BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


CUỘC ÐỜI ÐỨC PHẬT

TỊNH MINH dịch Việt
P.L. 2540 - T.L. 1996


 

XI- TRUYỆN CÒ VÀ CÁ

Khi vua Tần-bà-sa-la hay tin Ðức Thế Tôn sắp rời rừng Trúc-lâm để lên đường vào dịp nào đó, quốc vương cùng con trai của mình là hoàng tử A-xà-thế (Ajatasatru) đến viếng Ngài.

Ðức thế Tôn nhìn hoàng tử trẻ tuổi, rồi quay sang quốc vương nói:

"Thưa quốc vương, nguyện cầu A-xà-thế xứng hợp với lòng tin yêu của ngài."

Ðức Thế Tôn lại chăm chú nhìn hoàng tử, Ngài nói:

"Này A-xà-thế, hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ những lời ta nói. Mưu mẹo không bao giờ thành công, độc ác không bao giờ thắng thế. Có một câu chuyện sẽ chứng minh điều đó, một câu chuyện đã xảy ra cách đây rất lâu, một câu chuyện mà chính ta tai nghe mắt thấy.

Thuở nọ, ta đang cư ngụ trong một khu rừng; ta là mộc thần. Cây đó mọc giữa hai hồ nước, một hồ nhỏ bé, tầm thường; hồ kia rộng lớn, xinh đẹp. Hồ nhỏ có nhiều cá; hồ lớn sen mọc đầy. Suốt cả mùa hè oai bức năm đó, hồ nhỏ hầu như bị khô cạn hoàn toàn, còn hồ lớn, nhờ bóng sen che nắng, luôn luôn đầy nước và mát mẻ êm đềm. Một con cò băng ngang giữa hai hồ, thấy cá và dừng lại. Ðứng một chân, hắn bắt đầu suy nghĩ: "Bọn cá này là một phần thưởng hợp pháp. Nhưng chúng lanh lắm; nếu ta tấn công ồ ạt, chúng sẽ trốn hết. Ta phải dùng mưu. Bọn cá khốn nạn thật! Chúng bị khủng hoảng trầm trọng trong khu hồ cạn nước này! Ðằng kia có một khu hồ khác, nước sâu và mát, chúng có thể nhởn nhơ bơi lội, mặc sức vẫy vùng!'.

Một cậu cá thấy cò đứng tư lự, trông nghiêm trang như một ẩn sĩ, cá hỏi: "Bác đang làm gì đó, thưa bác cò? Dường như bác đang suy nghĩ gì thì phải.' Cò đáp: "Này cá, ta đang suy nghĩ, vâng, thật vậy, ta đang suy nghĩ. Ta đang tự hỏi làm sao các cậu và bạn bè các cậu có thể thoát khỏi phận số đau buồn.' "Bác nói sao? Phận số đau buồn của chúng cháu ư?' "Này cậu cá khốn nạn! Các cậu đành chịu chết thê thảm trong hồ nước cạn này. Mỗi ngày, độ nóng càng tăng bao nhiêu thì mực nước lại càng giảm bấy nhiêu, và rồi việc gì sẽ xảy đến cho các cậu? Bỡi vì rồi đây nước hồ sẽ khô hết, các cậu sẽ chết sạch! Bọn các cậu khốn nạn khốn nạn lắm! Ta khóc giùm cho các cậu đó.'

Nghe cò nói như vậy, bọn cá thất kinh, chúng than: "Việc gì sẽ xảy đến cho chúng cháu? Khi nào hơi nóng sẽ bốc cạn hồ nước?' Chúng quay sang cò: "Bác cò, bác cò, bác không thể cứu chúng cháu sao?' Cò lại giả vờ tư lự; cuối cùng, cò đáp: "Ta tin là ta có cách giải cứu khốn khổ cho các cậu.' Bọn cá chăm chú lắng nghe. Cò tiếp: "Gần đây có một khu hồ tuyệt diệu. Nó lớn hơn nhiều so với khu hồ mà các cậu đang sống, lá sen phủ kín mặt hồ, làm cho nước hồ mùa hè không bao giờ cạn. Hãy theo lời ta, hãy sang sống ở hồ đó. Ta có thể cắp các ngươi trong mỏ của ta, mỗi lần cắp một cậu, và rồi mang hết đến đó. Thế là tất cả các cậu sẽ được cứu thoát.'

Bọn cá sung sướng. Chúng sắp thuận theo lời đề nghị của cò thì tôm càng lên tiếng: "Ta không bao giờ nghe theo điều gì quái lạ.' Cá hỏi tôm: "Có gì làm cậu kinh ngạc thế?' Tôm nói: "Kể từ lúc khai thiên lập địa, ta biết không bao giờ cò quan tâm đến cá trừ phi hắn định xơi thịt.' Cò tỏ vẻ bất bình nói: "Cái gì! Mày là loài tôm càng ác độc, mày nghi tao cố tình đánh lừa bọn cá khốn nạn sắp lâm vào cõi chết này sao! Này cá, ta muốn cứu các cậu; ta muốn tìm hạnh phúc cho các cậu. Hãy xem lòng chân thật của ta, nếu các cậu muốn. Hãy chọn đại một cậu cá nào đó, ta sẽ dùng mỏ cắp nó đến hồ sen. Hắn sẽ thấy mọi việc; hắn sẽ nhởn nhơ bơi lội một lát rồi ta sẽ đưa nó về đây.' Cá nói: "Ðược thế thì hay quá!' Và để thực hiện cuộc hành trình sang hồ sen, chúng chọn một cậu cá lớn tuổi, dù mờ mắt nhưng được coi là khôn ngoan hơn cả. Cò mang cá đến hồ, thả cá xuống nước, và để cho cá tha hồ bơi lội. Cá già khoái lắm, khi về gặp lại bạn bè, cá hết lời ca ngợi cò.

Bọn cá giờ đây hoàn toàn tin tưởng và dâng cả mạng sống cho cò. Chúng nói: "Xin bác cứu chúng cháu, xin đưa chúng cháu đến hồ sen'. "Chiều ý các cậu' cò nói. Thế là cò liền dùng mỏ gắp lại cậu cá già mờ mắt; lần này thay vì mang cá đến hồ, cò lại thả cá trên mặt đất và dùng mỏ xé xác nó ra; sau đó cò ăn hết thịt cá, bỏ lai bộ xương tại một gốc cây, gốc cây mà ta là mộc thần trên đó. Làm xong công việc, cò trở lại hồ nhỏ nói: "Bây giờ cậu nào sẽ đi với ta?' Bọn cá nóng lòng muốn thấy căn nhà mới, và thế là cò ta tha hồ chọn cá ngon miệng. Sau đó, từng con từng con cò xơi sạch hồ cá, chỉ còn lại tôm càng. Tôm càng đã bày tỏ thái độ không tin cò, giờ đây tôm tự nhủ: "Ta không tin là các bạn cá có thể sống được ở hồ sen đó. Ta e rằng cò đã lợi dụng lòng tin của cá. Nhưng, điều may mắn cho ta là ta sẽ giã biệt khu hồ khốn khổ này để đến một khu hồ khác rộng rãi hơn, thoải mái hơn. Cò phải chở ta, nhưng ta không được liều lĩnh. Nếu cò lừa đảo kẻ khác thì ta phải trả thù cho chúng' Cò đến gần tôm nói: "Nào, đến lượt cậu.' Tôm nói: "Bác sẽ chở cháu bằng cách nào?' "Trong miệng bác, như các cậu khác.' Cò đáp. Tôm nói: "Không, không; vỏ cháu trơn lắm; cháu rất có thể tuột khỏi miệng bác. Tốt hơn hết là cháu bám chặt chân cháu vào cổ bác; cháu sẽ cẩn thận, không làm đau bác đâu.' Cò chấp thuận.

Cò đáp xuống một gốc cây. Tôm hỏi: "Bác định làm gì thế? Chúng ta mới đi được nửa đường. Bác mệt rồi sao? Khoảng cách giữa hai hồ đâu có rộng lắm!' Cò lúng túng không đáp được. Hơn nữa, tôm bắt đầu siết chặt cổ cò và gằn giọng nói: "Thứ gì đây! Ðống xương cá tại gốc cây này là bằng chứng hiển nhiên lòng dạ phản phúc của mi. Mi sẽ không gạt được ta như đã từng gạt nhiều kẻ khác. Ta sẽ giết mi, dù ta phải chết trong cuộc đọ sức này.' Tôm siết chặt râu càng. Cò đau quá; nước mắt ràn rụa; cò van xin: "Cậu tôm ơi, xin đừng siết cổ tôi nữa. Tôi sẽ không ăn thịt cậu. Tôi sẽ chở cậu đến hồ!' "Thế thì đi' Tôm nói. Cò đi đến bờ hồ và vương cổ dài trên mặt nước. Thay vì rơi tỏm xuống hồ, tôm siết chặt cổ cò, râu càng siết mạnh đến độ cổ cò phải đứt ra. Mộc thần không thể không lên tiếng: "Hay thay, tôm càng!' ". Ðức Thế Tôn tiếp: "Mưu mẹo không bao giờ thành công. Ðộc ác không bao giờ thắng thế. Không sớm thì chầy, cò gian phải gặp tôm càng. Hoàng tử A-xà-thế, hãy luôn luôn ghi nhớ điều đó!"

Cảm hơn Ðức Thế Tôn đã dạy cho con mình một bài học quí giá, vua Tần bà sa la nói:

"Bạch Ðức Thế Tôn, con xin nguyện một điều.

"Cho biết xem" Ðức Thế Tôn nói.

"Bạch Ðức Thế Tôn, khi Ngài đi rồi, con sẽ không thể nào kính lễ Ngài, con sẽ không thể nào thường xuyên cúng dường Ngài, và điều đó làm con buồn lắm. Xin Ngài cho con một lọn tóc, xin Ngài cho con vài cộng móng tay, con sẽ tôn trí tất cả trong tháp giữa hoàng cung của con. Thế là con sẽ giữ được chút gì gọi là một phần thân thể của Ngài, và mỗi ngày, con sẽ kết hoa tươi, đốt hương quí để trang hoàng lễ bái trong tháp."

Ðức Thế Tôn biếu tất cả những gì mà Tần-bà-sa-la cầu xin, Ngài nói:

"Hãy tôn trí tóc và móng tay này trong tháp, nhưng trông tâm con, hãy ghi nhớ những gì thầy dạy."

Vua Tần-bà-sa-la hoan hỷ trở lại hoàng cung, Ðức Thế Tôn lên đường sang thành Ca-tỳ-la-vệ.

 

XII- TRUYỆN VÍT-VAN-TA-RA

Ðức Thế Tôn chậm rãi tiến bước trên đoạn đường dài từ thành Vương-xá đến thành Ca-tỳ-la-vệ. Ưu-đà-di đi trước để báo tin cho vua Tịnh-Phạn biết là con trai của ngài đang trên đường về thăm ngài, như vậy quốc vương sẽ an tâm và hết đau buồn.

Về đến hoàng cung, thấy quốc vương đang vô vàn buồn khổ, Ưu-đà-di nói:

"Tâu bệ hạ, xin bệ hạ hãy lau sạch nước mắt. Lát nữa đây con trai của bệ hạ sẽ có mặt tại kinh thành Ca-tỳ-la-vệ."

Quốc vương kêu lên: "Ồ, Ưu-đà-di đó à! Trẫm tưởng là khanh cũng quên đệ trình thư tín của trẫm nên trẫm cũng hết hy vọng gặp lại người con yêu quí của trẫm. Nay khanh lại mang tin vui về, trẫm sẽ không khóc nữa; trẫm sẽ vững tâm chờ đợi phút giây hạnh phúc mà chính mắt này gặp lại con trẫm.

Quốc vương ra lệnh cúng dường Ưu-đà-di một bữa ngọ trai thịnh soạn.

Ưu-đà-di nói: "Tâu bệ hạ, bần đạo sẽ không thọ trai ở đây. Trước khi thọ dụng bất cứ một thực phẩm nào, bần đạo phải biết là Thầy của bần đạo đã được cúng dường đúng pháp chưa. Bần đạo sẽ trở lại gặp Bổn Sư của bần đạo."

