Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang Chủ]

Hãy yêu nhau đi !
hay chữ "Từ " trong đạo Phật
Bùi Mộng Hùng
Ðã nói đến đạo Phật thì làm sao mà khỏi nói đến chữ từ, đến lòng thương yêu người. Từ ái là tình cảm, mà thói thường thì xem tình cảm là mù quáng. Tại sao nhà Phật lại đem cảm tính mù quáng làm một trục trung tâm cho cả hệ lý thuyết và thực hành của mình ?

Ðể làm sáng tỏ vài khái niệm về chữ từ của đạo Phật, và nhân đó tìm giải đáp cho câu hỏi trên, có lẽ không gì hơn là chúng ta cùng nhau phân tích ý nghĩa hai bài kinh : Lòng từ và Phổ môn. Cả hai đều được trì tụng rộng rãi, nhưng khác nhau, về thời điểm phát sinh, về khu vực được phổ biến.

Kinh Lòng từ (metta sutta) thuộc bộ Sutta-nipata có từ thời rất xa xưa, được tụng niệm thường ngày trong khu vực Phật giáo nguyên thủy (Sri-Lanka, Myanma, Thái Lan, Campuchia...) . Còn Phổ môn, thật ra là một chương - phẩm thứ 25 - của kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharma pundarika sutra), thành hình khá muộn về sau so với kinh Lòng từ và được phổ biến ở khu vực Phật giáo đại thừa trong đó có Việt Nam ta.

I. Lòng từ trong Phật giáo nguyên thủy

I .1. Một đoạn kinh Lòng từ

Truyền thống Phật giáo Việt Nam ít biết đến kinh này. Nhưng có một bản tiếng Việt do hoà thượng Thích Thiện Châu đã có ý dịch ra vần điệu, tụng niệm rất thuận tiện. Tuy nhiên, để làm cơ sở bàn luận tôi xin dịch một đoạn (1) gần được với lời mộc mạc của bài kinh chừng nào hay chừng nấy:

"... Cầu cho tất cả mọi sinh vật hiện có, biết di động hay không chuyển động được, không loại trừ một giống nào, dù cho dài hay lớn, vừa hay ngắn, mảnh dẻ hay thô kệch,

Mắt trông thấy được hay không thấy được, dù là ở gần hay ở xa, đã sinh ra rồi hay đang tìm lối tái sinh, cầu cho tất cả chúng sinh được an vui.

Như người mẹ che chở cho đứa con một, không ngại hy sinh đời sống của mình, nên luyện lòng từ không giới hạn đối với mọi sinh vật.

Nên hướng tâm từ không giới hạn ra khắp thế gian, hướng lên trên và hướng xuống dưới cũng như hướng ngang khắp bốn phương trời, không vướng ngại, không hận thù, không ghét bỏ.

Khi đứng khi đi, khi ngồi khi nằm, bất cứ lúc nào tâm trí được tỉnh táo, nên chú tâm vào bốn tâm không giới hạn "
(thuật ngữ tứ vô lượng tâm : từ, bi, hỉ, xả ; từ là lòng yêu thương, bi là lòng thương xót nỗi khổ của người khác, hỉ là lòng tự vui và vui vẻ với mọi sinh vật, xả là lòng thanh thản không vướng bận vì lời khen hay chê, cách đối xử trọng hay khinh của người khác đối với mình)

I.2. Lý tưởng lòng từ

Lời kinh mộc mạc nhưng nói được một cách thật giản đơn nội dung sâu đậm, rộng khắp và thuần khiết của lý tưởng lòng từ trong đạo Phật :

Sâu đậm, như lòng mẹ thương con.

Rộng khắp, trải ra mọi sinh vật, không giới hạn về giống loài, không hạn chế trong không gian cũng như trong thời gian.

Thuần khiết, không vẩn bợn hận thù, giận ghét ; ngắn gọn thế thôi, cái lời nhẹ nhàng nhắc nhở, thừa biết rằng thương mà giận, giận mà thương, yêu thương đây, oán hận cũng đây là tâm lý thường tình con người.

