BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
Ðường Tam
Tạng thỉnh kinh
Võ Ðình Cường
[Phần 4] -oOo- X. Ở TU HỌC TẠI CHÙA NA LAN ÐÀC hùa Na Lan Ðà ở về phía đông bắc Bồ đề già, trong nước Ma Kiệt Ðà (Trung Ấn Ðộ); dịch theo tiếng Trung Hoa, Na Lan Ðà nghĩa là Thí Vô Y. Chùa này được dựng lên từ thế kỷ thứ nhất (Tây lịch) và là một ngôi chùa lớn nhất và đẹp nhất ở Ấn Ðộ. Chùa gồm trên 10 tịnh xá, có phòng họp, phòng tịnh niệm, tịnh thất cao 4 tầng lầu, có vườn hoa, hồ sen, thành quách, như cả một đô thị. Chính Ngài Huyền Trang cũng đã viết trong tập bút ký của Ngài: "Tịnh xá ở Ấn Ðộ kể có hàng ngàn, nhưng không có cái nào sánh kịp chùa Na Lan Ðà, cả về phương diện lộng lẫy, giàu có và đồ sộ". Vào đây, người ta có cảm tưởng như đi lạc vào một rừng lâu đài, điện các, cái này chồng lên cái kia, với những pho tượng và những bức tường chạm trổ công phu.Na Lan Ðà thật xứng đáng là một học phủ tối cao, một trung tâm văn hóa của Ấn Ðộ thời bấy giờ. Các kinh điển Ðại thừa, Tiểu thừa, tụng tán Phệ đà, các sách y dược, thiên văn, địa lý, kỹ nghệ đều tập trung ở đó, tóm lại là đủ cả các thứ sách vở dạy Ngũ minh. Vị cao Tăng chủ trì tại chùa này là Ngài Giới Hiển, thường được gọi là Chánh Pháp tạng. Khi Ngài Huyền Trang đến đây thì Ngài Giới Hiển đã già trên 100 tuổi rồi, và là vị học giả thông thái nhất Ấn Ðộ thời bấy giờ. Số Tăng sĩ trong chùa, kể cả chủ lẫn khách, không bao giờ dưới 10 ngàn người. Các vị Tăng sĩ này đều nghiêm trì giới luật và siêng năng tu học. Hằng ngày vào khoảng 100 vị giảng sư túc trực giảng dạy trên pháp tọa. Cho nên từ 700 năm nay, từ khi chùa mới thành lập cho đến khi Ngài Huyền Trang đến tu học, chùa này luôn được sự trọng nể của các hàng vua chúa và dân chúng khắp nơi. Trong số 10.000 tu sĩ ở đây, có 1.000 vị thông giảng được 20 bộ kinh luận, 500 vị thông giảng 30 bộ, 10 vị thông giảng được 50 bộ, và chỉ có Ngài Giới Hiển là thông hiểu hết toàn thể các bộ. Ðể cung cấp mọi chi phí trong chùa và tứ sự cúng dường cho toàn thể Tăng chúng, nhà vua đã trích số tiền thu thuế của 100 thành phố, và mỗi ngày 200 gia đình thu thuế đem cơm nước, bơ, sữa đến cúng dường. Nhờ thế chư Tăng ở đây khỏi phải mất thời giờ đi khất thực và có đủ phương tiện và nhiều thời gian để tu học. Khi nghe Ngài Huyền Trang sắp đến, chùa phái 200 vị Tăng sĩ và1.000 tín đồ đi nghinh đón với cờ quạt, lọng tàng, hương hoa ... Khi Ngài vào đến chùa, toàn thể Tăng đồ và cư sĩ tụ lại, vây quanh Ngài hoan hô. Họ đặt trên bệ cao một cái ghế, mời Ngài Huyền Trang ngồi. Sau khi khách chủ đều ngồi, vị phó giám đốc của chùa đứng dậy, cất tiếng mời Ngài lưu lại chùa và cùng họ chung sống trong giáo lý lục hòa. Ngài được dẫn vào ra mắt Pháp sư Giới Hiển. Khi thấy Pháp sư, Ngài Huyền Trang, theo lễ phép Ấn Ðộ, quỳ xuống và bò vào đến gần chân Ngài Giới Hiển, lạy Ngài làm lễ ra mắt. Sau khi hỏi han và không tiếc lời khen ngợi, Ngài Giới Hiển truyền đem ghế và mời Ngài Huyền Trang ngồi. Ngài Huyền Trang tỏ ý định muốn được thụ giáo với Pháp sư Giới Hiển. Khi được biết ý định của Huyền Trang, Pháp sư Giới Hiển bảo một đệ tử thân tín kể lại cho Ngài Huyền Trang nghe điềm mộng mà Pháp sư đã thấy trước đây ít lâu, vì mang bệnh nặng, Ngài Giới Hiển muốn nhập diệt, nhưng một hôm Ngài nằm mộng thấy ba vị Ðại Bồ-tát là Ngài Văn Thù, Ngài Quan Thế Âm và Ngài Di Lặc đến dạy Ngài phải ở lại truyền đạo và đợi một vị Tăng sĩ ở Trung Hoa qua để truyền giáo. Ngài Huyền Trang nghe chuyện ấy, hết sức mừng rỡ, một lần nữa van xin Ngài Giới Hiển hãy rủ lòng từ bi nhận cho mình được làm đệ tử. Ngài hứa sẽ luôn là một đệ tử thuần thành và ngoan ngoãn vâng theo lời chỉ dạy của Pháp sư Giới Hiển. Ngài Giới Hiển, vì tuổi đã quá già, lâu nay không giảng kinh nữa, nhưng lần này vì Ngài Huyền Trang, sẽ đặc cách giảng về Du-già-sư-địa-luận. Ngài Huyền Trang thật may mắn gặp được vị sư xứng đáng như thế. Ngài Giới Hiển là học trò Ngài Dharmapala (Hộ Pháp), Ngài Dharmapala là học trò của Ngài Luận chủ Dignaga; Ngài Dignaga lại là đệ tử của hai Ngài Vô Trước và Thế Thân Bồ-tát, hai vị đã sáng lập ra tông Duy Thức. Như thế là Ngài Huyền Trang đã trực tiếp hấp thụ được giáo lý chính tông của Duy thức; thật là một sự may mắn hiếm hoi. Ngài Giới Hiển