BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


THIỀN MINH SÁT BẰNG TIẾNG VIỆT THÔNG THƯỜNG

 Trưởng Lão (Bhante) Henepola Gunaratana
Chơn Quán Trần Ngọc Lợi dịch


  

Chương 1

THIỀN: TẠI SAO PHẢI BẬN TÂM ?

Thiền. Không phải dễ, rất tốn thì giờ và sức lực. Rất cần nghị lực, quyết tâm, và kỷ luật. Cũng rất cần nhiều đức tính cá nhân mà chúng ta hay làm ngơ không muốn trao dồi. Chúng tôi xin nói gọn rằng thiền cần hai chữ "dũng khí." Thiền đòi hỏi tinh thần tháo vát, chủ động và dũng cảm. Dĩ nhiên, lờ thiền để đi xem ti vi sẽ sướng hơn nhiều. Vậy, tại sao chúng ta lại quan tâm tới thiền? Tại sao phải bận tâm trong lúc có thể ra ngoài vui chơi? Tại sao? Rất dễ hiểu. Bởi vì chúng ta là con người. Chính vì điều đơn giản rằng chúng ta là người, chúng ta phải nhận chịu sự không toại nguyện cố hữu của đời, cái không toại nguyện đeo đuổi chúng ta không rời. Chúng ta có thể quên nó vài giờ, nhưng rồi nó cũng trở lại--trở lại trong lúc chúng ta không ngờ tới. Bất chợt, từ khoảng không, chúng ta ngồi xổm dậy, kết toán, và chúng ta sẽ biết ngay trạng huống thật sự của đời mình. Không chối cải đâu được!

Vâng, chúng ta thấy mình sống chỉ để mà sống. Chúng ta vùng lên tạo dựng, và được nguời đời chấp nhận là OK. Nhưng có ai biết đâu chúng ta đang ôm nặng nhiều thất vọng và ê chề. Lòng chúng ta đang rối bời. Biết, nhưng chúng ta che đậy một cách tài tình. Biết, chúng ta biết hơn ai hết rằng chúng ta có thể sống bằng cách khác, một cách tốt đẹp và có ý nghĩa hơn. Chúng ta thỉnh thoảng có sống đời sống ấy. Ví như chúng ta đuợc công ăn việc làm tốt; chúng ta đang yêu; hay chúng ta trúng số. Trong một khoảnh khắc, mọi sự việc đổi khác, và đời đã đem lại cho chúng ta chút vận đỏ, nhất thời thay thế chán chường và khổ đau. Cuộc sống của chúng ta như được đổi mới và chúng ta tự nhủ "OK, giờ tôi đã đạt; giờ tôi sung sướng." Nhưng hạnh phúc lại qua đi, như khói lam chiều, chỉ còn lại chút dư âm và nhận thức mông lung rằng có cái gì đó không ổn.

Thật ra, có cả một dòng đời khác với chiều sâu thẩm và niềm cảm thông vô biên mà chúng ta chưa có dịp nhìn thấy nên tưởng mình bị cách biệt. Chúng ta không thâm nhập được hương vị ngọt ngào của đời sống vì bị ngăn cách bởi lớp nhung cảm thọ. Chúng ta không nắm bắt được cuộc sống thật sự. Chúng ta thất bại. Và khi nhận thức mông lung kia tan biến, chúng ta trở về với thực tại phũ phàng. Thế gian trở thành nơi ghê tởm rất đáng chán ghét. Thế gian là một roller coaster trong ấy chúng ta đi xuống tận đáy mà cứ tưởng đang leo lên đỉnh.

Vậy thì cái gì không ổn nơi với chúng ta? Phải chăng chúng ta là những người bất bình thuờng? Không phải vậy. Chúng ta chỉ là con người. Và chúng ta, như mọi người khác, bị con quái vật hốt hồn. Nó ở trong ta; nó xuất nhiều chiêu, ví như trầm cảm triền miên, tính phi từ bi kể cả đối với người thân, cảm tưởng bị khép kín, hay sự vô tâm. Chiêu của nó không ai trong chúng ta là không bị trúng độc. Chúng ta có thể phủ nhận và ém nhẹm nó bằng cách tạo một lớp sơn văn hóa phết lên để cách biệt. Rồi chúng ta tự dối mình bằng cách quay nhắm các mục tiêu như tiền tài hay danh vọng. Nhưng nó không biến đi đâu hết. Nó hiện diện như một dòng nước ngầm ở bên dưới mọi suy tư và mọi cảm thọ của chúng ta. Trong đầu chúng ta lúc nào củng có câu nói không lời rằng: "Chưa tốt. Cần thêm. Cần được nhiều hơn. Phải tốt hơn." Nó đó, con quái vật có mặt ở mọi nơi và dưới dạng vi tế.

Đi dự một bữa tiệc, hãy nghe tiếng cười. Cái tiếng dòn khớu ấy biểu thị sự vui thích ở bên ngoài nhưng sự sợ hãi ở bên trong. Áp lực, căn thẳng, không ai thật sự được thư giãn. Tất cả đều giả bộ. Đi xem đá banh, hãy nhìn thiên hạ cổ võ. Nhìn cái giận bất hợp lý của khán giả. Nhìn sự bực mình không kiềm chế được sôi sục trong lòng vận động viên đang khoác bộ mặt tích cực hay vì đồng đội. Chửi, rủa, trù, ếm, tự hào, tự thẹn vì sự trung thành ích kỷ với đội nhà. Say sưa, và cả đánh đấm ngay trên khán đài. Đó là những người muốn làm giảm sự căn thẳng bên trong họ. Đó không phải là những người mưu cầu an tĩnh cho họ. Xem ti vi. Nghe nhạc, hãy nghe một số bản dân gian. Cùng một chủ đề lập đi lập lại với điệu biến đổi. Ganh tị, khổ đau, bất toại nguyện, và trầm uất.

Đời sống hình như là một cuộc tranh đua không ngừng, một cố gắng vĩ đại chống những kỳ hoặc kinh hoàng. Và chúng ta có giải đáp nào cho các vấn đề không được thỏa mãn ấy? Chúng ta bị kẹt trong hội chứng "Nếu như". Nếu như tôi có thêm tiền, tôi sẽ hạnh phúc. Nếu như tôi gặp người thật sự thương tôi, nếu như tôi ốm bớt mười kí, nếu như tôi có truyền hình màu, jbạnuzzi, tóc quăn, và, và, và vân vân. Những cái tầm phào ấy từ đâu đến, và quan trọng hơn, chúng ta phải sử sự thế nào? Chúng đến từ tâm của chúng ta. Chúng là những tập quán vi tế, ăn sâu trong tâm trí, là "cái gút của Gordius" mà chúng ta thắt từng bước một và gở cũng từng bước một, một mối mỗi lúc. Chúng ta có thể rà soát tỉnh thức, phân tách và đưa ra ánh sáng từng mảnh một. Chúng ta có thể biến cái vô tâm thành hữu tâm cũng từng bước một.

Cốt lõi của mọi kinh nghiệm là tính thay đổi, và thay đổi liên tục. Cuộc đời đi qua không ngừng và không lúc nào giống lúc nào. Sự thay đổi thường xuyên là mấu chốt của vũ trụ quan. Một niệm dấy lên rồi biến đi nữa giây sau đó. Một niệm khác chợt đến rồi chợt đi như vậy. Một tiếng động làm bùng tai rồi lại tắt hẵn. Mở mắt đón nhận thế giới, nháy mắt tất cả không còn. Người đến trong đời rồi đi. Bạn đi xa, người thân chết. Tài lộc thịnh rồi suy. Thỉnh thoảng chúng ta có thắng nhưng thua cũng nhiều. Thay đổi, đổi thay, và thay đổi liên tục. Không có hai khoảnh khắc nào giống nhau.

Không có gì sai trái với sự đổi thay cả. Thay đổi chỉ là bản tánh của vụ trụ. Nhưng rất tiếc, văn hóa của con người lại dạy chúng ta cách đối trị kỳ quặc với những thay đổi đang nối tiếp như những làn sóng vô tận kia. Chúng ta xếp hạng kinh nghiệm. Chúng ta xếp mỗi cảm thọ, mỗi thay đổi tâm linh vào một trong ba hộc tủ sau: tốt, xấu, và không tốt không xấu. Rồi tùy theo vị trí áp đặt đó, chúng được nhìn bằng nhản quan của chúng ta. Nếu một tâm thức được dán nhản "tốt", chúng ta cố gắng níu kéo để nó ở lại với thời gian. Chúng ta bám víu vào tâm thức đặc biệt ấy, nâng niu nó, gìn giữ nó, và không cho nó đi qua. Nếu không được, chúng ta dùng đủ mọi cách để thực hiện lại. Đó là tập quán được gọi bằng tên "tham ái."

Bên kia có hộc tủ với nhản "xấu". Khi nhận thấy cái gì "xấu" chúng ta cố đẩy nó ra xa. Chúng ta từ chối và gạt bỏ nó bằng mọi cách. Chúng ta có thể chống lại chính tâm thức của mình. Tập quán tâm ấy được mệnh danh là "từ bỏ."

Giữa hai thái cực ấy là hộc tủ trung tính. Chúng ta cất vô đây những kinh nghiệm không tốt không xấu. Chúng ta không thiết tha tới chúng và cũng không vui không buồn có chúng. Chúng ta xếp chúng để rồi quên hầu có thể trở về với tập quán thường tình là tham ái và dục vọng. Chúng không được chúng ta để ý đúng mức. Hãy gọi đó là tập quán "hờ hững." Kết quả trực tiếp của sự rồ dạy kia là sự chạy đua trên thảm lăn không dẫn tới đâu cả, chạy rầm rập theo dục lạc, tránh né liên tục các khổ đau, và lờ quên 90 phần trăm kinh nghiệm. Làm vậy rồi chúng ta than sao cuộc đời vô vị. Sau cùng, khi phân tích ra mới biết rằng đời đó không phải là cho chúng ta.

Chạy theo dục lạc và mưu cầu thành công, dầu có cố gắng thế mấy đi nữa, cũng có lúc chúng ta thất bại. Dầu chạy trốn có lẹ thế mấy đi nữa, cũng có lúc chúng ta không thoát khỏi khổ đau. Và giữa những lúc ấy, cuộc đời thật là buồn chán. Tâm chúng ta đầy ý kiến và phê phán. Chúng ta đã dựng tường quanh ta và chúng ta bị nhốt ngay trong tù ngục của những cái mà chúng ta thích và không thích. Chúng ta đau khổ.

Khổ là một danh từ lớn trong quan niệm Phật giáo. Khổ là mấu chốt cần đuợc thông hiểu rõ ràng. Tiếng Pali là "Dukkha", có nghĩa chẵng những là sự đau đớn của thân mà còn là sự không toại ý sâu xa và tế nhị, một yếu tố của tấm thảm lăn tâm linh. Khổ là cốt lõi của đời sống, Đức Phật từng thuyết như vậy. Thoạt nhìn, khổ là cái gì hình như tang thuơng và yếm thế lắm. Hình như không phải vậy. Nhiều lúc chúng ta cảm thấy hạnh phúc lắm mà, có đúng không? Không, không phải là thật sự hạnh phúc mà chỉ có vẻ hạnh phúc thôi. Hãy chọn và quan sát kỹ một thời điểm mà chúng ta cho rằng thành công nhứt. Bên trong của sự vui sướng, chúng ta luôn luôn có sự căng thẳng cố hữu, và dầu cho sự vui sướng có lớn thế mấy rồi nó cũng sẽ chấm dứt. Dầu có thâu vô bao nhiêu đi nữa, chúng ta cũng sẽ phải xuất ra, ít lắm là một phần; đó là chưa kể việc chúng ta sẽ phải dành suốt đời để giữ gìn hay tìm cách tạo cho có thêm. Cuối đời, chết, mất hết. Mới biết tất cả đều nhứt thời.

Nghe thật buồn? Rất may, không phải vậy. Chỉ buồn khi chúng ta nhìn bằng mắt thường tình, tức là ở mức độ thấp của tấm thảm lăn nói trước đây. Trên mức thông thường này có một phối cảnh khác, một cái nhìn vũ trụ hoàn toàn khác biệt. Đó là mực vận hành mà tâm không tìm cách giữ thời gian, không bám víu vào kinh nghiệm đang trôi chảy theo dòng, không có ý định xếp hạng sự việc, và không lờ quên. Đó là mực độ của kinh nghiệm không có cái tốt hay cái xấu, vượt lên trên dục lạc và khổ đau. Đó là một cách nhận thức thế giới tuyệt vời, và là một kỷ năng có thể học hỏi. Không dễ nhưng học được.

Hạnh phúc và An lành. Đó là mục tiêu của đời sống thế gian mà tất cả chúng ta muốn tìm. Hơi khó nhận, bởi vì chúng ta đã che mất chúng bằng những lớp sơn ước muốn. Chúng ta muốn gạo, tiền, tình, sở hữu và sự trọng kính. Chúng ta còn tự nói với mình rằng ý tưởng "hạnh phúc" rất mơ hồ: "Này, tôi rất thực tế. Cho tôi đủ tiền tôi sẽ mua hạnh phúc và tất cả hạnh phúc tôi cần." Rất tiếc, thái độ đó không đúng vào đâu cả. Hãy xét các ham muốn ấy rồi chúng ta sẽ thấy chúng chỉ là lớp vỏ bên ngoài. Tôi muốn cơm gạo. Tại sao? Vì tôi đói. Đói thì sao nào? Nếu tôi ăn, tôi sẽ no và có cảm giác sung sướng. À ha! Sung sướng, đích thực là hắn! Những gì chúng ta tìm kiếm là cảm giác sung sướng, nó đến khi mong cầu của ta đạt được. Sung sướng, thoải mái, thư giãn. An tĩnh, hạnh phúc, không còn khao khát nữa.

Vậy, hạnh phúc là gì? Đối với hầu hết chúng ta, hạnh phúc là được những gì ta muốn, kiểm soát được hết mọi thứ, làm Hoàng Đế Ceasar, bảo thế giới nhảy múa theo nhịp điệu của riêng ta. Một lần nữa, không phải vậy. Hãy nhìn lại các vua chúa từng có uy lực tột đỉnh, chúng ta sẽ thấy. Họ đâu có hạnh phúc thật sự. Trái lại, tâm họ chắc chắn là không an. Tại sao? Vì họ muốn thống trị thế giới, nhưng làm sao được. Họ muốn thâu gồm nhân loại, nhưng đâu phải ai cũng chịu để cho họ kiểm soát. Họ nào có thể chinh phục tinh tú. Họ cũng bịnh và cũng chết như mọi người.

Chúng ta không thể nào đạt được tất cả những gì mong muốn. Vô phương. Nhưng rất may, có một lối thoát khác. Chúng ta có thể học cách chế ngự tâm mình, đứng ra ngoài vòng tham ái và dục vọng. Chúng ta có thể học không muốn cái chúng ta muốn, nhận biết dục ái nhưng không bị dục ái chi phối. Đó không có nghĩa rằng chúng ta sẽ nằm xoài ra đường để mọi người dẫm lên. Trái lại, chúng ta tiếp tục sống cuộc sống như-bình-thường của chúng ta, nhưng sống với quan điểm mới. Chúng ta làm như mọi người làm, nhưng không bước vô tròng đòi hỏi bắt buộc quá đáng của tham ái. Chúng ta muốn, nhưng không cần phải chạy theo rượt bắt. Chúng ta sợ, nhưng không phải đứng đó run rẩy. Tập luyện như vậy không dễ và rất tốn thì giờ. Nhưng tìm cách kiểm soát mọi thứ thì không thể nào được. Cái khó lúc nào cũng tốt hơn cái không thể.

An bình và hạnh phúc! Phải chăng đó là tất cả những gì mà nền văn minh nhân loại đang tìm kiếm? Chúng ta cất nhà chọc trời, xây xa lộ, có tivi, nghỉ phép hưởng lương, được phép nghỉ bịnh, nằm nhà thương miễn phí, ăn an ninh xã hội, vân vân. Những thứ đó không ngoài mục đích là giúp chúng ta có an bình và hạnh phúc. Nhưng số người mắc bịnh thần kinh cứ gia tăng, và số tội phạm cũng leo thang. Đường phố đầy kẻ bê tha và người với tâm thần không vững. Thọt tay ra ngoài cửa an lành, chúng ta bị tước đồng hồ ngay. Có cái gì đó không ổn rồi. Nguời hạnh phúc không khi nào có ý định giết chóc. Vậy mà chúng ta luôn nghĩ rằng xã hội văn minh đang tìm mọi cách để thực hiện an bình và hạnh phúc cho người.

Chúng ta bắt đầu nhận biết rằng chúng ta đã nghiêng quá đà sang lãnh vực vật chất và bỏ quên lãnh vực tình cảm và tinh thần. Một sai lầm mà chúng ta đang phải trả giá. Giờ đây chúng ta phải làm gì để chấn chỉnh? Chúng ta nên bắt đầu ở chỗ bắt đầu--nơi chúng ta. Hãy nhìn vô trong (vô tâm) một cách thành thật và khách quan, chúng ta sẽ thấy những lúc "Ta là một thằng du thủ du thực (punk)" hay "Ta là một thằng điên". Chúng ta hãy học nhìn các thời điểm ấy, nhìn một cách rõ ràng, thành thật, không kết tội, rồi chúng ta sẽ đi lên và ra khỏi ngục tù.

Chúng ta không thể thay đổi thật sự mình cho đến khi chúng ta bắt đầu thấy mình đúng như-là mình bây giờ. Khi chúng ta làm được vậy, thay đổi sẽ đến. Chúng ta không cần phải tranh đấu, khép mình vô luật nào đó, hay theo lịnh của bất cứ ai. Chúng ta tự động thay đổi, và thay đổi tự nhiên.

Nói thì dễ; chừng nào làm được mới gọi là kỳ công. Chúng ta phải nhìn biết mình là ai và như thế nào. Không tưởng ảo, không phán xét, cũng không đối kháng. Chúng ta phải nhìn xem mình đứng đâu và làm gì trong xã hội. Chúng ta phải nhìn xem trách nhiệm của mình đối với đồng loại, và nhứt là đối với mình như một thành viên của cộng đồng. Chúng ta phải nhìn xem tất cả như một tổng thể và một cách minh bạch. Sự trau dồi tâm thức bằng thiền không có đối thủ mà chỉ có mục đích giúp chúng ta đạt trạng thái hiểu biết và hạnh phúc trong lành.

Kinh Pháp Cú là một tài liệu Phật giáo cổ từng đi trước Freud[1] cả ngàn năm. Kinh thuyết: " ".

Thiền nhằm mục đích tịnh hóa tâm. Nó loại khỏi tâm các niệm gây phiền não như tham, sân, si. Thiền giúp tâm chúng ta đạt trạng thái bình an và tỉnh thức, trạng thái chú tâm và nội quán.

Trong xã hội ngày nay giáo dục là một niềm tin lớn. Chúng ta tin rằng tri thức làm con người văn minh. Nhưng văn minh chỉ đánh bóng bề ngoài. Hãy nhìn con người gọi là lịch lảm lâm trong cuộc chiến hay sống trong thời kinh tế khủng hoảng, chúng ta sẽ thấy. Vâng lịnh vì sợ bị phạt hay sợ phải gánh lấy hậu quả xấu là một chuyện. Còn giữ giới không sát sanh để không chém giết hay không trộm cướp để không lấy của người khác là một chuyện khác. Gieo hòn đá xống suối, dòng nuớc sẽ làm láng mặt nước ngay, và trong nước không có gì thay đổi hết. Bỏ hòn đá ấy vô lò rèn, nó sẽ bị lửa thay đổi từ trong ra ngoài. Văn minh đổi bề ngoài còn thiền đổi bên trong và đổi toàn diện.

 Thiền là ngọn lửa tịnh hóa hành động bằng sự hiểu biết. Càng hiểu biết chúng ta càng mềm mỏng và khoan dung. Chúng ta sẽ dễ trở thành bậc cha mẹ hay bậc thầy lý tưởng. Chúng ta sẵn sàng quên và tha thứ. Chúng ta sẽ yêu thương người vì chúng ta hiểu họ. Chúng ta hiểu người vì chúng ta hiểu chúng ta. Chúng ta nhìn vô trong và từng thấy thất bại cũng như ảo tưởng. Chúng ta thấy nhân tính của chúng ta và chúng ta tha thứ cũng như yêu thương. Khi chúng ta học được hạnh từ bi đối với chúng ta, hai chữ từ bi đối với người khác sẽ đến tự nhiên. Một thiền giả thành tựu là người đạt được sự hiểu biết sâu xa của đời sống, và đáp lại thế gian bằng sự yêu thương đậm đà và không điều kiện.

Hành thiền như khai thác một vùng đất mới. Muốn có ruộng, chúng ta phải phát rừng và lật gốc cây trước. Rồi tới việc cày cấy, rải phân. Sau đó mới gieo mạ và gặt hái. Vung trồng tâm, chúng ta phải bứng sát gốc các niệm phiền não để chúng không thể đâm chồi lại. Xong tới bón phân. Chúng ta bôm sinh lực và giới luật vào mảnh đất tâm ấy. Rồi gieo trồng. Và sau cùng là gặt hái niềm tin, đạo lý, tỉnh thức, và trí tuệ.

Niềm tin và đạo lý có một giá trị rất đặc biệt trong hoàn cảnh này. Phật giáo không chủ trương thứ niềm tin từ sách vỡ, do các đấng tiên tri hay một nhân vật nào đó ban cho. Tin ở đây có nghĩa là tự tin, tức là tin bởi chúng ta đã thấy và xác chứng bằng kinh nghiệm rằng đó là thực. Cũng vậy, đạo lý ở đây không phải là sự vâng theo nghi thức bên ngoài hay làm theo ước lệ áp đặt.

Mục tiêu của thiền là biến đổi con người. Cái TÔI ở nơi cửa ra thiền bên này không phải là cái TÔI ở nơi cửa vô thiền bên kia. Thiền thay đổi tính khí của chúng ta bằng tiến trình nhạy cảm hóa (sensitization), tức làm cho chúng ta thức tỉnh và nhìn thấy sâu vô trong tư duy, ngôn từ, và việc làm của mình. Tính kiêu căng và sự chống đối của chúng ta sẽ tiêu tan. Tâm chúng ta trở nên tỉnh lặng. Và cuộc sống của chúng ta sẽ được hài hòa. Thiền chơn chánh giúp chúng ta sử sự hợp thời với những thăng trầm của cuộc sống và làm giảm mọi căn thẳng, lo âu, sợ hãi. Tham ái lui dần và bất an tan bớt. Sự việc tự nhiên thành và biến cuộc sống của chúng ta êm ả, không cần phải tranh hơn thua. Tất cả xảy ra nhờ được hiểu biết.

Thiền làm tăng sự tập trung chú ý và lực suy tư. Rồi lần lần chúng ta sẽ thấy rõ động cơ cũng như quy trình của tiềm thức của chúng ta. Bản năng của chúng ta sẽ sắc bén hơn. Tư duy của chúng ta trở nên chính xác hơn và chúng ta sẽ hiểu sự việc như-là một cách trực tiếp tức không qua thành kiến hay ảo giác.

Đó là một ít lý do tại sao chúng ta quan tâm tới thiền. Tuy nhiên, đó mới là những hứa hẹn trên giấy. Chỉ có một cách mà chúng ta biết thiền có đáng quan tâm hay không là học và hành. Hành rồi chúng ta sẽ nhận biết.

