Chúng ta sống bằng những gì kiếm được nhưng tạo ra cuộc đời bằng những gì cho đi. (We make a living by what we get, we make a life by what we give. )Winston Churchill
Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand
Ngay cả khi ta không tin có thế giới nào khác, không có sự tưởng thưởng hay trừng phạt trong tương lai đối với những hành động tốt hoặc xấu, ta vẫn có thể sống hạnh phúc bằng cách không để mình rơi vào sự thù hận, ác ý và lo lắng. (Even if (one believes) there is no other world, no future reward for good actions or punishment for evil ones, still in this very life one can live happily, by keeping oneself free from hatred, ill will, and anxiety.)Lời Phật dạy (Kinh Kesamutti)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Sự vắng mặt của yêu thương chính là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của những tính xấu như giận hờn, ganh tỵ, tham lam, ích kỷ...Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Yếu tố của thành công là cho dù đi từ thất bại này sang thất bại khác vẫn không đánh mất sự nhiệt tình. (Success consists of going from failure to failure without loss of enthusiasm.)Winston Churchill
Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki
Muôn việc thiện chưa đủ, một việc ác đã quá thừa.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Tài năng là do bẩm sinh, hãy khiêm tốn. Danh vọng là do xã hội ban cho, hãy biết ơn. Kiêu căng là do ta tự tạo, hãy cẩn thận. (Talent is God-given. Be humble. Fame is man-given. Be grateful. Conceit is self-given. Be careful.)John Wooden

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Năng lực chữa lành của tâm »» Nhập đề »»

Năng lực chữa lành của tâm
»» Nhập đề

(Lượt xem: 5.691)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Năng lực chữa lành của tâm - Nhập đề

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Tôi sinh ra trong căn lều một gia đình du mục tầm thường trên một cao nguyên cỏ xanh hoang dã thuộc miền Đông Tây Tạng, giữa những ngọn núi cao nhất và những con sông rộng nhất trên thế giới. Mặt đất bao phủ đầy tuyết suốt tám tháng trong một năm. Gia đình tôi thuộc bộ lạc du mục sinh sống trong lều, chăn nuôi gia súc như trâu Yak, ngựa và cừu. Nhiều lần trong năm chúng tôi thường cắm trại trên những thung lũng khác nhau để có đủ cỏ tươi cho gia súc.

Lúc lên năm tuổi, một thay đổi mạnh mẽ làm lay chuyển cuộc sống tôi. Tôi được công nhận là tái sanh của một vị thầy nổi tiếng thuộc tu viện Dodrupchen, một học viện quan trọng ở miền đông Tây Tạng. Người Phật tử công nhận nguyên lý về nghiệp và tái sanh, vì vậy người Tây Tạng tin rằng: khi một đại sư viên tịch, vị ấy sẽ tái sanh như một người có khả năng lớn lao làm lợi ích cho kẻ khác.

Vì tôi là đứa con duy nhất, nên cha mẹ tôi rất buồn khi phải xa tôi, nhưng họ vẫn dâng hiến tôi cho tu viện không một chút lưỡng lự. Cha mẹ tôi đã tự hào và cảm thấy vô cùng vinh dự vì con mình chỉ trong chốc lát đã trở thành một người được tôn kính trong vùng.

Mọi phương diện cuộc sống tôi đột nhiên thay đổi. Tôi không có tuổi thơ bình thường: được chơi đùa với những đứa trẻ khác. Thay vào đó, những vị thầy phụ đạo phẩm giá săn sóc và đối đãi với tôi bằng sự tôn kính, vì tôi được công nhận là vị thầy tái sanh của họ. Tôi cảm thấy quen thuộc với cuộc sống mới, vì trẻ em luôn dễ dàng thích nghi với những hoàn cảnh mới hơn người lớn. Tôi thương cha mẹ tôi, nhất là bà ngoại, nhưng tôi bảo họ đừng vào tu viện nữa, dù họ được đặc biệt tạm thời cho phép. Người ta cho rằng đây là một dấu hiệu khác chứng tỏ rằng tôi đã từng sống ở tu viện trong đời trước.

Từ bình minh đến khi chiều xuống, vòng thời gian của tôi đầy ắp việc học tập và cầu nguyện. Trong môi trường này, phần lớn thời gian trong lòng tôi tràn đầy sự hoan hỷ và an bình. Những vị thầy phụ đạo của tôi rất từ bi, thấu hiểu và thực tế. Họ không phải những tu sĩ kỷ luật cứng ngắt như bạn đã hình dung, dù đôi lúc có thể như vậy. Trái lại, họ hiền từ, khiêm tốn và mang lại cho mọi người niềm hoan hỷ và nụ cười.