I.3. Và thực hành

Trọng tâm chính là thể hiện lòng từ trong thực tại.

Vì thế mà liền sau khi định nghĩa từ là gì, ta gặp ngay câu kinh hướng dẫn thực hành. Nên hiểu, trải lòng từ ra khắp thế gian bốn phương tám hướng lên trên trời và xuống dưới đất không chỉ là một cách nói, một hình ảnh thi vị, mà chính là cách thực hành thiền định theo phương pháp " quán từ bi ". Cũng vì thế mà câu tiếp theo dặn dò lúc nào tinh thần tỉnh táo thì chú tâm vào từ ái.

Chúng ta không khỏi ngạc nhiên tự hỏi ngồi một chỗ mà " từ bi " là nghĩa lý làm sao ?

Thương yêu là phải cụ thể, đến hy sinh cũng không ngại như lời kinh có nói. Và Phật giáo dạy thể hiện lòng từ bằng giúp đỡ của cải vật chất (tài thí) ; bằng cách làm cho người trong thế yêu, người không có thế lực hết sợ hãi (vô úy thí) ; làm cho người khác được vui, cùng chia sẻ niềm vui với họ (tùy hỉ thí), v.v...

Ðiểm chúng ta không rõ là " quán từ"; quán (tiếng phạn vipassana) là thuật ngữ dùng để chỉ phương pháp thiền định quan sát, xem xét. Ðã quen theo tư tưởng và văn hoá phương Tây, chúng ta không còn thực hành và vì thế dường như quên mất, chỉ còn hiểu loáng thoáng về các phương pháp làm cho tâm yên tĩnh, một loại kỹ thuật tu luyện phổ biến trong văn hoá Á đông, trong Ấn độ giáo, Lão giáo hay Phật giáo. Nguyên tắc của phương pháp quán lòng từ : lòng lắng yên, ý chí tập trung vào lòng từ cho nó tràn ngập thân và ý, toả ra khắp không gian...

Dĩ nhiên, " quán " không thể thay thế hành động từ ái trong đời sống hàng ngày, vậy nó chỉ có ý nghĩa phụ trợ. Cái nó đem thêm, là khả năng tập trung toàn diện - thể xác, tình cảm, ý chí, trí tuệ - vào lòng từ cũng như vào hành động từ ái. Cùng khả năng lùi xa để có khoảng cách mà nhận ra lòng từ trong ta khi nào trong suốt, khi nào vẩn những hờn, giận, oán, ghét, lòng từ thật hay là những bộ mặt trá hình của cái ta yêu ta ; ta yêu em, mà bao nhiêu là " yêu em " , bao nhiêu " ta yêu ta " nhỉ ?

Tuy nhiên, " quán từ " và " hành từ ", thiền định và hành động, cán cân có thể nghiêng bên này hay bên kia. Chuyện ấy có đặt ra trong thực tế chăng ? Vấn đề sẽ được bàn tới trong một đoạn sau.

Ðiều quan trọng là trong Phật giáo, các phương pháp thực hành chẳng những thừa hưởng được kinh nghiệm của nhiều thế hệ thuộc nhiều nền văn hoá khác nhau, mà đều có cơ sở lý thuyết.

I. 4. Lòng từ và trí tuệ

" Cái tôi ", thuật ngữ gọi là " ngã " là vấn đề trọng tâm hàng đầu trong suy luận của Phật giáo.

Ðạo Phật nhận định rằng xem bản chất " cái tôi " tồn tại tuyệt đối và độc lập với người khác, với sự vật quanh mình là một quan điểm sai lầm. Từ cách nhìn lệch lạc đó mà nảy sinh ra xu hướng xem mình là trung tâm, là cái rốn của vũ trụ. Nó đưa đến thái độ cho rằng mình có quyền trên mọi sự vật ở thế gian này, đem lòng gắn bó với những niềm tin sai lạc ấy. Và rồi thế nào cũng có khi này hay khi khác sự việc chẳng tuân theo hệt như cách nhìn và ý muốn của mình, sinh ra bực dọc, bất mãn, làm khổ mình và làm khổ người khác.

