Người Cư Sĩ [ Trở Về ]TẢN MẠN VỀ CHUYỆN TU HỌC Tâm Hiền TTC Trong số báo Hoa Nghiêm kỳ trước (Mừng Xuân Giáp Thân PL 2547-2004) tôi có đặt vấn đề về sự bắt buộc có sự khác biệt giữa tăng sĩ và cư sĩ về sự thực tập tu học hằng ngày, xin thêm một vài tản mạn về chuyện tu học hằng ngày của cư sĩ.
Thật ra ý kiến nêu ra cũng chẳng có gì mới mẻ. Thời Phật tại thế Ngài đã nói kinh Ức Già Trưởng giả, dạy cho Phật tử tại gia tu hành như thế nào với rất nhiều chi tiết cho cuộc sống hằng ngày vào thời đại đó. Ở thời đại này, rất nhiều quí Thầy cũng đã viết rất nhiều về phương cách tu học cho Phật tử tại gia. Ngươi viết xin dùng chữ tản mạn là do việc tu học hằng ngày chẳng có đầu đuôi xuôi ngược, để xin người đọc cũng đọc theo tinh thần tản mạn, cho "vui cửa vui nhà", xin đừng dùng kính hiển vi soi lên chữ nghĩa.
Đa số chúng ta đều thấm nhuần Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Thiện,... và một phần nào đã đem áp dụng vào đời sống hằng ngày - đời sống hằng ngày hiện nay tại các xã hội công nghệ với tốc độ xoay đến chóng mặt cũng đặt ra lắm vấn đề cho "thiện nam tử, thiện nữ nhân" của thế kỷ 21. Do đó vấn đề ưu tiên của sự tu học hằng ngày có thể sai khác với mấy ngàn năm trước, dù rằng cơ bản vẫn giống nhau.
1. TU TỐC ĐỘ
Sáng ra lái xe đi làm hay cuối tuần phóng xe đi chơi, ta đều phải đối diện với chuyện đúng giờ, phải nhanh, phải đúng giờ, lâu ngày áp dụng vào chuyện tu học, ta có thói quen cũng muốn tu nhanh, muốn "tức khắc khai ngộ".
Tu từ kiếp này sang kiếp khác coi bộ lâu quá, sự kiên nhẫn sẽ tàn lụi dần theo thời gian. Khốn thay, dục tốc bất đạt, ta phải "tu tốc độ", phải sửa lại tốc độ chiếc xe, tốc độ lối sống, bước đi, tốc độ suy tư, mỗi ngày tự vấn không phải là "tâm động hay phướng động" mà còn là "tâm động hay xe động", phải tạo cơ hội dừng lại định tâm nhìn lại, phản quan, quán chiếu chân tâm, bản lai diện mục. Sự dừng lại này ít nhất cũng giúp chúng ta tránh căng thẳng, giảm lượng "adrenaline", do đó giảm thiểu lượng cholesterol trong máu. Vả lại nếu ta chấp nhận Tịnh độ là đây, Niết bàn là nơi không đến không đi, không trên không dưới, không một không hai ... thì không gì mà vội; mỗi ngày lái xe, nhìn đồng hồ tốc độ, giảm bớt lại, hít thở, niệm Phật vài tiếng, nhớ lại vài ba câu kinh, soát lại cái tâm vô niệm vốn sẵn có trong mình, phải chăng cũng là một pháp tu thú vị và thực tế hiện nay ?.
2. TU "GARAGE" VÀ TU "BASEMENT"
Chắc quí vị thỉnh thoảng cũng nhìn lại và dọn dẹp cái nhà xe và tầng trệt ngổn ngang của nhà mình với bao nhiêu vật dụng mua xong dùng một vài lần rồi bỏ, không bao giờ ngó ngàng tới mà vẫn cất đấy từ năm này sang năm khác. Nói theo ví dụ của Đức Phật là hãy bỏ bớt mấy con bò đi, đời sống mới hạnh phúc, phải chăng ta cũng nên xã bỏ bớt những gì vô ích , vật chất cũng như tinh thần, trong cuộc sống hằng ngày. Chữ Tu garage do vậy không gợi ý sửa lại cái nhà chứa xe cho đẹp , mà nói đơn giản là, theo kiểu "garage sale", ít nhất ta hãy bố thí bớt những gì ta đang có, xả bỏ bớt những gì ta đang thừa; nói theo kiểu triết lý là trong việc tu học mỗi ngày ta không nên tàng trữ những gì không cần thiết trong A Lại Gia thức, bước đầu tất yếu cho một chân tâm vắng lặng mà ta hằng mong đạt tới trong suốt quá trình tu học của mình. Tôi đề nghị mỗi lần ngồi thiền quí vị cứ tập quan sát (hay quán chiếu càng tốt) cái garage, cái basement, hay cái tủ áo quần ..... để tu hạnh Xả. Lâu ngày quen dần, chắc chúng ta sẽ bước đến tiến trình rút từ từ những tà kiến , vọng thức ra khỏi tầng hầm "øA lại gia thức" mà ta đã tàng trữ đủ thứ nghiệp chướng trong nhiều đời nhiều kiếp. Phải chăng tâm vô niệm là kết quả của một tàng thức trống rỗng ?.