giảng về Du-già-sư-địa luận trong 15 tháng. Mỗi khi Ngài giảng, tín đồ xa gần nô nức tới nghe có đến ba, bốn ngàn người. Riêng Ngài Huyền Tràng, thì đêm ngày không phút nào chểnh mảng. Ngài vừa nghe giảng, vừa tìm tòi nghiên cứu thêm các kinh điển khác để được thông hiểu hết ý nghĩa sâu xa. Vì thế, thanh danh bác học của Ngài được lan khắp 5 xứ Ấn Ðộ, và được từ vua chúa cho đến dân chúng kính trọng, quý mến. Ban đầu Ngài ở trong một tòa nhà hai tầng của một tịnh xá do vua nước Ma Kiệt Ðà là Baladitya lập lên, sau Ngài lại dời sang ở kế cận ngôi nhà mà trước kia Ngài Luận chủ Hộ Pháp (Dharmapala) đã ở. Mỗi tháng vua nước Ma Kiệt Ðà cúng dường cho Ngài ba thùng dầu, và các thứ bơ, sữa, thức ăn đủ dùng trong mỗi ngày. Vua lại truyền cho một vị Tăng sĩ và một vị Bà-la-môn cứ mỗi ngày hướng dẫn Ngài đi du ngoạn đây đó bằng xe, ngựa hay cán. Trong 5 năm ở tu học tại chùa Na Lan Ðà, Ngài Huyền Trang đã nghe Pháp sư Giới Hiển giảng: 3 lần luận Du-già-sư-địa, một lần Thuận chánh lý luận, một lần Hiển dương luận, một lần Ðối pháp luận, hai lần Nhân minh luận, hai lần Thanh minh luận, hai lần Tập lượng luận, 3 lần Trung luận, 3 lần Bách luận. Ngoài ra, những luận khác như Câu Xá, Bà Sa, Lục Túc v.v ..., đã học ở các nơi thì chỉ hỏi lại những điểm nào còn nghi ngờ thôi. Sau năm năm thụ giáo với Ngài Giới Hiển và tiếp thu một số vốn học hỏi sâu rộng, Ngài Huyền Trang lại từ giã Na Lan Ðà để đi du học ở Ðông bộ, Nam bộ và Tây bộ Ấn Ðộ. * XI. CHU DU ÐÔNG, NAM, TÂY, BẮC ẤN ÐỘR ời Na Lan Ðà, Ngài Huyền Trang vượt sông Hằng, đi về phía Ðông, ra vịnh Băng-gan (Bengale) đến cửa bể Tâm-ra-li-ti (bây giờ là Tamluk). Ngài định đến đây rồi đi thuyền vượt biển ra đảo Xri LanKa, ở tận cùng bán đảo Ấn Ðộ, về phía Nam. Ðối với Ngài Huyền Trang, Xri LanKa là thủ phủ trung tâm của Tiểu thừa. Chính ở đây là nơi, lần đầu tiên công chúa con vua A Dục đã chiết nhành cây Bồ đề sang truyền đạo Phật. cũng chính ở đây là nơi đã có vinh hạnh độc nhất, được giữ di tích quý báu nhất là cái răng của đức Phật.Ngài Huyền Trang, đêm ở trên bờ biển Ấn Ðộ, thường mơ tưởng đến cái hòn đảo xa xăm kia mà hào quang của răng đức Phật chiếu sáng từ "Chùa răng Phật" ra xa mấy mươi dặm ở chung quanh, như một ngôi sao sáng lấp lánh giữa bầu trời đêm quang đãng. Nhưng khi đến cửa biển Tâm-ra-li-ti, Ngài hỏi đường thủy đi sang đảo Xri LanKa, thì người ta khuyên Ngài không nên làm một cuộc hành trình bằng hải đạo xa như thế, sợ gặp nhiều nguy hiểm. Họ bảo tốt hơn là Ngài nên đi lần ven bờ biển vịnh "Băng-gan", xuống đến gần đảo Xri LanKa sẽ vượt sang ngang thì dễ dàng và bớt phần nguy hiểm. Ngài Huyền Trang nghe theo lời khuyên ấy, đi đường bộ ven biển về phía Nam. Ngài trải qua các nước Ðông và Nam Ấn Ðộ như nước Cung-ngự-đàm Yết-lăng-già (Kalinga) Ma-ha Kiền-tất-la (Kosala) Án-đạp-la (Andàra), Ðà-na-yết-kiệt-ca (Dravida) v. v ... Ðến nước nào, Ngài nghe có vị cao tăng, đại đức có thể chỉ giáo cho mình về các môn đạo học, triết học, thiên văn, địa lý v.v ... thì Ngài liền xin đến thụ giáo. Ngoài ra, Ngài còn quan sát một cách chính xác địa thế sanh hoạt, tánh tình, đạo đức của dân tộc các nước ấy. Vì thế cho nên bộ Tây Du Ký của Ngài là một tài liệu quý báu mà chính ngày nay các nhà bác học vẫn cần đến để tìm tài liệu lịch sử về các nước Ấn Ðộ trong thời đại mà Ngài đi qua đấy. Khi Huyền Trang đến cực nam bán đảo Ấn Ðộ, đối diện với đảo Xri LanKa, định vượt biển qua đấy, thì một tin buồn đang đợi Ngài. Ðảo Xri LanKa, sau một cuộc đảo chánh trong nội phủ, đang làm mồi cho nạn đói khó và loạn lạc. Xri LanKa không còn là một xứ thanh tịnh êm đềm như trong tưởng tượng của Ngài Huyền Trang, mà là một nơi các vị tu sĩ đang lánh xa để đi tìm yên tĩnh ở một nơi khác. Chính các vị tu sĩ ở đây chạy sang trốn lánh trên đất Ấn Ðộ đã khuyên Ngài không nên đặt chân lên đảo ấy nữa. Ngài Huyền Trang đành hủy bỏ dự định sang viếng Xri LanKa và tiếp tục cuộc hành trình bằng đường bộ dọc theo bờ biển phía Tây Ấn Ðộ, để trở về chùa Na Lan Ðà. Ngài đã từ phía Bắc xuống cực Nam Ấn Ðộ bằng con đường ven biển phía Ðông (tức là bờ biển Bengale), giờ đây Ngài lại từ cực nam Ấn Ðộ lên phía Bắc bằng con đường ven biển phía Tây (tức là bờ biển Ấn Ðộ Ô Măng). Ði con đường vòng