BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Bước Sen
Nữ Tu & Cư Sĩ Phật Giáo: Cuộc Sống,Tình Yêu & Thiền
Định

MARTINE BATCHELOR
Việt Dịch: Diệu-Ngộ Mỹ Thanh & Diệu-Linh Lý Thu Linh


II. LUYỆN TÂM

Chương 7

NƯỚC VÀ SÓNG

Myongsong Sunim

Unmunsa là một tu viện lớn tại Hàn quốc, có khoảng 300 ni. Sự thành công của viện nhờ vào Ni trưởng và cũng là vị giảng sư chánh là Myongsong Sunim, một trong những người giảng pháp lỗi lạc nhất của Hàn quốc, được rất nhiều người kính trọng. Tu viện Unmunsa càng ngày càng lớn mạnh, có thêm nhiều phòng ốc; học viên thì hài lòng với không gian hoà hợp yên tĩnh. Ni sư Myongsong khoảng 60 tuổi, nhưng nhìn bà rất trẻ so với tuổi. Bà nhanh nhẹn nhưng cũng trầm tĩnh, nghiêm khắc mà thân thiện, cân bằng, mực thước, luôn lo cho phúc lạc của các ni sinh. Các ni sinh có cảm giác rằng Ni trưởng đối với họ rất tốt vì bà biết cách chăm sóc cho cây cỏ. Muốn trồng phong lan và cây cối đòi hỏi sự kiên nhẫn, vì mỗi thứ cây cần được chăm sóc khác nhau. Cũng vậy, dường như Ni trưởng biết phải ứng phó như thế nào với nhiều ni sinh khác nhau.

Giáo Lý Của Đức Phật Là Gì?

Chúng ta cần biết ý nghĩa thật sự về chữ Phật trước khi ta có thể thiền hay tụng niệm. Nếu thực hành một cách mù quáng, chúng ta có thể đi sai mục đích. Chúng ta cần phải tìm hiểu về giáo lý của đức Phật trước khi thắp hương, niệm Phật. Chúng ta phải biết kinh trước khi có thể tụng. Đó là lý do tại sao tôi học kinh điển.

Trước tiên, bạn phải có tâm chân thành khi học kinh. Ban đầu, khi đức Phật đi tu, Ngài cũng có lý do. Tại sao đức Phật lại đi tu? Cũng giống như, đi chợ để mua một món hàng nhất định nào đó, hoàn toàn khác với việc đi chợ chỉ vì theo một người bạn, hoặc đi mà không có mục đích gì cả.

Từ nhỏ, tôi đã đọc rất nhiều sách về tôn giáo : Phật giáo, Khổng giáo, Thiên Chúa giáo, kể cả sách của Socrates. Tôi muốn trở thành một đại bác học. Nhưng tôi đọc sách Phật là phần lớn và muốn đi theo con đường nầy. Nhìn người khác, tôi thường tự hỏi cuộc sống của họ có ý nghĩa gì, khi dường như họ sống một cuộc sống vô vị. Tôi quyết định xuất gia năm 23 tuổi.

Tâm Ban Đầu

Khi bắt đầu tu tập, ta nên tự hỏi: Động lực nào thúc đẩy ta? Mục đích của ta là gì? Chúng ta cần có một đường hướng căn bản vì thế ta nên bắt đầu học kinh Chobalshim (Tâm ban đầu).

Tâm rất quan trọng. Ta cần tạo ra một tâm thức như thế nào? Tâm giống cái gì? Cái mà ta gọi là tâm không hình dáng, không mùi vị. Ta không thể thấy tâm bằng mắt hoặc nghe bằng tai; vậy tâm là gì?

Điều quan trọng là tiếp tục không gián đoạn với động cơ ban đầu của ta. Tâm ban đầu, khoảng giữa và cuối đều phải giống nhau. Nếu tâm ban đầu thay đổi, thì bạn có thể có những hành động bất thiện hay là không chính đáng.

Tâm ban đầu cần được chuyển tiếp cho tâm theo sau; chúng là một. Trong kinh Chobalshim có nói: 'Với tâm ban đầu hành giả sẽ đạt được giác ngộ'. Tôi thường giảng về tâm nhất nguyên và làm thế nào để tâm ấy không hai.

Nước Và Sóng

Nếu bạn nghĩ thiền và học kinh điển là đối chọi nhau, thì bạn rất sai lầm. Hoàn toàn không phải vậy. Nếu tâm Phật là thiền thì lời Phật là giáo pháp. Giáo pháp của Phật không hiện hữu ngoài tâm Phật.

Giống như nước và sóng không khác nhau. Nếu nước chuyển động thì là có sóng, khi lắng dịu thì vẫn là nước. Sóng thì chuyển động và nước thì yên lắng, hai thứ không khác nhau. Cũng như vậy thiền và giáo pháp không khác.

Trong đời sống hàng ngày, không có gì không phải là thiền. Khi chúng ta biết ngồi quay mặt vào vách quán sát, 'Cái gì là tâm?', thì mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta trở thành thiền. Từ lúc sáng thức dậy cho đến lúc nằm xuống ban đêm, chúng ta quán: 'Cái gì đang nằm ở đây?' Nếu suy tư sâu lắng ta thấy cái đang nằm ở đây có thể ví như một xác chết còn động đậy. Đây là một hình thức tu tập.

Giáo lý của Phật chỉ là sự diễn đạt của tâm Phật, qua văn tự và ngôn ngữ. Nhiều người không biết đó là một chứ không phải hai. Một thiền sinh có thể nói giáo lý là xa vời. Ngược lại kẻ chấp vào kinh điển có thể phỉ báng các thiền giả, cho rằng họ là những kẻ ngu si, nhưng những khái niệm này đều sai lầm.

Đời Sống Hằng Ngày

Dầu lạy Phật hay là nhổ cỏ, chúng ta cũng phải làm những việc đó với tâm bình đẳng. Nếu chúng ta lạy Phật vì Phật ngồi trên cao, đó là tôn thờ hình tượng. Nếu lạy Phật, khi chúng ta nghĩ Phật ở ngoài chúng ta, đấy cũng là tôn thờ hình tượng. Nếu ta nghĩ tâm hiện tại của ta là Phật, chúng ta đảnh lễ chân tâm của mình với lòng thành kính, cố gắng không để tâm dẫn đến cống cao ngã mạn. Đó mới thật là ý nghĩa của sự đảnh lễ.

Trong cuộc sống hàng ngày, khi làm những nhiệm vụ lớn nhất hay nhỏ nhất, nếu chúng ta sống chân thật, kiểm soát việc mình làm, đấy chính là ý nghĩa của chữ Phật. Khi nhổ cỏ, hoặc quét sân, thưa hỏi người cao tuổi hoặc làm bất cứ chuyện gì, nếu ta làm những việc này một cách thành tâm thật lòng, thì đây là thiền.

Nếu chúng ta tinh tấn hành thiền nhưng rồi nổi giận hoặc nổi tham, thì còn tệ hơn chưa từng thực tập gì hết. Mục đích của thiền là sửa đổi các tư tưởng sân hận, si mê hay tham đắm. Chúng ta thiền là để trở về với tâm trong sạch, chân thật. Nếu chúng ta sống một cuộc sống hoang đàng, không lành mạnh, thì đó không phải là học tu hay hành thiền.

Tôi thích nói về pháp một cách cởi mở, giản đơn. Tôi dạy người cư sĩ biết sống lành mạnh trong cuộc sống hàng ngày. Như sen vươn lên từ vũng bùn nhơ, vẫn nở hoa tinh khiết, đẹp đẽ, người cư sĩ sống ở thế gian, vẫn có thể nở hoa như sen vậy. Nếu họ vun trồng một cách sống tốt đẹp với nhau, đó là họ đã thực hiện ý hướng của đức Phật.

Như Nước Trong Nguồn Chảy Ra

Ngay trước khi dạy bảo ai điều gì đó, chúng ta đã phải khiêm nhường. Nếu khuyên ai nên tạo công đức, chúng ta cần nhún nhường khi nói điều nầy. Trước hết chúng ta cần xét lại việc tạo công đức của chính bản thân. Trước khi bảo ai đừng nóng giận, tôi phải xét lại bản thân xem mình có khả năng chịu đựng, nhẫn nại mà không trở nên giận dữ.

Khi muốn nhắc nhở ai điều gì đó, ta không cần lớn tiếng. Trước tiên, ta phải nhìn lại mình; có thể ta mới có tự tin để dạy dỗ người khác. Chúng ta phải làm mọi việc với lòng tự tin. Nhưng thật khó tự tin, đúng không nào? Xét hành động của người thì dễ hơn của mình.

Nguồn cảm hứng phải phát khởi từ trong lòng. Nếu ta hy vọng tìm được điều đó từ bên ngoài, như thể nó rơi từ trên trời xuống, thì thật là sai lầm. Sự dũng mãnh cũng phải bắt nguồn từ bên trong, từ lòng tự tin của chính mình. Giống như nước từ trong nguồn chảy ra. Đâu có nơi nào khác mà ta có thể tìm được?

Riêng cá nhân tôi, sự cảm hứng không ích lợi gì. Tất cả các công trình đã được hoàn thành ở đây không phải do tôi làm, mà do từ tất cả năng lượng của nhiều người khác hợp lại. Không phải chỉ có sức mạnh của tôi mà chúng được hoàn thành. Vì nhiều vị ni quyết hợp sức cùng làm, tu viện Unmunsa mới được như thế đó. Công trình nầy không phải thành công nhờ tôi có sức mạnh phi thường gì. Mọi thành tựu đều do sức mạnh của từng ni sinh đang học tập tại đây; góp chung lại, nó được kết tinh thành.

Khi bạn chơi trò kéo dây, một nhóm người kéo dây, và vì mọi người cùng chung sức kéo, sợi dây chuyển động. Người đứng phía trước, hay bất cứ ai, không thể nói, 'Tôi là người làm cho sợi dây chuyển động'. Không phải một người, mà là mọi người cùng nhau hoàn thành điều gì đó.

Người ta không thể truyền đạt ý của mình cho người khác. Ai đó có thể hỏi tôi : 'Tại sao bà lại sống giữa núi vậy?' Tôi có thể xử dụng câu trả lời của một vị thiền sư cho câu hỏi nầy. 'Trên đỉnh núi, mây đến rồi đi'. Câu nầy rất hợp với tôi. Hạnh phúc, niềm vui của một người không thể giải thích được. Nếu tôi uống nước, thì chỉ có tôi mới biết được nước lạnh hay nóng, và nóng hay lạnh như thế nào. Vì lý do nầy, tôi không thể diển đạt được niềm cảm xúc mà tôi, một người nữ tu, đã trải qua.

Nguồn Gốc Của Giới Luật

Các vị tăng ni cần phải chú tâm, đặt nặng vấn đề đạo đức hơn người tại gia. Xét kỹ, ta thấy, đối với các vị tỳ kheo có tất cả 250 giới, tỳ kheo ni có 338 giới, cư sĩ thì có năm hay 10 giới và cho sa di (sramanera) có 10 giới.

Tôi đã giảng nhiều về các giới luật của tỳ kheo ni. Theo tôi, nhìn lại nguồn gốc của giới luật, tôi cảm thấy không cần thiết phải tuân theo giới luật một cách quá chặt chẻ. Nguồn gốc của giới luật là để 'bỏ điều ác, làm điều lành'. Vậy là đủ rồi. Nếu chúng ta luôn giữ nguồn gốc của giới luật, nó sẽ trở thánh bản tánh tự nhiên; tự động ta sẽ giữ các giới luật mà không cần được nhắc nhở: 'Hãy làm việc nầy, đừng làm việc đó!' Đừng làm việc ác và xem điều nầy như nền tảng để làm việc tốt! Đó chính là lời dạy của Đức Phật.

Thiền Định Và Trí Tuệ

Tâm chúng ta giống như sóng biển, lúc nào cũng nhấp nhô. Thiền giúp cho tâm giao động trở nên yên tịnh, để có thể tìm giữa bao thứ trong tâm ta cái ý tưởng vững chải, không xao động. Có lời dạy rằng: 'Đừng chấp vào những cái bên ngoài mà bạn có thế thấy, có thể nghe. Hãy buông bỏ ngay lập tức.'

Trạng thái mà nội tâm tôi không bám víu, không nôn nao, không bận rộn, là trạng thái khi tâm tôi đã lắng dịu hoàn toàn, cũng như nước đang lắng đọng. Biển tâm, dòng nước sâu thẫm của tâm, khi đã lắng xuống một cách êm đềm, thì đấy là định.

Dầu bận rộn thế nào, bạn cũng cần phải cẩn trọng hơn, chú tâm hơn và điềm tĩnh hơn. Để giúp mình bình tĩnh hơn, hãy tự hỏi: 'Tôi phải giải quyết việc nầy như thế nào?' Nếu bạn có chánh định, thì dầu công việc của bạn có rắc rối, khó khăn thế nào, bạn cũng không bị áp lực, kiệt sức, thật ra bạn còn điềm tĩnh hơn. Nếu bạn có khả năng của chánh định, thì bạn có đủ sức mạnh để đối phó với mọi hoàn cảnh. Mắt của thiền giả có thể trụ vào một nơi cố định, không liếc ngang dọc mọi nơi. Đó chính là nhờ sự chú tâm.

Nếu dòng nước tâm lắng đọng êm đềm, thì tâm sẽ trở nên trong hơn và chói sáng sau mọi phản chiếu. Nhờ có định, mà trí tuệ phát sinh một cách tự nhiên, rõ ràng. Trí tuệ của Đức Phật không thể có được giống như cách chúng ta tạo ra của cải vật chất. Khi tâm thức lắng đọng, lập tức ánh sáng trí tuệ chói sáng.

Thiền sư Bojo có nói: 'Không có điều ác trong tâm thức, đó là giới luật, không có xao động trong tâm, đó là định, không có si mê trong tâm, đó là trí tuệ.'

Đôi Cánh Chim

Giữa tăng và ni, không có sự khác biệt. Cả hai đều là đệ tử Phật. Tăng và Ni như đôi cánh của một con chim. Sứ mệnh của chúng ta trong đời là truyền bá lời dạy của Đức Phật.

Tu Viện UNMUNSA

Ở Unmunsa, có rất nhiều ban, khoa. Có khoa giáo dục nhằm mục đích truyền bá Phật pháp. Có ban văn hóa phát hành tờ tin. Ban hoạt động xã hội tổ chức các gian hàng bán lấy tiền gửi đến các trại phong, nhà dưỡng lão và cô nhi viện. Các vị ni thăm viếng những nơi mà con người đang đau khổ như một hiện thân của lòng từ bi của đức Phật.

Công việc của chúng tôi là giảng dạy ý nghĩa của Đức Phật. Đây là các nguyên tắc chỉ đạo của trường đại học: chúng tôi phải phát đại nguyện bằng cách vun trồng các ý định của mình. Phải tinh tấn và dốc cả tâm trí vào tất cả những việc ta làm, không được dể duôi. Không được trở lại với các thói quen cũ, và phải luôn tinh tấn. Chúng ta phải truyền bá những lời Phật dạy, vì Đức Phật bảo bánh xe pháp phải quay không ngừng.

Khi tôi mới đến đây, có chừng khoảng 70 vị ni. Trong 22 năm, nhiều việc đã đổi thay và số ni tăng lên rất nhiều. Hiện tại có khoảng 230 ni sinh. Nếu cộng luôn tất cả những người làm việc ở đây, con số có thể lên đến 257 người. Trong tương lai, tôi mong có những vị ni xuất chúng, có kiến thức cao hơn tôi sẽ xuất hiện và phát triển tu viện nầy hơn nữa.

Tôi bảo với tất cả ni sinh rằng họ phải trở nên những con người giác ngộ. Bằng những thành quả của chính mình, họ phải trở nên các nhà tư vấn thông thái. Đi đến đâu họ cũng không phải quỳ lụy, khúm núm. Tất cả chúng ta phải trở thành những phụ nữ xuất sắc trên con đường Đạo.

Sống Hòa Hợp

Ban đầu, tôi không tha thiết muốn được trở thành Ni trưởng. Ý tôi định là nghiên cứu và giảng dạy kinh điển ở thủ đô. Tuy nhiên, ni chúng ở tu viện Unmunsa nhất quyết muốn tôi làm giảng sư cho họ và sau đó yêu cầu tôi làm ni trưởng. Điều mà tôi thích khi làm ni trưởng, là tôi có trọn quyền để làm cho các ni sinh thêm thoải mái. Nếu tôi chỉ là giảng sư, tôi phải xin phép ni trưởng để mua bàn ghế, màn cửa, máy photocopy, vân vân, và có thể bị cấm. Nhưng vì tôi là ni trưởng, tôi có thể cung cấp mọi thứ cần dùng cho các ni sinh.

Sống hoà hợp là mục đích của ni chúng nầy. Khi các ni có sự bất đồng ý kiến, họ cố gắng tìm hiểu quan điểm của người khác. Nếu nhìn vào gương, tôi thấy khuôn mặt của mình phản chiếu trong đó; sự phản chiếu đó không tốt hơn cũng không xấu hơn khuôn mặt của tôi, nó chỉ phản chiếu sự vật như nó thật là. Chúng ta không nên ôm thù hận đối với kẻ khác. Mọi lỗi lầm cần được xem xét lại bằng cách nhìn lại mình, và chúng ta phải kiên nhẫn, nhún nhường đối với nhau.

Chúng tôi chủ trương sống với lòng khiêm cung. Vì thế mặc dù có 250 ni sống chung với nhau, các vụ ấu đả hay tranh cãi không xảy ra thường xuyên. Dù sao, họ cũng phải học hành chăm chỉ, giữ gìn khuôn viên sạch sẽ, trồng hoa và rau quả, vì thế họ rất bận rộn, không có thời gian để bất hoà.

Đại Ái Và Đại Bi

Chữ từ bi trong tiếng Hàn được kết hợp một cách rất ý nghĩa, bao gồm từ ja, là 'thương yêu', và bi, nghĩa là 'buồn, thương xót'. Chữ 'từ bi' nấy, cũng đi ghép với chữ 'vĩ đại'. Chúng ta luôn nói về lòng đại từ bi.

Trong cuộc sống thế gian, người ta thương không trọn vẹn. Họ nghĩ, 'Tôi mong mọi việc suông sẻ tốt đẹp cho con trai hay con gái tôi.' Họ làm điều nầy kể cả khi cầu nguyện. Đối với sự từ bi nầy, bạn không thể thêm vào từ 'đại' phía trước.

Đại bi nghĩa là khi ai đó gặp nhiều đau khổ, chúng ta phải tốn nhiều công sức để giúp họ ra khỏi đó. Cũng có nghĩa là khi chúng sanh buồn, ta cũng buồn với họ. Khi họ khóc, ta cũng khóc. Đại ái là khi chúng sanh vui, ta cũng vui với họ. Chia sẻ buồn vui cùng nhau, đó mới là đại từ bi. Đại ái nghĩa là chúng ta ban tặng hạnh phúc lớn lao; đại bi nghĩa là chúng ta giúp người thoát khỏi khổ đau.

Ý nghĩa của từ bi thật tuyệt vời. Gandhi đã nói ông học được tình thương yêu đồng loại từ Thiên chúa giáo, nhưng ông học được tình thương yêu tất cả mọi loài chúng sanh nơi Phật giáo. Mọi vật đều được tôn trọng, kể cả con muỗi. Thật là một ý tưởng tuyệt vời, thương yêu tất cả chúng sanh một cách bình đẳng. Vì thế, để không vật gì bị giết hại, chúng tôi không ăn thịt. Nếu tôi lo cho sự sống của mình, thì tôi cũng phải lo cho mọi sự sống khác, do đó tôi không thể giết hại bất cứ một chúng sinh nào. Như thế lòng từ bi sẽ mãi tuôn tràn.

-ooOoo-

Chương 8

TU TẬP GIẢI THOÁT

Hiuwan Fashih

Pháp Sư Hiuwan, người Hoa thuộc trường phái Thiên Thai, hiện đang sinh sống tại Đài Loan. Sư đã 81 tuổi, là hoạ sĩ, thiền sư, nhà học giả, nhà giáo dục. Vừa qua Sư đã xây dựng được một trường kỹ thuật có thể chứa khoảng 600 sinh viên. Không thể ngờ dù tuổi đã cao, Sư vẫn rất năng động; tuy nghiêm nghị nhưng Sư cũng rất tử tế.

Phật Xuống Núi

Từ lâu, tôi đã thích về giáo dục và Phật giáo. Năm 1942, trong chiến tranh Nhật Bổn, tôi đang trú ngụ tại một chùa trên Đỉnh Omei, Trung Quốc. Một buổi sáng, đọc thơ của một vị tăng thời xưa, tôi bắt đầu có ý muốn xuất gia để tránh khỏi những rắc rối của thế gian. Tôi bắt đầu sống trong chùa và dạy học ở một trường dành cho các vị ni. Sau đó tôi viếng thăm Ấn Độ một thời gian. Khi trở về, tôi dựng nên bốn trường học ở Hồng Kông và dạy học cho trẻ tỵ nạn người Hoa.

Tôi được mời vẽ chân dung đức Phật, vì thế tôi đọc rất nhiều sách về nghệ thuật Phật giáo. Tôi đã bỏ ra sáu năm để vẽ 10 bức họa. Cho đến lúc đó tôi rất thích văn hoá và nghệ thuật Trung Hoa, các tác phẩm hay của Khổng Tử, nhưng tâm trí tôi chưa cởi mở. Sau khi hoàn thành 10 bức hoạ, tôi nhận ra rằng cuộc đời cũng giống như tranh. Trước đó tôi chưa bao giờ có cảm xúc mạnh đối với đức Phật, cũng như tôi chưa bao giờ có cảm xúc về bất cứ việc gì chung quanh tôi; tôi chỉ thích các tư tưởng. Nhưng khi vẽ xong các tấm hình về đức Phật, trong tôi có một cái gì đó đã được thông suốt.

Một số học sinh tôi dạy rất nghèo nàn, dơ bẩn. Tôi đã hỏi đức Phật: "Tôi đang sống trong cuộc đời nầy, họ cũng thế. Tại sao họ lại quá nghèo?" Đức Phật đây là sự tử tế trong lòng tôi. Tôi nhận ra rằng nghệ sĩ thường có tấm lòng tràn đầy từ bi, vì người ấy nhìn và phải nhận thức được mọi thứ để vẽ. Lòng từ bi và trí tuệ của đức Phật -cả 40 năm sau những chữ nầy vẫn gây xúc động trong tâm tôi. Tôi trở thành một tu sĩ không phải chỉ cho tôi, nhưng vì đức Phật phải xuống núi để giúp những chúng sanh đang đau khổ.

Giáo Dục Không Phải Chỉ Là Học Vị

Tôi rất lo lắng về sự xuống dốc của các giá trị đạo đức trong thời đại máy móc nầy, và nghĩ rằng các đề tài nhân văn cần phải được dạy trong chương trình khoa học và kỹ thuật. Giáo dục không chỉ là phổ biến kiến thức học vị, nhưng cũng cần phải dạy về các giá trị luân lý. Vì lẽ nầy, tôi bắt tay vào việc xây dựng trường Đại học Kỹ thuật Huafan vào năm 1987.

Đã từ lâu tôi có ý muốn xây dựng một trường học về văn hoá và Phật giáo Trung Hoa ở Đài Loan, nhưng Bộ Giáo Dục không còn cho phép mở trường đại học nhân văn. Họ chỉ muốn mở trường đại học cho sinh viên học những kỹ năng thiết thực, để tìm được việc làm. Tôi nhận thấy rằng kiến trúc cũng là nghệ thuật, vì thế chúng tôi quyết định là trường đại học của chúng tôi sẽ chuyên về ngành kiến trúc và các kỹ thuật liên quan.

Chúng tôi có một câu lạc bộ Phật giáo, nhưng không liên quan gì đến Phật giáo. Tuy nhiên, vì tôi là ni sư và là người sáng lập, điều nầy cũng phần nào ảnh hưởng cách điều hành trường, và các sinh viên mời tôi dạy thiền. Tôi hy vọng rằng họ sẽ phấn khởi với các giá trị Phật giáo và sẽ hâm mộ nghệ thuật.

