Người Cư Sĩ [ Trở Về ] [Trang Chủ]
Tâm Lý Học Phật Giáo
Thích Viên GiácA. Khái Quát Hệ Thống Tư Tưởng Phật Học Triết học Phật giáo có thể chia làm 3 thời kỳ: thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy,thời kỳ Bộ phái, thời kỳ Phát triển Đại thừa.
Thời kỳ Nguyên thuỷ là thời kỳ Đức Phật còn tại thế cho đến sau khi Đức Phật nhập Niết bàn 100 năm. Thời kỳ Bộ phái là giai đoạn phân phái, ban đầu là hai phái chính : Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ. Về sau từ Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ phân chia thành khoảng 20 bộ phái khác nửa. Thời kỳ nầy kéo dài cho đến thế kỷ I Ttl và Stl. Thời kỳ Phát triển Đại thừa từ thế kỷ I cho đến thế kỷ 5, do các nhà tư tưởng Phật học lớn như Mã Minh, Long Thọ, Thế Thân... hoàn tất công cuộc vận động Đại thừa.
Tư tưởng triết học Phật giáo Nguyên thuỷ cơ bản là giải thích nguồn gốc của đau khổ, vạch ra con đường để giải thoát khổ. Đức Phật tuyên bố : "Nầy các Tỷ kheo, cũng như nước trong bốn biển chỉ có một vị là vị mặn, giáo pháp của ta chỉ có một vị là vị giải thoát". Con đường giải thoát được biểu hiện rất rõ qua giáo lý Tứ diệu đế. Trọng tâm triết học của thời kỳ nầy là giáo lý Vô thường, Vô ngã, Duyên sinh. Con người vì không nhận thức được sự chuyển biến vô thường của vạn vật nên lầm chấp là vạn vật thường tại, có ngã tính;do tham ái sinh khởi mà tạo nên nghiệp chướng, chịu đau khổ luân hồi trong lục đạo. Con đường để giải thoát đau khổ là dứt bỏ được vô minh tham ái.
Đức Phật không chú trọng giải quyết các vấn đề siêu hình, Đức Phật không truyền dạy tất cả những gì ngài biết, mà ngài chỉ dạy nhữnh gì cần thiết cho con đường diệt khổ. Có lần ở trong một khu rừng Đức Phật cầm một nắm lá trong tay và dạy : " Nầy các Tỷ kheo, những điều mà Như Lai dạy, các con có thể sánh với năm lá nầy, còn những điều Như Lai không dạy thì như tất cả lá ở trong rừng " [Tương ưng]. Đức Phật thường từ chối hoặc giữ im lặng đối với những vấn đề siêu hình, Malunkyaputta là một Tỷ kheo đã thắc mắc về một số vấn đề siêu hình như :
"Thế giới thường còn hay không thường còn... Như lai tồn tại hay không tồn tại sau khi chết ..." (TBK II). Đức Phật khuyên không nên lãng phí thì giờ và năng lực vào những luận thuyết siêu hình. Những chuyện ngụ ngôn như Mũi tên độc, người mù sờ voi... là để nói lên tinh thần thực tiễn của Đạo Phật.
Sau khi Đức Phật Niết bàn 100 năm, qua thời kỳ phân phái, tư tưởng Nguyên thuỷ được các tông phái triển khai rộng hơn, đi sâu hơn vào chi tiết của những tư tưởng mà Đức Phật đã nói một cách khái quát; mỗi tông phái đều nhấn mạnh một mặt nào đó, tuỳ theo điều kiện thực tế của mổi tông phái mà có sáng tạo hoặc cải biên tư tưởng Phật học Nguyên thuỷ. Những vấn đề được coi là siêu hình mà trước đây Đức Phật từ chối trả lời, nay được đem ra bàn bạc triển khai : nền tảng của vạn vật là gì ? Vũ trụ tồn tại như thế nào ?... Đây là những vấn đề căn bản của triết học.
Để giải quyết những vấn đề nầy và để đáp ứng các yêu cầu tư tưởng mới, các kinh điển mới xuất hiện, những bộ luận lớn ra đời mang tính phê phán, các tông phái đều có những luận thuyết dựa trên kinh điển nào đó để chứng minh cho giáo nghĩa của mình . Phật giáo Đại thừa hình thành tư trào tư tưởng mới qua các kinh điển như Bát nhã, Pháp hoa, Thập địa, Hoa nghiêm, Di đà, Duy ma cật, Thủ lăng nghiêm ...Thời kỳ Đại thừa phát triển nổi bật nhất là ngài Mã Minh (Asvagosa) và Long Thọ (Nagarjuna).
Giải quyết vấn đề Bản thể luận, Đại thừa chủ trương "Không luận" bản chất của thế giới hiện hữu là Không. Mã Minh chủ trương Chân Như là Bản thể tuyệt đối, còn Long Thọ thì chủ trương bản thể là Chân không. Ngài trước tác bộ Đại trí độ luận giải thích Đại phẩm Bát nhã, ngài chủ trương Thật tướng của các pháp là Chân không vô tướng qua lý thuyết Bát bất trung đạo :"Bất sinh, bất diệt, bất thường, bất đoạn, bất nhất, bất dị, bất lai, bất khứ". Bên cạnh "Không luận", triết lý "Ngã không pháp hữu" của Nhất thiết hữu bộ cũng được phát triển. Thời kỳ nầy Phật giáo phát triển mạnh mẽ, quá trình phân lập càng sâu sắc, nhữnh cuộc tranh luận về triết ly nảy sinh những vấn đề triết học mơí như : mối quan hệ giữa hiện tượng và bản thể, giữa tâm thức và tuyệt đối, làm thế nào để đưa tâm thức đến trạng thái giác ngộ... Những vấn đề nầy đòi hỏi các nhà tư tưởng Phật học phải giải quyết vấn đề cơ bản về nhận thức luận.
