Người Cư Sĩ          [ Trở Về        [Trang Chủ]

TINH YẾU CỦA THIỀN
 
Nguyễn Tối Thiện
Có rất nhiều phương pháp thiền. Mỗi vị thiền sư lưu truyền một phương pháp cho các đệ tử ; đến phiên các vị nầy, mỗi vị lại thêm thắt biến đổi một ít tùy theo sự hiểu biết và kinh nghiệm đạt đạo của mình. Thành ra có bao nhiêu thiền sư là có bấy nhiêu phương pháp. Vậy thì làm cách nào để đánh giá một phương pháp thiền ? Chúng ta phải qui chiếu vào kinh điển và dựa trên phương pháp của Đức Phật, nếu chúng ta vẫn coi Ngài là vị Thiền Sư đầu tiên đã tìm ra được phương pháp dẫn tới sự giác ngộ. Còn vị thiền sư nào hơn Đức Phật ? Có vị tổ sư thiền nào để lại cho chúng ta hơn một cuốn sách dạy về thiền đâu ? Nhất là những vị đã chủ trương "bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền". Một vị thiền sư phải có ít nhất một vị đệ tử đạt đạo giống như mình. Điều nầy chứng tỏ phương pháp của mình là khả thi và hiệu quả dẫn tới cùng một mục đích. Nếu mục đích là thấy Niết Bàn, thì người đệ tử cũng phải thấy rõ Niết Bàn. Nếu mục đích là đắc thần thông, thì người đệ tử cũng phải đắc thần thông như vị thầy. Đức Phật sau khi đắc đạo, đã nghĩ tới những người bạn cùng tu khổ hạnh với mình thuở trước. Bài pháp "Chuyển pháp luân" đầu tiên của Ngài đã khai quang tuệ giác cho 5 đạo sĩ khổ hạnh nầy và đã đưa 5 ông đến đạo quả A La Hán, ngang hàng với Đức Phật về hiệu quả chứng đắc : thấy Niết Bàn và chấm dứt luân hồi. Năm vị thuộc nhóm Kiều Trần Như là một bằng chứng cụ thể đầu tiên cho thấy Niết Bàn là một sự thật và phương pháp của Đức Phật là hiệu nghiệm huyền diệu. Từ đó đến nay không biết bao nhiêu thế hệ Thiền Sư - Đệ Tử, Đệ Tử - Thiền Sư thực hành theo phương pháp của Ngài đã giác ngộ Niết Bàn.

Đức Phật đã giảng dạy hai phương pháp thiền : Chỉ Tịnh (Samatha) và Tuệ Quán (Vipassanà). Đúng ra phương pháp Chỉ Tịnh đã có từ trước thời Đức Phật, nhưng Ngài vẩn tiếp tục truyền dạy vì thấy lợi ích của nó và đồng thời Ngài có cách để đưa nó vào con đường dẫn tới sự giải thoát. Phương pháp Tuệ Quán do chính Ngài phát hiện ra và được Ngài phẩm định là một "con đường duy nhất (Ekàyànomaggo) để chúng sinh tự thanh lọc để diệt trừ đau khổ, để thành đạt trí tuệ và chứng ngộ Niết Bàn" (Kinh Niệm Xứ "Satipatthànà Sutta", Trung Bộ Kinh số 10).

Bài nầy xin đề cập đến tinh yếu của loại thiền thứ hai nầy và thử đi tìm chỗ giao thoa giữa 2 phương pháp.

Những Phương Tiện

Chúng ta từ sáng tới tối, từ sinh ra cho tới chết đi, lúc nào cũng bị ngoại cảnh lôi cuốn. Từ sự nghe, thấy, ngữi, nếm, đụng, cho tới suy nghĩ cũng đều từ cái thế giới bên ngoài. Chưa lúc nào chúng ta có dịp ngồi lại nhìn cái thế giới nội tại. Thiền chính là lúc chúng ta làm công việc nầy. Tinh yếu của thiền trước tiên là quay cái nhìn vào bên trong tự thể. Muốn như thế chúng ta cần phải biết xử dụng 3 phương tiện : sự cố gắng, sự ghi nhận và sự giác tỉnh. Đây là 3 khả năng của tâm thức mà nếu không phát triển dùi mài, làm cho điêu luyện thì không thể nào thấy được thực tướng của sự vật và con tâm.