Nền giáo dục giải thoát làm trong sạch tâm thức. Không phải từ ngôn ngữ hay sách vở - khi bạn nhìn một vật gì và có cảm giác thích thú bên trong, nghĩa là khi ấy bạn đã học được một điều gì đó. Nếu các sinh viên suy nghĩ về cuộc sống nhiều hơn, thì họ sẽ hiểu nó nhiều hơn. Biết áp dụng các giá trị đạo đức, có hiểu biết về trí tuệ siêu việt và có lòng từ bi đối với người khác là những nội quy của trường đại học kỹ thuật nầy.

Giáo Dục Để Giải Thoát

Thầy của tôi là Thượng toạ Tan Hsu, người đã hiến cả cuộc đời để lo cho giáo dục. Khi mất, ông không nhắm mắt cho đến khi tôi lập thệ nguyện ngay lúc ấy, rằng tôi sẽ hiến dâng cuộc đời tôi cho sự nghiệp giáo dục.

Đây không phải là cho tôi, không có gì là cho tôi cả. Điều quan trọng là nơi đây sẽ thành trường đại học, cơ sở nghiên cứu về giáo dục Phật giáo. Kỹ thuật và văn hoá cần phải bổ sung cho nhau, và tôi muốn thực hiện điều nầy cho xã hội. Tôi mong muốn hoà hợp kỹ thuật, văn hoá, cùng với Phật giáo và nghệ thuật.

Khởi đầu giáo dục nhằm dạy cho con người biết "vươn tới điều tốt đẹp nhất". Ngày nay giáo dục rất phát triển, nhưng dường như không thành công trong việc giúp đỡ con người vươn tới điều tốt đẹp nhất. Một nền giáo dục lý tưởng không phải chỉ trao tay kiến thức, mà còn gồm bao gồm những phương cách thanh lọc tâm, để học giả không bị giao động bởi vật chất thế gian, và để đạt đến trí tuệ siêu việt. Giáo dục để giải thoát có nghĩa là nuôi dưỡng sự tỉnh thức và chuyển hoá ý thức trở thành trí tuệ.

Giáo Dục Tự Nhiên

Nền giáo dục hữu hiệu nhất là phát triển cá tính và dạy ta làm thế nào để có được sự an vui trong cuộc sống. Kết hợp môi trường thiên nhiên với giáo dục sẽ dễ thành công, và tạo được nhiều cơ hội. Từ lâu Ấn Độ đã nhận thấy sự cần thiết của giáo dục giữa môi trường thiên nhiên, để thực hiện được sự phát triển của thân tâm.

Một rễ cỏ nhỏ, một hạt cát; mỗi thứ là một vũ trụ thu nhỏ, giúp chúng ta nhận thức được mối liên hệ giữa một cá nhân và thế giới, cũng như trạng thái vô hạn của trí tưởng tượng. Thiên nhiên và con người tương tác và phụ thuộc lẫn nhau, vì thế nên sống chung hoà hợp với nhau. Như thế, một nền văn hoá không bị giới hạn sẽ tự nhiên xuất hiện.

"Nền giáo dục tự nhiên" của đức Phật là một tiến trình của giải thoát; là bản tánh chân thật của con người để vươn tới giải thoát. " Giáo dục tự nhiên" không chỉ có nghĩa là truyền dạy sự hiểu biết, nuôi dưỡng tình thương và lòng từ bi, mà cũng là sự thực tập và chứng nghiệm thực sự.

Môi trường giáo dục cần phải xa những nơi đô thị bụi bặm, ồn ào, ở giữa rừng cây yên tịnh. Nhà ở cần phải đơn sơ, thoải mái. Môi trường học tập cần được trang trí với các tác phẩm văn chương, nghệ thuật, nên chứa đựng những sản phẩm đưa nguời ta đến với các tư tưởng tôn giáo và thiền định. Về mặt học vị, sức mạnh của trí tưởng tượng và phẩm chất của lòng từ bi cần được phát huy.

Phương Thuốc Hữu Hiệu

Nếu muốn thanh tịnh tâm thức, gạt bỏ những lo âu đời thường và đạt được trí tuệ miên viễn, chúng ta phải giữ nội tâm tỉnh thức, quen dần với sự yên tịnh và trầm lắng. Một tâm thức an lạc và thông thái sẽ giúp ta phân biệt được việc tốt xấu.

Nền giáo dục thông thường chỉ phát huy việc chia xẻ và thu thập kiến thức. Giáo dục giải thoát của Phật giáo rèn luyện về cả hai mặt kiến thức và đạo đức, nhắm mục đích việc trừ diệt si mê để trí tuệ được hiển lộ. Lý tưởng Phật giáo là để đạt mục đích của việc dạy đồng thời cũng là học.

Trong thời đại bùng nổ tri thức, kỹ thuật tân tiến dường như đang phát triển bằng các bước nhảy vọt. Nhưng tri thức nhân loại càng phát triển, thì tâm thức con người càng trở nên cô đơn, tuyệt vọng. Đây là lúc chúng ta cần phải khảo sát kỹ lưỡng, sâu sắc về những nhu cầu đích thực của nhân loại.

Làm thế nào để các bạn trẻ phát triển sự tự tin? Thanh lọc tư tưởng của họ sẽ mang lại lòng từ bi và trí tuệ, rồi họ sẽ nhìn thấy mọi thứ quanh họ đáng quý và họ sẽ thực sự tôn trọng sự tương quan giữa mọi vật. Như vậy, các bạn trẻ có thể cống hiến cho thế giới nầy, phấn đấu, lên kế hoạch cho sự phát triển tốt đẹp hơn của thế giới.

Thanh Tịnh Và Linh Hoạt

Tôi thiền về mọi việc mà tôi làm. Khi còn trẻ tôi nghiền ngẫm về một công án Thiền trong vòng tám năm. Tôi tranh đấu ngày đêm, nhưng luôn có cảm giác còn một cái gì đó mà tôi chưa thấu triệt, các cánh cửa nội tâm của tôi dường như bị khoá chặt.

Sư Tan Hsu dạy Kinh Pháp Hoa (Lotus Flower Sutra) ở Hồng Kông. Sư thuộc trường phái Thiên Thai và đến từ miền đông Trung quốc. Khi tôi được biết về Kinh Pháp Hoa và trường phái Thiên Thai, tôi đã có một cảm nhận rõ rệt. Lần đầu tiên được gặp vị bổn sư, tâm tư và suy tưởng của tôi đã thay đổi. Có rất nhiều nguyên tắc và chân lý đáng được học hỏi từ truyền thống Thiên Thai.

Từ năm 1953 tôi đã thực hành samatha (thiền chỉ để được thanh tịnh) và vipassana (tuệ giác dẫn đến sự linh hoạt). Quan trọng là phải hiểu về trạng thái của "thanh tịnh và linh hoạt". Nếu không hiểu điều nầy, thì ta không thể hiểu được thiền. Trạng thái thiền định của chúng ta phải trong sáng và linh hoạt.

Trường Phái Thiên Thai

Các giáo lý căn bản của trường phái Thiên Thai dựa trên Kinh Pháp Hoa (Lotus Sutra). Ba đại ý đã được nhắc đến trong chương hai " Phẩm phương tiện", về sự bình đẳng, độc lập và dũng cảm đều tương quan lẫn nhau. Đây là những mục đích táo bạo của trường phái Thiên Thai.

Bình đẳng có nghĩa là không có sự phân biệt giữa các đức Phật và chúng sanh; mọi người đều có cùng Phật tánh. Tình thương yêu và lòng bi mẫn chỉ có thể phát sinh từ tâm bình đẳng. Sự độc lập biểu lộ thể tánh giác ngộ của tất cả chúng sanh, là điều khiến cuộc đời tươi sáng hơn. Sự dũng cảm có nghĩa là một người có tình thương và lòng từ bi cao cả sẽ không dễ bị bất cứ điều gì chi phối. Nếu mọi người có thể phản ứng, hành xử dựa trên ba điểm căn bản nầy, thì thế giới sẽ đầy dẫy những con người có phẩm cách và sáng suốt.

Theo trường phái Thiên Thai, toàn bộ hệ thống tư tưởng Phật giáo được coi là "Kinh điển và thiền định". Việc nghiên cứu kinh điển đi chung với thiền định, có nghĩa là: sẽ không có mâu thuẫn giữa tri thức và tâm linh. Dựa trên các kết quả hổ trợ nhau của việc thực hành và nghiên cứu trí tuệ, đúng theo luật nhân quả, giáo Pháp vi diệu sẽ hiển bày.

Theo trường phái Thiên Thai về samatha/vipassana, cả hai thiền định và trí tuệ đều đầy đủ. Có thể nói rằng: "Samatha bước đầu làm lắng dịu những yếu tố tinh thần đang ràng buộc con người vào đau khổ, vipassana là phương tiện thiết yếu để gạt bỏ hết cấu uế".

Phái Thiên Thai phân biệt ba loại thanh tịnh - samatha - tri kiến - vipassana - đó là làm thanh tịnh tâm trí qua việc chấm dứt phân biệt giữa các đối nghịch, thực tập các phương tiện tinh xảo phù hợp với tình thế và chân lý giác ngộ; và ba tri kiến siêu việt về tánh không, trạng thái hiện hữu do duyên hợp và trung đạo. Tất cả được tạo ra để mọi người tuỳ theo khả năng của mình mà ứng dụng các phương pháp.

Điều Khiển Tâm

Khi bạn đã vào trong thiền đường, tại sao bạn vẫn còn hỏi: "Cửa ở đâu?" Bạn có thể đến nơi nầy hoặc nơi kia để tìm kiếm một cái gì đó, nhưng bạn luôn phải quay trở về. Khi bạn đã hiểu về vấn đề sanh tử, bạn sẽ không còn cảm thấy buồn ngủ trong lúc thực tập thiền.

Nữa đêm khi mọi vật đều yên tỉnh, nếu chúng ta quan sát tâm trong cô tịch ta có thể thấy tận nơi sâu thẳm đó có một sự sáng suốt tuyệt diệu. Chúng ta ý thức trực tiếp mọi thứ với một trạng thái tỉnh thức rõ ràng. Khi đó chúng ta đã đạt đến trạng thái của thiền định [dhyana].

Phương cách để thanh tịnh tâm thức là điều khiển nó. Phật giáo đầy dẫy những cách thức để điều khiển tâm thức, một trong những phương thức ấy là đếm hơi thở. Đây là đếm hơi thở từ một đến mười và ngoài việc đếm số ra, không có một ý nghĩ nào khác có thể lọt vào tâm. Nếu bạn bị chi phối bởi những ý nghĩ khác, thì bạn phải bắt đầu đếm từ một trở lại.

Lúc ban đầu có thể bạn chỉ đếm "một" mỗi lần bạn hít vào và thở ra, vì tâm thức bạn còn lăng xăng. Sau đó, khi tâm bạn trở nên lắng đọng hơn, bạn có thể đếm từ một, hai, ba, cho đến mười. Nếu bạn suy nghĩ về việc nào khác, bạn sẽ quên đếm, vì thế bạn luôn phải trở về với đếm số. Nghe giống như là mẫu giáo vậy, nhưng nhờ đó tâm bạn dần dần sẽ trở nên yên tịnh hơn cho đến khi bạn có thể đếm từ một đến mười mà không bị chi phối. Thì đấy là thiền định.

Tiếp theo, bạn có thể niệm hồng danh Phật A Di Đà: "Amitofo, Amitofo" (A Di Đà Phật, A Di Đà Phật). Bắt đầu bạn niệm lớn tiếng, sau đó bạn có thể niệm khẽ trong lòng. Niệm danh hiệu Amitofo có thể làm cho tâm ta rất yên tĩnh.

Trước hết bạn phải nắm giữ con trâu cho thật chặt, sau đó bạn có thể để trâu tự do, bởi vì nó không còn gây phiền hà cho bạn nữa.

An Trú Trong Thanh Tịnh

Phần đông chúng ta không biết "thanh tịnh" là gì, kể cả khi ta ngồi bất động. Chúng ta thấy khó mà an trú trong thanh tịnh vì thân và tâm hoạt động không phù hợp nhau; vì thế dù thân bất động, tâm vẫn chạy nhảy lung tung với đủ loại vọng tưởng. Trong lúc đếm hơi thở, thiền giả không thật sự ở trong trạng thái tỉnh lặng vì tâm vẫn còn đếm số. Tuy nhiên, bài tập có chủ định nầy giúp cho tâm lăng xăng được thuần hoá.

Tiến trình của sự thực tập là trước hết đếm hơi thở, thứ hai là theo dõi hơi thở, thứ ba lắng đọng, thứ tư quán, thứ năm quay trở vào, thứ sáu là thanh tịnh hoá. Đây là một quá trình thực tập từng bước từng bước đòi hỏi lòng kiên nhẫn.

Có ba giai đoạn thực tập thiền định đưa đến trí tuệ siêu việt. Giai đoạn đầu bao gồm việc làm lắng dịu tâm. Suốt ngày ta bị bao ý tưởng xuất hiện quấy rối, không có thời gian để suy gẫm sâu sắc hơn bao vấn đế, nhưng dẫu bận rộn bao nhiêu, ta cũng nên dành thời gian để quán sát về ý nghĩa sâu sắc của cuộc đời.

Giai đoạn thứ hai bao gồm sự thanh tịnh hoá tâm thức. Nếu tâm thanh tịnh, ta có thể quán sát xem cuộc sống thực sự có ý nghĩa gì, ta sẽ thấy thế giới nầy là vô thường. Nếu hiểu được tính chất tạm bợ của cuộc sống, ta sẽ hiểu chúng không thực sự hiện hữu. Và nếu hiểu được nhu thế, ta sẽ hiểu được sự không hiện hữu của cái ta. Như thế ta không phải lo lắng quá nhiều về việc ta thành công hay thất bại, được hay mất, sở hữu cái gì đó hay không. Tâm bình lặng nầy giúp ta thoát khỏi bao phiền não, ta không còn đau khổ vì thất bại hay phấn khích bởi thành công. Thay vào đó, tâm được thanh tịnh hoá và ta được an lạc.

Giai đoạn ba bao gồm việc chuyển tâm ta thành tâm Phật. Thanh tịnh hoá tâm chỉ vì lợi ích cho bản thân, chưa phải đúng là mục đích của người Phật tử. Một Phật tử chân chánh không thể chỉ ngồi thiền trong rừng. Tuy nhiên, hành giả vẫn có thể sống trong rừng ngắn hạn để tìm phương cách giúp mọi người đạt giác ngộ. Chúng ta phải chia xẻ nỗi đau khổ mà tất cả chúng sanh đều phải hứng chịu và cố gắng giúp họ bớt khổ đau. Vì hiểu được tánh không, nên chúng ta có thể dang trãi lòng từ bi vô hạn đến tất cả muôn loài không phân biệt, như cha mẹ đối với con cái vậy.

Trí Tuệ Và Sự Tự Biết Mình

Căn bản quan trọng cho sự phát triển của một nền văn hoá Phật giáo hiện đại gồm có sự phát triển trí tuệ. Trí tuệ giống như nước, vì nó có thể làm sạch tâm, và giống như tấm gương nơi phản chiếu tâm ta thật rõ ràng. Trí tuệ có thể thanh tịnh hoá ta, cho ta ánh sáng và sức mạnh. Nhờ có trí tuệ, ta có thể tự hoàn thiện mình cũng như chia sẻ những hiểu biết của ta với người. Đó là tinh thần của lòng thương yêu và lòng bi mẫn, cũng là ý nghĩa căn bản về những lời dạy của Đức Phật.

Chúng ta phải hiểu rõ những vấn đề của mình và giải quyết chúng để có thể phát triển trí tuệ. Khi hiểu được như thế rồi, ta bắt tay hành động. Nếu không, đó không phải là trí tuệ thực sự. Chúng ta cần phải luôn kiểm soát tâm thức của mình, xem chừng, thí dụ, ta đang nói dối hay chân thật. Thường thì ta đã trở thành bạn với sự lừa dối mà không hay biết. Ta nghiền ngẫm về những việc không quan trọng, và có ý nghĩ tiêu cực về những người không đồng ý kiến với ta. Khi ta đau khổ, tức là đang có một cuộc chiến tranh tinh thần bên trong ta.

Làm sao chúng ta biết được những ý nghĩ nào là có hại cho tinh thần của ta? Điều nầy đòi hỏi sự thực tập thiền quán và sự tự vấn. Tâm ta cần được dọn trống trước khi có thể thâu nhập cái khác vào. Rồi ta mới có thể quyết định phải giải quyết các vấn đề của mình hay để chúng qua đi.

Điều quan trọng là ta phải có lòng tự trọng. Khi theo Phật giáo, đừng quan tâm đến những khuyết điểm, mà hãy nghĩ đến những lợi thế của mình. Bạn phải tự trọng, cũng như kính trọng đức hạnh của người khác, và lấy đó làm mẫu mực, khuyến khích cho bản thân. Lòng tự trọng là thiết yếu và rất khác với sự ngạo mạn. Thêm nữa, nếu bạn kính trọng người khác, họ sẽ kính trọng bạn. Chúng ta không xem thường ai, nhưng nên coi trọng các đức hạnh và cá tính của mình, vì đức hạnh đem lại trí tuệ.

Bước Khoan Thai

Thiền định và đạo đức không thể tồn tại riêng rẻ. Là đệ tử Phật, chúng ta phải giữ giới, và khi ngồi thiền chúng ta phải ngồi yên lặng và thẳng lưng. Nếu là các tu sĩ, chúng ta đại diện cho Phật giáo, vì thế chúng ta phải cẩn thận với trong lời nói, hành động và thân. Khi đi, chúng ta không nên hấp tấp, mà bước chậm rãi, từng bước một. Có một vị ni 90 tuổi ở Hồng Kông, khi băng qua đường, bà ấy quá trang nghiêm đến nỗi tất cả các xe đều ngừng lại. Nếu chúng ta giữ giới thì đức Phật sẽ che chở cho chúng ta.

Việc quan trọng là biết rõ bạn có thái độ đạo đức hay không. Nếu bạn làm một điều gì đó, thì đấy là pháp nếu như điều đó hợp đạo lý. Những việc làm chỉ cho lợi ích của bản thân thì không phải là pháp. Không nên làm việc gì với sự tính toán, ích kỷ. Phật pháp thật vi diệu. Bạn có thể làm bất cứ việc chi, bạn có thể đi mọi nơi, nhưng vị bổn sư của bạn luôn dõi mắt theo bạn. Nếu bạn làm việc bất thiện, thì sẽ thất bại, vì pháp là chánh niệm.

Có một câu nói như sau "con mọt chết trong sách". Có nghĩa là nếu bạn không hiểu được ý nghĩa hoặc giáo lý trong kinh điển, thì kinh điển không lợi ích gì. Nếu bạn không thực tập điều mình đã học mà chỉ chấp vào ngôn từ, bạn sẽ chết giống như con mọt trong sách. Bạn phải nghiên cứu kinh điển, nhưng cũng phải biết đem chúng ra áp dụng bên ngoài. Khi đó mới đúng là bạn biết hành pháp.

Tâm Phật là từ bi. Chúng ta cần có lòng từ bi, và luôn mong muốn nó được phát triển thêm. Tôi tin tưởng mãnh liệt rằng kinh điển là pháp, nhưng hành giả phải làm sống lại những lời Phật dạy ngay trong hiện tại, chứ không phải 2500 năm trước. Đức Phật vẫn còn sống trong hiện đời; đây là cõi Phật.

Tranh Trong Tim

Đến năm học thứ bảy trong ngành hội hoạ tôi đã khóc, tuyệt vọng vì tôi vẫn không thể vẽ đẹp như thầy tôi. Tôi nghĩ đến việc bỏ hội hoạ để học y khoa. Nhưng có người bảo nếu tôi thấy máu là sợ thì làm sao học y khoa? Vì thế tôi đành lê bước theo hội hoạ và văn chương.

Thầy tôi bảo phải kiên trì thêm ba năm nữa. Vì thực tập hoài thì sẽ giỏi, sau 10 năm thực tập, tôi đã có thể làm chủ cây cọ của mình. Có thể vẽ bất cứ gì mà tôi muốn. Trong 10 năm, tôi đã đặt một nền móng vững chắc cho mình.

Các hoạ sĩ bình thường vẽ vì hội hoạ, nhưng người hoạ sĩ thực hành thiền thì vẽ từ những bức tranh xuất hiện một cách tự nhiên trong tim họ, được ấp ủ như một điều tự nhiên, chứ chủ yếu không phải là để được hoạ lại.

Một nhà thơ, nhà thư pháp Trung hoa cổ xưa có nói: "Lúc đầu tôi không hiểu chi về hội hoạ, nhưng qua việc thực tập quán xét về chân lý của Phật giáo, tôi trở nên ý thức được sự có mặt của tính tự nhiên không gò bó". Một họa sĩ phải phấn đấu để đạt được tính chất thanh thoát, tự nhiên trong tác phẩm của mình. Nghệ thuật xuất phát từ trí tuệ. Hội hoạ Trung hoa rất phong phú về nét đẹp thơ mộng và các lý thuyết Trung hoa về hội hoạ cũng được áp dụng trong văn chương và trong các nguyên tắc sống.

Đây là một bài thơ - hay có thể được gọi là một bức hoạ:

Tâm tôi sáng rỡ tựa trăng thu.
Soi chiếu trên mặt hồ phẳng lạnh.
Thanh khiết nầy có gì so sánh đặng,
Làm sao tôi diển tả được đây?

-ooOoo-

Chương 9

CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA

Ani Thubten Chodron

Ani Thubten Chodron, người Mỹ, tu theo truyền thống Phật giáo Tây tạng Gelugpa. Bà dốc mọi tâm huyết, dâng hiến tất cả cuộc đời cho Phật giáo.

Ý Nghĩa Cuộc Đời Là Gì?

Khi còn rất trẻ, tôi đã được dạy rằng một cuộc đời thành đạt là phải có nhà to, xe đẹp, nhiều bạn bè, và danh tiếng. Tuy nhiên khi lớn lên, tôi cảm thấy những điều nầy không còn nhiều ý nghĩa nữa. Rồi khi ra trường, tôi cảm thấy hoàn toàn thất vọng với cuộc đời. Xã hội (Mỹ) trong thời kỳ tham gia chiến tranh ở Việt Nam thật quái dị. Tôi không thể chấp nhận những giá trị của xã hội lúc đó. Nghĩ rằng chỉ có giáo dục là lối ra cho mọi bế tắc, nên tôi quyết định quan tâm đến trẻ em, cố gắng dạy dổ chúng một cách tích cực để làm cho xã hội tốt đẹp hơn, do vậy tôi đã trở thành một nhà giáo.

Sau khi lập gia đình với một luật sư trẻ, tôi chu du Au châu, Bắc Phi và Á châu. Lúc đó tôi không biết gì về Phật giáo, nhưng thấy một ít lưu niệm mang vẻ Phật giáo, chúng tôi cũng thích. Vợ chồng tôi mang về nhà nhiều ảnh tượng Phật để treo tường, không phải vì chúng tôi tin vào Phật giáo nhưng chỉ vì muốn có nhiều món đồ lạ mắt để khi có khách đến, họ có thể trầm trồ khen ngợi.

Trở về Mỹ, tôi bắt đầu dạy ở một trường tiểu học ở Los Angeles, vừa học tiếp cao học. Năm 1975, một ngày kia tôi thấy một tờ bướm quảng cáo về một lớp Thiền, và dầu không có ý đi tìm một con đường tâm linh nào vào thời điểm đó, tôi cũng quyết định tham dự. Tôi đã có tất cả những gì mà người khác cho là hạnh phúc: một người chồng tốt, việc làm ổn định, được tiếp tục học lên cao, quen biết nhiều. Tất cả mọi thứ nhìn từ bên ngoài đều hoàn hảo, nhưng tôi vẫn thấy thiếu thốn một cái gì đó, dầu tôi không biết là cái gì.

Mùa hè năm đó tôi ghi danh học khóa Thiền do ngài Lạt ma Yeshe và Lạt ma Zopa hướng dẩn. Tất cả đều thay đổi từ đó. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là Phật giáo nhấn mạnh về động lực hành động. Khiến tôi bắt đầu để ý xem tại sao mình hành động thế nầy, thế khác thay vì mình đã làm gì. Phật pháp cũng giúp tôi nhận ra rằng sân hận, bám víu là tâm phiền não gây đau khổ cho mình và cho người. Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ là mọi đau khổ đều do tâm tôi tạo ra.

