Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [ Trang Chủ ]


 

Phật Giáo tại Ðan Mạch

Thích Nguyên Tạng


 

Ðan Mạch (Denmark), một quốc gia lập hiến ở Bắc Âu, nằm trên bán đảo Guitten và một số đảo phụ thuộc Dilendia, Boochom... Diện tích 43.000km2, dân số 5,2 triệu người (thống kê năm 1992), thủ đô Copenhagen. Ðan Mạch là một nước công nghiệp rất phát triển. Nổi tiếng nhất là các ngành đóng tàu, đánh cá, sản xuất nông phẩm, hàng hải... Ðan Mạch có đảo phụ thuộc lớn là Groenland, eo biển nằm giữa các đảo Iceland và Groenland, nối thông Ðại Tây Dương với biển Groenland.

Ðan Mạch là một quốc gia giàu có ở châu Âu, một nước có nền xuất khẩu lớn về lúa mì, sữa, phô-mai, và nhiều nông sản khác. Ðan Mạch có một chế độ an sinh xã hội rất cao, lệ phí bệnh viện, học phí từ tiểu học đến đại học, người công dân đều không phải đóng. Tất cả mọi sinh hoạt phí đều phải trả bằng thuế, nhưng với giá rất thấp. Khoảng 87% dân số Ðan Mạch là tín đồ Thiên Chúa giáo, số còn lại là Hồi giáo và Phật giáo.

Phật giáo được truyền vào Ðan Mạch vào cuối thế kỷ thứ 19, nhờ công của một số nhà khoa học và nhà truyền giáo. Một người nổi bật trong số đó là ông Rasmus Rask, người Ðan Mạch, đã từng đến học ngôn ngữ ở Ấn Ðộ và SriLanka vào năm 1800. Ông Rasmus Rask đã học một số kinh quan trọng trong tiếng Pàli và về sau ông đã dịch ra tiếng Ðan Mạch.

Tiếp đó, có một số khoa học gia nghiên cứu tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo ở Trung Quốc. Trong thời gian này, cũng có một nhà truyền giáo Thiên Chúa ở Á Ðông thích tìm hiểu tôn giáo, việc đó làm ảnh hưởng đến giới trí thức ở Ðan Mạch. Tuy nhiên, phải mất nhiều năm trước khi người Ðan Mạch đến với Phật giáo.

Người Phật tử đầu tiên ở Ðan Mạch là ông Christian Melbye, một bác sĩ, người đã thành lập Hội Phật giáo Ðan Mạch (The Buddhistic Society in Denmark) vào năm 1921. Trước đó, ông có một thời gian học hỏi và nghiên cứu Phật giáo từ sách vở của người Anh, Ðức và Pháp.

Những năm sau đó, Phật giáo vẫn được biết đến trong giới trí thức ở Ðan Mạch. Cho đến đầu những năm 1960, có một sự thay đôi lớn đã nổ ra, giới trẻ Ðan Mạch đột nhiên thích nghe nhạc rock, nhạc của nhóm Beatles, đã quan tâm đến tôn giáo và triết học Á Ðông, và cuối cùng, họ chuyển hướng theo đạo Phật. Một người trong số đó là nhà báo, nhà bình luận chính trị, ông Erik Meier Carlsen, đã tu tập theo Phật giáo Tây Tạng. Trong thời gian này, cũng có nhiều người đến Ấn Ðộ, Nepal và Nhật Bản để học hỏi, tìm hiểu tôn giáo và triết học của phương Ðông.

Một người chọn Nhật Bản làm nơi đến để nghiên cứu đạo Phật là ông Tim Pallis. Ông đã lưu trú một năm ở Nhật để học với Thiền sư Sohaku Kobkri. Sau đó, Tim Pallis đã trở về Ðan Mạch với một người vợ Nhật Bản. Ông tiếp tục việc nghiên cứu kinh điển và tọa thiền, ông cũng đã hướng dẫn một nhóm tu thiền, họ gặp mặt hàng tuần để tĩnh tọa và thảo luận.