Khi chúng ta làm việc gì với sự cố gắng, chúng ta đều biết nó khác với lúc chúng ta làm với sự thờ ơ chểnh mảng ; chúng ta cảm thấy có một nhiệt tình, một hăng hái nào đó trong tâm. Sự cố gắng nầy Phật Giáo gọi là TINH TẤN (Viriya), là một yếu tố rất quan trọng cho sự giác ngộ. Trong thiền tinh tấn không phải là ráng ngồi bất động càng lâu càng tốt, mà là cố gắng duy trì sự chú ý - ghi nhận (trên) các đề mục thiền và cũng không quên ghi nhận sự thay đổi hay biến mất của các đề mục nầy. Do đó ta có thể thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng, sang đi hay sang nằm hoặc làm việc, ăn uống, tiêu tiểu, miễn là không đánh mất sự ghi nhận.

Sự ghi nhận là một khả năng khác của tâm, nó còn được gọi là NIỆM (Sati), là ý thức, nhận biết, nắm bắt đối tượng xuyên qua 6 cửa ngỏ của tâm. Năm cửa giúp chúng ta giao tiếp với thế giới bên ngoài ngay trong giây phút hiện tại và một cửa (ý) giúp ta nắm bắt các đối tượng nội tại ở trong cả 3 thời quá khứ, hiện tại, vị lai và cả những ý niệm trừu tượng, như ý niệm KHÔNG chẳng hạn hay những đối tượng vượt ngoài thời gian và không gian, như NIẾT BÀN chẳng hạn. Thể tánh của sự ghi nhận là CHÚ TÂM (attention). Nó là trụ cốt của thiền. Không có GHI NHẬN - CHÚ TÂM không có thiền. Sự ghi nhận giúp cho ta gom tâm vào đối tượng và sàng lọc những gì đối với tâm là quan trọng nhất lúc bấy giờ. Có lúc tâm chỉ sàng lọc những gì mình ưa thích. Có lúc lại chọn lựa những gì mình ghét nhất. Bởi thế mà THAM và SÂN được có dịp để phát triển và tác hại. Nếu chúng ta biết khôn khéo chọn lựa đối tượng, thì công dụng của sự ghi nhận là ngăn chận bảo vệ tâm thoát khỏi hai lưỡng cực tham và sân. Đây là công dụng tích cực của thiền nhằm bảo vệ và rèn luyện tâm.

Trong Thiền Quán đối tượng không gì khác hơn là thân và tâm (hay các hiện tượng vật chất và tinh thần) đang diển biến không ngừng bên trong ta. Khi những vọng tưởng trở nên thưa dần, những ba động từ bên ngoài được sàng sẩy, thì thân và tâm xuất hiện ngày càng rõ rệt. Lúc đó ghi nhận - chú tâm giúp cho ta thấy rõ, hiểu rõ bản chất của THÂN TÂM. Những đặc tướng VÔ THƯỜNG, KHỔVÔ NGÃ không còn là những danh từ vô nghĩa mà chúng hiện ra dưới con mắt bàng hoàng của kẻ quan sát.

Sự ghi nhận - chú tâm giữ một vai trò quan trọng trong sự rèn luyện và kiểm soát tâm. Trong một bài kinh, Đức Phật dạy một vị Tỳ Khưu : "Khi nghe hãy dừng lại ở sự nghe ; khi thấy dừng lại ở sự thấy ; khi ngữi, nếm, đụng, dừng lại ở ngữi, nếm, đụng". Việc nầy chỉ có thể làm được nhờ sự ghi nhận - chú tâm. Thật vậy, sự chú tâm soi sáng giai đoạn chuyển tiếp từ tư tưởng sang hành động, có thể giúp ngăn chận những hành động hay lời nói làm hại đến chính mình hay làm đau khổ thiệt hại đến người khác.

