Người Cư Sĩ [ Trở Về ] [Home Page]
Sự đóng góp của người cư sĩ phật tử
trong công cuộc phát triển Phật giáo (*)
Võ Ðình Cường I. Chức năng, vị trí của người Cư sĩ Phật tử. Cư sĩ là một trong bốn chúng đệ tử của đức Phật. Cư sĩ gồm số đông, trong khi các tu sĩ Phật giáo, là thành phần nổi bật, xuất thân từ Cư sĩ. Do đó giới Cư sĩ là lực lượng cần phải tu học, phải thăng hoa để trong hoàn cảnh thuận tiện trở thành tu sĩ. Ðức Phật luôn dặn dò chư đệ tử "Vì lợi ích và hạnh phúc số đông", số đông ở đây nổi rõ nhất là thành phần Cư sĩ. Như vậy, Cư sĩ là đối tượng để được xây dựng và xây dựng một xã hội đúng theo Chánh pháp của đức Phật.
Ðức Phật từng dạy Cư sĩ Anathapindika : "Này gia chủ, vị Thánh đệ tử hộ trì các Tỳ-kheo bằng cách cúng dường y phục, thực phẩm, sàng tọa và dược phẩm". Lời dạy ấy đã thành truyền thống hộ trì chư Tăng Ni của các Cư sĩ kể từ 25 thế kỷ qua.
Mặt khác, nhận giáo pháp của đức Phật, người Cư sĩ có bổn phận phải nỗ lực tu tập, thực hành và góp phần truyền bá giáo pháp, tức là góp phần chuyển pháp luân để đem ánh sáng giải thoát cho đời.
Như vậy, chức năng, vị trí của người Cư sĩ là vô cùng quan trọng trong việc phát triển Phật giáo trong ý nghĩa độ tha cũng như chuẩn bị hoàn cảnh tốt đẹp cho việc tự độ của mình.
II. Sự tham gia xây dựng và phát triển Phật giáo của người Cư sĩ Phật tử.
Trong thời đức Phật, giáo đoàn tỳ kheo phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, mang hình thức giáo hội là do sự hộ trì, đóng góp xây dựng của quần chúng Cư sĩ. Tên tuổi các vị vua như Bimbisara, Ajatasattu, Pasenadi..., các đại Cư sĩ như Anathapindika, Visakhà Migaràmata, Jivaka, Mahanàma, Ambapàli... Cư sĩ Citta Machikasandika đứng đầu một hội chúng gồm nhiều ngàn người cùng học, cùng thảo luận pháp được đức Phật khen ngợi. Ngoài ra còn có nhiều Cư sĩ nổi danh về thuyết pháp như nam Cư sĩ Hathaka Alavaka, nữ Cư sĩ Suppavasà Koliyadhità, được đức Phật khen ngợi là đệ nhất thuyết pháp. Trong kinh điển Ðại thừa, ngài Duy-Ma-Cật được xem là vị Cư sĩ có trí tuệ bậc nhất trong thời kỳ đức Phật.
Về sau, khi đức Phật đã nhập Ðại Niết-bàn, nhiều vị vua chúa ở Ấn Ðộ, Tích Lan, Trung Hoa, Việt Nam... đều ra sức ủng hộ Phật giáo, trong đó vị vua có công lao lớn nhất trong việc hoằng dương Chánh pháp là vua Asoka ở Ấn Ðộ. - Việt Nam, sự đóng góp của Cư sĩ trong công cuộc phát triển Phật giáo nổi rõ nhất là vào đời Trần, khi vua quan và cả hoàng tộc đều một lòng ủng hộ Phật giáo. Vua Trần Nhân Tông được xem như một Asoka của Việt Nam và Tuệ Trung Thượng Sĩ có thể được ví như Duy-Ma-cật của Ấn Ðộ, như Bàng Uẩn của Trung Hoa...
- đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến công lao xây dựng và phát triển Phật giáo của giới Cư sĩ Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo và trong suốt 5, 6 mươi năm tiếp theo cho đến ngày nay.
