Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Home Page]

Tập kết Kinh Nghiệm 70 năm phát triển của 
Phật Giáo Việt Nam, 
một trách nhiệm lịch sử, một nhu cầu tiến hóa.
Cư sĩ Như Pháp Trí Phan Mạnh Lương
(California)
Với hành trang gì của quá khứ ?

Dù với ý niệm không-thời-gian nào - quá khứ, hiện tại, hay vị lai - dĩ nhiên là phải đặt vào bối cảnh của Phật Giáo Việt Nam - thì dù cho đang còn ở ngưfffng cửa thế kỷ 21, sắp bước vào thiên niên kỷ thứ 3, Phật Giáo đồ Việt Nam, gồm cả hai giới xuất gia à tại gia đủ mọi tông phái, trên địa bàn cả nước và hải ngoại, tất cả đều đang phải đối diện với một câu hỏi lớn :

Phật Giáo Việt Nam bước vào thời đại mới với hành trang gì của quá khứ ?

Bước vào thời đại mới với hành trang gì của quá khứ ? là một câu hỏi, một tiền đề vừa có tính liên kết trách nhiệm, liên tục lịch sử vừa có tính thực dụng thời đại, làm cho mỗi Phật tử Việt Nam không thể nào không hết sức quan tâm.

Cùng với vận nước nổi trôi, đầy biến động lớn lao và ác liệt, với những thách đố nghiệt ngã và toàn diện trong 70 năm qua, Phật Giáo Việt Nam kể từ ngày có phong trào Chấn Hưng ra đời từ năm 1929 đến nay, đã chưa một lần nhìn lại quá khứ của chính mình, chưa kết tập kinh ngiệm một cách chính thức hay không chính thức trên con đường dài đã trải qua ấy trước khi bước vào thiên niên kỷ mới.

Thật vậy, trong 70 năm phát triển, Phật Giáo Việt Nam đã trải qua 4 giai đoạn cực kỳ phong phú về giá trị lịch sử từ sơ khai, mở đường trong thời thực dân phong kiến với luồng gió Chấn hưng Phật Giáo từ Trung quốc thổi sang, tới giai đoạn noi gương Phật tử đời Trần, tứ chúng xếp lam y tham gia kháng chiến chống thực dân xâm lược ; rồi đến thời kỳ thử thách hung hãn, ác liệt nhất dưới thời chính quyền Thiên chúa giáo bản địa và chiến tranh ý thức hệ, và sau cùng là giai đoạn đất nước đuợc độc lập, thống nhất, hòa bình dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.

Có thể nói từ khi Phật Giáo du nhập vào Việt Nam và trải dài trong dòng sinh mệnh của dân tộc đến cuối thế kỷ 20 này, chưa có lúc nào mà Phật Giáo Việt Nam đã trải qua một giai đoạn cực kỳ đặc biệt như vậy.

Ði vào thời đại mới ư ? Tất nhiên là phải đi chứ ! Nhưng có thể nào chúng ta không đếm xỉa gì đến kinh nghiệm của quá khứ ? Ðại pháp nạn năm 1963 đã lưu lại cho chúng ta, cho hậu thế những bài học gì ? Ðến nay chúng ta đã nhìn thấu cội nguồn hiện tượng hai Giáo hội mà di lụy đến nay vẫn còn đó ? Và cái hiện tượng ấy ngày nay được tiếp diễn với một cái tên khác : "Nhà nước" và "Thống nhất" với những sự kiện đang còn phân chia đôi bờ, âm ỉ ở trong nước, vừa nóng hổi ở California và ngay cả ở Paris này. Không tập kết kinh nghiệm làm sao chúng ta có thể thấy hết những con nội trùng ấy đã và đang tiếp tục gặm nhấm con sư tử Phật Giáo Việt Nam để cùng diệt trừ và kiện khang trở lại ?

Không tập kết kinh nghiệm làm sao chúng ta có thể thấy được những chỗ mạnh, chỗ yếu của một cơ chế toàn quốc sau 17 năm có mặt trong điều kiện Ðất nước độc lập, thống nhất và hòa bình ? Nó đã góp phần gì vào việc tái võ trang tinh thần, rèn luyện đạo đức, tô bồi lại tình tự dân tộc sau mấy chục năm chiến tranh ? Lìa xa những mục tiêu này thì còn đâu là vai trò của Phật Giáo Việt Nam.

Không tổng kết kinh nghiệm thì làm sao chúng ta thấy được cơ cấu giáo hội ở Trung ương và nhất là ở hạ tầng cơ sở, tổ chức vi mô của giáo hội, đã đưa được giáo lý của Như Lai đến cho đại chúng Phật tử ở nông thôn và ven biên các thành thị như thế nào ? Nói gì đến các vùng rẻo cao, các vùng đồng bào thiểu số dọc theo Trường Sơn ! Hay cứ tạm thời thỏa mãn với những kết quả Phật sự bề nổi ở các thành phố lớn hiện nay ?