Trong giai đoạn thực tập, nó có thể làm chậm lại sự hành động, nhưng một khi đã trở thành thói quen thuần thục, nó giúp cho ta ngăn chận một cách hiệu quả và quyết định mau lẹ rời bỏ những tư tưởng và hành động xấu xa. Một trong những "phương pháp" của thiền Sư Thích Thanh Từ là : "Đối cảnh không sinh tâm", nếu không nhờ sự chú tâm thì làm sao có thể không sinh tâm được ?

Làm sao chỉ một công việc đơn giản là CHÚ TÂM - GHI NHẬN có thể giải thoát con người khỏi vòng sinh tử luân hồi ? Như chúng ta đã biết định luật "Thập Nhị Nhân Duyên" trói buộc con người bằng 12 móc xích : vô minh -> hành-> thức-> danh sắc-> lục nhập-> xúc-> thọ-> ái-> thủ-> hữu-> sinh-> lão tử ... ( -> vô minh). Chính nhờ sự CHÚ TÂM can thiệp, cắt đứt gạch nối giữa hai móc xích THỌ ÁI mà con người mới được giải thoát khỏi vòng sinh tử khổ đau. Như chúng ta đã biết, thọ có 3 loại : lạc, khổ và xả. THỌ LẠC đưa tới ái dục, ưa thích, dính mắc. THỌ KHỔ đưa tới sân ưu, thù hận, ghét bỏ. Cả hai đều đưa tới sự chấp thủ (THỦ), tạo nghiệp (HỮU) Một đàng tạo nghiệp THAM, một đàng tạo nghiệp SÂN. Cả hai đàng đều dẫn vào luân hồi. Sự chú tâm, nhờ được rèn luyện tinh tế, sẽ giúp ngăn chận hữu hiệu sự tạo nghiệp xấu nầy.

Bởi thế một tinh yếu khác của thiền là phải ghi nhận cho được cảm thọ trong mọi hoàn cảnh. Mỗi khi có sự tiếp xúc giữa giác quan (lục căn) và cảnh trần (lục trần), phải cố gắng ghi nhận cho được cảm thọ. Cảm thọ của thân và cảm thọ của tâm : từ dễ chịu cho tới khó chịu, từ hỷ lạc cho tới đau đớn, khổ sở cùng tột. Cảm thọ nào rồi cũng đi qua. Những cảm giác sung sướng, khoái lạc đi qua rất nhanh, chỉ còn lại một cảm giác đại đồng, âm ỉ, bao trùm : KHỔ. Khi sung sướng, hạnh phúc, muốn kéo dài không được cũng khổ. Cây muốn lặng mà gió không ngừng cũng khổ. Tâm xao động, bức rức ; ý tưởng thù hận hay ăn năn, hối tiếc cứ nổi dậy quay cuồng trong tâm, đôi khi phải dùng cái chết mới chấm dứt được. Cái khổ xuất hiện dưới muôn hình vạn trạng. Bao giờ chúng ta thấy tất cả các khía cạnh của khổ trong sự tỉnh giác hoàn toàn từ KHỔ THỌ, KHỔ HÀNH, KHỔ TƯỚNG, cho tới cuối cùng là KHỔ ĐẾ thì NIẾT BÀN sẽ hiện ra ở ngưỡng cửa cuối cùng.

Một bí quyết để đi tới sự thật cùng tột là duy trì sự liên tục của chú niệm. Muốn như thế phải có sự cố gắng như đã nói ở trên, và phải liên tục ghi nhận THÂN, THỌ, TÂM, PHÁP. Đàng sau thân là thọ, đàng sau tâm là thọ, đàng sau pháp là thọ và đàng sau thọ ẩn nấp THAMSÂN, cũng như ẩn nấp VÔ THƯỜNG, KHỔ, và VÔ NGÃ.

