Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Home Page]

Phật Giáo trong đời sống hiện đại
Hòa Thượng Weragoda Sarada
Thích Nguyên Tạng dịch Việt
Trước hết xin tìm hiểu ý nghĩa của đời sống hiện đại. Thật khó cho chúng ta đi tìm một định nghĩa về bản chất của đời sống hiện đại. Có thể nói rằng đặc điểm của đời sống hiện đại là sự kiện thế giới đang thu nhỏ dần, con người trên hành tinh dễ tiếp xúc với nhau hơn, những chướng ngại về truyền thông mau chóng được loại bỏ, con người có thể biết những gì xảy ra khắp nơi trên thế giới trong một thời gian ngắn; và vì thế họ có thể tham gia vào một bình diện lớn hơn của cuộc sống thế giới mà họ từng nghĩ trước đây. Ðó là một mặt của đời sống hiện đại. Xét theo lĩnh vực khoa học kỹ thuật, trong nỗ lực chinh phục thiên nhiên, bệnh tật, những trở ngại tự nhiên, con người đã thành tựu những kỳ công khoa học kỹ thuật phức tạp đến mức đáng ngạc nhiên; và đó là một mặt khác của cuộc sống hiện đại. Một phần khác của cuộc sống hiện đại , có lẽ đáng quan ngại hơn là với thế giới trở nên nhỏ hơn, các hàng rào truyền thông được loại bỏ, khoa học kỹ thuật phát triển quá nhanh, chúng ta đang đối đầu với một số vấn đề nghiêm trọng như tranh chấp chính trị, kinh tế, ô nhiễm môi trường, nạn nhân mãn, thiếu năng lượng và sử dụng bừa bãi các tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra còn những vấn đề khác có thể được gọi một cách đơn giản là "sống còn".

Nền văn minh hiện đại có thể sống còn hay không?

Với câu hỏi này, người ta có thể thêm vào mặt đạo đức và luân lý và hỏi: Trong quá trình hiện đại hóa và chinh phục thiên nhiên, chúng ta đã xa rời khả năng chinh phục bản thân đến mức nào? Ðấu tranh để sinh tồn còn có nghĩa là con người hiện đại đã trở nên nô lệ cho sự ích kỷ, cho dục vọng của bản thân hay còn có ý nghĩa nào khác? Chúng ta đã đánh mất tất cả những giá trị của con người như mối quan hệ giữa các cá nhân, sự quan tâm đến lợi ích của những người xung quanh, tinh thần phục vụ mọi người một cách vị
tha; chúng ta có đánh mất những điều đó hay không?

Vì thế khi nghĩ đến đời sống hiện đại, người ta có thể cảm thấy lạc quan nhưng đồng thời cũng có nhiều bi quan. Người ta có thể rất bằng lòng với cuộc sống hiện nay, ở vào lúc mà có lẽ không có gì con người không thể chinh phục được. Có thể còn có một số bệnh tật đang thách thức con người, còn có một số nơi trong vũ trụ mà con người muốn khám phá, nhưng còn thiếu kỹ thuật để đạt được mục đích; nhưng những điều này đều có thể ở trong tầm với của con người. Với sự lạc quan về khả năng của con người và mặt bi quan về việc chúng ta có thể đã bị mất một cái gì đó trong quá trình đi tới. Chúng ta nên ghi nhớ hai điều này.

Phật giáo là gì?

Phật giáo là gì? Chúng ta hiểu Phật giáo như thế nào? Phật giáo có thể có nhiều nghĩa đối với nhiều người. Ðối với một số người, Phật giáo tức là cuộc đời thu nhỏ của Ðức Phật và các đại đệ tử của Ngài, tấm gương, kỳ công và vinh quang của một người đã đứng trước nhiều người như một con người và tuyên thuyết một con đường giải thoát. Ðây là một loại hình Phật giáo. Có người thì cho rằng Phật giáo là một khối giáo lý đồ sộ chứa đựng lời dạy của Ðức Phật. Giáo lý này hiển bày một triết lý sống rất cao cả, sâu sắc, phức hợp và thông thái. Rồi dựa trên những gì Ðức Phật đã dạy, đã áp dụng trong thời của Ngài, một nền văn hóa phong phú đã phát triển, lan rộng khắp Á châu và cả thế giới qua 2.500 năm qua, và người Phật tử thuộc mọi tầng
lớp trong xã hội với các bối cảnh khác nhau của tất cả các quốc gia trên thế giới đã đóng góp sự lâu bền cho nền văn hóa này. Một số lớn những tông phái và những hệ thống triết học đã hình thành và tất cả đều được biết một cách đúng đắn dưới cái tên gọi là Phật giáo.

