hoa vàng bạc ngọc ngà mà khóc? Vương tử đáp: - Không, tôi không khóc cho tôi, cũng không phải vì vợ con cung điện, ngọc ngà. Chỉ vì tôi đã hứa với một người Bà la môn sẽ nghe bốn câu kệ của phất Ca Diếp từ nơi vị ấy. Tôi muốn giữ lòi hứa đối với ông ta, trở về nghe bốn câu kệ rồi sẽ tới cho ngài làm thịt.

- Làm sao tôi tin ngài được? Mồi đã vào trong tay, ai dại gì thả ra? - Thưa ngài chúng ta biết nhau từ nhỏ. Tôi là bạn và là thầy của ngài, với danh dự của giai cấp hiệp sĩ, tôi không bao giờ nói dối dù phải hi sinh tánh mạng. Nhà vua tin lời vương tử, và căn dặn: - Vị thần cây chỉ muốn hiện cúng ngài trước nhất cho bà ta. Bởi vậy, xin ngài đừng làm hỏng mất lễ tế thần của tôi bằng cách sai hẹn - Xin ngài yên tâm. Ngài mai tôi sẽ trở lại để ngài làm thịt tôi mà tế lễ. Khi vương tử trở lại nơi hẹn gặp người Bà la môn, ông ta đang chờ đợi. Thái tử xin lỗi xong bắt một chiếc ghế thấp hơn, ngồi xuống, và thưa: - Thưa ngài,bây giờ tôi sẵn sàng nghe bài kệ Phật Ca Diếp do ngài thừa kế. - Tốt. Vậy xin ngài hãy lắng nghe bốn đoạn của bài kệ. Mỗi đoạn đáng giá tượng trưng một trăm quan tiền vàng. Nó có năng lực hủy diệt mọi dục vọng, kiêu căng và các thói xấu khác, giúp người đạt đến sự tịch tịnh của các giác quan, chấm dứt vòng luân hồi sinh tử, đạt đến Niết bàn. Ðấy là công năng của bài kệ mà đức phất Ca Diếp đã truyền cho tôi. Ngài hãy lắng nghe đây:

- Hỡi Sutasoma, hãy tiếp xúc dù chỉ một lần với những bậc thánh. Và đừng bao giờ gần kẻ xấu ác, như thế ngươi sẽ được bình an. Chỉ làm bạn với bậc thánh, giao dịch với bậc thánh. Vì chỉ từ bậc thánh ta mới học được chánh đạo và thăng tiến bản thân. Xác thân ta sẽ suy mòn mục nát. Như những chiếc xe bóng láng sẽ dần hư. Nhưng đức tin của bậc thánh thì không bao giờ tàn tạ. Ðược truyền qua muôn đời kiếp cho những thánh giả về sau. Ðất thật bao la, trời rất cao sâu Biển thẳm mênh mông không đâu bờ bến. Nhưng lớn lao và có tầm xa rộng hơn cả biển, đất, trời là những lý thuyết tốt hay xấu mà bậc thánh hay kẻ tội lỗi nói ra.

Nghe xong bài kệ vương tử vô cùng hân hoan. "Ðây không phải chỉ là lời nói của thi nhân hay bậc thánh hay môn đệ bậc thánh, mà chính là lời dạy của của Ðấng Chánh Biến Tri. Ta không thể lượng được giá trị của những lời này. Dù có hiến tất cả cõi Ta bà Thế giới từ cõi Phạm thiên trở xuống, chất đầy bảy món báu vật, để đổi bài kệ này vẫn còn chưa xứng. Ta có thể hiến cả ngôi báu, cung điện của ta vì bài kệ này". Vương tử muốn nhường ngôi lại cho người Bà la môn, nhưng nhìn lại người kia, do khả năng dự đoán được tương lai của con người, vương tử không thấy dấu hiệu gì chứng tỏ ông ta có mạng làm vua. Vương tử lại nghĩ đến các chức quan mà ngài muốn phong cho y, song cũng không thấy y xứng hợp với địa vị nào. Vương tử cũng bấm độn đến cung tài lợi thì thấy người Bà la môn kia có thể đạt tới lợi tức tối đa là bốn ngàn quan tiền vàng, do đó định biếu y một ngàn quan cho mỗi đoạn kệ. Vương tử hỏi: - Thưa ngài, khi ngài dạy bài kệ cho các vì vua chúa khác, ngài nhận được bao nhiêu tiền? - Một trăm quan mỗi đoạn. - Thưa ngài. ngài không biết tới giá trị vô biên của món hàng ngài rao bán. Hãy định cho nó mỗi đoạn một ngàn quan. Vương tử trả bốn ngàn quan cho người Bà la môn xong, bảo gia nhân tiễn y về nhà.

