KỆ NGÔN IX HẠNH PHÚC XXXI Tapa Tapa: tiếng này đã nói nhiều trong các đoạn trước, có nghĩa là thiêu đốt, nóng hoặc là lửa. Tôi xin nhắc lại rằng tiếng Tapa là tiếng đã có trước khi Đức Thế Tôn thành đạo, là một tiếng cổ của đạo Bà la môn thường dùng. Về sau, Đức Thế Tôn truyền bá giáo pháp lại dùng tiếng Tapa mà theo ý nghĩa khác hơn, để chỉ sự hành động khác hơn xa. Vì vậy tôi tưởng nên giải rõ thế nào là Bà la môn giáo, thế nào là Phật giáo. Bà la môn giáo là một tôn giáo có lẫn với giáo pháp cổ truyền của người trong cõi Diêm Phù. Bà la môn giáo thịnh hành về miền Bắc cõi Diêm Phù là từ sông Gangā và Bārānasī lên miền Bắc, Bà la môn giáo thuộc về đa thần giáo. Bà la môn giáo tin rằng thế gian mà chúng sanh có đây là do nơi Phạm thiên tạo ra, và phải đặt dưới quyền điều khiển của Phạm thiên. Tín đồ muốn cho Phạm thiên sửa đổi định mạng của mình, thì phải có phương pháp cúng dường và cầu khẩn do các thầy Bà la môn chủ trương cầu với Phạm thiên. Sau này có Phật giáo, truyền bá rất nhanh và rất mạnh trong dân chúng, số tín đồ theo Phật giáo càng ngày càng nhiều không kể xiết. Bà la môn giáo lại đổi lại là Hindu. Hindu giáo trộm lấy Phật ngôn đem về dạy tín đồ của mình. Tín đồ Phật giáo là một số của Bà la môn giáo. Vì vậy nên khi cần giảng giải giáo pháp, Đức Phật lại dùng ngay tiếng của Bà la môn để dạy, một là tiện cho người thời ấy hiểu, hai là chỉ cho thấy sự khác biệt của triết lý hai tôn giáo, như tiếng Yanna, Hindu giáo dạy ý là giết thú để cúng dường cho Phạm thiên, nhưng trái lại, Phật giáo dùng tiếng Yanna với nghĩa là bố thí; tiếng Brahma (Phạm thiên) trong Hindu giáo là vị chúa tể tạo ra vũ trụ và chúng sanh, nhưng theo Phật giáo, là cha mẹ, tiếng Brahma trong Hindu giáo chỉ là người hiểu thông kinh luật của Hindu, nhưng trong Phật giáo, là người diệt trừ phiền não. Còn rất nhiều tiếng như thế nhưng xin miễn giải. Nhờ Đức Thế Tôn đem những tiếng ấy lại dùng và chỉ cho thấy ý nghĩa khác nhau, nên rất nhiều người trí thức ở Bà la môn giáo nhận thấy lẽ phải, nên trở theo giáo pháp của Đức Phật. Tiếng Tapa của Bà la môn giáo chỉ 16 điều là: 1. Gabbhā Dhāna: sự mang thai bào, ý nói khi có thai người mẹ phải cho người trong gia đình biết và có cách thức cúng và hành theo phương pháp của Hindu. 2. Punnusavan: cách thức rước hồn của đứa trẻ vào thai. 3. Sīmātayan: cách thức chia tóc của người có thai ra có giới hạn, nghĩa là cách thức chải đầu của người có thai. 4. Jātakarasa: cách thức sanh. 5. Nāmakarana: cách thức đặt tên. 6. Annaparana: cách thức đút cơm. 7. Cudakarana: cách thức để tóc. 8. Kannābeda: cách thức xỏ tai. 9. Bijārambha: cách thức bắt đầu học văn chương hay nghề. 10. Yannoparita: cách thức cầm chỉ để làm lễ. 11. Bedarambha: cách thức học kinh Phệ đà. 12. Samāpatti: cách thức làm lễ khi học xong. 13. Samañvantana: cách thức khi học xong rồi về nhà. 14. Bibah: cách thức làm lễ khi đính hôn. 15. Banaparāsa: cách thức hành Tapa. 16. Sanyāsi: cách thức xuất gia. Trong 16 điều này, điều thứ 10 không phải là phận sự của người phụ nữ và điều 16 tùy ý người hành theo. Ta thấy 16 điều này đi từng bậc một. Pháp Hạnh phúc của Phật giáo cũng hành từng giai đoạn một. Hindu giáo dạy hành Tapa rằng đợi đến đúng ngọ, hành giả ngồi giữa trời rồi đốt lửa xung quanh mình, mới lần đầu thì lửa để xa hành giả chừng một sải tay, sau càng ngày càng đem lại gần. Hành giả học tham thiền thế nào đạt đến một mức độ không còn thấy cảm xúc với sự nóng. Hành Tapa như vậy Bà la môn giáo gọi là đốt phiền não. Theo lịch sử Phật pháp, thì Đức Từ Phụ của chúng ta khi chưa đắc đạo, nghĩa là trong vòng sáu năm khổ hạnh, Ngài cũng thực hành Tapa theo thể thức của Bà la môn giáo. Sau này, Ngài mới thấy Chánh đạo. Sau khi thành đạo được 9 tháng, Ngài thuyết câu này tại Vương Xá Thành: "Sự tinh tấn nhẫn nại là pháp cao quí nhất của Tapa". Trong câu này, Đức Phật dùng tiếng Tapa theo Phật giáo, chỉ pháp nhẫn nại, chớ không theo quan niệm của Bà la môn, là hơ hay thiêu phiền não. Muốn giải rõ Tapa tôi xin chia ra làm hai phần: định nghĩa tiếng Tapa và cách hành Tapa. Tapa có nghĩa là làm cho nóng, như nấu nước uống. Phạn ngữ là Udakam Tapati: nóng lòng, Paccā taya ti dukaram: sự hành động tội lỗi nóng lòng (ăn năn) về sau. Ta có thể định nghĩa tiếng Tapa là hơ, nướng, nấu, nung, thiêu đốt. Theo Phật pháp, Tapa ngụ ý chỉ sự làm cho nóng, nhưng làm cho nóng những phiền não trong tâm ta, vì những phiền não ấy thường nhiễu nhương tâm ta, không để tâm ta yên tịnh nên ta phải đốt nó. Sự nhẫn nại là một pháp Tapa. Có câu Phật ngôn dạy: Khanti tapo tapassino, nghĩa là nhẫn nại là Tapa của người hành tinh tấn. Giới là một pháp Tapa. Trong Túc sanh truyện Somasaka có nói rằng ta sẽ dứt bỏ những trần dục bằng Tapa, ý nói sự trì giới không cho phạm. Bát quan trai giới là Tapa, vì bát quan trai giới là pháp ngăn ngừa không cho ác pháp sanh trong tâm và đánh đuổi ác pháp ấy ra khỏi tâm. Có 3 pháp quan trọng: - Yonisomanasikāra: dùng trí nhớ và trí tuệ quan sát tâm. - Virya: tinh tấn. - Indriyasamvara: sự thu thúc lục căn. 1. Dùng trí nhớ và trí tuệ quan sát tâm: Bất cứ trường hợp nào, đời hay đạo, ta cũng cần phải có trí nhớ và trí tuệ để quan sát chuyện làm càn và làm bướng. Trí nhớ và trí tuệ quan sát tâm là một pháp Tapa có thể diệt trừ được các ác pháp trong tâm và ngăn ngừa không cho các phiền não bên ngoài xâm nhập vào. Đức Thế Tôn biết tâm chúng sinh hằng chạy theo trần, nên làm nô lệ cho phiền não, nên ngài dạy phải dùng trí nhớ và trí tuệ quan sát tâm. Em của Đại đức Xá Lợi Phất là người có đủ trí nhớ và trí tuệ quan sát tâm, nên giải thoát được. Khi xuất gia, Đại đức Xá Lợi Phất còn có một người em trai và một cô em gái ở nhà. Mẹ ngài là người tà kiến, không tin theo Phật giáo, nên ngài mới yêu cầu chư Tăng, khi nào thấy em trai ngài có xin xuất gia, thì cứ tự tiện cho, không cần có sự ưng thuận của mẹ ngài. Bà mẹ thấy con trai trưởng của bà là Đức Xá Lợi Phất xuất gia, bà sợ con trai út cũng xuất gia theo anh, nên bà lo cưới vợ cho con. Ngày rước dâu, theo phong tục người thời ấy, thì phải chọn một người rất già mà còn đủ vợ chồng đến xối nước trên tay của cặp tân hôn, nên trong họ chọn được bà ngoại của cô dâu là người có đủ điều kiện. Khi làm lễ, bà ngoại vợ đến nắm tay cặp tân hôn rồi xối nước và nói rằng: "Bà cầu chúc cho hai cháu được như bà hôm nay" (ý nói rằng bà cầu xin hai cháu ăn ở với nhau cho đến răng long tóc bạc như bà đây vậy). Em của Đức Xá Lợi Phất nhìn vợ thì thật là đẹp, khi xoay qua trông thấy bà ngoại vợ già, miệng móm, da nhăn tóc bạc, coi thật xấu. Ông mới thầm nghĩ rằng: "Bà ngoại vợ ta khi còn trẻ cũng đẹp như vợ ta hôm nay, sắc đẹp ấy không còn nữa phải chịu số phận như thế. Vậy sắc đẹp đâu còn tồn tại mãi được, trên đời này không có chi trường tồn bền vững. Khi mà sắc đẹp của vợ ta phai lợt với thời gian, thì còn thú vị gì nữa? Thảo nào mà anh của ta đi tìm đường giải thoát". Suy nghĩ đến đó, chàng phát tâm chán mùi tục lụy, ý chàng muốn xuất gia theo gương của anh. Chang mới nghĩ ra được một kế. Trên đường đi rước dâu, chàng giả bộ đau bụng, cứ đòi xuống đi sông mãi. Nhiều lần như vậy, bà mẹ tưởng con mình bị kiết lỵ, nên không để ý, để cho chàng tự do và cho xe rước dâu về trước, để chàng đi sau. Dịp may đã đến, chàng bèn thẳng vào chùa ở gần, xin chư Tăng cho xuất gia. Chư Tăng hỏi: "Ngươi có được phép của cha mẹ cho xuất gia chăng?" - Bạch Đại đức, không! Chư Tăng không dám cho xuất gia. Đức Thế Tôn cấm không cho người xuất gia trong khi cha mẹ không cho phép. Khi đã hết sức yêu cầu, mà chư Tăng không bằng lòng cho xuất gia, chàng mới la to rằng: "Bớ người ta! Ăn cướp đồ tôi đây!". Chư Tăng lấy làm lạ hỏi rằng: "Gã kia! Ngươi đã điên rồi chăng? Tại sao ở giữa Tăng chúng mà ngươi lại la lên như thế? Ai cướp của ngươi?" - Bạch chư Tăng, trong vòng sanh tử luân hồi đệ tử đã bị Ma vương cướp lấy duyên lành của đệ tử rất nhiều rồi; và hơn nữa tử thần đã lấy sanh mạng của đệ tử cũng nhiều rồi và rồi đây tử thần sẽ cướp lấy sanh mạng này đi thì làm sao gặp được chân lý của Phật? Chư Tăng nghe nói có lý mới hỏi: "Ngươi là con của ai?" - Bạch chư Đại đức, đệ tử là em của ngài Xá Lợi Phất. Chư Tăng mới sực nhớ đến lời của Đức Xá Lợi Phất nên cho phép người em của ngài xuất gia, rồi về sau, em ngài Xá Lợi Phất đắc quả A La Hán. Nhắc lại tích này để quí vị thấy rằng, trong lúc đám cưới ngài đã trông thấy sự thay đổi của thân này, dùng trí tuệ quan sát thấy vô thường, khổ não, và vô ngã, bỏ sự nghiệp giàu sang và vợ đẹp mà xin xuất gia. Nhờ vậy mà đắc được quả A La Hán. Trí nhớ và trí tuệ có quả báo cao thượng vô cùng vô tận như thế, vậy ta nên áp dụng trí tuệ trong mỗi trường hợp dù trong chuyện rất nhỏ. Có vậy, ta mới tránh khỏi tai nạn và tội lỗi, mà đó cũng là nguyên nhân làm cho ta đắc đạo quả. 2. Tinh tấn: trong bộ kinh Anguttaranikāya, Đức Thế Tôn có dạy rằng: "Sự cố gắng tiêu trừ tất cả sự lười biếng gọi là Tapa". Vì