BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Ba Ngày Luận Ðạo
Maha Thong Kham Medhivongs

PL. 2506 - TL. 1963
Tái bản: PL. 2539 - TL. 1996


  

[02]

Vấn: Bạch Ngài, lúc nãy Ngài có dạy hãy hành thêm sự Bố thí và Thiền định. Bố thí, tôi thấy tôi có thể tạm hiểu, còn Thiền định là chi?

Ðáp: Thiền là tiếng âm theo Păli, là JHÀNA, nghĩa là thiêu đốt những ác pháp, như hôn trầm, phóng tâm, v.v... Nhưng chúng ta quen dùng tiếng THIỀN ấy như là tiếng Việt, lại hiểu nghĩa có khác chút là: Yên lặng. Còn chính Păli là SAMÀDHI nghĩa là gom tâm cho trụ chắc vào một đề mục, không cho tâm xao lãng. Khi hai tiếng ấy đi đôi nhau thì chúng ta lại hiểu nghĩa là: Làm cho Tâm yên trụ vào một chỗ, không cho Tâm vọng mống theo Ngũ trần. Bởi tâm của chúng ta không bao giờ chịu trụ vào một chỗ, nó chạy theo các điều ưa thích, luân chuyển mãi như cái bánh xe lăn. Tâm con người vọng mống cho đến khi ngủ mà nó cũng vẫn nằm mộng. Vì vậy nên đức Thế Tôn dạy dùng đề mục để cột tâm lại. Phương pháp làm cho tâm không vọng động gọi là Chỉ quán, có bốn mươi cách khác nhau, tôi không thể giải thích nơi đây rõ rệt cho ông, xin ông vui lòng tìm xem trong bộ "ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP", tạp chí do một nhóm Cư sĩ ở Nam Vang xuất bản.

Ðức Phật có dạy: Trước khi muốn làm cho tâm ta mau trụ thì phải có giới hạnh trong sạch. Tâm chúng ta hằng rung động chạy theo triều lưu của cảnh trần. Vì lẽ ấy nên đức Thế Tôn có dạy trong kinh Pháp Cú một câu kệ rằng:

VÀRIJOVA THALE KHITTO OKAMOKATA UBBHATO
PARIPHANDATIDAN CITTAM MÀRADHEYYAN PAHÀTAVE.

Nghĩa là: Cá mà người ta bắt lên khỏi nước rồi, bỏ nó trên khô nó hằng giẫy giụa như thế nào thì tâm của hành giả bị đem ra khỏi chỗ nó hằng ở là Ngũ trần rồi khép nó vào khuôn khổ là Minh sát, cốt để dứt bỏ sự tham muốn (là lưới) của Ma vương thì nó hằng lay động thế ấy.

Theo câu Phật ngôn này, ta thấy rõ rằng: Tâm ta đã ngâm trong Ngũ trần hằng vô số kiếp, nó bị Ma vương cám dỗ và đã thâm nhiễm điều xằng bậy không lo giải thoát; một khi ta nhận thức được con đường giải thoát của đấng đại Từ bi tìm thấy và hành theo, thì phải nhờ giới đem tâm ấy ra khỏi ngũ trần, phải khép tâm vào khuôn khổ là Thiền định.

Vì tâm tham mê theo Ngũ trần nên không trông thấy cái vô thường, khổ não và vô ngã; một khi Tâm được an tịnh thì mới sanh trí tuệ nhận thấy rõ ba tướng ấy. Ðây tôi chỉ giải sơ lược thôi, xin ông tìm xem tạp chí "ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP" rõ hơn.

Vấn: Ngài dạy vậy thì tôi đành tìm coi tạp chí ấy, song xin Ngài vui lòng cho tôi hiểu thêm về vấn đề Thiền định chút nữa. Ngài có dạy rằng SAMÀDHI là "ÐỊNH" mà định ấy là thế nào?

Ðáp: ÐỊNH nghĩa là làm cho tâm an trụ lại một chỗ, gọi là đề mục, không cho tâm chạy theo trần cảnh là Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp, bắt tâm phải chăm chú vào một đề mục, không xao lãng, lấy đề mục làm mục phiêu niệm tưởng.

Vấn: Bạch Ngài, xin Ngài vui lòng chỉ rõ TƯỚNG, VỊ, THẬT TƯỚNG, và NỀN TẢNG của ÐỊNH ấy ra thế nào?

Ðáp: Theo tôi biết thì ông không phải là người mới bắt đầu học đạo. Nếu tôi đoán không sai thì ông đã nhiều năm nghiên cứu; nay ông hỏi đạo với tôi, hoặc là để thấu hiểu đạo lý sâu xa, hoặc là ông muốn hỏi tôi cho tôi không thể trả lời được. Nếu thật lòng ông hỏi để hiểu thêm thì nên, bằng hỏi để cho tôi không trả lời được thì xin ông cho tôi nghỉ còn hơn, vì hỏi như thế để thỏa lòng hiếu kỳ thì không bổ ích chi cho chúng ta hết. Riêng tôi thì tôi tin rằng tôi không đến nỗi không trả lời được.

Vấn: Bạch Ngài, tôi đã dày công nghiên cứu Phật giáo nhưng không được thông rõ, vì cuộc vật lộn với đời không rảnh rang để tầm học thêm; nên hôm nay duyên may run rủi gặp Ngài có thể chỉ dạy thêm cho tôi, nên tôi mới dám hỏi, xin Ngài tha thứ và chỉ thêm, xin Ngài coi tôi như một người thiện nam của Ngài.

Ðáp: Nếu vậy thì tôi rất vui lòng giải những gì mà ông muốn hỏi, tùy theo sự hiểu biết của tôi:

1/ Sự không giãi đãi là TƯỚNG của Thiền định.
2/ Sự đánh đổ được giãi đãi là VỊ của Thiền định.
3/ Sự không giãi đãi là THẬT TƯỚNG của Thiền định.
4/ Sự yên vui của thân và tâm là NỀN TẢNG của Thiền định.

Vấn: Bạch Ngài, nguyên nhân chi làm cho Thiền định nhơ đục?

Ðáp: Sự tham mê trong Ngũ trần là NGUYÊN NHÂN làm cho Thiền định nhơ đục. Trái lại, sự tinh tấn và không nhớ đến Ngũ trần là nguyên nhân làm cho Thiền định được trong sạch.

Vấn: Nếu ta muốn cho Thiền định được phát sanh phải nhờ vào pháp chi?

Ðáp: Nếu ta muốn cho Thiền định phát sanh phải nhờ sáu pháp là:

1/ Giữ giới cho trong sạch.
2/ Phải cắt dứt những gì dính dấp với ta, nghĩa là đoạn tuyệt sự quyến luyến và các sự tiếp xúc với đời.
3/ Phải thân cận với các bậc trí thức, hiểu thông lối giải thoát để chỉ dạy mình.
4/ Phải học đề mục đúng với tánh mình.
5/ Chỗ ở phải hợp với tánh mình.
6/ Phải thông hiểu rành phương pháp hành đạo làm cho Thiền định phát sanh mau chóng.

Vấn: Bạch Ngài, tôi hiểu năm pháp đầu, nhưng về pháp thứ sáu Ngài dạy rằng "Thông hiểu rành phương pháp hành đạo làm cho Thiền định phát sanh mau chóng", bạch Ngài, phương pháp ấy như thế nào? Có mấy chi?

Ðáp: Có mười pháp làm cho Thiền định phát sanh:

1/ Làm cho bề ngoài được trong sạch, nghĩa là thân và đồ vật dụng được sạch sẽ.

2/ Làm cho ngũ căn đồng nhau. Ngũ căn ấy là: Tính căn, Tấn căn, Niệm căn, Ðịnh căn, Huệ căn.

3/ Phải thông hiểu rõ đề mục, nghĩa là phải làm cho tâm trụ trong đề mục của mình niệm.

4/ Phải biết cột tâm lại, nghĩa là khi nào biết tâm giãi đãi thì hành giả phải biết cách kềm chặt nó vào một đề mục và làm cho nó tinh tấn thêm.

5/ Phải biết đè nén tâm xuống một khi biết rằng tâm mình rất tinh tấn quá hơn bốn pháp kia.

6/ Phải biết làm cho tâm vui trong khi tâm bực bội.

7/ Phải xem chừng tâm trong khi thấy nó khắn khít với đề mục thái quá, phải kéo bớt nó lại cho vừa với sức của mấy pháp kia.

8/ Không nên giao tiếp với người có tâm phóng túng, nghĩa là người không làm được một chuyện gì có kết quả.

9/ Phải thân cận với các bậc thiện trí thức mà tâm không giãi đãi, trái lại tinh tấn, an định và không vọng động.

10/ Phải cố đem tâm đến mục đích là AN ÐỊNH.

Vấn: Bạch Ngài, thế tôi đã hết hoài nghi; nhưng Ngài còn dạy rửa lòng trong sạch là rửa cách nào?

Ðáp: Tiếng Việt chúng ta thường dùng tiếng lòng thay thế cho tiếng tâm. Ðây là nói rửa tâm là làm cho tâm trong sạch.

Vấn: Bạch Ngài, xin Ngài dạy cho tôi biết: Khi chúng ta làm phước và tội, phước và tội ấy ta để đâu?

Ðáp: Ðể trong tâm.

