Công hạnh Ba la mật Đệ tử kính đảnh Lễ Tam Bảo Phạn ngữ Pāramī hay Ba la mật hoặc đáo bỉ ngạn, nghĩa là đến bờ kia. Ba la mật là nhân duyên chính để dẫn đến sự chứng ngộ Níp Bàn cao thượng, là pháp của các bậc cao nhân, là con đường đi của đấng Giác ngộ: - Chư Phật Chánh Đẳng Giác A La Hán (Sammāsambuddha). Những người tu Phật, nếu muốn thành một trong ba "bậc giác" ấy, đều tùy thuộc vào sự tạo đầy đủ mười pháp hạnh "Ba la mật", cần phải một lòng tinh tấn tu tập cho được viên mãn, bằng chẳng vậy thì không thể đắc Đạo quả Níp Bàn được. Không phải sự Bố thí, Trì giới, Xuất gia,... nào cũng trở thành Ba la mật được. Điều kiện để trở thành Ba la mật phải có thiện tâm hoàn toàn trong sạch, và không bị ô nhiễm bởi "Tham ái, Ngã mạn, Tà kiến", đồng thời hợp với tâm Đại Bi và Trí tuệ hướng đến chứng đạt cứu cánh Níp Bàn. Nhờ hợp đủ điều kiện như vậy, thì sự Bố thí, Trì giới, Xuất gia, ..., mới đạt thành Ba la mật. Mười công hạnh Ba la mật là: 1. Bố thí Ba la mật (Dāna pāramī): Đem của cải hoặc Phật pháp ban bố cho chúng sanh. 2. Trì giới Ba la mật (Sīla pāramī): Gìn giữ những điều luật của Đức Phật đã ban hành, tức gìn giữ thân, khẩu, ý được trong sạch. 3. Xuất gia Ba la mật (Nekkhamma pāramī): Sự dứt bỏ vợ, con, của cải để đi tìm đạo đức cao thượng. 4. Trí tuệ Ba la mật (Paññā pāramī): Thông suốt tất cả các pháp. 5. Tinh tấn Ba la mật (Viriya pāramī): Một lòng cố gắng tu hành, vượt qua tất cả mọi khó khăn để đạt được mục đích cao thượng. 6. Nhẫn nại Ba la mật (Khantī pāramī): Cố gắng chịu đựng, dằn lòng sân hận những điều nghịch ý. 7. Chân thật Ba la mật (Sacca pāramī): Tránh xa lời nói giả dối. 8. Quyết định Ba la mật (Adhiṭṭhānā pāramī): Có chí hướng không thay đổi. 9. Từ ái Ba la mật (Mettā pāramī): Lòng nhân ái, thương người mong cho tất cả mọi loài được an vui. 10. Hành Xả Ba la mật (Upekkhā pāramī): Không vui không buồn, không cố chấp, có tâm bình đẳng. Những bậc có đủ mười pháp Ba la mật ấy, dù là bậc thấp, bậc trung, bậc cao, đều gọi là Bồ Tát (Bodhisatta). Vị này sẽ giác ngộ pháp tối cao không thể so sánh được, sẽ thoát khỏi sanh tử luân hồi. Vị Bồ tát nào khi đã nhận được lời tiên tri của chư Phật rằng sẽ thành Phật ở vị lai, thì phải có đủ 8 yếu tố như sau: 1. Phải là nhân loại. 2. Phải là người nam. 3. Phải có đủ Ba La Mật để đạt trạng thái A La Hán trong khi lắng nghe một câu kệ ngắn liên quan đến Tứ Đế. Điều này có nghĩa là Ngài phải tu thiền quán thông suốt đến tuệ hành xã. 4. Phải có một vị Phật đang hiện hữu. 5. Ngài phải tu ẩn dật, hay là một vị tỳ kheo. 6. Phải đạt được phẩm hạnh cao quí, nghĩa là phải đạt 5 thắng trí và 8 thiền chứng (5 thắng trí: Thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Thần túc thông và Túc mạng thông; 8 thiền chứng: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, Thiền Không Vô biên, Thức Vô Biên, Vô Sở Hữu và thiền Phi Tưởng phi phi tưởng). 7. Có sự hiến dâng cực kỳ cao cả, nghĩa là vị ấy phải thực hành tròn đủ 30 pháp Ba la mật để đạt đến tuệ toàn giác ở kiếp sau, nên Ngài mới nhận được lời tiên tri chắc chắn từ một vị Phật. Vị nào được thọ ký Toàn giác, vị ấy đã gieo những hạt giống Minh và Hạnh cho tuệ toàn giác trong giáo pháp của vị Phật quá khứ. Theo lịch sử, Hoàng tử Sĩ Đạt Đa (Siddhattha), đã thực hiện lời nguyện cho tuệ toàn giác tương lai, lời nguyện ấy đã có trong sự hiện diện của hàng tỷ vị Phật, và Ngài đã tu tập tất cả pháp Ba la mật dưới sự hướng dẫn của những vị Phật đó. 8. Vị Bồ Tát đã có một ước nguyện mạnh mẽ để đạt được tuệ toàn Giác, dù phải bước lên đống than hừng cũng không nao núng. Tám yếu tố này luôn có trong Bồ tát, nên Ngài mới nhận được lời tiên tri khẳng định ấy. Lời tiên tri khẳng định là không một ai có thể thay đổi được. Nên còn gọi là xác định Bồ tát. Chư Phật quá khứ đã thấy được 8 yếu tố trên, và biết rằng vị Bồ Tát này sẽ đạt được tuệ toàn Giác, cho nên mới thọ ký lời khẳng định rằng vị ấy sẽ chứng đắc Chánh Đẳng Giác trong tương lai. Người có một nguyện vọng, hoặc một ước mơ thôi thì những sự kiện này chưa đủ để đạt được tuệ toàn Giác. Khi vị Bồ tát nhận được lời tiên tri khẳng định ấy, thì 8 yếu tố vừa nêu trên phải sẵn có trong vị ấy. Lại nữa, lời tiên tri của chư Phật quá khứ không tạo được một hạnh kiểm hay đức tính để thành vị Phật, và ngay sau lời tiên tri đó vị Bồ tát phải tiếp tục hoàn thiện mười Ba la mật dựa trên 3 bậc, "bờ bên, bờ trên, bờ cao thượng". Đây là những nghiệp thiện cao quí nhất mà các vị Bồ tát phải viên mãn bằng cách từ bỏ tài sản, vợ con, tứ chi và sanh mạng của mình đúng chánh pháp. Nếu chúng ta có thể tròn đủ Ba la mật, thì chúng ta cũng sẽ nhận được lời tiên tri khẳng định từ một vị Phật và sẽ đắc tuệ Toàn giác trong tương lai. - Để trở thành bậc Thánh Thinh Văn: Vị Thánh Thinh Văn Bồ Tát ấy cần phải tạo đầy đủ mười công hạnh Ba la mật bờ bên, trong suốt thời gian nhanh nhất cũng gần một A tăng kỳ và 100 ngàn Đại kiếp. - Để trở thành bậc Độc Giác Phật: Vị Độc Giác Bồ Tát ấy cần phải tạo đầy đủ 20 công hạnh Ba la mật: 10 Ba la mật bờ bên và10 Ba la mật bờ trên, trong suốt thời gian 2 A tăng kỳ. - Để trở thành một vị Phật Toàn Giác hay Chánh Đẳng Giác: Vị Chánh Đẳng Giác Bồ Tát ấy cần phải tạo đầy đủ 30 công hạnh Ba la mật: 10 Ba la mật bậc hạ, 10 Ba la mật bậc trung và 10 Ba la mật bậc thượng. Thời gian để tạo 30 công hạnh Ba la mật ấy khác nhau, tùy theo ba hạng Bồ Tát như sau: - Đối với Đức Bồ Tát có trí tuệ ưu việt nghĩa là Trí tuệ có năng lực trội hơn cả Đức tin và Tinh tấn. Khi Đức Bồ Tát đã được Đức Phật thọ ký xong rồi, còn cần phải tạo 30 công hạnh Ba la mật thêm trong suốt 4 A tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp . - Đối với Đức Bồ Tát có Đức tin ưu việt, nghĩa là Đức tin có năng lực ưu việt hơn Trí tuệ và Tinh tấn. Sau khi Đức Bồ Tát đã được Đức Phật thọ ký xong rồi, còn cần phải tạo 30 công hạnh Ba la mật thêm trong suốt thời gian gấp đôi Đức Bồ Tát có Trí tuệ, là 8 A tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp. - Đối với Đức Bồ Tát