Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [  Trang chủ  ]

NGUYỄN DU
( 1766 - 1820 )

- Thích Chơn Thiện - 

I. Tiểu sử

Theo tài liệu: "Nguyễn Du",Vũ Tiến Quỳnh, NXB Văn Nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 1997. "Nguyễn Du", Trịnh Bá Đỉnh, NXB Giáo Dục, 1998.

Nguyễn Du tự là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh ngày 03-1-1766, trong một gia đình danh gia vong tộc, gốc làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, tỉnh Sơn Nam (nay là Hà Tây); sinh quán làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (nay thuộc Hà Tĩnh).

Thân phụ là Nguyễn Nghiễm (1708-1775), tự là Hy Di, hiệu Nghi Hiên, từng giữ chức Tể tướng thời Lê-Trịnh, là nhà thơ và sử gia.

Thân mẫu là bà Trần thị Tần, vợ ba, 1740-1778, thuộc gia đình một kế toán viên, sành hát ca trù, quê làng Hoa Thiều, xã Minh Đức, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, trẻ hơn chồng 32 tuổi.

Nguyễn Du từ nhỏ thông minh, dĩnh ngộ. Năm lên sáu được Hoàng Ngũ Phúc, bạn của bố, mến tặng một thanh bảo kiếm. Năm 12 tuổi, có nhiều biến cố xẩy đến với gia đình: năm 1775, anh cả cùng mẹ mất, năm 1776, thân phụ qua đời; năm 1778 thân mẫu cũng vĩnh biệt. Các anh em của Nguyễn Du đến sống nhờ Nguyễn Khản, anh khác mẹ, hiện đang làm Tả thị lang bộ Hình kiêm Hiệp trấn xứ Sơn Tây, thời Lê Trịnh. Năm 1780, Đặng thị Huệ và Hoàng Đình Bảo giành ngôi Thái tử cho Trịnh Cáng, loại Trịnh Tông; Nguyễn Khản ủng hộ phe Trịnh Tông nên bị cách chức và vào ngục. Sau đó, Trịnh Tông thắng thế lên ngôi chúa cử Nguyễn Khản giữ chức Thượng thư bộ Lại, rồi thăng Tham tụng. Kiêu binh nổi dậy quyết ám hại ông, Nguyễn Khản đành trốn về ẩn cư tại Hà Tĩnh. Bấy giờ Nguyễn Du rơi vào cảnh khốn khó. Năm 1783, Nguyễn Du đỗ tam trường (tương đương tú tài), sau đó không tiếp dự thi một kỳ thi nào khác.

Nguyễn Du được quan Chánh thủ hiệu Thái Nguyên nhận làm con nuôi - vị quan nầy là thuộc hạ của thân phụ -; khi quan Chánh thủ hiệu chết, Nguyễn Du thay thế vị trí Chánh thủ hiệu của ông ta.

Năm 1780, khi Tây Sơn đại phá 20 vạn quân Thanh ở Bắc Hà, anh vợ Nguyễn Du là Nguyễn Tuấn ra cộng tác với Tây Sơn, giữ chức Thị lang bộ Lại - Gia đình Nguyễn Du trở về Thái Bình sống nhờ người anh vợ.

Năm 1796, nghe tin Nguyễn Ánh khởi binh ở Gia Định, Nguyễn Du tìm đường vào Nam, bị quân Tây Sơn bắt giữ ba tháng tại Nghệ An. Tướng trấn thủ Nghệ An, vốn là bạn của Nguyễn Nễ (anh ruột của Nguyễn Du) vì mến tài của Nguyễn Du mà tha. Người trở về sống ở Tiên Điền trước cơ nghiệp đổ nát. Mãi đến năm 1802, Nguyễn Du được vua Gia Long tin dùng :

- Năm 1802 : làm Tri huyện Phù Dung, Hải Hưng.
- Năm 1805 : thăng Đông Các Đại học sĩ, tước Du Đức Hầu.
- Năm 1807 : Giám khảo kỳ thi Hương ở Hải Hưng.
- Năm 1809 : Cai bạ dinh Quảng Bình.
- Năm 1813 : - thăng Cần Chánh Đại học sĩ.
- làm Chánh sứ đi Trung Quốc.
- Năm 1815 : thăng Hữu Tham tri bộ Lễ.
- Năm 1820 : Minh Mạng lên ngôi, lại cử Nguyễn Du đi sứ sang Trung Quốc. Chưa kịp đi thì lâm bệnh mà chết. Thọ 54 tuổi. Mộ quàng ở xã An Ninh, Quảng Điền, Thừa Thiên. Bốn năm sau thì cải táng về Tiên Điền.

Nguyễn Du có ba vợ, 12 con trai và 6 con gái. Chỉ có Nguyễn Thuyến, con trai bà thiếp, là giỏi văn học.

Các nhà nghiên cứu văn học có hai ý kiến khác nhau về thời điểm và trú xứ sáng tác thi phẩm Đoạn Trường Tân Thanh :

- Trước khi đi sứ Trung Quốc; sáng tác ở Tiên Điền.
- Sau khi đi sứ Trung Quốc về, từ 1815 đến 1820, sáng tác tại Thừa Thiên - Huế.

Ông Lê Thược, người có nhiều công lao trong việc tìm hiểu gia thế và sự nghiệp của Nguyễn Du, cho rằng Nguyễn Du có cùng gốc tổ xa xưa với Nguyễn Trãi.

II. Sự nghiệp văn học

- Năm 1965, Hội đồng Hòa bình thế giới cử hành lễ kỷ niệm Nguyễn Du như là một danh nhân văn hoá thế giới. Cùng năm, Chính phủ Việt Nam quyết định cử hành trọng thể kỷ niệm Nguyễn Du: một đại thi hào của dân tộc. Từ đó, các sáng tác của Nguyễn Du được kiết tập, giám định, và ấn hành, bao gồm:

- Truyện Kiều hay Đoạn Trường Tân Thanh.
- Văn chiêu hồn.
- Thanh Hiên Thi Tập (249 bài thơ chữ Hán).
- Nam Trung Tạp Ngâm.
- Bắc Hành Tạp Lục.
- Văn tế Trường Lưu Nhị Nữ.
- Thác Lời Trai phường Vải.