Quốc vương cả quyết:

"Này Ưu-đà-di, chính lòng trẫm muốn cùng đường vật thực cho khanh mỗi ngày; và cũng chính lòng trẫm muốn cùng dường vật thực cho con trẫm mỗi ngày trong suốt cuộc hành trình mà con trẫm phải trải qua để làm vui lòng trẫm. Xin thỉnh ngài thọ trai, và trẫm sẽ dâng thực phẩm cho ngài mang đến cúng dường Ðức Thế Tôn."

Ưu-đà-di thọ trai xong, ngài nhận một bát cơm hảo hạng đem cúng dường con trai của quốc vương. Ưu-đà-di ôm bát, phóng người lên như bay, và chỉ trong chốc lát ngài đã đến gặp đức Bổn Sư. Mỗi ngài sau đó, Ưu-đà-di lại đến hoàng cung của vua Tịnh-Phạn để nhận thức ăn cho Ðức Thế Tôn, Ngài rất lấy làm hoan hỷ cho tấm lòng hầu hạ chân thành của đệ tử Ngài.

Cuối cùng, Ngài đến thành Ca-tỳ-la-vệ. Ðể đón rước Ngài, cả dòng tộc Thích-ca tập trung đông đủ tại một hoa viên rực rỡ. Nhiều người có mặt hôm đó lại tỏ vẻ hiu hiu tự đắc. Họ nghĩ: "Ở đây có nhiều người lớn tuổi hơn Tất-đạt-đa! Tại sao họ phải đảnh lễ Ngài? Trẻ em và nam nữ thanh niên lễ Ngài được rồi; người lớn khỏi phải lễ!"

Ðức Thế Tôn vào công viên. Hào quang rực rỡ từ thân Ngài tỏa ra làm cho mọi người chói lòa cả mắt. Vô cùng xúc động, vua Tịnh-Phạn bước tới vài bước, kêu lớn: "Con ơi!" Giọng vua run run; những giọt nước mắt sung sướng chảy dài xuống hai gò má, quốc vương từ từ cuối đầu đảnh lễ.

Thấy phụ vương đảnh lễ con mình, cả dòng tộc Thích-ca cũng tự động cung kính hạ mình thi lễ.

Một chỗ ngồi lộng lẫy đã được chuẩn bị sẵn cho Ðức Thế Tôn. Ngài ngồi xuống. Bầu trời quang đãng mở ra, những cánh hoa hồng từ trên không lửng lờ rơi xuống khắp cả hoa viên. Hương thơm ngào ngạt theo gió vươn xa, vươn khắp cả sơn hà đại địa. Quốc vương và cả dòng Thích-ca đều trố mắt ngạc nhiên. Ðức Thế Tôn nói:

"Trong một kiếp xa xưa nào đó, ta đã chứng kiến cảnh gia đình quay quần chung quanh ta và đồng thanh lên tiếng ca ngợi. Lúc đó, quốc vương Xan-gia-da (Sanjaya) đang trị vì tại thành Gia-da-tua-ra (Jayatura). Phu nhân của ngài là Phu-Xa-ti (Phusati). Họ sanh được một trai tên là Vít-van-ta-ra (visvantara). Khi lớn lên, Vít-vanta-ra kết hôn với Mát-ri (Madri), một công chúa cực kỳ kiều diễm. Nàng sanh cho Vít-van-ta-ra hai người con: một trai là Gia-linh (Jalin) và một gái là Cờ-rít-na-gia-na (Krishnajana). Vít-van-ta-ra có một con voi trắng đầy đủ phép màu kêu mưa gọi gió theo ý muốn.

Bây giờ, vương quốc Ca-linh-ga (Kalinga) xa xôi kia đang gặp nạn hạn hán khủng khiếp. Cỏ khô, cây héo; người vật chết đói chết khát. Quốc vương Ca-linh-ga nghe tin con voi của Vít-van-ta-ra có phép màu kỳ lạ. Vua phái tám đạo sĩ bà-la-môn đến Gia-da-tua-ra thỉnh voi về xứ hoạn nạn của họ. Các đạo sĩ Bà-la-môn đến nhằm dịp lễ. Ngồi trên lưng voi, hoàng tử đang trên đường đến đền thần để phát phẩm vật bố thí. Thấy sứ giả của nước ngoài, hoàng tử hỏi: "Các ngươi đến đây có việc gì?' Các đạo sĩ Bà-la-môn đáp: "Kính thưa hoàng tử, quê hương của chúng tôi, vương quốc Ca-linh-ga, đang bị hạn hán đói khát. Con voi của hoàng tử có thể mang nước mưa đến cứu sống chúng tôi; chúng tôi xin mượn voi của hoàng tử ít hôm được chăng?' Vít-van-ta-ra nói: "Chuyện nhỏ mọn đáng gì, các ngươi có thể mượn cả mắt lẫn thịt của ta nữa kìa! Vâng, các ngươi cứ tự nhiên dẫn voi đi, cầu nguyện mưa lành sẽ tưới khắp vườn ruộng các ngươi!' Hoàng tử trao voi cho các đạo sĩ bà-la-môn, họ hoan hỷ đưa voi về Ca-linh-ga.

Nhưng dân cư Gia-da-tua-ra lại lo lắng đau buồn; họ sợ hạn hán xảy ra trên chính quê hương của họ. Họ than phiền với quốc vương Xan-gia-da: "Tâu bệ hạ, việc làm của con ngài đáng trách lắm. Con voi của hoàng tử che chở thần dân khỏi chết đói. Nếu trời không mưa thì giờ đây việc gì sẽ xảy đến cho dân chúng? Tâu bệ hạ, hãy mặc xác hoàng tử; hãy để Vít-van-ta-ra đem cả thân mạng ra đền đáp sự ngu xuẩn này.' Quốc vương khóc rống lên. Vua cố né tránh họ bằng những lời hứa hẹn; lúc đầu họ không nghe, nhưng rồi họ cũng nguôi dần và buộc đày hoàng tử đến một sa mạc sỏi đá xa xôi nào đó. Quốc vương ép phải nhận lợi. Xan-gia-da nghĩ: "Khi hay tin bị lưu đày, con ta sẽ đau khổ biết chừng nào.' Nhưng đây không phải là trường hợp đáng kể. Vít-van-ta-ra khiêm tốn nói: "Tâu phụ vương, con sẽ ra đi ngày mai, con sẽ không mang theo một bảo vật nào cả." Sau đó, hoàng tử đi tìm Mát-ri, vợ chàng. Chàng nói: "Mát-ri, anh phải rời khỏi kinh thành này; phụ vương đã đày anh đến một sa mạc độc địa nào đó, một sa mạc khó bề sống được. Em yêu quí của anh, đừng theo anh làm gì; em sẽ phải gánh chịu nhọc nhằn thê thảm; em sẽ phải bỏ lại con thơ; em sẽ phải chết mòn vì cô đơn hiu hắt. Hãy ở lại đây với các con; hãy ngự trên ngai vàng của em; phụ vương đày anh chứ đâu phải đày em." Công chúa đáp: "Hoàng tử, nếu hoàng tử bỏ em lại đây, em sẽ tự sát, và tội ác sẽ nằm tại ngưỡng cửa ra vào của hoàng tử." Vít-van-ta-ra không biết nói sao. Ðưa mắt nhìn Mát-ri, chàng ôm chặt lấy nàng, nói: "Vậy thì chúng ta cùng đi" Mát-ri cảm ơn hoàng tử, nàng tiếp: "Em sẽ đưa các cơn theo em; em không thể bỏ các con lại đây để chết dần trong hiu quạnh."

Ngày hôm sau, Vít-van-ta-ra đưa Mát-ri, Gia-linh và Cờ-rít-na-gia-na lên một chiếc xe ngựa dọn sẵn, họ giong xe ra khỏi thành, quốc vương Xan-gia-da và hoàng hậu Phu-xa-ti khóc than thống thiết. Hoàng tử, vợ và các con đi cách kinh thành rất xa thì gặp một đạo sĩ bà-la-môn đến gần nói: "Thưa du khách, đây là đường đi Gia-da-tua-ra?" Vít-van-ta-ra đáp: "Vâng, thế ngài đến Gia-da-tua-ra để làm gì?" Ðạo sĩ bà-la-môn nói: "Ta từ một nước xa xôi đến đây, ta nghe tại Gia-da-tua-ra có một hoàng tử độ lượng tên là Vít-van-ta-ra. Hoàng tử trước kia có một con voi kỳ diệu mà chàng đã tặng cho quốc vương Ca-linh-ga. Người ta bảo hoàng tử từ ái lắm. Ta muốn viếng thăm con người nhân từ độ lượng đó; ta muốn hỏi xin hoàng tử một điều. Ta biết không ai kêu cầu hoàng tử trong vô vọng". Vít-van-ta-ra nói với Ðạo sĩ bà-la-môn : "Ta là người mà ngài muốn đi tìm; ta là Vít-van-ta-ra, con trai của vua Xan-gia-da-đây. Vì ta tặng con voi của ta cho quốc vương Ca-linh-ga nên phụ vương ta lưu đày ta. Này đạo sĩ bà-la-môn, ta có thể giúp ngài được gì?" Nghe qua moị việc , đạo sĩ bà-la-môn than phiền cay đắng. Ðạo sĩ nghẹn ngào nói: "Thế là họ đánh lừa ta! Ta đã từ nhà ra đi, mang theo biết bao hy vọng, giờ đây chả được gì, ta phải trở về chứ biết làm sao!" Vít-van-ta-ra ngắt lời đạo sĩ: "Này đạo sĩ bà-la-môn, hãy bình tĩnh, ngài không bao giờ kêu cầu hoàng tử Vít-van-ta-ra trong vô vọng đâu". Hoàng tử mở ngựa trao cho đạo sĩ. Ðạo sĩ bà-la-môn cảm ơn vị ân nhân và ra đi.

Vít-van-ta-ra tiếp tục lên đường. Bấy giờ hoàng tử đích thân kéo xe. Sau đó chàng thấy một đạo sĩ bà-la-môn khác từ xa đi tơi, trông người nhỏ bé, lụ khụ, đầu tóc bạc phơ, miệng răng vàng khè. Ðạo sĩ hỏi hoàng tử: "Thưa du khách, đây là đường đi Gia-da-tua-ra?" Hoàng tử đáp: "Vâng, thế ngài đến Gia-da-tua-ra để làm gì?" Ðạo sĩ Bà-la-môn nói: "Ta nghe nói quốc vương của thành đó có một hoàng tử tên là Vít-van-ta-ra, chàng nhân từ lắm; chàng đã cứu vương quốc Ca-linh-ga khỏi chết đói, và bất cứ ai cầu xin chàng điều gì, chàng cũng không bao giờ từ chối. Ta sẽ đến gặp Vít-van-ta-ra, và ta tin là chàng sẽ không từ chối lời thỉnh nguyện của ta." Hoàng tử nói: "Nếu ngài đến Gia-da-tua-ra, ngài sẽ không gặp Vít-van-ta-ra; phụ vương chàng đã đày chàng ra sa mạc." Ðạo sĩ bà-la-môn rú lên: "Ðau buồn cho ta rồi! Ai sẽ giúp ta trong tuổi già sức yếu này? vậy là bao nhiêu hy vọng đều tan biến cả, ta sẽ về lại căn nhà nghèo khổ như khi cất bước ra đi!" Ðạo sĩ khóc sướt mướt. Vít-van-ta-ra nói: "Ðừng khóc nữa, ta là người mà ngài muốn tìm. Ngài không gặp ta trong vô vọng. Mát-ri, Gia-linh, Cờ-rít-na-gia-na, hãy xuống xe! Nó không phải là của ta nữa. ta đã biếu nó cho cụ ông này." Ðạo sĩ bà-la-môn vô cùng sung sướng.