Trước làn gió mới chấn hưng Phật giáo của Trung Hoa và Ấn Ðộ, Phật giáo Việt Nam cũng chuyển mình và những cải cách mới xứng đáng để tạo thành một phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, trong đó lực lượng Cư sĩ, đặc biệt là giới trí thức tân học đã có những đóng góp lớn lao.
Tại Nam kỳ, năm 1930, hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học ra đời với một lực lượng Cư sĩ khá mạnh gồm Phạm Ngọc Vinh, Huỳnh Văn Quyền, Trần Nguyên Chấn, Trần Văn Khuê, Nguyễn Văn Nhơn, Lê Văn Phổ, Nguyễn Văn Cần, lấy tạp chí Từ Bi Âm làm tiếng nói chính. Năm 1932, Phật học Tùng thư ra đời nhằm phổ biến kinh sách Phật học, do Cư sĩ Ðoàn Trung Còn đứng đầu với sự hợp tác của một nhóm Cư sĩ Nguyễn Văn Vật, Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn Văn Thiện... Năm 1934, một số đông Cư sĩ với sự lãnh đạo của chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa thành lập hội Lư"ng Xuyên Phật học. Năm 1936, các Cư sĩ mở Hội Tịnh Ðộ Cư sĩ, có tầm hoạt động lớn khắp các tỉnh Nam bộ, đến các vùng xa xôi. Hội có tạp chí Pháp Âm làm tiếng nói, với các Cư sĩ chủ đạo như Lê Văn Hậu, Trần Quỳnh... Ðồng thời, hội Phật học Kiêm Tế cũng hầu hết là Cư sĩ, có khuynh hướng cải tiến xã hội với tạp chí Tiến Hóa. Năm 1950, Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền cùng một số Cư sĩ Phật tử trí thức tân học, lập hội Phật học Nam Việt, tạo nên một sinh khí mới trong giới học Phật với những sinh hoạt sáng tác, nghiên cứu dịch thuật Phật học. Tạp chí Từ Quang của Hội ra đời từ năm 1950 đến năm 1973 đã giúp ích rất nhiều cho sự học hỏi của giới Phật tử. Hội có tầm hoạt động khá rộng rãi, gồm 40 tỉnh hội và chi hội khắp miền Nam.
Tại Bắc kỳ, năm 1935, hội Phật giáo Bắc kỳ ra đời, nòng cốt gồm các Cư sĩ trí thức Tân và Cổ học như Sở Cuồng Lê Dư, Nguyễn Hữu Kha, Nguyễn Năng Quốc, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Cung Ðình Bính, Trần Văn Giáp, Nguyễn Can Mộng, Nguyễn Ðỗ Mục, Nguyễn Văn Tố... Tờ báo Ðuốc Tuệ của hội đã góp phần không nhỏ trong công cuộc truyền bá Giáo lý Phật giáo.
Tại Trung kỳ, năm 1932, hội An Nam Phật học ra đời, mở đầu một giai đoạn phát triển mạnh của Phật giáo miền Trung và đóng góp lớn cho phong trào chấn hưng Phật giáo cả nước. Ngoài chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa sáng lập, các Cư sĩ có công lao rất lớn trong việc xây dựng và phát triển hội cũng như cải tiến, chấn hưng Phật giáo như bác sĩ Lê Ðình Thám, Nguyễn Khoa Tân, Ưng Bàng, Bửu Bác, Viễn Ðệ, Trần Ðăng Khoa, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Khoa Toàn, Bà Diệu Không... Tạp chí Viên Âm của Hội sớm có uy tín nhờ nỗ lực hiệu năng của Cư sĩ Tâm Minh Lê Ðình Thám. Năm 1940, Ðoàn Thanh niên Phật học Ðức Dục ra đời, sau đó là Gia đình Phật Hóa Phổ do Cư sĩ Lê Ðình Thám sáng lập, nhằm giáo dục, truyền bá Phật pháp cho thanh thiếu niên. Trong khoảng thờ gian này, Cư sĩ Lê Ðình Thám tham gia giảng kinh luận Phật học, đào tạo nhiều vị xuất