Người Cư Sĩ          [ Trở Về        [ Trang Chủ  ]


 
Sự toàn cầu hóa của tâm lý học và lô-gích Tây phương 
so với một số quan điểm Phật học về con người.

(The Globalization of Western Psychology and Logic Compared to Buddhist Viewpoints on Humanity)

Bài được thuyết trình trong Hội thảo khoa học quốc tế
" Phật Giáo trong thời đại mới : cơ hội và thử thách "
Thành Phố Hồ Chí Minh, Việt-Nam, 15-16.07.2006.

Tác giả :
Bác sỹ Lương Cần Liêm.
Bác sỹ tâm thần, Tiến sĩ tâm lý học.
Giảng viên trường đại học Y Paris, Pháp.
Chủ tịch Hội Pháp-Việt Tâm-thần và Tâm-lý Y-học.
Kính thưa quí vị,

Trước tiên, tôi xin cám ơn Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt-Nam có nhã ý mời tôi đến hội thảo trên chuyên môn tâm lý và tâm thần của tôi.

Đây là lần đầu tiên, tôi dùng tiếng mẹ đẻ, để nói đề tài này. Do đó, tôi thấy mình còn nhiều thiếu sót về thuật ngữ khoa học.

Riêng ngày hôm nay, tôi còn có rất nhiều thiếu sót về từ dùng trong nghiên cứu Phật học.

Vậy nếu có những điều nhầm lẫn thì tôi xin quí vị tha thứ tôi truớc.

Dẫu sau, tôi mong rằng công trình nghiên cứu Phật học Việt Nam sẽ có nhiều cách nói hiện đại, có những phương thức đơn giản để trình bày sự thật của Đạo và của đời, không rườm rà với nhiều từ ngữ làm người xa Đạo và làm Đạo tránh đời.

Hôm nay, tôi xin nói đề tài : Sự toàn cầu hóa của tâm lý học và lô-gích Tây phương so với một số quan điểm Phật học về con người.

A. Thời kỳ phát triển nhân loại từ lúc chữ viết ra đời, đã trải qua năm thời lịch sử tư tưởng văn minh

1 -Lúc đầu là thời thần bí và thần thoại (mystique et mythologique) thì người Giao Chỉ là con rồng cháu tiên.

2 - Sau đó tới thời tôn giáo (religieux) rồi qua

3 - Thời siêu hình trừu tượng (métaphysique).

4 - Cách mạng lịch sử hiện đại đã bắt đầu vào cuối thế kỷ thứ 18 dẫn đến thời khoa học ngày nay.

5 - Thế kỷ thứ 21 thuộc thời khoa học sau hiện đại (période scientifique post-moderne) với những phát minh độc đáo về khoa học, kỹ thuật, nghề nghiệp và con người.

Nói cách khác, những thời kỳ đó là kho tàng kinh nghiệm văn minh của nhân loại, và là kho tàng tồn tại và hiện thực trong từng người một.

Chính vì thế mà ta có thể vận dụng ngay đây, ý niệm Phật học để nói cái Nghiệp tập thể là một nền văn minh tổng hợp kinh nghiệm và lịch sữ tập thể.

Ví dụ, " nghiệp dân khổ " do các Pha-ra-ông xây Kim-tự-tháp đã trở thành " nghiệp hạnh phúc " của dân Ai-Cập làm chủ phát triển du lịch nước họ.

Vậy, sự nghiệp của dân tộc là nhân quả như một tài sản quí báu ẩn kín, mà mổi người sẵn sàng mang ra " dùng " như một tiềm năng, như một kế thừa.

Tôi xin nói Nghiệp là vốn.

Đó là vốn tinh thần và vốn văn hóa với những cái tốt và những cái xấu của nó mà mỗi thế hệ con người phải nhận trách nhiệm cải tiến để thừa hưởng, tức là hưởng một kế thừa trước khi trao lại cho thế hệ sau.

Như vậy, người văn minh biết văn minh với chính mình, khi mình thật tình và từ tốn minh bạch Nghiệp xa, Nghiệp gần và Nghiệp lịch sử hiện đại của mình.

Như vậy, cuộc sống văn minh khoa học ngày nay, có và còn khía cạnh huyền bí thần thoại, còn và có khía cạnh tôn giáo, có và còn những hiện tượng siêu hình trừu tượng.

Sẽ không bao giờ có một người " khoa học " sống và suy nghĩ như một máy điện tử.

Về lịch sử tư tưởng, chúng ta nhận xét hai thời kỳ có tính cách dứt khoát.

Thời đầu tiên xảy ra vào thế kỷ thứ năm trước âm lịch.

Tại Hy Lạp cạnh bờ Địa Trung Hải có ba vị Socrate, Platon Aristote, thì ở phương Đông có ba vị Lão Tử, Khổng TửThích Ca Mâu Ni Phật.

Họ đem đến cho nhân loại một bước nhẩy vọt tư tưởng hệ về hiểu biết (saut épistémologique).

Sau các vị đó, các nền văn minh lớn dứt khoát đổi cách suy nghĩ và xây dựng những phương pháp luận mới mẻ, phong phú và đi vào chi tiết.

Thời thứ nhìthời sau hiện đại[hoặc " hậu hiện đại "] mà chúng ta đang sống.

Nó bắt đầu từ thế kỷ thứ 19, với những phát minh khoa học, kỹ thuật và tư tưởng.

Hạ tầng cơ sở về hiểu biết đã tương đối hoàn thành nhưng ta phải điều chỉnh lại và suy nghĩ thêm những vấn đề liên quan đến việc khai triển lý thuyết và áp dụng kỹ thuật vào môi trường và xã hội.

Ví dụ, lý thuyết vật lý học về ánh sáng tương đối rõ nhưng phải đợi hơn 40 năm mới có kỹ thuật điều khiển ánh sáng laser, và đợi 15 năm sau mới ra kỹ nghệ DVD.

Ví dụ thứ nhì là kinh tế và môi trường phát triển trên cơ sở dầu hỏa và dầu khí.

Khi trái đất nóng hơn từ 2 đến 5 độ, vào khoảng năm 2050-2060, thì đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập một phần ba, và một phần ba bị nước mặn hoặc nước lợ xâm vào.

Như vậy, ý thức tập thể là một ngành của tâm lý tập thể.

Trong phong trào toàn cầu hoá, văn hóa không phải một hàng hóa bình thường, nhưng kinh tế dùng những sản phẩm văn hóa như là một sản phẩm phát triển văn hóa.

Nói cách khác, văn hóa không phải hàng hóa nhưng sản phẩm văn hóa đã là văn hóa. Ta nhận thúc cái đó tùy theo quan điểm văn minh của ta mà Nghiệp tập thể có một ảnh hưởng rất quan trọng.

Ngành tâm lý không thể tách rời khỏi văn hóa, kinh tế và lịch sử.

Ví dụ, nếu nhà ở là sản phẩm của một văn minh cá nhân mỗi gia đình một nhà thì đến một ngày nào đó, chúng ta không thể " chứa " ông nội hay bà ngoại đến ghé thăm. Nói cách khác, sản phẩm kinh tế thay đổi tâm lý văn hóa con người.

