Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Tôi phản đối bạo lực vì ngay cả khi nó có vẻ như điều tốt đẹp thì đó cũng chỉ là tạm thời, nhưng tội ác nó tạo ra thì tồn tại mãi mãi. (I object to violence because when it appears to do good, the good is only temporary; the evil it does is permanent.)Mahatma Gandhi
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Chuyển họa thành phúc »» Tích chứa điều lành »»

Chuyển họa thành phúc
»» Tích chứa điều lành

(Lượt xem: 6.122)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


Chuyển họa thành phúc - Tích chứa điều lành

Font chữ:


Kinh Dịch nói: “Nhà nào tích chứa điều lành ắt có thừa niềm vui.” Thuở xưa, họ Nhan mang con gái gả cho Thúc Lương Hột vì xét thấy tổ tiên nhiều đời của ông này từng tạo nhiều phước đức, do đó tin chắc rằng con cháu về sau ắt phải được hưng thịnh, tốt đẹp. Đức Khổng tử khi ngợi khen vua Thuấn là bậc đại hiếu có nói rằng: “Tông miếu tổ tiên được thờ kính, con cháu nhiều đời gìn giữ phước lành.” Những lời như thế đều là sự luận giải rốt ráo, rõ ràng. Nay ta lại thử đem những chuyện có thật đã qua để chứng minh cho lập luận này.

Quan Thiếu sư họ Dương, tên Vinh, quê ở huyện Kiến Ninh, tổ tiên nhiều đời làm nghề chèo thuyền [đưa người sang sông] để sinh sống. Gặp lúc trời mưa lâu, nước sông suối dâng cao, dòng chảy rất xiết, cuốn trôi cả những vùng dân cư, người chết đuối cứ theo dòng sông mà trôi xuống. Những thuyền khác đều tranh nhau vớt lấy tài sản quý giá trôi trên sông, chỉ riêng ông cố và ông nội của Thiếu sư, hai người đều hết sức lo việc cứu người, hoàn toàn không vớt lấy một chút tài vật nào. Người trong làng đều cười chê họ là ngu dại.

Đến khi cha của Thiếu sư ra đời, gia đình dần dần khá giả lên. Bỗng có vị thần hóa hình thành một đạo nhân đến bảo người nhà rằng: “Tổ phụ các người có âm đức lớn, con cháu sẽ được giàu có vinh hiển, nên cải táng [mộ tổ phụ] vào chỗ đất này...” Nói rồi chỉ cho một chỗ đất. Người nhà y theo chỉ dẫn của đạo nhân mà cải táng. Chỗ ấy sau này các thầy địa lý đều gọi là gò bạch thố.

Về sau sinh ra Thiếu sư, còn nhỏ tuổi đã thi cử đỗ đạt, làm quan tước vị lên đến Tam công. Ông cố và ông nội của Thiếu sư đều được triều đình truy tặng quan tước như vậy. Con cháu về sau đều được hưng thịnh, tốt đẹp, cho đến nay vẫn còn nhiều người hiền đức.



Dương Tự Trừng người huyện Ngân, ban đầu vốn chỉ là một viên thư lại trong nha huyện, luôn giữ lòng nhân hậu, thi hành pháp luật một cách công bình. Quan huyện khi ấy là người nghiêm khắc, một hôm tùy tiện dùng roi đánh một người tù đến nỗi máu chảy đầy sân mà vẫn chưa hết cơn giận. Họ Dương quỳ xuống xin tha. Quan huyện nói: “Người này vi phạm pháp luật, làm trái đạo lý, ta làm sao có thể không tức giận?” Tự Trừng khấu đầu thưa rằng: “[Tăng tử có nói:] ‘Bề trên lỗi đạo, dân chúng phóng túng buông thả đã lâu, như hiểu được tình cảnh đó thì [khi xét xử tội trạng] nên thương xót họ, chớ lấy [việc trừng phạt được tội ác] làm vui.’ [Theo như lời ấy thì] vui còn không được, huống chi lại nổi giận?” Quan huyện nghe lời ấy rồi liền thôi không giận nữa.

Nhà Tự Trừng rất nghèo, nhưng có ai mang quà biếu đến đều tuyệt đối không nhận. Gặp lúc thiếu lương thực, tù nhân phải chịu đói, ông thường tìm đủ mọi cách để có cho họ ăn. Ngày kia, có thêm một số tù nhân mới được giải đến đang đợi cho ăn, gặp lúc nhà ông đã gần hết gạo, nếu mang cấp cho tù nhân thì cả nhà phải chịu đói, nếu giữ gạo lại ăn thì những người tù kia thật đáng thương. Ông liền đem việc ấy bàn với vợ. Vợ ông hỏi: “Những người tù ấy từ đâu chuyển đến?” Ông đáp: “Từ Hàng Châu đến, dọc đường đã phải chịu đói rất lâu, thấy rõ sắc mặt xanh lè!” Nhân đó, [vợ chồng] ông liền lấy hết số gạo còn lại trong nhà, nấu cháo mang đến cho tù nhân ăn.

Về sau, ông sinh được 2 người con trai. Con trưởng là Dương Thủ Trần, con thứ là Dương Thủ Chỉ, cả 2 đều làm quan Lại Bộ Thị lang ở 2 vùng Nam (kinh) và Bắc (kinh). Lại có 2 người cháu nội, cháu lớn làm quan đến chức Hình Bộ Thị lang, cháu nhỏ làm quan Liêm Hiến ở tỉnh Tứ Xuyên, đều là những vị quan có danh tiếng. Ngày nay, các ông Sở Đình, Đức Chính đều là con cháu của Dương Tự Trừng.



Trong khoảng niên hiệu Chính Thống, Đặng Mậu Thất cầm đầu nổi loạn ở Phúc Kiến, những kẻ có học và dân thường cùng theo hưởng ứng rất đông. Triều đình cử quan Đô hiến là Trương Giai từ huyện Ngân kéo quân về phía nam để chinh phạt. Trương Đô hiến dùng mưu bắt được giặc loạn, sau đó liền cử viên Đô sự họ Tạ thuộc Bố Chánh ty [của tỉnh Phúc Kiến] đi truy lùng bắt giết những kẻ theo giặc loạn. Tạ Đô sự cố sức điều tra được danh sách những người đã theo giặc. Sau đó, đối với những gia đình nào không có tên trong danh sách liền kín đáo sai người đến trao cho một lá cờ nhỏ bằng vải trắng, dặn họ vào ngày quân binh truy quét thì cắm lá cờ ấy trước cửa. Tạ Đô sự lại nghiêm cấm quân lính không được giết người bừa bãi, nhờ vậy mà cứu sống được đến hàng vạn người [không phải chết oan].

Về sau, con trai của Tạ Đô sự là Tạ Thiên thi đỗ Trạng nguyên, làm quan đến chức Tể tướng. Cháu nội là Tạ Phi cũng đỗ Thám hoa.