sắc, sau này là những bậc Tôn túc nòng cốt trong Giáo hội. Năm 1947, Gia đình Phật tử ra đời, như là một sự hóa thân và phát triển của Gia đình Phật Hóa Phổ, Ban Hướng dẫn đầu tiên của Gia đình Phật tử Thừa Thiên gồm các Cư sĩ Võ Ðình Cường, Tống Hồ Cầm, Phan Cảnh Tuân, Văn Ðình Hy, Cao Chính Hựu, Phan Xuân Sanh, Hoàng Thị Kim Cúc, Ðặng Tống Tịnh Nhơn, Lê Văn Dũng... Từ những GÐPT đầu tiên ở Huế, phong trào GÐPT đã phát triển ra nhiều tỉnh ở trong Nam và ngoài Bắc. Ðến năm 1973 số đoàn sinh GÐPT lên đến 200000 người. Song song với việc phát triển GÐPT, một đóng góp lớn khác của giới Cư sĩ Phật tử là việc xây dựng và phát triển hệ thống trường Bồ Ðề. Thành phần Ban Giám hiệu, Ban Bảo trợ, Văn phòng và nhất là lực lượng Giáo sư phần lớn đều là các Cư sĩ Phật tử. Chỉ tính đến năm 1963 đã có 163 trường Bồ Ðề trong cả miền Nam.
Một công lao khác và cũng là một hy sinh to lớn của giới Cư sĩ Việt Nam được thể hiện nổi bật là phong trào chống độc tài và kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Ðình Diệm năm 1963. Các Cư sĩ Phật tử gồm đủ mọi thành phần trí thức, lao động tay chân, thương gia, tiểu thương... gồm nam nữ, già trẻ, dưới sự lãnh đạo của chư Tôn đức trong Giáo hội, hoặc tự phát, đã đứng lên đấu tranh, vận động quần chúng và đã bị giết, bị tù đày, tra tấn không kể xiết.
Thực ra, nếu không có sự đóng góp công sức của hàng Cư sĩ thì Phật giáo không thể nào phát triển được ; vì như trên đã nêu về chức năng và vị trí của người Cư sĩ, chúng ta thấy Cư sĩ là đối tượng truyền bá, học tập, thực hành giáo lý của đức Phật, chính các Cư sĩ đang sống trong lòng xã hội, đang làm văn hóa, chính trị, đạo đức, cũng như đang thực hiện, đang cải tạo và đang sống trong các lĩnh vực thuộc cơ sở hạ tầng cũng như các kiến trúc thượng tầng của mọi sinh hoạt của con người.
III. Phương hướng đóng góp cho Phật giáo của người Cư sĩ phật tử
trong hiện tại và trong tương lai.Sự phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật trong những thập niên cuối thế kỷ 20 đã tạo ra những vấn đề lớn cho xã hội loài người. Chiến tranh, suy thoái đạo đức, khủng bố bạo lực, ô nhiễm môi trường, sinh thái... là những biểu hiện của tham sân si, điều này cũng có ý nghĩa là hạnh phúc của con người bị giảm thiểu, trong khi khổ đau vẫn cứ tăng lên. Phật giáo luôn nêu cao thông điệp cứu khổ và cứu cánh giải thoát, cần phải nhập thế nhiều hơn và để được như thế, người Cư sĩ Phật tử với truyền thống đóng góp, xây dựng và phát huy đạo Phật, là những người đang sống trong lòng xã hội, nhạy bén với các vấn đề của thời đại, cần phải có phương hướng hoạt động cụ thể để hành động vì lý tưởng của Phật giáo, vì hạnh phúc của số đông:
1. Trước hết là giới Cư sĩ cần phải tranh thủ được sự chứng minh và lãnh đạo của chư vị cao Tăng, chư Tôn túc trong Giáo hội. Ðược như thế, ý nghĩa Tam Bảo được trọn vẹn, tự bản thân Cư sĩ đang làm Phật sự cũng như quần chúng sẽ được khích lệ, niềm tin Phật sẽ gia tăng không ngừng.