này xa hơn, nguy hiểm, khó nhọc hơn, nhưng mục đích của Ngài không phải đi cho mau đến đích mà là đi để biết và học hỏi. Ði là chính, mà đến chỉ là phụ. Thái độ của những người đi tìm học, tìm chân lý đều như thế cả. Trên đoạn đường dài trở về chùa Na Lan Ðà, Pháp sư đã đi qua những nước Yết Lăng Già (Nam Ấn Ðộ) Nam Kiền Tất La (Trung Ấn Ðộ), Lang Yết Là (cực Tây Ấn Ðộ) v.v ... Trong các nước ở vùng này, có nước giòng vua Ca-lu-ki-a (Calukya) là hùng mạnh hơn cả. Dân nước này thân hình cao lớn, phong tục giản dị và ngay thật. Tánh tình của họ kiêu hãnh và dễ nóng giận. Họ trọng danh dự và khinh thường cái chết. Ai làm ơn cho họ, họ luôn luôn ghi nhớ, trái lại, ai phạm đến danh dự của họ, không bao giờ họ tha thứ. Ai cầu cứu đến họ, họ hy sinh tất cả để cứu giúp. Khi họ muốn rửa hận, bao giờ họ cũng báo tin cho kẻ thù địch của họ biết trước. Sau đó họ mới nắm khí giới để thực hành dự định của mình. Khi ra trận, họ đuổi theo bắt những người thua chạy, nhưng không giết những kẻ chịu đầu hàng. Nếu một tướng sĩ của họ thua trận, họ không trừng trị bằng cách hành hạ thân xác, mà chỉ bắt người ấy ăn mặc y phục đàn bà; nhưng thường thường, kẻ bại trận ấy tự tìm lấy cái chết trước để khỏi phải ô danh như thế. Họ có một đạo quân hùng mạnh vô cùng, nhờ thế mà họ vẫn giữ được nền tự chủ trong lúc chung quanh họ, các nước đều bị sự đô hộ của vua Giới Nhật là vị vua đã thống trị hầu hết cả năm xứ Ấn Ðộ. Triều đình tuyển lựa một đám võ sĩ vô địch gồm mấy trăm người, rất hùng dũng, gan dạ. Nhóm người này trước khi ra trận, uống rượu vào cho đến say, và mỗi người có thể địch được muôn người. Nếu trong lúc say sưa ấy, họ lỡ tay giết người, thì triều đình cũng không bắt tội họ. Khi lâm trận, bọn người này đi xung phong. Ngoài ra, đạo quân của nước này còn gồm có một đoàn voi chiến, hàng mấy trăm con. Trước khi xáp trận, đàn voi này được cho uống rượu mạnh đến say như điên dại. Thế là người ta thả chúng xông vào tàn phá hàng ngũ quân địch. Tuy thế, dân chúng nước này phần đông đều hiếu học. Họ thờ thần Xi Va (Civa), nhưng không chống lại Phật giáo. Trong nước, có trên vài trăm tịnh xá Phật giáo nằm sát cạnh những đền thờ Bà-la-môn giáo. Sau khi đi dần đến nước Lan Yết Ma, cực Tây Ấn Ðộ, giáp ranh giới nước Ba Tư, Ngài Huyền Trang mới quay trở lại Trung Ấn Ðộ và sau khi trải qua nhiều nước, Ngài trở về nước Ma Kiệt Ðà và vào tu học lần thứ hai tại chùa Na Lan Ðà. Kể từ ngày Ngài Huyền Trang rời chùa Na Lan Ðà cho đến khi trở lại, ròng rã đã sáu năm. Trong sáu năm ấy, Ngài đã đi khắp Ðông, Nam, Tây, Bắc, Trung, 5 xứ Ấn Ðộ, gồm trên 100 nước. Nơi nào xét cần, Ngài ở lại để thụ giáo với những bực minh sư, từ một vài tháng cho đến một vài năm, như có lần Ngài đã tìm đến núi Tượng Lâm, lưu lại hai năm tại đấy, để học với ngài luận sư Thắng Quân. Ngài Thắng Quân là đệ tử của ngài An Huệ (cũng học với Ðại sư Giới Hiển) và là một học giả rất thông bác đương thời. Từ luận Ðại, Tiểu thừa, Nhân minh, Thanh minh, đến các sách ngoại đạo, 4 kinh Vệ Ðà, thiên văn, địa lý, y phương, thuật số, luận sư Thắng Quân đều thông suốt đến gốc ngọn. Ngài Huyền Trang đã học được với luận sư Thắng Quân về Duy Thức Quyết Trạch luận, Thành Vô uy, Bất trụ Niết bàn luận, Thập nhị Nhân duyên luận, Trang Nghiêm kinh luận v.v ... Ðiều đáng quý trọng trong thái độ học hỏi của Ngài Huyền Trang và đáng để cho chúng ta noi theo, là không phải Ngài chỉ sưu tầm nghiên cứu giáo lý Ðại thừa hay Tiểu thừa mà thôi; Ngài còn tìm hiểu, học hỏi những đạo giáo, môn phái triết học khác mà có khi Ngài không thích. Nhờ thế, tầm hiểu biết của Ngài thật bao la rộng lớn và mỗi khi bàn đến một vấn đề gì, Ngài cũng tỏ ra thấu triệt, quán xuyến, không ai qua mặt được và bao giờ cũng nắm phần thắng lợi. Chúng ta sẽ thấy những bằng chứng cụ thể về điểm này trong các cuộc tranh luận giữa Ngài và các đạo giáo khác, thuật ở chương sau. * XII. TRANH LUẬN VỚI CÁC PHÁI TIỂU THỪA VÀ NGOẠI ÐẠOS au sáu năm chu du và học hỏi khắp năm xứ Ấn Ðộ, Ngài Huyền Trang trở về Na Lan Ðà. Ở đây Ngài được toàn thể Tăng đồ tiếp đón rất nồng hậu và Ngài Giới Hiển vô cùng trọng nể. Vị trưởng lão này giao cho Ngài chủ trì các khóa giảng, ngoài ra còn sai Ngài giảng về Nhiếp Ðại Thừa luận, Duy