Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ta có hai cách để học hỏi. Một là đọc sách và hai là gần gũi với những người khôn ngoan hơn mình. (A man only learns in two ways, one by reading, and the other by association with smarter people.)Will Rogers
Chúng ta không học đi bằng những quy tắc mà bằng cách bước đi và vấp ngã. (You don't learn to walk by following rules. You learn by doing, and by falling over. )Richard Branson
Thành công là khi bạn đứng dậy nhiều hơn số lần vấp ngã. (Success is falling nine times and getting up ten.)Jon Bon Jovi
Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau. (Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Khi thời gian qua đi, bạn sẽ hối tiếc về những gì chưa làm hơn là những gì đã làm.Sưu tầm
Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone
Đừng chờ đợi những hoàn cảnh thật tốt đẹp để làm điều tốt đẹp; hãy nỗ lực ngay trong những tình huống thông thường. (Do not wait for extraordinary circumstances to do good action; try to use ordinary situations. )Jean Paul

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tâm hồn cao thượng »» Phần 4: Tháng Giêng »»

Tâm hồn cao thượng
»» Phần 4: Tháng Giêng

(Lượt xem: 5.404)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tâm hồn cao thượng - Phần 4: Tháng Giêng

Font chữ:


24.- Thầy giáo phụ

Thứ tư, ngày mồng 4
Giờ tôi mới biết cha tôi nói phải. Ông Perbôni sở dĩ hay gắt là vì trong người không được khoẻ. Thực vậy, đã ba hôm nay, có thầy giáo phụ đến dạy thay. (Thầy nhỏ người, không râu, còn trẻ lắm). Sáng nay đã xảy ra câu chuyện không hay cho thầy. Ngay hôm đầu và hôm thứ nhì, học trò cũng đã làm rầm lớp vì thầy hiền quá, chỉ bảo :
- Ngồi im ! Xin các em ngồi im ! Và chẳng phạt ai cả.
Đến hôm nay thì quá lắm. Học trò làm rầm đến nỗi nói không nghe thấy tiếng gì. Thầy kêu, thầy xin, nhưng mất công vô ích. Đã hai lần ông hiệu trưởng phải xuống xem, nhưng khi ông đi khỏi rồi thì đâu lại hoàn đấy, cứ ào ào như cái chợ con. Garônê và Đêrôxi nhiều lần quay lại ra hiệu cho anh em
ngồi im và bảo họ như thế là vô hạnh song cũng phí công. Chả ai thèm để ý. Chỉ có anh Xtađi là ngồi im, hai khuỷu tay chống xuống bàn, hai bàn tay ôm lấy thái dương, có lẽ anh đang tơ tưởng về cái tủ sách của anh ở nhà và anh chàng "góp tem" là Garôphi đang biên tên những bạn đã bỏ ra một xu để "đánh số" lấy cái lọ mực con. Còn các học trò khác, người thì cười, người thì lấy bút gõ xuống bàn, người dùng nịt cao su làm súng, vê giấy làm đạn bắn lẫn nhau.
Thầy giáo phụ chạy xuống, lúc kéo người này, lúc lôi người kia lên bắt đứng quay mặt vào tường nhưng cũng không sao dẹp nổi.
Phranti lao mũi tên giấy vào lưng thầy, rồi kẻ huýt còi, người kêu meo meo, kẻ hát người ném mũ làm cầu. Thực là một cảnh hỗn loạn khôn tả. Chợt người gác cổng vào gọi :
- Mời thầy lên, ông hiệu trưởng hỏi.

