Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang Chủ

 
Bốn loại thức ăn

Mạn Đà La

I. Sự sống là nhờ thức ăn.

 Kinh Phật dạy : "Muôn loài sống còn là nhờ thức ăn" (Sabbe sattà âhàratthitika). Đây là một sự thật quan trọng của đời sống. Quan trọng vì sự cần thiết của thức ăn và chính vì sự cần thiết đó mà có điều quan trọng khác không kém đó là phải hiểu rõ tính chất của thức ăn để sự thọ dụng và tiêu hóa thức ăn thật sự bổ ích cho đời sống.

 Tìm hiểu về thức ăn, ta sẽ thấy đức Phật đã dạy cho chúng ta một đạo lý về nguyên nhân của vấn đề dinh dưỡng và đồng thời chỉ bày cho chúng ta phương pháp thoát ly những nỗi khổ tai hại của vấn đề.

 Theo đạo Phật, sự sống được cấu tạo và hình thành bởi hai yếu tố vật lý và tâm lý. Do vậy, những thức ăn vật chất và tinh thần là những điều quan trọng cần thiết hàng đầu để nuôi dưỡng và duy trì đời sống. Thức ăn đi theo đời sống như bóng với hình, bất cứ trong mọi hoàn cảnh, sự sống không thể thiếu nó, lại càng không thể không có nó.

 Tất nhiên tiền bạc của cải vật chất có vai trò quan trọng nhất định trong cuộc đời, nhưng thực tế cho thấy nhiều khi ở trong lâu đài cao sang và cầm đầy tiền bạc trong tay mà vẫn rầu rĩ đến chết vì thiếu thức ăn, vì không có thức ăn. Không phải cứ có tiền là sẽ có tất cả. Những thiên tình sử của nhân loại dù diễm tuyệt đến mấy mà đến một ngày nào đó, thức ăn nuôi dưỡng khô cạn đi thì sớm muộn gì hạnh phúc cũng giảm đi rất nhiều hoặc sẽ hết luôn hạnh phúc.

 Văn chương nghệ thuật cũng vậy. Nếu cứ "lòng không dạ trống" thì nghệ thuật cũng khó có thể mà cất cánh bay bổng, âm thanh tuyệt vời, sắc màu lung linh huyền ảo. Ngay cả trong lĩnh vực tu hành cũng được xác định : có thực mới vực được đạo.

II. Ăn và thức ăn theo quan niệm đạo Phật.

 Với những con người bình dị, vấn đề ăn và thức ăn thường được hiểu một cách đơn giản. Nghĩa là bụng đói thì ăn, ăn để sống và thức ăn là những món ăn cụ thể như cơm, cháo, xôi, mỳ, rau, trái, những thức ăn mặn, những thức ăn chay, những thức ăn ngọt, những thức ăn lạt..., tùy theo nhu cầu và sở thích khẩu vị của mỗi người. Gần đây, người ta đã nhìn vấn đề kỹ hơn. Nhiều phong trào, nhiều tổ chức hô hào ăn chay, ăn kiêng để bớt béo, để giữ ligne, để phòng chữa các bệnh mỡ đường trong máu...

 Theo đạo Phật, danh từ thức ăn mang ý nghĩa sâu rộng hơn, áp dụng cho tất cả những chất liệu có tác dụng nuôi dưỡng và duy trì sự sống, gồm cả tâm lý và vật lý. Và vấn đề ăn cũng có những đặc tính của nó. Chúng ta hãy thử xét qua những đặc tính này.

1- Đặc tính đói thèm.

 Lòng đói thèm, khao khát và ham muốn là động cơ của ăn. Trong suốt cuộc sống, vật lý thì đói thèm thức ăn vật chất, tâm lý thì đói thèm thức ăn tinh thần. Thôi thúc bức xúc bởi những cơn đói khát thèm thuồng, người ta phải tìm mọi cách kiếm cho ra thức ăn, hoặc vật chất hay tinh thần, để thỏa mãn nhu cầu của đói thèm. Vì đói, đang ngủ phải bật dậy hoặc thao thức khó yên giấc, đang làm việc phải tạm ngừng, đang chơi cũng phải bỏ dở cuộc. Đói thèm nên kiếm ăn. Kiếm có thức ăn rồi thì thức ăn lại mời gợi thêm sự thèm muốn, khao khát. Vòng tròn đói thèm -> ăn -> thèm đói, cứ như thế tiếp nối bành trướng không dứt. Đạo Phật gọi đích danh đặc tính đói thèm này là khát ái (tanhà).

2- Đặc tính đồng hóa lẫn nhau.

 Người ta ăn vào các loại thức ăn vật chất hay tinh thần, các thức ăn này được tiêu hóa trở thành chất liệu dinh dưỡng bảo trì và nuôi dưỡng con người. Như vậy, ta thấy rằng, một mặt, người ăn và tiêu hóa thức ăn, song mặt khác, người cũng bị thức ăn ăn và tiêu hóa (Tương ưng III, 106).

