Người Cư Sĩ [ Trở Về ] [ Trang Chủ ]
Úc (Australia) là một quốc gia nằm ở Nam bán cầu trong vùng ranh giới của Thái Bình Dương và Ấn Ðộ Dương. Diện tích 7,6 triệu km2 và dân số 18 triệu người (thống kê năm 1997). Phật giáo là một trong bốn tôn giáo chính, bao gồm Ky Tô giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo.Phật giáo (PG) chính thức được truyền đến Úc vào năm 1848 của thế kỷ thứ 19, khi người Trung Hoa đổ xô đi tìm vàng ở một vùng phía Ðông của nước Úc. Trong nhóm người này có một số là tín đồ của đạo Phật nên họ đã dựng một ngôi chùa nhỏ tại đó với những vật liệu tạm thời, ngôi chùa nay tuy không còn nhưng những pho tượng còn sót lại giúp ta khẳng định được niên đại PG đã du nhập vào đất Úc.
Ðến tháng 11 năm 1882, số lượng Phật tử được gia tăng nhờ có nhóm người Tích Lan đến Úc để làm việc trên những đồn điền mía đường ở vùng Mackay, phía Bắc bang Queensland và các sở công nghiệp ngọc trai ở trên đảo Thursday. Ðầu những năm 1890, dân số Phật tử trên đảo Thursday lên đến 500 người Tích Lan. Hai cây Bồ đề được cộng đồng này trồng lúc ấy đến nay vẫn còn. Một ngôi chùa cũng đã được người Tích Lan xây dựng trên đảo Thursday này.
Cuối thế kỷ thứ 19, ở phương Tây đột nhiên nổi lên phong trào nghiên cứu và học hỏi tôn giáo và văn hóa Á châu. Ở Úc cũng đã ảnh hưởng không khí đó. Vào năm 1891, ông Henry Steel Olcott, người có công xây dựng nền tảng cho PG tại Hoa Kỳ, đã dành 5 tháng để đi diễn thuyết Phật pháp trên khắp nước Úc. Những bài giảng và cuốn sách "Phật pháp vấn đáp" (Buddhist Catechism) của ông đã gây ảnh hưởng lớn trong giới trí thức Úc. Một người trong số đó là ông Alfred Deakin, người về sau ba lần được bầu làm Thủ tướng của nước Úc. Ông có viết một cuốn sách về chuyến viếng thăm Ấn Ðộ và Tích Lan, trong đó ông dành 3 chương viết về đức Phật và giáo pháp của Ngài. Trong thời gian này tổ chức của ông Olcott đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá PG tại Úc, Hội của ông đã cung cấp kinh sách cho Phật tử và giới thiệu nhiều Pháp sư đến giảng dạy tại Úc. Một trong những người này là ông F. L. Woodward, đến Úc vào năm 1919 sau 16 năm làm Hiệu trưởng Trường Ðại học Mahinda ở Galla, Tích Lan. Ông Woodward đã lưu trú tại bang Tasmania trong 33 năm, ông dành thời gian này để đi giảng dạy giáo lý và dịch kinh Phật từ Pali ra Anh ngữ cho Hội Pali Text ở Luân Ðôn. Một trong những quyển sách của ông là tuyển tập "Những lời Phật dạy" ấn hành lần đầu tiên vào năm 1925, là quyển sách được nhiều người Úc biết đến. Cũng vào thời điểm này, có tiến sĩ Worthing đã thành lập một nhóm Phật tử gọi là ''các học trò của chân lý'' ( Students of Truths), phần lớn thành viên của nhóm này là tín đồ Gia Tô giáo. Nhóm này có chi nhánh ở Victoria, Sydney và Tasmania.
Ðoàn tăng sĩ truyền Pháp đầu tiên đến Úc vào năm 1915 là năm vị tỳ kheo ngưới Ðức, năm vị này được phái đến hoằng Pháp từ Sri Lanka. Một trong năm vị này là đại đức Nyanatiloka, một người về sau rất nổi tiếng như là một người tiên phong trong phong trào xuất gia tu học của người phương Tây.