Ngài Thế Thân vào thế kỷ thứ 4 Stl, nhận thấy đây là vấn đề nguyên tắc của bất cứ một hệ thống nào, ngaì là một nhà tư tưởng Phật học lớn. Ngaì học hỏi tất cả truyền thống tư tưởng Ấn độ cổ đại, ban đầu ngaì theo truyền thống Hữu bộ, sau theo truyền thống Đại thừa. Điểm qua tất cả lý thuyết đương thời, ngài cho rằng giải quyết vấn đề về nhận thức luận, tức là hoàn chỉnh hệ thống triết lý về "Con đường giải thoát". Đứng trên lập trường Đại thừa, ngài xây dựng học thuyết Duy thức, mở rộng nội dung của bản thể tuyệt đối, ngài đồng nhất nó với tâm thức.
Ngài cho rằng sự vật hiện tượng đều do tâm thức mà có;nếu không có tâm thức thì không có thế giới chủ quan và khách quan. Tâm thức được tịnh hóa thì bản thể Tuyệt đối chính là tâm thức. Đây chính là mục đích tối hậu của một người Phật tử.
C. G. Jung, một nhà Tâm lý Phương tây nổi tiếng, nghiên cứu về Đạo Phật, phát biểu : "Cốt tuỷ giáo thuyết của Đức Phật là sự giải phóng khổ đau bằng sự phát triển tâm thức đến mức cùng cực". Vậy con đường từ Long Thọ cho đến Thế Thân cũng chỉ là con đường mà Phật giáo Nguyên thuỷ đã chủ trương : Con Đường giải thóat .
B. Tâm Lý Học Trong Giáo Lý Nguyên Thủy
Giải quyết vấn đề thoát khổ, Đạo Phật lấy tâm thức của con người làm trọng tâm, bất cứ hệ tư tưởng Phật giáo nào nếu tách rời tâm thức của con người thì Phật giáo không còn đất đứng. Đạo Phật chú trọng vào yếu tố tâm thức của con người bởi lẽ: một là con người là chủ nhân của chính nó, chứ nó không phải là sản phẩm sáng tạo của thượng đế. Hai là tâm thức có tác dụng chi phối rất lớn đối với đời sống con người và xã hội, vì tâm thức là động lực của ngôn ngữ và hành vi .
Triết học phương Tây thường đưa ra những lập luận như tâm có trước hay vật có trước, tinh thần là trên hết hay vật chất là quyết định ..v..v.. Đó là những vấn đề của sự tranh luận, mà Đạo Phật không màng đến. Chú trọng khảo sát tâm lý, Đạo Phật nhận thức rằng tâm thức con người đóng vai trò chính trong việc kiến tạo đời sống hạnh phúc hay khổ đau, như tronh kinh Pháp Cú Đức Phật dạy :" Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm ô nhiễm để nói năng hay hành động thì quả báo đau khổ sẽ đi theo như bánh xe lăn theo con vật kéo xe. Ngược lại nếu đem tâm thanh tịnh để nói năng hay hành động thì quả tốt đẹp đi theo như bóng theo hình". Nói tâm dẫn đầu, tâm làm chủ không có nghĩa là chủ trương tâm có trước vật hay là tinh thần quyết định vật chất, như trong triết học phương Tây quan niệm, Đức Phật muốn nói đến động cơ của hiện tượng khổ đau hay hạnh phúc, tức là cái điều kiện chính của hiện tượng khổ vui. Đây là một kinh nghiệm thực tiễn chứ không phải là một hệ thống triết lý .
Sự khác nhau của Tâm lý học Phật giáo và Tâm lý học phương Tây ở chỗ phương Tây phân tích các hiện tượng tâm lý chứ không đi sâu vào bản chất của tâm lý, nhận thức giá trị của tâm lý , củng cố phát triển chúng , mục đích là thỏa mãn các nhu cầu tâm lý như là một phương thức thể hiện sự hạnh phúc .
Tâm lý học Phật giáo cũng phân tích các hiện tượng tâm lý nhưng đánh giá phân loại rồi định hướng chúng và vấn đề quan trọng là chuyển hóa tâm lý trở thành trong sạch để đạt đến mục đích hạnh phúc chân thật. Hạnh phúc chân thật ấy phải là từ bỏ các tâm lý ô nhiễm, vốn thuộc về bản năng và gây đau khổ cho con người và tha nhân . Như vậy Tâm lý học Phật giáo không thuần tuý là vấn đề tâm lý mà còn là vấn đề của luân lý học, đạo đức học và giải thoát học.
Tính Thực Tiễn của Tâm Lý Học Phật Giáo
Trong kinh Pháp Cú Phât dạy :
" Đừng làm các điều ác Hãy làm các điều lành Giữ tâm ý trong sạch Lời Phật có 3 điều : một là không làm các điều ác, tức là không thực hiện các hành động về thân thể hay ngôn ngữ làm tổn hại đến mình và tha nhân, nghĩa là không làm tổn thương về thân thể, về tâm lý hay tình cảm... của con người . Mới nhìn qua ta thấy đây là vấn đề của luân lý nhưng nếu nhìn sâu ta sẽ thấy đây là vấn đề cơ bản của giải thoát . Làm điều ác xuất phát từ tâm lý ô nhiểm như tham, sân si... khi đình chỉ được điều ác thì có nghiã là sự ô nhiểm của tâm đã được kiểm soát. Chế ngự được tâm ác là bước đầu của lộ trình thoát khổ . Hai là làm các điều lành , xuất phát từ tâm lý tích cực và thanh tịnh, làm lành là vấn đề đạo đức, đạo đức cũng là cơ sở của giải thoát hay của hạnh phúc. Điều ác không được đoạn trừ, điều lành không được phát triển thì vấn đề thanh lọc tâm thức không thể thành tựu. Là lời chư Phật dạy" Tính thực tiễn của Tâm lý học Phật giáo rất rõ qua phát biểu của điều thứ 3 là giữ tâm ý trong sạch, nguyên lý thứ 3 là hệ quả của hai nguyên lý : đình chỉ các điều ác và làm các điều lành. Không có hành vi ổn định con người không có tâm lý ổn định, ngược lại tâm lý không ổn định thì hành vi tiếp tục không ổn định. Như vậy Đức Phật không cho rằng tâm lý là tất cả mà tâm lý là nhân tố chính trong quá trình xây dựng hạnh phúc. Sự ức chế về mặt tâm lý là động lực sản sinh khổ đau, ngược lại sự giải phóng áp lực của tâm là nguồn sống vui tươi giải thoát. Giữ tâm ý trong sạch là kiểm soát các động lực ô nhiễm đừng để chúng tự do tàn phá và gây rối loạn và cũng là thiết lập một cơ chế cho hành vi và ngôn ngữ được chuẩn mực. Một khi tâm lý được thanh tịnh hoàn toàn thì mọi áp lực của tâm lý sẽ hoàn toàn bị triệt tiêu, đó là sự giải thoát . Như vậy Tâm lý học Phật giáo không thuần lý, không tách biệt với những kinh nghiệm sống của con người.