Ở huyện Bồ Điền [thuộc tỉnh Phúc Kiến] có nhà họ Lâm, đời trước có một lão bà ưa thích làm điều thiện, thường làm bánh bột gạo rồi đem bố thí cho người, ai đến xin cũng cho, không chút phiền hà. Có một vị tiên hóa hình làm đạo nhân, sáng nào cũng đến xin đến 6, 7 cái bánh. Lão bà ngày nào cũng đưa cho, trải qua 3 năm đều đặn như vậy. Vị tiên thấy được tấm lòng chân thành của bà rồi, liền nói: “Ta ăn bánh của bà đã 3 năm, biết làm sao đền đáp? Sau nhà bà có một chỗ đất, [khi nào bà mất đi, dặn trước người nhà hãy] chôn cất bà nơi ấy, con cháu về sau sẽ được hưởng quan tước nhiều như số hạt mè trong một thăng mè.”

Người con trai theo lời mẹ dặn, chôn cất lão bà nơi chỗ đất ấy. Ngay đời sau đó đã có 9 người đỗ đạt. Trải qua nhiều đời sau nữa thì những người quyền quý quan tước trong họ ấy rất nhiều. Tỉnh Phúc Kiến có lưu truyền câu tục ngữ rằng: “Không có họ Lâm thì không lập được bảng vàng” [ý nói không một khoa thi nào lại không có người họ Lâm đỗ đạt].



Cha của quan Thái sử Phùng Trác Am khi còn học ở trường huyện, vào một ngày mùa đông cực kỳ rét buốt, dậy sớm đến trường học, giữa đường bỗng nhìn thấy một người bị ngã nằm trong đống tuyết, đến sờ vào thì thấy đã bị tê cứng đến nửa người rồi. Ông liền cởi chiếc áo ấm đang mặc ra đắp cho người ấy, rồi đưa về nhà cứu sống.

Sau đó, ông mộng thấy một vị thần bảo rằng: “Ông cứu được một mạng người, có tâm chí thành, nay ta sai Hàn Kỳ đến làm con ông.” [Nhân đó nên] đến khi sinh con trai liền đặt tên là Phùng Kỳ, [sau mới lấy hiệu là Trác Am].



Quan Thượng thư họ Ưng người Đài Châu [thuộc tỉnh Chiết Giang], thuở còn thanh niên học tập trong vùng núi, ban đêm có bọn ma quỷ tụ tập kêu rú, thường khiến mọi người kinh sợ, nhưng riêng ông không chút sợ sệt.

Một đêm nọ, ông nghe tiếng quỷ nói: “Có một phụ nữ kia vì chồng đi xa đã lâu không về, cha mẹ chồng [nghĩ là con mình đã chết nên] ép cô ấy phải lấy chồng khác. [Cô ấy không chịu nên] đêm mai sẽ thắt cổ tự tử ở nơi ấy. Vậy là ta có người thế thân rồi.”

Họ Ưng nghe biết được tên người phụ nữ trong câu chuyện, liền ngầm bán ruộng nhà được 4 lượng bạc, rồi viết một bức thư giả làm thư của người chồng gửi về nhà, kèm theo cả 4 lượng bạc. Cha mẹ chồng của người phụ nữ kia được thư, xem chữ viết không phải của con mình nên nghi ngờ, nhưng rồi lại nghĩ: “Thư có thể giả, nhưng tiền làm sao giả được?” Vì thế, họ cho rằng con mình vẫn bình an không xảy ra chuyện gì. Người phụ nữ kia nhờ vậy không [bị ép] lấy chồng khác.

Về sau, người chồng quay về, vợ chồng lại được đoàn tụ như xưa. Một đêm, họ Ưng lại nghe quỷ nói với nhau: “Ta đã sắp có người thế thân, chỉ do gã tú tài này phá hỏng chuyện của ta.” Có con quỷ gần đó hỏi: “Sao mày không hại nó?” Quỷ kia đáp rằng: “Thượng đế thấy người này tâm địa tốt lành nên đã truyền lệnh ghi âm đức cho ông ta sau này sẽ làm quan Thượng thư, tao làm sao có thể hại được?”

Họ Ưng nghe như vậy càng thêm nỗ lực, việc thiện ngày càng làm được nhiều hơn, phước đức càng thêm sâu dày. Gặp năm mất mùa đói kém, ông liền mang gạo của nhà ra cứu giúp cho người đói; gặp người thân thích có việc nguy cấp, ông liền ân cần giúp đỡ họ vượt qua; gặp những hoàn cảnh trái nghịch, ông thường quay lại tự xét lỗi mình rồi vui vẻ chấp nhận. Con cháu của ông đỗ đạt thành danh, tính đến nay số lượng rất nhiều.



Huyện Thường Thục [thuộc tỉnh Giang Tô] có người tên Từ Thức, hiệu Phượng Trúc. Cha ông vốn là người giàu có. Gặp một năm mất mùa đói kém, cha ông là người trước tiên trong toàn huyện đề xướng việc hủy bỏ không thu tô [của nông dân], sau đó lại mang lúa gạo trong nhà ra phân phát cứu giúp người đói thiếu. Đến đêm nghe tiếng quỷ thần nơi cửa trước hô to rằng: “Ngàn vạn lần quyết không lừa dối, tú tài nhà họ Từ sẽ đỗ cử nhân.” Nhiều đêm liên tiếp đều nghe tiếng hô to như vậy. Năm ấy, Phượng Trúc dự kỳ thi Hương quả nhiên đỗ cử nhân. Cha ông nhân đó càng nỗ lực làm thiện, ngày càng nhiều hơn, không chút biếng trễ. Những việc như tu sửa cầu đường, cúng dường trai tăng, cứu giúp người nghèo đói... cho đến hết thảy những việc mang lại lợi ích [cho người khác] ông đều cố hết sức làm. Về sau lại nghe tiếng quỷ thần hô to nơi cửa trước rằng: “Ngàn vạn lần quyết không lừa dối, cử nhân nhà họ Từ sẽ làm quan đến chức Đô Đường.” Về sau, Phượng Trúc [quả nhiên] làm quan đến chức Tuần phủ Lưỡng Chiết.



Có viên Chủ sự bộ Hình tên Đồ Khang Hy là người quê ở phủ Gia Hưng [thuộc tỉnh Chiết Giang]. Một đêm nọ, ông vào trong ngục, thận trọng tra hỏi tỉ mỉ trường hợp của từng người tù, qua đó phát hiện được một số người vô tội. Ông không lấy đó làm công lao của riêng mình, liền bí mật viết hết lời khai của các tù nhân thành văn bản trình lên quan Thượng thư bộ Hình. Sáng sớm hôm sau khi xét xử tội nhân, quan Thượng thư dựa theo những lời ông đã báo lên mà tra hỏi, hết thảy tù nhân đều khâm phục nhận chịu, nhờ đó làm rõ và phóng thích được hơn mười người bị oan. Bấy giờ, [qua sự việc ấy,] dân chúng ở kinh đô đều ca tụng quan Thượng thư là người sáng suốt.

