Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang Chủ]

Thân xác trong đạo Phật:
Chúc bạn thân tâm an lạc !
Bùi Mộng Hùng
Bạn có thấy quái dị không, cái câu người Phật tử thường dùng để chúc nhau này? Chúc an lành thì cho là phải đi. Nhưng sao lại thân tâm ? Mà thân lại trước tâm cơ đấy! Một tí ti thôi, nhưng dù sao cũng là trước!

Cái trái khoáy này chính xuất phát từ một điểm căn bản trong tinh thần Phật giáo - và trong truyền thống tư tưởng phương Ðông: không tách rời đối lập thân với tâm, vật chất với tinh thần. Quan điểm trái ngược với truyền thống Tây phương đã rõ nét từ thời cổ Hy Lạp với Platon, Aristote, thế kỷ thứ 4 trước công nguyên.

Một trực quan tiên thiên. Nhưng đây chỉ là một trò chơi lý trí, là chuyện trời biển đem ra bàn suông lúc trà dư tửu hậu, hay nó ảnh hưởng thực sự đến đời sống hàng ngày? Nó ảnh hưởng gì vào cái câu hỏi mà ai ai cũng có lúc phải lòng tự vấn lòng: "Sống như thế nào đây?". Và nếu có, thì ảnh hưởng cách nào? Cơ chế tác động từ đâu ra, như thế nào?

Xét cho cùng sức sống một tinh thần, một tư tưởng tuỳ thuộc khả năng nó thâm nhập vào nếp sống thường ngày. Ngược lại, ngày nào tinh thần một truyền thống còn thể hiện ra sinh động trong đời sống cộng đồng thì truyền thống đó còn sống. Nếu không thì cho có cao đẹp đến đâu, nó cũng chỉ là một cái đẹp đã chết. Chôn trong ký ức, cất trong bảo tàng.

Chính vì vậy vào thời buổi dân tộc ta cần rà xét lại vốn liếng văn hóa truyền thống mà Phật giáo là một thành phần cội rễ, tìm cách hội nhập và phát huy chúng trong một nền văn hóa hiện đại, việc bạn và tôi, chúng ta cùng nhau xem lại sức sống của một nét đặc trưng tinh thần đạo Phật, tinh thần Ðông phương chẳng phải chuyện thừa.

Có điều, đặt vấn đề kiểu hiện sinh này - thể hiện tinh thần trong nếp sống hàng ngày chẳng là hiện sinh đứt đuôi rồi, còn chối cãi gì nữa - chúng ta vấp vào một vấn đề phương pháp. Không lẽ lại đi lục sách cũ tầm chương trích cú đem cặn bã của người xưa - dù cho là Phật là tổ - ra mà nói chuyện nơi đây và bây giờ?

Chỉ còn cách rút từ kinh nghiệm sống thật do bản thân tập luyện một số kỹ thuật thân xác của Phật giáo và của truyền thống phương Ðông. Nhìn lại kể ra thấm thoắt cũng đã gần ba mươi năm rồi. Với ý thức rõ rệt về những giới hạn của cách làm này.

Thân trước tâm, tại sao?

An lạc, yên vui, ai chẳng muốn. Nhưng khoan nói tới chuyện vui, chỉ mới bàn đến cách làm cho lòng yên là mắc hóc búa ngay rồi! Xưa đã chả có người than với một nhà hiền triết: "Tâm tôi không sao yên được, làm thế nào đây?". Ðể được nghe đáp lại: " Chú cứ đem cái tâm của chú lại, tôi sẽ làm nó yên ngay cho chú. "

Làm sao tóm được cái tâm? Một khi đã không tách rời tiên thiên tâm với thân thì có thể nảy ra cái ý: "Dựa vào tác động qua lại giữa thân xác và tâm hồn. Nắm lấy thân xác!"

Thật ra, vậy đã là quá phức tạp rồi. Áp dụng vào thực tế còn phải đơn giản hơn một bực. Phương pháp nhà Phật giản dị vô cùng: thở vào thì ý thức rằng mình đang thở vào, thở ra ý thức thở ra.