Thầy giáo phụ đổi sắc mặt, rảo bước ra. Bấy giờ sự huyên náo lại càng tăng. Không thể chịu được, Garônê liền đứng dậy, nắm tay, trợn mắt quát :
- Thôi đi, các anh là những kẻ rồ dại ! Các anh đã lạm dụng lòng tốt của thầy giáo phụ ! Có đánh vào xác các anh thì các anh mới sợ, còn thương các anh thì các anh lại nhờn, như thế là hèn lắm ! Lát nữa thầy giáo phụ về nếu ai còn làm ồn ào hoặc làm trò cười, lúc tan học sẽ biết tay tôi ! Cha mẹ các anh dù có đấy, tôi cũng không ngại, chắc chắn cha mẹ các anh sẽ cho việc tôi làm là phải.
Ai nấy đều nín thít. Rồi, mắt sáng quắc như con sư tử hằm hè, anh nhìn khắp lượt những cậu bướng bỉnh và hay nghịch nhất ; các cậu đều cúi đầu.
Lát sau, thầy giáo phụ, mắt đỏ, trở về, ngạc nhiên thấy lớp học yên lặng như tờ. Sau khi nhìn Garônê thấy mặt hãy còn bừng bừng phẫn khí, thầy hiểu ngay và bằng giọng thân ái như đối với bạn, thầy nói :
- Cảm ơn em Garônê . Tức thì cả lớp vỗ tay.
Thế mới gọi là một đứa trẻ có nghĩa khí !

25.- Đứa con người thợ rèn
Thứ năm, ngày 12
Prêcotxi, con người thợ rèn, là một đứa trẻ xanh xao, nét mặt lúc nào cung buồn rầu, sợ sệt, một đứa trẻ nhút nhát đến nỗi bất cứ phải trái đều nhận lỗi cả. Prêcotxi ốm yếu luôn nhưng vẫn cố học. Theo lời người ta nói thì cha anh mỗi khi uống rượu say về, vì một cớ nhỏ mọn, cung đánh đập anh và ném tung sách vở. Cậu bé khốn khổ thường đến trường với những vết thâm tím đầy mặt ; có khi khóc nhiều, mắt cậu đỏ và sưng húp lên.
Nhưng không bao giờ, không đời nào người ta lại bắt đuợc cậu thú nhận rằng : chính cha cậu đã đánh cậu.
Có hôm thầy vừa chỉ vào chỗ vở cháy vừa hỏi :
-... Nhưng mà có phải chính con đã đánh cháy trang giấy này không ? Giọng run run, cậu đáp :
- Vâng, con chót dại, xin thầy tha con !
Nhưng các bạn đều rõ chính cha cậu làm cháy vở cậu, vì trong khi chếch choáng, cha cậu vấp ngã đổ

đèn vào vở cậu.
Prêcotxi ở trên "rầm thượng" nhà tôi, vì thế vợ người gác cổng hay đem chuyện nói với mẹ tôi. Một hôm em gái tôi nghe thấy Prêcotxi bị cha đá ngã lộn nhào xuống thang gác, vì anh đã lải nhải xin một hào để mua quyển văn phạm. Cha anh cả ngày chỉ thích uống rượu và chẳng làm gì cả. Vì thế, gia đình anh rất túng thiếu. Lắm hôm, anh nhịn đói đi học : lúc ra chơi, bất đắc di anh phải cầm lấy mẫu bánh của bạn đứng góc sân ăn hay gặm một quả táo mà bạn đã cho giấu trong lớp.
Tuy thế, không bao giờ anh hé miệng phàn nàn :
- Tôi đói lắm ! Cha tôi không cho tôi ăn.
Thỉnh thoảng nhân dịp qua trường, cha anh đứng lại đón anh hai mắt đỏ ngầu, chân đi thất thiểu, đầu bù, mu lệch ! Trông thấy bóng cha ngoài phố, cậu bé luống cuống, nhưng cũng tươi cười chạy lại. Song cha cậu nhìn đi đâu và nghi việc gì. Thương hại thay cho anh Prêcotxi ! Lắm khi anh phải đóng lại vở rách và mượn bạn cùng ghế những sách anh không có. Anh cài áo bằng những ghim băng. Đến khi anh tập võ coi mới thiểu não ! Giầy thì to và rộng, quần thì rách tươm, áo thì lụng thụng và cụt cả tay. Thế mà anh vẫn ham học, vẫn cố học. Nếu sự học của anh đuợc đầy đủ , đuợc săn sóc nhu ở các gia đình khác thì anh đã ngồi đầu lớp tự bao giờ. Đáng tiếc cho anh !
Sáng nay, anh đến trường với một vết thương ở má. Chúng bạn hỏi :
- Thôi ! Chính là cha anh lại đánh anh rồi ! Lần này không giấu đuợc nữa nhé ! Vào thưa ông hiệu trưởng đi, để mời cha anh lên Cẩm !
Anh đỏ mặt, nói giọng run run và đầy tức giận :
- Nói bậy ! Cha tôi đánh tôi bao giờ ?
Nhưng trong giờ học, những giọt lệ ở mắt anh đã lã chã rơi xuống bàn. Có kẻ nhìn anh, anh lại gượng cười để che lòng đau khổ.
Tội nghiệp thay cho anh Prêcotxi !