Đi chung với sự chú tâm - ghi nhận là sự GIÁC TỈNH (Sampajanna : claire compréhension). Dĩ nhiên, khi có sự chú tâm thì trí não sẽ hiểu rõ những gì đang xảy ra bên trong và xung quanh ta. Công việc nầy, khoa học tâm thần (neuroscience) gọi là xử lý các dữ kiện (traitement des informations) là một nhiệm vụ quan trọng của tâm. Đây chính là yếu tố trí tuệ trong Phật Giáo ; nó có 4 chi :

1. Hiểu biết rõ ràng về mục đích (Sàtthaka Sampajanana) : trong đời sống có người không biết sống để làm gì ? khi làm một việc gì đó, không biết làm để làm gì ? Thiền cũng vậy, không biết với mục đích gì ? Thấy người khác làm thì bắt chước vì thấy hay hay. Cho nên trong khi làm, nếu có một cái gì đó có vẻ thích thú hơn thì người đó chạy theo cái thích thú mới và cứ như thế tiếp tục cho đến hết cuộc đời. Mục đích của thiền rất rõ ràng là thiêu đốt phiền não, tiêu diệt THAM, SÂN, SI. Có môn phái thiền cho rằng thiền không nhằm mục đích gì cả. Thật ra, đó chỉ là một cách nói để cho thiền sinh đừng vọng móng, nếu không họ thiền để làm gì ?

2. Hiểu biết rõ ràng những điều kiện (Sappàya Sampajanana) thích hợp về thời gian, không gian và phương tiện để thực hiện mục đích trên. Một hành động, cử chỉ hay lời nói đều nhằm một mục đích nào đó, nếu không nó trở thành vô ích. Trong thiền ta đã biết rõ mục đích, vậy thì bất cứ điều gì cần cho mục đích ấy hay cần cho sự liên tục của pháp hành thì cứ làm. Ngoài ra đều nên tránh. Đức Phật dạy rằng nếu điều kiện nơi chốn thuận tiện, thức ăn thích hợp mà hành giả vẩn không thấy pháp thì tốt hơn nên rời bỏ nơi ấy. Ngược lại, nếu nơi chốn không tốt, thức ăn không thích hợp mà hành giả hành thấy pháp thì nên tiếp tục ở lại kiên trì. Điều nầy có nghĩa là những điều kiện vật chất không đáng kể bằng những điều kiện tinh thần như giới đức, một vị thầy, một phương pháp thiền...

3. Hiểu biết rõ ràng về lảnh vực quán niệm (Gocara Sampajanana). Điều nầy có thể được hiểu là biết rõ lúc nào chúng ta đang ở trong thiền và lúc nào đã xuất thiền. Ở trong thiền có nghĩa là chúng ta không xa rời đề mục. Xuất thiền là chúng ta đã ra ngoài đề mục và ra ngoài mục đích. Nếu đề mục là thân và tâm, chúng ta đã ra khỏi thân tâm. Nếu mục đích là diệt trừ phiền não, thì chúng ta đã ra khỏi mục đích nầy. Trên thực tế nếu hành TỨ NIỆM XỨ thì lúc nào chúng ta cũng có thể ở trong thiền được ; vì những lãnh vực của thiền tứ niệm xứ bao gồm tất cả những sinh hoạt của đời sống. Càng luyện tập thì những lãnh vực của thiền càng ngày càng mở rộng để bao trùm tất cả mọi sinh hoạt. Đến khi thuần thục thì chúng ta có thể "sống thiền" liên tục, trừ lúc ngủ. Hành thiền Chỉ Tịnh thì không thể được như vậy ; vì càng luyện tập thì lãnh vực của thiền càng chuyên sâu, đến độ phải đóng kín cả 5 cửa của giác quan để chỉ giữ một cửa ý. Do đó càng ngày càng phải xa lánh đời sống thế tục ồn ào để ẩn cư nơi chốn sơn lâm tĩnh mịch.