Rồi lại có một định nghĩa khác về Phật giáo, đó là một loại hình nghi lễ đã phát triển xung quanh giáo lý của Ðức Phật và sau cùng đã nâng lên thành một tôn giáo . Dù Ðức Phật có ý định hay không, giáo đoàn của Ngài cũng đã trở thành một tôn giáo mà người ta sẵn sàng trung thành, một tôn giáo có nghi lễ, tổ chức, đường lối, tiêu chuẩn riêng để quyết định điều gì đúng điều gì không đúng, đó là một loại Phật giáo khác. Nếu người ta phải tách rời các phương tiện này ra để cố gắng nghiên cứu sự tác động của cái gọi là Phật giáo lên đời sống hiện đại, thì chắc chắn sẽ là công việc rất lớn lao.

Ðối với người viết, Phật giáo là tất cả những điều nói trên. Ðó là Ðức Phật và cuộc đời của Ngài, là giáo lý, là nền văn hóa và lễ nghi được hình thành và liên kết quanh giáo pháp này. Một khi chúng ta coi Phật giáo như một khối lớn những kinh nghiệm con người, được sàng lọc trong một quá trình tốt nhất và được trình bày cho cbúng ta trong một phương pháp thiện xảo để mỗi người có thể lựa chọn phần nào khế hợp với mình, chung ta sẽ thấy sự độc đáo đáng chú ý của Phật giáo. Khi Ðức Phật còn tại thế, Ngài thường nhấn
mạnh ở điểm này. Bạn không cần phải làm một học giả và nghiên cứu tất cả khi bạn nghiên cứu Phật giáo.

Nghiên cứu Phật giáo không giống như nghiên cứu một môn học khác, ví dụ như toán học, ta phải học hết tất cả các định lý và các cách giải thích khác nhau của các loại đề toán. Ở Phật giáo, nếu ta biết những điều căn bản thì ta có thể áp dụng mà không cần phải học một cách chuyên môn như một học giả. Vì vậy, đối với Phật giáo, mỗi người chúng ta sẽ tìm thấy điều gì phù hợp với cuộc sống của mình, phù hợp với tình cảnh của mình.

Một giáo lý không thời gian

Nhiều người thường tự hỏi rằng tại sao Phật giáo lại được gọi là "Akàlika", nghĩa là "không thời gian" (timeless), một giáo lý đã hiện hữu trong nhiều thế kỷ qua. Càng thấy những thay đổi xảy ra trong Phật giáo, chúng ta càng thấy rõ Phật giáo đã luôn khế hợp theo mọi nhu cầu của các thời đại, các dân tộc và các cá nhân khác nhau; chúng ta càng thấy rõ rằng Ðức Phật đã có thể thiết lập một thông diệp luôn luôn tươi mới. Vì thế nếu Phật giáo được ứng dụng ngày nay và nếu Phật giáo có một vị trí trong đời sống như ngày
nay là vì khả năng áp dụng tính vượt thời gian đó, phát sinh từ một hệ thống những giá trị vĩnh cửu. Nói đến đặc tính hiện hữu vĩnh cửu là cách trình bày hay mô tả về nó một cách nghịch lý về một tôn giáo lấy giáo lý
chính yếu về sự vô thường (impermanence) làm nền tảng. Ðặc tính không thời gian này xuất phát từ sự kiện mọi vật được hiểu là có tính liên tục, nhưng liên tục trong biến đổi, trong một tiến trình thay đổi và biến hóa liên tục.

Vì vậy, Phật giáo đã có khả năng thích ứng với mọi thời đại và các nền văn minh khác nhau. Do đó, chúng ta có thể tiếp cận với bất cứ lĩnh vực nào của Phật giáo như một điều phù hợp và có thể áp dụng cho tất cả chúng ta trong đời sống hiện đại này.