Chỉ có thế thôi. Chẳng khác quả trứng của Christophe Colomb, dễ ợt khi có người rỉ tai cho mình biết giải pháp là gì. Trong khắp thân xác, cái khâu tự động nhưng dễ ý thức nhất là hơi thở. Xin bạn ghi nhớ cho cái quan niệm ý thức này nhé! Ý thức, ý thức và ý thức. Chỉ có thế thôi, không hơn không kém.

Trên thực tế, ý thức được hơi thở là bước đầu ý thức thân xác. Thở vào biết thở vào, thở ra biết thở ra, hơi thở đi tới biết nó đi tới đó. Người tập trong ít lâu ý thức rõ rệt rằng trong giai đoạn thở vào lồng ngực dãn ra, trong giai đoạn thở ra lồng ngực xẹp xuống. Và - điều rất quan trọng - trong giai đoạn này cơ bắp ở ngực, cột sống, vai, cổ, theo luồng hơi thở ra mà thư duỗi. Ý thức được hơi thở đi đến đâu tức là ý thức được sự thư duỗi của thân xác tới đó. Này, các bạn cứ làm thử mà coi, gồng mình rất dễ, nhưng mà thư duỗi thân mình, khó hơn nhiều!

Thân thể thư duỗi, nhịp thở chậm bớt, hơi thở sâu hơn, lòng tự nhiên yên ắng bình thản. Lòng càng yên, thân càng thư duỗi, nhịp thở càng chậm lại. Cứ thế, cứ thế, cái vòng tác động qua lại giữa hơi thở, thân, tâm, đưa toàn diện con người vào một trạng thái tĩnh lặng bình thản, mỗi ngày mỗi sâu hơn. Chú ý hơi thở rốt cuộc đưa đến ý thức thân xác, tĩnh lặng thân tâm. Có phương pháp chỉ ý thức thân xác mà thôi như của phái thiền Tào động, kết quả cũng tương tự như chú ý hơi thở. Tuy nhiên, chú ý thân xác ngay bước đầu, đa số thấy khó tập hơn là ý thức hơi thở.

Ði vào nếp sống thường ngày

Anh ngồi yên bình thản, thôi thì là chuyện tốt cho anh đi. Nhưng con người, nào có được ngồi bình thản mà sống đâu! Có trốn, cuộc sống nó cũng nắm cổ lôi anh vào trận. Cái chính là đời sống hàng ngày chứ nào phải những khoảnh khắc bình lặng, trốn sống!

Cái ý niệm không thể tìm sự thật đâu ngoài cuộc sống - nói một cách cao siêu triết học trong Phật giáo Ấn Ðộ như lời khẳng định của Nagarjuna (Long Thọ bồ tát): "Niết bàn là luân hồi, luân hồi là niết bàn." - cũng được Phật giáo Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam nhắc đi nhắc lại bằng cách nói là là mặt đất. Xin lấy một ví dụ Việt Nam, gần gũi với chúng ta hơn. Bài Phật tâm cacủa Tuệ Trung thượng sĩ Trần Tung đời Trần có câu:
                    Ði cũng thiền
                    Ngồi cũng thiền...
                    (Hành diệc thiền,
                    Tọa diệc thiền)
Nhưng mà, nói thiền thì đao to búa lớn quá mất rồi. Chúng ta trở về với ngôn ngữ dân gian, với một từ đôi mà ai ai cũng biết: động lòng. Tây phương cho rằng nơi cư trú của tâm thần, của tình cảm là con tim. Ta thì cho là ở lòng, ở bụng.