Thân sinh vương tử nghe vương tử thoát nạn trở về thì vô cùng mừng rỡ, nhưng vốn tính keo lẫn, ông rất tiệc khi nghe tin vương tử vừa trả một món tiền lớn cho người Bà la môn. - Con ơi, cha rất vui vì con vừa thoát khỏi một tên cướp dữ dằn. Nhưng nghe lời đồn con vừa trả tới bốn ngàn quan tiền để nghe bốn đoạn thơ phải không? Khi được vương tử xác nhận, ông bức đầu bức tai: - Trời đất quỷ thần đi, thơ gì mà đắt quá thần quá đỗi vậy? Năm chục quan mỗi câu là đã quá lắm rồi. Nếu là câu dài thì tám chục quan cũng đã là đắt. Mà hết sức cùng cực thì trả cho tới một trăm quan là tột bực đạt. Từ thuở cha sanh mẹ đẻ tới giờ, tôi chưa từng nghe ai mua một bài thơ mà tới bốn ngàn quan? Vương tử ôn tồn: - Thưa cha, điều con yêu chuộng không phải là tiền của, mà là sự tăng trưởng trí tuệ. Xin cha đừng rầy con vì tiền. Con trở về đây sau khi hứa với kẻ ăn thịt người rằng con sẽ trở lại cho y làm thịt. Con về chỉ để nghe bài kệ ấy. Vậy xin cha nhận lại ngai vàng cung điện, con xin từ biệt. Người cha kinh hoàng kêu lên - Sutasoma, con nói gì? Ta sẽ đem theo tất cả voi ngựa xe cô binh sĩ để bắt kẻ cướp ấy. Con đừng ra đi nữa. Cả thân quyến vương tử, tam cung lục viện đều kéo tới khóc lóc khi nghe tin vương tử sắp ra đi bỏ mạng.

Vương tử vẫn cương quyết giữ lời hứa với kẻ ăn thịt người, nên sau khi ủy dụ cha mẹ và đình thần, vương tử ra đi. Khi thấy vương tử đi đến, kẻ ăn thịt người mừng rỡ hỏi chào: - Bạn ơi, bạn đã làm xong việc bạn muốn làm chưa? - Vâng, thưa ngài, tôi đã nghe được bài kệ của Phật Ca Diếp, và bởi Thế tôi trở lại cho ngài làm thịt đây. Nhà vua ăn thịt người thấy vương tử không tỏ vẻ gì sợ hãi trước cái chết thì lấy làm ngạc nhiên, nghĩ thầm: "Chắc phải nhờ một năng lực nào đây, khiến vương tử không sợ chết. Ta nghe vương tử vừa nói, "tôi đã nghe được bài kệ của ngài Ca Diếp". Vậy chắc chắn năng lực ấy phải do bài kệ kia. Ta phải bắt ông ấy đọc lại cho ta nghe, và như vậy ta cũng sẽ có được năng lực vô úy như ông ấy". Nghĩ xong nhà vua lên tiếng: - Hãy thong thả, chờ lửa cháy đượm nướng thịt càng ngon. Nào, bạn hãy đọc lại ta nghe bài kệ đi đã. - Hỡi vua ăn thịt người , ngươi là một kẻ cùng hung cực ác vì tính háu ăn mà phải mất cả ngai vàng. Bài kệ chỉ để dành cho người nào muốn nghe theo chánh đạo, đâu cho kẻ tà ác nghe được? Lời dạy của thánh nhân đâu có ăn nhằm gì tới nhà ngươi? Ngay cả những lời lẽ gay gắt ấy cũng không làm cho nhà vua ăn thịt người tức giận. Vì sao? Chính vì nó phát xuất từ năng lực từ tâm của vương tử muốn cải hóa kẻ ác, không phải từ sân tâm, hận tâm, si tâm. Ðể chữa thẹn, nhà vua đánh trống lấp bảo: - Này vương tử, hồi nhỏ chúng ta đều học qua các môn thiên văn lý số. Ngài bấm độn không biết hôm nay tới số hay sao mà trở lại đây để nạp mạng? - Dĩ nhiên những nhà vua dòng Sát đế lợi tinh thông mọi khoa học thần bí và kiến thức sâu rộng. Nhưng tất cả kiến thức khoa học ấy tôi không sử dụng nữa. Nó không phải là chánh đạo, nó có thể đưa người xuống địa ngục. Vì giữ vững chánh đạo mà tôi giữ lời hứa với ngài, tới đây cho ngài làm thịt. Hỡi vua ăn thịt người, ngài cứ ăn tôi quách đi cho xong. - Vương tử, cung vàng điện ngọc, vợ yêu con quý, quyền tước danh vọng, tất cả những thứ đó vương tử không thèm hay sao? Chánh đạo là cái gì vậy? Ngài thấy gì trong đó mà chấp nhận bỏ tất cả?- Trong mọi thứ tốt đẹp nhất của thế gian này, không có gì đem lại cho tôi một niềm vui tuyệt vời như chân lý. Người kiên trì trong chân lý, trong chánh pháp, thì không còn sống ở trong vòng sống chết, vượt qua bờ bên kia.