 Nhiều nghiên cứu khoa học và qua thực hành tu dưỡng cho thấy những thí nghiệm điển hình : Chọn ăn và tiêu hóa những món ăn vật chất hiền lành bổ dưỡng, phù hợp quân bình cho tế bào tạng phủ của cơ thể làm cho con người thay da đổi thịt, tươi tốt mạnh khỏe thêm. Tiêu hóa những món ăn tinh thần từ bi hỷ xả làm chuyển hóa tâm hồn, cá tính và phong thái, con người được đượm nhuần thanh tịnh hòa vui.

 Do đặc tính đồng hóa lẫn nhau như vậy mà ta có thể nói theo ngôn ngữ Bát nhã là : Người tức là thức ăn, thức ăn tức là người. Và ngôn ngữ phương tây thì nói rằng : "Man is what he eats, what he eats is man himself" = "l'Homme est ce qu'il mange, ce qu'il mange est l'homme lui-même".

III. Bốn loại thức ăn.

 Một trong những bản kinh đề cập đến vấn đề ăn uống và thức ăn nuôi dưỡng sự sống là bản kinh "Thịt của con" (Đại 2, 102a, Tương ưng II, 115) được Phật định nghĩa với những ví dụ gây ấn tượng mạnh mẽ.

 Theo đạo Phật, có bốn loại thức ăn cho đời sống, đó là : đoàn thực thô hoặc tế, xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Bốn loại thức ăn này được hiểu theo nghĩa là nguyên nhân, là điều kiện cần thiết cho sự sống vật lý và tâm lý, duy trì tiếp tục sự sống của chúng sinh trong ba cõi.

1- Đoàn thực.

 Đoàn thực là thức ăn vật chất nuôi dưỡng cơ thể vật lý. Tất cả chúng ta đều hiểu rõ loại thức ăn này cần thiết và quan hệ với đời sống đến chừng nào. Dạ dày đói ăn làm cho người ta quay quắt khổ não biết bao nhiêu ! Và nếu đói quá, đói mãi thì sẽ chết. Để được sinh tồn thì phải kiếm ăn. Kiếm được miếng ăn là phải trả giá vô lượng vô biên nhọc nhằn cay đắng. Để kiếm ăn, mỗi người phải lao đao khổ sở rất nhiều và đồng thời cũng tạo rất nhiều đau thương khổ não cho cuộc sống chung quanh mình.

 Vì miếng ăn, từ nghĩa "nguyên thủy" đến nghĩa "phát triển" mà vật và vật cắn xé nhau, vật sát nhân, nhân sát vật, người tàn nhẫn với người, quên cả tình nghĩa thân thương, cho đến quyết liệt giành giật, rồi chiến tranh với nhau vì quyền lợi kinh tế.
 Hàng ngày chúng ta ăn để sống. Nếu ăn mặn thì phải trực tiếp tàn hại sự sống các loài động vật, hoặc gián tiếp chấp nhận người khác giết hại thay mình như công việc của những lò sát sinh, những cuộc săn mồi trên đồng rừng và dưới biển hồ. Nếu là ăn chay thì cũng phải tàn hại các loài thảo mộc. Và để có được những luống rau và cây trái, trong công việc trồng tỉa và bảo vệ, biết bao nhiêu sinh mạng côn trùng sâu kiến đã bị giết hại chỉ vì chúng cũng phải kiếm ăn để sống như chúng ta.
 Nếu cứ đào sâu mãi vào hướng nhìn này, chúng ta phải đau lòng mà nhận rằng thế giới này là một lò sát sinh lớn mà mỗi chúng ta đều dự phần trong đó, vừa là thủ phạm vừa là tội nhân.

 Dạy các đệ tử quan sát về ý nghĩa đoàn thực, đức Phật dùng ví dụ : có một cặp vợ chồng mang theo một đứa con trong một cuộc hành trình rất hoang vắng xa xôi. Giữa đường họ bị cạn lương, vô cùng đói khát. Cuối cùng hai vợ chồng đành phải giết đứa con yêu quí, dùng thịt con làm lương thực để có thể tiếp tục hành trình đến mục đích.

 Câu chuyện ví dụ thật là thương tâm và cũng vô cùng thực tế. Trong đời sống hiện nay, những câu nói : "bán vợ đợ con", "bán con nuôi cháu", bán thân nuôi miệng", "một nắng hai sương", "đổ mồ hôi lấy chén cơm", "tha phương cầu thực", và gần đây tình cảnh những cuộc di dân kinh tế ở khắp nơi, thảy đều nói lên thực tế đau lòng của cuộc sống kiếm ăn, đồng thời cho thấy rõ giá trị của thực phẩm nuôi dưỡng đời ta. Miếng ăn là như vậy, ta phải thọ dụng, tiêu hóa như thế nào để không phải là "thực bất tri kỳ vị" : ăn mà không biết đến giá trị món ăn. Đức Phật hỏi thẳng : "Này các tỳ kheo, các ngươi nghĩ thế nào ? Chúng (chỉ hai vợ chồng người ăn thịt con trong ví dụ và cũng có thể là chúng ta) ăn món ăn có phải để vui chơi ? Hay chúng ăn món ăn để tham đắm ? Hay chúng ăn món ăn để trang sức ? Hay chúng ăn món ăn để béo tốt ?" (Tương ưng II, 116).
 Đối với ví dụ, câu trả lời được đức Phật chấp nhận là đúng đạo lý, đó là,  ăn cốt để vượt khỏi hành trình hoang vắng, và tất nhiên đối với chúng ta, ăn là chỉ vì mục đích thành tựu đạo nghiệp.