-ooOoo-

"Vipassana Bhavana" là vun trồng tâm thức, nhằm mục đích nhìn bằng một cách đặc biệt khả dĩ hướng hành giả vô nội tâm để nhận biết.

Qua Thiền Minh Sát chúng ta trưởng dưỡng con đường đặc biệt đó của sự nhìn thế gian. Chúng ta tự luyện để nhìn thực tại đúng như-là, và chúng ta gọi phương cách nhận thức ấy là "tỉnh thức."

-ooOoo-

Chương 2

THIỀN KHÔNG PHẢI LÀ...

Thiền là một từ. Bạn đã có lần nghe từ này rồi, nếu không chắc bạn sẽ không bao giờ chọn đọc sách này. Tiến trình suy tư hoạt động bằng cách liên kết, và có đủ thứ ý tưởng liên kết với nhau qua từ "thiền". Một số rất chính xác, số còn lại chỉ là xà bần không thể dùng được. Có nhiều ý tưởng dùng trong các loại thiền khác, nhưng không trong Vipassana. Trước khi bắt đầu, thiết nghĩ chúng ta nên loại bỏ các thứ xà bần này ra để tránh vướng bận. Và chúng ta sẽ bắt đầu với những xà bần dễ nhận nhứt.

Bạn sẽ không được dạy quán xét cái rún của mình hay hành trì mật chú. Bạn cũng sẽ không được dạy phép hô phong hoán vũ hay ếm ma trừ quỷ. Sẽ không có đai màu[2] để xác định thành quả của bạn và bạn cũng khỏi phải cạo đầu hay chít khăn. Bạn cũng không cần bố thí hết tài sản mình để vô chùa quy y. Chỉ ai đang sống đời phóng dật hay vô đạo, dĩ nhiên, mới cần bỏ lối sống cũ và bắt đầu bỏ ngay để có thể đi tới. Bạn thấy sao? Phải vậy, chớ hả?

Có nhiều và rất nhiều sách về thiền. Hầu hết được viết theo quan điểm của một tôn giáo hay triết lý nào đó, nhưng tác giả ít khi nói rõ như vậy. Thiền là cái gì rất đặc thù của một pháp môn riêng biệt, nhưng họ làm như đó là một pháp tổng quát, cho nên kết quả là gây thêm rối ren. Và tệ hại hơn nữa, có nhiều sách thiền tô son điểm phấn cho nhiều lý thuyết hay giải đáp đối nghịch, khiến chúng bị xem như những nồi cháo heo với đủ thứ ý kiến xung khắc và một mớ kiến thức vô dụng.

Sách này khác. Chúng tôi chỉ nói chuyên về Thiền Minh Sát. Bạn sẽ được dạy pháp quan sát tiến trình của tâm một cách tĩnh lặng và bằng cách phân tích để bạn có thể thấy sâu vào tâm tư mình. Mục tiêu chính yếu là sự tỉnh thức, một thứ tỉnh thức thâm sâu, cô đọng và tỉ mỉ khả dĩ giúp bạn xuyên thấu hoạt động nội tại của thực tại.

Có một số quan niệm sai về thiền mà nhiều môn sinh mới theo hỏi tới hỏi lui liên tục. Chúng tôi xin giải đáp ngay để tâm trí mọi nguời không còn vướng bận bởi các khái niệm ban đầu không thật đó. Vã lại, nếu bước đầu đi sai, hành trình có thể bị khó khăn về sau. Chúng tôi xin xóa sổ chúng từng cái một.

Quan niệm sai lầm 1: Thiền chỉ là một phương cách thư giãn.

Từ gây sai lầm chủ chốt là chữ chỉ. Thư giãn là yếu tố quan trọng của thiền, và đúng là rất cần cho nhiều hình thức thiền. Nhưng Thiền Minh Sát nhắm mục đích cao cả hơn. Tất cả phương pháp thiền đều nhấn mạnh điểm chú tâm, gắn tâm chú ý vào một sự vật hay một ý nghĩ nào đó. Chú tâm như vậy một cách rốt ráo bạn sẽ đạt trạng thái thư giãn sâu lắng và vui sướng tột đỉnh gọi là Thiền na (Jhana). Trong trạng thái này sự tỉnh lặng sẽ tuyệt đối và hạnh phúc sẽ đạt. Đó là một hình thức vui sướng vô ngần mà tâm thức thường tình không thể nào vói tới. Nhiều pháp thiền dừng lại nơi đây, và hành giả phải lập đi lập lại pháp này mỗi khi muốn đạt kinh nghiệm ấy. Thiền Minh Sát không dừng lại ở đó mà nhắm mục tiêu cao hơn--tỉnh thức. Và chú tâm cũng như thư giãn được xem như hai yếu tố quan trọng xảy ra đồng thời với tỉnh thức. Chúng là những báo hiệu cần thiết, phương tiện và sản phẩm phụ, chớ không phải là mục tiêu. Mục tiêu là nội tâm. Thiền Minh Sát là một pháp hành trì tôn giáo thâm sâu không nhắm vào gì khác hơn là sự tịnh hóa và biến cải đời sống thường ngày của bạn. Chúng tôi sẽ nói nhiều hơn về những khác biệt giữa chú tâm (concentration) và nội tâm (insight) ở chương 14.

Quan niệm sai lầm 2: Thiền để xuất thần.

Quan niện này đúng đối với một số pháp thiền, nhưng không đúng với Thiền Mih Sát. Quán nội không phải là phép thôi miên. Bạn không tìm cách đóng kín tâm để không còn biết gì. Bạn cũng không tìm cách biến mình thành một thứ cây cỏ vô tri vô giác. Mà trái lại, bạn cải đổi từ từ theo sự biến đổi cảm quan của bạn. Bạn sẽ học biết mình một cách rõ ràng và chính xác. Trong lúc tập luyện, bạn có thể gặp trạng thái như bị thôi miên (xuất thần), nhưng không phải bị thôi miên. Người bị thôi miên do một tha nhân kiểm soát, còn người tỉnh thức luôn luôn sáng suốt và tự kiểm soát mình. Bạn tiến vô sự chú ý cao độ nhưng vẫn luôn luôn sáng suốt và tự kiểm soát mình chớ không bị tha lực chi phối như người bị thôi miên. Trạng thái kết quả có chút giống nhau, nhưng Thiền Minh Sát không nhắm vào kết quả đó. Như nói trước đây, sự chú tâm sâu của thiền na là phương tiện hay một viên gạch lót đường dẫn đến tỉnh thức. Vipassana, theo định nghĩa, là pháp trưởng dưỡng tỉnh thức. Nếu không còn biết mình (tỉnh thức) trong lúc thiền, bạn kể như không có thiền, theo nghỉa của từ thiền trong Vipassana. Đơn giản là thế đó.

Quan niệm sai lầm 3: Thiền là một pháp bí ẩn không thể hiểu được.

Một lần nữa, đúng nhưng không hẳn vậy. Thiền đề cập đến các tầng tâm thức nằm sâu hơn các tầng suy tư thông thường. Do đó có nhiều sự kiện thiền không thể tả nên lời. Nhưng không phải là không thể hiểu được bởi có cách hiểu không cần lời. Bạn hiểu thế nào là đi nhưng bạn đâu thể mô tả hết từ đầu đến cuối hoạt động của hệ thần kinh và cơ trong lúc đi. Nhưng bạn đi được. Thiền cũng cần được hiểu như vậy, tức bằng cách thực hành chớ không bằng ngôn từ trừu tượng. Nó cần được xác chứng bằng kinh nghiệm. Nó không phải là một công thức vô tri tự động đem lại kết quả có thể tiên đoán được. Bạn không bao giờ có thể biết trước chính xác những gì sẽ xảy ra trong một xuất thiền. Mỗi lần thiền là một thử nghiệm, một mạo hiểm. Lúc thiền, nếu bạn cảm nhận có thể tiên đoán hay thấy giống như là, bạn đang bị lạc hướng, đi đến chỗ ngưng đọng rồi; bạn hãy dùng cảm nhận đó như một chỉ điểm để biết mình đi sai đường. Tập nhìn mỗi giây đồng hồ như là giây đầu mà cũng là giây cuối (tức chỉ một giây duy nhứt mà thôi) của vũ trụ, rất là quan trọng trong Thiền Minh Sát.

Quan niệm sai lầm 4: Mục đích của thiền là để thành một superman siêu linh.

Xin đừng. Mục đích của thiền là để phát huy sự tỉnh thức chớ không phải để đoán tâm ý người khác. Cũng không phải để bay lên không trung như siêu nhân. Mà là để giải thoát. Có một mối liên hệ giữa hiện tượng siêu linh và thiền nhưng rất vi tế. Một số thiền giả có thể gặp phải trong buổi sơ thiền (lúc mới bắt đầu). Ví như họ có thể thực chứng một vài hiểu biết do trực giác hay nhớ được một số sự việc trong kiếp quá khứ. Tuy nhiên không thể xem đó là khả năng tâm linh xác thực quan trọng có thể tin tưởng được. Các hiện tượng này khá nguy hiểm cho người mới thiền vì chúng có lực quyến rũ mạnh và có thể lái thiền sinh đi lạc lối. Chúng tôi khuyên bạn chớ nên quan tâm đến các hiện tượng này. Nếu chúng đến (chúng thường hay đến), tốt; nếu chúng không đến, không sao. Trong tiến trình thiền sẽ có thời điểm mà bạn sẽ thực tập trau dồi khả năng tâm linh của mình. Thời điểm ấy đến khi bạn đã vào sâu trong vườn thiền--có thể sau nhiều thập niên kinh nghiệm--và đạt được thiền na đủ thâm diệu để kiềm chế bạn khỏi bị tẩu hỏa nhập ma hay cả tử vong. Hơn thế nữa, sự phát triển khả năng tâm linh chỉ để phục vụ người đời. Do đó, bây giờ bạn đừng nên bận tâm mà chỉ nên chú trọng vào việc trau dồi tỉnh thức càng cao càng quý.

Quan niệm sai lầm 5: Thiền nguy hiểm và người cẩn thận nên tránh xa.

Mọi việc đều có thể nguy hiểm. Băng qua đường có thể bị xe cán. Bước vô phòng tắm có thể bị trợt chân gảy cổ. Thiền, bạn sẽ cào bới lên những điều không hay của quá khứ, và những thứ bị chôn vùi trong quá khứ có thể rất đáng sợ. Không có hoạt động nào là không có ít nhiều hiểm nguy, nhưng không phải nghĩ vậy rồi chúng ta thu mình trong tổ kén an toàn. Làm vậy đâu phải là sống, mà là chết yểu. Muốn tránh nguy nan, phải biết nó như thế nào, nó ở đâu, và đối đầu làm sao khi nó đến. Đó là mục đích của sách này. Thiền Minh Sát đồng nghỉa với phát triển tỉnh thức. Tự nó, Thiền Minh Sát không có gì nguy hiểm hết; trái lại, nó giúp tránh hiểm nguy nhờ tỉnh thức được trao dồi. Thực hành đúng, Thiền Minh Sát là một tiến trình dần dần, nhẹ nhàng, và tự nhiên. Không có gì hối hả hết. Chỉ sau khi được nương tựa nơi một thiền sư, bạn mới cần tiến hành nhanh. Còn bây giờ, trong lúc bắt đầu, bạn cứ thiền thoải mái và tất cả sẽ tốt đẹp.

Quan niệm sai lầm 6: Thiền dành cho thánh nhân chớ không phải cho người thường.

Quan niệm này rất thường thấy ở Á châu. Ở đây tăng ni và thánh nhân rất được trọng vọng, một sự trọng vọng đầy màu sắc tương tợ như nghi thức mà dân chúng Hoa Kỳ thường dành cho tài tử và thần tượng bóng rỗ. Tăng ni được khuôn đúc thành những người cao cả hơn dân thường và tô điểm với nhiều đặc tính mà người thường không theo kịp. Ngay bên Tây phương người ta cũng có quan niệm cho rằng thiền dành cho thánh nhân, rồi nghĩ rằng thiền giả là người rất sùng tín mà "bơ không thể tan trong miệng họ". Hãy thử gặp người hành thiền rồi chúng ta sẽ biết ngay mình sai. Thiền giả chỉ là người có sinh lực và ý chí mạnh và sống cuộc đời dũng mãnh. Đúng là hầu hết thánh nhân tham thiền, nhưng không phải quý ngài tham thiền vì là thánh nhân. Ngược lại, quý ngài tham thiền nên là thánh nhân. Thiền dẫn quý ngài đến quả thánh nhân, vì quý ngài thiền trước rồi thành thánh nhân sau. Điểm quan trọng ở chỗ đó. Một số lớn thiền sinh có cảm tưởng người bước vô vườn thiền phải là người đức độ. Không phải vậy. Đạo đức đòi hỏi điều kiện kiểm soát tâm linh. Bạn sẽ không thể giữ giới nếu không biết kềm chế mình. Và nếu tâm bạn quay tít mù, bạn sẽ không thể nào tự kiểm soát được. Do đó, tu luyện tâm linh là đầu dây mối nhợ.

Có ba yếu tố không thể thiếu trong thiền Phật giáo: đạo đức, chú tâm và trí tuệ. Chúng tăng trưởng theo thời gian hành thiền. Chúng hỗ tương ảnh hưởng nên phát triển cùng một lúc. Có trí tuệ thông hiểu, từ bi sẽ đến tự nhiên; từ bi ở đây được hiểu như là tự giới hạn trong tư tưởng, lời nói và hành động để không làm hại ai cả. Người từ bi đương nhiên được tôn kính là người đạo hạnh. Sự thiếu hiểu biết thường gây phiền nhiễu, và người không thấy được hậu quả hay lầm lỗi. Người chờ để trở thành đạo hạnh trước rồi mới bắt tay vào thiền chỉ chờ hai chữ "nhưng mà" không bao giờ đến. Cổ nhân gọi người ấy là người đang chờ biển lặng mới xuống ngâm mình. Hiểu vậy rồi, chúng tôi xin trình bày ba mức độ đạo lý như sau:

Mức độ thấp nhứt là tuân theo một số luật lệ do người khác áp đặt, ví như một đấng tiên tri, quốc gia, tù trưởng, hay ông cha của mình. Không cần biết ai ra lịnh, người thi hành chỉ biết vâng lời. Một người máy cũng có thể làm được việc này. Và một con khỉ cũng có thể làm một số trò dễ do chủ nó dạy trước, nếu không muốn bị gậy lên đầu. Mức độ này không cần thiền gì cả. Chỉ cần sự huấn luyện và cây roi.

Mức độ kế tiếp là tuân theo luật lệ như trên và không cần roi. Người ở mức độ này biết chỉnh sửa mình mỗi khi đi lệch hướng. Mức độ này cần chút ít sự tự kiểm soát. Nếu tư duy bị rối loạn, hành động cũng bị rối loạn theo. Và tâm giúp giảm thiểu rối loạn tâm linh.

Mức độ trên hết, có thể gọi là đạo đức, là một bước nhảy vọt, một biến hóa, trong ấy không còn sự tuân thủ mù quáng mà cần trí và khả năng chọn lưa để tự quyết định lấy tùy trường hợp. Người ở mức độ cao này làm theo nhu cầu của mỗi trạng huống. Ngoài ra, họ phải vô tư để thoát vòng tự kiến và phải cân phân lợi hại để vừa lòng mình và vừa lòng người. Nói cách hác, họ phải chế ngự tham, sân, si và những thói hư tật xấu khác khiến họ không thấy quyền lợi của người khác. Chỉ có vậy, họ mới được xem như thật sự chọn đúng đường. Bực cao này nhứt định đòi hỏi thiền, trừ trường hợp người mới sanh ra đã là thánh sống. Không còn cách nào khác hơn. Cũng nên biết rằng tiến trình sàn lọc trong giai đoạn này rất công phu. Nếu thiền giả dùng tâm thức tìm cách tung hứng (to juggle) toàn thể niệm trong tâm, họ sẽ bị kiệt sức ngay, bởi vì trong thuật tung hứng, giữ tất cả vật tung hứng không cho rơi xuống đất là một việc làm không phải dễ. Rất may, các từng lớp sâu của tâm thức làm việc này một cách dễ dàng, và Thiền Minh Sát sẽ thực hiện công việc chọn lựa cho thiền giả. Siêu phàm!

Ngày nọ, bạn gặp câu chuyện rắc rối--ví như nghe tin em mình ly dị. Một vấn đề nan giải với vô số cái "có thể" mà chính Solomon cũng chịu thua. Hôm sau, trong lúc rửa chén và đang nghĩ vẫn vơ, bỗng nhiên bạn bựt ra một giải pháp. Bạn thốt lên "A ha!" rồi mọi việc được giải quyết trơn tru. Ngẩu nhiên như vậy chỉ đến khi bạn rời vòng suy luận và để cho tâm thức làm việc. Thiền dạy bạn cách tách rời mình khỏi tiến trình suy nghĩ. Đó là một nghệ thuật tâm linh rất cần thiết cho cuộc sống hằng ngày. Do đó, thiền không chỉ dành cho tu sĩ khổ hạnh hay ẩn tu, mà là pháp thuật thực dụng trong đời sống hằng ngày.

Rất tiếc, chính sự việc đó là một chuớng ngại đối với một số thiền sinh mới nhập cuộc. Họ mong đươc chứng đạt ngay, những chứng đạt vô biên và đầy màu sắc lẫn thanh âm vi diệu. Nhưng những gì họ đạt được chỉ là một lối đi hữu hiệu hơn để gạt bỏ rác rến thế sự và giải quyết tình trạng ly dị của cô em gái. Xin các bạn đó đừng nản. Giải quyết rác rến trước rồi tiếng gọi của thiên thần sẽ đến.

Quan niệm sai lầm 7: Thiền là chạy trốn thực tại.

Sai. Thiền là đi vào thực tại. Nó không cách ly bạn khỏi đau khổ của thế gian. Nó giúp bạn vô sâu vào đời và lục lọi tỉ mỉ mọi ngõ ngách của đời để bạn có thể xuyên thấu bức tường đau khổ và sống hạnh phúc. Vipassana là pháp nhắm đặc biệt vô thực tại để bạn thực nghiệm đời như-là một cách trọn vẹn và đối phó với những gì xảy đến. Nó giúp bạn đánh tan mọi ảo tưởng và giải thoát bạn khỏi các dối trá vì lễ độ mà bạn luôn nói với chính mình. Cái gì có là có. Bạn là bạn. Dối mình về những yếu điểm hay duyên cớ chỉ xiết chặc bạn vô vòng ảo tưởng. Thiền không chủ trương làm bạn quên bạn hay che dấu các khó khăn của bạn. Nó dạy bạn nhìn mình như chính là mình. Học thấy những gì trong đó và học chấp nhận. Chỉ có bằng cách ấy bạn mới tạo được sự hoán đổi.

Quan niệm sai lầm 8: Thiền là một phương cách làm tâm mình "bay bổng" một cách tuyệt diệu.

Đúng và sai. Thiền có tạo nên cảm giác hạnh phúc đôi khi, nhưng không phải lúc nào cũng được, và nhứt là đó không phải mục đích của nó. Vã lại, nếu bạn thiền trong tinh thần đó, hạnh phúc sẽ ít khi tới hơn là bạn thiền vì mục đích chánh của thiền là phát huy tỉnh thức. Sự tự tại là kết quả của sự thư giản và sự thư giản là kết quả của sự giảm thiểu áp lực. Đi tìm hạnh phúc trong thiền chẳng khác nào đem áp lực vô tiến trình để nó phá vở tiến trình. Đó là vòng lẩn quẩn. Bạn chỉ có thể tự tại khi không chạy tìm nó. Còn cảm giác "bay bổng" đâu phải khó tìm, bạn vô quán nhậu hay ra các gốc đường[3] là có ngay. Sự phớn phở[4] không phải là mục tiêu của thiền. Nó có đến nhưng chỉ được xem như một sản phẩm phụ. Nó rất tuyệt và đến thường xuyên hơn nếu bạn có nhiều kinh nghiệm thiền hơn. Thiền giả lâu năm chắc sẽ đồng tình với chúng tôi về ý này.

Quan niệm sai lầm 9: Thiền là ích kỷ.

Mới thấy thì như vậy. Đây là một thiền giả đang ngồi im lìm trên gối mền nhỏ. Nào ông có cho ai máu đâu? Không có. Nào ông có bận rộn cứu giúp ai đâu? Cũng không có. Nhưng hãy thử xem động cơ nào thúc đẩy ông? Tại sao ông ngồi đó? Ý định của ông là tịnh hóa tâm ông khỏi sân hận, thành kiến và tà tâm. Ông đang đi vào tiến trình tạo trạng thái thư giãn, loại bỏ sự vô tình và tìm cách diệt tham. Những ô nhiểm ấy ngăn che từ bi đối với nguời khác. Những gì ông đang làm thấy như chỉ là có lợi cho ông chớ không giúp ích ai cả. Giúp ích? Nên coi chừng! Không thiếu gì trường hợp nói là vì danh nghĩa giúp ích nhưng kỳ thật là để gây hại; trò này cổ không thua gì trái đất. Một vài ví dụ điển hình: quan tòa của Tòa Án Dị Giáo Tây Ban Nha oan oan buộc tội tài trời và phiên tòa yêu thuật Salem được dựng lên nói là vì nhân dân.

Hãy nhìn vào đời sống cá nhân của thiền giả có nhiều năm kinh nghiệm, bạn sẽ thấy họ có tham gia tích cực vào công tác nhân đạo. Nhưng bạn sẽ không thấy họ đi thập tự chinh vì lý tưởng mộ đạo, để phải hy sinh nhân mạng. Thật sự chúng ta còn ích kỷ hơn họ nhiều mà không hề hay biết. Bản ngã có cách biến các sinh hoạt cao thượng thành rác rến nếu không bị kềm chế. Nhờ thiền chúng ta biết chúng ta thật sự là ai bằng cách đi xuyên các con đường vi tế của tự kỷ. Rồi chúng ta sẽ thật sự bắt đầu hiểu thế nào là ích kỷ. Tịnh hóa tâm khỏi bị ích kỷ không phải là hành động ích kỷ vậy.

Quan niệm sai lầm 10: Trong lúc thiền, người ta ngồi đó dể nghĩ đến các tư duy cao xa.

Sai nữa. Có vài pháp làm như vậy, nhưng Thiền Minh Sát thì không. Thiền Minh Sát là hành trì tỉnh thức để biết rõ ràng những gì có đó và phân biệt tỉ mỉ chân lý tối thắng với rác vụn. Gì ở đó là có đó. Dĩ nhiên, ý niệm cao thượng có thể xuất hiện trong lúc thiền nhưng chỉ là những phụ phẩm hỷ lạc mà thiền giả không chối bỏ, cũng không cầu tìm. Thiền Minh Sát là một pháp rất đơn giản, nhắm mục đích giúp bạn chứng nghiệm đời mình một cách trực tiếp chớ không qua sự lựa chọn hay ký ức. Thiền Minh Sát giúp thiền giả nhìn các mảnh đời chiếu lại một cách sống thực chớ không qua ống kính thiên kiến. Nhũng gì xảy ra là xảy ra. Chỉ có vậy.

Quan niệm sai lầm 11: Sau vài tuần thiền mọi khó khăn sẽ được giải quyết hết.