Nhà vua nhìn mặt vương tử, thấy người rạng rỡ như ánh trăng rằm, lấy làm quái dị: "Anh chàng Sutasoma này, nhìn thấy ta mài chỉa và nhóm củi để làm thịt đem nướng mà tuyệt không lộ vẻ sợ hãi. Phải chăng đó là thần lực của bài kệ mà y đã học? Ta phải hỏi y". Rồi vua hỏi: - Tại sao ngài không sợ chết? - Tôi sống đầy đủ giới hạnh, chuyên làm việc lành, tâm hồn tôi không phải ray rức vì tội lỗi, thì còn sợ nỗi gì? Ðời ai cũng một lần chết. - Ngài không nhớ cha mẹ, vợ con, thân thuộc, thần dân sao? - Những người ấy, sớm muộn tôi cũng phải xa họ. Không ai ở với nhau suốt đời được. Bởi thế khi gần họ nhờ nghĩ đến luật vô thường trong cuộc sống tôi hết lòng yêu mến họ. Khi đã ở với nhau hết lòng thì không còn gì phải ân hận lúc xa nhau.

Khi nghe vương tử nói thế, nhà vua thầm nghĩ đây là một con người thánh thiện nhân từ, nếu ăn thịt ông ấy, đầu ta sẽ vỡ thành bảy mảnh, đất sẽ nứt ra chôn sống ta mất". Và nói: Bạn ơi, ngài không phải hạng người mà tôi ăn thịt được. Ngài giống như một món độc chết người. Ai dám ăn thịt ngài? Và nghĩ đến đức vô úy của vương tử mà nhà vua cho là do thần lực của bài kệ, vua hăm hở mong được nghe, và bảo: -Thưa vương tử, hãy cho tôi nghe bài kệ ngài vừa học: có lẽ nghe xong, tôi có thể tìm nguồn vui trong chánh pháp.

Nhận thấy đã đến lúc nên cho vua nghe, vương tử bảo: - Ðược, xin ngài hãy thận trọng chú ý lắng nghe. Rồi vương tử đọc lên bài kệ với giọng hùng hồn mà êm ái như tiếng hải triều. Do thần lực của bài kệ được thốt ra từ miệng một hóa thân Bồ tát, nhà vua cảm khái sâu xa và phát sinh niềm hân hoan kính trọng bát ngát không bờ. Nhà vua phút chốc mong mỏi giá mình còn ngai vàng điện ngọc thì sẽ đem hiến tất cả cho vương tử để đền cái ơn khai ngộ. Vua bảo: - Thưa vương tử, bài kệ của ngài làm cho tôi chấn động tâm hồn, và vui mừng vô hạn. Xin ngài hãy phát lấy bốn lời nguyện ước, tôi cho ngài chọn lựa. - Ngài cho tôi ước cái gì? Một con người không phân biết được tốt xấu, một tên nô lệ cho dục vọng xác thịt khốn nạn như ngài, thì làm sao thực hiện ước mong của kẻ khác? Giả sử tôi nguyện ước "ngài hãy cho tôi điều này, điều nọ" rồi ngài nuốt lời thì tính sao? Tôi dại gì đi chuốc lấy việc tranh chấp ấy? - Tôi nói thật mà, ngài hãy ước đi, tôi sẽ làm ngài toại nguyện, dù tôi phải mất mạng cũng đành.