Lòng từ là bước đầu đưa tôi vượt ra khỏi vỏ cứng của " cái tôi " để đến với anh ; để mà nhận ra anh là tấm kính phản chiếu hình ảnh tôi, tôi là cái nhìn trong con mắt anh, có anh tôi mới rõ tôi.

Lạ lùng thay mối tương quan giữa bên yêu và bên được yêu. Cho mà là nhận, vừa yêu là đã được tặng lại từ phía bên được yêu.

Anh và tôi phát hiện ra " cái chúng ta ", chúng ta cùng nhau chia sẻ hàng vạn cái chung. Như tiếng Việt chẳng hạn. Sinh ra là chúng ta đã nằm trong nôi tiếng Việt. Riêng một chuyện đơn giản ngoài ý muốn của chúng ta ấy đã nhào nặn chúng ta theo cái nền văn hoá của bao thế hệ đi trước để lại, và rồi chúng ta sẽ truyền lại cho thế hệ sau...

Thế ra, " cái tôi " liên đới với và tùy thuộc vào hằng hà sa số chuyện lớn và chuyện nhỏ : người thân của tôi, xã hội tôi sống trong đó, các thế hệ đi trước và đi sau, thế giới quanh tôi, v.v... Nó tùy thuộc vào các điều kiện sinh sống của tôi, nó là hệ quả của các điều kiện đã qua, nó đang - có ý thức hay không ý thức - vật lộn và thích nghi với điều kiện hiện tại, và cứ thế mà sẽ còn nữa, còn nữa..., vì thế nó sẽ đổi thay.

Cái nhìn thấy ra " cái tôi " tùy thuộc vào điều kiện và chuyển biến không ngừng, thuật ngữ gọi là " vô ngã ".

Phật giáo cho cái nhìn ấy là sát với thực tại, là cái nhìn " trí tuệ ".

Chúng ta đã quen với lối suy luận tây phương, phân chia rõ rệt tình cảm một bên, lý trí một bên, không chung chạ với nhau. Quan niệm Phật giáo hơi khác : có cái nhìn khách quan lạnh lùng phân tích của lý trí nhưng cũng có cái nhìn của lòng từ, của con tim thấy ra những khía cạnh mà lý trí mù tịt bỏ qua. Cái nhìn của lý trí và cái nhìn của con tim quyện vào nhau là cái nhìn của " trí tuệ ".

Chính vì thế mà trong thực hành nhà Phật đem lòng từ làm khởi điểm mở đường đến trí tuệ, trí tuệ nảy nở soi sáng trở lại cho lòng từ.

Có như vậy mới hy vọng tránh được cái vực nguy cơ mà tục ngữ tây phương hằng nhắc nhở : " thiện ý lót đường đưa thẳng tới địa ngục " (l'enfer est pavé de bonnes intentions).

II. Quan thế âm bồ tát

Ðến đây, xin bạn cùng tôi, chúng ta vượt thời gian và không gian rời thế giới của kinh Lòng từ, đi qua thế giới Quan thế âm bồ tát phổ môn phẩm của kinh Diệu pháp liên hoa (2).

Cái tựa chữ Hán Quan thế âm bồ tát phổ môn phẩm dài sọc ấy, có thể dịch là chương nói về sự toàn diện của bồ tát Quan thế âm.

