Người Cư Sĩ [ Trở Về ] [Trang chủ]
Tưởng nhớ Ôn Từ Đàm : ĐƯỜNG ĐI KHÔNG GIÓ LÒNG SAO LẠNH !
Trí Hải
Thôi thế từ nay, trong kiếp này, chúng con mất đi một bậc Thầy, một bậc Bạn lành trên đường tu học. Từ đây, con biết hỏi ai mỗi khi gặp những vấn đề nan giải khi đọc Kinh, Luận Đại thừa ? Con như còn nghe văng vẳng từ âm của Ôn giải thích những " Tính giác diệu minh, bản giác minh diệu " trong kinh Lăng Nghiêm, Tánh không trong Trung Luận, và bao nhiêu khúc mắc khác nữa trong Phật Pháp. Ôn chỉ dạy vắn tắt : tin được cái Không thì tin được tất cả, mà không tin cái Không thì không tin bất cứ gì. Con nghiệm thực là hết sức đúng. Có những lúc Ôn trả lời bằng sự im lặng, và sau đó con tự giải đáp được những gì muốn hỏi, bằng một cách không ngờ. Đấy là trường hợp một lần con thỉnh ý Ôn về câu " bất sinh pháp tướng " trong kinh Kim Cương nghĩa là gì ? Ôn im lặng. Nhưng trong cái im lặng đó con cảm nhận được một điều gì như đã là giải đáp.
Sáng hôm nay trên đường đi, con vừa nhìn bầu trời bao la vừa nhẩm đọc kinh Kim Cương theo hơi thở, cảm thấy vô cùng sung sướng. Đường vắng xe vì còn quá sớm, cảnh vật đồng quê như một bài kinh không lời, một bản nhạc vô thanh, một bức tranh vĩ đại không người vẽ. Có gì bận tâm về sống chết vui khổ hay mê ngộ giữa cuộc chiêm bao này ? Tất cả dàn trải ra truớc mắt, không quá khứ vị lai nên hiện tại cũng không luôn. Có phải pháp tướng là vậy không, khi mình còn khởi nên ý niệm sống chết mê ngộ phải quấy vui buồn, còn thấy có quá khứ vị lai hiện tại ? Tất cả các pháp bản lai như thị, nếu thấy mọi sự vật, tướng trạng mà không khởi nên một ý niệm này nọ - thế là không sinh pháp tướng ?
Ai chửi ai khen mình cũng coi như nhau không bận tâm phân biệt - thế là không sinh pháp tướng ?
Người thế này người thế khác - mình không khen người này tốt chê người kia xấu, thế là không sinh pháp tướng ?
Họ đối với mình trước khác sau khác, mình vẫn như không - thế là không sinh pháp tướng ?
Có người lúc có tiền cư xử khác lúc không tiền, lúc thành đạt cư xử khác lúc hàn vi - mình không để ý, thế là không sinh pháp tướng ?
Nghe, đọc những lời vô nghĩa phi lý thường được lập đi lập lại hàng ngày cũng tảng lờ như không, đừng bực mình, đừng phê phán, thế là không sinh pháp tướng ?
Không xem cát bụi chỉ là cát bụi vì từ cát bụi mà có ra thế giới, thế là không sinh pháp tướng ?
Thấy thế giới cũng là phi thế giới, vì được kết hợp từ những vi trần, thế là không sinh pháp tướng ?
Cái hiện tượng kết hợp ấy là bất khả tư, bất khả nghì, bất khả thuyết, đừng nói do một thượng đế kết hợp, như thế là không sinh pháp tướng ?
Một lần thấy được Vô sinh, cũng đã bõ công bao đời trầm luân đau khổ, đừng ngại chi lên thác xuống ghềnh - không lên thác xuống ghềnh làm sao thấy được Vô sinh - thế là không sinh pháp tướng ?
Thấy mình đúng thì sai, thấy mình sai họa may đúng, vì sự thật vốn vô ngã, trong đó không có mình - thế là không sinh pháp tướng ?
