Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Home Page]


Tinh thần đạo Phật và Kinh tế

Bùi Mộng Hùng

Sản xuất. Trao đổi. Mỗi ngày mỗi nhiều, mỗi ngày mỗi nhanh, mỗi ngày mỗi hiệu năng. Hoạt động kinh tế trở thành vấn đề không thể tránh né cho mỗi cá nhân, mỗi xã hội, mỗi quốc gia. Cho cả nhân loại, cả thế giới. Và cũng trở nên vô cùng phức tạp, các chuyên gia bù đầu.

Trong tình huống đó, đi tìm phương thức giải quyết các vấn đề kinh tế đang đặt ra cho này nay nơi một giáo lý phát sinh cách đây 25 thế kỷ vào một thời kinh tế còn giản đơn thì tránh sao cho khỏi bị trách - mà trách chí lý - là đặt vấn đề lẩn thẩn vô duyên.

Nhất là giáo lý ấy đặt trọng tâm vào giải thoát con người, đi sâu vào đạo lý, chẳng dính líu gì trực tiếp đến kinh tế. Lại không giáo điều, không có xu hướng đòi giải thích, hướng dẫn tất cả mọi sinh hoạt của đời sống.

Vì vậy, tôi xin đặt vấn đề ngược lại. Vấn đề chính là vấn đề của Phật giáo. Tinh thần của nó là lim dim ngó đời bằng nửa con mắt, mũ ni che tai, tránh sự đời được chừng nào hay chừng đó. Hay là Phật giáo thực sự có lưu tâm đến một sinh hoạt quan trọng của con người, sinh hoạt kinh tế?

Và, nếu có sự lưu tâm ấy thì tinh thần Phật giáo đem lại được gì chăng cho cuộc thảo luận về các vấn đề kinh tế đang đặt ra cho ngày nay?

Giải đáp hai câu hỏi này cũng là trả lời câu hỏi can hệ đến sự tồn vong của Phật giáo: phát sinh từ trên hai ngàn năm trăm năm nay Phật giáo có còn sức sống để giải quyết những vấn đề thiết thân cho con người ngày nay chăng?

Một đoạn kinh Phật nói đến hoạt động kinh tế

Trong Trường bộ kinh (Digha-Nikaya), kinh Kutadanta có một đoạn bàn đến hoạt động kinh tế của một nước. Xin trích dẫn đoạn đó:

"Trong đất nước của nhà vua có những người nào gia công gia sức về nghề nông, nghề chăn nuôi, nhà vua hãy cấp cho những người ấy hạt giống và thực vật. Trong đất nước của nhà vua, những ai nỗ lực trong thương nghiệp, nhà vua hãy cấp vốn đầu tư cho những người ấy. (...) Chuyên tâm vào nghề nghiệp của họ, những người này sẽ không phạm phép nước. Ngân quỹ nhà vua sẽ được dồi dào; đất nước của nhà vua được an cư lạc nghiệp, không có tai ách; dân chúng hoan hỷ yên vui, chơi đùa với con nhỏ cho chúng nhảy giỡn trên ngực..."

Tuy không do chính đức Phật nói ra nhưng đoạn kinh nói trên trình bày cái nhìn của Phật giáo: trân trọng nghề nông, nghề buôn bán, nói rộng ra là trân trọng hoạt động sản xuất, trao đổi hàng hóa, tóm lại là hoạt động kinh tế. Theo ý đoạn kinh, có thể nói thêm rằng nhà Phật tán thành nhà nước có biện pháp cụ thể hỗ trợ cho hoạt động kinh tế của người dân.

Nhà Phật lưu tâm đến kinh tế. Chuyện không đáng lấy làm lạ. Lấy con người làm trọng tâm cho giáo lý của mình, có thể nào nhà Phật không để ý tới một hoạt động quan trọng của con người: hoạt động kinh tế?

Tuy nhiên, Phật giáo lưu tâm đến kinh tế là một chuyện. Còn có ảnh hưởng nào chăng vào kinh tế ngày nay, lại là một chuyện khác. Trong thực tiễn hiện đại, không dễ gì mà tìm ra được tác động cụ thể của Phật giáo vào kinh tế thế giới.

