BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Cư trần lạc đạo - Tập 3

Cư sĩ Chính Trực
Toronto, Canada - TL 2002


[10]

Năm người mù rờ voi

Trong Kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy câu chuyện năm người mù rờ voi, sau này thường được viết trong sách giáo khoa, đem dạy ở trường học, đáng để chúng ta suy gẫm như sau: Có năm người mù được dẫn tới rờ một con voi. Sau đó từng người cho biết ý kiến của mình.

Người rờ được cái vòi thì nhứt định cho là con voi giống như con trùng thật lớn.
Người rờ được cái chân thì nhứt định cho là con voi giống như cái cột nhà thật lớn.
Người rờ được cái tai thì nhứt định cho là con voi giống như cái quạt thật lớn.
Người rờ được cái bụng thì nhứt định cho là con voi giống như cái trống thật lớn.
Người rờ được cái đuôi thì nhứt định cho là con voi giống như cái chổi quét nhà.

Thế là cả năm người đều chấp chặt cái sở tri, cái hiểu biết của riêng mình, có chứng nghiệm rõ ràng qua sự rờ rẫm hiện vật, cho nên cãi vã nhau, chướng ngại nhau, không ai muốn nghe, muốn tin điều người khác nói ra, nhứt định cho mình là đúng. Tức nhiên, câu chuyện nhứt định dẫn đến chỗ tranh chấp, ấu đả và khổ đau.

Chúng ta cũng thường mắc phải những lỗi lầm như thế, trong cuộc sống, cho nên thường than phiền não khổ đau. Chúng ta thường nghe thoáng qua một câu chuyện truyền miệng, không biết đâu là xuất xứ, rồi vội vàng kết luận là người này tốt, người kia xấu, người này phải, người kia quấy, đưa đến chỗ bất đồng ý kiến, tranh cãi đúng sai, kết cuộc phiền não và khổ đau.

Chúng ta không có thời gian, không có khả năng, không có hoàn cảnh, không có điều kiện, để tìm hiểu "nguyên hình" của con voi như thế nào, chỉ biết có một phần, mà đã vội vàng kết luận thì nhứt định không sai, nhưng cũng nhứt định không đúng vậy. Chúng ta có thể chỉ "đúng một phần" thôi, hãy lắng nghe ý kiến của người khác!

Thực hiện được như vậy, có phải chúng ta tránh được những cuộc tranh cãi vô ích, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Thực hiện được như vậy, chắc chắn chúng ta tránh được phiền não và khổ đau, chắc chắn chúng ta sống được an lạc và hạnh phúc, không nghi ngờ gì nữa cả. Thực hiện được như vậy, chúng ta mới là người thực sự biết tôn trọng chân lý.

-ooOoo-

Biết nói và biết nghe
Cư-sĩ Chính-Trực

Người biết cách nói
là người đi gieo
an lạc hạnh phúc.
Người biết cách nghe
là người đạt được
Niết-bàn giải thoát.

Người biết cách nói
là người đi gieo
kinh nghiệm tư tưởng.
Người biết cách nghe
là người thu lượm
kho tàng trân bảo.

Người không biết cách nói
chính là người đi gây
đau khổ và hận thù.
Người không biết cách nghe
chính là người tự chuốc
khổ đau và thù hận.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19

Chân thành cám ơn Cư sĩ Chính Trực đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 04-2002)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 25-05-2002