Hội Phật giáo đầu tiên tại Úc là "Little Circle of Dharma" do ông David Maurice khởi xướng cùng với Max Tyler và Max Dunn vào năm 1925 tại bang Melbourne. David Maurice sinh năm 1899 tại New South Wales (NSW), ông biết đến đạo Phật năm 12 tuổi nhờ đọc được kinh Trường Bộ từ bản dịch tiếng Anh của giáo sư Rhys Davids. Sau 2 năm học ngành y ở Ðại học Sydney ông bỏ ngang và trở thành nhà văn. Trong giới văn nghệ sĩ Úc, ông phát hiện nhiều người thích nghiên cứu PG và thế là họ cùng nhau thành lập hội trên. Hội của ông chịu ảnh hưởng của truyền thống PG Nam truyền. Ðến năm 1950, ông cho xuất bản tờ "The Light of The Dharma" (Ánh sáng của Giáo pháp), đây là tờ báo PG tiếng Anh tại Úc được phát hành đi khắp thế giới, và đến năm 1962, ông cho in tuyển tập các bài viết của ông, quyển "The Lion 's Roar" (Tiếng rống của Sư tử). Có thể nói Davids Maurice và các thành viên của ông là những người có công lớn trong việc phát triển PG tại Úc và cũng chính họ đã làm cho thế giới biết PG tại xứ sở này trong thời gian nhóm này còn hoạt động.
Năm 1938, một số Phật tử khác cũng thành lập Nhóm Nghiên cứu Phật học (The Buddhist Study Group) do một kiến trúc sư người Melbourne, ông Len Bullen làm nhóm trưởng. Tham vọng của nhóm này là làm cho mọi người hiểu rằng đạo Phật như là một khoa tâm lý học ứng dụng, cái có thể giúp cho con người giải quyết được mọi vấn đề của thời đại. Tiếc thay, nhóm này hoạt động được một năm thì tan rã, vì thế chiến thứ hai đã bùng nổ vào năm 1939.
Người phụ nữ cũng đóng một vai trò phát triển PG tại Úc. Một trong những người phải được kể đến là bà Marie Byles, một nữ luật sư đầu tiên ở quốc gia này và bà được nhiều người biết đến lúc đó như là một người hòa giải, đối thoại và là người tranh đấu cho quyền bình đẳng của người phụ nữ. Bà đã viết nhiều sách và báo về PG trong những năm 40 và 50. Quyển sách nổi tiếng nhất của bà là "Những dấu chân của Ðức Phật Cồ Ðàm" (Footprints of Gautama Buddha) in năm 1951, đến nay sách vẫn còn tái bản. Bà đã đi diễn thuyết Phật pháp nhiều nơi ở Úc cũng như thường nói chuyện trên đài phát thanh ở Sydney. Ðiểm đặc biệt, trong khuôn viên nhà bà ở Sydney, một thời từng là địa điểm tu học cho các khóa tu ngắn ngày. Bà đã lập một thư viện PG, thư viện có đầy đủ bộ đại tạng kinh PG bằng tiếng Anh và hằng ngàn kinh sách khác cho Phật tử Úc đọc.
Năm 1952, một nữ tu PG đầu tiên viếng thăm Úc, đó là Ni sư Dhammadina (1881-1967), người Mỹ. Sau 30 năm tu học tại Tích Lan, bà được Tiến sĩ Malasekera (vị chủ tịch đầu tiên của Hội Liên Hữu PG thế giới) bảo lảnh đến Úc để hoằng pháp. Mặc dù đã 70 tuổi, Ni sư đã đi thuyết giảng nhiều nơi trên khắp nước Úc. Mười một tháng hoằng pháp của Ni sư tại Úc đã làm niềm tin Chánh pháp của tín đồ tại xứ sở này gia tăng đáng kể.