Cá nhân

Những nhân tố nào làm cho Phật giáo có giá trị mãi mãi với thời gian? Trước hết đó là sự nhận biết trách nhiệm của cá nhân. Ðức Phật là một bậc Thầy tôn giáo nổi tiếng trong lịch sử nhân loại, Ngài đã giải thoát con người ra khỏi tất cả mọi ràng buộc, những ràng buộc siêu nhiên, một Thượng đế, sự sáng tạo vũ trụ, tội lỗi nguyên thủy hay một đặc tính nào khác mà ta đã được di truyền từ một người nào đó (khác với bất cứ điều gì mà chính ta đã làm). Vì vậy, Khi Ðức Phật nói rằng mỗi người là chủ nhân ông của chính mình, Ngài tuyên bố một nguyên tắc mà khả năng áp dụng trở nên mạnh hơn khi con người mỗi lúc mỗi tự tin hơn trong việc kiểm soát bản thân và môi trường xung quanh. Vì thế, nếu ngày nay, với khoa học và kỹ thuật phát triển, con người cảm thấy mình đã đến một điểm mà trí tuệ của mình khiến cho mình siêu đẳng hơn vạn vật, hay cho mình có thể giải quyết bất cứ vấn đề nào mà mình đã gặp dù vật chất hay đạo lý hay chính trị hay một tính chất nào khác, thì nguyên tắc con người là chủ của chính mình và chịu trách nhiệm cho chính mình về bất cứ những gì mình đã làm.

Nhận ra được điều đó rất quan trọng để tự nhìn lại bản thân mình.Vì vậy, phương cách tiếp cận cơ bản này sẽ giúp cho con người thoát khỏi mọi ràng buộc hoặc tinh thần hoặc có tính chất khác là một trong những giáo lý quan trọng của Phật giáo mà nó đã góp phần cho tính không thời gian của tôn giáo này. Khi chúng ta tiến tới với những tiến bộ lớn hơn của con người, sẽ có nhu cầu lớn hơn cho con người khẳng định sự tự chủ của chính mình.

Tự do tư tưởng

Rồi đến một giáo lý khác cũng không kém phần quan trọng bằng giáo lý về tâm trí rộng mở, sự tự do tư tưởng. Phật giáo không chỉ giải thoát chúng ta khỏi một Trời Thần hay những ràng buộc siêu nhiên mà còn giải thoát con người khỏi mọi giáo điều (dogma). Chúng ta hãy hình dung thời kỳ Ðức Phật còn tại thế, đó là một thời đại mà các giáo lý tôn giáo khác nhau đang ở trong bối cảnh sôi nổi, và Ấn Ðộ của thế kỷ thứ VI trước Tây lịch là một trong những xứ sở hấp dẫn nhất mà mọi người muốn có mặt ở đó. Các vị giáo chủ tôn giáo tuyên bố các loại giáo lý khác nhau hầu lôi kéo được nhiều tín đồ. Ngoài những giáo lý mới này là những giáo phái tôn giáo khác đã cắm rễ sâu ở xứ huyền bí này. Tất cả các giáo phái này đều tuyên bố: "Chúng tôi đã tìm thấy đạo "; "Ðây là con đường chân chánh"; "Hãy đến đây các ngươi sẽ đươc cứu rỗi". Trong bối cảnh này, Ðức Phật đã đến và nói: "Ðừng tin tưởng vào những gì kinh sách đạo mình nói. Ðừng tin tưởng điều gì vì dựa vào một tập quán lưu truyền. Ðừng tin tưởng bất cứ một điều gì chỉ vin vào uy tín
và thẩm quyền của một người nào đó. Ðừng tin tưởng điều gì vì có được nhiều người nói đi nhắc lại. Hãy tin tưởng vào những gì mà mình đã từng trải, kinh nghiệm, thấy là đúng, thấy có lợi cho mình và người khác".

Ðây là một thái độ rất mới mẻ mà người ta có thể tiếp nhận được, mà trong đó mọi người đều thấy rõ quyền tự do mà mình đang tranh đấu để đạt được, quyền tự do suy nghĩ cho chính mình. Và, một lần nữa, đây là một giáo lý hay một nguyên tắc, đã mang đến cho Phật giáo tính chất vượt thời gian; và chính đặc tính này đem lại sự thích hợp của Phật giáo với mọi thời đại khi con người tiến tới phía trước. Trong chế độ phong kiến, lúc trước khi có những tiến bộ hiện tại, chúng ta đã không thể khẳng định quyền tự do tư tưởng của chính mình, thì chính Phật giáo đã trao cho con người cái quyền ấy. Chúng ta chỉ tin là mình chỉ được thuyết phục sau khi tự mình đã xem xét những nguyên tắc, những sự kiện, những giới điều cho phép và không cho
phép. Ðây là quyền mà chúng ta coi như bất khả xâm phạm. Ðây là giáo lý thứ hai mà khả năng áp dụng cho thời đại này cũng như tương lai mai sau sẽ còn mãi.