Quay trở vào, soi lại mình, quán sát tình cảm, thái độ của mình khi phải đối mặt với những bất như ý trong cuộc đời là một điều mới lạ: Tôi bị sốc khi nhận ra rằng mình không phải là người khá tốt như mình hằng tưởng. Khi tôi bắt đầu hành thiền, và quán xét xem tại sao tôi có các hành động nọ kia, tôi chỉ có thể nhận ra một vài hành động vô vị lợi trong cuộc đời mình. Thành thật mà nói, tất cả mọi hành động của tôi đều phát khởi từ lòng vị kỷ, kèm theo sân hận, cố chấp.

Lúc đầu tôi khó chấp nhận thuyết luân hồi sinh tử, nhưng càng suy gẫm về đề tài nầy, tôi càng thấy thông hiểu hơn. Khi tôi đem thuyết luân hồi ra suy gẫm cùng với thực trạng tâm tôi hầu như luôn xáo trộn, tôi bắt đầu nghĩ đến điều gì sẽ xảy ra khi tôi tái sinh trở lại. Lúc nhỏ, tôi thường suy nghĩ về cái chết, đưa đến những câu hỏi như là: "Nếu tôi chết, cuộc đời tôi có ý nghĩa gì? Nếu khi chết, tôi không thể mang theo gì, thì tất cả những gì tôi làm còn có ý nghĩa gì?" Khi các vị thầy Phật giáo bắt đầu giảng về cái chết, các thắc mắc của tôi như được giải tỏa, khiến tôi phải suy nghĩ lại mình đang làm gì với cuộc đời mình, và hậu quả hành động của tôi đối với các kiếp sống sau.

Con Đường Chuyển Hóa

Pháp thiền đầu tiên tôi thực hành là Lam Rim, một phương pháp thiền Tây Tạng, có nghĩa là "con đường chuyển hoá đến giác ngộ". Chúng tôi được dạy đôi chút về thiền quán hơi thở, nhưng chánh yếu là pháp thiền Lam Rim quán sát, phân tích nầy. Lam Rim là con đường chuyển hoá đến giác ngộ, với những lời hướng dẩn từng bước từng bước về những pháp thiền nào phải thực hành khi nào, theo thứ tự nào. Điều đó giúp cho người học đạo có thể sắp xếp rõ ràng các lời giáo huấn trong tâm trí mình. Pháp thiền nầy luyện tâm bằng cách chuyển hoá dần để có sự suy nghĩ đúng. Tôi cảm thấy pháp thiền phân tích nầy rất hữu ích, vì tôi là người hay suy luận; tôi sống trong thế giới trí tuệ. Tập suy nghĩ một cách thực tế và hữu ích khi hành thiền rất thích hợp với cá tính của tôi.

Thí dụ, khi quán về cái chết, thì bước đầu tiên là chúng tôi phải quán rằng cái chết là điều không thể tránh khỏi; ai cũng phải chết và không thể đi đâu để trốn khỏi cái chết. Bước thứ hai, chúng tôi quán về sự không lường trước được của cái chết; không ai biết mình sẽ sống trong bao lâu, đôi khi một tai nạn nhỏ cũng cướp được đời sống của ta, không có gì bảo đảm ta sẽ được sống lâu. Thứ ba, chúng tôi suy gẫm về những được coi là giá trị ở thời điểm lìa đời, khi ta bỏ lại phía sau thân xác, bạn bè, người thân, sở hữu. Thực hành quán sát như thế giúp chúng tôi nhận ra được những gì thật sự quan trọng trong đời mình.

Phương pháp nầy từng bước từng bước giúp tôi hiểu rỏ hơn về cuộc đời mình. Tôi không phải là loại người thích ngồi, thiền quán, luyện sự chú tâm. Tôi muốn khám phá, tìm hiểu về cuộc đời. Giáo lý Lam Rim đã tạo một khuôn mẫu triết và tâm lý để qua đó tôi có thể nhìn lại cả cuộc đời mình, để nhìn nhiều vấn đề dưới góc độ phù hợp hơn, khiến chúng có ý nghĩa hơn. Những tánh tốt của tôi là gì? Và tánh xấu? Pháp Lam Rim dạy tôi một cách rõ ràng phải làm gì khi những uế nhiễm như -vị kỷ, bám víu, sân hận, vân vân - khởi lên. Khi sân hận dấy khởi, pháp Lam Rim dạy ta phải thay đổi cách nhìn vấn đề; khi sự bám víu nổi lên thì lại phải đối phó với nó một cách khác. Có rất nhiều cách đối trị, nhiều cách khác nhau để nhìn một vấn đề, biết như thế, dần dần ta sẽ thay đổi.

Thay vì để bị lôi cuốn theo các cảm xúc của mình, khiến ta phản ứng lại bằng cách làm đau khổ người khác, ta có thể dừng lại và suy nghĩ: "Đây là những tình cảm tiêu cực. Tôi có thể nhìn vấn đề nầy dưới một khía cạnh khác không? Tôi phải sắp xếp tình huống lại như thế nào để các phản ứng của tôi sẽ chuyển đổi một cách tự nhiên và các tình cảm tiêu cực không khởi lên?"

Đó không phải là đè nén hay trốn tránh các xúc cảm; đó là một cố gắng để nhìn vấn đề dưới một khía cạnh khác, khiến cho sự giận dữ, lòng ganh tỵ không thể dấy lên. Nhận biết được rằng một số tình cảm hay tư tưởng là những trạng thái tâm tiêu cực, đối với tôi là một cuộc cách mạng. Trước đây tôi vẫn coi các thái độ nầy là đúng; tôi đã nghĩ rằng nếu tôi không tỏ ra giận dữ, người khác sẽ lợi dụng tôi, lấn áp tôi.

Khi đã biết những nguyên nhân gây ra các trạng thái tâm tiêu cực, ta có thể dùng một trong các cách đối trị hợp lý. Thí dụ, ta có thể đặt mình vào hoàn cảnh người khác, nhìn vấn đề qua cái nhìn của họ. Thông thường khi nóng giận, ta ngỡ là ta đã phán xét vấn đề một cách trung thực, nhưng thực ra ta đã nhìn chúng qua vỏ bọc của cái tôi, cái của tôi. Khi chúng ta nhìn vấn đề theo quan điểm của người khác, nó hoàn toàn khác đi. Khi ta nhìn lại hành động của mình dưới mắt người khác, ta có thể hiểu tại sao người ta không thích mình hay tại sao họ lại hành động thế nầy, thế nọ. Tôi cảm thấy điều nầy rất hữu ích, nên áp dụng chúng trong giao tiếp với người.

Tâm tôi đã hoàn toàn thay đổi sau một thời gian kiên trì hành pháp. Trước đây tôi rất đanh đá, miệng lưỡi cay độc, hay chỉ trích người, giờ tâm lý tôi không còn lên xuống bất thường. Tôi không còn chán nản, tâm tôi trở nên kiên định hơn. Liên hệ giữa tôi và người khác nhờ thế cũng được tốt hơn, nhất là từ khi tôi bắt đầu để ý đến lời nói của mình. Biết quán sát thân, khẩu và ý là biết thực tập chánh niệm, thực tập nhận ra các thái độ tiêu cực khi chúng dấy khởi và sửa đổi trước khi chúng tạo ra đau khổ cho mình và cho người.

Tìm Lại Nguồn Gốc Của Khổ Đau & Hạnh Phúc

Dầu phương pháp thiền quán hơi thở không được chú trọng trong truyền thống Tây Tạng, tôi thấy nó rất thích hợp cho người tây phương. Tâm của chúng tôi đầy chất chứa, nên pháp quán hơi thở giúp thanh lọc tâm. Theo dõi hơi thở khiến chúng tôi từ tốn, thư thả hơn. Rồi quán sát quá trình tư duy của tâm mà không phán đoán giúp ta trở thành người bạn của chính mình.

Dầu chúng ta thường quan niệm rằng những đau khổ hay hạnh phúc của ta đến từ bên ngoài, nhưng chính tâm ta mới là nguồn gốc của hạnh phúc và khổ đau. Khi kiểm lại những kinh nghiệm mình đã trãi qua, ta có thể thấy rằng chính thái độ của ta cũng góp phần vào đó, vì thế ta có thể thay đổi thái độ của mình, ta có thể thay đổi những kinh nghiệm nầy. Khi thiền quán, ta hãy tự hỏi xem sự bám víu, chấp chặt có mang đến hạnh phúc cho mình hay không? Chúng ta bám víu vào cái gì? Hậu quả của việc bám víu trong cuộc đời ta, nó có đem lại lợi ích gì không? Chúng ta cũng có thể quán về tánh sân như thế: sân hân là hành động xây dựng hay đập đổ? Điều gì khiến chúng ta nổi giận? Tại sao ta nổi sân? Nếu chúng ta nhìn sự việc dưới một góc độ khác thì sẽ như thế nào?

Vì pháp Lam Rim thường được dạy theo truyền thống cho người Tây Tạng, pháp nầy có thể khó cho người chưa có kinh nghiệm thiền hay căn bản Phật giáo, mà phần đông người Tây phương là như thế. Trước hết ta phải quán sát tâm và các cảm thọ của mình, đó là điều tối cần. Sau đó ta mới có thể quán sát tâm theo thuyết tái sinh, sự trãi dài của tâm từ quá khứ đến hiện tại sang tương lai. Tâm chúng ta là một chuỗi liên tục, luôn chuyển đổi không có khởi đầu, không có kết thúc. Những sự quán sát nầy giúp ta có thể hiểu được nghiệp, sự tái sinh và tứ diệu đế.

Khi đã có một hình ảnh tổng quát về cuộc đời là như thế nào, chúng ta có thể bắt đầu thực tập các phương pháp thiền Lam Rim về sự được tái sinh vào thân người quý báu, về cái chết, về sự nương trú, vân vân. Khi ta đã có sự hiểu biết về tất cả pháp Lam Rim, ta có thể bắt đầu trì chú.

Sự Thực Tập Hằng Ngy

Bất cứ khi nào có điều gì phiền phức xảy ra hay các cảm xúc bất thiện khởi lên, tôi thường cố gắng soi lại mình: "Tôi đang có cảm giác gì đây? Nút nào vừa được bấm?" Trong ngày, tôi cố gắng quán xét xem điều gì đang xảy ra trong nội tâm, chứ không để sự việc dồn ứ lại đến tối, hay ngày nầy qua ngày khác. Sự thực tập căn bản của tôi là chuyển hóa tư tưởng của mình. Điều đó bao gồm thiền quán -cũng có trong pháp Lam Rim- để phát triển lòng từ bi, trí tuệ và để chuyển đổi mọi hoàn cảnh mà ta gặp phải thành con đường giác ngộ. Tôi áp dụng các phương pháp thiền nầy vào bất cứ việc gì đang xảy ra, hay để tìm giải pháp cho một vấn đề nào đó. Nếu quá bận rộn trong ngày thì tôi thực tập những điều nầy vào buổi tối.

Gần đây tôi thực tập chánh niệm theo truyền thống Nguyên thuỷ đôi chút. Khi có vấn đề gì khởi lên trong tâm, tôi ngồi xuống, cảm giác về chúng, chấp nhận bất cứ điều gì đang xảy ra ở thời điểm đó. Điều đó có giúp tôi đôi chút. Tuy nhiên, tôi cần cái trí tuệ do pháp thiền phân tích mang đến để có thể chỉ ngồi và cảm nhận các cảm xúc.

Tôi không phải là loại người chỉ có thể thực hành chánh niệm, vì tôi phải hoàn toàn bị thuyết phục, thí dụ, rằng tánh sân là bất thiện. Tôi không thể chỉ ngồi đó, nhìn, quán sát: giận, giận, giận. Trước hết tôi phải hiểu rằng đó thực sự là một sự diển đạt sai lạc thực tế. Thiền phân tích giúp tôi làm như thế, sau đó tôi mới có thể ngồi mà cảm nhận năng lực của bất cứ điều gì dấy khởi lên. Tôi quán sát xem cảm giác lúc ấy ở thân như thế nào, trạng thái tâm ra sao, và sự chuyển đổi của tâm.

Nói chung, tôi áp dụng một số phương pháp thiền vì chúng ta cần phải phát triển cá tính của mình về nhiều mặt. Tôi chọn phương pháp thiền nào tùy thuộc vào lúc đó tâm tôi cảm thấy pháp nào hiệu quả, nhưng thường dựa vào sự chuyển hóa tư duy, ở những lúc khác thì tôi trì chú và hướng tâm đến cảnh khác.

Quan trọng là chúng ta phải thực tập mổi ngày, chứ đừng thay đổi liên tục. Có người ngồi thiền một lúc ba tiếng, rồi mấy tuần sau đó không có tiếng nào, hay ngồi một ngày, lại nghỉ một ngày. Dầu ta có bận rộn mấy, cũng phải cố gắng thu xếp để có thể ngồi ít nhất nữa tiếng mổi ngày. Dầu ta có mệt mỏi, bịnh hay nghĩ rằng chẳng thấy kết quả gì, điều quan trọng là ta vẫn phải tiếp tục thực hành vì thiền thực sự mang lại kết quả.

Mổi sáng khi thức dậy, trước tiên ta nên khởi nghĩ trong đầu: "Hôm nay tôi nguyện không làm hại ai. Tôi nguyện làm lợi ích cho người khác. Hôm nay tôi muốn tất cả mọi hành động của mình đều do lòng mong cầu được thành Phật vì lợi ích của chúng sanh thúc đẩy". Khởi nghĩ như thế trước khi ra khỏi giường, sẽ thay đổi cả một ngày. Sau đó ngồi dậy, làm vệ sinh, uống trà, rồi ngồi xuống tọa thiền ngay, trước bất cứ điều gì khác. Sau đó, tiếp tục những sinh hoạt hằng ngày khác, cố gắng chánh niệm về lời nói, hành động, nghĩ suy, cảm giác của mình suốt cả ngày. Nếu chúng ta mất chánh niệm, quay trở lại, quán tâm để tìm cách giải quyết vấn đề.

Cuối ngày, ta cần ngồi xuống kiểm điểm lại những việc đã qua trong ngày; những gì ta đã làm tốt, ta đã giúp được gì cho ai? Hành động nào là thiện? Khi chúng ta có thể từ bỏ một hành động xấu hay làm được điều gì tốt, dù nhỏ mọn đến đâu, cũng nên mừng. Chúng ta cần được tự hào, nhất là ở Tây phương. Một trong những trở ngại lớn nhất trên bước đường tu là có cái nhìn tiêu cực về mình hay đầy tự ti. Điều nầy cả hai giới nam nữ đều mắc phải, thể hiện ra bằng những cảm giác như không hài lòng hay ghét chính bản thân. Trước hết, chúng ta phải cảm thấy hạnh phúc về những việc ta làm, về con người ta như thế nào, sau đó ta mới có thể xem những gì cần sửa đổi thêm về thân, khẩu và ý.

Mổi năm, tôi luôn dành vài tuần dự các khóa tu thiền. Tôi không phải làm gì khác trong thời gian nầy. Giống như những ngày nghỉ lể, vì thường ngày tôi phải bận rộn lo cho người khác. Nhưng trong các khóa thiền, không cần phải trã lời điện thoại, thư từ, tư vấn, giảng dạy hay gì cả, tôi chỉ cần đem những điều đã giảng dạy ra áp dụng, giữ im lặng, tịnh khẩu. Những khoá tu dài hạn rất ích lợi, nếu bạn có chuẩn bị, nếu không chúng ta chỉ lãng phí thời gian mà thôi.

Khi dự một khoá tu về một vị Phật hay Bồ Tát nào đó, một hiển thị đặc biệt của Đức Phật, tôi hành lể bốn lần một ngày. Lúc trước tôi làm lể bằng cách nguyện trì chú và đếm số chú niệm. Giờ tôi dành thời gian để thiền nhiều hơn, không chú trọng đến việc đếm chú nữa. Tôi thích dành thời gian ở các khoá tu để thư thái ngồi thiền, cảm nhận những gì thiền mang đến cho tôi. Các thời thiền nầy không phải chỉ là nghi lể, chúng thực sự chuyển đổi được tâm.

Tìm Trí Tuệ

Tôi đã thề nguyện trước các vị thầy của tôi là sẽ hành Thiền mổi ngày, nhờ đó tôi tập được thói quen thực tập mổi ngày. Dầu có nhiều ngày, tôi không thực hành tốt lắm, nhưng tôi vẫn thấy phấn khởi nhờ vào sự tinh tấn nầy. Nếu tôi nghĩ tưởng đến năng lực của ngài Tara, Chenrezig hay Yamantaka, thí dụ, thì trong ngày khi có vấn đề gì phải đối mặt, tôi thường giải quyết trọn vẹn. Nếu giử đúng lời nguyện thực hành mổi ngày, dù không thành công, năng lực của chư Phật vẫn có mặt, tôi vẫn có thể nương tựa vào đó khi cần.

Khi chúng tôi nguyện tu theo hạnh của một vị Bồ Tát hay một vị Phật nào, thì các thầy dạy chúng tôi quán về các vị đó mổi ngày. Bắt đầu bằng sự an trú, rồi khởi tâm từ bi hướng về người khác. Chúng tôi hình dung ra vị Phật -tâm toàn giác của vị ấy- rồi thực tập để thanh tịnh hóa tâm mình, tích tụ những tiềm năng tích cực. Điều quan trọng cần nhớ là vị Phật hay thánh đó vốn không hiện hữu; họ không phải là một đấng thiêng liêng ở bên ngoài ta. Chúng ta đã tưởng tượng ra họ trong đầu ta, và họ thâm nhập vào ta. Khi tâm ta và tâm của vị đó hoà quyện làm một, chúng ta quán về sự thiếu vắng của một thực thể rắn chắc, độc lập, của vị ấy cũng như của ta. Trong không gian đó, tâm trí tuệ của ta hiển hiện sự có mặt của vị đó.

Cách thiền quán nầy chuyển đổi cái nhìn về tự ngã của ta. Ta không còn cố gắng bám víu vào một thực thể nào để khẳng định mình như: "Tôi là Chodron, tôi là một nữ tu sĩ, là phụ nữ, người Mỹ, tôi có cá tính như thế nầy, tôi có thể làm điều nầy, không thể làm việc kia, tôi tự ghét mình vì quá dở". Thay vì bị dính vào một hình tướng cụ thể nào đó, ta bắt đầu nhận thức được rằng đó chỉ là ảo vọng, một sản phẩm của tâm. Chúng ta gạt bỏ cái ảo vọng đó, để nhìn tâm trí tuệ của mình trong bản thể trong sạch của nó. Công phu tu tập của tôi chưa được hoàn chỉnh, nhưng nó cũng giúp tôi nhìn ra được rằng không có một thực thể cố định như thế, mà tôi còn có những tiềm năng khác nữa trong tôi.

Tôi khuyên các hành giả không nên chỉ học thiền qua sách vở. Điều đó khá mạo hiểm; chúng ta có thể tự vẽ vời với chính mình, rồi diển giải sai lệch. Ta cần có thầy để chỉ ta cách ngồi thiền, để giải thích thiền sẽ ảnh hưởng đến tâm lý ta như thế nào, và mục đích của thiền là gì. Nếu không rất dể cho tâm hiểu sai mọi thứ. Đối với những cách thực hành căn bản, không cần phải làm lễ khai thị, nhập môn. Nhưng để thực hiện những pháp thiền cao siêu trong đó ta tưởng mình như một vị thánh -thiền mật tông- ta cần có sự khai thị từ một vị thầy kinh nghiệm.

Tôi khuyên các hành giả nên thận trọng trong việc thực hiện những sự khai thị cao cấp quá nhanh vì tôi đã nhìn thấy nhiều người vội vã thọ nhập các cấp bậc thiền quá cao, để rồi sau đó bị rối loạn, đành bỏ dở tất cả. Như thế sẽ không ích gì cho họ hay cho Phật pháp. Tốt hơn là bắt đầu bằng những bước căn bản để ổn định cách sống của ta. Khi cuộc sống của ta đã vào nếp, ta có thể bắt đầu thực hành các pháp khác, có thể hành Chenrezig(3) hay Tara(4). Nhưng để hành các hình thức mật tông du già cao cấp nhất, ta cần phải đợi đến khi đã có một nền tảng vững vàng. Nếu không cũng giống như ta cố lợp mái nhà khi chưa làm xong tường hay khi chưa đặt móng cho vững.

Nhiều người có cái nhìn sai lạc về Kim Cang thừa; họ nghĩ nó thần bí, quí hiếm hay một con đường tắt, dể đi đến giác ngộ. Có người còn nghĩ nó có sức mạnh huyền bí hay tình dục. Những quan điểm sai lầm như vậy phát sinh do thiếu thông tin hay do đọc những quyển sách bậy bạ. Như Ngài Đạt Lai Lạt Ma đã nói, Kim cang thừa được xây dựng trên nền tảng thực hành của đạo đức, của cuộc sống giản đơn, của lòng từ bi, tình thương yêu chúng sanh, trí tuệ và tánh không. Chỉ khi chúng ta đã phát triển được sự hiểu biết thực sự của những điều vừa nêu, thì ta mới nên với tới Kim Cang thừa. Tuy nhiên, Kim Cang thừa là một thiện xảo nếu hành giả có chánh kiến.

Tầm Sư Học Đạo

Điều quan trọng là phải có Thầy. Mối liên hệ cá nhân đó, thí dụ từ một hành giả thực sự tu tập và được sự hỗ trợ dạy dổ từ một con người bằng xương bằng thịt là điều không thể thay thế bằng sách vở. Vị thầy sẽ cho ta cảm giác được hỗ trợ trong công phu tu tập, được có ai đó luôn ở phía sau ta, nên khi ta sinh tâm hoài nghi, thắc mắc hay giao động, ta có chỗ để quay về. Ngoài ra, vị thầy cũng ngăn cản được 'sự vấp ngã của ta'. Với một vị Thầy mà ta có được mối tương quan tốt đẹp, thì Thầy có thể dẩn dắt để ta không bị lạc lối. Lúc đầu, ta cần phải có nhiều thời gian ở bên thầy, khi đã vững chải hơn, ta không cần phải luôn ở bên họ.

Ngài Đạt Lai Lạt Ma dạy rằng chúng ta phải cẩn thận chọn lựa thầy trước khi bái họ làm sư phụ của mình. Chúng ta phải cẩn thận, phải hiểu rõ mục đích của việc có một người hướng dẩn tâm linh mình. Thiết lập mối liên hệ với một vị thầy là để phát triển trí tuệ, trách nhiệm của ta, chứ không phải đem chúng cho người khác gánh thay.

Phần lớn các thầy của tôi thuộc phái Gelugpa (5), nhưng có một vị là Kagyupa. Tôi không muốn tự xưng mình là một Gelugpa, vì nghe có vẻ chia ra tông phái. Tôi chỉ tự xưng mình là một Phật tử hay một Phật tử Tây Tạng. Khi ở Singapore, tôi được biết về truyền thống Nguyên thuỷ cũng như Phật giáo Trung Hoa, tôi cũng rất ngưỡng mộ họ. Tôi mang ơn các tông phái khác, cũng có những điều tôi học được từ họ, cảm thấy gần gủi với họ, dầu tôi chuyên chú chính vào Phật giáo Tây Tạng và Gelugpa.

Phụ Nữ

Nhiều quan điểm về phụ nữ đã bị quy cho Phật nói. Lúc đầu tôi tin vào đó 100%, nên đã có lúc tôi đánh mất niềm tự tin vào chính bản thân. Sau tôi nhận thức rằng Đức Phật hẳn không phải nói ra những điều nầy nhằm mục đích để làm người nữ chán nản, không muốn tu tập. Điều đó đi ngược lại với ý nguyện của Đức Phật, là muốn cho tất cả chúng sanh đều phát triển tiềm năng của họ, để đạt được giác ngộ, giải thoát.

Tôi bắt đầu đặt Phật giáo vào hoàn cảnh văn hoá, lịch sử của thời đó, so sánh với những nghiên cứu về xã hội, chủng tộc và lịch sử học của phương Tây. Theo đó, ta có thể thấy rằng Phật giáo cũng như các cơ quan tôn giáo phụ thuộc vào xã hội nơi chúng có mặt, một phản ánh của văn hoá nơi đó.