Chúng ta ra quán kêu trà Lipton trong một tách nước nóng thì có vẻ lịch sự hơn là xin một chút nước trà nóng !

B. Ngành khoa học tâm lý ra sao ?

Ngành này là sản phẩm văn hóa phương Tây, cần được đối chiếu với những hiểu biết Á châu về con người.

Nhiều bạn nghĩ rằng phương Đông không có một " ngành " tâm lý học thật sự vì không có ai ra một " lý thuyết " về con người để dựng lên một bộ môn " nội địa " với những phương pháp nghiên cứu khoa học và những suy nghỉ có hệ thống.

Lời nói này hơi nông cạn vì chúng ta ngồi đây nói chuyện với nhau.

Tâm lý Á Đông không bắt nguồn trên một chủ thuyết về " con người là một bộ máy hay một bộ phận " hay một " lý thuyết về hạnh phúc và giải thoát ".

Phương pháp không đi từ phía trên, lấy "lý thuyết áp dụng xuống đời sống xã hội " rồi kiểm chứng sự việc cụ thể.

Tâm lý Á Đông bắt đầu bằng quan sát thực tế con người.

Từ thái độ duy vật này mà xây dựng những quan điểm tổng quát và ý niệm tổng hợp về cuộc sống.

Khi đi từ " dưới lên trên " thì phương pháp luận Á Đông là một phương pháp vô cùng cụ thể, nhân đạo và dân chủ.

Như vậy, một bên thì tâm lý Âu châu xem cuộc sống tình dục, mà nói " đời là khoái trá ". Con người va chạm với thực tế, nên sanh ra những thiếu thốn và gặp những trở ngại làm khổ.

Bên kia, tâm lý nhà Phật nhận xét hiện thực " Đời là khổ ".

Đó không phải là hậu quả của một mô hình về hạnh phúc.

Chung với đó, sự " không hiểu biết " và cái " dốt " của con người là một thực tế thứ hai không có gì là " khoái trá ".

Vậy tôi xin lượt hai nền tảng văn minh Âu và Á, trên ba điểm cơ bản như sau.

1. Về vai trò triết học.

Nền giáo dục Tây Âu để lại cho Á châu nhiều bài bản ghi các ông Socrate, Platon Aristote là nhà triết học cơ bản duy nhất của văn minh nhân loại toàn cầu.

Gần đây, các nước châu Á ráo riết quay về nguồn gốc để phát huy kiến thức triết học đặc thù của vùng mình.

Thật vậy, định nghĩa cổ điển của triết học Tây phương là ba vị Lão Tử, Gotama Siddhattha Khổng Tử không phải là nhà triết học. Họ không có viết luận sách.

Đạo giáo của Lão Tử, Khổng giáo và Phật giáo là những lời " giáo dục ", là những bài " dạy đời " nói về cuộc sống, nói về vũ trụ.

Đây cũng không phải là " một tôn giáo thật sự " vì kinh điển của họ không do Chúa Trời hướng dẫn ghi chép.

Hơn nữa, có quá nhiều trường phái, không có một hệ tổ chức duy nhất, và không có một Người giáo chủ chỉ đạo Sự thật. (Chỉ đạo trong nghĩa Hán Nôm chỉ đường).

2. Về nguồn gốc văn hoá của tâm lý.

Ngành tâm lý Tây phương phát triển theo hai hướng dưới sự ảnh hưởng của triết học và văn hóa Do Thái, Hy Lạp và La Mã.

Hướng đầu nghiên cứu sản phẩm của trí óc như một bộ phận, một máy của cơ thể con người. Bộ óc có tinh thần, có tâm lý, có suy nghĩ hướng về mục tiêu có lợi ích, có năng suất hữu hiệu cao. Như thế, chúng ta có thể áp dụng tâm lý vào xí nghiệp, vào xã hội học, vào kinh tế chính trị, vào thị trường tiêu thụ (psychologie sociale).

Hướng thứ nhì phân tích tâm lý (psychanalyse - phân tâm học) như một bộ máy đặt dưới sự chỉ đạo của sinh lý và tình dục nhằm đem lại cho con người lí thú, hạnh phúc và cho loài người tồn tại.

Như thế, nội tâm có hai phần.

Phần nổi là cái Ý Thức (le Conscient), và phần ngầm là cái Vô (Ý ) Thức (l'Inconscient). Vô Thức điều khiển Ý  Thức và hành vi con người.

Quan điểm định nghĩa Vô Thức là nó không có giới hạn, không bị ràng buộc bởi thời gian, bởi không gian và không theo qui luật mâu thuẫn.

Trong khi đó, Ý Thức phải đối phó với những ràng buộc này mới đi vào xã hội và tập thể được.

Những khó khăn thực hiện tâm lý khoái trá, gây ra những triệu chứng bệnh tâm lý và bệnh xã hội.

Như thế, mối dây lịch sử định nghĩa giữa Vô Thức và Tâm linh là đạo Công Giáo.

Cái Vô Thức là một dạng còn " vô thần " của linh hồn con người, trước khi ý thức mình có một " bộ phận " của hồn Chúa trong mình - Thần Linh con người, phi không gian, phi thời gian và phi mâu thuẫn -.

Do đó, mặc cảm tội lỗi của con người là kế thừa của lỗi nguyên thủy do cập chàng Adam với nàngEve, ham sinh dục mà cải lời " cấm tìm biết " do Chúa ban ra, muốn vượt qua cái " dốt " của họ về sinh lý tồn tại. Sau " ngày thứ bảy sinh ra trần gian ", Chúa cho người biết thủ tục làm " lễ xin rửa tội " vào ngày " Chúa Nhật " [gọi " lễ mi-xa "].

Nói đến cùng, lương tâm người công giáo chỉ chịu trách nhiệm tội lỗi trước Chúa khi trình diện Thiên Đàng.

Ở trần gian, người Công giáo chịu trách nhiệm trước những người hay " cơ quan " đại diện của Chúa ở các nhà thờ trên thế giới, một cách nói đến vấn đề toàn cầu hóa tôn giáo.

Do dó, luật tâm lý là cá nhân chịu trách nhiệm bản thân những gì mình làm.

Và trách nhiệm cá nhân có thể tách rời với trách nhiệm tập thể, thậm chí có thể độc lập với tập thể.

Á châu không có ý niệm " Chúa ở trên trời cai quản " mà chỉ có truyền thống quan niệm " Trời " là một sức mạnh vô hình theo thứ tự bộ ba " Thiên-Địa-Nhân ".

(Tục lệ dân gian kêu Trời Đất chứng kiến như thí dụ Trời đánh, tránh bữa ăn). Thêm vào đó, chúng ta phải biết là khi chữ Quốc ngữ chuyển từ tiếng Hán-Nôm sang bảng chữ La-tin, thì một số ý niệm triết học, tôn giáo và chính trị mới được nhập vào văn hóa Việt Nam.