có sự Tinh Tấn ưu việt, nghĩa là Tinh tấn có năng lực ưu việt hơn Trí tuệ và Đức tin. Sau khi Đức Bồ Tát đã được Đức Phật thọ ký xong rồi, còn cần phải tạo 30 công hạnh Ba la mật thêm trong suốt thời gian gấp đôi Đức Bồ Tát có Đức tin ưu việt, là 16 A tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Đức Phật Gotama của chúng ta, thuộc Bồ Tát có trí tuệ. Lưu ý rằng, những bậc A La Hán Thinh Văn dù có thần thông biết quá khứ, biết vị lai cũng không tiên tri được, vì năng lực thần thông của các bậc ấy chỉ thấy được tương lai trong vài kiếp mà thôi, vì các vị ấy không thấy nhiều A tăng kỳ kiếp, hoặc nhiều đại kiếp, bởi vì Thần Thông lực và Tuệ lực của các Ngài không bằng vị Phật Toàn giác. Mười Pháp độ để đi đến sự giác ngộ Chánh Đẳng Giác hay công hạnh Ba La Mật, trong quyển kinh này, chúng tôi muốn mô tả phẩm hạnh của Bồ Tát, nay là Đức Phật Chánh Đẳng Giác Gotama. Khi Ngài còn luân hồi, có kiếp là Chư Thiên, có kiếp là người, có kiếp là bàng sanh. Ngài đã ngừng nghĩ củng cố mục đích to lớn, qua nhiều kiếp sống, và tự mình đạt được đạo quả Toàn Giác bằng cách thực hành tròn đủ ba mươi công hạnh Ba la mật . -ooOoo- 1- BỒ TÁT VESSANTARA hành pháp BỐ THÍ BA LA MẬT 1. Dāna Pāramī: Sự dứt bỏ tài vật ngoài thân nhất là tài sản, vợ con, để cho ra, gọi là bố thí đến bờ bên. 2. Dāna upapāramī: Sự dứt bỏ tứ chi lớn nhỏ trong thân thể của Ngài để cho ra, gọi là bố thí đến bờ trên. 3. Dāna Paramattha Pāramī: Sự dứt bỏ về sanh mạng của Ngài để cho ra, gọi là bố thí đến bờ cao thượng. Câu chuyện hiện tại: Trong thời kỳ Đức Thế Tôn đã có muôn vị A La Hán là bậc vô lậu làm đồ đệ. Ngài hóa thần thông lạ thường để tiếp độ thân quyến trong thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu). Trong giờ ấy, có đám mưa to lớn lạ thường như thác đổ, nhưng chẳng có một ai bị ướt. Tất cả Hoàng gia đều hết lòng kính phục uy đức của Phật, đồng quỳ lạy không còn ngã mạn, tà kiến như trước. Sau đó Đức phật nói rằng: "Này các tỳ kheo, chẳng phải chỉ có đám mưa lạ thường trong kiếp này đâu, thưở xưa đã có như vậy, chỉ do sự "bố thí" của Ngài mà khiến quả địa cầu rúng động." Câu chuyện quá khứ: Trong thời quá khứ đã qua, có một Đức vua hiệu là Srisañjaya làm vua trong một nước lớn tên là Jetuttara, là hoàng tử của Đại vương Sivi. Bà Hoàng hậu tên Supārasuppati là công chúa con của Đức vua Nadda. Nguyên nhân bà được tên Suparati bởi vì kiếp trước bà đã làm phước bố thí bột lõi trầm hương dâng đến Đức Phật Vipassī. Kể từ kiếp ấy, bà chết và tái sanh trong cõi nhân gian hoặc Chư Thiên, thân sắc bà hằng có hương thơm như lỏi chiên đàn trầm hương trong mỗi kiếp. Kế đó bà được làm Hoàng hậu của Đức vua trời nơi cõi Đạo Lợi. Đức Đế Thích mới ban cho bà cái tên Supāra Suppati Depakanna như thế. Đến khi gần hết tuổi thọ, đức Đế Thích là chồng ban cho bà mười điều hạnh phúc, bà bèn hoan hỷ cầu xin như vầy: 1. Xin cho được làm Hoàng hậu của Đức vua Srisañjaya trị vì trong xứ lớn Jetuttara. 2. Xin cho có cặp mắt đen huyền và cặp lông mày kiều diễm. 3. Xin cho được tên như cũ. 4. Xin cho được con trai có trí tuệ và đức tin, là nơi nương nhờ đến kẻ khác và cô bần hết thảy. 5. Nếu có thai xin cho bụng đừng lớn hơn ngày thường. 6. Xin cho đôi nhủ của tôi vừa vặn và đẹp mãi mãi. 7. Xin cho tóc vẫn đen óng ánh luôn khi đừng bạc. 8. Xin cho sắc thân đẹp như màu vàng mà người thợ đánh bóng luôn khi. 9. Xin cho tôi có uy thế để ân xá tội nhân cho khỏi khổ theo ý muốn. 10. Xin cho tôi được nghe tiếng thanh tao của loài chim công, chim Oanh vũ, ... ở gần chỗ ngự luôn khi và xin cho được thân cận các bậc trí thức để giải đáp những thắc mắc, nghi ngờ của tôi. Lúc bà ngọc nữ thiên hậu Supāra Suppati thọ 10 điều hạnh phúc rồi thì mệnh chung ở cõi Trời, được tái sanh vào lòng Hoàng hậu của Đức vua Madda tròn đủ mười tháng thì sanh ra có mùi thơm trầm hương và có sắc thân xinh đẹp lạ thường và được tên Supārasuppati như củ. Lúc nàng 16 tuổi thì Đại vương Sivi đem nàng lại sánh hôn cùng Đông Cung Sañjayava, về sau làm vua trong xứ Jetuttara có hơn một muôn 6 ngàn cung nga hầu hạ. Khi ấy Đức vua trời Kosiya xem thấy nàng Suparāsuppati được thành tựu mọi điều hạnh phúc cả, nhưng chỉ thiếu điều hạnh phúc thứ tư là được con trai có trí tuệ đầy đủ và có đức tin. Đức Đế Thích liền ngự đi mời đức Bồ Tát là một vị thiên tử, cầu xin Ngài giáng thế để bồi bổ Ba La mật trong cõi người đặng làm con thuyền đưa chúng sanh qua bờ kia. Đức Bồ Tát nhận lời thỉnh cầu, liền hạ sanh vào bào thai Hoàng hậu Supārasuppati. Kể từ lúc thọ thai thì bà chỉ muốn bố thí, muốn làm việc lành và trong mỗi ngày bà xuất ra hết 6 ức (60 muôn) lượng vàng để giúp đỡ những người già cả, bệnh tật, Sa Môn và Bà La Môn. Các thầy chiêm tinh đoán rằng: Hoàng hậu có con trai là người có phước và có đức tin lạ thường không một kẻ nào so sánh được. Lúc Hoàng hậu đã mang thai 10 tháng thì sanh đức Đông Cung thái tử, Vua đặt tên là Vessantara vì Ngài sanh ra giữa đường của nhóm lái buôn. Thưở đó ở cõi trời có 6 muôn Chư Thiên cũng giáng sanh vào lòng của các người vợ thị thần cùng một lượt để làm tuỳ tùng của đức Bồ Tát cả thảy. Đức Bồ tát hằng dùng tài sản để bố thí trong mỗi ngày một trăm ngàn đồng (Kahāpana). Đến khi được 8 tuổi Ngài nghĩ rằng ta phải làm việc bố thí, kẻ nào đến xin thân thể tứ chi lớn nhỏ, thì ta sẽ lốc thịt, khoét mắt, mổ ngực, lấy lá gan để bố thí đến kẻ xin ấy. Do oai lực của tâm nguyện ấy khiến cho địa cầu phải rung chuyển. Thời ấy có một con voi mẹ từ không trung bay xuống dẫn một con bạch tượng con tên Paccayanagena lại dâng, làm thừa vật quý báu hơn tất cả các thừa vật khác. Đến lúc được 16 tuổi, Ngài suốt thông 3 bộ kinh Phê Đà. Đức vua truyền ngôi vua cho con và tôn Madrī làm Hoàng hậu, khi ấy có hơn một muôn 6 ngàn cung nga làm tùy tùng. Đức Bồ Tát chung sống với Hoàng hậu sanh được 2 Hoàng nhi: Đông Cung anh tên Jālī, công chúa em tên Kanhā. Bồ Tát có tâm rộng lớn, Ngài thí quốc sản mỗi ngày hằng ức lượng vàng cho đủ cả 6 phước xá. Ngày nọ Bồ Tát đang ngự