Vấn: Nếu phước và tội để trong tâm, tôi không hiểu tại sao đức Phật dạy: Rửa tâm trong sạch. Khi chúng ta rửa tâm trong sạch, thì phước và tội đều đi mất hết chăng?

Ðáp: Câu này, ông hỏi nghe xuôi lắm, nhưng theo lý thì không như lời ông hỏi. Những pháp của đức Thế Tôn dạy có chỗ chúng ta phải dùng trí tuệ để suy nghĩ mới thấy rõ, cũng có chỗ chúng ta không phải mệt trí để suy nghĩ cũng có thể nhận thức được; câu ông hỏi đây cũng vậy, ông cần phải suy nghĩ thêm cho nhiều mới hiểu rõ được. Pháp đây, đại khái đức Thế Tôn dạy có ba pháp.

A) Pháp trắng
B) Pháp đen
C) Pháp không trắng không đen.

Giải:

1/ Pháp trắng kết quả trắng. Pháp trắng đây ngụ ý chỉ pháp thiện. Pháp thiện có nghĩa là sự an vui, nếu ta làm lành như là bố thí, trì giới hay tham thiền thì ta được hưởng quả an vui trong kiếp hiện tại và vị lai, vì đó là nguyên nhân làm cho tâm ta trong sạch.

2/ Pháp đen trả quả đen. Pháp đen đây ý nói tất cả các Ác pháp, nếu hành Ác pháp thì trả quả khổ vì đó là phiền não ở trong tâm ta.

3/ Pháp không trắng không đen, kết quả không trắng không đen. Ý nói rằng: Người làm phước không làm cho hoàn toàn trong sạch, hay không hiểu cho rõ thế nào gọi là phước, thế nào gọi là tội và khi làm tội, cũng không làm những tội vĩ đại, vì vậy nên khi bị hay được quả cũng bằng một cách lưng chừng không rõ rệt, vui cũng không hoàn toàn vui, khổ cũng không hoàn toàn khổ.

Ðức Thế Tôn biết rằng tâm chúng sanh rất là bẩn thỉu, xấu xa, chất chứa nhiều phiền não, phiền não ấy ví như là tấm vải đen mà nhơ nhớp, nên Ngài dạy rửa tâm cho trong sạch, nghĩa là làm cho hết phiền não, hay là làm cho trắng; mà trắng ấy chính là pháp thiện. Ý Phật muốn dạy chúng ta hãy cố xóa hay rửa bỏ những điều xấu xa đê tiện, là ác pháp ở trong lòng ta và tạo thêm phước thiện, là Giới, Ðịnh, Huệ. Ba pháp này gọi là Thiện pháp hay là Pháp trắng. Vì vậy nên đức Phật dạy phải rửa lòng trong sạch, phải tiêu trừ những điều tội lỗi cho tâm được trong sạch, ý dạy ta phải hành cho đắc quả Niết Bàn, chớ không phải rửa tội như đạo Bà La Môn ở con sông GANGÀ. Vì rửa tội bên ngoài là thuộc về phần thể xác; còn về phương diện tinh thần ta không thể hiểu cho cách rửa tội ấy được. Nếu nói cụ thể văn hoa thì có thể hiểu là phải rửa tội bằng nước của các con sông Bố thí, Trì giới, Tham thiền mới làm cho tâm được trong sạch.

Vấn: Bạch Ngài, như vậy người tu Phật muốn đắc quả Niết Bàn phải nhờ mấy nguyên nhân?

Ðáp: Phải có đủ ba nguyên nhân là:

1/ Nhờ quả báu đã tạo từ quá khứ.
2/ Cố làm những điều phước thiện, xa những tội lỗi xấu xa.
3/ Do trí tuệ diệt trừ tận gốc của phiền não.

Vấn: Bạch Ngài, câu thứ ba dạy "Do nhờ trí tuệ". Vậy trí tuệ là chi, xin Ngài giải rõ?

Ðáp: Trí tuệ nghĩa là sự quan sát trông thấy thân này là Vô thường, Khổ não, và Vô ngã.

Vấn: Bạch Ngài, xin Ngài hoan hỷ dạy tôi biết và thấy rõ cái đại khái của trí tuệ ra thế nào, và nó khác với Tưởng và Thức thế nào?

Ðáp: Trí tuệ đại khái là hiểu rõ triệt để các lý lẽ của Vô thường, Khổ não và Vô ngã, là hiểu tận nguồn gốc của ba pháp. Trí nghĩa là hiểu rõ LÝ, SỰ; Tuệ nghĩa là Tinh mẫn, là Rành rẽ. Tiếng Trí tuệ phải hiểu khác hơn Tưởng và Thức như vầy:

Tưởng chỉ biết rằng vật này có màu xanh, đỏ hoặc lớn, nhỏ, dài, ngắn v.v... chớ không thể nhận định rằng những vật ấy đều ở trong ba tướng là Vô thường, Khổ não và Vô ngã.

Còn Thức đã biết rõ hình dáng và màu sắc của vật trông thấy, còn có biết hơn cái thấy này nữa, là biết rằng những gì mà đã trông thấy đều là Vô thường, Khổ não và Vô ngã. Nhưng THỨC không thể đoạn được phiền não ấy để đắc QUẢ Niết Bàn được. Chỉ có Trí tuệ mới là hoàn toàn nhận biết hình thể màu sắc là Vô thường, Khổ não và Vô ngã, mà lại còn có thể quán tưởng biết rõ nguyên nhân rồi đoạn tuyệt phiền não, đắc QUẢ NIẾT BÀN. Nhưng Tưởng, Thức và Trí tuệ không thể nào xa nhau được, ví như một đứa bé, một bà mẹ và người thợ bạc. Khi đứa bé lượm được cục vàng nó chỉ biết cục vàng thôi chớ nó không biết giá trị của cục vàng ấy; nó mới đem về cho mẹ nó coi; người mẹ biết rằng: Vàng là vật có giá trị, có thể làm vòng, cà rá, dây chuyền được, nhưng bà không thể làm ra những món đồ đó được, phải đi nhờ người thợ bạc làm. Ðứa bé ấy ví như Tưởng, vì Tưởng chỉ biết màu, hình của vạn vật nhưng không biết giá trị. Thức ví như bà mẹ vì biết rõ màu sắc giá trị của vàng, là biết Vô thường, Khổ não, Vô ngã, nhưng không thể dứt phiền não để thoát khỏi ba tướng ấy. Còn Trí tuệ biết hơn hai pháp kia, là biết chỗ đoạn diệt được tận gốc phiền não, và giải thoát khỏi Vô thường, Khổ não và Vô ngã, cũng như người thợ bạc biết làm vàng ấy ra những món nữ trang. Cả ba Pháp ấy có tánh cách khác nhau như thế.

-ooOoo-

Vấn: Xin Ngài giải cho tôi rõ chi là Tướng của trí tuệ? Chi là Vị của trí tuệ? Chi là Thật tướng của trí tuệ?

Ðáp: Tư cách phá tan hay là diệt trừ tận gốc của các ác pháp là Tướng của trí tuệ. Tư cách đánh đổ được sự mờ ám là sự si mê che đậy hay phá hoại các ác pháp là Vị của trí tuệ.

Sự không si mê theo các ác pháp và không quên mình để bị sự cám dỗ của Ma vương là Thật tướng của trí tuệ.

Vấn: Bạch Ngài, nếu muốn làm cho trí tuệ tấn hóa và phát sanh thêm, phải làm thế nào?

Ðáp: Chư hành giả muốn cho trí tuệ phát sanh thêm hay là làm cho trí tuệ tấn hóa thì phải học cho biết pháp nào là Nền tảng của trí tuệ và bảy điều Thanh tịnh, tiếng Păli gọi là VISUDDHI.

Vấn: Tôi chưa từng thấy nơi nào dạy nền tảng và bảy điều thanh tịnh như Ngài vừa dạy, vậy xin Ngài vui lòng giảng giải cho tôi rõ.

Ðáp: Những pháp có trạng thái khác nhau là KHANDHA nghĩa là Uẩn, ÀWYATYANA nghĩa là Căn trần, DHÀTU nghĩa là Tứ đại, INDRIYA nghĩa là Căn. Khi hành giả trông thấy rõ rệt các pháp ấy và không ham mê theo, là đã có nền tảng của trí tuệ.

Còn bảy điều thanh tịnh " VISUDDHI " là:

1/ SÌLAVISUDDHI, Giới thanh tịnh,
2/ CITTAVISUDDHI, Tâm thanh tịnh, (Hai pháp này là nguồn cội sanh trí tuệ).
3/ DITTIHISUDDHI, Thanh tịnh vì hiểu thấy chơn chánh,
4/ KANNKHAWVITARANAVISUDDHI, Thanh tịnh vì diệt bỏ được sự hoài nghi,
5/ MAGGÀMAGGANNANADASSANAVI-SUDDHI, Thanh tịnh và Trí tuệ biết rõ đây là Chánh đạo hay là Tà đạo (Ðạo đây ý nói là đường).
6/ PATIPADÀNÀNADASSANAVISUDDHI, Thanh tịnh vì Trí tuệ trông thấy rõ sự hành theo chánh đạo.
7/ NÀNADASSANAVISUDDHI, Thanh tịnh vì trông thấy rõ Thánh đạo. Năm điều sau này ví như là thân hình của trí tuệ. Hay nói cho dễ hiểu hơn là hiện thân của trí tuệ.