Rất tiếc, thiền không phải là thần dược. Bạn sẽ bắt đầu thấy một số thay đổi, nhưng kết quả đúng nghĩa thì còn lâu. Đó cũng là cách mà vũ trụ hình thành và điều đáng giá không thể thành tựu trong nháy mắt. Trái lại, thiền rất khó, đòi hỏi kỷ luật chặt chẻ và sự luyện tập công phu. Sau mỗi thời thiền bạn sẽ gặt hái thêm được chút ít lợi lạc, nhưng những lợi lạc này rất vi tế, xảy ra trong các từng tâm thâm sâu và chỉ biết được về sau. Nếu bạn ngồi thiền để mưu cầu thay đổi lớn lao tức thì, bạn sẽ thất vọng. Nản, bạn sẽ bỏ cuộc và cho rằng thiền không đem lại lợi ích nào cả. Nhẫn là chìa khóa của thiền. Nhẫn nhục. Nếu bạn không học được gì lúc thiền, bạn cũng học được chữ nhẫn. Và đó là bài học rất đáng giá.

-ooOoo-

Chương 3

THIỀN LÀ ...

Thiền là một từ, và từ Thiền được dùng theo nhiều cách và bởi nhiều người khác nhau. Rắc rối? Không hẳn. Điểm quan trọng là phải biết từ Thiền được dùng trong ngữ cảnh nào. Mỗi nền văn minh đều có một hình thức tu luyện tâm linh gọi là Thiền, và chúng ta phải hiểu hình thức ấy là gì. Thiền có thiên hình vạn trạng nên không sao kể xiết. Trong sách này, chúng tôi chỉ đề cập đến một số ít pháp Thiền quen thuộc với người phương Tây.

Truyền thống Do Thái-Cơ Đốc giáo có cầu nguyện và tưởng niệm được xem như hai hình thức thỉền. Cầu nguyện huớng thẳng đến các đấng tâm linh. Còn tưởng niệm là suy tư một thời gian về một đề tài, thường là một lý tưởng tôn giáo hay một đoạn thánh kinh. Trên phương diện tu tập tâm linh hai hình thức vừa nói đều là những pháp chú ý. Lúc bấy giờ, tâm thức giới hạn hoạt động mình trong một lãnh vực nào đó chớ không bung ra chú ý đến hằng hà sa số ý niệm chất chứa trong tâm. Kết quả là hành giả sẽ đạt sự tĩnh lặng sâu, giãm sự chuyển hóa chất (metabolism) trong thân thể và được cảm giác thanh thản tự tại.

Truyền thống Ấn giáo có yoga, cũng là một hình thức chú tâm. Trong pháp này, tâm được cột vào một đối tượng, như hòn đá, ngọn đèn cầy, một âm thanh hay bất kỳ sự vật gì, để không cho nó đi rong. Sau giai đoạn sơ khởi nhà yoga tiến lên bậc cao hơn, tức thiền với đề tài như kinh kệ, linh ảnh, luân xa, vân vân. Dầu cao đến đâu, thiền yoga cũng chỉ là một sự chú tâm thuần túy.

Trong truyền thống Phật giáo, pháp chú tâm cũng rất được quan tâm, nhưng tỉnh thức mới thật sự quan trọng. Thiền Phật giáo đặt nặng việc phát huy tỉnh thức bằng cách dùng sự chú ý. Cũng nên biết truyền thống Phật giáo mênh mông nên có rất nhiều lối dẫn đến mục tiêu ấy. Thiền Zen dùng hai pháp riêng biệt. Trong pháp thứ nhứt thiền giả đi thẳng vào tỉnh thức bằng ý chí đơn thuần. Ví như bạn ngồi xuống, bạn chỉ có việc ngồi chớ không cần biết gì khác hơn là ngồi xuống. Nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng thật sư thì không. Hãy làm thử rồi bạn sẽ thấy cái khó. Pháp thứ nhì, thông dụng trong hệ phái Rinzai, nhằm đưa tâm ra khỏi ý thức để an trú trong tỉnh thức bằng cách giải đáp công án. Thiền sinh công án bị đặt trong tình huống gay go liên tục. Không thể thoát khỏi tình huống này, họ phải quay vào thực tại. Zen đem kết quả giải thoát đến nhiều thiền giả nhưng rất khó tu.

Một pháp khác, của Mật giáo, được xem như đối ngược. Ý thức, hiểu theo nghĩa thông thường, là biểu hiện của bản ngã, tức "cái tôi" mà chúng ta thường nghĩ là chúng ta. Nói cách khác, ý thức nương theo tự ngã. Tự ngã hay bản ngã không gì khác hơn là một tập hợp gồm các phản ứng và tâm ảnh được dán một cách giả tạo liền với tiến trình dung thông của tỉnh thức. Mật giáo tìm cách đạt sự tỉnh thức thuần túy bằng cách dùng tiến trình tưởng tượng để đoạn diệt bản ngã. Thiền sinh được giao cho một hình ảnh (như ảnh của một vị thánh Mật thừa) để chiêm nghiệm. Chú tâm chiêm nghiệm, thiền sinh đạt đến ấn tượng mình và vị thánh đó là một, tức từ bỏ cái của mình để lấy cái của nguời khác làm cái của mình. Thời gian có vẻ lâu, nhưng như chúng ta đã biết, kết quả có đạt được. Trong thời gian thiền, thiền giả nhìn thấy đuợc sự hình thành của bản ngã mình và biết ra rằng mọi bản ngã kể cả bản ngã mình đều có bản chất tùy tiện, nên thoát ra khỏi vòng kềm tỏa của bản ngã. Bấy giờ thiền giả ở trong tình trạng muốn có bản ngã nào cũng được, không có cũng không sao. Kết quả là sự tỉnh thức thuần túy. Thiền Mật giáo cũng không phải dễ trì hành.

Thiền Minh Sát là chi thiền cổ nhứt của Phật giáo, xuất phát từ Kinh Satipatthana do Đức Phật thuyết giảng. Nó là pháp nuôi dưỡng tỉnh thức một cách trực tiếp và từ từ qua nhiều năm. Thiền sinh được dạy quán chiếu sâu sắc và tỉ mỉ một số khía cạnh của đời sống mình. Họ được dạy để nhận thức ngày càng tinh tế hơn các kinh nghiệm đang tiếp diễn trong cuộc sống. Thiền Minh Sát là một thuật nhẹ nhàng nhưng rất là thấu đáo. Nó được xem như một hệ thống tu học cổ nhằm luyện sự nhạy cảm (sensitivity), một hệ thống mà cuộc sống có thể chấp nhận từng bước một. Nó là cái nghe châm chú, cái nhìn toàn diện, và sự thử nghiệm thận trọng. Chúng ta học ngữi tinh tế, xúc chạm rõ ràng, và cảm nhận với sự chú ý đặc biệt. Chúng ta học lắng nghe tư duy của mình nhưng không bị dính mắc.

Mục tiêu của sự hành Thiền Minh Sát là học pháp chú ý. Chúng ta nghĩ rằng mình đã có chú ý rồi nhưng thật ra là chưa đúng mức vì chúng ta để ý rất ít đến diễn tiến của các kinh nghiệm hằng ngày của mình, ít đến đổi tưởng chừng chúng ta còn đang ngáy ngủ. Chúng ta chưa để ý đủ để biết chúng ta chưa để ý. Một vòng lẩn quẩn khác.

Trong tiến trình quán nội, chúng ta sẽ dần dần hiểu chúng ta là ai sau lớp hình ảnh của bản ngã. Chúng ta sẽ thức tỉnh và nhận biết rõ đời sống là thế nào. Nó không phải chỉ là một chuỗi thịnh suy, đường mật, và ma túy dưới tay áo. Những thứ đó chỉ là ảo tưởng. Thật sự, đời sống có nhiều ý nghĩa hơn nếu chúng ta bỏ công nhìn kỹ và nhìn đúng.

Thiền Minh Sát là một pháp tu tâm, dạy chúng ta kinh nghiệm đời bằng cách hoàn toàn mới lạ. Lần đầu tiên bạn sẽ học thấy những gì đến với, quanh và trong bạn. Nó là một tiến trình khám phá và tra cứu giúp bạn vừa tham gia vừa quán sát các kinh nghiệm của mình khi chúng diễn ra. Bạn sẽ tu học với thái độ đó.

"Đừng quang tâm đến những gì tôi được dạy. Quên hết các lý thuyết và thiên kiến cũng như các tư tưởng cố định. Tôi muốn hiểu bản chất thật của đời sống. Tôi muốn biết kinh nghiệm được sống thật sự là gì. Tôi muốn hiểu rõ các đặc tính sâu thẩm và thực sự của cuộc sống và không muốn tin lời dẫn giải của ai hết. Tôi muốn tự mình nghe thấy để tự mình biết." Nếu bạn thiền với thái độ vừa nói, bạn sẽ thành công. Bạn sẽ thấy mình nhìn sự vật một cách khách quan, đúng như-là chúng vậy--thay đổi và trôi chảy liên tục. Đời sống sẽ súc tích khôn tả. Đời sống phải được chứng nghiệm.

Vipassana Bhavana là thuật ngữ Pali chỉ Thiền Minh Sát. Bhavana (căn Bhu là lớn lên hay trở thành) có nghĩa là trưởng dưỡng và dùng trong ngữ cảnh của tâm nên được định nghĩa là tu dưỡng tâm. Vipassana gồm có căn Passana là thấy hay nhận thức và tiếp đầu ngữ Vi với nhiều ngữ nghĩa khác nhau; nghĩa chánh là một cách đặc biệt; và một nghĩa khác là vô trong hay xuyên thấu. Vipassana là nhìn vô trong đối tượng một cách rõ ràng và chính xác, nhìn mỗi thành phần riêng biệt rõ ràng, và nhìn xuyên thấu để thấy bản chất thật. Pháp Vipassana là pháp quán nội, tức quán vô trong bản tánh thật sự của đối tượng. Và Vipassana Bhavana có nghĩa là tu tập tâm nhằm mục đích nhìn một cách đặc biệt để vào trong và để biết trọn vẹn.

Trong tiến trình Thiền Minh Sát chúng ta phát huy cách nhìn đời đặc biệt đó. Chúng ta tập cho mình nhìn thấy sự thật đúng như-là và chúng ta gọi cái nhìn đó là "tỉnh thức." Tiến trình tỉnh thức khác biệt với cái nhìn thông thường. Thường chúng ta không nhìn thẳng vô sự vật trước mắt của chúng ta mà nhìn qua một màn quan niệm và ý tưởng, rồi lầm đối tượng tạo nên trong tâm là sự thật. Chúng ta bị vướng vô dòng tư tưởng vô tận đang chảy trong thầm lặng (không được nhận biết). Chúng ta bận rộn với công việc, đua theo dục lạc, và chạy trốn khổ đau phiền não. Chúng ta dành hết sức lực để làm mình vui sướng và quên sợ hãi. Chúng ta mưu tìm an lành thường hằng. Trong lúc đó, thế giới của kinh nghiệm thực sự cứ vần xoay không ai trong chúng ta nắm bắt hay chứng nghiệm được. Thiền Minh Sát dạy chúng ta quay lưng lại với mọi ao ước an lành để đi thẳng vô thực tại. An lành thật sự chỉ đến nếu không bị rượt đuổi. Một vòng lẩn quẩn nữa.

Khi bạn không có ý định mưu cầu an nhàn, sự an nhàn thật sự sẽ đến với bạn. Khi bạn không chạy theo hạnh phúc, cuộc đời của bạn sẽ thật sự tươi đẹp ra. Khi bạn muốn biết thực tại thật sự với tất cả khía cạnh đau khổ và hiễm nguy, bạn đã đuợc tự do và an toàn. Đó không phải là chủ thuyết của chúng tôi mà là một thực tế có thể nhận thức được, và bạn nên thực nghiệm cho riêng mình.

Với 2500 năm lịch sữ, Phật giáo có đủ thời giờ để phát triển vô số chủ thuyết và nghi thức. Tuy nhiên, Phật giáo chủ trương thái độ thực nghiệm và bất độc đoán. Đức Phật Cồ Đàm là một người không ước lệ và không lệ thuộc truyền thống. Ngài không dạy giáo điều mà chỉ đề nghị mỗi nguời chúng ta nên chiêm nghiệm cho chính mình. Lời khuyên riêng cũng như chung của Ngài là "Hãy đến xem." Một trong những lời Ngài nói với đệ tử là "Đừng nên tin ai cả." Ngài muốn nói đừng chấp nhận lời của ai là thật. Phải tự mình xác chứng bằng kinh nghiệm.

Chúng tôi muốn bạn áp dụng thái độ đó khi đọc mỗi dòng trong sách này. Chúng tôi không muốn bạn tin những gì tôi viết bởi cho chúng tôi là người am tường vấn đề. Tin tưởng mù quáng không giúp ích gì vì đây là những thực tại cần đuợc chứng nghiệm. Hãy thích nghi thái độ nhận thức của mình với những chỉ dẫn của sách, rồi anh chĩ sẽ thấy. Chỉ có làm vậy mới thật sự là tin tưởng. Quán nội đại để là hình thức khám phá tâm linh bằng quan sát nội tại.

Hiểu vậy rồi, chúng tôi xin trình bày sơ lược một số điểm căn bản của triết lý Phật giáo. Chúng tôi không có ý định đi sâu vì đã có nhiều sách khảo cứu vấn đề này. Chúng tôi chỉ chú trọng đến Thiền Minh Sát.

Theo nhản quan Phật giáo, con người chúng ta có lối sống rất đặc thù. Chúng ta nhìn sự vật vô thường là thường còn, dầu biết mọi sự vật đều thay đổi và sự thay đổi là liên tục. Trong lúc bạn đọc các dòng này bạn đang già đi một chút nhưng bạn đâu có để ý tới. Quyển sách trên tay bạn đang nát thêm một chút; chữ mờ đi và giấy dòn ra hơn. Tường chung quanh bạn cũng cỗi theo; các phân tử vôi, cát, gạch, xi măng đang rung chuyển mạnh và tất cả chuyển đổi vị trí liên tục. Bạn cũng đâu có để ý đến những thay đổi này. Rồi ngày nào đó nhìn lại thấy da mình nhăn, gối mình mỏi, sách vàng, tường đổ, bạn luống tiếc tuổi xuân và than khóc vì mất mát. Đau khổ từ đâu đến? Nó đến từ sự không chú ý của bạn. Bạn không quan sát đời mình, không quan tâm đến sự xoay vần liên tục của trời đất. Bạn tạo cho mình một số dữ kiện tâm linh như "ta", "sách", "nhà", vân vân, và tin rằng chúng tồn tại miên viễn. Nhưng chúng đâu có tồn tại. Bạn có thể theo dỏi sự thay đổi đang xảy ra. Bạn có thể học nhận thức đời mình như một dòng chuyển động, một cảnh rất đẹp như một màn vũ hay một màn hòa tấu. Bạn có thể tìm nguồn vui trong sự qua đi của mọi hiện tượng. Bạn có thể học sống tùy duyên hơn là lội ngược dòng. Bạn có thể học tất cả. Chỉ là vấn đề thời gian và tu tập.

Nhận thức của con người nhiều lúc rất ngốc nghếch. Chúng ta loại bỏ 99 phần trăm các kích cảm (sensory stimuli) nhận được và cô đọng một phần trăm còn lại thành đối tượng tâm linh riêng biệt. Rồi chúng ta phản ứng lại với các đối tượng ấy bằng tập quán lập trình sẵn có. Một ví dụ: Đây, bạn ngồi một mình dưới bầu trời đầy trăng sao tĩnh mịch. Có tiếng chó sủa đằng xa. Nếu chịu khó quan sát, bạn sẽ thấy cảm thọ tự nó là một cái gì rất đẹp. Trong không khí tĩnh lặng bỗng nhiên có nhiều đợt sóng âm thanh lan tỏa. Bạn bắt đầu nhận các tín hiệu âm ba, rồi chuyển chúng vô hệ thần kinh. Tiến trình tự nó rất đẹp và lý thú. Nhưng bạn có khuynh hướng quên tất cả. Bạn chỉ cô đọng cái nhận thức thành đối tượng tâm linh, dán lên đó một hình ảnh tâm linh, rồi tạo ra một số phản ứng dựa trên khái niệm và cảm thọ sẵn có. "Lại cũng con chó đó. Nó cứ sủa đêm hoài. Thiệt là bực mình. Ai đó phải có biện pháp gì chớ. Chắc tôi phải gọi cảnh sát. Không, phải có xe bắt chó mới được. Vậy gọi sở bắt chó. Không cần, tôi sẽ viết thơ cho chủ của con chó đó. Nhưng rắc rối quá. Thôi, tôi sẽ mua đồ nhét tai." Những điều vừa nói chỉ toàn là tập quán nhận thức và tâm sở. Bạn học phản ứng như vậy từ hồi nhỏ, chớ thật sự chúng không vốn có sẵn trong não của bạn. Cũng nên biết cái gì học được thì bỏ được. Bước đầu tiên là phải biết bạn đang làm gì, rồi lui lại để quan sát.

Theo nhà Phật, chúng ta có cái nhìn nguợc ngạo về đời. Chúng ta lấy nguyên nhân của khổ làm hạnh phúc. Nguyên nhân của khổ là hội chứng tham-sân nói trước đây. Thình lình một niệm thức dấy lên. Có thể là một cô gái đẹp, một chàng trai khôi ngô, một ca nô siêu tốc, một tên sát nhân có súng, một xe tải đang xông tới bạn, vân vân. Dầu là đối tượng nào, việc đầu tiên bạn làm là phản ứng bằng cảm thọ.

Lấy một ví dụ về lo âu. Chúng ta lo âu rất nhiều. Và chính sự lo âu là một vấn đề. Lo âu là một quy trình. Nó có nhiều bước. Nó không phải là một trạng thái mà là một thủ tục. Những gì bạn cần làm là nhìn kỹ bước đầu của thủ tục ấy, những giai đoạn tiên khởi trước khi loạt hành động xảy ra. Khoen đầu tiên của sự lo âu là phản ứng chấp vô/thảy ra. Khi có một hiện tượng đến trong tâm, chúng ta hoặc nhận vô hoặc thảy ra. Cái đó đưa lo âu vào chỗ bắt đầu. Rất may, Thiền Minh Sát có thể bức phá dây chuyền lo âu ấy.

Thiền Minh Sát dạy chúng ta cách xem xét tỉ mỉ tiến trình nhận thức của chúng ta. Chúng ta học cách theo dỏi sự dấy niệm và nhận thức với cảm thọ tách rời rõ ràng. Chúng ta học cách nhìn những phản ứng của chúng ta đối với kích thích tố một cách bình tĩnh và trong sáng. Chúng ta bắt đầu thấy mình phản ứng mà không bị dính mắc trong các phản ứng. Bản tánh ám ảnh của ý tưởng sẽ tiêu tan dần.

Sự thoát khỏi bản tánh ám ảnh của ý tưởng tạo nên cái nhìn hoàn toàn mới về thực tại. Nó là một sự di dời hệ biến hóa (paradigm shift) một cách toàn diện, một sự thay đổi hoàn toàn trong cơ chế nhận thức. Nó đem theo niềm an lành và sự đích thực, một sự thích thú mới cho cuộc sống và sự toàn diện cho mỗi hoạt động. Vì những lợi lạc ấy, Phật giáo xem pháp nhận thức sự vật như một cái nhìn đứng đắn về đời và kinh sách Phật giáo gọi đó là thấy như-là.

Thiền Minh Sát là một hệ tu tập khai mở chúng ta dần dần, cho chúng ta thấy thực tại như-là. Cùng với thực tại mới mẻ đó, chúng ta có cái nhìn mới về khía cạnh cốt lõi của thực tại: "cái ta". Nhìn thật kỹ, chúng ta thấy rằng chúng ta ung đúc "cái ta" cũng bằng tiến trình cô đọng tâm linh nói trên. Chúng ta lấy các tư duy, cảm thọ, và xúc cảm của mình để cô đọng lại thành một công trình tâm linh, dán lên đó nhản hiệu "cái ta", rồi cho đó là một thực thể thường hằng và bất biến. Chúng ta xem nó như cái gì hoàn toàn khác biệt với tất cả những cái chung quanh. Chúng ta tách rời nó ra khỏi vòng thay đổi miên viễn của vũ trụ. Và chúng ta than tại sao chúng ta cảm thấy đơn độc. Chúng ta quên những liên hệ ràng buộc chúng ta với các chúng sanh khác. Chúng ta luôn luôn muốn "cái ta" phải có nhiều hơn và chúng ta ngạc nhiên sao con người tham lam và ích kỷ. Cứ vậy mà theo và bị sai lầm. Mọi hành động hung ác, mọi thí dụ vô tâm trên thế gian đều bắt nguồn từ sự hiểu sai "cái ta" đó như là một thực thể khác biệt với mọi thực thể chung quanh.

Đập tan ảo ảnh nói trên, vũ trụ của bạn sẽ thay đổi. Tuy nhiên bạn đừng nghĩ mình có thể làm trong một sớm một chiều. Bạn đã dùng trọn đời mình để tạo cái ảo ảnh đó, tăng cường nó bằng mọi ý tưởng, ngôn ngữ và hành động qua bao nhiêu năm dài, nên nó không thể biến đi trong chốc lát. Nhưng nó sẽ tiêu tan nếu bạn có đủ quyết tâm chú ý và thì giờ. Thiền Minh Sát sẽ giúp bạn. Từng chút một bạn sẽ làm tan nó bằng cách quán chiếu nó.

Quan niệm về "cái ta" là một tiến trình. Nó là gì chúng ta đang làm. Thiền Minh Sát dạy chúng ta thấy chúng ta làm gì, làm lúc nào và làm thế nào. Rồi "cái ta" sẽ thay đổi và tan biến, như khóm mây bay ngang qua vòm trời trong. Chúng ta sẽ vào trạng huống làm hay không làm tùy ý. Sự bắt buộc không còn nữa. Chúng ta có quyền chọn lựa.

Những điều nói trên là những nội thức (insights) chính. Mỗi nội thức là một sự hiểu biết sâu sắc về một vấn đề căn bản của đời sống. Chúng đến chậm và cần nhiều nghị lực, nhưng mang theo kết quả rất lớn. Chúng đem lại nhiều thay đổi trong cuộc sống của bạn, và những thay đổi này có thể xảy ra từng giây từng phút. Thiền giả có công tu tập sẽ được tâm linh trong lành, đạt hạnh từ bi, và chấm dứt khổ đau. Mục tiêu ấy không phải nhỏ. Ngoài ra, bạn không cần phải đi hết đoạn đường mới được lợi lạc. Lợi lạc đến ngay từ phút bắt đầu và tích tụ theo thời gian. Ngồi thiền càng lâu bạn càng hiểu bản tánh thực của đời bạn. Thiền càng nhiều, bạn càng có khả năng quan sát với tâm tịnh; bạn sẽ thấy rõ mọi khuynh hướng và ý định, mọi tư duy và xúc cảm khi chúng phát khởi trong tâm. Lộ trình giải thoát đuợc đo bằng số giờ ngồi trên gối thiền. Và bạn có thể ngưng nghỉ bất cứ lúc nào bạn thấy đủ. Không có roi, chỉ có ước muốn; bạn muốn nhìn thấy bản chất thật của đời sống, bạn muốn thêm duyên cho đời mình cũng như cho cuộc sống của nhiều người khác.

Thiền Minh Sát vốn là một pháp thực nghiệm, chớ không phải là một lý thuyết. Hành thiền, bạn sẽ hiểu biết hơn về cuộc sống, chớ không phải để phát triển tư duy vi tế về cuộc sống. Bạn thật sự sống. Thiền Minh Sát chung quy là pháp học sống.

