Người Cư Sĩ [ Trở Về ] [Home Page]
Trong kho tàng văn học Việt Nam có hai tác phẩm Quan Âm Thị Kính và Nam Hải Quan Âm.
Bao giờ ?
Uyên Minh Truyện thứ nhất kể rằng cô Thị Kính lập gia đình với Thiện Sĩ. Bị nỗi oan âm mưu giết chồng nên bị chồng để, Thị Kính giả trai vào chùa tu. Tại đây Thị Kính lại gặp nỗi oan khác. Thị Mầu, một cô gái đa tình yêu Thị Kính vì tưởng Thị Kính là trai. Có thai với một người khác, Thị Mầu lại khai chính Thị Kính là tác giả cái bào thai. Tất nhiên là Thị Kính phải nhận. Dù bị tra khảo đánh đập tàn nhẫn, Thị Kính vẫn không giải oan cho mình, bằng cách chứng tỏ mình là gái giả trai, một việc quá dễ dàng. Nhẫn nhục chịu oan, Thị Kính tiếp tục tu hành và thành Phật hiệu Quan Âm.
Trong khi trong truyện Quan Âm Thị Kính, nhân vật chính là con gái thường dân, thì trong Nam Hải Quan Âm, nhân vật chính là một công chúa. Công chúa phát tâm tu hành ngay từ khi còn nhỏ. Lòng kiên định, quyết tâm đại nguyên của công chúa không gì lay chuyển nổi dù bị vua cha tức giận trấn áp đến độ ra lệnh xử tử. Lòng kiên định đó đúng như hai câu:
Thuấn Nhã Ða (1) tánh khả tiêu vong
Thước Ca La (2) tâm vô động chuyểnNghĩa là
"Bản chất không tánh có thể tiêu vong
Nhưng Tâm Kim Cương không hề thay đổi"Nhưng tại pháp trường, trước khi bị thọ hình công chúa được thiên thần cứu thoát và thành Phật hiệu Quan Âm.
Trong văn chương Việt Nam, từ trước đến nay, không có tác phẩm nào tán dương nữ giới bằng hai tác phẩm trên: vì trong vũ trụ, trong thế giới ba nghìn, có quả vị nào cao hơn quả vị Phật, quả vị "lưỡng túc tôn": từ bi và trí tuệ đều viên mãn? Lại nữa không có tác phẩm nào kể chuyện một người đàn ông Việt Nam tu hành thành Phật.
Trong khi đó những nhân vật nam giới phản diện là ai?
Ðó là người chồng Thiện Sĩ ngu ngốc; đó là các viên chức hội đồng cường hào, ác bá ở nông thôn; đó là một bạo chúa độc đoán, đến tàn ác cam tâm xử tử con gái mình, chỉ vì nàng không theo ý mình lấy chồng như tục lưu.
Ngoài các nhân vật phản diện bằng xương bằng thịt trên, còn có "nhân vật" phản diện vô hình khác: đó là những tập quán, những hủ tục, những pháp luật khinh rẻ, áp chế phụ nữ mà Thiện Sĩ, mà các cường hào ác bá nông thôn, mà vua chúa là những đại diện, là những người thi hành.
Rõ ràng trong giòng học Việt Nam, phong trào đòi giải phóng phụ nữ không phải mới bắt đầu từ những năm 20, 30 thế kỷ nầy, đặc biệt với phong trào văn học lãng mạn mà đại diện xuất sắc là nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, mà nó đã có trước đó hàng thế kỷ với hai tác phẩm Quan Âm Thị Kính và Nam Hải Quan Âm.
Phong trào lãng mạn do ảnh hưởng phương Tây, trên một nền kinh tế tư bản manh nha ở Việt Nam. Trong khi đó, hai tác phẩm về Quan Âm xuất hiện trong bối cảnh một nền kinh tế nông nghiệp, trọng nam khinh nữ, cho nên chúng ta càng trân trọng tấm lòng của hai tác giả, và cảm phục sâu xa cái nhìn thấu suốt của họ. Nhưng vì đi trước thời đại, tư tưởng của họ không có một nền kinh tế phù hợp để thực hiện, nên phụ nữ vẫn tiếp tục bị chà đạp.
Trong nền kinh tế nông nghiệp, tư tưởng trọng nam, khinh nữ thể hiện khắp nơi, trong tập quán, trong pháp luật, trong giáo dục, trong triết học..., nghĩa là trong mọi lĩnh vực; nó ăn sâu thâm nhập vào mọi tầng lớp xã hội, vào mọi người, khiến cho nạn nhân của nó là nữ giới cũng xem đó là một chuyện đương nhiên như mặt trời mọc ở phương đông không có gì phải thắc mắc, bàn cãi.