trên voi Paccayanagena đi xem xét 6 nhà bố thí, thoạt nhiên có nhóm Bà La môn xứ Kāliṅga lại xin con voi báu, Ngài bèn thí voi luôn cả đồ trang sức ước tính 2 triệu 8 ức lượng vàng và thêm 500 người nài nữa. Thấy thế toàn dân bất mãn phục tấu xin Đức vua cha đày Bồ Tát ra khỏi quốc độ trong ngày ấy vì sợ tiêu hủy quốc sản sẽ có hại. Bồ Tát nghe Vua cha phán quyết, Ngài vâng lời không buồn phiền, trước khi ra đi Bồ Tát làm đại thí mỗi thứ 100 và 7 lần trọn 3 ngày. Rồi Ngài vào hậu cung cho nàng Madrī hay rằng: "Tất cả của cải mà ta đã cho nàng để làm hồi môn, nàng hãy cất làm của riêng. Nàng Madrī ngạc nhiên hỏi "Của riêng" là thế nào? - "Của riêng" là nàng làm vật thí: như bố thí cơm nước, y phục,..., đến kẻ nghèo đói cơ hàn và cúng dường đến các bậc tu hành, như thế gọi là của chôn cất cao quý, chẳng có chi sợ hãi. Nàng hãy siêng năng tôn trọng phụng dưỡng Phụ Vương và Mẫu Hậu của ta. Nếu có vị vua nào vừa lòng cưới nàng làm Hoàng hậu, nàng phải vâng lời phụng hành theo cho vui lòng vị vua ấy. Riêng ta, sẽ vào rừng làm đạo sĩ. Nghe thế, nàng Madrī xin theo để cùng chia vui cộng khổ với chồng. Rồi Bồ Tát thỏa nguyện ra đi cùng vợ và 2 con. Đức Bồ Tát ngự đến xứ Matuttara, chư Hoàng Đế nước ấy kính lễ thỉnh Ngài hưởng vương vị, Bồ Tát khước từ không nhận lời, hỏi thăm đường xong Ngài từ giả, dẫn vợ con đi tu làm đạo sĩ và đạo sĩ ni ở núi Girīvankata. Bồ Tát đang sống trong rừng trọn 7 tháng, khi ấy có ông Bà la môn Jūjaka là người hành khất bị vợ là nàng Amittadā, sai ông đến Bồ Tát xin hai trẻ Jālī và Kanhā con của Bồ tát về làm đầy tớ. Trông thấy người xin đến gần, Bồ Tát tỏ sự hoan hỷ, Ngài kêu hai trẻ đến rồi Ngài bố thí . Trong khi ấy các vị trời lo ngại, sợ mẹ của hai trẻ về sớm làm cản trở việc đại thí của Bồ Tát, nên các vị biến hóa làm ác thú ngăn cản nàng Madrī, vì muốn cho đức Bồ Tát bố thí Ba la mật được trọn vẹn. Đến chiều khi nàng về được thảo am thấy mất hai trẻ nàng chạy đi kiếm con cả đêm. Nàng đến cốc của đạo sĩ tâu hỏi Đức Bồ Tát về hai trẻ, Ngài không trả lời khiến nàng chết giấc. Thấy thế Bồ Tát mới nói cho nàng biết rằng hai trẻ đã được Ngài bố thí và cả quả đất củng rúng động trước sự tạo phước của Ngài. Nghe thế, nàng Madrī cũng hoan hỷ về sự bố thí con. Trời vừa sáng, Đức Trời Đế Thích sau khi suy xét sự bố thí cao cả của Bồ tát, nên biến làm người Bà La môn đến xin nàng Madrī. Đức Bồ Tát không từ chối liền hoan hỷ bố thí ngay, hầu bồi bổ Bố thí Ba La mật. Khi ấy vị chúa tể Chư thiên trên Đao lợi hiểu rõ sự bố thí Ba La Mật theo chánh pháp của Bồ Tát, khiến tâm của Ngài hoan hỷ tán dương đức Bồ Tát bằng kệ ngôn: "Ôi! Bậc cao quý, là người đang trau giồi con đường đến cõi trời và Níp Bàn. Nếu hạng người nào dù là Chư Thiên mà có tâm ác, ganh ghét người đang bồi bổ pháp lành, hay đến quấy nhiễu làm cho thí chủ phiền não, phá hoại thiện pháp. Kẻ ấy đang tạo nghiệp ác." Sự bố thí cao thượng này thấu đến cõi trời, khiến địa cầu rúng động, ánh sáng chói lòa. Vì khi ấy, Chư Thiên trong các hướng đều cảm phục, các núi to lớn cũng rung rinh với pháp thí Ba la Mật của Bồ Tát. Cho đến Chư Phạm Thiên cũng đồng thanh hoan hỷ với Bồ Tát trong lúc này: "Ôi! Bậc cao quý, Ngài can đảm dứt trừ tâm bỏn xẻn, thí vợ, thí con trong lúc khó khăn, thật là hy hữu." Người phóng tâm nhiều phiền não, thường thiếu nghị lực, không dám làm nghiệp lành, vì pháp của bậc trí là điều khó cho người thường không thể thực hành được. Con đường đi đến kiếp sau của hai hạng người ấy khác nhau rõ rệt. Sau khi ca ngợi tán dương, Chư Thiên dẫn nàng đi quanh vòng núi rồi đem dâng lại cho Bồ Tát để Ngài có đức tin trong việc bố thí Ba La mật và hiến cho Ngài 8 điều hạnh phúc: 1. Được trở về lên ngôi như củ. 2. Được thả tội nhân như nguyện 3. Xin cho nam nữ, trẻ già, sang hèn luôn được an lạc. 4. Xin đừng quên mình mà hành động quấy với vợ con người. 5. Xin cho con tôi được nối ngôi hiêp theo mười pháp của vua và được vừa lòng quần chúng. 6. Xin cho thực phẫm luôn đầy đủ theo sở thích không gián đoạn, vừa với tâm bố thí của tôi. 7. Tài vật lấy ở kho ra bao nhiêu để bố thí, vẫn phát sanh đầy như cũ. 8. Xin cho thọ trì giới trong sạch đến hết tuổi thọ, được sanh lên cõi trời không trở lại nữa. Nói về lão ăn xin, Chư Thiên khiến cho lão lầm lạc dẫn hai trẻ đến kinh đô Sañjaya, Đức vua nhận ra cháu nội của mình, liền chuộc hai trẻ lại. Mỗi trẻ là một ngàn lượng vàng và thêm mỗi thứ đồ dùng là 100 (tớ trai, tớ gái, voi, ngựa...) . Ngoài ra Vua còn ban thêm một dinh thự bảy tầng, bởi công khó của lão đã đem hai trẻ trở về. Lão Jūjaka được trọng đãi vật thực, ông dùng quá độ đến nổi bể bụng chết trong khi ấy. Qua ngày thứ bảy, Đông Cung Jālī làm hướng dẫn, chỉ đường Hoàng tổ phụ, Hoàng hậu cùng với quan quân đến núi Girīvankata thỉnh Đức Bồ Tát trở về hưởng vương vị. Đi đến bốn mươi lăm ngày, trải qua mười sáu do tuần mới tới chỗ ngụ của Đức Bồ Tát. Khi ấy, cả sáu Hoàng gia gặp nhau đều than khóc thương cảm não nùng đến bất tỉnh; tất cả quan quân, cung phi mỹ nữ đều cảm động không còn biết gì cả như một cơn mê. Trong bầu không khí trang nghiêm và sôi động ấy, khiến tất cả thế giới huyên náo, địa cầu lay chuyển, cho đến đỉnh núi Tu Di cũng rung rinh theo pháp Ba la mật. Bồ Tát nhận chịu trở về làm vua, vì tấm lòng hiếu hạnh và tôn kính đối với ân đức của phụ Hoàng chẳng dám cải lời. Khi ấy Đức vua Sañjaya cùng quan quân đồng thỉnh đức Bồ Tát Vessantara về kế vị như trước. Tại kinh thành tất cả triều thần và dân chúng đều trang hoàng đền đài nhà cửa, đường sá để cung nghinh đức Bồ Tát. Trong nhân dân, nhất là kẻ nghèo đói, cô độc rất hân hoan nghinh tiếp, vì họ tin rằng sẽ được đức Bồ Tát ban nhiều ân huệ. Đêm ấy, Bồ Tát nghĩ: "Sáng mai đoàn ăn xin biết ta đã trở về, sẽ đến tấp nập chờ lảnh của bố thí! Như thế của cải đâu cho ta bố thí lúc này?" Khi đó, Đức Đế Thích nóng nảy ngồi trên bảo tọa không yên, khi biết rỏ ý của Bồ Tát, Ngài liền cho mưa bảy báu rơi xuống để Bồ Tát bố thí thoải mái đến mọi người. Sau đó Bồ Tát lại