Người Cư Sĩ          [ Trở Về     

Lan, Đạo và Đời

Chơn Hiền Thanh

Ngoài kia tuyết đang bay phấp phới, tôi ngồi im lìm với tách cà-phê nóng trong sun room ngắm những cành lan đang phô sắc hài hòa. Có những cây đã cho hoa từ tháng 11 dến giờ vẫn còn tươi thắm nở, có nhiều cây tuần tự nở từ tháng 12, tháng giêng và đang bắt đầu héo tàn. Có những cây vừa hé nụ hoa sau khi tôi đã đem phơi lạnh và bỏ khô không tưới trong patio trước nhà để chúng qua giấc ngủ mùa đông. Loại Dendrobium Nobile đặc biệt nầy chỉ ra hoa sau cơn đông miên 3 tháng, lạnh và khô. Nếu tưới nước và ấm là sẽ cho toàn những "Keiki" là loại cây con mọc trên cành thay vào chỗ nụ hoa.

Loại hoa nầy rất khó trồng, tôi đã thất bại nhiều năm để rồi được cái vui sướng ngày hôm nay khi thấy những cánh hoa tím, trắng vàng đang e ấp nở trên nhung cành khô đã trút hết lá vàng. Cứ mỗi lần nhìn lại lan Nobile nầy trổ hoa là tôi lại đột nhiên nhớ đến mấy câu thơ của thiền sư Mãn Giác:

" Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai." *

mà Hoà thượng Thích Thanh Từ đã dịch ra như sau:

" Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mặt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai" *

Bất giác tôi sờ lên mái tóc, tóc đã ngã màu từ lâu, muối và tiêu pha trộn dù muối ít, tiêu nhiều. Không hiểu sao tôi yêu hai câu cuối cùng nầy la, ngụ ý bảo rằng:"Đừng bảo xuân đi rồi, hoa rụng hết. Đêm qua là mùa đông mà vẫn có cành hoa mai nở trước sân chùa". Một cành mai của thiền sư Mãn Giác là Như Lai tạng, là Chơn Tâm của mỗi người chúng ta mà đức Phật đã nói trong kinh Lăng Nghiêm. Thời gian và không gian là một dòng sinh diệt ảo mộng , con người mình cũng tàn tạ theo dòng sinh diệt đó, sờ lại mái đầu thì không mấy chốc, tóc đã bạc phơ. Tuy nhiên, trong cái tàn hoại ảo mộng còn có cái gì thầm kín trường tồn sinh diệt lẫn trong ấy, đó là Chơn Tâm*.

Trong sun room nầy tôi có những đóa lan tiềm tàng sức sống, nằm ngủ im lìm trong cơn lạnh lẽo của mùa đông để rồi đâm chồi nẩy lộc vào cuối mùa đông, giống như cành mai của thiền sư Mãn giác. Tôi tự cho chúng cái tên là Chơn Tâm của tôi, nên dù rất khó trồng, tôi vẫn cố gắng không ngừng để tạo cho Chơn Tââm của tôi này một nở thêm hoa.

Tôi chỉ mới tập tễnh chơi lan từ hơn mười năm nay nhưng càng ngày tôi càng khám phá ra nhiều chuyện kỳ bí mà tôi phải học hỏi nhiều năm mới đi đến thành công, và trong thú vui chơi với lan hằng ngày, tình cờ tôi khám phá ra nhiều triết lý lạ cho riêng mình.