Bốn người lưu đày lại tiếp tục cuộc hành trình. Giờ đây họ phải đi bộ, và khi các con thấm mệt, Vít-van-ta-na cõng Gia-linh. Mát-ri bế Cờ-rít-na-gia-na. Một vài ngày sau, họ lại gặp một đạo sĩ bà-la-môn thứ ba. Ðạo sĩ cũng đang trên đường đến Gia-da-tua-ra để gặp hoàng tử Vít-van-ta-ra và xin của bố thí. Hoàng tử cởi hết y phục biếu đạo sĩ để đạo sĩ khỏi phải ra về với hai bàn tay trắng. Hoàng tử lại tiếp tục đi. Một đạo sĩ bà-la-môn thứ tư đến, người ngợm đen nám, gương mặt trông hách dịch, dữ tợn. Hắn gắt gỏng nói: "Ðây là đường đến Gia-da-tua-ra phải không?" Hoàng tử đáp: "Vâng, thế ngài đến Gia-da-tua-ra để làm gì?" Vị đạo sĩ bà-la-môn muốn gặp Vít-van-ta-ra, chàng chắc chắn sẽ bố thí cho đạo sĩ một phẩm vật tuyệt diệu. Khi biết là mình đang đứng trước mặt hoàng tử bị lưu đày khốn khổ, chả khóc than kể lễ, đạo sĩ cất giọng giận dữ nói: "Ta từ xa lặn lội đến đây, điều đó hẳn không phải là vô ích. Ngươi hẳn đã mang theo nhiều châu báu, hãy đưa hết cho ta." Mát-ri đang đeo một chiếc vòng vàng, Vít-van-ta-ra hỏi xin nàng chiếc vòng; nàng tươi cười đưa chàng chiếc vòng, tên đạo sĩ bà la môn chụp lấy và đi mất.

Vít-van-ta-ra, Mát-ri, Gia-linh và Cờ-rít-na-gia-na tiếp tục lên đường. Họ vượt qua biết bao ghềnh thác tuôn tràn khủng khiếp; họ bám xuống những vực sâu phủ đầy bụi gai chằng chịt; họ băng qua những gò hoang sỏi đá nắng cháy chang chang. Ðôi chân của Mát-ri bị đá sỏi cắt xẻ tan tành; hai gót của Vít-van-ta-ra mòn loét tới xương, họ đi đến đâu là để lại một lằn máu đến đó. Một hôm, vít-van-ta-ra đi đầu, nghe tiếng người sụt sùi nức nở; chàng quay lại và thấy Mát-ri đang ngồi bệt xuống đất, khóc than thương tủi cho thân phận nàng. Bắt gặp cảnh thống khổ, chàng nói: "Em yêu quí của anh, anh đã van xin em đừng theo anh đi đày, nhưng em không nghe. Ði, đứng dậy; dù mệt mỏi đến đâu chúng mình cũng đừng để cho các con phải khổ; đừng bận tâm đến những vết thương của chúng mình làm gì". Mát-ri thấy chân của chàng chảy máu, nàng rú lên: "Ồ, anh đau đớn hơn em nhiều! Em sẽ khắc phục đau khổ. Nàng cố đứng lên nhưng tay chân nàng bủn rủn, một lần nữa, nàng lại bật khóc trong nghẹn nghèo ai oán." Tất cả sức lực trong ta đã hao mòn hết rồi, ngay cả tình thương ấp ủ của chồng con ta cũng không đủ giúp ta can đảm. Ta sẽ chết đói chết khát trên mảnh đất khủng khiếp này; con ta sẽ chết, và có lẽ chồng ta cũng sẽ chết.

Từ thiên giới, Ðế-thích luôn luôn theo dõi Vít-van-ta-ra và gia đình chàng. Vô cùng xúc động trước cảnh khốn khổ của Mát-ri, Ðế-thích quyết định giáng trần, cải dạng thành một ông lão vui tính và ngồi trên lưng con tuấn mã phi như bay đến gặp hoàng tử. Ông lão tới gần Vít-van-ta-ra và ôn tồn nói: "Kính thưa hoàng tử, theo vóc dáng của ngài thì rõ ràng là ngài đã trải qua nhiều gian khổ. Cách đây không xa có một thành phố. Lão sẽ chỉ đường cho hoàng tử. Gia đình hoàng tử phải đến trọ nhà lão và có thể ở lại bao lâu cũng được." Ông lão hoan hỷ giục bốn kẻ lưu đày lên ngựa. Vít-van-ta-ra tỏ vẻ do dự, ông lão nói: "Ngựa này khỏe lắm, quí vị nặng là bao! Phần lão, lão sẽ đi bộ chả hề gì, chúng ta đâu phải đi xa." Vít-van-ta-ra ngạc nhiên nghe nói thành phố được xây dựng trên sa mạc tàn nhẫn này; hơn nữa, chàng chưa bao giờ nghe nói đến thành phố. Nhưng giọng nói của cụ ngọt ngào và Mát-ri yếu đến nỗi chàng phải quyết định đưa cả vợ con lên ngựa theo lời cụ.

Họ đi khoảng ba trăm bước thì thấy một thành phố huy hoàng xuất hiện trước mặt. Thành phố rộng bao la. Một con sông lớn chảy qua thành phố với nhiều vườn hoa xinh đẹp và nhiều vườn cây trái chín đầy cành. Ông lão đưa du khách đến các cổng chính của một tòa lâu đài lộng lẫy và nói: "Ðây là nhà lão; ở đây, nếu quí vị muốn, quí vị có thể lưu lại suốt đời. Xin mời vào." Trong một căn phòng nguy nga rộng lớn. Vít-van-ta-ra và Mát-ri ngồi trên ngai vàng; dưới chân, các con đang nô đùa trên những tấm thảm dày sặc sỡ, ông lão biếu họ rất nhiều xiêm y xinh đẹp. Sau đó, những thức ăn thịnh soạn được dọn lên, cơn đói của họ nhờ thế mà dịu dần. Nhưng Vít-van-ta-ra cứ trầm tư suy nghĩ mãi. Bỗng nhiên, chàng đứng phắt dậy, ngõ lời với ông lão: "Thưa cụ, thế này là cháu bất tuân mệnh lệnh của phụ vương cháu. Phụ vương trục xuất cháu ra khỏi vương quốc Gia-da-tua-ra, bắt cháu sống trọn đời trên sa mạc, không được thọ dụng những tiện nghi thoải mái này, cháu không được phép. Thưa cụ, cho phép cháu rời khỏi nhà cụ." Ông lão cố thuyết phục chàng, nhưng vô ích; Vít-van-ta-ra, theo sau là Mát-ri và các con lên đường giã từ thành phố.

Ra ngoài cổng thành, chàng quay lại nhìn thành phố lần cuối, nhưng thành phố đã biến mất; nơi đó bấy giờ chỉ còn là bãi sa mạc nóng cháy. Vít-van-ta-ra sung sướng thấy mình không còn ở lại lâu hơn nữa. Chàng đến một ngọn núi, chung quanh toàn là rừng đồi bao la, chàng bắt gặp một túp lều của một ẩn sĩ nào đó xưa kia cư ngụ. Bằng lá cây, chàng làm một chiếc giường con nho nhỏ cho cả gia đình; sau cùng, không còn gì ân hận dày vò, chàng đã tìm thấy cảnh an lạc tại đó. Hằng ngày, Mát ri vào rừng hái trái, họ ăn toàn trái rừng, họ uống toàn nước suối, một con suối tuôn chảy trong veo mà họ đã khám phá bên cạnh túp lều của họ.

Bảy tháng trôi qua, họ chả gặp một người nào; rồi một hôm, một đạo sĩ bà-la-môn đi ngang qua. Mát-ri đã vào rừng hái trái, Vít-van-ta-ra ở nhà chăm sóc các con đang đùa nghịch trước lều. Vị đạo sĩ bà-la-môn dừng lại quan sát họ rất kỹ. Ðạo sĩ nói với người cha: "Thưa bạn, bạn vui lòng cho ta xin các cháu được chăng?" Vít van-ta-ra kinh ngạc đến nỗi không nói nên lời. Chàng lo sợ, đưa mắt nhìn đạo sĩ và rồi tiếp chuyện với người: "Vâng, bạn vui lòng cho ta xin các cháu được chứ? Ta có một cô vợ trẻ hơn ta nhiều, đúng ra nàng là một người đàn bà hách dịch. Nàng lười làm công việc gia đình, nàng bắt ta tìm cho nàng hai em nhỏ có thể làm nô lệ cho nàng. Bạn không cho ta xin các cháu thì để làm gì? Hình như bạn nghèo khổ lắm; bạn phải vất vả lắm mới nuôi nổi chúng. Ở nhà ta, chúng sẽ có nhiều thức ăn, và ta sẽ cố thuyết phục vợ ta đối xử tử tế với chúng được chừng nào hay chừng đó." Vít-van-ta-ra ngẫm nghĩ: "Ta đang bị đòi hỏi một sự hy sinh vô cùng đau đớn. Ta biết làm sao bây giờ? Dù vị đạo sĩ có nói gì đi nữa thì con mình cũng sẽ chịu nhiều đau khổ ở nhà họ; vợ của hắn độc ác lắm, mụ ấy sẽ đánh đập con mình, mụ sẽ thí cho con mình những thức ăn thừa thãi. Nhưng vì ngài đã hỏi xin con mình, ta có quyền từ chối không?" Suy nghĩ kỹ trong giây lát, cuối cùng chàng nói: "Này đạo sĩ bà-la-môn, hãy đem các cháu đi; hãy đưa các cháu đi; hãy đưa các cháu về làm nô lệ cho vợ ngài." Gia-linh và Cờ-rít-na-gia-na òa lên khóc, mếu máo theo vị bà-la-môn ra đi.

Mát-ri trong lúc đó đang hái lựu, nhưng cứ mỗi lần hái được một trái thì nó lại tuột khỏi tay nàng. Ðiều này làm nàng lo sợ, nàng hối hả trở về. Nàng thương nhớ các con; nàng quay sang chồng hỏi: "Các con đâu?" Vít-van-ta-ra đang nghẹn ngào nức nở. "Các con đâu?" Vẫn không trả lời. Nàng hỏi lại lần thứ ba: "Các con đâu?" Nàng nói tiếp: "Trả lời, trả lời mau. Sự im lặng của anh là giết chế em đó." Bằng một giọng đau thương, Vít-van-ta-ra nói: "Có một đạo sĩ bà la môn đến, ngài muốn xin các con về làm nô lệ! Anh đã cho các con theo ngài rồi!" Mát-ri kêu lên : "Em có thể từ chối được không?" Mát-ri té xỉu, nàng bất tỉnh. Một hồi lâu, sau khi tỉnh lại, nàng kêu khóc nghe não nuột vô vàn. Nàng nhớ thương kể lể: "Con ơi, con sẽ làm mẹ đêm đêm giật mình thức giấc; mẹ đã chọn hái cho con những trái ngon đặc biệt, tên ác độc đó đã đem con đi rồi! Con vừa lững chững biết đi thì mẹ thấy họ bắt con phải chạy. Ở nhà họ, các con sẽ đói khát, các con sẽ bị đánh đập tàn nhẫn. Các con sẽ phục dịch trong nhà của một kẻ xa lạ. Các con sẽ lén nhìn ra đường nhưng không bao giờ gặp lại mẹ cha. Môi các con sẽ bị khô héo, chân các con sẽ bị đau tê vì đá nhọn cắt xẻ; sức nóng của mặt trời sẽ làm nám cả mặt mũi các con. Con ơi, mẹ cha lúc nào cũng chịu đựng gian khổ cho con. Cha mẹ đã mang con qua vùng sa mạc hãi hùng này, lúc đó các con đâu có khổ đau, nhưng giờ đây, việc gì sẽ làm cho các con đau khổ?"

Trong khi nàng đang vật vã than khóc thì có một đạo sĩ bà-la-môn khác ngang qua rừng, một cụ ông đi đứng quờ quạng. Ðạo sĩ giương đôi mắt lèm nhèm nhìn công chúa rồi quay sang bắt chuyện với hoàng tử Vít-van-ta-ra; "Thưa hoàng tử, như ngài thấy, lão già nua yếu đuối; lão không có ai ở nhà để sớm hôm giúp lão; lão thức ngủ một mình; lão chả có con trai con gái gì chăm sóc lão. Nào, cô này còn trẻ, nàng trông khỏe mạnh lắm, cho lão xin cô này về làm nàng hầu. Nàng sẽ đỡ lão thức dậy; nàng sẽ dìu lão đi ngủ; nàng sẽ canh chừng giấc ngủ cho lão. Thưa hoàng tử, cho lão xin cô này, và như vậy là hoàng tử sẽ làm được một việc từ thiện, một việc thánh thiện, một nghĩa cử sẽ được mọi người ca ngợi khắp thế giới". Vít-van-ta-ra chăm chú lắng nghe; chàng đắn đo suy nghĩ. Chàng nhìn sang Mát-ri: "Em yêu quí, em nghe đạo sĩ bà-la-môn nói chứ? Em tính sao?" Nàng đáp: "Anh đã cho đứt hai con Gia-linh và Cờ-rít-na-gia-na yêu quí rồi, anh có thể bố thí nốt em cho vị đạo sĩ này; em sẽ không than phiền gì cả."