Các công trình khảo cứu về thi ca Nguyễn Du và sự nghiệp thì nhiều vô kể, phần lớn tập chú vào Truyện Kiều.

III. Một số đánh giá tiêu biểu về Nguyễn Du

1.Tố Hữu

Trong bài lục bát "Kính gửi cụ Nguyễn Du", trong tập thơ Ra Trận, NXB Văn Học, 1972, Tố Hữu viết:

" ' Mai sau dù có bao giờ '
Câu thơ thuở trước đâu ngờ hôm nay!
Tiếng đàn xưa đứt ngang dây
Hai trăm năm lại làm say lòng người.
......
Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày
Hỡi người xưa của ta nay
Khúc vui xin lại so dây cùng người "
Tố Hữu chia xẻ với Nguyễn Du về mối xúc động trước các thống khổ của xã hội:
" Ngẫm xem qua kiếp phong trần
Đời vui nay đã nửa phần vui đây
Song còn bao nỗi chua cay
Gớm quân Ưng Khuyển, ghê bầy Sở Khanh
Cũng loài hổ báo ruồi xanh
Cũng phường gian ác hôi tanh hại người ! "
...........
Sự chia xẻ như là biểu hiện của Tố Hữu về " khóc Tố Như " trong tâm sự :
" Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như "
( Ba trăm năm lẻ ta đâu biết
Thiên hạ ai người khóc Tố Như )
2. Xuân Diệu

Với bài " Con Người Nguyễn Du Trong Thơ Chữ Hán " (ibid., tr. 42-81), Xuân Diệu nói về nghĩa " Khóc Tố Như " rằng :

" Tố Như cần có người khóc lắm chứ, lòng ấy rất cần nhiều bạn trong khoảng rộng và khoảng sâu, lòng ấy cần có người khóc. Khóc đây là thương cảm cùng nhau, thấu hiểu cho nhau, quý hóa lấy nhau. Khóc đây là thương cảm cùng nhau, thấu hiểu cho nhau, quý hóa lấy nhau. Khóc đây chưa hẳn là thảm sầu, mà là nụ cười cũng có. Khóc đây chưa hẳn là khóc vì, mà còn là khóc với... lời kêu gọi của một trang tài tình, nghe êm ái ngậm ngùi như một tiếng chim cô lẻ dội giữa trời thu khuya. Đó là tiếng giã đời, nhưng cũng là tiếng họp bạn; tiếng tuyệt vọng, nhưng cũng là tiếng hi vọng; câu tự hỏi nhưng cũng là câu tự trả lời... " ( tr.43 )

Xuân Diệu ví tâm sự Nguyễn Du như là tâm sự của Khuất Nguyên :

" Nguyễn Du là người, như Khuất Nguyên, mang những vấn đề của ngàn năm, của triệu người, nên cái đau khổ của ông là một đau khổ lớn, có tính cách đại diện cho nhân loại : ' vô cùng kim cổ thương tâm xứ ' - Mạn Hứng II - hoặc như trong bài ' Cuối Xuân Mạn Hứng ' : trước khi chết cứ lo mãi việc ngàn năm ( "Trắc thân bất xuất hữu hình ngoại, Thiên tuế trường ưu vị tử tiền" ). ( Ibid,; tr.48 )

Ngày xưa, Tống Ngọc làm bài chiêu hồn kêu gọi Khuất Nguyên trở về, nay Nguyễn Du thì viết " Phản chiêu hồn " khuyên Khuất Nguyên đi thẳng về Thái cực, đừng bao giờ trở lại cuộc đời : bởi nếu trở lại cuộc đời thì sẽ phải tự trầm mình trên sông Mịch La một lần nữa. Xuân Diệu lập luận :

" Nói dỗi như vậy, Nguyễn Du buộc tội cái xã hội kinh khủng kia, và bài thơ bi tráng, gằm gằm, cười gằn, khóc uất, giận đến xé trời, như hơi văn bi kịch của Shakespear . Chúng ta vì bài thơ nầy mà cảm phục Nguyễn Du thêm mấy lần; không yêu thương con người đến cháy ruột cháy gan thì không thể có cái hơi văn bênh vực sự sống như người mẹ bảo vệ đứa con rứt ruột." ( tr. 54-55 )

" Hồn ơi, ví cứ theo đường ấy,
Sau Tam Hoàng, thôi chẳng hợp thời!
Đành sớm thu hồn về thái cực,
Chớ về đây nữa, người mỉa mai. "
.........
( tr. 55 )
Xuân Diệu đang chia xẻ với Tố Như cái nổi khổ đau lớn thiên thu của nhân loại, nhưng còn giới hạn thân phận con người trong cơ chế xã hội bất hợp lý, trong các tâm lý tham lam, đố kỵ, ganh ghét, thù hận, vu khống, gian ác ... mà chưa đi vào hẳn cánh rừng tâm sự của một đại thi hào tầm cỡ vượt khỏi biên giới quốc gia.

3. Huy Cận

Huy Cận rất thiết tha nhớ Tố Như : ( ibid., tr. 970 )

"..........
Lòng thơ thức trắng giữa đêm dài
Yêu nước non, yêu vạn cảnh đời
Đời khó, mà chưa phương cứu khổ
Càng đau biết mấy Tố Như ơi!
...........
Số phận người xưa anh ước mơ
Rõ ràng trước mắt chẳng còn ngờ
Ba trăm năm, tính chưa đầy nửa
Cả cuộc đời nay hiểu Tố Như. "
( tr. 970 - 971 )
Huy Cận cảm thông với Tố Như về khối lòng nhân ái, từ bi đau nhức trước vạn cảnh khổ ở đời : đây là rung động chung của những tâm hồn lớn. Vấn đề ở đây là Huy Cận chưa gọi tên các nỗi khổ thâm trầm và chưa đặt chân đến vùng thao thức rất thâm sâu của Tố Như.