Thức Quyết Trạch luận cho Tăng chúng cả chùa nghe.Trong số các đại đệ tử của Pháp sư Giới Hiển có ông sư Tử Quang thấy Ngài Huyền Trang được trọng đãi và làm chủ giảng, có ý không phục. Nhân ông này lấy Trung luận, Bách luận để phá nghĩa lý Du già, Ngài Huyền Trang vốn thông suốt cả Trung luận, Bách luận và Du già, nên hội thông cả ba tông cho là không trái nhau và làm ra 3.000 bài tụng "Hội tông luận", giảng rõ đại nghĩa, trình lên Giới Hiển và đại chúng, ai ai cũng đều khâm phục. Sư Tử Quang tự biết sức học của mình không thể nào theo kịp Ngài Huyền Trang, lấy làm xấu hổ bỏ chùa Na Lan Ðà ra đi, một năm sau mới dám trở lại. Cũng trong thời gian ấy, có người Thuận Thế ngoại đạo viết ra hơn 40 điều lý luận treo ở cửa chùa Na Lan Ðà và ngạo mạn tuyên bố rằng nếu ai có thể phá được một điều nào, thì anh ta cam chịu cắt đầu đền tội. Trong chùa không một ai dám bác bẻ. Ngài Huyền Trang liền xin Ngài Giới Hiển và các vị cao Tăng làm chứng cho cuộc biện luận giữa Ngài và người ngoại đạo ấy. Cuối cùng, người này thất lý, đành phải cúi đầu chịu lỗi và yêu cầu thi hành lời thách đố của mình. Ngài Huyền Trang cười bảo: –Ðã là một kẻ tu hành thì không bao giờ giết người. Anh định để vong hồn anh theo dõi bên mình ta hay sao? Trong các nước ở Ấn Ðộ thời bấy giờ có nước Ma Kiệt Ðà (hay Yết Nhược Cúc Am) là một nước lớn ở Trung Ấn Ðộ, ở dưới quyền thống trị của vua Giới Nhật (Harsha). Vị vua này rất sùng mộ Ðại thừa Phật giáo, và là một vị vua vừa có tài trị dân vừa là một thi sĩ. Uy tín và ảnh hưởng chính trị của ông lan xa trong năm xứ Ấn Ðộ. Phật giáo ở Ấn Ðộ thời bấy giờ mất dần thanh thế, nhưng ở nước Ma Kiệt Ðà, nhờ ảnh hưởng và uy tín của vua Giới Nhật, vẫn còn thạnh hành. Khi vua Giới Nhật thân chinh nước Cung Ngự Ðà, đi qua nước Ô Ðồ nghe tin có một vị tu sĩ theo Tiểu thừa có danh tiếng của nước đó là Bát-nhã-cúc-đa làm ra 700 bài tụng "Phá Ðại thừa luận", chê phái Ðại thừa là "không hoa ngoại đạo". Vua liền viết thư cho Ngài Giới Hiển xin cho người đến nước Ô Ðồ biện luận phải trái. Ngài Giới Hiển nhận thư, thương nghị cùng các vị cao tăng đại đức trong chùa Na Lan Ðà, và cuối cùng quyết định cử Ngài Huyền Trang với 3 người nữa là Sư Tử Quang, Hải Tuệ, Trí Quang đến đó biện luận. Ba người sau này lo sợ không dám nhận lãnh sứ mệnh ấy. Trái lại, Ngài Huyền Trang không chút sợ hãi, tìm được nguyên văn 700 bài tụng "Phá Ðại thừa luận", đêm ngày nghiên cứu, có chỗ nào nghi nan thì cùng người Thuận Thế ngoại đạo mà Ngài đã thuyết phục trước kia, thảo luận, rồi viết ra thành 1.600 bài tụng: "Phá ác kiến luận". Những bài tụng này rất được Ngài Giới Hiển và tăng chúng trong chùa thán phục. Ngài Huyền Trang sắp đi đến nước Ô Ðồ tranh luận thì vua Cưu Ma La (Kumura) ở cực Ðông Ấn Ðộ (bây giờ là Assam) vì hâm mộ sự uyên bác của Ngài Huyền Trang nên sai sứ đến thỉnh Ngài đến nước ấy giảng đạo. Ðiều đáng chú ý là vua Cưu Ma La, mặc dù theo Bà-la-môn giáo, vẫn không ngại nghe giảng về giáo lý Phật đà. Do thái độ rộng rãi, không cố chấp và luôn tìm kiếm học hỏi ấy, nên vua Cưu Ma La được những kẻ tài đức ở các nơi hâm mộ, kính yêu. Khi vua Giới Nhật thân chinh xong trở về nước mong được hội kiến với Ngài Huyền Trang để sắp đặt cuộc đấu lý giữa Ngài và các phái Tiểu thừa và ngoại đạo, hầu làm sáng tỏ giáo nghĩa Ðại thừa, nhưng Ngài Huyền Trang còn ở nước Cưu Ma La chưa trở về. Vua Giới Nhật một mặt, tức tốc phái người đi trước đến nước ấy triệu Ngài về, một mặt, thân hành đi sau đón Ngài. Vua Cưu Ma La, vốn là một chư hầu của vua Giới Nhật, nhận được thư của vua Giới Nhật, liền tự mình hộ tống Ngài Huyền Trang trở về. Ðoàn hộ tống ngược dòng sông Hằng, gồm có 20 ngàn thớt voi và 30 ngàn chiến thuyền. Khi đến địa điểm mà hai vị vua đã hẹn gặp thì trời đã tối. Vua Giới Nhật nóng lòng muốn gặp Ngài Huyền Trang, không đợi đến sáng hôm sau, mà truyền quân tức tốc cùng mình đến đón Ngài. Ðêm ấy, giữa giòng sông sáng rực lên mấy ngàn ngọn đuốc và vang lừng tiếng trống lớn. Cứ mỗi bước là 100 cái trống đều đánh lên một lần, đó là nghi lễ đặc biệt chỉ dành cho vị đại vương Giới Nhật mà thôi, các vị vua Ấn Ðộ khác không được theo nghi lễ ấy. Vua Cưu Ma La nghe báo vua Giới Nhật sắp đến cũng lật đật truyền quân đốt đuốc ra