Vít-van-ta-ra cầm tay Mát-ri đặt vào tay của vị đạo sĩ bà-la-môn. Chàng không thấy một chút gì ân hận. Chàng chả hề rơi một giọt nước mắt. Ðưa tay đón nhận người phụ nữ, đạo sẽ bà-la-môn cảm ơn hoàng tử và nói: "Này Vít-van-ta-ra, nguyện cầu ngài sớm tỏ ngộ sự huy hoàng cao quí; nguyện cầu ngày kia ngài sẽ thành Phật!" Ðạo sĩ bà-là-môn ra đi, nhưng đột nhiên ngài quay trở lại nói: "Ta sẽ tìm nàng hầu ở một xứ khác; ta sẽ gởi cô này ở lại đây với các thiên thần thánh nữ của núi rừng sông suối; từ nay về sau, ngài không được biếu nàng cho ai nhé!" Trong khi ông lão bà-la-môn nói như vậy thì sắc diện dần dần biến đổi và đẹp hẳn ra, khuôn mặt của ông lão giờ đây hiện rõ nét hân hoan rạng rỡ.

Vít-van-ta-ra và Mát-ri nhận ra thiên chủ Ðế-thích. Họ sụp lạy dưới chân ngài; Thiên-chủ nói với họ: "Các ngươi có thể cầu xin ta mỗi người một điều, ta sẽ ban ân huệ cho các ngươi". Vít-van-ta-ra nói: "Ồ, nguyện cầu ngày kia con có thể thành Phật để mang sự giải thoát đến cho những ai bị tử sinh thống khổ trong chốn núi rừng!" Thiên-chủ đáp: "Nguyện cầu ngươi sớm được huy hoàng, nguyện cầu ngày kia ngươi sẽ thành Phật!" Mát-ri tiếp lời: "Bạch ngài, xin ban cho con ân huệ này: Nguyện cầu đạo sĩ bà-la-môn, người đã xin con chúng con, quyết định bán chúng thay vì giữ chúng trong nhà, nguyện cầu đạo sĩ tìm được người mua ở xứ Gia-da-tua-ra, và nguyện cầu ngươi mua chính là Xan-gia-da." Thiên-chủ đáp: "Ðược rồi!" Thiên-chủ thăng thiên. Mát-ri thì thầm: "Ồ, nguyện cầu quốc vương Xan-gia-da ân xá cho con trai ngài!" Nàng nghe thiên thần nói: "Ðược rồi!"

Ngay lúc đó. Gia-linh và Cờ-rít-na-gia-na về đến căn nhà mới của chúng. Vợ của đạo sĩ bà la môn rất hài lòng với hai em bé nô lệ này. Mụ bắt chúng làm việc ngay. Mụ hí hửng ra lệnh. Các em phải vâng theo tính khí bất thường không đâu vào đâu của mụ, nhưng mụ là mụ chủ khắt nghiệt đến nỗi mới đó mà chúng chả còn một chút thiện chí nào làm hài lòng mụ. Mụ thường xuyên chửi mắng đánh đập chúng. Mụ càng đối xử chúng tàn tệ bao nhiêu thì chúng càng cảm thấy chán nản vô vọng bấy nhiêu, cuối cùng mụ nói với đạo sĩ: "Tôi không cần hai đứa nhỏ này nữa. Hãy bán chúng đi và kiếm cho tôi vài đứa khác, những tên nô lệ biết cách làm việc và vâng lời kìa". Ðạo sĩ bà-la-môn dẫn hai đứa nhỏ đi lang thang từ thành phố này đến thành phố khác, cố bán cho được chúng, nhưng chả ai chịu mua: giá cao quá.

Sau cùng, vị ấy đến Gia-da-tua-ra. Một trong các quan ngự sử của quốc vương thấy họ lang thang trên đường phố, ông chăm chú nhìn hai em bé, nhìn thân hình tìu tụy và mặt mày rám nắng của chúng, bỗng nhiên, nhờ hai đôi mắt mà ông nhận ra chúng. Ông chận vị đạo sĩ bà-la-môn lại hỏi: "Ngài được hai em bé này ở đâu?" Ðạo sĩ đáp: "Thưa ngài, tôi được chúng trong một khu rừng. Người ta biếu chúng cho tôi đem về làm nô lệ; chúng ngỗ ngáo lắm, tôi đang đem bán chúng đó." Quan ngự sự đâm ra lo nghĩ, quay nhìn hai em bé, quan hỏi: "Cha các cháu mất rồi sao mà các cháu phải chịu cảnh nô lệ thế này?" Gia-linh đáp: "Thưa không ạ! Cha mẹ chúng cháu còn sống, nhưng cha bố thí chúng cháu cho đạo sĩ bà-la-môn này." Quan ngự sử kêu to lên: "Quốc vương ơi, Vít-van-ta-ra đã cho đứt cháu nội của ngài, Gia-linh và Cờ-rít-na-gia-na, cho một đạo sĩ bà-la-môn rồi. Chúng làm nô lệ cho y. Y không hài lòng với công việc hầu hạ của chúng nên đem chúng dạo bán từ thành phố này đến thành phố khác." Quốc vương Xan-gia-da-ra lệnh đưa đạo sĩ bà-la-môn và hai em nhỏ đến gặp ngài ngay. Chúng được nhận diện liền.

Thấy cảnh khốn khổ của hai em bé thuộc dòng tộc mình, quốc vương khóc than thê thảm. Gia-linh ngõ lời van xin: "Tâu quốc vương, xin mua giùm chúng cháu, chúng cháu vô vàn cực khổ trong nhà của đạo sĩ bà-la-môn, chúng cháu muốn ở với ngài, ngài sẽ thương yêu chúng cháu. Nhưng xin đừng bắt chúng cháu bằng quyền lực; cha cháu biếu chúng cháu cho đạo sĩ bà-la-môn và mong rằng nhờ sự hy sinh đó mà cha chúng cháu sẽ được nhiều phước đức cho bản thân và cho cả chúng sanh." Quốc vương hỏi đạo sĩ bà-la-môn: "Ngươi muốn bán hai em bé này bao nhiêu?" Ðạo sĩ bà-la-môn đáp: "Với chúng thì xin quốc vương cho một ngàn đầu bò". "Tốt lắm". Quốc vương quay sang quan ngự sử nói: "Giờ đây khanh sẽ là người đứng sau trẫm ở vương quốc này, hãy biếu đạo sĩ bà-la-môn này một ngàn đầu bò và trả thêm cho y một ngàn nén vàng." Sau đó quốc vương, theo sau là Gia-linh và Cờ-rít-na-gia-na, đến gặp hoàng hậu Phu-xa-ti. Vừa trông thấy cháu nội, bà sung sướng đến khóc cười lẫn lộn. Bà mặc y phục sang trọng cho chúng và đeo cho chúng nhiều vòng nhẫn xinh đẹp. Bà hỏi cha mẹ chúng. Gia linh đáp: "Cha mẹ chúng cháu sống trong rừng, ở trong một túp lều sơ sài trên một sườn núi. Cha mẹ chúng cháu bố thí hết sạch tài sản rồi. Cha mẹ chúng cháu sống nhờ trái cây và nước suối, bạn bè thân thích toàn là dã thú trong rừng." Phu-xa-ti kêu lên: "Hoàng thượng ơi, sao hoàng thượng không gọi con của hoàng thượng bị lưu đày về!" Vua Xan-gia-da phái một sứ thần đến gặp hoàng tử Vít-van-ta-ra; quốc vương xin lỗi hoàng tử và lệnh cho hoàng tử về Gia-da-tua-ra gấp.

Khi về gần đến thành, hoàng tử nhìn thấy phụ vương, mẫu hậu và các con ra đón chàng; theo sau là một đám đông dân chúng đã nghe nói đến cảnh khốn khổ tột cùng và đức hạnh kỳ diệu của Vít-van-ta-ra, họ hỷ xả tất cả và ca ngợi chàng hết lời. Quốc vương nói với hoàng tử: "Con yêu quí của cha, cha đã làm một việc bất công nghiêm trọng với con; mong con hiểu cho cha sự ân hận này; mong con thương cha: hãy quên đi lỗi lầm nông nổi của cha; mong con cảm thương dân chúng kinh thành: hãy quên đi lối cư xử tệ bạc của họ với con. Những nghĩa cử từ ái của con sẽ không bao giờ làm phiền lòng cha và dân chúng nữa." Vít-van-ta-ra sung sướng ôm lấy phụ vương, trong khi Mát ri ôm chặt lấy Gia Linh và cờ- rít-na-gia-na, còn Phu-xa-ti vui mừng đến bật khóc. Khi hoàng tử ngang qua các cổng hoàng thành, chàng được mọi người đồng thanh ca ngợi. Này bà con dòng tộc Thích-ca, ta là Vít-van-ta-ra đây! Quí vị vẫn tán thán ta như ngày nào. Hãy lên đường đi đến giải thoát."

Ðức Thế Tôn im lặng. Cả dòng tộc Thích-ca chăm chú lắng nghe. Họ đảnh lễ Ngài và xin cáo lui. Nhưng chả ai nghĩ đến việc cúng dường ngọ trai ngày mai cho Ngài.

 

XIII- TRUYỆN ÐẠT-MA-BA-LA

Ngày hôm sau, Ðức Thế Tôn vào thành khất thực từng nhà. Dân chúng kinh thành Ca-tỳ-la-vệ nhận ra Ngài và cùng nhau ca ngợi:

"Lạ thay! Hoàng tử Tất-đạt-đa xưa kia ăn mặc sang trọng, dong xe qua kinh thành này, nay lại quấn y sa môn bình dị, đó đây khất thực từng nhà."

Họ đổ xô đến các cửa sổ, leo lên các sân thượng, trầm trồ thán phục người khất sĩ.

Một trong những thị nữ của Da-du vừa ra khỏi hoàng cung thì nghe lời tán thán xôn xao. Nàng hỏi nguyên do và được mọi người cho biết. Nàng tức tốc trở về báo tin cho công chúa.

Nàng nói: "Tâu công nương, phu quân của công nương, hoàng tử Tất-đạt-da, đang ung dung đây đó trong thành như một sa môn khất thực!"

Giật mình, Da-du suy nghĩ: "Xưa kia chàng lộng lẫy trong ánh châu báu ngọc ngà, nay chàng lại khiêm tốn trong bộ y phục bình dị, nay chàng lại rực rỡ trong ánh hào quang thiêng liêng." Nàng thì thầm: "Chàng tuyệt diệu quá!"

Nàng leo lên sân thượng hoàng cung. Với nhiều người vây quanh, Ðức Thế Tôn đang từ từ tiến đến gần. Nét uy nghi đường bệ từ thân Ngài tỏa ra, Da-du sung sướng đến run người, nàng cất lời nồng nàn ca ngợi:

"Ôi mái tóc bóng ngời mềm mại,
Vầng trán kia rực ánh mặt trời,
Ðôi mắt người rạng rỡ tươi vui,
Chân nhẹ bước như sư tử giữa nắng vàng êm dịu!"

Nàng đến gần phụ vương tâu:

"Tâu phụ vương, con trai của phụ vương đang khất thực trong thành Ca-tỳ-la-vệ. Có một đám đông người thán phục đang lần theo Ngài, Ngài đẹp hơn bao giờ hết."

Tịnh-Phạn sửng sốt. Quốc vương rời khỏi hoàng cung, đến gần con nói:

"Ngài đang làm gì vậy? Tại sao Ngài phải khất thực? Hẳn Ngài phải biết là trẫm đang mong Ngài tại hoàng cung, Ngài và cả đệ tử của Ngài."

Ðức Thế Tôn đáp: "Ta phải khất thực; ta phải vâng theo giáo pháp."

Quốc vương nói: "Ta là dòng Sát-đế-lợi; chưa bao giờ dòng tộc Thích-ca lại có người khất thực?"