Sau một thời gian, tôi không còn ham chơi đùa, chạy nhảy vô ích. Tôi cũng cảm thấy không cần thiết phải nhìn quanh nhiều, và tôi có thể ngồi yên trong nhiều giờ. Trước tiên tôi thọ những lời nguyện cho người mới tu và sau đó là tu sĩ. Mỗi một tháng tôi được cạo tóc, và sau bữa trưa chúng tôi không ăn gì cho đến sáng hôm sau. Những ngày của chúng tôi đều đặn theo chu kỳ mặt trời và mặt trăng. Cho đến tuổi mười tám, tôi vẫn chưa nhìn thấy máy bay hay xe gắn máy. Một cái đồng hồ đeo tay là sản phẩm tinh vi nhất của kỹ thuật hiện đại mà tôi tình cờ thấy được trước khi rời tu viện.

Với chúng tôi, đạo Phật không chỉ là thiền định, học tập hay nghi lễ, mà là một cách sống hằng ngày và toàn bộ cuộc đời. Đạo Phật dạy rằng đặc tính thiết yếu của tất cả chúng sanh là tâm, mà trong bản tánh chân thật của mình, tâm thì thanh tịnh, an bình và hoàn thiện đầy đủ. Tâm là Phật. Như chúng ta biết, khi tâm thức chúng ta thoát khỏi áp lực của cảm xúc và hoàn cảnh bên ngoài, tâm trở nên an bình, rỗng rang, sáng suốt và lồng lộng hơn.

Trong tu viện, tôi đã được dạy về sự quan trọng của việc buông xả thái độ mà đạo Phật gọi là "chấp ngã". Đó là nhận thức sai lầm về một thực thể thường hằng, cứng chắc trong chính mình, trong những chúng sanh khác và sự vật. "Cái ta" là một ý niệm được tạo tác bởi tâm trí thông thường, không phải là tâm trong thực tánh của nó. Chấp ngã là gốc rễ của sự rối loạn tâm trí và tình cảm, là nguyên nhân đau khổ của chúng ta. Đây là điểm mà chúng ta có thể qua đó hiểu được cốt lõi, tinh thần và mùi vị của đạo Phật. Bạn có thấy đạo Phật truy nguyên đến tận gốc rễ như thế nào không? Phật giáo nói rằng đau khổ do tâm thức chúng ta gây ra, thậm chí trước khi chúng ta có một cách ứng xử nào không khéo léo hay rắc rối, hoặc ngôn ngữ bất hòa; trước khi chúng ta lao vào chuỗi đau khổ, bệnh tật, tuổi già và cái chết, vốn là sự nghiệp của tất cả chúng sanh. Trong đạo Phật, tất cả những phiền não xáo trộn đều gắn chặt với sự chấp ngã và phát sinh từ đó.

Ngài Shantideva (Tịch Thiên), một đại sư Phật giáo đã mô tả cái bản ngã mà chúng ta bám víu vào như "con quái vật độc ác":


Mọi bạo lực, sợ hãi và đau khổ
Hiện hữu trên thế gian
Đều do chấp ngã.
Vậy, con đại ác quỷ này có ích gì cho các bạn?
Nếu bạn không buông bỏ bản ngã
Thì khổ đau của bạn không khi nào chấm dứt.
Giống như bàn tay mình không lìa bỏ lửa
Thì bàn tay không bao giờ ngừng bỏng.

Nhưng, làm thế nào chúng ta có thể buông bỏ bản ngã? Với tôi, việc chứng ngộ thật tánh không thể thực hiện lúc tôi còn quá bé và mới bắt đầu giai đoạn tu hành. Nhưng, khi tiến bộ qua nhiều mức độ rèn luyện thân thể và tâm linh khác nhau, tôi đã có cảm hứng với sự tỉnh thức, lòng bi mẫn, sùng mộ, tham thiền và tri giác thanh tịnh. Điều đó có từ những mức độ tiệm tiến của việc nới lỏng sự siết chặt tâm thức và cảm xúc của sự chấp ngã, và tôi thu hoạch sức mạnh, sự tỉnh giác và rộng mở bên trong nhiều hơn. Vì tôi dần dần đưa tâm mình vào bản tính bình an của nó, và tự rèn luyện buông xả trong nó, sự rối loạn của môi trường bên ngoài bắt đầu ít tác động đến cảm nghĩ của tôi và trở nên dễ xử lý. Những kinh nghiệm về bản tánh bình an và rỗng rang của tâm giúp tôi chữa lành những biến cố khó chịu của cuộc sống, duy trì sức mạnh và hạnh phúc trong cả hai môi trường tốt và xấu.