Vấn: Bạch Ngài, khi trí tuệ tấn hóa như thế, hành giả được hưởng những quả báu gì?

Ðáp: Không một ai có thể đo lường quả của trí tuệ được. Nhưng thấy có chỗ đức Thế Tôn dạy có bốn:

1/ Khi có trí tuệ rồi mới có thể tiêu trừ được các phiền não.
2/ Nhờ trí tuệ ta mới được hưởng mùi vị của Thánh quả.
3/ Có thể nhập Diệt thọ Vô Tưởng Ðịnh được (vì đã đắc được từ quả A Na Hàm trở lên).
4/ Có thể đem mình đến nơi mà chúng sanh lễ bái cúng dường (ý nói rằng đáng gọi là Phước điền của nhân loại).

Vấn: Bạch Ngài, tôi thường nghe có chỗ gọi là Bát Nhã. Vậy Trí tuệ và Bát Nhã khác nhau chỗ nào?

Ðáp: Tiếng Bát Nhã là tiếng âm từ tiếng Nam Phạn là PANNÀ hay Bắc Phạn gọi là PRÀJNÀ tiếng ta dịch là trí tuệ cũng đồng một ý.

Vấn: Bạch Ngài, trước hết muốn làm cho trí tuệ phát sanh phải làm cách nào?

Ðáp: Phải hành theo bốn pháp là:

1/ Thân cận với các bậc có trí tuệ.
2/ Ráng nghe lời chỉ dạy của các Ngài.
3/ Cố tâm nghiên cứu lời giảng dạy của đức Thế Tôn.
4/ Hành theo pháp của đức Thế Tôn đã giáo truyền.

Còn có bốn pháp nữa là:

1/ Phải ráng nghe pháp.
2/ Phải suy nghĩ cho chu đáo sau khi nghe xong.
3/ Khi suy nghĩ kỹ rồi nhưng còn chỗ nghi ngờ nên hỏi lại.
4/ Khi hỏi và hiểu rõ nên viết để dành.

Ðây là bước đường tiến hóa của Trí tuệ.

Vấn: Bạch Ngài, chúng ta làm thế nào mà phân biệt được rằng có trí tuệ hay không?

Ðáp: Có bốn điều làm cho ta phân biệt được là:

1/ Biết rõ rằng: Ðây là ÁC PHÁP.
2/ Biết rõ rằng: Ðây là THIỆN PHÁP.
3/ Phân biệt được Ác pháp hay Thiện pháp không cho lẫn lộn nhau.
4/ Diệt bỏ tất cả Ác pháp, vun trồng thêm thiện căn.

Sự hành động như thế gọi là Phàm tuệ. Ðiều này ví như người làm tràng hoa biết chọn lựa các thứ hoa tươi, thơm và đẹp kết thành tràng hoa.

Vấn: Theo lời Ngài dạy trí tuệ có hai phần là Phàm tuệ và Thánh tuệ. Bạch Ngài, hai tuệ ấy khác nhau thế nào?

Ðáp: Phàm tuệ trí như trái cây còn sống chưa ăn được vì Phàm tuệ chưa giải thoát được bởi chưa hoàn toàn, lắm lúc còn bị phiền não làm cho mờ ám.

Thánh tuệ là tuệ của các bậc Thánh nhơn đã tiêu diệt được tận gốc của phiền não, không còn một tý bợn nhơ nào trong tâm, mặc dầu còn trong trần, nhưng sau khi bỏ xác thân này thì nhập Niết Bàn.

-ooOoo-

Vấn: Bạch Ngài, khi đã qui y theo Chánh pháp, có phải bị bắt buộc thề thốt hay không, được quyền bỏ đạo không?

Ðáp: Theo các tôn giáo khác thì tôi không được biết, nhưng riêng về chánh pháp của đức Phật Tổ thì không bao giờ có chuyện thề thốt, vì Ngài biết rõ rằng những lời chỉ bảo của Ngài là những phương pháp đem chúng sanh giải thoát, những bực trí thức đã tin theo Phật pháp thì chắc chắn không còn tin gì hơn, vì các vị ấy thấy rõ lợi ích của pháp dập tắt lửa lòng, như thế thì không còn có một lý do gì làm cho các vị ấy lay chuyển sự tin tưởng được, nên không có sự thề thốt hay bỏ đạo.

Vấn: Bạch Ngài, một khi là tín đồ của Phật mỗi ngày phải cúng mấy thời?

Ðáp: Vậy ý ông muốn nói cúng cách nào?

Vấn: Bạch Ngài, cúng nước ấy mà.

Ðáp: Không cần cúng nước nôi gì cả. Mỗi ngày chúng ta để ra một ít thì giờ vào lối bảy hay tám giờ tối, sáng bốn giờ rưỡi hay năm giờ, thắp nhang đèn làm lễ đọc kinh Tam Bảo, trong Nhựt Hành theo phái Phật giáo Nguyên Thủy của chúng tôi đã thông dịch ra từ Nam phạn. Sự tụng kinh không phải tụng không không mà cần phải hiểu nghĩa của kinh để hun đúc lòng tin tưởng nơi Tam Bảo và thật hành theo. Khi tụng kinh xong xin hồi hướng phước lành của mình đã làm tới những người có ơn với mình, chẳng hạn như cha mẹ và vợ con v.v... Rồi mình lại phát nguyện cố gắng tu hành tinh tấn để diệt trừ tận gốc của phiền não, và xin cho duyên lành sanh lại kiếp nào cũng đều sanh vào gia đình chánh kiến để tu hành theo chánh pháp, và xin được gặp Phật ra đời để tu hành theo Ngài. Ðó là pháp lành của một tín đồ chơn chánh.

Vấn: Bạch Ngài, như thế thì Phật giáo dạy rất tiện và hợp với mọi tầng lớp của dân chúng. Bạch Ngài, hằng ngày đây đạo quả vẫn còn hay là tiêu diệt rồi, mà mình không nghe thấy ở đâu có vị Thánh Tăng cả, trong khi hằng bao nhiêu triệu tín đồ tu Phật?

Ðáp: Nếu bao giờ Bát Chánh Ðạo còn thì đạo quả vẫn còn; nhưng tiếc rằng người hành không đúng theo lời của Phật dạy là một lẽ, một lẽ nữa là duyên lành của chúng ta còn ít, chưa có thể đắc đạo quả được. Hơn nữa nếu có thì các Ngài đắc quả cũng không bao giờ bảo ngay với chúng ta rằng: "Bần đạo đã đắc được quả này, quả nọ." Vì những lẽ kể trên, nên chúng ta không gặp được các đấng cao cả ấy. Nhưng chúng ta ráng lo tu thì ngày kia chúng ta cũng gặp và cũng đắc quả vị ấy.

Vấn: Bạch Ngài, chi là Tướng của đạo?

Ðáp: Giới, Ðịnh và Huệ là Tướng của đạo, vì ba pháp ấy là pháp trừ diệt phiền não. Người vâng giữ hành theo ba pháp ấy là pháp hoàn toàn trong sạch gọi là người ở trong đạo. Một khi người cố công hành đúng mức thì sẽ được kết quả, đó là Niết Bàn. Riêng chúng ta hằng ngày đây tạm gọi là ở trong đạo, hay có thể nói là ở trong phàm đạo. Ý tôi muốn nói rằng chúng ta đang cố gắng hành theo cho thành chánh quả, nhưng chưa diệt nổi tận nguồn gốc của phiền não, nên còn là Phàm nhơn, hay là Phàm đạo. Còn quả Thánh của các bực Thánh Nhơn thì gọi là Thánh đạo. Tôi xin ví dụ: Ái dục và phiền não ví như các chứng bịnh; người còn trong vòng cương tỏa của Ma vương như chúng ta ví như người bịnh; đạo ví như thuốc chữa bịnh. Khi người bịnh biết rằng ta có bịnh phải cố gắng uống thuốc thì sẽ khỏi bịnh, cũng như hành giả biết rằng mình có bịnh về tinh thần, phải mau tìm thuốc tinh thần chữa bịnh, ấy là hành đạo; khi hành đúng theo và không hề giãi đãi, cứ hành cho đến nơi cùng tột thì sẽ được giải thoát, cũng như người bịnh uống đúng theo toa của bác sĩ và độ lượng của bác sĩ đã dạy thì người bịnh ấy sẽ mạnh.

Vấn: Bạch Ngài, tại sao gọi là bể khổ trầm luân?

Ðáp: Ba cõi là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới còn trong ở trong vòng của ba tướng là Vô thường, Khổ não và Vô ngã, lại là chỗ trú ngụ của chúng sanh, nơi ấy toàn là những điều đau khổ, cũng như biển cả là nơi trú ngụ của loài thủy tộc, có sóng lớn nhận chìm ghe thuyền. Trầm luân theo Phật pháp có ý nghĩa là chìm đắm trong ba cõi sáu đường. Chúng ta bị chìm đắm như vậy mãi mãi là do vô minh, ái dục ví như lượn sóng cuốn ta chìm mãi; sở dĩ ta không giải thoát được là vì ta không đủ sức trấn áp những lượn sóng ấy, cũng như người hành đạo không giải thoát được, là vì không hành cho đúng độ của đức Phật dạy, nên bị phiền não lôi cuốn.