- Vậy thì tôi xin ước nguyện. Ðiều thứ nhất là ước sao cho ngài sống tới một trăm tuổi. Nghe thế nhà vua ăn thịt người lấy làm cảm động, nghĩ: "Thì ra vương tử vẫn yêu mến và chúc lành cho ta, mặc dù ta muốn ăn thịt ngư?i." Và vua đáp: - Ðược. Còn điều thứ hai? - Ðiều thứ hai là xin vua đừng ăn thịt một trăm ông vua đang bị treo trên cây kia. - Tôi cũng chấp thuận. Còn điều thứ ba? - Ðiều thứ ba là cho họ được trở về các tiểu quốc của họ để coi sóc dân chúng. - Tôi cũng bằng lòng, còn điều nữa? - Ðiều thứ tư là xin nhà vua bỏ thói ăn thịt người. Nhà vua giật mình, cười lớn: - Này, bạn nói gì? Làm sao tôi thỏa mãn được lời ấy? Bạn không biết là vì món ngon ấy mà tôi đã phải bỏ tất cả cung điện ngôi báu vợ con hay sao? Làm sao tôi nhịn được cái món duy nhất khoái khẩu của tôi? Xin ngài hãy lựa chọn điều nguyện ước khác vậy. - Ngài vừa nói là vì ngài khoái thịt người, ngài không thể nhịn ăn thịt ấy. Một kẻ chỉ làm theo ý thích của mình dù ý thích ấy là điều tội lỗi, thì chính là một người ngu. - Bạn Sutasom, tôi yêu thịt người. Bạn phải biết như vậy. Tôi không bao giờ có thể nhịn món ấy. Bạn hãy chọn lại điều thứ tư đi. - Kẻ nào chỉ thích theo ý mình, và hy sinh cả tính mạng cho thú vui xác thịt thì cả đời này lẫn đời sau phải khổ sở. Nếu biết tránh thú vui bất hảo, làm tròn bổn phận thì đời này lẫn đời sau được an vui.

Nhà vua sa nước mắt nói:

- Tôi đã bỏ cả mọi thú vui ngũ dục ở cung vua, bỏ cha mẹ vợ con, vì ưa một chút thịt người mà phải chịu sống cảnh cô đơn chiếc bóng ở góc rừng này. Làm sao tôi bỏ luôn cả thú vui này để thỏa mãn ngài được?

- Ngài đã hứa cho tôi bốn điều mong ước. Bây giờ ngài không thỏa mãn được. Như vậy đâu là tinh thần thượng võ.

Nhà vua vẫn khóc lóc năn nỉ: - Tôi đã chịu bao nhiêu thiết thòi, bỏ cả danh dự, cha mẹ, vợ con để được ăn thịt người. Sao ngài bắt tôi thỏa mãn điều cầu xin ấy được. - Xin ngài hãy nhớ lại lời hứa: Ngài sẽ thỏa mãn điều ước mong của tôi dù có phải mất mạng. Lẽ nào bây giờ ngài lại nuốt lời sao? Bậc trượng phu chẳng thà chết không thà mất danh dự. Xin ngài hãy thi hành lời hứa của ngài. Kẻ giàu có sẵn sàng bỏ hết của cải để cứu chữa một cái chân, và sẵn sàng cưa một cái chân để bảo tồn sinh mạng, kẻ trí sẵn sàng bỏ cả chân tay, mạng sống để bảo tồn chân lý. Một người như thế sẽ được thánh hiền yêu mến, nể vì. Nhà vua ăn thịt người trầm ngâm suy nghĩ. Vương tử tiếp: - Hỡi người bạn cố tri, bạn không nên vi phạm lời dạy của bậc thầy tuyệt luân như Ðức Phật, và chính tôi hồi xưa cũng đã từng dạy kèm cho bạn. Hôm nay với thần lực của Phật, tôi đã lập lại cho bạn bài kệ đáng giá bốn ngàn vàng. Vậy bạn hãy nên nghe lời tôi, và làm tròn lời hứa của bạn.