Một Phật tử Ðan Mạch khác hiện nay đang tích cực hoạt động Phật sự là ông Jorges Hannibal và vợ của ông là bà Katla đã quy y và học Phật với một Thiền sư người Việt Nam tại Pháp. Hiện tại, ông trở thành giảng viên Phật pháp và thường xuyên tổ chức tuần lễ tu học cho Phật tử tại Ðan Mạch.

Tuy nhiên, người Ðan Mạch dường như chịu ảnh hưởng đối với Phật giáo Tây Tạng. Từ cuối những năm 1960, ông Ole Nydahl, là một người nổi danh ở Copenhagen và nhiều quốc gia khác, ông đã học Phật và thành lập một nhóm nghiên cứu về Phật giáo Thiền và Tây Tạng, nhóm này có văn phòng riêng và có xuất bản tờ báo Phật giáo mang tên "Diễn đàn Phật giáo" (Buddhist Forum) bằng tiếng Ðan Mạch.

Như các quốc gia châu Âu khác, Phật tử Ðan Mạch hiện tại chịu ảnh hưởng cả truyền thống Theravada (Thái Lan, Miến Ðiện, Sri Lanka) và truyền thống Mahayana (Nhật Bản, Tây Tạng và Việt Nam). Theo thống kê sơ bộ của các nhóm Phật tử Ðan Mạch thì hiện nay có trên 500 người Ðan Mạch là tín đồ của Ðạo Phật, họ không xây dựng chùa mà chỉ có những trung tâm tu học. Ngoài ra, ở Ðan mạch có hai ngôi chùa lớn, một của người Việt (2 vị Tăng người Việt) và một của người Thái (có 15 vị sư Thái).

Mặc dù số lượng tín đồ Phật giáo tại Ðan Mạch quá ít, tuy nhiên đời sống tín ngưỡng đang trở nên phổ biến và từng bước bén rễ vào đời sống văn hóa, tinh thần và xã hội Ðan Mạch ngày một vững chắc hơn. Ðặc biệt ngày nay có nhiều văn nghệ sĩ đã đến với Phật giáo như Lb Michael, một nhà văn nổi tiếng; Per Kirkeby, Ole Palsby họa sĩ, nhà tạo mẫu nổi tiếng thế giới. Bên cạnh đó có nhiềi bác sĩ, nhiều nhà khoa học Ðan Mạch cũng tìm về với Phật giáo.

Mười năm trước đây, nhiều người dần dần thay đổi cách sống của họ. Họ quan tâm đến lối ăn kiêng, để có lợi cho sức khỏe, họ tập thư giãn để có lợi cho ích cho tinh thần; đó là cơ hội ban đầu để họ đến với đạo Phật. Chẳng bao lâu, một trào lưu ra đời được gọi là "Thời đại mới" (New Age), nhiều đường hướng tu tập tâm linh đã được người Mỹ diễn dịch qua nhiều cách khác nhau từ tôn giáo và triết lý Ðông Phương, đó là một sự pha trộn mới lạ và hấp dẫn. Ở Ðan Mạch đã ảnh hưởng không khí của phong trào này.

Tóm lại, sau một thời gian dài với sự chuyển mình qua "Thời đại mới", nhiều người Ðan Mạch đã tìm đến với Phật giáo và xem Phật giáo là đạo của mình. Ðiều đó đã dể dàng nhìn thấy vào mùa Hè năm 1996 vừa qua, nhiều ngàn người đã đến nghe đức Ðạt Lai Lạt Ma thuyết giảng vào hai buổi được tổ chức ngoài trời ở thủ đô Copenhagen. Nhìn chung, có nhiều điều chỉ ra rằng Phật giáo sẽ đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của người Ðan Mạch ở tương lai.

Thích Nguyên Tạng,
Chùa Quảng Ðức
Melbourne, Australia
(Theo: Ole Felsby, Danish Buddhist Newsletter, tháng 6-97)

[ Trở Về ]