Vấn: Bạch Ngài, còn tại sao gọi là Tam giới?

Ðáp: Tam giới là ba cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Trong ba cõi ấy sự an lạc khác nhau.

Vấn: Xin Ngài giải cho tôi biết trong ba cảnh ấy sự an lạc khác nhau như thế nào?

Ðáp: Cõi nào hưởng sự an lạc theo sắc, thinh, hương, vị, xúc, gọi là cõi Dục giới. Cảnh sắc là cảnh thọ hưởng an vui do quả của Thiền định. Trong kinh dạy rằng: "Cõi ấy không phân biệt đàn ông hay đàn bà, cõi ấy gọi là cõi Phạm Thiên. Cõi Vô sắc là cõi không còn có sắc tướng, cõi này chỉ còn một điểm linh quang thừa hưởng quả của Thiền Vô sắc đã được trong khi còn ở trong cõi người. Phải đắc được Thiền định trong cõi này mới sanh về cõi Sắc và Vô sắc ấy được. Còn cõi người được sanh về cõi Dục là nhờ quả của sự bố thí hay trì giới hay là kính trọng những bực trưởng thượng.

Vấn: Bạch Ngài, cõi Sắc và Vô Sắc không có tình dục, vậy đó không phải là Niết Bàn sao?

Ðáp: Hai cảnh ấy nhờ Thiền định đè nén được lòng dục vọng trong thời gian có hạn định tùy theo hành giả dằn được phiền não, chớ không phải diệt trừ được tận nguồn gốc của phiền não như các bậc Thánh nhơn. Hai cảnh ấy có thể ví như một sân cỏ bị người ta lấy đá trải lên, cỏ ấy mọc không được vì bị đá trải lên trên chớ không phải không có cỏ. Ðá trải lên trên đám cỏ ấy ví như Thiền định. Còn cỏ ví như phiền não, khi đem đá ấy đi thì cỏ lại mọc lại như thường. Muốn không cho cỏ mọc lại được thì phải tận diệt cho hết gốc của nó.

Nước đục đem lóng trong, nếu ta không lọc lại một lần nữa, thì khi bị xao động nó sẽ đục lại như trước; đó cũng như tâm của con người được thanh tịnh là do nhờ thiền định làm cho lóng trong, một khi Ngũ căn chạm phải Ngũ trần thì phiền não sanh lại như cũ. Muốn không cho tâm đục lại thì phải nhờ Thánh tuệ diệt tận phiền não như nước nhờ bình lọc hết cặn thì nước không bị đục lại.

Vấn: Bạch Ngài, tại nguyên nhân nào làm cho chúng sanh phải luân hồi trong tam giới này mãi mãi?

Ðáp: Do nghiệp Thiện hay Ác phát sanh tùy thân, khẩu, ý. Do quả của nghiệp ấy mà người tạo ra; vì các quả ấy, nên chúng sanh phải sanh trở lại để hưởng hay thọ theo nghiệp Thiện hay Ác. Nghiệp thiện là không tham, không sân, không si, còn nghiệp ác là tham, sân, si.

Vấn: Bạch Ngài, nếu ta muốn ngăn ba điều ác này, phải làm cách nào?

Ðáp: Cách ngừa ba điều ác ấy, đức Thế Tôn có dạy rằng: Trước nhứt phải thu thúc lục căn, phải dùng trí tuệ quán tưởng rằng Lục trần là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp do nơi Lục căn đã thọ rồi, đều là Vô thường, Khổ não, và Vô ngã. Khi tâm tham sanh lên nó tưởng rằng các pháp mà nó được là trường tồn. Một khi mà tâm ta nhận thấy rằng vạn vật gì đã có trong trời đất đều phải bị dưới quyền sở hữu của sự thay đổi là vô thường, không bền vững, mặc dầu ta có ráng giữ cũng chẳng được nào, khi đã nhận thấy Vô thường như thế thì tâm không còn có thiết gì đến vật chi, vì có được vật ấy chăng nữa cũng không giữ nó được mãi với ta, hay là nó bị tiêu diệt trong khi ta chưa muốn xa nó. Một khi biết là khổ não do nơi lòng sân hận thì không bao giờ người ta dại gì mà sân hận để mang lấy cái hậu quả khổ sở. Một khi thấy và biết rõ mọi vật đều không phải của ta hay là ta thì con người còn ngoan cố hay là cố chấp làm chi cái vật đầy tội lỗi và không trung thành ấy?

Vấn: Bạch Ngài, tại sao lại phải thu thúc Lục căn? Thu thúc để làm gì?

Ðáp: Ðể ngăn ngừa không cho tâm cảm xúc với cảnh trần, vì khi ta bị cảnh trần chạm phải, làm cho tâm xao xuyến hoặc vì tham lam, sân hận, hoặc si mê; vì những sự xúc động ấy tâm ta mới làm tội lỗi nên đức Thế Tôn dạy ta phải thu thúc Lục căn.

Vấn: Bạch Ngài, xúc động thế nào đến đỗi tâm ta tu hành không được?

Ðáp: Ví như mắt trông thấy sắc đẹp thì tâm lại thọ sự khoái lạc của sự thấy sắc đẹp ấy, tiếp theo là lòng dục vọng phát sanh; khi ấy tâm lại tìm tất cả các phương pháp làm sao cho đoạt được sở thích của nó. Những tội lỗi phát sanh lên cũng vì ta thiếu thu thúc Lục căn cho thanh tịnh. Còn năm căn kia cũng thí dụ mường tượng như vậy.

Vấn: Bạch Ngài, theo tôi thiết tưởng mình không cần phải thu thúc chi cho mệt, khi nào mình biết rõ sắc kia thâm nhập vào tâm mình rồi, mình quán tưởng dứt bỏ nó cũng được chớ có sao?

Ðáp: Ông nói nghe xuôi lắm và như thế thì rất dễ cho những người tu quá. Nhưng tôi xin hỏi ông: Ông đào giếng trước khi khát nước hay đợi khát mới đào?

Vấn: Lẽ cố nhiên là phải đào giếng trước khi khát nước. Nếu để đến khi khát mới đào thì đã chết trước khi được nước!

Ðáp: Phải, cũng như sự thu thúc Lục căn vậy; lẽ cố nhiên phải thu thúc trước chớ để ngoại cảnh thâm nhập rồi thì chỉ còn chịu chết với nó thôi. Chắc ông không quên câu: Ngừa bịnh hơn trị bịnh chớ?

Vấn: Bạch Ngài, tôi có xem kinh, chỗ đức Phật dạy các thầy Tỳ khưu rằng: Lục căn là lửa. Bạch Ngài, vậy ý đức Phật muốn dạy sao? Chớ nếu là lửa thì làm sao chư Tỳ khưu và chúng ta sống được?

Ðáp: Lửa có nhiều thứ: lửa than, lửa rơm, lửa điện vv... Chúng ta có thể dập tắt nó được bằng nước hay bằng chất hóa học, hoặc chúng ta tìm thế ngăn ngừa. Còn thứ lửa không ngọn, không khói thì có chi là triệu chứng để cho chúng ta biết rằng đây là lửa để ta diệt trừ nó? Ðáng sợ nhứt là thứ lửa đó, lửa của Lục căn nó nóng tột bực, nó hằng thiêu đốt trí tuệ của chúng ta, mà chúng ta không bao giờ thấy và biết được. Lửa của lục căn chúng ta không thể tắt được bằng nước hay bằng chất hóa học được.

Vấn: Vậy xin Ngài dạy cái nóng của nó cho tôi hiểu trước.

Ðáp: Sự nóng của lửa Lục căn, chúng ta không thể nhận thức được là vì khi nhãn thức tiếp xúc với sắc trần rồi nó thọ một điều nào trong ba điều, là ưa thích, không ưa thích hay là không ưa thích mà cũng không ghét. Nhưng phần nhiều là ưa thích hay không ưa thích chớ ít khi có thản nhiên. Một khi gặp trường hợp nó không ưa thì lòng nó nóng nảy ghét vơ, muốn tìm thế diệt trừ điều ấy đi cho khuất mắt, đó là một thứ lửa đốt tâm ta mà ta có để ý biết nó đâu.

Còn như gặp điều nào làm nó ưa thích, mà nó không thể chiếm vật ấy được, thì tâm cũng buồn rầu đau khổ và nóng nảy vô cùng. Xin lỗi ông, trong khi ông sống ở đời phải gặp biết bao nhiêu trường hợp như vậy, ông có quan tâm đến hay không? Ông có biết đó là vật nóng nhứt không?

Vấn: Khi Ngài dạy như thế tôi mới nhận thấy khi mất hay gặp những sự thương ghét thì lòng mình nóng nảy lắm; nhưng đáng thương hại là chính mình không hay biết rằng mình đang bị Lửa Tam Ðộc thiêu đốt. Nhưng bạch Ngài, chỉ riêng chư Ðại đức là các bực xa lánh hồng trần nên thu thúc dễ dàng còn chúng tôi làm gì thu thúc được như quí Ngài?