Đồ Khang Hy lại thưa với quan Thượng thư rằng: “Ngay ở chốn kinh thành mà còn có nhiều người dân bị oan ức, dân chúng bốn phương số nhiều đến hàng triệu người, lẽ nào lại không có những kẻ bị oan? Vì thế, cứ 5 năm một lần triều đình nên cử một vị quan Giảm hình [về các địa phương] tra xét sự thật [các vụ án] để phán xử lại cho công bằng.” Quan Thượng thư trình tấu đề nghị ấy lên triều đình, được chuẩn y. Bấy giờ, Đồ Khang Hy cũng được đề cử làm một trong số các quan Giảm hình.

Đêm nọ, Đồ Khang Hy mộng thấy một vị thần bảo rằng: “Mạng số của ông vốn không có con, nay ông đề nghị việc giảm hình rất hợp lòng trời, Ngọc Đế ban cho ông 3 người con, về sau đều sẽ được áo tía đai vàng.” Đêm ấy, vợ ông có thai rồi sinh ra con trai là Đồ Ứng Huân. Sau lại sinh được Đồ Ứng Khôn, Đồ Ứng Tuấn. Cả ba người con ấy sau đều được quan tước hiển vinh.



Phủ Gia Hưng [thuộc tỉnh Chiết Giang] có người tên Bao Bằng, tự là Tín Chi. Cha ông làm quan Thái thú Trì Dương, sinh được 7 người con. Bao Bằng là con út, làm rể nhà họ Viên ở huyện Bình Hồ [cũng thuộc phủ Gia Hưng]. Ông Bao Bằng với cha tôi có giao tình hết sức thân mật. Ông học rộng tài cao nhưng đi thi nhiều lần không đỗ, [liền quay sang] chú tâm vào Phật học và Lão học. Một hôm, ông dạo chơi ở Mão Hồ về phương đông, bỗng gặp một ngôi chùa làng có pho tượng Quán Âm [đứng trong chùa mà] bị nước dột thấm ướt hết. Ông lục trong túi còn được 10 lượng bạc, liền trao hết cho thầy trụ trì để tu sửa mái chùa. Thầy trụ trì nói việc này tốn kém nhiều mà tiền như vậy quá ít, e không thể làm được. Bao Bằng liền lấy ra bốn xấp vải Tùng, lại soát trong rương hành lý được bảy cái áo vải kép loại tốt, chỉ vừa mới mua, liền trao tất cả cho thầy trụ trì. Người hầu có ý ngăn cản, Bao Bằng liền nói: “Chỉ cần thánh tượng Bồ Tát không bị hư hoại, ta dù không mặc áo cũng chẳng hề gì.” Thầy trụ trì cảm động rơi nước mắt, nói: “Đem tiền, vải, áo cúng dường, cũng không phải việc khó làm, nhưng tâm chí thành như ông thật không dễ có!”

Khi việc tu sửa ngôi chùa đã hoàn thành, Bao Bằng lại đưa cha mình cùng đi đến viếng chùa, nghỉ đêm lại đó. Ông mộng thấy có vị hộ pháp đến cảm tạ và nói: “Con ông sẽ được hưởng lộc ở đời.”

Về sau, con trai ông là Bao Biện, cháu nội là Bao Sanh Phương, đều đỗ đạt làm quan vinh hiển.



Huyện Gia Thiện [thuộc tỉnh Chiết Giang] có người tên Chi Lập. Cha ông trước đây là một viên thư lại giúp việc hình án trong huyện. Có người tù vô tội nhưng bị hãm hại phải chịu tội tử hình. Ông thấy vậy thương xót, muốn tìm cách xin cho được sống. Người tù [nhân lúc vợ vào thăm] nói với vợ rằng: “Ông Chi có lòng tốt cứu giúp, tôi thật hổ thẹn không biết lấy gì báo đáp. Ngày mai nàng hãy mời ông ấy đến nhà chơi, xin được đem thân hầu hạ chăn gối. Nếu ông ấy chấp nhận thì tôi có thể giữ được mạng sống.” Người vợ khóc mà vâng lời.

Hôm sau, khi ông Chi đến nhà, người vợ tự mình ra hầu rượu, nói rõ ý chồng mình. Ông Chi không chấp nhận, nhưng sau đó vẫn đem hết sức lo liệu sự việc. Khi người tù được tha, vợ chồng cùng đến nhà ông bái tạ rồi nói: “Ân đức của ông thật trên đời hiếm có. Nay biết ông không có con, chúng tôi có đứa con gái vừa lớn, xin cho được theo làm hầu thiếp lo liệu việc nhà. Như vậy cũng là theo đúng lễ nghi.”

Ông Chi liền lo đủ lễ vật mà cưới về. Sau sinh ra Chi Lập, 20 tuổi đã thi đỗ đầu bảng, sau làm quan đến chức Khổng Mục trong Hàn Lâm viện.

Chi Lập sinh con là Chi Cao, Chi Cao sinh ra Chi Lộc, đều đỗ cử nhân, học vấn uyên bác. Chi Lộc lại sinh ra Chi Đại Luân thi đỗ tiến sĩ.



Mười trường hợp vừa kể trên, việc làm của mỗi người đều khác biệt, nhưng giống nhau ở một điểm: tất cả đều là việc thiện. Tuy nhiên, xét đến chỗ tinh yếu cặn kẽ mà nói thì việc làm thiện còn có phân ra chân thật khác với giả dối, ngay thẳng khác với tà vạy, tích âm đức khác với tạo phước ở đời, đúng đắn khác với sai lầm, lệch lạc khác với chính đáng, một phần khác với trọn vẹn, lớn lao khác với nhỏ nhặt, khó khăn khác với dễ dàng. Hết thảy đều nên luận xét đến chỗ sâu xa. Nếu làm việc thiện mà không thấu hiểu cặn kẽ đạo lý, ắt có khi tưởng mình đang làm việc thiện mà không biết đó là tạo nghiệp xấu. Như vậy thì khổ nhọc tâm trí cũng chỉ là uổng phí, chẳng được ích lợi gì.

Như thế nào là chân thật khác với giả dối?

Xưa có một nhóm các nho sinh đến tham vấn hòa thượng Trung Phong, thưa hỏi rằng: “Nhà Phật đưa ra thuyết nhân quả báo ứng như bóng theo hình, nhưng nay thấy người kia làm việc thiện mà con cháu họ không được hưng thịnh, lại thấy người nọ làm việc ác mà con cháu họ sung túc thịnh vượng. Như vậy, thuyết của nhà Phật thật chẳng lấy gì để làm bằng cứ cả.”

Hòa thượng Trung Phong đáp: “Khi cảm xúc trần tục chưa dứt sạch thì con mắt chân chánh chưa thể khai mở. Đối với việc thiện mà xem là ác, đối với việc ác lại xem là thiện, những việc như thế rất thường gặp. Sao các ông không tự trách chỗ thấy biết điên đảo sai lầm của mình mà ngược lại oán trách sự báo ứng của đạo trời cho là sai lệch?”

Các nho sinh liền hỏi: “Thiện và ác [là hai điều trái ngược nhau], sao có thể nhận biết điên đảo như thầy nói?”