II. 1. Lý tưởng bồ tát

Cái khác đầu tiên là từ bồ tát. Chẳng phải Phật giáo nguyên thủy không có từ này, nó dùng để chỉ đức Phật Thích ca khi ngài chưa hoàn toàn giác ngộ. - đây, từ được dùng trong một quan niệm nới rộng : bồ tát do phiên âm tiếng phạn bodhisattva mà ra, bodhi là giác ngộ, sattva là sinh vật ; bồ tát là người giác ngộ, cầu đạo giác ngộ tột bực không gì hơn, tức là thành Phật. Nhưng có lời nguyện hễ mà còn sinh vật lặn hụp trong bể khổ thì ở còn ở lại giúp đỡ cho thoát khỏi cảnh khổ, còn chưa vào niết bàn nơi cực lạc an lành.

Xét cho cùng, quan niệm này chỉ là hệ luận hiển nhiên khi thấy ra rằng bạn với tôi, chúng ta liên đới với nhau, là sinh vật thì liên đới với mọi sinh vật khác ; vậy còn sinh vật khổ đau thì làm sao mà có chuyện cực lạc cho riêng mình được !

Nó cũng là hệ luận của quan niệm nhà Phật cho rằng niết bàn (nirvana) không ở ngoài cõi luân hồi (samsara).

Phải nói rằng lý tưởng bồ tát là một phản ứng chống lại lý tưởng la hán. Khoảng 300 năm sau khi đức Phật Thích ca qua đời, có một xu hướng tu hành nghiêng về thái độ " xuất thế gian ", sống đời trong sạch thanh cao, không vướng bận bụi bặm trần thế, thanh tịnh giải thoát chứng quả a la hán (arhat, arahant, ta gọi tắt là la hán) thoát cảnh sinh tử luân hồi (3).

Ngược lại, lý tưởng bồ tát là xu hướng " nhập thế gian " cho rằng trong sạch thanh tịnh như lý tưởng la hán là xa rời với thực tại đầy rẫy nhơ bẩn khổ đau. Không thể có thái độ kẻ cả ngồi nơi thanh cao mà với tay từ bi cứu độ được những người lặn hụp trong đời sống thực tại ; không thể yên tĩnh mà ngồi " quán từ bi " là đủ, phải dấn thân vào cuộc sống thực tại.

Ðạo Phật thường tự ví với hoa sen. Sen, hoa trong sạch ngát thơm nhưng luôn luôn phải bắt rễ vào bùn ; có sen mà không có bùn thì sen sẽ không còn. Hay chỉ là hoa sen chất dẻo plastic !

II. 2. Quan thế âm...

Quan thế âm (Avalokitesvara), ta hay gọi tắt là Quan âm, nghĩa là xem xét, quan sát tiếng kêu của thế gian. Tên gọi để nói rằng vị bồ tát này có lòng từ bi rộng lớn, thông cảm với nỗi khổ của chúng sinh. Lời kinh :
" ... vô số trăm ngàn vạn ức chúng sinh bị mọi sự đau khổ, nghe nói đến bồ tát Quan thế âm mà một lòng trì niệm danh hiệu của ngài, thì bồ tát tức khắc nghe thấy âm thanh ấy và họ được thoát cả ".

Kinh nhấn mạnh về phương tiện cứu giúp : " Bồ tát Quan thế âm... dùng mọi thân hình vào mọi thế giới mà hoá độ chúng sinh ".

Hoá độ có nghĩa là đưa từ nơi đau khổ qua chốn an lành nhờ những chuyển thay trong bản thân của người được giúp đỡ.

" Dùng mọi thân hình " được một đoạn kinh nói vào chi tiết : " ... người nào nên hoá độ bằng thân hình quốc chúa thì bồ tát biến thể thân hình ấy mà thuyết pháp, người nào nên hoá độ bằng thân hình trưởng giả thì bồ tát biến thể thân hình ấy mà thuyết pháp, người nào nên hoá độ bằng thân hình cư sĩ thì bồ tát biến thể thân hình ấy mà thuyết pháp, người nào nên hoá độ bằng thân hình tể quan thì bồ tát biến thể thân hình ấy mà thuyết pháp, người nào nên hoá độ bằng thân hình bà la môn thì bồ tát biến thể thân hình ấy mà thuyết pháp... Những người nên hoá độ bằng thân hình phụ nữ của trưởng giả, cư sĩ, tể quan và bà la môn thì bồ tát biến thể những thân hình phụ nữ ấy mà thuyết pháp... ".