-ooOoo-

Chương 4

THÁI ĐỘ

Có một khám phá mà khoa học Âu Mỹ trong thế kỷ qua làm nhiều người ngạc nhiên: quan sát viên là một phần của thế giới được quan sát. Nói cách khác, kết quả thấy được tùy thuộc vào quan sát viên. Hãy lấy một ví dụ: điện tử là một vật cực kỳ nhỏ mà mắt trần không thể thấy được. Muốn thấy nó phải dùng dụng cụ thí nghiệm và tùy theo góc độ nhìn người quan sát có kết quả khác nhau. Một mặt, điẹn tử được thấy như một cầu nhỏ đang nhảy quanh bằng những bước thẳng. Mặt khác nó được thấy như thể sóng (wave form) và không có gì có thể gọi là rắn (solid) trong đó hết; nó dạ quang và nhìn thấy ở mọi nơi. Điện tử là một sự kiện (event) hơn là một vật thể. Và qua tiến trình của sự quan sát, quan sát viên tham gia vào sự kiện đó. Có sự tương tác interaction) không sao tránh đuợc.

Khoa học phương Đông công nhận nguyên tắc tương tác căn bản ấy từ lâu. Tâm là một chuỗi sự kiện và quan sát viên tham gia vào các sự kiện đó mỗi khi nhìn vào bên trong tâm. Thiền là pháp quan sát có tham gia vừa nói đó. Cái gì bạn quan sát phản ứng với tiến trình quan sát. Cái gì bạn quan sát chính là bạn, và cái gì bạn thấy tùy thuộc vào cách bạn quan sát. Do đó, tiến trình thiền vô cùng vi tế, và kết quả tùy thuộc hoàn toàn vào trạng thái tâm của thiền giả.

Tham thiền, hành giả cần có các thái độ sau đây mới có thể thành công. Hầu hết các thái độ này đã được trình bày ở những chương trước rồi, ở đây chúng tôi muốn xếp chúng chung thành một loạt quy tắc để bạn dễ áp dụng.

1. Đừng mong cầu bất cứ điều gì. Chỉ cần ngồi xuống rồi quan sát những gì xảy ra. Xem tất cả như một thử nghiệm. Thật sự quan tâm đến thử nghiệm, nhưng không bị xao lãng vì mong cầu kết quả, và không quan tâm đến kết quả. Để pháp hành thiền di chuyển theo tốc độ và chiều hướng của nó. Để thiền dạy bạn những gì nó muốn bạn học. Tỉnh thức của bạn tìm cách nhìn thấy sự vật như-là. Dầu có phù hợp với mong ước của bạn hay không, cần ngưng tạm thời mọi tiên kiến và tư duy. Bạn phải cất các hình ảnh, ý kiến và mọi luận bàn vô kho một thời gian; nếu không bạn sẽ vấp phải chúng.

2. Đừng rán sức. Đừng tự ép buộc hay ra nhiều công sức quá độ. Thiền không là một pháp quá khích. Không nên năng nổ đến hung hăng. Nên cố gắng một cách thư thả và đều đặn.

3. Đừng bon chen. Nên khoan thai. Mỗi khi ngồi xuống gối, bạn tưởng tượng mình có trọn cả ngày để thiền. Những gì có giá trị đều cần có thì giờ để phát triển. Kiên nhẫn, nhẫn, và nhẫn.

4. Đừng bám víu mà cũng đừng xua đuổi. Quan sát và thích nghi với bất kỳ những gì xảy ra. Thiện tâm sở đến, tốt; bất thiện tâm sở đến, cũng tốt. Nhìn chúng như nhau và tạo trạng thái thoải mái đối với mọi sự việc xảy đến. Đừng chống lại những gì bạn chứng nghiệm, chỉ tỉnh thức quan sát chúng.

5. Buông xả. Tùy duyên; học xuôi theo dòng thay đổi. Thư giãn.

6. Tiếp nhận tất cả những gì xảy ra. Nhận tất cả cảm thọ, kể cả các cảm thọ mà bạn không muốn thấy. Nhận tất cả kinh nghiệm, kể cả các kinh nghiệm bạn ghét bỏ. Đừng tự kết tội mình có khuyết điểm hay thất bại trên trường đời. Học nhìn tất cả các hiện tượng tâm linh như là tuyệt hảo và có thể hiểu được. Tập có thái độ tiếp nhận không vì lợi lạc.

7. Nên hòa nhã với chính mình. Nên tử tế với chính mình. Bạn có thể không toàn mỹ nhưng bạn là tất cả mà bạn đang làm việc với. Tiến trình trở thành bạn bắt đầu trước tiên với sự chấp nhận trọn vẹn bạn là ai.

8. Tự khám phá: Đặt câu hỏi. Không bao giờ cho sự việc gì là đương nhiên. Đừng tin vì nghe nói có lý, vì mộ đạo, hay vì là lời của thánh nhân. Hãy tự mình thấy biết. Đó không có nghĩa là bạn phải yếm thế, vô lễ, hay không thích nghi mà là phải thực nghiệm. Bạn phải xác chứng bằng kinh nghiệm mọi sự việc và để kết quả chứng nghiệm làm đuốc soi đường đến chân lý. Nội quán phát huy từ pháp tâm muốn nhìn thấy sự thật và khám phá bản tánh thật của đời sống. Trọn pháp tu luyện dựa trên sự ước muốn nhìn thấy chân lý. Không thấy được như vậy, pháp tu bị xem như chưa đúng múc.

9. Xem mọi vấn đề như là những thách thức: Nhìn khuyết điểm như cơ hội để học hỏi và tăng trưởng. Đừng trốn chạy, buộc tội mình, hay âm thầm chịu đựng. Có vấn để? Tốt. Thêm lúa cho cối xay. Vui vẻ bước vô và quan sát.

10. Đừng suy tư: Bạn không cần tìm hiểu tất cả. Suy tư lan man không thể gở rối. Trong thiền, tâm được tịnh hóa tự nhiên bằng tỉnh thức, bằng sự chú ý đơn thuần. Bàn bạc suông không thể tháo gở những mối dây đang buộc chặt bạn. Chỉ cần nhận thức rõ ràng, không thiên kiến để xem vấn đề là gì và diễn tiến như thế nào. Có vậy mới giải quyết được. Quan niệm và lý luận chỉ gây thêm vướng bận. Đừng nghĩ. Chỉ thấy mà thôi.

11. Đừng dựa vào đối chiếu: Có rất nhiều khác biệt giữa người với người, nhưng dựa vào chúng rất nguy hiễm, vì không khéo sẽ bị rơi vào vòng ích kỷ. Tư duy của con người thường bị ô nhiễm bởi tham lam, ganh tị, và kiêu căng. Thấy một người nào đó ngoài đuờng anh nghĩ rằng "Anh ấy đẹp trai hơn tôi." Rồi anh tủi thân và muốn được như anh ấy. Thấy một cô gái, chị nghĩ: "Tôi đẹp hơn cô ta." Kết quả là chị hảnh diện. Những so sánh ấy nẩy sanh do tập quán và thường dẫn đến tật xấu như tham, ganh, kiêu, tị hiềm, ghét bỏ. Đó là những trạng thái tâm không đẹp, nhưng chúng ta cứ bị vướng vô. Chúng ta hay so sánh sắc diện, thành công, gia tài, sự nghiệp, và cả chỉ số thông minh[5]. Kết quả là bất hòa, ngăn cách, và hiềm khích xảy ra.

Nhiệm vụ của thiền giả là loại trừ tập quán vô bổ đó bằng cách quan sát nó tỉ mỉ rồi thay thế nó bằng tập quán khác tốt hơn. Thay vì để ý đến các khác biệt, nên học nhận biết các tuơng đồng. Nên để ý đến các yếu tố chung của đời sống, các yếu tố giúp người xích lại với nhau gần hơn. Nếu có so sánh, thì nên so sánh để đến với nhau thay vì xa nhau.

Thở là một tiến trình phổ thông nhứt. Tất cả động vật có xương sống đều thở như nhau. Tất cả sinh vật trao đổi không khí với môi trường như nhau. Đó là lý do pháp thở được chọn làm tiêu điểm của thiền. Thiền giả được dạy khám phá pháp thở của mình để hiểu sự nối kết với cuộc sống. Nói vậy không phải rồi chúng ta nhắm mắt không nhìn dị biệt chung quanh, mà là coi nhẹ dị biệt và coi nặng tương đồng.

Khi cảm thọ đến, thiền giả không nhận nó một cách ích kỷ thông thường mà nên để ý quan sát tiến trình của chính sự cảm thọ. Người cần ghi nhận cảm thọ nảy sanh và các hoạt động của tâm cùng đi theo. Người cần ghi nhận các thay đổi nảy sanh trong tâm như là một kết quả. Khi quán chiếu các hiện tượng ấy, thiền giả cần nhận biết tánh phổ quát của những gì được quán sát. Cần biết cảm thọ tiên khởi đó là cảm xúc tốt, xấu, hay không tốt không xấu. Cần nhìn xem cảm thọ đó có xảy ra trong tâm của người khác giống như trong tâm của mình, tức là có phổ quát không. Nhiều phản ứng xảy ra tiếp theo cảm thọ tiên khởi, có thể là tham lam, dục vọng, tỵ hiềm, sợ hãi, lo âu, khó chịu, hay buồn chán. Những phản ứng ấy có tánh phổ quát, cần được biết là rất thường thấy nơi người đời.

Hành pháp không so sánh, chúng ta thoạt tiên có cảm tưởng như mình bị bắt buộc và không tự nhiên, nhưng kỳ thật không có gì khác với những điều chúng ta làm hằng ngày. Chúng ta chỉ không thấy mấy quen thuộc mà thôi. Được thực hành lâu dài, nó sẽ thay thế tập quán so sánh ích kỷ và trở thành tự nhiên. Kết quả là chúng ta sẽ thành người hiểu biết hơn. Chúng ta không còn thấy khó chịu với những khiếm khuyết của người khác. Chúng ta tiến dần đến sự hài hòa với mọi người.

-ooOoo-

Chương 5

THỰC HÀNH

Có nhiều đề tài để thiền, tuy nhiên chúng tôi tha thiết đề nghị bạn chọn hơi thở trong lúc mới khởi sự và chú ý thuần nhứt vào hơi thở để có sự tập trung ban đầu. Cần nhớ rằng bạn thở không phải vì tập hít thở chuyên sâu hay luyện cách tập trung chú ý, mà bạn thở với mục đích phát huy sự tỉnh thức để đạt nội quán và trí tuệ hiểu biết thế nào là sự thật như-là. Bạn muốn biết sự vận hành của thân tâm đúng như-là. Bạn muốn loại bỏ mọi phiền não để tạo cho cuộc sống của bạn thêm an tĩnh và hạnh phúc.

Tâm không thể được gọi là tịnh hóa nếu không thấy được sự vật như-là. "Thấy được sự vật như-là" là một câu văn chất chứa và khó hiểu. Nhiều thiền giả mới bước vào thiền không hiểu nổi ý nghĩa của câu này, vì nghĩ rằng ai có mắt sáng thì dĩ nhiên nhìn thấy sự vật như là sự vật, chớ còn thấy sao nữa mới gọi là thấy .

Trong thuật ngữ thiền nội quán, "thấy thật sự như là[6]" có nghĩa là dùng trí tuệ thấy bản tánh thật sự của sự vật, chớ không phải thấy hình tướng bên ngoài của vật thể bằng mắt thường của người đời. Nhìn bằng trí tuệ là nhìn với phức hợp thân và tâm không có thành kiến xuất phát từ tham, sân, si. Quan sát sự vận hành của phức hợp thân tâm, chúng ta có khuynh hướng che dấu hay lờ đi những điều mình không ưa và chiếu cố tới những điều mình thích. Sở dĩ vậy là vì chúng ta bị ảnh hưởng bởi dục vọng, sân hận và si mê. Bản ngã và tư kiến xen vào làm thay đổi màu sắc của sự phán xét của chúng ta.

Khi quan sát các cảm thọ của thân, người tỉnh thức không lầm lẫn chúng với tâm sở (mental formations)[7], bởi cảm thọ của thân có thể xảy ra mà tâm không biết trước. Ví như ngồi một thời gian, cảm giác đau mỏi xảy đến với thân như đau lưng hay mỏi chân. Tình trạng bất an này xảy ra trước khi tâm nhận ra. Nhận ra rồi, tâm sở thọ[8] nương theo tâm sanh lên. Có thọ tâm sở rồi, nhiều tâm sở khác nảy sanh quanh tâm sở thọ đó[9]. Lúc bấy giờ, để không lầm lẫn tâm sở thọ với các tâm sở khác, chúng ta tách rời tâm sở thọ, và quan sát nó với sự tỉnh thức. Tâm sở thọ là một trong bảy loại tâm sở phổ thông[10]. Sáu loại tâm sở kia là xúc, tưởng, tư, định, mạng quyền, và tác ý[11].

Một lúc khác chúng ta có cảm thọ như sân hận, sợ hãi, hay si mê. Chúng ta phải xem xét cảm thọ đó đúng như là nó chớ không lầm lẫn với cái gì khác. Khi chúng ta gom sắc, thọ, tưởng, hành và thức lại rồi xem như là tâm sở tư[12], chúng ta dễ lầm lẫn vì không thể thấy được nguồn gốc của nó. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ đề cập đến tâm sở tư không mà thôi, không quan tâm đến các tâm sở khác, chúng ta rất khó nhận thức ra sự thật. Chúng ta muốn soi rọi vào kinh nghiệm của vô thường để khắc phục sân hận; vào tình trạng không hạnh phúc để khắc phục tánh tham lam là nguyên nhân của sự không hạnh phúc; vào tánh ích kỷ để khắc phục sự si mê bắt nguồn từ quan niệm tự ngã. Chúng ta cần nhìn thân riêng với tâm trước. Nhưng sau khi phân biệt ra hai rồi, chúng ta phải nhìn chúng lại như một, tức là biết có sự liên kết chủ yếu giữa chúng. Khi trí tuệ của chúng ta sáng ra, chúng ta biết rằng các uẩn[13] phối hợp với nhau chặt chẻ. Ẩn dụ sau đây cho ta ý nghĩa của sự hợp tác chặt chẻ đó. Nhờ có thân thể tráng kiện người mù cỏng người què có mắt sáng nên cả hai đều đến được đích như ý muốn. Cũng vậy, thân một mình chỉ như khúc củi chẳng thể di chuyển đi đâu được hay làm được việc gì, ngoài việc làm đối tượng của sự vô thường, chết và tan hoại. Tâm một mình cũng không thể làm gì được nếu không có thân để thực hiện ý của mình. Khi thân tâm phối hợp vận hành, chúng cùng làm được nhiều điều tuyệt diệu.

Ngồi yên một chỗ một thời gian, chúng ta có thể lắng trong tình trạng tỉnh thức nhứt thời. Dự một khóa tu học và dành nhiều thì giờ (nhiều tuần hay tháng) để quan sát cảm xúc, nhận thức, tư duy, và các tâm sở khác, chúng ta có thể được sự an tịnh lâu bền hơn. Thường chúng ta không có nhiều thì giờ ở một chỗ như vậy để ngồi xuống thiền liên tục. Cho nên, chúng ta phải tìm cách áp dụng sự tỉnh thức vào đời sống hằng ngày để có đủ thì giờ để đối phó với mọi tình huống. Những gì chúng ta gặp phải mỗi ngày không thể đoán trước được vì chúng tùy thuộc vào nhiều nguyên nhân và trạng huống khác nhau; chúng ta đang sống trong thế giới tùy duyên và vô thường. Tỉnh thức là phương tiện khẩn cấp mà chúng ta có thể dùng bất cứ lúc nào. Khi gặp phải trường hợp mà chúng ta bất mãn, nếu chúng ta tỉnh thức quán xét tâm mình, chúng ta sẽ khám phá nhiều sự thật chua chát chính nơi mình. Đó là: chúng ta rất ích kỷ; chúng ta coi mình là cái rún của vũ trụ; chúng ta coi trọng bản ngã mình; chúng ta khư khư giữ lấy ý kiến mình; chúng ta luôn nghĩ rằng mình đúng và mọi người đều sai; chúng ta có tiên kiến; chúng ta có thành kiến; và cchung quy là chúng ta không thương mình. Khám phá, tuy chua cay, nhưng đáng giá. Về lâu về dài, khám phá này sẽ giúp chúng ta tránh các khổ đau tâm lý và tinh thần từng ăn sâu trong chúng ta.

Pháp hành tỉnh thức là sự thành thật một trăm phần trăm với chính mình. Khi nhìn tâm và thân của chúng ta, chúng ta ghi nhận một số điều mà chúng ta thấy không vui thú thực hiện. Vì không thích nên chúng ta bác bỏ. Điều gì mà chúng ta không thích? Chúng ta không muốn xa người mình thương yêu hoặc chung đụng với người mình không ưa. Không chỉ người, mà nơi chốn, vật thể, và cả tư duy, ý kiến, đức tin, và quyết định cũng bị liệt kê trong bảng thương/ghét của chúng ta. Chúng ta không ưa những gì đến tự nhiên với chúng ta. Ví như chúng ta không thích già, đau ốm, suy yếu, vì chúng ta có tham vọng lớn là muốn giữ tình trạng cũ. Chúng ta không muốn ai chỉ lỗi lầm của mình vì chúng ta luôn luôn hảnh diện về mình. Chúng ta không muốn có người sáng suốt hơn mình vì chúng ta tự dối mình. Đó chỉ là một ít ví dụ cho thấy chúng ta tham, sân và si như thế nào.

Khi tham, sân, si dấy lên trong cuộc sống thường ngày, chúng ta phải dùng tỉnh thức để nhận diện chúng và tìm hiểu nguyên nhân sanh ra chúng, các nguyên nhân nội tại trong chúng ta. Nếu nguyên nhân sân không có trong chúng ta thì thử hỏi ai có thể làm chúng ta giận được? Nếu chúng ta tỉnh thức, chúng ta sẽ dùng trí tuệ để xem xét tâm mình. Nếu chúng ta không có sân, chúng ta sẽ không quan tâm khi ai đó vạch ra những khuyết điểm của mình. Ngược lại, chúng ta còn phải thành tâm cám ơn nguời ấy vì nhờ họ chúng ta mới có cơ hội tu thân; tu thân là con đường dẫn đến hoàn thiện, tức đến mục đích của đời. Chỉ khi nào khắc phục được khuyết điểm, chúng ta mới có thể tìm được thiện tánh bị vùi sâu trong tiềm thức. Trước khi khắc phục khuyết điểm chúng ta phải hiểu chúng là gì.

Nếu bị bịnh, chúng ta phải tìm nguyên nhân của căn bịnh. Chỉ làm vậy, chúng ta mới có thể trị bịnh được. Nếu chúng ta cho rằng mình không bịnh thì làm sao chữa? Cũng thế, nếu nghĩ rằng mình không tham, sân, si, thì không bao giờ chúng ta có thể quét sạch được con đường tâm linh của mình. Nếu không tự thấy được khuyết điểm thì nên nhờ người khác chỉ dùm. Khi có người chỉ, chúng ta phải cám ơn người đó, như Ngài Xá Lợi Phất từng nòi; "Dầu cho người chỉ lỗi lầm của tôi là một sa di bảy tuổi, tôi vẫn chấp nhận lỗi lầm của tôi và kính trọng sa di đó." Ngài Xá Lợi Phất là bậc A La Hán hoàn toàn tỉnh giác và không có lỗi lầm trong đời. Và vì Ngài không kiêu hảnh nên Ngài là vị A La Hán. Chúng ta không phải là A la Hán, nên phải luôn luôn ngưỡng nhìn Ngài làm gương, vì mục tiêu của chúng ta trong đời cũng là mục tiêu của Ngài vậy.

Dĩ nhiên người chỉ dùm khuyết điểm của chúng ta không khỏi không lỗi lầm, nên chúng ta cần chỉ dùm họ.

Hai bên nên chỉ cho nhau bằng cách tỉnh thức. Nếu không tỉnh thức và có lời lẽ thiếu nhã nhặn, sự chỉ vẽ chẵng những không ích lợi mà còn gây thêm phiền não cho đôi bên. Người nói lời sân hận không thể nào tỉnh giác và có thể nói năng rõ ràng. Người nghe lời thô tục có thể không còn đủ tỉnh thức để có thể nghe lời người chỉ dùm. Chúng ta cần nói và nghe với tỉnh thức để sự nói và nghe đều có kết quả lợi lạc. Khi chúng ta nói và nghe bằng tỉnh thức, tâm chúng ta sẽ không còn bị chế ngự bởi tham lam, ích kỷ, sân hận, và si mê.

Mục Đích

Là người hành thiền, chúng ta phải có mục tiêu, bởi nếu không, chúng ta sẽ như người mù mò theo sự chỉ dẫn của người khác. Phải có một mục tiêu cho việc chúng ta muốn làm và làm một cách tỉnh thức. Tuy nhiên, mục tiêu của người hành thiền minh sát không phải là để giác ngộ trước người khác, hay có thần lực, hay để trục lợi, bởi người hành thiền minh sát không tranh hơn thua với ai cả.

Mục đích của chúng ta là đạt sự toàn hảo cho tất cả các đức tính tiềm ẩn trong tiềm thức. Mục đích ấy có năm yếu tố: (1) Tịnh hóa tâm, (2) chế ngự phiền não, (3) diệt đau khổ, (4) đi đúng đường dẫn đến an lành vĩnh cữu, và (5) đạt hạnh phúc bằng cách theo con đường ấy. Hãy giữ mục tiêu 5-điểm vừa nói luôn luôn trong tâm, chúng ta sẽ tiến lên với niềm hy vọng và tin tưởng thành đạt.

Thực Hành

Ngồi xuống rồi, không nên đổi thế cho đến khi xả thiền. Nếu vì không thoải mái bạn đổi thế ngồi đầu tiên, thế tiếp theo sẽ làm bạn thoải mái một chập rồi bạn sẽ trở lại tình trạng trước, tức là phải đổi thế nữa mới thoải mái. Như vậy bạn sẽ phải đổi thế hoài và kết quả là bạn không thể tập trung chú ý được. Do đó, không nên đổi thế dầu có bị đau nhức thế mấy cũng kệ.

Để tránh đổi thế, trước khi vào thiền bạn nên chọn cho mình một thời gian nhứt định. Nếu là lần đầu tiên, đừng nên ngồi lâu hơn hai mươi phút. Về sau bạn mới cần thêm. Thời lượng tùy vào việc bạn có thể dành bao nhiêu phút cho suất thiền sắp vào và bạn có thể ngồi bao lâu mà không bị tê mỏi.

Chúng ta không nên định lúc nào phải đạt được kết quả gì vì sự chứng đạt tùy thuộc vào sự tiến triển của chúng ta trong lúc hành thiền, và sự tiến triển này được đặt căn bản trên sự hiểu biết và trau dồi các năng lực tinh thần của chúng ta. Chúng ta cần cố gắng và kiên trì nhưng không lập thời khóa biểu cho sự chứng đạt. Khi nào sẵn sàng rồi chúng ta sẽ đến đích. Còn bây giờ chúng ta chỉ chuẩn bị cho đích đó mà thôi.

Sau khi ngồi yên, nhắm mắt lại. Tâm chúng ta không khác chi ly nước đục; để ly yên một chỗ nào đó, cặn sẽ lắng xuống theo thời gian, và để yên càng lâu nước được lắng càng trong. Nếu chúng ta giữ yên lặng và bất động, rồi tập trung chú ý trọn vẹn đến một đối tuợng nào đó, tâm chúng ta sẽ lắng đọng và bắt đầu chứng nghiệm niềm hân hoan từ thiền.