Người tập lâu, hơi thở sâu, thở đằng bụng, đó là vì hơi thở chủ yếu bằng cơ hoành - cái cơ bắp ngăn lồng ngực với bụng. Và ngay cả trong khi đi, đứng, hoạt động, người đó ý thức được trạng thái căng thẳng hay thư thái của thân xác, ý thức hơi thở phớt chạm nơi một điểm sâu trong bụng. Tới đây mới thấy là nhận xét dân gian xác đáng làm sao! Ta biết tim ra sao! biết nói trống ngực chớ phải không đâu! Nhưng mà đợi nghe trống ngực thùm thụp thì phải đã là giận đỏ mặt tía tai, hoặc sợ xanh mắt rồi. Trái lại, mới tí ti tham muốn, chút xíu yêu, ghét, lo, sợ, hờn, giận là đã động lòng, đã bụng dạ xốn xang ngay. Người quen ý thức hơi thở, thân xác, thì trước khi cái lo, sợ, giận, ghét, hiện rõ trong trí não đã cảm nhận thấy nơi bụng mình hơi thở gấp, ngắn, cơ thể có phần căng thẳng.

Sinh học đã biết và tìm hiểu hiện tượng này là từ khá lâu. Thân xác mà ta thừa hưởng của thú vật hoang dã phản ứng nhạy vô cùng. Một tiếng động lạ tai, một hình ảnh khác thường, một ý niệm hành động vừa chớm, là toàn thể cơ thể đã chuẩn bị ngay tức khắc: hơi thở gấp hơn, tim đập nhanh hơn, áp huyết cao lên, một loại hocmon được trút vào giòng máu, trí não, cơ bắp căng thẳng. Tất cả để cho sẵn sàng lao vào hành động. Nhưng là một loại phản ứng rất đơn điệu: thú rừng không có nhiều lựa chọn, sừng sộ thủ thế để rồi hoặc sấn sổ tấn công hoặc quay lưng vụt chạy.

Khi tôi theo thầy học võ, trong Nam có truyền thống dạy thế đánh hổ. Cọp rất sống trong ký ức cái miền "dưới sông sấu quậy, trên bờ cọp um" vào một thời chưa mấy gì xa xôi. Thầy nào cũng căn dặn học trò: "Cọp dữ, mạnh, lanh lẹ vô cùng, vậy mà đánh với nó không khó lắm, ta đoán được nó tấn công thế nào. Ðấu với người mới thật là khó, không lường nổi sẽ đánh ra sao". Ðấy, đương đầu với hổ dữ trong rừng vậy mà tương đối giản đơn, trong xã hội loài người thì khác: phải ứng phó với những cái không đoán trước được. Cần phải có thái độ cởi mở, không thành kiến.

Khốn nỗi, thân xác con người lại vẫn giữ nếp thú rừng: chỉ có một loại phản ứng đơn điệu. Hocmon, áp huyết, nhịp tim, nhịp thở, cơ bắp, trí não, tất cả chỉ biết chuẩn bị cho thái độ đã định hướng: sừng sộ, sợ hãi. Thế thôi, chấm hết. Mà chính những trạng thái cơ thể đó lại là nền tảng ngầm cho thái độ, hành vi đời sống thường ngày. Konrad Lorenz, người sáng lập tính học (éthologie, nghiên cứu thói quen ứng xử các loài thú), giải Nobel, nhận định rằng hung hăng là bản năng của thú, của người. Tuy nhiên, có những cơ chế bẩm sinh ngăn chặn không cho thú dữ giết hại đồng loại. Riêng con người vốn chân yếu tay mềm không được thiên nhiên phú bẩm loại cơ chế này. Tài nghệ chế tạo vũ khí ghê gớm bao nhiêu càng rõ cái hung bạo bẩm sinh đưa con người lạc xa bấy nhiêu cái chức năng nguyên thuỷ vốn có lợi ích của bản năng đó trong thiên nhiên (L'agression, une histoire naturelle du mal, Hung bạo, một vạn vật học về cái ác, Flammarion, Paris 1969).