Ðến năm 1953, Hội Phật Giáo NSW (Buddhist Society of New South Wales) ra đời do ông Leo Berkeley, một thương gia người Sydney lãnh đạo. Hội đặt trụ sở tại Sydney, nhưng có chi nhánh ở Victoria, Queensland và Tasmania. Kết hợp với với Hội này, bà Natasha Jackson, một người Úc gốc Nga, là đệ tử của Ni sư Dhammadinna, đã cho xuất bản tờ Nguyệt san Metta (Từ Bi), là tiếng nói của PG Úc từ năm 1955 đến năm 1971. Sau đó tờ báo này được đổi tên là "Buddhism Today" (Ðạo Phật ngày nay), đến nay vẫn còn phát hành và nó là tờ báo có tuổi đời lâu nhất của PG Úc. Hiện nay Hội này hoạt động đều đặn, do ông Graeme Lyall (vốn là một trong những Phật tử trẻ tuổi của ni sư Dhammadinna) làm Hội trưởng. Hội đã tổ chức thời khóa tu học hàng tuần và có mở một Webpage (địa chỉ: http://www.zip.com.au/~lyallg/ ) để phổ biến giáo lý Phật Ðà.
Năm 1953, Hội Phật giáo Queensland (http://www.uq.net.au/slsoc/budsoc.html) và Hội Phật giáo Victoria ra đời. Ðến đầu thập niên 60, PG Nam truyền phát triển mạnh và tập trung ở Sydney, trong khi ở Melbourne, PG Bắc truyền bắt đầu cắm rể nhờ công của Thiền sư Tuyên hóa, người Hoa (năm 1962, ngài đến hoằng Pháp ở Hoa Kỳ). Ðặc biệt là PG Thiền của Nhật Bản, do nỗ lực hoằng Pháp của Hội Phật giáo Thiền Tào Ðộng (The Soto Zen Buddhist Society), phát triển và gây ảnh hưởng lớn ở những tiểu bang khác tại Úc. Năm 1972, Hội PG Hoa Tông ở Úc ra đời tại Sydney do thương gia Eric Liao lãnh đạo, người đến Úc từ năm 1961.
Năm 1974, giáo sư Jayasuriya cùng một số đạo hữu thành lập Hội Phật Giáo Tây Úc (Buddhist Society of Western Australia) tại tiểu bang Perth. Ông Jayasuriya là người Tích Lan và là giáo sư Tâm Lý học tại đại học Tây Úc. Thành viên đầu tiên của Hội này gồm một số người Úc, người Hoa và người Thái Lan theo truyền thống Theravada. Năm 1981, Hội đã cung thỉnh hai vị sư người Úc là đại đức Jagaro và đại đức Puriso, về hoằng Pháp từ Thái Lan. Nhờ sự xuất hiện của hai vị tăng sĩ này mà nhiều người Úc đã phát tâm hướng về đạo. Sự lớn mạnh đã đưa Hội đến quyết định mua một thửa đất rộng khoảng 40 hécta trong huyện Serpentine, 70 km về phía nam thành phố Perth, để xây dựng thiền viện Bodhinyana (Giác Minh) vào năm 1983. Do nhu cầu tu học ngày càng đông của người bản xứ, đến năm 1987, Hội lại xây dựng tiếp một Trung tâm Phật Giáo tại thành phố Perth, lấy tên là Trung Tâm Dhammaloka (Pháp Giới), rộng khoảng 5000 mét vuông, bao gồm trụ sở văn phòng, thư viện, nhà khách, hội trường, và một điện Phật rộng lớn để tụng kinh, thuyết Pháp và ngồi thiền. Hiện tại, Hội PGTU, được xem là một trong những Hội Phật giáo tại Úc phát triển và hoạt động hoằng Pháp đều đặn. Tăng đoàn tại thiền viện Bhodhinyana hiện gồm có 20 vị tỳ kheo. Thêm vào đó, vào năm 1998, Hội mua một thửa đất rừng khác, rộng khoảng 240 hécta, để xúc tiến thành lập ni viện Dhammasara do ni cô Vayama, người Úc, trụ trì. Hội do tỳ kheo Ajahn Brahmavamso, người Anh, lãnh đạo tinh thần, và hội trưởng hiện nay (1998-1999) là một người Việt, đó là tiến sĩ Bình Anson, một người đã định cư tại Úc hơn hai mươi năm qua. Ông đã tham gia sinh hoạt với Hội này từ khi mới đặt chân đến Úc. Ông cũng là người chủ trương hai trang Webpage Phật Giáo (tiếng Việt và tiếng Anh) để phổ biến giáo lý Phật Ðà. Ðịa chỉ truy cập là: http://www.saigon.com/~anson và http://www.iinet.net.au/~ansonb/bswa .