Vào năm tôi mười tám tuổi, vì những thay đổi ở Tây Tạng, tôi đã phải vất vả vượt qua hàng ngàn dặm đường trong nhiều tháng từ Tây Tạng đến Ấn Độ với hai vị thầy và tám người bạn. Giữa đường, tại một hang động thiêng liêng trong một thung lũng trống có những ngọn núi xám sừng sững bao quanh, Thầy tôi, Ngài Kyala Khenpo, người đã săn sóc tôi như cha mẹ từ khi tôi năm tuổi, đã thở hơi cuối cùng. Đột nhiên tôi thấy mình là một người mồ côi, một kẻ cô độc không nhà.

Cuối cùng, chúng tôi đến Ấn Độ, một miền đất giàu trí huệ và văn minh. Lần đầu tiên trong nhiều tháng, tôi có thể hưởng thụ cảm giác mát mẻ dưới những bóng cây và thoải mái trong sự ấm áp của những chỗ ở. Trong khoảng một trăm ngàn người Tây Tạng ở Ấn Độ, nhiều người đã chết vì sự thay đổi khí hậu, thực phẩm, nước và độ cao. Với những người còn sống, nỗi đau khổ của những người thân còn ở lại Tây Tạng vẫn tiếp tục ám ảnh chúng tôi cả ngày lẫn đêm.

Trong những ngày đen tối đó, tất cả những gì đã dẫn dắt và an ủi tôi chính là ánh sáng trí huệ của đạo Phật trong tâm tôi. Nếu một vấn đề rắc rối có thể giải quyết và đáng để tham dự vào, tôi cố hết sức mình để giải quyết nó với một tâm thức an bình, một thái độ rộng mở, một tính cách hoan hỷ. Nếu vấn đề không thể giải quyết, tôi cố gắng không nóng nảy và lãng phí thời gian, năng lực vô ích. Trong cả hai trường hợp, tôi đều cố gắng buông xả những phiền não, những bám chấp của tâm thức, bằng cách không bám vào, không trụ nơi chúng, không lo âu về chúng, vì điều đó chỉ làm tình huống tồi tệ hơn. Ngài Shantideva đã nói:

Nếu bạn có thể giải quyết những vấn đề của mình,
Thì cần gì phải lo nghĩ?
Nếu bạn không giải quyết được chúng,
Thì lo nghĩ có ích gì?

Suốt từ lúc tôi đến Ấn Độ, tôi không còn sống trong cộng đồng tu viện hay dưới sự giám sát của kỷ luật tu viện. Nhưng ấn tượng của sự an bình và hoan hỷ về tu viện thiêng liêng ở Tây Tạng vẫn sống động mạnh mẽ trong tâm trí tôi. Tiếng vọng của những lời từ ái, êm dịu của những vị thầy đầy từ bi và trí huệ tột cùng hồi tôi còn bé vẫn vang lên trong tai tôi. Quan trọng hơn nữa, cái kinh nghiệm về sự rỗng rang, an bình, sức mạnh mà tôi đã trau giồi rồi được tinh lọc và chiếu sáng trong lòng tôi, qua việc đối mặt những gian khó trong cuộc sống, giống như vàng ròng được tinh luyện bằng sự nấu chảy và trui đập. Những hình ảnh, lời nói và kinh nghiệm ấy luôn luôn là ánh sáng dẫn đường và năng lực chữa lành qua những đau khổ, rối loạn và yếu đuối của đời tôi.

Che trú cho ánh sáng của tâm thức an bình khỏi gió bão của những trận chiến cuộc đời, và tỏa ra ánh sáng của sự cởi mở và thái độ tích cực để đến với những người khác, là hai yếu tố giúp tôi vượt qua những lúc khó khăn. Bằng nhiều cách, những bi kịch lớn của đời tôi đã chuyển thành những gia hộ ban phước. Chúng làm rõ những giáo lý đạo Phật về tính như huyễn của cuộc sống, lột bỏ tấm màn che của sự an toàn giả tạo. Không còn nghi ngờ gì nữa về năng lực chữa lành của việc từ bỏ chấp ngã.