Nhà vua nghĩ: "Sutasoma là thầy ta, và là một người uyên bác. Ta đã cho người chọn điều ước. Bây giờ ta phải làm sao? Chết là một chuyện Dĩ nhiên xẩy đến cho mọi người. Vậy ta không nên sợ chết. Ta đành liều chết, nhịn ăn thịt người để thỏa mãn điều vương tử yêu cầu ". Rồi nhà vua ăn thịt người, mắt đầm đìa lệ, quỳ mọp dưới chân vương tử Sutasom, và nói: - Mặc dù món ăn đó là món ăn duy nhất làm tôi khoái khẩu, vì nó mà tôi phải trốn vào rừng này, nhưng nếu ngài đã yêu cầu tôi, tôi cũng xin thỏa mãn luôn. - Tốt lắm, bạn. Ðối với một người đã an lập trong chân lý và điều thiện, thì cái chết là một sự giải thoát. Từ ngày hôm nay, bạn đã an trú tong thánh đạo. Vậy tôi sẽ truyền cho bạn năm giới cấm. - Xin bạn cho tôi nghe năm giới cấm.

Vương tử trao truyền ngũ giới cho nhà vua. Trong khi đó, chư thiên trên các cõi trời vui mừng bảo nhau: "Thật là mầu nhiệm" Sutasoma đã làm một phép mầu hy hữu! Từ 33 cõi trời trở xuống không ai làm được việc làm của vương tử Sutasoma, cảm hóa kẻ ăn thịt người. Tiếng hoan nghênh vang dội khắp 33 cõi trời thượng giới. Sau khi truyền năm giới cho nhà vua, vương tử bảo: - Bây giờ bạn hãy đi thả các ông vua bị treo trên cây kia. - Xin ngài cùng đi với tôi. Tôi sợ mấy ông ấy trả thù, sẽ đánh tôi đến chết. Nhưng dù có chết, tôi cũng không vi phạm các giới điều tôi vừa thọ lãnh nơi ngài.

Vương tử đến gần cây trên đó treo ngược một trăm ông vua và bảo: - Các ngài đã bị trói tay chân và treo ngược nhiều ngày khổ sở, nhưng tôi mong các ngài hứa cho một chuyện là đừng trả thù, đừng động đến người đã gây đau khổ cho các ngài. Họ trả lời: - Chúng tôi bị treo ngược đau đớn lắm, và rất thù ghét thằng cha ăn thịt người kia, nhung chúng tôi xin hứa với ngài là sẽ không hại hắn trở lại. Miễn là chúng tôi được sống và được trả tự do. Nhà vua ăn thịt người cầm kiếm tới cắt đứt nuột dây trói một ông vua đang lủng lẳng. Vì sức đã đuối vua rớt xuống cái bịch, không kịp vịn níu các cành cây.

Vương tử động lòng, bảo: - Này ông bạn ăn thịt người chớ nên cắt dây kiểu đó. Vương tử ôm một ông vua vào lòng, bảo nhà vua ăn thịt người: - Rồi, cắt dây cho vị này đi. Dây đứt, vương tử nhẹ nhàng đặt từng ông vua xuống đất. Sau khi cả một trăm ông vua đều được cắt dây trói nằm la liệt giữa rừng, vương tử cùng kẻ ăn thịt người đi lấy nước suối rửa các vết thương, và kiếm thức ăn uống cho họ. Sau một tuần điều trị, tất cả đều khỏe mạnh trở lại, sẵn sàng trở về. Vương tử bảo nhà vua ăn thịt người vừa được cảm hóa: - Bây giờ, này bạn, chúng ta cùng trở về bổn xứ lo việc quốc dân. Nhưng nhà vua sặp lạy dưới chân vương tử và khóc: - Thôi, vương tử hãy đi về cùng các ông kia. Tôi ở lại đây ăn rễ cây, rau trái sống qua ngày. - Bạn ở đây làm gì? Vương quốc Ba la nại của bạn còn đó: hãy về ngự trị. - Bạn nói gì lạ vậy? Tôi không thể nào trở về đấy: toàn dân xem tôi như kẻ thù không đội trời chung,vì tôi đã ăn thịt cha mẹ anh em vợ chồng con cái họ. Họ sẽ bắt tôi, đánh đập tôi, ném đá vào người tôi. Nhưng tôi sẽ không động tới họ, vì tôi đã tuân giữ ngũ giới. Dù chết tôi cũng không phạm giới nữa. Thôi, tôi không về đâu. Vĩnh biệt các ngài. - Bạn hãy tin tôi. Tôi sẽ đưa bạn trở về an ổn tại Ba la nại, hoặc là tôi sẽ nhường cho bạn một nửa lãnh thổ vương quốc tôi. - Trong xứ của bạn, tôi cũng có đầy kẻ thù.