Xu hướng đơn giản hóa không cưỡng lại được?

Thật ra thì một thời gian dài cho đến gần đây, kinh tế hầu như chẳng cần biết đến những vấn đề ngoài kinh tế. Nó là một hoạt động khép kín, lấy mình làm cứu cánh cho mình, kinh tế cho kinh tế, lấy phát triển số lượng làm tiêu chuẩn hiệu năng.

Ðúng ra, căn bản kinh tế vốn là một hoạt động đa kích thước, liên hệ với thế giới của thiên nhiên, với thế giới của con người. Cứu cánh của nó là thỏa mãn nhu cầu con người, nghĩa là mang tính cách chất lượng.

Tuy nhiên, từ xa xưa cho đến thế kỷ XIX hiệu năng các phương tiện cùng tổ chức chế biến tương đối yếu kém, thiên nhiên dường như không bao giờ cạn kiệt, muôn thuở vững bền cứ như là vô tận. Cung cách nhìn thiên nhiên ấy đã nên nề nên nếp. Thiên nhiên là một hằng số vô tận thì cần gì mà phải lo đến tái tạo thiên nhiên?

Cũng trong thời gian ấy, mức sống của đa số nhân dân chỉ tròm trèm mức nhu cầu tối tiểu. Sản xuất lúa gạo, hàng hóa tăng cũng đồng nghĩa với đời sống sung túc lên. Số lượng, số lượng trước đã là hiển nhiên, cần chi phải đắn đo do dự giữa số lượng và chất lượng. Kích thước chất lượng có thể tạm coi như là không đáng kể, có d(c)p qua một bên cũng chẳng phải là một vấn đề lớn.

Con người được nhìn với một nhãn quan thuần kinh tế. Nó là sức lao động, là sức tiêu thụ, không hơn không kém. Giản đơn như những phương tiện kinh tế.

Cứ như vậy, bấy lâu nay, trên nguyên tắc kinh tế là một hoạt động đa kích thước, nhưng trong thực tiễn nó đã trở nên đơn điệu kích thước duy kinh tế. Chẳng cần gì phải lưu tâm đến tác động của nó vào thiên nhiên, vào con người.

Thời điểm kinh tế gặp đạo lý, gặp triết học

Tuy nhiên cái lý ngày hôm qua ấy, hôm nay không còn đứng vững nữa. Trong những năm vào thập kỷ 80 người ta mở mắt nhận ra rằng khả năng của kỹ thuật, của tổ chức công nghiệp đã đạt hiệu năng khủng khiếp: cứ đà này thì ngấm ngầm nhưng rồi tất yếu sẽ đi lần đến hủy hoại điều kiện thiên nhiên cần thiết cho sự sống còn của sinh vật, của loài người trên mặt địa cầu. Các phương tiện dùng để khai thác thiên nhiên với một tinh thần khinh suất vô trách nhiệm suốt hai trăm năm nay đã tới mức quá tải cho sức chịu đựng và tự tái tạo của các hệ sinh thái. Thiên nhiên, cái kho trời cho tưởng như là vô tận, con người tha hồ mà rút tỉa phí phạm, hôm nay đã đi vào quy trình của hiếm quí.

Một số chức năng thiên nhiên điều tiết cho sự sống tồn tại và phát triển trên địa cầu đang bị đe dọa. Chỉ riêng một chuyện sản xuất công nghiệp các loại chlorofluocarbon như khí freon dùng để gây lạnh trong các loại máy lạnh, dùng làm khí phun trong các bình xịt thuốc dạng sương (aérosol), các loại khí chuyển hóa chậm này, đã bay lên chất chứa trong quyển bình lưu (stratosphère) bao quanh địa cầu vào chiều cao cách mặt đất khoảng 20 đến 40 cây số. - đấy chúng phá hoại lớp ozon là lớp khí cần thiết cho sự sống trên địa cầu vì lớp khí này chặn lọc bớt những tia tử ngoại (ultraviolet) nguy hiểm cho các loại sinh vật. Lớp ozon đang bị giảm, mỗi năm lỗ hổng ozon mỗi rộng thêm, cường độ bức xạ tử ngoại trên lục địa và trên đại dương tăng dần. Không chặn lại được thì về lâu về dài có thể đi đến tiêu diệt mọi sinh vật sống trên mặt địa cầu.