Thập niên bảy mươi là giai đoạn phát triển mạnh nhất của PG Úc, đặc biệt là giới trẻ tìm về với PG. Trong khoảng thời gian này, ước lượng có trên 300 người Úc tham gia các khóa tu ở Ấn Ðộ và Népal do TT Thubten Yeshe và TT Zopa Rinpoche hướng dẫn. Và có hơn 200 người Úc đến tu học tại Thái Lan, Miến Ðiện và Tích Lan. Một số ít trong nhóm này về sau đã xuất gia như như ông Paul Boston, đạo hiệu là S. Dhammika, xuất gia theo PG Tích Lan và đã trở thành một tăng sĩ người Úc nổi tiếng hiện nay, ông đã viết rất nhiều sách và đi giảng nhiều nơi ở Úc. Một vị tăng sĩ người Úc khác, tỳ kheo Pannyavaro, hiện được xem là một người tiền phong trong phong trào truyền bá lời Phật dạy qua hệ thống Internet. Ngài từng đến tu học tại Tích Lan, Thái Lan và Miến Ðiện. Ðầu năm 1992, ngài trở về Úc và bắt đầu mở một thiền đường tại thành phố Sydney để dạy thiền cho người Úc. Ðể cập nhật hóa với những phát triển của ngành tin học hiện đại, TT. Pannayavaro đã mở một tờ báo Phật giáo điện tử (địa chỉ: http://www.buddhanet.net ), để truyền bá lời Phật dạy, một phương tiện hoằng Pháp nhanh và thu hút rất nhiều độc giả đến với Phật giáo, theo ước tính có gần mười ngàn người trên khắp thế giới vào xem mỗi ngày.
Cũng trong thời gian cuối những năm 70, một số lớn di dân và người tị nạn đến từ châu Á và phần lớn họ đều là Phật tử, đó là lý do ra đời hàng loạt tự viện ở Úc. ÐÐ Somaloka, một Tăng sĩ đến từ Tích Lan năm 1971, ông cùng với Hội PG NSW tiến hành xây dựng một ngôi chùa ở Blue Mountain thuộc phía Tây bang Sydney. Năm 1973, tỳ kheo Phra Khantipalo, một Tăng sĩ người Anh đến Sydney từ Thái Lan, ông cùng Phật tử địa phương xây dựng chùa Buddharangsee (Phật Quang). Năm 1978, một sư cô người Ðức, Ayya Khema, thành lập chùa Buddha Dhamma (Phật Pháp) ở phía Bắc Sydney. Hình thức ngôi chùa này giống như một Trung tâm hành thiền hay một trại tu dưỡng hơn là ngôi chùa.
Ðến năm 1979, Trung tâm Thảo luận Phật học (Buddhist Discussion Center) ra đời tại Upwey, bang Melbourne, do giáo sư người Úc John. D. Hughes sáng lập và làm Hội trưởng. Ðây là một tổ chức của một số lớn trí thức Úc muốn nghiên cứu Phật pháp và tu Thiền theo hướng kết hợp theo cả hai truyền thống Nam và Bắc truyền. Hội này cũng cho xuất bản một tờ báo phát hành hàng tháng cho Phật tử Úc đọc. Ðến nay tổ chức này vẫn hoạt động mạnh. Cuối năm 1998, Hội đã mở một webpage để phổ biến chủ trương và sinh hoạt của Hội cũng như giáo lý. Ðịa chỉ vào xem là http://www.bdcu.org.au .
Ðầu năm 1980, nhiều Hội PG khác như Hội PG Lãnh thỗ miền Bắc ở Darwin, Hội PG Tasmania, Hội PG người Hoa, Hội PG Tây Tạng, ... được thành lập và có nhiều hoạt động mạnh mẽ để đưa Chánh Pháp vào xã hội Úc.