Cũng như ý niệm nói về Chúa (vua chúa, chúa trời, Thiên tử và Thượng đế), về Thần (thần triều và thiên thần), về Tôi (cái tôi, tôi tớ và bản ngã).

3. Về biện chứng luận trong tâm lý.

Từ cuối thế kỷ thứ 19, một số phong trào tư tưởng ra đời để khai triển thế nào là quan hệ biện chứng giữa tinh thần và vật chất.

Vật chất đi trước và có tính cách quyết định tinh thần con người, là một phương pháp kinh tế luận.

Phương pháp luận này là con đẻ của truyền thống tư tưởng vừa tôn giáo, vừa triết học. * Về triết học thì dựa trên René Descartes của Pháp, và Friedrich Hegel và Emmanuel

Kant của Đức. Theo các vị này thì mọi vấn đề đều có hai vế.

Khi biện chứng vô hình, thì vế duy tâm và vế duy vật luôn luôn đưa đến vị trí mâu thuẫn. Khi mâu thuẫn đối kháng thì phải giẩi quyết bằng đấu tranh tuyệt đối.

* Về tôn giáo thì từ đạo Công Giáo.

Chúa cho bắt đầu bằng vật chất, tạo " Thiên Địa " thiết lập một môi trường đầy đủ trên mặt đất.

Sau đó, " vào ngày thứ bảy", Ngài qua giai đoạn thứ nhì là uốn nắng con người ra hình Nhân, cho ra đời bằng một hơi thở cấu tạo ra lời nói.

Nói như vậy, bộ ba " Thiên-Địa-Nhân " chỉ là một cách nói văn hóa của " Thánh Tam-vị " (La Sainte Trinité).

" Lô-gích " của phương pháp luận kinh tế là tìm vị trí biện chứng, để tìm cơ hội biện chứng bổ sung, biết lúc nào biện chứng đối kháng thành biện chứng đối nghịch.

Do đó, tình hình cần ta phân ranh cho biết ai chi ai xuất, ai có ai không có, ai thắng ai thua, ai vô thức hay ai ý thức, v.v...

Biện chứng máy móc này thu hẹp điều kiện thực tế thiên nhiên và xã hội con người. Câu trả lời vấn đề duy tâm và duy vật bằng qui luật tranh chấp, rất xa với tâm lý con người.

Thật vậy, con người không phải là một hàng hoá kinh tế bình thường, đánh giá theo phương pháp kinh tế luận như một bộ máy " sản xuất và tiêu thụ ", ví dụ sản xuất khoái trá và sinh dục, sản xuất nhu cầu và tiêu thụ con người như một con số lao động.

Lô-gích Á đông nói tâm lý, tình cảm và lý trí con người vừa là sức mạnh ban đầu của các dự án sống, vừa là động cơ sản xuất vật chất và phi vật chất của con người và xã hội.

Nói cách khác, Con Người là điều kiện duy nhất của biện chứng tại vì con người không thể mâu thuẫn với chính bản thân mình.

Như vậy, biện chứng Á đông xem con người như một " căn biện chứng âm dương cân đối và đề huề ".

Vật chất quyết định tinh thần và cùng một lúc và trong một động cơ, tinh thần quyết định vật chất.

Hiện tượng học nêu rõ phép biện chứng là do điều kiệnvật chất và điều kiện tinh thần - chớ không phải đơn thuần vật chất và tinh thần mà thôi -. Hai điều kiện tổng hợp này xuất phát từ con người, để con người xây dựng mình và xây dựng môi trường.

Với cái nhìn đó, tôn giáo là một phương pháp đạo đức giáo huấn - giáo dục và huấn luyện - có sinh hoạt tư tưởng duy vật và duy tâm trên một chức năng tâm lý gọi là lòng tin tưởng.

Như vậy, Nghiệp vừa là vốn lịch sữ, vừa là lòng tin nơi tương lai.

C. Xem bốn quan điểm Phật học về con người

1. Cái " Tôi tâm lý "trong văn hóa Âu châu và theo nhà Phật.

Theo Âu châu, cái " Tôi " được cấu trúc (structurer) bằng ngôn ngữ.

Khi tôi nói, thì lời nói của Tôi xác nhận tôi là tôi. Và khi tôi lên tiếng, thì những lời đó qui định thân phận tôi là người.

Như vậy, tôi thực hiện nội dung lời nói ; tôi trung thành với ý của tôi như một lời hứa của tôi đối với tôi và đối với bên ngoài.

Như thế, Tôi ra mắt tôi và ra mắt người đời và xã hội.

Ta gọi đó là vinh dựthể diện như một bàn chứng cấu tạo hiện-thể.

Từ đó, " thương người như thể thương thân " mới có giá trị. (Xin nói thêm đây là chữ " Thể " thuộc ý niệm Á đông không có tương đương trong triết học Âu châu).

Khi tôi phát ngôn với tư cách một người công dân thì tôi cư xử, hành động, suy nghĩ như một công dân được bình đẳng, và người ta nhận tôi như thế. Ngược lại, trong xí nghiệp thì tôi để qui chế " công dân " ở nhà mà lấy nón " công nhân làm thợ " đội vào nhận kỷ kuật.

Như vậy, lời là cái qui định tư cách và nhân cách con người.

Cái bề trong của cái Tôi đó rất vững chắc, làm trung tâm của cuộc sống.

Nhờ cái bề ngoài nên cái Tôi biết chỗ hư, chỗ hỏng để sửa sai từ thuở bé đến khi tuổi già. Cái Tôi đó không vô thường và không vô ngã !

Phật học không giới hạn cái " Tôi " theo tâm lý hữu dụng này.

Do đó, có người thấy đây đã là một sự thiếu kém của văn hóa phương Đông.

Thử xem thuyết " Không-không " của nhà Phật thì mình hiểu như thế nào ?

Cái " Tôi " cấu tạo bằng ngôn ngữ, có phần đúng.

Nhưng, đây không đủ để diễn tả toàn diện sự thật con người thường xuyên thay đổi, với những lúc im lìm không cần ra lời.

Chúng ta lẩn quẩn trong vòng thuyết " 12 Nhân Duyên " của nhà Phật.

Chúng ta còn luân chuyển trong Luân hồi của thế giới ngôn ngữ.

Đây là " thế gian Sắc giới " qui định bởi ngôn ngữ, một thế gian mà lời nói là một công cụ suy nghỉ ràng buộc con người.

Lời nói là cái cọ sơn tô màu cho đời ra nhiều " sắc " khác biệt đối chọi với nhau, ra những " giới " tranh đua với nhau.

Tâm lý con người " xê dịch " giữa hai thế giới.

Đó là thế giới " con người " trong vòng luân hồi sinh tử, và thế giới " lời nói " theo cái sinh tử của từng lời đã nói, của những lời chưa nói mà đã là lời chết, và những lời sắp nói hay không cần phải nói.

Như vậy, sau khi nhân loại " sản xuất " cái " Tôi " để phát triển xã hội, thì cái " Tôi " biến từng người một thành tù nhân của ngôn ngữ mình.