Hòa thượng liền bảo họ mỗi người hãy đưa ra sự mô tả để phân biệt thiện ác.

Một người nói: “Mắng nhiếc, nhục mạ người khác là ác; cung kính, lễ phép với người khác là thiện.” Hòa thượng Trung Phong nói: “Chưa hẳn đã là như vậy.”

Một người khác nói: “Tham muốn tiền của, làm bậy để lấy của người khác là ác; ngay thẳng thanh bạch không lừa gạt lấy của người khác là thiện.” Hòa thượng Trung Phong lại nói: “Chưa hẳn đã là như vậy.”

Mỗi người trong nhóm nho sinh đều nói ra cách hiểu của mình, hòa thượng Trung Phong đều bảo là chưa đúng. Cuối cùng, cả nhóm cùng thưa thỉnh ngài nói ra lý lẽ đúng thật.

Hòa thượng bảo họ: “Việc làm mang lại lợi ích cho người khác, đó gọi là thiện; việc làm chỉ mưu lợi ích riêng cho bản thân mình, đó gọi là ác. Nếu có thể mang lại lợi ích cho người, thì việc mắng nhiếc, nhục mạ người cũng đều là thiện. Nếu chỉ vì lợi ích riêng tư cho bản thân mình thì việc cung kính, lễ phép với người khác cũng đều là ác.

“Vì thế, người làm việc thiện lấy sự lợi ích cho người khác làm việc chung, thì việc chung ấy là chân thật; xem lợi ích của bản thân mình là việc riêng tư, việc [mưu lợi] riêng tư ấy ắt là giả dối.

“Làm việc thiện xuất phát từ tâm chân thành là chân thật, không xuất phát từ bản tâm, chỉ bắt chước làm theo là giả dối.

“Làm việc thiện mà hoàn toàn không vướng chấp vào hình tướng là chân thật, vướng mắc nơi hình tướng phân biệt là giả dối.

“Đối với hết thảy những việc tương tự khác, các ông đều nên [dựa theo các nguyên tắc nêu trên mà] tự mình khảo xét [phân biệt giữa thiện hay ác, chân thật hay giả dối].”

Như thế nào là ngay thẳng khác với tà vạy?

Người đời nay thấy những kẻ thật thà dễ sai bảo thì xem đó là người hiền lành mà chọn dùng. Bậc thánh nhân [xưa kia] thà chọn dùng những người có chí khí hướng thiện hoặc có quyết tâm không làm việc ác. Với những kẻ thật thà dễ sai bảo, tuy ở trong một thôn xóm thì có thể xem là tốt, nhưng đối với nền đạo đức chung thì đó là những kẻ gây tổn hại [vì chỉ biết thuận theo thế tục chứ không hề có ý chí hướng thiện].

Cho nên, cách phân biệt thiện ác của người thế tục đem so với bậc thánh nhân rõ ràng có sự trái ngược nhau. Từ đó mà suy ra, hết thảy những sự chọn lựa yêu ghét, lấy bỏ của người đời cũng đều có sai lầm. Sự phân biệt những điều phước thiện hay tà ác, họa hại của quỷ thần cũng đều tương đồng với sự phân biệt những điều đúng đắn hay sai lầm của bậc thánh nhân, nhưng lại khác biệt với những sự phân biệt yêu ghét, lấy bỏ của người đời.

Vì thế, nếu muốn làm thiện tích đức, chắc chắn không thể tùy theo những điều tai nghe mắt thấy [của riêng mình], mà phải xuất phát từ cội nguồn sâu thẳm kín đáo trong tâm, âm thầm tu sửa gột rửa [dứt sạch mọi điều tà vạy]. Nếu chỉ còn duy nhất một tâm nguyện cứu người giúp đời, đó là [làm thiện một cách] ngay thẳng, chỉ cần khởi lên một mảy may tâm niệm dối người gạt đời, ắt đó là [làm thiện một cách] tà vạy; nếu chỉ duy nhất một tâm nguyện thương người yêu đời, đó là ngay thẳng, chỉ cần khởi lên một mảy may tâm niệm giận người hận đời, ắt đó là tà vạy; nếu chỉ duy nhất một tâm nguyện cung kính người khác, đó là ngay thẳng, chỉ cần khởi lên một mảy may tâm niệm bỡn cợt, ắt đó là tà vạy. Những [lý lẽ phân biệt như thế] đều nên phân tích khảo xét cho thật kỹ lưỡng.

Như thế nào là tích âm đức khác với tạo phước ở đời?

Những việc thiện mà người đời thấy biết được, đó là tạo phước ở đời. Những việc thiện mà người đời không hay biết, đó là tích âm đức. Tích âm đức thì được trời báo đáp, còn tạo phước ở đời thì được hưởng tiếng tốt. Tiếng tốt đó cũng là phước báo vậy. Nhưng danh tiếng vốn là chỗ đối kỵ với [lẽ tự nhiên của] tạo vật. Người nào được thọ hưởng danh tiếng tốt đẹp mà không thực xứng đáng thì đa phần đều phải chuốc lấy tai họa. Người nào không có lỗi lầm xấu ác gì mà phải oan ức nhận lấy tiếng xấu thì con cháu lại thường được nhanh chóng phát đạt. Sự khác biệt giữa tích âm đức với tạo phước ở đời thật hết sức tinh tế, nhỏ nhặt khó thấy.

Như thế nào là đúng đắn khác với sai lầm?

Nước Lỗ [vào thời Xuân Thu] có luật định rằng, người nước Lỗ khi bỏ tiền ra để chuộc dân nước Lỗ [bị bắt làm nô lệ] từ các nước chư hầu khác về đều có thể đến quan phủ [địa phương] nhận lại số tiền đó. Tử Cống chuộc người về nhưng không chịu nhận lại tiền.

Khổng tử biết chuyện liền chê trách, nói: “Trò Tứ làm sai rồi. Bậc thánh nhân làm việc gì đều [nhắm đến việc] sửa đổi phong tục tập quán [cho tốt hơn], để dẫn dắt dạy dỗ người đời những điều có thể làm được, chứ không chỉ riêng tự thân mình làm. Nay ở nước Lỗ rất ít người giàu có, đa số là dân nghèo, nếu [chuộc người về rồi] nhận lại tiền mà xem là không liêm khiết thì làm sao tiếp tục chuộc [người khác] nữa? Từ nay về sau [e rằng sẽ] không còn ai chuộc dân Lỗ [bị bắt làm] nô lệ ở các nước khác về nữa rồi!”

Lại khi Tử Lộ cứu sống một người suýt chết đuối, người ấy mang một con trâu đến tạ ơn, Tử Lộ nhận lấy. Khổng tử biết chuyện vui mừng nói: “Từ nay nước Lỗ ắt sẽ có nhiều kẻ [dám liều mình] cứu người chết đuối.”