Nói về vấn đề giới cũng như những cách để đối phó với vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử, điều quan trọng là chúng ta cũng phải nhìn lại thái độ của mình. Bất cứ khi nào tôi bị miệt thị vì là một phụ nữ, tôi thường phản ứng lại một cách đầy tự ái và sân hận. Nhưng khi tâm ta tràn đầy tự ái, giận dữ, ta không thể đối với ai tốt đẹp. Nếu chúng ta giận dữ, tỏ ra hùng hổ, người đối diện sẽ cảm thấy bị dồn vào ngõ cụt, do đó cả hai đều không thể thông cảm nhau. Giờ triết lý của tôi là thu xếp lại cuộc sống của mình, buông bỏ mọi thái độ tiêu cực, sống rất thẳng ngay. Nếu tôi thực hiện được như thế, người khác cũng sẽ nhìn thấy được. Lúc đó nếu có ai buông câu gì có ý phân biệt giới tính, nếu thích hợp và tôi có thể khéo léo, thì tôi sẽ trao đổi với người đó, và giải quyết vấn đề một cách tế nhị.

Đến Gần Phật Hơn

Vào năm 1975, khi tôi bắt đầu tu Thiền, những lời dạy của Đức Phật ảnh hưởng sâu đậm đến tâm hồn tôi. Tôi biết rằng nếu tôi tiếp tục sống trong hòan cảnh hiện tại của mình -sống đời sống gia đình, đi làm, đi học và quan hệ bạn bè- tôi sẽ dể dàng bị lôi cuốn theo cách sống u mê, đầy sân hận, bám víu và vị kỷ. Tôi cần một cách sống để thay đổi và phát triển tâm linh. Biết rằng từ bỏ tất cả để trở thành một người tu sẽ tạo cho tôi không gian lý tưởng đó, nên tôi quyết định xuất gia.

Tôi đã tranh đầu, suy nghĩ nhiều trước khi đi đến quyết định đó, vì tôi biết là cha mẹ tôi sẽ không chấp thuận. Nhưng nếu tôi tiếp tục lồi sống cũ, có thể tôi sẽ làm vừa lòng cha mẹ và người phối ngẫu của tôi một thời gian nào đó, nhưng làm sao tôi có thể làm cho họ luôn hạnh phúc được. Hơn nữa, nếu tôi không lo tạo ra nhiều nghiệp thiện thì khi chết đi, tôi sẽ tái sinh vào một cõi giới tối tăm, lúc đó thì tôi hoàn toàn không thể giúp gì được cho ai. Tôi dứt khoát thệ nguyện phải thay đổi không tiếp tục sống ích kỷ, cao ngạo và chấp ngã.

Được sống cuộc đời xuất gia, làm tu sĩ suốt 18 năm nay là một hạnh phúc cho tôi. Cuộc sống ở tu viện đã giúp cho tôi cái nhìn rõ ràng hơn, một hướng đi chính xác.

Là một người tu, tôi có thể nhìn rỏ nhiều khía cạnh cuộc đời, nhất là mối liên hệ giữa con người với nhau. Tôi không còn thấy có nhiều khác biệt giữa người nam, người nữ. Chúng tôi cố gắng làm sao để người khác có thể hòa hợp với mình dể dàng hơn. Là người tu, tôi cảm thấy cởi mở, chân thật, đơn giản hơn với mọi người vì tôi không còn phải tuân theo những luật lệ của cuộc đời.

Dầu tôi chưa thông suốt nhiều Phật pháp, tu thiền chưa vững lắm, nhưng ít nhất là tôi đã giử được các giới luật. Thề nguyện xuất gia giúp tôi thấy gần hơn với Đức Phật. Tôi luôn cảm thấy sự gắn bó, gần gủi đó dầu tôi ở đâu, làm gì. Nếu tôi không đi tu, với tánh tình ngang bướng của mình, chắc chắn tôi sẽ hành động buông lung không kiềm chế. Lời thề nguyện giúp tôi gìn giử tu tập, gắn bó tha thiết với Phật, Pháp và Tăng.

-ooOoo-

Chương 10

CÁNH CỬA GIẢI THOÁT

Haeju Sunim.

Haeju Sunim, Giáo sư Phật học tại một trường đại học Hàn quốc ở Tongguk. Bà là người thông minh, trầm tĩnh. Tôi rất vui mừng khi biết rằng bà là người khởi xướng trường phái Hoa Nghiêm (Avatamsaka school), tạo ảnh hưởng rất lớn đến Thiền Phật giáo Trung hoa, Hàn quốc, và Nhật bản, nhưng hiện nay trường phái nầy đã mất dần. Thật là phấn khởi được gặp một vị ni sư sống tuân theo giới luật một cách triệt để như thế.

Kinh HOA NGHIÊM

Trong kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka Sutra) có dạy rằng : 'Vạn pháp đều do tâm tạo'. Tôi xuất gia vì muốn nghiên cứu về tâm thức, vì thế tôi rất quan tâm đến kinh nầy. Càng tụng đọc Kinh Hoa Nghiêm, tôi càng nhận thấy rằng nơi cần tu tập, bồi dưỡng hơn hết, không đâu khác là ngay bản thân tôi, ngay trong giờ phút hiện tại.

Kinh còn dạy thêm: 'Con đường đạo của Đức Phật nằm trong 84000 cánh cửa giải thoát.' Vì thế bạn có thể thấy cả ngàn cánh cửa giải thoát, cả ngàn phương tiện thiện xảo. Vì vậy đi đến một nơi đặc biệt nào đó để tham công án không phải là con đường duy nhất để tu tập. Bất cứ trong hoàn cảnh nào, bất cứ ta đang làm gì, mọi nơi đều có thể là chỗ để đạt giải thoát. Cuối cùng tôi đã nhận ra điều đó. Vì lẽ đó, tôi ở lại Seoul và tiếp tục dạy học.

Tôi xuất gia để tìm lời giải cho vấn đề tâm thức. Tôi tu tập để đạt giác ngộ và giải thoát. Tôi đã không học hành một cách nghiêm túc, vì tôi cho rằng không thể đạt giải thoát từ đó. Tôi theo học ở học viện Unmunsa trong một thời gian nhưng nhiều lần tôi đã nghĩ đến việc tìm một chỗ nào đó để hành thiền. Tuy nhiên, khi học các kinh điển, dần dần tôi bắt đầu nhận thấy rằng việc thông suốt kinh điển một cách thấu đáo là điều rất quan trọng. Sau khi tốt nghiệp ở Unmunsa, tôi tiếp tục theo học tại đại học Tongguk.

Sau khi hoàn tất chương trình đại học, tôi dự kiến phải thật sự học hỏi, thực tập ở một nơi nào đó và hành thiền ở nơi xa sâu trong núi chẳng hạn, trong khung cảnh yên tịnh. Nhưng chương trình học của tôi còn một cấp bậc nữa, vì thế tôi tiếp tục vào cao học. Tôi chọn kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka Sutra) làm đề tài hoàn tất chương trình thạc sĩ.

Tất Cả Chúng Sinh Đều Là Phật

Khi tôi nghiên cứu triết lý của kinh Hoa Nghiêm như một đề tài liên quan đến nguồn gốc của chư Phật, tôi tìm thấy câu kinh nầy: 'Tâm chúng sinh chính là tâm Phật.' Chúng sinh là Phật.

Vì tôi không biết gốc của mình là Phật, tôi không thể sống như một đức Phật. Do đó tôi hành động, cư xử như một chúng sinh. Nhưng trong tôi có một khả năng vô hạn, giống như của Phật. Vì thế tôi nghiên cứu tư tưởng chúng sinh và Phật, thân không khác.

Trong chương trình thạc sĩ, tôi nghiên cứu về tâm bồ đề, rất cần thiết để trở thành Phật. Nhưng trong chương trình tiến sĩ thì tôi không nghiên cứu 'cái tâm để trở thành trong tương lai', mà là 'tâm bản sanh vốn có của chúng ta'.

Quan niệm của tôi về thế nào là tu tập đã thay đổi hoàn toàn. Bây giờ tôi thực tập bằng cách nầy, ngay nơi đây chính lúc nầy. Tôi đã được phú cho tâm Phật ngay từ đầu, tôi áp dụng trực tiếp và sử dụng nó trong khả năng tốt nhất của mình. Đó là cốt lõi của công phu tu tập của tôi. Đó là điều quan trọng cần được truyền dạy lại cho bất cứ ai quan tâm đến vấn đề nầy.

Phật Sự

Cuộc sống của tôi rất khác biệt so với các ni sống chung trong ni chúng. Cả đời tôi quẩn quanh ở đại học, theo thời khoá biểu của một giáo sư. Tôi dạy hầu hết các ngày từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều; đôi lúc tôi có lớp giảng vào buổi tối. Thời gian còn lại tôi chuẩn bị giáo án hoặc quán chiếu tâm. Tôi cũng hành thiền chánh niệm chút ít. Tôi viết các bài luận văn về Kinh Hoa Nghiêm, rồi gom lại thành sách.

Điều quan trọng là thái độ của chúng ta đối với tâm thức. Tất cả việc tôi làm, tôi đều xem như là một Phật sự. Như Kinh Hoa Nghiêm đã dạy: 'Trên thế gian nầy, không có một việc làm nào mà không phải là Phật sự, nhất là khi việc ấy mang lại hạnh phúc cho người. Trong Phật Pháp (Buddhadharma), không có một pháp nào có thể bị chối bỏ.'

Khi tôi dạy học, việc nầy khác với việc thuyết pháp cho Phật tử tại gia. Phật giáo là một tôn giáo và tôn giáo là niềm tin. Ở đại học người ta theo đuổi kiến thức; các sinh viên không đến để học hỏi về Phật giáo, để có niềm tin. Trái lại, họ bắt đầu từ một điểm hoàn toàn đối lập với niềm tin. Họ phải đặt câu hỏi, kiểm tra, phải phê phán.

Vì cái nhìn khác biệt nầy, có một số tăng ni cho rằng họ đã mất niềm tin khi đến học ở đây. Chúng ta phải buông bỏ niềm tin kiểu ấy. Nếu chúng ta tin vào một điều mà ta đã hiểu sai, rồi cũng có lúc ta sẽ gặp ai đó sửa lại sự hiểu lầm nầy. Nếu ta tiếp tục tin rằng tà kiến của mình là đúng, thì điều nầy chẳng ích lợi gì cho cuộc đời của chúng ta. Những gì chúng ta đã tin, đã hiểu lúc trước, chúng ta cần phải tra đi hỏi lại thêm. Có thế, ta mới có thể đạt được chánh tín, niềm tin được hiểu biết một cách chính xác. Bằng cách tra vấn lại, ta khám phá ra được ý nghĩa chân chánh, và củng cố niềm tin thêm sâu đậm. Tôi kết hợp sự học hỏi và niềm tin. Bằng cách nầy việc học hỏi đem lại nhiều lợi ích cho cuộc đời của tôi.

Tâm thức mà chúng ta đang quán sát được biểu lộ qua hành động và lời nói. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta suy nghĩ, lắng nghe, quan sát. Bất cứ bạn làm gì, đó cũng là tu tập, vì nó xử dụng và thể hiện tâm thức. Chỉ học sâu, hiểu rộng giáo lý của Phật thôi chưa đủ, chúng ta cần phải ứng dụng, sống trong pháp. Đó là sự thực hành của tâm thức.

Vòng Hoa

Kinh Hoa Nghiêm do đức Phật thuyết giảng. Qua kinh nầy, Đức Phật muốn nhắn nhủ điều gì với chúng ta? Đây là bài kinh nói về sự giác ngộ của Đức Phật. Điều nầy được biểu lộ qua 'Vòng Hoa' tức là Hoa Nghiêm (Avatamsaka); những đoá hoa là hoạt động của vị Bồ Tát.

Nói về một thế giới giác ngộ không phải là một điều dể dàng. Rất khó diển tả thế giới đó với những người chưa được giác ngộ, chưa từng thấy được thế giới nầy. Để cho dễ hiểu, thế giới nầy được trình bày qua những hoạt động của các vị Bồ Tát, những người đang chỉ cho chúng ta con đường để sống như một vị Phật.

Khi Đức Phật giác ngộ, Ngài chứng ngộ được sự tương quan lẫn nhau và các Phật tử từ đó đến giờ, đã nói lên điều nầy bằng nhiều cách khác nhau. Tông Hoa Nghiêm nói rằng mọi vật, mọi chúng sinh đều tương quan lẫn nhau, và là một. Vì thế đây là một thế giới không có sự phân biệt, chia rẽ.

'Không có gì không phải là Phật Tỳ Lô Xá Na (Vairocana Buddha)'. Chúng ta là một phần trong thế giới của Phật Tỳ Lô Xá Na, thế giới ấy hiện đang ở tại nơi nầy. Khởi đầu, chúng ta là hiện thân của Phật Tỳ Lô Xá Na và vì lý do nầy chúng ta phải sống như một vị Phật, trong mọi cảnh đời. Theo quan niệm của Kinh Hoa Nghiêm, khi chúng ta nhận thức rốt ráo rằng mình là một vị Phật ngay hiện tại, thì không còn cần tu tập gì thêm nữa. Khi ấy chúng ta sống như một vị Phật và tâm của ta cũng là tâm Phật.

Tất Cả Chúng Ta Đều Là Phật

Trong truyền thống Thiền, đặc biệt là ở Hàn quốc, người ta cho rằng sự giác ngộ, hay thế giới của Phật, không thể được diển tả bằng lời; ngay khi bạn vừa buông lời, thì bạn đã sai rồi. Chỉ những bậc đã bước vào thế giới giác ngộ mới có thể biết nhau mà thôi.

Nhưng Kinh Hoa Nghiêm đã diển tả thế giới giác ngộ, thế giới của Phật. Thế giới ấy thật là mỹ lệ mà với niềm tin, bạn có thể bước vào đấy. Cõi giác ngộ nầy không xa và cũng không phải là không đến được. Ngay hiện tại, bạn đã là Phật, nhưng không biết điều đó.

Nếu bạn đặt Đức Phật trên một bệ thờ thật cách xa bạn, thì bạn không thể sống như một Đức Phật. Hãy xoay lại và thức tỉnh; đấy mới là thực tập. Tâm thức tin tưởng hoàn toàn rằng bạn là Phật, đấy là tín tâm, theo quan điểm của Kinh Hoa Nghiêm. Hãy kiên quyết sống như một vị Phật bởi vì bạn là Phật.

Giáo lý của Đức Phật là để đạt được giác ngộ, nhưng các phương cách để giác ngộ đã thay đổi theo thời gian. Ngay thời Đức Phật còn tại thế và một thời gian sau đó, người ta tin rằng một chúng sanh bình thường không thể nào trở thành Phật, cho dù người đó có tu tập công phu đến đâu. Mà chỉ có thể đạt đến thế giới của các vị A-la-hán [các thánh giải thoát] và tự giải thoát chỉ đến cấp bậc nầy thôi. Chỉ duy nhất có một Đức Phật, đó là Thích Ca Mâu Ni mà thôi.

Quan niệm nầy đã thay đổi khi các trường phái Đại Thừa được phát triển, trong đó có phái Hoa Nghiêm. Phái Đại Thừa (Mahayana) cho rằng nếu chúng ta tu tập và sống như Đức Phật đã tu tập trong quá khứ, thì chúng ta cũng có thể trở thành Phật. Để nâng tâm bình thường lên thành tâm Phật là nâng tâm đến trình độ giác ngộ không có gì có thể vượt trội hơn.

Sự khác biệt giữa một chúng sinh và một vị Bồ Tát là chúng sinh nghĩ họ không bao giờ có thể thành Phật và sống theo cách đó. Các vị Bồ Tát nghĩ rằng họ có thể tu tập giống như Đức Phật, trau dồi sự hoàn thiện [Ba-La-Mật] để trở thành Phật một lúc nào đó, cho dù ngay lúc nầy họ chưa là Phật. Nhưng thời gian đó cũng rất lâu, thường được coi là ba kiếp.

Tiếp đó là trường phái Một Xe (One Vehicle) cho rằng không cần thiết phải mất một thời gian dài để trở thành Phật; ta có thể trở thành Phật trong một kiếp sống nếu ta tu tập một cách miên mẫn. Vì lý do nầy, các vị đại sư đã nói: 'Đừng uổng phí cuộc sống, đừng chờ đợi kiếp sống khác, đừng để việc lại cho kiếp sau mới làm, hãy tỉnh thức ngay trong kiếp sống nầy'. Trong kiếp sống nầy, được có thân người, ta có rất nhiều cơ hội và thời gian để giác ngộ. Nhiều người đã giác ngộ và chứng thực được Phật tánh của họ.

Tuy nhiên, theo Kinh Hoa Nghiêm: 'Ngay hiện tại bạn đã là Phật'. Không cần thiết phải trở thành, phải đạt giác ngộ. Uisang Sunim, một vị đại sư Hàn quốc của phái Hoa Nghiêm đã nói : 'Từ rất lâu, chúng ta đã là Phật'.

Khi tôi mơ, trong giấc mơ tôi không biết là mình đang mơ. Chúng ta phải thức tỉnh từ giấc mơ để biết rằng chúng ta đã mơ. Giờ tôi là Phật, nhưng nếu tôi không nhận thức được điều đó, vì tôi không biết mình là Phật, để 'điều khiển tâm' trở nên ý thức rằng ta là Phật. Ngay tại nơi nầy, chúng ta có thể sống trên thiên đường hạnh phúc. Chúng ta có thể hiển lộ tất cả trí tuệ và lòng từ bi của một vị Phật.

Theo quan điểm của Hoa Nghiêm, tu tập để trở về nơi chúng ta xuất phát. Để sống theo bản thể của ta là để tung tăng trong thế giới giác ngộ. Thế giới giác ngộ nầy không xa, nó ở ngay trên Trái Đất nơi chân ta vẫn từng bước đi tới.

Sư Tử Vàng

'Trong một pháp có vạn pháp', Uisang Sunim đã nói. Ông lại thêm: 'Trong vạn pháp có một pháp'. Tôi là một, những người khác là nhiều. Có sự liên hệ gì giữa một người và nhiều người? Đó là sự liên hệ khiến họ sống chịu đựng lẫn nhau.

Tuy nhiên, tánh cách của chúng sinh khiến họ không thể sống chịu đựng lẫn nhau. Một thế giới nơi mà mọi người sống, hòa hợp với nhau là thế giới của Phật. Tất cả pháp hòa quyện lẫn nhau, chúng là một. Vì lý do đó có câu nói: 'Sắc tức là không, không tức sắc', có nghĩa là tất cả hiện hữu là một.

Cũng như sóng và nước là một. Cũng giống như làm một con sư tử bằng vàng. Hình dạng là sư tử, nhưng làm bằng vàng. Với vàng bạn có thể làm nhiều món trang sức, nhẫn, dây chuyền, hoa tai, vân vân … Chúng đều có nhiều dạng khác nhau, nhưng tất cả đều làm bằng vàng. Vàng không thay đổi, không khác biệt. Sư tử cũng y như thế.

Vì thế tất cả chúng sinh hình dạng có khác biệt, nhưng tất cả đều có cùng chung một Phật tánh. Phật tánh đó được ẩn giấu dưới các hình dạng, giống như trong hình dạng sư tử ẩn chứa vàng vậy. Hình dạng sư tử và bản chất vàng là một, tạo nên một sư tử vàng.

Khi nhìn thấy con sư tử vàng, bạn có thể chỉ thấy một thứ, thường là hình dáng. Người sáng suốt thì sẽ nhìn vào thể chất vàng hơn là dạng sư tử, bởi vì sư tử thì không quan trọng lắm. Nhưng đa số có thể nói: 'Hãy nhìn con sư tử kìa! Thật là lớn. Thật đáng sợ'. Một đứa trẻ thì sẽ buột miệng: : 'Hãy nhìn con sư tử kìa!' chứ không nói: 'Hãy nhìn tảng vàng kìa!'

Tuỳ theo mỗi người, họ sẽ thấy hoặc là sư tử hoặc là vàng. Nếu người chỉ thấy sư tử, thì sẽ không thấy vàng; nếu người thấy vàng thì sẽ không thấy sư tử. Nhưng trong thực tế, cả hai đều hiện hữu. Vì thế nên nói: 'Chúng sinh thật sự là Phật.'

Nhìn Thấy Mọi Khía Cạnh

Nghe những điều nầy, bạn có thể bắt đầu chỉ nhìn thấy Phật mà không thấy chúng sinh. Bạn có thể tự hỏi: 'Còn gì để làm nữa, tại sao tôi phải tụng niệm? Tôi là Phật. Hãy đến tôn thờ tôi. Tại sao tôi phải lễ bái ba lần trước các vị cao tăng và ni trưởng? Tại sao tôi phải hành Bồ Tát hạnh?' Đó là do bạn chỉ nhìn thấy bản tánh ban đầu của mình là Phật. Bạn không thấy rằng đồng thời bạn cũng là chúng sinh.

Mặt khác, bạn có thể nói: 'Tôi không thể làm được bất cứ việc gì, đừng đòi hỏi tôi điều gì', đó là vì bạn chỉ thấy mình là chúng sinh. Bạn không thể thấy những tiềm năng vô hạn của Phật tánh mà từ ban đầu nó đã ẩn chứa trong tâm bạn. Vấn đề của cả hai phía là họ chỉ nhìn thấy có một mặt. Ta phải tập nhìn thấy hai mặt cùng lúc.

Việc nầy vẫn thường xảy ra trong đời sống hàng ngày. Đọc báo, thường chúng ta chỉ biết một phía nào đó tờ báo nêu ra. Chúng ta phải tập nhìn phía sau các khái niệm để khám phá ra tất cả vấn đề. Chúng ta thường sống cách đó, chỉ nhìn một chiều. Giống như khi vác trên vai một tấm ván rộng, ta chỉ thấy có phân nữa cảnh vật.

Tương tự, ta có khuynh hướng chỉ thấy lỗi người mà không thấy lỗi mình. Khi đau đớn, ta cũng chỉ thấy nỗi đau của mình mà nói bệnh của một người khác không thấm vào đâu so với nỗi đau của mình. Khi người khác nói, ta chỉ bám theo lời nói, do đó thường đưa đến kết quả là xung đột. Ta phải xét xem phía sau lời nói tâm ý của người ta thế nào.

Mạng Lưới Của Indra (8)

Theo Kinh Hoa Nghiêm, 3000 đại thiên có thể chứa đựng trong một nang lông của Phật. Mỗi nang lông có dung lượng giống nhau. Tất cả vũ trụ được chứa đựng trong một hạt bụi; tất cả là một. Khi thế giới của Phật hiển lộ, các thế giới khác cũng được hiển lộ đồng thời.

Cũng giống như mạng lưới châu báu của Indra. Trong mỗi gút có một hạt châu và mỗi hạt châu phản ảnh tất cả những hạt châu khác. Ngược lại, tất cả các châu báu phản ảnh một hạt châu. Không chỉ có thế, mà tất cả các phản chiếu qua lại của các hạt châu, cũng được phản chiếu trong cái vô cùng tận.

Khuôn mặt ta được cấu tạo bởi mắt, mũi, lỗ tai, vân vân. Từng phần, chúng đều có đặc điểm khác nhau. Nếu phối hợp hài hoà, ta có thể nói đó là một khuôn mặt đẹp, nhưng ta không thể nói rằng mũi đẹp hơn, hoặc mắt đẹp hơn. Hơn nữa, cả khuôn mặt có chức năng riêng của nó, và mỗi thành phần lại có chức năng riêng nữa. Thí dụ, mũi để ngửi, vân vân. Tuy nhiên khi bạn nhìn từng thành phần, thí dụ, đôi mắt, thì bạn không thể không thấy khuôn mặt. Thấy một thành phần, là bạn cũng thấy toàn bộ.