"Phụ vương thuộc dòng họ Thích-ca; còn ta, trong những tiền kiếp xa xưa, ta đã chứng đắc vô thượng bồ đề; ta đã nhận ra vẻ đẹp của tâm từ bi; ta đã hiểu rõ nguồn vui cả lòng tự dâng hiến. Khi ta là đứa bé Ðạt-ma-ba-la (Dharmapala), hoàng hậu mẹ ta, một hôm đang cùng ta chơi đùa, quên chào phụ vương, quốc vương Bra-ma-đát-ta (Brahmadatta) khi ngài đi qua. Ðể trừng phạt hoàng hậu, ngài ra lệnh cho một trong các vệ binh chặt đứt hai tay ta, ngài nghĩ làm thế mẹ ta sẽ đau đớn thấy ta đau khổ còn hơn chính bà chịu đau khổ. Mẹ ta van xin quốc vương, bà nguyện hiến hai tay bà để thay ta, nhưng ngài vẫn khăng khăng tàn nhẫn, ngài vẫn ban lệnh thi hành. Ta vui vẻ như thường, mẹ ta thấy thế cũng hoan hỷ theo. Thế là phụ vương ta ra lệnh vệ binh chặt đứt hai chân ta. Chặt xong, ta vẫn tươi cười. Quốc vương nổi giận hét lên: "Hãy cắt đầu nó ra!" Thất kinh, mẹ ta quì mọp trước mặt phụ vương, bà van xin: "Tâu hoàng thượng, xin cắt đầu thiếp, xin tha mạng cho con ngài!" Quốc vương sắp bác lời thì bằng giọng nói thơ ngây, ta lên tiếng: "Mẹ ơi, chính vì sự giải thoát của mẹ mà con dâng trọn cả đầu này. Khi con chết rồi, hãy vất xác con trên đường; hãy phơi nó trần trần ra đó; hãy để nó làm mồi cho chim trời." Và khi tên đao phủ tóm lấy tóc ta, ta nói tiếp: "Ồ, thế là con có thể thành Phật, con có thể giải thoát cho tất cả những ai bị sanh tử trên đời! Và giờ đây, hỡi quốc vương Tịnh-Phạn, rốt cuộc ta đã đạt đến trí tuệ; ta là Phật; ta biết đường dẫn đến giải thoát. Ðừng than phiền việc làm của ta. Hãy tỉnh giấc; hãy sáng suốt; hãy noi theo con đường đức hạnh cao quí. Ai sống đời thánh thiện, người ấy có giấc ngủ an lành, dù ngủ trên mặt đất hay ngủ ở những thế giới đâu đâu. "

Quốc vương Tịnh-Phạn thán phục đến rơi lệ. Ðức Phật tiếp:

"Hãy biết phân biệt đâu là đức hạnh chân chính và đâu là đức hạnh hư ngụy. Hãy biết đâu là chánh đạo và đâu là tà đạo. Ai sống đời thánh thiện, người ấy có giấc ngủ an lành, dù ngủ trên mặt đất hay ngủ ở những thế giới đâu đâu!"

Sụp lạy dưới chân Phật, quốc vương xin hết lòng tín ngưỡng theo Ngài. Ðức Thế Tôn hoan hỷ trở về hoàng cung và ngồi vào bàn của phụ vương mình.

 

XIV- ÐỨC HẠNH CAO QUÍ CỦA DA-DU

Bấy giờ tất cả phụ nữ ở hoàng cung đều đến đảnh lễ Ðức Thế Tôn. Chỉ có Da-du là vắng mặt. Quốc vương tỏ vẻ ngạc nhiên. Ma-ha-ba-xà-ba-đề hỏi: "Thiếp đã bảo nàng cùng đi", nàng đáp: "Con sẽ không đi với mẹ, con thiếu duyên thiếu đức; con không xứng đáng gặp mặt chồng con. Nếu con không làm gì lầm lỗi, chồng con sẽ đích thân đến gặp con, và rồi con sẽ kính lễ chồng con đúng phép. "

Ðức Thế Tôn rời khỏi chỗ ngồi, đi thẳng đến phòng Da-du. Nàng đã vất hết y phục sang trọng, cởi bỏ các tấm màn the, ném cả kiềng vòng châu báu; nàng khoác một chiếc áo choàng màu ngà may bằng vải thô. Thấy nàng trang phục như vậy, Ðức Thế Tôn vui cười hoan hỷ. Nàng sụp lễ dưới chân Ngài.

Nàng nói: "Ngài thấy đó, thiếp muốn mặc y phục như Ngài mặc, thiếp muốn sống như Ngài sống. Ngài ăn một bữa một ngày, thiếp dùng mỗi ngày một bữa. Ngài không ngủ trên giường; nhìn quanh xem: chả có giường chiếu gì cả, thiếp ngủ trên chiếc băng này. Từ đây, thiếp sẽ không cần hương thơm, thiếp sẽ không cài hoa lên mái tóc thiếp nữa."

Ðức Thế Tôn đáp: "Da-du, ta đã thấy đức hạnh cao quí của nàng, nàng không thiệt đâu, ta tán thán đức hạnh của nàng lắm. Có bao nhiêu phụ nữ trên thế gian này đã dũng mãnh như nàng?"

Ðức Thế Tôn ngồi xuống, nói:

"Phụ nữ khó tin lắm. Trong số hơn cả ngàn người ngu si ác độc thì may ra mới có một người thông minh đức hạnh. Phụ nữ bí hiểm hơn cả lộ trình của cá lội dưới nước; họ tàn nhẫn như kẻ cướp, họ lường gạt như kẻ cướp; họ ít khi nói thật, vì đối với họ, láo là thật, và thật là láo. Ta thường khuyên đệ tử ta hãy tránh xa phụ nữ. Thấy họ tiếp chuyện với phụ nữ là ta khó chịu rồi. Còn nàng, này Da-du, nàng không giả dối; ta tin tưởng đức hạnh của nàng. Ðức hạnh là hoa hương không phải dễ tìm; phụ nữ phải có đôi tay sạch để nắm giữ đức hạnh. Ma-vương che giấu tên nhọn dưới hoa; ồ, biết bao phụ nữ yêu hoa bạc ác, hoa gây thương tích không bao giờ lành! Phụ nữ khốn nạn thay! Hình hài chỉ là bọt bèo, họ đâu nhận ra điều đó. Họ bám chặt vào cõi đời này, rồi ngày ấy đến thì tử thần kéo họ ra đi. Hình hài mong manh hơn cả ảo vọng. Ai nhận ra điều đó, người ấy sẽ bẻ gãy những mũi tên hoa của Ma-vương; ai nhận ra điều đó, người ấy sẽ không bao giờ gặp mặt tử thần. Thần chết sẽ lôi người phụ nữ vô ý hái hoa như cơn nước lũ, do bão tố dâng lên, cuốn phăng cả ngôi làng đang mê ngủ. Này cô, hãy hái hoa, hãy thưởng thức màu sắc của chúng, hãy ngửi trọn hương vị của chúng; thần chết đang rình rập cô đó; trước khi cô được thõa mãn thì thần chết đã mang cô đi rồi. Hãy như con ong kìa; nó bay từ hoa này đến hoa khác, chỉ lấy mật ngọt chứ không làm tổn thương hương sắc của một hoa nào.

 

XV- NAN-ÐÀ KHƯỚC TỪ VƯƠNG VỊ

Từ khi Tất-đạt-đa ra đi xuất gia, vua Tịnh-Phạn đã chọn Nan-đà (Nanda), một trong những người con trai khác, kế vị vua lên ngôi. Nan-đà sung sướng nghĩ rằng một ngày kia chàng sẽ là quốc vương, sung sướng hơn nữa là chàng nghĩ đến cuộc hôn lễ sắp tới với công chúa Tôn-đà-lị (Sundarika), một Tôn-đà-lị xinh đẹp mà chàng thiết tha yêu quí.

Ðức Thế Tôn lo sợ cho em mình; Ngài sợ cho Nan-đà sẽ lạc vào ác đạo. Một hôm, Ngài đến gặp Nan-đà và nói:

"Này Nan-đà, ta đến với ngươi vì ta biết ngươi đang sung sướng lắm. Ta muốn nghe chính miệng ngươi trình bày nguyên do của sự sung sướng đó. Này Nan-đà, nói đi, hãy bộc lộ hết tâm tình cho ta biết."

Nan-đà đáp: "Thưa tôn huynh, em nói ra không biết tôn huynh có hiểu cho chăng, tôn huynh đã từ bỏ vương vị, tôn huynh đã cắt đứt ái ân với Da-du!"

"Này Nan-đà, ngươi mong ngày kia ngươi sẽ là quốc vương, thì ra nguyên do sung sướng là thế!"

"Vâng, điều sung sướng hơn nữa là em yêu Tôn-đà-lị, Tôn-đà-lị mai đây sẽ là hôn thê của em."

Ðức Thế Tôn kêu lên: "Khốn nạn thay! sống trong đen tối mà ngươi có thể sung sướng được sao? Ngươi sẽ thấy được ánh sáng sao? Trước hết ngươi hãy loại bỏ niềm hạnh phúc đó đi: Lo sợ phát sanh từ hạnh phúc, kinh hãi và đau khổ. Ai hết lo sợ, hết đau khổ; người ấy không còn biết đến hạnh phúc. Hãy loại bỏ tình yêu đó đi: Lo sợ phát sanh từ tình yêu, kinh hãi và đau khổ. Ai hết lo sợ, hết đau khổ; người ấy không còn biết đến tình yêu. Nếu như ngươi tìm kiếm hạnh phúc trên cõi đời này thì những nổ lực của ngươi sẽ trở thành vô ích, lạc thú của ngươi sẽ biến thành đau khổ, cái chết luôn luôn có mặt, sẵn sàng vồ lấy những kẻ khốn cùng bất hạnh mà khúc hát nụ cười vẫn còn bừng nở trên môi. Thế gian toàn là lửa khói, mọi việc trên đời phải chịu cảnh sanh lão tử vong. Kể từ lúc ngươi mới bắt đầu lang thang thê thảm trong kiếp luân hồi, nước mắt của ngươi đã đổ nhiều còn hơn là nước của sông biển đại dương. Ngươi đã gánh chịu khổ đau, ngươi đã tiếc thương cho những ước vọng không thành, ngươi đã oán than đau đớn khi thấy điều kinh hãi xảy ra. Cái chết của một người mẹ, cái chết của một người cha, cái chết của một người anh, cái chết của người chị, cái chết của một đứa con trai, cái chết của một người con gái; ồ, qua biết bao lần, trải bao thời đại, những cảnh tượng đó chưa làm ngươi đau lòng sao? Biết bao lần ngươi chưa tốn hao tài vật? Và mỗi lần đối diện với đau khổ thì ngươi lại khóc, khóc và khóc; ngươi đã đổ nhiều nước mắt còn hơn là nước của sông biển đại dương!"

Nan-đà, lúc đầu, ít chú tâm đến những gì Ðức Phật dạy, nhưng khi bắt đầu lắng nghe, lời lẽ của Ngài đã làm cho chàng xúc động, sâu sắc. Ðức Thế Tôn tiếp:

"Hãy coi thế gian như bọt bèo; thế gian là mộng huyển, tử thần rồi sẽ bốc ngươi đi."

Ngài dừng lại.

Nàn-đà thưa: "Bạch Ðức Thế Tôn, bạch Ðức Thế Tôn, con xin nguyện làm đệ tử Ngài! Xin cho con theo Ngài."

Ðức Thế Tôn dắt tay Nan-đà rời khỏi hoàng cung. Nhưng Nan-đà lộ vẻ đăm chiêu suy nghĩ; chàng e rằng mình hấp tấp quá. Có lẽ chàng đau đớn ân hận điều chàng đã làm. Vì có nói gì đi nữa thì nắm giữ vương quyền vẫn là điều thú vị, cao quí. Còn Tôn-đà-lị? chàng nghĩ: "Nàng đẹp biết bao" Chàng thở dài, nói: "Ta sẽ bao giờ gặp lại nàng?"

Nhưng rồi chàng vẫn theo sau Ðức Thế Tôn. Chàng không dám tâm sự với Ngài. Chàng sợ ngài khiển trách, chàng sợ Ngài khinh miệt.

Bỗng nhiên, khi Ðức Thế Tôn và Nan-đà quẹo qua một góc đừờng, chàng bắt gặp một thiếu nữ đi tới. Nàng tươi cười. Nhận ra Tôn-đà-lị, chàng cúi mặt không dám nhìn.

Nàng nói: "Anh đi đâu thế?"

Nan-đà không trả lời. Nàng quay sang Ðức Thế Tôn.

"Ngài dẫn Nan-đà theo Ngài sao?"

"Vâng", Ðức Thế tôn đáp.

"Ngày mai chàng sẽ về chứ?"