nghinh đón. Khi gặp Huyền Trang, vua Giới Nhật liền quỳ xuống hôn chân Ngài, rồi rải hoa trước mặt Ngài, và nhìn Ngài với một vẻ vô cùng ngưỡng mộ. Sau khi không ngớt lời tán thán Ngài Huyền Trang, vua hỏi có vẻ trách móc tại sao Ngài không đến hội kiến sớm hơn. (Từ khi Ngài Huyền Trang đặt chân đến Ấn Ðộ, lần này là lần đầu tiên Ngài gặp Giới Nhật. Vua thường đi thân chinh, ít khi có mặt ở kinh đô Khúc Nữ). Ngài trả lời với một vẻ tự tại của một nhà hiền triết rằng vì Ngài đang bận nghiên tầm kinh điển và nhất là đang cố soạn cho xong các bài tụng "Phá ác kiến luận", nên chưa có dịp đến yết kiến vua được. Tuy mới gặp nhau lần đầu, hai vị danh nhân này đã quý chuộng nhau và có cảm tình sâu đậm đối với nhau. Trước khi hỏi về đạo lý, vua Giới Nhật hỏi về tình hình nước Trung Hoa và được ngài trả lời một cách thông suốt. Vua hỏi: –Nước Ðại Ðường ở về phương nào? Cách đây xa hay gần? –Tâu, nước Ðại Ðường ở về phía đông bắc, cách đây đến hơn vài vạn dặm, tiếng Ấn Ðộ gọi là Ma ha Chi na. –Ta nghe nước Ma ha Chi na có vua Tần Vương, trẻ tuổi mà đã tinh thông, lớn lên rất là thần võ; gặp buổi trên đời tán loạn, cõi đất chia xẻ lở lang, Tần Vương ra dẹp yên bờ cõi, phong thanh ra đến cõi khác phương xa, đâu cũng mộ pháp xưng thần, có đặt ra khúc "Tần Vương phá trận nhạc", ta nghe tiếng đã lâu, nước Ðại Ðường có phải cũng là nước ấy chăng? Ngài Huyền Trang tâu: –Thưa phải! Chi Na là quốc hiệu của đời trước.[Ghi chú: Thì ra chữ "Chi na" là do người Ấn Ðộ gọi Nhà Tùy mà ra (Chi na: Tùy na)] . Ðại Ðường là tên nước của vua tôi, mà Tần Vương là hiệu của vua tôi khi chưa lên ngôi; nay đã vâng đại thống lên ngôi xưng là Thiên tử rồi. Trước đây, khi Tần Vương chưa tức vị, thì nước tôi đang ở trong cảnh vô cùng loạn lạc. Dân không có chủ, đồng ruộng đầy dẫy những xác chết, máu chảy thành sông, thây chất thành núi. Ban đêm những ngôi sao quái dị xuất hiện, ban ngày tử khí bốc lên. Hai bên bờ sông của Tam Hà đều hoang tàn vì thú dữ, còn Tứ Hải thì bị rắn độc hoành hành. Nhưng may nhờ Ngài Ðường Thái Tông (tức Lý Thế Dân) nặng lòng vì nghĩa cả, với một sức mạnh phi thường đã tung kiếm dẹp tan mọi loạn lạc và đem thái bình thịnh trị lại cho muôn dân ....Sau khi hỏi han về nhà Ðường xong, vua Giới Nhật lại hỏi về công cuộc nghiên cứu đạo lý của Ngài Huyền Trang, nhất là những bài tụng mà Ngài đã làm để hiển dương giáo lý Ðại thừa và bác bỏ những lý lẽ xuyên tạc của ngoại đạo. Sau khi được biết Ngài Huyền Trang đã hoàn tất công tác mà Ngài Giới Hiển đã giao phó, vua Giới Nhật mới hội đàm với vua Cưu Ma La, quyết định thông tri cho các nước, mở một đại hội ở than Khúc Nữ (Kanauj) kinh đô nước Ma Kiệt Ðà, để Ngài Huyền Trang tuyên dương giáo lý Ðại thừa và tranh luận với các phái Tiểu thừa và Ngoại đạo. Ðại hội mở vào những ngày đầu xuân năm 643 tại Khúc Nữ, trong một khung cảnh rất đồ sộ. Có thể nói đây là một đại thịnh hội văn hóa thứ nhất trong lịch sử Ấn Ðộ. Tất cả những nhân sĩ học giả uyên thâm của các giáo phái, các học thuyết ở Ấn Ðộ thời bấy giờ đều có đến dự. Người ta đếm được 18 vị quốc vương của 18 nước, 3.000 Tăng lữ thuộc Ðại thừa và Tiểu thừa, trên 2.000 người Bà-la-môn và Ni Càn Ngoại đạo, trên 1.000 Tăng lữ ở chùa Na Lan Ðà đến tham dự hội nghị. Tất cả những người này, mặc dù khác tín ngưỡng, khác học thuyết, nhưng đều là những học giả cao siêu, có uy tín, có ảnh hưởng trong 5 xứ Ấn Ðộ. Người thì đi thuyền theo giòng sông Hằng mà đến; người thì đi voi, đi cán dọc theo bờ sông. Mỗi người đều kéo theo nhiều đám tùy tùng. Cờ xí rợp trời, trống kèn dậy đất. Quang cảnh thật là tưng bừng, rực rỡ và vĩ đại chưa từng thấy. Vua Giới Nhật đã truyền dựng hai dãy nhà rộng mênh mông để chứa quan khách và Tăng sĩ. Ngày đầu khai mạc Ðại hội, có cuộc rước Phật. Tượng Phật được cung nghinh trên một thớt voi lớn trang hoàng lộng lẫy. Vua Giới Nhật, vận y phục như thiên thần Indra, nắm quạt trắng đi theo hầu ở phía tay phải tượng Phật; vua Cưu Ma La vận y phục như Phạm Thiên, mang lọng đi hầu ở phía trái. Trước và sau tượng Phật có trên một trăm thớt voi mang những nhạc sĩ và hoa quý để tung lên sau tượng Phật. Ngài Huyền Trang và vua chúa cùng đình thần đến cưỡi mỗi người mỗi thớt voi đi sau vua Giới Nhật và Cưu Ma