Theo Kinh Hoa Nghiêm có 10 điều hoàn thiện và theo Đại Thừa thì có sáu. Nếu có thể trau dồi tất cả các điều thì rất tốt. Tuy nhiên, nếu bạn có thể thực tập hoàn hảo về chỉ một điều, thì cũng giống như bạn đã thực tập tất cả. Qua một việc gì đó mà bạn có thể thực hiện hoàn hảo, thì bạn có thể khiến cả vũ trụ siêu phàm phát sinh.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 1a | 1b | 2 | 3 | 4

Chân thành cám ơn Chị Diệu Liên đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 04-2005)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 02-04-2005

Buoc Sen

BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Bước Sen
Nữ Tu & Cư Sĩ Phật Giáo: Cuộc Sống,Tình Yêu & Thiền
Định

MARTINE BATCHELOR
Việt Dịch: Diệu-Ngộ Mỹ Thanh & Diệu-Linh Lý Thu Linh


II. LUYỆN TÂM

Chương 7

NƯỚC VÀ SÓNG

Myongsong Sunim

Unmunsa là một tu viện lớn tại Hàn quốc, có khoảng 300 ni. Sự thành công của viện nhờ vào Ni trưởng và cũng là vị giảng sư chánh là Myongsong Sunim, một trong những người giảng pháp lỗi lạc nhất của Hàn quốc, được rất nhiều người kính trọng. Tu viện Unmunsa càng ngày càng lớn mạnh, có thêm nhiều phòng ốc; học viên thì hài lòng với không gian hoà hợp yên tĩnh. Ni sư Myongsong khoảng 60 tuổi, nhưng nhìn bà rất trẻ so với tuổi. Bà nhanh nhẹn nhưng cũng trầm tĩnh, nghiêm khắc mà thân thiện, cân bằng, mực thước, luôn lo cho phúc lạc của các ni sinh. Các ni sinh có cảm giác rằng Ni trưởng đối với họ rất tốt vì bà biết cách chăm sóc cho cây cỏ. Muốn trồng phong lan và cây cối đòi hỏi sự kiên nhẫn, vì mỗi thứ cây cần được chăm sóc khác nhau. Cũng vậy, dường như Ni trưởng biết phải ứng phó như thế nào với nhiều ni sinh khác nhau.

Giáo Lý Của Đức Phật Là Gì?

Chúng ta cần biết ý nghĩa thật sự về chữ Phật trước khi ta có thể thiền hay tụng niệm. Nếu thực hành một cách mù quáng, chúng ta có thể đi sai mục đích. Chúng ta cần phải tìm hiểu về giáo lý của đức Phật trước khi thắp hương, niệm Phật. Chúng ta phải biết kinh trước khi có thể tụng. Đó là lý do tại sao tôi học kinh điển.

Trước tiên, bạn phải có tâm chân thành khi học kinh. Ban đầu, khi đức Phật đi tu, Ngài cũng có lý do. Tại sao đức Phật lại đi tu? Cũng giống như, đi chợ để mua một món hàng nhất định nào đó, hoàn toàn khác với việc đi chợ chỉ vì theo một người bạn, hoặc đi mà không có mục đích gì cả.

Từ nhỏ, tôi đã đọc rất nhiều sách về tôn giáo : Phật giáo, Khổng giáo, Thiên Chúa giáo, kể cả sách của Socrates. Tôi muốn trở thành một đại bác học. Nhưng tôi đọc sách Phật là phần lớn và muốn đi theo con đường nầy. Nhìn người khác, tôi thường tự hỏi cuộc sống của họ có ý nghĩa gì, khi dường như họ sống một cuộc sống vô vị. Tôi quyết định xuất gia năm 23 tuổi.

Tâm Ban Đầu

Khi bắt đầu tu tập, ta nên tự hỏi: Động lực nào thúc đẩy ta? Mục đích của ta là gì? Chúng ta cần có một đường hướng căn bản vì thế ta nên bắt đầu học kinh Chobalshim (Tâm ban đầu).

Tâm rất quan trọng. Ta cần tạo ra một tâm thức như thế nào? Tâm giống cái gì? Cái mà ta gọi là tâm không hình dáng, không mùi vị. Ta không thể thấy tâm bằng mắt hoặc nghe bằng tai; vậy tâm là gì?

Điều quan trọng là tiếp tục không gián đoạn với động cơ ban đầu của ta. Tâm ban đầu, khoảng giữa và cuối đều phải giống nhau. Nếu tâm ban đầu thay đổi, thì bạn có thể có những hành động bất thiện hay là không chính đáng.

Tâm ban đầu cần được chuyển tiếp cho tâm theo sau; chúng là một. Trong kinh Chobalshim có nói: 'Với tâm ban đầu hành giả sẽ đạt được giác ngộ'. Tôi thường giảng về tâm nhất nguyên và làm thế nào để tâm ấy không hai.

Nước Và Sóng

Nếu bạn nghĩ thiền và học kinh điển là đối chọi nhau, thì bạn rất sai lầm. Hoàn toàn không phải vậy. Nếu tâm Phật là thiền thì lời Phật là giáo pháp. Giáo pháp của Phật không hiện hữu ngoài tâm Phật.

Giống như nước và sóng không khác nhau. Nếu nước chuyển động thì là có sóng, khi lắng dịu thì vẫn là nước. Sóng thì chuyển động và nước thì yên lắng, hai thứ không khác nhau. Cũng như vậy thiền và giáo pháp không khác.

Trong đời sống hàng ngày, không có gì không phải là thiền. Khi chúng ta biết ngồi quay mặt vào vách quán sát, 'Cái gì là tâm?', thì mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta trở thành thiền. Từ lúc sáng thức dậy cho đến lúc nằm xuống ban đêm, chúng ta quán: 'Cái gì đang nằm ở đây?' Nếu suy tư sâu lắng ta thấy cái đang nằm ở đây có thể ví như một xác chết còn động đậy. Đây là một hình thức tu tập.

Giáo lý của Phật chỉ là sự diễn đạt của tâm Phật, qua văn tự và ngôn ngữ. Nhiều người không biết đó là một chứ không phải hai. Một thiền sinh có thể nói giáo lý là xa vời. Ngược lại kẻ chấp vào kinh điển có thể phỉ báng các thiền giả, cho rằng họ là những kẻ ngu si, nhưng những khái niệm này đều sai lầm.

Đời Sống Hằng Ngày

Dầu lạy Phật hay là nhổ cỏ, chúng ta cũng phải làm những việc đó với tâm bình đẳng. Nếu chúng ta lạy Phật vì Phật ngồi trên cao, đó là tôn thờ hình tượng. Nếu lạy Phật, khi chúng ta nghĩ Phật ở ngoài chúng ta, đấy cũng là tôn thờ hình tượng. Nếu ta nghĩ tâm hiện tại của ta là Phật, chúng ta đảnh lễ chân tâm của mình với lòng thành kính, cố gắng không để tâm dẫn đến cống cao ngã mạn. Đó mới thật là ý nghĩa của sự đảnh lễ.

Trong cuộc sống hàng ngày, khi làm những nhiệm vụ lớn nhất hay nhỏ nhất, nếu chúng ta sống chân thật, kiểm soát việc mình làm, đấy chính là ý nghĩa của chữ Phật. Khi nhổ cỏ, hoặc quét sân, thưa hỏi người cao tuổi hoặc làm bất cứ chuyện gì, nếu ta làm những việc này một cách thành tâm thật lòng, thì đây là thiền.

Nếu chúng ta tinh tấn hành thiền nhưng rồi nổi giận hoặc nổi tham, thì còn tệ hơn chưa từng thực tập gì hết. Mục đích của thiền là sửa đổi các tư tưởng sân hận, si mê hay tham đắm. Chúng ta thiền là để trở về với tâm trong sạch, chân thật. Nếu chúng ta sống một cuộc sống hoang đàng, không lành mạnh, thì đó không phải là học tu hay hành thiền.

Tôi thích nói về pháp một cách cởi mở, giản đơn. Tôi dạy người cư sĩ biết sống lành mạnh trong cuộc sống hàng ngày. Như sen vươn lên từ vũng bùn nhơ, vẫn nở hoa tinh khiết, đẹp đẽ, người cư sĩ sống ở thế gian, vẫn có thể nở hoa như sen vậy. Nếu họ vun trồng một cách sống tốt đẹp với nhau, đó là họ đã thực hiện ý hướng của đức Phật.

Như Nước Trong Nguồn Chảy Ra

Ngay trước khi dạy bảo ai điều gì đó, chúng ta đã phải khiêm nhường. Nếu khuyên ai nên tạo công đức, chúng ta cần nhún nhường khi nói điều nầy. Trước hết chúng ta cần xét lại việc tạo công đức của chính bản thân. Trước khi bảo ai đừng nóng giận, tôi phải xét lại bản thân xem mình có khả năng chịu đựng, nhẫn nại mà không trở nên giận dữ.

Khi muốn nhắc nhở ai điều gì đó, ta không cần lớn tiếng. Trước tiên, ta phải nhìn lại mình; có thể ta mới có tự tin để dạy dỗ người khác. Chúng ta phải làm mọi việc với lòng tự tin. Nhưng thật khó tự tin, đúng không nào? Xét hành động của người thì dễ hơn của mình.

Nguồn cảm hứng phải phát khởi từ trong lòng. Nếu ta hy vọng tìm được điều đó từ bên ngoài, như thể nó rơi từ trên trời xuống, thì thật là sai lầm. Sự dũng mãnh cũng phải bắt nguồn từ bên trong, từ lòng tự tin của chính mình. Giống như nước từ trong nguồn chảy ra. Đâu có nơi nào khác mà ta có thể tìm được?

Riêng cá nhân tôi, sự cảm hứng không ích lợi gì. Tất cả các công trình đã được hoàn thành ở đây không phải do tôi làm, mà do từ tất cả năng lượng của nhiều người khác hợp lại. Không phải chỉ có sức mạnh của tôi mà chúng được hoàn thành. Vì nhiều vị ni quyết hợp sức cùng làm, tu viện Unmunsa mới được như thế đó. Công trình nầy không phải thành công nhờ tôi có sức mạnh phi thường gì. Mọi thành tựu đều do sức mạnh của từng ni sinh đang học tập tại đây; góp chung lại, nó được kết tinh thành.

Khi bạn chơi trò kéo dây, một nhóm người kéo dây, và vì mọi người cùng chung sức kéo, sợi dây chuyển động. Người đứng phía trước, hay bất cứ ai, không thể nói, 'Tôi là người làm cho sợi dây chuyển động'. Không phải một người, mà là mọi người cùng nhau hoàn thành điều gì đó.

Người ta không thể truyền đạt ý của mình cho người khác. Ai đó có thể hỏi tôi : 'Tại sao bà lại sống giữa núi vậy?' Tôi có thể xử dụng câu trả lời của một vị thiền sư cho câu hỏi nầy. 'Trên đỉnh núi, mây đến rồi đi'. Câu nầy rất hợp với tôi. Hạnh phúc, niềm vui của một người không thể giải thích được. Nếu tôi uống nước, thì chỉ có tôi mới biết được nước lạnh hay nóng, và nóng hay lạnh như thế nào. Vì lý do nầy, tôi không thể diển đạt được niềm cảm xúc mà tôi, một người nữ tu, đã trải qua.

Nguồn Gốc Của Giới Luật

Các vị tăng ni cần phải chú tâm, đặt nặng vấn đề đạo đức hơn người tại gia. Xét kỹ, ta thấy, đối với các vị tỳ kheo có tất cả 250 giới, tỳ kheo ni có 338 giới, cư sĩ thì có năm hay 10 giới và cho sa di (sramanera) có 10 giới.

Tôi đã giảng nhiều về các giới luật của tỳ kheo ni. Theo tôi, nhìn lại nguồn gốc của giới luật, tôi cảm thấy không cần thiết phải tuân theo giới luật một cách quá chặt chẻ. Nguồn gốc của giới luật là để 'bỏ điều ác, làm điều lành'. Vậy là đủ rồi. Nếu chúng ta luôn giữ nguồn gốc của giới luật, nó sẽ trở thánh bản tánh tự nhiên; tự động ta sẽ giữ các giới luật mà không cần được nhắc nhở: 'Hãy làm việc nầy, đừng làm việc đó!' Đừng làm việc ác và xem điều nầy như nền tảng để làm việc tốt! Đó chính là lời dạy của Đức Phật.

Thiền Định Và Trí Tuệ

Tâm chúng ta giống như sóng biển, lúc nào cũng nhấp nhô. Thiền giúp cho tâm giao động trở nên yên tịnh, để có thể tìm giữa bao thứ trong tâm ta cái ý tưởng vững chải, không xao động. Có lời dạy rằng: 'Đừng chấp vào những cái bên ngoài mà bạn có thế thấy, có thể nghe. Hãy buông bỏ ngay lập tức.'

Trạng thái mà nội tâm tôi không bám víu, không nôn nao, không bận rộn, là trạng thái khi tâm tôi đã lắng dịu hoàn toàn, cũng như nước đang lắng đọng. Biển tâm, dòng nước sâu thẫm của tâm, khi đã lắng xuống một cách êm đềm, thì đấy là định.

Dầu bận rộn thế nào, bạn cũng cần phải cẩn trọng hơn, chú tâm hơn và điềm tĩnh hơn. Để giúp mình bình tĩnh hơn, hãy tự hỏi: 'Tôi phải giải quyết việc nầy như thế nào?' Nếu bạn có chánh định, thì dầu công việc của bạn có rắc rối, khó khăn thế nào, bạn cũng không bị áp lực, kiệt sức, thật ra bạn còn điềm tĩnh hơn. Nếu bạn có khả năng của chánh định, thì bạn có đủ sức mạnh để đối phó với mọi hoàn cảnh. Mắt của thiền giả có thể trụ vào một nơi cố định, không liếc ngang dọc mọi nơi. Đó chính là nhờ sự chú tâm.

Nếu dòng nước tâm lắng đọng êm đềm, thì tâm sẽ trở nên trong hơn và chói sáng sau mọi phản chiếu. Nhờ có định, mà trí tuệ phát sinh một cách tự nhiên, rõ ràng. Trí tuệ của Đức Phật không thể có được giống như cách chúng ta tạo ra của cải vật chất. Khi tâm thức lắng đọng, lập tức ánh sáng trí tuệ chói sáng.

Thiền sư Bojo có nói: 'Không có điều ác trong tâm thức, đó là giới luật, không có xao động trong tâm, đó là định, không có si mê trong tâm, đó là trí tuệ.'

Đôi Cánh Chim

Giữa tăng và ni, không có sự khác biệt. Cả hai đều là đệ tử Phật. Tăng và Ni như đôi cánh của một con chim. Sứ mệnh của chúng ta trong đời là truyền bá lời dạy của Đức Phật.

Tu Viện UNMUNSA

Ở Unmunsa, có rất nhiều ban, khoa. Có khoa giáo dục nhằm mục đích truyền bá Phật pháp. Có ban văn hóa phát hành tờ tin. Ban hoạt động xã hội tổ chức các gian hàng bán lấy tiền gửi đến các trại phong, nhà dưỡng lão và cô nhi viện. Các vị ni thăm viếng những nơi mà con người đang đau khổ như một hiện thân của lòng từ bi của đức Phật.

Công việc của chúng tôi là giảng dạy ý nghĩa của Đức Phật. Đây là các nguyên tắc chỉ đạo của trường đại học: chúng tôi phải phát đại nguyện bằng cách vun trồng các ý định của mình. Phải tinh tấn và dốc cả tâm trí vào tất cả những việc ta làm, không được dể duôi. Không được trở lại với các thói quen cũ, và phải luôn tinh tấn. Chúng ta phải truyền bá những lời Phật dạy, vì Đức Phật bảo bánh xe pháp phải quay không ngừng.

Khi tôi mới đến đây, có chừng khoảng 70 vị ni. Trong 22 năm, nhiều việc đã đổi thay và số ni tăng lên rất nhiều. Hiện tại có khoảng 230 ni sinh. Nếu cộng luôn tất cả những người làm việc ở đây, con số có thể lên đến 257 người. Trong tương lai, tôi mong có những vị ni xuất chúng, có kiến thức cao hơn tôi sẽ xuất hiện và phát triển tu viện nầy hơn nữa.

Tôi bảo với tất cả ni sinh rằng họ phải trở nên những con người giác ngộ. Bằng những thành quả của chính mình, họ phải trở nên các nhà tư vấn thông thái. Đi đến đâu họ cũng không phải quỳ lụy, khúm núm. Tất cả chúng ta phải trở thành những phụ nữ xuất sắc trên con đường Đạo.

Sống Hòa Hợp

Ban đầu, tôi không tha thiết muốn được trở thành Ni trưởng. Ý tôi định là nghiên cứu và giảng dạy kinh điển ở thủ đô. Tuy nhiên, ni chúng ở tu viện Unmunsa nhất quyết muốn tôi làm giảng sư cho họ và sau đó yêu cầu tôi làm ni trưởng. Điều mà tôi thích khi làm ni trưởng, là tôi có trọn quyền để làm cho các ni sinh thêm thoải mái. Nếu tôi chỉ là giảng sư, tôi phải xin phép ni trưởng để mua bàn ghế, màn cửa, máy photocopy, vân vân, và có thể bị cấm. Nhưng vì tôi là ni trưởng, tôi có thể cung cấp mọi thứ cần dùng cho các ni sinh.

Sống hoà hợp là mục đích của ni chúng nầy. Khi các ni có sự bất đồng ý kiến, họ cố gắng tìm hiểu quan điểm của người khác. Nếu nhìn vào gương, tôi thấy khuôn mặt của mình phản chiếu trong đó; sự phản chiếu đó không tốt hơn cũng không xấu hơn khuôn mặt của tôi, nó chỉ phản chiếu sự vật như nó thật là. Chúng ta không nên ôm thù hận đối với kẻ khác. Mọi lỗi lầm cần được xem xét lại bằng cách nhìn lại mình, và chúng ta phải kiên nhẫn, nhún nhường đối với nhau.

Chúng tôi chủ trương sống với lòng khiêm cung. Vì thế mặc dù có 250 ni sống chung với nhau, các vụ ấu đả hay tranh cãi không xảy ra thường xuyên. Dù sao, họ cũng phải học hành chăm chỉ, giữ gìn khuôn viên sạch sẽ, trồng hoa và rau quả, vì thế họ rất bận rộn, không có thời gian để bất hoà.

Đại Ái Và Đại Bi

Chữ từ bi trong tiếng Hàn được kết hợp một cách rất ý nghĩa, bao gồm từ ja, là 'thương yêu', và bi, nghĩa là 'buồn, thương xót'. Chữ 'từ bi' nấy, cũng đi ghép với chữ 'vĩ đại'. Chúng ta luôn nói về lòng đại từ bi.

Trong cuộc sống thế gian, người ta thương không trọn vẹn. Họ nghĩ, 'Tôi mong mọi việc suông sẻ tốt đẹp cho con trai hay con gái tôi.' Họ làm điều nầy kể cả khi cầu nguyện. Đối với sự từ bi nầy, bạn không thể thêm vào từ 'đại' phía trước.

Đại bi nghĩa là khi ai đó gặp nhiều đau khổ, chúng ta phải tốn nhiều công sức để giúp họ ra khỏi đó. Cũng có nghĩa là khi chúng sanh buồn, ta cũng buồn với họ. Khi họ khóc, ta cũng khóc. Đại ái là khi chúng sanh vui, ta cũng vui với họ. Chia sẻ buồn vui cùng nhau, đó mới là đại từ bi. Đại ái nghĩa là chúng ta ban tặng hạnh phúc lớn lao; đại bi nghĩa là chúng ta giúp người thoát khỏi khổ đau.

Ý nghĩa của từ bi thật tuyệt vời. Gandhi đã nói ông học được tình thương yêu đồng loại từ Thiên chúa giáo, nhưng ông học được tình thương yêu tất cả mọi loài chúng sanh nơi Phật giáo. Mọi vật đều được tôn trọng, kể cả con muỗi. Thật là một ý tưởng tuyệt vời, thương yêu tất cả chúng sanh một cách bình đẳng. Vì thế, để không vật gì bị giết hại, chúng tôi không ăn thịt. Nếu tôi lo cho sự sống của mình, thì tôi cũng phải lo cho mọi sự sống khác, do đó tôi không thể giết hại bất cứ một chúng sinh nào. Như thế lòng từ bi sẽ mãi tuôn tràn.

-ooOoo-

Chương 8

TU TẬP GIẢI THOÁT

Hiuwan Fashih

Pháp Sư Hiuwan, người Hoa thuộc trường phái Thiên Thai, hiện đang sinh sống tại Đài Loan. Sư đã 81 tuổi, là hoạ sĩ, thiền sư, nhà học giả, nhà giáo dục. Vừa qua Sư đã xây dựng được một trường kỹ thuật có thể chứa khoảng 600 sinh viên. Không thể ngờ dù tuổi đã cao, Sư vẫn rất năng động; tuy nghiêm nghị nhưng Sư cũng rất tử tế.

Phật Xuống Núi

Từ lâu, tôi đã thích về giáo dục và Phật giáo. Năm 1942, trong chiến tranh Nhật Bổn, tôi đang trú ngụ tại một chùa trên Đỉnh Omei, Trung Quốc. Một buổi sáng, đọc thơ của một vị tăng thời xưa, tôi bắt đầu có ý muốn xuất gia để tránh khỏi những rắc rối của thế gian. Tôi bắt đầu sống trong chùa và dạy học ở một trường dành cho các vị ni. Sau đó tôi viếng thăm Ấn Độ một thời gian. Khi trở về, tôi dựng nên bốn trường học ở Hồng Kông và dạy học cho trẻ tỵ nạn người Hoa.

Tôi được mời vẽ chân dung đức Phật, vì thế tôi đọc rất nhiều sách về nghệ thuật Phật giáo. Tôi đã bỏ ra sáu năm để vẽ 10 bức họa. Cho đến lúc đó tôi rất thích văn hoá và nghệ thuật Trung Hoa, các tác phẩm hay của Khổng Tử, nhưng tâm trí tôi chưa cởi mở. Sau khi hoàn thành 10 bức hoạ, tôi nhận ra rằng cuộc đời cũng giống như tranh. Trước đó tôi chưa bao giờ có cảm xúc mạnh đối với đức Phật, cũng như tôi chưa bao giờ có cảm xúc về bất cứ việc gì chung quanh tôi; tôi chỉ thích các tư tưởng. Nhưng khi vẽ xong các tấm hình về đức Phật, trong tôi có một cái gì đó đã được thông suốt.

Một số học sinh tôi dạy rất nghèo nàn, dơ bẩn. Tôi đã hỏi đức Phật: "Tôi đang sống trong cuộc đời nầy, họ cũng thế. Tại sao họ lại quá nghèo?" Đức Phật đây là sự tử tế trong lòng tôi. Tôi nhận ra rằng nghệ sĩ thường có tấm lòng tràn đầy từ bi, vì người ấy nhìn và phải nhận thức được mọi thứ để vẽ. Lòng từ bi và trí tuệ của đức Phật -cả 40 năm sau những chữ nầy vẫn gây xúc động trong tâm tôi. Tôi trở thành một tu sĩ không phải chỉ cho tôi, nhưng vì đức Phật phải xuống núi để giúp những chúng sanh đang đau khổ.

Giáo Dục Không Phải Chỉ Là Học Vị

Tôi rất lo lắng về sự xuống dốc của các giá trị đạo đức trong thời đại máy móc nầy, và nghĩ rằng các đề tài nhân văn cần phải được dạy trong chương trình khoa học và kỹ thuật. Giáo dục không chỉ là phổ biến kiến thức học vị, nhưng cũng cần phải dạy về các giá trị luân lý. Vì lẽ nầy, tôi bắt tay vào việc xây dựng trường Đại học Kỹ thuật Huafan vào năm 1987.

Đã từ lâu tôi có ý muốn xây dựng một trường học về văn hoá và Phật giáo Trung Hoa ở Đài Loan, nhưng Bộ Giáo Dục không còn cho phép mở trường đại học nhân văn. Họ chỉ muốn mở trường đại học cho sinh viên học những kỹ năng thiết thực, để tìm được việc làm. Tôi nhận thấy rằng kiến trúc cũng là nghệ thuật, vì thế chúng tôi quyết định là trường đại học của chúng tôi sẽ chuyên về ngành kiến trúc và các kỹ thuật liên quan.

Chúng tôi có một câu lạc bộ Phật giáo, nhưng không liên quan gì đến Phật giáo. Tuy nhiên, vì tôi là ni sư và là người sáng lập, điều nầy cũng phần nào ảnh hưởng cách điều hành trường, và các sinh viên mời tôi dạy thiền. Tôi hy vọng rằng họ sẽ phấn khởi với các giá trị Phật giáo và sẽ hâm mộ nghệ thuật.