Sự kiện ấy, cũng như các tác động ô nhiễm tai hại khác cho địa cầu, đã làm một số người càng ngày càng đông lên tiếng báo động.

Và đã có báo cáo Bruntland, đã có những hội nghị quốc tế đặt vấn đề phát triển bền lâu. Nghĩa là "một lối phát triển thỏa mãn được nhu cầu của hiện tại mà không để lại những tổn hại làm cho các thế hệ đi sau mất khả năng thỏa mãn nhu cầu của họ".

Ðặt vấn đề liên đới giữa các thế hệ là đem kinh tế đến gặp đạo lý.

Người ta cũng mở mắt ra thấy rằng một khi con người đã bị rút gọn vào kích thước kinh tế thì thay vì là phương tiện phụng sự cho con người kinh tế trở thành cứu cánh. Xu hướng ấy làm rơi mất lúc nào chẳng hay huyền thoại, giá trị tiềm tàng trong con người toàn diện. Mà chính những giá trị tinh thần mất đi ấy là động cơ thúc đẩy con người vươn lên, tìm ra ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Mất những giá trị ấy là mất đi ý nghĩa của xã hội. Phát triển thì xã hội có phát triển, giàu thì mỗi ngày mỗi giàu lên nhưng xã hội rã rời, cái giá phải trả về con người rất cao.

Người ta cũng nhận ra rằng đã đến thời điểm không thể chỉ chăm chú vào số lượng. "Nhiều hơn" đã tới ngưỡng hết đồng nghĩa với "hay hơn", thức ăn quá nhiều, thiếu quân bình gây ra bệnh tim mạch cho một phần nhân loại. Kinh tế phát triển thật, xã hội giàu có hơn lên rõ ràng nhưng rạn nứt ngày càng sâu hơn, rộng ra - một số người bị loại, không công ăn việc làm, ốm đau bị bỏ rơi, tương trợ đoàn kết xã hội bất lực - thì không thể nào chỉ chăm chắm vào tỷ số phát triển mà thôi được.

Thế là mỗi ngày mỗi đông hơn những người ý thức rằng đã đến thời điểm kinh tế không thể là một lĩnh vực khép kín, xã hội không thể chỉ tuân theo một lô gích thuần kinh tế. Từ quan niệm phát triển thuần số lượng người ta tìm cách phát triển đa kích thước, vừa số lẫn chất lượng. Xu hướng ấy khớp nối lại ba lĩnh vực, căn bản là phải quyện chặt lấy nhau: tối ưu hóa kinh tế, thiên nhiên và con người.

Thế có nghĩa là vấn đề mô hình kinh tế hiện hành đang được đặt lại. Cách đặt vấn đề này không chỉ hàm ý kinh tế mở rộng nhãn quan của nó về phía sinh thái học, sinh vật học về phía các khoa học nhân văn, xã hội học, lịch sử, triết học. Ðó không phải là đơn thuần cộng các loại kiến thức ấy với nhau. Mà là một đổi thay tư duy.

Tư duy kinh tế như là một hệ thống liên hệ phức tạp khớp nối với những những hệ phức tạp khác: hệ thống của các quan hệ thiên nhiên, hệ thống của các quan hệ con người. Những hệ này vừa bao gồm hệ thống kinh tế vừa có những phần nằm trong hệ kinh tế. Một lối tư duy không bao giờ quên rằng trục của vấn đề là kinh tế nhưng mà cứu cánh là con người.

Thật chẳng mấy xa gì quan niệm của một kinh tế gia đã ảnh hưởng sâu rộng vào kinh tế học ngày nay, Keynes. Ông ta từng nói: "Bất cứ nhà kinh tế học nào cũng phải ít nhiều là một nhà sử học, một chính khách và một triết gia".

Con đường rộng mở cho mọi hệ tư tưởng quan tâm đến con người, đến đạo lý tham gia vào cuộc thảo luận về kinh tế ngày nay.