nhờ sự cố gắng ấy mới tiêu trừ sự lười biếng và đắc được minh sát tuệ, Đạo quả và Niết Bàn. Người đời cũng vì lười biếng mà không tu hành tinh tấn. Ta nên nhớ việc gì ta làm chưa xong là món nợ chưa trả hết. Trong bộ kinh ấy Đức Thế Tôn dạy thêm rằng: "Không bao giờ Như Lai giải đãi, vì Như Lai nghĩ rằng mặc dù máu, thịt của ta khô đi, chỉ còn da gân và xương, ta cũng chẳng màng, nếu ta chưa được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác bằng sự tinh tấn". "Này các thầy Tỳ khưu, Như Lai đắc được tuệ giác vì sự không dễ duôi. Pháp an vui tuyệt đối là sự giải thoát khỏi luân hồi. Như Lai đắc bằng sự không dễ duôi. Này các thầy Tỳ khưu, các thầy nên gắng tinh tấn, đừng thối chuyển, nên cố phát nguyện rằng máu thịt của ta có khô cũng chẳng màng, bao giờ ta không đến nơi giải thoát hoàn toàn bằng sự tinh tấn của người nam, thì ta không thối chuyển. "Này các thầy Tỳ khưu, trong thời gian không lâu, các thầy sẽ đắc quả an vui tuyệt đối, sẽ đến nơi cùng tột của Phạm hạnh. Vì lẽ ấy các thầy nên học nằm lòng rằng: chúngta là người có sự cố tinh tấn không giải đãi, ta phát nguyện rằng dù máu thịt ...v.v... Chú giải bài kinh Caturangaviriya giải thích Đức Thế Tôn dạy câu này ngụ ý rằng khi Như Lai chưa đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Như Lai cố hành theo pháp tinh tấn, không hề thối chuyển dù thân này có tiều tụy, còn da bọc xương mà không đắc đạo quả cũng không bỏ sự tinh tấn diệt trừ phiền não. Nhờ vậy mà dưới cội cây bồ đề, Như Lai thắng Ma vương, diệt tận gốc phiền não. Vậy, chúng ta không nên thối chí ngã lòng, nên cố gắng cho đến hơi thở cuối cùng, như thầy Tỳ khưu trẻ trong sự tích sau đây. Có một thầy Tỳ khưu trẻ tuổi, học thiền định ngay với Đức Thế Tôn. Ông vào rừng cố hết sức tham thiền ba tháng không hề dám giải đãi, nhưng không kết quả chi cả. Ông mới nghĩ đến lời của Đức Thế Tôn dạy và cho rằng mình là một trong bốn hạng người không thể đắc quả trong kiếp này, vậy thì ở rừng rất là vô ích, nên ông trở về chiêm ngưỡng tôn nhan của Đức Từ Phụ và nghe pháp ở chùa Kỳ Viên. Có nhiều vị Tỳ khưu biết thầy Tỳ khưu trẻ tuổi ấy chán nản sự hành đạo, nên mới vào Phật và bạch chuyện ấy. Đức Thế Tôn mới dạy Tỳ khưu trẻ tuổi ấy rằng: "Thầy Tỳ khưu, thầy là người xuất gia theo giáo lý của Như Lai, là con đường giải thoát, sao ngươi không làm ra con người để kẻ khác nhận biết người tri túc, ít tham vọng, người thanh tịnh, người không chung đụng với thiện tín, là vị Tỳ khưu có nhiều tinh tấn? "Kiếp trước rất nhiều ngươi nhờ sự cương quyết tinh tấn của một mình ngươi, mà được uống nước trong khi ở giữa bãi sa mạc. Tại sao bây giờ ngươi lại thối chuyển bỏ tinh tấn?" Khi ấy có nhiều vị Tỳ khưu muốn hiểu rõ chuyện quá khứ, nên cầu xin Đức Thế Tôn thuyết Túc sanh truyện ấy cho nghe. Lúc quá khứ, có một đoàn người đi buôn bằng xe, có 5 trăm cỗ xe đi bán tại xứ Bārānasī, phải đi qua một bãi sa mạc 60 do tuần (một do tuần là 16 kilômét). Vì vậy nên những người đi qua bãi sa mạc phải chuẩn bị đủ nước, gạo, cỏ v.v... cho đủ dùng. Họ đi ngang qua sa mạc chỉ đi ban đêm, nên người dẫn đường hay mỏi mệt. Khi đoàn xe ấy đi được 59 do tuần, người hướng đạo hay dạy phải bỏ bớt đồ cần thiết để nhẹ xe, cho đỡ khổ bò. Vì đi đường nhiều đêm, người hướng đạo mỏi mệt ngủ quên, xe lại đi về chỗ cũ, khi xem sao mới biết là đi lạc, thì tình thế không còn cứu vãn được nữa, đành ngừng xe nghỉ. Vật tối cần cho người đi trong sa mạc là nước uống, mà lúc đó đoàn đã hết nước rồi. Người hướng đạo mới lo đi tìm nước. Đi cả ngày mới thấy có nơi nọ có cỏ mọc được; mới nghĩ rằng thế nào ở dưới chỗ đó cũng có nước nên cỏ mới mọc được, liền gọi đoàn người đến đào. Khi đào chỗ ấy sâu đến 60 hắc tay, mà không có nước, ai ai cũng ngã lòng. Người hướng đạo xem thấy phía dưới có một tảng đá to, y kê tai nghe có tiếng nước chảy, y mới gọi người phụ của y đến bảo rằng: "Này con, một khi mà ta bỏ sự trì chí, thì cả đoàn đều chết khát, vậy con lấy khúc sắt này xuống đập cho bể tảng đá ấy, tức thì có nước". Người phu ấy vâng lời xuống đập bể tảng đá, tức thì thấy quả có một môi nước to bằng thân cây thốt nốt, nhờ đó mà cả đoàn khỏi bị chết khát. Khi nhắc tích này xong, Đức Thế Tôn thuyết rằng: "Những người không nản chí đào giếng giữa sa mạc, cũng như các bậc trí thức kiên chí, không lười biếng, không dễ duôi, sẽ được sự tĩnh lặng". Đức Thế Tôn thuyết thêm pháp Tứ Đế. Vị Tỳ khưu ấy quán niệm về minh sát tuệ, đắc quả A La Hán. Đức Phật mới dạy rằng người hướng đạo ấy là Như Lai, còn người đập tảng đá ấy chính là thầy Tỳ khưu trẻ tuổi ấy. Tapa là sự tinh tấn đem lại hạnh phúc như đã trình bày trên. 3. Thu thúc lục căn (Indryasamvara): Chú giải bộ kinh Mangalasutta có giải rằng thu thúc lục căn gọi là Tapa, vì Tapa là pháp thiêu hủy các ác pháp như tham lam, sân hận, si mê. Hơn nữa Tapa có nghĩa tổng quát là ngăn ngừa, tiêu trừ các pháp ác. Sự để trí nhớ không cho tâm phóng túng theo cảnh trần gọi là thu thúc, vì thu thúc có nghĩa là chặn đứng (không cho lục căn tiếp xúc với tục trần). Biết chặn đứng không cho lục căn tiếp xúc với lục trần gọi là thiêu hủy các pháp ác. Đức Thế Tôn biết khi lục căn không thu thúc bị trần cảnh xâm chiếm, thì phiền não phát sanh, thì đạo hạnh phải bị hư hoại, như sự tích vị đạo sĩ sau đây: Thời quá khứ có một vị đạo sĩ tên Lomassa-kassapa là tiền thân của Đức Phật. Ngài hành đạo tại rừng Tuyết Lãnh. Vì sự hành Tapa của ngài rất là tinh tấn, nên sức nóng xông lên đến Đức Đế Thích. Đức Đế Thích lấy làm lạ không biết vì nguyên nhân nào, ngài xem lại mới biết rằng có vị đạo sĩ hành Tapa. Ngài mới nghĩ phương pháp để chặn đứng sự hành Tapa của vị đạo sĩ ấy. Đêm khuya lại, ngài mới hiện đến long sàn của đức vua, phát hào quang sáng rực và gọi đức vua bảo rằng: "Đại vương hãy tỉnh dậy, trẫm đây là Đế Thích, đến mách cho đại vương biết rằng nếu đại vương muốn là chúa tể cả cõi Diêm Phù này thì hãy giao công chúa cho vị quốc sư Seyyaha, bảo đem đến rừng Tuyết Lãnh cám dỗ cho được ông đạo sĩ tên Lomassakassapa. Rồi đại vương nhờ đạo sĩ ấy giết thú tế thần lửa, nhờ quả ấy đại vương sẽ không già, đau và chết, cũng như Thiên Vương Đế Thích, và làm chúa cõi Diêm Phù Đề". (Chúng ta thấy hành vi của Đức Đế Thích dường như thật ác, nhưng kỳ thật, ngài biết rằng đã là Bồ tát bởi sự hành đạo, vì sự hành đạo của ngài làm nóng nảy đến Đế Thích, bởi Đế Thích kém đức hạnh hơn). Sáng ngày, lâm triều đức vua thực hành theo lời của Đế Thích. Vị quốc sư đem công chứa Candadevī đến trêu ghẹo đạo sĩ. Vì không thu thúc, nên vị đạo sĩ bị sắc đẹp của công chúa làm lung lạc, bằng lòng theo quốc sư về thành làm lễ tế thần lửa. Người trong xứ tựu đến xem rất đông. Dân chúng thấy vị đạo sĩ mình còn mặc đồ đạo sĩ mà đi sát sanh, nên những người ấy mới la lên rằng: "Ông đạo sĩ, ông làm chuyện không hợp lẽ đạo". Rồi họ mới nói câu kệ: Balam cando balamsuriyo Balam samana brahmanā Balam velāsamuddassa Balāti balāti balamitthiyo. Nghĩa là mặt trăng có sức mạnh (làm cho sáng bầu trời ban đêm), mặt trời có sức mạnh. Sa môn và Bà la môn cũng có sức mạnh (là nhẫn nại). Nhưng chỉ có hàng phụ nữ có sức mạnh hơn tất cả các sức mạnh khác. Vì công chúa Candadevī cám dỗ được vị đạo sĩ Lomassakassapa là người đắc được pháp Tapa, phải về làm lễ tế thần lửa. Ý câu này nói rằng những sức mạnh nào trên thế gian này, cũng không bằng sức mạnh của phụ nữ các bậc xuất gia hành Tapa đến đỗi làm cho Thiên Vương Đế Thích nóng nảy, mà vẫn còn bị cám dỗ vì sắc đẹp. Vì vậy các bậc trí thức nên biết rằng chỉ có sắc đẹp của phụ nữ là mạnh nhất. Trong lúc người ta la như thế, vị đạo sĩ ấy đưa cây đao lên toan chặt đầu tượng để tế thần. Trước cái chết ấy, tượng kinh sợ rống lên, kế đó những loại thú khác cũng rống la vang rền. Vị đạo sĩ nghe tiếng la rống của thú và tiếng than khóc của người, làm cho ông có thoạt nghĩ: "Chúng sanh đều kinh sợ chết, mà tự ta giết hằng bao nhiêu người để đổi lấy hạnh phúc của dục tình, mình ta thật là đáng thẹn với các bậc trí thức". Ông lại tự dạy lấy mình rằng: "Việc làm của ngươi thật là đê tiện". Ông liền bỏ dao xuống, rồi ông niệm lại đề mục của ông, như khi còn ở rừng, ông đắc tứ thiền lại như trước. Ông liền bay lên hư không, dạy nhà vua hãy bỏ sự cúng dường không hợp theo lẽ đạo và nên phóng sanh. Nhà vua trông thấy sự phi thường như thế, liền vâng lời hành theo lời răn dạy của vị đạo sĩ. Tích này chỉ cho ta thấy rằng nếu vị đạo sĩ ấy thu thúc lục căn, không nhìn sắc đẹp của công chứa, thì không phải chịu chỉ trích của dân chúng và sự hối hận. Vì vậy, trong bộ Chú giải Sabbavasutta có dạy người tu hành phải biết thu thúc lục căn và có trí nhớ quan sát tâm trong mọi trường hợp. Một khi thiếu trí nhớ, không thu thúc lục căn thì thật là khó sửa trị. Điều này có thể ví như nhà vua muốn cho dân chúng được an cư lạc nghiệp, thì một mặt tra xét kẻ bất lương cho nghiêm ngặt, còn một mặt thì phải tuần phòng và phải đóng cửa thành, không cho kẻ bất lương xâm nhập. Tapa có nhiều pháp khác nhau. Theo đây tôi xin kể những pháp có tên là Tapa: 1. Nhẫn nại. 2. Trì giới (ngũ giới, bát quan trai, tứ thanh tịnh giới ...). 