Ra đường gặp phải chuyện không may thì cho là do "gặp gái", con cái thì có ý nghĩ: "mười đứa con gái không bằng hòn d... đứa con trai"; miệt thị phụ nữ, cho họ tầm thường, thì bảo họ "đái không quá ngọn cỏ".
Trong triết học, thì Kinh Dịch xây dựng trên hai yếu tố Âm Dương. Dương là biểu hiện cho cái thiện, cái tốt, nam giới thuộc dương; Âm là biểu hiện cho cái ác, cái xấu, nữ giới thuộc Âm.
Cho nên người phụ nữ bị khinh rẻ, bị áp bức khắp nơi, trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
Trong gia đình thì, lúc còn nhỏ, theo cha (chứ không theo mẹ vì mẹ là nữ); có chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con (tất nhiên là con trai). Tóm lại, người phụ nữ lúc nào cũng là kẻ vị thành niên. Chồng chết thì phải thủ tiết, không được cải giá, vua chúa khi chết có khi lại bị bắt chôn theo. "Thủ tiết là chuyện lớn mà chết đói là chuyện nhỏ", đó là lời một đại nho, ông Trình Y Xuyên. Chuyện thủ tiết là "đức hạnh" của nữ giới, chứ không phải của nam giới, vì:
Trai năm thê bảy thiếp
Gái chính chuyên một chồng.Bị áp chế ngoài xã hội, thì có tư tưởng "nam ngoại, nữ nội" nghĩa là người đàn ông lo việc xã hội, người đàn bà chỉ biết lo việc nấu ăn, quét nhà. Con gái không được đi học, vì con gái đi học, chỉ tổ để viết thư cho trai (tại sao con trai không phản đối bằng cách không đọc thư con gái?)
Thúy Kiều không phải là anh thư, là nữ anh hùng, như hai bà Trưng, bà Triệu, không phải là bậc thánh như Phật Bà. Kiều chỉ đòi quyền sống và chiến đấu cho quyền sống như mọi người của cõi đời thường, thế mà các ông nhà nho của nước ta đã nhục mạ, lên án:
"Ðàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều"
Ðáng lẽ lên án thủ phạm là chế độ coi phụ nữ là đồ chơi của đàn ông, các ngài lại lên án nạn nhân là Thúy Kiều. Cũng khó cho quí ngài, vì kết án chế độ đó là các ngài tự kết án mình. Nói cho đúng, tư tưởng trọng nam khinh nữ, nó có lý do xuất hiện và có lý do tồn tại trong xã hội nông nghiệp, vì việc lao động nặng nhọc, cần thân hình lực lưỡng, cơ bắp rắn chắc của nam giới. Chính cơ bắp người đàn ông tạo uy quyền cho họ, vì chính cơ bắp của họ đã làm ra của cải, tiền bạc. Và rằng là "người nào trả tiền, người đó cai trị".
Ngày nay, nói chung, nền kinh tế nông nghiệp không còn quá nặng nhọc, vì nhờ có máy móc, và cũng không còn chiếm địa vị trọng yếu như xưa mà trở thành thứ yếu. Do đó, quyền hành ngày nay không nhất thiết phải là hàm số đồng biến của cơ bắp, trừ phi là để đấm đá, để lên võ đài! Cho nên, từng nơi, từng bước, người đàn bà đã đòi bình quyền với đàn ông, nghĩa là đòi lại những quyền của họ đã bị đàn ông chiếm đoạt, và đàn ông phải nhả ra, phải trả lại cho họ. Họ đã tranh đấu, đã đòi chứ đàn ông không bố thí gì, không ban ơn gì cho họ cả.
Việc tán dương phụ nữ trong hai truyện Quan Âm Thị Kính, và Nam Hải Quan Âm có hợp giáo lý nhà Phật không?
Trong Phật giáo có bốn chúng: hai cho cư sĩ, nam và nữ, hai cho tu sĩ, tăng và ni. Cả bốn chúng đó, nếu ai tu hành thì cũng đều chứng Thánh quả cả. Chúng ta có thể bảo, nếu Kinh Duy Ma Cật đánh đổ ý tưởng khinh thường cư sĩ, thì hai chuyện về Quan Âm đánh đổ tư tưởng coi thường phụ nữ. Vả chăng khi thành Phật thì đâu còn "giới tính" nam hay nữ, nghĩa là không còn những nhu cầu, những hành xử riêng biệt mang tính nam hay nữ, mà chỉ còn "giới tướng" tức là các cơ quan phân biệt nam, nữ.