26.- Phranti bị đuổi
Thứ bảy, ngày 21
Trong bọn học trò lớp tôi, có anh Phranti là khó chịu hơn cả. Tôi ghét anh quá vì anh là một đứa trẻ quái ác. Hễ thấy cha mẹ bạn nào đến mách con cùng thầy là anh thích chí. Hễ thấy ai khóc thì anh cười. Anh sợ anh Grarônê một vành nhưng lại bắt nạt "chú phó nề" hết cách vì chú không chống cự

được. Anh trêu chọc anh Crotxi, một người học trò bị liệt tay, anh chế giễu anh Prêcotxi là người ai cũng quí, anh chọc ghẹo cả đến anh Robetti học trò lớp hai, phải chống nạng vì cứu một đứa trẻ con. Anh hay sinh sự với những bạn yếu nhất, lúc đánh nhau thì anh hung tợn như con thú dữ và nhè đánh những miếng đòn rất nguy hiểm.
Người ta bảo : mẹ anh buồn vì anh mà thành bệnh và ba lần cha anh đã đuổi anh ra khỏi nhà. Thỉnh thoảng mẹ anh lại ra trường hỏi về hạnh kiểm của anh, nhưng lần nào mẹ anh cũng phải rơi lệ trở về. Phranti ghét thầy, ghét bạn, ghét cả nhà trường. Thầy giáo thường làm ngơ không thèm để tai những lời thô tục của anh, tưởng hay, anh lại nói già. Thoạt tiên thầy còn dùng lời ngọt để cảm hoá anh, song lời khuyên đối với anh như nước đổ đầu vịt, thầy phải đe doạ, anh lấy tay che mặt, ai cũng tưởng anh khóc, trái lại, anh cười. Cuối cùng thầy phải tạm đuổi anh trong ba hôm. Lúc đi học anh
lại "mất dạy" hơn trước.
Sáng nay, lúc thầy đưa bản thảo câu chuyện hàng tháng , nhan đề là "chú lính đánh trống , người đảo Xarđenha" cho anh Garônê chép, bỗng có một tiếng nổ như tiếng súng làm chuyển cả trường, ai nấy đều giật nẩy mình, thì ra Phranti đã châm pháo ném vào góc lớp .
Thầy quát :
- Phranti ! Ra cửa ngay ! Phranti vừa cười vừa cãi :
- Không phải con. Thầy lại nói :
- Ra ngay !
- Con không đi đâu cả !
Nghe câu trả lời hỗn xược ấy, thầy mất cả bình tĩnh, nhảy vào cầm tay Phranti lôi ra. Thằng vô lại nó vùng vằng , giẫy giụa và nghiến răng kêu. Thầy phải dùng sức mới lôi nổi nó lên bàn giấy ông hiệu trưởng. Một lát sau ông Perbôni về lớp, ngồi vào bàn giấy, vẻ mệt nhọc, buồn rầu buông một tiếng thở dài :
- Ta đi dạy học đã 30 năm, chưa từng có chuyện lạ như hôm nay bao giờ !
Học trò ngồi im không nhúc nhích. Tay thầy giáo còn run, vết nhăn trên trán thầy lũng xuống như một vết thương . Trông thấy, ai nấy đều mủi lòng.
Bỗng anh Đôrôxi đứng dậy nói :
- Thưa thầy, xin thầy đừng buồn. Tất cả chúng con ngồi đây đều kính mến thầy. Thầy khẽ gật đầu và bảo :
- Chép bài đi ! Các con.

