Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Home Page]

Vài ý kiến về mạng lưới hoàn cầu 
và hướng phát triển Ðạo Phật Việt Nam
Nguyên Ðạo - Nguyên Phước

Ra đời cách đời cách đây hơn 25 thế kỷ, đạo Phật đã truyền đi khắp nơi, hội nhập vào bao nền văn hóa, thấm nhập vào tâm tình của bao nhiêu dân tộc. Người phương Tây, sau nhiều thế kỷ đem sức mạnh kỹ thuật đi chinh phục, tàn phá khắp nơi đã dần dần phải nghiêng đầu kính phục, dương tay đón nhận ánh đạo vàng từ phương Ðông rọi tới.

Lời dạy của Ðấng Từ Phụ của chúng ta quả thật là đúng, to lớn, cao đẹp.

Nhưng tại sao lời dạy đó đã gần như biến mất khỏi nơi phát sinh, xứ Ấn Ðộ? tại nhiều nơi khác lại từ từ rơi vào suy đồi để cho nhiều Phật tử phải than là gặp thời "mạt pháp", và ngày hôm nay, tại một số nước trong đó Ðạo Phật được tôn vinh là quốc giáo, phải chăng mọi người Phật tử đều "hiền như Bụt"? tại những nơi đó, xã hội phải chăng là an lành hạnh phúc?

Sự lấn áp dựa lên sức mạnh vật chất của các luồng tư tưởng, tôn giáo khác không đủ giải thích sự suy đồi của Ðạo Phật tại nh"ng nơi đó. Còn nhiều nguyên do, mà quan trọng nhất có lẽ là do chính những người Phật tử, đại diện là tầng lớp Tăng Ni, không còn thể hiện được lời dạy của Ðấng Như Lai. Ðạo Phật bị thâu hẹp trong một số hình thức, nghi lễ, cầu cúng hay trong một số khẩu hiệu thời thượng như "Thiền", "Phá Chấp", "Vô ngã"... Nhưng trên thực tế có bao nhiêu Phật tử, nhất là Tăng Ni, thực sự "sống Thiền", thực sự "phá chấp" , "vô ngã"? Nhìn tình trạng chung của Phật giáo, ta có chứng được "Khổ Ðế " chưa ?

Tại Việt Nam, vào những năm 30-40, một phong trào "Chấn hưng Phật Giáo" đã bùng ra, nghiêm khắc tự phê phán, cố gắng tìm đường, kết quả đã đem lại một luồng sinh khí mới cho đạo Phật Việt Nam. Ngày nay, phong trào đó còn lại những gì ?

Làm sao khơi động lại nguồn sinh khí đó ?

Ở mức độ mỗi người, tinh tấn tu hành dĩ nhiên là điều tất yếu. Nhưng trong thời đại này, hiếm người có thể sống ẩn trên núi. Sự tu hành cá nhân chịu sự chi phối rất nhiều của cộng nghiệp (tốt hay xấu): phim-ảnh-T.V., điều kiện xã hội, cộng đồng Phật Tử,... của những tà phái nẩy sinh khắp đó đây, của các cuộc đối chất tư tuởng toàn thế giới, mà mạng lưới Internet là một trong những thí dụ điển hình. Có nhiều người, thực lòng muốn tu học theo Phật, nhưng rồi bị những cá nhân hay tổ chức kiểu "đạo xuất hồn", "vô thượng sư" hay những Tăng sĩ thoái hóa... lừa gạt đưa vào tà đạo.

Như vậy, cạnh sự tu hành, học hỏi giáo lý, cần có những cuộc trao đổi tư tưởng giữa những người con Phật về hiện tình cũng như tương lai của Ðạo Pháp, một cách thẳng thắn nhưng trong "lục hòa" và nhất là với tinh thần kinh Kalama: không tin theo chỉ vì đó là lời đồn đại hay chỉ vì đó là kinh điển, là truyền thống, là lời nói của bậc Ðạo sư...; cần có sự tự phê phán tìm cái yếu kém của chính mình, vì có thấy "Khổ " mới quyết tâm tìm "nguyên nhân của Khổ" để đi đến "Diệt Khổ", cần có sự đối chất với mọi trào lưu tư tưởng ngoại đạo, trao đổi trong nghiêm chỉnh và bao dung, không "tự ti" nhưng cũng chẳng nên "tự tôn".

Và quan trọng hơn cả, những người Phật tử, trước hết là tầng lớp Tăng Ni, phải dám "sống Ðạo". "Hoằng Pháp" mà không "thể hiện Pháp" chỉ đưa đến "Mạt Pháp".

Những Trang Phật Giáo trên mạng lưới hoàn cầu là một trong những phương tiện cần thiết, tiện lợi trong công cuộc khơi động lại một phong trào "Chấn hưng Phật Giáo". Mỗi trang có một đặc tính khác nhau do căn cơ của những người chủ trương, nhưng đều cần thiết và bổ sung cho nhau, tạo nên "Mạng lưới Phật Giáo Việt Nam", cũng như những ngôi chùa làng, chùa tỉnh, rải rác trên mọi nẻo đường quê hương, bao đời đã kết nối với nhau, dựa vào nhau để tạo nên nền Ðạo Phật Việt Nam.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nguyên Ðạo
Nguyên Phước


 [ Trở Về ]