3. Học thông kinh luật của Đức Thế Tôn dạy. 4. Hành hạnh đầu đà. 5. Hành thiền định. 6. Hành minh sát tuệ. 7. Thu thúc lục căn, 8. Hành hạnh tinh tấn, Hành Tapa được hạnh phúc là: 1. Là đại phước. 2. Là người không dễ duôi. 3. Là người vâng giữ hành theo Phật ngôn. 4. Là người thông hiểu theo phương pháp hành đạo. 5. Diệt bỏ được những điều xấu xa. 6. Không chung đụng với ác pháp. 7. Tự mình đi đến cõi trời. 8. Người có chánh tư duy. 9. Thường được hưởng quả an vui. 10. Là người sẽ đắc đạo quả Niết Bàn. * HẠNH PHÚC XXXII Brahmacariya Hành Phạm hạnh có nghĩa là hành theo pháp cao thượng, nghĩa là hành theo các pháp mà các bậc trí thức ngợi khen, như Giới-Định-Tuệ. Hành Phạm hanh nghĩa là hành theo pháp Tứ vô lượng tâm là từ, bi, hỉ, xả. Người hành theo Phạm hạnh là người muốn sanh về cõi Phạm thiên, là ít nhất phải đắc sơ thiền. Hành theo Phạm hạnh là sửa chữa mình trở nên người trong sạch, thân, khẩu, ý xa lìa các tội ác, mặc dù tội ấy rất nhỏ. Hành theo Phạm hạnh là vâng giữ theo lời Phật dạy không dám dễ duôi. Quý vị xem đến đây là Hạnh phúc thứ XXXII, chắc quí vị nhận định mỗi hạnh phúc là một pháp, mà người muốn được hạnh phúc phải vâng giữ hành theo thì sẽ được hạnh phúc, chớ không có thần thánh nào ban bố cho hạnh phúc cả. Và chắc quí vị cũng thấy rằng Phật giáo không phải là thần thánh hóa, là con đường muốn hạnh phúc phải noi theo đường ấy. Vậy, 38 pháp Hạnh phúc là con đường đưa người đi tới nơi giải thoát, hạnh phúc đi tuần tự. Cho nên, muốn giải thoát phải vâng giữ hành theo từng hạnh phúc một. Chú giải kinh Hạnh phúc có dạy các bậc trí thức là hành chánh kiến, hành theo hạnh cao thượng. Sự hành động cao thượng ấy gọi là Brahmacariya, nghĩa là Phạm hạnh, vì những hành động ấy không có lẫn lộn với ác pháp, nhưng trái lại, làm cho lòng từ bi tăng trưởng. Trong bộ Chú giải kinh Hạnh phúc, Đại đức Sirimangala có dạy Phạm hạnh có mười điều là: 1. Dāna: bố thí. 2. Veyyavacca: sự cố gắng giúp đỡ trong các việc phước thiện của người khác. 3. Pancasīla: thọ trì ngũ giới. 4. Appamannā: niệm tứ vô lượng tâm. 5. Methunavirati: xa lánh sự dâm dục. 6. Sadārasantusa: sự tri túc đối vợ nhà (không ngoại tình). 7. Viriya: sự tinh tấn. 8. Uposatha: thọ bát quan trai giới. 9. Ariyamagga: thánh đạo. 10. Sāsanā: lời giáo huấn của Đức Thế Tôn. Tôi xin giải rộng ra: 1. Bố thí là Phạm hạnh: Trong Túc sanh truyện có nói tiền thân của Đức Thích Ca sanh lại là một vị trí thức, tên Vidhura là người có đức hạnh. Ngài được mời đến cõi Long Vương tên Varuna. Trông thấy sự cao sang của Long vương, ngài mới hỏi: "Tâu Đại vương, ngài có nhiều oai lực, sức mạnh, hào quang chiếu rất sáng, vậy là nhờ quả của nghiệp chi?" - "Trong hai người, trẫm và hoàng hậu, khi sanh làm người, là người có đức tin, làm chủ sự bố thí, nhà của trẫm ví như giếng nước, nghĩa là nơi hội họp của Bà la môn và Sa môn, trẫm lo phụng sự đầy đủ. Khi ở trong cõi người, trẫm hết lòng thành kính bố thí những tràng hoa, vật thơm, vật thoa, đến chỗ ngủ, nhất là nệm chiếu, chỗ cư ngụ (nhà), y phục, cơm nước, thuốc. Sự bố thí là Phạm hạnh của trẫm. Tất cả những gì trẫm được trong cõi này đều nhờ của quả của Phạm hạnh của trẫm đã tạo ra. Này thiện trí thức, đây là đền đài của trẫm". Theo câu của vị Long Vương nói trên đây, bố thí là một Phạm hạnh. Bố thí là nguyên nhân phát khởi làm cho ta có tác ý lành, có thể đem của cải ra cho người khác. Người muốn cho bố thí phước báo được hoàn toàn trong sạch phải có đủ nguyên nhân. Trong Tam Tạng, bộ Anguttaranikāya, Đức Thế tôn dạy Ngài ngụ tại Kỳ Viên tịnh xá của trưởng giả Cấp Cô Độc, gần thành Thất La Phiệt, có một bà tín nữ bố thí đúng theo 6 pháp đến chư Tăng, trong ấy có Đại đức Xá Lợi Phất và Mục kiền Liên. Đức Thế Tôn trong thấy bằng tuệ nhãn, nên ngài gọi các thầy Tỳ khưu đến dạy rằng: "Này các thầy Tỳ khưu, cô tín nữ tên Velukandakinadamatā đang bố thí hợp 6 chi đến chư Tăng, có Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là tọa chủ. Vậy 6 chi ấy la gì? Là người thí chủ phải có 3 chi, và người thọ thí phải có 3 chi. Ba chi của thí chủ là: - Thí chủ phải có tâm trong sạch trước khi bố thí. - Lúc đang bố thí tâm cũng phải trong sạch. - Khi cho xong cũng làm cho tâm trong sạch. Ba chi của người thọ lãnh là: - Người thọ lãnh hết tham ái hoặc đang hành để diệt trừ lòng tham ái. - Hết sân hận hoặc đang hành để diệt trừ sân hận. - Hết si mê hoặc đang hành để diệt trừ si mê. Người bố thí được quả báo là: - Dānam Saggasopānam: bố thí la cái thang đi đến cõi trời. - Dānamā Pāyassa channam: bố thí cho được bốn đường ác, nghĩa là nhờ bố thí mà khỏi sanh vào ác đạo. - Dānam sahāyasambhūtam: bố thí là người bạn đường ngày vị lai. - Pātheyya muttānam: bố thí là tư lương (vật thực riêng) Niết Bàn, rất cần yếu của người đi đường xa (là luân hồi). - Mokkhappathavanam: bố thí là con đường đi đến Niết Bàn. 2. Sự gắng giúp đỡ trong việc làm phước thiện của người khác: Bộ chú giải Hạnh phúc kinh có dạy tiếng Veyyavaca ở đây nghĩa là gắng tìm kiếm giúp đỡ người trưởng thượng hay người có ơn hoặc các bậc xuất gia như Sa môn, Tỳ khưu, Bà la môn, những gì mà các ngài cần ta giúp. 3. Thọ trì ngũ giới: Ngũ giới là Phạm hạnh thứ ba. Ngũ giới là 5 điều luật chẳng phải khi Phật thành đạo mới có 5 điều luật ấy; thật ra, 5 điều này đã có từ trước. Nếu trong thế gian này, người không thọ trì ngũ giới thì thế giới không tồn tại được vì nạn giết hại nhau. Ngũ giới là một trong Phạm hạnh. Nhờ có ngũ giới nên chúng sanh cũng được an vui, trong bộ Anguttaranikāya Đức Thế Tôn có dạy: Yo param nātipateti Musavadam na bhasati Kayassa bheda sappanno Sugatimiti vuccati. Nghĩa là người trong đời này, kẻ nào không sát sanh, không nói dối, không trộm của người, không tà dâm, không uống chất say, kẻ ấy gọi là người dứt được năm nghiệp chướng. Thiện trí thức gọi là người có giới đức, người có trí, sau khi quá vãng được sanh về cõi trời. Theo câu Phật ngôn thì ngũ giới là nhân đưa ta đến cõi trời, được an vui, không mất tiền mua. Trong bài kinh Mahaparinibbāna, bộ Digha-nikāya, Đức Thế Tôn có dạy rằng: Này các thầy Tỳ khưu, người có giới hạnh trong sạch được 5 điều quả báo là: - Người có giới đức đầy đủ trong sạch sẽ được nhiều tài sản quí báu, nguyên nhân bởi không dễ duôi. Đây là quả thứ nhất. - Người có giới đức đầy đủ trong sạch sẽ được tiếng tốt đồn đi khắp nơi. Đây là quả thứ hai. - Người có giới đức đầy đủ trong sạch, khi hội họp với dòng vào nhà vua, chúa, Bà la môn v.v... cũng không kinh sợ gầm mặt xuống (nghĩa là không hổ thẹn vì có lỗi). Đây là quả thứ ba. - Người có giới đức đầy đủ trong sạch là người không si mê khi quá vãng. Đây là quả thứ tư. - Người có giới đức đầy đủ trong sạch, sau khi bỏ thân này, sẽ được sanh về cõi trời. Đây là quả thứ năm. Ngũ giới đã giải trên gọi là Phạm hạnh. 4. Tứ vô lượng tâm: Trong bài kinh Mahā-govinda bộ Dighanikāya, Đức Thế Tôn có dạy rằng: Có lúc nọ Đức Thế Tôn ngụ tại núi Gijjha-kūta, gần thành Vương Xá. Khi ấy có vị Càn thát bà tên Pāñcasikha từ cõi trời đến hầu Đức Thế Tôn giữa đêm thanh vắng. Ông Pāñcasikha mới hỏi Đức Thế Tôn về lời ông đã nghe vị Phạm thiên tên Samankumāra dạy chư thiên rằng: "Có thầy Bà la môn tên Mahāgovinda là một trong 7 vị đại thần của vua Renura xuất gia, sau ấy có nhiều người xuất gia theo làm đệ tử ông, phần đông đều thuộc dòng hoàng tộc. Thầy Bà la môn Mahāgovinda tham thiền tứ vô lượng tâm, đắc được phi phi tưởng thiền, ngài thường giảng giải lý cho hành đệ tử rằng vị nào vâng giữ được thực hành theo, đều được sanh về ít nhất là cõi trời. Sự xuất gia của người ấy được kết quả tốt lành tùy theo Phạm hạnh của mình. Bạch Đức Thế Tôn ngài còn nhớ chuyện ấy chăng?" - "Này Pāñcasikha, Như Lai biết rõ chuyện ấy lắm. Vì Mahāgovinda ấy là Như Lai đây. Như Lai có thuyết pháp chỉ cõi trời Phạm thiên cho đệ tử. Nhưng Pāñcasikha này, những Phạm hạnh này không phải pháp hành thoát khỏi luân hồi, không phải hành để hiểu rõ luân hồi, không phải hành để thức tỉnh khỏi luân hồi, không phải hành hầu đến Niết Bàn. Hành như thế chỉ đến cõi Phạm thiên là cùng. Này Pāñcasikha, nhưng Phạm hạnh nào là Bát Chánh Đạo, mới là pháp hành đắc được quả Niết Bàn". Trong cuộc đối thoại trên đây, Đức Thế Tôn dạy tứ vô lượng tâm là Phạm hạnh. Tứ vô lượng tâm theo Phật dạy, mỗi một chi có 11 điều quả báo. Nhưng mỗi chi có kết quả khác nhau. - Sự dứt bỏ oán thù là quả của từ tâm. - Sự dứt bỏ điều làm hại người là quả của tâm bi. - Sự dứt bỏ điều bực tức hoặc không vừa lòng là quả của tâm hỉ. - Sự tiêu diệt của tham ái là quả của tâm xả. Hơn nữa, tâm từ là phương pháp làm cho con người không oán thù; tâm bi là phương pháp làm cho người không có sự làm hại kẻ khác; tâm hỷ là phương pháp làm cho người không có nhiều bực tức, không vừa lòng; tâm xả là phương