[01]
* * *
Gió mây biến đổi
lẽ thường
Cõi đời vạn vật "Vô thường" luật chung
Dù ai gắng sức vẩy vùng
Nào đâu thoát khỏi khổ chung: sanh già...
Ðầu gành giọt nước vừa sa
Tinh sương biến dạng chiều tà bụi đông
Có nhà tăng sĩ NGUYÊN KHÔNG
Vân du hành cước chẳng lòng vương mang
Che thân có chiếc y vàng
Với bình bát nọ hành trang của Ngài
Nối truyền phẩm hạnh Như Lai
Bên trong Giới Ðịnh... bên ngoài bát y
Dù rằng giới luật hành trì
Nhưng không lập dị, chẳng khi người lầm
Dù hằng giảng giải Pháp âm
Nhưng không tự mãn, chẳng cầm rẽ ai
Chẳng phân bỉ thử trong ngoài
Ðêm đêm tịnh mặc, ngày ngày thiền cư
Sống đời Thánh thiện vô tư
Hóa duyên từng bữa, ngụ nhờ từng đêm
Rao rao gió quyện đồi sim
Lâng lâng một nữa trăng liềm xa xa
* * *
NGUYÊN KHÔNG hôm nọ
ta bà
Gặp người vấn đạo:- Tu là tại sao?
Phải chăng lỡ cuộc hoa đào?
Hay suy tài sản, hoặc đau khổ già
Mỉm cười sư đáp nôm na:
Tôi tu giải thoát sanh già khổ đau
Thế gian không dưới quyền nào
Tâm tư chẳng bận khó giàu hèn sang
Cuộc đời Tu sĩ thênh thang
Sớm vui rừng thẳm, tối hoàn non xanh
Bạn cùng gió mát trăng thanh
Nương theo đuốc tuệ thực hành đạo cao
Trần hoàn như giấc chiêm bao
"Túy sanh mộng tử" ra vào triền miên
Ngủ trần càng nhiễm càng ghiền
Càng vui dục lạc càng phiền não lung
Không luyến ái, chẳng hãi hùng
Không vương không lụy não nùng cũng không
Dứt lời chủ khách thảy đồng
Tâm vui lẽ đạo, NGUYÊN KHÔNG giả từ
* * *
Tiếp đường nhàn
tịnh độc cư
Xuất gia phóng khoáng như hư không hằng
Một chiều đất lạnh trời băng
Thanh thanh một vẻ dưới trăng từ từ
Bước đi chầm chậm vô tư
Già lam một kiểng ngụ nhờ đêm nay
Cơ duyên lại gặp một Thầy
Kính Sư cảm tác một bài kệ ngâm
"Lành thay! Hạnh ngộ tri âm"
"Tỏ thông lẽ đạo quyết tầm pháp tu"
"Ấy nhà Tăng Sĩ vân du"
"Ðêm nay dừng gót châu du chốn này"
"Ðó là Bát, nọ là Y"
"Hao hao vóc dáng đầy đầy trí tinh"
"Gió ngàn cuốn nước rung rinh"
"Viện tu tĩnh mịt, thiền sinh ngẫm nghiền"
"Cảnh an lặng trí tâm yên"
"Là cơ hội để tìm duyên Níp-Bàn"
"Trên tòa Phật chiếu hào quang"
"Dưới người Thích tử nghiêm trang tọa Thiền"
"Thoạt đầu tỏ ngộ hữu duyên"
"Chống ngăn Pháp lậu chầy triền giảm khinh"
Ðêm tàn rạng ánh bình minh
Ðến giờ thọ thực Tăng xin xả thiền
Sau rồi lại thảo luận thêm
Câu nào thắc mắc Thầy đem ra bàn
* * *
Thoạt đầu đề
cặp nguyên nhân
Do đâu thúc đẩy chúng sanh luân hồi?
Theo dòng nước lũ nổi trôi
Ðắm chìm muôn kiếp ngàn đời hãi kinh
Sư rằng: -Duyên khởi Vô Minh
Bởi do "Tam Lậu", quả gìn chuyển xoay
"Chúng sanh muôn kiếp đọa đày"
"Vì nhân "Tham ái", đổi thay luân hồi"
Thầy thưa:- tội nghiệp lắm ôi!