Nền giáo dục giải thoát làm trong sạch tâm thức. Không phải từ ngôn ngữ hay sách vở - khi bạn nhìn một vật gì và có cảm giác thích thú bên trong, nghĩa là khi ấy bạn đã học được một điều gì đó. Nếu các sinh viên suy nghĩ về cuộc sống nhiều hơn, thì họ sẽ hiểu nó nhiều hơn. Biết áp dụng các giá trị đạo đức, có hiểu biết về trí tuệ siêu việt và có lòng từ bi đối với người khác là những nội quy của trường đại học kỹ thuật nầy.

Giáo Dục Để Giải Thoát

Thầy của tôi là Thượng toạ Tan Hsu, người đã hiến cả cuộc đời để lo cho giáo dục. Khi mất, ông không nhắm mắt cho đến khi tôi lập thệ nguyện ngay lúc ấy, rằng tôi sẽ hiến dâng cuộc đời tôi cho sự nghiệp giáo dục.

Đây không phải là cho tôi, không có gì là cho tôi cả. Điều quan trọng là nơi đây sẽ thành trường đại học, cơ sở nghiên cứu về giáo dục Phật giáo. Kỹ thuật và văn hoá cần phải bổ sung cho nhau, và tôi muốn thực hiện điều nầy cho xã hội. Tôi mong muốn hoà hợp kỹ thuật, văn hoá, cùng với Phật giáo và nghệ thuật.

Khởi đầu giáo dục nhằm dạy cho con người biết "vươn tới điều tốt đẹp nhất". Ngày nay giáo dục rất phát triển, nhưng dường như không thành công trong việc giúp đỡ con người vươn tới điều tốt đẹp nhất. Một nền giáo dục lý tưởng không phải chỉ trao tay kiến thức, mà còn gồm bao gồm những phương cách thanh lọc tâm, để học giả không bị giao động bởi vật chất thế gian, và để đạt đến trí tuệ siêu việt. Giáo dục để giải thoát có nghĩa là nuôi dưỡng sự tỉnh thức và chuyển hoá ý thức trở thành trí tuệ.

Giáo Dục Tự Nhiên

Nền giáo dục hữu hiệu nhất là phát triển cá tính và dạy ta làm thế nào để có được sự an vui trong cuộc sống. Kết hợp môi trường thiên nhiên với giáo dục sẽ dễ thành công, và tạo được nhiều cơ hội. Từ lâu Ấn Độ đã nhận thấy sự cần thiết của giáo dục giữa môi trường thiên nhiên, để thực hiện được sự phát triển của thân tâm.

Một rễ cỏ nhỏ, một hạt cát; mỗi thứ là một vũ trụ thu nhỏ, giúp chúng ta nhận thức được mối liên hệ giữa một cá nhân và thế giới, cũng như trạng thái vô hạn của trí tưởng tượng. Thiên nhiên và con người tương tác và phụ thuộc lẫn nhau, vì thế nên sống chung hoà hợp với nhau. Như thế, một nền văn hoá không bị giới hạn sẽ tự nhiên xuất hiện.

"Nền giáo dục tự nhiên" của đức Phật là một tiến trình của giải thoát; là bản tánh chân thật của con người để vươn tới giải thoát. " Giáo dục tự nhiên" không chỉ có nghĩa là truyền dạy sự hiểu biết, nuôi dưỡng tình thương và lòng từ bi, mà cũng là sự thực tập và chứng nghiệm thực sự.

Môi trường giáo dục cần phải xa những nơi đô thị bụi bặm, ồn ào, ở giữa rừng cây yên tịnh. Nhà ở cần phải đơn sơ, thoải mái. Môi trường học tập cần được trang trí với các tác phẩm văn chương, nghệ thuật, nên chứa đựng những sản phẩm đưa nguời ta đến với các tư tưởng tôn giáo và thiền định. Về mặt học vị, sức mạnh của trí tưởng tượng và phẩm chất của lòng từ bi cần được phát huy.

Phương Thuốc Hữu Hiệu

Nếu muốn thanh tịnh tâm thức, gạt bỏ những lo âu đời thường và đạt được trí tuệ miên viễn, chúng ta phải giữ nội tâm tỉnh thức, quen dần với sự yên tịnh và trầm lắng. Một tâm thức an lạc và thông thái sẽ giúp ta phân biệt được việc tốt xấu.

Nền giáo dục thông thường chỉ phát huy việc chia xẻ và thu thập kiến thức. Giáo dục giải thoát của Phật giáo rèn luyện về cả hai mặt kiến thức và đạo đức, nhắm mục đích việc trừ diệt si mê để trí tuệ được hiển lộ. Lý tưởng Phật giáo là để đạt mục đích của việc dạy đồng thời cũng là học.

Trong thời đại bùng nổ tri thức, kỹ thuật tân tiến dường như đang phát triển bằng các bước nhảy vọt. Nhưng tri thức nhân loại càng phát triển, thì tâm thức con người càng trở nên cô đơn, tuyệt vọng. Đây là lúc chúng ta cần phải khảo sát kỹ lưỡng, sâu sắc về những nhu cầu đích thực của nhân loại.

Làm thế nào để các bạn trẻ phát triển sự tự tin? Thanh lọc tư tưởng của họ sẽ mang lại lòng từ bi và trí tuệ, rồi họ sẽ nhìn thấy mọi thứ quanh họ đáng quý và họ sẽ thực sự tôn trọng sự tương quan giữa mọi vật. Như vậy, các bạn trẻ có thể cống hiến cho thế giới nầy, phấn đấu, lên kế hoạch cho sự phát triển tốt đẹp hơn của thế giới.

Thanh Tịnh Và Linh Hoạt

Tôi thiền về mọi việc mà tôi làm. Khi còn trẻ tôi nghiền ngẫm về một công án Thiền trong vòng tám năm. Tôi tranh đấu ngày đêm, nhưng luôn có cảm giác còn một cái gì đó mà tôi chưa thấu triệt, các cánh cửa nội tâm của tôi dường như bị khoá chặt.

Sư Tan Hsu dạy Kinh Pháp Hoa (Lotus Flower Sutra) ở Hồng Kông. Sư thuộc trường phái Thiên Thai và đến từ miền đông Trung quốc. Khi tôi được biết về Kinh Pháp Hoa và trường phái Thiên Thai, tôi đã có một cảm nhận rõ rệt. Lần đầu tiên được gặp vị bổn sư, tâm tư và suy tưởng của tôi đã thay đổi. Có rất nhiều nguyên tắc và chân lý đáng được học hỏi từ truyền thống Thiên Thai.

Từ năm 1953 tôi đã thực hành samatha (thiền chỉ để được thanh tịnh) và vipassana (tuệ giác dẫn đến sự linh hoạt). Quan trọng là phải hiểu về trạng thái của "thanh tịnh và linh hoạt". Nếu không hiểu điều nầy, thì ta không thể hiểu được thiền. Trạng thái thiền định của chúng ta phải trong sáng và linh hoạt.

Trường Phái Thiên Thai

Các giáo lý căn bản của trường phái Thiên Thai dựa trên Kinh Pháp Hoa (Lotus Sutra). Ba đại ý đã được nhắc đến trong chương hai " Phẩm phương tiện", về sự bình đẳng, độc lập và dũng cảm đều tương quan lẫn nhau. Đây là những mục đích táo bạo của trường phái Thiên Thai.

Bình đẳng có nghĩa là không có sự phân biệt giữa các đức Phật và chúng sanh; mọi người đều có cùng Phật tánh. Tình thương yêu và lòng bi mẫn chỉ có thể phát sinh từ tâm bình đẳng. Sự độc lập biểu lộ thể tánh giác ngộ của tất cả chúng sanh, là điều khiến cuộc đời tươi sáng hơn. Sự dũng cảm có nghĩa là một người có tình thương và lòng từ bi cao cả sẽ không dễ bị bất cứ điều gì chi phối. Nếu mọi người có thể phản ứng, hành xử dựa trên ba điểm căn bản nầy, thì thế giới sẽ đầy dẫy những con người có phẩm cách và sáng suốt.

Theo trường phái Thiên Thai, toàn bộ hệ thống tư tưởng Phật giáo được coi là "Kinh điển và thiền định". Việc nghiên cứu kinh điển đi chung với thiền định, có nghĩa là: sẽ không có mâu thuẫn giữa tri thức và tâm linh. Dựa trên các kết quả hổ trợ nhau của việc thực hành và nghiên cứu trí tuệ, đúng theo luật nhân quả, giáo Pháp vi diệu sẽ hiển bày.

Theo trường phái Thiên Thai về samatha/vipassana, cả hai thiền định và trí tuệ đều đầy đủ. Có thể nói rằng: "Samatha bước đầu làm lắng dịu những yếu tố tinh thần đang ràng buộc con người vào đau khổ, vipassana là phương tiện thiết yếu để gạt bỏ hết cấu uế".

Phái Thiên Thai phân biệt ba loại thanh tịnh - samatha - tri kiến - vipassana - đó là làm thanh tịnh tâm trí qua việc chấm dứt phân biệt giữa các đối nghịch, thực tập các phương tiện tinh xảo phù hợp với tình thế và chân lý giác ngộ; và ba tri kiến siêu việt về tánh không, trạng thái hiện hữu do duyên hợp và trung đạo. Tất cả được tạo ra để mọi người tuỳ theo khả năng của mình mà ứng dụng các phương pháp.

Điều Khiển Tâm

Khi bạn đã vào trong thiền đường, tại sao bạn vẫn còn hỏi: "Cửa ở đâu?" Bạn có thể đến nơi nầy hoặc nơi kia để tìm kiếm một cái gì đó, nhưng bạn luôn phải quay trở về. Khi bạn đã hiểu về vấn đề sanh tử, bạn sẽ không còn cảm thấy buồn ngủ trong lúc thực tập thiền.

Nữa đêm khi mọi vật đều yên tỉnh, nếu chúng ta quan sát tâm trong cô tịch ta có thể thấy tận nơi sâu thẳm đó có một sự sáng suốt tuyệt diệu. Chúng ta ý thức trực tiếp mọi thứ với một trạng thái tỉnh thức rõ ràng. Khi đó chúng ta đã đạt đến trạng thái của thiền định [dhyana].

Phương cách để thanh tịnh tâm thức là điều khiển nó. Phật giáo đầy dẫy những cách thức để điều khiển tâm thức, một trong những phương thức ấy là đếm hơi thở. Đây là đếm hơi thở từ một đến mười và ngoài việc đếm số ra, không có một ý nghĩ nào khác có thể lọt vào tâm. Nếu bạn bị chi phối bởi những ý nghĩ khác, thì bạn phải bắt đầu đếm từ một trở lại.

Lúc ban đầu có thể bạn chỉ đếm "một" mỗi lần bạn hít vào và thở ra, vì tâm thức bạn còn lăng xăng. Sau đó, khi tâm bạn trở nên lắng đọng hơn, bạn có thể đếm từ một, hai, ba, cho đến mười. Nếu bạn suy nghĩ về việc nào khác, bạn sẽ quên đếm, vì thế bạn luôn phải trở về với đếm số. Nghe giống như là mẫu giáo vậy, nhưng nhờ đó tâm bạn dần dần sẽ trở nên yên tịnh hơn cho đến khi bạn có thể đếm từ một đến mười mà không bị chi phối. Thì đấy là thiền định.

Tiếp theo, bạn có thể niệm hồng danh Phật A Di Đà: "Amitofo, Amitofo" (A Di Đà Phật, A Di Đà Phật). Bắt đầu bạn niệm lớn tiếng, sau đó bạn có thể niệm khẽ trong lòng. Niệm danh hiệu Amitofo có thể làm cho tâm ta rất yên tĩnh.

Trước hết bạn phải nắm giữ con trâu cho thật chặt, sau đó bạn có thể để trâu tự do, bởi vì nó không còn gây phiền hà cho bạn nữa.

An Trú Trong Thanh Tịnh

Phần đông chúng ta không biết "thanh tịnh" là gì, kể cả khi ta ngồi bất động. Chúng ta thấy khó mà an trú trong thanh tịnh vì thân và tâm hoạt động không phù hợp nhau; vì thế dù thân bất động, tâm vẫn chạy nhảy lung tung với đủ loại vọng tưởng. Trong lúc đếm hơi thở, thiền giả không thật sự ở trong trạng thái tỉnh lặng vì tâm vẫn còn đếm số. Tuy nhiên, bài tập có chủ định nầy giúp cho tâm lăng xăng được thuần hoá.

Tiến trình của sự thực tập là trước hết đếm hơi thở, thứ hai là theo dõi hơi thở, thứ ba lắng đọng, thứ tư quán, thứ năm quay trở vào, thứ sáu là thanh tịnh hoá. Đây là một quá trình thực tập từng bước từng bước đòi hỏi lòng kiên nhẫn.

Có ba giai đoạn thực tập thiền định đưa đến trí tuệ siêu việt. Giai đoạn đầu bao gồm việc làm lắng dịu tâm. Suốt ngày ta bị bao ý tưởng xuất hiện quấy rối, không có thời gian để suy gẫm sâu sắc hơn bao vấn đế, nhưng dẫu bận rộn bao nhiêu, ta cũng nên dành thời gian để quán sát về ý nghĩa sâu sắc của cuộc đời.

Giai đoạn thứ hai bao gồm sự thanh tịnh hoá tâm thức. Nếu tâm thanh tịnh, ta có thể quán sát xem cuộc sống thực sự có ý nghĩa gì, ta sẽ thấy thế giới nầy là vô thường. Nếu hiểu được tính chất tạm bợ của cuộc sống, ta sẽ hiểu chúng không thực sự hiện hữu. Và nếu hiểu được nhu thế, ta sẽ hiểu được sự không hiện hữu của cái ta. Như thế ta không phải lo lắng quá nhiều về việc ta thành công hay thất bại, được hay mất, sở hữu cái gì đó hay không. Tâm bình lặng nầy giúp ta thoát khỏi bao phiền não, ta không còn đau khổ vì thất bại hay phấn khích bởi thành công. Thay vào đó, tâm được thanh tịnh hoá và ta được an lạc.

Giai đoạn ba bao gồm việc chuyển tâm ta thành tâm Phật. Thanh tịnh hoá tâm chỉ vì lợi ích cho bản thân, chưa phải đúng là mục đích của người Phật tử. Một Phật tử chân chánh không thể chỉ ngồi thiền trong rừng. Tuy nhiên, hành giả vẫn có thể sống trong rừng ngắn hạn để tìm phương cách giúp mọi người đạt giác ngộ. Chúng ta phải chia xẻ nỗi đau khổ mà tất cả chúng sanh đều phải hứng chịu và cố gắng giúp họ bớt khổ đau. Vì hiểu được tánh không, nên chúng ta có thể dang trãi lòng từ bi vô hạn đến tất cả muôn loài không phân biệt, như cha mẹ đối với con cái vậy.

Trí Tuệ Và Sự Tự Biết Mình

Căn bản quan trọng cho sự phát triển của một nền văn hoá Phật giáo hiện đại gồm có sự phát triển trí tuệ. Trí tuệ giống như nước, vì nó có thể làm sạch tâm, và giống như tấm gương nơi phản chiếu tâm ta thật rõ ràng. Trí tuệ có thể thanh tịnh hoá ta, cho ta ánh sáng và sức mạnh. Nhờ có trí tuệ, ta có thể tự hoàn thiện mình cũng như chia sẻ những hiểu biết của ta với người. Đó là tinh thần của lòng thương yêu và lòng bi mẫn, cũng là ý nghĩa căn bản về những lời dạy của Đức Phật.

Chúng ta phải hiểu rõ những vấn đề của mình và giải quyết chúng để có thể phát triển trí tuệ. Khi hiểu được như thế rồi, ta bắt tay hành động. Nếu không, đó không phải là trí tuệ thực sự. Chúng ta cần phải luôn kiểm soát tâm thức của mình, xem chừng, thí dụ, ta đang nói dối hay chân thật. Thường thì ta đã trở thành bạn với sự lừa dối mà không hay biết. Ta nghiền ngẫm về những việc không quan trọng, và có ý nghĩ tiêu cực về những người không đồng ý kiến với ta. Khi ta đau khổ, tức là đang có một cuộc chiến tranh tinh thần bên trong ta.

Làm sao chúng ta biết được những ý nghĩ nào là có hại cho tinh thần của ta? Điều nầy đòi hỏi sự thực tập thiền quán và sự tự vấn. Tâm ta cần được dọn trống trước khi có thể thâu nhập cái khác vào. Rồi ta mới có thể quyết định phải giải quyết các vấn đề của mình hay để chúng qua đi.

Điều quan trọng là ta phải có lòng tự trọng. Khi theo Phật giáo, đừng quan tâm đến những khuyết điểm, mà hãy nghĩ đến những lợi thế của mình. Bạn phải tự trọng, cũng như kính trọng đức hạnh của người khác, và lấy đó làm mẫu mực, khuyến khích cho bản thân. Lòng tự trọng là thiết yếu và rất khác với sự ngạo mạn. Thêm nữa, nếu bạn kính trọng người khác, họ sẽ kính trọng bạn. Chúng ta không xem thường ai, nhưng nên coi trọng các đức hạnh và cá tính của mình, vì đức hạnh đem lại trí tuệ.

Bước Khoan Thai

Thiền định và đạo đức không thể tồn tại riêng rẻ. Là đệ tử Phật, chúng ta phải giữ giới, và khi ngồi thiền chúng ta phải ngồi yên lặng và thẳng lưng. Nếu là các tu sĩ, chúng ta đại diện cho Phật giáo, vì thế chúng ta phải cẩn thận với trong lời nói, hành động và thân. Khi đi, chúng ta không nên hấp tấp, mà bước chậm rãi, từng bước một. Có một vị ni 90 tuổi ở Hồng Kông, khi băng qua đường, bà ấy quá trang nghiêm đến nỗi tất cả các xe đều ngừng lại. Nếu chúng ta giữ giới thì đức Phật sẽ che chở cho chúng ta.

Việc quan trọng là biết rõ bạn có thái độ đạo đức hay không. Nếu bạn làm một điều gì đó, thì đấy là pháp nếu như điều đó hợp đạo lý. Những việc làm chỉ cho lợi ích của bản thân thì không phải là pháp. Không nên làm việc gì với sự tính toán, ích kỷ. Phật pháp thật vi diệu. Bạn có thể làm bất cứ việc chi, bạn có thể đi mọi nơi, nhưng vị bổn sư của bạn luôn dõi mắt theo bạn. Nếu bạn làm việc bất thiện, thì sẽ thất bại, vì pháp là chánh niệm.

Có một câu nói như sau "con mọt chết trong sách". Có nghĩa là nếu bạn không hiểu được ý nghĩa hoặc giáo lý trong kinh điển, thì kinh điển không lợi ích gì. Nếu bạn không thực tập điều mình đã học mà chỉ chấp vào ngôn từ, bạn sẽ chết giống như con mọt trong sách. Bạn phải nghiên cứu kinh điển, nhưng cũng phải biết đem chúng ra áp dụng bên ngoài. Khi đó mới đúng là bạn biết hành pháp.

Tâm Phật là từ bi. Chúng ta cần có lòng từ bi, và luôn mong muốn nó được phát triển thêm. Tôi tin tưởng mãnh liệt rằng kinh điển là pháp, nhưng hành giả phải làm sống lại những lời Phật dạy ngay trong hiện tại, chứ không phải 2500 năm trước. Đức Phật vẫn còn sống trong hiện đời; đây là cõi Phật.

Tranh Trong Tim

Đến năm học thứ bảy trong ngành hội hoạ tôi đã khóc, tuyệt vọng vì tôi vẫn không thể vẽ đẹp như thầy tôi. Tôi nghĩ đến việc bỏ hội hoạ để học y khoa. Nhưng có người bảo nếu tôi thấy máu là sợ thì làm sao học y khoa? Vì thế tôi đành lê bước theo hội hoạ và văn chương.

Thầy tôi bảo phải kiên trì thêm ba năm nữa. Vì thực tập hoài thì sẽ giỏi, sau 10 năm thực tập, tôi đã có thể làm chủ cây cọ của mình. Có thể vẽ bất cứ gì mà tôi muốn. Trong 10 năm, tôi đã đặt một nền móng vững chắc cho mình.

Các hoạ sĩ bình thường vẽ vì hội hoạ, nhưng người hoạ sĩ thực hành thiền thì vẽ từ những bức tranh xuất hiện một cách tự nhiên trong tim họ, được ấp ủ như một điều tự nhiên, chứ chủ yếu không phải là để được hoạ lại.

Một nhà thơ, nhà thư pháp Trung hoa cổ xưa có nói: "Lúc đầu tôi không hiểu chi về hội hoạ, nhưng qua việc thực tập quán xét về chân lý của Phật giáo, tôi trở nên ý thức được sự có mặt của tính tự nhiên không gò bó". Một họa sĩ phải phấn đấu để đạt được tính chất thanh thoát, tự nhiên trong tác phẩm của mình. Nghệ thuật xuất phát từ trí tuệ. Hội hoạ Trung hoa rất phong phú về nét đẹp thơ mộng và các lý thuyết Trung hoa về hội hoạ cũng được áp dụng trong văn chương và trong các nguyên tắc sống.

Đây là một bài thơ - hay có thể được gọi là một bức hoạ:

Tâm tôi sáng rỡ tựa trăng thu.
Soi chiếu trên mặt hồ phẳng lạnh.
Thanh khiết nầy có gì so sánh đặng,
Làm sao tôi diển tả được đây?

-ooOoo-

Chương 9

CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA

Ani Thubten Chodron

Ani Thubten Chodron, người Mỹ, tu theo truyền thống Phật giáo Tây tạng Gelugpa. Bà dốc mọi tâm huyết, dâng hiến tất cả cuộc đời cho Phật giáo.

Ý Nghĩa Cuộc Đời Là Gì?

Khi còn rất trẻ, tôi đã được dạy rằng một cuộc đời thành đạt là phải có nhà to, xe đẹp, nhiều bạn bè, và danh tiếng. Tuy nhiên khi lớn lên, tôi cảm thấy những điều nầy không còn nhiều ý nghĩa nữa. Rồi khi ra trường, tôi cảm thấy hoàn toàn thất vọng với cuộc đời. Xã hội (Mỹ) trong thời kỳ tham gia chiến tranh ở Việt Nam thật quái dị. Tôi không thể chấp nhận những giá trị của xã hội lúc đó. Nghĩ rằng chỉ có giáo dục là lối ra cho mọi bế tắc, nên tôi quyết định quan tâm đến trẻ em, cố gắng dạy dổ chúng một cách tích cực để làm cho xã hội tốt đẹp hơn, do vậy tôi đã trở thành một nhà giáo.

Sau khi lập gia đình với một luật sư trẻ, tôi chu du Au châu, Bắc Phi và Á châu. Lúc đó tôi không biết gì về Phật giáo, nhưng thấy một ít lưu niệm mang vẻ Phật giáo, chúng tôi cũng thích. Vợ chồng tôi mang về nhà nhiều ảnh tượng Phật để treo tường, không phải vì chúng tôi tin vào Phật giáo nhưng chỉ vì muốn có nhiều món đồ lạ mắt để khi có khách đến, họ có thể trầm trồ khen ngợi.

Trở về Mỹ, tôi bắt đầu dạy ở một trường tiểu học ở Los Angeles, vừa học tiếp cao học. Năm 1975, một ngày kia tôi thấy một tờ bướm quảng cáo về một lớp Thiền, và dầu không có ý đi tìm một con đường tâm linh nào vào thời điểm đó, tôi cũng quyết định tham dự. Tôi đã có tất cả những gì mà người khác cho là hạnh phúc: một người chồng tốt, việc làm ổn định, được tiếp tục học lên cao, quen biết nhiều. Tất cả mọi thứ nhìn từ bên ngoài đều hoàn hảo, nhưng tôi vẫn thấy thiếu thốn một cái gì đó, dầu tôi không biết là cái gì.

Mùa hè năm đó tôi ghi danh học khóa Thiền do ngài Lạt ma Yeshe và Lạt ma Zopa hướng dẩn. Tất cả đều thay đổi từ đó. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là Phật giáo nhấn mạnh về động lực hành động. Khiến tôi bắt đầu để ý xem tại sao mình hành động thế nầy, thế khác thay vì mình đã làm gì. Phật pháp cũng giúp tôi nhận ra rằng sân hận, bám víu là tâm phiền não gây đau khổ cho mình và cho người. Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ là mọi đau khổ đều do tâm tôi tạo ra.