4. Mai Quốc Liên

Bài viết của Quốc Liên" Thơ Chữ Hán của Nguyễn Du " ( ibid., tr.120 - 131 ) có một nhận định rất riêng, mở ra thêm một lối cảm thông dẫn đến cánh rừng tâm sự của Tố Như :

" ... Nguyễn Du cảm thương vô hạn trước những số phận phụ nữ .... Những mạch nguồn nhân đạo ấy đã tích tụ lại và đã thành Kiều, đại dương mênh mông của chủ nghĩa nhân đạo. Nàng Kiều dù trong nhơ đục vẫn trong trắng, vẫn vươn lên trên kiếp người của mình, đứng cao hơn nó, và có lúc Nguyễn Du đã đi tới đầu mút của chủ nghĩa nhân đạo : " Đục trong thân cũng là thân ". Cái quý nhất đối với con người là chính bản thân con người vậy : ' Con người là thực thể cao nhất, con người là thượng đế của bản thân con người '... Chủ nghĩa nhân đạo làm rạng sáng toàn bộ nền Văn Học Việt Nam " ( ibid., tr. 128 )

5. Đinh Hùng

Với bài " Người Thơ Thuần Túy Nguyễn Du Trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh " (ibid., tr. 140 -157 ), Đinh Hùng đã đến với Tố Như qua rung động rất Phật giáo của Người :

" Tất nhiên phải thấm nhuần triết học Phật giáo tới chỗ thâm viễn, Nguyễn Du mới sáng tác nên chiêu hồn...

Tự nhiên, trong tốc độ cảm hứng, Nguyễn Du đã phát bồ đề tâm, như một vị Phật sống. Hay đúng hơn, phải nhận rằng : trong lòng Nguyễn Du đã có sẵn cái tâm ý của Thích Ca. Lời nói của nhà thơ tự nhiên cũng chứa đựng sẵn cái tinh túy của bản thuyết pháp.

Trên thực tế, người ta đã biết Nguyễn Du không những là một nhà nho uyên thâm, mà còn thông đạt cả đạo Phật lẫn Lão Trang, nhưng trong cõi mênh mang huyền bí của cuộc sống tâm linh, đã mấy ai theo dõi được tường tận cuộc chuyển hóa mầu nhiệm của bản chất người thơ ? Và cái tâm vô ngã của Nguyễn Du đã mấy lần vượt khỏi một ràng buộc của vật thể để tận nhập vào cõi vô cùng thanh tịnh, mở đường siêu thoát cho chúng sinh và cho chính mình ".
( ibid., tr. 144 - 145 ).

Đinh Hùng cũng đã tự mình bỗng nhiên đặt chân đến một vùng tâm sự khá sâu của Tố Như, đã thoảng nghe vọng tiếng khóc của Tố Như, dù chưa nghe rõ các âm sắc.

6. Lưu Trọng Lư

Nhà văn Lưu Trọng Lư, dù chưa quen thuộc với giáo lý nhà Phật, đã phát hiện ra một lối mòn dẫn đến đất hẹn " Khóc Tố Như " khi ông viết trong " Mấy Lời Chiêu Thuyết Cho Vương Thúy Kiều " ( ibid., tr. 271 ) rằng :

" ... Nói tóm lại, muốn xét thân thế Kiều, chớ đứng hẳn trong những lễ giáo nghiêm khắc chật hẹp của Nho giáo, vì Kiều là một tín đồ trọn vẹn của Phật giáo. Những việc làm của nàng ở kiếp nầy đều ấn định từ kiếp trước, cho nên nàng chỉ một mặt tuân theo ".

7. Nguyễn Tường Tam

Nhận định duy chỉ về khía cạnh văn chương, thi ca Truyện Kiều, Nguyễn Tường Tam trong bài " Mấy Lời Bình Luận Về Văn Chương Truyện Kiều " đăng ở tạp chí Nam Phong, 1924, đã viết :

" Nhưng nói đến cái hay của văn Kiều thì chưa biết thế nào mà kể được. Ta chỉ nên nhận rằng văn chương Kiều có thể làm cái mẫu rất tốt cho văn chương quốc ngữ, và người nào làm văn chương cũng nên theo cách làm văn trong truyện Kiều, vì những câu trong truyện Kiều đó đã tới được cực điểm. Tôi xin nói quyết một lời rằng : " Mong được một quyển truyện nào hay hơn Truyện Kiều là mộng tưởng ". Cái trình độ thơ quốc ngữ đến như thế là tuyệt đích rồi. Cái phần ngang thì họa may, cái phần hơn thì không có nữa ". ( ibid., tr. 202 - 203 )

Thi ca Truyện Kiều quả thực đầy cả nhạc, họa, và âm hưởng Việt Nam của một tuyệt tác, như Nguyễn Tường Tam đánh giá. Trong bài biên khảo nầy, người viết đặc biệt đi vào khảo sát các chất liệu Phật giáo về Khóc gì ? Khóc vì ai ? của Tố Như.

III. Khóc Tố Như

1. Con người Tố Như

Qua bản tiểu sử, Tố Như thuộc dòng dõi đại quý tộc có nền giáo dục cao, sống trên nhung lụa. Năm 12 tuổi, bị rơi vào nghịch cảnh của khốn khó, hụt hẫng tình cảm gia đình, phải phấn đấu để học tập.

Các ưu tư về xã hội sớm xuất hiện qua sự chứng kiến cảnh tranh chấp quyền lực trong phủ Chúa và giữa cung Vua và phủ Chúa. Tâm thức dao động mạnh, sớm trưởng thành trước các đổi thay lớn của xã hội : đại phá quân Thanh của Tây Sơn, sụp đổ của phủ Trịnh; Nguyễn Ánh dấy nghiệp kéo theo nhiều rối ren xã hội, đạo đức, an ninh.

Tố Như, qua thời gian, đã thể nghiệm cái tù hãm của xã hội phong kiến và các tâm lý tiêu cực của người đời, đặc biệt dưới ánh sáng của giáo lý nhà Phật, Tố Như nhận ra mối nguy hiểm của chữ " Tình " và sự trói buộc của các giá trị ảo do tư duy ngã tính dựng ra.

Thông tỏ các điều kiện ấy, Tố Như đã để dòng nước mắt đầy thương tâm chảy dài vào thi ca Truyện Kiều, thi ca chữ Hán và văn tế Chiêu hồn.