Người quen chú ý hơi thở rất nhạy với những biến chuyển về nhịp, về độ sâu hơi thở và vì vậy mà vô cùng bén nhạy với những "động lòng" của mình, "nó" đến, trụ lại, đi qua, gần như chuyện xảy ra cho một kẻ khác. Và, chỉ điều chỉnh hơi thở cho trở lại bình thường, chậm và sâu, thư duỗi cơ bắp đang căng thẳng là đưa sợ hãi, giận giữ, tham muốn trôi theo hơi thở mà đi. Không ngăn chặn, không đè nén. Tự nhiên thân xác ở vào một trạng thái bình thản, với tiềm năng ứng phó muôn mặt muôn màu.

Phải nói rằng thư duỗi cơ thể có khác một số kỹ thuật thư dãn (relaxation) Tây phương. Với những kỹ thuật này, cơ bắp trong trạng thái nghỉ xả, xuôi xị gần như trong khi ngủ, không phát khởi hoạt động tức khắc được. Trái lại, cơ thể thư duỗi do chú ý hơi thở ở trong một tư thế nhạy bén, tích cực sẵn sàng. Như một bình ắc quy tích điện tràn đầy, lúc nào cũng có thể phóng điện như chớp giật. Khác hẳn thứ ắc quy xẹp điện trong thư dãn xuôi xị.

Trong trạng thái an nhiên của thân và tâm, cảm xúc có những nét "khác". Không gian thân xác như không giới hạn bởi làn da mà toả rộng ra, hoà vào không gian thế giới xung quanh. Vốn quen nhận xét những biến đổi vi tế trong thân tâm bản thân mình, thân và tâm tĩnh lặng rất nhạy bén với những dấu hiệu nhỏ nhặt, trong hơi thở, giọng nói, cử chỉ, thái độ của người, thành một thứ trực cảm. Như dã thú nhìn qua là biết sư tử đi săn hay không, tức khắc báo động chạy trốn hoặc cứ nhởn nhơ bình thản. Vì vậy, trong quan hệ cái cảm thông với người cũng "khác", tương tự cái mà Jean François Billeter đã mường tượng thấy trong Trang Tử (Etudes sur sept dialogues du Zhuangzi, Nghiên cứu về bảy đối thoại trong Trang Tử, Etudes Chinoises, Vol XIII, số 1-2, 1994, Paris, tr. 295-343). Tiềm năng mà phương pháp giáo dục nặng về lý trí hiện nay ngày càng làm thui chột mất đi.

Phương pháp nhà Phật chuyển hóa định luật truyền kiếp từ thời thú rừng, đổi sơ đồ phản ứng định hướng bẩm sinh của thân xác con người ra tư thế an nhiên mở rộng đi đôi với tinh thần không thành kiến để tiếp nhận hiện tại, vốn là một tình huống mới lạ trong bản chất.

Ðặc trưng của đạo Phật ở chỗ nào?

Trực cảm không tách rời thân và tâm có trong nhiều hệ tư tưởng Ðông Phương, Ấn Ðộ cũng như Trung quốc, chẳng phải độc quyền của Phật giáo. Vậy thì đạo Phật khác người ở chỗ nào?

Nhiều phái võ, nhất là các phái nội gia, áp dụng triệt để chú ý hơi thở, thân và tâm trong kỹ thuật. Thân xác thư duỗi là cơ sở của sức mạnh khi ra đòn, của sức chịu đựng khi hứng đòn. Họ biết rõ rằng duỗi cánh tay ra là có những cơ bắp chủ vận duỗi ra nhưng đồng thời cũng phối hợp với những cơ đối kháng co giữ lại. Lên gân cứng cho cảm tưởng là đánh ra mạnh lắm, nhưng thực sự thì các cơ đối kháng thắng chậm tốc lực cánh tay, chỉ tổ phí năng lượng vì sử dụng quá nhiều cơ bắp mà lại là để cản trở. Trái lại, biết cách thư duỗi thì thấy vẻ như mềm mại đó nhưng cánh tay vung ra với tốc lực thật cao vì giảm đến tối thiểu sức thắng chậm lại của cơ bắp đối kháng. Võ thuật chưa bao giờ nghe đến phương trình:
        Năng lượng E=1/2 (khối lượng m) (tốc độ)²