Ta có thể " xả " trong nghĩa buông thả, để ra khỏi vòng ngôn ngữ, chớ không phải " nói xả " để xả giận, xả sinh và xả trách cuộc đời.

Vì thế, nếu tâm lý không ý thức vai trò ngôn ngữ thì đến một lúc nào đó - và lúc đó ta không biết trước được -, chúng ta hết làm chủ và hết biết nghe người bạn mà chỉ biết đấu khẩu.

Đến lúc đó, thay gì dùng lời để suy nghĩ giác ngộ, thì ta cố tìm một ẩn ý nơi người ta mà sanh ra bệnh sợ hãi hay bệnh suy diễn trầm trọng.

Cái " Sợ " và cái " Dốt " tạo nghi vấn cho những người bước chân vào thế giới " địa ngục " - ngục trên đất - lệ thuộc hoàn toàn vào những nội tâm không còn biết giá trị " thông tin ".

Thế giới địa ngục đó là " thế gian Dục giới " đặt dưới sự chỉ đạo của những gì thúc giục, và cám dỗ chúng ta ra ngoài tầm tự do suy nghĩ và ngoài quyền định đoạt của con người.

Cái " Tôi " giác ngộ là một cái Tôi hiểu được lô-gích của ngôn ngữ.

Ta cần có ngôn ngữ như là một công cụ giải thoát, nhưng ta cũng thấy nó là một công cụ giam cầm.

Phương pháp biến chế tâm lý như thế nào ?

" Tôi hãnh diện Tôi là tôi " có nghĩa là " Tôi " thành một nhân vật.

Khi tôi là một nhân vật, thì con người tôi - trên phương diện nào đó - đã tự biến mình thành một món vật, và chấp nhận mình như một đồ vật, một động vật.

Phương pháp tâm lý tự nhiên của ngôn ngữ là " món vật hóa " (réification).

Không ai tránh khỏi động cơ này : có ngôn ngữ, là có " món vật hoá " và đây là điều kiện duy nhất để trao đổi.

Như vậy, địa bàn ngôn ngữ thu gọn con người thành một món đồ kinh tế vì có sự trao lời và trao đổi giữa người và người.

Từ đó, luân lý con người và đạo đức xã hội bị ảnh hưởng, có khuynh hướng quản lý con người như một " yếu tố điều hành lao động và thị trường ".

Như thế, giác ngộ là giải thoát khỏi một loại thế giới chỉ qui định bằng lời nói, tin tức và lợi nhuận.

Đó là ý nghĩa của cái Tôi vô thường, vô ngã : có như không, không như có.

Đường đó là con đường dẫn đến thế giới Niết Bàn, cái thế gian thứ ba của Tam Giới gọi là " thế gian Vô-sắc giới " không bị qui định bởi " sắc " màu của cuộc sống, những sắc màu của lời nói dùng để che khuất bản chất thật của mọi việc.

Như vậy, giác ngộ là giải phóng khỏi vòng ngôn ngữ, khỏi vòng nhân duyên và nhân quả của những " Lời " còn ảnh hưởng trên tôi.

Có lẽ chốn Niết Bàn không xa lắm : đó là một nơi, một chốc lát, một tâm trạng mổi khi xuất hiện khác nhau, thì khác nhau.

Cái khác nhau đó không nhất định là mâu thuẫn.

Nếu có mâu thuẫn thì mâu thuẫn cũng vô thường, có như có và có như không, vì nội tâm con người không mâu thuẫn với nhân quả của mình.

2. " Đời là khổ " hay " đời là sung sướng " ?

Hai câu hỏi này không có một trả lời " khách quan ".

Tây phương quan niệm rằng sự đau khổ là hậu quả của thiếu thốn : cơ bản là thiếu tình thương, thiếu tình cảm, thiếu sự thừa nhận... và dỉ nhiên, thiếu vật chất.

Lý tưởng con người là đạt chỗ đứng sung sướng thú vị nhưng vì sự ham muốn và có yêu cầu bên ngoài nên con người thấy đời quá cấm đoán, cuốc sống còn thiếu thốn, tức đời là khổ.

Ham muốn cũ nuôi dưỡng ham muốn mới, và cứ như thế mà con người xây dựng ý niệm hạnh phúc qua công trình tích lũy, tích lũy đồ và tích lũy tình yêu.

Tánh đua đòi đi chung với cảm xúc sai lầm tội lỗi ; đi chung với ý muốn thành công mà sợ không thành công.

Đây là cái khổ thứ nhì của cuộc sống chỉ có kinh tế tranh đua.

Bài dạy của " Dược Sư Phật " nói thật rõ : Đời và Đạo là hai bờ đường dẫn lối tôi thoát khỏi tôi.

Khó khăn và hưởng thụ là hai thử thách để trả lời câu hỏi này : Đời làm sung sướng và Đạo để giải khổ.

Khi nghe nói đạo Phật quan niệm " đời là khổ " thì một số học giả Tây phương nghĩ rằng đạo Phật là một đạo bi quan, vô thần và mê tính vì không có Chúa dẫn đường, và không có một kinh thuyết thống nhất.

Phật giáo là một suy nghĩ không tích cực, có một quan niệm sống rất buồn về con người, về đời và về xã hội.

Với quan điểm này thì quả thực văn minh, tâm lý và kỹ thuật phương Tây là quá tốt, đem lại cho loài người những sung sướng đẹp nhất của thiên đàn.

Tôi xin hiểu như thế này.

Nếu đời là sung sướng thì ta " thương thuyết " với đời sống riêng của mình.

Nếu đời là khổ thì ta " thương thuyết " với cái " nghiệp " để ra khỏi vòng lẩn quẩn luân hồi.

Do đó, hai giả thuyết sống này là hai kế hoạch không mâu thuẫn với nhau, mà tâm lý " sung sướng " có vẻ hấp dẫn hơn.

Như vậy, chúng ta không thể đối nghịch " cái sướng và cái khổ " vì đây là hai ý niệm hoàn toàn khác chuẩn với nhau.

Do đó, ta mới có câu hỏi : mục đích sống là gì ?

Tây phương ghi rõ mục đích sống là sung sướng.

Trong khi đó, nhà Phật là xem thực tế, trước khi xem mục tiêu diệt khổ.

Khi xem thực tế, nhà Phật thấy con người ta " quá " tham và không tự mình xét mình mỗi khi muốn " lấy đời và thu nhập đời " như một món đồ vào tâm trí thân mình.

Nói cách khác, đời là khổ vì người không rõ đâu là cái tương đối, đưa mục tiêu sung sướng lên trên cao đỉnh dù phải trả bất cứ giá nào.

Về tâm lý, nhà Phật chỉ có phương pháp thực hiện một cuộc sống lành.

Từ đó, sung sướng vừa có, vừa vô thường ; khổ cũng có mà cũng vô thường.

" Đời là khổ " không có nghĩa là đời phải trái ngược với những cái sung sướng của cuộc sống, hay là loài người phải trả giá " nhân quả " sai lầm của nhân loại mà ta gọi là Nghiệp xấu.