Nếu theo cách nhìn của người thế tục thì Tử Cống [chuộc người mà] không nhận lại tiền là tốt, còn Tử Lộ [cứu người mà] nhận trâu là xấu. [Thế nhưng] Khổng tử lại khen Tử Lộ mà chê Tử Cống, cho nên biết rằng việc làm thiện không xét theo sự việc đang xảy ra, mà phải xét [đến những ảnh hưởng] lan rộng ngấm ngầm [theo sau sự việc ấy]; không xét theo hiện tại nhất thời, mà phải xét về [tác động] lâu dài; không xét riêng một người, mà phải xét [đến ảnh hưởng đối với] nhiều người.

Nếu việc đang làm tuy là việc thiện, nhưng ảnh hưởng lan rộng có hại cho người khác, thì việc ấy tuy có vẻ như thiện nhưng kỳ thật lại là sai lầm. Nếu việc đang làm tuy là bất thiện, nhưng ảnh hưởng lan rộng có thể cứu giúp người khác, thì việc ấy tuy có vẻ như bất thiện nhưng kỳ thật lại là đúng đắn. Ở đây chỉ lấy riêng một ý tiêu biểu là [thiện và bất thiện] mà luận giải, còn những ý nghĩa khác như [việc làm] hợp đạo nghĩa lại giống như phi nghĩa, [việc làm] đúng lễ giáo lại giống như trái lễ, [việc làm] giữ đúng chữ tín lại giống như bất tín, [việc làm] từ ái lại giống như không có lòng từ... hết thảy đều nên phân biệt chọn lựa cho rõ ràng.

Như thế nào là lệch lạc khác với chính đáng?

Tể tướng Lã Văn Ý khi mới từ quan về quê, dân chúng khắp nơi trong nước đều hết lòng kính ngưỡng, xem như núi Thái Sơn, như sao Bắc Đẩu. Có một người cùng làng uống rượu say mắng chửi ông, ông không giận, nói với người hầu rằng: “Người ấy say rồi, đừng so đo với hắn.” Rồi đóng cửa lại không quan tâm đến. Qua năm sau, người ấy phạm tội tử hình bị giam vào ngục, Lã Văn Ý biết chuyện lấy làm hối hận, nói: “Phải chi hồi đó ta có chút lưu tâm việc sai trái của hắn, bắt giao cho quan phủ trị tội, ắt là hắn phải chịu sự trừng phạt nhỏ mà có thể ngăn ngừa được tội ác lớn. Ta khi ấy chỉ muốn giữ lòng nhân hậu, không ngờ lại nuôi dưỡng cái ác của kẻ ấy cho đến nỗi thành ra sự việc như hôm nay.” Đó là có lòng lành nhưng lại thành ra làm việc xấu.

Lại có trường hợp khởi tâm xấu ác nhưng lại làm được việc tốt lành. Như có nhà kia hết sức giàu có, gặp năm mất mùa đói kém, có đám dân cùng khốn cướp lúa thóc nơi chợ búa ngay giữa ban ngày, báo lên quan huyện nhưng quan huyện không giải quyết. Những người kia thấy vậy lại càng phóng túng hơn, cuối cùng [nhà giàu ấy] liền tự ý bắt giam [những kẻ cướp], nhờ vậy dân chúng mới được yên ổn. Nếu không làm thế ắt cả vùng đều loạn cả.

Cho nên, làm việc thiện là chính đáng, làm việc xấu ác là lệch lạc, điều ấy thì ai cũng biết. Nhưng khởi tâm thiện mà làm thành việc xấu ác, ấy là trong chỗ chính đáng mà thành lệch lạc; khởi tâm ác mà làm thành việc thiện, ấy là trong chỗ lệch lạc mà thành chính đáng. Những điều như thế không thể không suy xét rõ.

Như thế nào là một phần khác với trọn vẹn?

Kinh Dịch nói: “Điều thiện không tích chứa thì không đủ tạo thành danh thơm tiếng tốt; điều xấu ác không tích chứa thì không đủ gây thành họa diệt thân.” Kinh Thư nói: “Tội ác của nhà Thương như tiền xâu thành chuỗi, [không phải chỉ trong một lúc mà thành].” Cũng như việc tích chứa đồ vật vào vật chứa, nếu siêng năng tích chứa ắt có ngày sẽ đầy đủ, trọn vẹn; nếu biếng trễ không tích chứa ắt chỉ được một phần, không thể chứa đầy trọn vẹn. Đó là một cách giải thích [về sự khác biệt giữa một phần hay trọn vẹn].

Lại nữa, ngày xưa có một cô gái đến chùa, muốn cúng dường nhưng không có nhiều tiền, chỉ còn vỏn vẹn 2 đồng xu, liền mang ra cúng hết cho chùa. Vị tăng trụ trì thấy vậy đích thân làm lễ sám hối cho cô. [Nhờ công đức ấy, không lâu sau] cô được tuyển vào cung vua, thọ hưởng giàu sang phú quý. Cô lại viếng chùa, mang theo một ngàn lượng bạc đến cúng dường. Vị tăng trụ trì chỉ sai đồ chúng làm lễ hồi hướng rồi thôi. Cô ấy liền hỏi: “Ngày trước con cúng dường chỉ có 2 đồng xu, thầy đích thân làm lễ sám hối cho con. Nay con cúng dường đến cả ngàn lượng bạc mà thầy không tự thân làm lễ hồi hướng là vì sao?”

Thầy trụ trì đáp: “Số tiền trước đây tuy ít nhưng tâm cúng dường hết sức chân thành, nếu lão tăng này không đích thân làm lễ sám hối thì không xứng với công đức ấy. Nay số tiền cúng dường tuy nhiều, nhưng tâm cúng dường không được chí thiết như trước, có người thay ta làm lễ sám cũng đã đủ rồi.”

Như thế, cúng dường một ngàn lượng bạc [nhưng thiếu tâm thành thì] vẫn chỉ là việc thiện một phần, mà cúng dường chỉ 2 đồng xu [với tâm chí thành] được xem là trọn vẹn.

[Lại xét chuyện] Chung Ly truyền pháp luyện đan cho Lã Tổ, có thể biến sắt thành vàng. Lã Tổ hỏi: “Cuối cùng rồi vàng có trở lại thành sắt không?” Chung Ly đáp: “Sau 500 năm sẽ trở lại thành sắt.” Lã Tổ nói: “Như vậy ắt sẽ làm hại người 500 năm sau, tôi không muốn làm như vậy đâu.” Chung Ly nói: “Người tu tiên nhất thiết phải tích chứa đủ 3.000 công hạnh. Nhưng chỉ một lời này của ông đã trọn đủ 3.000 công hạnh rồi.” Đây cũng là một cách giải thích khác.

Lại như người mang tài vật ra cứu giúp người khác, bên trong không thấy có bản thân mình là người cứu giúp, bên ngoài không thấy có người được cứu giúp, khoảng giữa không thấy có tài vật được mang ra cứu giúp, đó gọi là [thấu suốt] bản thể của người thí, vật thí và kẻ nhận thí đều không thật, cũng gọi là tâm thanh tịnh chuyên nhất. Được như vậy thì một đấu thóc cũng có thể gieo trồng công đức không bờ bến, một đồng xu cũng có thể làm tiêu trừ tội lỗi trong ngàn kiếp. Nhưng nếu như tâm này chưa được rỗng rang thanh tịnh thì dẫu đến vạn dật vàng ròng [mang làm việc thiện], phước đức vẫn không đầy đủ, trọn vẹn. Đây cũng là một cách giải thích khác.