nhưng biết tăng sức đòn tung ra bằng cách tận dụng cái quy luật năng lượng tăng theo tỷ lệ thuận với bình phương của tốc độ, thêm vào đó thay vì chỉ dùng khối lượng của riêng cánh tay họ tung theo cả khối lượng cơ thể nhờ phối hợp uyển chuyển toàn thân. Cơ sở vật lý cho câu nói ngang phè của họ "Mềm sinh ra cứng" là đấy! Giải thích cơ sở vật lý cho phương châm lấy mềm chịu đòn sẽ quá dài dòng đối với khuôn khổ bài này. Nhưng phải nói rằng con nhà võ có thể, chính ngay trong khi giao đấu, trải qua các trạng thái phơi phới, lâng lâng, bình thản tĩnh lặng của kẻ ngồi thiền. Với xúc cảm "khác" trong những trạng thái đó: đối thủ và mình là một, đó là ý nghĩa của chữ "hiệp" trong Hiệp khí đạo, môn phái do Morihei Uyeshiba sáng lập ra cách đây khoảng nửa thế kỷ. Và trực cảm thấy hướng tiến lui cũng như chỗ hở của đối thủ. Quả có những võ công là một minh họa cho ý niệm "đi cũng thiền, ngồi cũng thiền". Tuy nhiên, tôi chưa được thấy một môn phái võ nào có lý thuyết và phương thức đem áp dụng những cái hay của mình trong giao đấu vào cuộc sống thường ngày một cách có ý thức và có hệ thống.

Chú ý hơi thở là căn bản của mọi phương pháp dưỡng sinh. Tuy nhiên Phật giáo có nói đến chỉ là để mỉm cười:
             Thấp căn mới hỏi "trường sinh dược"
                Cao trí cần gì "bất tử phương"
                (Tiểu căn dục vấn trường sinh dược,
                Tác giả na cầu bất tử phương,
                Hoạ huyện lệnh, Tuệ Trung Thượng sĩ, Huệ Chi dịch)

Sức khoẻ là một phó sản của tập luyện, tự nhiên nó tới. Ðem phó sản làm cứu cánh đôi khi dẫn đến những sai lầm, lệch lạc. Trung quốc học cho rằng có những vị hoàng đế đã chết vì ngộ độc thuỷ ngân và/hay asen (arsenic) mà các bài thuốc trường sinh bất tử ngoại đan thường dùng với liều lượng quá cao. Quá đam mê vào dưỡng sinh dễ quên rằng tư chất bẩm sinh là một hằng số quan trọng trong sự phát sinh của một số bệnh tật, trong việc cái già đến muộn hay đến sớm. Tập luyện chỉ giữ gìn sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật một phần nào đó mà thôi. Quên rằng bệnh tật, già, chết là những cái đã được định sẵn trong cơ thể mọi sinh vật chỉ đưa đến phiền muộn và vỡ mộng.

Bạn thấy đó, cũng phương tiện ấy, cứu cánh khác lái đi vào những ngả khác. Chẳng hạn, ý thức thân tâm để hoà mình vào vũ trụ có những thích thú lạ. Cứ tưởng đâu mình trong sạch như trăng rằm, vĩnh cửu cùng với mặt trời mặt trăng mà tĩnh lặng như mặt nước mùa thu. Quên mất rằng trạng thái đó có an lạc đến đâu cũng chỉ là ảo ảnh, rồi cũng tan đi. Và khi ấy mặt đập vào cuộc sống.