Chúng sanh đau khổ, khổ rồi khổ thêm
Bao giờ Tam giới lặng êm
Dứt dòng nhân quả ẩn tiềm thời gian
Minh minh địa ngục thiên đàng
Vơi vơi biển khổ, trần hoàn trắng tay
Xót mình mà cũng thương ai
Ðồng chung cảnh ngộ khổ dài Nhân, Thiên!
Dứt lời Thầy với Sư Nguyên.
Vái chào giả biệt vấn yên hội nào.
* * *
Dặm ngàn cất bước
không nao
Sá chi sương gió bạc màu huỳnh y
Cuộc đời nhàn tịnh viễn ly
Vui luôn kiếp sống kiên trì độc cư
Chuyên lo đào thải thối hư
Giới ngăn bất tịnh, Ðịnh trừ chướng khiên
Tâm ưa ẩn dật rừng thiêng
Tới giờ thọ thực hóa duyên tạm dùng
Chí mong giải thoát thung dung
Chán nơi trần thế hãi hùng Nhơn, Thiên
Thoát ly hỷ lạc ách phiền
Tham mê ngủ dục như ghiền gải da
Sắc thinh hương vị trần sa
Như cây lắm nhựa, như là xương khô
Như thây trôi giữa bể hồ
Như cầm đuốc ngược, như lò lửa than
Như trong giấc mộng kê vàng
Như đồ tạm mượn, như giàn trái say
Như gươm lao nhọn bén dài
Như dao với thớt ngày ngày mòn hao
Như đầu rắn độc khổ đau
Ích chi trần dục rạt rào mến thương?
* * *
Lơ thơ liễu rũ bên
tường
Gió đưa nhè nhẹ hoa hường lung lay
Tà tà bóng ngã đường dài
Lữ hành lẹ bước, chương đài buâng khuâng
NGUYÊN-KHÔNG dưới cội tạm dừng
Từ xa một lão đến gần hỏi thăm
Lão rằng:- tôi đã kiếm tầm
"Cao Tăng, học giả hỏi "Tâm"là gì?
Nhưng mà nào có ra chi
Kẻ: "Duyên sắc tướng", người thì:" pháp Không"
Có người giảng giải lòng dòng
Trước sau mâu thuẫn: không thông nói càng!
Duyên may hạnh ngộ giữa đàng
Thỉnh cầu Ðại Ðức vẹt màn Vô Minh
Sư rằng:" Các loại hữu tình
Tâm là "hiểu biết" Y Sinh "Cảnh quyền"
Thế Tôn Diệu Pháp chơn truyền
Ý, Tâm hoặc Thức tùy duyên mượn xài
Cũng không phân biệt trong ngoài
Chơn Tâm, vọng thức cũng loài huyển hư"
Lão rằng: còn tiếng "Chơn Như"
"Chơn Không", "Phật tánh" bây giờ hiểu
sao?
Mĩm cười Sư khẻ gật đầu
Mắt nhìn lão trượng hồi lâu thăm dò
Ðạo từ lúc nhỏ lúc to
Khi nghe thanh thoát, khi mò từ câu
Chơn là thật có từ đầu
Như: không thay đổi trước sau thường hằng
Ấy là ám chỉ Níp-Bàn
Chẳng sanh chẳng diệt khổ tan nghiệp trừ
Chơn không đồng nghĩa bất hư
Cố danh:" tịch tịnh" chẳng dư pháp hành
Còn câu "Phật tánh" tịnh thanh
Cũng kêu "tánh giác" sở hành vô tham
Chớ đừng lầm tưởng ngoại đàm
Chấp như "Tự ngã", giả làm độ sanh
Thói đời bán lợi mua danh
Bớt thêm Pháp Phật cãi canh lắm điều
Lại còn ngạo mạn tự kiêu
Danh xưng Ðại Tiểu gây nhiều hoang mang
* * *
Tung tăng gió quyện y
vàng
Trăng xuyên vằng vặc, thông đàn vi vu
Ðêm về lão định giả từ
Nhưng còn vài chỗ thực hư khó tìm
Nén lòng nán lại hỏi thêm
Rằng ba thân Phật giải dùm có chăng?