Như thế nào là lớn lao khác với nhỏ nhặt?

Thuở xưa, Vệ Trọng Đạt là một quan chức [Hàn Lâm viện], [tự thấy mình] bị bắt đưa đến âm ty, Diêm chúa sai thư lại trình lên những ghi chép thiện ác [của Trọng Đạt đã làm ở dương gian]. Khi so sánh thì thấy những ghi chép xấu ác [quá nhiều, bày ra] choáng đầy cả sân, còn việc thiện [thì quá ít], chỉ [được ghi trên một mảnh lụa cuộn tròn lại] nhỏ như chiếc đũa. Diêm chúa sai đặt tất cả lên hai bên đòn cân để so sánh nặng nhẹ, hóa ra hết thảy những ghi chép xấu ác bày ra đầy sân kia lại nhẹ hơn cuộn giấy lụa ghi việc thiện cuộn lại chỉ nhỏ như chiếc đũa.

Trọng Đạt thưa hỏi: “Tôi năm nay chưa đến 40 tuổi, sao có thể nhiều việc xấu ác đến như thế?”

Diêm chúa đáp: “Một niệm tà vạy khởi lên đã là xấu ác, không đợi đến lúc ông thực sự làm.”

Nhân đó, Trọng Đạt lại hỏi xem trong cuộn giấy lụa kia ghi chép những gì. Diêm chúa đáp: “Triều đình trước đây huy động rất nhiều dân công tu sửa cầu đá ở Tam Sơn, ông có dâng sớ can ngăn việc ấy. Trong đó ghi lại bản sớ của ông.”

Trọng Đạt thắc mắc: “Tuy tôi có can ngăn thật, nhưng triều đình không nghe theo thì việc ấy nào có ích lợi gì, làm sao lại có tác dụng mạnh mẽ [hơn tất cả những điều xấu ác] như vậy?”

Diêm chúa đáp: “Triều đình tuy không nghe theo việc ấy, nhưng một ý niệm của ông khởi lên vốn đã là vì [lo lắng cho] tất cả muôn dân [nên được như vậy]. Ví như triều đình chịu nghe theo ông thì tác dụng của việc thiện ấy lại càng mạnh mẽ hơn thế nữa.”

Cho nên, nếu tâm niệm hướng về khắp cả muôn người thì dù việc thiện nhỏ cũng thành lớn lao; nếu chỉ riêng lo cho bản thân mình, tuy có làm nhiều việc thiện cũng chỉ xem là nhỏ nhặt.

Như thế nào là khó khăn khác với dễ dàng?

Các vị Nho gia ngày trước dạy rằng: “Muốn tự chế phục bản thân thì phải khởi đầu từ chỗ khó chế phục nhất.” Khổng tử bàn về việc tu sửa đức nhân cũng nói: “Phải khởi sự trước nhất từ chỗ khó.”

[Muốn khởi đầu từ chỗ khó] ắt phải [học theo] như ông họ Thư ở Giang Tây, bỏ ra cả 2 năm lương bổng ít oi của mình để thay người khác nộp tiền phạt lên quan phủ, giúp cho vợ chồng người ấy được khỏi cảnh chia lìa. Lại như ông họ Trương ở Hàm Đan, đem hết số tiền dành dụm khó nhọc trong 10 năm để thay người khác nộp tiền chuộc thân, cứu sống được vợ con người ấy. Những người như thế đều có thể buông bỏ được điều rất khó buông bỏ [là quyền lợi của bản thân].

Lại như ông già họ Cận ở Trấn Giang, tuy tuổi già vẫn chưa có con, nhưng không chấp nhận lấy một cô gái nhỏ tuổi làm thiếp mà trả lại cho gia đình người hàng xóm.

Đó là [những trường hợp] nhẫn chịu được điều khó nhẫn chịu, nên cũng được trời ban phước sâu dày.

Thông thường, những người giàu có, quyền thế thì việc tạo công đức thật dễ dàng. Nhưng nếu dễ mà không chịu làm, đó là tự hủy hoại chính mình. Những người nghèo khổ muốn làm việc tạo phước đức đều rất khó khăn, nhưng khó khăn mà có thể làm được, ấy mới là điều rất đáng quý.



Việc tùy duyên cứu giúp người khác có muôn hình vạn trạng, nhưng lược nói theo những điểm đại cương thì có thể phân ra mười loại:

1. Cùng người khác làm việc thiện.
2. Giữ lòng yêu kính đối với người khác.
3. Giúp thành tựu những điều tốt đẹp của người khác.
4. Khuyên bảo người khác làm việc thiện.
5. Cứu người khi nguy cấp.
6. Khởi xướng, xây dựng những việc lợi ích lớn lao cho cộng đồng.
7. Bỏ tiền của làm việc tạo phước.
8. Ủng hộ và bảo vệ, giữ gìn Chánh pháp.
9. Kính trọng các bậc tôn túc, trưởng thượng.
10. Khuyên người khác phải biết tôn trọng sự sống, thương yêu quý tiếc mạng sống của muôn loài.

1. Thế nào là cùng người khác làm việc thiện?

Thuở xưa vua Thuấn ở chỗ bến sông, nhìn thấy những người đánh cá đều tranh nhau chỗ nước sâu nhiều cá, khiến cho những người già yếu [không đủ sức tranh giành] phải bắt cá ở những nơi nước cạn, dòng chảy xiết. Vua Thuấn động lòng thương xót, liền đến nơi ấy cùng mọi người đánh bắt cá. Khi thấy những người có ý tranh giành, ngài che giấu việc xấu ấy, chẳng nói gì đến. Khi thấy những người biết nhường nhịn người khác, ngài hết lời ngợi khen, tán dương, rồi cũng làm theo giống như người ấy. Vua Thuấn làm như vậy được một năm thì mọi người ở đó đều nhường nhịn cho nhau những chỗ nước sâu nhiều cá.

Thông minh sáng suốt như vua Thuấn, nào có khó gì việc nói ra một lời dạy dỗ những người kia [việc tốt nên làm]? Thế mà ngài không dùng lời dạy dỗ, lại dùng chính việc làm của tự thân để cảm hóa, thay đổi người khác, quả thật là một tấm lòng hiền lương thương người, chấp nhận khó nhọc.

Chúng ta sống vào đời suy mạt, đừng lấy chỗ hay giỏi của mình mà lấn áp kẻ khác, đừng lấy chỗ tốt đẹp của mình mà so sánh với kẻ khác [để tự cho mình là hơn], đừng cậy chỗ nhiều tài năng của mình mà gây khó cho người khác. Nên tự kiểm soát, không phô bày chỗ tài trí của bản thân, chỉ xem đó như hư huyễn không thật. Thấy người khác có chỗ lỗi lầm khiếm khuyết, nên bao dung mà che giấu giúp họ, một mặt là tạo cơ hội cho họ có thể hối cải lỗi lầm, một mặt lại khiến họ có sự e dè kiêng sợ mà không dám buông thả phóng túng. Thấy người khác có chút ưu điểm nhỏ dùng được, hoặc việc thiện nhỏ có thể chọn lấy, thì lập tức từ bỏ [chỗ chưa tốt] của mình mà làm theo đó, lại nên hết lời ngợi khen xưng tán, truyền rộng sự tốt đẹp ấy đến với nhiều người khác.