2. Khóc gì ? Khóc vì ai ?

Như người xưa từng nhìn ngã ba đường mà khóc, nhìn dòng nước trôi qua cầu mà than, Ôn Như Hầu thì khóc rằng :

" Khóc vì nỗi thiết tha sự thế
Ai bày trò bãi bể nương dâu
Trắng răng đến thuở bạc đầu
Tử sinh kinh cụ làm nau mấy lần "
( Cung Oán Ngâm Khúc )
Đoàn thị Điểm thì than :
" Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nổi truân chiên
Xanh kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi nầy ? "
( Chinh Phụ Ngâm )
Tố Như cũng đau với niềm đau của nhân thế với tâm sự mênh mang :
" Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Lạ gì bỉ sắc, tư phong
Trời kia quen thói má hồng đánh ghen "
( Kiều )
Qua các sáng tác của Tố Như, Tố Như không chỉ khóc cho thân phận mình, thân phận Kiều, mà còn là khóc cho phân phận kiếp người, khóc cho quê hương, cho văn hoa xứ sở trong thi ca Truyện Kiều, thi ca chữ Hán và qua văn tế Thập Loại Chúng Sinh. Những dòng thơ tuyệt bút là những tiếng khóc của Người về những gì đang ẩn chứa trong kiếp nhân sinh. Nếu người đời sau có kẻ khóc như thế thì gọi là " Khóc Tố Như ".
IV. Tiếng khóc của Tố Như trong Truyện Kiều

1. Văn hóa

Văn hoá Việt Nam thế kỷ XVIII là căn nguyên của các ly loạn, khổ đau của xã hội, vùi dập các giá trị nhân bản và an vui, hạnh phúc của con người. Tài và Sắc vốn là hai giá trị của mơ ước trần thế trở thành nhân tố chiêu cảm khổ lụy ở Kiều, dựng lên một nhận thức ảo về một quy luật ảo : " bỉ sắc, tư phong " ( quy luật bù trừ ) mở đầu Truyện Kiều, Cung Oán, và Chinh Phụ Ngâm.

Trên thực tế, đoạn trường của kẻ tài sắc là do hai yếu tố khách quan và chủ quan gây ra. Về yếu tố khách quan thì có : sự tù hãm của văn hóa Khổng học, sự nhiêu khê của cơ chế phong kiến, và sự phiền tạp của tâm lý con người. Về yếu tố chủ quan thì có : tư duy sai lệch, dục vọng điên đảo. Tố Như, vì thế, muốn chuyển đổi các nhân tố ấy đã để Kiều vượt rào đến với Kim Trọng : đây là sự vượt rào Khổng học đi đến với Phật học và Dân tộc, như chính thơ lục bát của Truyện Kiều đã viết :

" Lần theo núi giả đi vòng,
Cuối đường dường có nẻo thông mới rào.
Xắn tay mở khóa động đào,
Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai "
( 389 - 392 )
Gót Kiều bước nhẹ mà nghe như tiếng thiếc bổng nặng vạn cân của Tôn Hành Giả : đại náo vùng giá trị tù hãm.

Ở thư phòng Kim Trọng, Kiều có dịp tự nhiên biểu hiện tài về thơ, nhạc và họa.

Về nhạc thì :

"........
Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như nước suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu.
Khi tựa gối, khi cúi đầu,
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày.
Rằng : " Hay thì thật là hay,
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào "
( 484 - 490 )
Về họa thì :
" Trên yên, bút giá thi đồng,
Đạm thanh một bức tranh tùng treo trên.
Phong sương được vẻ thiên nhiên,
Mặn khen nét bút càng nhìn càng tươi ".
( 397 - 400 )
Về thơ thì :
" Tay tiên gió táp mưa sa,
Khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu.
Khen :" Tài nhả ngọc phun châu,
Nàng Bang ả Tạ cũng đâu thế vầy ".
( 403 - 406 )
Kim Trọng cũng khá sành về thơ, nhạc và họa ( trong nghề ) đã ghi nhận tài hoa của Kiều và nhận định rằng : do kiếp trước Kiều khéo tu nên nay mới có được tài như thế :
" Kiếp tu xưa ví chưa dày,
Phúc nào nhắc được giá này cho ngang ".
( 407 - 408 )
Kim Trọng đã nhìn sự kiện dưới nhãn quan " Nghiệp ", " Nhân quả " của nhà Phật, mà không gán vào đó ý trời hay thiên mệnh : Kết quả hiện tại là do hành nghiệp của quá khứ và hiện tại làm nên. Thế là, Kiều đã vượt rào từ " Thiên mệnh " để đến với " Nghiệp " ( Karma, Kamma ). Giáo lý về Nghiệp ấy được lập lại nhiều lần trong đời Kiều :
- " Rỉ rằng nhân quả dở dang,
Đã toan trốn nợ đoạn tràng được sao ? "
( 995 - 996 )

- " Kiếp xưa đã vụng đường tu,
Kiếp nầy chẳng kẻo đền bù mới xuôi !
Dẫu sao bình đã vỡ rồi,
Lấy thân mà trả nợ đời cho xong "
( 1195 - 1198 )

- " Đã đành túc trái tiền oan,
Cũng liều ngọc nát hoa tàn mà chi ".
( 1765 - 1766 )

- " Dễ dàng là thói hồng nhan,
Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều "
( 2361 - 2362 )

- " Người sao hiếu nghĩa đủ đường,
Kiếp sao rặt những đoạn trường thế thôi ?
Sư rằng : ' Phúc họa đạo trời,
Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra.
Có trời mà cũng tại ta,
Tu là cõi phúc, tình là dây oan "
( 2653 - 2658 )

- " Sư rằng : ' Song chẳng hề chi,
Nghiệp duyên cân lại, nhấc đi còn nhiều.
Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều,
Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm "
( 2679 - 2682 )

- " Hại một người, cứu muôn người ,
Biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng.
Thửa công đức ấy ai bằng ,
Túc Khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi.
Khi nên trời cũng chiều người,
Nhẹ nhàng nợ trước, đền bồi duyên sau ".
( 2865 - 2870 )

- " Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài "
( 3249 - 3252 )