Theo triết lý nhà Phật thì lòng tôi còn "Tham" nhiều, ông xã tôi bảo thế vì tôi cứ tha về hoài, lúc đầu chỉ chơi thử một cây, năm sau thấy ra hoa trở lại, nghĩ là chắc chơi lan không khó nên mua tiếp, mỗi lần đi Flower Show ở Philadelphia là tha về vài cây, nghe ở đâu có bán đấu giá là cũng tìm đến nơi đi giơ tay lên cho giá, đó là lần duy nhất tôi đi thử, mua được cây Calanthe, chỉ có một củ trụi lũi, không lá, chỉ được xem hoa trong ảnh mà mua với giá 20 đồng. Thế mà cây đó đến giờ vẫn còn tồn tại, hàng năm đều cho hoa từ tháng 11 đến tháng 3 mới tàn, củ nhảy ra nhiều, tôi tặng cho bạn bè gây giống. Sau đó lại vào internet, mua lan từ Florida, Cali, Hawai. Nếu tôi thích một bộ quần áo đẹp nhưng giá chưa on sale là tôi sẽ đợi, có khi xuống giá thì mua, không có dịp thì thôi, không nuối tiếc, nhưng nếu thấy ảnh hoa lan nào trên internet, hay trong Orchid Forum do những người trồng lan chuyên nghiệp đăng ảnh lan của họ giới thiệu với mọi người, dù hơi cao giá một chút nhưng không quá sức mình là tôi vẫn cố gắng tìm mua cho được. Thế là tôi cứ tiếp tục tha về, có khi vô Home Depot, mua những cây đã hết hoa, bán nửa giá, dù không biết mặt mũi hoa ra sao, tôi cũng "cứu độ sinh linh" của chúng bằng cách rước về nhà. Có cây theo ông theo bà trong một vài tháng nhưng cũng có cây trả công cứu tử bằng cách cho những cánh hoa Phalaenopsis như cánh bướm trắng mượt mà, lung linh. Tha về nhiều quá, không có chỗ chứa, hơn nữa thấy hoa sống đông hơn người trong nhà cũng bất tiện, cây sẽ hút hếùt dưỡng khí của người, ông xã tôi đồng ý miễn cưỡng cho xây một cái sun room nho nhỏ nối liền với cái deck ngoài sau, ăn thông với phòng ăn gần bếp. Ông xã tôi vốn là người không yêu hoa lan như tôi mà chắc là ông yêu loài hoa nào khác, không cần phải ngày ngày tưới nước bón phân. Tôi bị phạm tội tham trong ngũ giới rồi! Mà sự thực là tôi có tham, nhưng tôi tự tha thứ cho mình bằng cách nghĩ gỡ gạc là mình không cờ bạc, không đi du hí, không ăn xài phung phí, mấy chục năm nay hùng hục lo cho gia đình thì bây giờ là lúc mình phải hưỡng thụ chút đỉnh. Cái tham nầy chắc cũng đáng thứ tha thôi và chắc Phật cũng cho đây là tham nhẹ cũng giống như tham ăn tham mặc chứ khong phải tham lấy của người!!!

Vì thế cứ tiến lên đều đều, ngoài giờ làm việc, tôi đã để rất nhiều thì giờ cho lan, bây giờ đã hơn một trăm cây. Mùa hè chúng được đem ra sân sau nhà, nằm phơi nắng dưới gốc cây cổ thụ cho đến cuối mùa thu. Trong những tháng mùa đông, tôi lại tha chúng vào nhà, từng cây từng cây như mèo mẹ tha con, tôi phải bỏ ra ít nhất mỗi ngày vài giờ để săn sóc chúng. Ngày xưa khi đọc báo "Văn Hóa Ngày Nay" của cụ Nhất Linh, có mấy câu thơ mà tôi quên xuất xứ nhưng còn thuộc đến bây giờ:

" Kết tụ tinh anh của gió sương,
Muôn màu muôn vẻ với muôn hương."

Hồi đó tôi độ mười lăm, mười sáu tuổi, yêu văn chương Bắc, thích đọc Tự Lực Văn Đoàn với Khái Hưng, Nhất Linh, nhưng không hoàn toàn đồng ý về hai câu thơ trên mà nghĩ rằng có lẽ cụ ca tụng lan hơi thái quá. Bây giờ, tôi mới hiểu thấm thía cái nhìn của một người yêu lan, và lời thơ ca tụng lan không sai ngoa chút nào.