27.- Chú lính đánh trống, người đảo Xarđenha
(Truyện đọc hàng tháng)

Ngày mở đầu trận Cuxtôtza tức là hôm 21 tháng bảy năm 1848, sáu mươi người lính thuộc liên đội bộ binh kia được lệnh lên núi chiếm đóng một căn nhà bỏ không thì thình lình bị hai đội quân Áo đến đánh. Quân địch bắn súng liên thanh túi bụi đến nỗi toán bộ binh phải vất vả mới trốn được vào nhà và phải bỏ tại trận mấy người chết và mấy người bị thương.
Thế rồi quân Italia cứ trong cửa sổ bắn ra, bên ngoài quân Áo tiến theo hình vòng cung và bắn trả rất dữ.
Cầm đầu đội quân Italia, có hai hạ sĩ quan và một viên đại uý là một vị đã có tuổi, người cao lớn khô khao, râu tóc bạc phơ. Trong đội có một chú lính đánh trống, người đảo Xarđenha là một đứa trẻ, da vàng tóc đen, trạc 14 tuổi, nhưng người bé nhỏ chỉ bằng đứa 12. Đại uý đứng chỉ huy việc phòng ngự một căn buồng trên gác, hạ lệnh như tiếng sét. Chú lính đánh trống, mặt hơi xám nhưng chân vẫn vững trên bàn, nhìn qua cửa sổ thấy khói mù và một dải trăng trắng đang tiến dần vào trong bãi.
Quân địch bắn vào như mưa : tường thủng, ngói tan, đồ đạc, trần, cửa đổ vỡ, mảnh gỗ, mảnh bát, mảnh kính bắn tung toé.
Chốc chốc lại có người lính đứng bắn ở cửa sổ gục xuống ván, người ta phải lôi vào buồng. Mấy người lính nữa, tay bóp vết thương, chân bước lảo đảo ở phòng nọ sang phòng kia. Trong bếp, có một người chết, vỡ óc, coi rất thê thảm.
Vòng cung bao vây của quân địch càng thắt chặt thêm.
Đại uý trong buồng chạy ra nói chuyện với viên đội. Ba phút sau, viên đội chạy tìm chú lính đánh trống. Khi chú lên thấy đại uý đang tì giấy vào cửa kính viết bằng bút chì. Dưới chân đại uý có một cuộn dây thừng xách nước.
Đại uý gấp giấy, nhìn thẳng cậu bé bằng đôi mắt lạnh lùng, đôi mắt mà xưa nay quân lính vẫn từng sợ hãi, đại uý gọi :
- Thằng đánh trống !
Chú lính con liền giơ tay lên rìa mũ.
- Mày có can đảm không ?
Hai mắt nổi một luồng chớp sáng, cậu đáp :
- Bẩm, có .