Phần Giáo lý Phật giáo rộng hơn đã được nhắc đến :
- " Cho hay giọt nước cành dương,
Lửa lòng tưới tắt mọi đường tình duyên "
( 1931 - 1932 )

- " Mùi thiền đã bén muối dưa,
Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng.
Sự đời đã tắt lửa lòng,
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi ".
( 3045 - 3048 )

-" Quây nhau lạy trước Phật đài,
Tái sinh trần tạ lòng Người từ bi ".
( 3031 - 3032 )

Sau 15 năm thể nghiệm các đoạn trường, sóng gió, can qua, thể nghiệm thế tình, toàn thể gia đình Vương Ông, gồm cả Kim Trọng, đoàn tụ trước Phật đường: Phật đường hiện ra như cõi bình an. Tất cả đã :
" Quây nhau lạy trước Phật đài
Tái sinh trần tạ lòng Người từ bi ".
( 3031 - 3032 )
Tố Như như đã muốn bộc bạch tâm sự của mình : Văn hoá Phật giáo là vùng văn hoá không có nước mắt khổ đau, như đang giải toả cái tâm sự " Khóc Tố Như "

2. Pháp luật bất minh, xã hội tiêu cực ....

Xã hội Việt Nam, thế kỷ XVIII, đầy cảnh đau lòng : luật pháp vô hiệu, cướp ngày cướp đêm ngang nhiên, lầu xanh lòng hồng nhan nhản :

- " Sống làm vợ khắp người ta,
Hại thay thác xuống làm ma không chồng "
( 87 - 88 )

- " ...
Quá chơi lại gặp hồi đen,
Quen mồi lại kiếm ăn miền nguyệt hoa.
Lầu xanh có mụ Tú bà,
Làng chơi đã trở về già hết duyên ".
( 807 - 810 )

- " Hàn huyên chưa kịp dãi dề,
Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao.
Người nách thước, kẻ tay đao,
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi .
.......
Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh ,
Rụng rời khung cửi, tan tành gói may.
Đồ tuế nhuyễn, của riêng tây,
Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham "
( 575 - 584 )

- " Thôi đà mắc lận thì thôi !
Đi đâu chẳng biết con người Sở Khanh ?
Bạc tình nổi tiếng lầu xanh,
Một tay chôn biết mấy cành phù dung "
( 157 - 160 )

- " Kéo cờ chiêu phủ tiên phong ,
Lễ nghi giàn trước, bác đồng phục sau "
( 2509 - 2510 )

(Từ Hải chiêu mộ quân hùng cứ chống triều đình do triều đình rối loạn kỷ cương)

Tố Như đã viết ra các dòng thơ trên với tâm sự ngậm ngùi khôn xiết. Đây là tiếng khóc vì quê hương !

3. Khóc cho phận người :

Ngoài các nguyên nhân khách quan gây nên khổ đau, Tố Như qua ảnh hưởng Phật giáo còn nhận ra các nguyên nhân chủ quan nằm ngay ở mỗi người, ở tâm lý mỗi người gây ra sóng gió cho cõi lòng và cho tha nhân : đó là chữ Tình mà trong Tập đế nhà Phật gọi là Ái (ái sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp). Từ Tình mà sự trau chuốt tự ngã được trưởng dưỡng, và tham, sân, si, dục vọng, ganh ghét, đố kỵ, hờn oán, ác hại, v.v... được phát sinh gây ra vô vàn rối ren cho cá nhân và xã hội. Từ sự chấp nặng bản ngã, và chấp thủ các ngã tướng, mà một triều đình bất hợp lý, một nền văn hóa bất hợp lý được thành lập; mà dấy lên các Sở Khanh, Tú Bà, Mã Giám Sinh, bọn Ưng, Khuyển v.v... Đây mới là đầu nguồn tâm sự của Tố Như: Vô vàn cổ kim ngậm ngùi !!! Người viết :

" Sư rằng: ' phúc họa đạo trời,
Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra.
Có trời mà cũng tại ta,
Tu là cõi phúc, tình là dây oan.
Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan,
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành.
Lại mang lấy một chữ tình
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.
Vậy nên những chốn thong dong,
Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng.
Ma đưa lối, quỷ đưa đường,
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi "
( 2655 - 2666 )
V. Tiếng khóc của Tố Như qua thi ca chữ Hán 

1. Tập sách " Thơ Chữ Hán Nguyễn Du ", NXB Văn Hóa, 1959, do ba nhà Nho lão thành là Bùi Kỷ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh, sưu tầm, phiên dịch và chú thích, gồm 102 bài cảm tác. Qua các cảm tác ấy, Tố Như thực sự không bị ràng buộc vào ý niệm phục vụ riêng cho triều Lê, Trịnh, Tây Sơn hay Nguyễn Ánh : người có tình cảm hoài Lê rất nhẹ, không đả kích Tây Sơn, mà cũng không hăm hở phục vụ triều Nguyễn. Với một trái tim " lớn ", đối tượng phục vụ hẳn phải là nhân dân, xứ sở. Thế nên, Người đã bảo :

" Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên,
Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên "
( " Nguyễn Du ", NXB Giáo Dục, 1998, tr. 45 )
( Người tráng sĩ mưu đại nghiệp đến bạc đầu mà vẫn buồn bã nhìn trời; mưu kế sinh nhai cũng mờ mịt : cả hai đều mịt mờ ! )


2. Nhiều cảnh khổ đứt ruột

Bài " Sở kiến hành " ( ibid., tr. 53) thuật lại cảm xúc lúc Tố Như chứng kiến cảnh sống quá khổ của một gia đình nghèo :

" Mẹ chết đã đành rồi,
Trông con thêm đứt ruột!
Nổi lòng đau đớn lạ thường,
Trông ra mặt trời như vì người mà vàng úa ".
Đây là một tiếng nấc của Tố Như!
3. Nhân tình điên đảo

Tố Như đã viết " Bác Bài Phú Chiêu Hồn " ( mà xưa Tống Ngọc gọi mời hồn Khuất Nguyên trở về ) khuyên Khuất Nguyên ( linh hồn ) hãy tiếp đi về thái cực, đừng trở lại cuộc đời, bởi vì ở đây đầy dẫy các Thượng quan Ngân Thượng ( người đã dèm siểm với Sở Hoài Vương để loại Khuất Nguyên ) và có sông Mịch La ( nơi mà Khuất Nguyên đã trầm mình ), nếu trở lại, Khuất Nguyên lại phải quyết định trầm mình lần thứ hai :