Vai trò của Phật giáo

Rồi đến một câu hỏi quan trọng nhất, ngoài sự hỗ trợ cho cái quyền tự do tư tưởng như trên, Phật giáo có nắm giữ vai trò chấn chỉnh đạo đức không? Cùng với câu hỏi này, xuất hiện một vấn đề quan trọng mà tất cả đều quan tâm tới ngày nay. Ðó là khi con người đang thực hiện tất cả những tiến bộ này, họ cũng cảm nhận rằng áp lực của đời sống hiện đại, như cạnh tranh để sống còn, ganh đua làm tốt, làm nhiều hơn người khác, thích cuộc sống có thi đua kinh tế, chính trị, văn hóa hay một hình thức nào đó, đã tạo ra sự căng thẳng. Ðể hóa giải những căng thẳng đó người ta đã đặt ra nhiều phương tiện giải trí và nghỉ ngơi. Kết quả căng thẳng có giảm đôi chút, nhưng người ta mỗi lúc mỗi lạc vào vòng tội lỗi nhiều hơn. Vì có những căng thẳng, người
ta đã lao vào những hoạt động tìm quên, và vì những hoạt động này chiếm quá nhiều thời gian, người ta phải bắt kịp với tiến trình sống còn và rồi lại rơi vào một giai đoạn căng thẳng khác tệ hại hơn. Tiến bộ kinh tế càng nhanh, hiểu biết chính trị càng nhiều, người ta càng dùng nhiều loại thuốc an thần để giữ mình làm việc bình thường. Ta phải uống một viên để thức, một viên để ngủ, một viên để xoa dịu tâm trí v.v...

Loại hình hiện đại hóa này đã xảy ra, trong khi những căng thẳng của con người đã lên đến mức báo động mà chính họ thấy rằng tất cả những gì họ đạt được đều trở nên vô dụng. Thêm vào những căng thẳng này là một góc độ khác mà con người đối phó, là sự nhàm chán; vì ngày nay ta có nhiều thời giờ rảnh rỗi, kết quả của sự thoát khỏi việc làm đơn điệu. Vì vậy, với sự căng thẳng ở một bên, bên kia là nhàm chán, những điều phức tạp khác xuất hiện làm cho con người thật sự bất an. Ngày nay, người ta có thể hỏi: Chúng ta đang ở đâu trong tình trạng mà mọi người cuối cùng đều nhận ra rằng đã đánh mất một cái gì đó trong đời sống, dù có tất cả mọi thứ mà họ có thể đạt được? Lỗi này là của ai? Chúng ta có nên buộc tội khoa học kỹ thuật không? hay các chế độ chính trị? Hay buộc tội các chính sách kinh tế mà mình đã và đang thừa hưởng? Hay chúng ta tự buộc tội ngay chính mình?

Ta phải chịu trách nhiệm

Trở lại cách nhìn vấn đề của chính đạo Phật, ta sẽ nói ta phải buộc tội ngay chính mình. Vì bất cứ điều gì đã sai lầm, ta phải chịu trách nhiệm, ta là chủ nhân của chính ta. Ta đã để cho vấn đề cho nó tuột khỏi tay mình.
Buộc tội người khác là điều dễ dàng, khi nói: "Anh đã bỏ lỡ một cơ hội. Nó đã vuột khỏi tay anh". Nhưng như thế có giúp gì được chăng? Sự vĩ đại của Phật giaó là ở chỗ nó không ngừng lại sau khi đặt trách nhiệm lên bạn, Phật giáo không nói: "Thế đó, chúng tọi đã tìm ra thủ phạm"; Phật giáo chỉ nói: "Ðây là một số điều có thể làm được". Nếu người ta đi một vòng quan sát các tôn giáo, tâm lý học, thần học, với các biện pháp khác nhau được hình thành để cứu giúp con người hay chữa cho con người khỏi căng thẳng và nhàm chán,
người ta sẽ thấty có nhiều phương pháp, nhưng không có phương pháp nào không tốn tiền và thực dụng bằng một số phương pháp đơn giản mà Ðức Phật đã đưa ra. Người ta sẽ hỏi: Như thế có phải một khi ta trở thành tín đồ Phật giáo, ta sẽ thoát khỏi căng thẳng và nhàm chán của đời sống hiện tại? Sẽ rất khó trả lời câu hỏi này, vì không phải ai cũng trở thành Phật tử.