Sư cười và đáp tiếng rằng:
Theo kinh Chánh thuyết ba thân có nào
"Pháp Thân" danh tạo đời sau
Chỉ cho giáo lý đốn cao tiệm huyền
"Báo thân" thể xác tứ nguyên
Băm hai tướng tốt nối truyền "Pháp Vương"
"Hóa Thân" ứng hiện mười phương
Chuyển mê khai ngộ dẫn đường chúng sanh
Nhưng trong Chánh tạng chỉ rành
Thì danh "thị hiện" đặt thành: người sau.
Ba thân bốn trí chuyển vào
Rằng do tám thức dồi trao kết thành
Xét ra duyên nghiệp chúng sanh
Phải đâu "vọng thức" chuyển thành "Chơn Tâm"
Miên man lão trượng nghĩ thầm:
Từ lâu mình đã hiểu lầm sách kinh
Nay nhờ gặp bậc cao minh
Sáng soi tăm tối sự tình hiển nhiên
* * *
Sư rằng: Ðại Tạng
Nam truyền
Ba-Li Thánh điển diệu huyền sâu xa
Văn chương chẳng chút rườm rà
Ý thâm Pháp diệu thật là Thánh ngôn
Mấy ngàn năm vẫn lưu tồn
Kinh, Luật, Diệu Pháp, tám muôn bốn ngàn
Phổ thông khắp chốn nhân gian
Nơi nơi tụng đọc hàng hàng kính tin
Riêng than dân tộc của mình
Nặng theo Bắc phái miệt khinh Tiểu thừa
Xem thường Chánh pháp nghìn xưa
Bịa bày "hiển, mật" đánh lừa người sau
Bao giờ chịu hợp cùng nhau
Xóa tan chấp kiến đồng vào nghiệp tu
Thế gian bỉ thử oán thù
Sa-Môn chớ để nghìn thu buộc hờn
* * *
Gió đêm lay nhẹ
từng cơn
Xa xa não nuột giọng đờn nhà ai
Càng khuya trăng sáng như ngày
Muốn bàn thêm Ðạo sợ ngoài giới nghiêm.
Chào Sư lão trượng dò tìm
Theo con đường cũ đèn đêm chói loà
Nhẹ nhàng Sư sửa Ca-Sa
Kinh hành dưới bóng trăng tà nghiêng nghiêng
Kinh hành chập lại tọa Thiền
Thân, tâm thọ pháp thường xuyên biết mình
Quyết lòng thoát tử liễu sanh
Ngoài ngăn Thân, Khẩu, trong gìn Tham, Sân...
Tựa Ngài HỘ-NHÃN chuyên cần
Quên mình vì Ðịnh, xã thân vì Thiền
Ðạo mầu đắc chứng thoạt nhiên
Ðôi tròng mắt nỗ não phiền đồng tan
Uy nghi trong chiếc y vàng
Hưởng mùi giải thoát tịnh an thức thần
NGUYÊN KHÔNG dù chửa chứng chân
Nhưng bao não chướng dần dần tịnh thanh
Bình minh khí nhẹ trong lành
Sương còn rơi nặng trên cành trà mi
NGUYÊN KHÔNG mang bát đắp y
Vào làng khất thực nghiêm trì hóa duyên
* * *
Trong thôn có một người
hiền
Sống nghề cày cuốc cũng chuyên tu hành
Tuy lòng lánh trược tầm thanh
Nhưng chưa rõ đạo, tâm thành mà thôi
Dịp may duyên nghiệp khiến xui
Gặp Sư khất thực, bên đồi nhìn sang
Uy nghi rỡ rỡ bóng vàng
Từ từ Sư bước nghiêm trang lạ thường
Phát lòng cung kỉnh mến thương
Người bèn đi đến bên đường hỏi thăm
Chẳng hay cái vật Thầy cầm
Ðể làm chi vậy? chăm chăm cứ nhìn
Dường như là kẻ đi xin
Nhưng không kêu gọi sự tình lạ thay
Sư rằng: theo hạnh Như-Lai
Trì bình khất thực hoằng khai pháp mầu
Cuộc đời cửa sổ bóng câu
Sớm còn tối mất nào đâu vững bền
Lênh đênh muôn kiếp lênh đênh
Ra vào bể khổ bồng bềnh trầm luân
Chúng sanh ba cõi sáu đường
Thảy đồng bị khổ đau thương sanh già
Do nơi ham muốn mà ra
Nếu không luyến ái sanh già có đâu?