" ....
Hồn ơi, ví cứ theo đường ấy,
Sau Tam Hoàng, thôi chẳng hợp thời !
Đành sớm thu hồn về thái cực,
Chớ về đây nữa, người mỉa mai,
Hậu thế đều là họ Thượng quan !
Mặt đất đâu cũng sông Mịch La "
(ibid., tr.55)
4. " Độc Tiểu Thanh Ký "

- ( xem tài liệu " Nguyễn Du ", NXB Giáo Dục, 1998, tr. 82 - 83 )

- " Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như "
là hai câu thơ Tố Như nhắc đến trước khi chết. Trong " Độc Tiểu Thanh Ký " thì hai câu trên là đoạn kết của bài thơ, do vậy nó mang một ý nghĩa đặc biệt đầy ấn tượng.

Nguyên tác :

" Tây hồ hoa uyển tận thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư,
Bất tri tam bách dư niên hậu ( phá luật )
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như. ( phá luật )
( ghi chú của người viết : hai câu kết là phá luật. Một số bài thơ hay của các đại thi hào chịu thất luật để diễn đạt ý tưởng, cảm xúc sâu sắc hơn )
Dịch ý :
Vườn hoa ở hồ Tây đã trở thành bãi đất hoang.
Trước cửa sổ, nhà thơ chỉ viếng nàng qua xấp thơ.
Son phấn có thần nên chết rồi mà người ta còn thương tiếc
Văn chương không có mệnh mà cũng bị đốt đi.
Oán hận của xưa, nay khó hỏi trời
Oan lạ của hàng phong nhã là do cái ngã có mặt
Không biết ba trăm năm lẻ nữa
Thiên hạ ai người khóc Tố Như ?
Chuyện cô bé Tiểu Thanh

Chuyện kể Tiểu Thanh là một cô bé thông tuệ. Mẹ là gia sư dạy nàng học nhiều ngành học. Năm mười tuổi, một ni cô Phật giáo dạy Tiểu Thanh bài Tâm Kinh Bát Nhã. Chỉ nghe đọc hai lần là Tiểu Thanh thuộc lòng. Ni cô bảo : cô bé nầy nếu sống ở chùa thì thọ đến 30 tuổi; nếu sống ở tục gia sẽ chết yểu.

Năm 16 tuổi, Tiểu Thanh làm thiếp một người ở làng Hổ Lâm, Quảng Lăng. Vợ cả đánh ghen, giam lỏng nàng trên núi Cô Sơn, cách ly chồng. Tiểu thanh rất u buồn, đã chuyển hết tâm sự mình vào thi ca. Một hôm lâm bệnh, nàng cho mời một họa sĩ đến vẽ chân dung của nàng : bức tranh họa rất đạt. Nàng thắp một nén hương trước chân dung của nàng và nói : Tiểu Thanh ơi Tiểu Thanh, lẽ nào đây là duyên phận của mi ?". Rồi sầu lên uất nghẹn mà chết.

Chồng nàng nhìn thi thể nàng mà thương khóc. Vợ cả lại cả ghen đến tranh và thơ, đốt sạch tranh và thơ.

Như đoán biết được ý định của bà vợ cả, Tiểu Thanh đã chép riêng một thơ gởi chồng và các bài thơ cảm tác để vào gói nữ trang tặng cho cô gái con bà giúp việc. Về sau, người nhà chồng phát hiện đem khắc in.

Tố Như xúc cảm  viết ra " Độc Tiểu Thanh Ký " với lời thơ tuyệt bút, tứ thơ thâm trầm.

Người nói lên cái tâm lý phi lý điên đảo rằng :

Son phấn vô tình mà được người thương tiếc; văn chương không có mệnh lại bị người oán hận đốt bỏ. Cái phi lý như ca dao Việt Nam đã nói : " Thương ai, thương cả đường đi. Ghét ai, ghét đến tông chi họ hàng ".

Tố Như cho rằng sự kịch xẩy ra là do cái tự ngã của con người. Do chấp trước tự ngã (điên đảo kiến ) mà tham, sân, si, hận .... ( Tình ) khởi lên ( điên đảo tâm ); con người khó giác tỉnh rời khỏi tập quán ấy ( điên đảo tình ). Ba thứ điên đảo ấy đã vẽ nên cái thân phận con người khổ đau mà con đường giải thoát đã hàm ẩn trong bài Tâm Kinh Bát Nhã. Bi kịch ấy, khổ đau ấy ngàn năm sau, nhiều ngàn năm sau còn gắn liền với cuộc sống. Đây là trung tâm điểm của tâm sự Tố Như dấy lên biết bao cảm xúc bi thương, mối ngậm ngùi thiên cổ! Dòng nước mắt thông cảm vì thế cứ theo tháng ngày chảy dài vào thi ca của Người. Khóc thế là " Khóc Tố Như " !

Chừng nào mà con người còn nắm chặt tự ngã, xem mọi hiện hữu như là có một tự ngã thường hằng, thì con người sẽ sống không yên, chết không yên. Điều nầy Tố Như đã đề cập đến trong Truyện Kiều rằng :

" Lại mang lấy một chữ Tình
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.
Vậy nên những chốn thong dong,
Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng "
( 2661 - 2664 )
Đó cũng cùng một ý với dòng thơ ở " Độc Tiểu Thanh Ký " :

" Phong vận kỳ oan ngã tự cư ".

Theo giáo lý nhà Phật, rơi vào cái tâm điên đảo ấy gọi là vô minh. Vô minh thì khó thấy cái gốc gác của nó nên Tố Như bảo :" Cổ kim hận sự thiên nan vấn ".

Hễ tỉnh thì vô minh biến mất ; hễ mê thì vô minh có mặt. Không biết người đời có ai chia xẻ với Tố Như cảm nhận nầy, dù đợi mãi đến 300 năm sau ? Thế nên, hai câu kết đã đề :

" Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như , "
VI. Văn tế Thập loại chúng sinh

( theo tài liệu của giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Paris, 1994 )

Mười loài chúng sinh là : vua chúa, quý nữ, tể thần, tướng lảnh, phú gia, người ham công danh, thương nhân buôn bán nơi xa, binh lính, và những người nghèo khó.