Vương tử dùng lời dịu ngọt dụ dỗ cho nhà vua ăn thịt người chịu trở về: nào là cung điện nguy nga, vợ con yêu quí, giường nệm tốt, vườn cây xinh đẹp, các thứ nhắc cụ và đoàn nhắc công vũ nữ. "Ði, bạn. Tôi sẽ đưa bạn đến Ba la nại, làm cho bạn ở yên ổn xong mới trở về xứ tôi. Hoặc nếu khó khăn gì xẩy đến, thì tôi sẽ đưa bạn về vương quốc tôi để trị vì trên nửa lãnh thổ. Bạn hãy nghe lời tôi". Nhà vua xiêu lòng, sửa soạn lên đường cùng vương tử. Trên đường về,vua hân hoan nói: - Bạn Sutasoma, không có gì quí hơn là làm bạn với một người đức hạnh, không gì bất hạnh hơn làm bạn với kẻ vô loại bất lương. Tôi vì làm bạn với tên đầu bếp mà ra nông nỗi.

Về đến thành Ba la nại, vương tử yêu cầu triệu tập đình thần dân chúng, và lấy tư cách một vị Quốc sư, vương tử ngỏ lời trước mọi người về sự cải hối của nhà vua, và yêu cầu quan tể tướng nhường ngôi lại cho vua như cũ, trở về chức vị tể tướng. Tể tướng vui lòng chấp thuận, sau khi biết nhà vua đã thuần thục trong chánh đ?o.

Nhà vua ấy chính là tiền thân của Ương Quật Ma La, vị Tể tướng là Xá Lợi Phất, người Bà la môn bán bài kệ là A Nan, vị thần cây là Ca Diếp, Ðế thích là tôn giả A Nấu Ðắt và vương tử Sutasoma chính là tiền thân của Ðức Phật Thích Ca.

-ooOoo-

 

18. TĂNG HỘ CHÁU

Khi Phật ở nước Xá vệ, có một vị thiện gia nam tử sau khi nghe Ngài thuyết pháp, đã xin xuất gia theo Phật. Vị ấy tinh cần tu tập, chẳng bao lâu đã đắc quả A La Hán. Các vị đồng phạm hạnh thường gọi ngài là trưởng lão Tăng Hộ. Khi ngài xuất gia, em gái ngài vừa hạ sinh được một bé trai, và lấy tên ngài đặt cho hài nhi, gọi tên là "Tăng Hộ cháu". Lớn lên, Tăng Hộ cháu cũng theo cậu xuất gia và được hầu cận ngài. Sau khi thụ đại giới, Tăng Hộ cháu đến an cư tại một khu làng và được cúng dường hai bộ y tốt. Với ý định cúng dường cậu sau mùa an cư, Tăng Hộ cháu để dành lại một bộ y. Khi mãn hạ, Tăng Hộ cháu trở về tinh xá Cấp cô độc đảnh lễ Phật và ra mắt cậu. Nhưng ngài đi an cư chưa về. Tăng Hộ cháu quét dọn am thất của cậu, múc sẵn nước rửa chân, sửa soạn nước uống và các thứ cần dùng cho tôn giả. Khi tôn giả trở về, Tăng Hộ cháu ra đãnh lễ cúng dường bộ y mới cho tôn giả, nhưng tôn giả từ chối: "Ta đã có đủ ba y. Ngươi giữ lấy cho ngươi." Sau khi múc nước tôn giả rửa chân, ngồi nghỉ, Tăng Hộ cháu đứng hầu một bên lại thưa: "Bạch tôn giả, xin tôn giả nhận lấy bộ y con cúng dường, để cho con được chút phước mọn." "Hãy thôi đi, ngươi giữ lấy. Ta đã có đủ y." Năn nỉ nhiều lần, tôn giả vẫn từ chối.