Có phương diệt tắt dòng sầu
Chứng chân tịch diệt sanh lâu Níp-Bàn
Muốn luôn thanh thoát tịnh an
Tất nương Bát chánh là đàng siêu sanh
* * *
Ðủ duyên chứng
bậc trọn lành
Phá tan triền phược, hết sanh trong đời
Vô vi ngoại uẩn thảnh thơi
Ðắc rồi tự biết chẳng lời gọi xưng
Chúng sanh đau khổ trầm luân
Bởi lầm chế định, chẳng ngừng tử sanh
Nghe xong hoa nở lòng lành
Phát tâm người nguyện kính thành qui y
Sư rằng: trong đạo Từ bi
Học pháp là một tu trì là hai
Tu trong mà cũng tu ngoài
Chớ khinh sắc tướng chê bai tịnh thiền
Người nên quán tưởng thường xuyên
Năm điều tâm niệm Phật truyền dạy ra
1- "Ta đây phải có sự già
Thế nào tránh thoát lúc qua canh tàn
2- Ta đây bệnh tật phải mang
Làm sao thoát khởi đặng an mạnh lành
3- Ta đây sự chết sẳn dành
Chẳng làm sao khỏi từ sanh đến kỳ
4- Ta đây phải chịu phân ly
Nhân vật quý mến ta đi một mình
5- Ta đây có nghiệp riêng mình
Dầu cho tốt xấu quả gìn luôn khi"
* * *
Nghe xong người cúi
xuống quì
Lạy Ngài Ðại Ðức từ bi giáo truyền
Lễ rồi người lại hỏi thêm
Phải chăng Ðạo Phật chỉ tìm ẩn tu?
Mĩm cười, nhìn bác nông phu
Dịu dàng Sư bảo: Pháp tu có nhiều
Ai ưa phóng khoáng tiêu diêu
Thoát ly thế tục, rừng tiều ẩn tu
Ai còn nặng nghiệp võng dù
Thế -Tôn cũng dạy cách tu ở nhà
Ấy là của cải đem ra
Giúp người khó khổ hoặc là cúng dâng...
Giữ gìn nghiệp khẩu và thân
Ðược nhiều trong sạch, ít phần nhiểm nhơ
Trao dồi tâm trí như tờ
Bên trong yên lặng, ngoài ngơ cảnh trần
Lại còn trách nhiệm tinh thần
Người ngoài xã hội, thân nhân trong nhà
Làm con đối với Mẹ Cha
Thầy trò bậu bạn cùng là Sa-Môn
Vợ chồng cũng phải đồng tôn
Chúa tôi trọn đạo, hương thôn thái bình
Triêu dương bóng ngã chinh chinh
Sư ngừng khuyến giáo, vào đình thọ trai
* * *
Rèm mây khói tỏa non
đoài
Nước khe róc rách, chim chài chít chiu
Nắng gây gắt, gió hắt hiu
Khảm non cỏ dệt, màng chiều trời đan
Một mình non nứơc dạo quanh
Sớm ngâm gió bãi, chiều gành tắm trăng
Giữa dòng sóng gợn lăn tăn
Bến bờ trời đất thăng trầm mặt ai
Vừa làm sứ giả Như-Lai
Phổ thông Chánh pháp trong ngoài quốc dân
Vừa lo tu luyện bản thân
Phát huy định tuệ chuyên cần tiến tu
Khi nhàn tịnh lúc vân du
Khi đàm Pháp hội, khi tu một mình
Khi xem sách, lúc đọc kinh
Khi đi khuyến giáo, khi hành thiền na
Thú riêng kiếp sống không nhà
Gốc cây tỉnh tọa, trăng tà trầm tư
Bao giờ chứng quả Vô dư
Bên bờ nhẹ gánh thật thư thái lòng!