Ðáp: Ðành như lời ông nói, nhưng cũng có cách để cho ông thu thúc lần, chẳng hạn bớt coi những điều không bổ ích cho mình mà còn làm cho gia tăng phiền não, như xem các thứ hát, vì khi xem hát con người không thế nào tránh khỏi những điều làm cho tâm mình xúc động hay là thương ghét riêng, làm cho tâm mình phóng túng và quen thích mê say. Ngoài ra ông còn phải ráng xa lánh bạn ác, nói chuyện nhảm nhí vô ích vv... Khi ông làm như thế thì làm cho Lục căn của ông được trong sạch thêm lên. Người mà Lục căn không trong sạch thì giới hạnh cũng không được trong sạch. Ví như tòa nhà thật đẹp mà không có hàng rào, thiếu cái hàng rào làm cho tòa nhà mất vẻ nguy nga tráng lệ mà cũng dễ cho kẻ trộm dòm ngó và trộm cắp được dễ dàng, khó giữ được sự hao mòn hư hại. Người có giới cũng như tòa lầu ấy; không có thu thúc cũng như không có hàng rào. Kẻ trộm đây ví như các cảnh trần bên ngoài thâm nhập vào trộm các Thiện pháp của ta hết. Vì vậy dầu là người Cư sĩ nhưng cũng cần phải thu thúc Lục căn.

Vấn: Bạch Ngài, những gì Ngài đã dạy, tôi thấy tôi đã thông cảm được. Nhưng xin Ngài dạy phương pháp nào tiêu trừ được chất nóng ấy?

Ðáp: Nó là chất lửa không ngọn thì mình nên dập tắt nó bằng nước không nguồn.

Vấn: Bạch Ngài, xin Ngài vui lòng dạy cho, chớ Ngài bảo thế thì tôi không đủ trí tuệ để hiểu nổi.

Ðáp: Nước không nguồn là một thứ nước không ai tìm ra, ngoại trừ đức Chánh đẳng Chánh giác tìm thấy dưới cội Bồ đề, nước ấy là thu thúc Lục căn cho thanh tịnh. Lục căn thanh tịnh là nguyên nhân làm cho Giới thanh tịnh, Giới thanh tịnh là nguyên nhân làm cho Tâm thanh tịnh, Tâm thanh tịnh thì Thiền định lại phát sanh, Thiền định phát sanh thì Trí tuệ lại sanh. Tuệ là nguyên nhân hay nói cho đúng là lưỡi gươm rất bén đoạn tuyệt được phiền não. Ðó là nước không nguồn để dập tắt lửa không ngọn.

Vấn: Bạch Ngài, đành rằng phải thu thúc, nhưng một khi hơ hỏng để Ngũ trần thâm nhập vào tâm rồi, thì hành giả phải làm sao?

Ðáp: Ðức Phật dạy, khi ấy phải ráng dùng Trí tuệ quan sát cho thấy rõ điều đã thâm nhập vào tâm ta là Vô thường, Khổ não và Vô ngã. Chúng ta bị luân hồi là vì chúng ta hằng cho rằng: Ngũ căn này là của ta, mà Ngũ trần cũng là của ta, nên khi được nó thì vui, còn khi mất nó thì buồn; khi được nó, lại sợ mất, chỉ lo giữ thì càng khổ hơn nữa. Khi mất nó có hai cái khổ khác nhau là: Ðiều thứ nhứt vì bị kẻ khác chiếm mất, hay là bị hư hoại vì thời gian, không gian; điều thứ hai là khi ta còn đang thỏa thích với vật ấy mà ta lại phải bỏ, vì bị bắt buộc, hay là ta chết bỏ nó lại. Những điều kể trên ta phải bị một điều nào, không sao khỏi. Ta không còn có phương pháp nào giữ những vật mà ta thương yêu quí mến ở lại với ta được. Khi suy nghĩ thấy thế mới có thể chận đứng và tiêu trừ được điều mà đã thâm nhập vào Tâm ta. Người mà diệt trừ được các điều ấy là nhờ có Minh, Sát, Tuệ.

Vấn: Bạch Ngài, khi suy nghĩ như thế thì mình thấy chán với cõi đời ô tục này thật, tôi chỉ nghe Ngài dạy mà tôi nhận thấy nếu tôi biết suy nghĩ như thế này từ xưa, thì chắc ít có oan trái, oán thù và tội lỗi. Bạch Ngài, có chỗ này tôi cần hỏi và xin Ngài tha tội. Nếu các bực tu hành quán tưởng thấy rõ là thân này là Vô thường, Khổ não và Vô ngã, tại sao các Ngài vẫn còn vui sống với nó, vậy tại sao không uống thuốc độc chết đi cho rồi để khỏi phải khổ? Vì khi còn mang cái thân này ngày nào thì còn khổ ngày ấy.

Ðáp: Ông hỏi nghe cũng có lý thật, nhưng trái lại, tôi còn có một ý nghĩ khác cũng lạ, xin hỏi lại ông: Có khi nào ông bị ghẻ không?

Vấn: Tưởng bịnh chi chớ bịnh ấy thì tôi thường có, đây tôi đang băng nó đây. Bạch Ngài, Ngài hỏi chi vậy?

Ðáp: Vậy coi bộ ông thương mụt ghẻ ấy quá, phải không?

Vấn: Bạch Ngài, thương làm sao được mà thương, nó hành đau nhức ăn không ngon, ngủ không yên, mà lại còn hôi hám khó chịu quá.

Ðáp: Vậy mà tôi tưởng ông thương nó lắm chớ. Nếu ông không thương nó tại sao ông phải luống công chăm nom rửa ráy, băng bó, thuốc men cho nó luôn luôn không ngớt?

Vấn: Bạch Ngài, sự thật tôi không thương nó chút nào hết, nhưng tôi phải chăm nom nó cho mau lành đặng tránh khỏi sự đau nhức do nó hành; kỳ thật thì không phải một mình tôi, mà ai ai cũng đều ghê tởm và kinh sợ nó.

Ðáp: Các bực hành giả cũng vậy, vị nào cũng đều chán sợ xác thân này lắm, cũng như ông ghê sợ mụt ghẻ kia vậy. Vì xác thân này làm cho chúng ta đau khổ khó chịu vô cùng, nhưng cũng phải ráng lo chăm nom nó, cũng như chính ông chăm nom mụt ghẻ kia vậy.

Vấn: Bạch Ngài, Ngài chỉ dùng những thí dụ rất thực tế làm cho dễ hiểu được những cái khó khăn. Bạch Ngài, trong kinh có chỗ dạy cha, mẹ, chư Phật, chư Thinh Văn đệ tử Phật, chồng, đều là lửa. Bạch Ngài, tại sao các bậc ấy đều là lửa? Nếu nói các bậc ấy là lửa, vậy ta phải đốt lửa lên thờ như Bà La Môn vậy sao?

Ðáp: Lửa đây đức Thế Tôn ngụ ý khác, chớ không phải lửa giết người như ông nghĩ. Lửa có hại, mà cũng có lợi: Nếu người biết dùng lửa đem nấu cơm hay hơ ấm trong mùa giá rét, hoặc đốt cho sáng trong nhà, thì lửa có lợi; bằng ta dùng lửa đốt nhà thì lửa rất có hại. Vì vậy nên đức Thế Tôn ví các bậc ấy với lửa. Vậy người nào biết dùng lửa, tức là biết cung phụng, kính nể, vâng lời các bậc ấy, thì sẽ được kết quả lợi ích lâu dài. Bằng khinh bỉ, chưởi mắng, chê bai thì bị tội lỗi, như tự đem lửa thiêu lấy mình hay đốt nhà mình.

Vấn: Bạch Ngài, các bậc hữu ân như Cha, Mẹ, Phật, chư Thánh nhơn là các bậc có công đức cao dầy, đáng cho chúng ta lễ bái cúng dường đã đành tôi không dám cãi, nhưng chồng mà cũng coi như là các đấng kể trên thì đáng thương hại cho hàng phụ nữ bao giờ cũng bị thiệt thòi quá. Như vậy thật là bất công. Xin Ngài giải rõ coi có ẩn ý gì trong ấy không?

Ðáp: Phàm người chồng, đúng theo lời Phật dạy, không phải là con người say sưa, cờ bạc hành hạ vợ như kẻ tôi đòi, hoặc xem vợ như cái máy để đẻ con nối dòng cho họ như ta đã thấy nhiều trong đời này đâu. Bổn phận của một người chồng khuôn mẫu, bao giờ đối vợ cũng như là một người anh đối với người em gái, như người cha đối với người con, như người bạn tâm giao hay là bạn lành bao giờ cũng thủ lễ không dám làm phiền lòng nhau. Theo trong bài kinh SINGÀLOVADASUTTA (ta dịch là Lễ Bái Lục Phương). Ðức Phật có dạy rằng ông chồng, người tại gia cư sĩ còn trong gia đình phải có tư cách tốt đối với vợ hiền, làm cho đáng mặt người mà vợ kính nể, thương yêu, quí mến, vâng lời. Ðức Thế Tôn dạy người chồng ấy phải có đủ năm yếu pháp là:

1/ SAMMÀNANÀYA, thương mến vợ và luôn luôn nói lời dịu ngọt. Ý nói phàm người chồng đứng đắn, mặc dầu đã ăn ở với nhau đến răng long đầu bạc, cũng luôn luôn lễ phép với vợ như lúc ban sơ. Mặc dầu vợ có làm gì sái ý nghịch lòng, người chồng cũng dùng lời dịu ngọt khuyên răn, chớ không dùng lời thô lỗ, cộc cằn chưởi mắng.