Đại uý đẩy cậu lại cạnh cửa sổ trên mái, trỏ ra và nói :
- Mày trông đằng xa kia, trong cánh đồng gần toà biệt thự Phrunca, chỗ lưỡi lê lấp lánh kia là quân của ta. Mày cầm giấy này, lấy dây leo xuống rồi theo sườn núi lẩn qua cánh đồng, chạy về liên đội ta và giao thư cho sĩ quan nào mày gặp trước nhất. Giờ mày hãy vứt dây lưng và túi đạn đi.
Viên đội liền giữ một đầu dây, còn đại uý đỡ cậu bé trèo qua cửa sổ và dặn thêm :
- Mày phải thận trọng. Sự thoát nguy của chi đội ta đều trông cậy vào tấm lòng can đảm và đôi chân mạnh mẽ của mày.
Cậu bé vừa bám dây vừa đáp :
- Bẩm đại uý, xin ngài hãy tin vào con.
Một lát sau, chú lính nhỏ đã tới mặt đất. Viên đội kéo dây lên. Đại uý nhìn thấy cậu bé xuống núi và chạy.
Đại uý đang mong sao cho cậu bé đi thoát, bỗng có năm, sáu đám bụi mù nổi lên trước mặt và sau lưng chú, ông biết rằng địch quân đã nhìn rõ. Họ bắn từ trên đồi xuống. Cậu bé đang thoăn thoắt chạy như con thỏ, bỗng ngã rạp xuống đất. Đại uý đã thất vọng, nhưng rồi lại thấy cậu trở dậy chạy,
chân hơi khập khiễng. Cậu chạy mỗi lúc một khó nhọc thêm. Thỉnh thoảng lại lảo đảo hoặc đứng hẳn lại.
- Có lẽ hắn bị đạn.
Đại uý đoán thế, nhưng lại thấy cậu bé chạy tiếp.
Một viên sĩ quan lo sợ, vào trình đại uý rằng quân địch bắn luôn tay lại dựng "cờ trắng" truyền lệnh cho ta hàng.
Đại uý vừa nhìn theo cậu bé vừa đáp :
- Không ai được trả lời chúng.
Lúc ấy, người ta trông thấy đầu cậu bé nhấp nhô trong ruộng lúa rồi lại chẳng thấy nữa, có lẽ cậu ngã, sau lại thấy đầu cậu hiện ra ; cuối cùng cậu biến trong hàng giậu, đại uý không trông thấy nữa. Quân Áo đã ập đến. Ngừơi ta thấy tiếng hò reo và tiếng súng bắn ầm ầm. Ngoài có tiếng hô :
- Hàng đi ! Hàng đi ! Đại uý thét lớn :
- Không đời nào !
Lửa cháy đùng đùng tứ phía. Nhiều quân ngã lăn. Mấy cửa sổ đã bỏ không, không người chiến đấu. Cái phút nguy cấp dã bày ra trước mắt. Đại uý nghẹn ngào kêu :
- Quân ta không đến rồi ! Thôi quân ta không đến rồi !
Đại uý nói xong, chạy đi chạy lại, điên khùng rút kiếm toan tự vẫn, bỗng một viên đội ở trên mái trèo xuống reo ầm :
- Quân ta đã đến !

- Quân ta đã đến !
Đại uý nhắc lại câu ấy bằng giọng vui mừng.
Thế rồi, quan quân, kẻ bị thương, kẻ còn mạnh, thẩy đều ra cửa sổ chiến đấu kịch liệt. Một lát sau, người ta thấy có sự hỗn loạn trong hàng quân địch.
Viện binh đến kịp thời, phá tan quân địch và giải vây cho đội bộ binh.
Hôm sau, đại uý vào nhà thương thăm một viên trung uý bị gẫy tay. Đại uý đang ngơ ngác tìm giường, bỗng nghe có tiếng gọi se sẻ :
- Đại uý !
Đại uý quay lại thì ra chú lính chạy giấy hôm trước, đại uý hỏi :
- Con ở đây à ? Giỏi lắm ! Con đã làm tròn nghĩa vụ của con. Con có bị thương không ? Cậu bé đáp :
- Tránh sao được ! Quân Áo nhìn thấy con chạy liền bắn theo. Nếu con không bị thương thì đã đến sớm hơn được 20 phút nữa. May con gặp ngay được viên sĩ quan ở bộ tham mưu và trao giấy.
Đại uý nhìn kỹ cậu bé và hỏi :
- Trông con xanh quá ! Chắc con mất nhiều máu lắm ? Cậu bé mỉm cười đáp :
- Vâng nhiều máu, nhưng còn có điều hơn máu nữa. Ngài thử nhìn xem. Nói xong cậu mở chăn ra.
Đại uý kinh ngạc, lùi lại một bước. Chú lính đánh trống chỉ còn một chân. Chân trái đã bị cưa ở trên đầu gối.
Lúc ấy, quan thầy thuốc nhà binh đi qua, trỏ cậu bé và nói vội vàng :
- Thực là một trường hợp đáng tiếc. Chân nó bị thường xoàng thôi, nhưng vì gượng đi một cách quá đáng nên vết thương sưng lên đến nỗi phải cưa. Nhưng nó là một đứa trẻ can đảm, đáng khen ! Nó không hề khóc và cũng không hề kêu đau. Khi tôi chữa cho nó, tôi rất tự hào rằng nó là một đứa con nước Italia !
Nói xong quan thầy thuốc lại chạy đi chỗ khác.
Đại uý cau mày, nhìn kỹ cậu bé rồi kéo chăn lại. Xong lẳng lặng trông vào cậu bé, đại uý đứng thẳng người, tay giơ lên mũ.
Cậu bé ngạc nhiên hỏi :
- Bẩm đại uý ! Ngài làm gì thế ? Cái chào ấy để cho con sao?
Vị quân nhân đầu bạc kia, không quen nói ngọt với kẻ dưới bao giờ liền đáp bằng một giọng rất thân thuộc và nhẹ nhàng :
- Phải. Ta chỉ là một viên đại uý. Chứ con, con mới là một vị anh hùng !