Hoa lan muôn sắc, muôn loài, sống trong rừng già thong dong, đeo tòng teng trên cây cổ thụ, không sống cộng sinh như loài dương xĩ, mà chỉ nhờ cây để làm chỗ bám rễ, nhờ ơn trời mưa nắng, nhờ gió, nhờ không khí trong lành mà hút nước, hít thở, tổng hợp diệp lục tố để nuôi cây lớn lên, rồi ra hoa, thụ phấn, kết rái, sinh sản vô tính để bảo vệ giống nòi. Tóm lại, những tinh anh của gió sương đã kết tụ lại để un đúc ra những cánh hoa mầu nhiệm.

Tội tham thôi đành chấp nhận, không chối cãiõ được rồi, chơi lan lại phạm vào tội "Si " mới khổ!! Do nhãn thức dính mắc với sắc trần, thấy hoa nào lạ đẹp là mê, do mũi thích mùi hương thơm của lan, thấy hoa nào có mùi hương dịu dàng quyến rũ là tìm cách rước về nhà, suy ra cái Si là nguồn gốc của cái mê vẻ dẹp kiêu xa và mùi hương quyến rũ của lan mà mình không hay biết. Tuy nhiên, lại cố tìm cách ru ngủ chính mình "Mê lan tuy tốn tiền chút ít, nhưng đâu có đi vay nợ của ai hay xin xỏ ai để mua, đâu có làm tan hoang nhà cửa. Chừng nào mê trai, mê gái, mê cờ bạc, rượu chè mới phá vỡ hạnh phúc gia đình. Cái si mê nầy còn ở trong vòng đạo lý mà, chắc là Phật cũng tha cho".

Tự tha thứ cho mình để được hưởng thú chơi lan, tôi vẫn lang thang đi trong vòng nghĩ suy về sinh tử luân hồi mỗi khi ngồi một mình như buổi sáng hôm nay trong căn nhà kiếng bé nhỏ với những cánh hoa phô sắc vô tư. Hoa vô tư nhưng chủ nhân của nó đang tư lự nghĩ về kiếp sống của lan so sánh với kiếp sống con người. Kiếp hoa sinh ra để nở rồi tàn, kiếp người sinh ra, lớn lên để rồi già chết, tuy sự khởi đầu và kết thúc giống nhau nhưng cũng có vài khác biệt . Sinh, lão, bệnh, tử cùng xảy ra trong kiếp lan cũng như trong kiếp người, chỉ khác một điều là vòng chu kỳ khác nhau, của người thì mấy mươi năm, cao là trên một trăm năm, còn của lan thì cao lắm là trong vòng bốn, năm tháng. Khác biệt thứ hai là lan vô tư vì hoa không có đời sống tâm linh để cảm nhận được rằng cuộc đời là ngắn ngủi với nhiều nỗi đau khổ chập chùng. Vì không có linh hồn nên lan không phải nếm mùi khổ đau, chỉ nở rồi tàn theo định luật tạo hóa. Người khác với hoa, có tâm với hỉ, nộ, ái, ố, đầy đủ nên cứ tiếp tục lăn lóc trong kiếp phong trần. Cóù bao nhiêu người vừa sinh ra đã mất cha hay mẹ, khi lớn lên đi học, có người đầu óc thông minh vượt bực, trong khi đó có những người đầu óc u-ám, tối tăm. Khi có gia đình, có người hạnh phúc có chồng thương yêu, lo lắng bảo bọc, hay có vợ biết quán xuyến việc nhà, yêu chồng thương con. Ngược lại có những kẻ bất hạnh, chồng mình đi cập kè với người khác còn trẻ hơn để tìm hiểu, để thương yêu mà quên hẳn người vợ đã cùng mình chịu đựng bao nhiêu ngày gian khổ; hay có những người vợ bỏ chồng trong trại cải tạo để đi lập tổ ấm với người khác vì thấy ngày về của chồng không có tương lai.