Ở đây, " khổ " là không chấp nhận sự cải thể, sự cải thân và những cải tiến toàn diện của sự việc.

Ta không ý thức là mọi cố sẽ có biến cố.

Tất nhiên, cái có sẽ không còn, và nếu còn thì cũng sẽ không mãi mãi tồn tại dưới một dạng, một vẻ, một chức năng, một danh duy nhất.

Cứ như vậy, ta lặp đi lặp lại nhân quả cho có vẻ vĩnh viễn.

Chơn hạnh phúc là khi được thì biết cho, và khi có thì biết chia.

Vậy, tâm lý Tây phương dạy rằng cái " Tôi " đi đâu cũng có, còn Phật học thì nói rằng cái " Tôi " là vô thường, vô ngã.

Tôi là tôi, tôi là trăm ngàn cái tôi, và tôi không phải là tôi, nhưng tôi vẫn nhận tôi là tôi. Bản ngã không phải là bản chất ; bản thân không phải bản thể ; cá thể của ta đi chung với nhân thể và tập thể.

Nếu cái Tôi là ông giám đốc, thì cái Tôi đó không thể nào là cái Tôi của một người chồng đối với vợ, người cha đối với con.

Cái Tôi giám đốc sẽ tiếp tục suy nghĩ, nói chuyện, ra lệnh cho vợ và cho con nhưng một người giám đốc chỉ biết nói năng suất của vợ, của con.

Gia đình được quản lý như một cơ quan, như một xí nghiệp trong đó hàng tháng, con của giám đốc cha là công nhân có bổn phận đổi chác bằng khen với chén cơm và rút tiền học. Thậm chí, người con đó sẽ đi ăn chơi, hút thuốc phiện chỉ vì thiếu tình tương gia đình, đi tìm tình bạn, xài tiền của " bố " ông cho bõ ghét.

" Khổ " là không giác ngộ rằng cuộc sống vô thường phải giải thoát bằng đạo đức. Chính vì đạo đức cũng vô thường.

Đạo đức ngày hôm nay là một đạo đức hoàn toàn, và ngày mai đạo đức mà tôi xây dựng sẽ là một đạo đức hoàn toàn hơn nhờ ba vị " Phật quá khứ ", " Phật hiện tại " và " Phật tương lai " có trong tôi.

3. Tôi và Nghiệp.

Cái Tôi vừa vô thường vừa vô ngã, nhưng cái Tôi không trống rổng.

Ngành tâm lý phân chia con người ra hai phần.

1 - Một phần do sinh lý cấu tạo,

2 - Và phần thứ hai là do môi trường văn hoá và xã hội cấu tạo.

Trên cơ sở đó, một số ý thức hệ xã hội và tâm lý vừa qua, có ra ý kiến về những văn minh " đi lên ", " ở một chỗ " hay " đi xuống " (Levy Bruhl), về " sinh học tế bào vô sản " (Lysenko), hay ra luận thuyết về " thi đua, tranh chấp, thai đổi " người với người, người với thiên nhiên (Charles Darwin).

Nó đã đưa đến những cực đoan như Hitler chủ trương tiêu diệt tận gốc dân tộc Do Thái. Gần đây, Khmer đỏ muốn lập năm 01 của nước Kampuchea toàn vẹn mới, bằng cách hủy bỏ lịch sử của họ, diệt người văn hóa cũ và tổ chức sinh đẻ để tạo ra một dân tộc mới.

Con người ta sinh ra với hai cái vốn ẩn núp trong mình, mỗi lúc xuất hiện ra hình tùy hoàn cảnh và tùy thời điểm.

Vốn đầu là vốn sinh lý học ở trong tế bào, cho phép con người có hình dạng này, hình dạng kia, người cao, người thấp. Vốn này dễ nhận thức nhất.

Vốn thứ nhì là vốn văn hóa khó thấy hơn. Nó có tính cách vô hình, nội tâm, muôn dạng, uyển chuyển và phức tạp.

Như vậy, con người không ra đời với con số không mà sinh ra để nối liền hai vốn đó. Vốn văn hóa là nguồn gốc " trí nhớ " của khả năng phân biệt tâm lý (identification et différenciation).

Tôi gọi nội tâm đó là " Nghiệp sống nhân quả " như một kế thừa của hàng ngàn thế hệ và dòng giống con người, tích lũy qua bao nhiêu kỷ niệm và trí tuệ nhân loài, với những kinh nghiệm tốt và những sai lầm xấu phát ra để thay đổi.

Cũng bởi nhờ cái vốn văn hoá tiềm năng ấy mà chỉ trong vài năm, người Viêt Nam hấp thụ kịp khoa học hiện đại của hoàn cầu.

Cái vốn đó là kho tàng bình an và khi nó xuất hiện ra thì ta có cảm giác kỳ lạ là không có cái gì thật sự là bỡ ngỡ.

Khi Nghiệp tác động vào " Trí " thì tâm lý nhận xét cái tâm đó là " Hồn ".

Và ta ý thức ảnh hưởng đó tốt xấu như một sức mạnh hay một sức ép.

Ta gọi lực đó là " Ma ", chia ra hai phần " ma trong hay ma nội " và " ma ngoài hay ma ngoại ".

Tâm lý Tây phương gọi " Ma nội " là " Pulsion ", dịch nguyên văn là " Sức Đẩy bên trong ".

Khi cái Sức Đẩy ấy hướng đến một mục đích thì tâm lý tây âu gọi là " Désir ", dịch nguyên văn là " Sự ước vọng ".

Nếu mục đích là khoái trá thì ta gọi đó là " Sự dục vọng ".

Dẫu sau, kinh pa-li có khái niệm Vimutti nói rằng con người luôn luôn yêu chuộng cuộc sống giải thoát và đạt tự do nội tâm.

Như vậy, người ta nói đến " Ma " trong nghĩa " Ma xấu " vì mất chủ quyền trước nhũng sức mạnh hay sức ép đó.

Trước đó, " Cô Hồn " là hồn còn cô đơnchưa đến lúc nhập ma và nhập thể.

Và khi " Ma xấu " vào thể thì ta gọi cơ-thể bị " Con ma hay Con quỉ "nhập.

Chính là khi tiếng Hán Nôm chuyển sang quốc ngữ thì ý niệm Phật học về " ma " được dịch theo ý niệm Tây phương " ma là quỉ quái " nhất định tương đương với thần Lucifer hay quỉ Satan trong Thiên chúa giáo = đạo giáo của Chúa trên Trời.

Như vậy, nhờ Nghiệp mà ta có những " vô tình " thật hữu ích, biết số đời không phải là một số không, mà biết đâu là nhiệm vụ, dự án và vui sướng.

Nghiệp đem đến cho ta những cơ sở giãi bày, gợi trong trí những cách trả lời với nhiều suy nghĩ cụ thể.

Người ta gọi hiện tượng đó là " Linh ".