Tâm Lý Học trong Giáo Lý Cơ Bản
1 . Tứ Diệu Đế
Tâm lý học Phật giáo là Tâm lý học ứng dụng, nhất là Tâm lý học được trình bày trong Kinh Tạng và qua các giáo lý căn bản. Giáo lý Tứ diệu đế được coi là giáo lý nền tảng của hệ thống tư tưởng Phật học, phân tích về tâm lý đã nói lên tính hai mặt của tâm lý : Một là tính ô nhiễm. Hai là tính thanh tịnh. Sau này các luận thư về tâm lý đều nêu bật hai tính nhiễm và tịnh của tâm lý một cách chi tiết. Tâm lý ô nhiễm là những hoạt động tâm lý đưa đến đau khổ phiền muộn, ngược lại tâm lý thanh tịnh thì đưa dến đời sống hạnh phúc an vui.
Khổ là một thực trạng của đời sống nhưng nỗi khổ ấy không phải do tự nhiên mà có, không phải do ngẫu nhiên, không phải do thượng đế áp đặt như là một sự trừng phạt con người, mà khổ là kết quả của tâm lý ô nhiễm, nghĩa là sự khổ do con người tạo nên và phải gánh lấy . Năng lực tâm lý ô nhiễm được biểu hiện qua tâm lý tham lam, sân hận và si mê, sự khổ hiện hữu do 3 loại tâm lý ô nhiễm này hiện hữu ; lập luận kế tiếp là sự khổ sẽ không có mặt nếu 3 loại tâm lý này không tồn tại. Vì vậy phân tích tâm lý qua giáo lý Tứ diệu đế để đưa đến một thái độ : đoạn trừ các tâm lý bất thiện và phát triển những tâm lý thiện. Ở đây cái không nên làm và cái nên làm được nêu rõ : mười điều ác là không nên làm và Bát chánh đạo là điều nên làm. Vậy Tâm lý học Phật giáo có sắc thái đạo đức học và giải thoát học.
Tính hai mặt của tâm lý, đối ứng với hai mặt khổ đau và hạnh phúc của đời người, vì vậy Tứ diệu đế chú trọng đến đoạn trừ tâm ô nhiễm, tịnh hoá tâm thức, không đi sâu vào tâm lý mang tính trừu tượng như các luận thư về sau. Các trạng thái tâm lý thiền định được khảo sát là những kinh nghiệm thực tiễn chứ không phải là các trạng thái tâm lý nằm ngoài khả năng của con người .
2 . Thập Nhị Nhân Duyên
Tâm lý được phân tích qua giáo lý 12 nhân duyên, nói đến quá trình tâm lý ô nhiễm, tức là khảo sát một cách sâu hơn bản chất của tâm ô nhiễm và đưa đến nhận định rằng cơ cấu của tâm thức con người là ô nhiễm, nhận thức của con người phần lớn là sai lầm . Tâm lý được vận hành bởi động lực là vô minh, một trạng thái mê muội bản năng, nó chi phối mọi hoạt động của tâm lý ô nhiễm, nó như là nền tảng của nhận thức, hay nói cách khác nhận thức là vô minh .
Khổ là một cảm giác, cảm giác ấy bao gồm nhiều điều kiện, vô minh là một điều kiện trong những điều kiện. Vô minh là điều kiện nguồn của dòng sông tâm lý. Nói Vô minh sinh ra Hành là chưa đủ và dễ hiểu lầm rằng chu trình 12 nhân duyên chỉ diễn ra theo chiều thời gian, chiều dọc. Về mặt tâm lý, cảm thọ khổ không phải là kết quả của một quá trình tâm lý đơn giản mà là một sự tổng hợp đồng thời của các điều kiện khác nhau. Do vậy, Tâm lý trong 12 nhân duyên phải được phân tích theo chiều ngang, là chiều của không gian. Vô minh là điều kiện của Hành. Hành là lực vận động của tâm lý và vật lý ( thân hành, khẩu hành, ý hành ) nếu không có động lực thì không có sự tồn tại, động lực tồn tại của chúng sinh được coi là Vô minh. Hành là biểu hiện của Vô minh, Vô minh nuôi dưỡng Hành và Hành làm cho Vô minh tăng sức mạnh. Tâm lý tồn tại nhờ có động lực mà động lực ấy là động lực ô nhiễm, cho nên dòng sông tâm lý là ô nhiễm.