Để được vậy, chúng ta phải giữ tâm trong khoảnh khắc hiện tại. Khoảnh khắc hiện tại qua đi quá nhanh nên người không để ý không thể biết có hiện tại. Mỗi khoảnh khắc là một khoảnh khắc của một sự kiện, và không có khoảnh khắc nào là không có sự kiện xảy ra. Do đó, khoảnh khắc mà chúng ta cố gắng tập trung sự chú ý vào là khoảnh khắc hiện tại. Tâm chúng ta lướt qua một dây biến cố như một khúc phim đi ngang qua máy chiếu phim. Một số các hình ảnh này đến từ những kinh nghiệm quá khứ, một số khác từ những tưởng tượng về những gì chúng ta định làm trong tương lai.

Tâm không thể nào tập trung (định) nếu không có đối tượng. Chúng ta phải tìm cho tâm một đối tượng, và đối tượng sẵn có ở mỗi khoảnh khắc hiện tại không gì khác hơn là hơi thở. Tâm không phải cố gắng mới tìm thấy hơi thở, vì hơi thở ra vô qua lỗ mũi thường xuyên. Hơi thở, bất biến và dễ nhận diện, là đối tượng thích hợp nhứt cho pháp thiền quán nội.

Sau khi ngồi xuống và rải lòng từ bi đến mọi người, thở ba hơi sâu. Sau đó, thở trở lại bình thường, và bắt đầu chú ý vào hơi thở. Ghi nhận sự ra vô tự nhiên và đều đặn của không khí qua vành của hai lỗ mũi. Lúc hít vô đầy phổi xong, ngừng lại một chút trước khi thở ra. Ghi nhận ba giai đoạn hít vô, ngưng và thở ra. Thở ra xong, ngưng một chút trước khi hít vô; ghi nhận tất cả các giai đoạn. Hai giai đoạn ngưng trước khi hít vô và thở ra rất ngắn nên khó nhận diện. Nhưng nhờ tỉnh thức chúng ta nhận biết không khó.

Đừng bàn luận hay khái niệm hóa gì cả. Chỉ ghi nhận hơi thở vô và ra mà không cần nói "Tôi hít vô" hay "Tôi thở ra." Khi bạn đưa sự chú ý vào hơi thở, hãy quên hết mọi ý nghĩ, ký ức, âm thanh, mùi, vị, vân vân, và chỉ chú ý một đối tượng duy nhút là hơi thở mà thôi.

1. Thở vào một hơi dài, người ấy biết: Ta đang thở vào một hơi dài. Thở ra một hơi dài, người ấy biết ta đang thở ra một hơi dài.

2. Thở vào một hơi ngắn, người ấy biết: Ta đang thở vào một hơi ngắn. Thở ra một hơi ngắn, người ấy biết ta đang thở ra một hơi ngắn.

 3. Ta đang thở vào và có ý thức về toàn thân thể ta. Ta đang thở ra và có ý thức về toàn thân thể ta. Người ấy thực tập như thế.

4.  Ta đang thở vào và làm cho toàn thân an tịnh. Ta đang thở ra và làm cho toàn thân an tịnh. Người ấy thực tập như thế. (Theo Trung Bộ Kinh 118--Majjhima Nikaya 118, bản tiếng Việt của Thiền sư Nhất Hạnh).

Vào lúc đầu, cả hai hơi thở vô ra đều ngắn vì thân tâm chưa ổn định và thư giãn. Ghi nhận các hơi thở ngắn ấy mà không cần nói "hít vô ngắn" hay"thở ra ngắn". Khi bạn ghi nhận như vậy, thân tâm bạn sẽ từ từ ổn định. Chừng ấy hơi thở sẽ dài ra. Ghi nhận các hơi thở dài này và không cần nói "thở dài". Sau đó ghi nhận toàn thể tiến trình từ đầu đến cuối. Rồi hơi thở sẽ trở nên vi tế, và tâm cũng như thân tĩnh lặng hơn. Ghi nhận cảm giác tĩnh lặng ấy.

 Phải Làm Gì Để Tâm Không Đi Rong?

Dầu đã nổ lực cột tâm vô hơi thở, tâm vẫn có thể đi rong. Nó có thể trở về với các kinh nghiệm cũ, và bạn bất chợt nhớ lại cảnh cũ, người cũ, quyển sách bạn đã đọc, người quen mà lâu nay bạn không có gặp lại, hương vị món ăn bạn vửa thưởng thức hôm qua, vân vân. Khi bạn vừa nhớ đến các sự việc ấy, tâm bạn không còn đi với hơi thở nữa. Hãy bắt nó đem về cột vô hơi thở. Một chập sau, bạn lại nghĩ tới chuyện trả tiền nợ, điện thoại cho người bạn, viết thơ, giặt đồ, đi chợ, dự tiệc, tính chuyện nghỉ phép, vân vân. Vừa nghĩ là tâm không còn gắn liền với đối tượng nữa. Hãy tỉnh giác và đưa tâm trở về với hơi thở. Sau đây là một số đề nghị giúp bạn tập trung, sự tập trung rất cần cho pháp hành tỉnh thức.

1. Đếm. Mục đích của đếm là cột tâm vô hơi thở. Khi nào tâm đi đôi với hơi thở rồi, bạn có thể ngưng đếm. Đếm để tập trung chú ý. Chỉ cần đếm trong trí chớ không đếm ra tiếng. Có nhiều cách đếm:

a. Khi hít vô đếm "một, một, một, một,..." cho đến khi phổi đầy không khí. Lúc thở ra đếm "hai, hai, hai, hai,..." cho đến lúc phổi hết không khí. Khi hít vô lại, đếm "ba, ba, ba, ba, ..." và thở ra lại, đếm "bốn, bốn, bốn, bốn,...". Đếm tới "mười" rồi trở đếm lại "một" cho một chu kỳ thở khác. Lập đi lập lại như vậy trong lúc thiền để giữ tâm.

b. Cách thứ nhì là đếm nhanh "một, hai, ba. ..., mười" khi hít vô, rồi đếm lại "một, hai, ba, bốn, ...., mười" lúc thở ra. Nói cách khác cứ mỗi cái hít vô hay thở ra đều đếm nhanh từ "một" đến "mười". Lập đi lập lại nhiều lần để cột tâm.

c. Cách thứ ba đếm như sau: "một, hai, ba, bốn, năm (tới năm thôi)" khi hít vô, và đếm "một, hai, ba, bốn, năm, sáu (tới sáu thôi)" lúc thở ra. Tiếp theo, đếm "một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy (tới bảy thôi)" khi hít vô, và "một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám (tới tám thôi)" lúc thở ra. Rồi đếm đến "chín" khi hít vô và đến "mười" lúc thở ra. Lập đi lập lại nhiều lần để cho tâm tập trung chú ý.

d. Cách thứ tư là thở hơi dài. Hít vô đến lúc phổi đầy, đếm "một". Thở ra đến lúc phổi hết không khí, đếm "hai". Thở hơi dài tiếp theo và đếm "ba" khi hít vô, "bốn" lúc thở ra, vân vân. Đếm lên "mười", rồi đếm ngược xuóng từ "mười" xuống "một". Trở lại, đếm "một lên mười" và "mười xuống một", vân vân.

e. Cách thứ năm là đếm gom. Thoạt tiên, thở ra đếm "một"; tiếp theo, hít vô rồi thở ra, đếm "hai". Kế, hít vô và thở ra đếm "ba". Sau khi đếm lên đến "năm", đếm ngược lại từ "năm" xuống "một". Lập đi lập lại cho đến lúc hơi thở trở nên an định và tế nhị.

Nên nhớ rằng không cần đếm suốt thời thiền. Chỉ đếm cho tới lúc bạn cảm thấy tâm đã định nơi vị trí bạn chọn trước (như chót mũi hay vành mũi) mà hơi thở va chạm khi hít vô và thở ra. Lúc bấy giờ hơi thở sẽ nhẹ nhàng và thoải mái đến độ bạn không còn nhận ra hơi hít vô hay thở ra nữa. Mục đích của đếm là để giúp tâm tập trung chú ý vào một đối tượng (điểm hơi thở va chạm trên mũi).

2. Nối kết. Sau khi hít vô xong, đừng chờ để nhận biết khoảnh khắc ngưng trước khi thở ra. Hãy nối kết để có một hơi thở liên tục.

3. Định vị trí. Sau khi nối kết xong, an trú tâm nơi điểm mà không khí ra vô chạm phải. Chú ý vào sự xúc chạm của hơi thở liên tục.

4. Định tâm như bác thợ mộc. Bác thợ mộc kéo một đường chỉ trên tấm vấn bác sẽ rọc bằng tay. Khi cưa, bác không ngó vào các răng cưa đưa lên đưa xuống, mà bác chỉ tập trung chú ý vào đường chỉ mới cắt được đường thẳng. Cũng vậy, bạn nên giữ tâm ngay trên điểm của mũi, nơi hơi thở ra vô chạm phải.

5. Biến tâm thành người gát cửa. Người gát cửa không cần biết đầy đủ chi tiết của nguời ra vô nhà làm gì. Anh chỉ cần biết có người ra vô nhà đi qua cửa anh gát. Cũng vậy, khi tập trung chú ý, bạn không cần biết hết chi tiết của kinh nghiệm bạn thâu thập. Chỉ cần ghi nhận cảm xúc do hơi thở vô ra tạo nên trên mũi (chỗ hơi thở va chạm phải).

Thiền một thời gian, dài ngắn tùy cá nhân, bạn có thể chứng ngộ việc thân và tâm trở nên nhẹ nhàng tưởng chừng như bạn nổi trong nước hay không khí. Bạn cũng có thể có cảm giác như mình vươn lên không trung. Khi cái thở thô của bạn chấm dứt, cái thở vi tế sẽ đến tự nhiên. Cái thở vi tế ấy là tiêu điểm của tâm. Đó là dấu hiệu của định. Dấu hiệu-vật (sign-object) đầu tiên sẽ được thay thế bởi dấu hiệu-vật càng ngày càng vi tế hơn. Tính vi tế của dấu hiệu-vật được ví như tiếng chuông ngân. Lúc dùi chạm vào chuông, tiếng vang rền nghe to và thô; về sau tiếng ngân mới thanh thoát. Cũng vậy, thoạt tiên hơi thở ra vô là dấu hiệu thô, lần hồi nó mới thành vi tế, trong lúc tâm thức tiếp tục tập trung trọn vẹn nơi chỗ va chạm của hơi thở trên mũi. Cùng lúc dấu hiệu phát triển, đối tượng của thiền càng lúc càng trong sáng, nhưng hơi thở càng lúc càng nhẹ nhàng thêm. Vì sự nhẹ nhàng đó, bạn có thể không còn nhận ra sự hiện diện của hơi thở mình nữa. Đừng thất vọng và đừng nghĩ rằng mình đã làm mất hơi thở hay đã không thấy có gì xảy ra trong lúc thiền. Cũng đừng lo. Hãy tỉnh thức và quyết tâm đem cảm giác xúc chạm của hơi thở trở lại. Đó là lúc bạn chú tâm nhiều hơn, để cân bằng sinh lực, niềm tin, định, tỉnh giác, và trí tuệ.

Nụ Cười của Bác Nông Dân

Có bác nông dân dùng trâu cày ruộng. Trưa nắng, bác mệt. Bác cởi ách, thả trâu đi ăn, rồi ngã lưng dưới gốc cây nghỉ. Bác ngủ quên. Thức dậy, bác không thấy trâu đâu. Bác không lo sợ gì cả. Bác chỉ xuống mé nước là tìm ra trâu, vì biết rằng trâu thường hay xuống đó uống nước hay dầm mình lúc giữa trưa nắng gắt. Bác thong dong dẫn trâu lên, tra ách vào, và tiếp tục ngày cày.

Cũng vậy, sau một thời gian thiền, nếu bạn không còn nhận ra hơi thở mình, cứ bình tỉnh vì nó vẫn còn đó, ngay trên mũi của bạn. Chỉ cần thở mạnh vài hơi là nhận ra nó ngay. Và, tiếp tục tập trung sự chú ý vô điểm xúc chạm của hơi thở trên mũi.

Khi tập trung sự chú ý nơi điểm xúc chạm của hơi thở, bạn có thể nhận thấy dấu hiệu của sự phát triển của thiền và có cảm giác thích thú của dấu hiệu. Cảm giác này thay đổi tùy cá nhân, có thể là một vì sao, một móc áo bằng gỗ, một sợi dây dài, một tràng hoa, một ngụm khói, một màn nhện, một áng mây, một hoa sen, một khuông trăng, hay một vầng mặt trời.

Lúc mới vào thiền, bạn dùng hơi thở vô và ra làm đối tượng của thiền. Bây giờ bạn có thêm dấu hiệu, đối tượng thứ ba của thiền. Khi bạn an trú tâm vô đối tượng thứ ba này, tâm bạn được xem như đạt đến cấp độ chú ý đủ để thực hành thiền nội quán. Đối tượng dấu hiệu bấy giờ hiện diện rõ ràng trên mũi bạn. Làm chủ nó và kiểm soát nó để mỗi khi cần đến bạn có nó ngay. Kết hợp tâm với dấu hiệu đang có trong khoảnh khắc hiện tại và để tâm chảy theo dòng của các khoảnh khắc ấy. Lúc bạn tập trung chú ý vào nó, bạn sẽ thấy dấu hiệu tự thay đổi mỗi khoảnh khắc. Giữ tâm với các khoảnh khắc thay đổi. Đồng thời nên ghi nhớ rằng tâm bạn chỉ có thể định vào khoảnh khắc hiện tại. Sự kết hợp tâm với khoảnh khắc hiện tại được gọi là định tâm nhứt thời (momentary concentration). Trong lúc khoảnh khắc tiếp nối đi qua, tâm vẫn tiến theo chúng. Thay đổi với chúng, xuất hiện và biến mất với chúng nhưng không bám víu vào chúng. Nếu bạn thử dừng tâm một khoảnh khắc, bạn sẽ bị thất bại ngay vì tâm không thể dừng. Tâm phải đi theo những gì xảy ra trong mỗi khoảnh khắc nẩy sinh mới. Vì khoảnh khắc hiện tại lúc nào cũng hiện diện, mỗi khoảnh khắc ý thức được (waking moment) có thể làm một khoảnh khắc định tâm (concentrated moment).

Để kết hợp tâm với khoảnh khắc hiện tại, chúng ta phải tìm một sự kiện nào đó xảy ra trong khoảnh khắc đó. Tuy nhiên bạn không thể nào an trú tâm vô mỗi khoảnh khắc luôn thay đổi nếu không có một cấp độ định nào đó khả dĩ cùng trôi theo với khoảnh khắc. Khi bạn đạt cấp độ định đó rồi, bạn có thể dùng nó để tập trung sự chú ý của bạn vô bất kỳ sự việc gì bạn kinh nghiệm--sự phồng xẹp của bụng, sự phồng xẹp của lồng ngực, sự lên xuống của hơi thở, hay sự sanh diệt của cảm thọ của ý tưởng, vân vân.

Trong thiền nội quán, bạn cần thứ định tâm nhứt thời nói trên để có thể tiến triển. Đó là tất cả những gì bạn phải có cho thiền nội quán, vì sự việc bạn chứng nghiệm chỉ sống được có một khoảnh khắc. Khi bạn chú tâm vào những thay đổi xảy ra trong thân tâm bạn, bạn sẽ thấy hơi thở là yếu tố vật lý còn cảm xúc về hơi thở, ý thức được sự cảm xúc và ý thức được dấu hiệu là yếu tố tâm linh. Khi quan sát chúng, bạn thấy chúng thay đổi liên tục. Ngoài chúng, bạn có thể còn có nhiều thứ cảm xúc khác. Hãy theo dõi tất cả các cảm giác trên toàn thân thể. Chỉ theo dõi các cảm giác xảy ra tự nhiên và đừng bao giờ tạo ra cảm giác mới (cảm giác nhân tạo). Cùng với cảm thọ vật lý, nếu có niệm nào dấy lên, ghi nhận nó luôn. Trong các kinh nghiệm vật lý hay tâm lý xảy ra đó, phải ghi nhận tánh vô thường, khổ và vô ngã của chúng.

Trong lúc tỉnh giác của bạn phát triển, ý không muốn thay đổi, không thích điều bất thiện, và ham muốn điều thiện, cùng quan niệm tự ngã được thay thế bởi sự hiểu thấu sâu sắc về tánh vô thuờng, khổ và vô ngã. Sự thấu hiểu các chân lý đó giúp bạn phát huy thái độ an lành, tịnh bình và chín chắn đối với đời. Bạn sẽ thấy những gì mình nghĩ lúc trước là thường còn thay đổi nhanh chóng đến đỗi tâm mình theo dõi cũng không kịp. Bằng cách này hay bằng cách khác bạn sẽ chứng nghiệm được rất nhiều thay đổi. Bạn sẽ thấy tánh vi tế của vô thường và vô ngã. Sự hiểu biết đó đưa bạn tới an bình, hạnh phúc và tạo cho bạn trí tuệ khả dĩ giúp bạn giải quyết nhiều vấn đề thường nhựt.

Khi tâm liên kết với hơi thở, bạn có thể định tâm vô khoảnh khắc hiện tại một cách tự nhiên. Bạn có thể ghi nhận cảm xúc phát sanh từ sự xúc chạm của hơi thở với mũi. Khi yếu tố đất[14] của hơi thở ra vô chạm với yếu tố đất của mũi, tâm bạn cảm xúc sự ra vô của hơi thở. Cảm xúc ấm cúng phát sanh từ mũi hay trong thân do sự xúc chạm của yếu tố nhiệt tạo nên bởi hơi thở. Cảm giác vô thường của hơi thở phát sanh khi yếu tố đất của hơi thở chạm mũi. Yếu tố nước cũng có trong hơi thở nhưng bạn không cảm nhận được.

Khi hít vô và thở ra, phổi, bụng trên và bụng dưới giản nở. Sự giản nở này là thành phần của nhịp điệu vũ trụ. Mọi sự vật trong vũ trụ có chung một nhịp điệu giản nở giống như sự giản nở của thân và hơi thở. Tất cả đều lên xuống, trồi sụt, đầy vơi. Tuy nhiên, điều quan tâm tiên khởi là sự đầy vơi của hơi thở và sự lên xuống của các chi phần vi tế của tâm và thân.

Trong tiến trình hô hấp, khi hít vô, chúng ta cảm thấy một chút dễ chịu. Chút cảm giác dễ chịu đó sẽ trở thành một căn thẳng khó chịu nếu chúng ta không thở ra; khi thở ra rồi, sự căn thẳng mới chấm dứt. Cũng vậy, sau khi thở ra, chúng ta sẽ khó chịu nếu phải đợi lâu mới hít vô lại. Đó có nghĩa là mỗi khi phổi đầy ta phải thở ra và mỗi khi phổi xẹp ta phải hít vô. Mỗi lần hít vô, chúng ta có chút an tịnh và mỗi lần thở ra, chúng ta có chút an tịnh. Nói cách khác, chúng ta luôn luôn muốn được an tịnh và không muốn bị căn thẳng vì cảm giác thiếu hơi thở. Chúng ta muốn sự an tịnh kéo dài và sự khó chịu biến nhanh. Nhưng sự an tịnh không ở lại lâu và sự căn thẳng không tan biến nhanh như chúng ta muốn. Rồi, chúng ta bị giao động bởi ước muốn sự an tịnh trở về và ở lại lâu hơn còn sự căn thẳng biến nhanh và không trở lại. Đó, chúng ta thấy rằng chỉ một ý muốn nhỏ nhoi về sự thường còn trong trường hợp không thường còn cũng đã gây đau khổ hay sự mất hạnh phúc rồi. Vì không có một tự thể (self-entity) nào kiểm soát được tình trạng này nên chúng ta bị thất vọng nhiều hơn.

Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn hơi thở mà không mong cầu an tịnh và không xua đuổi sự căn thẳng xuất phát từ sự thở ra vô, mà chỉ chứng nghiệm vô thường, sự bất toại nguyện và tánh vô ngã của hơi thở, tâm chúng ta sẽ an tịnh và hạnh phúc.

Ngoài ra, cũng nên nhớ rằng tâm không an trú thường xuyên nơi cảm thọ của hơi thở. Nó đi rong với âm thanh, ký ức, cảm xúc, suy tưởng, tỉnh thức, và nhiều tâm sở khác nhau. Khi gặp tình trạng này, chúng ta phải quên cảm thọ của hơi thở và chú ý ngay tới các niệm dang dấy lên, và diệt mỗi lần một niệm chớ không phải tất cả cùng một lúc. Khi diệt xong tất cả, chúng ta mới đưa tâm trở về hơi thở, tức là đưa tâm quay về bản doanh sau khi đi viếng vòng vo tam quốc; dĩ nhiên những chuyến viếng thăm vòng vo này được thực hiện ngay trong tâm.

Mỗi khi tâm trở về với hơi thở, nó trở lại với sự hiểu biết thấu đáo về vô thường, khổ và vô ngã. Tâm trở nên sâu sắc hơn nhờ đã nhìn thấy những niệm xảy ra đó bằng cái nhìn vô tư và không thiên kiến. Tâm thấu hiểu rằng thân này, những cảm thọ này, những trạng thái khác nhau của tâm và tâm sở chỉ đuợc dùng để hiểu thâm sâu hơn thực tại của hợp phức thân tâm.

*

-ooOoo-

Chương 6

THÂN SẼ LÀM GÌ ?

Pháp hành thiền đã có từ nhiều ngàn năm nay. Thời gian ấy khá dài để pháp này được tinh luyện thấu đáo. Truyền thống Phật giáo luôn luôn công nhận sự tương quan và tùy thuộc chặt chẻ giữa thân và tâm. Do đó, thân thể có một số thế được xem như rất hữu dụng cho kỹ năng thiền. Nhưng, cần lưu ý ngay rằng, có hữu ích thế mấy đi nữa, thế vẫn chỉ là phương tiện dùng để hỗ trợ. Chớ nên lầm lẫn. Thiền không phải là thế ngồi hoa sen[15]. Thiền là một kỹ năng tâm linh mà bạn có thể hành trì bất cứ nơi đâu bạn muốn. Thiền dùng các thế để giúp bạn luyện tập tâm thức cho có hiệu quả và tiến triển nhanh chóng. Vì vậy, nên chọn dùng các thế hữu ích.

Nguyên Tắc Căn Bản

Thế được sử dụng với ba mục đích chính. Thứ nhứt là giữ thân thể ổn định để bạn không còn phải quan tâm đến những vấn đề như thăng bằng và mệt mỏi và giúp bạn tập trung vào đối tượng của thiền. Thứ nhì là tạo thân bất động để tâm tĩnh lặng hầu định được vững vàng và sâu sắc. Thứ ba là giúp bạn có thể ngồi lâu mà không bị quấy rối bởi ba đạo tặc--đau nhức, mỏi mê và buồn ngủ.

