Người Cư Sĩ [ Trở Về ] [Trang Chủ]
Bồ Tát Ðạo Thích Trí Quảng
Trên căn bản biết rõ 3 đời như vậy, Bồ tát nhìn một người, biết được quan hệ giữa mình và người như thế nào, thấy rõ căn tánh, thánh nghiệp, khả năng, ham muốn của người nên Bồ tát giáo hóa hoàn toàn tự tại. Bồ tát Nan Thắng địa trải qua quá trình an trú trong thế giới thiền định, tâm trở thành trong sáng, trí tuệ phát sanh, luôn thấy chính xác diễn biến của sự vật bên ngoài, bước qua địa thứ 6 trong Thập địa gọi là Hiện Tiền địa. Ở vị trí này, Bồ tát thường hiện thân làm Hóa Lạc Thiên vương, ở cõi trời Hóa Lạc. Trước khi đạt đến trình độ tu chứng của đệ lục địa, hành giả giáo hóa lúc đúng, lúc sai, nên còn bị chống đối. Trên bước đường tu, chúng ta cần cân nhắc điều này. Vì chưa hiểu biết chính xác chúng ta thường nhận lầm đối tượng. Thấy người dễ thương, ta sanh tâm quý mến, muốn dìu dắt họ. Cách giáo hóa của chúng ta như vậy chỉ do cảm tính mà thôi.
Trái lại, Bồ tát Hiện Tiền địa đối với sự vật dù ở quá khứ, hiện tại, vị lai, đều có thể thu về một niệm. Trên căn bản biết rõ 3 đời như vậy, Bồ tát nhìn 1 người, biết được quan hệ giữa mình và người như thế nào, thấy rõ căn tánh, hành nghiệp, khả năng, ham muốn của người nên Bồ tát giáo hóa hoàn toàn tự tại, không mệt mỏi, buồn phiền, chướng ngại.
Các Bồ tát tiến bước tu hành từ sơ địa đến lục địa, ở mỗi một địa tu một pháp ba la mật cho đạt kết quả cao nhất. 5 pháp còn lại thì tùy khả năng, hoàn cảnh mà tu nhiều ít có khác nhau. Ðiều này gợi cho chúng ta một ý rất quan trọng về vấn đề chuyên tu. Thật vậy, trong các kinh điển Ðại thừa thường minh họa hình ảnh các vị Bồ tát, mỗi vị chuyên tu một pháp. Ðiển hình như Bồ Tát Quan Thế Âm chuyên tu về Pháp lắng nghe tiếng kêu cứu của chúng sanh đau khổ ở trên cuộc đời, đến mức độ cao, chứng được nhĩ căn viên thông. Từ hạnh tu đó mà Ngài thành danh là Quan Thế Âm.
Mỗi vị Bồ tát chuyên tu một pháp ba la mật trong một đời hay nhiều kiếp và thành tựu pháp ấy rồi, tiến sang thực hành các pháp khác. Trên tinh thần đó, kinh Hoa Nghiêm đưa ra mô hình hành đạo của Bồ Tát phải tu nhiều hạnh, trải qua nhiều kiếp. Mỗi kiếp hoàn thành được một hạnh, một số công việc nào đó và đạt được một số hiểu nhất định. Những việc khác, tùy thân phận làm được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Việc chưa được, hành giả để kiếp sau hay nhiều kiếp sau nữa tiếp tục làm. Ðối với người tu Ðại thừa, không nghĩ đến việc giải quyết xong trong một kiếp. Công đức của kiếp này sẽ làm nhân cho kiếp sau tiến tu cứ như vậy mà tiến bước trên lộ trình Bồ tát đạo cho đến ngày thành Phật mới hoàn tất.
Riêng tôi tâm đắc về lợi ích của pháp chuyên tu, nên từ lúc trẻ, trong tam tạng Kinh, Luật, Luận, tôi đã chọn kinh bộ. Trong kinh bộ, tôi lại chuyên về kinh Ðại thừa, và trong kinh Ðại thừa tôi chuyên tu về kinh Pháp Hoa. Càng đi sâu về phần chuyên của mình, chúng ta càng dễ nắm bắt phần cốt lõi và những điểm đặc sắc.
Mặt khác khi tu chuyên như vậy Bồ Tát phải tìm chỗ khác nhau để tu. Chính vì vậy mà Kinh Hoa Nghiêm phân định rõ vị trí của Bồ tát từ sơ địa đến đệ lục địa làm tiểu vương, Chuyển luân Thánh Vương, đến Ðao Lợi Thiên Vương, Ðâu Xuất Ðà Thiên vương và cuối cùng đỉnh cao nhất là Hóa Lạc Thiên vương. Vì vậy Bồ tát tu 6 pháp ba la mật từ sơ địa đến lục địa phải tìm 6 chỗ khác nhau để thực hiện và tìm đúng chỗ, không phải chỗ nào cũng được. Thí dụ như từ khởi đầu muốn tu Hoan Hỉ địa phải nhập cuộc vào trần thế, rèn luyện tư cách của tiểu vương hay lãnh tụ huy động được sức mạnh của mọi người và có tâm hoan hỉ như thế nào mà người sẵn sáng đồng lao cộng khổ, sống chết với Bồ tát, tạo sức mạnh giữ vững đất nước. Nhờ hành đạo trong môi trường đầy thử thách đó, Bồ tát thành tựu được tư cách lãnh tụ của Bồ tát sơ địa, hoàn thành hạnh bố thí và hoan hỉ.