Mỗi hạng chúng sinh đều chịu chi phối bởi định luật vô thường : chết vì các lý do khác nhau, nhưng giống nhau ở điểm chết đột ngột ( chết bất đắc kỳ tử ). Do chết ngoài kỳ hạn mà linh thức đi vào cảnh giới u minh, mờ mịt, chịu nhiều thống khổ.

Người Trung Quốc và Việt Nam, theo truyền thống văn hoá, tin tưởng vào luân hồi, tái sinh, tin rằng con người chết là chết cái xác thân, còn phần linh hồn thì bất tử tiếp tục luân lưu. Họ duy trì tập tục cúng tế cho người đã khuất vừa để tưởng nhớ, niệm ân, vừa để có dịp tương thông với họ, hỗ trợ cho các linh hồn ấy.

Đàn tế Thập loại chúng sinh dựng lên mỗi năm vào ngày rằm tháng bảy âm lịch, theo truyền thống lễ nghi của Phật giáo phát triển, để cầu Phật lực giải thoát cho cảnh giới uổng tử khỏi khổ đau, được sanh về Phật xứ.

Đoạn mở đầu của bài Văn tế viết :

- " Tiết tháng bảy mưa dầm xùi xụt
Lọt hơi sương lạnh buốt xương khô ".
......

- " Trong trường dạ tối tăm trời đất
Xót khôn thiêng phảng phất u minh
Thương thay thập loại chúng sinh
Phách đơn hồn chiếc lênh đênh quê người ".
........

- " Tiết đầu thu, dựng đàn giải thoát
Nước tĩnh bình rưới hắt dương chi
Muôn nhờ Phật lực từ bi
Giải oan cứu khổ, hồn về Tây phương "

Chỉ với đoạn mở đầu, tâm sự của Tố Như đã phơi bày rõ. Người nhận ra thế giới mà con người sống, cảm nhận qua các quan năng, qua tư duy, tình cảm của mình là thế giới ảo của vô minh, do vô minh vận hành ra. Thế giới đó mờ mịt, không thật, và chứa đựng toàn chất liệu khổ đau. Thế giới của những linh hồn uổng tử cũng thế :
" Trong trường dạ tối tăm trời đất
Xót khôn thiêng phảng phất u minh "
Do vô minh vận hành nên mười loài chúng sinh trong bài văn tế cũng có cái thân phận mịt mờ, như Ôn Như Hầu đã viết :
" Cái quay búng sẵn trên trời
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm "
Hình ảnh đó là mối cảm xúc u hoài của Tố Như. Người không thể bàn được gì với cái khung văn hoá chật hẹp của Khổng giáo, với những người trong xã hội phong kiến tôn thờ Khổng Tử, đành phải trao gửi tâm sự mình qua Kiều, qua Tiểu Thanh, và qua bài văn tế ngút lòng nhân ái ấy. Hầu như, từ thâm tâm Người có niềm tin rằng văn hoá Phật giáo là nền văn hoá cứu khổ, độ nguy, có thể làm toả sáng nền văn hoá của dân tộc, khi Người viết :
" Tiết đầu thu, dựng đàn giải thoát
Nước tĩnh bình rưới hắt dương chi
Muôn nhờ Phật lực từ bi
Giải oan cứu khổ, hồn về Tây phương "
Nước dương chi trong Phật giáo là biểu tượng của nước trí tuệ và từ bi dập tắt tham, sân, si, dập tắt các ngọn lửa phiền não. Với Tố Như, tế đàn không thật sự để độ các linh hồn uổng tử, mà qua tế đàn, Người nghĩ đến giáo lý nhà Phật có thể thắp sáng tâm thức của mười loài chúng sinh đang sống, đang đến dự tế đàn, giúp họ thức tỉnh sống hiền thiện, nhân ái, và tránh những hành vi gây khổ đau cho mình và người.

Tiêu biểu như với vua chúa thì :

" Nào những kẻ tính đường kiểu hạnh
Chí những lăm cướp gánh non sông
Nói chi đang thủa thị hùng
Tưởng khi thế khuất, vận cùng mà đau "
....
Với các mỹ nữ thì :
" Một phen thay đổi sơn hà
Tâm thân mảnh lá biết là làm sao.
...
...
Khi sao đông đúc vui cười
Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương "
Với các tể thần thì:
"...
Thịnh mãn lắm oán thù càng lắm
Trăm loài ma xắm xắm chung quanh
Nghìn vàng khôn chuộc được mình
Lầu ca viện xướng tan tành còn đâu "
Với các tướng lãnh thì :
" ...
Khi thất thế cung rơi tên lạc
Bãi sa trường thịt nát máu rơi.
Bơ vơ góc bể chân trời
Bó thân da ngựa biết vùi vào đâu "
Với kẻ say làm giàu thì :
" ...
Mấy thu lìa cửa lìa nhà
Văn chương đã chắc đâu mà trí thân.
...
Cô hồn nhờ gửi tha hương
Gió trăng heo hắt, khói hương lạnh lùng ".
Với nhà buôn đi xa thì:
" Lại có kẻ vào sông ra bể
Cánh buồm dơi chạy xế gió đông
Gặp cơn giông tố giữa dòng
Đem thân vùi rập vào lòng kình nghê "
Với binh lính chết trận thì:
" ...
Trong chiến trận xem người như rác
Thân đã đành đạn lạc tên rơi
Lập loè ngọn lửa ma trơi
Tiếng oan văng vẳng, tối trời càng thương "
Với những người cùng khổ thì :
" ...
Cũng có kẻ đắm sông chìm suối
Cũng có người sẩy củi ngã cây
Có người leo giếng đứt dây
Người trôi nước lụt, người lây cháy thành ".
Con người sống ở trần gian thì bị sầu khổ đoanh vây, chết rồi lại chịu lênh đênh, mờ mịt, nên lập đàn cầu nhờ Phật lực tế độ để thoát hẳn mê đồ :
" Nhờ Phật lực siêu sinh Tĩnh độ
Phóng hào quang cứu khổ độ u
Khắp trong tứ đại bộ chu
Não phiền thoát sạch, oán thù rửa trong.
...
Nhờ Phật lực uy linh dũng mãnh
Trong giấc mê, phút tỉnh chiêm bao
Mười loài là những loài nào
Gái trai già trẻ cũng vào nghe kinh.
Kiếp phù sinh như hình bào ảnh
Có câu rằng: vạn cảnh giai không
Ai ai lấy Phật làm lòng
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi "
Tựu trung, Tố Như mong muốn mọi người thấy rõ sự thật vô thường, khổ đau của kiếp sống, tin tưởng vào giáo lý về Nghiệp, Nhân quả để hướng đời sống vào con đường thiện lương, đầy tình người, yêu thương con người, quê hương, xứ sở, không gây tổn hại tha nhân, mỗi người chịu trách nhiệm với mọi hành vi của mình mà không đổ lỗi tại ai hay một năng lực nào ở bên ngoài mình. Mọi người đều nuôi dưỡng và phát triển trí tuệ và tình thương để mình và người được sống an vu, hạnh phúc. Đây là sự quan tâm, niềm thao thức lớn nhất của Người. Nói ngắn gọn nhất là mong mọi người:
" Ai ai lấy Phật làm lòng
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi "
Đến mức độ nầy thì dòng nước mắt khổ đau sẽ chuyển thành những hạt lệ hạnh phúc, và tiếng khóc bi ai đổi thành nụ cười an lạc.
VII - Kết luận