 Những người xuất gia mỗi khi ăn thường phải chính tâm quán niệm tối thiểu như sau : Là người không cày mà có ăn, không dệt mà có mặc, sự sống này toàn nhờ công lao khó nhọc hộ trì của vũ trụ và muôn loài. Hổ thẹn hạnh đức kém cỏi, nguyện sống xứng đáng với thức ăn này. Nguyện nhớ ngăn ngừa những tật xấu, đặc biệt loại trừ tâm tham ái. Coi thức ăn chỉ như các dược liệu có tác dụng chữa bệnh. Chỉ vì muốn thành tựu đạo nghiệp nên mới thọ dụng thức ăn này.

 Nhiều người đối với món ăn, có những goût, những thái độ khác nhau. Nhưng tựu trung, có thể thâu tóm thành hai hiện tượng tiêu biểu. Hiện tượng thứ nhất là nghĩ rằng : đã khổ cực bao nhiêu vì miếng ăn thì phải ăn cho ra ăn, thẳng tay toan tính ra những thực đơn rất tân kỳ để thỏa mãn khẩu vị, bất kể lãng phí. Hiện tượng thứ hai là nhiều nơi hiện đang có nhiều người đói thiếu thậm chí chết vì đói ; các đài truyền tin và báo chí đã kêu gọi tương trợ cứu giúp song người đói vẫn còn đói. Nói về ý nghĩa đoàn thực, chủ ý của đức Phật là nhắc nhủ các đệ tử phải luôn chính tâm quán niệm về loại thức ăn này, thấy rõ được tính chất cần thiết song vô cùng khổ đau của sự sống và thức ăn, để do đó tinh tấn tu hành, an trú trong trung đạo thiểu dục tri túc, thọ dụng thức ăn chừng mức, không khởi tâm tham ái không những chỉ đối với miếng ăn mà bao gồm cả 5 dục : tiền của, sắc đẹp, danh vị, miếng ăn, ngủ nghỉ.

 Phật dạy :"...Này các tỳ kheo, Như Lai nói cần phải nhận xét về đoàn thực như vậy. Này các tỳ kheo, khi đoàn thực được hiểu biết thì lòng tham đối với năm dục trưởng dưỡng được hiểu biết. Khi lòng tham đối với năm dục trưởng dưỡng được hiểu biết thì không còn kiết sử. Do kiết sử này mà một vị thánh đệ tử bị trói buộc để phải sinh lại đời này".  (Đại 2, 102b ; Tương ưng II, 115).

2- Xúc thực.

 Xúc là những sự tiếp xúc của sáu giác quan (sáu căn : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) với sáu đối tượng sự vật (sáu trần : sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Nhờ sự tiếp xúc của căn và trần làm phát sinh những cảm thọ, nghĩa là những cảm giác nhận được từ sự tiếp xúc với sự vật. Do tác dụng tiếp xúc và công năng phát sinh cảm thọ nên gọi là xúc thực, có nghĩa là thức ăn bằng sự tiếp xúc nuôi dưỡng cảm thọ. Tiếp xúc như vậy cũng là thức ăn cần thiết cho đời sống chúng ta.

 Đức Phật giải thích về xúc thực bằng ví dụ : một con bò bị lột da, đi đâu đứng đâu cũng có các loài ruồi muỗi sâu kiến côn trùng ở chung quanh liên tục kéo đến bao vây bâu đậu khắp thân mình.

 Hiểu theo ví dụ thì sự kiện các loài sâu kiến côn trùng đến bâu đậu trên thân mình con bò ví dụ cho sự tiếp xúc của các trần và các căn, và sự tiếp xúc bâu đậu ấy gây nên nỗi đau nhức nhối cho con bò ví dụ cho sự tiếp xúc của căn trần phát sinh những cảm thọ khổ não trong đời sống chúng ta.

 Với tính cách là thức ăn, xúc thực là một trong những nhân tố cơ bản của quá trình cấu tạo hình thành đời sống. Vai trò và mối quan hệ của xúc thực đối với đời sống được trình bày trong hệ giáo lý mười hai nhân duyên. Như đã biết, do sự tiếp xúc (Xúc) của các căn và trần mà phát sinh cảm thọ (Thọ) về sự vật. Những cảm thọ này có ba loại, bao gồm tất cả những cảm giác vui, đẹp lòng, thuận cảnh, gọi là lạc thọ ; những cảm giác khổ, bất như ý, nghịch cảnh, gọi là khổ thọ ; những cảm giác bình thường không khổ không vui, gọi là xả thọ. Do những cảm thọ vui buồn thương ghét làm nảy sinh lòng ham muốn khát khao, đó là Ái. Do ái với những dục vọng ham muốn nên khởi tâm chấp thủ (Thủ), nghĩa là muốn nắm giữ níu kéo về phần mình, của mình. Vì sự chấp thủ nên mới có sự tạo thành nghiệp nhân, mới có các chủng tử, là những hạt nhân hàm chứa những tiềm năng động lực rất mạnh và được huân tập cất giữ trong tạng thức Alaya. Những chủng tử này đang tồn tại và đang trở thành, đó là Hữu. Vì có động lực sinh mạng là hữu nên mới có Sinh. Vì có sinh nên có Già - Chết, có luân hồi khổ đau.
 Quan sát tính chất của xúc thực, chúng ta thấy môi trường sinh hoạt của xúc là sáu căn và sáu trần. Căn và trần đều là sản phẩm của năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Năm uẩn chính là hiện thân của vọng tưởng khổ đau, vô thường, vô ngã. Vậy nên xúc và ba loại cảm thọ (là thọ uẩn của năm uẩn) phát sinh từ xúc tất nhiên cũng mang những tính chất của vọng tưởng khổ đau, vô ngã, vô thường.

 Trong thực tế, những cảm giác về khổ thọ thì hiển nhiên là khổ não day dứt lắm rồi ! Những cảm giác về vui của lạc thọ chỉ tồn tại huyễn hoặc trong chốc lát rồi sẽ đem lại khóc than khi chạm đến sự thật vô thường vô ngã, bất như ý của đời sống. Những cảm giác vô ký không khổ không vui của xả thọ sẽ sinh ra chán chường buồn tẻ, nhìn cuộc sống là vô vị, đơn điệu. Cho nên không lạ khi thấy có nhiều người đã vùi đầu vào những sinh hoạt rất ồn ào náo nhiệt dù không ưa thích, chỉ vì họ không thể chịu nổi sự vô vị buồn tẻ.

 Nhu cầu tiếp xúc rất cần thiết trong đời sống. Người ta đi hàng trăm dặm đường, không ngại xa xôi, để gặp một người bạn thiện tri thức trao đổi tâm sự. Người vợ hoặc người chồng cuối tuần làm việc, dù mệt mỏi, dù ngoài trời giông tố, vẫn dầm mưa gạt gió để về gặp gỡ vợ chồng con cái. Có người thỉnh thoảng nếu không đi phố xem ngắm các siêu thị, các cửa hàng lớn thì cảm thấy nhớ, như thiếu vắng một cái gì. Có thể là họ sẽ chẳng mua sắm gì cả, nhưng la cà các dãy hàng để nhìn cho no mắt và ước ao dự tính cho nhu cầu tương lai... Và cũng là dịp ở nơi đó họ có thể gặp gỡ những người bạn đồng trang lứa, đồng hoàn cảnh, quan điểm. Các trà đình tửu quán, sàn nhảy dạ vũ... được lập ra cũng là để cung cấp nhu cầu tiếp xúc dưới nhiều dạng thái khác nhau.
 Trong chuyến đi Canada vừa qua, một hôm đi trên xa lộ bị kẹt đường dài hàng mấy cây số. Trời thì nắng và nóng dữ dội. Tôi hỏi các đạo hữu cùng đi, sao vào ngày giờ đó, lẽ ra đường vắng mà bị kẹt như vậy. Các đạo hữu cho biết không nhằm ngày giờ đi làm giao thông cao điểm, song đó là thiên hạ kéo nhau đi sòng bạc Casino. Tìm kiếm thú đánh bạc mà cũng cực khổ như vậy.

 Dường như người ta có tâm lý thà chịu đau khổ nhưng vẫn cứ ham thích tìm cầu những cảm giác tân kỳ, lạc thú ! Càng nhiều cảm thọ thì lòng tham ái càng tăng trưởng. Một người lúc đầu chỉ ao ước một cái xe đạp. Có xe đạp rồi thì lại ao ước có xe máy. Có xe máy cũ nên lại ao ước có xe máy mới cho êm ái hơn. Có xe máy mới rồi lại ao ước có xe ô tô cho sang hơn. Người đó sẽ viện ra đủ lý do biện hộ cho thái độ leo thang, nhưng có lẽ điều thầm kín nhất là lòng tham ái thì không muốn đề cập đến. Tham ái ưa thích quá chừng nên khởi tâm chấp thủ, dính mắc nắm giữ không buông. Khởi tâm chấp thủ, cứ muốn nắm giữ sự vật như thế nào thì ta cũng bị sự vật níu kéo ràng buộc như thế ấy. Đây chính là ý nghĩa "Ta chấp vật nên vật chấp ta" mà kinh điển thường nói. Nếu ta buông xả, tâm không chấp thủ nữa thì sự vật cũng lập tức buông thả ta.
 Hiểu rõ tính chất của xúc thực và cảm thọ, chúng ta luôn luôn giác tỉnh, "nhìn" và "đối xử" với những cảm thọ một cách hoàn toàn khách quan, không đồng hóa với chúng, không để chúng chi phối. Như vậy chúng ta mới không bị chúng đánh lừa mê hoặc, không bị cuốn hút vào cơn lốc xoáy của dục vọng tham ái. Như vậy đời sống mới được an vui, đồng thời mới tháo gỡ được những mắt xích của vòng nhân duyên luân hồi sống chết.

