BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with VU-Times font |
THERAVĀDA
SỬ LIỆU VỀ XÁ-LỢI RĂNG PHẬT
DĀṬHĀVAṂSA
Nguyên tác Pāli: Dhammakitti Rājaguru Thera
Lời tiếng Việt: Indacanda Bhikkhu (Trương đình Dũng)
SRI JAYAWARDHANARAMAYA
COLOMBO – 2005
-ooOoo- PHẦN GIỚI THIỆU Tác phẩm Dāṭhāvaṃsa cung cấp sử liệu về xá-lợi răng bên trái của đức Phật. Xá-lợi răng này đã được vị hiền triết Khema nhặt lấy tại lễ hỏa táng nhục thân của đức Thế Tôn ở Kusinārā rồi đã tặng cho đức vua Brahmadatta ở thành Dantapura xứ Kaliṅga (Chương II: câu kệ 52). Sau đó, xá-lợi răng này đã được công chúa Hemamālā con vua Guhasīva và chồng là hoàng tử Danta đưa đến hòn đảo Laṅkā vào năm thứ chín dưới triều đức vua Kittisirimegha (308 sau công nguyên) và đã được đức vua cùng dân chúng tiếp rước long trọng (V: 1). Sau đó, xá-lợi đã ngự đến tu viện Abhayuttara và được thờ phượng tại đó (V: 67). Xá-lợi răng Phật này là vật biểu tượng cho vương quyền và là đối tượng chiêm bái linh thiêng nhất của hòn đảo Sri Lanka, hiện đang được thờ phụng tại Daladā Māligawa (nghĩa là Điện Thờ Xá Lợi Răng), ở Kandy. Lễ hội chiêm bái Xá-lợi Răng Phật được tổ chức rầm rộ vào khoảng tháng Bảy/Tám mỗi năm. Theo lời tự thuật của tác giả ở phần đầu (I: 4-9), tác phẩm này được ghi lại theo lời thỉnh cầu của vị thống lãnh quân đội tên Parakkama là người đã ủng hộ Hoàng Hậu Līlāvatī lên ngôi trị vì xứ sở vào năm 1211; do đó thời điểm thực hiện tác phẩm này được ước định vào giai đoạn trên. Dựa vào phần kết thúc, được biết tác giả là vị trưởng lão Dhammakitti là giáo thọ sư của đức vua (rājaguru) và là đệ tử của Ngài Sāritanuta (một cách gọi khác của tên Sāriputta) danh tiếng ở vào triều đại của vua Parakamabāhu I (1153-1186). Đồng thời cũng được biết thêm về các công trình biên soạn khác của vị ấy gồm có: Sớ Giải (Ṭīkā) Ratnamatipañcikā cho tập văn phạm Saṅskrit nổi tiếng Candravyākaraṇa của tác giả Candagomī, Sớ Giải Sāratthadīpanī cho bản Chú Giải Luật Samantapāsādikā, Sớ Giải Sāratthamañjusā cho bộ Chú Giải của Kinh Tăng Chi, và tập sách tên là Vinayasaṅgaha. Về hình thức, tác phẩm này được thực hiện dựa theo lối trường thi (tương tợ như thể Mahā Kāvya của ngôn ngữ Sanskrit) gồm có 415 câu kệ (gāthā). Mỗi câu kệ được ghi thành 2 dòng và được chia làm 4 pāda; thông thường mỗi câu kệ như vậy là một câu văn hoàn chỉnh về phương diện văn phạm. Về nội dung, tác phẩm này có đề cập đến việc đức Phật đã ngự đến hòn đảo Laṅkā ba lần: Lần thứ nhất vào tháng thứ chín tính từ lúc chứng quả Toàn Giác, đức Phật đã ngự đến Mahiyaṅgana để khuất phục các dạ-xoa (II: 1-9). Lần thứ nhì vào ngày Uposatha thuộc hạ huyền của tháng Citta (tương đương ngày 30 tháng Ba âm lịch) vào năm thứ năm tính từ lúc chứng quả Toàn Giác, Ngài đã ngự đến Nāgadīpa để giải quyết sự tranh chấp giữa hai vị Long Vương về ngôi bảo tọa bằng ngọc ma-ni (II: 10-18). Lần thứ ba vào ngày Rằm tháng Vesākha (tương đương rằm tháng Tư âm lịch) của năm thứ tám tính từ lúc chứng quả Toàn Giác, Ngài đã ngự đến Kalyāṇi (nay là Kelani Vihāra ở thủ đô Colombo) theo lời mời của Long Vương Maṇi-akkhika (II: 19-28). Thêm vào đó còn có những câu chuyện kể sống động về sự huyền diệu của xá-lợi Phật, cũng như niềm tin và thái độ sùng kính của người dân trên đảo đối với di sản quý báu này của đức Phật. Về phương thức trình bày, chúng tôi đã ghi lại các câu kệ thơ Pāli bằng dạng chữ nghiêng xen kẽ với lời dịch Việt theo lối văn xuôi bằng dạng chữ đứng; mỗi câu kệ Pāli tương đương với hai hoặc ba dòng văn Việt được trình bày thành từng đoạn tách biệt. Đôi chỗ, hai câu kệ hoặc nhiều hơn được dịch chung thành một đoạn dựa theo tính chất hoàn chỉnh về văn phạm hoặc về ý nghĩa của chúng. Các câu đối thoại khi được dịch sang tiếng Việt được trình bày bằng dạng chữ nghiêng trong ngoặc kép. Chúng tôi trình bày song ngữ như vậy với các dụng ý sau: Giúp cho độc giả người Việt có được văn bản Pāli để tham khảo lúc cần thiết, đồng thời cũng thuận tiện cho quý độc giả trong việc kiểm tra lại chất lượng của lời dịch Việt. Một điều cần lưu ý là trong văn bản Pāli này, chúng tôi đã không tách rời các cụm từ đã được liên kết lại theo quy luật Sandhi nên có những dòng chữ chiếm trọn một hàng hoặc hơn. Về nguyên tác Pāli, chúng tôi cũng xin ghi lại nguồn trích dẫn đã được chúng tôi sử dụng để quý vị tiện việc sao lục. 1/- The Dāṭhāvaṃsa (in Devanāgarī characters). Ed. and trans. Bimala Charan Law. Lahore: Motilal Banarsi Das, 1925. 2/- The Dāṭhāvaṃsa from Sir Coomara Swamy’s edition in Sinhalese, Dr. Morris’ transliteration in Roman characters. "Journal of Pali Text Society 1884." London: Pali Text Society, 1978. 109-151. 3/- Dāṭhāvaṃso. CD Rom Chaṭṭhasaṅgāyana, version 3.0. Vipassana Research Institute, 1999. Mục đích của chúng tôi trong khi nghiên cứu tài liệu này nhằm tìm hiểu văn phong Pāli qua các thời kỳ khác nhau nên thời gian đầu tư cho công việc ghi lại tiếng Việt của tài liệu này rất hạn chế, vì thế không tránh khỏi những điều thiếu sót. Ngưỡng mong quý độc giả niệm tình hỷ xả. Mọi sự góp ý phê bình xin email về: dinda@u.washington.edu Nhân đây, chúng tôi cũng xin thành tâm ghi nhận công đức của Ven. Bodhinanda (Canada) đã cung cấp văn bản Pāli dạng mẫu tự Devanāgarī, đồng thời chân thành tán dương sự sách tấn và ủng hộ của quý vị hữu ân: Sư Cô Diệu Linh, Sư Cô Hạnh Bửu, Sư Cô Liễu Pháp, Dr. Bình Anson, Bà Ba Diệu Đài, Cô Sáu Dép và các con Phạm Thị Thi, Phạm Xuân Lan, Phạm Thu Lan, Phạm Thông Hải, Cô Tư Khánh Huy, Cô Lê Thị Huế, Cô Ngô Kim Chi, gia đình Trương Tuyết Anh, v.v... Thành tâm cầu chúc quý vị luôn giữ vững niềm tin và thành tựu được nhiều kết quả trong công việc tu tập giải thoát và hộ trì Tam Bảo. Công đức này xin dâng đến Hòa Thượng trụ trì chùa Sri Jayawardhanaramaya, Colombo, Tích Lan, đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho chúng tôi trong công việc tu học và nghiên cứu Phật Pháp thời gian qua. Mong sao hết thảy chúng sanh đều được tiến hóa trong ánh hào quang của Chánh Pháp. Colombo, ngày 02 tháng 05 năm 2005 -ooOoo- |
Chân thành cám ơn Tỳ khưu Indacanda đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 05-2005)
[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 11-05-2005