Trở về với Phật giáo

Không có ai được gọi là Phật tử, vì Phật giáo không phải là một trong những triết học hay lối sống hay tôn giáo đó, chúng ta dùng danh từ "tôn giáo" vì không có sự phân loại nào khác để Phật giáo có thể được đặt gọn vào, do đó không cần phải có một nhãn hiệu. Trong thời của Ðức Phật, người ta đến với Ngài và nếu họ hài lòng với Ngài, họ sẽ nói: "Con muốn trở về với Ngài, trở về với lời dạy của Ngài và trở về với Tăng đoàn của Ngài, với cộng đồng và với những đệ tử đi theo lối sống này". Ngay cả hiện tại cũng thế, đó là tất cả những gì cần thiết cho bất cứ ai gọi mình là Phật tử. Như vậy sau khi đã biết rằng những gì Ðức Phật dạy là thích hợp với những vấn đề dời sống của mình và cảm thấy rằng trong đó có một lối sống mà mình có thể ứng dụng và đem lại lợi ích cho mình, người nào quy y với Phật, Pháp và Tăng với niềm tin như vậy thì họ sẽ trở thành người Phật tử mà không cần mộ lễ nghi nào, không một loại hình thức nào, không đăng ký, không thể lệ nào để phải làm theo.

Vì vậy mà, F.L Woodword, một trong những dịch giả nổi tiếng về những lời dạy của Ðức Phật, đã từng nói Phật giáo là "tôn giáo tự mình làm lấy" (a do-it-yourself religion). Trong tôn giáo tự làm này không cần tên gọi mình là người Phật tử, có nguyên tắc hay các giới luật mà ta phải làm theo để trở thành người Phật tử hay không? Ta có phải sống theo lối sống mà Ðức Phật đã dạy không?

Ðiều tối quan trọng ngày nay là có thể có hàng ngàn người chưa bao giờ bước đến một ngôi chùa Phật giáo nào, chưa bao giờ tham gia vào một lễ nghi nào của Phật giáo, nhưng đã nhận biết trong tâm họ cái giá trị bức thông điệp của Ðức Phật và đã sống theo những lời dạy ấy. Trên thực tế, chúng ta thấy đại đa số các dân tộc trên thế giới đã quy nghưỡng Ðức Phật vì lý do nàyhay lý do khác. Ðây là một trong những điều đáng chú ý nhất mà người ta có thể xem gần như là một phép lạ.

Một lối sống

Lối sống mà Ðức Phật đã dạy rất đơn giản, đối với người tại gia, chỉ áp dụng năm nguyên tắc sống: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu, đây là một bảng nguyên tắc thật sự rất đơn giản. Nhưng lối sống của Phật giáo, con đường mà Ðức Phật đã mô tả không ngừng lại ở luật tắc này. Lời dạy đó được đơn giản hóa theo một cách mà ai cũng có thể hiểu được và làm được là bố thí (dàna), trì giới (sila) và thiền định (bhàvana).

Bố thí (dàna) là cho người khác một cách rộng rãi. Rất quan trọng cho một Phật tử thực hành bố thí này như một hạnh đầu tiên phải làm để đi vào con đường chân chánh, vì cho người khác là một hành động hy sinh. Có khả năng cho ra một cái gì là sửa soạn tâm trí trọn vẹn để từ bỏ vật sở hữu của mình, cái mình yêu quý, cái mình đã buộc dính vào. Do đó, ta đối mặt với một trong những nguyên nhân lớn nhất là dục vọng và tham lam. Thật là hấp dẫn khi ta thấy lối dống này được hướng dẫn theo cách thức mà khi áp dụng từng bước một, ta sẽ loại bỏ được một số nhược điểm và cá tính con người vốn đã tạo ra sự căng thẳng và nhàm chán quấy nhiễu chúng ta hàng ngày. Thái độ rộng lượng, bao dung với người khác là liều thuốc chống dục vọng, tham lam, keo kiệt, và ích kỷ.

Trì giới (Sila) là giữ một số luật tắc đạo đức và luân lý. Ðức Phật biết rõ là người ta không thể đặt những điều lệ hay kỷ luật cho mọi người theo cùng một phương cách. Vì vậy chỉ có mọt số luật tắc cho người tại gia. Có thêm một ít điều khác cho những người muốn sống ở tự viện trở thành người xuất gia, những người tự nguyện đi theo con đường nghiêm khắc của luật tắc và thanh tịnh hóa. Vì thế trì giới là một sự thực hành dần dần để mỗi người chọn theo khả năng hiện tại của bản thân.