28.- Lòng ái quốc

Thứ tư, ngày 25
Đầu bài thi của con sáng nay là : "Tại sao anh yêu xứ sở của anh?" Con đã cảm động về chuyện "Chú lính đánh trống" hôm trước, tất con đã làm bài một cách dễ dàng.
Tại sao anh yêu xứ sở của anh? Câu hỏi ấy chẳng làm nẩy nở trong óc con biết bao nhiêu là câu trả lời hay sao? Tôi yêu xứ sở của tôi vì mẹ tôi sinh trưởng ở đấy ; vì nguồn máu trong mạch của tôi đều là của người ; vì trong khu đất thánh kia đã chôn vùi tất cả những người quá cố mà mẹ tôi thương,
mà cha tôi trọng ; vì cái đất mà tôi sinh, thứ tiếng tôi nói, quyển sách tôi học, các em tôi, chúng bạn tôi và một dân tộc lớn sống chung với tôi, cảnh đẹp của tạo hoá bao bọc chung quanh tôi, tóm lại tất cả những sự vật mà tôi trông thấy, tất cả những cái gì mà tôi yêu, tất cả những cái gì mà tôi quí, nhất nhất đều thuộc về xứ sở của tôi cả.
Bây giờ tôi còn bé, con chưa thể hiểu thấu được thế nào là lòng yêu nước. Rồi ra con sẽ biết. Khi con du lịch ở xa về, một buổi sáng, đứng dựa bao lơn tàu con thấy ở chân trời một dãy núi xanh của xứ con hiện ra, bấy giờ con sẽ thấy trào lệ cảm ở lòng con dâng lên và miệng con vuột ra những tiếng kêu mừng rỡ.
Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con ở nước ngoài chợt nghe thấy một người trong đám thợ thuyền nói tiếng nước con, theo lòng con xui giục tự nhiên con đến hỏi chuyện người thợ không quen ấy.
Con sẽ cảm thấy tình yêu nước, khi con nghe thấy người ngoại quốc lăng mạ xứ sở con, lòng tức giận sẽ làm cho con nóng mặt.
Con sẽ cảm thấy tình yêu nước mạnh mẽ và tôn đại hơn nữa, nếu một ngày kia, nước địch vô cớ giày xéo vào đất ta ; lúc ấy con sẽ thấy nào cha hôn con khuyên câu "dũng cảm" , nào mẹ tiễn con hẹn lúc "khải hoàn".
Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con trông thấy những đội quân vất vả trở về với những khúc ca chiến thắng.
Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con trông thấy lá cờ ba sắc bị bắn tả tơi đi đầu một toán người nghĩa dũng, ai nấy đều phô cao trán buộc băng hay cái tay bị bó, trong đám đông dân chúng hoan hỉ, người ta ném hoa mừng và hô những lời chúc tùng.
Enricô ơi ! Bây giờ con đã hiểu thế nào là lòng ái quốc. Đó là một điều rất to tát, rất thiêng liêng. Vì một ngày kia, ta trông thấy con về trận được an toàn, nhưng được tin con lẩn lút để tránh cái chết, thì