Phương pháp nhà Phật chỉ ý thức, ý thức và ý thức. Không mục đích. Không ý chí, như ý chí dẫn hơi thở chẳng hạn mà nhiều phương pháp chủ trương. Lối này có thể đưa đến kết quả rất mau và rất tốt. Tuy nhiên, trong không ít trường hợp ý chí dẫn hơi thở làm cơ bắp co quắp thay vì thư duỗi, không dễ giải chút nào. Nhưng điểm chính là tập càng lâu càng tinh tấn, ý chí càng mạnh. Thành ra một nhân tố đưa đến cảm nhận lệch lạc một cái "ta" to phình, tưởng đâu mình là trời đất như đã nói ở trên.

Ý thức và chỉ ý thức mà thôi đưa con người nhận thức một cách sâu sắc thân phận của mình trong cuộc sống: Trong sạch và bẩn thỉu trong đầu và trong bụng, một điểm ý thức biến chuyển không ngừng, bọt bèo nhưng có tự do tác động vào cuộc sống trong lúc trôi nổi theo cái giòng tiến trình không cùng của loài người của vũ trụ. Một thân phận mong manh, phù du, đẹp những giây phút hiện tại, cái giây phút duy nhất mà con người sống thật.

Các môn phái Phật giáo đều chú trọng đến hơi thở, đến thân xác tuy rằng phương pháp tu luyện rất đa dạng. Có những phái đặt trọng tâm nơi tụng niệm, khi đi vào thực hành - rõ nhất là với các môn phái Tây Tạng và Nhật Bản - bạn sẽ thấy trong việc chọn lựa chuỗi âm thanh trong câu niệm cùng với kỹ thuật phát âm chẳng phải do ngẫu nhiên mà tiềm tàng ý tứ làm cho tụng niệm cũng là một cách luyện hơi thở. Môn phái Duy Thức, nếu nghe qua tên gọi và chỉ xét qua biểu văn mà thôi, ta có thể cho rằng phái này phủ định hoàn toàn tính hiện thực của vật chất, nhưng cái tên Duy thức thông dụng ở Việt Nam ta che lấp mất một danh xưng khác của phái, Yogaca nghĩa là tu tập yoga, Trung quốc dịch là Du già hành tông, khiến ta quên mất vị trí quan trọng của thân xác trong tổng thể phương pháp tu tập của môn phái.

Một hằng số trong phương pháp của Phật giáo bất luận môn phái nào là ý thức thân phận làm người trong đời sống thường ngày qua con người toàn diện - từ thân xác đến lý trí.

Bạn thấy chăng, Phật giáo từ trực giác thuở ban đầu không tách rời thân xác và tinh thần, con người và vũ trụ xung quanh đã xây dựng nên một bề dày trên hai nghìn năm lý thuyết, phương pháp và kỹ thuật. Ðể cho bất cứ ai ai cũng có thể từ đó tạo ra cho mình một phong cách nhập cuộc đời sống thường ngày hồn nhiên như hơi thở. Một phong cách sống giàu cả quá khứ bản thân lẫn quá khứ loài người, sống "hết mình" trong giây phút hiện tại, bước vào tương lai với dự phóng phong phú những tác động đã qua và hôm nay. Một phong cách sống cái hiện tại, toàn diện - từ phần thú vật hoang dã đến phần trí tuệ riêng của loài người - và tận cùng, từng giây từng phút. Vì ý thức sâu sắc rằng hiện tại là giây phút sống thật duy nhất, mới lạ, sáng tạo.

Với cái tinh thần ấy, bạn nhìn mặt trời ban sáng huy hoàng như buổi rạng đông đầu tiên của vũ trụ. Yêu con người, kẻ cùng với mình chia sẻ quá khứ, hiện tại và tương lai của loài người. Tôn trọng con người vì bất cứ ai ai cũng tiềm tàng trí tuệ của một vị Phật. Quý con người như đoá hoa hàm tiếu trong sương sớm, lát nữa đây mặt trời lên tới đỉnh đầu đã khác đi mất rồi.

Chính vì thế mà tôi xin được chấm dứt bằng câu sáo cũ:

-Chúc bạn thân tâm an lạc!

                                                                                                         Paris, 2.1966



 [ Trở Về ]