Thức là khả năng phản ánh thế giới hiện tượng, là khả năng phân biệt, là cái biết, và cái biết ấy cũng là biểu hiện của Vô minh. Cho nên các luận thư về sau đồng nhất Thức với Vô minh, và khi đề cập đến cái biết không bị Vô minh tác động thì dùng từ Trí ( Trí tuệ ) như nói :" Chuyển thức thành Trí" ( Chuyển 8 thức thành 4 trí ). Bản chất của thức là Vô minh và lực vận động của Hành làm cho Thức trở thành mê lầm. Vì vậy dưới sự biểu hiện của thức trở thành 2, đó là thế giới của chủ thể và đối tượng, diễn tiến tâm lý bao giờ cũng phải có chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức, do vậy thế giới hiện tượng là thế giới của tâm lý chứ không là thế giới khách quan. Chủ thể ở đây là Danh ( tinh thần ). Đối tượng ở đây là Sắc ( vật chất ), tinh thần và vật chất là biểu hiện của thức. Luận thư Duy Thức về sau dựa trên cơ sở này mà xây dựng học thuyết Duy Thức của mình. Cơ sở của chủ thể và đối tượng sinh khởi là 6 giác quan ( lục nhập ) tiếp xúc với đối tượng của chúng (xúc ), sự tiếp xúc giữa giác quan và đối tượng mới nhìn như là một sự tiếp xúc thuần vật lý, nhưng thực ra đây còn là một kích thích của tâm lý nữa.
Thọ là cảm giác, đây là một yếu tố tâm lý quan trọng vì cảm giác là sự biểu hiện rõ nét của tiến trình tâm lý mà ai cũng tự cảm nhận được. Thọ được trình bày trong Kinh Tạng có 3 loại : cảm thọ khó chịu, cảm thọ dễ chịu, và cảm thọ trung tính. Tuy nhiên Thọ trong tiến trình 12 nhân duyên nghiêng về khía cạnh dễ chịu ( lạc thọ, hỷ thọ ) có lẽ muốn nói đến bản năng hưởng thụ hay bản năng hướng đến hạnh phúc của đời sống con người. Hạnh phúc là nhu cầu tối hậu của con người, hạnh phúc mà con người tìm kiếm là sự cảm xúc dễ chịu của tâm lý thọ. Như đã nói, sự vận động của dòng sông tâm thức xuất phát từ động lực Vô minh nên mọi diễn biến đều nhuộm màu đen tối, ước vọng hạnh phúc hay cái được coi là hạnh phúc thực chất là mặt khác của khổ đau. Tiếp theo sau cảm giác vui sướng là sự hài lòng, sự thỏa mãn gọi là ái. Đối với tiến trình tâm lý thì ái là tâm lý biểu hiện mạnh mẽ và kết thúc chu trình của tâm thức, nó trở thành một năng lực tổng hợp để tạo thành một tác dụng trong tâm thức hay trong hành động của con người và tất nhiên Vô minh được biểu hiện trong ái là mạnh nhất . Trong 12 nhân duyên Ái được coi là then chốt cho vòng tròn sinh tử .
Thủ là sự vướng mắc, sự nắm bắt, sự giữ gìn bảo thủ hay sự ghi nhận một kinh nghiệm, tâm lý này chỉ là một hệ quả của Ái mà thôi . Phân tích các yếu tố tâm lý trong 12 nhân duyên có vẻ như là một diễn biến tâm lý theo thứ tự và có thời gian nhưng trên thực tế thì chúng diễn ra rất nhanh gần như đồng thời, có thể nói trong một ý niệm là có đủ 12 nhân duyên . Tâm lý chấp thủ là sự biểu hiện của Ái hay là của sự thỏa mãn, đây là yếu tố tâm lý mang tính ích kỷ mà về sau luận thư Duy Thức phân tích sâu hơn căn nguyên của chúng và thức Mạt na là cội nguồn của sự chấp thủ này. Sự chấp thủ, về mặt nổi là hệ quả của Ái nhưng nó cũng là biểu hiện của động lực Vô minh, nó hình thành một bản năng sinh tồn và bản năng hưởng thụ, bảo vệ cái hạnh phúc từ chối cái khổ đau.
Tóm lại, xuất phát từ sự không thấy, không biết rõ ( Vô minh ) về chính mình, về tha nhân và về thế giới mà trong đó mình sống . Trên cơ sở không thấy rõ, và thái độ tự vệ con người nhận thức thế giới chung quanh như là đối tượng tách rời với chính mình. Do tự vệ con người xô đẩy các đối tượng bất lợi, không vừa ý càng xa càng tốt và nắm bắt các đối tượng có lợi và vừa ý càng chặt càng hay. Do vậy con người liên tục xô đẩy và nắm bắt suốt cuộc đời của mình một cách khốn khổ, thế giới như vậy như là một biển khổ mênh mông. Khi thương một người thì bạn luôn cố gắng tạo mọi điều kiện để tiếp cận người ấy, dụ dỗ và chinh phục người ấy. Vì bạn cho rằng đây là đối tượng đem đến cho mình niềm vui và hạnh phúc, bạn không muốn ai chia xẻ tình thương của người ấy, người ấy là của bạn, bạn phải giữ gìn bảo vệ cái của bạn. Như vậy có hai vấn đề xảy ra: Một là bạn phải đấu tranh, xô đẩy những ai và những gì có khả năng cướp mất đối tượng của bạn, do vậy bạn có thể chống cả thế giới. Hai là bạn phải đấu tranh với tính khí của người ấy vốn luôn luôn muốn thoát ra ngoài sự trói buộc của bạn. Ba là bạn phải đấu tranh với chính bản thân của mình, nghiã là về tâm lý bạn vẫn bị những cảm giác mất mác, chán chường làm cho niềm vui của bạn bị pha loảng , chúng ta sẽ phải tiếp tục chịu đựng sự rối loạn bất an còn niềm hạnh phúc thì vẫn chập chờn phía trước, như vậy tâm lý luôn bị khủng hoảng, luôn bị áp lực. Sự giải phóng áp lực tâm lý là điều kiện của hạnh phúc hoàn toàn, là mục tiêu của mọi đường lối tu tập.
