Người Cư Sĩ [ Trở Về ] [Home Page]
Bài học từ Cơn lụt miền trung Tôn Thất Chiểu
Hàng ngàn bài viết về trận lụt miền Trung Việt Nam tháng 11/99 đã phản ảnh được hàng triệu tấm lòng trong nước và trên khắp thế giới dành cho đồng bào bất hạnh của chúng ta.
Tôi viết thêm vài dòng để nói lên những điều đã học được do trận lũ lụt đó qua việc trực tiếp quyên góp và cứu trợ cho một số nạn nhân tại Thừa Thiên Huế.
Ông cụ thân sinh của tôi năm nay bước sang tuổi 98, gần tròn một thế kỷ, đã xác quyết là chưa bao giờ phải trải qua một trận lụt lớn như thế; ngay cả khi chưa về thăm Huế, tôi đã tin việc dùng chữ Ðại Hồng Thủy là một việc không nói ngoa. Có những điều chưa thấy mà vẫn tin.
Chỉ sau vài hôm họp phát động chiến dịch cứu lụt rầm rộ, một anh bạn thân cứ xoay quanh mãi vấn đề nguyên nhân nào đã gây ra trận lũ lớn đến thế, nạn phá rừng bừa bãi chăng? hiện tượng "La Nina" chăng?.. Gay cấn hơn nữa là câu hỏi kế tiếp, nếu do phá rừng thì ai phá?.. nếu là La Nina thì tầng Ozone do ai và cái gì hủy hoại?.. Dĩ nhiên là cãi nhau cho vui, chả đi đến đâu, thậm chí đưa đến giận nhau là đàng khác. Tôi bỗng nhớ và nói lại cho anh bạn nghe lời đức Phật cách đây mấy ngàn năm là lúc cần cứu nạn nhân bị mũi tên bắn trúng đang quằn quại trong đau khổ, việc cấp tốc phải làm là rút mũi tên ra, chữa trị vết thương, chứ chưa cần hỏi mũi tên từ đâu đến, do ai bắn, tại sao bắn, bắn với mục đích gì?.. Có những điều cần làm theo con tim, thì cứ làm mà có thể chưa cần trí tuệ.
Sau một đợt đầu quyên góp, vấn đề đặt ra là gởi cho ai? làm sao đến tay người nhận một cách toàn vẹn và hữu hiệu nhất..., mười người, trăm ý, lại cãi vã, lại mất thì giờ. Người anh cả trong nhóm chúng tôi, vốn ít nói, nhưng đã phát biểu một cách dõng dạc rằng hoạn nạn như thế, sao còn đem tâm phân biệt đối xử. Khi thiên tai cuốn trôi một làng, mở thêm một cửa biển, thiên tai không phân biệt nạn nhân là nhà giàu hay là kẻ khốn cùng, theo Phật hay Thiên Chúa giáo, thuộc loại dân thường hay bộ đội, công an... Có những điều mà nguyên nhân (thiên tai) không phân biệt đối xử, hậu quả (nạn nhân) do đó không phân biệt đối xử, thì phương tiện cứu cánh (việc cứu trợ) cũng không cần phân biệt đối xử. Tâm không phân biệt đối xử sẽ đem lại niềm an vui không phân biệt đối xử (kẻ cho người nhận đều cùng vui).
Trong thời gian đi cứu trợ ở Việt Nam, tôi gặp lại người học trò cũ và cũng là người đã hăng say phát động chiến dịch cứu trợ rầm rộ trên Internet. Chúng tôi có bàn về chuyện tiền quyên góp từ mọi nơi, trong nước và khắp thế giới, chúng tôi đã dùng chữ "tiền của bá tánh" lại đem trao cho bá tánh; vậy mà đã có nhiều người mang danh cứu trợ lại cứ "cầm nhầm credit" của bá tánh, tuyên bố huyênh hoang về cái "tôi cứu trợ"; về cái "ego" to lớn sau cái đóng góp nho nhỏ so với cái đau khổ vĩ đại của nạn nhân lũ lụt. Bài học tôi tâm niệm trong suốt thời gian lo việc cứu trợ là đồng tiền ta quyên góp được từ bá tánh là đồng tiền "vô ngã" ta hãy đưa tận tay người nhận trong tinh thần vô ngã. Niềm vui vô ngã đó hãy soi sáng trên mọi nẻo đường của người hành thiện.