4. Hiểu biết rõ ràng về thực tại (Asammoha Sampajanana) : hiểu rõ có đúng sự thật hay những gì mình thấy, mình cảm nhận chỉ là một ảo giác, ảo tưởng ; tức là hiểu biết sư Ì£vật đúng như nó là như vậy, không thêm không bớt, không qua lăng kính ngã chấp, không theo nhãn quan tình cảm : Một cái nhìn "chánh kiến".

Sự Quân Bình Giữa Ngũ Căn

Tinh yếu sau cùng của thiền TỨ NIỆM XỨ là sự giữ quân bình giữa ngũ căn : TÍN, TẤN, NIỆM, ĐỊNHTUỆ. Khi ngũ căn quân bình với nhau, thì niệm sẽ làm việc một cách tự nhiên không cố gắng, khi ấy tuệ sẽ phát.

Vào thời Đức Phật, có Đại Đức SONA KOLIVISA rất là tinh tấn, ngài cố gắng quá sức cả thân và tâm trong khi hành thiền nhưng vẫn không có kết quả. Ngày kia ngài có ý định từ bỏ cuộc sống phạm hạnh để trở về với gia đình. Đức Phật biết được ý định của ông, bèn xuất hiện dạy dỗ : "Có phải khi còn là cư sĩ, con rất giỏi về nhạc khí không ? Con nghĩ thế nào, này SONA, khi cây đàn của con lên dây cao quá mức, con có thể đàn đúng âm điệu không ? Và con nghĩ thế nào, này SONA, khi cây đàn của con lên dây thấp quá, con có thể đàn đúng âm điệu không ?" - "Bạch Ngài, không" - "Cũng như thế ấy, này SONA, cố gắng quá mức làm cho thân tâm căng thẳng và không đủ cố gắng sẽ sinh ra dã dượi, lười biếng. Thấu hiểu sự quân bình của các căn, con sẽ thành đạt mục tiêu bằng cách kiên trì và đều đặn tinh tấn". Theo lời chỉ dạy của Đức Phật, về sau Đại Đức SONA KOLIVISA đắc quả A La Hán (Vinaya text II, Anguttara 55).

TÍN là niềm tin của hành giả nơi Phật, Pháp, Tăng :

- Phật là sự giác ngộ, sự giải thoát.

Tin nơi Phật, hành giả tin rằng sự giác ngộ và giải thoát là có thật và mục đích của hành thiền là đi đến sự giác ngộ để thấy rõ bản chất BẤT TỊNH, VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ của thân tâm nầy, đi đến sự giải thoát khỏi THAM, SÂN, SI. Vì là một cái gì còn ở ngoài tầm tay người hành thiền, nên họ chỉ phải tin. Đây không phải là một niềm tin mù quáng, vô căn cứ, mà nó được xác nhận bởi Đức Phật và vô số các thế hệ thiền sư chứng đắc.

- Pháp là con đường, là phương pháp dẫn tới sự giác ngộ.

Tin nơi Pháp, hành giả tin rằng phương pháp mình đang theo phù hợp với những giáo huấn của Đức Phật. Hành giả có thể kiểm chứng qua kinh điển do Đức Phật truyền lại rãi rác trong Tam Tạng Pháp Bảo và đã được sao lục bởi các học giả Phật Giáo.

- Tăng là tập thể những người cùng hành đạo, bao gồm các vị thiền sư tu sĩ và cư sĩ. Tuệ Trung Thượng Sĩ, thầy của vua Trần Nhân Tông, tức Trúc Tâm đệ nhất tổ là một cư sĩ Goenka, một thiền sư hiện đại nổi tiếng, đệ tử của thiền sư U BA KHIN, cả hai đều là cư sĩ. Bà ACHAAN NAEB, thầy của vô số tăng ni phật tử Thái Lan và Việt Nam, là một cư sĩ đã chứng đắc.

Tin nơi Tăng, hành giả tin ở sự hiểu biết và kinh nghiệm của người thầy hướng dẫn mình, có thể giúp mình vượt qua những khó khăn trở ngại trên con đường tu tập. Đồng thời cũng tin tưởng nơi những bạn đạo đồng hành. Đôi khi những kinh nghiệm ngu dốt của họ lại là những ngu dốt của ta. Những trao đổi kinh nghiệm giữa các thiền sinh đôi khi hiệu quả hơn lời chỉ dạy của ông thầy (học thầy không tày học bạn).