Nan-đà muốn đáp lại: "Vâng, anh sẽ về sớm, Tôn-đà-lị! Nhưng chàng lại e ngại, không nói nên lời; mắt nhìn xuống, chàng lặng lẽ theo sau Ðức Thế Tôn.

Vậy là Tôn-đà-lị biết Nan-đà không còn của nàng nữa, nàng nức nở khóc.

 

XVI- PHẬT RỜI THÀNH CA-TỲ-LA-VỆ

Một hôm, Da-du đôn hậu đứng nhìn con trai La-hầu-la (Rahula) của nàng.

Nàng ca ngợi: "Con trai của mẹ đẹp làm sao! Ðôi mắt của con long lanh quá! Cha của con còn nợ con một di sản hiếu đạo; con phải đi đòi nó lại."

Mẹ con dắt nhau lên sân thượng của hoàng cung. Ðức Thế Tôn từ hòa nhẹ bước trên đường phố bên dưới. Da-du nói với La-hầu-la:

"La-hầu-la, con thấy vị sa môn kia không?" Cậu bé đáp: "Vâng, thưa mẹ, thân Ngài đầy cả vàng."

"Ngài đẹp như thiên thần! Chính hào quang thánh thiện từ trong da thịt Ngài tỏa ra như vàng. Con ơi, hãy quí Ngài, hãy yêu quí Ngài, vì Ngài là cha của con. Xưa kia Ngài có những bảo vật quí giá. Ngài có nhiều vàng bạc ngọc ngà rực rỡ; giờ đây, Ngài lại đi khất thực từng nhà. Nhưng Ngài đã có được một kho tàng tuyệt diệu: Ngài đã chứng đắc vô thượng bồ đề. Con ơi, hãy đến gặp Ngài; hãy nói cho Ngài biết con là ai, và đòi lại di sản của con."

La-hầu-la vâng lời mẹ. Cậu đến đứng ngay trước mặt Phật. Cảm thấy một niềm sung sướng kỳ lạ, cậu nói:

"Bạch Ngài sa môn, thật là hân hạnh cho con được đứng đây, đứng trong bóng mát của Ngài."

Ðức Thế Tôn ngắm cậu bằng ánh mắt yêu thương, từ ái; La-hầu-la bạo dạn chạy đến bên Ngài. Nhớ lời mẹ dặn, cậu nói:

"Thưa cha, con là con của cha. Con biết cha có nhiều bảo vật quí giá nhất đời. Xin cha trả lại di sản đó cho con."

Ðức Thế Tôn mỉm cười. Ngài không trả lời. Ngài tiếp tục khất thực. La-hầu-la lẻo đẻo theo sau Ngài, cậu lập lại:

"Thưa cha, xin cha trả lại di sản đó cho con."

Cuối cùng đức Thế Tôn nói;

"Này con, con chưa biết gì về cái kho tàng mà con đã nghe nhiều người ca ngợi. Khi con đòi lại di sản của con, con nghĩ là con đang đòi hỏi những đồ vật mang tính chất suy hoại. Những bảo vật duy nhất theo con là những bảo vật thân thiết với sự trống không hư ảo của loài người, những bảo vật mà cái chết tham tàn cướp đoạt của những người giàu có giả tạm. Này La-hầu-la, con có quyền đòi hỏi di sản của con. Con sẽ được chia phần châu báu; con sẽ thấy bảy loại đức hạnh, con sẽ biết giá trị đích thực của đức tin và thanh khiết, khiêm tốn và cẩn trọng, vâng phục, hy sinh và trí tuệ. Ði, cha sẽ giao con cho tôn giả Xá-lợi-phất; tôn giả sẽ giáo dục con."

La-hầu-la lặng lẽ theo cha, Da-du cảm thấy lâng lâng sung sướng. Chỉ có quốc vương Tịnh-Phạn là đau buồn; gia đình quốc vương đang từ biệt quốc vương! Ngài không thể không bộc lộ tâm tình với Ðức Thế Tôn.

Ðức Thế Tôn đáp: "Ðừng đau buồn gì cả, những ai nghe theo ta sẽ có được kho tàng cao quí! Không có gì phải đau buồn; hãy như thớt voi lâm trận bị trúng tên độc của kẻ thù: không ai nghe voi than phiền bao giờ. Quốc vương khéo điều voi ra trận thế nào thì bậc vĩ nhân trên đời cũng khéo tự điều phục mình thế đó, người ấy dằn được đau khổ. Ai thật tình khiêm tốn, ai chế ngự tham dục như chúng ta điều khiển ngựa hoang, người ấy sẽ bị thiên thần đố kỵ. Người ấy không bao giờ làm ác. Không phải trong hang động của núi rừng, không phải dưới vực sâu của biển cả, quốc vương không thể trốn đâu được những hậu quả tai hại của một ác nghiệp; chúng theo Ngài mãi mãi; chúng in vết trong ngài; chúng bắt ngài điên loạn; chúng cho ngài hưởng được một chút thanh bình! Nhưng nếu ngài làm việc thiện, khi ngài giã biệt trần gian, ngài sẽ được thiện nghiệp của ngài đón chào, giống như những người bạn thân đón ngài từ xa về. Chúng ta sống trong hoàn toàn hạnh phúc, chúng ta không hận thù giữa một thế giới tràn ngập hận thù. Chúng ta sống trong hoàn toàn hạnh phúc, chúng ta không tật bệnh giữa một thế giới dẫy đầy tật bệnh. Chúng ta sống trong hoàn toàn hạnh phúc, chúng ta không lao nhọc giữa một thế giới dẫy đầy lao nhọc. Chúng ta sống trong hoàn toàn hạnh phúc, chúng ta không có gì cả. Nguồn vui là lương thực của chúng ta, chúng ta như những thiên thần rạng rỡ. Vị sa môn nào sống trong cô đơn, thầy ấy sẽ duy trì được một tâm hồn tròn đầy an tịnh, thầy ấy sẽ thấy rõ sự thật bằng một cái nhìn sáng suốt vững vàng, thầy ấy sẽ hưởng được một nguồn hạnh phúc mà thế nhân không sao hiểu nổi."

An ủi quốc vương Tịnh-Phạn được đôi lời, Ðức Thế Tôn rời thành Ca-tỳ-la-vệ, Ngài lên đường trở lại thành Vương-xá.

 

XVII- CẤP-CÔ-ÐỘC CÚNG DƯỜNG

Trong khi Ðức Thế Tôn ở tại thành Vương-xá thì Cấp-cô-độc (Anathapindika), một trưởng giả giàu có, từ Xá-vệ (Cravasti) đến. Cấp-cô-độc là một tín đồ sùng đạo. Khi được tin Ðức Thế Tôn trú tại rừng Trúc-lâm, ông nóng lòng muốn đếp gặp Ngài.

Cấp-cô-độc lên đường vào một buổi sáng, và khi ông vào rừng Trúc-lâm, một giọng nói thiêng liêng đã đưa ông đến gặp Ðức Thế Tôn. Ông được đón chào niềm nỡ; ông cúng dường đại chúng một phẩm vật tuyệt vời, và Ðức Thế Tôn hứa đến gặp ông tại thành Xá-vệ.

Khi về đến thành, Cấp-cô-độc bắt đầu phân vân không biết tiếp đón Ðức Thế Tôn tại đâu. Vườn tược của ông hình như không tương xứng cho việc đón tiếp một thượng khách như vậy. Vườn cây đẹp nhất trong thành là của thái tử Kỳ-đà (Jeta), Cấp-cô-độc quyết định mua đứt khu vườn đó.

Kỳ-đà nói với ông: "Ta sẽ bán vườn cây nếu ngươi trải vàng khắp mặt đất."

Cấp-cô-độc chấp nhận điều kiện giao ước. Ông cho xe chở vàng đến vườn, và bấy giờ chỉ còn một dãy đất nhỏ còn trống. Kỳ-đà hoan hỷ ca ngợi:

"Này trưởng giả, vườn cây là của ngươi: Phần ta, ta xin hân hạnh biếu ngươi dãy đất còn lại đó."

Cấp-cô-độc cho trang hoàng vườn cây, chuẩn bị đón tiếp Ðức Thế Tôn. Ông phái một gia nhân trung tín nhất đến rừng Trúc-lâm báo tin cho Ðức Thế Tôn biết là ông sẵn sàng đón tiếp Ngài tại thành Xá-vệ.

Sứ giả nói: "Bạch Ðức Thế Tôn, chủ nhân con xin đảnh lễ Ngài. Người hy vọng Ngài đã thoát khỏi khổ đau, bệnh tật; người hy vọng Ngài không quên ước hẹn với người. Bạch Ðức Thế tôn, họ đang chờ đón Ngài tại thành Xá-vệ."

Ðức Thế Tôn không quên lời hứa với trưởng giả Cấp-cô-độc; Ngài muốn giữ hẹn, Ngài nói với sứ giả: "Ta sẽ đi."

Ngài hoãn lại một vài hôm; rồi Ngài khoác áo, ôm bình, theo sau là một số đệ tử, Ngài lên đường đi Xá-vệ. Vị sứ giả đi trước để báo cho trưởng giả biết là Ðức Thế Tôn sắp tới.

Cấp-cô-độc quyết định đi đón Ðức Thế Tôn, vợ con ông xin cùng đi, những người giàu có nhất thành thấy thế cũng xin tháp tùng theo họ. Và khi họ nhìn thấy Ðức Thế Tôn, hào quang rực rỡ của Ngài làm họ chói lòa cả mắt; Ngài hình như đi trên một đoạn đường toàn vàng.

Họ theo hầu Ngài đến vườn cây của thái tử Kỳ-đà, Cấp-cô-độc thưa với Ngài:

"Bạch Ðức Thế Tôn, con sẽ làm gì với vườn cây này?"

Ðức Thế Tôn đáp: "Hãy cúng dường cho đại chúng, từ nay và mãi mãi về sau."

Cấp-cô-độc sai gia nhân bê đến một bát vàng đầy nước. Ông rửa tay Ðức Thế Tôn và Bạch rằng:

"Từ nay mãi mãi về sau, con xin cúng dường vườn cây này cho đại chúng, những vị sa môn tu tập dưới sự hóa độ của Ðức Thế Tôn."

Ðức Thế Tôn nói: "Lành thay! Ta ghi nhận lễ vật. Vườn cây này sẽ là nơi an trú tuyệt vời; tại đây, chúng ta sẽ sống êm đềm, chúng ta sẽ tránh được cảnh oai bức, buốt giá. Không có ác thú vào đây: không có cả một cánh muỗi vo ve quấy rầt sự yên tịnh; ở đây tránh được mưa dầm gió rét hay nắng hạn kinh hồn. Vườn cây này thơ mộng lắm. Tại đây ta sẽ thiền định hằng giờ. Cúng dường đại chúng những lễ vật như thế thật là đúng pháp. Người thông minh trí tuệ không nên thờ ơ lạnh nhạt, hãy nên cúng dường nhà cửa, thức ăn, nước uống, y phục cho các thầy sa môn. Trái lại, các thầy sa môn sẽ giáo hóa chánh pháp cho họ. Ai giác ngộ chánh pháp, người ấy sẽ giải thoát khổ đau và đạt đến niết bàn."

Ðức Phật và đồ chúng của Ngài tự ra sức xây dựng nền tảng tại vườn Kỳ-viên.

Cấp-cô-độc rất lấy làm sung sướng; nhưng, một hôm, một ý nghĩ nghiêm trọng lại hiện ra trong đầu óc ông.

Ông tự nhủ: "Ta đang được mọi người hết lời ca ngợi, nhưng đối với những việc làm của ta, việc nào đáng được khâm phục như thế? Ta dâng lễ vật, cúng dường Phật và cúng dường các thầy sa môn, điều đó, trong tương lai, ta sẽ được quả phúc; nhưng đức hạnh của ta chỉ có lợi cho ta! Ta phải giúp người khác cùng chia xẻ cái đặc quyền đó. Ta sẽ đi khắp kinh thành, ta sẽ quyên góp lễ vật của những ai ta gặp đem cúng dường Phật và các thầy sa môn. Thế là nhiều người sẽ tham gia vào công việc phước đức mà ta sắp làm."