Dĩ nhiên, Phật giáo có chỗ đứng của mình trong công cuộc này. Tinh thần nhà Phật đã từng chứng tỏ khả năng sáng tạo trong trường hợp tư duy và thực hành kinh tế quen thuộc không thích nghi với tình thế mới.

Một trường hợp sáng tạo khái niệm và thể chế kinh tế trong lịch sử

Ðó là vào khoảng từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ X, thời điểm một số cộng đồng Phật giáo quan trọng xuất hiện ở Trung Hoa.

Vấn đề đặt cho Phật giáo khi ấy là cộng đồng phật tử phát triển bao nhiêu, thì vàng bạc, nô tỳ, dê bò, ruộng đất cúng dường cầu phước ùn ùn kéo nhau vào chùa chiền tu viện bấy nhiêu. Mà theo truyền thống nhà Phật ngoài vài bộ quần áo, bình bát khất thực, một ít vật dụng lặt vặt không thể thiếu cho đời sống hàng ngày, giới luật xem tiền bạc, của cải, tài vật là "bất tịnh", không trong sạch, đối với chư tăng. Cụ thể, nhà tu hành xuất gia không được sử dụng tiền bạc cũng như không được có của cải riêng tư.

Trong điều kiện oái oăm ấy, Phật giáo Trung Hoa đã du nhập hoặc sáng tạo ra những khái niệm, thể chế, cách thức sinh hoạt kinh tế mà người Hoa thời đó chưa được biết. Jacques Gernet đã chứng minh sự kiện này trong quyển Les aspects économiques du Bouddhisme dans la société chinoise du Vè au Xè siècle, Ecole Française d'Extrême-Orient, Paris, 1956, một công trình nghiên cứu về Phật giáo trong xã hội Trung Hoa từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ X qua các phương diện kinh tế.

Chính vì giới luật gò bó cấm đoán không cho các nhà tu hành quyền sở hữu tài sản nên đã nảy sinh một khái niệm mới lạ cho văn hóa Trung Hoa: khái niệm tài vật "thường trú" Tam bảo. Nghĩa là những tài sản của cải chẳng thuộc về riêng một cá nhân nào mà thuộc về Phật, Pháp, Tăng trong hiện tại, quá khứ và tương lai.

Qua khái niệm ấy, những của bất tịnh cúng dường cho Tam bảo trở thành những tài vật thiêng liêng mang tính chất tôn giáo.

Tôn giáo thật đấy, nhưng khái niệm ấy dẫn thẳng đến những khái niệm pháp lý: trong khái niệm "tài sản của Tam bảo" đã tiềm tàng các khái niệm pháp nhân chủ quyền pháp nhân. Mà chính phải có khái niệm pháp lý thì kinh tế mới phát triển lên cao được.

Nhờ có chủ quyền pháp nhân ấy mà đại diện chư tăng trong tự viện là thầy "tự chủ" có tể trao cho người thế tục - được gọi là những "tịnh nhân" - cáng đáng các hoạt động bất tịnh: cày cấy, trồng trọt, chăn nuôi, thương mãi, v.v... Của Tam bảo có tính cách thiêng liêng, chính vì vậy mà chúng đi vào qui trình kinh tế thế tục một cách dễ dàng: miễn sao lợi nhuận sinh ra lại quay trở về cho Tam bảo.

Ta thấy khi ấy, Phật giáo làm nông nghiệp. Khai phá mở mang đất trồng trọt ở miền Tây Bắc Trung quốc và khắp các nơi khác. Lý do là phần lớn đất đai cúng dường Tam bảo là những đất hoang không thuận lợi cho nông nghiệp cổ truyền Trung Hoa. Kỹ thuật, dụng cụ nông nghiệp nhờ đó mà được cải tiến hơn. Dần dà, chủ quyền Tam bảo trên những diện tích ruộng đất rất lớn. Riêng ở đất Mân, Phúc Kiến ngày nay, vào năm 1150 vua Tống Cao tông ra lịnh tịch thu đất đai của chùa chiền, chỉ cho phép nhà chùa giữ lại trong tài sản "thường trú" một số ruộng đất xét ra thật cần thiết. Ðất đai bị tịch thu, đem ra bán được một số tiền lớn sung vào ngân khố, tổng cộng là 340.000 quan.