II. 3. Lòng từ của bồ tát

Lòng từ trải đến tất cả mọi người, thuộc mọi giới tính, mọi tầng lớp xã hội, từ vua, quan đến thường dân. Chuyện này không mới lạ, quan niệm nhà Phật cho rằng bất cứ ai ai, đã là sinh vật thì phải gặp những sự việc không như ý nguyện, và gọi đó là khổ.

Cái mới là quan niệm rằng phải làm thân phụ nữ để đến với người phụ nữ. Nó hàm nhiều ý nghĩa. Trước hết là thái độ, không thương hại mà đồng cảm với người trong vòng khổ đau ; bản thân mình khổ nỗi khổ, đau cái đau của người.

Nhưng không chỉ có thế, còn thêm khái niệm vào ở " thế giới " nghĩa là sống trong điều kiện, môi trường cụ thể của người cần được cứu trợ.

Ðiểm mới và quan trọng đây ! Có thể nào nói chuyện khổ đau, giải thoát khỏi đau khổ mà không tính đến những điều kiện sinh ra các mối đau khổ ấy, không tính đến các điều kiện tâm lý, gia đình, xã hội, vân vân và vân vân... không nhỉ ? Ðiều ấy cũng hàm ý cứu trợ hữu hiệu phải tác động từ bên trong, do bản thân những người trực tiếp gánh chịu, mới có cơ giải thoát khỏi các điều kiện tác hại vào cả một tầng lớp con người. Phải có hành động của chính phụ nữ mới mong giải phóng được phụ nữ thoát khỏi những nguồn khổ đau của riêng họ.

Vì vậy mà theo tôi sự kiện lời kinh nói đến các tầng lớp xã hội, vua, quan, trưởng giả - trưởng giả ở đây không đồng nghĩa với nghĩa trưởng giả học làm sang của Molière, từ dùng để chỉ người chủ một gia đình, một người dân, thường là nông dân trong xã hội cổ Ấn Ðộ - sự kiện này chẳng phải là không có ý nghĩa của nó.

Dù thế nào đi nữa, khái niệm Quan thế âm bồ tát đặt ngón tay vào một kích thước trước đó chưa được lưu ý đúng mức.

Vẫn biết rằng thương yêu là cụ thể ; đã là từ ái thì ít nhất phải có hai người, lòng từ trải giữa anh và tôi, giữa những con người cụ thể, giữa bên yêu và bên được yêu, và như đã có nói ở trên cả hai đều bên nhận được một cái gì. Ðiều đó rất rõ trong Phật giáo từ thời nguyên thủy.

Tuy nhiên, nói đến con người là gặp chuyện đa kích thước. Ðã gọi là yêu thì không thể yêu ở mức độ chung chung, không thể không thấy rằng con người được nhào nặn trong môi trường sinh sống, mối trường xã hội, môi trường thiên nhiên... Nói chuyện giải thoát khổ đau có thể nào mà không nhìn thấy và không tìm cách tác động vào những hệ thống sản sinh ra khổ đau. Nói thương yêu, cứu giúp quỷ đói (ngạ quỷ) - hiện nay trên thế giới hàng trăm vạn con người vận mệnh chẳng hơn gì loài quỷ đói - mà không tìm phương thức loại trừ những điều kiện làm cho cả loạt sinh vật phải dài dài điêu đứng vì nạn đói thì đó là thương thật hay là thứ lòng thương chập chờn chẳng hơn gì phất phơ qua cửa miệng được là bao ?

Suy như thế thì hẳn phải là những người lão luyện kinh nghiệm trong hành động cụ thể mới hình dung ra được bồ tát Quan thế âm.