Qua đến thập niên 80 và 90, với chính sách đa văn hóa của chính phủ Úc, nhiều sắc tộc khác như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Hoa, Tây Tạng... đến định cư tại Úc và PG vào thời điểm này phát triển mạnh nhất trong lịch sử của PG Úc. Trong đó, đáng kể nhất là PG Việt Nam, Trung Hoa, Tây Tạng, Lào, Campuchia, Thái Lan, Tích Lan, ... Riêng PG Tích Lan có khoảng 15 ngôi chùa và 12 Tăng sĩ trên toàn Úc châu. Ðáng chú ý là Thượng tọa Kott Santhindriya, viện chủ thiền viện Daham Niketanaya (Melbourne), có công lớn trong việc phát triển PG Theravada ở Úc. Năm 1997, Thượng tọa có mở một webpage (http://www.techno.net.au/daham/ ) để truyền bá giáo lý.
* Phật Giáo Việt Nam tại Úc:
Người Việt đến định cư tại Úc vào cuối thập niên bảy mươi, tính đến nay có khoảng 200 ngàn người Việt định cư tại xứ sở này. Có khoảng 12 tờ tuần báo, 10 chương phát thanh tiếng Việt, và 2 chương trình truyền hình tiếng Việt để phục vụ cho cộng đồng. Về tình hình PG VN thì có bốn Giáo Hội khác nhau có mặt tại Úc, bao gồm Giáo Hội Phật Giáo Linh Sơn Thế Giới (chi nhánh của HT.Thích Huyền Vi, Pháp quốc); Giáo Hội PGVN Trên Thế Giới (chi nhánh của HT.Thích Tâm Châu, Canada); Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất sĩ (chi nhánh của HT. Giác Nhiên, Hoa Kỳ); đặc biệt là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Úc Châu và Tân Tây Lan, thành lập vào năm 1981 do công của HT. Thích Phước Huệ, HT. Thích Huyền Tôn, HT. Thích Như Huệ và TT. Thích Bảo Lạc, là những Tăng sĩ VN đầu tiên định cư tại Úc Châu. Hiện tại Giáo hội có nhiều chi nhánh ở khắp nước Úc và Tân Tây Lan.
Nhìn chung, PGVN đang từng bước hòa nhập và phát triển tại Úc. Tính đến nay, có khoảng bảy mươi tăng ni người Việt và trên ba mươi tự viện VN trên khắp Úc Châu và Tân Tây Lan. Theo cái nhìn của người bản xứ là PGVN rất khác biệt và phong phú hơn so với các Hội PG Sắc Tộc khác có mặt tại Úc. Ðó là hòa hợp độc đáo giữa ba tông phái khác nhau là Mahayana, Theravada và Khất sĩ, cũng như Thiền tông và Tịnh độ tông. Một nét đặc thù khác của PGVN tại Úc, là mỗi chùa đều có tổ chức Gia đình Phật tử, (hiện có 13 GÐPT, và khoảng 1000 huynh trưởng và đoàn sinh trên khắp nước Úc) và mở Trường Bồ Ðề dạy Việt ngữ, giúp cho thế hệ trẻ VN sanh tại Úc biết rõ và duy trì ngôn ngữ và nền văn hóa của mình.
* Số lượng tự viện, tăng ni và Phật tử tại Úc:
Về tự viện, Tịnh Thất, Niệm Phật Ðường tại Úc hiện có 167 ngôi, trong đó PG Bắc truyền có 52 chùa, PG Nam truyền có 49 chùa, PG Tây Tạng có 36 chùa, PG Úc và các tông phái khác có 27 chùa.
Về Tăng Ni, thật khó mà biết con số chính xác về số lượng Tăng Ni hiện nay ở Úc là bao nhiêu, nhưng theo thống kê sơ bộ gần đây của Bộ Di Trú Úc cho biết hiện có khoảng 200 Tăng Ni tại Úc.