3. TU TRUYỀN HÌNH
Đối diện với cái TiVi, hơn bao giờ hết ta cần tu con mắt một cách tuyệt đối. Ta tu chưa cao, xin chớ quán bất tịnh, vì quán bất tịnh mà thôi sẽ không đủ, xin nhắm mắt thì tốt hơn, trước các hình ảnh khêu gợi, trước các cảnh bạo động không hề có ở các thế kỷ trước. Con người qua kỹ thuật đã tạo được thiên lý nhãn vạn lý nhĩ, nhưng đồng thời cũng gây rắc rối cho việc định tâm. Tựu trung TiVi mang lại nhiều tác hại cho sức khỏe vật chất cũng như tinh thần của nhân loại, đặc biệt là cho kẻ tu học như chúng ta lấy định tâm làm nền tảng cho việc giải thoát phiền não hay giải thoát sinh tử. Bớt bao nhiêu giờ, chọn chương trình nào để xem là do quyết định từng cá nhân, mục đích chung của Phật tử vẫn là làm sao cho lợi việc giảm ác, tăng thiện trong từng giờ từng phút. Tuy nhiên bỏ hẳn TiVi trong thời đại này là không nhập thế. Dạy cho con cái chọn chương trình nào để xem, đồng thời cũng tự khuyến cáo mình mỗi ngày nên xem gì có lợi lạc cho tâm linh cũng là một lối tu tỉnh thức rất thực tế và thường xuyên.
4. TU "INTERNET"
Xa lộ thông tin đã thay đổi toàn bộ lối sống nhân loại, và dĩ nhiên đã thay đổi trong bao năm nay lối truyền bá đạo pháp, làm cho kẻ tu huệ rất tiện lợi trong vấn đề học. Tuy nhiên bao nhiêu lượng thông tin thì đủ ? Xin các bậc thức giả góp ý. Đừng để cho lượng thông tin làm ta "tẩu hỏa nhập ma". Chọn thông tin đúng đắn để xem là vấn đề của chuyên môn từng ngành. Ví dụ những thông tin về không gian, vật lý, y khoa... phần lớn chỉ hữu ích cho các chuyên gia của các ngành đó. Vấn đề thực tế đặt ra ở đây là khi Tam tạng kinh điển được đưa lên "mạng" bởi các vị không chuyên môn thì sao. Trí tuệ phàm phu có giới hạn, ta phải Văn, Tư đến mức nào mới bắt đầu Tu. Aùp dụng thông tin qua sách báo, trên mạng lưới đến mức nào trong việc tu học là do từng mức độ của mỗi cá nhân. Chỉ xin gióng lên một hồi chuông báo động là xin đừng làm tế bào thần kinh mệt mỏi quá độ, não bộ sẽ không còn năng lượng để phân biệt giữa tà và chánh pháp, tâm sẽ không định để thoát khỏi phiền não. Nói một cách đơn giản hơn là ta hãy làm chủ cái máy đừng để cái máy làm chủ ta và ta chọn thông tin để phát huy trí tuệ tu học chứ không để trí tuệ bị mờ ám vì các thông tin vô bổ.
5. TU NAY, TU XƯA
Tản mạn cho nhiều, nhưng chung chung loài người của thế kỷ hiện đại cũng chẳng khác ngày xưa bao nhiêu, cũng từng ấy tham sân si , cũng từng ấy hỉ nộ ái ố , nghiệp chướng cũng trùng trùng duyên khởi. Do vậy mà các nguyên tắc đối trị nay không khác xưa. Lời Phật dạy cho Uùc Già trưởng giả mấy ngàn năm về trước vẫn còn vô cùng giá trị cho tất cả chúng ta. Hãy bỏ tâm phân biệt xưa nay để hành trì chánh pháp cho thân tâm an lạc xã hội an lành.
Tôi xa Huế lúc còn rất trẻ, sự hiểu biết Phật Pháp là qua truyền thống gia đình và môi trường đạo pháp của xứ Huế. Những là làm lành lánh dữ, tam qui, ngũ giới, hộ trì chánh pháp v.v... đã thấm nhuần vào tâm khảm của thời thơ ấu. Qua bao nhiêu biến động trong đời, qua không biết bao nhiêu tư duy về Phật pháp qua sách báo, qua quí Thầy trong và ngoài nước, tôi vẫn thấy cái vốn liếng hiểu biết hữu ích cho việc tu học hằng ngày vẫn là cái vốn đầu tiên truyền đạt bởi thân phụ của tôi. Ngồi viết bài này lúc chuẩn bị trở lại Huế để làm lễ giỗ năm đầu cho thân phụ, tôi nhận chân ra một điều là vào những ngày xưa thân ái đó, tâm trẻ thơ như tờ giấy trắng, những giáo huấn kinh điển qua cha tôi đã in sâu, không dễ gì phai nhạt. Tôi đã sống hồn nhiên như hít thở bằng những giáo huấn đó qua bao nhiêu năm tháng. Những lời tản mạn này là để thành kính tri ân thân phụ tôi đã truyền đạt một số giáo lý căn bản rất lợi lạc cho đời sống hằng ngày.
Và từ đó, tôi cũng đảnh lễ đấng Từ Phụ mà giáo lý của Ngài đã in dấu ấn cho nhân loại qua mấy ngàn năm vẫn còn giá trị. Có lẽ chăng, mấy ngàn năm về trước cái tâm con người cũng hồn nhiên trong trắng như cái tôi của thời thơ ấu, nên việc truyền đạt giáo pháp của Ngài cũng dễ in sâu trong tâm khảm không dễ gì phai nhạt. Những gì Ngài nói cho Ức Già cư sĩ cũng vẫn còn vang vọng và hữu ích cho chúng ta ngày nay, cho một lối sống ích mình lợi người; cõi nhân sinh sẽ bớt rất nhiều phiền não và khổ đau.
Tâm Hiền TTC
[ Trở Về ]