Ông đến yết kiến Ba-tư-nặc (Prasenajit), vua nước Xá-vệ, một quốc vương cương trực, sáng suốt. Ông tâu với quốc vương về những điều mà ông đã quyết định làm, quốc vương hoan hỷ chấp thuận. Một phái viên được lệnh đi khắp kinh thành để phổ biến thông báo của hoàng triều:

"Ðồng bào Xá-vệ nghe rõ! bảy ngày nữa, trưởng giả Cấp-cô-độc sẽ cỡi voi qua khắp kinh thành. Ông sẽ quyên góp lễ vật của tất cả mọi người, sau đó ông đem cúng dường Phật và đồ chúng của Ngài. Vậy mong các ngươi hãy dâng những gì mà ông có thể chấp nhận."

Ðúng ngày ấn định, Cấp-cô-độc ngồi trên lưng voi đẹp nhất qua khắp kinh thành, ông quyên góp lễ vật từng người để cúng dường Ðức Thế Tôn và đại chúng. Dân chúng vây quanh ông: người thì dâng vàng, kẻ thì biếu bạc; cô này cởi kiềng, o kia cởi xuyến, chị nọ cởi còng; ngay cả những phẩm vật tầm thường nhất cũng được thâu nhận.

Bấy giờ, tại thành Xá-vệ có một thiếu nữ quá nghèo. Nàng phải mất ba tháng trời dành dụm mới đủ tiền mua được một mảnh vải thô mà nàng vừa may xong cho nàng một tấm áo. Thấy đám người vây quanh Cấp-cô-độc, nàng nói với một người đứng xem:

"Trưởng giả Cấp-cô-độc hình như đi xin thì phải."

"Vâng, ông đang đi xin," có giọng đáp.

"Nhưng người ta bảo ông là một trưởng giả giàu nhất thành Xá-vệ. Tại sao ông phải đi xin thế này?"

"Cô không nghe thông báo của hoàng triều được phổ biến khắp thành cách đây bảy ngày sao?"

"Chả nghe gì cả."

"Cấp-cô-độc không phải quyên góp phẩm vật cho chính ông. Ông muốn mọi người cùng tham gia vào công việc phước đức mà ông đang làm, ông đang quyên góp phẩm vật để cúng dường Phật và đồ chúng của Ngài. Tất cả những ai cúng dường đều sẽ được quả phúc mai hậu."

Thiếu nữ tự nhủ: "Mình chưa bao giờ làm được điều gì đáng khen. Ðiều hay nhất là sắm một lễ vật để cúng dường Phật. Nhưng mình nghèo quá. Mình phải làm gì bây giờ?" Nàng bỏ đi, chán nản. Nàng nhìn xuống chiếc áo mới may: "Mình chỉ cúng dường Ngài được chiếc áo này. Nhưng mình không thể lõa lồ ra đường."

Nàng về nhà cởi áo. Nàng ngồi tại cửa sổ đợi Cấp-cô-độc đến, và khi ông đi qua trước nhà, nàng ném chiếc áo cho ông. Ông cầm lấy và đưa nó cho những người giúp việc.

Ông nói: "Người phụ nữ ném chiếc áo này cho ta có lẽ không còn gì khác để cúng dường. Nàng phải chịu lõe lồ thôi nếu nàng ở nhà và cúng dường lễ vật theo kiểu này. Ði, hãy cố tìm cho ra nàng và xem nàng là ai?"

Bọn gia nhân phải gặp rất nhiều khó khăn trong lúc tìm kiếm cô thiếu nữ. Cuối cùng họ tìm ra nàng và thấy rằng chủ nhân của họ đã đoán đúng: Chiếc áo vất ra ngoài cửa sổ là toàn bộ tài sản của một cô bé nghèo. Cấp-cô-độc vô cùng xúc đông; ông bảo gia nhân đem những bộ y phục sang trọng, xinh đẹp tặng cho cô thiếu nữ thuần thành đã hiến ông chiếc áo giản dị của nàng.

 

XVIII- NHỮNG MÔN ÐỆ MỚI

Ðức Thế Tôn lưu lại ở Xá-vệ ít lâu rồi Ngài lên đường đến thành Vương-xá, nơi mà Tần-bà-sa-la đang đợi Ngài.

Ði được nửa đường, Ngài dừng lại để nghỉ tại một ngôi làng, lúc đó có bảy người đến. Ngài nhận ra họ. Sáu người là bà con, họ là những người giàu có và quyền lực nhứt dòng Thích-ca. Ðó là A-nậu-lâu-đà (Anuruddha), Bạt-đề (Bhadrika), Bờ-ri-gu (Bhrigu), Kim-tỳ-la (Kimbala), Ðề-bà-đạt-đa (Devadatta) và A-nan (Ananda). Người thứ bảy là Ưu-ba-ly (Upali), một gã hớt tóc.

Một hôm, A-nậu-lâu-đà tự nhủ rằng mình là dòng họ Thích-ca mà không ý thức theo Phật thì thật là điều xấu hổ. Chàng quyết định làm gương, và vì không một nguyên do nào ngăn cách được ý định của chàng nên chàng bày tỏ tâm sự trước tiên với người bạn chí cốt của chàng là Bạt-đề. Bạt-đề suy nghĩ trong giây lát rồi tán đồng ý kiến và quyết tâm noi theo. Sau đó, cả hai thuyết phục A-nan, Bờ-ri-gu, Kim-tỳ-la và Ðề-bà-đạt-đa thấy rằng không có tiếng gọi nào cao hơn tiếng gọi xuất gia làm sa môn.

Thế là sáu hoàng tử lên đường theo Phật. Họ khó mà từ giã thành Ca-tỳ-la-vệ khi A-nan, liếc nhìn Bạt-đề, than:

"Bạt đề, anh sống đời thánh thiện mà còn giữ châu báu làm gì?"

Bạt đề e thẹn, nhưng thấy A-nan cũng đeo châu báu, chàng cười đáp:

"A-nan, anh nhìn lại anh xem".

A-nan bẽn lẽn, đỏ cả mặt.

Bấy giờ họ nhìn nhau, thấy ai cũng đeo châu báu. Họ cả thẹn; họ đang lặng lẽ cúi mặt đi thì gặp ngay gã hớt tóc Ưu-ba-ly.

A-nan nói: "Này anh hớt tóc, lấy đồ châu báu của ta không, ta biếu hết cho anh đó".

Bạt-đề nói: "Lấy đồ của ta luôn".

Những vị khác cũng trao hết châu báu cho Ưu-ba-ly. Anh sửng sốt không biết trả lời thế nào. Tại sao những vị hoàng tử này chưa bao giờ gặp anh lại biếu hết bảo vật cho anh thế? Anh phải làm sao đây, chấp nhận hay từ chối?

Hiểu được lòng do dự của gã hớt tóc, A-nậu-lâu-đà nói:

"Ðừng ngại nhận những châu báu này. Chúng tôi đang trên đường theo bậc đại sĩ dòng thích ca. Chúng tôi đang trên đường theo Tất-đạt-đa, người đã thành Phật. Ngài sẽ thuyết giảng giáo pháp cho chúng tôi, chúng tôi sẽ qui y theo giáo pháp của Ngài".

Gã hớt tóc hỏi: "Thưa các hoàng tử, các ngài sẽ làm sa môn?"

"Vâng," họ đáp.

Anh lấy hết đồ châu báu và bắt đầu tiến về thành phố. Nhưng, bỗng nhiên, anh suy nghĩ: "Ta đang làm công việc như một thằng khùng. Ai sẽ tin là các hoàng tử ép ta nhận những châu báu này? Ta sẽ bị bắt vì tội trộm cướp hay tội giết người không chừng. Tội nhỏ nhất có thể xảy ra cho ta là ta sẽ gánh chịu sự phẫn uất sâu đậm của dòng tộc Thích- ca. Ta sẽ không giữ những châu báu này. Anh máng chúng trên một cành cây bên vệ đường. Anh suy nghĩ: "Các hoàng tử đó đang nêu gương cao thượng. Họ can đảm vất bỏ hoàng cung, còn ta, chả có gì, ta không dám vất bỏ quán hớt tóc của ta sao? Không. Ta sẽ theo họ. Ta sẽ gặp Phật, và biết đâu Ngài lại nhận ta vào đại chúng! ".

Ưu-ba-ly theo sau các hoàng tử cách một khoảng xa. Anh xấu hổ không dám tháp tùng theo họ. Bạt-đề chợt quay lại, thấy Ưu-ba-ly, chàng gọi lớn:

"Anh thợ cạo kia, sao anh vất hết đồ châu báu của chúng tôi?"

Gã thợ cạo đáp: "Tôi cũng muốn làm sa môn".

"Thế thì cùng đi với anh em chúng tôi", Bạt-đề nói.

Ưu-ba-ly vẫn lúc thúc theo sau. A-nậu-lâu-đà tiếp lời:

"Anh thợ cạo, hãy đi cạnh chúng tôi. Là sa môn thì đâu còn phân biệt, trừ tuổi tác và đức hạnh. Khi chúng ta đứng trước mặt Phật, anh phải là người đầu tiên bạch Ngài, anh phải là người đầu tiên xin Ngài nhận anh vào đại chúng. Vì anh, các hoàng tử sẽ chứng tỏ cho mọi người thấy rằng họ bỏ hết tính kiêu mạn về dòng tộc Thích-ca của họ".

Họ tiếp tục lên đường, bỗng nhiên, một con diều hâu từ đâu đáp xuống đầu của Ðề-bà-đạt-đa và tha đi viên ngọc kim cương mà chàng đã dấu kín trong búi tóc của chàng. Nó đã vạch trần tính giả dối của chàng và làm cho các hoàng tử cười òa. Ðề-bà-đạt-đa bấy giờ không còn một bảo vật nào khác nhưng bạn đồng hành của chàng, trong thâm tâm, vẫn còn hoài nghi về lòng chân thành trung tín của chàng.

 

XIX- TÍNH KIÊU MẠN CỦA NAN-ÐÀ

Ðức Thế Tôn hoan hỷ thấy một số bà con thân thích cùng ở trong hàng môn đệ, Ngài đưa hết đến Trúc-Lâm.

Tại đó, chỉ có Nan-đà đáng thương là đau khổ. Chàng lúc nào cũng nghĩ đến Tôn-đà-lỵ; nàng lúc nào cũng vấn vương trong tâm tư mộng tưởng của chàng, chàng ân hận là đã từ giã nàng. Ðức Phật hiểu được nỗi khổ đau dằng vặt của Nan-đà, Ngài quyết định chữa trị cho chàng.

Một hôm, ngài dắt tay chàng đến một gốc cây có một con khỉ gớm guốc ngồi trên đó.

Ngài nói: "Hãy nhìn con khỉ kìa, nó chả đẹp gì cả phải không?"

Nan-đà đáp: "Con ít khi thấy con khỉ nào xấu xí như thế."

Ðức Thế Tôn nói: "Thật sao? Nhưng nó giống hệt Tôn-đà-lỵ, vị hôn thê trước kia của ngươi".

Nan-đà thét lên: "Ngài nói sao? Ngài muốn nói con khỉ này giống Tôn-đà-lỵ, một công chúa duyên dáng, xinh đẹp sao?"

"Chứ khác gì, Tôn-đà-lỵ khác gì? Cả hai không phải là giống cái? Cả hai không phải là khơi dậy lòng dục vọng của giống đực? Ta tin là ngươi sẽ sẵn sàng từ bỏ con đường thánh thiện để chạy vào vòng tay siết chặt của Tôn-đà-lỵ, cũng như trong khu rừng này, tại một nơi nào đó, có một con khỉ đực bị dục tình mãnh liệt của con khỉ cái này khêu gợi đến độ mê mẫn điên cuồng. Cả hai rồi sẽ già nua, lụ khụ; còn ngươi cũng như con khỉ đực nào đó, sẽ tự thắc mắc không biết điều gì đã làm mình điên rồ ngu dại như thế. Cả hai rồi sẽ chết, riêng ngươi và con khỉ đực nào đó có lẽ rồi sẽ nhận ra sự trống rỗng vô vị của lòng ái dục. Tôn-đà-lỵ chả khác gì con khỉ cái này".

Nhưng Nan-đà không nghe. Chàng thở dài. Chàng mơ thấy Tôn-đà-lỵ mảnh mai, duyên dáng đang thư thả dạo quanh trong một khu vườn đầy hoa rực rỡ.

Ðức thế tôn lên giọng sai khiến: "Hãy cầm lấy chéo y của ta!".