Tôi đến nước Mỹ năm 1980, một xứ sở của tự do và dư dả. Nói chung, thật khó cho tâm trí an bình sống được qua những tấn công của dục vọng và sự quyến rũ của vật chất hơn là những nỗi đau đớn, khổ sở. Nhưng hiệu lực của sự tu hành Phật giáo là trong lúc tôi hưởng thụ sự thịnh vượng vật chất của phương Tây, tôi mến phục hơn cuộc sống khiêm tốn, tự nhiên, trần thế của đạo Phật thời còn bé. Cũng vậy, tôi càng được hưởng thụ cuộc sống tâm linh của đạo Phật, tôi càng đánh giá cao lòng tin, lòng bi mẫn, sự rộng lượng đặt nền trên những giá trị của Do Thái, Cơ Đốc Giáo kết hợp với sự thịnh vượng của phương Tây, và điều này lại càng làm phong phú thêm cho sức mạnh tâm linh tôi. Sống trong ánh sáng trí huệ của đạo Phật, tôi luôn nhìn những phẩm tính tích cực của mọi hoàn cảnh qua cánh cửa bản tánh an bình của tâm thay vì để cho những phẩm tính tiêu cực tràn ngập. Đây chính là điểm tinh yếu của phương pháp chữa lành thương tổn.

Năm 1984, lần đầu tiên trong hai mươi bảy năm tôi có thể về thăm quê nhà Tây Tạng. Đó là lúc tôi sung sướng gặp lại một số bạn cũ, những người thân còn sống sót, và một thời khắc buồn rầu nhớ lại những người tôi thương mến, những khuôn mặt thân yêu ấy đã ở trong ký ức tôi nhiều năm, và những vị thầy tôn kính, mà lời dạy của các vị là nguồn chữa lành của tôi, đã qua đời. Tu viện, trong ký ức tôi là nơi tu học, vẫn nằm đó im lìm qua mấy chục năm với những bức tường đổ nát. Gần đây một số tu sĩ đã bắt đầu trở về xây dựng lại tu viện và đời sống tu viện của họ.

Hầu hết những người này đều có thể chấp nhận và tự chữa lành khỏi những kinh nghiệm không may của mình mà không cần trách cứ ai khác. Rõ ràng người ta có thể tạm thời cảm thấy tốt hơn khi trách cứ, đổ lỗi cho người khác về những sự không may của mình, nhưng điều này luôn dẫn đến kết quả là rối loạn và đau khổ lớn hơn. Chấp nhận không phiền trách là điểm chuyển hướng thật sự của việc chữa lành thương tổn. Đó là năng lực chữa lành của tâm. Đó là lý do tại sao Ngài Shantideva viết:

Nếu bạn không thể phát sinh lòng bi mẫn
Hướng tới những người bị bắt buộc phải hại bạn
Vì những phiền não của họ (vô minh và sân hận)
Thì hãy cố hết sức để không nổi giận với họ.

Ở Tây Tạng, người ta đến với những vị thầy tôn giáo để được ban phước và chỉ dạy về tâm linh hay cầu nguyện để chữa lành những khó khăn, hoặc để thành tựu những mục tiêu trần thế hay tâm linh của họ. Hiếm khi họ đến để tham khảo về những vấn đề tâm lý, xã hội hay thể chất. Tuy nhiên, trong nền văn hóa phương Tây, giới tăng lữ lại được tham khảo về tất cả các loại vấn đề đời sống. Từ khi tôi đến Mỹ, bất cứ khi nào gặp khó khăn, những người bạn đều đến gặp tôi để nhận lời khuyên. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi mình có thể gợi ý những giải pháp chữa lành cho nhiều vấn đề khó khăn của họ. Điều bí ẩn không phải là tôi đã được trang bị bất cứ kỹ năng y học, nghệ thuật chữa lành hay năng lực thần bí nào, mà là do tôi đã tự tu hành trong ánh sáng trí huệ của đạo Phật và đã đạt được kỹ năng chữa lành những hoàn cảnh đau đớn trong đời sống của chính mình. Phát hiện đó gợi cảm hứng cho tôi giới thiệu cách nhìn và sự tu hành của đạo Phật về sự chữa lành thương tổn trong hình thức một quyển sách.