Như rừng Tam-Giới mênh mông
Biết ngày nào mới thoát vòng thương đau?
Mà lòng Tu-sĩ tiêu hao
Sức mòn lực kiệt song nào than ai!
Thức khuya mới biết đêm dài
Có đi mới biết đường ngày càng xa
Tuy nhiên vì đạo thiết tha
Vì Ðời đau khổ trầm kha lâu đời
Nên dù thân xác tả tơi
Máu tim khô cạn không rời đừơng tu
Hết hạ rồi lại sang thu
Bứơc chân Tu sĩ ngao du khắp miền
* * *
Vào chiều có một
thiếu niên
Vóc người khỏe mạnh vẽ hiền nhưng ngang
Thấy sư thiền định bên đàng
Gã liền kêu hỏi: nầy chàng Sa-Môn
Làm chi như kẻ mất hồn
Trơ trơ ngồi đó từ hôm đến giờ?
Biết người trong cảnh mộng mơ
Sống vui dục lạc nào ngờ tương lai...
Sư rằng: Ðạo hữu đến đây
Không duyên nhau trước, cũng đầy thiện căn
Tạm ngồi sư sẽ giải phân
Nghe chăng tùy ý, nghiệp căn tự phần
Sa-Môn tịnh lự lẽ hằng
Trong trừ Phóng dật, ngoài ngăn sáu trần
Luôn luôn né tránh Tham, Sân
Phá lòng cố chấp, dẹp lần Vô Minh
Xét ra các loại hữu tình
Bởi do Tham Ái mãi sinh trong đời
Gã nghe Sư nói liền cười:
Vẫn vơ lại khéo kiếm lời chuốt trau
Luân hồi ai biết khi nào
Chỉ theo kinh sách chép sao nối truyền
Cần chi mà phải tu thiền
Thú vui dục lạc não phiền vì đâu
Tu chăng đến lúc bạc đầu
Cũng già, bệnh, chết, ai đâu sống đời!
Sư nghe gã nói cũng cười
Quả là duyên nghiệp của người trần sa
Không tin Giáo lý Phật Ðà
Thậm thâm vi diệu cao xa khác thường
Nếu cho nghiệp báo hoang đường
Thử xem nhơn loại sở trường giống nhau?
Người lành mạnh, kẻ ốm đau
Người thời sáng suốt, kẻ sao ngu đần
Ai ưa thọ dụng Ngủ trần
Như người khát nước lãnh phần muối rang
Hoặc như ghẻ chảy nước vàng
Ngứa càng thích gảy, gảy càng ngứa thêm!
Người tu Chánh Niệm dò tìm
Nhổ tên Tham ái, Sân phiền, Vô-Minh...
Ðã là danh gọi chúng sanh
Thì già, bệnh, chết thường tình cố nhiên
Thế Tôn há chẳng giáo truyền
Hữu tình hữu hoại, vô thường luật chung
Người tu cố để thoát vòng
Trầm luân sanh tử mãi trong cuộc đời
Kiếp trần bể khổ chơi vơi
Xuân xanh mới đó bạc đầu rồi đây
Hôm nào anh chị sum vầy
Hôm nay một kẻ ra ngoài gò hoang
Hôm nào xinh phượng đẹp loan
Hôm nay dang dỡ khóc than thật buồn
Phật xưa rằng nước đại dương
Ít hơn nước mắt sầu thương của người
Mấy ai tỉnh ngộ thức thời
Khổ thì biết khổ mê đời vẫn mê
Khổ đau tuy ngán chưa ghê
Bởi do tập nhiểm nhiều đời khó xa
Gả nhìn Sư vẻ hiền hoà
Gật đầu nhè nhẹ bước ra bên ngoài
* * *
Lơ thơ liễu rủ đường
dài
Ve sầu trổi giọng chương đài ngẩn ngơ
Cảnh buồn gói trọn hồn thơ
Buâng khuâng như nhớ như mơ tiếc đời
Nhưng rồi nghĩ đến mấy lời
Sư vừa khuyên dạy chợt nguôi lửa lòng
Ðời là bể khổ mênh mông
Tình là oan trái trong vòng trầm luân
Hoa niên nở được mấy lần?