Nan-đà vâng lời. Chàng cảm thấy mặt đất ở dưới chàng bỗng nhiên sụp xuống, một trận cuồng phong quét chàng lên tận trời xanh. Khi rút chân lên, chàng thấy mình đang ở trong một công viên tuyệt diệu. Chàng đang dạo bước trên một con đường vàng ròng, hoa lá toàn là các thứ châu báu làm bằng hồng ngọc và bích ngọc thơm ngát.

Ðức Thế Tôn nói: "Ngươi đang ở trên cung trời Ðao-lợi, hãy mở mắt u tối ra mà xem".

Nan-đà thấy một căn nhà bằng bạc sáng choang được vây quanh bởi một cánh đồng lưu ly rực rỡ. Một tiên nữ kiều diễm hơn Tôn-đà-lỵ đang đứng tại cửa. Nàng mỉm cười. Ngây ngất vì dục vọng, Nan-đà chạy bổ đến nàng, nhưng nàng bất thần hoa tay chận chàng lại.

Nàng nói: "Nan-đà, hãy thanh tịnh trên cõi đời này, hãy giữ lời thệ nguyện. Sau khi qua đời, ngươi sẽ được tái sanh tại đây, rồi ngươi sẽ đến trong vòng tay ân ái của ta".

Tiên nữ biến mất, Nan-đà và đức Thế Tôn trở lại trần gian.

Nan-đà quên hẳn Tôn-đà-lỵ. Chàng bị ám ảnh bởi một cảnh trí thơ mộng mà chàng đã nhìn thấy trên vườn thiên đàng, và cũng chính vì yêu thương tiên nữ mà giờ đây chàng quyết tâm sống đời phạm hạnh"!.

Tuy thế, các thầy sa môn vẫn nhìn chàng bằng cái nhìn rẻ rúng. Họ mặc tẩn chàng; nhưng mỗi khi gặp chàng trong rừng Trúc-lâm, họ thường biểu môi khinh bỉ chàng. Chàng cảm thấy đau buồn. Chàng nghĩ: "Các thầy hình như có ác cảm với ta; ta thử hỏi tại sao?" Một hôm, thấy A-nan đi ngang qua, chàng lại hỏi:

"Tại sao các thầy sa môn lẩn tránh ta? Tại sao ngươi không hỏi han trò chuyện gì với ta nữa? Trước kia, tại thành Ca-tỳ-la-vệ, chúng mình là bạn và cũng là bà con thân thích. Ta đã làm gì xúc phạm đến các người?"

A-nan đáp: "Anh tệ lắm! Chúng tôi luôn luôn trầm tư về những sự thật cao quí, còn anh lúc nào cũng tơ tưởng đến vẻ đẹp của một tiên nữ, Ðức Thế Tôn không cho chúng tôi tiếp xúc với anh".

A-nan bỏ đi.

Nan-đà vô cùng ân hận. Chàng chạy đến Ðức Thế Tôn, quì mọp dưới chân Ngài khóc nức nở. Ðức Thế Tôn nói:

"Này Nan-đà, những ý nghĩ của con tồi tệ lắm. Con là kẻ nô lệ của tình cảm con. Trước kia là nô lệ cho Tôn-đà-lỵ, bây giờ là nô lệ cho một tiên nữ, kẻ đã làm cho đầu óc con xoay chiều. Con sẽ bị luân hồi. Con muốn tái sanh giữa cảnh chư thiên sao? Ngu xuẩn lắm! Phù phiếm lắm! Này Nan-đà, hãy nổ lực đạt đến trí tuệ; hãy nghe theo lời dạy của thầy, hãy diệt trừ những đam mê cuồng loạn đó đi".

Suy tư nghiền ngẫm về những lời dạy của Phật, Nan-đà trở thành một đệ tử thuần phác nhất, dần dần chàng thanh tẩy được tâm hồn. Tôn-đà-lỵ không còn lảng vảng trong tâm tưởng của chàng nữa, và giờ đây, mỗi khi nghĩ đến tiên nữ, chàng lại buồn cười cho cái ý niệm muốn làm thần thánh chỉ vì nàng. Một hôm, chàng thấy trên ngọn cây có một con khỉ gớm guốc đang nhìn chàng, chàng lên giọng hãnh diện nói:

"Ê, Tôn-đà-lỵ không duyên dáng bằng ngươi; ê, so với tiên nữ kiều diễm nhất thì ngươi còn xinh hơn nữa kìa!".

Chàng tự hào là đã chế ngự được lòng ái dục của mình. Chàng tự nhủ: "Ta là thánh thật rồi, về đức hạnh, ta sẽ không còn thua kém gì với sư huynh của ta nữa".

Chàng tự may cho chàng một chiếc y cùng kích thước như y của Ðức Thế Tôn. Thấy chàng đi từ xa, các thầy sa môn nói:

"Ðức Thế Tôn đến kìa, chúng ta đứng lên chào Ngài".

Nhưng khi Nan-đà đến gần, họ thấy là họ lầm. Họ ngượng ngùng ngồi xuống và nói:

"Trong khi chúng ta ở đây thì cậu ấy đâu có ở trong hàng đại chúng; tại sao chúng ta phải đứng lên chào cậu ấy?"

Nan-đà hý hửng thấy các sa môn đứng lên khi mình đến gần; nhưng chàng chưng hửng thấy họ ngồi xuống lại. Chàng không dám than phiền; chàng sợ các thầy khiển trách. Vả lại đó chưa phải là bài học cho chàng, chàng tiếp tục rảo qua rừng Trúc-lâm, trên mình khoác chiếc y giống như y Phật. Từ xa, lầm chàng là Ðức Thế Tôn, các thầy sa môn từ chỗ ngồi đứng dậy, nhưng khi chàng đến gần, các thầy cười òa và ngồi xuống lại.

Cuối cùng, một sa môn đến bạch Phật. Ngài than phiền lắm. Ngài họp các thầy sa môn lại, và trước mặt mọi người, Ngài hỏi Nan-đà:

"Này Nan-đà, con đã thật sự được đắp y cùng kích thước như y của Phật chưa?"

Nan-đà đáp: "Dạ được, bạch Ðức Thế Tôn, con được đắp y cùng kích thước như y của Ngài".

Ðức Thế Tôn nói: "Lạ nhỉ! Một đệ tử dám đắp y cùng kích thước như y Phật! Con nghĩ gì với việc làm táo bạo như thế? Hành động đó không thể khơi dậy đức tin của người ngoại đạo, cũng không thể củng cố đức tin của hàng tín đồ. Nan đà, con phải thu ngắn y của con lại và trong tương lai, bất cứ thầy sa môn nào may y cho mình cùng kích thước như y Phật, hoặc rộng hơn y Phật, đều phạm phải trọng tội, thầy ấy sẽ bị nghiêm phạt".

Nan-đà tự nhận thấy lỗi lầm, chàng ý thức rằng đã là một thánh giả chân chính thì phải hàng phục được tính kiêu mạn của mình.

 

XX- VUA TỊNH PHẠN THĂNG HÀ

Gần thành Tỳ-xá-lỵ (Vaisali) có một khu rừng rộng bao la mà người ta đã cúng dường cho Ðức Thế Tôn. Trong khi Ngài lưu ngụ tại đó thì có tin báo là phụ hoàng của Ngài, quốc vương Tịnh Phạn, ngã bịnh. Quốc vương già lắm, bịnh tình nguy ngập, rằng quốc vương sắp qua đời. Ðức Thế Tôn quyết định về thăm phụ hoàng. Ngài lên đường về thành Ca-tỳ-la-vệ.

Quốc vương nằm buồn hiu trên giường bệnh. Ngài thở thoi thóp, cái chết sắp cận kề. Nhưng khi nhìn thấy con mình, ngài hoan hỷ vui cười. Ðức Thế Tôn nói:

"Tâu hoàng thượng, hoàng thượng đã đi được một đoạn đường dài, hoàng thượng lúc nào cũng nổ lực làm việc thiện. Hoàng thượng chưa từng để tâm đến những ham muốn đê hèn, lòng dạ của hoàng thượng không bao giờ cưu mang thù hận và sân nhuế cũng không bao giờ làm đen tối được đầu óc của ngài. Hạnh phúc thay cho ai ra đời để làm việc thiện! Hạnh phúc thay cho ai nhìn xuống hồ nước trong xanh và thấy được dung nhan tinh khiết của mình. Nhưng hạnh phúc hơn nữa là ai tự quán sát tâm trí và thấy nó thanh tịnh hoàn toàn! Tâu hoàng thượng, tâm trí của hoàng thượng thanh tịnh lắm, việc ra đi của hoàng thượng cũng bình thản êm đềm như buổi chiều tàn của một ngày nắng đẹp".

Quốc vương nói: "Bạch Ðức Thế Tôn, ta đã nhận ra lẽ vô thường của thế gian. Ta đã quét sạch mọi dục vọng, ta đã giải thoát hết mọi xiềng xích của cuộc đời".

Một lần nữa, quốc vương đảnh lễ Phật. Rồi ngài quay sang đám trung thần đã có mặt đầy đủ trong điện, ngài nói:

"Các bạn, hẳn ta đã nhiều lần làm phiền các bạn, nhưng các bạn chưa bao giờ tỏ vẻ ác cảm với ta. Các bạn nhân từ tốt bụng lắm. Trước khi ta vĩnh biệt các bạn, mong các bạn hãy tha thứ cho ta. Những gì ta hành xử sai lầm, mong các bạn bỏ qua cho; hỷ xả cho ta nghe các bạn!".

Ðám quần thần khóc rống lên, họ thì thào:

"Không, tâu bệ hạ, bệ hạ không bao giờ làm phiền lòng hạ thần!".

Tịnh Phạn vương nói tiếp:

"Còn khanh, hỡi Ma-ha-ba-xà-ba-đề, ái khanh đã là bạn hiền trăm năm của ta, ta đã thấy ái khanh khổ lụy nhiều rồi, ái khanh hãy trấn tỉnh đau buồn. Việc ra đi của ta là một sự giã biệt hạnh phúc. Hãy nghĩ đến sự vinh quang cao quí của người con mà ái khanh đã dày công nuôi nấng này; hãy sung sướng ngắm nhìn ánh hào quang rực rỡ của Ngài".

Quốc vương thăng hà, Mặt trời tắt hẳn.

Ðức Thế Tôn nói:

"Hãy nhìn thi thể của phụ hoàng ta xem. Ngài không còn là ngài nữa. Chưa có ai chinh phục được cái chết. Có sinh ắt có tử, hãy đem hết tâm tư tình cảm ra làm việc thiện; hãy đi trên lộ trình dẫn đến trí tuệ. Hãy làm một ngọn đèn trí tuệ, và bóng tối sẽ tan biến vào ánh sáng của nó. Ðừng chạy theo ác pháp, đừng vun trồng gốc rễ độc hại; đừng tạo thêm ác trược trên cõi đời này. Kẻ ngu muội lẫn tránh giáo pháp, một khi rời vào hang động của tử thần thì kêu gào than khóc; cũng như phu xe từ bỏ đường quang, chạy vào hiểm lộ gồ ghề, thấy trục gãy bánh rơi mà đấm đầu mếu máo. Người trí là ngọn đuốc soi sáng cho người ngu; người trí dẫn đường cho nhân loại, bởi vì người trí có mắt thấy xa, người khác chả thấy gì cả".

Thi thể của quốc vương được đưa đến một đống củi hỏa táng khổng lồ. Ðức Thế Tôn châm lửa, và trong lúc những ngọn lửa hồng phủ kín lên thi thể của phụ hoàng, trong lúc thần dân ở Ca-tỳ-la-vệ đang khóc than thương tiếc, thì Ngài lập lại những sự thật cao quí này:

"Sanh là khổ, già là khổ, bịnh là khổ, chết là khổ. Ồ, khát vọng là mãi mãi sanh tử luân hồi! Khát vọng quyền lực, khát vọng lạc thú, khát vọng sinh tồn, khát vọng là nguồn gốc của mọi đau khổ! Ồ, mọi khát vọng ác trược thánh nhân thấy rõ, các ngươi chưa thấy, thánh nhân dập tắt hết mọi dục vọng, thánh nhân chỉ biết có con đường Bát Chánh".

-ooOoo-

Đầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | Mục lục

Chân thành cám ơn Ðại đức Giác Ðồng đã gửi tặng phiên bản điện tử
(Bình Anson, tháng 05-2001)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 31-08-2001