TÍN ngoài ra còn là một niềm tin nơi khả năng của chính mình có thể đi hết con đường còn lại từ đây cho tới khi nhắm mắt. Con đường dù còn dài, con đường dù còn nhiều chông gai, sức ta còn, hơi ta chưa cạn, ta còn có thể cải thiện thân tâm nầy. Cũng như sự tích một nhà sư bị cọp vồ trong lúc đang hành thiền TỨ NIỆM XỨ. Mỗi một cú ngoạm xé của cọp vào da thịt của ngài là một lần để ngài tiếp tục hành thọ quán niệm xứ, cho đến khi thành đạo quả trước giây phút trút hơi thở cuối cùng trong miệng cọp.

Bốn yếu tố TÍN, TẤN, NIỆM, TUỆ (giác tỉnh) đã được đề cập tới, bây giờ xin đề cập đến yếu tố ĐỊNH.

Yếu tố ĐỊNH rất quan trọng để phân biệt hai loại thiền : Chỉ Tịnh (Samatha) và Tuệ Quán (Vipassanà) :

- Mục tiêu của thiền Chỉ Tịnh là đi đến TOÀN ĐỊNH (= An Chỉ Định : Apana Samàdhi), rồi từ đó có thể tiến đạt đến các tầng thiền sắc giới và vô sắc giới, hoặc có thể phát triển các loại thần thông. Khi tâm ở trong trạng thái toàn định, nó cũng ngăn ngừa được các ác pháp THAM SÂN không cho sinh khởi. Nhưng khi ra khỏi trạng thái nầy, tâm vẫn bị ô nhiễm như củ.

Trước khi đến Toàn Định, tâm phải trải qua trạng thái CẬN ĐỊNH (Upacara Samàdhi). Cận Định là một trạng thái tâm an trụ khá vững chắc, mặc dù không sâu mạnh bằng tâm Toàn Định nhưng cũng có khả năng ngăn giữ những ô nhiễm ở bên ngoài tâm. Tâm Cận Định có thể an trụ trên đối tượng trong một thời gian khá lâu. Gọi là Cận Định bởi vì nó xảy ra trước tâm Toàn Định và chỉ có một đối tượng duy nhất không thay đổi, tùy theo hành giả đã chọn lựa trước hoặc do vị thầy đã ấn định trước khi vào thiền.

- Thiền Tuệ Quán không dùng hai loại ĐỊNH nầy, mà chỉ xử dụng CHẬP ĐỊNH (hay còn gọi là SÁT NA ĐỊNH : Kanika Samàdhi). Chập Định cũng có khả năng ngăn giữ những ô nhiễm ở ngoài tâm và cũng có khả năng an trụ trên đối tượng một cách lâu dài, nhưng khác một điều là đối tượng ở đây có thể thay đổi tùy theo tâm bắt được đối tượng nào trong 4 đối tượng THÂN, THỌ, TÂM, PHÁP, ở giây phút hiện tại. Mục tiêu của thiền Tuệ Quán là thiêu đốt tận gốc phiền não, chí đến những phiền não ngủ ngầm trong tiềm thức. Một điều khác nữa, là khi một phiền não nào đã bị thiêu đốt thì nó bị triệt tiêu vĩnh viễn trong tâm, cũng giống như một khoảng nào đó của tâm được thắp sáng thì không có một bóng tối chen vào nữa. Theo một số thiền sư, CẬN ĐỊNHCHẬP ĐỊNH có hiệu quả ngang nhau. Rất tiếc môn Thần Kinh Thần học (neurothéologie, môn khoa học mới, nghiên cứu những căn bản khoa học của các khả năng tâm linh) chưa đủ phát triển để kiểm nhận điều nầy, khiến cho một số thiền gia hoang mang, không biết mình có hành đúng phương pháp thiền Tuệ không ? Riêng tôi thiển nghĩ trong các mức độ Định, có một mức độ ngưỡng cửa (seuil) không nên vượt qua. Nếu vượt qua, tâm sẽ nhập thẳng vào TOÀN ĐỊNH, lúc đó tâm sẽ mất khả năng linh hoạt phán đoán (tuệ) và hành giả rơi vào loại thiền Chỉ Tịnh. Đức Phật và một vài thiền sư chứng đắc cả hai loại thiền, nắm giữ bí quyết về điểm giao thoa giữa 2 phương pháp. Từ điểm nầy có thể tách ra để đi vào một trong 2 phương pháp CHỈ TỊNH hay TUỆ QUÁN. Trong Tạng Kinh, có những bài kinh Đức Phật nói về Thiền Chỉ Tịnh, có lẻ để giảng dạy các tỳ khưu đã chứng đắc, giúp các ngài gìn giữ sức khoẻ, bảo tồn sinh khí mỗi khi đau yếu. Có những bài nói về thiền Tuệ Quán để giảng dạy cho tất cả những ai chưa chứng đắc. Điều nầy cần phải được nghiên cứu thêm.