pháp làm cho người dứt được lòng tham ái. Người muốn rải lòng từ, bi, hỉ, xả phải có những phương pháp là: - Anodhiso pharanā: rải không phân biệt nam nữ. - Odhiso pharanā: rải còn phân biệt nam nữ. - Disāpharanā: rải cùng phương hướng. Phương pháp rải không phân biệt nam nữ có năm pháp: a) Sabba sattā averā abyapajjhā anīghā sukhī attānam paribārantu: nghĩa là: tất cả chúng sanh đừng cột oan trái nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy giữ mình cho được an vui. b) Sabbe pānā averā: tất cả loài có thức tánh đừng cột oan trái nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy giữ mình cho được an vui. c) Sabbe bhūtā averā: tất cả hàng Bhūta (hạng đã sanh) đừng cột oan trái nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy giữ mình cho được an vui. d) Sabbe puggalā averā: tất cả Puggalā (người) đừng cột oan trái nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy giữ mình cho được an vui. e) Sabbe attabhāvapariyapannā: tất cả Atta-bhāva (tất cả những người còn sống) đừng cột oan trái nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy giữ mình cho được an vui. Dưới đây tôi xin chú giải những pháp nói trên. Satta: (chúng sanh) nghĩa là người còn dính, ý nói người còn ham mê tình dục, là người còn phiền não, còn dính trong luân hồi. Pāna: nghĩa là hạng còn sống bằng hơi thở ra vào. Bhūta: nghĩa là người sanh trong cảnh giới. Puggalā: nghĩa là người ta. Attabhāva: nghĩa là thuộc hạng có thức tánh, hay biết rằng có thân này. Năm hạng trên chỉ khác nhau trong danh từ, nhưng chung qui đều là chúng sanh, Phương pháp rải còn phân biệt nam nữ có 7 pháp: a) Sabbe atthiyo averā abyapajjhā ānighā sukhi attānam parihārantu: tất cả hàng phụ nữ đừng cột oan trái nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, đừng làm hại nhau, hãy giữ mình cho được an vui. b) Sabbe pursā averā: tất cả người nam đừng cột oan trái nhau... c) Sabbe purisā averā: Tất cả các bậc Thánh nhân đừng cột oan trái với nhau... (Sự thật thì các bậc Thánh nhân không bao giờ cột oan trái với nhau, nhưng đây bài kinh kể cho đủ các hạng và để tương đối với các câu sau thôi). d) Sabbe anariya averā: tất cả hạng không phải Thánh nhân (tức là phàm nhân) đừng cột oan trái nhau... e) Sabbe devā averā: Tất cả chư thiên đừng cột oan trái nhau... f) Sabbe manussā averā: Tất cả nhân loại đừng cột oan trái nhau... g) Sabbe vinipārtikā averā: Tất cả hạng sinh vào ác đạo đừng cột oan trái nhau... Phương pháp rải đi khắp các hướng có 10 pháp: a) Sabbe puratthimāya disāda averā, abyapaj-jhā, anīghā skhī attānam parihārantu: Tất cả chúng sanh ở hướng Đông xin đừng cột oan trái nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy giữ mình cho được an vui. b) Sabbe pacchimāda disāya sattā averā: Tất cả chúng sanh ở hướng Tây... c) Sabbe uttaraya disāya sattā avera: Tất cả chúng sanh ở hướng Bắc... d) Sabbe dakkināya disāya: Tất cả chúng sanh ở hướng Nam... e) Sabba puratthimāya anudisāya sattā averā: Tất cả chúng sanh ở hướng Đông Nam... f) Sabbe dakkhināya anudisāya sattā: Tất cả chúng sanh ở hướng Đông Bắc... g) Sabbe pachimāya anudisāya sattā averā: Tất cả chúng sanh ở hướng Tây Nam... h) Sabbe Uttarāya anudīsāya sattā averā... Tất cả chúng sanh ở hướng Tây Bắc... i) Sabbe hetthimāya disāya sattā averā: Tất cả chúng sanh ở hướng dưới... j) Sabbe uparimāya disāya sattā averā: Tất cả chúng sanh ở hướng trên... Cách rải lòng bi, hỉ, xả cũng như rải lòng từ vậy. Tứ vô lượng tâm nếu muốn giải tóm tắt thì như vầy: - Tâm từ: Sabbe sattā averā hontu - tất cả chúng sanh không nên cột oan trái nhau. - Tâm bi: Sabbe sattā dukkhā pamuñcantu - tất cả chúng sanh khỏi khổ. - Tâm hỉ: Sabbe sattā laddhasampattito māvi-gacchantu - tất cả chúng sanh đừng bị hư hoại tài sản là sự an vui thạnh lợi của mình. - Tâm xả: Sabbe sattā kamassaka kamma-dāyadā - tất cả chúng sanh có nghiệp của mình, nghiệp là sản nghiệp của mình (phải thâu nhận không thể từ chối được). Theo những lời giảng của những bậc trí thức, thì người muốn rải lòng từ phải nghĩ đến nổi khổ của chúng sanh làm đề mục. Đề mục của tâm bi là khi thấy chúng sanh đau khổ mà thương hại. Đề mục của tâm hỉ là nghĩ đến của cải mà người ta đã được để vui theo, chớ không ganh tỵ. Đề mục của xả là khi thấy chúng sanh được vui hay bị khổ đều nghĩ rằng đây là do nơi quả của nghiệp mà họ tạo ra từ kiếp trước nên không bi quan hay vui mừng. 5. Sự xa tránh điều dâm dục: Tại sao lại xa tránh dâm dục? Vì pháp này là pháp của người còn ham mê trong vòng luân hồi, của người thế tục, không phải của các bậc xuất gia. Người giết hại nhau một phần cũng vì còn lẫn với sự bất hảo ấy. Nên người xa lánh dâm dục là người hành phạm hạnh. 6. Sự biết tri túc với vợ nhà: Nghĩa là người đã có vợ chỉ biết thương yêu vợ nhà mà thôi, không tư tình với kẻ khác; phụ nữ cũng biết yêu thương chồng thôi không ngoại tình. Rất nhiều gia đình vì thiếu pháp này nên hằng bị xáo trộn nếu không nói là tan vỡ. Vậy nên sự biết tri túc trong tình dục là phạm hạnh đem an lành đến cho gia đình. 7. Sự tinh tấn: Nghĩa là không bỏ qua việc lành. Đây xin nhắc lại Phật ngôn để làm tài liệu. - Idha bhikkhave bhikkhunākammam kattab-bamhoti: Này các thầy Tỳ khưu, vị Tỳ khưu trong Phật giáo, khi nào có phận sự cần phải làm không thể bỏ qua được, thầy Tỳ khưu ấy nghĩa rằng: Thế nào ta cũng làm chuyện này, khi ta làm xong rồi chưa chắc ta có gì hành đạo được; vậy ta phải cố gắng hành tinh tấn trước, hầu được đặc ân mà ta chưa được. Thầy Tỳ khưu ấy liền cố tinh tấn. Đây là nguyên nhân sanh ra sự siêng năng. - Puna caparam bhikkhave: Này các thầy Tỳ khưu, một lẽ nữa, khi thầy Tỳ khưu làm xong việc, mới nghĩ rằng: Ta đã làm việc ấy xong, trong khi ta làm, ta không cố gắng hành đạo; vậy (bây giờ) ta phải cố gắng hành, để đặc ân mà ta chưa được. Đây là nguyên nhân sanh ra sự siêng năng. - Puna caparam bhikkhave: Này các thầy Tỳ khưu, thầy Tỳ khưu có việc đi xa, thầy Tỳ khưu nghĩ rằng: Thế nào ta cũng phải đi xa (trong khi) đi, ta không thể hành đạo được đầy đủ; vậy trước hết ta phải cố gắng hành (tròn phận sự) hầu đuợc đặc ân mà ta chưa được. Thầy ấy cố tinh tấn. Đây là nguyên nhân thứ ba của sự phát sanh sự siêng năng. - Puna capara bhikkave: Này các thầy Tỳ khưu, khi thầy Tỳ khưu nghĩ rằng: Ta đã đi đường xong rồi, trong khi đi, ta không thể chủ ý hành phận sự được; vậy ta nên chủ ý cố tinh tấn hành đạo, hầu được đặc ân mà ta chưa được. Thầy Tỳ khưu ấy cố hành. Đây là nguyên nhân thứ tư của sự phát sanh siêng năng. - Puna caparam bhikkhave: Này các thầy Tỳ khưu, thầy Tỳ khưu vào xóm khất thực, không được vật thực nào mặc dù rất rẻ tiền, hoặc không đủ no, vị ấy nghĩ rằng: Ta khất thực vật thực không đủ no, thân ta được nhẹ nhàng vừa hành thiền định được; vậy ta cố gắng tinh tấn hành, hầu được đặc ân mà ta chưa được. Thầy Tỳ khưu ấy cố gắng hành. Đây là nguyên nhân thứ năm làm cho phát sanh sự siêng năng tinh tấn. - Puna caparam bhikkhave: Này các thầy Tỳ khưu, hơn nữa có thầy Tỳ khưu vào xóm khất thực, khi được vật thực vừa đủ no, vị ấy mới nghĩ rằng: Ta khất thực vật thực vừa đủ no, thân ta được an vui, vừa với sự hành thiền định; vậy ta nên cố gắng hành, hầu được đặc ân mà ta chưa có. Thầy Tỳ khưu ấy cố gắng hành. Đây là nguyên nhân phát sanh sự siêng năng thứ sáu. - Puna caparam bhikkhave: Này các thầy Tỳ khưu, thầy Tỳ khưu có chút bệnh nghĩ rằng: Ta là người có bệnh , thế nào bệnh này cũng tăng thêm; vậy ta nên gắng tinh tấn hành đạo, hầu đắc được đặc ân mà ta chưa đắc. Thầy Tỳ khưu ấy cố hành theo. Đây là nguyên nhân thứ bảy của sự tinh tấn, siêng năng. - Puna caparam bhikkhave: Này các thầy Tỳ khưu, khi thầy Tỳ khưu vừa mới lành bệnh mới nghĩ rằng: Ta đã mạnh rồi, nhưng chừng bệnh ấy cũng có thể trở lại được; vậy ta phải cố gắng trước, hầu được đặc ân mà ta chưa được. Thầy Tỳ khưu ấy cố hành. Đây là nguyên nhân sanh ra sự siêng năng thứ tám. Người cố tâm hành theo thiện pháp, khi biết nhân phát sanh sự lười biếng và siêng năng thì hãy cố dứt sự lười biếng, không nên để thối chuyển. Đây là Phạm hạnh thứ 7. 