2/ AVIMANÀNAYA, không hà hiếp và khinh bỉ vợ. Ông chồng đúng đắn không bao giờ dùng quyền thế hà hiếp vợ, khinh bỉ vợ khi biết vợ nhà thiếu một điều nào trong Công, Dung, Ngôn, Hạnh.

3/ ANATICARIYÀYA, không ngoại tình. Ông chồng đúng đắn luôn luôn giữ một lòng thương vợ, không bao giờ ngoại tình. Ðây là một điều trong ngũ giới cấm. Một số lớn gia đình bị tan rã cũng vì thiếu điều này.

4/ ISSARIYAVASSAGGENA, giao chủ quyền trong gia đình cho vợ. Vì sanh sống theo quan trường hay là trên đường thương mãi, ông chồng không có đủ thì giờ trông lo việc gia đình, nên giao chủ quyền ấy cho vợ. Chẳng những vậy, khi vấp phải vấn đề gì khó giải quyết, chồng nên đem ra bàn với vợ, ví dầu biết rằng vợ nhà không giúp được, nhưng đây là phương pháp làm cho vợ vui lòng. Làm như vậy, chồng cho vợ mặc nhiên cảm thấy rằng mình cũng là người quan trọng trong việc làm ăn và trong gia đình, khi ấy vợ lại càng hết lòng lo cho gia đình. Hơn nữa, vợ nhận thấy bằng chứng được chồng tin cậy. Nếu vợ chồng không thật lòng với nhau thì sẽ đi tới chỗ tai hại.

5/ ALANKÀRANUPPADÀNENA, cho những vật trang sức. Nếu nói là phải cho hằng ngày hằng tháng thì của đâu cho đủ mà cho. Ðây ý nói rằng: Tùy thời mà cho. Theo ý tôi thì cho trong ngày lễ sinh nhựt của vợ hay một ngày lễ nào của gia đình. Cho như thế để tỏ ra người chồng mặc dầu phải lo làm ăn, nhưng cũng không quên người vợ duy nhứt và bao giờ cũng hết lòng săn sóc, chăm nom.

Lẽ cố nhiên, người đàn ông nào có đủ đức tánh này, thì bà vợ phải kiêng nể, kính vì, không nghi kỵ, thì trong gia đình mới được đầm ấm, an vui.

Riêng phần bà vợ, khi ông chồng có đủ các đức tánh kể trên, bổn phận làm vợ phải cư xử hoàn toàn như người em gái đối với người anh hay là người con đối với cha luôn luôn kính nể và lễ phép.

Ðức Phật dạy người vợ hiền luôn phải có đủ năm pháp là:

1/ SUSAMVIHITAKAMMANTÀ, lo sắp đặt việc gia đình cho có thứ tự. Người vợ là người quan trọng nhứt trong gia đình, tiếng Phạn gọi là MÀTUGÀMA nghĩa là Mẹ của gia đình. Khi có khách đến trông thấy nhà cửa sạch sẽ, chưng dọn vén khéo, người ta có thể đoán rằng: Bà nội trợ trong gia đình này là hạng người nào. Vì vậy bổn phận làm vợ phải lo cho nhà cửa được thứ tự, sạch sẽ, làm thế là làm cho chồng nở mặt với bạn bè.

2/ SUSANGAHITAPARIJANÀ, tiếp đãi và giúp đỡ quyến thuộc của chồng như của mình. Nghĩa là hết lòng cung kính cha mẹ chồng, tiếp đãi quyến thuộc của chồng cũng như của mình, không tỏ vẻ buồn giận hay lợt lạt. Người vợ hiền, là người biết yêu kính chồng và không có tánh rầy con, quở tớ, chưởi chó, mắng mèo.

3/ SAMBHATANCA ANURAKKHATI, biết gìn giữ của cải mà chồng đã giao phó cho. Ý dạy rằng: Khi được chồng giao phó làm chủ gia đình, thì tùy thời mà sử dụng tiền bạc ấy, không nên cờ bạc, không đút nhét cho quyến thuộc của mình, không chi tiêu vô ích. Nếu cần, bà nội trợ nên có một quyển sổ chi tiêu gia đình. Ðành rằng ông chồng không bắt buộc, nhưng đó là phận sự của bà nội trợ. Sự thành thật với chồng như thế là một sợi dây thiêng liêng để cột chặt Chồng, Vợ.

4/ ANÀTICARINÌ, không ngoại tình. Ðây là một giới trong năm điều răn của thiện tín thật hành.

5/ DAKKHACÀHOTIANLASÀSABBAKIC-CESU, giỏi giắn, siêng năng, không lười biếng làm việc trong gia đình. Ý nói rằng: Từ việc nhỏ tới việc lớn của gia đình, bà nội trợ không hề bỏ qua một việc nào.

Nói về sáu thứ lửa mà nơi đây tôi nói nhiều về gia đình để ông trông thấy rằng: Chồng là người đối với vợ phải có phận sự thế nào, và bà vợ hiền phải làm sao để bảo toàn được nguồn hạnh phúc của gia đình.

Vấn: Từ hồi nào tới giờ tôi không thể tưởng rằng trong Phật giáo lại dạy lối ăn ở như Ngài vừa dạy, nên tôi nghĩ chắc Phật giáo chỉ dạy cho những người xuất gia thôi. Bạch Ngài, xin Ngài vui lòng dạy cho tôi biết rằng: Tại sao trong kinh có chỗ dạy sát sanh có phước, mà trong Ngũ giới dạy sát sanh có tội?

Ðáp: Phải, người có giới mà sát sanh thì có phước; còn người không có giới mà sát sanh thì có tội.

Vấn: Bạch Ngài, tại sao lạ vậy?

Ðáp: Như tôi đã nói, lắm khi chúng ta phải dùng Trí tuệ để hiểu Phật ngôn vì khi xưa có nhiều vị trí thức hỏi đức Thế Tôn nhiều chuyện lạ, Ngài nhân cơ hội ấy đáp lại nhiều điều lạ nên làm cho chúng ta khó hiểu được lý giảng giải của Ngài. Ðức Phật dạy sát sanh có nghĩa như vầy: Người muốn tìm đường giải thoát hằng trông nom coi chừng tâm đừng cho bao giờ xao lãng, một khi thấy tâm xao động vì một ác pháp nào sanh ra, thì lập tức tiêu trừ ngay, nên gọi rằng "sát sanh " có phước vì "sát sanh " đây là giết những "Ác pháp" sanh trong tâm, chớ không phải giết người hay giết thú.

Vấn: Bạch Ngài, không biết do pháp nào mà làm cho phước thiện phát sanh?

Ðáp: Do nơi đức tin chơn chánh cũng gọi Chánh tín, là tin nơi Tam Bảo, hành theo lời Phật dạy: Bố thí, Trì giới, Tham thiền. Ðức tin là nguồn gốc sanh ra phước thiện; vì có đức tin mới làm được mọi việc lành.

Vấn: Bạch Ngài, làm sao cho ta biết rằng: người kia có đức tin và cho ta biết rằng: ta có đức tin?

Ðáp: Có ba trạng thái cho ta nhìn biết rằng có đức tin hay không. Ba điều ấy là:

1/ PASÀDASADDHÀ, làm cho tâm ta được trong sạch.
2/ PAKKHANTHASADDHÀ, tâm trong sạch và lần xa các pháp ác.
3/ PAKKHANTHALADDHANASADDHÀ, làm cho tâm tinh tấn làm phước thiện, và người có đức tin hằng mong mỏi gặp được người thông hiểu Phật pháp để được nghe giảng giải về đường giải thoát, mong gặp người có giới đức để Bố thí làm lành. Ấy là trạng thái chỉ rõ cho ta biết rằng: người hay ta có đức tin.

Vấn: Bạch Ngài, chúng ta hằng nói đến PHƯỚC, vậy chúng ta làm sao thấy Phước được?

Ðáp: THÂN, KHẨU, Ý trong sạch, thanh tịnh, yên vui, ấy là TRẠNG THÁI của PHƯỚC, vì tiếng PHƯỚC ngụ ý chỉ sự AN VUI, hoặc chỉ sự TỐT LÀNH, GIÀU SANG, hay việc MAY MẮN. Người mà Thân, Khẩu, Ý được trong sạch là người không có sự thống khổ, không bị sự rủi ro. Ðược như vậy là người có nhiều PHƯỚC.

Vấn: Bạch Ngài, nói đến phước thì ai ai cũng đều ưa thích ham muốn mà tôi không hề thấy và không biết rằng phước ấy để ở chỗ nào, xin Ngài chỉ cho.

Ðáp: Phước là pháp vô hình không ai chỉ được, nhưng tôi có thể chỉ cho ông bằng ví dụ. Nhưng trước khi chỉ cho ông rõ bằng những lời ví dụ, tôi xin ông trả lời những câu hỏi của tôi trước. Vậy tôi xin hỏi ông: Ông có biết tiếng Pháp không? Biết tiếng Lào không? Biết tiếng Việt không?

Vấn: Bạch Ngài, tôi biết những thứ tiếng ấy. Bạch Ngài, Ngài hỏi chi, có chuyện gì chăng?

Ðáp: Có chớ, vậy xin ông trả lời thêm cho tôi một câu nữa. Vậy những thứ tiếng mà ông biết ấy ông để đâu, mà tôi không thấy?