- Xã hội Việt Nam thế kỷ XVIII đầy cảnh ly loạn. Triều đình ở Nam, Bắc hầu như vắng mặt hẳn những trung thần tài giỏi. Loạn dấy lên ở cả hai miền: Phủ Trịnh phân phe phái tranh quyền; các quan lại nhũng nhiễu dân lành ở miền Nam. Tây Sơn khởi nghĩa và thống nhất sơn hà. Quân Thanh nhân cơ hội rối ren ở Việt Nam đã cử 20 vạn quân, với nhiều tướng giỏi, sang xâm lược, và đại bại nhanh chóng trước quân Tây Sơn. Chiến tranh xẩy ra liên tục đưa đất nước vào cảnh lầm than, kinh tế kiệt quệ, đạo đức suy thoái.

- Việc triều đại thay đổi nhanh chóng - Nguyễn Ánh dấy quân đánh bại Tây Sơn vì ngai vàng nhà Nguyễn - khiến cảnh binh lửa, lầm than trở nên trầm trọng hơn, một số lớn các nhà yêu nước bối rối trước đạo lý dân tộc và đạo lý trung quân của Nho giáo.

- Nguyễn Du cùng chịu chung số phận lầm than ấy của nhân dân, từ đời sống nhung lụa rơi vào nghèo túng; từ sự đoàn tụ đi vào ly tán, cơ nghiệp sụp đổ. Người đã sớm tự mình nỗ lực, với ý chí và nghị lực kiên cường, phấn đấu học tập thành tài mà chẳng có chỗ trí thân: vừa hoài Lê, vừa ngỡ ngàng với Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Tài có thừa mà thiếu cơ duyên để dự kỳ thi Hội, thi Đình.

- Tố Như vừa cảm nghiệm nổi đau khổ, ngậm ngùi của bản thân, vừa chứng kiến cảnh sống lầm than, chịu đựng nhiều bất công, áp bức của quần chúng nên đã bật ra nhiều tiếng khóc trong thi ca của Người.

- Với học vấn uyên thâm về Nho, Lão và Phật, - đặc biệt Nguyễn Du thâm tín giáo lý nhà Phật - Nguyễn Du lòng đã vượt ra khỏi cái khung chật hẹp của bản ngã để đến với nhân dân, và vượt xa hơn nữa để đến với con người - nhân loại - đau đớn với cái thân phận vô thường, khổ đau của con người. Người nghĩ đến, mơ ước đến, một xã hội Việt Nam tốt đẹp, hưng vượng : ở đó nhân dân ấm no, hạnh phúc, sống hưởng thụ một nền văn hóa của sự đầy đủ vật chất, phong phú về tinh thần ( đầy nhạc, thơ và họa ). Người nhận ra cái tù hảm của Khổng học và đặc niềm tin rất sâu vào Phật học, nhân tố có thể làm tỏa sáng nền văn hoá dân tộc. Cùng lúc ấy, Người cũng nhận ra các nhân tố từ con người gây ra khổ đau cho con người và xã hội : đó là tâm lý xấu, dục vọng và tư duy chấp thủ tự ngã của mỗi người. Chính các nhân tố sau nầy là khoảng cách, ngăn cách ước mơ và thực tại - cái tên tự Tố Như là biểu hiện niềm mơ ước về thực tại ấy - Đứng giữa khoảng cách ấy, tâm sự của Người liên tục ngút trào đi theo mỗi bước đi của con người từ cõi sống đến cõi chết ( sau khi chết ). Tâm sự của Người thấm đẩm nước mắt như sương thu phủ lên cây cỏ : Tình và Tình đẹp là ước mơ lớn và đẹp của con người, thì chính nó là nhân tố của phiền não, bất an, khổ đau : rất đau khổ trong quyết định nắn nó hay buông nó : nước mắt tuôn trào ra từ đây; tiếng khóc nấc lên từ đây, lòng thiết tha yêu thiên nhiên con người cũng mãnh liệt trổi dậy từ đây, và đã miên man tuôn trào ra những bài thơ, áng thơ, dòng thơ tuyệt bút của Tố Như để lại trên thi đàn dân tộc. Phải chăng chính tại đây, thân phận khổ đau, bi thương của con người được ấn định?! Đây là điểm còn mở ngõ như chính hai câu thơ mà Tố Như đã viết trong " Độc Tiểu Thanh Ký " :

" Cổ Kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư "
Và kết thúc :
" Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân Khấp Tố Như "
Sự đời còn mở ngỏ !
Viết tại chùa Tường Vân, Huế
Cuối tháng 7/ 2003
Tỷ Kheo Thích Chơn Thiện
 [ Trở Về