Rèn luyện ở trần thế từ tiểu vương đến Chuyển luân Thánh vương, Ðao Lợi Thiên vương, Bồ tát tu phước và tổng hợp được lực của mọi người. Bấy giờ tiến tu thiền định, phải lên cõi trời Ðâu Xuất Ðà Thiên mới là cảnh thích hợp, không thể tu thiền định ở chợ. Giai đoạn đệ lục địa, tu trí tuệ, Bồ tát cũng cần phải thực tập ở môi trường mà kinh gọi là Hóa Lạc Thiên vương. Trên lộ trình Bồ tát đạo, hành giả dấn thân trải qua năm chặng đường cố gắng rèn luyện cho thành tựu các pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, hiền định cũng chỉ nhằm đạt đến mục tiêu chứng được Bát Nhã ba la mật hay trí tuệ của Bồ tát Hiện Tiền địa. Bấy giờ, cảnh vật tùy tâm niệm Bồ tát mà hiện ra tương ứng và thấy biết hoàn toàn chính xác.
Kinh Bát Nhã chấm dứt ở đỉnh cao là Bát Nhã ba la mật. Tuy nhiên theo kiến giải của kinh Hoa Nghiêm từ thành quả chơn không của Bát Nhã hiện ra diệu hữu nên kinh Hoa Nghiêm triển khai thêm 4 pháp ba la mật. Vì vậy thành tựu sáu pháp ba la mật rồi, Bồ tát tiếp tục hành xử 4 pháp còn lại là phương tiện, nguyện, lực, trí.
Theo tinh thần Hoa Nghiêm, nếu chỉ quán Bát Nhã rồi trụ ở chơn không, hành giả sẽ tách rời thực tế, không biết gì về cuộc đời. Thực tế cho thấy nhiều người tu có đời sống cách ly xã hội, họ không còn hiểu gì về cuộc đời. Kinh Hoa Nghiêm không muốn chúng ta rơi vào ngõ cụt đó, nên vẽ ra con đường nối tiếp chơn không của Bồ tát là diệu hữu.
Với quá trình từ sơ địa đến lục địa trải qua sáu cấp bậc, giúp cho Bồ tát chuẩn bị tư lương thật đầy đủ. Ðến Hiện Tiền địa, đạt được hiểu biết chính xác hoàn toàn. Từ đó Bồ tát mới có đủ sức lực, trí khôn dấn thân hành đạo xa hơn, bước qua địa thứ bảy gọi là Viễn Hành địa.
Nhờ thực chứng chơn không ở đệ lục địa nên hiện ra chân thật tướng hay chân thật pháp. Từ tướng chân thật đó, Bồ tát Viễn Hành địa khai ra phương tiện độ chúng sanh gọi là phương tiện huệ. Bồ tát phải có phương tiện huệ để khai phương tiện mới có thể giải quyết tốt đẹp mọi việc trên đường hành đạo. Bồ tát biết khai phương tiện nghĩa là vì chúng sanh không thể hiểu được pháp chân thật nên Bồ tát phải mượn điều gì đó gần giống như pháp chân thật cho họ hiểu, để cuối cùng dẫn về mục tiêu giải thoát.
Khi Bồ tát Viễn Hành địa sử dụng được vô số phương tiện huệ để giáo hóa chúng sanh, khiến họ cảm đức hạnh Bồ tát mà phát tâm tu, bồ tát chuyển qua giai đoạn tu đệ bát địa gọi là Bất Ðộng địa. Ở vị trí này, Bồ tát không bao giờ thoái chuyển, tâm hoàn toàn an trụ pháp KHÔNG, không cần cử thân động niệm nhưng công đức của Bồ tát giáo hóa được chúng sanh khắp mười phương. Phật tới chúng ta thấy rõ các vị Hòa thượng tôn túc không đi giáo hóa nhưng nhờ công đức tu tạo truyền đến Phật tử, họ cảm đức từ bi, nghe danh của chân tu mà tự phát tâm bồ đề.
Bồ tát đệ bát địa tu nguyện ba la mật, chỉ khởi tâm thương người, cứu người thì người được cứu, không phải cưú bằng hành động. Thành tựu được tư cách Bồ tát Bất Ðộng địa, A Lại Da Thức sẽ đổi thành Bạch Tịnh thức, tức không còn vấn đề tồn tại trong tâm trí. Bồ tát hoàn toàn an lạc giải thoát như A La Hán mà vẫn giáo hóa, cứu độ chúng sanh, khác với giải thoát của nhị thừa phải sống cách biệt chúng sanh.