Từ sáng đến tối, mỗi một lời nói, mỗi một việc làm đều không vì nghĩ đến bản thân, hết thảy đều chỉ vì muôn người mà xây dựng cho thành nề nếp tốt đẹp chung. Đó chính là chỗ độ lượng của bậc đại nhân, luôn vì lợi ích cho mọi người [mà không nghĩ riêng cho bản thân mình].

2. Thế nào là giữ lòng yêu kính người khác?

Bậc quân tử với kẻ tiểu nhân, nếu theo hình dáng bên ngoài mà xét thì rất dễ lẫn lộn, chẳng khác nhau mấy, nhưng chỉ duy nhất khi xét đến chỗ giữ lòng tu dưỡng thì thiện ác thật khác nhau, rõ ràng phân biệt như trắng với đen, không thể nhầm lẫn. Cho nên nói rằng: “Bậc quân tử sở dĩ khác biệt với người tầm thường chỉ là ở chỗ giữ lòng tu dưỡng.”

Chỗ tu dưỡng của người quân tử chính là luôn giữ lòng thương yêu, kính trọng đối với người khác. Nói chung, trong muôn người ắt có kẻ thân thích, người sơ giao, kẻ quý hiển, người hèn kém, kẻ trí tuệ, người ngu si, kẻ hiền lương, người hư hỏng, phẩm chất cao thấp tốt xấu chẳng ai giống ai, nhưng tất cả đều là đồng loại với ta, cùng một bản thể như ta, sao có thể không thương yêu, kính trọng?

Biết giữ lòng yêu kính muôn người, đó chính là yêu kính thánh hiền. Có thể thấu hiểu được chí hướng của muôn người, đó chính là thấu hiểu được chí hướng của bậc thánh hiền. Vì sao vậy? Vì chí hướng của bậc thánh hiền là mong muốn cho nơi nơi, người người đều đạt được những điều họ mong muốn. Chúng ta thuận theo [chí hướng đó] mà thương yêu kính trọng, giúp cho muôn người đều được an ổn, đó chính là vì các bậc thánh hiền mà mang lại sự an ổn cho người đời.

3. Thế nào là giúp thành tựu điều tốt đẹp của người khác?

Khi ngọc còn trong quặng đá, mang vất bừa bãi ắt chẳng có giá trị gì hơn viên ngói hòn sỏi, nhưng nếu được mài giũa đúng cách, ắt trở thành ngọc khuê, ngọc chương quý giá. Vì thế, khi thấy người khác làm được một việc thiện, hoặc gặp người có chí hướng tốt đẹp, hoặc tư chất có thể hướng thiện, đều nên hết lòng dẫn dắt chỉ bày, giúp cho người ấy thành tựu được những điều tốt đẹp. Hoặc vì người ấy mà ngợi khen, trợ lực, hoặc giúp sức duy trì [những điều tốt đẹp]. Nếu có ai vu khống người ấy, nên vì họ mà làm rõ, hoặc cùng chia sẻ nhận lấy những hủy báng, công kích; cần giúp sức cho đến khi người ấy được thành tựu vững vàng mới thôi.

Người đời nói chung thường không ưa thích những ai khác biệt với mình. Người hiền lương trong thôn xóm thường rất ít, mà những kẻ xấu ác lại rất nhiều. Cho nên, người hiền lương ở đời thường rất khó tự mình đứng vững. Hơn nữa, những kẻ tài ba xuất chúng thường cương trực thẳng thắn, không quá chú trọng đến dáng vẻ bên ngoài, do đó thường dễ bị người đời chỉ trích. Vì thế, việc thiện ở đời thường dễ thất bại, mà người làm việc thiện lại thường bị người đời chê bai phỉ báng, chỉ những bậc nhân hậu hơn người mới ra sức giúp đỡ, trợ lực [cho người làm việc thiện], cho nên công đức ấy thật hết sức lớn lao.

4. Thế nào là khuyên bảo người khác làm việc thiện?

Đã sinh ra làm người, ai ai cũng sẵn có tâm hiền thiện. Nhưng đường đời bôn ba xuôi ngược nên rất dễ đắm chìm sa đọa [vào nẻo xấu ác]. Vì thế, khi giao tiếp ở đời, ta nên khéo léo vận dụng phương tiện để giúp người khác trừ bỏ những [nhận thức] sai lầm mê muội. Ví như vì kẻ đang say trong giấc mộng đêm dài mà giúp cho nhất thời tỉnh mộng, lại ví như vì kẻ bị vây hãm đã lâu trong khổ đau phiền não mà cứu thoát đưa đến nơi mát mẻ trong lành. Ân huệ đó thật lớn lao không gì bằng.

Hàn Dũ nói: “Khuyên dạy người khác trong nhất thời thì dùng lời nói, khuyên dạy người đến trăm đời sau thì viết sách.” Nếu so với việc [tự thân mình] cùng người khác làm việc thiện [như đã nói trong phần 1 ở trên] thì [việc khuyên bảo người khác làm việc thiện] tuy là có hình thức biểu lộ, nhưng giống như tùy bệnh cho thuốc, cũng có lúc phát huy tác dụng, đạt được hiệu quả, nên không thể bỏ đi. Nếu có lúc dùng lời [khuyên bảo người khác] mà không hiệu quả, [ngược lại còn] đánh mất đi [quan hệ với] người khác, thì phải quay lại tự xét trí tuệ của mình [vì chưa đủ sự khéo léo].

5. Thế nào là cứu người khi nguy cấp?

Người đời ai cũng có những lúc nguy cấp hoạn nạn. Nếu gặp những trường hợp ấy, nên xem như hoạn nạn nguy cấp đang xảy ra cho chính bản thân mình, phải nhanh chóng cứu giúp giải nguy. Hoặc dùng lời nói giúp người sáng tỏ sự oan ức, hoặc tìm đủ mọi phương cách mà cứu giúp sự hoạn nạn nguy cấp của người.

Thôi tử nói: “Ân huệ không phải quý ở sự nhiều ít, mà giúp người vào lúc nguy cấp mới là quan trọng.” Quả thật là lời nhân hậu biết bao!

6. Thế nào là khởi xướng, xây dựng những việc lợi ích lớn lao cho cộng đồng?

Ở phạm vi nhỏ thì như trong một xóm thôn, ở phạm vi lớn hơn thì như trong một quận huyện, nếu thấy bất kỳ việc gì có lợi ích chung thì rất nên khởi xướng, xây dựng. Đó là những việc như đào mương dẫn nước, đắp đê ngăn lũ, hoặc tu sửa đường sá, cầu cống để thuận tiện cho kẻ đi đường, hoặc cung cấp cơm ăn nước uống để cứu giúp người lúc đói khát... Đối với những việc ấy, nên tùy hoàn cảnh mà khuyên bảo, khuyến khích mọi người cùng nhau góp sức làm. [Khi đã làm thì] chẳng kẻ khác sợ hiềm nghi, chẳng nề hà gian khó.