cho thả tội nhân được tự do như sở thích. Từ đó Bồ Tát hằng tinh tấn Bố thí, Trì giới v.v... mong bổ túc pháp Ba-La mật cho viên mãn để được giác ngộ trong ngày vị lai. Bồ Tát sống đến 120 tuổi mới thăng hà, được sanh lên cõi Đâu Suất (Tusitā). Những người thực hành theo lời giáo huấn của Ngài, sau khi mạng chung cũng được sanh lên cõi Đao Lợi thiên cung tất cả. -ooOoo- 2- BỒ TÁT BHURIDATTA hành pháp TRÌ GIỚI BA LA MẬT 1. Sīla Pāramī: Sự trì giới không bị đứt đoạn không bị bợn nhơ vì lý do vợ, con, tài sản là vật ngoài thân của Bồ Tát, như thế gọi là trì giới đến bờ kia. 2. Sīla Upapāramī: Sự trì giới không bị đứt đoạn hoặc không bị bợn nhơ vì lý do thân thể của Ngài. 3. Sīla Paramattha Pāramī: Sự trì giới không bị đứt đoạn hoặc không bị bợn nhơ vì lý do sanh mạng của Ngài, như thế gọi là trì giới đến bực cao thượng. Câu chuyện hiện tại: Đức Thế Tôn Ngài đề cập đến nhóm cận sự nam, cận sự nữ là những người thọ trì Bát Quan Trai giới. Một hôm, Đức Phật ngự tại Kỳ Viên Tịnh Xá, kinh đô Sàvatthì. Ngài hỏi Chư thiện tín: "Hôm nay các ngươi đã thọ Bát Quan trai giới chưa?" - Bạch đức Thế Tôn, Chúng con được thọ Bát Quan trai giới hằng ngày không bỏ qua. - Các ngươi nhờ thầy chỉ dạy mới thọ Bát Quan trai giới được, không thấy chi lạ thường. Ngày xưa, bậc Trí tuệ không thầy mà vẫn tinh tấn thọ Bát quan trai giới, không lo ngại đến gia tài, sự nghiệp. Đức Phật bèn thuyết câu chuyện về đức Bhùridatta . Câu chuyện quá khứ: Thưở quá khứ, Như Lai còn là Bồ Tát tái sanh làm Long vương trong cõi rồng. Tên trước của Bồ Tát được gọi là Datta, về sau lên hầu Đức Đế Thích và giải đáp những câu hỏi rất nhiệm mầu cho Đức vua trời, nên Ngài thỏa thích ban cho Bồ Tát tên mới là Bhūridata, vì là người có trí tuệ hơn tất cả Chư Thiên. Khi ấy đức Bồ Tát thấy sản vật quý báu của vua trời thầm nghĩ: Lợi ích gì ta còn làm thân bàng sanh (Tiracchana: làm rồng) như vầy; ta hãy trở về cõi rồng thọ trì giới hạnh cho trong sạch để hưởng sản vật cao thượng hơn. Rồi Bồ Tát bèn lễ bái từ biệt Đức vua trời Đế thích trở về cõi rồng, bắt đầu nguyện trì giới Bát quan trai nhưng không được kỹ càng, vì các long nữ cứ hầu hạ phụng sự quá nhiều khó mà định tâm. Vì thế Bồ Tát từ giã Long phụ lên cõi người, rồi đi vòng quanh một cái gò gần mé rạch Yamanā. Ngài giữ 10 điều học và lập nguyện chân thật rằng: - Ta sẽ thọ trì Bát quan trai giới hiệp theo bốn chi cho được kỹ càng, dù cho người nào xúc phạm đến ta hay cần dùng đến xương thịt hay máu da của ta, thì ta vẫn sẵn sàng chấp nhận, không khởi tâm bất bình hay hận thù đối với người ấy. Thưở đó, có hai cha con thợ săn thường săn bắn trong rừng nghĩ tạm qua đêm tại cây đa gần chỗ Bồ Tát ở. Ngài sợ thợ săn biết được chỗ trú ngụ của mình sẽ nói với thầy bắt rắn đến phá hoại sự trì giới, nghĩ thế Ngài mời hai cha con xuống Long cung ban hiến nhiều báu vật và cho sống trong cung điện sang cả. Do ít phước, nên người thợ săn ở lâu sanh phiền não, nhớ vợ con mong muốn trở về nhân gian. Bồ Tát thấy vậy liền khiến cho bốn người theo hộ tống hai cha con trở về cõi người và ban cho nhiều loại châu báu nữa. Về đến trần gian, hai cha con đi đến gần một ao nước để tất cả đồ vật bên cạnh bờ ao rồi xuống tắm. Bởi phước kém nên những báu vật của Bồ Tát tặng cho hai cha con đều biến mất, không hưởng được. Người thợ săn rất hối tiếc, nên sau đó hai cha con vẫn tiếp tục vào rừng săn bắn như xưa. Ngày nọ, gặp thầy bắt rắn có ngọc Mani, thợ săn hỏi: Này anh, viên ngọc này rất quý, anh có được từ đâu? - Tôi được ngọc mani trên bãi biển hồi sáng này. - Này anh, ngọc mani này rất mầu nhiệm, nếu người nào biết gìn giữ chân chánh thì nó đem đến nhiều kết quả tốt, nếu không biết chăm nom thận trọng thì sẽ có hại đến ta. Vậy anh là người ít phước không nên giữ viên ngọc này, hãy bán cho tôi đi. - Này anh thợ săn, tôi không bán ngọc quý, nếu anh biết chỗ ở của Long Vương, hãy chỉ, tôi sẽ cho anh viên ngọc này. Lúc ấy con trai của người thợ săn bèn cản ngăn cha: - Thưa cha, Đức Long Vương Bhūridata là bậc đại ân nhân đối với chúng ta. Cha đừng nên chỉ chỗ của vị ấy, nếu làm như thế, sẽ mang tội xấu xa hèn hạ, sẽ chịu hình phạt nặng nề trong địa ngục. Người cha bất bình nói: - Này con, con còn nhỏ mà biết gì. Xưa nay biết bao người thợ săn tạo nhiều nghiệp ác mà họ có chịu khổ chi đâu! Nếu có tội, chỉ xuống sông Hằng tắm là hết tội ngay. Người con không khuyên can cha được, liền tỏ lời tuyệt vọng rồi bỏ đi vào rừng xuất gia làm đạo sĩ. Khi thợ săn chỉ cho người bắt rắn chỗ ở của Long vương Bồ Tát. Người bắt rắn, thấy Ngài dưới gốc cây, liền kéo ra dẫm đạp cho xương mềm gãy vụn khiến máu trào ra miệng, xong vạch miệng phun thuốc vào thật đau khổ vô ngần. Với nọc độc Long vương có thể phun ra làm chết cả làng hay thị trấn, nhưng Bồ Tát không sân hận, bất bình. Ngài tưởng đến lời phát nguyện rồi nhắm mắt nằm im không cử động, chỉ chăm chú hành trì Bát Quan trai giới cho trong sạch. Khi Bồ Tát yếu sức, thợ rắn bắt Ngài mang về làng và báo tin cho dân chúng đến xem rồng làm xiếc, hát nhảy cho dân chúng xem, buộc Bồ Tát làm thân hình to lớn, xong bảo làm nhỏ lại v.v… dạy thế nào Bồ Tát cũng làm theo cả, không khởi tâm sân hận. Thời gian sau Bồ Tát được Hoàng huynh là Long vương Dassana cứu thoát khỏi tay người thợ bắt rắn. Bồ Tát sau khi trở về cõi rồng, vẫn tiếp tục từ bỏ sự cao sang quyền thế nơi cõi long cung, tìm chỗ để thọ Bát Quan Trai giới cho được trong sạch đến trọn đời, không thối chuyễn. Đến ngày tan rã ngũ uẩn, Ngài được sanh lên cõi trời Tam thập Tam thiên. -ooOoo- 3. BỒ TÁT TEMIYA hành pháp XUẤT GIA BA LA MẬT Xuất gia là đức tánh phát sanh làm nhân duyên đưa đến Níp Bàn. Xuất gia có 3 cách: 1. Nekkhamma Pāramī: Bồ Tát đi xuất gia, không dính mắc với vợ con là nơi thương yêu trìu mến, gọi là Ngài bổ túc pháp xuất gia đến bờ bên. 2. Nekkhamma upapāramī: Bồ Tát đi xuất gia, không nghĩ đến tứ chi tiết lớn nhỏ, gọi là Ngài bổ túc pháp xuất gia đến bờ trên. 3. Nekkhamma Pāramī: Bồ Tát đi xuất gia không nghĩ đến