Quay trở vào, soi lại mình, quán sát tình cảm, thái độ của mình khi phải đối mặt với những bất như ý trong cuộc đời là một điều mới lạ: Tôi bị sốc khi nhận ra rằng mình không phải là người khá tốt như mình hằng tưởng. Khi tôi bắt đầu hành thiền, và quán xét xem tại sao tôi có các hành động nọ kia, tôi chỉ có thể nhận ra một vài hành động vô vị lợi trong cuộc đời mình. Thành thật mà nói, tất cả mọi hành động của tôi đều phát khởi từ lòng vị kỷ, kèm theo sân hận, cố chấp.

Lúc đầu tôi khó chấp nhận thuyết luân hồi sinh tử, nhưng càng suy gẫm về đề tài nầy, tôi càng thấy thông hiểu hơn. Khi tôi đem thuyết luân hồi ra suy gẫm cùng với thực trạng tâm tôi hầu như luôn xáo trộn, tôi bắt đầu nghĩ đến điều gì sẽ xảy ra khi tôi tái sinh trở lại. Lúc nhỏ, tôi thường suy nghĩ về cái chết, đưa đến những câu hỏi như là: "Nếu tôi chết, cuộc đời tôi có ý nghĩa gì? Nếu khi chết, tôi không thể mang theo gì, thì tất cả những gì tôi làm còn có ý nghĩa gì?" Khi các vị thầy Phật giáo bắt đầu giảng về cái chết, các thắc mắc của tôi như được giải tỏa, khiến tôi phải suy nghĩ lại mình đang làm gì với cuộc đời mình, và hậu quả hành động của tôi đối với các kiếp sống sau.

Con Đường Chuyển Hóa

Pháp thiền đầu tiên tôi thực hành là Lam Rim, một phương pháp thiền Tây Tạng, có nghĩa là "con đường chuyển hoá đến giác ngộ". Chúng tôi được dạy đôi chút về thiền quán hơi thở, nhưng chánh yếu là pháp thiền Lam Rim quán sát, phân tích nầy. Lam Rim là con đường chuyển hoá đến giác ngộ, với những lời hướng dẩn từng bước từng bước về những pháp thiền nào phải thực hành khi nào, theo thứ tự nào. Điều đó giúp cho người học đạo có thể sắp xếp rõ ràng các lời giáo huấn trong tâm trí mình. Pháp thiền nầy luyện tâm bằng cách chuyển hoá dần để có sự suy nghĩ đúng. Tôi cảm thấy pháp thiền phân tích nầy rất hữu ích, vì tôi là người hay suy luận; tôi sống trong thế giới trí tuệ. Tập suy nghĩ một cách thực tế và hữu ích khi hành thiền rất thích hợp với cá tính của tôi.

Thí dụ, khi quán về cái chết, thì bước đầu tiên là chúng tôi phải quán rằng cái chết là điều không thể tránh khỏi; ai cũng phải chết và không thể đi đâu để trốn khỏi cái chết. Bước thứ hai, chúng tôi quán về sự không lường trước được của cái chết; không ai biết mình sẽ sống trong bao lâu, đôi khi một tai nạn nhỏ cũng cướp được đời sống của ta, không có gì bảo đảm ta sẽ được sống lâu. Thứ ba, chúng tôi suy gẫm về những được coi là giá trị ở thời điểm lìa đời, khi ta bỏ lại phía sau thân xác, bạn bè, người thân, sở hữu. Thực hành quán sát như thế giúp chúng tôi nhận ra được những gì thật sự quan trọng trong đời mình.

Phương pháp nầy từng bước từng bước giúp tôi hiểu rỏ hơn về cuộc đời mình. Tôi không phải là loại người thích ngồi, thiền quán, luyện sự chú tâm. Tôi muốn khám phá, tìm hiểu về cuộc đời. Giáo lý Lam Rim đã tạo một khuôn mẫu triết và tâm lý để qua đó tôi có thể nhìn lại cả cuộc đời mình, để nhìn nhiều vấn đề dưới góc độ phù hợp hơn, khiến chúng có ý nghĩa hơn. Những tánh tốt của tôi là gì? Và tánh xấu? Pháp Lam Rim dạy tôi một cách rõ ràng phải làm gì khi những uế nhiễm như -vị kỷ, bám víu, sân hận, vân vân - khởi lên. Khi sân hận dấy khởi, pháp Lam Rim dạy ta phải thay đổi cách nhìn vấn đề; khi sự bám víu nổi lên thì lại phải đối phó với nó một cách khác. Có rất nhiều cách đối trị, nhiều cách khác nhau để nhìn một vấn đề, biết như thế, dần dần ta sẽ thay đổi.

Thay vì để bị lôi cuốn theo các cảm xúc của mình, khiến ta phản ứng lại bằng cách làm đau khổ người khác, ta có thể dừng lại và suy nghĩ: "Đây là những tình cảm tiêu cực. Tôi có thể nhìn vấn đề nầy dưới một khía cạnh khác không? Tôi phải sắp xếp tình huống lại như thế nào để các phản ứng của tôi sẽ chuyển đổi một cách tự nhiên và các tình cảm tiêu cực không khởi lên?"

Đó không phải là đè nén hay trốn tránh các xúc cảm; đó là một cố gắng để nhìn vấn đề dưới một khía cạnh khác, khiến cho sự giận dữ, lòng ganh tỵ không thể dấy lên. Nhận biết được rằng một số tình cảm hay tư tưởng là những trạng thái tâm tiêu cực, đối với tôi là một cuộc cách mạng. Trước đây tôi vẫn coi các thái độ nầy là đúng; tôi đã nghĩ rằng nếu tôi không tỏ ra giận dữ, người khác sẽ lợi dụng tôi, lấn áp tôi.

Khi đã biết những nguyên nhân gây ra các trạng thái tâm tiêu cực, ta có thể dùng một trong các cách đối trị hợp lý. Thí dụ, ta có thể đặt mình vào hoàn cảnh người khác, nhìn vấn đề qua cái nhìn của họ. Thông thường khi nóng giận, ta ngỡ là ta đã phán xét vấn đề một cách trung thực, nhưng thực ra ta đã nhìn chúng qua vỏ bọc của cái tôi, cái của tôi. Khi chúng ta nhìn vấn đề theo quan điểm của người khác, nó hoàn toàn khác đi. Khi ta nhìn lại hành động của mình dưới mắt người khác, ta có thể hiểu tại sao người ta không thích mình hay tại sao họ lại hành động thế nầy, thế nọ. Tôi cảm thấy điều nầy rất hữu ích, nên áp dụng chúng trong giao tiếp với người.

Tâm tôi đã hoàn toàn thay đổi sau một thời gian kiên trì hành pháp. Trước đây tôi rất đanh đá, miệng lưỡi cay độc, hay chỉ trích người, giờ tâm lý tôi không còn lên xuống bất thường. Tôi không còn chán nản, tâm tôi trở nên kiên định hơn. Liên hệ giữa tôi và người khác nhờ thế cũng được tốt hơn, nhất là từ khi tôi bắt đầu để ý đến lời nói của mình. Biết quán sát thân, khẩu và ý là biết thực tập chánh niệm, thực tập nhận ra các thái độ tiêu cực khi chúng dấy khởi và sửa đổi trước khi chúng tạo ra đau khổ cho mình và cho người.

Tìm Lại Nguồn Gốc Của Khổ Đau & Hạnh Phúc

Dầu phương pháp thiền quán hơi thở không được chú trọng trong truyền thống Tây Tạng, tôi thấy nó rất thích hợp cho người tây phương. Tâm của chúng tôi đầy chất chứa, nên pháp quán hơi thở giúp thanh lọc tâm. Theo dõi hơi thở khiến chúng tôi từ tốn, thư thả hơn. Rồi quán sát quá trình tư duy của tâm mà không phán đoán giúp ta trở thành người bạn của chính mình.

Dầu chúng ta thường quan niệm rằng những đau khổ hay hạnh phúc của ta đến từ bên ngoài, nhưng chính tâm ta mới là nguồn gốc của hạnh phúc và khổ đau. Khi kiểm lại những kinh nghiệm mình đã trãi qua, ta có thể thấy rằng chính thái độ của ta cũng góp phần vào đó, vì thế ta có thể thay đổi thái độ của mình, ta có thể thay đổi những kinh nghiệm nầy. Khi thiền quán, ta hãy tự hỏi xem sự bám víu, chấp chặt có mang đến hạnh phúc cho mình hay không? Chúng ta bám víu vào cái gì? Hậu quả của việc bám víu trong cuộc đời ta, nó có đem lại lợi ích gì không? Chúng ta cũng có thể quán về tánh sân như thế: sân hân là hành động xây dựng hay đập đổ? Điều gì khiến chúng ta nổi giận? Tại sao ta nổi sân? Nếu chúng ta nhìn sự việc dưới một góc độ khác thì sẽ như thế nào?

Vì pháp Lam Rim thường được dạy theo truyền thống cho người Tây Tạng, pháp nầy có thể khó cho người chưa có kinh nghiệm thiền hay căn bản Phật giáo, mà phần đông người Tây phương là như thế. Trước hết ta phải quán sát tâm và các cảm thọ của mình, đó là điều tối cần. Sau đó ta mới có thể quán sát tâm theo thuyết tái sinh, sự trãi dài của tâm từ quá khứ đến hiện tại sang tương lai. Tâm chúng ta là một chuỗi liên tục, luôn chuyển đổi không có khởi đầu, không có kết thúc. Những sự quán sát nầy giúp ta có thể hiểu được nghiệp, sự tái sinh và tứ diệu đế.

Khi đã có một hình ảnh tổng quát về cuộc đời là như thế nào, chúng ta có thể bắt đầu thực tập các phương pháp thiền Lam Rim về sự được tái sinh vào thân người quý báu, về cái chết, về sự nương trú, vân vân. Khi ta đã có sự hiểu biết về tất cả pháp Lam Rim, ta có thể bắt đầu trì chú.

Sự Thực Tập Hằng Ngy

Bất cứ khi nào có điều gì phiền phức xảy ra hay các cảm xúc bất thiện khởi lên, tôi thường cố gắng soi lại mình: "Tôi đang có cảm giác gì đây? Nút nào vừa được bấm?" Trong ngày, tôi cố gắng quán xét xem điều gì đang xảy ra trong nội tâm, chứ không để sự việc dồn ứ lại đến tối, hay ngày nầy qua ngày khác. Sự thực tập căn bản của tôi là chuyển hóa tư tưởng của mình. Điều đó bao gồm thiền quán -cũng có trong pháp Lam Rim- để phát triển lòng từ bi, trí tuệ và để chuyển đổi mọi hoàn cảnh mà ta gặp phải thành con đường giác ngộ. Tôi áp dụng các phương pháp thiền nầy vào bất cứ việc gì đang xảy ra, hay để tìm giải pháp cho một vấn đề nào đó. Nếu quá bận rộn trong ngày thì tôi thực tập những điều nầy vào buổi tối.

Gần đây tôi thực tập chánh niệm theo truyền thống Nguyên thuỷ đôi chút. Khi có vấn đề gì khởi lên trong tâm, tôi ngồi xuống, cảm giác về chúng, chấp nhận bất cứ điều gì đang xảy ra ở thời điểm đó. Điều đó có giúp tôi đôi chút. Tuy nhiên, tôi cần cái trí tuệ do pháp thiền phân tích mang đến để có thể chỉ ngồi và cảm nhận các cảm xúc.

Tôi không phải là loại người chỉ có thể thực hành chánh niệm, vì tôi phải hoàn toàn bị thuyết phục, thí dụ, rằng tánh sân là bất thiện. Tôi không thể chỉ ngồi đó, nhìn, quán sát: giận, giận, giận. Trước hết tôi phải hiểu rằng đó thực sự là một sự diển đạt sai lạc thực tế. Thiền phân tích giúp tôi làm như thế, sau đó tôi mới có thể ngồi mà cảm nhận năng lực của bất cứ điều gì dấy khởi lên. Tôi quán sát xem cảm giác lúc ấy ở thân như thế nào, trạng thái tâm ra sao, và sự chuyển đổi của tâm.

Nói chung, tôi áp dụng một số phương pháp thiền vì chúng ta cần phải phát triển cá tính của mình về nhiều mặt. Tôi chọn phương pháp thiền nào tùy thuộc vào lúc đó tâm tôi cảm thấy pháp nào hiệu quả, nhưng thường dựa vào sự chuyển hóa tư duy, ở những lúc khác thì tôi trì chú và hướng tâm đến cảnh khác.

Quan trọng là chúng ta phải thực tập mổi ngày, chứ đừng thay đổi liên tục. Có người ngồi thiền một lúc ba tiếng, rồi mấy tuần sau đó không có tiếng nào, hay ngồi một ngày, lại nghỉ một ngày. Dầu ta có bận rộn mấy, cũng phải cố gắng thu xếp để có thể ngồi ít nhất nữa tiếng mổi ngày. Dầu ta có mệt mỏi, bịnh hay nghĩ rằng chẳng thấy kết quả gì, điều quan trọng là ta vẫn phải tiếp tục thực hành vì thiền thực sự mang lại kết quả.

Mổi sáng khi thức dậy, trước tiên ta nên khởi nghĩ trong đầu: "Hôm nay tôi nguyện không làm hại ai. Tôi nguyện làm lợi ích cho người khác. Hôm nay tôi muốn tất cả mọi hành động của mình đều do lòng mong cầu được thành Phật vì lợi ích của chúng sanh thúc đẩy". Khởi nghĩ như thế trước khi ra khỏi giường, sẽ thay đổi cả một ngày. Sau đó ngồi dậy, làm vệ sinh, uống trà, rồi ngồi xuống tọa thiền ngay, trước bất cứ điều gì khác. Sau đó, tiếp tục những sinh hoạt hằng ngày khác, cố gắng chánh niệm về lời nói, hành động, nghĩ suy, cảm giác của mình suốt cả ngày. Nếu chúng ta mất chánh niệm, quay trở lại, quán tâm để tìm cách giải quyết vấn đề.

Cuối ngày, ta cần ngồi xuống kiểm điểm lại những việc đã qua trong ngày; những gì ta đã làm tốt, ta đã giúp được gì cho ai? Hành động nào là thiện? Khi chúng ta có thể từ bỏ một hành động xấu hay làm được điều gì tốt, dù nhỏ mọn đến đâu, cũng nên mừng. Chúng ta cần được tự hào, nhất là ở Tây phương. Một trong những trở ngại lớn nhất trên bước đường tu là có cái nhìn tiêu cực về mình hay đầy tự ti. Điều nầy cả hai giới nam nữ đều mắc phải, thể hiện ra bằng những cảm giác như không hài lòng hay ghét chính bản thân. Trước hết, chúng ta phải cảm thấy hạnh phúc về những việc ta làm, về con người ta như thế nào, sau đó ta mới có thể xem những gì cần sửa đổi thêm về thân, khẩu và ý.

Mổi năm, tôi luôn dành vài tuần dự các khóa tu thiền. Tôi không phải làm gì khác trong thời gian nầy. Giống như những ngày nghỉ lể, vì thường ngày tôi phải bận rộn lo cho người khác. Nhưng trong các khóa thiền, không cần phải trã lời điện thoại, thư từ, tư vấn, giảng dạy hay gì cả, tôi chỉ cần đem những điều đã giảng dạy ra áp dụng, giữ im lặng, tịnh khẩu. Những khoá tu dài hạn rất ích lợi, nếu bạn có chuẩn bị, nếu không chúng ta chỉ lãng phí thời gian mà thôi.

Khi dự một khoá tu về một vị Phật hay Bồ Tát nào đó, một hiển thị đặc biệt của Đức Phật, tôi hành lể bốn lần một ngày. Lúc trước tôi làm lể bằng cách nguyện trì chú và đếm số chú niệm. Giờ tôi dành thời gian để thiền nhiều hơn, không chú trọng đến việc đếm chú nữa. Tôi thích dành thời gian ở các khoá tu để thư thái ngồi thiền, cảm nhận những gì thiền mang đến cho tôi. Các thời thiền nầy không phải chỉ là nghi lể, chúng thực sự chuyển đổi được tâm.

Tìm Trí Tuệ

Tôi đã thề nguyện trước các vị thầy của tôi là sẽ hành Thiền mổi ngày, nhờ đó tôi tập được thói quen thực tập mổi ngày. Dầu có nhiều ngày, tôi không thực hành tốt lắm, nhưng tôi vẫn thấy phấn khởi nhờ vào sự tinh tấn nầy. Nếu tôi nghĩ tưởng đến năng lực của ngài Tara, Chenrezig hay Yamantaka, thí dụ, thì trong ngày khi có vấn đề gì phải đối mặt, tôi thường giải quyết trọn vẹn. Nếu giử đúng lời nguyện thực hành mổi ngày, dù không thành công, năng lực của chư Phật vẫn có mặt, tôi vẫn có thể nương tựa vào đó khi cần.

Khi chúng tôi nguyện tu theo hạnh của một vị Bồ Tát hay một vị Phật nào, thì các thầy dạy chúng tôi quán về các vị đó mổi ngày. Bắt đầu bằng sự an trú, rồi khởi tâm từ bi hướng về người khác. Chúng tôi hình dung ra vị Phật -tâm toàn giác của vị ấy- rồi thực tập để thanh tịnh hóa tâm mình, tích tụ những tiềm năng tích cực. Điều quan trọng cần nhớ là vị Phật hay thánh đó vốn không hiện hữu; họ không phải là một đấng thiêng liêng ở bên ngoài ta. Chúng ta đã tưởng tượng ra họ trong đầu ta, và họ thâm nhập vào ta. Khi tâm ta và tâm của vị đó hoà quyện làm một, chúng ta quán về sự thiếu vắng của một thực thể rắn chắc, độc lập, của vị ấy cũng như của ta. Trong không gian đó, tâm trí tuệ của ta hiển hiện sự có mặt của vị đó.

Cách thiền quán nầy chuyển đổi cái nhìn về tự ngã của ta. Ta không còn cố gắng bám víu vào một thực thể nào để khẳng định mình như: "Tôi là Chodron, tôi là một nữ tu sĩ, là phụ nữ, người Mỹ, tôi có cá tính như thế nầy, tôi có thể làm điều nầy, không thể làm việc kia, tôi tự ghét mình vì quá dở". Thay vì bị dính vào một hình tướng cụ thể nào đó, ta bắt đầu nhận thức được rằng đó chỉ là ảo vọng, một sản phẩm của tâm. Chúng ta gạt bỏ cái ảo vọng đó, để nhìn tâm trí tuệ của mình trong bản thể trong sạch của nó. Công phu tu tập của tôi chưa được hoàn chỉnh, nhưng nó cũng giúp tôi nhìn ra được rằng không có một thực thể cố định như thế, mà tôi còn có những tiềm năng khác nữa trong tôi.

Tôi khuyên các hành giả không nên chỉ học thiền qua sách vở. Điều đó khá mạo hiểm; chúng ta có thể tự vẽ vời với chính mình, rồi diển giải sai lệch. Ta cần có thầy để chỉ ta cách ngồi thiền, để giải thích thiền sẽ ảnh hưởng đến tâm lý ta như thế nào, và mục đích của thiền là gì. Nếu không rất dể cho tâm hiểu sai mọi thứ. Đối với những cách thực hành căn bản, không cần phải làm lễ khai thị, nhập môn. Nhưng để thực hiện những pháp thiền cao siêu trong đó ta tưởng mình như một vị thánh -thiền mật tông- ta cần có sự khai thị từ một vị thầy kinh nghiệm.

Tôi khuyên các hành giả nên thận trọng trong việc thực hiện những sự khai thị cao cấp quá nhanh vì tôi đã nhìn thấy nhiều người vội vã thọ nhập các cấp bậc thiền quá cao, để rồi sau đó bị rối loạn, đành bỏ dở tất cả. Như thế sẽ không ích gì cho họ hay cho Phật pháp. Tốt hơn là bắt đầu bằng những bước căn bản để ổn định cách sống của ta. Khi cuộc sống của ta đã vào nếp, ta có thể bắt đầu thực hành các pháp khác, có thể hành Chenrezig(3) hay Tara(4). Nhưng để hành các hình thức mật tông du già cao cấp nhất, ta cần phải đợi đến khi đã có một nền tảng vững vàng. Nếu không cũng giống như ta cố lợp mái nhà khi chưa làm xong tường hay khi chưa đặt móng cho vững.

Nhiều người có cái nhìn sai lạc về Kim Cang thừa; họ nghĩ nó thần bí, quí hiếm hay một con đường tắt, dể đi đến giác ngộ. Có người còn nghĩ nó có sức mạnh huyền bí hay tình dục. Những quan điểm sai lầm như vậy phát sinh do thiếu thông tin hay do đọc những quyển sách bậy bạ. Như Ngài Đạt Lai Lạt Ma đã nói, Kim cang thừa được xây dựng trên nền tảng thực hành của đạo đức, của cuộc sống giản đơn, của lòng từ bi, tình thương yêu chúng sanh, trí tuệ và tánh không. Chỉ khi chúng ta đã phát triển được sự hiểu biết thực sự của những điều vừa nêu, thì ta mới nên với tới Kim Cang thừa. Tuy nhiên, Kim Cang thừa là một thiện xảo nếu hành giả có chánh kiến.

Tầm Sư Học Đạo

Điều quan trọng là phải có Thầy. Mối liên hệ cá nhân đó, thí dụ từ một hành giả thực sự tu tập và được sự hỗ trợ dạy dổ từ một con người bằng xương bằng thịt là điều không thể thay thế bằng sách vở. Vị thầy sẽ cho ta cảm giác được hỗ trợ trong công phu tu tập, được có ai đó luôn ở phía sau ta, nên khi ta sinh tâm hoài nghi, thắc mắc hay giao động, ta có chỗ để quay về. Ngoài ra, vị thầy cũng ngăn cản được 'sự vấp ngã của ta'. Với một vị Thầy mà ta có được mối tương quan tốt đẹp, thì Thầy có thể dẩn dắt để ta không bị lạc lối. Lúc đầu, ta cần phải có nhiều thời gian ở bên thầy, khi đã vững chải hơn, ta không cần phải luôn ở bên họ.

Ngài Đạt Lai Lạt Ma dạy rằng chúng ta phải cẩn thận chọn lựa thầy trước khi bái họ làm sư phụ của mình. Chúng ta phải cẩn thận, phải hiểu rõ mục đích của việc có một người hướng dẩn tâm linh mình. Thiết lập mối liên hệ với một vị thầy là để phát triển trí tuệ, trách nhiệm của ta, chứ không phải đem chúng cho người khác gánh thay.

Phần lớn các thầy của tôi thuộc phái Gelugpa (5), nhưng có một vị là Kagyupa. Tôi không muốn tự xưng mình là một Gelugpa, vì nghe có vẻ chia ra tông phái. Tôi chỉ tự xưng mình là một Phật tử hay một Phật tử Tây Tạng. Khi ở Singapore, tôi được biết về truyền thống Nguyên thuỷ cũng như Phật giáo Trung Hoa, tôi cũng rất ngưỡng mộ họ. Tôi mang ơn các tông phái khác, cũng có những điều tôi học được từ họ, cảm thấy gần gủi với họ, dầu tôi chuyên chú chính vào Phật giáo Tây Tạng và Gelugpa.

Phụ Nữ

Nhiều quan điểm về phụ nữ đã bị quy cho Phật nói. Lúc đầu tôi tin vào đó 100%, nên đã có lúc tôi đánh mất niềm tự tin vào chính bản thân. Sau tôi nhận thức rằng Đức Phật hẳn không phải nói ra những điều nầy nhằm mục đích để làm người nữ chán nản, không muốn tu tập. Điều đó đi ngược lại với ý nguyện của Đức Phật, là muốn cho tất cả chúng sanh đều phát triển tiềm năng của họ, để đạt được giác ngộ, giải thoát.

Tôi bắt đầu đặt Phật giáo vào hoàn cảnh văn hoá, lịch sử của thời đó, so sánh với những nghiên cứu về xã hội, chủng tộc và lịch sử học của phương Tây. Theo đó, ta có thể thấy rằng Phật giáo cũng như các cơ quan tôn giáo phụ thuộc vào xã hội nơi chúng có mặt, một phản ánh của văn hoá nơi đó.