 Kinh nói : "Này các tỳ kheo, khi xúc thực được hiểu biết thì ba cảm thọ được hiểu biết. Khi ba cảm thọ được hiểu biết thì Như Lai nói rằng vị thánh đệ tử không phải làm thêm gì nữa". (Tương ưng II, 117).

3- Tư niệm thực.

 Tư là suy nghĩ tư lường. Niệm là nghĩ nhớ. Danh từ tư niệm được giải thích là một tác dụng tâm lý (tư tâm sở), có tác dụng suy nghĩ tư lường nghĩ nhớ về tất cả các pháp thiện và bất thiện. Theo ý nghĩa ở đây, tư niệm được hiểu là sự tư lường nghĩ nhớ rất mạnh, rất nung nấu của tâm lý ; đó là ý chí, là ý muốn sống, muốn tồn tại, muốn tái sinh, muốn tương tục, tăng trưởng. Chính ý chí, ý muốn này là động lực kích thích hành động gọi là nghiệp lực, gây tạo nên sự tái sinh tiếp nối qua lại lên xuống trong ba cõi.

 Do ý nghĩa này mà đức Phật gọi sự suy tư ấy là tư niệm thực, là thức ăn suy tư cho nghiệp lực và đó cũng là một loại thức ăn hàng ngày cho đời sống.

 Hàng ngày trong cuộc sống, từ giây từ phút, con người miên man suy nghĩ, so đo tính toán không ngừng, nhảy hết chuyện này sang chuyện khác. Chuyện quá khứ hiện tại vị lai. Chuyện cá nhân, chuyện người yêu thương, gia đình vợ con. Chuyện nước non xã hội thế giới. Những mưu mô, kế hoạch, những thay đổi, hình thành, sáng tạo, phát hiện, xây dựng, phá hủy, thương, ghét, buồn, vui...Đây chính là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh stress ngày nay. Cuộc sống càng tối tân, sự suy tư nghĩ lường càng phức tạp, càng máy móc thêm. Đời sống mất dần đi nét hồn nhiên, bình an. Chỉ khi tu tập thiền quán, người ta mới dễ nhận ra mối tơ vò trùng trùng điệp điệp của những sự suy nghĩ và sức mạnh của chúng xâm nhập quấy phá tâm trí và đời sống. Hạnh phúc thay cho chúng ta là nhờ con đường tu tập thiền định sẽ giúp cho chúng ta sáng suốt nhận diện được những suy nghĩ tư lường để đối trị chúng, diệt trừ những loại thức ăn tư thực độc hại.

 Giải thích tư niệm thực, Phật dạy : "Này các tỳ kheo, tư niệm thực cần được nhận xét như thế nào ? Này các tỳ kheo, ví như có một hố sâu hơn thân người, chứa đầy than cháy hừng lửa. Than âm ỉ cháy đỏ rực mà không có khói. Có một người đi tới, người ấy muốn sống, không muốn chết, muốn an vui, chán ghét khổ. Bỗng có hai người lực sĩ đến nắm chặt hai cánh tay người kia, kéo đến hố than hừng cháy. Này các tỳ kheo, người kia quyết chí muốn lánh xa, tinh cần muốn lánh xa, phát nguyện muốn lánh xa (hố than cháy rực ấy). Vì cớ sao ? Này các tỳ kheo, người kia nghĩ như thế này : "Nếu ta rơi vào hố than rực cháy này, do nhân duyên ấy, ta sẽ chết hay bị khổ gần như chết." Như vậy, này các tỳ kheo, Như Lai nói rằng tư niệm thực cần phải được nhận xét."  (Đại 2, 102b, Tương ưng II, 117).

 Qua ví dụ, hố sâu đầy than cháy rực là ví cho quả khổ sinh tử do tư niệm bất thiện tạo ra. Hố sâu ví chúng ta dù rất nhiều lần tái sinh luân hồi rơi xuống hố cũng không đầy. Than cháy âm ỉ không khói là tiềm năng của nghiệp lực tư niệm thực. Người muốn sống an vui, không muốn chết là chúng ta muốn tu dưỡng, không muốn ăn, không muốn tiêu hóa những thức ăn độc hại của tư niệm. Hai lực sĩ nắm bắt người kia kéo đến hố than là sức mạnh, là nghiệp lực của pháp thiện và pháp bất thiện. Kết thúc là người kia đã khôn ngoan chính tâm tư niệm pháp thiện, nhàm chán các pháp tư niệm bất thiện dẫn đến những quả khổ của chúng nên muốn thoát ly hố sâu sinh tử.

