Người Cư Sĩ [ Trở Về ] [ Trang Chủ ]
Hungary, một quốc gia ở miền trung Châu âu, bắc giáp với Ukraine, đông giáp với Romania, Tây giáp với Áo, và phiá Nam giáp với Serbia, Croatia và Slovenia. Thủ đô: Budapset. Diện tích: 93.030 km2, dân số: 10.550.000 người. Phật giáo là một trong bốn tôn giáo chính ở Hungary, bao gồm Gia Tô, Tin lành, và Do Thái.
Theo các nhà Dân tộc học và Khảo cổ học, người Hungary có nguồn gốc phương Ðông. Trong các phong tục, tập quán, truyền thuyết và nghệ thuật dân gian của Hungary tính hướng nội của phương đông vẫn còn sống động cho đến ngày nay. Theo kinh nghiệm hằng ngày của người Hungary, các hiểu biết về Phật giáo không xa lạ gì đối với dân tộc Hungary trước khi người Hungary chinh phục vùng đất này. Trong thời kỳ di dân, tại đây đã có những giống người du mục gốc châu Á, đáng kể nhất là bộ lạc người Hun (một trong những dân tộc châu Á đã xâm lăng châu Âu ở các thế kỷ 4 và 5). Có những bằng chứng về khảo cổ mang các mẫu vẽ trang hoàng hình chữ Vạn từ thời đó. Tôn giáo cổ đại của người Hungary lúc bấy giờ là Ðạo thờ cúng Thần linh qua trung gian các thầy tế tự Shaman (Shamanism). Vì thế người ta cho rằng tổ tiên người Hungary đã làm quen với Phật giáo và có lẽ một số người trong đó đã xem Phật giáo như tín ngưỡng của họ. Tính cách khoan dung trong vấn đề tín ngưỡng của Ðạo Phật đã khiến cho họ có thể tin theo Ðạo Shaman trước kia đã làm, chẳng hạn như dân tộc Tây Tạng và Mông Cổ. Không may là những di vật từ thời đó đáng lẽ đã giúp cho chúng ta có thể giải đáp chính xác về vấn đề này lại bị phá hủy vì sự thiếu khoan dung của một số người quá khích Gia Tô giáo.
Chúng ta có thể tìm thấy một vài vết tích về kiến thức Phật giáo ở thế kỷ thứ mười lăm. Chính nhờ Tiến sĩ Zoltán Takáts de Felvincz , người đã gợi ý cho chúng ta đã quan tâm đến quyển sách của Tiến sĩ T. Kardos có tựa đề "Kỷ Nguyên của Chủ Nghĩa Nhân Bản ở Hungary" (The Age of the Humanism in Hungary). Quyển sách viết rằng ông Galeotti (1427-1497), nhà thơ , một triết gia và là một nhà thiên văn nổi tiếng đã trốn khỏi sự truy nã của chính quyền Italy, đến lánh nạn dưới triều đình vua Matthias, nước Hungary. Và tại nơi đây ông đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc ông viết và ấn hành một cuốn sách nói về Ðức Phật như một "Nhà Hiền Triết Ấn Ðộ" và qua tài liệu này, chữ Buddha (Phật) có thể đã được lấy để đặt tên cho thủ đô nước Hungary là Budapest. Chúng ta biết rằng vua Hungary Matthias thời ấy thường xuyên tranh luận với các nhà khoa học trong nước, vì vậy, có thể chắc chắn rằng Phật giáo đã là một đề tài trong những cuộc tranh luận ấy.
Sau nhiều thế kỷ dài, ký ức về một quá khứ Phật giáo xa xăm bị chìm vào lãng quên lại bừng lên trong lòng của Alexander Csoma de Kroros, một nhà thám hiểm người Hungary, đã trải qua một thời gian du hành trong vùng núi của miền tây Tây Tạng, giáo lý Ðức Phật một lần nữa đã được khơi dậy trong tâm hồn ông. Csoma de Kroros đã ghi lại nhiều từ ngữ trong tiếng Sanskrit, Pàli và Bengali. Và những từ ngữ này đã biểu lộ một sự tương đồng giữa chúng với một số tộc danh và địa danh ở Hungary ngày nay.