Thế thì tại sao, đôi khi, chỗ nầy, chỗ nọ, trong kinh điển nhà Phật có ghi khả năng phụ nữ kém nam giới? Phải hiểu những lời đó thế nào?
Ðúng, quả có chỗ, Phật bảo khả năng người phụ nữ kém nam giới. Nhưng phải hiểu rằng, lúc đó Phật bảo rằng nữ giới không có khả năng bằng nam giới, không phải vì họ thuộc "nữ giới" mà chính vì họ thuộc "nữ giới thời đức Phật" nghĩa là thời mà người phụ nữ bị áp chế, khả năng họ không có cơ hội phát huy như nam giới. Cũng như có người nào đó, thời thuộc Pháp, bảo: Người Việt Nam không thể có ai được giải Nobel. Ðiều đó đúng nếu hiểu rằng đó là tại vì họ là người Việt Nam dưới thời thuộc địa bị áp bức, chứ không phải tại vì họ là người Việt Nam. Ai dám bảo, trong tương lai, giải Nobel không thể trao cho người Việt Nam. Trong tương lai người Việt Nam cũng có khả năng đoạt gải Nobel như bất cứ người nước nào. Hiểu một câu, nên hiểu hoàn cảnh lịch sử mà câu đó được thốt ra, viết ra; nên hiểu tinh thần của nó, chứ đừng hiểu mặt chữ của nó. Hiểu từng chữ, là giết tinh thần, nội dung, của nó. Người xưa có dạy "Hiểu sát chữ của sách, không bằng không sách" (Tận tín thư bất như vô thư).
Ngày nay, nói chung, ở nhiều nước, nữ giới đã được giải phóng trong kinh tế, trong chính trị, trong văn hóa, trong xã hội. Trong lĩnh vực nào họ cũng xuất sắc, thành công như nam giới.
Có người căn cứ vào hiện tình mà bảo: nhưng nữ giới có được bao nhiêu người thành công nếu so với nam giới. Ðiều đó quả có thật, hiện tình số người nữ xuất sắc không nhiều bằng số người nam, nhưng nguyên nhân đó là vì sức "ỳ" của tập quán của thành kiến của sự thủ cựu, của sự hoài cổ, chứ nguyên nhân không phải nằm trong giới tính, vì nếu do giới tính thì đã không có người nữ nào thành công; cũng như vì bản tính của lửa là nóng, nên lửa ở đâu lúc nào cũng không thể mát được, bản tính của nước biển là mặn, nên bất cứ ở đâu, lúc nào nước biển cũng không ngọt được. Nếu bản chất nữ giới là kém cỏi, thì đã không có người nữ nào xuất sắc. Nữ giới đã được giải phóng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa v.v... lẽ nào họ không được giải phóng trên lĩnh vực tôn giáo? lẽ nào cơ chế còn kiềm chế họ?
Ðặc biệt là tại Việt Nam nói riêng, các nước theo Phật giáo phát triển nói chung. Tại Việt Nam, ngoại trừ một ít chùa thuộc phái nguyên thỉ, còn thì chùa nào cũng thờ Phật Quan Ân với hình tướng người nữ nếu không là tất cả, đa phần các chùa Việt Nam đều có dựng tượng Phật Bà lộ thiên. Không những thế, ở nhiều nơi có xảy tai nạn thì dựng tượng Phật Bà tại đó để cầu sự an lành. Hoặc dựng tượng Phật Bà ở các thắng cảnh để Phật Bà hộ trì cho địa phương, cho đất nước. Và tu sĩ hay cư sĩ thuộc hai giới đều nguyện cầu.
Thế thì tại sao trong đầu óc của không ít Phật tử vẫn còn láng váng tư tưởng trọng nam, khinh nữ, trọng tăng khinh ni?
Nghịch lý nầy bao giờ chấm dứt? Và bao giờ sẽ có phiên tòa xử sự kỳ thị nam nữ, như phiên tòa xử sự kỳ thị chủng tộc đang diễn ra tại Pháp mà phạm nhân là một thị trưởng?
Uyên Minh
(1) Thuấn Nhã Ða là phiên âm chữ Phạn Sunyata
(2) Thước Ca La là phiên âm chữ Phạn Vajra
[ Trở Về ]