 Như đã định nghĩa, tư niệm có tác dụng suy tư về các pháp thiện và bất thiện. Nó tạo nên sự sống nối tiếp đời này đời khác bằng những nghiệp thiện hay bất thiện mà nó suy tư nuôi dưỡng.

 Trong Phật giáo có vô lượng pháp thiện thuộc nhiều hệ giáo lý với nhiều pháp môn khế lý khế cơ. Khó mà kể cho hết trong phạm vi giới hạn ở đây. Tuy nhiên để có một khái niệm, có thể đơn cử một trong những pháp thiện về tư niệm được luận Thanh tịnh đạo, Giải thoát đạo định nghĩa chi tiết đó là Sáu niệm : niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên, hoặc Mười niệm là sáu niệm trên cộng thêm niệm sự chết, niệm thân, niệm hơi thở, niệm tịch tĩnh Niết bàn. (Vis. VII và VIII). Ngoài ra, một số thiện pháp quen thuộc với phật tử cần được suy tư như : Chính tư duy trong Tám Thánh đạo để hiểu rõ Tứ đế, suy tư Năm uẩn, Mười hai nhân duyên, Bốn tâm vô lượng, Sáu độ, Vô tham, Vô sân, Vô si, Vô ngã, Vô thường...

 Những pháp bất thiện của tư niệm thực, những thức ăn suy tư độc hại, dĩ nhiên là những gì ngược lại với tư niệm thiện. Đó là những suy nghĩ tư lường làm khởi nên đắm trước dục vọng tham ái, gây tổn hại, tạo sầu bi khổ ưu não cho mình và cho người trong đời hiện tại, làm chướng ngại cho sự tu dưỡng giác ngộ giải thoát, và còn dẫn đến quả khổ của tương tục sống chết trong tương lai. Đức Phật nêu rõ tên các pháp bất thiện đối với tư niệm thực, đó là tâm tham (tham chấp), hỷ (tìm cầu thú vui hỷ lạc) và ái (khát ái ham muốn).

 "Này các tỳ kheo, đối với tư niệm thực, nếu có tham, có hỷ, có ái, lập tức thức sinh khởi an trú và tăng trưởng. Chỗ nào thức sinh khởi an trú và tăng trưởng, chỗ ấy có danh sắc sinh khởi. Chỗ nào có danh sắc sinh khởi, chỗ ấy có các hành tăng trưởng. Chỗ nào có các hành tăng trưởng, chỗ ấy hữu được tái sinh trong tương lai. Chỗ nào hữu được tái sinh trong tương lai, chỗ ấy có sinh già chết trong tương lai. Chỗ nào có sinh già chết trong tương lai, Như Lai nói chỗ ấy có sầu khổ ưu não."  (Đại 2, 102c. Tương ưng II, 119).

 Về danh từ "thức" dùng trong đoạn kinh trên đây, theo chú giải của luận chủ Buddhaghosa thì có nghĩa là nghiệp thức, là ý chí muốn sống, qua quá trình duyên sinh, dẫn đến tái sinh khổ não như kinh đã thuyết minh. Rõ ràng mọi khổ đau trong hiện tại và khổ đau luân hồi trong ba cõi đều khởi sự bởi khát khao dục ái. Diệt trừ dục ái là trọng tâm đối với cả bốn loại thức ăn.
 Như đã nói, tư niệm là sự suy tư có tiềm năng động lực rất mạnh tạo ra nghiệp nhân thiện hoặc bất thiện. Nghiệp nhân thiện thì phát sinh thiện quả. Nghiệp nhân bất thiện thì phát sinh ác quả. Cho nên vào sinh tử hay ra khỏi luân hồi là do sự vận dụng tiềm năng suy tư, tạo nghiệp nhân thiện hay bất thiện. An vui hay đau khổ tùy thuộc vào mỗi suy tư tạo nghiệp của chúng ta. Đạo Phật thường nói : "Chúng sinh sợ quả mà không sợ nhân ; Bồ tát sợ nhân chứ không sợ quả." là diễn tả ý nghĩa này vậy.

 Có người nói : về đoàn thực, nếu kiểm xét lại tất cả các loại thực phẩm vật chất nuôi dưỡng cho cái dạ dày nhỏ bé của mỗi người từ lúc sơ sinh cho đến nay, có lẽ người ta không thể ngờ số lượng lên tới hàng chục tấn, chở đầy mấy tàu xe. Và về tư thực, nếu có thể đem ghi lại hết thảy sự suy nghĩ toan tính trong đời sống hàng ngày vào máy điện tử, thì người ta sẽ vô cùng khủng khiếp khi nhìn lại mớ suy nghĩ miên man tạp pí lù của chính mình.