Nói về vấn đề giới cũng như những cách để đối phó với vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử, điều quan trọng là chúng ta cũng phải nhìn lại thái độ của mình. Bất cứ khi nào tôi bị miệt thị vì là một phụ nữ, tôi thường phản ứng lại một cách đầy tự ái và sân hận. Nhưng khi tâm ta tràn đầy tự ái, giận dữ, ta không thể đối với ai tốt đẹp. Nếu chúng ta giận dữ, tỏ ra hùng hổ, người đối diện sẽ cảm thấy bị dồn vào ngõ cụt, do đó cả hai đều không thể thông cảm nhau. Giờ triết lý của tôi là thu xếp lại cuộc sống của mình, buông bỏ mọi thái độ tiêu cực, sống rất thẳng ngay. Nếu tôi thực hiện được như thế, người khác cũng sẽ nhìn thấy được. Lúc đó nếu có ai buông câu gì có ý phân biệt giới tính, nếu thích hợp và tôi có thể khéo léo, thì tôi sẽ trao đổi với người đó, và giải quyết vấn đề một cách tế nhị.

Đến Gần Phật Hơn

Vào năm 1975, khi tôi bắt đầu tu Thiền, những lời dạy của Đức Phật ảnh hưởng sâu đậm đến tâm hồn tôi. Tôi biết rằng nếu tôi tiếp tục sống trong hòan cảnh hiện tại của mình -sống đời sống gia đình, đi làm, đi học và quan hệ bạn bè- tôi sẽ dể dàng bị lôi cuốn theo cách sống u mê, đầy sân hận, bám víu và vị kỷ. Tôi cần một cách sống để thay đổi và phát triển tâm linh. Biết rằng từ bỏ tất cả để trở thành một người tu sẽ tạo cho tôi không gian lý tưởng đó, nên tôi quyết định xuất gia.

Tôi đã tranh đầu, suy nghĩ nhiều trước khi đi đến quyết định đó, vì tôi biết là cha mẹ tôi sẽ không chấp thuận. Nhưng nếu tôi tiếp tục lồi sống cũ, có thể tôi sẽ làm vừa lòng cha mẹ và người phối ngẫu của tôi một thời gian nào đó, nhưng làm sao tôi có thể làm cho họ luôn hạnh phúc được. Hơn nữa, nếu tôi không lo tạo ra nhiều nghiệp thiện thì khi chết đi, tôi sẽ tái sinh vào một cõi giới tối tăm, lúc đó thì tôi hoàn toàn không thể giúp gì được cho ai. Tôi dứt khoát thệ nguyện phải thay đổi không tiếp tục sống ích kỷ, cao ngạo và chấp ngã.

Được sống cuộc đời xuất gia, làm tu sĩ suốt 18 năm nay là một hạnh phúc cho tôi. Cuộc sống ở tu viện đã giúp cho tôi cái nhìn rõ ràng hơn, một hướng đi chính xác.

Là một người tu, tôi có thể nhìn rỏ nhiều khía cạnh cuộc đời, nhất là mối liên hệ giữa con người với nhau. Tôi không còn thấy có nhiều khác biệt giữa người nam, người nữ. Chúng tôi cố gắng làm sao để người khác có thể hòa hợp với mình dể dàng hơn. Là người tu, tôi cảm thấy cởi mở, chân thật, đơn giản hơn với mọi người vì tôi không còn phải tuân theo những luật lệ của cuộc đời.

Dầu tôi chưa thông suốt nhiều Phật pháp, tu thiền chưa vững lắm, nhưng ít nhất là tôi đã giử được các giới luật. Thề nguyện xuất gia giúp tôi thấy gần hơn với Đức Phật. Tôi luôn cảm thấy sự gắn bó, gần gủi đó dầu tôi ở đâu, làm gì. Nếu tôi không đi tu, với tánh tình ngang bướng của mình, chắc chắn tôi sẽ hành động buông lung không kiềm chế. Lời thề nguyện giúp tôi gìn giử tu tập, gắn bó tha thiết với Phật, Pháp và Tăng.

-ooOoo-

Chương 10

CÁNH CỬA GIẢI THOÁT

Haeju Sunim.

Haeju Sunim, Giáo sư Phật học tại một trường đại học Hàn quốc ở Tongguk. Bà là người thông minh, trầm tĩnh. Tôi rất vui mừng khi biết rằng bà là người khởi xướng trường phái Hoa Nghiêm (Avatamsaka school), tạo ảnh hưởng rất lớn đến Thiền Phật giáo Trung hoa, Hàn quốc, và Nhật bản, nhưng hiện nay trường phái nầy đã mất dần. Thật là phấn khởi được gặp một vị ni sư sống tuân theo giới luật một cách triệt để như thế.

Kinh HOA NGHIÊM

Trong kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka Sutra) có dạy rằng : 'Vạn pháp đều do tâm tạo'. Tôi xuất gia vì muốn nghiên cứu về tâm thức, vì thế tôi rất quan tâm đến kinh nầy. Càng tụng đọc Kinh Hoa Nghiêm, tôi càng nhận thấy rằng nơi cần tu tập, bồi dưỡng hơn hết, không đâu khác là ngay bản thân tôi, ngay trong giờ phút hiện tại.

Kinh còn dạy thêm: 'Con đường đạo của Đức Phật nằm trong 84000 cánh cửa giải thoát.' Vì thế bạn có thể thấy cả ngàn cánh cửa giải thoát, cả ngàn phương tiện thiện xảo. Vì vậy đi đến một nơi đặc biệt nào đó để tham công án không phải là con đường duy nhất để tu tập. Bất cứ trong hoàn cảnh nào, bất cứ ta đang làm gì, mọi nơi đều có thể là chỗ để đạt giải thoát. Cuối cùng tôi đã nhận ra điều đó. Vì lẽ đó, tôi ở lại Seoul và tiếp tục dạy học.

Tôi xuất gia để tìm lời giải cho vấn đề tâm thức. Tôi tu tập để đạt giác ngộ và giải thoát. Tôi đã không học hành một cách nghiêm túc, vì tôi cho rằng không thể đạt giải thoát từ đó. Tôi theo học ở học viện Unmunsa trong một thời gian nhưng nhiều lần tôi đã nghĩ đến việc tìm một chỗ nào đó để hành thiền. Tuy nhiên, khi học các kinh điển, dần dần tôi bắt đầu nhận thấy rằng việc thông suốt kinh điển một cách thấu đáo là điều rất quan trọng. Sau khi tốt nghiệp ở Unmunsa, tôi tiếp tục theo học tại đại học Tongguk.

Sau khi hoàn tất chương trình đại học, tôi dự kiến phải thật sự học hỏi, thực tập ở một nơi nào đó và hành thiền ở nơi xa sâu trong núi chẳng hạn, trong khung cảnh yên tịnh. Nhưng chương trình học của tôi còn một cấp bậc nữa, vì thế tôi tiếp tục vào cao học. Tôi chọn kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka Sutra) làm đề tài hoàn tất chương trình thạc sĩ.

Tất Cả Chúng Sinh Đều Là Phật

Khi tôi nghiên cứu triết lý của kinh Hoa Nghiêm như một đề tài liên quan đến nguồn gốc của chư Phật, tôi tìm thấy câu kinh nầy: 'Tâm chúng sinh chính là tâm Phật.' Chúng sinh là Phật.

Vì tôi không biết gốc của mình là Phật, tôi không thể sống như một đức Phật. Do đó tôi hành động, cư xử như một chúng sinh. Nhưng trong tôi có một khả năng vô hạn, giống như của Phật. Vì thế tôi nghiên cứu tư tưởng chúng sinh và Phật, thân không khác.

Trong chương trình thạc sĩ, tôi nghiên cứu về tâm bồ đề, rất cần thiết để trở thành Phật. Nhưng trong chương trình tiến sĩ thì tôi không nghiên cứu 'cái tâm để trở thành trong tương lai', mà là 'tâm bản sanh vốn có của chúng ta'.

Quan niệm của tôi về thế nào là tu tập đã thay đổi hoàn toàn. Bây giờ tôi thực tập bằng cách nầy, ngay nơi đây chính lúc nầy. Tôi đã được phú cho tâm Phật ngay từ đầu, tôi áp dụng trực tiếp và sử dụng nó trong khả năng tốt nhất của mình. Đó là cốt lõi của công phu tu tập của tôi. Đó là điều quan trọng cần được truyền dạy lại cho bất cứ ai quan tâm đến vấn đề nầy.

Phật Sự

Cuộc sống của tôi rất khác biệt so với các ni sống chung trong ni chúng. Cả đời tôi quẩn quanh ở đại học, theo thời khoá biểu của một giáo sư. Tôi dạy hầu hết các ngày từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều; đôi lúc tôi có lớp giảng vào buổi tối. Thời gian còn lại tôi chuẩn bị giáo án hoặc quán chiếu tâm. Tôi cũng hành thiền chánh niệm chút ít. Tôi viết các bài luận văn về Kinh Hoa Nghiêm, rồi gom lại thành sách.

Điều quan trọng là thái độ của chúng ta đối với tâm thức. Tất cả việc tôi làm, tôi đều xem như là một Phật sự. Như Kinh Hoa Nghiêm đã dạy: 'Trên thế gian nầy, không có một việc làm nào mà không phải là Phật sự, nhất là khi việc ấy mang lại hạnh phúc cho người. Trong Phật Pháp (Buddhadharma), không có một pháp nào có thể bị chối bỏ.'

Khi tôi dạy học, việc nầy khác với việc thuyết pháp cho Phật tử tại gia. Phật giáo là một tôn giáo và tôn giáo là niềm tin. Ở đại học người ta theo đuổi kiến thức; các sinh viên không đến để học hỏi về Phật giáo, để có niềm tin. Trái lại, họ bắt đầu từ một điểm hoàn toàn đối lập với niềm tin. Họ phải đặt câu hỏi, kiểm tra, phải phê phán.

Vì cái nhìn khác biệt nầy, có một số tăng ni cho rằng họ đã mất niềm tin khi đến học ở đây. Chúng ta phải buông bỏ niềm tin kiểu ấy. Nếu chúng ta tin vào một điều mà ta đã hiểu sai, rồi cũng có lúc ta sẽ gặp ai đó sửa lại sự hiểu lầm nầy. Nếu ta tiếp tục tin rằng tà kiến của mình là đúng, thì điều nầy chẳng ích lợi gì cho cuộc đời của chúng ta. Những gì chúng ta đã tin, đã hiểu lúc trước, chúng ta cần phải tra đi hỏi lại thêm. Có thế, ta mới có thể đạt được chánh tín, niềm tin được hiểu biết một cách chính xác. Bằng cách tra vấn lại, ta khám phá ra được ý nghĩa chân chánh, và củng cố niềm tin thêm sâu đậm. Tôi kết hợp sự học hỏi và niềm tin. Bằng cách nầy việc học hỏi đem lại nhiều lợi ích cho cuộc đời của tôi.

Tâm thức mà chúng ta đang quán sát được biểu lộ qua hành động và lời nói. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta suy nghĩ, lắng nghe, quan sát. Bất cứ bạn làm gì, đó cũng là tu tập, vì nó xử dụng và thể hiện tâm thức. Chỉ học sâu, hiểu rộng giáo lý của Phật thôi chưa đủ, chúng ta cần phải ứng dụng, sống trong pháp. Đó là sự thực hành của tâm thức.

Vòng Hoa

Kinh Hoa Nghiêm do đức Phật thuyết giảng. Qua kinh nầy, Đức Phật muốn nhắn nhủ điều gì với chúng ta? Đây là bài kinh nói về sự giác ngộ của Đức Phật. Điều nầy được biểu lộ qua 'Vòng Hoa' tức là Hoa Nghiêm (Avatamsaka); những đoá hoa là hoạt động của vị Bồ Tát.

Nói về một thế giới giác ngộ không phải là một điều dể dàng. Rất khó diển tả thế giới đó với những người chưa được giác ngộ, chưa từng thấy được thế giới nầy. Để cho dễ hiểu, thế giới nầy được trình bày qua những hoạt động của các vị Bồ Tát, những người đang chỉ cho chúng ta con đường để sống như một vị Phật.

Khi Đức Phật giác ngộ, Ngài chứng ngộ được sự tương quan lẫn nhau và các Phật tử từ đó đến giờ, đã nói lên điều nầy bằng nhiều cách khác nhau. Tông Hoa Nghiêm nói rằng mọi vật, mọi chúng sinh đều tương quan lẫn nhau, và là một. Vì thế đây là một thế giới không có sự phân biệt, chia rẽ.

'Không có gì không phải là Phật Tỳ Lô Xá Na (Vairocana Buddha)'. Chúng ta là một phần trong thế giới của Phật Tỳ Lô Xá Na, thế giới ấy hiện đang ở tại nơi nầy. Khởi đầu, chúng ta là hiện thân của Phật Tỳ Lô Xá Na và vì lý do nầy chúng ta phải sống như một vị Phật, trong mọi cảnh đời. Theo quan niệm của Kinh Hoa Nghiêm, khi chúng ta nhận thức rốt ráo rằng mình là một vị Phật ngay hiện tại, thì không còn cần tu tập gì thêm nữa. Khi ấy chúng ta sống như một vị Phật và tâm của ta cũng là tâm Phật.

Tất Cả Chúng Ta Đều Là Phật

Trong truyền thống Thiền, đặc biệt là ở Hàn quốc, người ta cho rằng sự giác ngộ, hay thế giới của Phật, không thể được diển tả bằng lời; ngay khi bạn vừa buông lời, thì bạn đã sai rồi. Chỉ những bậc đã bước vào thế giới giác ngộ mới có thể biết nhau mà thôi.

Nhưng Kinh Hoa Nghiêm đã diển tả thế giới giác ngộ, thế giới của Phật. Thế giới ấy thật là mỹ lệ mà với niềm tin, bạn có thể bước vào đấy. Cõi giác ngộ nầy không xa và cũng không phải là không đến được. Ngay hiện tại, bạn đã là Phật, nhưng không biết điều đó.

Nếu bạn đặt Đức Phật trên một bệ thờ thật cách xa bạn, thì bạn không thể sống như một Đức Phật. Hãy xoay lại và thức tỉnh; đấy mới là thực tập. Tâm thức tin tưởng hoàn toàn rằng bạn là Phật, đấy là tín tâm, theo quan điểm của Kinh Hoa Nghiêm. Hãy kiên quyết sống như một vị Phật bởi vì bạn là Phật.

Giáo lý của Đức Phật là để đạt được giác ngộ, nhưng các phương cách để giác ngộ đã thay đổi theo thời gian. Ngay thời Đức Phật còn tại thế và một thời gian sau đó, người ta tin rằng một chúng sanh bình thường không thể nào trở thành Phật, cho dù người đó có tu tập công phu đến đâu. Mà chỉ có thể đạt đến thế giới của các vị A-la-hán [các thánh giải thoát] và tự giải thoát chỉ đến cấp bậc nầy thôi. Chỉ duy nhất có một Đức Phật, đó là Thích Ca Mâu Ni mà thôi.

Quan niệm nầy đã thay đổi khi các trường phái Đại Thừa được phát triển, trong đó có phái Hoa Nghiêm. Phái Đại Thừa (Mahayana) cho rằng nếu chúng ta tu tập và sống như Đức Phật đã tu tập trong quá khứ, thì chúng ta cũng có thể trở thành Phật. Để nâng tâm bình thường lên thành tâm Phật là nâng tâm đến trình độ giác ngộ không có gì có thể vượt trội hơn.

Sự khác biệt giữa một chúng sinh và một vị Bồ Tát là chúng sinh nghĩ họ không bao giờ có thể thành Phật và sống theo cách đó. Các vị Bồ Tát nghĩ rằng họ có thể tu tập giống như Đức Phật, trau dồi sự hoàn thiện [Ba-La-Mật] để trở thành Phật một lúc nào đó, cho dù ngay lúc nầy họ chưa là Phật. Nhưng thời gian đó cũng rất lâu, thường được coi là ba kiếp.

Tiếp đó là trường phái Một Xe (One Vehicle) cho rằng không cần thiết phải mất một thời gian dài để trở thành Phật; ta có thể trở thành Phật trong một kiếp sống nếu ta tu tập một cách miên mẫn. Vì lý do nầy, các vị đại sư đã nói: 'Đừng uổng phí cuộc sống, đừng chờ đợi kiếp sống khác, đừng để việc lại cho kiếp sau mới làm, hãy tỉnh thức ngay trong kiếp sống nầy'. Trong kiếp sống nầy, được có thân người, ta có rất nhiều cơ hội và thời gian để giác ngộ. Nhiều người đã giác ngộ và chứng thực được Phật tánh của họ.

Tuy nhiên, theo Kinh Hoa Nghiêm: 'Ngay hiện tại bạn đã là Phật'. Không cần thiết phải trở thành, phải đạt giác ngộ. Uisang Sunim, một vị đại sư Hàn quốc của phái Hoa Nghiêm đã nói : 'Từ rất lâu, chúng ta đã là Phật'.

Khi tôi mơ, trong giấc mơ tôi không biết là mình đang mơ. Chúng ta phải thức tỉnh từ giấc mơ để biết rằng chúng ta đã mơ. Giờ tôi là Phật, nhưng nếu tôi không nhận thức được điều đó, vì tôi không biết mình là Phật, để 'điều khiển tâm' trở nên ý thức rằng ta là Phật. Ngay tại nơi nầy, chúng ta có thể sống trên thiên đường hạnh phúc. Chúng ta có thể hiển lộ tất cả trí tuệ và lòng từ bi của một vị Phật.

Theo quan điểm của Hoa Nghiêm, tu tập để trở về nơi chúng ta xuất phát. Để sống theo bản thể của ta là để tung tăng trong thế giới giác ngộ. Thế giới giác ngộ nầy không xa, nó ở ngay trên Trái Đất nơi chân ta vẫn từng bước đi tới.

Sư Tử Vàng

'Trong một pháp có vạn pháp', Uisang Sunim đã nói. Ông lại thêm: 'Trong vạn pháp có một pháp'. Tôi là một, những người khác là nhiều. Có sự liên hệ gì giữa một người và nhiều người? Đó là sự liên hệ khiến họ sống chịu đựng lẫn nhau.

Tuy nhiên, tánh cách của chúng sinh khiến họ không thể sống chịu đựng lẫn nhau. Một thế giới nơi mà mọi người sống, hòa hợp với nhau là thế giới của Phật. Tất cả pháp hòa quyện lẫn nhau, chúng là một. Vì lý do đó có câu nói: 'Sắc tức là không, không tức sắc', có nghĩa là tất cả hiện hữu là một.

Cũng như sóng và nước là một. Cũng giống như làm một con sư tử bằng vàng. Hình dạng là sư tử, nhưng làm bằng vàng. Với vàng bạn có thể làm nhiều món trang sức, nhẫn, dây chuyền, hoa tai, vân vân … Chúng đều có nhiều dạng khác nhau, nhưng tất cả đều làm bằng vàng. Vàng không thay đổi, không khác biệt. Sư tử cũng y như thế.

Vì thế tất cả chúng sinh hình dạng có khác biệt, nhưng tất cả đều có cùng chung một Phật tánh. Phật tánh đó được ẩn giấu dưới các hình dạng, giống như trong hình dạng sư tử ẩn chứa vàng vậy. Hình dạng sư tử và bản chất vàng là một, tạo nên một sư tử vàng.

Khi nhìn thấy con sư tử vàng, bạn có thể chỉ thấy một thứ, thường là hình dáng. Người sáng suốt thì sẽ nhìn vào thể chất vàng hơn là dạng sư tử, bởi vì sư tử thì không quan trọng lắm. Nhưng đa số có thể nói: 'Hãy nhìn con sư tử kìa! Thật là lớn. Thật đáng sợ'. Một đứa trẻ thì sẽ buột miệng: : 'Hãy nhìn con sư tử kìa!' chứ không nói: 'Hãy nhìn tảng vàng kìa!'

Tuỳ theo mỗi người, họ sẽ thấy hoặc là sư tử hoặc là vàng. Nếu người chỉ thấy sư tử, thì sẽ không thấy vàng; nếu người thấy vàng thì sẽ không thấy sư tử. Nhưng trong thực tế, cả hai đều hiện hữu. Vì thế nên nói: 'Chúng sinh thật sự là Phật.'

Nhìn Thấy Mọi Khía Cạnh

Nghe những điều nầy, bạn có thể bắt đầu chỉ nhìn thấy Phật mà không thấy chúng sinh. Bạn có thể tự hỏi: 'Còn gì để làm nữa, tại sao tôi phải tụng niệm? Tôi là Phật. Hãy đến tôn thờ tôi. Tại sao tôi phải lễ bái ba lần trước các vị cao tăng và ni trưởng? Tại sao tôi phải hành Bồ Tát hạnh?' Đó là do bạn chỉ nhìn thấy bản tánh ban đầu của mình là Phật. Bạn không thấy rằng đồng thời bạn cũng là chúng sinh.

Mặt khác, bạn có thể nói: 'Tôi không thể làm được bất cứ việc gì, đừng đòi hỏi tôi điều gì', đó là vì bạn chỉ thấy mình là chúng sinh. Bạn không thể thấy những tiềm năng vô hạn của Phật tánh mà từ ban đầu nó đã ẩn chứa trong tâm bạn. Vấn đề của cả hai phía là họ chỉ nhìn thấy có một mặt. Ta phải tập nhìn thấy hai mặt cùng lúc.

Việc nầy vẫn thường xảy ra trong đời sống hàng ngày. Đọc báo, thường chúng ta chỉ biết một phía nào đó tờ báo nêu ra. Chúng ta phải tập nhìn phía sau các khái niệm để khám phá ra tất cả vấn đề. Chúng ta thường sống cách đó, chỉ nhìn một chiều. Giống như khi vác trên vai một tấm ván rộng, ta chỉ thấy có phân nữa cảnh vật.

Tương tự, ta có khuynh hướng chỉ thấy lỗi người mà không thấy lỗi mình. Khi đau đớn, ta cũng chỉ thấy nỗi đau của mình mà nói bệnh của một người khác không thấm vào đâu so với nỗi đau của mình. Khi người khác nói, ta chỉ bám theo lời nói, do đó thường đưa đến kết quả là xung đột. Ta phải xét xem phía sau lời nói tâm ý của người ta thế nào.

Mạng Lưới Của Indra (8)

Theo Kinh Hoa Nghiêm, 3000 đại thiên có thể chứa đựng trong một nang lông của Phật. Mỗi nang lông có dung lượng giống nhau. Tất cả vũ trụ được chứa đựng trong một hạt bụi; tất cả là một. Khi thế giới của Phật hiển lộ, các thế giới khác cũng được hiển lộ đồng thời.

Cũng giống như mạng lưới châu báu của Indra. Trong mỗi gút có một hạt châu và mỗi hạt châu phản ảnh tất cả những hạt châu khác. Ngược lại, tất cả các châu báu phản ảnh một hạt châu. Không chỉ có thế, mà tất cả các phản chiếu qua lại của các hạt châu, cũng được phản chiếu trong cái vô cùng tận.

Khuôn mặt ta được cấu tạo bởi mắt, mũi, lỗ tai, vân vân. Từng phần, chúng đều có đặc điểm khác nhau. Nếu phối hợp hài hoà, ta có thể nói đó là một khuôn mặt đẹp, nhưng ta không thể nói rằng mũi đẹp hơn, hoặc mắt đẹp hơn. Hơn nữa, cả khuôn mặt có chức năng riêng của nó, và mỗi thành phần lại có chức năng riêng nữa. Thí dụ, mũi để ngửi, vân vân. Tuy nhiên khi bạn nhìn từng thành phần, thí dụ, đôi mắt, thì bạn không thể không thấy khuôn mặt. Thấy một thành phần, là bạn cũng thấy toàn bộ.

Theo Kinh Hoa Nghiêm có 10 điều hoàn thiện và theo Đại Thừa thì có sáu. Nếu có thể trau dồi tất cả các điều thì rất tốt. Tuy nhiên, nếu bạn có thể thực tập hoàn hảo về chỉ một điều, thì cũng giống như bạn đã thực tập tất cả. Qua một việc gì đó mà bạn có thể thực hiện hoàn hảo, thì bạn có thể khiến cả vũ trụ siêu phàm phát sinh.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 1a | 1b | 2 | 3 | 4

Chân thành cám ơn Chị Diệu Liên đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 04-2005)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 02-04-2005