sanh mạng, gọi là bổ túc pháp xuất gia đến bờ cao thượng. Lúc Đức Bổn Sư đã đắc thành Phật quả Ngài dạy Chư tỳ kheo rằng: Này Chư tỳ kheo, tiền kiếp Như Lai được tái sanh vào thai bào của bà Candadevī, là Hoàng hậu của vua Kasika trị vì xứ Bāranasī, có một nhóm 16.000 tỳ nữ hầu hạ. Như Lai có tên Temiya, bởi khi sanh ra có đám mưa rất lạ thường, nhuận ước khắp cả nơi nơi. Lúc Hoàng tử Temiya được một tháng tuổi bọn tỳ nữ bồng đem đi chầu vua cha. Đức vua thấy vương nhi tốt đẹp lạ thường nên vui mừng phán rằng: "Ta sẽ trao ngôi cho Hoàng tử." Khi đó có thị thần dẫn đến 4 tên trộm. Vua ra lệnh đem xử tử. Đức Bồ Tát thấy cảnh như vậy tâm khủng khiếp sợ sệt, khi ấy tiền kiếp quá khứ liền khơi dậy trong tâm. Ngài nhớ rằng trong quá khứ mình cũng là vua ở xứ này, đã giết kẻ trộm với tâm nóng giận, nên bị đọa vào địa ngục Ussada khổ sở trong 80 ngàn năm mới dứt khỏi ác nghiệp. Sau đó nhờ phước của thiện nghiệp, ta được thọ sanh làm Chư Thiên ở cõi Trời Đao Lợi, nay mới giáng sanh trong cõi người, bây giờ lại gặp cái địa ngục này nữa. Ôi làm sao đây? Đừng cho gặp cái vương vị này nữa. Lúc ấy có nàng Thiên nữ, tiền kiếp là mẹ của Bồ Tát từ giữa hư không nói rằng: "Này con Temiya! Không ai cho người què, bại, điếc, câm lên ngôi vua đâu!" Kể từ ấy, Hoàng Tử bèn thực hành y theo lời dạy, Ngài không cử động, không khóc la, như dáng điệu người tê liệt, câm điếc. Dầu cho Đức vua có năn nỉ hay dọa dẫm cho sợ, bỏ đói, Đức Bồ Tát cũng làm ngơ, bởi Ngài quán xét cái khổ khủng khiếp trong cảnh địa ngục, nên Ngài nhẫn nại trong sự đói khổ mong thoát thân ra khỏi ái dục ngũ trần. Thời gian dần trôi, cho đến năm 16 tuổi, Ngài trãi qua 17 cách thử thách là: Thử bằng sửa, bánh, trái cây, đồ chơi, thực phẩm, lửa, voi, rắn, diễn kịch, múa dao, tiếng tù và, tiếng trống, đèn, ruồi, nước tiểu và phẩn, than lửa, nữ sắc theo thứ tự của mỗi cách. * Cách thử bằng sửa: Đức vua ra lệnh không cho Hoàng Tử bú, để xem Ngài có phải liệt, câm, điếc thật chăng. Nếu không, Ngài phải la khóc trong khi đói khát. Lúc đói nhiều, Hoàng Tử có trí nhớ tự nhắc nhở rằng: "Này Temiya! Sự đói này không bằng thứ ngươi đã bị hành phạt đói khổ trong địa ngục đồng sôi đâu. Nếu ngươi bất thường cử động, la khóc, ngươi sẽ không thoát khỏi ngai vàng, đó là nhân gây nhiều tội ác, rồi phải sa vào địa ngục nữa." Tự khuyên mình như thế, Ngài nhẫn nại với sự đói khổ rồi nằm yên. * Cách thử bằng bánh: Những người hầu để Hoàng tử nằm trên long sàng, xung quanh có những đồng nam, rồi đem bánh trưng bày trước mặt gần Hoàng Tử, cho các trẻ con dành nhau ăn. Họ rình xem Hoàng Tử có dành lấy bánh chăng, nhưng Ngài không động đậy. * Cách thử bằng lửa: Hoàng Tử đã lên năm tuổi, những người hầu bồng Ngài để nằm giữa đám trẻ đang chơi đùa. Bỗng nhiên, họ đốt lá cây, lửa cháy xung quanh làm cho các trẻ em sợ hãi, la hoảng chạy trốn. Nhưng Hoàng Tử vẫn im lặng. * Cách thử bằng ruồi: Hoàng Tử lên mười ba tuổi. Vua cho thị vệ lấy nước mía thoa vào khắp thân thể Hoàng Tử, rồi bồng Ngài đem để chỗ trống cho ruồi bu mút. Hoàng Tử vẫn chiến thắng với sự khổ, không chút than phiền. * Cách thử bằng nước tiểu và phẩn: Trải qua hai ngày, Hoàng Tử đại tiểu tiện không ai tắm rửa. Trước cảnh bẩn thỉu, hôi thúi như vậy, nhưng Hoàng Tử không chút khó chịu. Đức vua hết phương kế nghĩ rằng Hoàng Tử là người liệt, câm, điếc thật sự, bèn sai xa phu Sunanda bắt cột Ngài lên xe quý rồi đem chôn sống. Nhân cơ hội ấy, Hoàng Tử thấy rằng đây là dịp may được lìa khỏi ngai vàng mà từ lâu Ngài đã mong muốn. Ngài nghĩ rằng: "Đây là cơ hội thuận tiện và cũng vừa lúc cho ta tỏ bày sự thật". Ngài liền duỗi tay chân để thử sức mình. Thấy mình có đủ sức mạnh như thường, Ngài bèn xuống xe, nắm gọng xe đưa lên khỏi đầu quay vùn vụt. Khi thấy vậy, bọn đao phủ kinh hồn, cho là phi thường, bèn quỳ xin Hoàng Tử tha tội, rồi về báo cho Vua và Hoàng hậu hay biết rằng Hoàng Tử nay đủ sức mạnh và trí tuệ không phải là người khờ dại. Đức vua cùng triều thần ngự đến nơi, thỉnh Hoàng Tử trở về kế vị. Nhưng Hoàng Tử từ chối và tâu cho vua Cha biết nguyên nhân mà Ngài đã phải nhẫn chịu những thử thách trong mười sáu năm qua, Ngài chỉ mong thoát ly đế vị và xin được xuất gia. Đức vua đành phải chấp thuận. Chẳng bao lâu, nhờ sự tinh tấn tu hành Bồ Tát tu thiền đắc định, hiện thông cho mọi người thấy và thuyết pháp về tội ngũ trần, khiến cho quần thần nhất là vua cha cùng mẫu hậu đều phát tâm hoan hỷ trong sạch xin xuất gia tu theo giáo pháp của Ngài. Khi mệnh chung, Ngài được sanh lên cõi Phạm Thiên. Những người khác, tùy định lực và thiền chứng mà được sanh lên các cõi trời Dục giới và Sắc giới. -ooOoo- 4. BỒ TÁT MAHOSATHA hành pháp TRÍ TUỆ BA LA MẬT
Paññā Pāramī: Trí tuệ là đức tánh phát sanh làm nền tảng đưa đến Niết Bàn. Trí Tuệ Ba La mật này là pháp đưa đến sự giác ngộ Vô thường, Khổ, Vô ngã của các danh pháp, sắc pháp mà Đức Bồ Tát hằng nguyện đạt đến do lòng bi mẫn đối với các chúng sanh. Giải rằng: Sự nhận định các danh sắc là Vô thường, Khổ não, Vô ngã (Aniccaṃ, Dukkhaṃ, Anattā) như vậy gọi là thường tướng. Về phần các vị Bồ Tát hằng an trú các tuệ giác thấy rõ 3 tướng cho vững chắc trong tâm không bị dời đổi, song không phải chỉ là giác ngộ A-La-Hán thôi đâu, mà còn hướng tâm đến Chánh Đẳng Chánh Giác nữa. Trí Tuệ Ba La Mật chia ra có 3 cách: 1. Paññā Pāramī: Sự không quyến luyến vật chất và vợ con, với trí tuệ Ngài hằng làm những việc lợi ích đến chúng sanh, gọi là trí tuệ đến bờ bên. 2. Paññā Upapāramī: Sự hy sinh tứ chi của Ngài, rồi làm việc chánh trực, chỉ mong sự lợi ích đến chúng sanh, gọi là trí tuệ đến bờ trên. 3. Paññā Paramattha Pāramī: Đức Bồ Tát không màng đến sanh mạng của Ngài rồi làm việc chánh trực chỉ mong sự lợi ích đến chúng sanh, gọi là trí tuệ đến bờ cao thượng. * Thưở nọ, có vị vua hiệu là Videharāja trị vì xứ Mithilā. Ngài có 4 vị quân sư tên là: Senaka, Kaminda, Devinda, Pakuttha, thường bàn luận việc cần. Một hôm vua mộng thấy: Có bốn đống lửa lớn ngang cái trại, và có một tia lửa nhỏ bằng đôm đốm ở giữa bốn đống lửa to ấy, có ánh sáng rực rỡ tỏa ra khắp cả bốn châu thấu đến cõi Phạm Thiên. Rất đông dân chúng cầm lễ vật đến cúng dường, họ đi trên đống lửa ấy mà không bị phỏng chân. Khi bốn vị quân sư được vua kể lại bèn tâu rằng: "Bốn đống lửa ấy chính là chúng hạ thần, còn tia lửa nhỏ chói sáng bốn phương đó là sắp tới sẽ có bậc trí tuệ sanh lên để phụng sự Bệ Hạ." Khi ấy, Đức Bồ Tát đang là vị Chư Thiên từ cung trời Đao Lợi, được giáng sanh vào lòng bà Sumanadevī là vợ của ông bá hộ Sirivaddha, ở về hướng Đông hoàng thành của Vua. Lúc ấy có 1000 vị trời khác cũng giáng sanh vào lòng của 1000 phu nhân tiểu bá hộ tùy tùng khác. Cả ngàn trẻ ấy về sau đều là tùy tùng của Đức Bồ Tát. Đến kỳ bà bá hộ khai hoa, đức Trời Đế Thích lấy món thuốc Chư Thiên đổ vào bàn tay của Đức Bồ Tát. Bà bá hộ Sumana thấy thuốc ở trong lòng bàn tay của con bèn hỏi: Con ta được cái gì nắm trong tay. Dù là hài nhi mới sanh ra mà cũng biết đáp lời mẹ rằng: "Kính thưa mẹ, đây là thiên dược, người có bệnh gì cũng chữa hết.". Cũng trong thời gian ấy, Bá hộ Sirivaddha là cha của Bồ Tát mang bệnh nhức đầu đã 7 năm rồi, trị không thấy lành. Bà Bá hộ mới lấy linh dược mài cho uống thử, bệnh khỏi trong giây lát. Bởi nguyên nhân này Bồ Tát có tên Mahosatha (Người có khả năng, học thức). Lúc tuổi lên 7, từ đó trở đi, cả 1000 trẻ nhi đồng ấy hợp lại làm bạn với nhau và cũng là tùy tùng của Đức Bồ Tát. Một bữa nọ, trong khi các trẻ đang chơi, bị một đám mưa to, chỉ có một mình Bồ Tát chạy kịp không bị ướt. Khi ấy, Bồ Tát suy nghĩ bảo tất cả nhi đồng mỗi người một lượng vàng chung đậu lại, mướn thợ làm 5 cái phước xá là: 1. Phước xá dành cho người thương mãi. 2. Phước xá cho Samôn, Bàlamôn và Trưởng Lão. 3. Phước xá cho người cô thế nghèo và phụ nữ có thai. 4. Phước xá để hội đàm, luận đạo. 5. Phước xá để nghĩ ngơi, giải trí. Và Bồ Tát cho họa những hình tích tranh ảnh đẹp lạ thường. Lại cho đào hồ tắm có 1000 cái bến, trồng hoa sen đủ cả 5 màu, và thêm một vườn hoa tốt đẹp như hoa viên Nandavana tại cung trời. Riêng về Đức vua nhớ đến điềm mộng, nay đã 7 năm, bèn cho bốn vị thần đi tìm bậc hiền trí. Lúc ấy, một vị thị thần đi về hướng đông thấy năm phước xá và những kiến tạo của Bồ Tát, biết chỉ có bậc trí thức mới tạo nên như thế này được. Bèn về tâu tự sự cho vua hay. Khi nghe xong Ngài hỏi: vậy trẫm có đi thỉnh Mahosatha về để làm bạn trí thức được hay chưa? Cả 4 vị quân sư là người có tâm ganh tỵ sợ có bậc trí tuệ đến thì mình sẽ mất tài lợi và danh tước, nên tâu nghịch rằng: - Muôn tâu Hoàng đế, chưa được đâu! Đức vua nghe theo, bèn truyền cho người theo dõi xem Bồ Tát có những hành động vì khác lạ chăng. Một hôm, có một phụ nữ, ẳm con đi tắm rồi để đứa bé nằm trên y áo, cô xuống tắm trong hồ sen. Trong lúc đó, có một Dạ xoa nữ thấy đứa bé muốn bắt nó để ăn thịt, nên biến thành một cô gái đến khen đứa bé ngộ nghỉnh rồi ẳm nựng, chốc lát bồng đứa bé đi luôn. Thấy vậy người mẹ lên bờ đuổi theo kịp la rằng tại sao bồng con tôi đi đâu? - Đây là con của tôi, đâu phải là con của cô! Khi cả hai phụ nữ cãi nhau, đến trước phước xá của Đức Bồ Tát, Bồ Tát mời vàoṬhấy cử chỉ của hai phụ nữ, Ngài biết rõ sự việc, bèn hỏi rằng: - Hai cô có muốn tôi phán đoán dùm cho chăng? Cả hai cô đều đồng ý nhờ Bồ Tát phân xử dùm . Bồ Tát bảo để đứa bé nằm xuống, rồi bảo Dạ xoa nắm tay trẻ. Mẹ thiệt nắm chân trẻ. Ngài tuyên bố người nào dành được là Mẹ của đứa trẻ này. Hai phụ nữ kéo qua níu lại làm cho đứa trẻ đau đớn khóc la. Người mẹ thật của trẻ, thấy con khóc động lòng từ bi buông con ra, đứng dậy than van sầu thảm không nở làm cho con đau khổ. Khi ấy Đức Bồ Tát tuyên bố rằng: Lệ thường phụ nữ không phải là mẹ, thì không lòng thương xót con trẻ. Phụ nữ bắt được đứa trẻ là kẻ trộm, Cô kia là Mẹ thật vì có tâm tội thương nghiệp con. Đức vua nghe được rất hoan hỷ, Ngài thử tài trí Bồ Tát nhiều lần nữa, sau cùng Đức vua bèn cho tạo dinh thự, xin đức Bồ Tát làm Hoàng Tử và ban thưởng đầy đủ vật dụng cho Bồ Tát được an vui, luôn cả 1000 thiếu nam theo hầu Bồ Tát cũng như thế. Một ngày nọ, dân chúng thấy ánh sáng ngọc Mani hiện trong ao sen, liền tâu cho Đức vua rõ. Đức vua liên truyền đòi 4 vị giáo sư để tìm ngọc Mani. Họ dạy tát nước ao cho cạn để lấy ngọc, nước đã cạn mà vẫn chưa thấy ngọc Mani. Đức vua bèn hỏi Bồ Tát có thể tìm được chăng? - Tâu, muốn lấy ngọc Mani không khó, xin thỉnh Phụ Vương hãy cùng tôi đến đó. Khi đến mé ao, Đức Bồ Tát đứng quan sát thấy rằng ngọc Mani trên đọt cây thốt nốt, bèn tâu rằng: - Ngọc Mani không có trong ao nước đâu! - Cớ sao có ánh sáng trong nước mà con nói rằng không có ngọc trong đó? Đức Bồ Tát bảo người đem mâm nước đầy để tại nơi đó, rồi thỉnh Đức vua xem, Ngài thấy ngọc Mani như thấy trong ao. Rồi Đức vua hỏi tại sao trẫm thấy ngọc mà con nói không có trong ao! - Tâu, ngọc Mani có tại trong ổ quạ trên cây thốt nốt. Đức Bồ Tát cho người leo lên đọt cây thốt nốt, gần phía đông của ao nước, lấy ngọc Mani trong ổ quạ đem xuống dâng đến Đức Vua. Đức vua rất thỏa mãn, rồi ban thưởng châu báu đang đeo trong mình đến Bồ Tát, còn ngọc Mani vừa tìm được Đức vua liền tặng cho 1000 thiếu nam tùy tùng của Bồ Tát. Cũng trong thời ấy, có một cậu học trò tên là Pingutta làm vừa lòng thầy, nên vị Giáo Sư đã gả con gái cho cậu ta. Cô thiếu nữ này rất xinh đẹp, nhưng Piṅgutta là người xấu số, thiếu phước, nên khi cưới nàng khiến anh ta không vừa ý, không chịu chung cùng với vợ, bởi vì anh học trò ít phước. Sau một tuần thành hôn, Piṅgutta xin cha mẹ vợ trở về xứ. Đi đường xa mệt và đói chợt thấy một cây có trái ngọt, anh bèn trèo lên bẻ trái ăn. Cô vợ ở dưới xin vài trái, anh nói: "Vậy có tay chân để làm gì, mà sao không tự hái ăn!" Nàng biết chồng không cho, nên phải tự trèo lên để hái ăn. Anh chồng thấy thế liền lần xuống đất lấy gai chất xung quanh gốc cây rồi bỏ đi. Vợ anh xuống không được kêu than khóc kể. Ngày ấy, Đức vua đi ngoạn cảnh, nghe người than khóc bèn bảo quan quân đi tìm, gặp được nàng liền