Qua 70 năm phát triển trong nhiều điều kiện khác nhau, tứ chúng Phật tử Việt Nam, tùy theo cương vị của mình, đã học Ðạo, hiểu Ðạo và hành Ðạo đến mức nào, đã vận dụng giáo lý vào đời sống của mỗi người và xây dựng Giáo hội ra sao ? Không kiểm điểm, không tập kết kinh nghiệm làm sao biết rõ, hiểu thấu, căn cứ vào đâu để sửa đổi, cải tiến ?

Làm sao cho tỷ lệ 80% dân Việt Nam mà thường hay cho là theo đạo Phật, thực sự thấm nhuần giáo lý Phật đà để mỗi người tự mình chuyển hóa, ít nhất thực hành ngũ giới căn bản trong đời sống hàng ngày, mọi nơi, mọi lúc rồi tiến dần cao hơn là thực hành thập thiện, để tạo nền nhân bản tốt cho một xã hội có nếp sống mới an lạc và hòa bình ?

Không tổng kết kinh nghiệm, không tiến hành điều nghiên một cách nghiêm túc làm sao chúng ta có thể thấy được hiệu quả đào tạo tăng tài trong quá khứ và mười mấy năm qua có phù hợp với trình độ của đại chúng, với xã hội ngày nay không ? Cần phải đào tạo khác gì với ngày xưa và khác như thế nào để trang bị cho một tăng sĩ thiền sư có thể hành đạo trong điều kiện đại chúng ngày càng có trình độ văn hóa cao, một xã hội đầy ắp cám dỗ vật chất, một Ðất nước đang bị nhiều nguồn ảnh hưởng của văn hóa Tây phương xâm nhập, tác động ?

Không tổng kết kinh nghiệm làm sao chúng ta có thể rút ra được những bài học trong việc xây dựng Gia đình Phật tử, một điểm son về tổ chức của Phật Giáo Việt Nam đã có từ thời kỳ đầu của phong trào Chấn Hưng Phật Giáo, một tổ chức đã chứng minh giá trị sự hiện hữu nhất định của nó trong mấy chục năm qua, để với những kinh nghiệm quý báu ấy chúng ta có thể mở rộng, xây dựng, phát triển mạnh mẽ Gia đình Phật tử trong tương lai vì đó là con đường xây dựng đường dài, có tính nhân bản nhất, để tạo nền cho một xã hội dân sự Phật Giáo, an lạc và hòa bình.

Chỉ với một số ít câu hỏi chính đặt ra trên đây đã có thể cho chúng ta thấy rõ ràng việc kết tập kinh nghiệm của 70 năm phát triển của Phật Giáo Việt Nam trong bốn giai đoạn chính nói trên đã trở thành vừa là một trách nhiệm lịch sử vừa là một nhu cầu tiến hóa để Phật Giáo Việt Nam vững vàng bước vào thời đại mới.

Vì sao cho đến nay vẫn chưa có một cuộc tập kết như vậy ?

Có thể do ba lý do sau đây :

1. Do hoàn cảnh của đất nước biến chuyển quá mau lẹ, quá dữ dội và phức tạp nên chưa có cơ hội thuận tiện nào để cho Phật Giáo Việt Nam tiến hành một cuộc tập kết kinh nghiệm toàn diện có qui mô và có chiều sâu.

2. - trong nước, kể từ ngày có Giáo hội Phật Giáo Việt Nam ra đời từ năm 1981 với cơ cấu tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương và cứ 4 năm lại có Ðại hội toàn quốc một lần và ở mỗi Ðại hội đều có tổng kết tình hình, cho nên có thể vì thế mà Ban Trị sự Trung ương thấy không cần thiết phải có một cuộc Tập kết kinh nghiệm lịch sử như vậy.

3. - hải ngoại nơi hiện có đông đảo phật tử Việt Nam với điều kiện không thời gian, vật chất và liên lạc khá thuận lợi, nhưng có một số tu sĩ và cư sĩ có lẽ vì đang bận tâm giữa Phật Giáo trong nước và ngoài nước hoặc vì nhiều lý do khác nên không lý tới một vấn đề lớn đòi hỏi Chánh kiến và Chánh tư duy có ảnh hưởng rất sâu đậm đến đạo pháp và dân tộc.