La. Ðám rước khởi đầu đi từ doanh trại vua Giới Nhật vào lúc bình minh. Khi đám rước đến cửa hội trường, mọi người đều xuống voi để rước tượng Phật vào điện thờ. Vua Giới Nhật, cứ mỗi bước đi, lại trải ngọc ngà châu báu xuống đất để tỏ lòng sùng kính Tam bảo. Vua tự tay làm lễ tắm tượng Phật với nước hoa, rồi tự mình thỉnh tượng lên trên tháp cao. Sau khi lễ Phật xong, vua Giới Nhật truyền lệnh cho 18 quốc vương thỉnh vào đạo trường 1.000 vị cao tăng đại đức, 500 vị Bà-la-môn và ngoại đạo xuất sắc, 200 vị văn võ triều thần của 18 nước. Những vị tu sĩ và cư sĩ không vào được trong đạo trường thì sắp hàng đứng ngoài cửa. Sau khi mở tiệc thiết đãi và cúng dường tứ sự các vị tu sĩ. Hội nghị chính thức bắt đầu. Vua Giới Nhật thỉnh Ngài Huyền Trang lên Pháp tọa làm Luận chủ, xưng dương Ðại thừa, chế tạo luận lý và nêu vấn đề cho Hội nghị thảo luận. Ngài Huyền Trang đưa ra rất nhiều lý luận của phái Ðại thừa và lấy bài "Chân duy thức luận" hữu danh của Ngài làm nội dung cho cuộc tranh luận. Ngài sai Sa môn Minh Hiền đọc giữa chúng và dán một bản ở ngoài cửa hội trường để cho những người không thể vào được xem. Dưới bản ấy, vua còn ghi chú: "Nếu ai nhận thấy một chữ sai lầm, vô lý và có thể bác bẻ được thì trẫm sẽ xin chịu cắt đầu để tạ ơn". Sau khi treo bài luận ấy, từ sáng đến chiều, không một người nào dám đứng ra tranh luận. Những ngày sau, Ngài Huyền Trang vẫn biện luận một cách thông suốt và không gặp một đối thủ nào ngang sức. Ðến ngày thứ năm, phái đối lập thấy lý luận của mình bị đánh đổ tất cả, sanh lòng oán hận, âm mưu tìm cách ám hại Ngài. Vua Giới Nhật khám phá được âm mưu ấy liền ra một bản tuyên cáo, lời lẽ gắt gao: "Trong đại chúng, nếu kẻ nào âm mưu làm tổn thương đạo thể Pháp sư Huyền Trang sẽ bị chặt đầu; kẻ nào gièm siểm, mạt sát Pháp sư sẽ bị cắt lưỡi. Trái lại, kẻ nào tin tưởng vào sự công minh chính trực của Trẫm mà bàn cãi một cách đường chính chính, thì sẽ được hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến". Trong 18 ngày liên tiếp, Ngài Huyền Trang giảng một cách minh bạch, nghị luận xác đáng, đưa ra những nghĩa lý tinh vi, thâm thúy, làm cho cả hội trường, không ai cãi chối vào đâu được. Sau khi hội nghị bế mạc, hàng ngàn người đã bỏ đạo lý cũ của mình để xin quy y theo Ðại thừa Phật giáo. Quốc vương Giới Nhật vô cùng hoan hỷ, truyền đem cúng dường Ngài Huyền Trang 10 ngàn đồng tiền vàng, 30 ngàn đồng tiền bạc, 100 bộ y bằng nỉ. Mười tám vị quốc vương đều tặng Ngài rất nhiều báu vật, nhưng Ngài không nhận một mảy may nào. Theo cổ lệ Ấn Ðộ, những người đắc thắng trong các cuộc biện luận, được cưỡi voi du hành khắp nơi để được sự hoan hô của quần chúng. Bởi thế, vua Giới Nhật truyền trang hoàng một con voi lớn, có 18 vị quốc vương và các vị đình thần, dân chúng đi theo hộ vệ, rồi mời Ngài Huyền Trang lên voi. Ngài từ chối hai ba lần, nhưng vì mọi người đều nài ép bảo rằng đó là một tục lệ nên Ngài phải làm theo. Ngài trèo lên mình voi. Vua Giới Nhật nâng chéo y của Ngài, long trọng tuyên bố với quần chúng: –Ðây là vị Pháp sư Trung Quốc đã lập luận về giáo lý Ðại thừa, phá tan mọi tư kiến, luôn trong 18 ngày không ai tranh luận nổi. Vậy hết thảy chúng ta phải nhận biết sự đắc thắng ấy. Toàn thể hội trường hoan hô nhảy múa, dâng hương tung hoa, và đi theo hộ tống Ngài. Từ đây, tiếng tăm của Ngài vang dội cả 5 xứ Ấn Ðộ. Bên lề cuộc thắng lợi vẻ vang mà Ngài Huyền Trang đã thâu hoạch trong cuộc tranh luận với các giáo phái và ngoại đạo ấy, chúng ta cũng nên biết qua những nỗi khó khăn, trở ngại mà vua Giới Nhật đã gặp phải trong khi tổ chức Ðại hội có một không hai trong lịch sử văn hóa Ấn Ðộ ấy. Nguyên ở Ấn Ðộ hồi ấy, đạo Phật đã dần dần mất thanh thế, và Bà-la-môn giáo đang vào giai đoạn khôi phục thanh thế đã có từ trước khi đức Phật ra đời. Ngay ở nước Ma Kiệt Ðà là nơi đạo Phật đang còn nhiều uy tín, mà trong triều đình của vua Giới Nhật, phần lớn các quan đại thần đều là tín đồ Bà-la-môn giáo. Bà-la-môn giáo đang lớn mạnh. Bởi thế, những người lãnh đạo tôn giáo này không muốn vua Giới Nhật tổ chức đại hội nói trên mà kết quả là nâng cao uy tín của đạo Phật và Ngài Huyền Trang, một vị Pháp sư Trung Quốc, và làm lu mờ Bà-la-môn giáo và giới lãnh đạo tôn giáo ấy, trước