Điều quan trọng nhứt là bạn phải ngồi thẳng lưng. Cột sống bạn phải đứng để các đốt xương sống xếp lên nhau như một chồng tiền kim loại. Đầu phải thẳng đường với cột sống. Ngồi một cách thư giãn; không được ngồi cứng đơ vì bạn đâu phải là một người gỗ hay là chú lính tò te ngồi trước thầy đội quân trường. Ngồi thẳng lưng nhưng không cảm thấy sự căn thẳng của các cơ giữ cột sống. Trái lại, ngồi thoải mái và thư thả với cột sống xem như một cây non vượt vững vàng trên nền đất mềm và phần còn lại của thân thể như được treo vào đó một cách buông lơi. Cách ngồi này cần phải được bạn thử nghiệm chớ nghe nói suông bạn khó thể hình dung. Chúng ta thường giữ thế gồng lúc đi hay nói, và chọn thế nằm/ngồi với tay giang rộng (sprwaling) lúc muốn thư giãn. Hai thế đó không thể dùng trong thiền. Chúng ta phải học lại mới được.

Mục đích của bạn là chọn một thế để bạn có thể ngồi suốt thời thiền mà không phải dời đổi. Lúc mới bắt đầu, bạn có thể có cảm giác kỳ kỳ khi phải ngồi thẳng lưng. Nhưng rồi bạn sẽ quen. Cần phải thực tập vì thế ngồi thăng lưng rất quan trọng. Trên phương diện sinh lý, đó là thế đánh thức (arousal) đi đôi với tâm tỉnh thức. Ngồi gục, bạn rất dễ ngủ gục.

Phương tiện (tọa cụ) bạn dùng để ngồi lên cũng quan trọng không kém. Bạn có thể dùng chiếc ghế hay cái gối tùy theo thế ngồi. Ghế/gối êm hay cứng tùy bạn chọn, và nên chọn kỹ càng; quá mềm làm bạn dễ buồn ngũ, còn quá cứng làm bạn dễ bị đau nhức.

Áo Quần

Y phục thiền cần phải mềm mại và rộng rãi. Nếu áo quần làm máu lưu thông khó khăn hay ép giây thần kinh, bạn sẽ bị đau nhức hay tê mỏi. Nếu mang dây nịt, nên nới nịt ra. Không nên mặc quần dày hay chật. Váy dài là trang phục thích nghi cho giới nữ. Quần bằng vải mỏng hay thun rất tốt cho mọi người. Áo dài mềm mại là thứ y phục cổ truyền của châu Á, mà sà rong và kimono là hai đại diện tiêu biễu. Cởi giày và tháo luôn vớ nếu vớ dày hay chật.

Thế Cổ Truyền

Nếu ngồi xuống sàn theo lối Á đông, bạn cần gối để nâng cột sống. Chọn gối hơi cứng và dày chừng một tất khi bẹp xuống. Ngồi lên bìa gối và để hai chân khoanh trên sàn. Nếu sàn có lót thảm thì thôi, còn không thì nên dùng nệm mỏng kê cho hai mắt cá và hai bắp chuối khỏi bị đau; cái mền gấp đôi là tốt lắm rồi. Đừng ngồi lên giữa gối kê để vành gối khỏi cấn lên đùi bạn gây sức ép vào các dây thần kinh làm bạn bị tê nhức.

Có nhiều cách khoanh chân mà bốn cách sau đây được xem như thông dụng nhứt (từ dễ đến khó):

1. Xếp bằng[16] . Bàn chân trái để dưới gối mặt và bàn chân mặt dưới gối trái.

2. Xếp bằng kiểu Miến Điện. Hai chân khoanh với ống quyển nằm sát sàn, cái trước cái sau và song song nhau.

3. Bán già[17]. Hai đầu gối tựa xuống sàn. Một chân và bàn chân nằm sát sàn dọc theo ống quyển của chân kia.

4. Kiết già. Hai đầu gối tựa xuống sàn. Hai chân khoanh để bàn chân mặt lên đùi trái và bàn chân trái lên đùi mặt. Hai lòng bàn chân hướng lên trên.

Hai bàn tay xếp chồng lên nhau và đặt trên đùi với lòng bàn tay hướng lên trên. Hai bàn tay nằm ngay dưới rún để hai cổ tay tựa trên đùi. Hai tay tạo nên cái khung giữ cho thân trên thăng bằng. Buông lỏng hai tay và cơ cổ. Cơ hoành cũng phải được thả ra tối đa. Thư giãn phần bụng trên. Cằm đưa ra. Mắt nhắm hay mở tùy ý. Nếu mở mắt, bạn nên chú ý ngó chót mũi hay ngó về phía trước một khoảng cách ngắn [18]. Hướng mắt nhìn nhưng không tìm cách thấy bất cứ vật gì để quên hẳn khả năng của sự nhìn. Đừng ráng sức, đừng gồng mình. Thư giãn. Để thân tự nhiên và mềm mại. Để thân treo lên cột sống như một búp bê vải.

Thế bán già và kiết già là hai thế cổ truyền ở châu Á. Thế kiết già được xem như tốt nhứt vì vững vàng nhứt; một khi bạn ngồi vào thế này rồi, bạn không thể xê dịch trong một thời gian dài. Thế kiết già đòi hỏi sự mềm dẻo của đôi chân nên khó ngồi và ít người ngồi được. Bạn nên để ý: bạn chọn thế cho mình chớ không phải cho ai khác, nên đừng nghe lời khen chê của người khác. Đây là vấn đề phải được thoải mái. Bạn hãy chọn thế nào mà bạn có thể ngồi lâu không cần thay đổi và không bị tê nhức. Nên thử các thế trước khi chọn. Cũng nên biết rằng gân cốt sẽ giãn ra với thời gian luyện tập, và lúc bấy giờ bạn có thể ngồi kiết già, nếu muốn.

Ngồi Trên Ghế

Không thể ngồi dưới sàn! Không sao cả. Bạn ngồi trên ghế vậy. Nên chọn ghế có mặt bằng, dựa lưng thẳng, và không có tay. Cách ngồi tốt nhứt là ngồi thẳng, không dựa lưng; đừng để cạnh ghế cấn vô phía dưới đùi; và xếp hai chân song song với bàn chân nằm sát xuống sàn. Cũng như trong thế cổ điển, hai bàn tay chồng lên nhau và đặt lên dùi. Đừng gồng vai hay cổ và buông thỏng hai tay. Mắt có thể nhấm hay mở.

Dầu ngồi trong thế nào, bạn cũng phải luôn luôn lưu tâm đến mục đích thiền. Bạn muốn đạt trạng thái an tịnh thân thể tuyệt đối, nhưng không ngủ gà ngủ gật. Hãy nhớ lại minh họa của ly nước đục: bạn muốn đi đến tình trạng thân hoàn toàn yên tĩnh để được tâm tĩnh lặng. Bạn cũng cần phải có sự tỉnh táo trên bình diện thân thể để được sự sáng suốt tâm linh. Do đó, hãy luôn luôn thủ nghiệm. Thân thể là phương thiện để tạo nên tình trạng tâm linh mong muốn. Sử dụng nó với sự suy xét đứng đắn và sáng suốt.

-ooOoo-

Chương 7

TÂM SẼ LÀM GÌ ?

Thiền dạy trong sách này là Thiền Minh Sát (Vipassana). Như đã nói trước đây, đối tượng của thiền gần như vô tận, và qua bao thế kỷ nay người ta đã dùng một số khá nhiều rồi. Ngay trong pháp thiền minh sát, đối tượng được sử dụng cũng thuộc nhiều loại. Có thầy dạy cách dùng hơi thở và chú ý đến sự phồng xẹp của bụng. Thầy khác dạy nên chú ý vào sự va chạm với tọa cụ, tay với tay, hay chân với chân. Pháp mà chúng tôi dạy đây là pháp cổ truyền nhứt và cũng là pháp mà có lẽ Đức Phật Cồ Đàm đã từng dạy cho các đệ tử của Ngài. Kinh Niệm Xứ (Satipatthana Sutta), bài pháp nguyên bản về tỉnh thức của Đức Thế Tôn, đặc biệt nói rằng ta phải bắt đầu bằng cách tập trung sự chú ý vào hơi thở rồi mới tiếp tục ghi nhận tất cả các hiện tượng vật lý và tâm linh xảy ra.

Ngồi xuống, đoạn quan sát hơi thở ra vô đằng mũi. Pháp hành này mới xem qua thấy thật lạ kỳ. Vậy, chúng ta hãy thử tìm hiểu trước khi đi sâu hơn.

Câu hỏi đầu tiên có lẽ là "Tại sao phải có đối tượng cho sự chú ý? Mục đích tối hậu của chúng ta là phát huy sự tỉnh thức. Vậy, tại sao chúng ta không ngồi xuống rồi nhận thức tất cả những gì xảy ra trong tâm? Thật sự có pháp thiền dạy như vậy và được gọi là thiền vô cấu trúc (unstructured), rất khó tri hành. Tâm rất ma mãnh, và tư duy là một tiến trình vốn rất phức tạp. Nói cách khác, tâm bẩy chúng ta vô, giữ chúng ta lại và cột chúng ta vào dòng tư tưởng miên viễn. Dòng tư tưởng trôi chảy liên tục, tư tưởng nầy dẫn tới tư tưởng khác, rồi tưởng khác nữa, vân vân và vân vân. Một chặp sau tỉnh ra, chúng ta mới biết rằng mình bỏ trọn số thời gian vừa qua lay hoay trong giấc mộng ngày, hay trong ảo mộng ái ân, hay trong vòng lo âu thanh toán trả nợ nần.

Có sự khác biệt giữa cái biết đơn điệu (beeing aware of) một ý tưởng và cái suy tư (thinking) về một ý tưởng. Sự khác biệt rất tế nhị; nó thuộc vấn đề cảm nhận hay kết cấu (feeling or texture). Một ý tưởng mà bạn biết bằng sự chú ý đơn thuần có kết cấu hời hợt; giữa cái ý tưởng đối tượng và cái biết chủ thể dường như có một khoảng cách biệt. Ý tưởng này nổi lên như bong bóng và mất đi dễ dàng, không tạo thêm ý tưởng nối tiếp trong chuỗi tư tưởng trong đó nó vừa có mặt. Tư tưởng tỉnh thức có kết cấu chặt chẻ hơn. Nó có chiều sâu, có uy lực điều khiển và cưỡng chế. Nó kéo bạn vô dòng; nó điều động sự tỉnh giác; nó bắt bạn nghĩ liên tục; nó dắt bạn tới ý tưởng khác trong chuỗi tư tưởng một cách tức khắc (không có gián đoạn giữa các tư tưởng).

Tư tưởng tỉnh thức tạo nên một sự căn thẳng tương ứng nơi bạn, ví như sự co rút của cơ hay nhịp đập nhanh của tim. Tuy nhiên bạn không cảm thấy sự căn thẳng đó cho đến lúc bạn thật sự bị đau, vì tư tưởng tỉnh thức rất tham lam, nó chiếm lấy tất cả sự chú ý và không cho bạn chú ý tới cái gì khác hết, kể cả tác động của chính nó.

Sự khác biệt giữa cái biết đơn điệu và cái suy tư tỉnh thức có thật, dầu nó rất vi tế và khó nhận diện. Định (concentration) là một phương tiện rất cần để nhìn thấy sự khác biệt đó.

Sự tập trung sâu sắc có tác dụng làm chậm lại tiến trình của tư duy và làm tăng tánh nhạy bén của sự tỉnh thức. Kết quả là khả năng quan sát tiến trình của tư tưởng được nâng cao. Tập trung là chiếc kiến hiển vi giúp bạn nhìn thấu các trạng thái bên trong. Bạn dùng điểm hội tụ của sự chú ý để đạt sự-nhứt-điểm (one-pointed-ness) của tâm. Không có một điểm chuẩn, bạn dễ bị lạc huớng và dễ bị xô đẩy bởi các đợt sóng của sự đổi thay cứ đua nhau lùa vào tâm thức bạn một cách liên tu bất tận.

Chúng ta dùng hơi thở làm điểm hội tụ ấy. Nó làm bản doanh của tâm; tâm có đi rong rồi cũng phải quay về đó. Có được một điểm chuẩn rồi, bạn mới biết sự xao lãng (không tập trung chú ý) là gì. Bạn dùng điểm chuẩn đó như là cái khung tham khảo để nhận thức các đổi thay liên tục và các gián đoạn xảy ra liên miên, đổi thay và gián đoạn vốn được xem như thành phần thông thường của tiến trình tư duy.

Kinh tạng Pali xưa ví sự hành thiền như là cách thuần hóa một con voi rừng. Cách thức của thời bấy giờ là xiềng voi mới săn được vô cột bằng một sợi xích to. Dĩ nhiên là voi không vừa lòng; nó rống, đạp phá cột và trì kéo xiềng một thời gian liên tục. Lần hồi, biết không thể chống lại, nó dịu xuống dần. Bấy giờ người ta có thể bắt đầu tới gần và thảy cho nó thức ăn, với chút dè dặt dĩ nhiên. Sau cùng, người ta không còn cần xiềng và cột nữa mà có thể tập nó làm việc, và chủ voi có con vật đã thuần để sai khiến. Trong ẩn dụ này, con voi hoang là cái tâm hoang động của bạn, dây xiềng là sự tỉnh thức, trụ cột là đối tượng của thiền (tức hơi thở). Con voi đã thuần là tâm đã tu tập bằngđịnh để được sử dụng về sau trong công việc vô cùng gay go là xuyên thấu các lớp ảo tưởng đang che lấp sự thật. Thiền quán thuần hóa tâm.

Câu hỏi thứ nhì cần được trả lời là: Tại sao chọn hơi thở làm đối tượng chánh của thiền? Sao không chọn đối tượng nào khác hay ho hơn? Có nhiều lý do. Đối tượng được xem là hữu ích trong thiền quán là đối tượng khả dĩ phát huy sự tỉnh thức. Nó phải uyển chuyển, sẵn có và dễ tìm. Nó không thể là cái gì có thể làm ta vướng mắc vô trong các tâm trạng mà chúng ta đang muốn thoát ra, như là tham, sân và si. Hơi thở đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn vừa nói. Hơi thở, chúng ta ai cũng có. Nó đi theo chúng ta như bóng với hình. Nó có mặt từ lúc chúng ta sanh đến lúc chúng ta chết. Nó không tốn tiền mua.

Hơi thở là một động thái biết được không phải bằng khái niệm, mà bằng sự chứng nghiệm trực tiếp. Hơn thế nữa, nó là một tiến trình sống, một khía cạnh của đời sống biến động. Hơi thở hoạt động theo chu kỳ--hít vô và thở ra. Nó là một mô hình rút gọn của sự sống.

Cảm giác hơi thở rất tế nhị, nhưng rất rõ ràng nếu được theo dõi đúng cách. Chỉ cần một chút cố gắng là nắm bắt được nó ngay. Ai cũng có thể học được cả. Không khó. Vì các lý lẽ đó, hơi thở là một đối tượng thiền định lý tưởng. Thở là một tiến trình tự nhiên, diễn tiến theo nhịp điệu cá nhân và không cần có ý thức. Tuy nhiên, có thể thở nhanh hay chậm tùy ý muốn. Cũng có thể cố ý thở dài hay ngắn, thở nhẹ nhàng hay dồn dập. Sự quân bình giữa cách thở tự nhiên và thở cố ý khá tinh tế; nhưng có thể học được. Điểm va chạm của hơi thở trên mũi được xem như là cửa ra vào giữa hai thế giới nội tâm và ngoại cảnh. Đó là điểm nối kết và cũng là giao điểm chuyển đổi năng lượng để một phần của ngoại cảnh đi vào nội tại trở thành một chút của "cái tôi" và một phần của "cái tôi" thoát ra chan hòa với ngoại cảnh. Cũng là một điều cần học nữa về quan niện tự ngã và về sự hình thành của nó bắt nguồn từ nơi chúng ta.

Thở là tiến trình tự nhiên của mọi sinh vật. Có chứng nghiệm tiến trình này rồi, chúng ta hiểu các sinh vật khác dễ dàng hơn. Hơi thở giúp chúng ta cảm thông với các sự sống khác.

Sau cùng, thở là một động thái xảy ra trong khoảnh khắc hiện tiền, tức là ngay trong lúc này. Thông thường chúng ta không sống trong hiện tại mà sống với kỷ niệm của quá khứ và lo âu của tương lai. Hơi thở không có cái tánh "ngoài hiện tại đó". Mỗi khi chúng ta quan sát hơi thở là chúng ta đương nhiên ở trong hiện tại. Chúng ta rút mình ra khỏi cái khung của bức ảnh tâm linh để bước vô cái hiện tại. Trong yếu nghĩa này, hơi thở là một lát mỏng của thực tại. Quan sát mô hình thu nhỏ của đời sống (hơi thở) bằng sự tỉnh thức giúp chúng ta có cái nhìn nội quán rộng rãi khả dĩ áp dụng cho những gì còn lại trong đời sống của chúng ta.

Đã chọn hơi thở làm đối tượng thiền quán rồi, bước đầu tiên của bạn là phải tìm nó. Cái gọi là hơi thở mà bạn đi tìm là xúc giác vật lý mà bạn cảm nhận được do hơi thở ra vô chạm vào mũi bạn, ngay bên trong mũi bạn. Để định được vị trí chính xác của cái điểm xúc chạm đó (thay đổi tùy theo cá nhân), bạn hãy hít mạnh và nhanh vô và bạn sẽ nhận thấy ngay. Rồi thở mạnh và nhanh ra để xác định lại vị trí đó. Từ vị trí này bạn sẽ theo dõi hơi thở ra và vô. Khi bạn đã có điểm đối tượng rõ ràng rồi, đừng thay đổi hay đi lệch ra khỏi đối tượng đó. Hãy giữ điểm đối tượng đó để an định sự chú tâm. Điểm đối tượng ấy rất quan trọng, vì nếu không có nó, bạn sẽ theo hơi thở bằng cách đi ra đi vô cửa mũi, đi lên đi xuống ống khí quản, rượt theo nó mà không bao giờ nắm bắt được nó vì bản chất của nó là động, tức thay đổi liên miên.

Từng có dịp cưa gỗ, bạn hẳn đã biết cái mẹo cưa như thế nào rồi. Bạn không bao giờ nhìn vào răng cưa lên xuống để bị chóng mặt, mà bạn chú ý vào mối cưa tức là chỗ răng cưa ăn gỗ; chỉ có cách đó bạn mới cưa thẳng đường được. Là thiền giả, bạn tập trung chú ý vào điểm xúc chạm duy nhứt đó trên mũi. Rồi từ điểm chánh này bạn quan sát toàn chuyển động của hơi thở một cách miệt mài. Đừng tìm cách kiểm soát hơi thở. Đây không phải là một bài tập thở theo kiểu yoga. Tập trung vào chuyển động tự nhiên và tự phát của hơi thở. Đừng tìm cách điều chỉnh hay quan trọng hóa nó chút nào hết. Người mới vào thiền quán thường gặp trở ngại trong vấn đề này. Vì muốn tập trung vô điểm đối tượng, họ vô tình điều chỉnh hơi thở mình cho mạnh lên. Kết quả là họ cố gắng một cách không tự nhiên và sự cố gắng này có tác dụng ngăn cản hơn là trợ giúp sự tập trung. Đừng thở sâu hay thở ra tiếng. Thở ra tiếng làm người chung quanh khó chịu, nhứt là trong lúc hành thiền tập thể. Hãy để hơi thở ra vô tự nhiên như đang khi ngủ. Thư giãn và để cho hơi thở theo nhịp độ của nó.

Mới nghe qua thấy rất dễ, nhưng hành thiền quán hơi thở phức tạp hơn nhiều. Tuy nhiên bạn chớ nên thối chí khi đã cố tâm bước vô vườn thiền. Hãy dùng thiền như môt cơ hội để quan sát bản chất của sự chủ định (ý định có chủ ý). Quan sát sự tương quan tinh tế giữa hơi thở, sự thôi thúc kiểm soát nó và ý muốn thôi kiểm soát nó. Bạn sẽ thấy việc làm này không phải dễ thực hiện, nhưng là một kinh nghiệm đáng học và rồi mọi khó khăn sẽ qua đi với thời gian. Tựu chung, tiến trình thở sẽ trở nên tự nhiên mình ên, và bạn sẽ không còn phải làm gì với nó nữa. Tới lúc nầy chắc bạn đã học được một bài học quan trọng về cái thôi thúc kiểm soát vũ trụ của bạn rồi chứ?

Thở, mới xem qua, là một động tác vô vị và không có gì hay ho. Nhưng, nhìn kỹ, thở là một pháp rất phức tạp và hấp dẫn với nhiều biến thiên tế nhị. Có thở ra, hít vô, thở sâu, thở cạn, thở nhanh, thở chậm, thở nhẹ nhàng, thở hổn hển, vân vân. Những lối thở nầy phối hợp với nhau thành thiên hình vạn trạng. Quan sát kỹ lưỡng hơi thở, bạn sẽ thấy không biết bao nhiêu biến thể dầu rằng nó là khuôn mẫu lập đi lập lại của một chu kỳ. Nó giống như một bản nhạc giao hưởng. Đừng nhìn nó qua tướng trạng, tức là hơi thở ra và hơi thở vô, mà hãy miệt mài nhìn xuyên nó thấu vô trong. Mỗi hơi thở có điểm khởi đầu, điểm giữa và điểm cuối. Mỗi hít vô hay thở ra đều có sự sanh, sự dưỡng, sự hoại. Độ sâu và nhịp điệu của hơi thở tùy thuộc vào tình trạng cảm xúc của bạn, ý tưởng đi qua đầu bạn, và âm thanh bạn nghe được. Khảo sát các hiện tượng ấy, bạn sẽ thấy rất thích thú.

Nói vậy không có nghĩa là bạn sẽ ngồi thiền với mẫu chuyện trong đầu rằng: "Đang có hơi thở hổn hển và ngắn. Không biết hơi thở tới sẽ như thế nào?" Đừng, đó không phải là Vipassana. Đó là suy tưởng. Bạn có thể sẽ gặp nhiều trường hợp suy tưởng tương tự lúc ban đầu, nhưng rồi chúng sẽ bớt dần. Nếu có gặp, bạn chỉ cần ghi nhận rồi trở về với sự quan sát cảm giác do hơi thở tạo ra. Nếu gặp lại, bạn ghi nhận rồi trở lại, trở lại, và trở lại cho đến khi không còn gặp nữa.

Lúc bắt đầu quan sát hơi thở, thế nào bạn của gặp khó khăn. Tâm bạn đi rong liên tục, chạy lung tung như người say, chỉ tới được vòng ngoài chớ không vô được vòng trong. Đừng lo. Ai lại không biết cái "tâm viên[19]" ấy. Thiền giả có cách đối trị nó. Khi nào thấy nó xảy ra, chỉ ghi nhận sự việc là bạn có đang suy tư, mộng ngày, lo âu, hay bất kỳ cái gì khác. Rồi, không cần than vãn hay kết tội mình đã đi rong, mà chỉ nhẹ nhàng nhưng quyết tâm trở về với điểm xúc chạm của hơi thở. Lần sau, cũng làm vậy, làm vậy, và làm y như vậy.

Lần bước theo thiền, có một lúc bạn kinh ngạc nhận thấy tâm mình như đang lên cơn. Nó chí chóe, la hét, điên loạn, không còn kiểm soát được, và bạn vô vọng. Không sao cả. Bạn không điên loạn hơn ngày hôm qua đâu. Điên loạn đến với mọi người hằng ngày hằng giờ nhưng nào có ai biết. Bạn cũng không điên loạn hơn người chung quanh đâu. Chỉ có chút khác biệt là bạn đang đương đầu với điên loạn của bạn, còn họ thì không nên có ảo giác an lành thoải mái; nhưng họ không hơn bạn chút nào hết. Vô minh ngăn che và tạo ảo tưởng hân hoan, nhưng cái hân hoan đó không đi đến đâu cả, dĩ nhiên là không thể dẫn đến giải thoát. Vì vậy, bạn đừng để cho mình bị ảo tưởng đó phỉnh gạt; bạn hãy xem nó như một dấu hiệu của sự tấn phát. Bạn đã dám nhìn thẳng vào vấn đề, bạn đang đi ra khỏi vấn đề và đang trên đường đi lên đó.