Những khi có chuyện bực mình trong gia đình hay trong sở, đầu óc tôi tựa hồ như muốn nổ tung, lan là niềm an ủi vô bờ bến của tôi. Tôi có thể giữ chánh niệm trong mấy tiếng đồng hồ, không nghĩ gì đến thế giới lăng xăng hỗn độn bên ngoài, chỉ nghĩ đến bón phân, tưới nước, tỉa lá úa, thay chậu , dời đổi vị trí những chậu lan...nghiã là sống hoàn toàn với cái thế giới biệt lập nho nhỏ của mình. Những lúc đó hình như tôi quên tất cả, mẹ, chồng, con cái, vàng bạc, nữ trang, quần áo đẹp, nói chung là của cải vật chất và quên cả sự hiện hữu của chính tôi. Xem như tôi là một con người khác, sống thoát tục, xa thực tế và tưỡng như hồn mình đang chập chờn chấp cánh bay cao, cao mãi để rồi mất hút trong hư không.

Thường thường buổi sáng tôi không ngồi thiền được lâu vì tâm viên ý mã, dù tôi cố gắng lắm, nhưng những lúc nầy tôi cảm thấy như mình chìm sâu vô thiền định nhẹ nhàng trong hai, ba tiếng đồng hồ, đầu óc tôi nhẹ nhàng phơi phới, vắng lặng hoàn toàn, không có một vọng niệm nào dấy lên, tôi tự bảo "thì ra mình thiền theo lối nầy có vẻ thích hợp hơn là tọa thiền". Như thế tôi tìm được triết lý cho riêng tôi là chơi lan làm hạ được nỗi Sân hận rất nhiều và dễ đưa mình vào thiền định.

Có những khi chuyện xưa tích cũ kéo về lũ lượt trong hồn làm tôi đau khổ, nước mắt rưng rưng, tôi vào chơi với lan, thầm nhũ trong lòng: "đây chính là cái hiện tại êm đềm mà mình đang có, hãy an hưởng cái hạnh phúc bé nhỏ nầy, không cần nghĩ đến quá khứ, không cần nghĩ đến tương lai vì Phật đã dạy: "quá khứ bất khả đắc, tương lai bất khả đắc", thế rồi tôi niệm Phật âm thầm vừa cắt từng chiếc lá úa, hay tiả những cánh hoa đã héo tàn. Đứng trước những đóa lan Nobile Chơn Tâm của tôi, tâm hồn tôi chùng xuống, nỗi phiền muộn hình như chập chờn bay xa, theo cơn gió rộn ràng đang làm lao chao mấy cây đào ngoài sân lạnh. Muốn quên bỏ phải có lòng từ bi, muốn có lòng từ bi phải có thêm đức tính nhẫn-nhục, Phật đã dạy cách ta xử thế để đem đến hạnh phúc cho người chung quanh và sự an lạc cho chính mình. Chính lan là những đứa con bé nhỏ đã giúp tôi lướt qua được những cơn vật vã của nội tâm, rất dữ dội mà tôi có lần đã tự thấy không kềm chế nỗi ,và nghĩ rằng có thể cơn vật vã nầy sẽ làm tôi kiệt sức đến chết dần chết mòn một ngày nào đó vì không đủ sức chịu đựng. Như cái máy thâu mà không có nơi để phát, cái sun room bé nhỏ nầy là nơi để tôi phát ra những luồng sóng tâm hồn lúc đầu cường độ rất cao để rồi từ từ dịu êm, khi tôi ngắm lá ngắm hoa xong rồi, đi ra khỏi sun room với mặt hồ êm ả, phẳng lặng. Hiểu tôi trong đời thì không có ai, nhưng xoa dịu cơn đau của tôi thì đang có những cành lan tình nghĩa.