Tôi thấy một dòng lệ trên khoé mắt một bà cụ già lúc lắng nghe Sư cô Như Minh đọc bài thơ về cơn lụt vừa qua trước khi phát quà. Dưới cơn mưa tầm tã, kéo dài thêm vài phút trước khi phát quà là điều không nên, tôi nghĩ như thế; nhưng hình như câu thơ đang đi vào tâm hồn đau khổ của bà cụ, đang san sẻ được nỗi khổ đau mà bà cụ không tự mình nói lên được. Vấn nạn đặt ra cho tôi và cho tất cả người Việt có tấm lòng khắp nơi trên thế giới, là chúng ta có san sẻ được nỗi khổ về vật chất, ta có thể làm gì thêm để san sẻ nỗi khổ tinh thần?
Ngoài trừ có phép lạ, Thừa Thiên Huế và miền Trung cần nhiều năm nữa mới phục hồi được một nền kinh tế đã mất, người dân ngoài việc trông nhờ nhà nước có một chính sách đúng đắn hữu hiệu trong việc phòng chống thiên tai bão lụt, còn phải cần rất nhiều cơ sở từ thiện của các tôn giáo lớn. Riêng ở Huế, người dân còn quen thuộc rất nhiều với Thầy Hải Ấn, Khế Chơn.. các Ni sư Như Minh, Minh Tánh, Minh Tú.. và Soeur Bùi Thị Bông..., các tên tuổi mà giờ đây, nhờ E.mail và Internet, không ai ở nước ngoài quan tâm đến việc cứu trợ mà lại không biết đến sau trận lũ lụt vừa qua. Một kết luận khá rõ ràng trong và sau cơn lụt là chưa bao giờ người Việt thương yêu nhau đến thế; bài học nan giải là làm sao chúng ta nối dài tinh thần thương yêu, đoàn kết đó ngay cả vào lúc không có hoạn nạn? Có thể chăng có sự đối thoại nhiều hơn nữa giữa khu vực công (nhà nước) và khu vực tư (các đoàn thể, tôn giáo..)?
Dân Huế mất hết gia súc, lúa dự trữ và lúa giống trong cơn lụt vừa qua. Lại mất thêm lúa giống hai lần nữa vì cơn lụt nhỏ sau đó cùng với sự ứ nước ở các vùng thấp do các cơn mưa kéo dài cho đến các ngày trước Tết Canh Thìn, do đó việc cứu trợ vẫn còn tiếp diễn về mặt nông nghiệp. Trong một cuộc mạn đàm cùng một vị sư, Thầy có nói đến việc mất lúa giống dĩ nhiên là một tai họa to lớn; nhưng mỗi người, từ thường dân cho đến chính quyền, trong hay ngoài nước chớ nên đánh mất hạt giống Từ Bi; mất hạt giống từ bi sẽ lâm vào tai họa triệu lần nhiều hơn. Cùng bảo nhau vun trồng và gìn giữ hạt giống đó cũng cấp bách và cần thiết như việc cứu lũ lụt hiện nay.
Trước khi từ giã Huế, tôi có hỏi ông cụ thân sinh tôi là lúc ngồi trên lụt ở lứa tuổi gần trăm, Ôn nghĩ gì và mong ước gì? Ông cụ là một cư sĩ Phật Giáo nhiều năm chỉ cười mà bảo rằng lứa tuổi này thì chẳng sợ chết, nhưng có cầu mong rằng: "việc tu hành tinh tấn cùng "Giới, Ðịnh, Huệ" cũng dâng nhanh như nước lụt".
Việc cứu trợ còn tiếp diễn bao giờ còn có kẻ khổ đau, trong tinh thần Vô Ngã, bằng cách nuôi dưỡng hạt giống Từ Bi trong tâm mỗi người hành thiện. Hãy gởi thêm cho nạn nhân nhiều chiếc thuyền tâm linh để qua bên kia bờ giác ngộ trước khi cơn Ðại Hồng Thủy tràn đến.
Huế, Tết Canh Thìn.(Bài này đã được đăng trong Ðặc San Hoa Nghiêm, Vu Lan 2000)
Tôn Thất Chiểu
[ Trở Về ]