2. Người Cư sĩ phải không ngừng tu tập giáo lý của đức Phật để tự mình thăng tiến và lôi cuốn những người chung quanh. Nhiều nhóm Phật học Cư sĩ cần phải được thiết lập có tổ chức và mở rộng sinh hoạt trong từng chùa, từng địa phương, từng tỉnh, trong nước và tùy theo tầm c" hoạt động, có thể mang tính chất quốc tế. Người Cư sĩ trong hội cần tham gia nghiên cứu kinh điển, giảng pháp, thảo luận. Do vấn đề tổ chức và quan điểm, không phải đặt vấn đề thống nhất các hội đoàn Phật học khi hoàn cảnh chưa thuận tiện. Càng nhiều hội đoàn, không khí sinh hoạt càng phong phú, đa dạng. Sách báo của từng hội đoàn cần phát hành đều đặn để khích lệ quần chúng nghiên cứu và học Phật.
3. Cần thành lập các hội đoàn chuyên ngành để chuyên môn hóa sinh hoạt của các Cư sĩ Phật tử, ví dụ Hội hay Ðoàn Phật tử nghiên cứu hay thực hiện kế hoạch phát triển xã hội, bảo vệ môi sinh, bảo vệ hòa bình, xây dựng và phát triển đạo đức, giáo dục, văn hóa Phật giáo. Thậm chí cần có những hội đoàn nghiên cứu khoa học kỹ thuật, thương mại, ngân hàng v.v... Nói chung, cần thể hiện nếp sống Phật giáo trong tất cả mọi lĩnh vực sinh hoạt của xã hội.
4. Xây dựng, giáo dục thế hệ trẻ có nếp sống năng động, phù hợp với thời đại nhưng lấy giáo lý Phật giáo làm chỉ nam. Người Cư sĩ có thể đứng ra mở trường học hoặc hợp tác với chư Tăng Ni mở trường, nhà giữ trẻ... tiến đến một hệ thống trường Bồ Ðề như mấy chục năm trước đây ở Việt Nam. Tổ chức Gia đình Phật tử cần được xây dựng, phát triển và cải tiến về tổ chức và nội dung sinh hoạt cho phù hợp với thời đại, tại từng địa phương...
5. Người Cư sĩ còn cần phải giữ bổn phận đối với chư Tăng Ni, tham gia các công tác Phật sự tại chùa, thường xuyên đến chùa để nghe giảng kinh, sinh hoạt tôn giáo, cúng dường chư Tăng Ni. Trong hoàn cảnh cho phép, người Cư sĩ cần tham gia vào ban lãnh đạo trong các tổ chức của giáo hội, cố gắng là một thành viên trong tổ chức giáo hội địa phương hoặc trung ương, thể hiện ý nghĩa tứ chúng đồng tu mà đức Phật đã thiết lập.
IV. Kết luận
Vì đệ tử Phật gồm tứ chúng, trong đó hai chúng là Cư sĩ nam và nữ, cho nên nếu không có Cư sĩ thì không thành ý nghĩa Giáo Hội Phật giáo. Nếu không có Cư sĩ, những Cư sĩ có điều kiện tốt để tu tập, để trở thành Tu sĩ sẽ không có, và do đó sẽ không có Tăng già. Xây dựng và phát triển Phật giáo là bổn phận người Cư sĩ, thực tế lịch sử đã chứng minh Phật giáo muốn phát triển mạnh cần phải có sự đóng góp tích cực công sức của giới Cư sĩ.
Những nét khái quát về phương hướng hoạt động trên chỉ là những gợi ý, cần được bổ sung, cần được lập kế hoạch cụ thể theo từng nội dung hoạt động. Và trước hết, để có thể thực hiện lý tưởng giải thoát, diệt trừ khổ đau, người Cư sĩ cần có lòng tin kiên cố đối với Tam Bảo, có trí tuệ và khả năng trong thực hành, có đức hạnh và có quyết tâm vì Ðạo vì Ðời.
* Bài tham luận Hội thảo "Hướng Phát Triển Phật Giáo Việt Nam"-Trúc Lâm Thiền Viện, Pháp, 8. 9. 1996
[ Trở Về ]