Cái " Linh thiên " này không hẳn là thần thoại và huyền bí, mà đó là nhân quả cô động - mạnh như Thiên - xuất phát từ hàng ngàn " kỷ niệm kinh nghiệm của loài người ", kết quả của ngàn nghìn Nghiệp Kiếp tập trung chụm vào một thời điểm để xuất hiện như một quà tặng cho cuộc sống mỗi người.

Cái Nghiệp đó mang đến cho từng người cái " ơn " như " một lối sống và một quyền hưởng " thực hiện cuộc sống an lành.

Người Công giáo tin Chúa chủ trương an lành công bằng trước Luật Chúa. " Tâm Linh " là linh hồn bộc lộ " mình thuộc " về Thiên Chúa, là " tài sản của Chúa trời " công bằng ban ra, gởi tặng cho từng người nhận mình là Con của Chúa (Do đó, đạo Công giáo nguyên thủy cấm tự xác, tự thiêu).

Sau khi qua đời, " linh hồn " người công giáo lên thiên đàng chào Chúa, trình diện " tòa án " xét xử, trước khi nhập thế và nhập xác.

Nhập thể phục sinh của công giáo (résurrection) không so sánh được với ý nghĩa " đầu thai " của đạo Phật. " Đầu thai " là " thai ban đầu " nguyên thủy của mọi người khi người là người, mà ta gọi là gốc Phật hiện thực.

Gốc Phật luôn luôn đẹp như mổi lúc mở mắt nhìn ánh sáng.

Nhờ đó, ai cũng có thể một ngày nào đó, một chốc lát nào đó, ở một thời điểm nào đó, sống thực như Bồ-tát với những Phật Bồ-tát.

Ta có thể gặp và sống Niết bàn ở mỗi lúc trong một kiếp sống, để thực hiện " thiên đàng trên trái đất " dù đó qua một giây lát thật ngắn hay qua một lời sự thật vừa nghe.

Trong cuốc sống làm lành, ta trách nhiệm với ta và trước thiên hạ chớ không phải đợi ra trước một " toà án " nhận tội.

Như vậy, cái Nghiệp của từng người chụm vào, làm nền móng chung gây dựng vốn " Nghiệp " đại chúng.

Cái Nghiệp là môi trường tâm lý và văn hóa con người.

Nó có tính cách qui định nhưng không có tính cách quyết định hành động của chúng ta.

Nghiệp không bao giờ thu hẹp tự do con người.

Ngược lại, nó là một lực mở rộng có sức mạnh như một vốn tâm lý ban đầu.

Cái Nghiệp là một nền tảng, một năng lực để gây dựng " sự nghiệp " của con người, phát triển tánh tự do, thực hiện những " công nghiệp " tập thể làm ăn, sinh sống...

Vì thế, mổi người nhận cái " Nghiệp " khi nó đến với mình, biết phân chia những Nghiệp sung sướng với những Nghiệp bối rối phải thuyết phục.

Rồi từ đó, dần dần mình làm chủ nó, tránh rơi vào những cảnh " tội nghiệp ", tự tội nghiệp mình và tội nghiệp thiên hạ, tránh xem những gì khó khăn trên đời là " nghiệp chướng " chỉ vì " đời là bể khổ ".

Như thế, ta không buông tay trao số phận mình cho người khác, cho một văn minh khác, chỉ hy vọng nơi một cơ quan, nơi một chùa, nơi một nhà nước quản lý làm trật tự an ninh dùm mình... hoặc đổ lỗi trên người này người kia, bởi những " tại-bị-thì-là " của cuộc sống.

Cái đặc điểm của quan niệm " Nghiệp " là mọi người có trách nhiệm xây dựng nó, nhưng nó không phải một tài sản riêng tư của một người.

Tôi xin đề nghị hiểu tâm lý của Nghiệp như sau.

Nghiệp là kế thừa của tập thể, do một nhân loại vô hình đạo đức trao cho mỗi người để mỗi ta " ứng dụng ", trong trách nhiệm gìn giữ nó, thay đổi nó.

Mục đích là truyền cho thế hệ sau, nhất là cho thế hệ con em chúng ta.

Trách nhiệm con người là biến đổi mỗi nghiệp xấu thành nghiệp tốt, biến đổi một nghiệp tốt thành một nghiệp tốt hơn.

Nói cách khác, đời phải mỗi ngày mỗi đẹp hơn... như gương các vị Bồ Tát trong đoạn chót trước khi lên Niết Bàn.

Đây có thể là bài học thật nhân đạo và đạo đức của nhà Phật về Đời và Đạo vì ai ai cũng muốn chuyển cho thế hệ sau những gì tốt nhất, và lọc lại những nghiệp xấu nhất.

Như thế mà trong tư tương xã hội, Nghiệp là một vốn liên đới, là một sợi dây đoàn kết chống khổ và là một nguồn khuyến khích con người trong sạch có trách nhiệm với tương lai. Chúng ta truyền nhau cái Nghiệp qua giáo dục, tin tức, văn hóa, cử chỉ hàng ngày, lời nói hòa nhã, luật pháp xã hội, nếp sống văn minh, sinh hoạt kinh tế, v.v...

Biết " ơn " những thế hệ trước không nghĩa là cứ đội ơn mà quên cởi nón !

Trên phương diện này, tâm lý hiện đại phương Tây củng đồng ý thấy như vậy.

Họ bắt đầu tìm và nghiên cứu ý niệm " kế thừa thế hệ " (héritage transgénérationnel) và con người là " ủy viên của thế hệ " (mandat intergénérationnel). Cái kế thừa thế hệ này quả thật là đơn giản. Nếu con thường thấy cha nói nặng mẹ mình, thì lớn lên sẽ hành động giống như cha mình với mẹ mình, và cứ như thế từ thế hệ này sang thế hệ sau.

4. " Phật tánh " và tâm lý con người.

Sau khi đi nhiều nơi, hoàng tử Gotama Siddhattha rút kinh nghiệm là mỗi người có trong tâm thức mình, một nền tảng luôn luôn khách quan và lạc quan, biết phân biệt cái xấu và cái tốt.

Căn đó là " Phật tánh " hay là gốc Phật trong mọi người, hay là " Như Lai tạng ".

Bình thường ta hấp tấp muốn biết : Định nghĩa nó như thế nào ? Tu làm sao cho được cái đó ? Có phải là tánh tốt có trong mọi người không ? Đi chùa ăn chay rằm có đủ hay không ?

Dương nhiên là Phật Tánh bộc lộ ra bằng tánh tốt. Nhưng tánh tốt nào cũng không phải là Như Lai tạng. Khi ta nhận thức một tánh tốt, thì chúng ta so sánh cái tánh tốt với những tánh xấu ở nơi ta cũng như ở nơi người khác.

Chúng ta muốn sống cái tốt để chữa sai cái xấu nhưng trên phạm vi này, cái tốt và cái xấu đi đôi như hai vế của cuộc sống.

Nếu ta cứ xem cái gì cũng tốt thì làm sao mà cải tiến cái xấu !

Ngược lại, ta rất khó nhận cái xấu trong ta hay trong tập đoàn chúng ta, nếu không có một người bạn đến báo cái xấu cho chúng ta biết.