Dù là giả thiết với cả ba trường hợp trên đây, thực tế đã chứng minh và giúp đưa ra kết luận :

Chúng ta xem thường lịch sử và phớt lờ lịch sử. Một mặt khác vì chịu ảnh hưởng và di sản truyền thống của một nước nông nghiệp chậm tiến nên chúng ta đang tiếp tục duy trì cung cách sống và làm việc tới đâu hay tới đó, chưa thoát ra được nề nếp cũ ấy và chưa quen với tác phong công nghiệp, hiện đại : phải dựa vào dữ kiện, điều nghiên, phân tích và khoa học. Nhưng rốt ráo hơn hết, chúng ta chưa thật sự đưa Ðạo vào Ðời, chỉ có lý thuyết chứ chưa có mấy thực hành giáo pháp Như Lai.

Nhìn ra thế giới bên ngoài ắt có thể sẽ giúp chúng ta thêm suy nghĩ. Từ năm 1995 nhân dịp kỷ niệm 50 năm chấm dứt Ðệ Nhị Thế Chiến, nhiều nước trên thế giới, từ các cường quốc cho đến các nước nhỏ, ở Liên hiệp quốc và các cơ quan phụ thuộc, đâu đâu cũng tổ chức kỷ niệm, kiểm điểm để tìm ra nguyên nhân và những biện pháp ngăn ngừa một tai họa mới cho nhân loại.

Hoạt động chính trị đồng loạt và có tính phổ cập ấy của toàn thế giới trong mấy năm qua phải chăng là kết quả gây tỉnh thức từ một triết gia Mỹ gốc Tây Ban Nha George Santayana đã từng cảnh cáo :

"Những ai phớt lờ lịch sử sẽ lại vấp phải những đớn đau của lịch sử. Học từ quá khứ là con đường trách nhiệm duy nhất để xây dựng lại tương lai, đặc biệt khi cái quá khứ ấy là một chứng tích thất bại to lớn."

Lời cảnh báo của triết gia George Santayana đâu chỉ dành cho lãnh vực chính trị, và cho các chính trị gia, mà cho tất cả các mặt khác của đời sống con người kể cả tôn giáo.

Ðối với Phật tử, chúng ta có một tấm gương sáng của Ðức Bổn Sư đầy tính thuyết phục. Ðó là sự kiện mà ai cũng biết là sau nhiều năm Ngài thực hành đường lối tu khổ hạnh, Ðức Phật đã kiểm điểm, đã suy nghiệm và nhận ra con đường lúc ban đầu Ngài đã chọn và trải qua là sai lầm, không đúng, không thể đạt đến giác ngộ ; và nhờ vậy Ngài đã đổi lại hướng tu để cuối cùng ngài đã thành đạt Ðạo quả.

Kể từ ngày Ðức Phật nhập Niết Bàn, chúng ta có truyền thống Tự tứ sám hối hằng năm vào dịp lễ Vu lan là dịp chư tăng kiểm điểm việc thi hành giới luật và giới đức, tu học để nâng cao giá trị Tăng bảo nhằm làm chỗ tựa vững chắc cho toàn thể Phật Giáo đồ. Tinh thần tự tứ sám hối ấy đâu phải chỉ dành riêng cho chư tăng đâu mà cho toàn cả tứ chúng đấy chứ !

Ðến đây, vấn đề Tập kết kinh nghiệm 70 năm phát triển của Phật Giáo Việt Nam đã trở nên rõ ràng là một trách nhiệm lịch sử, một nhu cầu tiến hóa của Phật Giáo Việt Nam.

Tôi sẽ không đi sâu thêm vào vấn đề này về nội dung và phương thức thực hiện vì ý thức rằng đây là một đại công tác, một dự án lớn của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, của toàn thể tăng tín đồ trong nước và hải ngoại, của chư tăng và của cư sĩ đủ mọi thế hệ. Và một khi ấn đề được chính thức đặt ra thì trí tuệ tập thể của Phât giáo Việt Nam sẽ dễ dàng giải quyết và bảo đảm thành công. Trong tinh thần và ý thức đóng góp phần xây dựng của mình cho Ðạo pháp và Dân tộc, tôi sẽ có một bài tham luận khác đi sâu vào vấn đề.

***

Kính thưa quý vị,

Hôm nay, với sự có mặt của chư tăng và nhiều cư sĩ, thiện tri thức thuộc nhiều thế hệ từ trong nước ra và từ bốn phương ở hải ngoại tụ tập tại Thiền Viện Trúc Lâm này, một Thiền Viện mang tên dòng Thiền Việt Nam chính thống, xin cho phép tôi được nghĩ rằng đây là một thuận duyên quý hóa, là lúc tinh thần khế lý và khế cơ đã giao hội đúng vào thời điểm này đề xuất vấn đề :

Tập kết kinh nghiệm 70 năm phát triển Phật Giáo Việt Nam để mạnh mẽ bước vào thời đại mới.

Ước mong một chút đóng góp tư duy này cho tiền đồ của Phật Giáo Việt Nam và cho Dân tộc sẽ không đi vào sa mạc.
 

                                                                                                            Paris, 13-9-1998



[ Trở Về ]