Mỗi một cây lan đối với tôi đều có một kỷ niệm khó quên, có cây do chồng đưa đi tận DC mua từ vườn lan của Nguyễn Orchid, cây nầy đã nằm xuống mộ từ lâu. Cây kia mua từ những lần đi chợ Tết DC, vẫn do ông chồng đưa đi không ngại đường dài, bao nhiêu năm nay vẫn cho hoa đều đặn. Cây Dendrobium Nobile hoa trắng có con mắt to màu tím thẫm do mẹ tôi tặng cách đây tám, chín năm về trước lúc mẹ tôi còn khỏe cùng đi Flower Show với tôi, bây giờ đã già cỗi nhưng cũng ráng cho hai đóa hoa mỹ miều năm nay. Cây hoa cũng cỗi cằn như mẹ tôi theo tháng năm, tôi thương mẹ nên không đành bỏ cây mà ráng lo cứu sống. Cây Vanda màu hồng, hoa rất to hàng năm là quà sinh nhật của con gái tôi cách đây gần mười năm. Cây lớn nhanh, ra nhánh con và từ cây con tôi đã chiết ra một giỏ lan khác. Một cây khác đã cho hoa màu đỏ hiếm có là của bạn của con gái tặng, nó đã gần chết, tôi bứng ra trồng lại, bây giờ ra được hai chồi sinh đôi. Cây Dendrobium màu tím sẫm là do bà thông gia tặng cách đây ba năm, bây giờ đang ra hoa mượt mà như nhung. Còn nữa, cây Rhyncostylis (giống lan Hồng Điểm ở VN) một người bà con bên chồng ở New Jersey tặng cách đây hai năm, lần đầu tiên cho hoa rũ xuống từng chùm như đuôi chồn, thơm ngào ngạt. Nói chung mỗi loại hoa là mỗi dính liền với tình cảm ngọt ngào, thân mến , yêu thương. Năm rồi vào dịp Christmas, thằng cháu nội hơn hai tuổi ở Boston về chơi, tới giờ ăn không chịu ăn, tôi dụ cho ra sun room tưới cây xịt nước nếu ăn xong đàng hoàng. Cu cậu chưa biết nói nhưng hiểu hết, lật đật ăn xong rồi tuột xuống ra cầm bình xịt nước vào mấy chậu lan. Bà một bình, cháu một bình, cu ta xịt lung tung thay vì chỉ xịt vô gốc, báo hại hoa lan của bà đang nở mà ướt đẫm cả nước, thế là trong thú chơi lan của tôi lại có thêm nhân vật nhỏ bé nhất gia đình tham dự. Thế là vườn lan bé nhỏ của tôi có sự đóng góp hài hòa của bốn thế hệ: mẹ tôi, tôi, con tôi và cháu nội nên tôi trân trọng mến thương vì là vườn lan của tình của nghĩa. Nói như thế xét theo nghĩa đạo thì đã sai rồi!, lan là lan chứ tại sao lan lại còn có vấn đề dính mắc với tình cảm, như thế vô tình hay cố ý tôi đã phạm vào tội dính mắc, không theo tinh thần Bát Nhã của đạo Phật mất rồi.

Vô số triết lý vụn nẩy sinh trong đầu song song cái thú chơi lan của tôi, Đạo cũng có mà Đời cũng có. Khi nào xét thấy có vẻ Đạo thì tôi ung dung chấp nhận, xem như mình đã khám phá ra cái gì kỳ bí lắm cho riêng mình, khi thấy có vẻ Đời thì lại tìm cách dễ dãi với mình, cho rằng cuộc đời ngắn ngủi, để mà tự ø tha thứ để được tiếp tục tha lan về nhà và vui hưởng những ngày còn lại trong đời. Tôi là con người bằng xương bằng thịt, đường tu học còn rất thấp kém, nên chi tôi thường bối rối giữa Đạo và Đời, đem Đạo ra để khuyến khích mình tu, nhưng đem Đời ra để mà dung túng mình, đó là kết quả của sự quán xét cái "Tôi " buổi sáng hôm nay một cách rất thực thà. Mong rằng với thời gian và với sự tu học già dặn hơn, một ngày nào đó trong thú chơi lan của tôi, tôi sẽ tìm thêm được nhiều triết lý mới nghiêng nhiều về Đạo .

Del, tháng 3/2004
Chơn Hiền Thanh
* Trích từ: "Xuân Trong Cửa Thiền" (22-24), Hoà thượng Thích Thanh Từ.


Trở Về