Tiến sĩ Th. Duka, nhà thư mục về A. Csoma de Kroros, đưa ra lời phỏng đoán đáng lưu tâm về nguồn gốc tên của thủ đô nước Hungary. Theo lời ông thì một số ngọn núi mà thành phố được xây dựng trên đó, dọc theo hai bên bờ sông Danube. Buda ở phía tây ngạn và Pest ở phía đông (vùng đồng bằng hạ lưu), nơi đó có thể đã được xây dựng một bảo tháp hay một tượng Phật hoặc có lẽ là một ngôi chùa. Và vì thế vùng này đã nhận lấy cái tên đó. Phía dưới một khu dân cư được dựng lên, như trước đầy việc ấy đã xảy ra trong vùng lân cận khu định cư của các vị tămh sĩ Phật giáo vào thời ấy. Khu dân cư đó hiện nay là một phần của thủ đô và nó được gọi là Pest. Chữ 'Past' hay chữ 'Pest' là một từ của tiếng Ba Tư có nghĩa là thấp. Nó diễn tả mối quan hệ về địa hình giữa Buda và Pest; tức là 'vùng thấp hơn Buda, vùng thấp hơn Gompa', phối hợp thành thủ đô Budapest.
Kết quả về công trình nghiên cứu tiên phong của ông A. Csoma de Kroros là mối quan tâm lớn lao đến Phật giáo ở Hungary đã dấy lên vào cuối thế kỷ. Ðiều này được chứng minh qua văn học. Có nhiều người sau khi theo học Kinh Phật đã bày tỏ niềm tin Phật giáo, và đã thành lập một số cộng đồng Phật giáo nhỏ có tính cách riêng tư. Những người tin theo Thuyết Thần Bí (Theosophist) qua các sách báo và bài giảng đã giúp cho việc duy trì mối quan tâm về Phật giáo. Một nhóm nhỏ những người đi tìm Thánh Ðạo trong những năm ba mươi của thế kỷ hai mươi này đã nỗ lực thiết lập Tăng đoàn lần đầu tiên ở Hungary. Năm 1934 ở đây vẫn có tổ chức những buổi hội họp, nhưng lại thiếu một nơi thích hợp và nhiều khó khăn khác nảy sinh, rồi đến năm 1935 mối đe dọa thế chiến thứ hai đến gần nên phong trào đã ngưng lại.
Ngày sau khi nỗ lực đầu tiên nhằm thành lập một tăng đoàn ở Hungary đã chấm dứt, năm 1937 và 1938 có những bức thư gởi từ Thiên Tân, Trung Hoa của một vị Hòa thượng gốc Hungary, trong thư Ngài tuyên bố với bạn bè của mình về việc quay lại quê nhà để thành lập một Tăng đoàn. Con người đặc biệt khác thường này đạo hiệu là Trác Không (Chao Kung) tục danh là Trebits Lincoln. Ngài sinh năm 1879 tại Paks, Hungary. Từ những lá thư này cho thấy rõ rằng Ngài có ý định trở về Hungary cùng với mười vị để tử và hoạt động để phát triển Chánh Pháp. Nhưng Chính quyền Hungary thời ấy không cho phép Ngài làm việc đó.
Hai nỗ lực ấy trong những năm ba mươi, nhắm vào việc thành lập một tổ chức Phật giáo ở Hungary đã thất bại.
Do duyên lành đem lại, nỗ lực thứ ba đã thành công sau đó, vào năm 1931 tiến sĩ Ernest Hetenyl, chủ tịch Hội PG Hungary, viếng thăm Ý-Ðại-Lợi với tư cách một nhà báo, trên đại lộ dẫn đến thành phố Bari đã gặp và tiếp xúc với một Tăng sĩ Phật giáo gốc người Ðức, pháp hiệu là Padma. Vị đại đức này đã có ý định mang Phật giáo đến phát triển ở đất nước quê hương của ông A. Csoma Kroros.
Việc thành lập Phân Hội Tây Phương của Hội Arya Maitreya Mandala do Lạt ma Anagàrika Govinda (người Ấn Ðộ), dựa theo truyền thống của phái Kim Cang Thừa ở Tây Tạng, được công bố ở Sànchi - Bhopal, Ấn độ vào ngày mùng 02 tháng 11 năm 1952. Hội Phật Giáo Hungary đã gia nhập phái Kim Cang Thừa này và hoạt động từ năm 1951. Hội tiếp tục hoạt động trong phạm vi của mình và có Trung Tâm riêng ở thủ đô Budapest. Hội Phật Giáo Hungary đã công bố là 'Trung Tâm Ðông Âu' để giúp đỡ các tổ chức Phật Giáo ở các nước làng giềng.