8. Bát quan trai giới: Là 8 điều răn cấm của Đức Thế Tôn, đã có giải ở đoạn trước. Trong bộ Mahānipā ta có tích của đức vua Nimarāja rằng: Đức vua Nimarāja trị vì tại xứ Mithalā thành Vedeha, là một nhà vua rất nhân từ, trong những ngày bát quan trai giới ngài thường đi bố thí. Ngày nọ nhằm ngày bát quan trai giới, ngài thọ giới xong, đêm lại ngài tự hỏi rằng: "Bố thí và thọ bát quan trai giới, điều nào cao quí hơn?". Ngài không giải quyết được. Đức Đế Thích biết nên mới hiện xuống. Đức vua Nimarāja biết là Thiên Vương Đế Thích nên mới hỏi về sự nghi ngờ của mình. Thiên vương đáp bằng câu kệ: Hinena barahmacariyena Khattiyam upapajjati Yekāyeupamajjhant Anāgārā tapassino Nghĩa là người nào được sanh vào dòng vua là do Phạm hạnh bậc thấp, sanh làm chư thiên là do Phạm hạnh bậc trung, sanh vào cõi Phạm thiên là nhờ Phạm hạnh trong sạch. Người xuất gia nếu có Tapa, thì sẽ được sanh vào cõi Phạm thiên. Thí chủ không thể sanh vào cõi Phạm thiên được. Chú giải dạy rằng Phạm hạnh bậc thấp là do nhờ sự trì giới của ngoại đạo, chỉ cố xa sự dâm dục mà thôi. Vì những hạng này, không hiểu phương pháp nào hơn Phạm hạnh bậc trung là thọ trì bát quan trai giới có tham thiền được cận định, sau khi chết được sanh vào cõi trời. Đây là nói sự bố thí phước báu không cao thượng bằng thọ trì bát quan trai giới; quí vị muốn biết rõ hơn xin xem thời pháp về bát quan trai giới. 9. Thánh đạo: Nghĩa là con đường của các bậc thánh nhân, con đường này đi đến nơi vô sanh bất diệt là Niết Bàn. Trong bài kinh Brahmacariya bộ Samyutta-nikāya, Đức Thế Tôn có dạy về Thánh đạo như vầy: Một thuở nọ Đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên tịnh xá. Khi ấy có một Tỳ khưu vào hầu Đức Thế Tôn và bạch rằng: "Bạch Đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn thuyết Phạm hạnh là chi? Một lẽ nữa, đâu là nơi cùng tột của Phạm hạnh?" - "Này thầy Tỳ khưu, con đường có đủ tám chi là con đường cao thượng, gọi là Phạm hạnh; con đường có đầy đủ tám chi ấy là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Nơi hết tham ái, sân hận, si mê là nơi cùng tột của Phạm hạnh". Theo bài kinh này, Đức Thế Tôn dạy Thánh đạo là Phạm hạnh. Sau đây tôi xin nhắc lại một ít Phật ngôn dạy về Thánh đạo: "Này các thầy Tỳ khưu, thấy rõ điều khổ, thấy rõ ái dục là nguyên nhân sanh khổ, thấy rõ Niết Bàn là nơi diệt khổ, biết con đường đi đến Niết Bàn là nơi không có khổ. Các thầy Tỳ khưu này, Như Lai gọi các thầy ấy là có chánh kiến. Này các thầy Tỳ khưu, suy xét về việc xuất gia, suy nghĩ trong sự không oán thù, suy nghĩ trong sự không làm hại nhân vật nào khác. Như Lai gọi là chánh tư duy. Này các thầy Tỳ khưu, xa lánh sự nói dối, nói biếm, nói đâm thọc, mắng nhiếc, chửi rủa, nói lời vô ích, Như Lai gọi là chánh ngữ. Này các thầy Tỳ khưu, xa lánh sát sanh, trộm cướp, tà dâm, Như Lai gọi là chánh nghiệp. Này các thầy Tỳ khưu, dứt bỏ tà mạng, hành theo chánh mạng, Như Lai gọi là chánh mạng. Này các thầy Tỳ khưu, vị Tỳ khưu trong Phật giáo, thoả thích trong sự tinh tấn và cố tinh tấn gom tâm lại, làm cho tâm trụ lại một chỗ, hầu ngăn ngừa các pháp ác chưa phát sanh, không cho phát sanh. Thầy Tỳ khưu thỏa thích trong sự tinh tấn, làm cho tâm trụ vào một chỗ hầu dứt hết các pháp ác đã phát sanh rồi. Thầy Tỳ khưu thỏa thích trong sự tinh tấn cố tinh tấn, gom tâm lại, cố làm cho tâm trụ vào một chỗ, hầu để vun trồng mầm phước thiện chưa phát sanh cho sanh lên. Thầy Tỳ khưu làm cho sự thỏa thích phát sanh là tinh tấn, cố tinh tấn làm cho ta tâm trụ vào một chỗ, hầu làm cho phước thiện càng mạnh mẽ thêm. Này các thầy Tỳ khưu, bốn điều này gọi là chánh tinh tấn. Này các thầy Tỳ khưu, vị Tỳ khưu trong Phật giáo, hằng quan sát thân này là vật trược (niệm thân), cố tinh tấn tiêu trừ phiền não, là người không dễ duôi, dứt bỏ tham, sân, si, không chấp rằng ngũ uẩn là của ta, Như Lai gọi là chánh niệm. Này các thầy Tỳ khưu,vị Tỳ khưu trong Phật giáo, để tâm vắng lặng (nghĩa là không say mê theo ngũ trần) đắc được sơ thiền, đến ngũ thiền, người có trí nhớ đầy đủ, Như Lai gọi là chánh định. 10. Lời giáo huấn: Là lời giảng dạy của Đức Thế Tôn. Lời giáo huấn của Đức Phật là Tam Tạng Pháp bảo, có tám muôn bốn ngàn pháp môn. Tam Tạng Pháp bảo có thể nói tóm tắt là: a) Adhisīlasikkha: giới, chỉ về sự ngăn ngừa, chế ngự thân và khẩu cho trong sạch. b) Adhisamadhisikkha: định, chỉ về tham thiền theo chỉ quán và minh sát. c) Adhipaññasikkha: tuệ, chỉ về minh sát tuệ, quan sát thấy ba hướng là vô thường, khổ não và vô ngã. Hành Phạm hạnh được hạnh phúc là: 1. Là việc làm đại công đức. 2. Là người không dễ duôi. 3. Là người hành theo Phật dạy. 4. Các bậc trí thức ngợi khen. 5. Tam học là giới, định, tuệ được phát triển. 6. Làm cho mình được giải thoát. 7. Hoàn toàn an vui. 8. Bồi đắp Ba la mật. 9. Chắc chắn khỏi luân hồi. 10. Diệt được phiền não hoàn toàn. * HẠNH PHÚC XXXIII Ariyasaccāna dassanaṃ Trước khi đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Đức Thế Tôn cũng là người như chúng ta, nhưng sở dĩ Ngài được giải thoát và chúng ta cùng sùng kính ngài, học theo lời giảng dạy của Ngài, là nhờ Ngài đắc được pháp gọi là Tứ Diệu Đế. Bài pháp Ngài thuyết đầu tiên tại vườn Lộc Giả ở Barānasī là Tứ Diệu Đế, bởi Ngài nhận thấy rằng Tứ Diệu Đế là sự thật của các bậc Thánh nhân. Sự thật của Pháp này là xa hẳn kẻ thù là phiền não, sự thật mà các bậc thánh nhân phải đắc. Tứ Diệu Đế như là ấn chứng của Phật ngôn. Vì Tứ Diệu Đế làm cho người tu Phật đã hành theo chân chính đắc được đạo quả và không còn khổ nữa. Phạn ngữ là Ariyasacca, ta dịch là Diệu Đế, có bốn chi. Tiếng Ariyasacca, có thể chia ra làm hai phần: Ariya nghĩa là cao quí, Sacca nghĩa là sự thật, tóm hiệp lại thì: - Tứ Diệu Đế là sự thật rất cao quí. - Tứ Diệu Đế làm cho người trở nên cao quí. 1. Tứ Diệu Đế là sự thật rất cao quí: vì là khuôn vàng thước ngọc, hay là một tiêu biểu có đầy đủ sự thật không ai sửa đổi được. Dù Đức Phật sau này có thuyết về pháp Tứ Diệu Đế cũng dạy đúng như Đức Phật hiện tại không sai một nét nào. Tứ Diệu Đế cao quí ví như kim cương. Kim cương là vật có màu sắc đẹp, cứng rắn, không có gì làm hoại, sét không ăn, không bị nhiễm mùi vị của vật gì. Người trong thế gian này ai cũng chuộng kim cương. Không phải kim cương có giá trị cao quí vì sự quảng cáo của con người, mà chính mình kim cương có tính chất cao quí. 2. Tứ Diệu Đế làm cho con người trở nên cao quí: nghĩa là khi hành giả thấy rõ pháp Tứ Diệu Đế bằng tuệ nhãn, pháp mà vị hành giả ấy đắc, là làm cho hành giả trở nên cao quí. Ví như phòng khách của chúng ta bày đồ quí giá, sơn màu tươi đẹp lộng lẫy, thì phòng ấy trở nên đẹp và trông nơi nào cũng vui mắt. Bây giờ cũng phòng ấy mà chúng ta sơn đèn, đốt đèn leo lét, đồ không giá trị, chuột rút om sòm, thì phòng ấy thật là đáng ghê và chắc chắn rằng không ai muốn ngồi một phút nào hết. Tâm ví như phòng ấy. Nếu tâm trang điểm bằng pháp Tứ Diệu Đế thì sáng suốt, đẹp, cao quí, nhược bằng các pháp như tham lam, sân hận, si mê, tà kiến, oán thù v.v... thì tâm ấy trở nên tồi tệ, không ai muốn gần và những người đã gần lại tìm thế đi cho xa. Sự thật của Tứ Diệu Đế là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Khi người bắt đầu thấy bằng tuệ nhãn thì phiền não cũng bắt đầu xa lần, rút lui dần. Khi càng ngày ta càng hiểu thông, thì phiền não cũng rút đi thật xa. Khi ta trông thấy rõ triệt để, thì không còn phiền não tí nào trong tâm, người ấy đã trở nên một người khác, mà Phật giáo gọi là bậc Thánh nhân, nghĩa là người cao quí. Thông hiểu pháp Tứ Diệu Đế làm cho người cao quí trở nên Thánh nhân là vậy. Muốn thông hiểu pháp Tứ Diệu Đế, phải hiểu theo thứ tự gọi là hiểu Ba Luân và Mười Hai Thể, xin quí vị xem bảng kèm theo. Trong bảng này, hành giả thấy rằng Tứ Diệu Đế gồm 4 điều. Mỗi điều phải hiểu rõ đến 3 lần, 4 điều là 12 lần, vòng đi vòng lại, nên gọi là 12 thể. Ba vòng ấy gọi là Ba Luân. Điều tổng quát là sự hiểu biết về Tứ Diệu Đế khác hơn tất cả những sự hiểu biết thông thường, vì đó là hiểu biết bằng trí tuệ và diệt trừ được phiền não. Đối với Tứ Diệu Đế, hiểu biết và thực hành phải đi đôi. Nếu hiểu biết mà không thực hành là không đắc đạo được. Quí vị hãy xem kỹ lại ở cột thứ 3 có đề: "Hiểu lần thứ 3", "Ta đã hiểu rõ rồi" (số 9). Nếu chưa rõ là chưa hiểu, nên chưa đắc đạo quả, chưa gọi là Thánh nhân được. Khi ta biết rằng ta đã hiểu rõ rồi, đây mới là sự thật.
Hiểu rõ khổ có thể ví như hiểu rõ thuốc, như vầy: 1. Biết rằng đây là thuốc chữa bệnh. 2. Biết rằng thuốc này nên uống. 3. Biết rằng đã uống thuốc rồi. Trong ba cái biết, biết quan trọng nhất là biết đã uống thuốc rồi. Giờ xin quí vị đem sự hiểu Tứ Diệu Đế của quí vị lại so với bảng trước, xem quí vị hiểu tới trình độ nào? Vị nào hiểu Luân thứ nhất, chưa gọi là hiểu hoàn toàn, vì mới biết khổ do nơi nghe pháp; ta cũng có biết luân hồi là khổ, nhưng chỉ biết bằng tâm chứ không bằng trí tuệ. * DIỆU ĐẾ THỨ I: KHỔ ĐẾ Diệu đế thứ nhất là Khổ. Khi ta nghe nói khổ, ta không nhận thấy cái gì là quan trọng tai hại của khổ. Vì ai ai cũng biết đời là khổ cực đủ điều. Nhưng thật ra, sự hiểu biết về khổ của chúng sanh và thánh nhân có khác nhau, vì các bậc thánh nhân hiểu khổ, thấy khổ bằng tuệ; còn ta thấy bằng tâm trong cảnh ngộ, khi qua khỏi cảnh ngộ ta lại quên đi khổ cũng như khi lâm bệnh, chúng sanh thấy khổ, nhưng khi mạnh thì lại quên khổ. Trái lại, thánh nhân dù bệnh hay không, cũng thấy có thân này là là khổ, là ở khổ. Hơn nữa, chúng sanh chỉ biết khổ, nhưng không biết nguyên nhân sanh khổ, nên không sợ lắm. Riêng các bậc thánh nhân thấy rõ khổ, biết khổ và biết rõ nguyên nhân sanh khổ, nguồn gốc của khổ. Đây, xin ví dụ sự biết bệnh của người bệnh và sự biết của vị bác sĩ. Người bệnh biết rằng ta bệnh nhưng không biết do đâu có bệnh. Vị bác sĩ biết bệnh và nguyên nhân sanh bệnh, mà còn biết thuốc để trị bệnh. Vị bác sĩ tôi tạm ví như Đức Phật, vì Ngài biết khổ và nguyên nhân sanh khổ. Hơn thế nữa, Ngài lại biết phương pháp dập tắt khổ. Còn người bệnh là chúng ta đây, chỉ biết khổ nhưng chịu chết với khổ, chớ không có phương pháp nào chạy khỏi khổ. Đây tôi xin nhắc lại Phật ngôn trong bài kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật thuyết lần đầu tiên tại vườn Lộc Giả. Trước hết tôi xin nói có hai cái khổ để quí vị dễ nhận định. 1. Sabbavadukkha: khổ theo liền với thân. Phật ngôn dạy trong bài Chuyển Pháp Luân rằng: Này các thầy Tỳ khưu, sanh khổ, già khổ, chết khổ. (khổ này liền với thân vì khi có thân là có khổ này theo liền). 