Trong khi quan sát hơi thở, có hai tình trạng mà bạn cần tránh: suy tưởng và hôn trầm Tâm suy tưởng được biểu thị rõ ràng bởi hiện tượng "tâm viên" nói trên. Còn tâm hôn trầm là tâm có sự tỉnh thức lu mờ, nói theo nghĩa chung. Tâm ấy không dung chứa ý tưởng, thiếu sự quan sát hơi thở, và vắng bóng của tỉnh thức. Nó là một cái hố, một vùng tâm linh xám xịt không hình tướng, giống như một giấc ngủ không mộng mị. Tâm hôn trầm là cái rỗng không. Hãy tránh nó. Nếu gặp phải nó, chỉ cần ghi nhận rồi trở về với điểm xúc chạm của hơi thở.

Thiền minh sát là một chức năng linh hoạt. định[20] là một hình thức chú ý miệt mài và năng nổ vào một đối tượng duy nhứt. Tỉnh thức[21] là sự chú tâm sáng tỏ và minh triết. Samadhi và Sati là hai chức năng chúng ta cần trao dồi. Nhưng như đã đoán biết, chúng không có mặt trong tâm hôn trầm, cái tâm chỉ khổ làm bạn buồn ngủ và mất thì giờ.

Quan sát cảm nhận xúc chạm khi hít vô. Cảm nhận xúc chạm khi thở ra. Hít vô, thở ra và quan sát những gì xảy ra. Thực tập một thời gian (nhiều tuần hay tháng), bạn sẽ bắt đầu cảm nhận sự xúc chạm như một đối tượng vật lý. Tiếp tục, hít vô và thở ra. Quan sát những gì xảy ra. Khi tâm Định của bạn trở nên thâm sâu, bạn sẽ bớt bị quấy rối bởi "tâm viên." Hơi thở của bạn chậm lại và bạn có thể theo dõi nó dễ dàng, không bị gián đoạn thường xuyên. Bạn bắt đầu chứng đạt trạng thái an tĩnh, tự do, và không còn bị vướng mắc bởi các uế nhiễu như lúc trước. Không còn tham, sân, si. Không còn bị động tâm. Không còn lo sợ. Cũng nên nói ngay rằng tình trạng an tĩnh chứng đạt được này có tính cách nhứt thời; nó chấm dứt khi bạn xả thiền. Tuy nhiên, nó vẫn có tác dụng làm thay đổi đời bạn: nó là bước đầu dẫn đến giải thoát. Đừng bao giờ mong được hỷ lạc ngay tức khắc. Đường đi còn dài, cần nhiều thời gian và nổ lực.

Thiền định không phải là một cuộc so tài; nó có mục đích riêng của nó. Thiền định không có thời khóa biểu; nó phải diễn tiến tự nhiên. Điều bạn cần làm trong thiền định là đào càng lúc càng sâu xuống qua các lớp ảo tưởng để đạt tới chân lý tối thượng của đời sống. Một tiến trình rất hấp dẫn và thỏa đáng mà bạn có thể vui với, phải không? Nhưng chớ nên hối hả tìm cầu.

Sau một thời thiền nghiêm túc, bạn sẽ cảm thấy tâm mình vui tươi và sinh khởi. Bạn sẽ trở nên bình tĩnh, phấn chấn và giàu nghị lực khả dĩ giúp bạn giải quyết công việc hằng ngày một cách dể dàng và có hiệu quả. Bấy nhiêu đó cũng có thể gọi là một phần thưởng xứng đáng lắm rồi. Nhưng cần nói ngay rằng mục đích của thiền không phải chỉ có vậy. Do đó, nếu bạn đặt nặng vấn đề giải quyết công việc hằng ngày, bạn sẽ bị "gậy ông đập lưng ông," tức là sự chú ý sẽ hướng về sự giải quyết đó và làm bạn xao lảng việc thiền quán. Đừng nghĩ tới vấn đề hằng ngày trong lúc thiền. Hãy khéo léo dẹp chúng qua một bên.

Đừng quan tâm đến bất kỳ mối lo âu nào hay công việc gì. Xem thời thiền như là một lúc đi nghỉ hè đúng nghĩa của hai chữ nghỉ hè. Rồi dùng nguồn năng lực mới sản sinh và tâm sảng khoái phát sanh từ thiền, để làm bạn tin nơi bạn, tin nơi khả năng giải quyết vấn đề của bạn hơn. Tin bạn như vậy, mọi việc sẽ tốt đẹp.

Không nên đặt cho bạn một mục tiêu thiền quá tầm. Nên uyển chuyển với chính bạn. Lúc đầu, vì nghe nói phải theo dõi hơi thở liên tục không ngừng nghỉ, người học thiền nào cũng có xu hướng cố gắng làm một cách tỉ tỉ và hoàn chỉnh đến độ thái quá. Nên thực tế hơn và học từ từ bằng cách quan sát từng đơn vị nhỏ, hết cái nầy tới cái khác. Lúc bắt đầu hít vô, hãy tự nói với mình là chỉ theo dõi hơi thở trong khoảnh khắc hít vô mà thôi. Rồi, trước khi thở ra, cũng tự nói rằng chỉ theo dõi hơi thở trong khoảnh khắc thở ra mà thôi. Chưa quen nên dễ quên. Nếu quên, bạn làm lại. Chỉ quan sát một hơi thở mỗi lúc. Đó là mức độ của trò chơi mà bạn chắc chắn sẽ thắng. Bám vào nó và xúc tiến từng bước một--áp dụng ý chí mới nảy sanh vào mỗi chu kỳ thở. Quan sát mỗi hơi thở một cách tỉ mỉ và thận trọng, mỗi lần một hơi, và với ý chí mới nảy sanh chồng cái nầy lên cái kia. Bằng cách đó, bạn sẽ đạt sự tỉnh giác liên tục không gián đoạn.

Thở với tỉnh giác là tỉnh thức trong hiện tại. Khi thở với tỉnh giác, bạn chỉ biết có những gì xảy ra trong hiện tại. Bạn không nhìn về quá khứ hay nghĩ tới tương lai. Bạn quên hơi thở vừa qua và không mong hơi thở sắp đến. Khi bắt đầu hít vô, bạn không để ý tới lúc cuối của sự hít vô. Bạn cũng không nghĩ tới hơi thở ra sắp tới ngay sau đó. Bạn chỉ ở ngay trong khoảnh khắc (sát na) hiện tại với những gì đang xảy ra. Bắt đầu hít vô, bạn chỉ chú tâm vào đó và chỉ vào đó mà thôi.

Pháp hành thiền minh sát nhằm mục đích huấn luyện lại bạn. Tình trạng mà bạn hướng tâm đến là tình trạng trong ấy bạn có sự tỉnh giác hoàn toàn với những gì đang xảy ra, đúng lúc chúng xảy ra; tỉnh thức toàn diện và không bị gián đoạn mải mai nào cả trong hiện tại. Mục tiêu này rất cao nên khó thể đạt được tức thời. Cần phải tập luyện, và tập luyện từng chút một. Và, bạn bắt đầu bằng cách, với sự tỉnh giác hoàn toàn, quan sát một cái hít vô duy nhứt trong khoảnh khắc ngắn. Khi thành công với cái bắt đầu này rồi, bạn sẽ bước lên con đường thực nghiệm mới.

-ooOoo-

Chương 8

TỔ CHỨC PHÁP HÀNH THIỀN CỦA BAN

Những gì trình bày tới đây đều là lý thuyết. Bây giờ, hãy bắt tay vô thực hành. Lúc còn là một bé tí teo, bạn chưa biết đi, phải có người dỗ dành khuyến khích bạn, xách tay dìu bạn đi, tập bạn bỏ chân bước lên, vân vân, cho đến khi bạn tự đi một mình. Những dẫn dắt ấy là việc thực hành chánh thức cho bạn biết đi. Trong thiền, bạn cũng theo thủ tục căn bản như vậy. Đó là thực hành.

Trước tiên, bạn cần lập một thời khóa biểu để biết lúc nào có thể thiền và chỉ hành thiền mà thôi. Tiếp theo, bạn để dành một thời lượng nào đó, đặc biệt cho việc trau dồi kỹ năng tâm linh gọi là tỉnh thức; bạn chỉ định khoảng thời gian riêng ấy cho sinh hoạt đó, gọi là thiền. Sau cùng, bạn tổ chức môi trường thiền của bạn sao cho tâm thiền của bạn khỏi bị nhiễu loạn.

Tập phát triển tỉnh thức không phải dễ thực hiện, bởi từ lúc chào đời tới nay bạn đã quen sống với tập quán tâm linh, một quá trình rất đối nghịch với tiến trình phát triển tỉnh thức liên tục. Muốn tách rời bạn ra khỏi các tập quán ấy, phải cần một ít chiến thuật. Như nói trước đây, tâm bạn như ly nước đục. Nước đục cần được lắng trong để nhìn thấy rõ ràng bên trong. Cách lắng hay nhứt là để nước đục đứng yên; dành cho nước đục một thời gian, nó sẽ lắng trong. Trong thiền, bạn cũng dành thời gian cho tâm lắng đọng. Nhìn bên ngoài thấy ngồi yên lặng như phỗng đá[22], bạn tưởng như không ích lợi. Nhưng nhìn vào bên trong, bạn sẽ thấy có nhiều thay đổi đang xảy ra. Chén súp tâm linh đang lắng đọng, và tâm bạn sẽ có sự sáng suốt cần thiết để chuẩn bị cho bạn thấy rõ và biét rõ các sự việc xảy ra trong đời.

Nói vậy không có nghĩa là bạn phải thúc ép tâm lắng đọng mà hãy để nó lắng đọng tự nhiên. Việc ngồi yên trong tỉnh thức làm tâm lắng đọng. Còn ép buộc trái lại không hiệu quả. Tìm cách bứng gốc tâm sở ra khỏi tâm (có thể thành công trong lúc đầu) chỉ giúp thêm sinh lực cho chúng và tạo cơ hội cho chúng hùng mạnh. Chúng núp trong tiềm thức, đợi lúc bạn không để ý, sẽ nhảy sổ ra và bấy giờ bạn sẽ phải chiến đấu với chúng một cách khó khăn thập bội.

Cách lắng tâm tốt nhứt là để nó yên cho nó tự lắng. Đừng thêm sinh lực cho nó. Chỉ quan sát tâm vận hành mà không tham gia vào sự vận hành của nó. Rồi khi nó lắng đọng, nó sẽ tự giữ tình trạng lắng đọng đó. Bạn chỉ dùng sinh lực trong thiền chớ không thúc ép[23]. Nổ lực duy nhứt của bạn là sự tỉnh thức nhẹ nhàng và kiên nhẫn.

Thời thiền được ví như là một thiết diện của trọn một ngày của bạn. Chuyện gì xảy ra trong ngày được tàn trử trong tâm dưới hình thức hoặc cảm xúc hoặc cảm giác. Trong sinh hoạt hằng ngày, bạn thường bị áp lực của sự việc xảy ra, khiến cho các vấn đề căn bản cần được giải quyết ít khi được giải quyết rốt ráo. Chúng vùi trong tiềm thức, tại đây chúng sôi sục và trở nên mối nguy hại. Vậy mà bạn nào đâu có hay và cứ bảo tại sao mình bị căn thẳng. Thiền là cơ hội cho bạn thấy rõ và biết rõ chúng là gì, và cho chúng nổi lên rồi đi qua. Như vậy, bạn thiền hằng ngày là bạn gieo duyên cho chúng giải thoát; bạn tỉnh giác theo chu kỳ; và thỉnh thoảng bạn vứt ra ngoài các sự việc đang nung nấu tâm bạn. Bạn đến một nơi yên tĩnh và ngồi tỉnh lặng, tất cả sẽ nổi lên và thoát ra. Kết quả là tâm bạn trở nên rỗng rang và trong sáng lại.

NGỒI Ở ĐÂU?

Tìm một chỗ riêng biệt, ít tiếng động, một chỗ mà bạn có thể ngồi một mình. Không cần phải là một chỗ lý tưởng trong rừng sâu. Chỗ lý tưởng như vậy khó tìm ra trong thời buổi này lắm. Nhưng bạn có thể tìm một chỗ làm bạn cảm thấy thoải mái và không bị quấy rầy. Cũng nên có một chỗ kín đáo để bạn không có cảm tưởng mình bị dòm ngó. Bạn dành trọn sự chú của mình cho thiền và không quan tâm đến việc mình như thế nào dưới mắt người khác. Chỗ thiền của bạn không cần phải cách âm, nhưng bạn nên tránh nơi có tiếng động, nhứt là những tiếng động khó chịu. Nhạc và nói chuyện là một vài thứ tiếng động khó chịu nhứt bởi tâm bị thu hút vô đó không kiểm soát được.

Có một số trợ cụ giúp bạn tạo nên tâm trạng thiền thích hợp. Phòng tối với ngọn đèn cầy, chẳng hạn. Nhang cũng rất tốt. Cái chuông nhỏ để thỉnh lúc bắt đầu và chấm dứt cũng thường được dùng. Đó là những linh tinh cá nhân dùng để giúp chớ không phải cần thiết cho thiền, như bạn đã biết.

Nhiều người thích có chỗ ngồi cố định đặc biệt dành cho thiền, bởi khi ngồi xuống đó là họ biết mình có sự an tĩnh, và sự an tĩnh giúp họ đạt trạng thái thiền sâu nhanh chóng. Đối với bạn, chỗ nào bạn thấy thích hợp là quan trọng nhứt. Bạn có thể thử nghiệm, nghĩa là bạn ngồi nhiều chỗ rồi chọn chỗ bạn thích nhứt làm chỗ cố định của bạn. Chỗ ấy phải là chỗ mà bạn cảm thấy không bị e dè hay bị phân tâm.

Nhiều người thích ngồi chung trong nhóm. Tinh thần nhóm giúp họ giữ thời khóa thiền dễ dàng hơn vì sự khuyến khích của nhiều người. Tinh thần trách nhiệm của đoàn viên cũng là một yếu tố thúc đẩy tốt; bạn đã hứa, bạn phải giữ lời. Và, câu nói thông thường "Tôi bận" khó thể thốt ra. Bạn có thể tìm nhóm thiền chỗ bạn ở để gia nhập. Bạn đừng quan tâm đến lối hành thiền của họ, miễn sao họ giữ yên lặng lúc hành thiền là đủ. Ngoài ra, bạn cũng nên tin nơi mình hơn chớ đừng trông cậy nơi nhóm nhiều quá. Làm đúng cách, ngồi xuống là một thú vui rồi. Do đó, nhóm nên được xem như một hỗ trợ hơn là một cái nạn chống đỡ bạn.

NGỒI LÚC NÀO?

Áp dụng pháp Trung Đạo của Phật giáo: đừng ngồi nhiều quá hay ít quá. Đó có nghĩa là không nên ngồi theo cảm hứng mà hãy ngồi theo thời khóa và kiên trì giữ lấy thời khóa đã lập. Tự nguyện theo thời khóa chớ không phải bị ai ép buộc. Hễ bạn mà thấy bực bội khi theo thời khóa là bạn có vấn đề rồi đó. Thiền không phải là một bổn phận hay một thúc ép.

Thiền là một sinh hoạt tâm lý. Bạn muốn làm việc với cảm giác và cảm xúc. Vì vậy, thiền là một sinh hoạt rất nhạy cảm với thái độ theo đó bạn vào thiền. Bạn mong gì thì bạn sẽ đạt được cái đó. Suất hành thiền của bạn sẽ tốt đẹp nếu bạn hâm hở lúc ngồi xuống. Nếu bạn ngồi với những chán ngán, bạn sẽ chán chường. Nên tập có thói quen thiền và sống với thói quen thiền đó suốt đời bạn.

Sáng sớm là lúc tốt nhứt để thiền; bạn còn tỉnh mỉnh truớc khi bị ngập tràn bởi công việc. Thiền lúc sáng sớm là một cách tốt đẹp để bắt đầu một ngày mới. Nó thích nghi bạn và giúp bạn giải quyết vấn đề một cách có hiệu quả. Bạn sẽ lướt qua ngày một cách nhẹ nhàng hơn. Cần lưu ý rằng bạn phải luôn luôn tỉnh thức, chớ ngồi đó mà gật gà gật gù thì chẳng ích gì. Nên rữa mặt hay tắm trước khi thiền. Cũng nên tập vài cử động thể dục cho máu lưu thông trước khi ngồi xuống. Làm gì mà bạn thấy cần làm để tỉnh thức hoàn toàn trước khi thiền thì nên làm. Đừng để tâm trí bận rộn bởi những lo toan hằng ngày. Quên hết rồi ngồi xuống và chú tâm vào thiền.

Chiều tối là một thời điểm khác cũng rất tốt cho thiền. Tâm bạn lúc bấy giờ đầy ấp rác rến tâm linh mà bạn đã gom góp suốt ngày; bạn cần tống khứ chúng trước khi nằm xuống dỗ giấc. Thiền sẽ giúp bạn làm việc đó để tâm bạn được rỗng không và bạn có giấc ngủ sâu.

Lúc mới tập thiền, bạn chỉ thiền một lần trong ngày là đủ. Nếu bạn thấy thích thì thiền thêm, nhưng đừng tham quá để tránh sự kiệt quệ thường thấy nơi người mới tập thiền. Họ thiền mười lăm giờ mỗi ngày trong vài tuần rồi vở lẽ, và thấy thiền mất thì giờ quá khiến họ không đủ thì giờ cho một ngày sống. Hãy tránh cái bẫy ấy. Đừng làm bạn kiệt quệ trong tuần lễ đầu. Cố gắng nhưng kiên trì và liên tục. Hãy đưa thiền vào đời sống hằng ngày của bạn và để công phu tập luyện trau dồi từ từ và nhẹ nhàng.

Khi bạn thích thiền rồi, bạn sẽ tìm và đương nhiên sẽ có nhiều thì giờ hơn. Sự thật là như vậy. Không cần ép buộc. Người có kinh nghiệm thiền rồi có thể có ba-bốn giờ mỗi ngày để thiền. Họ xen thiền vô nhưng vẫn sống đời bình thường, sống tự nhiên, sống vui.

NGỒI BAO LÂU?

Bạn cũng áp dụng quy tắc Trung Đạo: ngồi bao lâu bạn có thể, nhưng đừng quá trớn. Hầu hết các người mới nên ngồi 20-25 phút là đủ. Trong giai đoạn đầu rất khó ngồi lâu và đạt kết quả tốt cùng lúc. Nhiều người không quen với thế ngồi nên cần thì giờ để làm quen. Tâm cũng chưa quen nên cũng cần thích nghi.

Khi bạn đã quen rồi, bạn có thể lần lần ngồi lâu hơn. Chúng tôi nghĩ rằng sau một năm, bạn có thể ngồi thoải mái trong suốt một tiếng.

Sau đây là một điểm quan trọng cần lưu ý: thiền minh sát không phải là một hình thức tu khổ hạnh. Tự hành xác không phải là mục đích. Bạn tìm cách trao dồi sự tỉnh thức chớ không phải sự thúc ép thân xác. Bạn không thể tránh được một ít đau nhức, nhứt là tê chân (mà bạn sẽ học cách đối trị nơi chương 10), nhưng bạn không cố ý hành xác bạn. Có một số kỹ thuật và thái độ đặc biệt mà bạn cần học để tránh sự bất an. Điểm cần nhấn mạnh ở đây là: bạn không phải đang dự thi sức chịu đựng; bạn không cần khoa trương với ai hết. Do đó, bạn không cần ngồi lâu với đau nhức để khoe rằng bạn đã ngồi được một tiếng. Đó là một cách luyện bản ngã vô ích. Đừng ngồi quá lâu lúc ban đầu. Hãy biết sức mình và đừng trách mình sao không thể ngồi lâu như phỗng đá.

Khi thiền bắt đầu là một phần của đời sống bạn, bạn có thể nới suất thiền của mình lên trên một tiếng. Nguyên tắc tổng quát là chọn thời gian sao cho bạn thoải mái thì thôi, rồi ngồi lâu hơn năm phút là tốt nhứt. Không có luật lệ nào cho thời gian ngồi lâu hay mau hết. Dầu bạn đã chọn một thời gian tối thiểu rồi, có lúc bạn cũng không thể ngồi theo thời khóa biểu! Không sao, nhưng đừng nên bỏ cuộc trong ngày đó. Điều cần yếu là phải có ngồi hằng ngày. Dầu mười phút cũng rất tốt.

Bạn phải quyết định thời lượng trước khi ngồi. Nên chọn một thời gian vừa phải và cứ theo đó mà thiền. Đừng so đo trong lúc ngồi vì bạn sẽ dễ thua bởi thiếu kiên nhẩn. Khi gặp phải trường hợp này, nên quan sát tỉ mỉ để biết bản chất của sự thiếu kiên nhẫn.

Bạn có thể dùng đồng hồ nhưng đừng nhìn nó mỗi hai phút để biết bạn tới đâu. Sự tập trung chú ý của bạn sẽ nhường chỗ cho bồn chồn nhảy vô. Và, bạn sẽ mong suất mau xong để được đứng lên. Đó không phải là thiền--cái sự bồn chồ canh giờ ấy. Đừng nhìn đồng hồ cho đến khi bạn nghĩ suất thiền của bạn đã xong. Thực tình, bạn không cần canh đồng hồ. Bạn ngồi bao lâu là tùy bạn. Không có thời gian kỳ diệu nào cả. Tốt nhứt là bạn chọn một thời gian tối thiểu để tránh khuynh hướng ngồi những suất quá ngắn.

Bạn sẽ bỏ cuộc mỗi khi có chuyện gì không hay xảy ra hay lúc bạn cảm thấy bồn chồn? Đừng. Những kinh nghiệm đó rất hữu ích cho bạn nhận diện, nếu bạn trì chí ngồi lại. Bạn cần học cách quan sát chúng một cách rõ ràng và tĩnh lặng. Quan sát chúng với tỉnh thức để thấy rõ và biết rõ chúng. Hơn thế nữa, khi bạn có dịp "chào" chúng, chúng sẽ ra đi. Nhìn chúng, bạn sẽ thấy chúng chỉ là những giao động sanh rồi diệt, chúng chỉ là những diễn viên của câu chuyện tàn hoại. Nhờ đó, đời bạn sẽ trở nên êm ả hơn bội phần.

"Kỹ luật" là một từ chắc bạn không ưa. Nó tạo nên hình ảnh có người nào đó cầm roi đứng canh chừng bạn, nói rằng bạn sai. Nhưng "tự xét" thì khác. Nó là kỹ thuật giúp bạn nhìn thấy mình và chỉnh sửa các tùy hứng của bạn. Tùy hứng là những hối thúc, dụ dỗ, khoát nạt, vân vân. Chúng không có roi trên tay, nhưng bạn thường nhịn thua chúng vì thói quen và không chịu khó quan sát chúng kỹ càng xa hơn cái mức sợ chúng. Hãy nhìn sâu và quan sát những gì xảy ra--bồn chồn, lo lắng, thiếu kiên nhẫn, bất toại nguyện--chỉ quán xét chớ không nhập cuộc. Bạn sẽ ngạc nhiên thấy chúng đi qua. Chúng sanh rồi diệt. Chúng rỗng không. Rất đơn giản như vậy. Có thêm một từ nữa để chỉ sự "tự xét": nhẫn.