 Ông bà chúng ta ngày xưa thường dạy con cháu lối cư xử : "hãy nhẫn nhịn, chuyện đó gió bay lên trời". Lời dạy nhẫn nhịn thì rất quý, có giá trị đạo đức muôn đời, nhưng gió không làm bay đi, tiêu tán đi những hành vi  của thân khẩu ý, nhất là ý. Thời đại ngày nay, người ta đã có thể đo được gió, lường được hư không, và với những computeur cực kỳ tối tân, ghi lại được những làn sóng tâm, những ý nghĩ thầm kín. Và theo đạo Phật, tất cả những hành động thân khẩu ý có chủ ý sẽ trở thành những nghiệp lực, thành những quả báo, tìm quay về người gây tạo, hoặc sớm hoặc muộn mà thôi. Đạo Phật luôn luôn khuyên nhắc mọi người phải cẩn thận, chớ phóng tâm tiêu hóa những món ăn suy tư bất thiện để mà gây nên nghiệp khổ cho mình và cho người.

4- Thức thực.

 Thức là sự hiểu biết, nhận thấy, là cảm quan nhận biết sinh khởi nhờ sáu căn tiếp chạm với sáu đối tượng tương ứng là sáu cảnh trần. Thức được gọi tên tùy theo bất cứ đối tượng nào nhờ đó nó phát khởi. Nhờ căn mắt chạm đến đối tượng là sắc trần làm phát sinh tác dụng thấy, gọi là nhãn thức. Nhờ căn tai chạm đến đối tượng là thanh trần làm phát sinh tác dụng nghe, gọi là nhĩ thức. Suy diễn ra các căn khác như mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy. Riêng về ý, nhờ lấy tâm ý làm căn và đối tượng là tâm giới (những tư tưởng, ý nghĩ) mà phát sinh sự hiểu biết, gọi là ý thức.

 Do quan hệ và tác dụng của thức đối với sự vật như thế nên gọi là thức thực, hàm nghĩa là thức ăn hiểu biết đối với tất cả sự vật tâm pháp (danh) và sắc pháp (sắc), và cũng là thức ăn cho đời sống hiểu biết của chúng ta.

 Giải thích về thức thực, đức Phật ví dụ : có một tội nhân bị bắt đưa đến trước nhà vua. Vua xét tội và định hình phạt là sáng đánh 100 gậy, trưa đánh 100 gậy và chiều đánh 100 gậy. Đức Phật hỏi : "Người kia bị đánh một ngày 300 gậy, do nhân duyên ấy, có cảm thọ khổ ưu không ?" Các đệ tử thưa : "Bạch Thế Tôn, chỉ đánh một gậy, do nhân duyên ấy, đã có cảm thọ khổ ưu, huống chi bị đánh 300 gậy." (Đại 2, 102, Tương ưng II, 117).

 Hiểu theo ví dụ thì tội nhân bị hình phạt đau đớn là ví dụ cho chúng ta phải gánh chịu những nghiệp báo khổ não do thọ dụng tiêu hóa những thức ăn vọng tưởng phân biệt của thức. Bị đánh ba lần mỗi sáng trưa chiều hàng ngày là ví dụ cho nghiệp báo khổ đau đeo đẳng hành hạ cả ngày, hoặc cũng có thể hiểu là nghiệp báo ấy liên tục trong ba thời gian quá khứ, hiện tại, vị lai của sinh tử.

 Tâm pháp (Danh : namà) và sắc pháp (Sắc : rupà) là tên gọi chung tất cả sự vật tâm lý và vật lý, thế giới đối tượng của thức. Nói tâm pháp và sắc pháp hay danh và sắc là nói cho gọn. Nếu nói rộng ra thì các pháp này phân thành năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Rộng hơn nữa thì là mười hai nhân duyên. Tâm pháp và sắc pháp bao gồm sự hình thành con người và sự sống con người qua hai mặt không gian (năm uẩn) và thời gian (12 nhân duyên).

 Đạo Phật giải thích rõ ràng tính chất của danh sắc, của năm uẩn là vô ngã, tính chất của 12 nhân duyên là duyên sinh, là vô thường. Nếu tham đắm chấp trước vào sự vật, bất cứ là tâm lý hay vật lý, thì sẽ gánh lấy mọi khổ não ưu sầu, khổ não trước hết bởi chính sự tham đắm nung nấu và khổ não thất vọng vì tính chất giả huyễn của sự vật.

 Sự hiểu biết của thức có tác dụng khởi nên phân biệt, tăng trưởng, phát triển lan biến rất mạnh và mau lẹ.