2. Pakinnadukkha: khổ nếu sau khi có thân này là: khổ vì sự trái ý nghịch lòng, khổ vì thất vọng, khổ vì bực tức, khổ vì uất ức, khổ vì thân ái biệt ly, khổ vì oán thù hội ngộ, khổ vì sự ly biệt người yêu, khổ vì không được như ý (những khổ này đến sau khi có được thân này). Khổ, nói chung lại, chỉ có một là Sankhitena Pancupatthanakkandhadukkha: tóm lại sự chấp lấy thân ngũ uẩn là khổ. Chúng ta thấy khổ trên đây chia ra hai loại: Khổ do thân này và khổ mới đến sau. Còn câu chót Đức Thế Tôn dạy: Vì ta còn chấp lấy thân này nên có khổ, nghĩa là còn có thân là có khổ. Lẽ ra tôi phải viết ra mười hai cái khổ. Tôi không giải những cái khổ ở phần nhì, vì quí vị hiểu và chắc chắn gặp nó luôn luôn trên đường đời. Trong loại khổ đi chung với thân ngũ uẩn - sanh, già, chết - chắc quí vị thắc mắc tại sao tôi không kể đau, vì đúng theo Phạn ngữ không có đề cập đau. Các bản chú giải có thêm vào nên tất cả có 13 thứ khổ, vì thế trong kinh nào cũng có Đau và Tứ khổ. 1. Sanh khổ: nghĩa là khi sanh ra có thân này, giờ nào là khổ theo liền bên trong vào ấy. Sanh khổ có 3 điều: - Khổ khi còn trong thai bào. - Khổ khi sanh. - Khổ vì sự sanh. Ý nói vì có sanh, nên có những khổ khác theo bên. Như đã nói trên, khổ có 13 chi. Tôi xin ví dụ sanh như cái đùm của bánh xe và 11 cái khổ kia là căm xe. Bánh xe này lăn đi được là do nơi bộ máy điều khiển là ái dục. Để chứng minh sanh khổ, Đức Phật có dạy 10 điều sanh khổ: a) Biến tướng khổ: là sự tuần tự biến chuyển của bào thai, thay đổi mãi cho tới khi có đủ các bộ phận. Bắt đầu thọ khổ khi mới tượng lên cho tới lớn, có đủ bộ phận thì bị nhiều điều khổ, do vật thực của mẹ ăn vào. b) Kinh sợ khổ: đứa bé chịu nhiều nỗi kinh sợ như bà mẹ làm việc nặng nhọc xóc xáo, hoặc trợt chân vấp té v.v... c) Hoành sanh khổ: cái khổ khi thai bào xoay trở, lúc xoay đầu xuống hay xoay ngang hông mẹ, đứa bé kinh sợ không khác nào chim con bị bão lớn. d) Nạn sanh khổ: trong lúc sanh nở gặp khó khăn. Đứa bé bị gió nghiệp chướng đẩy cho xoay đầu xuống để sanh, đứa nhỏ kinh sợ như người bị rớt từ trên cao xuống. Khi sanh ra, hài nhi phải bị cọ ép ví như tượng to chui ra kẻ đá nhỏ. Thực tế hơn, chỉ có quí bà nào đã làm mẹ rồi mới hiểu. e) Hàn thống khổ: khi vừa sanh ra, da còn non lại bị đem đi tắm, sự đau rát ấy có ai biết ra sao, chỉ có đứa bé ấy mới biết thôi. f) Thọ nghiệp khổ: sau khi sanh ra đến khôn lớn, tiền nghiệp lại đến trả quả. Nếu nghiệp ác thì chịu khổ sở đủ điều, nào là bị hiếp đáp đói khổ v.v... không sao kể hết. g) Quả báo khổ: sau khi lớn lên, lại bị quả báo như bị kẻ khác phao vu, bị người làm hại, mặc dù là vô can, hoặc bị tai nạn chiến tranh. h) Duyên sanh khổ: vì có sanh nên sanh khổ, chúng sanh bị đọa vào ác đạo cũng do sanh ra mà có. i) Chúng sanh sanh vào cõi súc sanh bị hành hạ khổ cũng là duyên sanh khổ. j) Chúng sanh bị đói khát trong cảnh quỷ đói cũng duyên sanh khổ. Mười khổ trên đây có thể chia ra làm hai loại: từ 1 đến 5 thì sanh là khổ; từ 6 đến 10 thì sanh là nhân khổ. 2. Già là gì? Già nghĩa là mọi vật trong thân hình ta đều thay đổi như: tóc đen hóa trắng, mắt sáng hóa mờ, tai lại điếc v.v... Tóm lại vật gì trong thân ta khi trước tốt mạnh, nay đổi lại xấu, yếu, hư gọi là già. Đức Phật gọi đó là Jarā nhưng theo Phạn ngữ nghĩa là cũ. Ý nói rằng thân ta đây ví như cái xe, mà cái xe của người chủ rất tham lam, chở nhiều làm việc suốt ngày đêm, nên mau hư, mau cũ. Cái xe cũ thì quí vị biết nó có trạng thái ra sao? Thân này cũng vậy, có một mình ta mà còn phải lo ăn uống v.v... mà còn chở thêm của cải vợ con v.v... sự làm và lo quá sức nên mau già. Khi đã gọi là già, thì không có gì trong cơ thể không biến đổi thành tồi tệ. Đức Phật dạy có hai cái già: - Parijinna: sự già là sự thay đổi hình dáng, nghĩa là khi ta còn nhỏ, từ từ lớn lên hình dáng thay đổi, sự tuần tự thay đổi của con người từ bé đến 30 tuổi, người ta không cho tuổi ấy già, mà gọi là trưởng thành hay lớn. Vì trong tuổi ấy, càng lớn càng mạnh, đẹp, các cơ quan trong mình không thấy yếu mà trái lại lại mạnh thêm. Ai ai cũng ưa thích tuổi này. Vì vậy nên người ta không thấy Tứ Diệu Đế. Theo lời Phật dạy, cái gì thay đổi thì gọi là già. Nhưng cái già kể trên che án trí tuệ của con người. - Paripakka: già làm cho ta thấy rõ rệt là da nhăn, mắt mờ, tai điếc, răng rụng, tay chân run rẩy, chính mình không còn làm chủ cơ thể của mình được. Cái gì già mới là khổ thật sự, vì cái già này làm giảm cả sức lực, đem lại cho ta nhiều bệnh hoạn. 3. Bệnh: là những gì phụ với già để tàn phá các bộ phận trong người của chúng ta, bệnh ấy làm chúng ta mau già hơn, cũng như cái xe khi đã bị hư một bộ phận nào dù có sửa chữa lại, cũng vẫn không còn hoàn hảo bằng mới. 4. Chết: chỉ là sự hư hoại thân hình nầy. Vậy chết làm cho con người khổ cách nào? Khi ta chưa chết, ta chưa thấy cái khổ ấy, chỉ có người chết mới thấy rõ. Cái chết là khổ làm tất cả các cái khổ khác dồn vào, như mến tiếc vợ, con, của cải, cái chết làm mất vui thích của mình trong đời này, vì chính mình không có làm gì lành. Thử nhắm mắt lại và nghĩ rằng khi ta chết ta có đem theo gì? Khi thấy ta bỏ cả vạn vật thì hỏi ta có khổ không? Nếu khi ta nhận thấy rằng ta có đem theo được những việc làm lành như bố thí, trì giới v.v... thì ta thấy lòng ta bớt lo sợ. Nhưng trái lại, nếu thấy có nhiều tội, thì ta càng kinh sợ hơn. Vậy xin quí vị tự nghĩ mà sửa chữa thân, khẩu, ý. Diệu Đế thứ nhất là khổ. Đức Phật dạy hãy biết khổ cho rõ rệt, như bác sĩ hiểu rõ bệnh của bệnh nhơn. Khổ mà Đức Phật dạy có thể chia ra làm hai loại trạng thái: sanh, già, đau, chết là trạng thái của sắc uẩn, còn các khổ kia như sự uất ức, v.v... là trạng thái của tưởng, hành, thức. * DIỆU ĐẾ THỨ II: TẬP ĐẾ Đức Thế Tôn đã dạy về khổ cho chúng sanh thấy để kinh sợ hầu tránh khỏi, chẳng khác nào Đức Thế Tôn dạy rằng cọp là thú ăn thịt người, rồi Đức Thế Tôn mới đem cọp ấy về nhốt trong những chuồng bằng sắt rất chắc, gọi chúng sanh đến xem cho biết cọp có những gì đáng sợ, và nên nhớ hình dáng nó để tránh xa, hay chống lại. Tập đế đây ví như sự hành động của cọp. Tứ Diệu Đế là pháp khó nhận thức cho hoàn toàn được. Đức Thế Tôn phải mất 6 năm khổ hạnh mới giác ngộ, và khi Ngài muốn đem ra thuyết, Ngài còn phải chọn xem ai là người có đủ trí tuệ nhận thức rõ được pháp ấy. Vậy nơi đây tôi xin cố hết sức sưu tầm những gì mà tôi biết để giải theo đây hầu quí vị là người muốn tìm đường giải thoát. Tập đế là nguyên nhân sanh khổ, tức là nhân làm cho chúng ta khổ như đã giải ở trên. Đây là câu Phật ngôn trong bài kinh Chuyển Pháp Luân: "Này các thầy Tỳ khưu, đây là nhân sanh khổ thật sự, ái dục là nhân làm cho chúng sanh vào cảnh giới nữa, rồi lẫn lộn ưa thích cảnh giới như dục giới, sắc giới và vô sắc giới". Nhân làm cho sanh khổ gọi là Tập đế, đó là ái dục. Tác động của ái dục là nhân làm cho con người phải sanh lại một cõi nào trong ba cõi tùy theo sự thèm muốn của ái dục. Muốn cho dễ hiểu tôi xin chia ra bốn điều là: - Nhân làm cho sanh khổ. - Phận sự của ái dục. - Ái dục có ba loại. - Phận sự của hai Diệu đế. 1. Nhân làm cho sanh khổ: Sự sanh khổ thì ai cũng biết, nhưng Đức Phật lại dạy về khổ, chẳng qua để làm sáng thêm cái hiểu biết của con người. Chỉ có điều là nguyên nhân sanh khổ là một vấn đề mà không ai hiểu, và là một pháp tuyệt đối, chỉ có Đức Phật mới nhận thấy thôi. Trong thời kỳ Đức Phật mới hành đạo, người trong cõi Diêm Phù tin rằng chúng sanh phải bị khổ, vì do nơi một đấng thiêng liêng hành phạt, và còn tin rằng có loài phi nhân quấy nhiễu làm cho con người khổ. Vì vậy có những người tu khổ hạnh, để làm cảm động đến các đấng thiêng liêng mà ban phước cho họ. Họ tin tưởng rằng những khổ mà ta phải chịu là vì thần thánh phạt, là do nhân bên ngoài, nhưng theo Đức Phật thì ái dục mới là nhân sanh khổ. Vì vậy nên Phật giáo là một giáo pháp tuyệt đối, khác hơn các tôn giáo khác trong thời kỳ ấy, mà cho đến nay nữa. Vì lẽ này nên tôi mới dám nói rằng Đức Thế Tôn tìm thấy và dạy chúng ta một phương pháp tuyệt đối mới mẻ. Thời pháp đầu tiên mà Ngài thuyết tại vườn Lộc Giả về Tứ Diệu Đế đã làm cho 5 vị Kiều Trần Như nhận thức rõ rệt rằng Ngài đã đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì các vị ấy chưa từng nghe ai dạy rõ ràng như vậy, và