Quyển sách này là một hướng dẫn thực hành cho bất cứ ai mong muốn tìm thấy an vui và chữa lành những lo lắng, căng thẳng và đau khổ. Nó là bản tóm tắt những lời dạy về trí huệ chữa trị mà tôi học được từ những kinh điển thiêng liêng của đạo Phật và đã được nghe từ những lời êm dịu của những vị đại sư. Trí huệ này trở thành nguồn chữa lành mạnh mẽ nhất cho tôi và những người bạn tôi. Đó là những giáo lý đạo Phật về sự chữa lành, và tôi chỉ cố đem chúng đến với bạn mà không làm lu mờ chúng bằng giọng điệu và ý niệm của riêng tôi.

Quyển sách này có ba phần. Phần đầu là một cái nhìn tổng quan về cuộc sống hằng ngày và thiền định, những thành tố cần thiết cho việc chữa lành. Phần hai giới thiệu những bài tập đặc biệt để chữa lành những vấn đề tâm trí, tình cảm, xã hội và tâm linh. Những vấn đề về thân xác là khó chữa lành nhất, nhưng chúng cũng có thể được giúp đỡ bằng những bài tập làm phát sinh sự an bình, sức mạnh, và năng lực tích cực, suối nguồn tối hậu cho sự khỏe mạnh thân thể của chúng ta. Phần cuối giới thiệu một số thiền định của đạo Phật không những liên quan đến những vấn đề trong đời sống hằng ngày mà còn với việc đánh thức Phật tánh sẵn có trong tất cả chúng ta và với sự mở rộng năng lực chữa lành vô tận của Tâm Phật cho chính mình và người khác.

Những lời khuyên và hướng dẫn trong tập sách này bắt nguồn từ giáo lý đạo Phật, đặc biệt là từ một bản văn ngắn nhưng độc nhất vô nhị mang tựa "Chuyển hạnh phúc và đau khổ vào con đường giác ngộ" do Ngài Dodrupchen, Jigme Tenpe Nyima (1865-1926), một trong những vị Lama lãnh đạo và học giả có uy tín của phái Nyingma thuộc Phật giáo Tây Tạng trước tác; và từ những luận thư khác như Nhập Bồ Tát hạnh của Ngài Shantideva (Tịch Thiên - thế kỷ thứ tám) một trong những vị thầy Ấn Độ vĩ đại của Phật giáo Đại thừa.

Trên tất cả, bất cứ những lời dạy về trí huệ chữa lành nào được thấy trong những trang sách này đều được gợi hứng từ một người tốt bụng và trí huệ nhất mà tôi đã từng gặp trong đời thật, đó là vị thầy nhân từ Kyala Khenpo Chošchog (1892-1957) của tôi. Dưới sự chăm sóc của Ngài, tôi đã được nuôi dưỡng trong suốt mười bốn năm như một người con. Nếu có bất cứ lỗi lầm nào trong sách đều là do sự lơi lỏng tâm trí vô minh của tôi, và với trách nhiệm tinh thần, tôi cầu mong được sự tha thứ của tất cả các vị thầy đã giác ngộ và của những người đọc bi mẫn.

Nếu bạn theo những bài tập trong sách này, bạn có thể chữa lành những đau khổ và vấn đề khó khăn của mình, phục hồi niềm vui và sức khỏe trong cuộc sống. Ít nhất thì chúng cũng có thể giúp bạn giảm bớt mức độ đau khổ, nỗi khó khăn và làm gia tăng niềm hoan hỷ và sức khỏe. Hơn thế nữa, sự an vui và sức mạnh phát xuất từ năng lực chữa lành của tâm sẽ trang bị cho bạn để đón nhận những đau khổ và khó khăn với sự dễ dàng hơn, như một phần của cuộc sống, cũng giống như chúng ta chào đón đêm tối như một phần của chu kỳ một ngày.

Tôi hy vọng quyển sách này sẽ giúp mọi người học được cách làm thế nào để hạnh phúc và mạnh khỏe hơn. Bất cứ người nào tâm thức rộng mở với năng lực chữa lành sẽ được lợi lạc bằng cách thực hành theo những bài tập chữa lành trong sách này, không cần thiết phải là Phật tử trong danh xưng. Tuy nhiên, những bài tập này không có nghĩa là những thay thế cho sự điều trị thông thường. Thuốc men thích hợp, cách sinh hoạt, chế độ ăn uống và thực tập luôn là thiết yếu cho sự chữa lành.




    « Xem chương trước «      « Sách này có 20 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tư tưởng Tịnh Độ Tông


Chuyện Vãng Sanh - Tập 2


Nguồn chân lẽ thật


Hai Gốc Cây

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 54.163.195.125 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (390 lượt xem) - Việt Nam (118 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - ... ...