Vấn: Ngài hỏi thế thì khó chỉ quá, nếu tôi nói để trong óc, thì thế nào Ngài cũng hỏi: Các vị Bác sĩ thường mổ óc con người sao không thấy chữ và tiếng cất trong ấy? Chừng ấy càng khó trả lời với Ngài. Còn nói ở trong tâm thì chắc Ngài cũng hỏi thêm không thể đáp lời được. Tôi xin thưa thật rằng: Tôi không biết để chỗ nào, nhưng khi cần thì tôi có dùng ngay. Vậy xin chịu thua Ngài chỗ cất dành chữ, vì tôi không đủ trí hay nói rõ là không đủ phương tiện để chỉ cho Ngài thấy rõ nơi để chữ.

Ðáp: Hay là ông không biết các thứ chữ và tiếng ấy chăng?

Vấn: Biết chắc chắn vậy, bao giờ tôi lại dám dối Ngài.

Ðáp: Tôi chỉ hỏi thử ông vậy thôi, chớ nếu ông không thông những thứ chữ và tiếng ấy thì làm sao làm việc cho được. Phước mà ông muốn biết cũng thế, có thật nhưng không thể chỉ được là để chỗ nào. Ông nghĩ thêm cho kỹ coi, chữ và tiếng mà ta thường đem ra sử dụng hằng ngày mà ta còn không thể chỉ chỗ ở, hay chỗ mà ta cất để được thay, phương chi là chỗ của phước làm sao chỉ cho được. Nhưng chúng ta có thể nhận biết hay phân biệt được phước như thế này là: bao giờ Thân, Khẩu, Ý trong sạch, vui vẻ, sung sướng gọi là phước.

Vấn: Bạch Ngài, Ngài dạy vậy thì chúng tôi cũng hiểu, nhưng xin Ngài cho thêm một, hai cái ví dụ nữa cho dễ hiểu.

Ðáp: Như ông trồng một cây bưởi, ông tin chắc rằng nó sẽ có trái thì ông mới trồng, có phải vậy không?

Vấn: Bạch Ngài, phải vậy.

Ðáp: Vậy một cây bưởi mấy năm có trái?

Vấn: Bạch Ngài, tôi không hiểu rõ vì không có làm vườn, nhưng cũng ước độ ba hay bốn năm nó có trái.

Ðáp: Trong thời kỳ nó chưa có trái, vậy ông có chắc và định rằng: trái nó sẽ trổ ở chỗ nào, cành nào hay không?

Vấn: Bạch Ngài, chuyện ấy làm sao dám chắc được.

Ðáp: Trong khi nó chưa có trái, ông lại đốn nó rồi đem đi chẻ manh, chẻ mún ra để kiếm coi trái nó ở chốn nào, nhánh nào, vậy ông có thể tìm trái nó bằng cách đó được không?

Vấn: Bạch Ngài, chuyện ấy cũng không giúp cho tôi thấy và biết chỗ trái trổ được.

Ðáp: Còn như chúng ta cố công vun quén cho nó đến thời kỳ đúng sức nó, vậy nó có thể trổ trái hay không?

Vấn: Bạch Ngài, theo phương pháp sau này thì chắc có kết quả, nhưng nhiều hay ít không nhứt định được.

Ðáp: Thế là một chuyện lạ, vì khi chẻ ra kiếm không có, không thấy, còn để tới đúng sức và mùa thì lại có. Kỳ quá ông nhỉ?

Vấn: Bạch Ngài, đó cũng không chi là lạ, chỉ vì chưa tới lúc nó trổ sanh trái thôi; nếu chưa tới lúc thì làm sao chỉ chỗ được.

Ðáp: Phước cũng vậy, nếu nó chưa tới thời kỳ cho chúng ta hưởng quả thì chúng ta cũng không thể chỉ chỗ của nó ở được, mà ta cũng không biết nó ở nơi nào, dầu ta có moi trong óc, móc trong tim, cũng không tìm ra được. Ðó là một ví dụ cho ông dễ hiểu.

-ooOoo-

Vấn: Bạch Ngài, lấy chi làm bằng chứng chắc chắn rằng Phật pháp CÓ THẬT?

Ðáp: Phật pháp có thật bởi có thể căn cứ vào hai pháp: Pháp Học và Pháp Hành. Pháp học là Kinh, Luật, Luận của đức Thế Tôn đã giáo truyền, chư Tỳ khưu đang học và hành theo. Còn pháp hành là hành theo ba mươi bảy NHÂN SANH QUẢ BỒ ÐỀ.

Vấn: Bạch Ngài, hai phép học và hành để chỉ rõ và làm chứng chắc rằng có Phật pháp chắc thật. Xin Ngài cho tôi biết coi khi học vậy có hành hay không, còn khi hành có học hay không. Còn hiện giờ, Ngài ở trong pháp học hay pháp hành?

Ðáp: Trong pháp học cũng có hành, như nghiêm trì giới luật, thu thúc lục căn thanh tịnh, rồi cố tâm học cho thông hiểu Tam Tạng Pháp Bảo của đức Phật đã giáo truyền. Nhưng vì trong khi học ấy không có Tham thiền về chỉ quán hay Minh, Sát, Tuệ. Các nhà sư còn trong pháp học là vì các Ngài còn phải học cho hiểu thông mới có thể tầm lấy nơi thanh tịnh để tự hành Thiền định khỏi phải tìm thầy. Nhưng gọi là pháp học vì các Ngài không hành Thiền định, không ở nơi thanh vắng, nên người ta vẫn tưởng rằng học không, không có hành. Sự thật thì các Ngài đều có hành mà chỉ giữ giới cho trong sạch thôi.

Còn về pháp hành thì các Ngài hằng ở nơi thanh tịnh lo tham thiền nhập định, không chịu ở nơi có thiện nam, tín nữ; các Ngài chỉ tìm sự giải thoát cho cá nhân thôi. Nếu những bậc xuất gia đều lo về pháp hành hết thì ông đâu có được biết giáo pháp của đức Thế Tôn. Vì vị nào cũng tìm rừng sâu, núi thẳm để tìm hương vị của giải thoát.

Vấn: Bạch Ngài, theo Ngài dạy vậy thì tôi hay vậy, nhưng lòng tôi cũng vẫn còn nghi ngờ không biết có Phật thật hay không. Vì tôi và tất cả người hiện giờ không ai gặp đức Phật hết.

Ðáp: Ông không tin vậy cũng phải, nhưng riêng tôi thì tin chắc lắm. Nếu ông tha lỗi, tôi có một cách chỉ cho ông thấy rõ có đức Phật.

Vấn: Bạch Ngài, theo tôi tưởng thì Ngài đã hiểu tôi rồi, xin Ngài tùy tiện giải cho tôi rõ, Ngài coi tôi như là người thiện nam của Ngài.

Ðáp: Ðược vậy còn gì quý hơn, vì câu hỏi này hơi bất nhã, nên tôi phải cáo lỗi với ông trước mới dám hỏi sau. Vậy ông có trông thấy hay gặp ông Sơ của ông hay không?

Vấn: Bạch Ngài, không.

Ðáp: Một khi ông không thấy vậy ông có tin rằng ông Sơ của ông có hay không?

Vấn: Bạch Ngài, theo tôi thì tôi tin chắc rằng có.

Ðáp: Nếu ông không thấy sao ông dám chắc rằng có? Vậy có chi làm bằng chứng?

Vấn: Bởi vì nếu không có các bậc Tiền nhân thì làm sao có tôi bây giờ, mà có tôi bây giờ thì các Ngài đã có từ trước. Tuy rằng không thấy, mà tôi tin chắc rằng có, vì lý do trên.

Ðáp: Ðối với tôi và đức Phật cũng vậy, tôi tin rằng có đức Phật, vì tôi còn trông thấy Chánh Pháp của Ngài để lại là con đường đi tới nơi giải thoát. Theo tôi tưởng như các đấng Tiền nhân của ông không có để chúc ngôn hay là lời gì lại để dạy ông, mà ông còn tin rằng có thay, phương chi đức Từ phụ Thích Ca có di huấn lại dạy bảo chúng tôi đến tám muôn bốn ngàn Pháp môn là con đường đi tới nơi giải thoát, thì làm sao tôi lại không tin. Ông nghĩ có phải vậy không?

Vấn: Thật Ngài biết cách chận đón đủ mọi phương diện, tôi xin chịu. Bạch Ngài trước khi đức Phật Tổ xuất hiện trên cõi Diêm Phù Ðề này có các tôn giáo khác hay không?

Ðáp: Trong lúc chưa có đức Phật ra đời thì có các đạo khác như Bà La Môn giáo. Những chi đạo ấy cũng có chỗ đáng khen vì có thể người hành theo pháp Thiền định được sanh về cõi Sắc giới hay là Vô sắc giới. Nhưng không phải giải thoát đến Niết Bàn được.

Vấn: Ðức Thế Tôn dạy ta đến Niết Bàn bằng cách nào? Và tại sao các chi đạo khác không thể dạy cho chúng sanh đến Niết Bàn được?

Ðáp: Ðức Phật dạy cách tận diệt nguồn gốc của phiền não bằng Giới, Ðịnh, Huệ không còn một nhơ bợn nào trong tâm ta.