Tôi tự hỏi : có phải tôi đi chùa để xem đời là đẹp ? Cúng kiến, cúng tiến và tụng kinh để thực hiện Phật tánh, để được nhập tánh Phật đó không ?

Phật Tánh không phải là một món đồ siêu thị " mua " được, hay phải " hối lộ Phật " mới có.

Tu một mình cũng không tìm ra.

Chỉ có trong xă hội, có sự sự đối chiếu, sự đối thoại, có chia xẻ thì cái tốt mới ra rõ cái tốt, cái xấu mới ra rõ cái xấu.

Nếu anh bán chợ mà cứ nói thách giá cả thì quả thực là anh không tôn trọng người mua, mà là lại đòi người ta tôn trọng mình khi mình thành khách hàng. Về nhà anh lên tiếng, thì chính con anh hết biết là anh nói thiệt hay anh tiếp tục nói dối để được việc anh. Ngày nào đó, con lớn lên sẽ hết nghe lời anh thì anh sẽ gọi đó là xui, con bất hiếu không biết ơn, con là quỉ...

Phật Tánh kiểu đó là phương cách " ích kỷ " của con người tự nghĩ rằng mình là người tốt nhưng vì đời quá khó khăn, và người quá hung dữ, nên tự mình phải luôn luôn đề phòng, không bộc lộ tánh thật ra.

Nếu tôi chưa bộc lộ tánh đạo đức của tôi, thì tôi còn giữ cái xấu trong người.

Đấy chưa phải là tình thật của người tốt lấy đường Như Lai tạng làm đường đúng.

" Ích kỷ và lợi kỷ " (chụm vào ý niệm tâm lý " narcissisme ") như thế nào ?

Khi tôi đề cao cái tốt để lấn áp và tránh nói đến cái xấu, thì tôi hành động để tự an ủi mình là người tốt, cho mình đã có đầy đủ quan điểm đúng.

Và nếu cứ tụng cái tốt thì có cảm giác cái gì cũng tốt, không tốt nhiều thì cũng tốt ít. Ngược lại, không phải cái gì cũng tự mình chê bỏ để đặt mình vào một vai trò lý tưởng khiêm tốn không ai trách móc được.

Thái độ ấy không phải là tánh cải tiến mà chỉ là tánh tự khen ngầm, không hơn gì ngồi một chỗ để xem cái gì đến thì đến, mà cái gì không đến là do cái xấu hay cái " xui rủi".

Và tôi lại vướng thêm vào vấn đề khổ của phê bình ; muốn được một phê bình tốt mà tôi thích nghe, và khó chịu trước những phê bình xấu của người ta mà tôi biết trước là họ ghen ghét tôi.

Tôi chưa hiểu rõ Như Lai tạng rộng lượng từ bi như thế nào.

Trên đường Niết bàn, Như Lai tạng là động cơ đưa mọi người chúng ta lên đường giác ngộ " Sự thật Niết bàn ". Đó là " Sự thật không tên " vì ta không còn cần nghĩ cho nó mang tên là " Đúng " hay mang tên là " Sai " vì nó đã giải thoát ta trên một vấn đề.

Tu là một phương pháp vượt lên trên khỏi qui luật đối kháng của những cuộc sống còn mâu thuẫn.

Chính vì Như Lai tạng nhìn được mọi sự việc như một gian duy nhất vừa kết hợp không tan vỡ " dân gian, không gian và thời gian ", vừa tổng hợp ba gốc Phật có trong mọi người chúng ta, là ba vị " Phật quá khứ ", " Phật hiện tại" và " Phật tương lai ".

Như Lai tạng là gốc ruột của " thai ban đầu ", cái tế bào nguyên thủy đầu thai của giống người mỗi khi ra đời hành động, của mỗi người mỗi khi " xuất gia và xuất thế " ra khỏi sự gò bó ràng buộc hàng ngày.

Chính vì thế nên việc sống hàng ngày là hiện thực của một dự án lạc quan hướng đến cái đẹp của Niết Bàn.

Niết bàn là chương trình sống cụ thể của con người hết " cô đơn ", biết sống thực từ hiện thực này sang một hiện thực khác.

" Vô thường " là " đầu thai " không ngừng.

Từ đó, Phật nói : muôn cuộc sống trong một đời, muôn kiếp sống trong một chốc lát. " Xuất gia và xuất thế " không phải là trốn đời vào chùa, hay ngồi nhà để yên thân.

" Đầu thai không ngừng " không khác gì là sau hội nghị này, các bạn sẽ người biết đi chợ cho gia đình, có người trở về lao động tìm cơm, hay đi viếng bà con đang mất sức khoẻ, đi ra đường không bỏ rác...

Như vậy, tôi vẫn là tôi nhưng tôi không phải là tôi, có nghĩa là mỗi lần có sự đầu thai không ngừng này, tôi sống thêm một nghiệp mới với một đạo đức mới và với những người bạn mới.

Nghiệp mới và đạo đức mới giống như hai bước chân dẫn tôi đến cõi thịnh vượng của nhân loại.

Nghiệp và đạo đức là chương trình trình diển của cuộc sống thật.

Như vậy, mình có thể gọi Phật Tánh với bao nhiên danh từ cơ hội cũng được.

Ví dụ như từ bi, tánh tốt, nhẫn nại, lục hòa...

Khía cạnh tâm lý có hai mặt cuối cùng như sau :

1. Tánh Phật là một lực mạnh mang con người lên đến một tầm nhìn cao, lên trên và ra khỏi những vòng vướng của mâu thuẫn nội tâm, thường xuất phát mỗi khi cần giải quyết giữa hai cách làm khác nhau.

Như Lai tạng là tôi vừa giống, vừa khác với người sống bên cạnh tôi, nhưng tôi không in hệt với ai hết.

Tôi kính phục và tôn trọng Như Lai tạng của mọi người như bạn tôi, và tôi tự tôn trọng tôi trên mọi việc như họ tôn trọng tôi.

Do đó, nhờ Như Lai tạng, tôi biết rằng " sự thật tạo công bằng " và làm tiêu tan những tánh sợ hãi trước việc đời, đưa người đến một cuộc sống đoàn kết ;

2. Phật tánh là yêu tố xuất ta ra khỏi " tam thế gian ", khỏi những thế giới ràng buộc bởi lợi nhuận, bởi lời nói để nói và bởi mục tiêu vì mục tiêu.

Con người có thể thực hiện được dự án đó vì Như Lai tạng của từng người đã nhập hợp vào Như Lai tạng của tất cả. Giác ngộ là đạt những vui sướng và tiện nghi, hàng ngày chia xẻ với mọi người.

Như Lai tạng chỉ còn chu vào tầng cao nhất của Nghiệp đại chúng nhờ " Tánh giác ngộ " sống một tâm trí tự do, một tâm trí giải thoát khỏi những cảnh ăn hại, những cảm nghĩ xấu, những hành vi che mất hòa hợp đối chướng với cộng đồng tập thể.