Tứ Diệu Đế vượt khỏi tầm hiểu biết của họ cũng như người ta thời ấy. Có điều đáng chú ý là nhân nào làm cho sanh khổ. Khổ ấy không lựa một ai, giàu cùng khổ, nghèo cùng khổ, kẻ có quyền cao chức lớn cũng khổ. Người ta thường nghĩ vì nghèo khó khổ, vì bị hung kiết, v.v..., nhưng Đức Thế Tôn dạy nguyên nhân sanh khổ là ái dục. 2. Phận sự của ái dục: Thật ra, ái dục ngụ ý chỉ sự tham muốn. Sự tham muốn ấy là nền tảng của tâm và tất cả của chúng sanh ai ai cũng không chạy khỏi, ngoại trừ bậc A La Hán, Độc giác và Chánh đẳng Chánh giác. Tôi xin ví dụ ái dục ấy như trái xoài. Trái xoài ấy đã có tính chất của nó, là mùi vị, màu sắc và mộng (mầm) trong trái xoài, nó có thể mọc ra cây xoài khác, còn như màu sắc, mùi vị của trái xoài thì ví như tham lam, sân hận vì si mê vậy. Nếu ái dục là lòng ham muốn, nhưng lòng muốn thành Phật, hay muốn độ đời, khi đã thành Phật rồi có phải là ái dục hay là ham muốn chăng? Ái dục có nghĩa là muốn có cái gì không có, có rồi muốn cho có thêm. Trái lại muốn thành Phật thì lại bỏ cái gì đã có và ngừa không cho những gì sanh ra. Khi thành Phật rồi thì lại dạy chúng sanh bỏ tất cả những gì đã có cho thật hết. 3. Ái dục có 3 loại: - Kāmatanhā: ái dục trong cõi dục, là muốn sanh làm con người giàu sang, quyền chức, xinh đẹp, nên khi làm một việc phước thiện nào như bố thí đều nguyện vào cõi dục (đây kể cả 6 tầng trời dục giới). - Bhavatanhā: ái dục trong cõi sắc. Cõi này không có dục vọng như vợ chồng, quyền chức v.v... nhưng còn có sắc. Hành giả tham thiền tinh tấn để mau đắc một trong tứ thiền, để sanh vào cõi 16 cõi trời sắc giới. Tuổi sống của cõi ấy rất, lâu không tính bằng năm được, chỉ có thể dùng trái đất này mới ví được. Cõi thấp nhất cũng bằng tuổi một phần ba trái đất. Và tuổi nhiều nhất là 16.000 kiếp trái đất. Vì sống quá lâu, nên chư Phạm thiên trong cõi này là an vui nhất và thường bị lạc vào thường kiến, nên gọi là ái dục trong dục giới. - Vibhavatanhā: ái dục trong cõi vô sắc. Sự thèm muốn sanh vào cõi vô sắc, nên hành giả cố hành cho đắc được thiền vô sắc, hầu sanh vào cõi vô sắc. Những người sanh vào cõi này, nghĩ rằng vì có sắc nên còn luân hồi, khi không còn sắc nữa, chính là Niết Bàn rồi. Vì vậy người sanh vào cõi này thường lạc vào đoạn kiến. Để biết rằng ái dục tai hại đến bậc nào, tôi xin nhắc lại câu Phật dạy: Tanhāponobbhavika: ái dục tạo tác hiện tại. Vì sự thèm khát ngũ trần lục dục trong cõi dục, hay thèm khát sanh vào cõi sắc hay vô sắc, cũng vẫn là còn ái dục, chỉ khác nhau ở chỗ thô siểng hay vi tế thôi, nhưng chung qui vẫn cũng phải luân hồi. Tóm lại, khi lòng người còn ái dục dù là vi tế hay thô siểng gì, cũng vẫn còn phải luân hồi. Vì vậy nên Đức Thế Tôn dạy: "Tập đế là nguyên nhân sanh khổ. Ta nên cố gắng dứt bỏ". 4. Phận sự của hai Diệu đế: Trong hai Diệu đế đầu, Khổ đế và Tập đế, Khổ đế là điều ta cần phải hiểu cho thật rõ, nhưng không có gì phải đối phó với nó, vì chỉ cần biết rõ thôi. Về Tập đế, điều ta cần phải biết cho rõ là vì nguyên nhân nào mới sanh khổ, vì đâu đưa đến, v.v... Ta biết cho thật rõ nguyên nhân đặng cố gắng diệt. Ví như người chữa lửa, cần biết lửa bắt đầu cháy ở đâu, chữa ngay chỗ ấy chớ không chữa ở ngọn lửa (ngọn lửa ấy ví như khổ hiện tại). Về phương pháp diệt ái dục, xin xem Diệt đế và Đạo đế sau đây. * DIỆU ĐẾ THỨ III: DIỆT ĐẾ Diệt đế và Đạo đế là hai phương pháp diệt khổ, chỉ có Đức Thế Tôn giác ngộ trước nhất, là pháp rất huyền diệu mà người phải đạt bằng tuệ nhãn chớ không thể biết rằng tâm được. Ta có thể ví đó như hai vị thuốc để trừ hai thứ bệnh nan y, là khổ và nguyên nhân sanh khổ. Ở trên, tôi ví Khổ và Tập với cọp, Đức Thế Tôn đem cọp ấy về nhốt, ta quan sát hình dáng, tính cách và nhược điểm của nó để ta trừ và tránh nó tùy trường hợp. Khi ta biết cọp có những nhược điểm gì, hình dáng ra sao, thì ta tránh dễ dàng, mà trừ nó cũng không khó. Muốn diệt trừ Khổ đế và Tập đế ấy chỉ có Diệt đế và Đạo đế. Đây lời Phật dạy lời Diệt đế: "Này các thầy Tỳ khưu, đây là pháp diệt khổ thật sự, sự diệt các điều thèm khát, không có dư sót của ái dục, dứt bỏ không còn dính dáng với ái dục, không còn bận bịu, không còn nhớ tưởng." Lời Phật dạy cho ta thấy rằng Diệt đế là dập tắt lửa ái dục, nhưng Phật nói nhiều cách khác nhau để ta dễ hiểu. Trong Diệt đế, Đức Phật đề cập đến Niết Bàn là nơi dập tắt hẳn mầm của ái dục Hạnh phúc XXXIV dạy về pháp làm cho thấy rõ Niết Bàn, tôi xin giải ở sau. * DIỆU ĐẾ THỨ IV: ĐẠO ĐẾ Phật giáo có đến tám muôn bốn ngàn pháp môn, nhưng chung qui chỉ có một cứu cánh là giải thoát. Đạo diệu đế là phương pháp diệt trừ ái dục. Trong kinh Chuyển Pháp Luân, Phật dạy muốn diệt ái dục phải hành theo Bát Chánh Đạo. Đây Phật ngôn dạy về Bát Chánh Đạo: 1. Sammāditthi: chánh kiến Này các thầy Tỳ khưu, sự hành đến chỗ hết khổ là Bát Chánh Đạo, là chánh kiến v.v.. Trong bài kinh Maggavibhanga, Đức Phật dạy rằng: Này các thầy Tỳ khưu, chánh kiến là gì? Chánh kiến là: - Hiểu rõ khổ. - Biết rõ nhân khổ. - Biết rõ sự diệt khổ. - Biết rõ phương pháp hành để diệt khổ. Theo đây, chúng ta thấy chánh kiến là sự thấy chân chánh, nghĩa là thấy rõ pháp Tứ đế. 2. Sammāsankappa: Chánh tư duy. Này các thầy Tỳ khưu, chánh tư duy là gì? Chánh tư duy là: - Suy nghĩ xuất thế gian khổ. - Suy nghĩ không oán thù. - Suy nghĩ không làm hại người. Suy nghĩ xuất thế gian nghĩa là suy nghĩ về sự xuất gia. Đây có chỗ chú giải rằng người tại gia cư sĩ không thể xuất gia được, thì thọ bát quan trai giới và cố niệm Phật, diệt trừ tội ác, khi mình suy nghĩ, thấy việc mình đã làm trong ngày. 3. Sammāvācā: Chánh ngữ Này các thầy Tỳ khưu, chánh ngữ là gì? Chánh ngữ là: - Tác ý tránh xa sự nói dối. - Tác ý tránh xa sự nói đâm thọc. - Tác ý tránh xa sự nói hung dữ, độc ác, rủa, chưởi. - Tác ý tránh xa nói lời vô ích. 4. Sammākammantā: Chánh nghiệp Này các thầy Tỳ khưu, chánh nghiệp là gì? Chánh nghiệp là: - Tác ý tránh xa sự sát sanh. - Tác ý tránh xa sự trộm cắp. - Tác ý tránh xa sự thông dâm. Chánh nghiệp là việc làm chân chính, không phạm vào các điều ác. Đây có ý dạy ngay vào các hạng cư sĩ phải thọ trì ít nhất là ngũ giới. Hơn ấy nữa, là gắng tham thiền trong ngày bát quan trai giới. 5. Sammā ājiva: Chánh mạng. Này các thầy Tỳ khưu, chánh mạng là gì? Cháng mạng là dứt bỏ sự nuôi mạng tà ở bậc thánh nhân trong Phật giáo. Nuôi mạng chân chánh ấy là: - Không buôn thú, trái lại phóng sanh. - Không buôn người, trái lại, cứu người khi lâm nạn. - Không buôn ruợu, không cho người ruợu; trái lại, lo phương pháp nào có thể răn đời, như bố thí pháp. 6. Sammāvāyama: Chánh tinh tấn. Này các thầy Tỳ khưu, chánh tinh tấn là gì? Chánh tinh tấn là thầy Tỳ khưu trong Phật giáo cố vun trồng sự tinh tấn, không cho các pháp ác chưa phát sanh lên phát sanh lên được, giữ tâm vững chắc không rung động vì các hoàn cảnh bên ngoài, cố gắng diệt trừ các pháp ác đã có trong tâm cho cùng tận, cố gắng làm cho các thiện pháp chưa phát sanh lên được, được sanh lên, cố gắng vun trồng các thiện pháp đã có được tốt đẹp thêm. 7. Sammāsati: Chánh niệm Này các thầy Tỳ khưu, Chánh niệm là gì? Chánh niệm là thầy Tỳ khưu trong Phật giáo luôn luôn quán tưởng thấy thân trong thân, cố ý tinh tấn thiêu đốt phiền não, có sự ghi nhớ và biết mình, diệt trừ sự vui, buồn, suy nghĩ thấy thọ trong thọ v.v... Nói tóm lại là suy nghĩ tứ niệm xứ. Hay nói cho dễ hiểu hơn, chánh niệm nghĩa là hành theo tứ niệm xứ (xin xem quyển này của Đại đức Hộ Tông) 8. Sammāsamādhi: Chánh định Này các thầy Tỳ khưu, chánh định là gì? Chánh định là thầy Tỳ khưu trong Phật giáo vắng lặng trần cảnh, vắng lặng các pháp ác, nhập vào sơ thiền có tầm, sát, hỉ, lạc, an, định. Sau khi dứt bỏ lần tầm, sát, thì đắc nhị thiền, từ từ dứt từng pháp thô siểng. Thầy Tỳ khưu cố tinh tấn hành như thế gọi là chánh định. Tóm lại, chánh định là phương pháp làm cho tâm người trở nên yên lặng khỏi ác pháp. Sự định tâm được do một trong 40 đề mục của Phật dạy gọi là chánh định. Bát Chánh Đạo ví như chìa khóa mở cửa Niết Bàn: Trong phẩm kinh Saccasamyutta Tacicayagga bài kinh Gavampati, Đức Thế Tôn có dạy: Người nào biết Khổ đế là người thấy rõ Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Người nào mà thấy rõ Tập đế thì thấy rõ Khổ diệt và Đạo Đế. Người nào thấy rõ Diệt đế là thấy rõ Khổ, Tập và Đạo đế. Người nào thấy rõ Đạo đế là thấy rõ Khổ, Tập và Diệt đế. Tóm lại, người mà giác ngộ được thánh quả không phải chỉ học hay nghe pháp, hay giải thông được pháp Tứ Diệu Đế, là được thánh quả, mà phải hiểu rõ rằng trí tuệ, hay thấy rõ bằng tuệ nhãn. Để chứng minh rõ sự thật là thế nào tôi xin đem lời Phật ví dụ để quí vị thấy rõ hơn: 1. Thí dụ thứ nhất: Khổ đế ví như chứng bệnh của chúng sanh; Tập đế ví như căn bệnh của chúng sanh; Die6ṭ đế ví như căn bện đã được chữa lành; Đạo đế ví như phương thuốc trị bệnh của chúng sanh 2. Thí dụ thứ hai: Khổ đế ví như món đồ nặng đang vác; Tập đế ví như nguyên nhân bắt buộc phải vác những vật ấy; Diệt đế ví như sự liệng bỏ vật nặng ấy; Đạo đế ví như phương pháp liệng bỏ vật nặng ấy. 3. Thí dụ thứ ba: Khổ đế ví như người có oán thù; Tập đế ví như nguyên nhân của sự oán thù; Diệt đế ví như sự cởi mở của mối oán thù; Đạo đế ví như phương pháp cởi mở oán thù. 4. Thí dụ thứ tư: Khổ đế ví như cây có thuốc độc; Tập đế ví như rễ cây có chất độc; Diệt đế ví như sự đào bứng tận rễ của cây có chất độc; Đạo đế ví như phương pháp đào bứng hết rễ cây có chất độc. Muốn đắc được Tứ Diệu Đế thì chỉ có một phương pháp là hành minh sát tuệ. Khi hành minh sát thì có 16 tuệ phát sanh là: 1. Nāmarūpaparicchedañāna: trí tuệ thấy rõ danh và sắc và phân biệt được danh và sắc. 2. Paccayaparikagahañāna: hiểu nhân, hiểu quả của danh và sắc (ý nói biết nguyên nhân của danh, sắc). 