Còn các chi đạo khác chỉ dạy nén phiền não bằng Thiền định thôi, vì vậy phiền não chỉ bị đè bẹp trong khi người còn đàn áp được phiền não; khi mà người lơ đãng phiền não vẫn sanh lại như xưa. Các chi đạo khác chỉ dạy con người tới Minh Sát chớ không dạy được tới Chỉ Quán, vì vậy nên Phật giáo mới có một giá trị cao thượng hơn và được nhiều bậc trí thức sùng bái phụng hành.

Vấn: Bạch Ngài, theo trong Kinh dạy thì người đắc được quả của Niết Bàn rồi thì không còn là Ta, là Của Ta nữa, có phải vậy không, thưa Ngài?

Ðáp: Phải vậy.

Vấn: Bạch Ngài, bậc đã đắc A La Hán quả rồi, thì không còn tham muốn chi cả, nghĩa là đã diệt hết phiền não. Như vậy Ðại đức Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đã bảo rằng hai Ngài không tham sống mà cũng không sợ chết, mà hai Ngài chỉ sống để đợi ngày nhập Niết Bàn thôi, thì cái muốn ấy không phải là Tham ái sao?

Ðáp: Phàm Ái dục hay Tham ái là phiền não muốn những gì mà nó chưa có, như muốn tiền của vì chưa có hoặc có ít, hay muốn làm quan khi chưa được làm như thế gọi là Ái dục. Còn Niết Bàn là nơi không còn có những gì thuộc về Ái dục, nơi ấy không còn có Tài, Sắc, Lợi, Danh gì hết. Vì lẽ ấy nên người muốn đến Niết Bàn không gọi là muốn trong vòng Ái dục. Nói cho dễ nghe hơn là người đã có những gì thuộc về Ngũ trần, Lục dục mà lại bỏ đi mong tìm cái không có Ngũ trần, Lục dục nên muốn ấy không gọi là Ái dục được.

Vấn: Bạch Ngài, nếu Niết Bàn không còn chi chi nữa hết thì chỉ là không vậy sao?

Ðáp: Có Tuệ quả Phạn ngữ gọi là PHALANNÀNA sáng suốt hoàn toàn không dưới quyền sở hữu của pháp nào cả. Tôi xin ví dụ: trái dừa khô khi ta để dành lâu thì nó hư, còn đem đi trồng thì nó lại mọc lên thành cây rồi trổ quả, cứ luân chuyển như thế mãi. Người trí không muốn cho dừa ấy thúi mà cũng không muốn được trái khác nữa, thì phải làm sao? Cố nhiên phải đem đi nấu cho ra dầu, khi dừa đã thành dầu thì đem trồng cũng không mọc, mà để lâu cũng không hư. Nếu ta nói rằng: Ðó không phải là dừa không được, mà nói là dừa cũng không được. Tuệ quả kia cũng vậy, nếu ta nói rằng: Nó không có chi cả cũng không được, mà nếu nói rằng có cũng không được. Vì quả của Tuệ là hoàn toàn sáng suốt không còn phiền não xen vào được.

Vấn: Bạch Ngài, theo tôi biết thì hai tiếng Niết Bàn chắc không phải tiếng Ta hay Tàu, vậy nó là tiếng chi xin Ngài dạy cho?

Ðáp: Sự thật không phải là tiếng Việt, nhưng chúng ta nghe thường quá thành chúng ta tự biến tiếng ấy như tiếng Việt đó là tiếng âm của Nam Phạn cũng như Bắc Phạn. Tiếng Nam Phạn là NIBBÀNA, còn Bắc Phạn là NIRVANA.

Vấn: Xin Ngài vui lòng giải rõ hai tiếng ấy cho tôi hiểu lý.

Ðáp: Về Nam Phạn câu VIGAHA giải tiếng Niết Bàn rằng VÀNATONIKKHAMATÌTI NIBBÀNAM. Nghĩa là người hoàn toàn ra khỏi rừng nên gọi là NIBBÀNA, Nibbàna nghĩa là ra khỏi rừng. Chữ BÀNA đứng một mình có nghĩa như chữ VÀNA chữ BÀNA hay là VÀNA đều có nghĩa là rừng. Nếu có chữ NI đứng trước chữ BÀNA theo văn phạm của Nam Phạn thì phải thêm vào một chữ B vì vậy lại viết là NIBBÀNA. Về Bắc Phạn nếu chữ NI đứng trước VÀNA thì phải thêm vào chữ R vì vậy ta thấy thường viết là NIRVÀNA. Mặc dầu khác tiếng như vậy chớ cũng đồng một nghĩa; cũng như tiếng Việt chúng ta giữa Nam và Bắc khác nhau đôi tiếng như TRÀNG và GIÀNG vậy thôi.

NIBBÀNA hay là NIRVÀNA có nghĩa là ra khỏi rừng một cách hoàn toàn, hay nói theo tiếng ta là hoàn toàn ra khỏi rừng. Nếu giải nghĩa từng chữ thì "NI" nghĩa là Tốt: đẹp, hoàn toàn, toàn thiện, toàn mỹ, chu đáo, ráo rốt. Còn tiếng "BÀNA" nghĩa là rừng.

Vấn: Bạch Ngài, tại sao Niết Bàn lại nghĩa là hoàn toàn ra khỏi rừng. Vậy có ý nghĩa như thế nào mà đức Thế Tôn mới dạy chúng ta như thế?

Ðáp: Lẽ cố nhiên là lời Phật dạy đều có nghĩa lý rất chu đáo. Tiếng ấy có lý là: Phàm người đi trong rừng sâu hằng bị lạc, vì trong ấy có nhiều đường nhiều nẽo nhỏ, không ai có thể không lầm lẫn được; người mà bị lạc trong rừng thì không sao tránh khỏi những tai nạn kinh khủng như thú dữ, gió độc, nước độc, lại còn nạn thiếu thực phẩm v.v... Còn người ra khỏi rừng là người hoàn toàn sung sướng, không còn kinh khủng, lo âu hay là những gì mà người còn trong rừng sâu lo âu, kinh sợ nữa. Ðây tôi xin giải thêm từ chi tiết. Ðức Thế Tôn ví rừng ấy là rừng tham ái, ái dục, phiền não, những đám rừng này rất rậm và rất khó tìm đường ra được, chúng ta vì bị lạc trong ấy nên phải chịu không biết bao nhiêu kiếp và bao nhiêu khổ. Khi ta ra khỏi rừng ấy thì ta được an vui hoàn toàn. Người ra khỏi rừng phiền não đến nơi đô thị nơi ấy không bị những đe dọa những gì mà ta đã bị trong rừng, nên gọi là đến nơi an vui; đô thị ấy tạm ví như Niết Bàn là nơi không còn sự kinh sợ gì.

Vấn: Bạch Ngài, tôi đã hiểu nhưng xin Ngài vui lòng giải cho tôi biết sao gọi là lửa KHỔ, và sao gọi là lửa Phiền não?

Ðáp: Những cái khổ như là sanh, già, đau, chết, thất vọng, buồn rầu v.v... nói tóm lại những khổ não sanh lên bởi có thân Ngũ uẩn này gọi là lửa KHỔ. Còn sự tham lam, sân hận, si mê hằng làm lòng người băn khoăn lo sợ, đau khổ từng giờ, từng phút nên gọi là lửa PHIỀN NÃO.

-ooOoo-

Vấn: Bạch Ngài, sao gọi là pháp hành? Và nếu chia ra có mấy chi?

Ðáp: Pháp hành có nghĩa là sự chuyển động, tạo tác không ngừng, không dứt. Nếu chia ra pháp hành có hai chi là:

1/ UPÀDISESASANKHÀRA. Nghĩa là pháp hành hữu thức. Ý nói rằng: Pháp hành ấy có Tâm thức như người và thú.

2/ ANUPÀDISESANKHÀRA. Nghĩa là pháp hành vô thức. Ý nói những pháp hành không có thức tánh, như đất, nước v.v...

Về phương diện khác pháp hành có chia ra làm ba chi nữa là:

1/ PUNNÀBHISANKHÀRA, Pháp hành sanh lên do nhờ phước báu cấu tạo. Như do nhờ phước báu nên người hay thú được sanh vào cõi Trời. Người hành đắc được Thiền định được sanh về cõi Phạm Thiên.

2/ APUNNÀBHISANKHÀRA, Pháp hành sanh lên do quả của ác pháp cấu tạo. Nghĩa là các chúng sanh nào sanh vào bốn đường ác.

3/ ANENJÀBHISANKHÀRA, do đắc Tứ thiền sau khi chết được sanh vào cõi Phạm Thiên.

Vấn: Bạch Ngài, do nơi pháp nào pháp hành phát sanh lên? Nơi nào mới là nơi không còn có pháp hành, hay là tiêu trừ được pháp hành?

Ðáp: Có bốn nguyên nhân làm cho pháp hành sanh lên được là:

1/ AVIJJÀ, Vô minh.
2/ KAMMA, Nghiệp.
3/ TANHA, Ái dục.
4/ ÀHÀRA, Vật thực.

Chỉ có Niết Bàn là nơi không có bốn pháp kể trên nên không có pháp hành hay pháp hành đã tiêu trừ tận nguồn gốc không còn có lửa khổ.

-ooOoo-

 Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04


Chân thành cám ơn Đại đức Giác Đồng đã gửi tặng phiên bản vi tính (Bình Anson, tháng 8-2001)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 14-08-2001