3 . Ngũ Uẩn
Phân tích tâm lý theo giáo lý 5 uẩn, chúng ta nhận thấy con người được phân tích thành năm lĩnh vực, hay nói cách khác con người là hợp thể của 5 yếu tố : yếu tố vật lý và yếu tố tâm lý. Yếu tố tâm lý có 4 khía cạnh : cảm giác, tri giác, ý chí và nhận thức. Có nhiều cách phân tích về 4 yếu tố tâm lý này, tuỳ theo cái nhìn của các trường phái tư tưởng Phật giáo, có nơi phân tích tâm lý theo chiều dọc thời gian như cảm giác đến trước rồi tri giác, rồi các xử lý của ý chí, rồi đến sự ghi nhận và giữ gìn trong tâm thức chiều sâu. Có nơi phân tích theo chiều không gian cảm giác phần cạn, tri giác sâu hơn ý chí và thức đi vào vi tế sâu sắc hơn nó ẩn kín bên trong .
Trước hết chúng ta thấy rằng tâm lý và vật lý là mối quan hệ bất khả phân, điều này xuyên suốt lịch sử Tâm lý học Phật giáo bất cứ thời kỳ và trường phái nào, sắc pháp bao giờ cũng hiện hữu bên cạnh tâm pháp. Sắc uẩn bao gồm mọi yếu tố vật lý thân thể và môi trường sống. Diễn biến tâm lý được phân tích là những nhóm tâm lý cùng tính chất : nhóm cảm giác bao gồm những cảm xúc bởi thế giới bên ngoài và thế giới bên trong, nếu nhìn riêng lẽ thì cảm giác thuần tuý không đưa đến một tác dụng tích cực nào, chỉ đơn giản là một phản ứng có điều kiện, nhưng nếu nhìn cảm giác trong mối quan hệ chung thì trong cảm giác có đầy đủ 4 yếu tố vật lý, tri giác, ý chí, và nhận thức. Nếu như vậy thì cảm giác có một tác dụng tích cực đối với dòng sông tâm thức con người, thậm chí nó đóng vai trò chủ yếu trong đời sống con người, vì con người sống với mục đích hướng đến cảm giác hạnh phúc.
Nhóm Tri giác bao gồm những nhận biết các đối tượng bên ngoài hay bên trong chính là những kinh nghiệm, nếu không có kinh nghiệm con người sẽ không nhận ra được cái gì cả. Nhận biết là sự đối chiếu những tướng trạng đã có với cái đang có, nếu đặt Tri giác trong mối quan hệ chung thì có lúc Tri giác có mặt trước cảm giác, và có lúc thì sau cảm giác. Ví dụ, như khi thấy ấm nước bốc hơi biết là nước sôi một cảm giác hài lòng vì sẽ có tách trà nóng, đó gọi là Tri giác đến trước ; còn nếu như ta sờ tay ấm nước cảm giác nóng và động của ấm nước làm ta khó chịu và ta biết nước sắp sôi, đây là trường hợp cảm giác có trước. Nếu chỉ là tri giác thuần tuý thì chúng không đưa đến một tác dụng tích cực nào, nếu chúng liên hệ với các yếu tố tâm lý khác thì mới đủ khả năng tạo nên một tác dụng ( tạo nghiệp ).
Trong Tâm lý học phổ thông cảm giác và tri giác được gọi là nhận thức cảm tính và cho rằng Tri giác là nhận thức cao hơn cảm giác. Giáo lý 5 uẩn cho rằng trong mối quan hệ của chúng, cảm giác và tri giác dựa vào nhau tuỳ theo điều kiện cụ thể mà chúng có tác dụng mạnh hay yếu .
Yếu tố tâm lý thứ 3 là Hành, tức là hoạt động của tư duy, bao gồm các hoạt động tâm lý mạnh mẽ, xác định, có tính chủ ý, tính quyết định như các tâm lý ham muốn, giận dữ, thương yêu, ghét bỏ... những tâm lý này có năng lực để tạo ra hậu quả, tức là tạo nghiệp. Hành là loại tâm lý có tác dụng thúc đẩy tạo nên hành vi và ngôn ngữ, do vậy trong kinh Phật dạy Hành có tâm hành, khẩu hành, và thân hành. Nếu nói một cách dễ hiểu thì hành là những tâm lý tính toán, quyết định có tính cách ý chí, nghĩa là vẫn ở phạm vi mặt nổi của tâm lý. Tuy nhiên nếu nói một cách tế nhị thì Hành là động lực sâu kín, là sự vận động của hệ thống tâm thức theo xu hướng và tính chất đã được tích luỹ. Do sự vận động của tâm Hành sâu kín mà ta có những biểu hiện nằm ngoài kiểm soát của ý thức, chúng thuộc bản năng và tự phát. Tuỳ thuộc vào tính chất của Hành mà con người có những biểu hiện khác nhau ; mỗi người là mỗi thế giới, chúng ta rất khó phán đoán động cơ của hành vi con người, ví dụ như một người có một nghĩa cử cao đẹp như cứu giúp một người khốn khổ động cơ mà anh ta làm điều tốt ấy đôi khi chỉ là do xúc động bởi một ánh mắt của đối tượng. Tại sao có sự xúc động ấy ? Đó là tác dụng sâu kín của Hành .
Yếu tố tâm lý thứ 4 là thức. Thúc là khả năng phản ánh mọi đối tượng bên ngoài hay bên trong, chức năng của thức là nhận ra sự có mặt của đối tượn, là nền tảng chung cho mọi hoạt động tâm lý. Những tâm lý thuộc về cảm giác, tri giác, ý chí đều nương vào nền tảng là thức. Nói cách khác Thúc là bản thể tâm lý còn cảm giác , tri giác, ý chí ... là hiện tượng tâm lý . Sau này các luận thư tâm lý học Phật giáo gọi thức là Tâm vương và các hiện tượng tâm lý là tâm sở . Thức phải có mặt thì các tâm lý khác mới có cở hoạt động, mối quan hệ giữa thức và những hiện tượng tâm lý khác là bất khả phân ly. Chức năng của thức tương tự như một tấm kiếng phản ánh tất cả những đối tượng đi ngang qua nó, tuy vậy không nên hiểu thức là một thực thể cứng đơ như tấm kiếng, mà thức thì rất sinh động vì mối tương tác giữa các diễn biến tâm lý .