mắt quần chúng Ấn Ðộ. Họ tìm cách để phá hoại đại hội và âm mưu ám sát cả vua Giới Nhật nữa. Trong ngày cuối cùng của đại hội, lửa bỗng nhiên bốc cháy ở cái tháp mới cất để thờ Phật trong hội trường, và gian nhà hai tầng cũng làm mồi cho ngọn lửa. Nghe tin chẳng lành ấy, vua Giới Nhật đã đau đớn thốt lên: –Ta đã đem hết của cải ra bố thí; và theo gương các tiên đế, ta đã xây dựng cái tháp ấy và làm các việc ích lợi khác. Nhưng vì đức ta quá mỏng nên ta không được sự ủng hộ của thần dân. Trước những tai họa và những điềm chẳng lành ấy, ta có cần kéo dài thêm đời sống nữa chăng? Những cận thần thân tín của vua cũng nói: –Chúng tôi tin tưởng rằng cái tháp mới xây dựng này sẽ tồn tại đến thiên thu, nào ngờ trong mấy hôm đầu nó đã thành tro bụi. Chắc bọn Bà-la-môn sẽ sung sướng vỗ tay reo mừng lắm. Nhưng may thay, nhờ Phật gia hộ, đám lửa được dập tắt và các sự thiệt hai không lấy gì làm quan trọng: Nhưng bọn chủ mưu Bà-la-môn không nản lòng, còn tiếp tục tiến xa hơn nữa trong những âm mưu đen tối. Sau khi lửa tắt, vua Giới Nhật cùng các tiểu vương và đình thần leo lên ngọn tháp để quan sát tình hình. Vua lên đến đỉnh tháp, nhìn xuống dưới một vòng rồi theo tầng cấp bước xuống. Thình lình một kẻ lạ mặt tay nắm đoản đao phóng đến phía vua. Vua Giới Nhật nhảy lui mấy bước, rồi chạy trở lên. Khi kẻ lạ mặt chạy theo gần đến, vua cúi xuống ôm lấy nó và giao cho các quan hộ vệ. Khi kẻ ám sát đã bị bắt, vua Giới Nhật không đổi sắc mặt, bình tĩnh hỏi lý do vì sao nó muốn giết ngài. Người này khai là những người Bà-la-môn tức giận vì vua đã ưu đãi Tăng sĩ Phật giáo, nên họ dự tính sau khi phóng lửa đốt cháy cái tháp, sẽ thừa dịp lộn xộn để ám sát vua. Nhưng đám lửa đã bị dập tắt ngay, họ không thi hành được như đã dự định, nên thuê người ấy nắm dao đâm vua. Sau vụ mưu sát ấy, 500 người Bà-la-môn bị đày ra khỏi biên giới Ấn Ðộ. * XIII. ÐẠI THÍ TRƯỜNG "VÔ GIÀ"S au ngày bế mạc đại hội ở Khúc Nữ, Ngài Huyền Trang muốn từ giã Ấn Ðộ trở về nước. Nhưng vua Giới Nhật muốn ngài ở lại để dự Ðại hội "Vô già" là một đại hội Bố thí rất lớn, tổ chức tại Bát-la-ra-gia (Prayâga). Vua nói:–Ðệ tử ở ngôi vua đã hơn 30 năm nay, tích chứa của báu, cứ năm năm một lần mở ra hội Vô già đại thí trong 75 ngày. Nay đệ tử muốn mở hội lần thứ sáu, vậy xin Pháp sư hãy tạm ở lại để cùng tùy tùng tùy hỷ cho vui. Nể lời mời của vua Giới Nhật, Ngài Huyền Trang ở lại, chứng kiến một đại hội bố thí vô cùng đặc biệt, chỉ riêng ở Ấn Ðộ mới có. Ðại hội này mở tại nước Bát-la-ra-gia, phía Bắc giáp sông Hằng, phía Nam giáp sông Diêm-mâu-na (Jumnâ), lập trên một cái đàng rộng lớn, mỗi bề độ 15 dặm. Từ ngàn xưa, mỗi lần muốn bố thí lớn, các vua chúa đều đến đây mở hội. Tục truyền rằng một đồng bạc bố thí ở đấy có giá trị phước đức 100 ngàn đồng bố thí ở các chỗ khác. Chung quanh đàng có hàng rào bằng tre, ở giữa có nhiều dãy nhà rộng lớn lợp tranh để chứa các vật bố thí có giá trị như vàng, bạc, châu báu, san hô, xa cừ, mã não ... Ngoài ra còn có mấy trăm kho chứa vải lụa ... Trước mỗi kho, có một gian nhà có thể chứa được một ngàn người. Ngoài hàng rào, một dãy trại lớn được dựng lên để làm trai đường. Khi vua Giới Nhật, Ngài Huyền Trang và 18 vị Quốc vương đến đại thí trường này thì 500 ngàn người đang đợi sẵn để được bố thí. Sau khi các vua chúa hạ trại xong, quân lính đi theo hộ giá chia làm hai đạo, một đạo đi theo đường thủy, trên những chiếc thuyền lộng lẫy, một đạo theo đường bộ trên những thớt voi hùng dũng, tề tựu ở chung quanh thí trường; còn các vua chúa thì cứ theo thứ tự lớn nhỏ mà đứng ở những địa điểm đã định trước. Ngày đầu, người ta cung thỉnh một tượng Phật lên điện thờ và bố thí những thứ thất bảo và y phục vô cùng quý giá. Một bữa tiệc linh đình được thết đãi, có hoa và nhạc. Ngày thứ hai, người ta cung thỉnh một tượng Nhật thần, và cũng bố thí các thứ thất bảo và y phục quý báu, nhưng chỉ bằng nửa giá trị của những thứ bố thí ngày đầu. Ngày thứ ba, người ta cung thỉnh một tượng thần Xi-va (Civa) và cũng bố thí các thứ quý giá như ngày thứ hai. Ngày thứ tư, người ta cúng dường cho mười ngàn Tăng sĩ; những người này ngồi sắp thành 100 hàng dài và mỗi người nhận lãnh 100 đồng tiền vàng, một bộ y bằng vải, các thức ăn và hương