Ðứng quạt sau lưng tôn giả, Tăng Hộ cháu trong lòng không vui, thầm nghĩ: "Tôn giả ở ngoài đời là cậu ruột của ta, ta là cháu ruột của ngài. Ta đối với tôn giả vừa có tình ruột thịt vừa có tình thầy trò, Thế mà tôn giả vẫn lạnh nhạt với ta, không thèm nhận đồ cúng dường của ta. Ngài đã không thương ta, thì ta còn đi tu làm chi nữa cho thêm phiền não. Chi bằng ta hoàn tục quách ... Nhưng ta xuất gia từ lúc hãy còn thơ bé. Bây giờ hoàn tục, không biết nghề ngỗng gì thì làm sao mà sống nhỉ? Thật khó khăn thay. Ồ, hay là ta hãy bán bộ y đẹp này mà mua một con dê cái. Loài súc sinh ấy sinh đẻ rất nhanh. Vừa khi dê đẻ bảy con thứ nhất, ta sẽ đem bán mà kiếm một số vốn. Cứ tiếp tục như thế, ta sẽ sẽ có một mớ tiền. Khi có tiền nhiều, ta sẽ cưới một chị vợ. Chị ấy sẽ sinh ra một thằng con trai. Ta sẽ lấy tên tôn giả -cậu ta- mà đặt tên cho thằng con ấy. Rồi ta sẽ để nó ngồi trong một chiếc xe, cùng với chị vợ đẩy xe đến tinh xá thăm ông cậu. Khi đi giữa đường, trông thấy thằng bé kháu khỉnh, ta muốn bồng nó nên bảo chị vợ: "Bây giờ bà đẩy xe đi, để tôi ẵm thằng bé". Chị vợ là kẻ cứng đầu, cãi lại: "Anh mà ẵm con cái gì, để tôi ẵm nó, anh đẩy xe đi", rồi nàng cúi xuống ẵm thằng bé. Ði được mấy bước, nàng làm thằng bé rớt xuống trúng ngay giữa đường bánh xe lăn. Chiếc xe cán lên thằng bé. Ta giận quá bảo chị vợ: "Mày không chịu để con cho tao bồng, không đủ sức ẵm mà cứ dành lấy nó, để cho nó rớt như vậy. Thật mày đã hại tao ". Vừa nói ta vừa lấy cái gậy đánh nàng một cú..." Vừa quạt cho tôn giả, Tăng Hộ cháu vừa để cho tư tưởng phiêu lưu như trên, và đến đoạn kết thúc, y gõ cán quạt vào đầu tôn giả cái tróc.

Ðọc được dòng tư tưởng của cháu nhờ đã chứng tha tâm thông, vị tôn giả lên tiếng nói: - Này ngươi đánh không trúng mụ đàn bà, mà trúng ngay đầu ta. Tăng Hộ cháu giật mình, nghĩ: "Chết rồi! Tôn giả đã biết tâm niệm ta hết trọi. Làm sao ta còn có thể sống đời xuất gia được nữa ". Nghĩ xong, y liệng cái quạt, co giò chạy ra khỏi cổng tinh xá. Những người bạn đồng lứa chạy theo bắt y lại, dẫn đến trước Phật: Phật hỏi: - Tại sao các ngươi bắt Tăng Hộ cháu? - Bạch Thế tôn, y chạy trốn nên chúng con bắt lại. Phật hỏi đương sự: - Có phải vậy không? - Bạch Thế tôn, Dạ phải. - Tại sao con trốn? - Tại vì con bất mãn? Tăng Hộ cháu thuật lại đầu đuôi cho Phật, đến đoạn y gõ cán quạt cái tróc vào đầu tôn giả, rồi kết luận: "Bạch Thế tôn, chính vì sự việc xẩy ra như vậy, nên con phải trốn." Phật an ủi: "Này thiện nam tử, con đừng sợ. Tâm người ta thường phiêu lưu như vậy. Con phải luyện cho nó thuần thục, định tịnh, mới thoát khỏi trói buộc."

"Tâm phàm phu cứ lén lút đi một mình, đi rất xa, vô hình vô dạng, như ẩn náu hang sâu. Người nào điều phục được tâm, thì thoát vòng ma trói buộc". Câu ấy trở thành Pháp cú số 37, được lưu truyền đến ngày nay trên khắp thế giới.

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | Mục lục

Chân thành cám ơn Ðại đức Giác Ðồng đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, tháng 06-2001).


[Trở về trang Thư Mục]