đem về làm Hoàng hậu. Một ngày khác, Đức vua lại cùng Hoàng hậu đi du ngoạn ngoại thành, nhân dân quét dọn trang hoàng thành phố để nghinh đón. Hoàng hậu chợt thấy người chồng củ của mình cũng đang quét đường liền mĩm cười. Đức vua thấy vậy liền hỏi cớ sao nàng cười! Hoàng hậu tâu rằng: - Tâu Đại Vương, vì thiếp thấy chồng củ, đã bỏ thần thiếp, nay phải làm công việc như vầy, nên thiếp cười. Đức vua không tin nên phẫn nộ bèn rút gươm cầm tay và hỏi ý kiến bốn vị quân sư. Các quân sư tâu rằng: - Đức vua chớ tin lời phụ nữ, chúng tôi chưa thấy thanh niên nào có vợ đẹp như vầy mà bỏ rơi. Rồi Vua quay sang hỏi Bồ Tát, Ngài thưa rằng: - Thưa Hoàng Thượng, lẽ thường người xấu số, ít phước và người có nhiều phước thường cách nhau xa lắm như trời với đất hoặc như bờ biển bên này và bờ biển bên kia vậy. Cũng thế, kẻ kém phước và người đại phước không ở chung nhau được, lời của Hoàng hậu nói là đúng. Đức vua nghe hữu lý, tha chết cho Hoàng hậu và ban thưởng cho Bồ Tát nhiều lễ vật. Hoàng hậu nghĩ rằng nhờ Bồ Tát Mahosattha, mà sanh mạng ta mới còn, nghĩ thế, Hoàng hậu xin Vua cho phép nàng nhận Bồ Tát làm em. Đức vua hoan hỷ chấp thuận. Một hôm Đức vua dùng câu hỏi về Mendapanhā (câu hỏi khúc chiết-khó) hỏi rằng: - Người có của cải nhưng không có trí tuệ và người có trí tuệ song không có của cải, thế người nào cao thượng hơn? Quân sư đáp: - Người có của nhưng không có trí tuệ cao thượng hơn. Theo hạ thần hiểu là người giàu sang quý hơn hết, vì người có trí bao nhiêu mà nghèo, cũng bị người giàu sai khiến, mặc dầu người giàu mà tàn tật, câm điếc, ... cũng được làm chủ kẻ khác. Nghe thế, Đức vua liền hỏi Bồ Tát: «Khanh hiểu thế nào? - Tâu Đại Vương, thần nghĩ: "Bậc trí tuệ quý hơn kẻ ngu vô trí. Người vô trí, khi có được tài sản nhiều, họ si mê cho rằng ta là cao quý, rồi gây tạo những nghiệp dữ, thích sao thì làm vậy không ghê sợ tội lỗi. Kẻ ấy không thấy xa hiểu rộng, khi họ từ trần thường bị đọa vào ác đạo, do hiểu thế nên hạ thần thấy người có trí tuệ cao quý hơn." Lại nữa những người có của, nhưng không có trí tuệ đen nói trắng. Những cái đen, họ nói trắng, ngược lại trắng nói đen để đánh lạc hướng người khác, mà mọi người cũng nghe theo, là vì phần đông thiếu học. Họ không biết sẽ bị Bậc Hiền minh chê trách, đến khi từ trần còn phải chịu quỷ sứ hành hình nhiều kiếp trong địa ngục. Tiếng xấu còn lưu danh muôn thưở. Riêng bậc trí tuệ thốt lời ngay thật, không nói xuyên tạc theo ai. Bậc trí tuệ hằng được quần chúng ngợi khen và cúng dường bằng các vật báu. Người trí tuệ hằng nói lời ngay thật, sau khi mạng chung được tái sanh làm Vua hoặc lên cõi Trời. Vì thế nên người có trí tuệ cao quý hơn. Bồ Tát dẫn nhiều ví dụ để làm sáng tỏ, Vua càng thêm hài lòng và ban thưởng cho Bồ Tát thật nhiều báu vật. Khi Bồ Tát được 16 tuổi, Hoàng hậu thấy cần phải có người nội trợ để chăm nom gia tài to lớn, song Bồ Tát xin tự đi kiếm người phụ nữ đức hạnh. Bồ Tát đi trong ba ngày, thấy nàng Amarā là người nữ có đủ tài đức và dung nhan xinh đẹp, Bồ Tát không biết nàng đã có nơi nào chăng, nên thử hỏi nàng bằng cách ra cử chỉ, Ngài ra "dấu nắm tay lại" xem nàng có hiểu không? Nàng Amarā, biết Bồ Tát hỏi mình có chồng chưa. Nàng bèn xòe tay để đáp cử chỉ của Bồ Tát. Bồ Tát bèn đến gần để hỏi thăm: - Xin lỗi nàng quý danh là chi? - Thưa, cái chi không có trong quá khứ, vị lai và hiện tại, cái ấy là tên của tôi. - Này cô! Tình trạng bất diệt là cái không có trong quá khứ, vị lai hay hiện tại. Như vậy quý danh cô là Amarā phải chăng? - Vâng tôi tên là Amarā. - Vậy bây giờ cô đem cháo cho ai? - Thưa, tôi đem dâng cho bậc tiền thiên. - Này cô! Tiền thiên tức là cha và mẹ. Vậy có phải cô đem cháo dâng cho cha mẹ cô chăng? - Thưa phải. - Thân phụ cô làm nghề gì? - Cha tôi làm một nơi thành hai. - Vậy cha cô làm nghề nông phu chăng? Và cày ruộng trong nơi nào? - Vâng, thân phụ tôi cày ruộng trong nơi "đi không trở lại" - Nơi đi không trở lại đó là nơi tha ma mộ địa, có phải vậy chăng? - Thưa phải. - Vậy chừng nào cô trở về? - Nếu một cái đã đến thì tôi không trở về, còn một cái chưa đến thì tôi trở về. - Này cô, thân phụ cô cày gần mé nước, nước lên nhiều thì cô không trở về, nếu nước nhỏ thì cô về phải không? - Thưa phải, nói xong nàng mời Bồ Tát dùng cháo. Nàng dành riêng một phần cho cha nàng, còn phần của nàng thì để ra mâm rồi dâng cho Bồ Tát. Bồ Tát còn thử tâm nàng Amarā bằng nhiều cách, thấy nàng có tâm thành thật và có trí tuệ, sau khi gặp cha của nàng Amarā, Bồ Tát lạy tạ và xin hỏi cưới nàng. Đức vua và Hoàng hậu hay tin, liền sắm sửa hôn lễ cao sang đến rước nàng Amarā, nhân dân cũng chúc tặng quà sính lễ nhiều không kể xiết. Khi nàng Amarā được tài sản nhiều như thế, nàng chia làm hai phần: - Phần thứ nhất chia cho dân chúng. - Phần thứ nhì để vào kho làm quốc sản. Do đó toàn dân trong cả nước phục tùng, thương yêu và chịu nghe lời giáo huấn của Bồ Tát. Thấy Bồ Tát được Vua trọng đãi, quyền cao tước lớn ngày càng nhiều, bốn vị quân sư càng sanh lòng ganh ghét, hằng tìm nhiều mưu kế để hãm hại đức Bồ Tát. Một hôm, họ trộm bốn thứ báu vật của vua: - Cây trâm bằng vàng; Khi đã trộm được bốn báu vật, họ đem dấu trong dinh của Bồ Tát, rồi vào tâu vu khống rằng Ngài đã sanh lòng phản nghịch, nhưng nhờ nàng Amarā có trí tuệ nên đã ngăn ngừa được tội lỗi ấy. Đức vua lấy làm hối hận, vì Bồ tát đã thoát thân lánh mình đi mất rồi. Chư Thiên rúng động khi không được nghe Bồ Tát thuyết pháp nữa. Các Vị bèn tìm cách dùng câu hỏi để đố Đức vua. Trí của bốn vị quân sư lu mờ như đom đóm trong ban ngày, không ai giải đáp được, Vua phải cho người đi tìm thỉnh đức Bồ Tát về. Đức vua liền thỉnh Bồ Tát lên ngai vàng, còn Đức vua ngồi bên cạnh phía dưới, rồi phán rằng: "Này con, có vị trời ngự trên cây lọng trên ngai vàng hiện ra hỏi bốn câu, trẫm và bốn giáo sư đều bí lối, cầu con giảng dùm cho rõ." - Tâu, câu đố ấy như thế nào, xin Hoàng Thượng cho con rõ? 1- Người càng bị đánh chưởi, thì lại càng làm cho kẻ khác mến yêu, là hạng