Phần tâm lý được phân tích thành 4 phần là một cách chia để dễ khảo sát, rất gượng ép và dễ hiểu lầm rằng mỗi phần có một ranh giới riêng. Thực ra khi một đối tượng được nhận thức thì mọi tâm lý đều sinh khởi, tuỳ theo sự kích thích của đối tượng mạnh hay yếu và tuỳ theo sự nhạy cảm của các quan năng mà nhận thức là nhận thức thuần tuý hay là nhận thức có tác dụng thúc đẩy hành vi .
Phân tích tâm lý của con người dựa trên nền tảng, một năng lực Thức phổ quát, là một phát hiện độc đáo trong lịch sử tâm lý học, đó là cơ sở để các luận thư tâm lý học Phật giáo về sau phát triển và giải quyết các vấn đề nhu yếu của tâm thức.
Tóm lại phân tích tâm lý qua giáo lý 5 uẩn cho thấy 2 mặt của tâm lý : bản thể và hiện tượng. Thấy rõ các mối quan hệ bất khả phân của các hiện tượng tâm lý. Mặt khác sự bất khả phân giữa tâm lý và vật lý, nội dung hoạt động tâm lý không có một chủ thể độc lập, cố định, giá trị riêng tư nào. Do vậy con người là một tổng hợp vủa các hiện tượng tâm lý , vật lý. Không phải tồn tại như một đối tượng của tư duy, khái niệm mà là của thực tại vô thường , khổ, vô ngã.
Kết Luận
Tâm lý học Phật giáo qua giáo lý Nguyên thuỷ là tâm lý học ứng dụng vào thực tiển của đời sống chứ không phải là những lý luận khô khan, siêu hình, mục đích là :
- Cung cấp phương pháp nhận thức về con người chính mình.
- Tìm cách thay đổi tình trạng đau khổ do rối loạn tâm lý .
- Giúp con người định hướng tư duy và hành động để đem đến sự chân thiện cho đời sống .
- Giúp con người đi sâu vào đời sống nội tâm để giải phóng những ức chế tâm lý, những kết tụ của các năng lượng khổ đau và vô minh .
Trên cơ sở lý duyên sinh , năm uẩn , tâm lý học Phật giáo về sau hình thành một hệ thống tâm lý học rất phức tạp và tinh vi qua sự xuất hiện các luận thư của các bộ phái , các luận thư tâm lý học tiêu biểu và phổ biến là Thắng pháp tập Yếu luận ( Abhidhammatthasangaha ) thuộc thượng toạ bộ . Câu xá luận ( Abhidhammakosa ) thuộc về Nhất thiết hữu bộ , do Thế Thân viết và Duy thức học ( Vijũnanaphivada ) cũng ở Thế Thân viết thuộc Phật giáo đại thừa .C. Khái quát về Tâm Lý Học Phật Giáo qua các Luận Thư tiêu biểu I. THẮNG PHÁP :
Thắng pháp là tạng thứ 3 trong tam tạng ( Kinh, luật, luận ) gọi là tạng luận ( AbhidhammaPitaka ) Trung hoa dịch là A Tỳ Đàm hay A tỳ đạt ma , thường gọi là Vi diệu pháp . Dựa trên cơ sở những lời dạy của Đức Phật và thể tính của các pháp , Thắng pháp đề cập đến cả những vấn đề siêu hình về bản thể , về giải thoát . Bộ Thắng pháp này có nơi coi là của Ngài Xá Lợi Phất .
Định nghiã về luận thì Nguyên thuỷ hay Đại thừa đều giống nhau . Theo Nhiếp đại thừa luận thì Luận có nghiã :
1. Đối pháp : Có 2 nghiã :
. Đối hướng : Tức là đối diện với Niết bàn , hướng đến Niết bàn .
. Đối quán : là đối diện với các pháp hiện tượng đã quan sát , phân tích .
2. Số : trình bày giải thích những danh từ , những thuật ngữ , pháp số một cách rõ ràng và thứ tự .3. Phục : Dùng để khuất phục các tà thuyết của ngoại đạo .
4. Thông : Giải thích thông suốt nghiã lý sâu kín ở trong kinh tạng , nghiã làgiải thích lời Phật dạy một cách rộng rãi.
Luận Đại Trí Độ giải thích :" Đối với các câu hỏi mà đáp , hoàn toàn là hình thức luận cứu , nêu ra nhiều mặt để phân biệt , như nói 18 giới thì phân biệt cái nào là sắc , cái nào không phải sắc , cái nào có thể thấy , cái nào không thể thấy , cái nào là hữu lậu , cái nào làvô lậu , cái nào là thiện , cái nào là bất thiện ..v.. v.. như thế gọi là Luận" .
Thắng pháp lập luận dựa trên nguyên tắc :
. Không có gì sinh ra mà không có nguyên nhân .
. Không có gì sinh ra mà chỉ do một nguyên nhân .
. Không có gì sinh ra mà không có tác dụng .
. Không có gì tồn tại hơn một sát na .
Mọi sự vật mọi pháp trên đời được chia làm 4 lĩnh vực chính :
. Sắc pháp : ( Rupa ) Thế giới vật lý , có thể gọi là thế giới khách quan .
. Tâm vương : ( Citta ) Khả năng nhận thức, là Tâm thể
. Tâm sở : ( Cetasika ) là những hoạt động tâm lý , có thể gọi là thế giới chủ quan .
. Niết bàn ( Nirvana ) là pháp siêu thế giới , pháp vô điều kiện và không biến hoại .
Sắc pháp là pháp vô tri và luôn biến đổi chia thành 2 nhóm :
. Tứ đại chủng : Đất , nước , gió , lửa .
. Tứ đại sở tạo : ( do tứ đại mà sinh ) có 24 loại
Tứ đại gồm Đất là đặt tính cứng ; Nước là đặt tính lỏng ; Lửa là đặt tính nhiệt độ ; Gió là đặt tính động .Tứ đại sở tạo có 24 : 5 tịnh sắc , 4 hành cảnh sắc , 2 bản tánh sắc , 1 tâm sở y sắc , 1 mạng sắc , 1 thực sắc , 1 hạn giới sắc , 2 biểu sắc , 3 biến hoá sắc và 4 tướng sắc .