Về số lượng tín đồ PG cũng do Chính phủ Úc thống kê cho biết có khoảng 200.000 Phật tử tại Úc, trong đó phần lớn là người VN, Mã Lai, CamBốt, Lào, Trung Hoa, Tích Lan, Nhật Bản, Singapore, Miến Ðiện...
* Ảnh hưởng PG trong văn học nghệ thuật tại Úc:
Có một số thi sĩ và họa sĩ người Úc đã chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng và triết lý đạo Phật. Ðó là các họa sĩ Godfrey Miller, Ian Fairweather, John Olsen, Brett Whiteley và Margaret Preston và các thi sĩ như Harold Stewart, Max Dunn, Colin Johnson và Robert Gray, các vị này đã có những tác phẩm chịu nhiều ảnh hưởng PG, đặc biệt là tư tưởng Thiền. Cũng có một số khác vừa làm thơ vừa vẽ tranh như Les Oaten, một người từng đến tu Thiền ở Nhật Bản, và đã cùng với Len Henderson thành lập một Hội PG ở Victoria vào năm 1953. Và hiện nay có Adrian Snodgrass, một giảng viên ở khoa kiến trúc thuộc Ðại học Sydney, thơ và tranh của ông cũng ảnh hưởng nhiều về Thiền và Tịnh độ của PG. Trong những năm gần đây đã có mhiều tác phẩm nghệ thuật của ông được ấn hành.
* Tương lai của Phật Giáo tại Úc:
Lịch sử PG Úc đả trải qua nhiều giai đoạn, từ lúc du nhập cho đến đầu những năm 60, PG tuy không phát triển mạnh nhưng vẫn được duy trì trong các cộng đồng của người Á lẫn người Âu. Nhưng với sự gia tăng của làn sóng người di dân đến Úc từ các quốc gia Á châu vào những năm 79 và 80 của thế kỷ này, PG Úc đã lật qua một trang sử mới và phát triển rất nhanh. Số lượng tín đồ PG Úc đứng ở hàng thứ 3 sau Ky Tô giáo và Hồi giáo.
Trong thực tế, sự có mặt của PG tại xã hội Úc là điều cần thiết. Các nhà xã hội học cho rằng hầu hết giới trẻ từ các gia đình theo PG đều có nền tảng về đời sống tâm linh và ít phạm pháp. Do đó, rất cần thiết để lập một chương trình giáo dục PG cho các cộng đồng sắc tộc tại Úc. Ðành rằng giáo dục tôn giáo là nhiệm vụ của nền giáo dục phổ cập của quốc gia, tuy nhiên sự hướng dẫn đời sống văn hóa và đạo đức này sẽ tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới trẻ nếu các tổ chức PG đứng ra đảm trách.
Càng ngày càng có nhiều người Úc đến với PG, đây là một tin vui. Tuy nhiên, họ đã gặp khó khăn trong việc học hỏi và thực hành giáo lý nhà Phật, do bất đồng về ngôn ngữ và va chạm hàng rào văn hóa giữa các sắc tộc. Do vậy, các hội đoàn PG tại Úc, nhất là của người Úc, phải chủ động phối hợp với các hội đoàn PG thuộc các sắc tộc khác để cùng nhau giải quyết những khó khăn, bế tắc trong quá trình truyền bá. Ðó là nỗi trăn trở không phải của riêng ai, mà chính các nhà lãnh đạo PG Úc phải suy nghĩ, phải tìm cách để phát huy và truyền bá lời Phật dạy rộng rãi cho các cộng đồng khác nhiều hơn là chỉ khu biệt trong nội bộ sắc tộc của mình.
(Theo:
-- Kerry Trembath, Newsletter of the Buddhist Council of New South Wales, tháng 11/1996
-- Paul Croucher, Buddhism in Australia: 1848-1988. NSW, 1989
-- Enid Adam & H.Philip, The Buddhists in Australia. Canberra, 1996
-- Exploring Religion. Oxford University Press, Australia, 1998)Thích Nguyên Tạng,
Chùa Quảng Ðức
Melbourne, Australia
[ Trở Về ]