Mới nhìn vào, lòng từ bi trừu tượng mông lung, bao trùm khắp mọi nơi, đến tới mọi người trong khái niệm Quan thế âm bồ tát có cái gì như siêu hình. Ðọc kỹ kinh thì lại thấy ra một khía cạnh khác. Khi bạn gặp khổ đau, chỉ niệm tới tên là đủ để bồ tát Quan thế âm đến với bạn ; không loại trừ khả năng là tới an ủi cưu mang bạn dưới lốt những khuôn mặt quen thuộc, biết đâu chẳng là em Năm, hay chị Bảy, thím Sáu, bác Hai... Câu chuyện có thể xảy ra bất cứ ở nơi đâu, cho bất cứ ai và mãi mãi cứ như thế.

Nghĩ cho cùng, nói vậy thì chỉ là một cách nói khác đi cái quan niệm rằng bồ tát tính - tức là khả năng giác ngộ và lòng từ ái với mọi sinh vật - tiềm tàng nơi mỗi người chúng ta, ai ai cũng là một mầm bồ tát, ở mọi nơi trong thế gian này, và sẽ mãi mãi như thế khi nào còn sinh vật chịu khổ đau.

Thay lời kết : trí tuệ, hành động và lòng từ

Nhìn lại, bàn về lòng từ mà dường như nói đến hành động nhiều chẳng kém gì đề tài chính. Xin bạn chớ ngạc nhiên !

Ðã nói đến Phật giáo làm sao tránh được chữ nghiệp (karma) mà nghiệp là thuật ngữ dùng để chỉ hành động có ý thức và hệ quả của nó. Phật giáo cho rằng cái nghiệp chuyển vận hướng đi của cuộc sống, tạo nên con người. Nhắm mắt trốn đời cũng là hành động, hành động tiêu cực với tất cả cái nghiệp của tiêu cực.

Mà hành động là cửa mở cho nguy cơ, nguy cho mình nguy cho người khác. Chất men chuyển hoá được tiềm năng nguy cơ ra khả năng lợi ích cho bạn, cho tôi, cho chúng ta là lòng từ.

Trí tuệ và hành động, Phật giáo đặt trong một vòng quan hệ biện chứng : trí tuệ soi sáng hành động và ngược lại hành động phát triển trí tuệ. Một cách đẩy cửa vào trí tuệ là lòng từ, và đem từ ái ấy làm động cơ cho hành động thì quan hệ từ bi, trí tuệ, hành động nương nhau mà vạch nên một quỹ đạo xoắn ôc đức hạnh hướng tới giác ngộ - giác ngộ có nghĩa là sự thật ra sao thì nhìn thấy y như vậy và cư xử hoàn toàn thích ứng với thực tại. Ðó là con đường nhà Phật đề nghị cho mỗi người trong chúng ta nương theo, dệt nên cuộc đời của mình.

Vì vậy, nếu phải lấy một câu tóm gọn những dặn dò cốt tủy của nhà Phật, thì bạn ạ, phần tôi xin được nhắn rằng :

Yêu nhau đi ! Yêu nhau làm khởi điểm và động cơ cho hành động.

                                                                                                                    6. 1998

Chú thích

(1) theo bản tiếng Pháp của A. Barreau, La voix du Bouddha, nxb, Philippe Lebaud, Paris, 1996, tr. 133-134.

(2) Kinh Diệu pháp liên hoa thường được gọi tắt là Pháp hoa có hai bản tiếng Việt, một bản do hoà thượng Thích Thanh Từ dịch đã được in nhiều lần, một bản dịch mới của hoà thượng Trí Quang, nxb Mai Lan Lệ Ấn, Mũnchen, CHLB Ðức,1996.

(3) Har Dayal, The Boddhisattva doctrine in Boddhist sanskrit literature, (Luận thuyết Bồ tát trong văn học Phật giáo tiếng sanskrit), Buddhist Research Society, Singapore, 1991.



  [ Trở Về ]