7. Thế nào là bỏ tiền của làm việc tạo phước?

Sự tu tập theo đạo Phật có hàng vạn thiện hạnh, trong đó hạnh bố thí được xem là trước nhất. Nói đến hạnh bố thí, chỉ cần một từ buông xả là trọn đủ. Bậc đạt đạo thì trong tâm buông xả sáu căn, bên ngoài buông xả sáu trần, cho đến hết thảy những vật sở hữu của mình, không có gì là không buông xả. Người chưa đạt được đến mức ấy thì trước tiên phải buông xả tiền bạc, mang ra bố thí. Người đời nhờ có cơm ăn áo mặc mà duy trì mạng sống, nên xem tiền bạc là quan trọng nhất. Chúng ta từ nơi chỗ [quan trọng nhất] đó mà buông xả thì bên trong trừ được sự keo kiệt bủn xỉn của chính mình, bên ngoài cứu giúp được sự cần kíp của người khác.

Lúc mới bắt đầu [làm việc bố thí] thường phải có sự cố gắng, khiên cưỡng, nhưng [tập quen nhiều lần thì] cuối cùng sẽ trở nên phóng khoáng, tự nhiên. Bố thí là phương pháp hay nhất để dứt sạch lòng vị kỷ, trừ hết sự bám chấp tham tiếc.

8. Thế nào là ủng hộ và bảo vệ, giữ gìn Chánh pháp?

Chánh pháp là con mắt sáng giúp chúng sinh muôn đời có thể nhìn thấy [con đường thoát khổ]. Không có Chánh pháp, con người làm sao [có thể biết thuận theo] trời đất để góp phần vào cuộc sinh tồn? Làm sao có thể giáo hóa thành tựu cho muôn loài? Làm sao có thể thoát ly khỏi mọi sự mê hoặc, trói buộc trong đời sống thế tục? Làm sao có thể nhập thế tu sửa cải thiện cuộc đời, xuất thế vượt thoát luân hồi sinh tử?

Vì thế, mỗi khi gặp những nơi thờ kính các bậc hiền thánh, những kinh sách giáo pháp, chúng ta đều phải cung kính tôn trọng mà sửa sang, trang hoàng cho tốt đẹp. Đến như việc nêu cao và rộng truyền Chánh pháp, báo đáp ơn Phật thì lại càng phải hết lòng dốc sức.

9. Thế nào là kính trọng các bậc tôn túc, trưởng thượng?

Nói đến các bậc tôn túc, trưởng thượng thì trong phạm vi gia đình có cha mẹ, anh chị, trên phạm vi đất nước có các vị quan chức, nhà cầm quyền, cho đến trong phạm vi toàn xã hội thì hết thảy những người cao tuổi, người đức độ, người ở cương vị cấp trên hoặc người có sự hiểu biết cao rộng, chúng ta đều nên có sự lưu tâm tôn kính phụng sự.

Khi phụng sự cha mẹ ở nhà, phải hết sức giữ lòng yêu kính, dáng vẻ phải vui tươi, nói năng phải nhỏ nhẹ từ tốn. Tập quen như vậy sẽ trở thành tính cách hòa nhã tự nhiên, ấy là yếu tố căn bản có thể cảm động lòng trời.

Khi bước ra xã hội phụng sự đất nước, dù làm bất cứ việc gì cũng phải tự mình cẩn trọng, không vì cấp trên không biết mà tự ý buông thả làm bậy. Nếu ở cương vị xét xử người khác, không vì cấp trên không biết mà tự ý ra oai hà hiếp người khác. Người xưa có câu: “Phụng sự đất nước như thờ kính trời đất.” Đó là những chỗ liên quan chặt chẽ đến âm đức [của con người]. Cứ thử xem qua gia tộc của những người giữ lòng trung hiếu, ắt thấy rõ không nhà nào là không có con cháu hưng thịnh, phát đạt lâu dài. Cho nên nhất thiết phải thận trọng đối với việc này.

10. Thế nào là biết tôn trọng sự sống, thương yêu quý tiếc mạng sống của muôn loài?

Con người nhờ có lòng trắc ẩn mới xứng đáng được gọi là người. Muốn có lòng nhân hậu, trước tiên phải có lòng trắc ẩn; muốn tích chứa phước đức, trước tiên phải tích chứa lòng trắc ẩn. Sách Chu lễ nói: “Trong tháng mạnh xuân, tế lễ không được dùng những con vật giống cái.” Mạnh tử nói: “Người quân tử lánh xa chỗ bếp núc.” Những điều như thế đều là để giữ gìn tấm lòng trắc ẩn, [biết thương tiếc sự sống của muôn loài]. Cho nên, người xưa có bốn loại thịt tránh không ăn. Đó là: (1) thịt con vật nghe tiếng kêu khi bị giết, (2) thịt con vật nhìn thấy khi bị giết, (3) thịt con vật do chính mình nuôi dưỡng, (4) thịt con vật người khác cố ý giết để đãi mình.

Người học đạo nếu chưa thể hoàn toàn dứt bỏ việc ăn thịt thì cũng nên khởi đầu từ việc tránh ăn những loại thịt như trên, dần dần tu tiến, tâm từ bi được nuôi dưỡng lớn mạnh hơn, khi ấy không những có thể giữ giới không giết hại, mà [còn có thể nhận thức sâu xa rằng] hết thảy các loài sâu bọ, côn trùng, động vật... đều có sự sống, cần phải tôn trọng. Những việc như luộc kén tằm kéo tơ, cày bừa ruộng đất làm chết côn trùng... đều là giết hại, mà cơm áo của chúng ta có được là từ những việc như thế, cho nên cũng chẳng khác nào giết hại loài khác để giành lấy sự sống cho chính mình. Hiểu được như thế thì mới thấy rằng sự hoang phí lương thực, vật dụng... cũng không khác gì tội giết hại. Cho đến những việc như lỡ tay làm chết, giẫm chân đoạt mạng [côn trùng], thật không thể biết được đã nhiều đến mức nào, nên phải hết sức đề phòng, hạn chế. Cổ thi có câu rằng:

Lưu hạt cơm thừa, thương chuột đói,
Giữ mạng thiêu thân, chẳng đốt đèn.

Thật nhân từ biết bao!
Thiện hạnh có rất nhiều, không thể kể hết ra được, nhưng từ nơi mười điều vừa nói trên đây mà suy xét rộng ra, thì muôn ngàn công đức đều có thể đầy đủ cả.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 7 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Đừng đánh mất tình yêu


Sen búp dâng đời


Lược sử Phật giáo


Hạnh phúc khắp quanh ta

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.17.186.218 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Việt Nam (71 lượt xem) - Hoa Kỳ (56 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - ... ...