người như thế nào? - Tâu, đó là hài nhi mà người Mẹ để nằm trên đầu gối mình, Mẹ hằng vui thích đùa giỡn cùng con trẻ, khi thì đánh lúc thì lại đạp hoặc níu tóc mẹ, vả miệng mẹ, nhưng người mẹ càng nâng niu hôn hít con, càng yêu mến con là như thế. Vị trời nghe rỏ bèn hiện ra, hoan hô khen ngợi là đúng, hay lắm, rồi cúng dường Bồ Tát bằng hoa trời để trong hộp ngọc, xong rồi biến mất. Đức vua thấy thế càng hoan hỷ ban thưởng rất nhiều châu báu cho Bồ Tát, rồi hỏi thêm câu thứ hai. 2- Này con, Người đánh chưởi theo ý muốn mình, xong chỉ mắng ngoài môi chớ lòng không sân hận, rồi trở lại càng thấy thương yêu hơn trước. Đó là hạng người nào. - Đó là Mẹ mắng nhiếc la rầy con, rồi trở lại thương yêu con hơn trước. Thật sự, khi người Mẹ đã thấy con lên sáu, bảy tuổi có thể sai khiến được, nhưng đứa con thường đi chơi từ sáng cho đến tối, rồi không dám trở về nhà, phải nương náu với quyến thuộc, vì sợ Mẹ rầy la. Người Mẹ không thấy con về thì rầu buồn, khi gặp lại con liền vuốt ve mơn trớn, khuyên nhũ rồi dẫn con về nhà, từ đó lại càng thương yêu con hơn trước. Tâu Hoàng Thượng, câu đố thứ nhì là bà Mẹ mắng la con theo sở nguyện rồi càng thương con hơn bội phần. Vị trời liền hiện ra cúng dường Bồ Tát và Đức vua cũng ban thưởng cho Bồ Tát như trước. Rồi xin hỏi đến câu thứ ba. 3- Người dùng lời dối đổ lỗi cho nhau, về sau lại tội nghiệp và càng thương yêu nhau hơn trước, là hạng người nào? - Tâu, đó là lời vợ chồng đỗ lỗi cho nhau, vợ chồng tỏ lời không thật cùng nhau như vậy, rồi càng trở nên yêu mến nhau hơn. Vị Trời liền hiện ra tỏ lời Sādhu và cúng dường cho Bồ Tát, Đức vua cũng ban thưởng như trước. Rồi hỏi đến câu thứ tư. 4- Trong đời, có người thọ nhiều vật dụng của kẻ khác thì lại càng làm cho họ thêm phần kính mến, đó là hạng người nào? Tâu, đó là nói về các bậc Sa Môn, Bà La Môn tu hành phạm hạnh rồi được thí chủ dâng cúng nhiều vật dụng: Thực phẩm, y phục, chỗ ở, mùng chiếu, thuốc men. Thí chủ được dâng cúng nhiều, thì họ càng vui thích, kính mến nhiều vì làm cho họ càng được tăng thêm phần phước báu. Câu đố này ám chỉ các thầy Sa Môn, Bà La Môn có giới đức, tu phạm hạnh trong sạch, làm cho thí chủ phát sanh đức tin, dâng cúng vật dụng đến các Ngài, khi các Ngài thọ lãnh, thí chủ càng hoan hỷ và kính mến nhiều. Lần này Chư Thiên hiện xuống rất đông tỏ lời Sādhu! Lành thay! và cúng dường đủ cả bảy báu. Đức vua cũng ban thưởng nhiều báu vật và phong cho làm Đại tướng tại triều, Bồ Tát càng thêm vinh quang chói lọi. Từ đây về sau bốn vị giáo sư chẳng còn dám hại Bồ Tát nữa. Bồ Tát bắt đầu dạy đạo cho Đức vua và lo xây thành đắp lũy kiên cố, gìn giữ sơn hà xã tắc cho Vua được thịnh đạt lâu dài. Thưở đó, Bồ Tát có nuôi con két, tập cho nói tiếng người, két rất khôn ngoan, dạy sao thì làm theo vậy không sai chạy. Bồ Tát bèn khiến nó bay đi thám thính việc ở các nước. Chim két ấy bay thám thính thừa lệnh bay đi đến nước Uttarapancā thấy vua Cullanī và vị cố vấn Kevata có ý định làm chủ toàn cõi Diêm Phù. Biết được cớ sự ấy, két về báo tin cho đức Bồ Tát, Ngài liền lo sắp đặt quân binh và dự trữ luôn cả lương thực dùng trong vài năm được. Sau khi đánh chiếm 101 nước nhược tiểu, Vua Cullanī định đi bắt vua Videha và đức Bồ Tát, nhưng đức Bồ Tát Mahosatha đã biết được, nên ý đồ của vua Cullanī không thành. Thế rồi hai bên gây chiến cùng nhau bằng pháp lý, vị cố vấn Kevata định hỏi về những câu pháp để cảm thắng đức Bồ Tát. Ông nghĩ, hai vị trí tuệ của hai nước sẽ hội nhau trong một nơi để luận đạo. Người nào cúi đầu thì coi như đã bại trận. Ông thì già, còn Bồ Tát lại trẻ, khi gặp nhau Bồ Tát bái chào trước, như thế Bồ Tát sẽ bị bại trận. Nghĩ thế ông rất yên lòng. Rồi cả hai đều đến điểm hẹn. Khi Bồ Tát đến chỗ đấu pháp, với vẻ mặt tươi tỉnh, đầy nghị lực và cỡi trên con ngựa rất quí đáng giá 1000 lượng vàng, tay cầm một viên ngọc có ánh sáng chói lọi vô giá, đi ngay đến trước mặt vị cố vấn. Ông không thể đứng vững được, nên đi đến bái chào Bồ Tát và nói rằng: Này bậc trí tuệ Mahosatha, ta đến chỗ này lâu rồi, người nhỏ thua ta sao lại không xã giao lễ độ với ta? Hay là ngươi ỷ có viên ngọc vô giá đó chăng? Đức Bồ Tát hỏi trở lại rằng: - Ông muốn được ngọc này không, mời ông đến thọ lãnh! Vị cố vấn lòng mừng khấp khởi, liền đưa tay ra để nhận. Bồ Tát bèn ném ngọc mani trên tay Kevata, nhưng ngọc lăn xuống đất vào gần chân Bồ Tát. Kevata định cúi xuống định lượm ngọc ma ni, Bồ tát bèn tuyên bố: - Ô! Ông thầy sao lại đảnh lễ ta, ta nhỏ hơn ông kia mà, đừng làm thế, ông nên ngồi dậy đi! Vua Cullanī, cho đến 101 tiểu vương và quân lính nghe thấy vậy đều hãi hùng sợ chết, đồng nhau lên ngựa chạy dài về thành. Chỉ có duyên cớ bấy nhiêu, nhóm quân lính của vua Cullanī chạy tán loạn, Đức vua chịu đầu phục và xin tha mạng sống. Về sau Vua Cullanī lại tính kế đem công chúa là con gái của mình đi hiến cho hoàng đế Videha làm Hoàng hậu, đặng mưu giết vua và Bồ Tát. Đức Bồ Tát hiểu rõ âm mưu ấy, dẫn binh đến giữa ranh giới, rồi xin vào sửa soạn nhà nghĩ tạm trong xứ Uttara Pañcā. Khi ấy Ngài dồn trại vào một đường hầm to rộng đủ cả tiện nghi, họa tranh các cõi trời rất ngoạn mục, xa một dặm và nửa do tuần, có tám mươi cửa lớn và sáu mươi bốn cửa nhỏ, các then cửa ấy chỉ trật sập một cái thì tối như không gian địa ngục. Trái lại chỉ đạp cửa một cái thì hằng nghìn ngọn đèn điện cháy sáng hết thảy như cõi trời. Theo đường ngầm, Ngài cho 4 vị hoàng gia của vua Cullanī đi về kinh đô Mithilā. Nhờ trí tuệ của Bồ Tát mà đã chiến thắng được Vua Cullanī và 101 nước lân bang mà không làm tổn hại đến một ai. Sau khi đức đại Bồ Tát Mahosatha là bậc đại sỹ quý báu thắng trận trở về thành Mithilā, Đức vua Videha tán tụng tài đức và khen ngợi Trí Tuệ của Bồ Tát, vì mọi người được thoát chết và được sự an vui hạnh phúc. Từ đây hai nước trở nên thân thiết bang giao, quốc thới dân an, nhà nhà lạc nghiệpṬài đức Bồ Tát vượt trên tất cả mọi người và được truyền tụng trong đời. -ooOoo- |
[Trở về
trang Thư Mục]
last updated:
24-06-2005