3. Sammāsanañāna: thấy danh và sắc là vô thường, khổ não và vô ngã. 4. Udayañāna: thấy rõ nhân của và danh và sắc. 5. Kangañāna: thấy rõ sự diệt của danh và sắc. 6. Bhayañāna: thấy danh và sắc là vật đáng kinh sợ. 7. Adinavañāna: thấy danh và sắc đầy tội lỗi, khổ đau. 8. Nibbidāñāna: chán nản danh sắc. 9. Muncitukamyatañāna: muốn giải thoát khỏi danh và sắc. 10. Patisankhañāna: cố ý gắng hành để được vào Niết Bàn. 11. Sankhārupekkhāñāna: để tâm vô tư trong danh và sắc. 12. Saccānulomikañāna: thấy rõ Tứ Diệu Đế. 13. Gotabhūñāna: lấy Niết Bàn làm đề mục. 14. Maggañāna: diệt phiền não bằng đạo tuệ. 15. Phalañāna: có Niết Bàn là đề mục. 16. Paccavekkhanañāna: Quan sát lại những phiền não mà chính mình chưa diệt được. Phật dạy: Người còn luân hồi là vì chưa thấy Tứ Diệu Đế bằng tuệ nhãn. Sự thấy Tứ Diệu Đế được hạnh phúc là: 1. Làm cho thấy rõ danh và sắc. 2. Không còn si mê trong phiền não và khổ nữa. 3. Làm cho giải thoát khỏi bể luân hồi. 4. Làm cho đắc được đạo quả. 5. Đưa ra khỏi vòng sanh tử luân hồi. 6. Không còn sinh tử trong tam giới. * HẠNH PHÚC XXXIV Nibbānasacchikiriyā Niết Bàn có nghĩa là ra khỏi vòng cương tỏa của ái dục, ý nói ra khỏi nơi bị trói buộc, hay khỏi luân hồi. Niết Bàn có nghĩa là dập tắt lửa tham lam, sân hận, si mê. Niết Bàn có nghĩa là không có sự trói buộc, ý nói ra khỏi 10 điều trói buộc. Niết Bàn có nghĩa là ra khỏi nơi bị cột dính mãi mãi trong luân hồi Phạn ngữ Nibbāna và Bắc phạn là Niravana, đều nghĩa là Niết Bàn nhưng cần chiết tự để dễ hiểu. Ni có nghĩa là thoát ra, Vana có nghĩa là phiền não, là rừng. Theo thể thức văn phạm của Phạn ngữ, chữ V của Vana đổi lại B cho dễ đọc. Nếu đã đổi V thành B và chữ Ni đứng trước ta có thể thêm chữ B vào sau chữ Ni thành là Nibbāna, có nghĩa là "ra khỏi phiền não" hay "ra khỏi rừng". Tại sao lại gọi là "ra khỏi rừng"? Vì rừng là nơi trú ẩn các loại dã thú, đầy nguy hiểm đối với người lạc đường. Rừng ấy ví như cõi Ta bà thế giới, đầy sự nguy hiểm và dã thú, đầy kẻ ác, mà ta là người đi lạc trong luân hồi. Vậy người đi đến Niết Bàn là người đi ra khỏi rừng, hay là khỏi luân hồi. Niết Bàn có những đặc điểm này là: - Có sự hoàn toàn an tịnh là trạng thái. - Có sự không chết là vị. - Có sự không giới hạn là hiện tượng. Niết Bàn có hai hạng là: - Saupādisesanibbāna: hữu dư Niết Bàn. Niết Bàn này của vị Thánh Nhân để tới bậc A la hán mà chưa nhập diệt, còn mang thân ngũ uẩn này. Vậy hữu dư Niết Bàn (Niết Bàn còn dư) ngụ ý nói còn có ngũ uẩn. - Anupādisesanibbāna: vô dư Niết Bàn, nghĩa là khi vị A la hán dứt bỏ thân này nhập diệt, thì không còn dư sót gì hết. Hai hạng Niết Bàn ấy có chỗ cũng gọi là: - Kilesanibbāna: phiền não Niết Bàn, ý nói thánh nhân đã hoàn toàn diệt hết phiền não, nhưng chưa nhập diệt. - Khandhanibbāna: ngũ uẩn Niết Bàn, nghĩa là A la hán đã bỏ thân ngũ uẩn này và đã nhập diệt. Đức Thế Tôn có dạy rằng: Dve imā cakkhu-mātāpa kāsitā, hai Niết Bàn ấy, Như Lai là đứng có tuệ nhãn, người đã diệt được ái dục và tà kiến, đã thuyết rằng khi người đắc quả A La Hán mà chưa nhập diệt thì gọi là hữu dư Niết Bàn, còn đã nhập diệt thì gọi là vô dư Niết Bàn. Đại ý câu này nói: Niết Bàn của các bậc Tu Đà Hườn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm gọi là hữu dư Niết Bàn. Vì các vị này là Thánh nhân nhưng chưa đi đến nơi hoàn toàn giải giải thoát. Còn vị nào đắc A La Hán đời này rồi nhập diệt, thì gọi là vô dư Niết Bàn, nghĩa là không còn ở trong tam giới này nữa; nhưng khi vị A La Hán chưa nhập diệt thì cũng gọi là hữu dư Niết Bàn. Niết Bàn không có hình thể nên không có gì ví dụ được. Trong bộ kinh Mi Lãn Đà Vấn Đạo Đức Na Tiên Tỳ Khưu, ngài Na Tiên có dạy đức vua Mi Lãn Đà rằng: "Tâu Đại vương, Niết Bàn không có chi sánh bằng, không thể chỉ hình thức được, và không thể nào đem ra nói bằng lời được, vì Niết Bàn tuyệt đối ngoài tất cả các sự vật. "Tâu Đại vương chỉ có người hành minh sát tuệ thì càng ngày càng hiểu rõ danh sắc, diệt trừ phiền não, tâm hoàn toàn không còn mê theo danh sắc, nghĩa là người hoàn toàn đến Niết Bàn. "Người đắc Niết Bàn chỉ có riêng người ấy biết mà thôi, cũng như người bệnh, chính họ mới biết bệnh của họ đã thuyên giảm, vì khi bệnh hành thì thật khổ, mà chừng cái khổ ấy từ từ mất lần đi, thì người bệnh mới nhận thấy rõ rệt. Vì vậy Đức Thế Tôn dạy pháp đắc trong tâm". Tôi có thấy trong bài kinh Nibbānasatrapali có một thầy Bà la môn Jambūkhādaka hỏi Đại đức Xá Lợi Phất rằng: "Niết Bàn là gì?" Đại đức đáp: "Này thầy, sự không còn tham,sân, si là Niết Bàn." Lại chuyện nhữa rằng, ngày nọ có thầy Tỳ khưu bạch hỏi Đức Thế Tôn về vấn đề Niết Bàn. Đức Thế Tôn dạy: "Nếu có người đau nặng, sắp chết, bổng nhiên có một vị lương y đến chẩn mạch, và sau xem mạch xong mới bảo rằng: Bệnh tuy nặng nhưng ta có thể chữa được, uống đôi thang thuốc thì sẽ mạnh. Này các thầy Tỳ khưu, vậy người bệnh ấy có phải hỏi: Ngài tên gì? Từ đâu đến? Học với thầy nào? Đầu thang với bao nhiêu vị thuốc? Và tìm thuốc ở đâu? Sau khi mạnh sẽ ra sao?" - "Bạch Đức Thế Tôn, người bệnh ấy sẽ không bao giờ hỏi những điều vô lý ấy, mà chỉ có yêu cầu xin thuốc thôi". Đức Phật kết luận: "Này các thầy Tỳ khưu, Như Lai là một vị lương y mà các thầy là những bệnh nhân đang ở trong tình trạng nguy kịch, chỉ còn chờ chết. Thế mà các thầy còn nông nổi hạch hỏi Như Lai Niết Bàn là gì? Làm sao chứng Niết Bàn? Niết Bàn ở đâu? Như Lai chỉ thuốc cho các thầy, các thầy cứ uống theo toa của Như Lai, thì căn bệnh sẽ khỏi hẳn, chừng ấy các thầy sẽ thấy và biết Niết Bàn là gì, ở đâu, ra sao v.v... Vả lại sự tranh thủ thời gian để sống và trị bệnh đừng cho bệnh càng nặng thêm, đó mới là điều trọng yếu, còn ngoài ra đều là vấn đề phụ thuộc." Căn cứ theo Phật ngôn trên đây, ta nhận thấy Đức Phật không dạy suông mặt lý thuyết, mà dạy chúng sanh thực hành rồi sẽ thấy kết quả và giá trị của việc làm. Để trở lại hữu dư và vô dư Niết Bàn, tôi xin nhắc lại câu Phật dạy trong phẩm Sattamasulla Dutivavagga ở bộ Itivuttaka rằng: "Này các thầy Tỳ khưu, trong kiếp hiện tại này, thầy Tỳ khưu nào là người xa phiền não, hết thụy miên phiền não, đã hoàn bị phạm hạnh, nhiệm vụ phải làm đã làm xong, quăng bỏ gánh nặng, đã làm xong điều lợi ích cho mình, đã cởi mở kiết sử pháp là nhân tạo ra hiện hữu, đã giác ngộ và giải thoát, song còn có ngũ uẩn, thì đó gọi là hữu dư Niết Bàn. Còn vị Tỳ khưu nào đã làm xong phận sự trên, đồng thời tịch diệt không còn ngũ uẩn nữa, gọi là vô dư Niết Bàn". Trong câu Phật ngôn trên đây, tiếng "phiền não" là ngụ ý chỉ tham, sân, si và "hết thụy miên phiền não" là dứt được 4 trầm nịch: - Kāmāsavo: trầm nịch trong tình dục. - Bhavāsavo: trầm nịch trong tam giới. - Ditthisavo: trầm nịch trong tà kiến. - Avijjasavo: trầm nịch trong vô minh. Còn tiếng "đã hoàn bị phạm hạnh" nghĩa là đã tu hành đúng theo 10 pháp: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh tuệ, chánh giải thoát. Còn tiếng "nhiệm vụ phải làm đã làm xong" ý nói các ngài đã diệt được hết phiền não bằng Giới-Định-Tuệ. Tiếng "đã quăng gánh nặng" là các ngài đã bỏ ba gánh rất nặng là: - Khandhabbāra: gánh nặng là ngũ uẩn. - Kilesabbāra: gánh nặng là phiền não. - Abbidankhārabbāra: gánh nặng là tạo nghiệp. Tiếng "đã làm xong điều lợi cho mình", ý nói cố gắng hành đạo để được đắc quả A la hán. Tiếng "đã cởi mở kiết sử pháp là nhân tạo hiện hữu" ý nói đoạn tuyệt 10 pháp trói buộc: 1. Sakkāyaditthi: thân kiến. 2. Vicikicchā: hoài nghi. 3. Sīlabhattāparāmāsa: giới cấm thủ. 4. Kāmacchanda: thích thú trong trần dục. 5. Byāpāda: sân hận. 6. Rūparāga: thích thú trong cõi sắc. 7. Arūparāra: thích thú trong cõi vô sắc. 8. Mano: ngã chấp. 9. Uddhacca: phóng tâm. 10. Avijjā: vô minh. Tiếng "đã giác ngộ" ý nói không còn lầm lẫn cho rằng vạn vật đem an vui cho ta, và thân này là ta. Thấy rõ Niết Bàn được hạnh phúc là: 1. Được an vui trong kiếp hiện tại. 2. Không còn đọa vào ác đạo. 3. Giải thoát khỏi khổ và phiền não. 4. Được sự an vui hoàn toàn, tuyệt đối. 5. Không còn luân hồi. -ooOoo- Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 |
Chân thành cám ơn đạo hữu Huyền Thanh đã gửi tặng bản vi tính (08-2006)
[Trở về
trang Thư Mục]
last updated: 01-09-2006