cha đây thay vì đón con lúc đi học về bằng những tiếng cười vui vẻ, bấy giờ cha sẽ đón con bằng những tiếng khóc xót xa. Cha sẽ không thể thương con được nữa và sẽ đâm tím mà thác cho rồi ! Cha con.

29. - Bà mẹ anh Phơranti
Thứ bảy , ngày 23
Sáng nay, mẹ anh Phơranti thốt nhiên vào lớp, đầu tóc rối bù, tuyết rơi ướt cả . Bà kéo anh Phơranti vào , anh vắng mặt đã tám hôm nay .
Chúng tôi được xem một tấn bi kịch đã diễn ra. Người mẹ khốn khổ kia khúm núm đứng bên ông hiệu trưởng , chắp hai tay kêu xin :
- Thưa ngài, ngài hãy gia ơn cho con tôi vào học như cũ. Đã ba hôm nay, tôi phải giấu nó trong buồng vì cha nó biết chuyện sẽ giết chết nó . Xin ngài rủ lòng thương tôi, tôi không biết làm thế nào , tôi van ngài.
Ông hiệu trưởng tìm cách bảo bà ta ra, nhưng bà ta cứ vật nài, vừa khóc vừa xin :
Nếu ngài hiểu thấu những nổi ưu phiền mà con tôi đã gieo cho tôi thì ngài không nỡ chối từ ... Xin ngài làm phúc cho ! Tôi mong sau này cháu sẽ đổi tâm tính. Thưa ngài, tôi cũng không còn sống được mấy hồi nữa, lòng tôi đã khô héo rồi ! Tôi muốn được trông thấy con tôi sửa đổi tính nết trước khi tôi nhắm mắt , vì - nói đến đây bà nức nở khóc - tôi thương con tôi lắm . Thưa ngài, xin ngài rộng thường cho cháu vào học, để tránh một mối khổ tâm cho người mẹ đau khổ lắm rồi !
Nói xong, bà bưng mặt sụt sùi khóc . Phơranti cúi đầu, nét mặt thản nhiên . Ông hiệu trưởng nhìn anh, ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo :
- Phơranti, cho về chỗ ngồi !
Bà liền lau nước mắt, chạy lại cảm ơn ông hiệu trưởng và nói :
- Thưa ngài, ngài đã làm một việc nhân đức...Tôi không bao giờ dám quên ơn . Bà quay lại bảo con :
- Con ơi, từ nay con phải ăn ở cho ngoan ngoãn để khỏi phiền lòng thầy và phụ lòng mẹ . Rồi nói với học trò cùng ông hiệu trưởng :
- Tôi đã làm mất thì giờ, xin các cậu bằng lòng vậy . Chào các cậu ! ...Và một lần nữa xin ngài tha lỗi cho một người mẹ khốn khổ !
Nói xong, bà đi ra, người rớt xuống , sắc nhợt nhạt. Khi bà xuống thềm chúng tôi còn nghe thấy tiếng bà ho rũ .
Cả lớp im lặng. Ông hiệu trưởng trông thẳng mặt Phơranti và bảo một câu chúng tôi nghe rất xúc động :
- Phơranti ! Mày giết mẹ mày đấy !

    « Xem chương trước «      « Sách này có 9 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Bi Hoa


Sống đẹp giữa dòng đời


Giai nhân và Hòa thượng


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Thượng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 54.196.114.118 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (390 lượt xem) - Việt Nam (123 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - ... ...