Kết luận

Bộ kinh " Maha-Saraprama-Sutta " ghi lại lời Phật như sau :

" Mục đích của bài tôi không chỉ để cho người thêm được của cải vật chất, không chỉ để người tôn thờ phụng kính, không phải chỉ để đạt một đạo đức cao thượng hay có phương pháp sống triệt để... Mục đích tối cao là giải thoát tâm và trí : đây là căn bản của bài tôi, đây là hướng đường đạo mà chúng ta cùng đi ".

Phật giáo là một cách sống tự cai trị mình, của người với người và với xã hội.

Và đây cũng là một ngành học tập mà kết quả cụ thể nhất là giúp giữ gìn và nâng cao bản sắc đạo đức con người, dân tộc và môi trường ; và cũng có thể là một phương pháp điều trị tâm lý cho một số bệnh tâm thần, một số bệnh xã hội và bệnh của xã hội.
_______________________

" Dược sư Phật " : Bhaisajyagurubuddha. " Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật tương lai " : Trikaya.

" Như Lai tạng " : Buddhata. " Thai Phật ban đầu " : Tathagatagarbha.

" 12 nhân duyên " : Paticca-samuppada. " Tánh giải thoát " : Vimutti.

Paris 11.07.2006


Tài liệu (tiếng Pháp).

1. LUONG Can-Liem : Bouddhisme et Psychiatrie. Paris, L'Harmattan, 1992.

2. LUONG Can-Liem : Psychothérapie bouddhique. Méditation, Ethique, Liberté. Paris, L'Harmattan, 2002.

3. LUONG Can-Liem : Psychologie politique de la citoyenneté, du patriotisme, de la mondialisation. Paris, L'Harmattan, 2002.

4. LUONG Can-Liem : De la psychologie asiatique. L'Humain, le Politique, l'Ethique. Paris, L'Harmattan, 2004.

5. LUONG Can-Liem : Psychologie transculturelle et psychopathologie. Occident-Asie orientale. Paris,You Feng, 2006.
 

Tóm tắt :

1. Sự phát triển văn hóa và văn minh của nhân loại đã qua nhiều giai đoạn từ lúc con người ý thức mình là con người đến hôm nay ý thức mình là một tập thể phải sống chung với nhau. Vậy, sau khi qua những thời thần bí và thần thoại (mystique et mythologique), thì đến thời tôn giáo (religieux) rồi qua thời siêu hình trừu tượng (métaphysique). Cách mạng tư tưởng đã bắt đầu vào niên kỷ thứ 18, dẫn đến thời khoa học ngày nay. Thế kỷ 21 thuộc thời khoa học sau hiện đại (période scientifique post-moderne) với những phát minh độc đáo về khoa học, kỹ thuật và con người. Đặc biệt về suy luận học là đã đến giai đoạn tổng hợp các môn ngành, chẳng hạn không còn đối kháng triệt để giữa duy tâm hay duy vật vì đây là hai khía cạnh của một biện chứng hiện tượng học (dialectique phénoménologique), tức là biện chứng Âm Dương nếu nói cách Á-đông.

2. Trong những phát minh hiện đại về tư tưởng, tâm lý học là một lãnh vực học siêu ngành vì nói vị trí con người là cột trụ và động cơ của tất cả sinh họat tinh thần, sức khỏe, xã hội, kinh tế, thiên nhiên, khoa học... Và khi suy nghĩ ngược chiều lại, thì ngành khoa học luận (épistémologie) nhận xét rằng Tâm lý học quốc tế ngày nay bắt nguồn từ triết học Tây Phương, và triết học Tây Phương bắt nguồn từ tôn giáo, đặc biệt là từ vùng Địa Trung Hải trên nền văn minh Hy-lạp, La-tinh và đạo Công giáo.

3. Văn hóa là cách nhìn tập thể có hệ thống về quá khứ, hiện tại và tương lai của một dân tộc để từng người một lấy từ đó những nguyên liệu cần thiết hiểu mình và xây dựng cuộc sống riêng của mình phù hợp với cộng đồng.

Vấn đề toàn cầu hóa kinh tế, kỹ thuật và tài chánh hiện nay nêu rất rõ vai trò của tâm lý học trong luồng gió phát triển văn hóa Tây Phương, và đây đã là địa bàn va chạm với văn hóa những vùng khác. Ở Trung Đông là với Hồi giáo ; và đối với văn hóa Á Đông là về quan niệm bản chất nội tâm của con người nếu luận theo Phật học.

4. Bốn điểm có thể nêu lên giữa hai tâm lý Âu và Á.

- 1. Cái " Tôi " là điểm trung tâm của con người Tây phương với những thuyết về cá nhân. Trong khi đó, Phật học nhận định rằng cái " bản ngã của Tôi " có và không có, đó như một cái " tôi không có tôi " (Vô Ngã - Antman). Thế thì ai là ai, ai là người yêu, và ai đi lao động ? sống để làm gì, vì sao và cho ai ?

- 2. " Đời là khổ " đây là một lời ta thường nghe. Đối với tâm lý phương Tây, mục tiêu của cuộc sống là hưởng thụ. Thế thì hưởng đến đâu, thiếu cái gì ? nếu ta không ra khỏi vòng lẩn quẩn hàng ngày của Luân Hồi ?

- 3. " Đạo đức là trách nhiệm ". Tâm lý Tây phương nói : tôi chỉ có trách nhiệm đối với tôi, và trước pháp luật và có khi trước Chúa trời nếu tôi theo đạo Công giáo. Tâm lý Á đông nói như nhà Phật : tôi có trách nhiệm trước cái " Nghiệp ", một cách để nói đến cái trách nhiệm trước Tổ tiên, Ông Bà và trước thế hệ tương lai. Tâm lý Tây phương đang khám phá ý nghĩa của " Nghiệp " (Karma). Đây là một kế thừa vô hình của ngàn thế hệ chuyển đến cái tốt ngày nay cho tôi và để tôi ngừa cái xấu sắp đến. Do đó, tôi có một trách nhiệm cao cả sống tốt chung với cả loài người, cải tiến " Nghiệp chướng " - tức là thất bại - và tiếp chuyển cái tốt đó cho những thế hệ sau qua " lập nghiệp ", " sự nghiệp ", " công nghiệp ", v.v...

- 4. Phật giáo nói : " Như Lai tạng " là gốc Phật có trong mọi người để tự mình sống cải tiến, hướng dẫn vốn từ bi cho sống được như Bồ Tát trong khắc này hay phút sau. Khái niệm này về giải thoát trong rộng lượng không có trong văn hóa Tây phương. Bắt nguồn từ tâm lý Công Giáo chỉ định quan hệ án tội lỗi và ràng buộc của người Con đối với Chúa, tâm lý Tây phương xây dựng cơ sở lý thuyết sức khỏe con người và xã hội trên vấn đề " tự do và quyền hạn của Tôi " để trả lời câu giới hạn : thế nào là lỗi, thế nào là tội, để tôi phát triển như ý tôi muốn.



[ Trở Về