Vân vân và vân vân. Nhưng nói ra nhiều chuyện như thế đã là sinh pháp tướng rồi. Không nói gì cả mới tạm nói lên ý nghĩa " không sinh pháp tướng ", không khởi lên một ý niệm gì về sự vật, vì một móng tâm động niệm đã là lạc xa chân lý. Bởi thế mà Ôn đã im lặng khi con thỉnh vấn ý nghĩa câu kinh Kim Cương : " Tu-bồ-đề, Bồ-tát ư nhất thiết pháp ưng như thị tri, như thị kiến, như thị tín giải, bất sinh pháp tướng ", con tạm diễn dịch câu ấy ra như sau không biết có đúng không : " Này Tu-bồ-đề ( hay này, Trí Hải), Bồ-tát đối với tất cả chuyện trên đời, hãy biết như vậy, thấy như vậy, tin hiểu như vậy, đừng khởi lên một khái niệm gì cả. Khái niệm gì thế ? Tức là bốn kiểu chấp ngã khác nhau : ngã tưởng, nhân tưởng, chúng sinh tưởng, thọ giả tưởng. Ngã tưởng như xưng " tôi " và thấy thực có cái tôi chứ không phải như phương tiện. Đấy là ngôi thứ nhất trong văn phạm. Có ngôi thứ nhất tức phải có ngôi thứ hai : " nhân tưởng " là người đối diện với mình - như gọi " anh, chị, em... " và " chúng sinh tưởng " là ngôi thứ ba, chúng nó - quan niệm về những người khác, chúng sinh khác nhau muôn vàn muôn vẻ, trong khi kỳ thực tất cả đều tùy nghiệp mà giả hiện, trên bản thể không có sai khác - tự tính của mọi chúng sinh đều là chân không. Và kiểu chấp ngã cuối cùng là " thọ giả tưởng " tức quan niệm thời gian, cho rằng dời người có một thọ mạng - trong khi phải thấy nó chỉ hiện diện trong một hơi thở, không có thời gian. Mãi mãi chỉ có sự sống hiện tiền, không quá khứ vị lai nên cũng không gọi là hiện tại. Thời gian, quan niệm về thọ mạng là do tâm phân biệt. Như đối với một thanh niên hai mươi tuổi, thì sáu mươi tuổi là già. Như đối với ông già tám chín mươi thì sáu mươi lại là còn trẻ. Kỳ thực trong giây phút hiện tiền, thanh niên hai mươi, em bé ba tuổi, ông già sáu mươi và cố lão chín mươi - hay tất cả vạn vật hiện tiền như súc vật, chim chóc, cây cối - đều giống nhau trong hơi thở, cùng hấp thu ánh mặt trời, cùng hít thở không khí trong hiện tại, tất cả đều là những giả tưởng tạm thời trong chân không, " vô thọ giả ". Hơi thở đã qua và chưa đến đều không được tính kể. Chỉ khi có cái tâm so sánh phân biệt khởi lên mới thấy có thời gian quá khứ vị lai - và cái thấy mỗi người một khác : Đối với thanh niên, thì em bé là quá khứ, ông già là vị lai ; đối với em bé, thanh niên là vị lai ; còn đối với ông già, cả em bé và thanh niên đều thuộc về dĩ vãng. Cái thấy mỗi người một khác như vậy thì không thể là chân lý, sự thực muôn đời. Sự thực muôn đời phải là : vĩnh viễn hiện tại. Và hiện tại là gì ? Là một tia sáng bé nhỏ của vĩnh cửu đi qua tâm thức, khi có chánh niệm tỉnh giác. Không chánh niệm tỉnh giác thì tuy ở hiện tại mà tâm không ngừng nghĩ đến quá khứ vị lai. Và như vậy là không thực sống gì cả. Có tâm là có ngã, và có ngã thì có thời gian quá khứ vị lai do tham. Sống trong hiện tại, chánh niệm tỉnh giác là sống trong thiền định vô tâm, " quá khứ không truy tầm, tương lai không ước vọng ", vì quá khứ đã qua, tương lai chưa đến. Vô tâm, vô ngã cũng đồng nghĩa với ly tham, dù là tham sống, tham giải thoát Niết-bàn...
Vậy thì, đừng sinh pháp tướng là đừng chấp ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả - và luôn sống trong hiện tại, chánh niệm tỉnh giác để thấy cốt lõi của thân tâm này là chân không. Đã là chân không thì không có sinh tử, khổ vui, mê ngộ. Thấy được như vậy thì luôn ở trong Niết-bàn. Sự im lặng của Ôn khi con hỏi về " bất sinh pháp tướng " đã làm con tự suy nghiệm ra như thế, khi Ôn không còn nữa để con được dịp đến " trình kiến giải ".
Ôi, mặc dù không được diễm phúc dự vào hàng Môn đồ Pháp quyến trực tiếp của Ôn, con cũng đã thưởng thức được bao nhiêu là pháp vị từ nơi thân giáo, khẩu giáo, ý giáo của Ôn, từ lời dạy của Ôn cũng như từ im lặng của Ôn, từ sự sống của Ôn trong lúc mạnh khoẻ và nhất là trong thời gian thọ bệnh, và giờ đây, khi Ôn đã nhập Niết-bàn.
Từ đây, con không còn vấn đề gì phải thỉnh vấn, vì Ôn đã giải đáp tất cả cho con rồi, con vô cùng mãn nguyện. Nhưng than ôi ! Mỗi lần nghĩ về Huế, con lại thấy lòng mình xốn xang. Thà đừng về, để tưởng như Ôn vẫn còn ngồi dịch kinh bên cửa sổ. Thà đừng về, để mường tượng như quý Sư bà con vẫn còn đó trong ngôi chùa tịch mịch và sẽ đón con với những nụ cười bao la. Huế mà vắng đi những bậc Trưởng lão chân tu, thạc đức, thì ôi chao là lạnh lẽo !
Con đã lại sinh quá nhiều pháp tướng khi thấm thía một câu thơ của Quang Dũng : " Đường đi không gió mà lòng sao lạnh ! " Xin đê đầu kính lễ Giác linh Ôn đã nhập Niết-bàn.
Trí Hải(đăng trong Tập Văn số 53, Phật Đản Pl. 2546, tr. 44 - 45)
[ Trở Về ]