Ðến năm 1956 (Phật lịch: 2500) Hội Arya Maitreya Mandala đã thành lập Viện Phật Học Quốc Tế mang tên vị tiền bối Phật tử tên là Alexande Csoma Kroros. Viện Phật Học này đã làm việc rất tích cực để đưa lời Phật dạy đến cho mọi Phật tử Hungary trong mấy mươi năm qua.
Trong ba thập niên sáu, bảy và tám mươi, Phật giáo Hungary dường như không phát triển vì thể chế chính trị tại xứ sở này không ưu đãi cho tôn giáo. Theo sau sự sụp đổ của Liên Xô vào tháng 12 năm 1991, các nước Trung và Ðông Aâu dần dần ổn định lại chế độ chính trị và kinh tế, những cải cách xã hội, văn hoá, tôn giáo đã được quan tâm và tiến hành một cách nhanh chóng và có hiệu quả.
Riêng về phía Phật giáo thì đầu năm 1992, tại thủ đô Budapest, Giáo Hội Phật Giáo Hungary đã thành lập một trường Trường Cao Ðẳng Pháp Môn Phật Giáo ( The Gate of Dharma Buddhist College) với 120 sinh viên Hungary ghi danh và học khoá đầu tiên . Ông Farkas Pal, 50 tuổI , hiệu trưởng của Trường, cho biết rằng, trước đây dưới chế độ Cộng Sản, có nhiều sự hạn chế và phân biệt đối với hầu hết các tôn giáo tại Hungary. Nhưng sau khi dân chủ được thiết lập trên xứ sở này thì mọi thứ đều thay đổi, nhất là về mặt tự do tín ngưỡng. Ngày trước, Hungary chỉ có bốn Ðạo được chính quyền công nhận, còn những tôn giáo khác kể cả Phật giáo thì không được thừa nhận.
Tiền thân của Trường Cao Ðẳng Phật Học này là Viện Nghiên Cứu Ðông Phương (Institute of Oriental Studies), ba trong số những người đứng ra thành lập Trường Phật học này là thành viên của Ban Ðiều Hành Viện. Tất cả các vị ấy đều là những người có tâm huyết và muốn phục hưng Phật giáo tại Hungary.
Ông Farkas Pal cũng cho biết chương trình học và dạy tại Trường rất nghèo nàn vì phải tuỳ thuộc vào nguồn tài chánh. Trường tổ chức dạy các cổ ngữ PG khác nhau như Sanskrit, Hán cổ, Tạng ngữ và Nhật ngữ. Tuy nhiên ông Pal lạc quan cho biết rằng:''dù tài chánh chúng tôi rất eo hẹp, nhưng chúng tôi có nhiều giáo sư giỏi và làm việc rất tận tâm. Lúc đầu tất cả đều làm việc không lương. Nhưng gần đây trường đã đuợc chính quyền quan tâm và giúp cho một số ngân quỹ để trả lương cho giáo viên. Chúng tôi hy vọng Trường sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ này để chúng tôi tiếp tục sứ mạng của mình''.
Giáo Hội Phật Giáo Hungary, Viện Phật Học Quốc Tế và mới đây là Trường Cao Ðẳng Phật Học đã giúp cho Phật giáo Hungary chuyển tiếp qua một giai đoạn mới, đẩy mạnh công cuộc truyền bá giáo pháp thâm diệu của Ðức Phật đến cho bất cứ ai muốn bước vào lộ trình Giác ngộ, thể hiện mọi giá trị văn hóa của phương đông cùng ý nghĩa thật sự của nó, ngỏ hầu phá tan những ảo tưởng và vô minh, làm cho con người tốt hơn và cao thượng hơn trong tinh thần hướng đến phẩm giá nhân bản, tình yêu thương, hòa ái, an lạc và hiểu biết lẫn nhau vì mục đích phồn vinh và hạnh phúc.
(Theo Tạp chí Dharma World tháng 10/1998 và Buddhists For Peace tháng 11/1986)
Thích Nguyên Tạng,
Chùa Quảng Ðức
Melbourne, Australia
[ Trở Về ]