Vườn xuân đã bị gió trần xác xơ
Kiếp người tựa thể giấc mơ
Cõi đời như thể cuộc cờ đổi thay
Chi bằng nối gót Như Lai
Tìm về Bát Chánh tương lai rạng ngời
Xuất gia dù cách phương trời
Còn hơn ưu ái suốt đời bên nhau
Trở vô cung kính vái chào
Rằng lời Sư dạy nghe sao tận tường
Một lòng quyết chí du phương
Nguyện làm thị giả thường thường từ đây
Cho dù góc biển chân mây
Cho dù sương gió theo thấy sá chi
Trên môi nở nụ từ bi
Sư rằng: người quyết tu trì phải không?
Muốn tu, Pháp Luật thuộc lòng
Trước là tự độ sau phòng độ tha
Ðã đem thân sống không nhà
Phải gìn phạm hạnh, tránh xa trược phiền
Sát sanh hại mạng phải kiêng
Của người chẳng hộ đừng chuyền qua tay
Thông dâm, nói dối, chất sau
Phi thời, ân nhạc, phân dồi, tràng hoa
Cao sàng quảng lệ ngọc ngà ...
Sa-Di mười giới chớ mà dễ duôi
Mười điều học đã biết rồi
Còn mười răn phạt và mười cho ra.
Pháp hành mười bốn thông qua
Chúng Ưng Học Pháp đủ là bảy lăm
Các điều giới luật nhập tâm
Giữ y hành đúng khỏi trầm luân lâu
Tu cho tắt hẳn dòng sầu
Tu cho hết nghiệp khổ đau sanh già...
* * *
Ðêm về chênh chếch
gương nga
Gió lay nhè nhẹ, la đà bóng mây
Thầy trò tĩnh tọa dưới cây
Thoắt kia thanh thoát, chợt này lâng lâng
Ðêm tàn tỏ lộ đông vầng
Thầy trò mang bát thôn lân trì bình
Y vàng rỡ rỡ xinh xinh
Mới hay Tăng sĩ cũng tình làm sao
Bên đàng y bát một màu
Từ từ thầy trước, trò sau từng nhà
Ai hay bình địa phong ba!
Thay ngôi đổi chủ nước nhà chuyển sang...
Thầy trò dừng bước du phang
Trở về cổ tự lâm sang tịnh thiền
Vui cùng cảnh vật thiên nhiên
Sáng ngâm chiều vịnh trăng lên kinh thành
Nắng trưa bờ suối xem kinh
Ðói ăn rau trái buồn hành thiền na
* * *
Dưới triền xây
dựng một tòa
Pháp đường, thánh tích Thích Ca đủ hình
Trình bày tích chuyện trong kinh
Kệ ngôn, chú thích, vẽ in đủ màu
Trên đồi xây một tháp cao
Thỉnh nhiều Xá Lợi tôn thờ nơi đây
Sửa sang mọi việc an bày
Nguyên Không giao trọn Phật Ðài Sư Nhiên (1)
Là người đệ tử trung kiên
Tháng ngày giảng đạo khách miền gần xa
(1) Chùa sửa lại là
Phật Ðài và vị Sa-Di đệ tử của Ðại Ðức Nguyên Không
cũng được Pháp danh là Giác Nhiên từ đó.
* * *
Một hôm vào lúc
chiều tà
Có người đàn việt xa nhà đến thăm
Thấy Sư trong dạ nghĩ thầm:
Con người đức hạnh sanh nhầm xứ mô
Mà thông kinh điển thư đồ
Tu hành tinh tấn sống vô Phược triền
Chấp tay lại hỏi Sư Nhiên
Chẳng hay viện chủ gốc nguyên quán nào
Mà trông cốt cách thanh cao
Sa Môn tánh tươùng làu làu sạch trong?