Cuối cùng là Thiền định (Bhàvana), hay luyện tập tâm trí. Bhàvana có nghĩa nguyên thủy là phát triển, sự phát triển thêm trí tuệ. Ðức Phật cho rằng mọi sự đều phát nguồn từ tâm trí của con người, và Ngài là một trong những người đầu tiên phát biểu về điều này. Hiến chương của Liên Hiệp Quốc mở đầu với câu "Vì chiến tranh bắt đầu từ trong tâm trí của con người, cũng từ trong tâm trí con người mà sự bảo vệ hòa bình được thiết lập". Câu này phản ánh đúng theo tinh thần lời dạy đầu tiên của Phật trong kinh Pháp Cú: "Tâm
dẫn đầu cá pháp, tâm làm chủ, tâm tạo tác". Một tâm trí có thể được kiểm soát bởi ý chí, một tâm trì không chạy theo ngoại cảnh để đưa đến sự căng thẳng và nhàm chán; ngược lại luôn được tỉnh thức, luôn tự phát triển, luôn tự khám phá, một tâm trí như thế là kho báu lớn nhất của con người.

Chúng ta không có gì ngạc nhiên khi thấy trong các quốc gia phát triển khoa học kỹ thuật cao nhất có một nhu cầu gần như cuồng nhiệt là luyện tập đủ các loại thiền định. Ai thuyết giảng điều gì, triết lý gì, kỹ thuật nào được chấp nhận không phải là vấn đề quan trọng. Sự thật là người ta bắt đầu nhận ra rằng mỗi lúc chiêm nghiệm trong yên tĩnh, mỗi lúc tư duy sâu lắng, mỗi lúc tâm trí vận động có sự kiểm soát đúng, có hướng dẫn đúng, là một điều thiết yếu cho cách sống tốt của con người.

Hai ngàn năm trăm năm trước đây, Ðức Phật cũng dạy như thế và nếu không có gì khác mà con người ngày nay cần , cái mà con người cần chính là sự yên tĩnh ở tâm hồn. Con người muốn thoát ra mọi sự căng thẳng của mình và nỗ lực chống lại sự nhàm chán và chúng ta thấy sự giải đáp trong Phật giáo đặc biệt là ba con đường đạo đã nói: bố thí, trì giới và thiền định.

Hãy xét nguyên tắc hay sự bắt đầu của Ðức Phật. Chúng ta đã nghe nhiều người đi từ cảnh nghèo đến giàu sang, nhưng đây là trường hợp của một người đi từ chỗ giàu sang đến chỗ nghèo, ta có thể nói là để tìm sự yên tĩnh cho tâm trí, điều an lạc lớn nhất của con người. Kết quả người đó đã tìm lại được chính mình, rồi dạy những khác rằng nhược điểm lớn nhất là sự ràng buộc với những sự vật vô thường và đó là đầu mối của mọi rắc rối và khổ đau.

Lời kết

Dù chúng ta quyết định thế nào về việc đạt được mục đích có một điều mà chúng ta không thể thoát khỏi, chúng ta không thể chối bỏ sự kiện tất cả những phát triển hiện đại không mang lại điều gì ngoài sự bất an và sự đấu tranh không ngừng nghỉ của con người, Phật giáo đã cống hiến một số phương pháp rất đơn giản và rất hữu hiệu để hóa giải những điều đó. Vì vậy, người viết thấy rằng Phật giáo có một vai trò quan trọng trong đời sống của chúng ta, một vai trò mà trong đó chúng ta, những người Phật tử, tham dự một phần
quan trọng vào đời sống xã hội. Bổn phận của chúng ta là chia sẻ những kinh nghiệm, những hiểu biết của mình với càng nhiều người càng tốt để cuối cùng tất cả chúng ta thấy được bức thông điệp của Ðức Phật dành cho chúng sinh tiếp tục đến với loài người trên khắp năm châu bốn bể.

[Trích dịch từ "Buddhism in Modern Life" trong quyển "Parents and Children, Key to Happiness", trang 158-164. Xuất bản tại Singapore, tháng 11/1994]
 

Chân thành cám ơn Anh Bình Anson đã gửi tặng bài này



 [ Trở Về ]