Vào khoảng thế kỷ thứ VII đời Ðường, chùa chiền đã làm chủ những điền trang lớn chẳng kém gì các vương tôn, công chúa. Nhà chùa phát triển các thiết bị công ngiệp tiên tiến thời ấy là các máy ép dầu, các cối say (niễn ngại) tự động nhờ sức dòng nước. Và các cơ sở công nghiệp này lại trở nên những nguồn lợi lớn cho Tam bảo.

Ðiều bất ngờ nhất là giới luật Phật giáo không cho phép chư tăng buôn bán, nhưng Phật giáo lại là động cơ phát triển thương mại ở Trung quốc.

Nhu cầu cúng dường của thiện nam tín nữ, nhu cầu xây cất trang hoàng chùa chiền, những yêu cầu của các cơ sở công nghiệp như máy say, máy ép đã quây quần quanh chùa chiền một số thợ thuyền, nghệ nhân, kỹ thuật viên như thợ làm nồi, xây lò, thợ dệt, thợ đánh khóa, thợ đúc tượng, v.v... Những ngày lễ hội chùa cũng là những ngày chợ phiên.

Chùa, tự viện thường không xa chợ. Và các tự viện lớn thường có "để tứ" còn gọi là "để điếm" hay "phố điếm" ở chợ. Ðó vừa là quán trọ, là cửa hàng và là một loại ngân hàng cho vay có thế chấp. Vào thế kỷ thứ IX, doanh thu hàng năm phố điếm của riêng một tự viện lên đến 100.000 đồng tiền. Hoạt động tài chính phát triển song song với hoạt động thờ cúng; chính vì tính chất thiêng liêng của Tam bảo, pháp nhân được thừa hưởng lợi nhuận, mà cái thủ tục rất ư thế tục là cho vay lấy lãi trở nên một trong những hoạt động chính của các tu viện nhà Phật. Cũng phải nói thêm rằng quan niệm đại thừa làm cho chức năng của lãi cho vay thêm phong phú: lãi thu vào dành để cúng dường Tam bảo, nhưng cũng để cưu mang giúp đỡ chúng sinh gặp bệnh tật, hoạn nạn.

Chúng ta thấy Phật giáo là động cơ phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mãi suốt một thời gian dài năm sáu trăm năm ở Trung Hoa. Làm cơ sở cho bước phát triển kinh tế ấy chính là những khái niệm pháp lý, những kỹ thuật sản xuất, thương mãi, tài chính mà Phật giáo đã sáng tạo hoặc vay mượn của văn hóa Ấn Ðộ nhưng chuyển biến cho thích hợp với thế giới Trung Hoa.

Một trong những yếu tố của sức sáng tạo ấy là tinh thần "như lai" và "phá chấp" của Phật giáo. Tinh thần nhìn thẳng vào thực tiễn, chấp nhận những ràng buộc của thực tại nhưng không bỏ rơi mục tiêu mình muốn đi tới. Và, để đi tới mục tiêu đó không gò bó mình trong đường mòn cũ, không ngần ngại tìm những giải pháp mới lạ thích nghi với những điều kiện chưa từng gặp.

Còn ngày nay?

Ngày nay nhân loại đang đứng trước những vấn đề can hệ đến tồn vong của mọi sinh vật, trong đó dĩ nhiên có loài người, trên mặt địa cầu. Karl Marx nói đâu đó rằng đã là vấn đề con người đặt ra thì con người sẽ tìm ra giải pháp. Câu hỏi là Phật giáo có đóng góp gì được vào những giải pháp ấy hay chăng. Tinh thần nhà Phật vẫn còn đó. Giải đáp tùy thuộc vào những người ngày nay sống theo tinh thần Phật dạy: nhắm mắt che tai hay nhập cuộc vào thời đại.

Paris, tháng 10.1997
Bùi Mộng Hùng


 ( bài tham luận trong bàn-tròn "Phật Giáo và một số vấn đề của thời đại", được tổ chức tại Trúc Lâm Thiền Viện vào ngày 19-10-97).



[ Trở Về ]