Giác Nhiên vui vẻ bảo ông
Ðá sanh ra ngọc chuyện không lạ thường
Cúc vàng: nở dưới trời sương
Ðịa linh nhơn kiệt lẽ thường xưa nay
Ðất thiêng sản xuất nhân tài
Vườn hoa thì có lang ngài trổ bông
Rằng trong thị xã Vĩnh Long
Tam Bình quận ấy có hai ông bà
Gia đình dòng dỏi nho gia
Sau tu theo Phật, thật là hiền lương
Chùa chiền lui tới thường thường
Nhưng buồn một nổi: tông đường không trai
Núi non đình miễu vãng lai
Cầu trời khẩn phật: có trai nối dòng
Sau lên bảy núi chùa ông
Cúng dường Sư sải có ông Lục già
Thương tình rảy nước bằng hoa
Dạy nên tưởng niệm "Bút-tha" thường thường
Lạ thay! như chuyện hoang đường:
Bà Hai sau đó tỏ tường thọ thai
* * *
Lại qua chín tháng mười
ngày
Khai hoa nở nhụy: một trai cực kỳ
Mày xanh mắt sáng phương phi
Trên vai có bớt như y màu hồng
Sanh nhằm trong tiết mùa đông
Sợ con lạnh lẽo ẩm bồng luôn khi
Ngày giờ thắm thoát tên bay
Con mười chín tuổi Bà Hai về trời
Cha con hủ hỉ chiều mơi
Vui xem kinh sách, buồn chơi thi, cờ
Bỗng cha định việc tóc tơ
Chàng xin đình lại để chờ lớn khôn
Ông rằng họa phước vô môn
Cha lo xong việc thác hồn cũng vui
Thôi thì...thôi thế...thì thôi...
Ðể cha liệu định, định rồi sẽ hay
Hôn nhân đâu đó an bày
Nhưng sao trong dạ chẳng say thú đời
* * *
Một hôm du ngoạn dưới
trời
Bỗng trông thấy có một người đắp y
Bên đàng khất thực oai nghi
Nghiêm trang tế hạnh đứng đi chỉnh tề
Mắt trong lòng đã như mê
Phải chăng, hạt giống Bồ Ðề đã gieo?
Lòng lâng lâng nhẹ bước theo
Về chùa trông thấy: cảnh nghèo, tâm sang
Nhà Sư toàn đắp Y vàng
Thanh nghiêm giới luật, đạo tràng giảng kinh
Thoáng nghe đã tĩnh giấc huỳnh...
Càng nghe càng thấm, càng nhìn càng vui
Thôi thì...thôi thế... thì thôi...
Quyết lòng thoát tục tránh mồi Ma-Vương
Trần gian: Khổ não, Vô thường...
Say mê danh lợi: bốn đường đọa sa
Chi bằng theo Phật Thích-Ca
Tu hành giải thoát: vượt ra luân hồi
Sau khi dâng cúng xong rồi
Về nhà chàng lại đến ngồi bên cha
Rằng con nay muốn Xuất gia
Xin cha cho pháp đặng mà con tu
Ông rầy: con chớ nói ngu
Cha đây già lớn chưa tu được nè!
Con còn con vợ một bè
Mà toan thoát tục ai nghe được nào!
Chàng rằng "Ðời tựa chiêm bao
Sống nay chết mộng kiếp nào mới xong
Càng lo càng lắm bận lòng
Say mê dục lạc trong vòng khổ đau
Dù rằng phụ tử... xa nhau
Nhưng được giải thoát cái nào quí hơn
Ông nghe rõ lẽ nguyên nhân
Vui lòng chấp thuận nhưng còn ngại lo:
Con tu cha cũng vừa cho
Vợ con còn đó bây giờ tính sao
Chàng rằng chẳng ngại chi đâu
Miễn cha cho phép khó nào cũng xong
Rồi chàng vào chốn tư phòng
Gặp nàng trong lúc giấc nồng còn say
Dịu dàng lắc nhẹ vào vai
Em ơi! Anh nói chuyện này, cho nghe
Nàng liền chỗi dậy vuốt ve
Anh nói nhỏ nhỏ! con nghe giựt mình:
Chàng cười rồi liếc mắt nhìn
Này Em, Em có thương mình hay không?