Tâm vương và tâm sở là những hoạt động tâm lý cả 2 mặt thể tính và hiện tượng .
So sánh với giáo lý 12 nhân duyên và 5 uẩn ta nhận thấy rằng Danh sắc trong 12 nhân duyên thì Danh ( mana ) chính là tâm và tâm sở . Đối với 5 uẩn thì yéu tố Thọ, Tưởng , Hành là tâm sở , còn Thức là Tâm vương .
Tâm vương gọi là Citta , ngữ căn Cit nghiã là suy nghĩ , Tâm vương là khả năng nhận thức sự có mặt của một đối tượng ( theo Thắng pháp các từ ngữ như tâm , tâm sở, Danh , ý thức là một ). Tâm vương nhận thức sự hiện hữu của một đối tượng là cái biết sinh khởi trong một thời gian rất ngắn ( 1 sát na ). Tâm vương không suy nghĩ trên đối tượng . Việc suy nghĩ về đối tượng là chức năng của Tâm sở .
Tâm sở gọi là Cetasika , là những hoạt động tâm lý , những yếu tố tâm lý , Tâm vương chỉ là một sự tổng hợp của những tâm sở , Tâm sở là những phần tử tạo thành tâm thức và sống trong tâm thức , giống như một dòng sông ( tâm vương ) là những giọt nước của dòng sông ( tâm sở ). Một bên là thể tính , một bên là hiện tượng .
Khái niệm về tâm vương và tâm sở là một khái niệm đặc biệt chỉ có Tâm lý học Phật giáo mới có .
Mối quan hệ giữa Tâm vương và Tâm sở có 4 yếu tố :
. Đồng sinh .
. Đồng diệt .
. Đồng đối tượng .
. Đồng giác quan .
Điều này muốn nói rằng sự hoạt động của Tâm vương và Tâm sở là bất khả phân , chúng là một cái này , là cái kia... phân biệt chỉ để quan sát và thấy được quy luật vận động của tâm lý .Tâm vương có 89 tâm chia làm 4 loại :
. Dục giới tâm : là tâm lý thông thường đủ thất tình lục dục .
. Sắc giới tâm và
. Vô sắc giới tâm : là tâm của thiền định .
. Siêu thế giới tâm : là tâm của bậc giác ngộ an trú Niết bàn .
Về tính chất tâm vương có 4 lãnh vực :
. Tâm thiện .
. Bất thiện tâm .
. Dị thục tâm .
. Duy tác tâm .
( Dị thục tâm là tâm kết quả , có sẵn do đời trước đưa đến và mặc định như thế . Duy tác là tâm không đưa đến kết quả gì đó là tâm của bậc thánh ).Tâm sở có 52 tâm chia làm 4 nhóm :
. Tâm sở biền hành có 7 : là những tâm lý có mặt khắp mọi hoạt động của tâm
. Tâm sở biệt cảnh có 6 : là những tâm lý chỉ có mặt theo từng đối tượng tương ứng .
. Tâm sở bất thiện có 14 : là những tâm lý ô nhiễm rối loạn và tạo khổ đau .
. Tâm sở thiện có 25 : là những tâm lý tốt đẹp phù hợp với an lạc và giải thoát .
Niết bàn là những pháp không mang tính vô thường và đau khổ , là pháp không tuỳ thuộc vào các điều kiện . Tự tính an tịnh , vắng lặng . Có 2 loại :
. Hữu dư y Niết bàn : Là Niết bàn khi còn thể xác .
. Vô dư y Niết bàn : là Niết bàn khi đã viên tịch , thể xác không còn .II. CÂU XÁ LUẬN : ( Abhidharma- Kosa )
Câu xá luận do Ngài Thế Thân ( Vasubhandhu ) soạn vào đầu thế kỷ thứ 5 , khá trễ so với Thắng pháp . Câu xá luận là bộ luận đúc kết tư tưởng của các luận thư thuộc bộ phái Nhất thiết hữu bộ , một bộ phái có ảnh hưởng lớn đối với nền văn học Phật giáo .
Dựa trên giáo lý Tứ Đế , năm uẩn , mười hai xứ , mười tám giới , Câu xá luận thiết lập hệ thống luận lý cuả mình :" Ngã không pháp hữu".
Các pháp được phân biệt theo Câu xá luận thành 5 lãnh vực : Sắc pháp, tâm vương , tâm sở, tâm bất tương ưng và vô vi pháp .
. Sắc pháp có 11 : gồm 5 giác quan , 5 đối tượng của giác quan , và vô biểu sắc .
. Tâm vương : là khả năng nhận thức , chỉ có một ( bao gồm cả 6 thức ) .
. Tâm sở : các hiện tượng tâm lý gồm 46 pháp .
. Tâm bất tương ưng hành có 14 : là những pháp tạo tác từ sắc và tâm .
. Vô vi pháp có 3 : là những pháp không có điều kiện , gồm Trạch diệt vô vi, Phi trạch diệt vô vi , và Hư không vô vi .
Như vậy nói vắn tắt các pháp có 2 : Một là hữu vi . Hai là vô vi . Năm uẩn bao hàm hết 72 pháp hữu vi : Sắc 11 , Thọ 1 , Tưởng 1 , Hành 58 , Thức 1 ( tâm vương ) .Về mặt tính chất cũng phân chia tâm lý theo các lãnh vực khác nhau :
. Đại địa pháp có 10 : tương đương với biến hành tâm sở .
. Đại thiện địa pháp có 10 : tức là các tâm lý tốt đẹp , hiền thiện .
. Đại phiền não có 6 : tương đương với các căn bản phiền não trong Duy thức và bất thiện tâm sở của Thắng pháp .
. Đại bất thiện có 2 : tâm lý bất thiện phổ biến như vô tàm , vô quý .