hoa. Ngày thứ năm, làm lễ cúng dường cho tu sĩ Bà-la-môn, và liên tiếp trong 20 ngày như thế. Lần thứ sáu, làm lễ cúng dường cho ngoại đạo, và liên tiếp trong mười ngày như thế. Lần thứ bảy, làm lễ cúng dường cho các người thuộc đạo Ni Càn ở xa đến và trong 10 ngày như thế. Sau cùng, là cuộc bố thí cho những người nghèo khổ, mồ côi, vô gia đình. Lần bố thí này kéo dài trong suốt một tháng. Sau thời hạn này, tất cả các kho tàng của nhà vua tích trữ trong khoảng năm năm đều hết sạch; chỉ còn voi ngựa, khí giới là những thứ cần dùng để bảo vệ an ninh, trật tự, không thể đem cho được. Ðến đây Ngài Huyền Trang được chứng kiến một cử chỉ vô cùng ngoạn mục của lòng từ bi mà vua Giới Nhật đã biểu lộ trong những ngày cuối cùng của Ðại thí trường Vô già: Sau khi nhận thấy quanh mình không có gì để cho nữa, vua Giới Nhật liền lột hết cả áo mão, vòng vàng, chuỗi ngọc, tất cả những vật quý mang trong mình ra bố thí. Rồi mượn một bộ áo quần mặc thường của bà công chúa chị mình, vua choàng vào và quỳ xuống đảnh lễ mười phương Phật. Vua chắp hai tay trong dáng điệu vô cùng hoan hỷ và nói: –Xưa kia, đệ tử thâu nhặt bao nhiêu ngọc ngà châu báu và cứ sợ kho tàng không đủ chắc chắn để thu giấu kín đáo. Nhưng bây giờ, sau khi làm bố thí, đã gieo tất cả vào phước điền, đệ tử thấy rất yên lòng, vì biết không bao giờ chúng có thể mất mát đi đâu được. Nhưng, mặc dù vua Giới Nhật tỏ vẻ vô cùng hoan hỷ trong cử chỉ bố thí cao cả của mình, 18 vị quốc vương nhận thấy áy náy vì không thể để cho một vị Ðại vương ăn mặc tầm thường như thế được. Họ phải xuất tiền của trong kho ra chuộc lại những thứ áo mão, vòng vàng, chuỗi ngọc, hoa tai v.v ... mà vua Giới Nhật đã bố thí, và đem dâng lại cho vua. Sau khi đại hội Vô già bế mạc, Ngài Huyền Trang xin từ giã vua Giới Nhật để lên đường về nước. Bấy giờ Ngài đã 48 tuổi, và tính ra, ở Ấn Ðộ đúng 15 năm. Trong thời gian ấy không một giờ phút nào Ngài không nhớ đến tổ quốc. Mặc dù biết thế, vua Giới Nhật vẫn còn muốn cầm Ngài ở lại nữa. Pháp sư phải dùng những lời lẽ vô cùng vững chắc và cảm động mới làm xiêu được lòng vua Giới Nhật. Vua đề nghị nếu Ngài đi đường thủy thì sẽ cho người theo hộ tống. Nhưng Ngài Huyền Trang đã có ý định từ trước là trở về bằng đường bộ, qua ngã Trung Á. Bao nhiêu cảm tình nồng hậu và kỷ niệm quý báu đang đợi Ngài ở đấy. Nhất là Ngài không thể quên lời hẹn với vua Khúc Văn Thái, sẽ trở về ở lại nước Cao Xương trong một thời gian vài năm. Lời hẹn ấy có giá trị như một lời thề không thể làm ngơ được. Vì thế, mặc dù Ngài có thể đi sang cực đông Ấn Ðộ đến nước của vua Cưu Ma La rồi vượt núi, thẳng đường lên phía Bắc là đến Trung Hoa, con đường này rất gần, nhưng Ngài không đi. Có người cho rằng Ngài không đi đường này, vì sợ gặp nhiều nguy hiểm. Nhưng một người đã có lòng cương quyết, nhiều kinh nghiệm, không hề sợ gian nguy, hiểm trở như Ngài, thì có bao giờ lại lùi bước trước một con đường rút ngắn như thế? Lý do Ngài không đi đường ấy chính là để khỏi thất lời hứa với vua Cao Xương vậy. Ngài không ngờ rằng vua Cao Xương khi ấy đã chết rồi. Khi Ngài Huyền Trang ra về, vua Giới Nhật trao tặng Ngài rất nhiều lễ vật và truyền lệnh cho một số quan lính theo hộ tống Ngài đến tận biên giới Ấn Ðộ, để bảo vệ Ngài chống bọn giặc cướp, rất nhiều ở sườn núi Hy Mã Lạp Sơn. Vua lại còn tặng Ngài một thớt voi quý để chở Ngài đi và viết thư cho các vị tiểu vương các nước Ngài sắp đi qua để họ giúp đỡ, tiếp đón Ngài. Còn kinh sách và tượng Phật mà Ngài đã sưu tầm thì vua truyền lệnh cho một tiểu vương ở Bắc Ấn Ðộ chở đi bằng ngựa hay bằng xe trận. Vua Cưu Ma La cũng trao tặng Ngài một bộ áo bằng lông rất quý để phòng mưa gió khi vượt qua rừng núi. Hai vị vua ấy lại còn kéo cả một đạo quân tùy tùng theo đưa tiễn Ngài đến mấy mươi dặm đường trên đồng bằng xứ Bạt-la-ra-gia (Prayaga). Phút chia tay, chủ và khách đều không thể cầm được nước mắt và những tiếng thở dài thương cảm. Ba hôm sau, khi Ngài Huyền Trang đi rồi, vua Giới Nhật và Cưu Ma La cùng mấy trăm kỵ mã lại ruổi theo Ngài, mong gặp lại một lần cuối, và tiễn Ngài thêm mấy dặm đường nữa mới trở lui. -oOo- |
Chân thành cám ơn Ðại đức Giác Ðồng đã gửi tặng phiên bản vi tính. (Bình Anson, 04-2001)
update: 25-02-2001