Mím môi nàng véo tay chồng
Anh sao khéo hỏi, em không trả lời
Chàng rằng đừng tưởng nói chơi
Hôm nay anh đã chán đời rồi em!
Ý mong đạo quả kiếm tìm
Mong em thương xót, đừng kềm kẹp anh
Mai sau đạo quả viên thành
Thì em cũng đặng phước lành tương đương
Nghe xong nàng bước xuống giường
Cầm tay tỏ vẻ yêu thương, thưa rằng
Anh tu, em chẳng dám ngăn
Mà tình luyến ái khó dằn lòng đau
Nhưng ... yêu thì phải chìu nhau
Hy sinh tất cả, khổ nào cũng cam
Thế rồi sau đó thời gian
Gia đình tổ chức cho chàng xuất gia
* * *
Tháng ngày kinh kệ ngâm
nga
Thói quen dưới bóng trăng tà trầm tư
Chẳng màng phải trái thật hư
Chuyên tâm quán tưởng chân như Níp-Bàn
Thế nên Sư cụ chùa Hang
Ðặt cho tên pháp của chàng: NGUYÊN KHÔNG
Ít lâu kinh luật lão thông
Chư Tăng hoan hỷ đồng lòng cho tu
Trở thành một vị Tỳ khưu
Biện tài Vô ngại, vẹt mù chúng sanh
* * *
Nghe xong, khách tỏ lòng
thành
Gởi trăm ngàn bạc để xin cúng dường
Một hôm có khách hành hương
Viếng thăm thánh tích, pháp đường thanh nghiêm
Ðường xa nên tạm nghĩ đêm
Thấy trong Pháp viện êm đềm lặng trang
Khách tìm vào đến trước sàng
Ðại Sư trong lúc tịnh an nhập thiền
Khách liền thăm hỏi Sư Nhiên:
"Chúng Tăng tịnh khẩu, lặng yên thế này?"
Giác Nhiên cười bảo: nơi đây
Trau dồi thân khẩu như vầy luôn khi
Nói năng cũng vẫn... hợp thì
Chứ không phải tịnh: đêm ngày làm thinh
Phật ngôn: ghi rõ trong kinh
Mười loại ngôn ngữ phải gìn thường xuyên
1- Nói lời Thiểu dục: tâm yên
Vì làm ít muốn, não phiền tạm an.
2- Nói lời Tri Túc: giàu sang
Vì làm biết đủ nên an cõi lòng
3- Nói lời nghiêm tịnh sạch trong
Vì làm yên lặng chẳng mong ồn ào
4- Nói lời Ly Ái thanh cao
Vì làm dứt sự rạt rào tiếc thương
5- Nói lời Tinh Tấn kiên cường
Làm không biếng nhác thường thường công phu
6- Nói lời Trì Giới: thanh tu
Vì làm Thân, Khẩu từ từ tịnh thanh
7- Nói cho Thiền định phát sanh
Hộ trì ý thức an lành độc cư
8- Nói lời Thiện Trí suy tư
Phát sanh Tuệ nhãn dứt trừ Vô-Minh
9- Nói lời Giải Thoát phát sinh
Ðoạn trừ khổ ách: sự tình trầm luân
10- Nói lời Tri Kiến hiển chân
Thấy rõ giải thoát khỏi phần bộc lưu
Khẩu hành ngôn ngữ ôn nhu
Kẻ đời đẹp dạ, người tu vui lòng
Mỗi lời là một đóa bông
Hân hoan ngoài mặt: trong lòng bừng vui
Khách rằng chắc hẳn duyên may
Ngẩu nhiên lại gặp được Thầy giảng kinh
Tiện đây xin hỏi phân minh
Chẳng hay Phật có pháp linh cứu đời?
* * *
(xem tiếp Phần 2) |