-ooOoo-

TIẾN HÀNH THIỀN

Cố gắng đúng mức không phải
là cố gắng tạo nên cái gì đặc biệt.
Đó là cố gắng biết rõ và biết sâu ở mỗi lúc,
là cố gắng vượt qua sự lười biếng và các uế nhiễm,
và là cố gắng làm mỗi sinh hoạt của ngày thiền của chúng ta.
-- Ajahn Chah

-ooOoo-

CHƯƠNG 9

THỰC TẬP

Theo truyền thống Theravada, mỗi suất thiền đều bắt đầu bằng nhiều lời cầu nguyện. Bạn có thể xem sự cầu nguyện này như là một nghi thức vô thưởng vô phạt nếu không muốn hành theo. Cũng nên biết những lể nghi của nghi thức đó được thiết lập và kiện toàn bởi nhiều tôn đức tăng ni với mục đích rất thực tiển. Bạn nên quán xét cho biết.

Lúc tại thế, Đức Phật bị xem như người không chấp chặt nghi lễ, thứ nghi lễ mà xã hội lúc bấy giờ tôn sùng tuyệt đối. Ngài bị cáo oan. Ngài không nghĩ rằng nghi lễ là điều vô ích. Nhưng Ngài tin rằng nghi lễ hành trì chỉ vì nghi lễ không giúp ai ra khỏi bẩy[24] cả. Nếu bạn nghĩ rằng bạn chỉ cần lập lại các chữ trong kinh thì được cứu rỗi, bạn bị dính mắc vào từ và ý niệm rồi. Và bạn đang dang ra hơn là tiến tới "sự thật bất văn tự". Do đó, hành giả phải hiểu rõ lời cầu nguyện là gì và linh nghiệm như thế nào. Chúng không phải là những phù phép có tánh chất ma thuật. Trái lại, chúng là những phương tiện dùng để thanh tịnh hóa tâm, nên chi rất cần sự tham gia tích cực của tâm để biến chúng thành linh hiệu. Cầu nguyện với sự thiếu chú tâm là một việc làm vô ích. Thiền minh sát là một sinh hoạt tâm lý vi tế, và tâm thiền của hành giả rất quan trọng cho sự thành công. Thành công lớn nhứt thường đến với tâm trạng tỉnh lặng và thiện tín. Kinh chú giúp phát huy tâm trạng ấy. Dùng đúng, kinh chú là phương tiện hữu dụng trên đoạn đường giải thoát.

HƯỚNG DÂN BA CHIỀU

Thiền là một việc làm khó. Nó vốn là một hoạt động cô độc. Bạn phải đơn phương chiến đấu với biết bao vây cánh hùng mạnh của tâm, cũng chính là cái tâm đang hành thiền đó. Khi vô vòng, bạn sẽ thấy mình đối đầu với một sự thật kinh hoàng. Một hôm, ngồi xuống, nhìn vào trong, bạn thấy và biết rằng cái mà bạn đang chiến đấu muôn vàn khó khăn. Nó là một bức trường thành kiên cố đến đỗi không một tia sáng nào có thể lọt qua. Bạn ngồi đó, chăm chăm nhìn vào bức thành ấy rồi buộc miệng thở than: "Đó là cái mà tôi phải thắng sao? Vô phương! Cả một thế giới. Là tất cả những gì tôi tự phải xác định và tìm hiểu. Và nếu tôi dẹp chúng đi, thế giới sẽ còn gì? Tôi sẽ mất hết. Tôi không thể nào chiến thắng chúng được. Tôi không thể."

Cảm giác ấy gieo cho bạn một sự lo sợ khũng khiếp và một sự cô độc kinh hoàng. Bạn nghĩ rằng: "Tôi đây, một mình, sẽ phãi xô ngả bức trường thành kiên cố ngoài sức tưởng tuợng của tôi sao!" Để hóa giải cảm nghĩ đó, bạn nên tự nhủ rằng bạn không đơn độc. Đã có nhiều người khác đi qua con đường này rồi. Họ đả xuyên thấu bức thành ấy và đến được với nguồn sáng. Họ đã tìm ra một số phương pháp giúp họ thành công và họ từng chung sức trong tinh thần huynh đệ hỗ tương. Người tiên phong là Đức Thế Tôn. Sau Ngài có thêm nhiều tôn giả thành công khác nữa. Ngài đã lưu lại nhiều lời chỉ dẫn được kết tụ trong Kinh điển để hướng dẫn những ai chọn con đường chiến đấu. Ngài đã sáng lập Tăng già, tổ chức tăng ni để giữ gìn con đường chiến đấu và hỗ trợ lẫn nhau trên bước đường ấy. Bạn không phải là người đơn độc, và việc làm của bạn không phải vô vọng.

Thiền cần năng lực. Bạn cần có can đảm để đương đầu với những tình huống khó khăn và chấp nhận các trạng thái tâm linh bất toại nguyện. Không thể lười biếng được. Để thêm sức, bạn nên tự lập lại lời nguyện sau với sự chú tâm và thành khẩn:

"Tôi sắp dấn bước trên con đường Đức Phật và các Đại Đệ Tử của Ngài đã đi qua. Kẻ lười biếng không thể đi trên con đường ấy. Nguyện cầu tôi đầy đủ nghị lực. Nguyện cầu tôi thành công như ý."

TỪ BI

Thiền minh sát là một sự luyện tập về tỉnh thức, tức là một "sự hiểu biết trong sự vắng mặt của cái tôi". Đó là một phương cách diệt tự ngã bằng cái nhìn thâm sâu của tâm thức. Hành giả bắt đầu thiền với một cái tôi đầy uy lực. Khi thiền, tỉnh thức sẽ quan sát chức năng của cái tôi, xuyên thấu đến tận gốc rễ của nó, và diệt từng phần một của nó. Có một chút lẩn quẩn mâu thuẩn trong tiến trình này. Nếu nói rằng tỉnh thức là "sự hiểu biết không có cái tôi", vậy thì nếu hành giả bắt đầu thiền với cái tôi đầy uy lực, thử hỏi làm sao hành giả có thể có đủ tỉnh thức để bắt đầu? Được biết tỉnh thức hiện diện trong mỗi giây mỗi phút. Vấn đề chánh là phải làm sao quy động cho đủ tỉnh thức hầu công tác được hoàn tất mỹ mãn. Có cách. Hành giả có thể làm suy yếu các vây cánh hung bạo của cái tôi để cho tỉnh thức khỏi phải đối phó quyết liệt hầu sự huy động được dễ dàng.

Tham ái và sân hận là hai vây cánh hung bạo nhứt của cái tôi. Nếu chúng hiện diện với năng lực đầy đủ, tỉnh thức sẽ phải rất vất vả. Bạn có thể kiểm chứng dễ dàng sự việc này. Lúc ngồi xuống thiền, giả sử bạn cứ loay hoay với việc kiếm thêm tiền, chắc bạn sẽ không làm gì hơn là nghĩ đến tiền trong suốt suất thiền ấy. Hoặc giả nếu bạn đang giận vì một lời chữi mắng nào đó, chắc bạn cũng không thể đi sâu vào thiền. Mỗi ngày chỉ có hai mươi bốn giờ, vậy bạn chớ nên phí giây phút thiền quý báu nào của bạn hết.  Truyền thống Theravada có đề xướng phương cách giúp bạn tháo gở khỏi tâm bạn các chướng ngại như vừa nói, ít ra là trong giai đoạn tạm thời, để bạn có thể diệt chúng về sau.

Bạn có thể dùng ý tưởng này để trung hòa ý tưởng kia. Bạn có thể cân bằng cảm giác tiêu cực bằng cảm giác tích cực. Bố thí là đối cực của tham ái. Từ bi hóa giải sân hận. Nên hiểu rõ rằng đó không phải là cách muốn giải thoát bạn bằng sự tự thôi miên đâu nhé. Bạn không thể điều kiện hóa Giác Ngộ (cannot condition Enlightenment). Niết Bàn là trạng thái không điều kiện hóa được. Người giác ngộ tự nhiên từ bi hỷ xả, chớ không phải người được điều kiện hóa để trở nên như vậy. Người trở nên trong trắng thanh cao vì cái bản chất thực trong trắng thanh cao không còn bị cái tôi chế ngự nữa. Do vậy, không có sự điều kiện hóa nào cả. Chỉ có y học tâm lý (tâm y). Nếu bạn dùng thuốc tâm y ấy đúng cách chỉ dẫn, bạn sẽ khỏi các chứng bịnh đang hoành hành bạn. Rồi bạn có thể trị dứt căn bịnh.

Bạn bắt đầu bằng cách diệt các ý tưởng giận hờn mình và kết tội mình. Bạn để cho cảm nghĩ tốt đẹp và lời chúc tốt đẹp đến với bạn trước tiên. Một việc làm tương đối dễ thôi. Rồi, bạn rải đến những nguời chung quanh. Từ từ bạn rải rộng ra đến mọi người, kể cả nguời mà bạn gọi là kẻ thù, và đến mọi chúng sanh. Làm đúng, việc làm rất dễ ấy của bạn sẽ có một linh hiệu vô song.

Trước mỗi suất thiền, bạn hãy chú tâm đọc các lời nguyện sau đây:

1. Nguyện cho tôi có đầy đủ sức khỏe, bình an và hạnh phúc; không gặp khó khăn, phiền toái; hanh thông trong mọi vấn đề; thành công như ý; và có đầy đủ kiên nhẫn, nghị lực, can đãm cũng như hiểu biết để vượt qua mọi trở ngại hay thất bại không thể tránh trong đời.

2. Nguyện cho cha mẹ tôi có đầy đủ sức khỏe, bình an và hạnh phúc; không gặp khó khăn, phiền toái; hanh thông trong mọi vấn đề; thành công như ý; và có đầy đủ kiên nhẫn, nghị lực, can đãm cũng như hiểu biết để vượt qua mọi trở ngại hay thất bại không thể tránh trong đời.

3. Nguyện cho thầy tôi có đầy đủ sức khỏe, bình an và hạnh phúc; không gặp khó khăn, phiền toái; hanh thông trong mọi vấn đề; thành công như ý; và có đầy đủ kiên nhẫn, nghị lực, can đãm cũng như hiểu biết để vượt qua mọi trở ngại hay thất bại không thể tránh trong đời.

4. Nguyện cho thân thuộc tôi có đầy đủ sức khỏe, bình an và hạnh phúc; không gặp khó khăn, phiền toái; hanh thông trong mọi vấn đề; thành công như ý; và có đầy đủ kiên nhẫn, nghị lực, can đãm cũng như hiểu biết để vượt qua mọi trở ngại hay thất bại không thể tránh trong đời.

5. Nguyện cho bạn bè tôi có đầy đủ sức khỏe, bình an và hạnh phúc; không gặp khó khăn, phiền toái; hanh thông trong mọi vấn đề; thành công như ý; và có đầy đủ kiên nhẫn, nghị lực, can đãm cũng như hiểu biết để vượt qua mọi trở ngại hay thất bại không thể tránh trong đời.

6.  Nguyện cho mọi người có đầy đủ sức khỏe, bình an và hạnh phúc; không gặp khó khăn, phiền toái; hanh thông trong mọi vấn đề; thành công như ý; và có đầy đủ kiên nhẫn, nghị lực, can đãm cũng như hiểu biết để vượt qua mọi trở ngại hay thất bại không thể tránh trong đời.

7. Nguyện cho người tôi không ưa có đầy đủ sức khỏe, bình an và hạnh phúc; không gặp khó khăn, phiền toái; hanh thông trong mọi vấn đề; thành công như ý; và có đầy đủ kiên nhẫn, nghị lực, can đãm cũng như hiểu biết để vượt qua mọi trở ngại hay thất bại không thể tránh trong đời.

8. Nguyện cho mọi chúng sanh có đầy đủ sức khỏe, bình an và hạnh phúc; không gặp khó khăn, phiền toái; hanh thông trong mọi vấn đề; thành công như ý; và có đầy đủ kiên nhẫn, nghị lực, can đãm cũng như hiểu biết để vượt qua mọi trở ngại hay thất bại không thể tránh trong đời[25].

Sau khi nguyện xong, bạn hãy quên mọi khó khăn cũng như phiền toái và chú tâm vào thiền. Bỏ tất cả. Nếu chúng trở lại, bạn quán xét chúng như là vậy, như là những trò tiêu khiển.

Cũng nên hành hạnh Từ (Metta) truớc giờ ngủ và sau giờ thức dậy. Bạn sẽ ngủ không mộng mị và ngon giấc hơn. Bạn sẽ dậy dễ dàng và tuơi tỉnh hơn. Bạn cũng sẽ dễ thân thiện hơn với mọi người, bạn như thù, người hay mọi sinh chúng khác.

Sân hận thường gây bực mình lớn nhứt cho tâm, nhứt là tâm tỉnh lặng. Bạn phẩn uất khi nhớ lại một biến cố từng gây đau đớn cho thân hay tâm bạn. Rồi bạn đâm ra bồn chồn, trầm cảm, khó chịu, và lo âu. Bạn không thể nào tiếp tục ngồi thiền với cái tâm như vậy. Do đó, tôi khuyên bạn nên bắt đầu suất thiền bằng cách rải tâm Từ.

Đôi khi bạn không biết nguyện thế nào. Chẳng lẽ "Nguyện cho kẻ thù tôi có đầy đủ sức khỏe, bình an và hạnh phúc; không gặp khó khăn, phiền toái; hanh thông trong mọi vấn đề; thành công như ý; và có đầy đủ kiên nhẫn, nghị lực, can đãm cũng như hiểu biết để vượt qua mọi trở ngại hay thất bại không thể tránh trong đời" hay sao?

Bạn nên nhớ là bạn hành tâm Từ để thanh tịnh hóa tâm bạn, cũng y như bạn hành thiền để bạn đạt sự an lành và giải thoát cho chính bạn. Khi rải tâm Từ, bạn cần có thái độ thân thiện, không thiên lệch, không thiên kiến, không phân biệt đối xử, và không thù hận. Thái độ cao quý của bạn giúp làm vơi phiền nảo và khổ đau của người khác. Người trắc ẩn có thể giúp người khác. Tâm trắc ẩn là tâm từ đang hành sử, vì nguời không có lòng trắc ẩn không thể giúp người khác được. Thái độ cao quý là thái độ thân thiện, thái độ thông cảm. Thái độ là biểu hiện của ý tưởng, lời nói và hành động. Nếu bộ ba đó không ăn khớp với nhau, thái độ không thể cao quý. Ngoài ra, trên khía cạnh thực tế, nên trao dồi ý tưởng cao thượng "Nguyện mọi chúng sanh được hạnh phúc" hơn ý tưởng "Tôi ghét, tôi hận". Ý tưởng cao thượng của bạn một ngày kia sẽ được hiển thị như một thái độ cao quý của bạn.

Nên nhớ rằng ý tưởng của bạn được "hành" bằng lời nói và việc làm của bạn mới có kết quả cụ thể. Bạn nên luôn luôn nói hay làm với lòng từ tỉnh thức. Khi thành tâm chú ý đến hạnh Từ, bạn đương nhiên sẽ có ý tưởng, lời nói và hành động nhẹ nhàng, vui vẻ, có ý nghĩa, thành thật, và hữu ích đối với bạn và mọi người. Nếu ý tưởng, lời nói hay hành động của bạn gây ư phiền cho bạn, cho người khác, hay cho cả đôi bên, bạn nên hỏi lại mình chớ mình có thật sự từ tâm chưa?

Trên thực tế, nếu tất cả người thù của bạn đều dồi dào sức khoẻ, bình an và hạnh phúc, họ đâu còn để ý đến việc thù hằn bạn nữa. Nếu họ được giải thoát khỏi mọi vấn đề, buồn phiền, đau đớn, khổ sở, loạn tâm, tâm thần, sợ hãi, lo âu, sân hận, vân vân, họ đâu còn sự thù hằn trong tâm họ nữa. Giải pháp thực tiển đối với kẻ thù của bạn là giúp họ vượt qua vấn đề của họ, để bạn có thể sống bình an và hạnh phúc. Nếu họ có càng nhiều vấn đề, họ sẽ gây càng nhiều phiền phức cho thế giới này. Nếu bạn cải hóa được một người xấu tội lỗi thành người tốt thánh thiện, bạn làm đuợc một phép mầu rồi đó. Hảy trưởng dưỡng lòng Từ để biến tâm ma mãnh thành thánh thiện.

Khi bạn ghét ai, bạn nghĩ bỏ: "Cho họ xấu xa. Cho họ khổ đau. Cho họ nghèo hèn. Cho họ không có bậu bạn. Cho họ tái sanh bất hạnh trong sự thiếu thốn, ở nơi thấp hèn, và chịu nhiều đài đọa." Tuy nhiên, những gì xảy đến thật sự là đến với bạn. Thân bạn bị nhiều phản ứng hóa học khiến bạn đau đớn, tim đập mạnh, bực bội, đổi sắc, ăn không ngon, ngủ không yên, và làm buồn lòng nhiều người. Bạn trải qua tất cả những gì bạn muốn cho người mình ghét. Và, bạn không nhìn thấy được sự vật như là. Tâm bạn như nước đang sôi. Hoặc là bạn như người bịnh vàng da (hoàng đản) ăn không thấy ngon miệng dầu thức ăn là cao lương mỹ vị. Bạn cũng không thể nhận ra hình dáng, thành tựu, thành công, vân vân của người khác. Khi nào bạn còn trong tình huống đó, bạn không thể thành công trong việc hành thiền.

Do đó, tôi thiết tha khuyến khích bạn tập hành tâm Từ trước khi thật sự vào thiền. Lập lại các lời nguyện trên với tâm thành. Trong lúc nguyện cầu, bạn hãy cảm thấy lòng Từ thật sự rải ra trong tâm bạn trước rồi lan dần đến mọi người; bạn không thể chia sẻ với người khác những gì mà bạn không có.

Bạn nên nhớ rằng những lời nguyện trên không phải là những câu mầu nhiệm vì nó là lời nguyện. Nếu nghĩ vậy, bạn chỉ mất thì giờ vô ích khi nguyện cầu. Lời nguyện cầu chỉ linh diệu khi bạn thật sự tham gia và thành tâm cầu nguyện. Thử rồi bạn sẽ thấy.

*

CHÁNH KIẾN

"Nhìn bằng ánh sáng của sự thật" là nhìn Tứ Diệu Đế. Đó là:

A- Khổ (Dukkha): đau khổ của thân và tâm.

B- Nguyên Nhân của Khổ (Samudaya): nguồn gốc của đau khổ, tức là Vô Minh dưới dạng thức như tham dục. Chánh kiến thấy chúng là nguyên nhân gây ra khổ đau cho thân và tâm.

C- Diệt Khổ (Nirodha): tiêu diệt khổ và nguồn gốc của khổ để đem lại trạng thái an tĩnh của Niết Bàn.

D- Bát Chánh Đạo (Magga): những pháp thực hành tạo nên con đường dẫn đến sự không còn khổ đau, tức không còn vô minh (avijja)--cái hiểu biết sai, không trọn vẹn và hời hợt; và tham ái--sự tranh dành quá đáng. Chúng ta có thể hóa giải hai độc đó bằng cách theo con Đường (Đạo), tức là chúng ta cần hành trì làm sao để tâm nhìn thấy và biết rõ. Sự nhìn thấy và biết rõ có thể vô vị mà cũng có thể siêu việt. Sự nhìn thấy và biết rõ còn gọi là nội quán chỉ phát sanh khi định phát triển. Nội quán nhìn thấy sâu vô trong chân lý của vạn hữu.

Tóm lại, Chánh Kiến có hai mặt:

- biết rằng các ý tưởng, lời nói và hành động bất thiện gây phiền não và đau khổ cho ta và người khác; và

- biết rằng ý tưởng, lời nói và hành động thiện đem lại sự an lạc cho thân tâm của ta và của người khác.

Nói cách khác, Chánh kiến nhìn thấy rằng không ai ưa tâm bất thiện, kể cả người bất thiện. Đó giải thích thế nào là nhìn đúng chân lý. Vì lý do đó, người có Chánh Kiến là người luôn luôn hành động tốt và đúng.

Ajaan Lee Dhammadharo


[1] Sigmund Freud (1856-1939), nhà tâm thần học Áo (nd).

[2] Thường dùng trong võ thuật như judo, vân vân (nd).

[3] Ý nói đi với gái giang hồ đứng nhan nhản nơi nhiều góc đường phố (nd)

[4] Cảm giác sung sướng và phấn khích mạnh mẻ (theo Tự Điển Anh-Việt, Viện Ngôn Ngự Học Việt Nam).

[5] I.Q. Intelligence Quotient (tg).

[6] "Tri kiến như thực" (ghi thêm của người dịch).

[7] Tâm sở (Pali: cetasika) là "những thành phần phụ thuộc vào tâm, nương vào tâm để sanh khởi lên," hay "pháp tùy thuộc tâm" (theo Tâm Sở Vấn Đáp, Tỳ Khưu Chánh Minh, NXB Tôn Giáo, 2005, tr 15).

[8] Thọ là nhận lãnh, thích nghi hơn cảm giác (theo sđdt).

[9] Do đó, tâm đưọc gọi là một pháp uẩn (nd).

[10] Còn gọi là biến hành (sabbacittasadharana), "biến là khắp nơi, hành là đi. Tâm sở biến hành là loại tâm sở có mặt trong tất cả các loại tâm". Theo Tâm Sở Vấn Đáp, Tỳ Khưu Chánh Minh, NXB Tôn Giáo, 2005.

[11] Xúc (Phassa: sensorial/mental impresssion, or contact), Thọ (Vedana: feeling), Tưởng (Sanna: perception), Tư (Cetana: volition), Định (Samadhi:concentration), Mạng quyền (Vijita:vitality),và Tác ý (Manasikara: advertence or awareness) (tg).

[12] Tâm sở tư là cetana; cetana có căn cit là "suy gẫm" (theo sđdt).

[13] Pali: skandha. Có năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, và thức (nd).

[14] Đất biểu thị yếu tố giãn nở (Đỉa Đại), nước cho yếu tố kết dính (thủy Đại), gió cho yếu tố chuyển động (Phong Đại), và lửa cho yếu tố nhiệt (Hỏa Đại) (nd).

[15] Còn gọi là thế kiết già (nd).

[16] American Indian style (tg).

[17] Half lotus (tg).

[18] Chừng 1,50 m (nd).

[19] Có nghĩa tâm lao chao như vượn (nd).

[20] Dịch từ chử Concentration của tác giả; Định (Samadhi) (nd).

[21] Dịch từ chữ Alertness của tác giả; Niệm (Sati) (nd).

[22] Có nghĩa như tượng đá, không biết gì (nd).

[23] We exert energy in meditation, but not force (tg).

[24] Ý muốn nói sự khổ đau (nd).

[25] Bạn có thể viết lời cầu nguyện thích hợp với hoàn cảnh mình và rải đến ai, ở đau tùy ý (nd)

-ooOoo-

 Ðầu trang | 01 | 02 | Mục lục


Chân thành cám ơn Đạo hữu Chơn Quán đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 09-2007).


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 02-10-2007