Kết Luận

Tinh yếu của thiền trước hết là cố gắng thiết lập sự chú tâm ghi nhận trên một đề mục căn bản tùy theo phương pháp thiền trong chủ đích tiêu diệt tận gốc phiền não. Khi hội đủ 3 yếu tố cố gắng, ghi nhận và giác tỉnh thì ta gọi là có chánh niệm, một trong tám chi của Bát Chánh Đạo. Mỗi phương pháp có một đề mục căn bản :

- phương pháp Mahasi lấy sự Phồng Xẹp của bụng,

- phương pháp Goenka lấy Cảm Thọ,

- phương pháp Achaan Naeb lấy Tứ Oai Nghi,

- phương pháp Swe Min lấy Tâm,

- phương pháp Zen lấy tư thế Ngồi (Zazen)...

Sau đó, duy trì sự liên tục của chánh niệm trên 4 đối tượng THÂN THỌ TÂM PHÁP, tùy theo đối tượng nào xuất hiện rõ ràng nhất trong giây phút hiện tại.

Cuối cùng, giữ trạng thái quân bình giữa 5 yếu tố TÍN, TẤN, NIỆM, ĐỊNH, TUỆ, để cho niệm làm việc một cách tự nhiên. Chánh niệm quan sát thân tâm, sự tác động giữa thân và tâm, giữa thân tâm với môi trường bên ngoài một cách khách quan cho đến khi phát hiện những sự thật. Những sự thật nầy chính là những tuệ giác. Theo kinh sách Nguyên Thủy, hành giả phải trải qua 16 cái tuệ mới có thể bước vào giòng thánh (Nhập Lưu) tương ứng với 7 giai đoạn thanh lọc của sách "Thanh Tịnh Đạo" (Visuddhi-magga, Buddhaghosa). Lúc đó, vị nầy đã thanh lọc được 3 kiết sử (ô nhiễm) : thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ , và chỉ còn tái sinh lại 7 kiếp để hoàn thành công việc thanh lọc những kiết sử còn lại. Vị nầy chắc chắn không tái sinh vào 4 khổ cảnh và có thể tái sinh vào một cõi thiên giới hữu học nếu hội đủ những phước báu hữu lậu.

Phương pháp là như thế. Bây giờ chỉ còn chờ đợi sự chín muồi của Ba La Mật (công đức tu tập tích lũy từ muôn kiếp trước).

Nên nhớ rằng sự giải thoát tùy thuộc 3 điều kiện :

- hạnh nguyện giải thoát ;

- sự quyết tâm và kiên trì thực hiện hạnh nguyện nầy ;

- đầy đủ Ba La Mật.

Nếu chúng ta cảm thấy công đức chưa đầy đủ, thì cố gắng tiếp tục bồi đắp thêm. Chỉ có thế thôi.

Nguyễn Tối Thiện


 [ Trở Về ]