 Ví như vừa nghe một câu kinh, ta khởi nên phân biệt kinh gì, giọng đọc ra sao, rồi liên tưởng về những kỷ niệm cũ ở quê nhà. Lập tức cảnh tượng cả chùa tụng kinh ở Việt nam biến hiện ra ngay trong ý nghĩ ta. Điều đáng nói là tác dụng khởi phân biệt của thức. Phân biệt so sánh giọng kinh như hải triều đầy thiền vị, như cải lương ai oán, hay như ngâm thơ. Phân biệt rồi khởi nên hâm mộ ưa thích, chấp trước giọng nào hợp với ý mình, vừa lòng mình nhất. Vừa lòng ưa thích thì khởi tham. Trái ý, ghét, không ưa thì nổi sân. Làm cho đời sống sầu bi khổ ưu não chính là do những loại thức thực tai hại này.

 Qua định nghĩa về thức, ta thấy sự hiểu biết của thức là bị điều kiện hóa, bị tùy thuộc vào sáu căn và sáu cảnh trần. Sáu căn và sáu cảnh trần nếu thâu tóm lại thì chúng là năm uẩn. Thức không thể sinh khởi tồn tại biệt lập với năm uẩn. Kinh Phật nói rõ : Thức nhờ sắc, nhờ thọ, nhờ tưởng, nhờ hành làm đối tượng, làm phương tiện, làm nơi nương tựa mà phát sinh hiểu biết (S. III, p.58), nhưng rồi thức lại khởi nên phân biệt đắm trước tìm cầu lạc thú, khát ái các sự vật đối tượng của mình.

 Duy thức học thường nói sự hiểu biết của thức phần nhiều là đảo điên. Thức không trực nhận được sự thật của sự vật mà chỉ nhận thấy những ảnh tượng của giả cảnh nhờ nương gá vào căn và trần. Duy thức học gọi những giả cảnh ấy là Đối chất cảnh hay Độc ảnh cảnh.

 Đã thế, thức lại có tính tưởng tượng suy diễn rất phong phú. Thức tưởng tượng và suy diễn trên những hiện tượng vốn là giả lập, giả có của các pháp, tạo thêm giả tưởng cho giả cảnh. Ví như nhìn một sợi dây thừng trong bóng tối mà suy diễn tưởng tượng là con rắn. Tính suy diễn đảo điên này được gọi là tính Biến kế chấp. Từ tính Biến kế chấp này sẽ sinh ra những sự nghi ngờ, những thành kiến, khiến nhìn người tốt ra xấu, chụp mũ xuyên tạc sự thật.

 Do bị vô minh tác động, phân biệt hiện hành, đối với những giả cảnh đảo điên mà thức lại cho đó là những cảnh thật để khát khao đắm trước dính mắc vào chúng. Sự chấp trước này gọi là chấp pháp. Và, sự hiểu biết của thức vốn chỉ là một phản ứng sinh khởi và tùy thuộc nhờ căn trần (hay năm uẩn), thuộc tính của vô ngã vô thường, thì thức lại tự cho đó là cái "Ta", là "Ngã" có thực thể thường còn mãi mãi. Sự chấp trước này gọi là chấp ngã.

 Món ăn thức thực xào nấu theo kiểu này quả là không nên ăn, không thể ăn được, không thể tiêu hóa được. Ăn vào, sớm muộn sẽ chết với chúng, và sẽ bị trôi lăn trong vòng luân hồi.

 Để sống an lành cho mình và cho người, chúng ta phải rất sáng suốt nhận rõ tính chất và tác dụng của thức thực. Nhận rõ để hóa chuyển vọng thức phân biệt thành trí tuệ diệu quan sát, nhìn sự vật một cách bình đẳng viên mãn. Như vậy thì những độc tố ẩn chứa trong thức thực sẽ được thanh lọc, trở thành thức ăn dinh dưỡng lành mạnh, bổ ích cho sự tu dưỡng hướng về giải thoát mà chúng ta hằng ước nguyện.

Kết luận.

 Trước khi kết thúc tham luận này, chúng ta hãy nghe đức Phật dạy về bốn loại thức ăn mà chúng tôi vừa trình bày ở trên.
 "Này các tỳ kheo, nếu đối với bốn loại thức ăn đoàn thực, xúc thực, tư thực, thức thực nếu có tâm tham [chấp], có hỷ lạc [vui thú], và có [khát] ái, lập tức nghiệp thức có mặt và tăng trưởng. Chỗ nào nghiệp thức có mặt và tăng trưởng, chỗ ấy có danh sắc sinh khởi. Chỗ nào có danh sắc sinh khởi, chỗ ấy có các hành tăng trưởng. Chỗ nào có các hành tăng trưởng, chỗ ấy có hữu được tái sinh trong tương lai. Chỗ nào hữu được tái sinh trong tương lai, chỗ ấy có sinh già chết trong tương lai. Chỗ nào có sinh già chết trong tương lai, Như Lai nói chỗ ấy có sầu, có khổ, có não."  (Đại 2, 102c ; Tương ưng II, 119).

Tỳ Kheo Ni Mạn Đà La


 [ Trở Về ]