. Tiểu phiền não có 10 : tương đương với Tuỳ phiền não .
. Bất định pháp có 8 : là những tâm lý không định rõ là thiện hay ác .III. DUY THỨC HỌC :
Hệ thống Duy thức thuộc Đại thừa , nhưng do Ngài Thế Thân phát triển và hoàn chỉnh nên phân tích tâm lý vẫn dựa trên cơ sở Câu xá luận , chỉ có sự khác biệt là sáng tạo thêm 2 thức là thức thứ 7 ( Mạt na ) và thức thứ 8 ( A lại da ). Duy thức coi thức A lại da là thức căn bản .
Các pháp được phân thành 5 lãnh vực giống như Câu xá , gồm có :
. Sắc pháp có 11 .
. Tâm vương có 8 .
. Tâm sở có 51 .
. Tâm bật tương ưng hành có 24 .
. Vô vi pháp có 6 .
Tính chất khác nhau của hiện tượng tâm lý được chia ra 5 nhóm :
. Biến hành có 5 .
. Biệt cảnh có 5 .
. Thiện tâm có 11 .
. Căn bản bất thiện có 6 .
. Tuỳ phiền não có 20 .
. Bất định có 4 .
So sánh với Thắng pháp và Câu xá , Duy thức có những điểm tương đồng và dị biệt như sau :
Tâm vương : Duy thức có 8 , Câu xá có 1 ( bao gồm 6 thức ) Thắng pháp có 89 ( hay 121 ) Câu xá cho là một vì nhìn về tâm vương một cách tổng quát , còn Thắng pháp thì nhìn một cách chi tiết . Riêng đối với Duy thức tăng thêm 2 tâm vương Mạt na và A lại da , bởi lẽ :1. Mạt na :
Ý thức hoạt động mặt nổi với các đối tượng bên ngoài hay bên trong, và có lúc Ý thức không hoạt động như trường hợp ngũ say , chết giấc . Vậy phải có thức tồn tại liên tục làm nền tảng cho Ý thức hoạt động khi đủ điều kiện ( như thức dậy ) . Thứ đến thức làm nền tảng ấy phải có những tính chất gần gũi với Ý thức và ít nhất cũng phải có những dấu hiệu để nói lên sự có mặt của nó .
Thức Mạt na sẽ giải quyết 2 vấn đề trên . Đối với vấn đề làm chổ dựa cho Ý thức thì Mạt na còn có cái tên khác là Ý căn ( căn cứ của ý thức ) , Từ ngữ Ý là dịch từ Manar mà ra . Luận Câu xá đã giải quyết vấn đề chổ dựa củaÝ thức là Ý căn , gọi Ý căn là tâm vương . Ý căn không chỉ làchổ dựa của Ý thức mà còn là chổ dựa của 5 thức cảm giác ( nhãn thức... ) Ý căn có 2 khả năng : Một là làm nối tiếp sinh mạng . Hai là tự tại vận hành dẫn dắt chúng sinh đi vào lục đạo . Khái niệm về ý căn là phát triển rộng hơn từ khái niệm Hữu phần thức ( Bhavanga ) của Thắng pháp , đến Duy thức thì Ý căn được chuyển mình thêm một bước thành Mạt na , nó mang thêm chức năng mới , đó là năng lực chấp ngã .
Chấp ngã hay là bản năng tự vệ nằm sâu trong tiềm thức của con người nhưng nó cũng biểu hiện rõ nơi các hiện tượng tâm lý : Tính cố chấp , ngã mạn , bảo thủ , vướng mắc ... chấp ngã là dấu hiệu của thức Mạt na , và chấp ngã là cái tồn tại liên tục và tức thời .
2. A lại da :
Nếu Ý thức là hoạt động tâm lý mặt nổi và Mạt na là căn cứ của ý thức với tính chất chấp ngã . Vậy có cái ngã nào cho Mạt na chấp thủ và có cái gì lưu trữ toàn bộ hoạt động của thân , khẩu , ý và sự vận động của nhân quả , nghiệp báo như thế nào ? Thức A lại da là một năng lực bảo tồn tất cả mọi năng lực của sự tồn tại . A lại da là thức tổng thể và rất khó nhận thức . Thành lập thức thứ 8 Duy thức mở ra được lối thoát cho hệ thống tâm lý học Phật giáo .
- Vấn đề Niết bàn - vô vi :
Thắng pháp đưa ra 2 pháp Niết bàn là Hữu dư y Niết bàn và Vô dư y Niết bàn . Câu xá luận thì chia thành 3 pháp vô vi : Hư không vô vi , Trạch diệt vô vi , và Phi trạch diệt vô vi .
Hư không vô vi : Hư không , gọi là vô ngại , tính không chướng ngại vật khác và không có vật nào chướng ngại mình , hư không vô vi là thể tánh của mọi vật phi nhân duyên .
Trạch diệt vô vi : Trí tuệ giản trạch đoạn trừ lậu hoặc thành tựu Niết bàn . Niết bàn ấy phi nhân duyên .
Phi trạch diệt vô vi : các pháp không đủ duyên nên không tồn tại , không tồn tại nên không huỷ diệt . Nó không được trí tuệ giản trạch nên gọi là phi trạch diệt .
Như vậy Câu xá đưa vào hư không và phi trạch diệt , còn trạch diệt vô vi tương đương với Niết bàn .
Duy thức tăng thêm 3 pháp vô vi là : Bất động diệt vô vi , là trạng thái bất động của thiền thứ tư . Thọ tưởng diệt vô vi , là định diệt thọ tưởng của vị A La Hán , và chân như vô vi là pháp chân thật , là Niết bàn .
Tuỳ theo quan điểm mà pháp vô vi tăng hay giảm nhưng điều chung nhất đều coi Niết bàn là pháp vô vi .
Các sự khác biệt không phải là đối kháng , ngoài ra Sắc pháp và Tâm sở không khác nhau mấy , phần lớn là tương đồng.
Source : Ðạo Phật Ngày Nay
[ Trở Về ]