Từ trạng thái tâm hoàn toàn yên tĩnh, không giáo hóa chúng sanh mà chúng sanh được độ thoát, nên thế giới Phật mở ra cho Bồ tát. Ðây là điểm quan trọng chuyển từ đệ bát địa sang đệ cửu địa. Ðến vị trí này, Bồ tát thấy Phật, nghe Phật thuyết pháp, tiếp thu trực tiếp Phật Huệ, lý giải được việc trên cuộc đời nên có được hiểu biết giống y Phật gọi là Thiện Huệ địa Bồ tát. Ở địa thứ 9 này, Bồ tát Thiện Huệ chứng được lực ba la mật hay nối khác, các Ngài đã lãnh hội được 10 lực của Như Lai.
Bồ tát sử dụng được lực Như Lai để giáo hóa nên biến việc làm của Bồ tát thành việc làm của Phật, đó mới thật là Phật sự. Ðiều này gợi cho chúng ta suy nghĩ tại sao chúng ta thường nói làm Phật sự nhưng lại kết thành quả báo không tốt. Thiết nghĩ không khéo chúng ta đã nhận lầm ma sự là Phật sự. Nhìn chung, ai làm Phật sự nhưng khởi phiền não nhiều, chắc chắn họ đã rơi vào ma sự vì không sống trong pháp Phật, tức không thể làm việc của Phật. Kinh ghi rõ Bồ tát Bất Ðộng địa làm Phật sự bằng tâm hoàn toàn thanh thản, giải thoát nhưng vẫn cứu độ chúng sanh. Ðến Bồ tát Thiện Huệ địa sử dụng Như Lai lực giáo hóa chúng sanh. Như Lai không từ đâu đến và không đi về đâu, Ngài ở trạng thái như bất động vẫn giáo hóa được chúng sanh. Ðiều này tôi nhận ra trên thực tế. Khi vào Thiền đường, thấy các vị Thiền sư đạo cao đức trọng, không làm gì, không sai bảo ai, nhưng lực của Ngài tỏa ra bao trùm sinh hoạt của Thiền đường, khiến đại chúng tự an vui, giải thoát, hòa hợp, việc đâu vào đó.
Bồ tát đệ bát địa giáo hóa bằng đức hạnh và Bồ tát đệ cửu địa giáo hóa bằng tâm, sử dụng Như Lai lực để giáo hóa. Như Lai lực là lực của đại chúng, lấy lực của đều tu hành nghiêm mật nên đàn việc phát tâm cúng dường nhiều hơn. Vì vậy Như Lai lực mỗi ngày tự phát triển đến độ cao, người ngoài không thể hiểu nỗi, là chuyển qua đệ thập địa gọi là Pháp Vân địa, ví như mây trùm khắp hư không pháp giới, không còn hạn lượng nào, đạt đến viên mãn đạo Bồ đề.
Pháp Vân địa chứng được trí ba la mật là đỉnh cao của Hoa Nghiêm, trong khi Bát Nhã ba la mật ở vị trí đệ lục địa cũng là trí nhân thuần lý. Trí ba la mật của Hoa Nghiêm là lý và trí bất nhị, đưa Bồ Tát đi vào pháp giới. Lúc ấy Bồ tát dùng trí thân quán pháp. Các pháp biến thành thân Bồ tát nên Pháp thân và Trí thân kết hợp lại thành một, đưa về nhất nguyên viên mãn. Từ đó, Bồ tát thâm nhập pháp giới của Hoa Nghiêm. Tóm lại, lộ trình Bồ tát đạo từ Sơ địa đến Thập địa là 10 cấp bậc tu chứng của Bồ tát được quy định trong kinh Hoa Nghiêm. Trên đường tiến tu đến quả vị Vô thượng Ðẳng giác, Bồ tát phải thiết thân kiểm nghiệm trong cuộc sống tu hành, tạo được thành quả tu chứng một pháp nào làm nhân cho pháp tu kế tiếp, đến khi thành tựu viên mãn cả 10 pháp của thập địa. Ðó là quá trình Bồ tát phải trải qua không đơn giản, xả thân vô số kiếp mà kinh ghi là 3000 đại kiếp.
Vì vậy pháp tu của Bồ tát không phải là chuyện lạm bàn của phàm phu và cũng không thể dùng ngôn ngữ diễn bày cho đúng. Thiết nghĩ những kiến giải về Bồ tát đạo mà chúng tôi trình bày chỉ là phương tiện có thể giúp phần nào cho những ai có niềm tin sâu dày và nhân duyên căn lành với kinh Hoa Nghiêm, sống được với thế giới mầu nhiệm bất tư nghi của Tỳ Lô Giá Na, trong một phút giây nào đó, cũng quý lắm thay.
Thích Trí QuảngTrang Web nầy được nhóm Phật Tữ VN HNH Sưu tập, thiết kế và trình bày
Source : Trang Lotus Net
[ Trở Về ]